Đọc hiểu: Bài ca vỡ đất - Hoàng Trung Thông - Bàn tay ta làm nên tất cả

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mẩu Tũn, 17 Tháng mười hai 2023.

  1. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    316
    Đọc hiểu: BÀI CA VỠ ĐẤT

    Hoàng Trung Thông

    Đọc văn bản:

    Bàn tay lao động

    Ta gieo sự sống

    Trên từng đất khô.

    Bàn tay cần cù.

    Mặc dù nắng cháy

    Khoai trồng thắm rẫy

    Lúa cấy xanh rừng.

    Hết khoai ta lại gieo vừng.

    Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta.

    * * *

    Suối chảy quanh ta

    Tiếng suối ngân nga

    Hòa theo gió núi

    Ta đào mương mở suối

    Tuổi ta là những tuổi đấu tranh

    Cho dù bạc áo nông binh

    Vẫn còn vỡ đất cấy xanh núi đèo.

    * * *

    Chim reo trong lá.

    Hòn đá cheo leo.

    Chúng ta một lớp người nghèo.

    Giữa chiều nắng gió.

    Ðào cây cuốc cỏ

    Tỉa đỗ trồng khoai

    * * *

    Ngày còn dài

    Còn dai sức trẻ.

    Cuốc càng khoẻ.

    Càng dễ cày sâu.

    Hát lên! Ta cuốc cho mau

    Nhanh tay ta cuốc ta đào đất lên.

    Bàn tay ta làm nên tất cả

    Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

    (Trích "Bài ca vỡ đất" - Hoàng Trung Thông)​

    Thực hiện các yêu cầu sau:

    Câu 1: Xác định thể thơ của bài Thơ Bài ca vỡ đất

    Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ

    Câu 3: Nêu nội dung chính của văn bản Bài ca vỡ đất

    Câu 4 Trong khổ thơ (2), tác giả đã quan niệm tuổi của con người lao động là tuổi như thế nào?

    Câu 5: Trong khổ thơ (3), những câu thơ nào chỉ sự lao động vất vả của người lao động nghèo?

    Câu 6: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ:

    "Hết khoai ta lại gieo vừng

    Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta"

    Câu 7: Anh/chị hiểu như nào về nội dung chính của hai câu thơ:

    "Bàn tay ta làm nên tất cả

    Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"

    Câu 8: Cũng trong câu thơ

    "Bàn tay ta làm nên tất cả

    Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"

    Hình ảnh "sỏi đá" tượng trưng cho điều gì?

    Câu 9: Qua bài thơ của Hoàng Trung Thông, anh/ chị hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 10 – 15 dòng nêu suy nghĩ về vẻ đẹp lao động truyền thống của con người Việt Nam?

    Đáp án tham khảo:

    Câu 1

    Thể thơ: Tự do

    Câu 2

    Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

    Câu 3:

    Đây là một bài thơ ca ngợi, khẳng định giá trị của sức lao động và sáng tạo của con người trong việc cải tạo thiên nhiên, đồng thời thể hiện tinh thần đấu tranh, yêu nước của nhân dân Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh chống thực dân Pháp

    Câu 4: Tác giả quan niệm tuổi của người lao động là "những tuổi đấu tranh".

    Câu 5:

    Những câu thơ chỉ sự vất vả lao động của những người lao động nghèo trong khổ thơ (3) :

    "Giữa chiều nắng gió

    Đào cây cuốc cỏ

    Tỉa đỗ trồng khoai"

    Câu 6

    - Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Điệp từ "không"

    - Tác dụng:

    + Nhấn mạnh sự lao động miệt mài, cần cù, chăm chỉ của người lao động.

    Bộc lộ thái độ ngợi ca, thán phục của tác giả dành cho người lao động.

    Câu 7

    Câu thơ đã chỉ ra sức mạnh phi thường của sự nỗ lực, sự cố gắng kiên cường lao động của con người; từ đó nhắn gửi tới người đọc phải luôn làm việc, lao động một cách chăm chỉ, cần cù, nghiêm túc để đạt được kết quả tốt đẹp mà bản thân mong đợi.

    Câu 8

    Hình ảnh "sỏi đá" tượng trưng cho những trở ngại, khó khăn mà con người thường gặp trong đấu tranh chinh phục thiên nhiên.

    Câu 9

    - Vẻ đẹp lao động truyền thống của người Việt Nam là vẻ đẹp của sự cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, không quản ngại hay đầu hàng trước những khó khăn, trắc trở. Bên cạnh đó, vẻ đẹp lao động của con người Việt Nam còn được thể hiện qua sự lạc quan, niềm tin vào sức mạnh lao động tới một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...