Đọc Hiểu: Độc Tiểu Thanh Ký - Nguyễn Du: Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Jenny Nguyen Tran, 25 Tháng tư 2023.

  1. Jenny Nguyen Tran

    Bài viết:
    39
    Đại thi hào Nguyễn Du đã vang danh đến cả thế giới với tác phẩm thơ nôm đặc sắc "Truyện Kiều". Đó là câu chuyện về cuôc đời một Vương Thúy Kiều đúng với câu hồng nhan bạc phận qua tài dụng nôm điêu luyện, bậc thầy trong thi ca. Đến khi gặp mộ Tiểu Thanh, nghe câu chuyện bi thương đầy nước mắt của một số phận cũng chẳng khác Kiều là bao, Nguyễn Du lại lần nữa tức cảnh sinh tình và "Độc Tiểu Thanh " lại chính xác thêm vào những dòng bất hạnh cho số phận má hồng truân chuyên, cay đắng. Bài thơ với thể thất ngôn bát cú Đường luật quen thuộc càng thể hiện sâu sắc tài hoa của một đại thi hào trong cách dụng từ ngữ rất đắc và rất hữu hiệu để khắc họa rõ nét kiếp nữ nhân oan trái buộc ràng.

    "Tây Hồ hoa uyển tận thành khư,

    Ðộc điếu song tiền nhất chỉ thư,"


    Hoa uyển hồ tây hóa gò hoang, một nắm mộ hương tàn khói lạnh,

    Bên song cửa còn lại duy nhất chữ viết,

    Chỉ với hai câu đề, độc giả cũng đủ hình dung ra hoàn cảnh bi đát của người con gái trót làm lẽ bị sỉ nhục cho đến chết. Nắm mồ vô chủ cỏ hoang mọc đầy, vết tích còn lưu lại để nhận dạng được chỉ là một tập thơ duy nhất nằm bên song cửa. Nhìn vào bút tích ấy mà truy ra được nàng tên Tiểu Thanh, đang độ xuân thì lại sớm lìa xa nhân thế bởi oan trái nặng mang.

    Tiếp theo là hai vế đối rất chuẩn, đầy sự thổn thức:

    "Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

    Văn chương vô mệnh lụy phần dư,"

    (Son phấn có thần chôn vẫn hận,

    Văn chương không mệnh đốt còn vương)


    Kiếp má hồng phận mỏng dù chết đi vẫn ôm nỗi hận, dù đã trở về cát bụi nhưng sự hận thù, nỗi bi thương vẫn còn vương lại thế nhân, như linh hồn hãy còn lảng vảng chưa tan vì chết trong oan khuất. Bút tích lưu lại đó tưởng chừng vô tri vô giác nhưng lại là chứng cứ sinh động cho nỗi oan khiên, niềm uất hận của người con gái bởi lẽ văn chính là người, người có tâm sự, niềm vui, nỗi buồn ra sao đều nhờ văn thơ truyền tải. Cho nên tuy nói "vô mệnh" chứ kỳ thực là "hữu mệnh". Bởi chính nó đã tố giác tội ác của những ai đẩy Tiểu Thanh vào chỗ nhục nhã, vào chỗ chết.

    Bài thơ cứ dần đưa độc giả vào sự suy luận khi tác giả đưa ra luận điểm:

    Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

    Phong vận kỳ oan ngã tự cư,

    (Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

    Cái án phong lưu khách tự mang)


    Nỗi hận đó, sự oan khuất đó liệu hỏi Trời có trả lời được không? Và phải chăng "phong vận kỳ oan" là tự bản thân chuốt lấy? Bởi lẽ trong Truyện Kiều, chính ông đã khẳng định:

    "Trời xanh quen thói má hồng ghét ghen".

    Nên những ai đã trót sanh nhằm phận gái đều chịu chung nỗi thảm sầu, ai làm khách phong lưu khó tránh điều oan khuất.

    Rồi đến kết bài ông lại đặt ra một câu hỏi, là hỏi người đọc cũng là hỏi chính bản thân mình:

    Bất tri tam bách dư niên hậu,

    Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

    (Chẳng biết ba trăm năm sau nữa,

    Người đời có ai khóc Tố Như)


    Nguyễn Du đang hỏi "thiên hạ" mà cũng là đang hỏi chính mình, mình cũng là khách phong lưu, có phải chăng cũng chung chịu nỗi sầu, chịu chung số phận đã được an bài như Tiểu Thanh chăng? Giờ còn có mình khóc thương cho nỗi đoạn trường của nàng nhưng trên thế gian này, trong xã hội này (thời bấy giờ) sẽ có đến bao nhiêu cảnh đời như thế, liệu có một Nguyễn Du thứ hai xót thương hay không? Liệu đến lúc mình cũng cỏ xanh nắm mộ thì có ai đến nhỏ cho mình vài giọt nước mắt như mình đã từng làm hay chăng? Tuy kết thúc bài thơ nhưng Nguyễn Du lại mở ra một đề tài tranh luận cho người đọc, một câu hỏi khó có lời giải đáp trọn vẹn bởi định kiến xã hội, bởi biết bao ngoại lực tác động vào mà khách má hồng không có quyền chọn lựa.
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...