Kinh Dị Con Ma Cây Đa Sà - Thạch Kim Thử

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi thachkimthu, 7 Tháng ba 2022.

  1. thachkimthu

    Bài viết:
    207
    [​IMG]

    CON MA CÂY ĐA SÀ


    Tác giả: Thạch Kim Thử.

    Thể loại: Văn Học Kinh Dị (Tâm Linh Tôn Giáo).

    * * *

    Nói về cây đa Sà hay cây đa làng Sà là người ta lại mường tượng đến biết bao nhiêu câu chuyện ly kỳ, cổ quái, đầy huyền bí. Nào là những thảm họa khôn lường mà nơi đó đã gây nên cho những kiếp người nhỏ bé, yếu ớt nơi làng quê ấy.

    Câu chuyện mà tôi sắp kể lại cho các bạn sau đây cũng chính là chuỗi số ngày rùng rợn ly kỳ nhất về cây đa, bãi tắm, khúc sông ấy. Cây đa Sà nằm trên bãi tắm thuộc khúc sông làng Sà, bên dòng sông Cầu thơ mộng. Quanh năm nước chảy lơ thơ uốn lượn qua làng quê yên bình thuộc một xã trong cái huyện nhỏ Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang bây giờ. Ngày đó chắc cũng đã khá lâu rồi, khi còn ngồi trong lòng của mẹ, tôi đã tỏ ra rất thích thú say mê với những câu chuyện kinh dị ma quái mà người làng thường truyền miệng kể cho nhau nghe trong những buổi trưa hè oi ả, hay những đêm trăng lông nhô cao khỏi lũy tre làng. Ngay sau đây thì tôi xin được kể hầu các bạn quý độc giả và cùng đưa các bạn vào một khung cảnh âm u, rờn rợn, một bầu không khí ảm đạm của một vùng quê bắc bộ lúc bấy giờ.

    Năm ấy tôi mới lên chín, lên mười thì phải? Cái tuổi vẫn còn non trẻ, trẻ con lắm. Nhưng tôi đã ý thức được và nhớ rất rõ cho đến tận hôm nay, từng câu từng chữ mà các cụ cao niên hay ông bà trong làng vẫn thường nhắc lại, căn dặn con cháu. Rồi đến khi tôi lớn hơn một chút, thấy làng có nhiều tục lệ lạ lùng, cứ hễ vào những ngày nước của làng, tức vào khoảng tháng 5 tháng 6 hàng năm.

    Khi ấy mưa rơi nặng hạt, trút nước như ông trời đổ lệ khóc thương, mưa từ ngày này qua ngày khác, mưa thối đất thối cát, nước sông cứ thế dâng cao do từ đầu nguồn thượng du đổ về, nước dâng cao đến tận chân đê, ngập lên đến lưng chừng cây đa của làng Sà thơ mộng.

    Những gia đình có trẻ nhỏ như chúng tôi đều canh phòng, giới nghiêm cẩn thận, vì đường đến trường hay đi chợ huyện cũng đều phải đi qua đây, chỗ gốc cây đa Sà.

    Rồi gia đình nào có con cái đi học, không yên tâm, họ sẽ đưa đón cho đến hết tháng 7, tháng 8 mới thôi.

    Rồi ông bà nội thường nhắc bố tôi rằng:

    - Anh Hải bố thằng Bình này, anh phải nhớ kỹ lời tôi dặn nghe chửa?

    Các anh, các chị, khi có việc ra bãi hay qua đoạn khúc sông cây đa Sà để sang sông bên kia thì tuyệt đối không đi vào buổi trưa, buổi tối, xế chiều, hoặc giả có phải qua thì cũng phải đợi có dăm ba người cùng đi mới được qua.

    Anh phải trông chừng thằng Bình cho cẩn thận, đi đâu cũng phải để mắt, không đứa nào được ra bãi tắm đấy nghe.

    Thấy sự lạ lùng là thế, tôi gặng hỏi nội là vì sao, thì bị nội mắng rằng:

    - Không được hỏi linh tinh như thế! Trẻ con thì biết cái gì cơ chứ!

    Mà cũng không rõ lệ này của làng xuất phát từ đâu, nhưng thực sự thời gian cũng lâu lắm rồi. Khi nội còn bé như tôi cũng đã có chuyện xảy đến như vậy. Sau đấy nội trầm mặc giây lát rồi lại tiếp tục kể:

    Ngày xưa các cụ cao niên trong làng còn truyền lại, cũng không nhớ được là vào quãng thời gian nào nữa, chỉ biết rằng lúc bấy giờ đất nước còn nghèo nàn lạc hậu và loạn lạc lắm. Năm đó có hai người con gái xứ tầu xinh đẹp lắm, họ sang nước ta buôn bán, chạy thuyền sông cái từ suốt mạn thượng du xuôi xuống nước ta. Do bấy giờ đất nước loạn lạc, các quan tuần nước ta nghĩ rằng họ là gián điệp giả dạng lái buôn để do thám nên đã bắt và chặt đầu giết hại họ.

    Sự việc ấy diễn ra cũng đã quá lâu, tưởng chừng mọi sự đã lại yên bình. Nào ngờ năm đó có một vị đạo sĩ đi vân du tứ hải từ đâu đến làng, ngài ấy dừng lại làng ngắm nhìn thế đất thế sông. Cũng ngay trong hôm ấy liền tìm gặp hai vị cao niên bô lão lớn tuổi nhất của làng lúc bấy giờ là ông Cừ và ông Cử.

    Tiếp đến vị đạo nhân phán một câu chết điếng:

    - Nghiệp sát! Quả đúng là đại họa giáng đầu. Làng này có yêu khí quá nặng, nghiệp sát ngút trời, có hai con yêu ngụ tại gốc đa bến bãi, nơi mà hàng năm vào dịp tháng 5 tháng 6 vẫn thường xảy đến những cái chết thương tâm, sầu thảm nhất vùng. Tôi tính không nhầm thì năm xưa, chính các cụ tổ tiên 5 đời nhà các ông đã ra tay sát hại mà chặt đầu bọn họ. Thế rồi oán linh tích tụ mãi không tan, họ oán quá mà không chịu buông bỏ để đi đầu thai chuyển thế.

    Nói rồi đạo sĩ tay đưa ra bắt quyết, ngài bấm độn một hồi rồi ngửa mặt lên trời buông tiếng thở dài não nuột, đoạn nói tiếp:

    - Đúng là đại họa! Đại họa mất rồi! Năm nay "Hoạt Diệu Tinh" lu mờ suy yếu, mà "Kiếp Sát Tinh" lại cực đại thịnh. Hai ông đây chắc chắn khó thoát kiếp nạn truyền đời, nếu may nhờ hồng phúc tổ tiên thì làng này sẽ gặp đại nạn khó giải lắm. Nói tới đây lập tức đứng dậy, xá dài một cái rồi từ giã ra đi ngay, mặc cho hai ông van nài thế nào cũng không ở lại.

    Nhưng trước khi rời đi, vị đạo nhân vẫn ngoảnh đầu lại căn dặn:

    - Bể khổ vô thường! Cứu các ông hay dân làng thì sức tôi không đủ, nhưng thấy hai ông chắc chắn phải bỏ mạng ra đi thì tôi cũng không đành. Như vậy đi, tôi phá lệ phạm vào luật trời, mở ra cho hai ông một lối thoát kéo dài thêm niên thọ được khoảng 10 năm ở lại với con cháu. Thế nhưng sau này một khi mãn thọ trở về địa phủ, thì thực khó mà thoát tội lớn đấy.

    Từ giờ cho đến ngày nước của làng, hai ông để ý thiên tượng, hễ gặp ngày nào có sương mờ dầy đặc, lập tức nhốt mình vào buồng kín, bảo con cháu tìm mua cho kỳ được một con chó mực lông đen tuyền, mang chó vào buồng chọc tiết, đem máu huyết bôi chát kín lên tường nhà. Còn phần xương thịt, da, mỡ thì kết hợp cùng lá bùa này mang cô đặc lại thành một thứ cao mỡ, mỗi ngày người nhà đều phải dùng đèn đốt thứ cao mỡ đó liên tục cho đến hết tháng 7, tránh để gió làm tắt đèn. Như vậy hai con yêu cho dù có dựa vào sát khí của Kiếp Sát tinh cũng không thể tìm được hồn phách của hai ông mà gia hại được nữa, hãy nhớ đấy.

    Không rõ có phải do vận phí tổ tiên của hai lão suy vi rồi hay không, nhưng đã gần tới ngày nước của làng rồi mà vẫn chẳng thấy một ngày nào trời có sương mờ cả, hai ông lão cứ thấp thỏm, thân thể thì cứ suy kiệt gầy mòn hẳn đi.

    Quả nhiên tháng 5, tháng 6 năm nay, trời mưa như trút nước, mưa triền miên không dứt, nước sông dâng cao suýt tràn đê, đám trẻ con chúng tôi đều phải đi học bằng thuyền thúng.

    Kể từ khi nghe vị đạo nhân chỉ lộ, hai ông mong mỏi đợi chờ ngày sương mù mà không gặp, hai ông lo sợ lắm, suốt ngày chui vào trong buồng tối, ru rú chả dám đi đâu.

    Trong suốt thời gian này, bầu trời lúc nào cũng u ám, sầm sì xám xịt. Đêm hôm đó, tại nhà ông Cừ bỗng vang lên những tiếng khóc lớn thê lương, sầu thảm, rồi tiếng chân bước trong đêm dậm dịch, rồi tiếng mọi người phân phó, cắt cử công viêc trong đêm.

    Chả là từ hôm nay, con cháu ông đã thấy có điềm lạ lắm, những ngày trước, ông Cừ đã tỏ ra rầu dĩ lắm, lúc nào cũng ngẩn ngẩn, ngơ ngơ, sắc mặt xanh xám buồn thảm dị thường. Sáng nay, thấy ông dậy sớm lắm, lại có vẻ vui tươi hơn, ông vào lấy nơm cá từ gác bếp xuống, sửa vá lại những chỗ rách rồi xách đi qua nhà ông Long, dủ ông ra đồng đánh bắt cá vì năm nay nước lên cao, nghe nói cá từ đầu nguồn theo về nhiêu vô số, mà lại toàn loại cá to.

    Chả là hai ông chơi với nhau rất thân từ thủa nhỏ, đi đâu, làm gì cũng quấn quýt nhau và hai ông có tài sát cá lắm, thường ngày chỉ đánh loáng cái là đã được mẻ đầy rồi mang về.

    Nhưng lạ một điều, con cháu thấy hai ông đi từ sáng mà mãi đến chiều tối nhá nhem, khi các nhà đã lên đèn mà vẫn không thấy trở về. Con cháu lo lắm, trong lòng như có lửa đốt, kẻ thì xách đèn, mang sào, mang gậy túa nhau ra đi tìm, sục xạo khắp các hang cùng ngõ hẻm trong làng, ngoài bãi, tìm các nhà thân quen xem hai ông có vào chơi rồi ở lại làm khách hay không, tìm suốt từ tối cho đến tận nửa đêm, đã gần 10 giờ rồi, nhưng vẫn không thấy.

    Bấy giờ, đã có người mạnh dạn góp ý là, hay thử ra chỗ bãi tắm, cây đa Sà xem sao, vì trưa nay có bà Thanh lác bơi thuyền thúng đi chợ huyện về, vẫn thấy hai ông chụp cá gần khu đất bãi chỗ cây đa Sà. Nói gở, nhỡ hai ông ngồi nghỉ chân ở đó mà trượt chân nước sâu mà chết đuối chẳng chừng, nhưng nhiều người lại gạt ý nghĩ đó ngay vì hai ông là người làng sông nước, bơi lội như dái cá làm sao mà ngã nước được. Mọi người cũng đã quá mệt mỏi từ tối tới giờ rồi, mà cũng chỉ còn có chỗ gốc đa Sà là chưa lục tìm nữa thôi, thôi cứ thử xem sao, rồi mọi người rủ nhau lục tục kéo nhau ra đó.

    Người dùng sào, dùng gậy, rồi cả dây thừng buộc móc câu để khoắng tìm đáy nước mà cũng không phát hiện ra thứ gì, đến lúc này tất cả mọi người đã thực sự mệt mỏi, đã có một vài người phá đám, to nhỏ, sì sầm bàn tán với nhau, họ cho là nước lên cao, có khi hai ông cụ đã bị nước cuốn mất rồi cũng nên ấy chứ, rồi mọi người cũng bàn nhau rút về nghỉ ngơi, hẹn ngày mai lại tham gia tìm kiếm. Nhưng thật không ngờ, bỗng đâu từ dưới nước cạnh gốc đa, một làn bọt khí sục sôi lên ùng ục, rồi từ đáy nước xác một người trồi, nổi bềnh lên, toàn thân đã căng mọng nước, to lớn dị thường như con trâu trương, máu vẫn dỉ ra từ mắt, mũi, miệng và tai nữa, mọi người thấy vậy thì cũng rất kinh sợ, con cháu soi đèn thì nhận ra chính là xác chết của ông Cừ, lập tức khóc lóc ầm ĩ rồi hò nhau vớt xác lên để mang về nhà tẩm liệm.

    Nào ngờ, khi vừa kéo được xác ông Cừ lên đến gốc đa, con cháu túm lại khiêng xác ông Cừ, vừa trở gót đi được một đoạn thì từ trên cành đa rơi đánh huỵch một đống lù lù ngay cạnh khiến mọi người ai nấy đều giật mình kinh hãi, soi đèn quay lại thì lại cành kinh hãi bội phần, thứ vừa rơi xuống phát ra tiếng động đó là một xác chết thứ hai, cũng chính là xác ông Long. Điều kinh hãi hơn nữa là xác chết này treo cổ trên cành đa, máu cũng chảy dài từ mắt miệng xuống cổ, lưỡi đã thè dài đến cả gang tay, rồi bị rơi cao từ trên cành xuống đất, đầu, cổ, chân tay va đạp mạnh đã gẫy, vỡ, bể nát thêm, nhìn càng thêm thương tâm.

    Con cháu hai ông thấy vậy thì thương tâm lắm, hò xúm nhau lại, vội mang thi thể về nhà tẩm liệm rồi mang đi chôn cất ngay trong đêm.

    Cũng kể từ hôm ông Cừ và ông Long chết đi, hằng đêm con cháu của ông hay mơ thấy hoặc nhìn thấy hai ông bị trói chặt, đầu tóc thì rũ rợi, trên mình lằn đỏ toàn vết đòn roi, rồi thậm chí còn có người làng đi chợ sớm nhìn thấy bóng dáng hai ông cứ len lén, lẩn quất, phảng phất, lúc thì nơi đầu bãi, lúc lại thấy đi lững thững ngay lối rẽ vào làng, đến đó thì lại biến mất tăm.

    Nhưng những sự việc ấy cũng chỉ xảy ra trong khoảng một hai tuần, rồi cũng im ắng không thấy sự lạ gì nữa. Thời gian trôi qua cũng đã gần hết những ngày cuối cùng của tháng 7, mưa cũng đã giảm dần, nước ngoài bãi sông cũng đã rút xuống nhiều, để lộ ra con đường đất nhầy nhụa phù xa đỏ lòm, nhìn mà phát tởm.

    Hôm nay đường lên phố huyện nước cũng đã rút, từ buổi bình minh trời đã hửng nắng, bà con tíu tít, í ới rủ nhau lên chợ huyện để mua sắm, trao đổi những vật dụng cần thiết vì đã gần hai tháng nay, mưa lớn cứ rả rích lên tục, nước dâng cao gây khó khăn, thiếu thốn đủ đường cho họ.

    Ấy vậy mà, câu chuyện tôi kể tới đây tưởng chừng đã đi vào quên lãng sau khi xảy đến hai cái chết thường kỳ hằng năm nơi gốc đa, dân làng lại trở về với thói quen, lối sống thường nhật yên bình. Nào ngờ, đêm hôm nay tại nhà cô Hoa ở cuối xóm lại đột ngột vang lên những tiếng khóc nức nở, bi thảm, rồi tiếng người nói chuyện dâm dan, tiếng bước chân dầm dập, tiếng chó cắn ông ổng, tru hú inh tai sầu thảm.

    Cô Hoa là mẹ cái Lan, 11 tuổi học chung lớp với tôi, hôm nay cô đang khóc than cho số phận hẩm hiu của đứa con mình, một sự ra đi đột ngột, bi thương. Nhà chỉ có mỗi hai mẹ con, cô Hoa trong cái làng này xấu lăm, cái xấu của cô không phải là xấu bụng, xấu dạ, hẹp hòi gì mà là cái nhan sắc của cô xấu, xấu điên xấu đổ, xấu không để cho người khác xấu cùng, trán thì rô, mặt choắt tai rơi, răng thì vẩu ghê lắm, nghe các cụ vẫn bảo, cô ăn đu đủ không cần dùng thìa, làm bầu bí thì không cần dùng nạo.

    Ngoài xấu ra, cô còn là một người đàn bà hơi ngẩn ngơ nữa chứ.

    Mà cô có xấu như vậy, nên cô mới ế chổng ế chơ ra, cho đến năm cô 35 tuổi mới chửa hoang với cái thằng mả mẹ nào mà đẻ ra con Lan, rồi mẹ con cô bấu víu với nhau mà sống cho đến tận bây giờ, ấy vậy mà ông trời cũng không thương, không để cái Lan ở lại để bầu bạn cùng cô, lại nỡ cướp mất niềm vui cuối cùng này của cô cơ chứ.

    Hàng ngày, cô đi làm sớm lắm, cô đi từ gà gáy cho đến khi tối mịt, lúc các nhà đã lên đèn, cơm nước thì cô mới trở về, công việc của cô là đi làm giúp việc, ai thuê gì thì làm nấy, thường là đi đánh giấy ráp cho làng mộc, hoặc vào nhặt, phân loại đồng nát cho các chủ hàng ve chai nơi chợ huyện. Đường đi làm lên phố huyện, thường phải đi qua chỗ gốc đa Sà, nhưng chưa bao giờ cô thấy sợ hãi gì hết, nhưng hai ngày trước, khi trời đã sẩm tối, cô Hoa đội nón, tay xách làn, trong làn có cả ít thịt gà rồi cả xôi mỡ ngon lắm, vì hôm nay nhà bà chủ có giỗ to, người ta cho cô ít thức ăn thừa mang về cho con Lan ở nhà.

    Khi đi đến gần gốc đa Sà, cô thấy hai người con gái, thân hình gầy gò, mặc áo trắng toát, đầu tóc thì bù xù, nhưng nhìn cách ăn mặc thì họ rõ là những người đài các, xin đẹp lắm. Khi cô bước tới nơi, họ liếc nhìn cô rồi lại chăm chăm nhìn vào cái làn thức ăn mà cô đang xách, rồi một trong hai người con gái nhỏ nhẹ lên tiếng:

    Cô ơi! Cô làm ơn cho chúng tôi xin chút thức ăn được không, chúng tôi đói quá.

    Lúc bấy giờ, trong cái xã hội vừa nghèo nàn, vừa lạc hậu, đồ ăn thức uống còn chả đủ cho mình thì lấy gì đem tặng cho người, vả lại cô cũng còn là kẻ ngẩn ngơ, sao biết quản sự đời, mặc kệ lời cầu xin của hai cô gái thảm thương, cô cứ xách làn đi thẳng. Nào ngờ, từ phái sau, hai người con gái lúc này, mắt đã vằn đỏ, hai hốc mắt rực sáng như cục than hồng, máu bắt đầu chảy ra từ hai hốc mắt ấy, rồi cái đầu tự nhiên gẫy gập, rơi ngay xuống lăn lông lốc xuống dưới dệ đê, sau đó hai bóng hình từ từ tan biến theo bóng tối lan tràn nơi đầu bãi.

    Đêm đó, cô Hoa lại mơ thấy hai người con gái lúc chiều tối lại về tận đây, lần này hộ không xin thứ gì nữa mà cứ đứng từ ngoài nhìn vào, lúc cô ngẩng mặt nhìn ra thì thấy họ nhe răng cười, hàm răng trắng muốt nhưng lại thấy đang từ từ mọc ra những chiếc răng nanh trắng ởn, thấy vậy cô hoa ú ớ bừng tỉnh lại, mồ hôi vã ra như tắm, hóa ra lại là một giấc mơ kinh dị.

    Nhưng là người hâm dở nên cô Hoa cũng chẳng buông để ý, tỉnh dậy lọ mọ nhóm lửa, nấu cho con Lan nồi cháo hoa, rồi chuẩn bị để chút đi làm sớm. Thấy mẹ dậy sớm, con Lan cũng thức giấc, nó chạy xuống bếp với mẹ, đòi cô cho theo đi làm vì hôm nay chúng tôi vẫn còn được nghỉ học, ngoài ra nước cũng đã rút xuống gần hết, nhưng cô Hoa không đồng ý. Cô Hoa đi rồi, con Lan cũng len lén theo sau, nó muốn tạo sự bất ngờ cho mẹ nó.

    Tối nay khi trở về, cô thấy nhà cửa vắng tanh, tối om, chả có đèn đuốc gì cả, lại thấy một bầu không khí rờn rợn âm u, tĩnh mịch dị thường, cô lên tiếng gọi cái Lan mấy câu mà không thấy nó trả lời, vào nhà đánh lửa đốt lên cây đèn, linh tính cho cô thấy sự chẳng lành, cô vội chạy tất tả sang các nhà láng giềng bên cạnh, rồi hô hoán làng xóm, nhờ họ trợ giúp, tìm kiếm con Lan.

    Hàng xóm xúm lại, người dùng đèn, dùng đuốc, có nhà khá giả còn cho mượn đèn măng xông hoa kỳ sáng quắc, mọi người tất tả túa ra, sục xạo tìm kiếm, soi rọi khắp nơi mà vẫn không thấy con Lan đâu cả, rồi mọi người lại bàn nhau, nên ra chỗ bến bãi kiểm tra xem sao vì sáng nay có người thấy con Lan đi ra phía đầu làng nơi bến bãi. Thế là mội người lại lục tục kéo nhau ra khu bến bãi, chỗ gốc đa Sà, họ dùng sào chọc thăm xuống vực nước sâu tìm kiếm mãi, vẫn không tìm thấy gì, rồi trong đoàn có người tá hỏa hét ầm khi phát hiện không thấy anh Hà với anh Sáu cùng đi mà giờ này tự nhiên biến mất, chả rõ đi đâu mất. Sau đó, tự nhiên có cơn gió lớn làm tắt hết đèn đuốc, bóng tối ập xuống lan tràn, mọi người sợ hãi hô nhau đánh lửa châm đèn, nhốn nháo mất một lúc mới châm được đèn sáng lại, nhưng trong đoàn lại mất tích thêm 3 người nữa, mọi người còn đang nhốn nháo, ầm ĩ và sợ hãi lắm thì bỗng phía sau gốc đa, từ dưới tầng nước sâu, tầng làn bọt khí cứ trồi lên phát ra từng tiếng ùng ục liên hồi, rồi trồi lên trên là một xác chết xám ngoét, lạ kỳ thay lại có thêm năm cái xác nữa lại bám thật chặt vào cái xác này, mọi người soi đèn thì mới tá hỏa ngã ngửa kinh sợ vì sáu xác người này chính là xác của con Lan và năm người làng trong đội tìm kiếm, khi trồi được lên mặt nước, nhìn kỹ lại thì máu từ mắt miệng cứ trào ra từ từ chảy xuống cổ, nhìn mà phát ớn lạnh.

    Dân làng sợ hãi định phá chạy nhưng rồi cũng phải trấn tĩnh lại để cùng nhau thu dọn xác chết người thân mang về tẩm liệm mà chôn cất ngay trong đêm tối hôm đó.

    Sáng sớm hôm sau, có anh đi chợ buôn lợn, đi đến đoạn cây đa Sà thì kinh hãi phát hiện một xác người chết nằm vắt ngang qua đường, xác này là xác một người phụ nữ, đầu bị bửa làm đôi như bửa gáo dừa, não tủy bên trong mất hết, máu huyết toàn thân bị hút sạch. Khi người làng tụ tập đông đủ thì mới biết kẻ xấu số chính là cô Hoa, anh buôn lợn thì quá kinh hãi mà cứ ngồi đó lảm nhảm, run rẩy mãi, ai hỏi thế nào cũng không mở miệng.

    Rồi những ngày tiếp theo, dân làng lại tiếp tục phải chịu đựng sự tra tấn tinh thần khủng khiếp, nhiều sự việc ly kỳ, cổ quái cứ tiếp tục diễn ra.

    Trong làng có anh Bảy nhà xóm dưới, đi bắt ếch khuya, thường ngày anh đốt đèn rồi lang thang từ đồng trên, đồng dưới, đi hết khu bãi này đến các bãi khác, rồi cả những nghĩa địa, bãi tha ma anh cũng vào soi rọi để bắt ếch, bắt rắn sáng mai còn mang đi chợ sớm làm cuộc sống mưu sinh. Đêm này, trời mưa to, ngoài đồng ruộng tiếng ếch nhái, chẫu chàng kêu lên oàm oạp liên hồi, anh biết đêm nay ếch sẽ nhiều lắm, chạy vào chuẩn bị đồ nghề, thì bất ngờ vợ anh níu tay lại nói:

    Anh! Anh ơi!

    Thôi anh đừng đi đêm nay anh ạ! Em cứ thấy lo lo thế nào ấy?

    Em thấy dân làng kháo nhau, làng mình có yêu tinh, yêu quái, nó còn đang dình bắt người. Anh thì cứ không sợ, đêm hôm mò mẫm, lang thang vào toàn chỗ không sạch sẽ.

    Thấy vợ nói thế, anh Bảy mắng té tắt ngay:

    Ối dào! Em lại tin mấy cái thằng thầy bà đấy hả, có đồng nào lại mang biếu xén hết chúng nó rồi đấy phỏng?

    Cứ tin đi, có ngày nó lừa cho không có cái váy mà mặc cũng nên ấy chứ.

    Nào, thôi tránh ra, đừng lôi thôi nữa, nói rồi xô chị Bảy sang một bên rồi xách đèn, xách dọ đi thẳng ra cổng, ra đến cổng còn ngoảnh lại, nói lớn:

    Chỉ có vớ vẩn, đêm nay mà không đi kiếm ăn thì có mà chết đói trước, chứ đâu có chết vì ma với chả mốc.

    Nhưng thực sự đêm đó, anh Bảy có đi mà không có về, đầu tiên anh xách đèn ra khu đất bãi, đêm nay mưa to, khắp nơi nước vẫn còn chảy lênh láng, mà đúng là ếch nhiều vô kể, lại toàn ếch to, ếch cụ, ếch kỵ nữa chứ, mới đi một lúc mà anh đã bắt được quá nhiều, đã đầy hai cái dọ mang theo, lại còn lấy dây xâu buộc, đeo lủng lẳng. Anh nghĩ, bây giờ mà mang về cất rồi lại quay ra thì sợ thằng khác nó hớt tay trên, bắt hết mất ấy chứ.

    Do vậy, anh quyết định đào một cái hờm rồi thả ếch vào đó, đánh dấu lại để sáng mai ra lấy sớm mang lên chợ huyện. Nghĩ vậy, nên anh bắt tay vào làm luôn, đang lúi húi, đào đào, bới bới, bỗng nhiên anh thấy lạnh cả sống lưng, một luồng khí lạnh chạy dọc thân thể khiến lông tóc đã dựng đứng như lông nhím, anh ngoái đầu lại nhìn thì kinh hãi hét lên một tiếng rồi ngã vật.

    Sáng hôm sau, hai vợ chồng bác Cải tranh thủ ra thăm ruộng sớm vì mưa đêm qua lớn quá, sợ làm hư hại mất đám mạ non mới gieo chiều qua, hai bác vừa mang đồ lề đến gần đám ruộng, trời vẫn còn mờ tối, hai bác lục tục đi quanh bờ, đắp lại những chỗ bờ be đang bị sạt lở do mưa to xối.

    Bỗng bác Cải gái nói:

    Ông ơi! Quái lạ nhỉ? Có đứa nào lại đào đào, bới bới gì ở ruộng nhà mình thế này?

    Rồi bỗng bác Cải hét lên một tiếng, ngã ngửa ra sau, thấy vợ kêu la kinh dị, bác chạy lại phía đó, nói lớn:

    Cái! Cái gì thế bà? Làm sao mà hú hét inh ầm lên thế?

    Bác Cải gái vẫn còn đang ngã ngồi dưới ruộng, toàn thân lấm lem ướt hết, không thể nói nên câu mà cứ lắp bắp, hai hàm răng cứ đánh vào nhau, phát ra những tiếng cầm cập giống như nhạc công đang đánh đàn vậy, tay run run cứ chỉ về phía trước.

    Hiện tại, trời đã sáng dần, chỉ còn màn sương mỏng lờ mờ, bác Cải nhìn thấy một cảnh tượng kinh nhân, suýt chút nữa mất bình tĩnh mà cũng hét lên như bác gái.

    Thứ mà hai bác thấy được, cách đó vài bước chân là một xác chết bê bét máu me, đang nằm phơi mình trên khu đất mạ, một thảm trạng kinh nhân: Đầu cũng bị bửa há hoác ra làm đôi, để lộ sương sọ trắng ơn ởn, ghê hơn nữa là bụng lại bị thủng, phanh rộng rỗng tuếch, mất hết lòng ruột phèo phổi.

    Thấy vậy, hai bác nói với nhau:

    Bà ạ! Hiện tại, với thảm trạng này, tôi cũng chưa thể nhận ra là ai bị chết thảm vậy, nhưng chắc có khi vẫn là người làng ta, âu cũng là cái nghĩa, cái tình. Thôi, bà chịu khó ở đây, canh con chó con mèo quấy quả thân xác họ, tôi chạy lên đường cái lớn, kêu mọi người xuống đây xem sao?

    Bác gái thấy bác trai nói vậy thì lập tức rung bắn, nói:

    Thôi! Thôi, ông cho tôi theo với, tôi đang sợ quá đây này.

    Thế là bác trai đành phải ở lại cùng bác gái.

    Một lúc sau, trời bắt đầu hửng sáng, bác bắt đầu vẫy gọi được những người đi đường, trong đó có cả anh Công đèo vợ bằng cái xe đạp cà tàng đi chợ sớm để bán mấy con Lợn con nhỡ lứa.

    Rồi dân làng cũng lũ lượt tụ tập lại, bỗng chị Minh hét ầm lên, lao vào ôm chầm cái xác chết xấu số, bạc mệnh mà khóc lóc thảm thương, qua quần áo chị nhận ra được đó chính là anh Bảy chồng chị.

    Chả là mỗi đêm, anh Bảy vẫn đi bắt ếch nhưng chỉ tầm một, hai giờ sáng là anh đã về rồi, nhưng đêm qua chị cứ thấy lòng bồn chồn khó chịu lắm, đêm dậy mấy lần, trời lại mưa to quá, mà cũng chả biết anh Bảy đi bắt ở khu nào mà tìm nữa.

    Sáng ra, có người làng báo tin, có xác chết thảm thương ngoài bãi, chỗ khu ruộng nhà bác Cải, chị cũng tất tả chạy ra xem thế nào?

    Vừa đến nơi, thì đúng là chồng mình thật, một cảnh tượng thảm thương, kinh dị khiến chị chỉ kịp khóc nấc mấy câu rồi ngã vật bất tỉnh.

    Dân làng xem xét lại xác chết thì thấy phần đầu nạn nhân, chỗ ấn đường còn thấy hai vệt gì chỉ nhỏ như cái kim tiêm bò, tiêm lợn chọc thủng vào, mà đen sì, bầm tím nữa. Mọi người lập tức, xúm xít lại thu dọn mang xác chết về tẩm liệm rồi cũng nhanh chóng mang đi chôn, nhập thô vi an.

    Những sự việc tang thương, kinh dị cứ liên tiếp diễn ra với ngôi nhà nhỏ bé, khiến cho trong thời gian này, cứ chiều tối là cả làng đóng, khóa hết cửa nẻo, vôi muối rắc dải từ ngoài cổng, đêm tối chả ai còn dám bén mảng ra đường.

    Tuy rằng, người thì không chết, nhưng sáng ra ngoài đường, ngoài ngõ xác xúc vật như gà, vịt, ngan ngỗng, mèo chó, rồi thậm chí cả trâu, bò to vậy cũng nằm chết la liệt. Ngoài đầu làng, ngay chỗ cây đa Sà thì lại xảy đến nhiều sự lạ, xương xẩu ở đâu cứ chất chồng ngổn ngang, mỗi ngày một nhiều, một mùi hôi thối nồng nặc khiến cho ai phải qua đây cũng phải kinh hãi mà len lét đi cho thật nhanh.

    Dân làng thực sự thấy bất an, họ biết rằng làng mình đang gặp phải một tai kiếp, họ tụ tập bàn tán rồi kéo tới nhà cụ Thi, một lão làng nhiều tuổi nhất, mong cụ tìm cao nhân hóa giải tai kiếp cho làng.

    Chiều đó, từ ngoài đầu bãi, một nhân ảnh đứng quan sát hồi lâu, rồi từ từ khẽ vuốt râu, thở dài thườn thượt, rồi lập tức cất bước vào làng.

    Người đó không ai khác chính là vị đạo nhân ngày nọ, vị đạo nhân nhằm thẳng hướng nhà cụ Thi mà tiến bước, không hề dừng bước, đạo nhân vào thẳng trong sân nhà. Với từng này tuổi, qua trang phục và từ khí chất, cụ Thi lập tức thi lễ và mời vị đạo nhân vào nhà dùng nước, thưởng trà.

    Vừa vào tới nhà, vị đạo nhân đã nói ngay:

    Làng này gặp đại nạn, tai kiếp nặng lắm rồi!

    Nghe vậy, cụ Thi lập tức quỳ sụp, cầu xin đạo nhân ra ân cứu khổ, cứu nạn.

    Đạo nhân lật tay, phất một cái đã khiến cho cụ Thi đứng dậy, cụ Thi sợ hãi lắm, cụ không còn dám trở lại bàn ngồi uống trà cùng đạo nhân nữa mà đứng khom lưng, có vẻ cung kính lắm.

    Đạo nhân tiếp lời:

    Không ngờ năm nay Kiếp Sát tinh đại thịnh đã tạo điều kiện tốt cho hai yêu nữ này tác quái đến vậy, hiện tại nó đã hấp thị tinh hồn của người của thú, chỉ cần nó lấy được đủ tinh hồn thì không còn dè dặt như vậy nữa đâu. Thực sự đến lúc đó, ngay cả các đức tinh quân cũng chưa chắc làm gì nổi chúng nữa đâu.

    Nói tơi đây, đạo nhân hướng ánh mắt xa xăm, vẻ mặt buồn thảm, đưa tay khẽ vuốt rau, thở dài lần nữa rồi quay qua cụ Thi nói:

    Thiên định! Đúng là thiên định!

    Bần đạo có duyên với làng này, bàn đạo sẽ hết sức trừ diệt con yêu nữ, lấy lại yên bình cho nơi này.

    Lão cho chuẩn bị một đàn tràng chay thực ngay cạnh gốc đa, đầy đủ hương hoa, trà quả, đèn nhang, cháo muối, bắt buộc phải hoàn thành vào sáng ngày mai, ta sẽ có cách trừ diệt nó.

    Ngay lập tức, cụ Thi đánh liên tiếp 3 hồi kẻng, dân làng biết có sự việc quan trọng mà cụ lão làng muốn phân phó nên họ lập tức lục tục kéo nhau đến chật cứng, kín cả lối đi vào nhà cụ, cụ Thi đứng trên hiên nhà dõng dạc tuyên bố:

    Hiện tại làng chúng ta đang gặp phải sự chẳng lành, yêu ma lộng hành tác quái nghiêm trọng, tôi cần bà lúc này con đồng tâm, đồng lòng, hôm nay may nhờ ơn thiên, có đạo trưởng từ ngàn dặm xa xăm, lặn lội tới làng, thấy điều tai quái nên ra tay trợ giúp làng ta trừ diệt mối họa này. Bây giờ tôi cần mọi người mau chóng chuẩn bị gấp rút một đàn tràng bên dưới gốc đa Sà, đến sáng ngày mai bắt buộc phải hoàn thành, vậy mọi người nhanh chóng phân phó, cắt cử triển khai công việc để kịp giờ lành.

    Nghe cụ Thi phân phó, cả làng nhanh chóng cắt cử công việc, các cụ già và các chị em phụ nữa thì tổ chức nhóm lửa nấu cháo, chuẩn bị đồ chay, hương hoa, trà quả, tiền vàng mã, các anh trai tráng khỏe mạnh thì bắt tay lấy gỗ, nhanh chóng đóng dựng lên một đàn tràng ngay dưới gốc đa, họ còn đốt 3 đống lửa lớn quanh gốc đa để lấy ánh sáng và cũng mong là dùng hơi nóng của lửa để xua đuổi tà ma trong lúc họ cố gắng hoàn thành cho xong đàn tràng vào trước bình minh.

    Đúng là đến trước bình minh thì mọi sự dự liệu cũng đã hoàn thành, một đàn tràng cao chùng 8 thước tây, cao sừng sững bên dưới gốc đa già đã được bày biện đầy đủ các món và các đồ vật phẩm tế lễ.

    Vị đạo nhân sau một đêm không ngủ, vẫn ngồi thiền định, lập tức mở bừng hai mắt, rồi nhanh chóng đăng đàn cúng tế, buổi đăng đàn hôm nay, dân làng tụ tập đông lắm.

    Trên đàn vị đại nhân ngồi xuống bồ đoàn, tụng kinh gõ mõ đều đều, dưới đàn là các cụ già ngồi xếp bằng cũng tụng lên những bài kinh để dẫn dắt, hồi hướng vong linh đi theo sự dẫn dắt của phật pháp.

    Lễ cúng giải diễn ra lâu lắm, từ sáng sớm cho đến tận chiều tà, mọi chuyện tưởng chừng êm xuôi, nào ngờ bỗng trời đất xa sầm, mây đen ở đâu kéo tới mù mịt, trời đất quay cuồng, cát đất bụi bay mịt mùng, hai kẻ đứng sát nhau cũng không chông rõ được mặt, bàn tay giơ lên không biết là tay trái, phải, ngón to, ngón nhỏ thế nào.

    Từ trên tán đa, rung lắc, vặn vẹo ghê gớm, tưởng chừng đang phải chịu từng trận gió bão cấp 9, cấp 10, rồi cành đa to lớn dị thường là thế cũng bị quật gẫy, rơi đập xuống đàn tế, bẻ gẫy cả một góc đàn, thuận đà đổ ập xuống dưới, suýt chút còn đè chết cả đám các cụ già ngồi đọc kinh phật, lập tức các cụ sợ quá, hò nhau té chạy, xa xa cũng chỉ còn lại một phần dân làng, những người to gan lớn mật, có chút hiếu kỳ muốn ở lại quan sát xem tình hình đại cục ra sao.

    Lúc này trong bóng tối mịt mùng, trên đài cao họ thấy rõ ràng hai quầng sáng đang chờn vờn, đối kháng nhau mãnh liệt lắm, một điểm màu xanh có vẻ to lớn đậm đặc, sức tấn công trầm lắng, bình ổn hơn. Còn hai điểm màu đỏ thì nhỏ hơn, nhanh hơn, có lúc một điểm màu đỏ bất chợt di chuyển ra phía sau điểm xanh, bất ngờ xuất thủ tấn công lên điểm này, mỗi lần như vậy thì điểm màu xanh lại nhợt nhạt, thu nhỏ hẳn đi, rồi cứ luân phiên liên tục như vậy đến mấy lần, nếu quan sát kỹ sẽ thấy điểm sáng xanh thực sự đã suy yếu đi rất nhiều, tưởng chừng có thể vụt tắt bất cứ khi nào.

    Dân làng quan sát từ xa thì thấy vậy, nhưng thực tế trên đàn vị đạo nhân đang phải thi triển pháp quyết đến mức tối hậu để chống chọi với hai con yêu nữ đã có pháp lực khá mạnh, khi chúng đang thường xuyên hấp nạp dương khí và hồn phách nhân loại.

    Trong cảnh tranh tối tranh sáng ấy, cát bụi mịt mù, gió rít từng hồi, cành lá vặn vẹo đung đưa, lá rụng rào rào, bỗng chốc điểm sáng xanh đang mờ tối, lập tức sáng rực ánh quang, đè nén xuống hai điểm sáng màu đỏ hồng, hai điểm sáng ấy cố vùng vẫy mấy lần mà không sao thoát ra được, rồi gió cũng ngừng, mây cũng tiêu tan nhanh chóng, 3 điểm sáng cũng biến mất trả lại một bầu không gian tĩnh lặng đến dị thường, thời gian cứ vậy trôi qua lâu lắm, chả ai dám tiến lại gần đàn tế, mãi sau khi người làng xúm lại đông hơn, họ lấy lại can đảm hò nhau tiến về phía đàn tế.

    Bấy giờ họ mới tá hỏa phát giác, trên đàn tế đồ cúng bắn bay, vương vãi khắp nơi, khắp chỗ, cành lá rơi rụng tả tơi, chỉ thấy vị đạo nhân vẫn an tọa ngồi đó, họ mừng rỡ kéo lên đàn định gọi đạo nhân, ăn mừng chiến công vang dội, nào ngờ đạo nhân ngồi đó nhưng khí đã đứt, hơi đã tuyệt tự lúc nào, từ mắt, miệng còn rỉ chẩy ra mấy dòng máu đỏ.

    Dân làng lập tức bàn nhau làm tang ma, tẩm liệm long trọng cho vị đạo nhân đã có công xả thân vì làng, đối đầu chiến đấu với yêu ma, quỷ quái.

    Lạ kỳ thay, đến mùa nước năm nay, cả làng vẫn được yên ổn sinh sống, không xảy đến bất cứ sự việc quái đản gì nữa, làng cũng không còn phải đón nhận những cái chết thương tâm về sông nước.

    Từ năm đó, làng lập nên miếu thờ vị đạo nhân năm xưa đã có công trừ diệt yêu nữ, miếu được xây dựng ngay tại dưới gốc cây đa Sà và cho đến ngày nay những dấu tích ngôi miếu cổ rêu phong vẫn còn tồn tại, trường tồn với thời gian, sừng sững nằm đó trấn giữ, bảo vệ cho cuộc sống yên bình dân làng chúng tôi.


    ***HẾT***

    CẢM ƠN QUÝ ĐỘC GIẢ ĐÃ ỦNG HỘ TÁC PHẨM!

    MONG QUÝ VỊ LUÔN THEO DÕI VÀ ĐÓN ĐỌC CÁC TÁC PHẨM TIẾP THEO CỦA THẠCH KIM THỬ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng ba 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...