Nắng mới in trong tập thơ "Tiếng thu", năm 1939 là bài thơ đã đi vào lòng bao thế hệ độc giả bằng sự giản dị, hoài niệm của nó. Một trường hợp điển hình cho thơ lãng mạn nói chung, và phong trào Thơ mới nói riêng. "Nắng mới" kết tinh nhất những gì là phong cách và cũng là tâm hồn của Lưu Trọng Lư - một trong những người mở màn cho Thơ mới. "Nắng mới" được nhiều nhà phê bình cho rằng là thứ ánh nắng mặt trời dịu nhẹ, tỏa sáng sau một mùa mưa lạnh ẩm ướt kéo dài. Tính chất tinh khôi, trong trắng, mong manh của nắng mới tạo nên mỹ cảm và xúc cảm cho bài thơ của Lưu Trọng Lư. Thứ nắng mới trong ký ức của tôi khi đọc thi phẩm này đó là những vệt nắng dài, tỏa ra sau những cơn mưa dầm dề nơi xứ Huế. Chúng ta dễ dàng sẻ chia và đồng cảm với bài thơ, bởi ai cũng có mẹ ở trên đời, ai cũng yêu mẹ, nhiều người sớm mất mẹ và mọi người mẹ đều sẽ không thể du hành trên cõi tạm này cùng chúng ta vĩnh viễn. Tên bài thơ: Nắng mới Tác giả: Lưu Trọng Lư Tặng hương hồn thầy mẹ. Mỗi lần nắng mới hắt bên song Xao xác gà trưa gáy não nùng Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng Chập chờn sống lại những ngày không. Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời Lúc Người còn sống, tôi lên mười Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi Hình dáng Me tôi chửa xóa mờ Hãy còn mường tượng lúc vào ra Nét cười đen nhánh sau tay áo Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa. Một số bản in các chữ "mẹ" là "me". Nguồn: 1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, Librairie Centrale ấn hành, 1939 2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004 3. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống Mới, 1968