Đoạn văn: Hình tượng những chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi seleneagnos, 26 Tháng tám 2022.

  1. seleneagnos

    Bài viết:
    5
    Trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khắc họa hình ảnh quen thuộc mà độc đáo về những chiếc xe không kính - biểu trưng cho sự khốc liệt của chiến tranh, cũng là minh chứng cho những phẩm chất cao đẹp của người lính Việt Nam. Hình ảnh phương tiện giao thông vốn đã không còn xa lạ trong thơ ca với cái nhìn đầy lãng mạn, đó là những chiếc thuyền "lái gió với buồm trăng" trong "Đoàn thuyền đánh cá" (Huy Cận), lại cũng là những cánh buồm "rướn thân trắng bao la thâu góp gió" của Tế Hanh với "Quê hương". Tuy nhiên, đối lập với những quen thuộc ấy, ta nhận ra một khía cạnh thật mới mẻ trong hình ảnh của Phạm Tiến Duật - những hình ảnh thực tế đến trần trụi, dường như vẫn đang băng băng trong tâm trí người lính. Xuyên suốt bài thơ là phép điệp ngữ cùng liệt kê các hình ảnh tả thực về chiếc xe "không có kính", "không có đèn", "không có mui", "thùng xe có xước", méo mó và biến dạng; bởi "bom giật", "bom rung", "bom rơi", cứ liên miên và dày đặc. Những chiếc xe chính là nạn nhân trực tiếp của bom rơi đạn lạc khốc liệt, của những gian khó, hiểm nguy trong tình trạng thiếu thốn người lính phải đối diện. Qua nhan đề chứa đựng hình ảnh ấy với hai chữ "bài thơ", ta cảm nhận được góc quan sát sáng tạo, tinh tế cùng trải nghiệm phong phú của nhà thơ khi khai thác chất thơ từ những điều chân thật, gần gũi nhất, tựa một viên ngọc hoàn toàn thô sống. Nhan đề đã thể hiện phong cách và góc nhìn thẩm mỹ trẻ trung, sôi nổi của tác giả, tạo ấn tượng mạnh cho người đọc. Song, mặc bụi trần khói lửa, vì người lính "lại đi", "lại đi", "lái trăm cây số nữa", nên "xe chạy", "xe vẫn chạy", chưa từng dừng lại. Mà những gió, những bụi cứ xối, sao trời và cánh chim cứ vụt qua, ùa vào, đồng đội cứ giao gặp nhau với đôi ba cái bắt tay ngắn ngủi và những tiếng cười. Dường như nhịp xe chạy hối hả mà vẫn thật bình ổn, vững vàng, như ý chí người lính một lòng tiến về phía trước. Xe và người như ngọn lửa vĩnh hằng, thiêu rụi bom đạn kẻ thù, thiếu thốn vật chất, cứ tiếp tục băng băng trên cung đường Trường Sơn hướng tới mặt trận, "chỉ cần trong xe có một trái tim". Những chiếc xe chính là chứng nhân, cũng là biểu tượng cho những phẩm chất của những người lính, bản lĩnh, khí phách của thế hệ tuổi trẻ hừng hực cháy, của một dân tộc Việt Nam anh hùng sống mãi trong lòng độc giả. Ngoài ra, để giúp việc diễn đạt được sinh động, ấn tượng hơn, tác giả Phạm Tiến Duật còn sử dụng các biện pháp tu từ liệt kê, điệp ngữ, so sánh động từ mạnh, cùng nhan đề và hình ảnh thơ độc đáo, mới lạ.
     
    etherealdeyvii thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...