Đọc hiểu: Đừng cười nhạo mình nữa, đừng chửi rủa mình - Ba mẹ ơi con bị bắt nạt

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 19 Tháng một 2024.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    Ba mẹ ơi con bị bắt nạt là một tác phẩm tố cáo tội ác bắt nạt không chỉ ở trong nhà trường mà còn ở ngoài xã hội của tác giả Barbara Coloroso.

    Bài tập dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tác phẩm này!​

    Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

    Đừng cười nhạo mình nữa, đừng chửi rủa mình

    Đừng biến niềm đau của mình thành niềm vui cho bạn

    Mình là cậu bé đeo kính

    Người bị gọi là kẻ quái dị

    Là cô bé chẳng bao giờ cười

    Vì mình niềng răng

    Và mình biết cảm giác khóc tới khi ngủ thiếp đi là thế nào

    Mình là cậu nhóc ở mọi sân chơi

    Luôn là lựa chọn cuối cùng

    Là người mẹ đơn thân đương tuổi dậy thì

    Cố gắng vượt qua quá khứ

    Bạn chẳng cần phải trở thành bạn của mình

    Nhưng mình có đòi hỏi quá không khi muốn nói:

    Đừng cười nhạo mình nữa

    Đừng chửi rủa mình nữa

    Đừng biến niềm đau của mình thành niềm vui cho bạn

    Đừng cười nhạo rằng mình béo hay gầy, hay thấp, hay cao

    Hay điếc, hay mù, này chẳng phải tất cả chúng mình đều như thế sao?​

    (Theo Barbara Coloroso - Ba mẹ ơi con bị bắt nạt - Nhà xuất bản Thế giới 2017 trang 146)​

    Câu 1: Xác định những đối tượng bị cười nhạo được nêu trong văn bản trên?

    Câu 2: Qua câu thơ "Đừng biến niềm đau của mình thành niềm vui cho bạn" có thể thấy những người đi bắt nạt là người như thế nào?

    Câu 3: Điệp khúc "Đừng cười nhạo mình nữa, đừng chửi rủa mình" trở đi trở lại trong đoạn thơ có tác dụng gì?

    Câu 4: Anh/ chị có đồng tình với suy nghĩ của tác giả:

    "Đừng cười nhạo rằng mình béo hay gầy, hay thấp, hay cao

    Hay điếc, hay mù, này chẳng phải tất cả chúng mình đều như thế sao?"

    [​IMG]

    Gợi ý đọc hiểu

    Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi là:

    Câu 1:

    Những đối tượng bị cười nhạo được nêu trong văn bản là:

    "Cậu bé đeo kính" – Kẻ quái dị

    "Cô bé chẳng bao giờ cười" - niềng răng

    "Cậu nhóc ở mọi sân chơi" – lựa chọn cuối cùng

    "Người mẹ đơn thân" – đương tuổi dậy thì

    Câu 2:

    Các ý chính: Những kẻ bắt nạt là

    + Là những người ích kỉ, xấu xa

    + Là người vô cảm

    + Có suy nghĩ phiến diện, nông cạn

    Diễn đạt:

    Qua câu thơ "Đừng biến niềm đau của mình thành niềm vui cho bạn" có thể thấy những người đi bắt nạt trước hết là những người ích kỉ, xấu xa, chà đạp lên những kẻ yếu thế chịu nhiều thiệt thòi. Họ là những kẻ không có trái tim, vô cảm và không biết cảm thông trước những nỗi đau của người khác. Cuối cùng, những kẻ bắt nạt, theo tôi còn là những kẻ có cái nhìn phiến diện, không biết tôn trọng sự khác biệt của những người xung quanh.

    Câu 3:

    Các ý chính:

    + Tạo giọng điệu

    + Nhấn mạnh nội dung

    + Bày tỏ tình cảm

    Diễn đạt:

    Biện pháp nghệ thuật điệp ngữ "Đừng cười nhạo mình nữa, đừng chửi rủa mình" trong ngữ liệu có nhiều tác dụng. Nó đã tạo một giọng điệu thơ da diết đầy khẩn thiết, nhấn mạnh ước mong của những con người bị cười nhạo, bị chửi rủa, khinh thường. Điệp khúc này vang lên chính là ước mơ được tôn trọng, được thấu hiểu, đồng cảm. Qua đó, tác giả cũng cất lên tiếng nói bảo vệ những con người yếu thế, nhắn nhủ tới mọi người hãy tôn trọng sự khác biệt và phải hướng đến một lối sống văn hóa, văn mình và công bằng.

    Câu 4:

    Các ý chính: Đồng tình vì:

    + Không ai là hoàn hảo, sự khiếm khuyết là thiệt thòi.

    + Đó là hành động vô cảm, ích kỉ.

    Diễn đạt:

    Tôi đồng tình với suy nghĩ của tác giả: "Đừng cười nhạo rằng mình béo hay gầy, hay thấp, hay cao/ Hay điếc, hay mù, này chẳng phải tất cả chúng mình đều như thế sao?" Vì sinh ra trên đời, không ai là hoàn hảo, ngay cả bản thân chúng ta đều có những khiếm khuyết, thế nên khi ta cười nhạo người khác, ta cũng đang cười nhạo chính bản thân mình. Khi con người sinh ra đều không có quyền lựa chọn hình hài, gia cảnh, và khi có những khiếm khuyết, họ là người thiệt thòi và cần được cảm thông, quan tâm giúp họ vơi bớt mặc cảm, tự ti và tủi thân để từ đó vượt lên nghịch cảnh. Sẽ thật là vô cảm, ích kỉ và tàn nhẫn nếu chúng ta cười nhạo, chế giễu người khác! Điều đó sẽ làm cho họ tổn thương và mất niềm tin vào cuộc sống. Khi đó, dù vô tình hay cố ý thì ta cũng đã trở thành người ác và đồng lõa với cái xấu.

    (Còn tiếp)
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...