Đọc hiểu: Bản nháp - Vân Anh Xem thêm: NLXH: Sự Ngông Nghênh Của Tuổi Trẻ Khiến Con Người Dễ Bỏ Lỡ Những Điều Gì? Đọc bài thơ sau: Bản nháp Ngông nghênh tuổi trẻ Vô tình đục rạn chân chim mắt mẹ. Ngông nghênh tuổi trẻ Vô tình vít còng lưng cha. Hồn nhiên bước vào ngôi nhà hôn nhân Cuộc sống lứa đôi Đại ngàn nhiệt đới Ta bơ vơ đứa trẻ rừng chiều lạc lối Như thiêu thân Lao vào ánh sáng công danh Bảy dại.. Ba khôn Một giận.. Mười buồn Đi giữa cõi nhân gian Ta như quả non xanh Ủ đất đèn chín ép. Chuyến tàu đời vừa qua ga Lục Thập Ngoái lại, ước chi Đó là BẢN NHÁP. (Bản nháp, Vân Anh, Dưới vòm sữa mẹ, NXB Hội Nhà văn, 2016, tr31) Chọn đáp án đúng: Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản: A. Tự do B. Bốn chữ C. Năm chữ D. Hỗn hợp Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là? A. Nghị luận B. Biểu cảm C. Tự sự D. Miêu tả Câu 3. Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là: A. Ta B. Cha, mẹ C. Tuổi trẻ D. Bản nháp Câu 4. Những tính từ thể hiện thái độ sống của nhân vật trữ tình khi còn trẻ tuổi trong văn bản trên là: A. Ngông nghênh, vô tình B. Dại, khôn C. Bơ vơ, thiêu thân, chín ép D. Ngông nghênh, vô tình, hồn nhiên Câu 5. Cảm xúc, thái độ của nhân vật trữ tình khi nhìn lại tuổi trẻ của mình là gì: A. Tự kiêu, tự hào B. Thất vọng, chán nản C. Tiếc nuối, ân hận, tự trách D. Vừa buồn tiếc, vừa tự hào Câu 6. Điều ước của nhân vật trữ tình trong hai dòng thơ cuối là gì: Ngoái lại, ước chi Đó là BẢN NHÁP. A. Ước cuộc đời mình giống như bản nháp, có thể vứt bỏ không tiếc B. Ước cuộc đời đã qua chỉ như bản nháp, có thể tẩy sửa được những sai lầm C. Ước thời gian quay lại, mình sẽ nháp trước những điều thiết yếu cho cuộc đời D. Ước cuộc đời đừng giống như bản nháp, chỉ toàn những sai lầm Câu 7. Bài thơ có sự kết hợp giữa: A. Chất cổ điển và chất hiện đại B. Chất trữ tình và chất chính trị C. Chất trữ tình và chất triết lí D. Chất hiện thực và chất lãng mạn Trả lời câu hỏi: Câu 8. Phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật sử dụng trong 4 dòng thơ đầu: Ngông nghênh tuổi trẻ Vô tình đục rạn chân chim mắt mẹ. Ngông nghênh tuổi trẻ Vô tình vít còng lưng cha. Câu 9. Anh/ chị hiểu như thế nào về những câu thơ: Đi giữa cõi nhân gian Ta như quả non xanh Ủ đất đèn chín ép. Câu 10. Thông điệp của bài thơ trên là gì? Gợi ý đọc hiểu Câu 1. A. Tự do Câu 2. B. Biểu cảm Câu 3. A. Ta Câu 4. D. Ngông nghênh, vô tình, hồn nhiên Câu 5. C. Tiếc nuối, ân hận, tự trách Câu 6. B. Ước cuộc đời đã qua chỉ như bản nháp, có thể tẩy sửa được những sai lầm Câu 7. C. Chất trữ tình và chất triết lí Câu 8. Trong 4 dòng thơ đầu: Ngông nghênh tuổi trẻ Vô tình đục rạn chân chim mắt mẹ. Ngông nghênh tuổi trẻ Vô tình vít còng lưng cha. - Biện pháp nghệ thuật: Phép điệp từ ngữ: Ngông nghênh, vô tình - Tác dụng: + Nhấn mạnh những hậu quả đau xót của thái độ sống ngông nghênh của tuổi trẻ: Gây phiền muộn, cực khổ cho mẹ cha; + Thể hiện tâm trạng ân hận, day dứt của nhân vật trữ tình vì đã khiến cha mẹ phải buồn, phiền cực khổ. + Tạo giọng điệu trăn trở, nhức nhối cho lời thơ. Câu 9. Những câu thơ: Đi giữa cõi nhân gian Ta như quả non xanh Ủ đất đèn chín ép. Được hiểu là: - Nhân vật trữ tình phải bước vào cuộc đời khi chưa có sự chuẩn bị kĩ càng về kiến thức, nhân phẩm, kĩ năng sống.. vì thế sẽ bỡ ngỡ, thiếu sự chín chắn, chưa đủ khôn ngoan như một người trưởng thành thực thụ. - Những câu thơ trên vừa thể hiện chiêm nghiệm của nhân vật trữ tình về quãng đời tuổi trẻ ngông nghênh, nhiều sai lầm; vừa là lời nhắn nhủ đến mọi người cần phải có sự chuẩn bị kĩ càng cho cuộc sống tự lập ngay từ khi tuổi trẻ. Câu 10. Thông điệp của bài thơ trên là: - Đừng để những sai lầm của tuổi trẻ khiến ta phải hối hận sau này - Cuộc đời không có bản nháp, nên hãy chọn lối sống cho đúng đắn, tích cực. - Tuổi trẻ đừng ngông nghênh, ngang tàng, sống tùy tiện, bước vào cuộc đời sẽ chông chênh, bỡ ngỡ - Những tháng năm tuổi trẻ cần chuẩn bị kĩ càng cho cuộc sống tương lai.