Đọc hiểu: Mưa Xuân - Nguyễn Bính

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Hậu Minh, 22 Tháng mười hai 2023.

  1. Hậu Minh

    Bài viết:
    87
    LINK: Đề thi theo SGK mới Mưa xuân của Nguyễn Bính, dùng cho 3 bộ sách - HỌC NGỮ VĂN





    Đọc hiểu: Mưa Xuân - Nguyễn Bính

    Đọc đoạn trích sau:

    Em là con gái trong khung cửi

    Dệt lụa quanh năm với mẹ già.

    Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,

    Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

    Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,

    Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.

    Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,

    Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.

    Lòng thấy giăng tơ một mối tình.

    Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.

    Hình như hai má em bừng đỏ,

    Có lẽ là em nghĩ đến anh.

    Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,

    Em ngửa bàn tay trước mái hiên.

    Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh,

    Thế nào anh ấy chẳng sang xem


    Em xin phép mẹ, vội vàng đi

    Mẹ bảo em về kể mẹ nghe

    Mưa bụi nên em không ướt áo

    Thôn Đoài cách đó một thôi đê.


    Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm

    Em mải tìm anh chả thiết xem

    Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh

    Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.


    Chờ mãi anh sang anh chẳng sang

    Thế mà hôm nọ hát bên làng

    Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

    Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng!


    Mình em lầm lụi trên đường về

    Có ngắn gì đâu một dải đê!

    Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt

    Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya..


    Nguyễn Bính

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1: Xác định đề tài trong văn bản trên?

    Câu 2: Tìm từ láy được sử dụng trong hai câu thơ

    "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,

    Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy."

    Câu 3: Theo tác giả vì sao nhân vật trữ tình lại đến Hội chèo thôn Đoài?

    Câu 4: Từ "hình như", "có lẽ" trong hai câu thơ sau thể hiện điều gì?

    "Hình như hai má em bừng đỏ,

    Có lẽ là em nghĩ đến anh."

    Câu 5: Phân tích hiệu quả biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ "Lòng trẻ còn như cây lụa trắng."

    Câu 6: Nhận xét tâm trạng của cô gái trong đêm xuân đi xem hội?

    Câu 7: Quan điểm của em về hành động "vội vàng đi" của nhân vật trữ tình được thể hiện ở đoạn trích.

    Câu 8: Từ nội dung của đoạn trích, bày tỏ thái độ của em về lời dạy trong câu tục ngữ "Trâu đi tìm cọc, chứ cọc không đi tìm trâu".

    Gợi ý trả lời:

    Câu 1:

    - Đề tài trong văn bản: Mùa xuân và tình yêu

    Câu 2:

    - Từ láy được sử dụng trong hai câu thơ: Phơi phới, lớp lớp

    Câu 3:

    - Theo tác giả nhân vật trữ tình lại đến Hội chèo thôn Đoài vì: Lời hẹn năm tao bảy tuyết của nhân vật "anh".

    Câu 4:

    - Từ "hình như", "có lẽ" trong hai câu thơ:

    + Diễn tả cái mơ hồ, mong manh, cái không rõ ràng, chưa được xác định cụ thể trong tâm trạng cảm xúc của cô gái về tình yêu. Cô gái vừa chờ đợi vừa hi vọng. Thể hiện tình yêu vừa đến vừa như chưa đến.

    + Sự tinh tế của tác giả trong việc diễn tả những rung động của tình yêu đôi lứa.

    Câu 5:

    - Biện pháp nghệ thuật so sánh lòng trẻ với cây lụa trắng

    - Tác dụng:

    + Cụ thể hóa hình ảnh cô gái trẻ với tâm hồn trong sáng, ngây thơ.

    + Trân trọng, ngưỡng mộ vẻ đẹp tâm hồn của cô gái.

    + Làm câu thơ trở nên hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn, tăng sức gợi hình gợi cảm..

    Câu 6:

    Đoạn trích làm nổi bật hình ảnh người con gái trong không khí mùa xuân với những diễn biến tâm trạng đầy phức tạp

    - Hồi hộp, hi vọng, háo hức.. trên đường đến với người hẹn ước;

    - Khắc khoải trông ngóng, kiếm tìm, chờ đợi.. trong buổi xem hát;

    - Buồn tủi, thất vọng, cô đơn.. khi không được đáp lại tình cảm, cuộc hẹn không thành.

    Câu 7:

    Quan điểm của em về hành động vội vàng đi của nhân vật trữ tình được thể hiện ở đoạn trích:

    - Em đồng tình vì:

    + Đó là việc làm thực hiện lời hẹn.

    + Đó là sự hối thúc của tình yêu, khát vọng hạnh phúc chính đáng của cô gái lần đầu rung động tâm hồn.

    + Thể hiện vẻ đẹp nhân văn của nhân vật.

    - Em không đồng tình vì:

    + Cô gái quá chủ động

    + Cô gái đã nhẹ dạ, cả tin, mạo hiểm nên phải chịu tổn thương về tâm hồn

    + Hành động đi ngược với chuẩn mực đạo đức về người con gái.

    Câu 8:

    - Hình ảnh ẩn dụ: Trâu - người con trai, cọc - người con gái

    - Lời khuyên: Trong chuyện tình yêu, người con trai chủ động đi tìm người con gái nhưng người con gái không được chủ động như thế mà phải chờ đợi người con trai tìm đến với mình.

    - Đồng tình vì: Nếu người phụ nữ chủ động sẽ khó có được sự tôn trọng từ người con trai, hạ thấp giá trị bản thân, chịu sự phê phán của mọi người, cuộc sống khó hạnh phúc lâu dài.

    - Không đồng tình vì: Xã hội đã tiến bộ, người phụ nữ cũng có quyền bình đẳng, quyền chủ động để tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc lứa đôi, nếu thụ động chờ đợi sẽ đánh mất cơ hội hạnh phúc.
     
    Mình là ChiLieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 23 Tháng mười hai 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...