Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi: ".. Trong lúc mọi người xôn xao vui vẻ phía sau lưng, bác lái xe quay sang nhà họa sĩ nói vội vã: - Tôi sắp giới thiệu với bác một trong những người cô độc nhất thế gian. Thế nào bác cũng thích vẽ hắn. Không hiểu sao nói đến đấy, bác lái xe lại liếc nhìn cô gái. Cô bất giác đỏ mặt lên. - Một anh thanh niên hai mươi bảy tuổi! Đây là đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét. Anh ta làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Cách đây bốn năm, có hôm tôi cũng đang đi thế này chợt thấy khúc thân cây chắn ngang đường, phải hãm lại. Một anh thanh niên ở đâu chạy đến, hè với tôi và khách đi xe đẩy khúc cây ra một bên cho xe đi. Hỏi ở đây ai mà đẩy cây ra giữa đường thế này, anh chỉ đỏ mặt. Thì ra anh mới lên nhận việc, sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ cỏ cây và mây mù lạnh lẽo, chưa quen, thèm người quá, anh ta kiếm kế dừng xe lại để gặp chúng tôi, nhìn trông và nói chuyện một lát. Kìa, anh ta kìa.." (Trích "Lặng lẽ Sa Pa" - Ngữ văn 9 tập 1) Câu 1: Em hãy cho biết truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của ai và nêu hoàn cảnh sáng tác. Câu 2: Văn bản "Lặng lẽ Sa Pa" được kể theo ngôi kể nào? Nêu tác dụng của ngôi kể. Câu 3: Trong tác phẩm, nhân vật bác lái xe có vai trò như thế nào? Qua lời giới thiệu của bác, người đọc hiểu gì về cuộc sống, tính cách của anh thanh niên? Câu 4: Bác lái xe đã nói với ông họa sĩ: "Thế nào bác cũng thích vẽ hắn" sau đó nhắc lại: "Thế nào bác cũng thích vẽ anh ta". Hãy chỉ rõ trong hai câu nói đó có thành phần biệt lập nào? Việc nhắc lại hai lần câu nói có ý nghĩa gì? Câu 5: Trong tác phẩm, nhà họa sĩ đã dùng tài năng hội họa và cả trái tim mình để tạo nên tác phẩm nghệ thuật với mong muốn đem lại những giá trị đẹp đẽ cho đời. Điều này khiến em liên tưởng đến văn bản nào đã được học trong chương trình Ngữ văn trung học cơ sở? Nêu tên tác giả. Câu 6: Vì sao các nhân vật trong truyện không có tên riêng? Câu 7: Trong đoạn trích, Nguyễn Thành Long đã để bác lái xe giới thiệu với ông họa sĩ, cô kĩ sư về anh thanh niên là "người cô độc nhất thế gian". Cách giới thiệu như vậy có tác dụng gì? Câu 8: Trong chương trình Ngữ văn 9 cũng có một văn bản truyện khác cũng kể về cuộc gặp gỡ tình cờ là sự khởi đầu của một tình cảm đẹp đẽ. Đó là văn bản nào, của ai? Câu 9: Chủ đề của tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" được tác giả nêu trực tiếp nhưng kín đáo trong câu văn giàu chất suy tưởng. Hãy chép lại câu văn đó. Câu 10: Trong tác phẩm, những điều anh thanh niên suy nghĩ đã tạo nên những âm vang, khơi gợi bao điều suy nghĩ trong lòng ông họa sĩ. Em hãy cho biết ông đã có gì thay đổi sau khi gặp gỡ người thanh niên ấy? Câu 11: Vì sao anh thanh niên lại từ chối để ông họa sĩ vẽ mình? Điều đó cho thấy phẩm chất gì ở anh? Câu 12: Đoạn trích ".. Một ấn tượng hàm ơn khó tả dạt lên trong lòng cô gái. Không phải chỉ vì bó hoa rất to sẽ đi theo cô trong chuyến đi thứ nhất ra đời. Mà còn vì một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô..". Em hiểu "một bó hoa nào khác nữa" và "hàm ơn" nghĩa là gì? Câu 13: Vì sao khi đối diện với anh thanh niên, ông họa sĩ lại cảm thấy sức mạnh nghệ thuật và sự bất lực của nó? Câu 14: Cảm giác "nhọc mệt" của ông họa sĩ em hiểu thế nào? Gợi ý trả lời Câu 1: Em hãy cho biết truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của ai và nêu hoàn cảnh sáng tác. - Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Thành Long. - Hoàn cảnh sáng tác: Năm 1970, thời kỳ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chia lửa với miền Nam, khi tác giả có chuyến đi thực tế tại Lào Cai. Truyện ngắn được in trong tập "Giữa trong xanh" (1972). Câu 2: Văn bản "Lặng lẽ Sa Pa" được kể theo ngôi kể nào? Nêu tác dụng của ngôi kể. Truyện được kể theo ngôi thứ ba - điểm nhìn của ông họa sĩ. Tác dụng: - Giúp câu chuyện trở nên chân thực, khách quan, mạch truyện linh động - Thuận lợi trong việc miêu tả bức tranh thiên nhiên Sa Pa đậm chất hội họa, khiến tác phẩm giàu chất trữ tình - Miêu tả nhân vật anh thanh niên một cách khách quan, hoàn thiện qua những hành động và suy nghĩ đẹp - Góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm: Ca ngợi vẻ đẹp của những con người lao động âm thầm, lặng lẽ cống hiến sức mình cho Tổ quốc và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Câu 3: Trong tác phẩm, nhân vật bác lái xe có vai trò như thế nào? Qua lời giới thiệu của bác, người đọc hiểu gì về cuộc sống, tính cách của anh thanh niên? Truyện được kể từ điểm nhìn của nhân vật bác lái xe nên bác lái xe có vai trò quan trọng: - Là cầu nối, là người dẫn dắt, giới thiệu anh thanh niên với ông họa sĩ và cô kỹ sư. - Nhân vật bác lái xe cũng góp phần làm nổi bật chủ đề tác phẩm: Ca ngợi vẻ đẹp của những con người lao động âm thầm, lặng lẽ cống hiến sức mình cho Tổ quốc và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Qua lời giới thiệu của bác, người đọc thấy hoàn cảnh sống của anh thanh niên khắc nghiệt: Sống và làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600 mét, quanh năm chỉ có mây mù, sương tuyết làm bạn, công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo chấn động, tính mây, dự báo thời tiết.. góp phần phục vụ đời sống sản xuất và chiến đấu. Bên cạnh đó, ta còn thấy tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao với công việc và có lối ứng xử lịch sự, ấm áp tình yêu thương. Câu 4: Bác lái xe đã nói với ông họa sĩ: "Thế nào bác cũng thích vẽ hắn" sau đó nhắc lại: "Thế nào bác cũng thích vẽ anh ta". Hãy chỉ rõ trong hai câu nói đó có thành phần biệt lập nào? Việc nhắc lại hai lần câu nói có ý nghĩa gì? - Thành phần biệt lập tình thái: Thế nào - Việc nhắc lại hai lần câu nói đã tạo sự tò mò cho ông họa sĩ; đồng thời cho thấy anh thanh niên có nhiều phẩm chất tốt đẹp sẽ là nguồn cảm hứng để ông họa sĩ đưa vào tranh. Câu 5: Trong tác phẩm, nhà họa sĩ đã dùng tài năng hội họa và cả trái tim mình để tạo nên tác phẩm nghệ thuật với mong muốn đem lại những giá trị đẹp đẽ cho đời. Điều này khiến em liên tưởng đến văn bản nào đã được học trong chương trình Ngữ văn trung học cơ sở? Nêu tên tác giả. Đó là văn bản "Chiếc lá cuối cùng" của O. Hen-ri Câu 6: Vì sao các nhân vật trong truyện không có tên riêng? Các nhân vật trong truyện không có tên riêng vì đây là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Các nhân vật không có tên riêng mà được gọi theo giới tính, nghề nghiệp, độ tuổi. Điều đó đã cho thấy họ có thể là bất kỳ ai và ta có thể bắt gặp họ ở bất kỳ đâu, không ai nhớ mặt đặt tên họ, họ là những người lao động bình thường. Và chính điều đó càng làm nổi bật chủ đề tác phẩm: Ca ngợi vẻ đẹp của những con người lao động âm thầm, lặng lẽ cống hiến sức mình cho Tổ quốc và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Câu 7: Trong đoạn trích, Nguyễn Thành Long đã để bác lái xe giới thiệu với ông họa sĩ, cô kĩ sư về anh thanh niên là "người cô độc nhất thế gian". Cách giới thiệu như vậy có tác dụng gì? Điều đó tạo sự tò mò, thích thú cho ông họa sĩ và cô kỹ sư. Đồng thời, cách nói đó còn thể hiện hoàn cảnh sống khắc nghiệt và cô đơn của anh thanh niên trên đỉnh núi cao 2600 mét. Câu 8: Trong chương trình Ngữ văn 9 cũng có một văn bản truyện khác cũng kể về cuộc gặp gỡ tình cờ là sự khởi đầu của một tình cảm đẹp đẽ. Đó là văn bản nào, của ai? Đó là văn bản "Bố của Xi - mông" của Mô - pa - xăng Câu 9: Chủ đề của tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" được tác giả nêu trực tiếp nhưng kín đáo trong câu văn giàu chất suy tưởng. Hãy chép lại câu văn đó. Đó là câu văn: "Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kỹ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước" Câu 10: Trong tác phẩm, những điều anh thanh niên suy nghĩ đã tạo nên những âm vang, khơi gợi bao điều suy nghĩ trong lòng ông họa sĩ. Em hãy cho biết ông đã có gì thay đổi sau khi gặp gỡ người thanh niên ấy? Bối rối -> xúc động -> yêu -> trân trọng, ca ngợi Câu 11: Vì sao anh thanh niên lại từ chối để ông họa sĩ vẽ mình? Điều đó cho thấy phẩm chất gì ở anh? Vì anh thấy mình chưa xứng đáng, anh thấy còn nhiều người xứng đáng hơn mình. Từ đó, ta thấy lòng khiêm tốn và tâm hồn cao đẹp của anh thanh niên. Câu 12: Đoạn trích ".. Một ấn tượng hàm ơn khó tả dạt lên trong lòng cô gái. Không phải chỉ vì bó hoa rất to sẽ đi theo cô trong chuyến đi thứ nhất ra đời. Mà còn vì một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô..". Em hiểu "một bó hoa nào khác nữa" và "hàm ơn" nghĩa là gì? - "Một bó hoa nào khác nữa" là những kỉ niệm đẹp của một tấm lòng, là "bó hoa của những háo hức và mơ mộng" đang bừng nở với muôn vàn hương sắc trong tâm hồn cô gái - "Hàm ơn" là những thu lượm bổ ích, phong phú về nhận thức, về tâm hồn, cô gái như hiểu ra bao nhiêu điều về cuộc sống. Cô hiểu anh cán bộ khí tượng, hiểu cái thế giới những con người anh kể và quan trọng nhất là "cô hiểu con đường cô đang đi tới". Cô gái xúc động như giây phút tuổi trẻ đón nhận một tình yêu đích thực, cô yên tâm và tin tưởng con đường mình đang đi tới, ở công việc mình đã lựa chọn. Câu 13: Vì sao khi đối diện với anh thanh niên, ông họa sĩ lại cảm thấy sức mạnh nghệ thuật và sự bất lực của nó? Vì những suy nghĩ, hành động đẹp của anh, ông họa sĩ không thể thể hiện được hết vẻ đẹp tâm hồn anh bằng nét vẽ hội họa. Câu 14: Cảm giác "nhọc mệt" của ông họa sĩ em hiểu thế nào? Cảm giác "nhọc mệt" của người nghệ sĩ ấy chính là một niềm vui, hạnh phúc, khát khao tiếp tục được cống hiến, sáng tạo.