Đọc hiểu Mùa giáp hạt - Nguyễn Trung thành: Những bữa cơm độn sắn, độn khoai

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ột Éc, 22 Tháng tư 2023.

  1. Ột Éc

    Bài viết:
    2,950
    Đọc hiểu Mùa giáp hạt - Nguyễn Trung Thành

    Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

    MÙA GIÁP HẠT..

    * * * Những bữa cơm độn sắn, độn khoai trong mùa giáp hạt đó là chuyện thường xuyên. Ba anh em tôi luôn được bố mẹ nhường phần cơm. Bố mẹ ăn phần sắn và khoai lang, chúng tôi cứ vô tư ăn ngon lành. Và những bữa cơm như thế, bố mẹ luôn ngồi đầu nồi, nhiều hôm tôi thấy bố mẹ thở dài. Hai đứa em tôi không để ý đến những hành động đó. Trong bữa cơm, thường có một bát mắm tôm đồng, hoặc sang hơn có thêm bát sườn lợn được mẹ băm thật nhỏ và kho thật mặn. Một nồi canh rau tập tàng. Chỉ đơn sơ vậy thôi, mà anh em tôi thấy ngon biết mấy.

    Những mùa giáp hạt, vai mẹ lại gầy đi vì những đêm thức trắng, trằn trọc với viết bao lo lắng. Tóc bố ngày một bạc thêm như thể có khói thuốc trên đầu. Anh em tôi cứ thế lớn lên trên đôi vai gầy của mẹ. Lớn lên trên những sợi bạc của bố, lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của của gia đình. Lớn lên trong những mùa giáp hạt, lớn lên trong nồi cơm độn khoai sắn. Bây giờ ngồi ôn lại những kỉ niệm, ôn lại những mùa giáp hạt, trong lòng không khỏi cảm thấy rưng rưng.

    Quê tôi không còn cảnh phải ăn cơm độn sắn khoai. Nhưng tôi vẫn nhớ lắm những mùa giáp hạt..

    (Trích Mùa giáp hạt, Nguyễn Trung Thành, Báo Giáo dục và Thời đại số 100, ra ngày 26/4/2018, trang 50)

    Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

    A. Biểu cảm

    B. Miêu tả

    C. Nghị luận

    D. Tự sự

    Câu 2: Hãy cho biết đoạn trích trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì?

    A. Khoa học

    B. Nghệ thuật

    C. Hành chính

    D. Chính luận

    Câu 3: Nêu nội dung chính của đoạn trích trên.

    A. Vẻ đẹp của thiên nhiên

    B. Ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước

    C. Đề cao tình cảm gia đình, những kỉ niệm, kí ức tuổi thơ đáng nhớ.

    D. Tình yêu, hạnh phúc lứa đôi

    Câu 4: Xác định ngôi kể của đoạn trích trên.

    A. Ngôi kể thứ nhất

    B. Ngôi kể thứ ba

    C. Người kể ẩn mình

    D. Người kể giấu mình

    Câu 5: Nêu tác dụng của việc sử dụng ngôi kể đó.

    A. Gián tiếp đưa ra đánh giá, nhận xét thông qua các hình ảnh nhân vật

    B. Dẫn dắt câu chuyện

    C. Giúp câu chuyện sinh động

    D. Người kể trực tiếp bày tỏ tâm trạng, suy nghĩ, tình cảm về gia đình.

    Câu 6: Thái độ, tình cảm của tác giả thông qua đoạn trích trên.

    A. Bày tỏ yêu thương dành cho quê hương

    B. Yêu thương vẻ đẹp của thiên nhiên

    C. Biết ơn, trân quý công lao nuôi dưỡng của gia đình

    D. Căm phẫn trước những điều bất như ý

    Câu 7: Trong kí ức của tác giả, bố mẹ đã ăn gì để nhường những món ngon cho con cái.

    A. Sắn, khoai lang

    B. Thịt, cá

    C. Rau cải

    D. Trái cây

    Câu 8: Nêu tác dụng chủ yếu của việc sử dụng biện pháp tu từ Điệp ngữ: "Lớn lên"

    A. Giúp người đọc dễ hình dung

    B. Tăng sức gợi hình, gợi cảm

    C. Giúp câu văn sinh động

    D. Nhấn mạnh, khắc ghi công lao dưỡng dục sinh thành của bố mẹ

    Câu 9: "Anh em tôi cứ thế lớn lên trên đôi vai gầy của mẹ. Lớn lên trên những sợi bạc của bố, lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của của gia đình. Lớn lên trong những mùa giáp hạt, lớn lên trong nồi cơm độn khoai sắn."

    Từ đoạn trích trên, anh/chị có cảm nhận gì về tình cảm tác giả dành cho gia đình?

    Câu 10: Tấm lòng, sự hy sinh của bố mẹ dành cho con cái trong đoạn trích trên mang lại cho anh/chị suy nghĩ gì?

    Câu 11: Hãy nêu thông điệp ý nghĩa anh/chị rút ra sau khi đọc đoạn trích trên.

    [​IMG]

    Gợi Ý Đọc Hiểu

    Câu 1: D. Tự sự

    Câu 2: B. Nghệ thuật

    Câu 3: C. Đề cao tình cảm gia đình, những kỉ niệm, kí ức tuổi thơ đáng nhớ.

    Câu 4: A. Ngôi kể thứ nhất

    Câu 5: D. Người kể trực tiếp bày tỏ suy nghĩ, tâm trạng, tình cảm về gia đình.

    Câu 6: C. Biết ơn, trân quý công lao nuôi dưỡng của gia đình

    Câu 7: A. Sắn, khoai lang

    Câu 8: D. Nhấn mạnh, khắc ghi công lao dưỡng dục sinh thành của bố mẹ

    Câu 9:

    Tác giả bày tỏ tấm lòng, tình cảm yêu thương, trân quý và biết ơn đối với sự hy sinh tần tảo, vất vả, nhọc nhằn, gian khó của bố mẹ đã dành cho mình. Đôi vai của mẹ gầy đi vì gánh vác, lo toan cho gia đình bằng tình yêu thương bao la, thiêng liêng. Mái tóc bố bạc đi theo năm tháng vì sự lớn lên, trưởng thành của con cái. Mùa giáp hạt, bữa cơm độn khoai sắn đã nuôi tác giả lớn lên. Trong tâm tưởng của tác giả, quê hương, nguồn cội là nơi đầy ắp tình yêu thương, có sự đùm bọc, bảo vệ, chở che, nâng đỡ của bố mẹ nuôi ta lớn khôn từng ngày.

    Câu 10:

    Tấm lòng, sự hy sinh của bố mẹ dành cho con cái khiến người đọc không khỏi xúc động, nghẹn ngào. Dẫu cuộc sống còn nghèo khó, có vô vàn chông gai, khó khăn và thử thách thì bố mẹ vẫn lấy tình yêu dành cho con cái làm nguồn động lực để vượt qua tất cả.

    Trong bữa cơm gia đình, bố mẹ luôn dành phần ngon nhất cho con cái, còn bản thân thì ăn tạm bợ cho qua bữa. Bố mẹ không quản ngại hy sinh tuổi thanh xuân để đổi lại cuộc sống ấm no, đủ đầy cho con cái. Điều mong ước lớn nhất của bố mẹ, đó là nuôi dạy con cái lớn khôn, trưởng thành trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.

    Câu 11:

    Thông điệp rút ra:

    - Tình cảm gia đình luôn là thứ tình cảm thiêng, cao quý trong cuộc đời mỗi người

    - Hãy luôn biết ơn, yêu thương cha mẹ, bởi trên thế gian này không đâu bình yên bằng nhà, không ai tốt với ta bằng gia đình.

    - Quê hương là nơi gắn liền với những kí ức, kỉ niệm tuổi thơ tuyệt đẹp.

    - Trải qua thời kì đầy gian khó, ăn cơm độn khoai sắn ta sẽ thêm quý trọng tình cảm gia đình dành cho mình


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...