Khái quát chung: Nền kiến trúc Hy Lạp cổ đại ra đời và hình thành trên một vùng đất đai rộng lớn, bao gồm miền Nam bán đảo Ban Căng, các đảo nhỏ ở vùng biển Égée, khu vực Tiểu Á Tế Á, vùng ven biển Hắc Hải, Italia, Sicile, Pháp, Tây Ban Nha và cả Ai Cập. Nghệ thuật kiến trúc Hy Lạp cổ đại nảy sinh trong một khung cảnh thiên nhiên đầy vẻ trữ tình: Biển xanh rờn, những rặng núi đá lấp lánh như thuỷ tinh thể, những rừng cây um tùm tươi tốt. Khí hậu ôn dới Địa Trung Hải cũng hết sức ưu ái khu vực này, nhiệt độ mát mẻ, dễ chịu tạo cho con người sống hòa đồng với thiên nhiên, quen với sinh hoạt ngoài trời. Kiến trúc đảo Crète và kiến trúc Micènnes Đảo Crète cùng với thành Micènes trên đất liền đã phát triển nền kiến trúc rực rỡ của mình với các loại hình đa dạng như thành phố, cung điện, nhà ở, lăng mộ và thành quách. - Kiến trúc đảo Crète Ở thời kỳ này, việc xây dựng kiến trúc cung điện phát triển rất mạnh, nổi bật nhất là cung điện của nhà vua Minos ờ Knossos là biểu tượng của văn hóa đảo Crète. - Kiến trúc Micènes Cùng với nền kiến trúc của đảo Crete, nền kiến trúc Micènes được đánh giá là dấu ấn nổi bật trên đất liền. Dấu vết những công trình kiến trúc giai đoạn này được nhìn thấy qua khảo sát việc xây dựng thành quách, lâu dài và lăng mộ còn lưu lại. Sự hình thành các quần thể kiến trúc thánh địa và các quần thể kiến trúc công cộng Hy Lạp cổ đại - Quần thể Kiến trúc thánh địa Tiêu biểu của kiến trúc thánh địa là quần thể thánh địa Apolo, nằm trên sườn đồi của ngọn núi Parnassus, đó là Delphi quê hương truyền thuyết cùa nữ thần Muses. Quanh khu vực thánh địa Apolo là địa điểm của các thánh địa khác nhau và là sự hiện hữu của các sân vận động, sân điền kinh, trung tâm thi đấu các môn thể thao. - Quần thể Kiến trúc công cộng Hai loại quần thể kiến trúc công cộng phổ biến trong đô thị Hy Lạp cổ đại lúc bấy giờ là Agora (quảng trường công cộng, mang nhiều tính chất dân dụng) và Acropole (quẩn thể kiến trúc với nhiều đền đài, thường xây dựng trên những khu đồi cao). Sự diễn tiến của thức cột và 3 loại thức cột Doric, Ionic, Corinth Sự đổi mới quan trọng nhất của đền đài Hy Lạp cổ đại được ghi nhận vào thời điểm thế kỷ VI tr. CN, khi vật liệu gỗ được thay bằng vật liệu đá. Trước khi đền thờ Hy Lạp cố đại được định hình bằng đá, trong một thời gian dài nó đã dùng kết cấu gỗ, cho nên dễ bị mục, mọt và dễ cháy. Những viên ngói bằng đất sét nung, có niên đại sử dụng và phát triển vào thế kỷ VII tr. CN, đã góp phần bảo vệ kết cấu gỗ bên dưới và làm cho mái đền thoải hơn. Cột đá được dùng vào kiến trúc đền đài trước tiên, ban đầu người ta đục cả khối đá dài làm cột, sau đó để tiện cho thi công và vận chuyển, cột được chia thành từng khúc tròn, giữa tiết diện có khấc để khi lắp dựng dùng nêm nêm chặt lại với nhau. Thức cột là hệ thống tỷ lệ và hình thức trang trí cột, một trong những tìm tòi trí thức nhất của người Hy Lạp cổ đại nhằm đạt đến cái đẹp lý tưởng (hệ thống thức cột Hy Lạp sau này được người La Mã tiếp tục sử dụng và phát triển và còn được thế giới sử dụng cho đến tận thế kỷ XIX). Những hàng cột thức Hy Lạp - với ba loại thức cột Doric, Ionic, Corinth - đã khẳng định phong cách kiến trúc Hy Lạp cổ đại. Thức cột mang đến cho kiến trúc một hình thức mới, một sức sống mới chịu đựng được sự thử thách của thời gian. - Thức cột Doric ra đời sớm nhất, từ thế kỷ VII tr. CN. Thức cột Doric do người Doria sáng tạo ra, sau đó phát triển mạnh ở Peloponnèse, Nam Italia và Sicile, những thành bang này lúc đó làm nông nghiệp, triều cống quả thực cho quý tộc.. và người thợ ở đây trong cảm hứng tự do sáng tạo có bị hạn chế hơn những khu vực khác của Hy Lạp cổ đại. Vì vậy, thức cột Doric toát lên vẻ mạnh chắc, nghiêm túc và suy tư. Thức cột Doric, có hậu thân là thức cột Toscan, là thức cột cổ nhất và đơn giản nhất trong hệ thống các thức cột cổ điển. Thức này được hình thành từ một trụ thẳng đứng phình to ở đáy. Nói chung, thức cột này không có phần đế cột (base) lẫn không có phần đầu cột (capital). Vẻ đẹp thức cột này thường được so sánh với vẻ đẹp khỏe mạnh của người đàn ông cường tráng, do nó được sử dụng ở tầng dưới cùng của đấu trường Coliseum và có khả năng chịu lực cao nhất. Tỷ lệ đường kính cột trên chiều cao cột khoảng 1: 4 - Thức cột Ionic: Thức cột Ionic mang dáng dấp nữ tính, mảnh dẻ và giàu tính trang trí hơn cột Doric. Nguồn gốc cột Ionic là Ionia, thuộc địa của Hy Lạp. Cột Ionic có 24 gờ sống đứng trong khi cột Doric chỉ có 20 gờ, tỷ lệ đường kính cột trên chiều cao cột là 1: 9. Ngoài ra, cột này có thêm đế cột (base) ở phía dưới và đầu cột có hình đệm nhỏ, phía trên có hình xoắn ốc loe ra rồi cuộn vào trong (volute). Các dầm ngang của cột Ionic được phân vị theo chiều ngang thành ba dải. Các ngôi đền có cột này là đền Artemis ở Ephesus (Έφεσος), đền thờ Apollo Epikourios ở Bassae (Βασσές, Bassaes), đền Erecteyon ở Athena. - Thức cột Corinth: Thức cột Corinth ra đời sau hai cột trên, vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, có đường nét mảnh mai, giàu sự trang trí, đầu cột có nhiều chi tiết cực kì hoa lệ, giống như một lẵng hoa kết hợp cùng với mấy tầng là phiên thảo diệp (acanthe). Thức cột này do kiến trúc sư Callimachus sáng tạo ra. Cột này có ưu điểm hơn hai cột trên là đối xứng nhiều chiều và có thể cảm nhận được trong không gian. Có thể thấy công trình sử dụng loại cột này tại đền Olympeion ở Athena và đền Apollo ở Bassae Tóm lại : Thức cột là sáng tạo vĩ đại của nhân dân Hy Lạp cổ đại, nó thể hiện đầu óc thẩm mỹ tinh tế và nghị lực phi thường của các kiến trúc sư cũng như tầng lớp bình dân Hy Lạp cổ đại từ đời này sang đời khác. Thành tựu này còn được áp dụng trong kiến trúc suốt thời Trung Đại, văn nghệ Phục hưng, chủ nghĩa cổ điển, đến tận đầu thế kỷ XX mới chấm dứt.