Đọc hiểu: Từ ngày mẹ chết - Nam Cao - Hôm nay mưa rét

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 2 Tháng một 2024.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    Đọc văn bản sau:

    Từ ngày mẹ chết - Nam Cao

    Hôm nay mưa rét. Mỗi khi trời mưa rét Ninh lại nhớ đến bu. Hồi bu còn sống, những ngày mưa rét, bu hay mang cái bị giẻ và một ôm quần áo rách vào ổ rơm ngồi vá. Bu Ninh khéo vá lắm. Bao nhiêu là quần áo rách!.. Đật và Ninh chiếm mỗi đứa một bên cạnh mẹ. Ninh kêu bên Ninh ấm, Đật cãi bên Đật ấm, hai đứa cãi nhau chí chóe. Mẹ đùa con, bảo: "Có im, không thì tao đánh cho một cái.. tha hồ ấm". Chị em cười khành khạch rồi cãi nhau bô bô. Mẹ ngừng kim, cốc vào đầu con gái. Ninh rụt cổ lại, ôm đầu cười hí hí. Mẹ Ninh bật cười. Ấy thế là Ninh sằng sặc cười thật to, khiến Đật đang khóc cũng khanh khách cười.. Chao ôi! Những ngày mưa rét hồi ấy vui quá nhỉ?

    Bu chết đã ngót ba năm. Thì ra ba năm cũng dài lắm nhỉ. Ninh cứ tưởng bu Ninh chết đã lâu lắm. Xưa kia, những ngày bu đi chợ tỉnh, độ gần tối chưa về Ninh đã thấy mong. Bây giờ vắng bu bằn bặt những ba năm. Hồi mẹ Ninh mới chết, cứ nghĩ đến mẹ là Ninh khóc. Ninh khóc ằng ặc như người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng. Khóc đến lặng hẳn người đi, không còn ra tiếng nữa. Mỗi ngày hai, ba lần. Bây giờ thì Ninh không khóc nữa. Nhưng Ninh vẫn còn buồn lắm. Ninh ngơ ngẩn như mất vía. Thầy Ninh cũng hiểu Ninh nhớ mẹ, nên không nỡ mắng.. Mẹ Ninh chết sau ngày giỗ ông nội Ninh có hai ngày. Thầy Ninh bảo: "Con chịu khó ở nhà với bu kẻo bu buồn.". Ninh thương bu lắm. Ninh không muốn đi đâu, thầy ạ!.. Có lẽ bu cũng hiểu. Bu nhìn Ninh âu yếm. Mắt bu ầng ậc nước. Ninh nắm lấy cái bàn tay bu, chỉ còn rặt những xương, mà lạnh giá. Ninh bóp tay bu nhẹ nhẹ. Mắt bu lim dim và đôi môi nhợt nhạt của bu hé mở như chực cười. Rồi bu rửa tay cho Ninh lâu lắm. Vừa rửa bu vừa bảo: "Sẩy mẹ ra một cái là khổ ngay, con ạ. Ấy là mới rời tao ra hơn một tháng.. Chúng mày đã gầy giơ xương. Ngộ tao chết thì có lẽ chúng mày rã xương ra được. Này, cái cổ tay.. có khác gì cái cẳng gà hay không?". Ngừng một lát, bu lại thở dài mà bảo: "Mẹ mà chết thì các con đi ăn mày mất! Đàn ông chả mấy người biết thương con cái. Cha chết thì ăn cơm với cá, mẹ chết liếm lá dọc đàng. Mẹ mà chết đi thì.. con ơi!..". Ấy thế là nước mắt bu chảy ra ròng ròng. Ninh cũng khóc.

    Bây giờ nghĩ đến bu, Ninh không khóc nữa.. Không khóc mà lại có nước mắt, nước mũi Ninh đang chảy ra đây này.. Đàn ông chả mấy người biết thương con cái.. Không có lẽ. Thầy Ninh thương chị em Ninh lắm chứ!.. Hồi bu mới chết, đêm, Đật và Ninh ngủ với thầy. Mùa bức thì thầy ngồi quạt. Quạt cho đến tận lúc nào con ngủ mệt, thầy mới chịu ngả lưng xuống giường. Ninh thấy thầy quạt rất khuya. Thầy thở dài luôn ấy. Có khi sụt sịt. Thì ra đêm đêm thầy vẫn khóc. Thầy nhớ bu.. Ấy, cái hồi bu mới chết thì thế đấy. Nhưng ít lâu nay, hình như thầy đổi tính. Thầy vắng nhà luôn. Thầy phải gửi gạo bên nhà bác Vụ để thổi cơm cho Ninh và Đật. Bởi thầy đi từ sáng cho đến tối. Có khi tối cũng không về. Có khi đi luôn hai, ba ngày. Chị em Ninh phải ăn nhờ, ngủ nhờ nhà bác Vụ. Đi đâu vậy? Nào ai biết!

    Hôm nay, bà ngoại Ninh vào chơi với cháu. Bà ngồi xuống ngưỡng cửa, bảo cháu:

    - Có phải bố mày bán nhà rồi không?

    - Con không biết.

    - Bán rồi! Thua xóc đĩa.. Thua đâu những ngót ba trăm bạc..

    Bà chép miệng: Đến chết đói thôi, các cháu ạ!..

    * * * Buổi sáng hôm ấy trời ấm áp. Một bọn năm, sáu người, kẻ cầm lạt, kẻ cầm dùi đục, tuốn vào đầy sân. Mấy người trèo lên nóc nhà nhà Ninh. Họ dỡ tranh quẳng xuống sân rào rào. Ninh chạy về..

    - Ô hay! Sao các ông phá nhà tôi?

    - A! Thầy mày thuê chúng tao phá đi để làm nhà tây đấy mà. Thầy mày thích làm nhà tây kia.. Làm nhà bên Tây - Trúc ấy mà, mày biết không?

    Ninh sợ hãị. Ninh chạy bình bịch sang nhà bác Vụ. Vừa bước vào nhà bác. Ninh sửng sốt. Thầy Ninh ở đấy. Thầy Ninh nằm thườn thượt trên một cái giường, hai tay chít lại bên dưới gáy. Ninh mếu máo: Thầy ơi! Thầy.. Rồi Ninh nghẹn ngào, không nói được nữa. Nước mắt ứa ra. Thầy Ninh ngồi dậy, bảo: "Việc gì mà khóc? Thầy bán cho người ta đấy. Bán lấy tiền mua vài phiến lim về xẻ. Chuyến sau, ta làm một cái nhà toàn lim!". Ninh trố mắt lên nhìn thầy.. Bỗng từ bên nhà đưa sang những tiếng dùi đục kêu chan chát. Nghe ghê rợn lắm. Ninh đã được nghe những tiếng dùi đục ấy một lần rồi, vào cái ngày mẹ chết: Người ta đóng cả chiếc săng của mẹ.. Trông như thầy Ninh mếu. Ninh òa lên khóc "Bu ơi là bu ơi!.."

    (Tuyển tập Nam Cao tập 1, NXB Thanh niên, Hà Nội)​

    Nam Cao (1917-1951) tên thật là Trần Hữu Tri, quê ở Lý Nhân, Hà Nam. Đề tài sáng tác của ông trước Cách mạng thường xoay quanh đời sống cơ cực của người nông dân và các bi kịch của người trí thức nghèo ở thành thị. Nam Cao khẳng định vị trí trong lịch sử văn học bằng thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông chú trọng diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật, xây dựng các tính cách phức tạp, thực hiện nhiều đột phá trong nghệ thuật tự sự với lối trần thuật phối hợp nhiều điểm nhìn, giọng điệu, kết cấu linh hoạt, cách sử dụng ngôn ngữ sinh động, vừa gần gũi với ngôn ngữ giao tiếp đời thường, vừa giàu suy tưởng.

    [​IMG]

    Truyện ngắn "Từ ngày mẹ chết" của Nam Cao được in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy số 452, năm 1943.

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Xác định ngôi kể của truyện? Việc sử dụng ngôi kể đó đem lại tác dụng gì?


    - Trả lời: Truyện được viết theo ngôi thứ ba.

    - Việc sử dụng ngôi thứ ba giúp cho độc giả có nhiều góc nhìn về câu chuyện, tạo sự khách quan, trung thực.

    Câu 2. Nhân vật Ninh thường nhớ đến bu vào thời gian nào?

    - Trả lời: Nhân vật Ninh thường nhớ đến bu mỗi khi trời mưa rét.

    Câu 3. Xác định điểm nhìn trần thuật trong chi tiết "Hồi mẹ Ninh mới chết, cứ nghĩ đến mẹ là Ninh khóc. Ninh khóc ằng ặc như người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng. Khóc đến lặng hẳn người đi, không còn ra tiếng nữa".

    - Trả lời: Điểm nhìn trần thuật trong chi tiết truyện: "Hồi mẹ Ninh mới chết, cứ nghĩ đến mẹ là Ninh khóc. Ninh khóc ằng ặc như người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng. Khóc đến lặng hẳn người đi, không còn ra tiếng nữa" là điểm nhìn của nhân vật Ninh, điểm nhìn từ bên trong.

    Câu 4. Tóm tắt cốt truyện của truyện ngắn "Từ ngày mẹ chết".

    - Trả lời: "Từ ngày mẹ chết" của Nam Cao là một trong những tập truyện ngắn cảm động về tình cảm mẹ con. Câu chuyện kể về cuộc sống của Ninh sau khi mẹ mất đi. Cô gái đã trải qua những thay đổi lớn trong cuộc sống và tình cảm sau sự ra đi đột ngột của người mẹ yêu quý. Câu chuyện mở đầu về nỗi nhớ bu của Ninh. Nỗi nhớ hiện lên trong Ninh với tất cả những tình thương. Ninh nhớ những việc làm của mẹ, những thói quen của mẹ, những kỉ niệm tuổi thơ bên mẹ. Không nỗi đau nào đau bằn nỗi đau mất mẹ. Đoạn kết thể hiện Tâm trạng Ninh vỡ òa khi chứng kiến cảnh người ta đến tháo rỡ ngôi nhà đi do thầy Ninh thua bài rồi đem bán.

    Câu 5. Theo anh/chị, tại sao Ninh lại "òa lên khóc" khi nghe thấy "từ bên nhà đưa sang những tiếng dùi đục kêu chan chát"?

    - Trả lời: Ninh lại "òa lên khóc" khi nghe thấy "từ bên nhà đưa sang những tiếng dùi đục kêu chan chát" là vì: Ninh hiểu nhà mình đang bị phá, Ninh sẽ bị mất nhà. Ninh nhớ mẹ, Ninh tủi thân xót xa cho hoàn cảnh của mình và òa khóc nức nở.

    Câu 6. Đọc truyện ngắn "Từ ngày mẹ chết" anh/chị hiểu gì về nhân vật Ninh?

    Nhân vật Ninh trong truyện ngắn là người:

    - Hiểu chuyện, sống tình cảm, biết thương mẹ (không đi ăn giỗ, ở nhà với mẹ vì mẹ ốm, hồi mẹ Ninh mới chết, cứ nghĩ đến mẹ là Ninh khóc. Ninh khóc ằng ặc như người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng. Khóc đến lặng hẳn người đi, không còn ra tiếng nữa. Mỗi ngày hai, ba lần. Bây giờ thì Ninh không khóc nữa. Nhưng Ninh vẫn còn buồn lắm. Ninh ngơ ngẩn như mất vía)

    - Thương thầy phải trông 2 chị em Ninh..

    - Nhạy cảm, nhận ra sự thay đổi của thầy (Thầy nhớ bu.. Ấy, cái hồi bu mới chết thì thế đấy. Nhưng ít lâu nay, hình như thầy đổi tính. Thầy vắng nhà luôn. Thầy phải gửi gạo bên nhà bác Vụ để thổi cơm cho Ninh và Đật. Bởi thầy đi từ sáng cho đến tối. Có khi tối cũng không về. Có khi đi luôn hai, ba ngày. Chị em Ninh phải ăn nhờ, ngủ nhờ nhà bác Vụ. Đi đâu vậy? Nào ai biết)

    - Bất lực trước cảnh nhà bị bán, đối mặt với cái đói, cảnh không nhà cửa, xót xa nhớ bu..

    Câu 7. Anh/chị có đồng tình với câu nói của bu Ninh "Đàn ông chả mấy người biết thương con cái" không? Vì sao?

    - Tôi không đồng tình với câu nói của bu Ninh. Tôi cho rằng đàn ông cũng biết thương con cái như phụ nữ, chỉ có thể là cách thể hiện khác nhau.

    Trước đây, khi xã hội còn nặng nề định kiến về vai trò của nam nữ, đàn ông thường được coi là trụ cột gia đình, có trách nhiệm lo kinh tế cho gia đình. Do đó, họ thường dành nhiều thời gian cho công việc, ít quan tâm đến con cái. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, quan niệm về vai trò của nam nữ đã thay đổi. Đàn ông cũng có quyền tham gia vào các hoạt động chăm sóc con cái, nuôi dạy con cái. Có nhiều cách để thể hiện tình yêu thương của cha dành cho con cái. Đó có thể là những cử chỉ nhỏ bé như: Bế ẵm, chơi đùa với con, cho con ăn, đọc truyện cho con nghe.. hoặc những hành động lớn lao hơn như: Sẵn sàng hy sinh cho con, bảo vệ con.. Trong thực tế, có rất nhiều người cha thương con hết mực. Họ luôn dành thời gian cho con cái, quan tâm đến việc học hành, sức khỏe của con. Họ cũng là những người bạn thân thiết, luôn lắng nghe và chia sẻ với con.

    - Tuy nhiên, vẫn có một số người cha không biết thương con cái. Họ có thể vì lý do công việc, vì thói quen, hoặc vì những nguyên nhân khác mà bỏ bê con cái. Trong văn bản, thầy Ninh bỏ bê Điều này gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.

    - Vì vậy, tôi cho rằng không nên đánh đồng tất cả đàn ông đều không biết thương con cái. Cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tôn trọng sự khác biệt trong cách thể hiện tình yêu thương của cha dành cho con.

    Câu 8. Truyện ngắn "Từ ngày mẹ chết" có ý nghĩa như thế nào với anh/chị?

    Truyện ngắn "Từ ngày mẹ chết" đem lại cho tôi cái nhìn sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng và sự khó khăn, cơ cực, nheo nhóc của đàn con thơ khi mẹ mình không may qua đời. Qua đó, ta thêm trân trọng hơn tình cảm mẹ con, yêu thương mẹ nhiều hơn và khẳng định tình cảm gia đình là thứ tình cảm thiêng liêng nhất.
     
    LieuDuong thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...