Đoạn văn bộc lộ cảm nghĩ sau khi đọc bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư - Ngữ văn 8, Cánh diều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 6 Tháng sáu 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Trong số những bài thơ viết về mẹ, về tình cảm gia đình, "Nắng mới" của Lưu Trọng Lư là một bài thơ tiêu biểu. Bài thơ được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa Ngữ văn 8, bộ Cánh diều. Vậy sau khi học xong bài thơ này, các em có cảm nghĩ như thế nào? Dưới đây là một số cảm nghĩ của tôi sau khi đọc bài thơ "Nắng mới". Còn các bạn, các bạn có cảm xúc như thế nào, hãy chia sẻ với mọi người nhé!

    Đoạn văn bộc lộ cảm nghĩ sau khi đọc bài thơ "Nắng mới" của Lưu Trọng Lư

    - Ngữ văn 8, Cánh Diều -

    Bài thơ: Nắng mới - Lưu Trọng Lư

    Tặng hương hồn thầy mẹ.


    Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
    Xao xác, gà trưa gáy não nùng,
    Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
    Chập chờn sống lại những ngày không.

    Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời
    Lúc người còn sống, tôi lên mười;
    Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
    Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

    Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ
    Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
    Nét cười đen nhánh sau tay áo
    Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.

    Một số bản in các chữ "mẹ" là "me".

    Nguồn:
    1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, Librairie Centrale ấn hành, 1939

    Đoạn 1:

    Những bài thơ viết về mẹ thường đọng lại nhiều dư âm sâu lắng trong lòng độc giả. "Nắng mới" của nhà thơ Lưu Trọng Lư là một bài thơ như thế. Bài thơ là dòng cảm xúc đầy xúc động của người con về hình ảnh người mẹ đã qua đời. Cảm xúc ấy được khơi nguồn từ hình ảnh quen thuộc: Nắng mới. Đó là cái nắng đầu hạ bừng lên sau những ngày mưa xuân rả rích, cái nắng mang phong vị rất riêng của đồng bằng Bắc bộ. Cái nắng từng bừng sáng không gian khu vườn trong thơ Hàn Mặc Tử, khơi dậy nguồn sống tinh khôi, tươi tắn. Nhưng trong bài thơ này, nắng mới lại mang đến dư vị buồn. Bởi nó gợi nhắc về người mẹ đã quá cố của nhà thơ. Hình ảnh nắng mới gắn liền với kỉ niệm về mẹ thuở thiếu thời, lúc ấy mẹ còn trẻ, phơi phới xuân xanh, người con lúc ấy cũng còn nhỏ, mới "lên mười". Khi nắng bừng lên, mẹ thường mang áo ra phơi phóng. Hình ảnh "áo đỏ người đưa trước dậu phơi" là một kí ức đẹp, không thể xóa nhóa trong tâm trí nhà thơ. Nó giống như một vầng sáng lung linh thường trực, chỉ cần bắt gặp màu nắng mới, kí ức ấy lại ùa về. Hình ảnh người mẹ xinh đẹp, tươi tắn dù nay đã đi xa nhưng vẫn sống mãi trong tình thương, nỗi nhớ của nhà thơ. Với Lưu Trọng Lư, mẹ là kết tinh những gì đẹp đẽ, dịu hiền nhất của người phụ nữ Việt Nam. Nét cười "đen nhánh" đậm chất Á đông là nét duyên dáng, nữ tính gợi lên hình ảnh người mẹ xinh đẹp, dịu hiền. Nhớ thương mẹ, nhà thơ chỉ có thể "mường tượng" bóng dáng thân thương ấy trong từng không gian quen thuộc. Càng nhớ, càng buồn. Nghe tiếng gà trưa mà não nùng, nhìn màu nắng mới mà thao thắt. Ai mất mẹ mới hiểu cảm giác nhớ nhung đau đáu ấy. Bài thơ bộc lộ tình cảm yêu thương vô tận của nhà thơ đối với mẹ, thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng khiến ai nấy đều rưng rưng xúc động bởi nhà thơ như nói hộ nỗi lòng của biết bao người con như thế.

    [​IMG]

    Đoạn 2:

    "Mẹ là dòng suối dịu hiền; Mẹ là bài hát thần tiên; Là bóng mát trên cao; Là mắt sáng trăng sao; Là ánh đuốc trong đêm" Đúng vậy, mẹ là tất cả đối với con trong cuộc đời. Khi mẹ không còn trên thế gian này nữa, lòng con đau khổ biết bao nhiêu, nhớ thương đến chừng nào. Đó cũng là cảm xúc của nhà thơ Lưu Trọng Lư trong "Nắng mới" - một bài thơ xúc động viết về mẹ. Toàn bộ bài thơ là nỗi buồn, nhớ người mẹ đã đi xa của tác giả. Nỗi nhớ ấy bất chợt dội về khi nhà thơ bắt gặp màu nắng mới bừng lên bên song cửa. Cái nắng đầu hạ tươi tắn là thế, mà trong cảm nhận của thi nhân, lại "rượi buồn", tiếng gà trưa theo tâm trạng ấy cũng "xao xác", "não nùng" đến lạ. Cảnh đâu còn là cảnh thiên nhiên, cảnh đã trở thành phương tiện bộc lộ cảm xúc của con người, người buồn nên "cảnh có vui đâu bao giờ"? Nỗi buồn nhớ của nhà thơ được cụ thể hóa trong khổ thơ thứ hai. "Tôi nhớ me tôi" - chính là mạch cảm xúc chủ đạo của cả bài thơ này. Bắt đầu từ đây, cả một vùng kỉ niệm về mẹ ùa về tâm trí nhà thơ như một thước phim hồi ức. Hình ảnh mẹ hiện lên thật trẻ trung, xinh đẹp "thuở thiếu thời", thật tươi tắn, rạng rỡ với "nụ cười đen nhánh". Có thể nói, trong kí ức của con, mẹ là vầng sáng lung linh không thể "xóa nhòa", "vẫn còn mường tượng lúc vào ra". Mẹ đã đi về với cát bụi, nhưng hình bóng mẹ vẫn thường trực trong tâm trí, chỉ cần màu nắng mới bừng lên là bóng dáng ấy lại trở về như mới hôm qua, hôm kia. Tình yêu thương của người con đã vượt qua sự nghiệt ngã của thời gian, "bất tử hóa" kí ức về mẹ. Tình yêu ấy đã chạm đến cảm xúc của độc giả, khơi dậy tình mẫu tử thiêng liêng trong trái tim mỗi con người. Bởi vậy, bài thơ dù không dài, ngôn từ không quá cầu kì, trau chuốt, cứ mộc mạc chảy trôi như dòng cảm xúc từ trái tim, nhưng vẫn đọng lại thật nhiều dư âm sâu lắng.

    Còn nữa..
     
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...