Đọc đoạn trích sau: () Vào hạ, sự chuyển dịch của trời đất như chùng lại trên cây cối; vẻ bay bướm xuân thì đã qua đi, thiên nhiên ổn định hẳn trong mầu lục trầm trầm của lá già. Vườn lá không đẹp, dù vậy, nó chưa bao giờ làm cho tôi chán mắt; bởi nó toát ra khí mạnh của nhựa cây, và trong những ổ lá rậm rịt kia, các loại trái đang lớn lên dưới sức nóng hun đúc. Hạ chí trở đi, vườn An Hiên vào mùa quả, khởi đầu là mùa thơm: Giống thơm Nguyệt Biều vỏ chín đỏ như lửa cắt ra từng lát tròn to vừa lòng cái đĩa bàn, vàng rệu mầu mật ong, tưởng chừng có cô gái nào đó ở trong cây đã làm sẵn hoàn chỉnh một chiếc bánh kem sinh nhật. Dâu chín vào tháng năm, tháng sáu. Cây dâu Truồi ở vườn bà Lan Hữu rất đẹp, tán lá khum khum úp sát mặt đất kín mít, bên trong rỗng, trái chín vàng hươm từng chuỗi dài đổ úp thành đống quanh gốc cây. Nhìn đống quả đầy ứ như là ai đã hái sẵn đổ ra kia, tôi chợt mỉm cười với một ý nghĩ lạ lùng: Giả như đời chẳng còn nhiệm vụ gì, tôi sẽ trải một tấm chiếu nhỏ dưới vòm lá kín đáo kia, nằm đó đọc sách ăn dâu. Suốt mùa hè. Sau vườn, cạnh giếng nước, có một vạt đất trồng mức làm chái cho những loại cây leo: Hồ tiêu, thanh long v. V.. Cây thanh long đặc sản nổi tiếng vùng Nha Trang, có lẽ là giống cây hiền lành nhất trong vườn: Thân nhánh dài ngoằng nằm ún đống trên chạc cây mức trông như một đống dây chão; trồng một lần rồi chẳng bao giờ cần ngó lại, nó sống như một vật bỏ quên sau vườn, đến mùa lại cho con người hoa trái. Cây xấu xí mà hoa đẹp thế, hoàn toàn giống hoa quỳnh, cũng nở và tàn trong một đêm nên nhiều khi muốn ngắm hoa, bà Lan Hữu đã phải thắp đèn ra vườn lúc nửa đêm. Trái Thanh Long màu cánh sen chín vào những ngày nóng nhất của mùa hè, ruột trong như bột lọc, làm mát và khỏe người; ấy là món quà hảo tâm của thiên nhiên dành cho người làm vườn. Cuối hạ, mỗi hoàng hôn, lũ dơi lại xuất hiện, đảo liệng khắp vườn rồi chui vào những vòm lá tối, nơi đó tỏa ra mùi vải chín. Hè năm ngoái, tôi về huyện Nam Thanh, Hải Hưng; miền quê cây trái hào hiệp, mời khách ăn vải thiều không tiếc của, cứ đổ luôn trên mặt bàn thành đống cao như khoai như ngô. Giống trái quý này xưa kia dùng để tiến nạp cho vua ăn, bây giờ chúng tôi được đãi theo lối xả láng, ăn đến no bụng. Giống vải thiều Hưng Yên đưa vào Huế vẫn giữ được phẩm chất của nó, quả lớn hạt nhỏ cùi trắng nõn trông như một miếng mỡ, thơm và ngọt lịm. Vườn An Hiên còn có mấy cây vải Phụng Tiên, giống vải Huế quả lớn hơn quả nhãn một chút, hạt bé bằng hạt tiêu, hương vị không kém vải thiều xứ Bắc. Giống vải này được xếp vào dòng quí tộc, xưa chỉ trồng nơi cung cấm; bà Lan Hữu xin lại từ vườn của một viên thái giám. Đối ứng với mấy cây vải thiều miền Bắc, góc vườn bên kia có hai cây sầu riêng Lái Thiêu; bà Lan Hữu mang về trồng đã hai mươi năm, cách đây vài năm mới cho mùa quả đầu, trái to múi thơm không khác trái vườn trong Nam. Càng vào thu, khu vườn càng hiện ra trong vẻ đẹp của trái, càng gợi cho người đi dạo vườn cái cảm giác khinh khoái của một phòng trưng bày tranh tĩnh vật. Cam và thanh trà làm khu vườn nặng trĩu xuống khác với dạo đầu mùa hạ; và đến cuối tháng tám, những cây thị nhung chi chít những quả đỏ. Loại thị này, giống như quả táo tây, cũng là một loại cây trái lạ, do mấy ông cố đạo mang đến từ một xứ nhiệt đới xa xôi nào đó. Cuối vụ thu là mùa hái hồng. Mấy cây hồng này già tuổi nhất trong vườn, vốn là quà tặng của cụ Nghè Mai – chắt nội cụ Nguyễn Du – tặng cho chồng bà Lan Hữu ngày mới lập vườn. Hồng Tiên Điền là giống của quê hương Nghệ Tĩnh ngàn vạn trái không có một hạt, trái chín lụn, đài vẫn dính chặt vỏ, không bị tróc mất như các loại hồng thường. Sau mùa trái nó trút hết lá, cây cỗi cành trơ, nhìn cứ tưởng là nó đã chết khô. Qua tiết đông, thoắt cái nó nẩy lộc chi chít, mươi hôm sau lá đã phủ kín cây; lá hồng tròn dày, xanh bóng, nhạy cảm với từng tia nắng, sáng trưng lên trong niềm vui phục sinh của mùa xuân. Tháng hai hồng ra hoa, trong lòng mỗi đóa hoa xanh biếc đã kết một trái non. Từ đó đến lúc chín, trái non rụng dần, rụng như một hành động tự đào thải tàn nhẫn. () (Trích Hoa trái quanh tôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí Sông Hương, số 3 (T. 10-1983) Trắc nghiệm: Hãy lựa chọn 01 đáp án đúng nhất Câu 1: Mùa nào trong đoạn trích trên được tác giả đề cập đến? A. Mùa đông B. Mùa Xuân C. Mùa Hạ D. Mùa Hạ, Thu Câu 2: Đoạn trích trên sử dụng các phương thức biểu đạt nào? A. Tự sự, miêu tả, biểu cảm B. Biểu cảm, tự sự C. Thuyết minh, biểu cảm D. Miêu tả, thuyết minh, tự sự Câu 3: Loại trái nào chín vào tháng năm, tháng sáu? A. Thanh Long B. Dâu C. Vải D. Cam Câu 4: Liệt kê các loại trái được tác giả đề cập? A. Thơm, dâu, thanh long, vải, xoài, mận, thị, hồng B. Thơm, dâu, thanh long, vải, hồng, quýt, đào, lê C. Thanh long, cam, dâu, vải, xoài, sầu riêng, dưa hấu, cà chua D. Thơm, dâu, thanh long, vải, sầu riêng, cam, thanh trà, thị, hồng Câu 5: Đoạn trích đề cập đến đối tượng nào? A. Các loại cây B. Các loại hoa C. Các loại trái D. Các loại hoa và quả Câu 6: Tác giả bày tỏ cảm xúc gì thông qua đoạn trích trên? A. Ngỡ ngàng, thích thú trước vẻ đẹp đa dạng, phong phú của khu vườn. B. Trân quý vẻ đẹp của cảnh vật, thiên nhiên C. Ngạc nhiên trước vẻ đẹp trù phú của thiên nhiên D. Biết ơn người lao động vun trồng, chăm sóc khu vườn Câu 7: Nêu nội dung chính của đoạn trích trên? A. Các loại trái trong khu vườn An Hiên theo từng mùa B. Các loại hoa quả qua từng mùa C. Đặc điểm các loại hoa quả D. Vẻ đẹp của từng loại hoa trong khu vườn An Hiên Câu 8: Vườn An Hiên khởi đầu là mùa gì? A. Thị B. Vải C. Thơm D. Thanh long Trả lời các câu hỏi sau: Câu 9: Anh/ chị yêu thích chi tiết nào nhất trong đoạn trích trên? Vì sao? Câu 10: Ngôn ngữ, giọng điệu trong đoạn trích trên như thế nào? Câu 11: Thông qua đoạn trích trên tác giả gửi gắm thông điệp gì? Gợi Ý Trả Lời Câu 1: D. Mùa Hạ, Thu Câu 2: A. Tự sự, miêu tả, biểu cảm Câu 3: B. Dâu Câu 4: D. Thơm, dâu, thanh long, vải, sầu riêng, cam, thanh trà, thị, hồng Câu 5: C. Các loại trái Câu 6: A. Ngỡ ngàng, thích thú trước vẻ đẹp đa dạng, phong phú của khu vườn. Câu 7: A. Các loại trái trong khu vườn An Hiên theo từng mùa Câu 8: C. Thơm Câu 9: Tôi yêu thích chi tiết: "Sau mùa trái nó trút hết lá, cây cỗi cành trơ, nhìn cứ tưởng là nó đã chết khô. Qua tiết đông, thoắt cái nó nẩy lộc chi chít, mươi hôm sau lá đã phủ kín cây; lá hồng tròn dày, xanh bóng, nhạy cảm với từng tia nắng, sáng trưng lên trong niềm vui phục sinh của mùa xuân." Vì: Chi tiết trên giàu ý nghĩa nói về quy luật tự nhiên, sự tuần hoàn theo từng mùa trong năm. Cây trái sinh sôi, phát triển tốt tươi nếu như thời tiết thuận mùa. Thời tiết, khí hậu có khắc nghiệt đến mấy không thể tiêu diệt được sức sống bền bỉ của cây hồng. Từ hình ảnh cây hồng trong đoạn trích trên ta có thể liên hệ đến những con người giàu ý chí, nghị lực không bao giờ từ bỏ ước mơ, khát vọng vươn tới thành công. Câu 10: Ngôn ngữ chân thực, giản dị, gần gũi giúp người đọc dễ dàng cảm thụ nội dung. Giọng điệu: Nhẹ nhàng, trìu mến thể hiện lòng trân quý, biết ơn trước vẻ đẹp trù phú của thiên nhiên, cây trái mà tạo hóa đã ban tặng cho con người theo từng mùa. Câu 11: Thông điệp ý nghĩa: - Thiên nhiên có vai trò quan trọng, gắn bó mật thiết đối với cuộc sống con người dù trải qua các mùa biến đổi. - Hãy yêu thương, trân quý, gìn giữ vẻ đẹp của thiên nhiên. - Cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp, ý nghĩa hơn nếu như con người sống chan hòa cùng với thiên nhiên. - Khi nào ta cảm thấy mệt mỏi, bi quan, chán nản hãy tìm về thiên nhiên để xoa dịu, chữa lành tổn thương tâm hồn.