Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi: Một cô giáo trường công đã giúp tôi hiểu rõ cái ý nghĩa phức tạp của việc cho và nhận. Khi nhìn cách tôi cầm sách trong giờ tập đọc, hiển nhiên cô đã nhận thấy có gì không bình thường; cô liền thu xếp cho tôi đi khám mắt. Cô không đưa tôi đến bệnh viện mà dẫn tôi tới bác sĩ nhãn khoa riêng của cô, không phải kiểu làm việc thiện mà như với một người bạn. Thật ra, tôi ngạc nhiên về hành động đó đến nỗi không nhận biết được chuyện gì đã xảy ra, cho tới một ngày kia cô đưa cho tôi một cặp kính. "Em không thể nhận được. Em không có tiền trả đâu", tôi nói, cảm thấy xấu hổ vì nhà mình nghèo. Cô liền kể chuyện cho tôi nghe: "Hồi cô còn nhỏ, một người hàng xóm đã mua kính cho cô. Bà ấy bảo một ngày kia cô sẽ trả cặp kính đó bằng cách tặng kính cho một cô bé khác. Em thấy chưa, cặp kính này đã được trả tiền từ trước khi em ra đời." Thế rồi cô nói với tôi những lời nồng hậu nhất mà chưa ai từng nói với tôi: "Một ngày nào đó em sẽ mua kính cho một cô bé khác". Cô nhìn tôi như một người cho. Cô làm tôi thành người có trách nhiệm. Cô tin tôi có thể có một cái gì để trao cho người khác. Cô chấp nhận tôi như thành viên của cùng một thế giới mà cô đang sống. Tôi bước ra khỏi phòng, giữ chặt kính trong tay, không phải như kẻ vừa nhận một món quà, mà như người chuyển tiếp món quà đó cho kẻ khác với tấm lòng tận tụy. (Theo Bin-li Đa-vít, trong Trái tim người thầy, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004) Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản? Câu 2: Xác định nội dung chính của văn bản? Câu 3: Hãy đặt nhan đề cho văn bản? Câu 4: Viết bài văn nghị luận ngắn trình bày suy nghĩ của em về bài học cuộc sống mà em rút ra từ ngữ liệu trong phần đọc hiểu trên. Gợi Ý Câu Trả Lời Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là tự sự Câu 2: Nội dung chính của văn bản là thể hiện tình yêu thương đối với nhân loại và giúp người đọc nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa, sức mạnh lan tỏa từ việc làm cho đi và nhận đi. Đọc văn bản, ta có cái nhìn khách quan, chân thực, sâu sắc từ việc làm cho đi. Tác giả gửi thông điệp ý nghĩa đến với độc giả, đừng ngần ngại, hãy cho đi tình yêu thương rồi nhất định bạn sẽ nhận lại yêu thương. Hãy biết ơn những tấm lòng cao thượng, nhân ái và lan tỏa sức mạnh tình yêu thương nhé! Câu 3: Nếu được đặt nhan đề cho văn bản, tôi sẽ đặt tựa đề là Cho Và Nhận Câu 4: Cho và nhận là thứ tình cảm giữa người với người dành cho nhau hết sức tốt đẹp, cao quý và thiêng liêng. Cho chính là sự lắng nghe, đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ dành cho nhau tình cảm ấm áp, yêu thương, chân thành xuất phát từ trái tim. Nhận chính là hưởng thụ thành quả tốt đẹp từ việc người khác cho. Cho và nhận là hành động tương tác qua lại từ hai chiều, có cho thì ắt có nhận giống như "gieo nhân nào thì gặt quả nấy". Khi ta biết cho đi đồng nghĩa với việc ta sẽ nhận lại sự thư thái, thảnh thơi, thoải mái, dễ chịu từ tâm hồn. Bên cạnh những con người đáng được ca ngợi biết cho đi việc làm ý nghĩa, không đòi hỏi nhận lại, cũng không mưu cầu bản thân sẽ nhận lại được gì thì cũng có những người ích kỷ, nhỏ nhen, tham lam chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi. Những người toan tính, vị kỷ như thế đáng bị chỉ trích, phê phán, lên án. Bài học cuộc sống tôi rút ra được từ việc cho và nhận là ta muốn nhận lại thì ta phải cho đi. Cuộc sống sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp nếu như ta có tấm lòng yêu thương, biết cho đi mà không mong cầu nhận lại bất cứ gì. Hạt giống cho đi được ta gieo trồng, chăm sóc, bón phân, tưới nước cả một quá trình dài mới đạt được thành quả đơm hoa, kết trái. Quả ngọt ta thu hoạch được chính là thành quả ta nhận được từ quá trình gieo trồng. Hãy cùng nhau chung tay gieo trồng hạt giống ý nghĩa vì cuộc sống tươi đẹp nhé!