Truyện Ngắn Chuyện Trước Tết - Nhẹ Nhàng

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Nhe nhang, 10 Tháng ba 2022.

  1. Nhe nhang

    Bài viết:
    7
    [​IMG]

    Chuyện Trước Tết

    Tác giả: Nhẹ nhàng

    Thể loại: Truyện ngắn hiện đại

    Link thảo luận: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm sáng tác của Nhẹ nhàng

    * * *​

    I.

    Thằng Ba sống với vẻ thư thái đầy tự tin, mà quả thật, nó chẳng quan tâm mấy đến thế sự cuộc đời. Khi lũ trẻ xung quanh còn đang tranh giành nhau cây kem đắt tiền mà mút lấy mút để, nó đã dẹp chúng sang hai bên và mua một cây mới để ăn riêng.

    Thú thực thì nó chẳng hào hứng lắm những thứ quá lạnh lẽo, nhưng đã nói là làm. Nó nói, "tao thèm vào mà tranh chấp với cuộc sống khô khốc này." Rồi nó lại nói, "vậy mà không thể phủ nhận dân quê tao là những người khô khốc."

    Trong vòng ba ngày, Tết đến, cái Tết lạnh lẽo và khô khốc sẽ đón chào người dân trong xóm. Năm ngoái xóm tổ chức bữa cỗ đầy bánh kẹo, hình như những người lớn đã lẫn lộn mấy cái Tết với nhau mất rồi. Thế mà ai cũng hớn hở, nhất là lũ thanh niên, chúng thấy vỏ kẹo lạ nên vơ một nắm nhét vào túi quần túi áo. Buổi tiệc nhỏ ấy được tổ chức tại nhà văn hóa mắc quạt trần trên đầu, các cụ tấm tắc khen quạt thời bao cấp làm chắc, "không là bay cổ". Người vui nên cảnh cũng vui theo, mãi chẳng ai muốn về.

    Còn năm nay thì khỏi thấy tiệc tùng gì nữa. Cả phố lặng im. Mà chẳng phải chỉ một, liền mấy tổ dân phố chẳng có mống nào ngoài đường. Bù lại thì năm nay thay bằng cờ, vài nhà, gồm cả nhà thằng Ba, còn dán thêm mấy chữ nổi lòe loẹt bằng tiếng Anh. Cả dãy phố thênh thang mà đóng cửa kín mít, lại còn dán bùa ngoài cổng, như sợ một thằng nhỏ không bằng. Ấy thế mà chẳng đùa, nhà nó cũng thuộc dạng máu mặt trong khu này.

    Nhân dịp dạo chơi, thằng con trai đi dọc cả khu phố, ngắm nghía cờ từng nhà, ngắm cả vài chậu cây cảnh đặt trước nhà, ngắm miếng gạch chắn đồng hồ nước, để rồi mới ra khỏi ngõ đi ăn sáng. Nó hình dung nếu cái chậu cây kia mọc cao lên nữa thì có chim đến không, nếu chim đến thì có quả ăn không, nếu đến nhiều thì toàn khu nhà có giăng một mẻ tóm gọn lũ chim cho lên nướng không. Là đứa vô cùng thực tế, nó còn lo xa đến ngưỡng sợ rằng Tết năm nay vắng bóng khách.

    Khéo lo thế thôi chứ nó cũng chẳng để tâm, "nhà đông khách thì vui, nhà ít khách bớt vui vài phần", lo mà trang trí nhà cửa cho khang trang là đủ.

    Quá trình dọn dẹp đón năm mới có lẽ đơn giản nhất là công đoạn sửa sang ban thờ. Vậy nên thằng bé lười biếng để đến sát Tết mới làm, lúc chỉ còn một ngày nữa thì được nghỉ học. Nó đợi thế cũng bởi lời hứa hẹn về điều bất ngờ mẹ để dành, một lời hứa hẳn sẽ khiến đứa trẻ nào cũng phải ngoan ngoãn làm việc. Thế nhưng chỉ đến khi bắt tay vào làm, thằng bé mới biết dọn dẹp, không kiêng bất cứ gì, là công việc tẻ nhạt và tốn sức đến chừng nào. Những hình chạm khắc khó hiểu bên dưới mỗi kệ án (có lẽ chỉ được chế tác để gây rối mắt người mua) đều cần được lau sạch. Lại còn những lỗ nhỏ xoắn tít mà người ta phải mượn bông tai trong phòng bố mẹ mới thò vào cọ được. Cái bát cắm hương cả năm mới sờ đến chứa đầy tàn. Ảnh cụ cố cũng phải lôi xuống phủi bụi, người ngày xưa cứ đen thui thui. Mỗi cây đèn hình nến là còn chút gì đó thú vị, khi cửa đóng kín mít và tối om, chóp đèn như rung rinh gọi làn khói các tiên nhân trở về để ca thán. Mà nó mải nghĩ, tổ tiên về mắng cũng phải. "Ai đời cháu chắt chẳng được tích sự khô gì. Ai đời lại bắt con cái đi lau ảnh cho ông bà". Nhân dịp gặp các cụ trong giấc mơ, thằng bé sẽ chẳng ngại mà kêu rằng, "Cụ về mà xem, giờ ai còn nhớ cụ nữa. Khổ. Nói gì nhớ, cháu còn chả biết cụ ai." Rồi lại như các cụ già lẩm cẩm, cụ trước mặt sẽ gằn giọng, "A, thằng này láo. Mày con nhà ai mà láo thế." Nó phất cái chổi lông để xóa tan làn mây cho cụ về trời.

    Suýt thì thằng bé làm rơi đĩa. Nó vẫn nghĩ chuyện ông thần hôm trước hóa vàng, không hiểu ông lên thưa gì mà được lắm quần áo với tiền thế. "Chả khác đút lót nhỉ", nó bật cười. Thế cái đĩa rớt xuống sàn vỡ toang. Không lo. Đĩa này cũng cất xó tủ hai năm, chẳng ai dùng bao giờ. Dạo gần đây còn ít thay, chứ hồi trước đĩa để ban thờ mỗi năm thay một lần. Hồi trước mấy đĩa cúng cụ toàn hoa văn đẹp, hình con công, con rồng. Thằng bé nhớ cái đĩa in hình phố cổ, mặt đĩa nhuốm vàng với những ánh đỏ ngói làm nó thích mê, sở thích kín đáo mà thân quen vô cùng của những đứa trẻ ngụ cư. Hình như ai vứt cái đĩa ấy đi rồi. Sau dần đựng hoa quả thức ăn đưa lên ban thờ toàn dùng đĩa thủy tinh trắng, mấy cái đĩa trang trí được thay hết bằng đĩa ăn hàng ngày, mẹ bảo như vậy cho tiết kiệm. Mà nhà cứ thừa mứa đĩa, hóa ra ở cơ quan mẹ nghe đồng nghiệp khoe bộ đĩa mới mua.

    Mẹ thằng Ba tám đủ chuyện với hội cùng bàn. Từ chuyện sếp, đến các phòng ban, từ chuyện vui vui nơi các quán ăn đến chuyện ông nọ bà kia trong bếp, chuyện quê nội quê ngoại, cháu bác gần xa. Chán nản vì phải đợi chờ dù Tết chỉ cách đúng ba ngày nữa, thằng bé trốn học theo mẹ lên cơ quan hóng hớt. Tuy không hẳn bị hấp dẫn bởi những lời xã giao, nó nhận thấy cái người đang chen miệng vào nói kia có phong cách khác hoàn toàn với mẹ nó ở nhà.

    "Nay không về quê", mẹ nó trả lời. "Con thấy Tết năm nay khác dần các năm mẹ ạ", nó nhận xét. Mẹ ậm ừ, tiếng vòi nước xối lên chồng bát, "Con bảo bố xem lại cái điện thoại chưa?". "Tết năm nay mẹ mua ít pa-te thôi, mua có ăn mấy đâu", nó lên hơi cốt át lại tiếng bát lạch cạch. "Hôm trước mẹ đang gọi mà điện thoại ngắt luôn, bực cả mình. Con bảo bố xem được cái nào thì bê về mà trưng. Khách đến nhìn cái ấy đầu tiên đấy", mẹ nó trầm ngâm. Đến lượt thằng bé xả một tràng, "Với lấy ít bánh chưng thôi, ăn chán lắm mẹ ạ. Năm ngoái còn thấy háo hức. Năm trước nữa xem múa lân còn vui. À đâu, đấy ngày giải phóng. Tết chán thật sự, suốt ngày chả với giò, ăn lợm miệng!" Các bác ở cơ quan bảo năm nay nướng gà Tây, như lễ Phục Sinh, còn rủ thằng nhỏ qua ăn khi có dịp.

    Chỉ tội họ bàn chuyện về quê mãi, quê cách cơ quan chừng năm phút, đủ về thăm "ông bà thân sinh". Nó sợ lúc sang phải nghe thêm thì đau đầu. Mẹ giống nó, chả cữ mà mỗi khi chủ đề này xuất hiện mẹ nó lại im bặt. Quê bố mẹ cũng gần, hai bên cách nhau nửa tiếng xe máy chứ mấy. Nhưng mẹ tránh gặp mặt nhà nội, chắc tại anh em của bố toàn thành phần du thủ. Mẹ chửi cho mỗi nó nghe. Thằng bé tròn mắt nhìn, có phải vì vậy mà bác sếp già nói, "Cô này nhìn mặt thì xinh, chứ cứ mở mồm ra là cái đám tự giải tán." Thằng bé nhủ thầm, "kệ bác, chẳng qua bác không cùng quê mẹ thôi, ở nhà mẹ buồn cười hơn nhiều." Cất hết bát đũa lên chạn, thằng Ba nghe mẹ chốt hạ buổi tối lặng im bằng một câu bông đùa, "mấy ngày tới con dọn hết nhà đi, từ trên xuống, nhà sạch thì Tết có bất ngờ".

    Dư âm của trò đùa kéo dài đến tận chiều hôm sau, và nơi đầu tiên thằng bé dọn là dàn máy hát. Không thể thiếu nhạc trong lúc dọn, nhạc váng cả óc. Một bộ sưu tập thánh ca kinh điển.

    Cứ nghe mấy bài trích đọc kinh thánh thằng bé lại liên tưởng đến dáng ngồi nghiêm trang, bên trong tòa nhà rộng lớn, nơi có những hàng ghế dài và những ô cửa sổ bụi bặm. Rồi nó lại phải nghiêm trang y hệt khi mẹ kéo nó sang dãy nhà trệt bên cạnh, quỳ trước đức phật trăm tay. Dường như mảnh đất mênh mông chừa đủ diện tích cho mỗi tín ngưỡng ở một góc. Thằng bé thấy ổn, chí ít thì cả gia đình nó đều nghĩ vậy. Thử tưởng tượng, thần phù hộ cho ta nếu ta chăm dâng lễ, nhiều thần, nhiều lễ, phù hộ nhiều lần. Nó lớn lên với ước mơ theo đuổi bốn tôn giáo cùng lúc.

    Khấn vái xong thằng bé chạy chơi trên sân chùa, nhà thờ bên cạnh đã rào kín. Mẹ dúi vào tay nó tập phong bao đỏ, nhắc đứa trẻ đút vào mọi khe hở tìm được. Nó thành kính đặt lên những tráp, những mâm, bỏ vào ống gỗ trên tường, dưới chồng quà cúng, kẹp giữa cành đào mới hé nụ đầu. Nhưng chỉ sau khoảng thời gian ngắn, nó đã nhận ra rằng kiểu gì cũng không đủ. Để cứu cánh, nó rút tiền từ chỗ cũ đặt vào những chỗ chưa được đặt, cứ xoay vòng cho đến khi nào chỗ mới trở thành cũ thì thôi. Thằng bé khôn ngoan chạy sang nhà thờ bên cạnh xếp thêm vài tờ vào tay bức tượng người đàn ông đau khổ. Bởi vì ai cũng cần tiền.

    Đấy là đứa trẻ con ngày nhỏ, giờ thì nó chỉ bỏ một ít vào hòm công đức cạnh lư đồng khi có ai nhìn.

    Nhưng quả thực mấy bài thánh ca phải gọi là kinh điển, đến bạn bè trong lớp G đều biết hết. Nhớ năm nào, chúng cùng đồng thanh hát "Chúc mừng Giáng Sinh" với niềm say mê khó tìm lại. Ngay sau đó một ông bụng phệ đeo bộ râu giả phát quà cho từng đứa. Người lớn thi nhau chụp ảnh, họ muốn có được dăm bức chụp riêng con mình với ông già tuyết; mỗi người đều đeo quanh ngực cái máy ảnh nặng trịch, cổ cong như khổng tước. Thằng bé thương lấy phụ huynh của mình biết bao, mẹ nó quên mang máy ảnh.

    Nó được ông già tặng sách giới thiệu về Tết, trong khi lũ bạn toàn được những tiểu thuyết quốc tế tên tuổi, những quyển sách dày gấp đôi gấp ba. Bắt gặp ánh mắt soi mói của đám xung quanh, nó quyết phải thể hiện sự bình thản của mình. Vậy nên sau giờ học, cả lũ kéo nhau ra vỉa hè, thằng bé tiêu hết sạch tiền mẹ cho để mua cây kem lạnh nhất trong khi lũ kia đang tranh nhau mấy vị đặc biệt.

    Ngày cuối cùng trước Tết, thằng Ba cảm thấy một niềm vui bâng khuâng vô cớ dâng trào, vì vậy nó đến thăm cửa hàng của bố. Cửa hàng ở mặt đường, là một gian phòng vừa đủ chỗ trưng bày loa và đầu đĩa, Tết cũng chỉ bổ sung thêm cây thánh giá treo cửa để tiết kiệm diện tích. Nhìn chung bên trong tối, tồi, và tạp nham, đồ cũ mới lẫn lộn. Bình thường cửa hàng vắng teo, thỉnh thoảng thăm bố là nhóm thanh niên quần bò rách, đến nhả khói và văng tục rồi lại đi, những ngày cận kề lễ có khi sẽ có thêm vài khách ghé qua. Khi ấy chủ hàng phải gỡ cây thánh giá xuống, thay thế bằng tấm gương bát quái.

    Hòa trong cái ồn ào nơi phố xá xa xăm là tiếng ợ của thằng bé. Nó thả người theo từng nhịp chậm rãi. Không gì có thể làm mất đi sự hưng phấn của buổi sáng đẹp trời.

    Trong cửa hàng đang diễn ra một vụ cãi nhau kịch liệt. "Cút", đương nhiên chú May không cút, em của bố ngày càng lì. Bất chấp lời đàm tiếu từ họ hàng, cái người đầy hoài bão ấy tin vào con bạc hơn bao giờ hết. Chú khẳng định đó là cách làm giàu nhanh chóng, và nếu có ai bỏ học để kiếm tiền, thì người ấy tốt nhất nên học chú. Hôm nay trông chú xác xơ quá, đầu tóc rối bù. Và chừng như chú cứ cố làm bẩn bộ loa thùng trên kệ, vì thằng bé thấy chú bám vào đó suốt. Nó thắc mắc lần này bố sẽ mất cái gì.

    Nói không ngoa chứ chú là một con bạc giỏi, chỉ tại thời nên lỡ xảy chân vào vận xui, cùng đường mới phải đi vay vốn người này người kia. "Tao bảo thật, tao đếch tin vào thần linh đâu", thằng bé nghe thủ thỉ, "quá nhiều rủi ro. Thần linh là gì. Đàn ông nên biết đầu đội trời chân đạp đất cháu ạ, dân quê mình phải thế." Rồi giỗ tổ Hùng Vương năm nào chú cũng thắp ba nén nhang và nhờ hộ quẻ bói cho chắc.

    Bố đâm khó chịu vì gầm gừ mãi mà chẳng ai chịu hiểu. Đồ đạc rung lên bần bật, sắp đến lượt người bay như chim. Thằng bé nhớ có lần chú bảo, "Không thăm người ta lại quên mình đi mất". Nó ợ cái nữa vì ban sáng ăn hàng no quá. Lần này hết chịu nổi, bố gọi hai ông lực lưỡng đến tẩn cho đứa em một trận, bố cũng nhảy vào giúp. Họ làm việc vô cùng nhanh gọn. Thằng bé nhìn bố cạy cái răng vàng của chú ruột ra.

    Đâu riêng gì chú, ai đến xin xỏ cũng bị một trận như thế. Gánh hàng rong tránh xa, người qua đường vội bỏ chạy, làn gió biển dịu êm chẳng còn lưu luyến khuôn mặt đanh lại nữa rồi. Đối với những người thân, bố trở nên xa lạ. Cô dì hay kể ở quê bố là người hào sảng, ở đây.. bố không còn "hào" nữa.

    Mải nghĩ linh tinh nên thằng bé quên mất rằng mình đang trần như nhộng. Nghĩ nhiều đâm lú lẫn. Phải rồi, nó đang thử bộ lễ phục mới sắm. Quần lụa, áo tấc, thêm cái khăn vấn nữa là đủ. Bộ này may cách tân, vừa hiện đại lại không hề lố lăng. Những chi tiết cầu kỳ, rườm rà đều đã loại bỏ cả, để lại trên người một thứ hương thơm của áo quần cổ truyền hậu dân tộc. Dân tộc nào thì không biết, nhưng thằng Ba thích mê. Năm nay cả nhà sắm trang phục đi chơi hơi muộn, tới khi còn hai ngày nữa là Tết nó mới mặc thử lần đầu. Thế mà vừa in như được may đo, kiểu này khối đứa trong lớp phải nể.

    Năm ngoái lũ trong lớp mở sàn diễn, đeo vòng ngọc chụp ảnh, có thằng cứ dạng chân lên trời khoe khéo đôi giày da bóng lộn. "Bị ngu à", thằng Ba lườm nguýt.

    Nó ngắm nghía thật lâu trong gương: Bộ ngực căng đầy, những múi cơ vuông vắn, tóc rẽ mái trơn mượt, làn da hồng không tì vết. Thằng bé lần lượt chạm vào từng bộ phận, day nhẹ. Thật khó để mang máy ảnh vào phòng tắm, thứ nhất bởi vì máy quá nặng, nhưng nguyên nhân thứ hai, quan trọng hơn, là bởi hơi nước chui vào các khe hở sẽ làm hỏng hết những bộ phận tinh xảo, chưa kể ảnh chụp thành ra mờ nhoè mất. Nó thử dạng chân. Rồi nó vẽ phác trong đầu hình ảnh bản thân khi khoác vào bộ lễ phục rẻ tiền. Bộ ấy vừa cỡ người, chắc chắn sẽ tôn lên những đường nét đáng giá. Mấy người họ hàng tiếc hùi hụi vì thằng bé chẳng mặc khi đến thăm lễ, nhưng nếu họ lôi máy ra thì nó mặc, "đẹp hết phần người khác". Hơi lạnh. Tuy vậy vẫn phải tận dụng tối đa khoản đi thuê. Tết ngắn ngủi lắm.

    II.

    Làn gió đêm lọt qua khung cửa để mở, hòa cùng hơi ấm trong buồng tạo thành lớp sương mỏng phủ lên trần. Quãng sân nhỏ tối mịt và yên ắng, ánh đèn bàn leo lét không đủ với ra, còn cột điện đường đã ngắt điện từ mấy ngày nay. Cổng ra ngõ khép hờ, đặt dưới sự canh chừng của người trong nhà.

    Bên ngoài chẳng khác là bao, cũng lặng im. Các nhà gần đấy đều đã sáng điện trên những tầng cao nhất. Ngõ vắng in dấu những mảng tối sắc nét trong ánh sáng lờ mờ, những lá cờ rủ xuống.

    Sáng nay thằng bé ngỡ ngàng vì cả khu phố đã thay đổi đến lạ lẫm. Khẽ ngước nhìn, nó thấy đôi dòng sông thắm đỏ chảy song song đến tít xa. Dường như chẳng ai trong xóm bối rối giống nó, một cụ ông đang dựa cửa hút thuốc, hai xe máy dắt từ trong nhà, trên xe là cậu trai được mẹ chở đi chơi, xe còn lại một chàng tri thức đeo cặp da cũ, cả hai xe cùng phóng vụt. Vẫn chưa hết băn khoăn về mớ rau mua ngoài chợ nên nó chẳng để ý nhiều hơn. Có lẽ người ta cũng bận bịu kiệt sức, lấy đâu thời gian mà ngắm cảnh.

    Lúc này ngồi trước ánh đèn vàng yếu ớt, thằng Cọt lại chẳng tập trung được mà mải lang thang ngơ ngẩn. Nó đứng dậy kiểm tra cả nhà thêm lần nữa, buồng trong trống không, cái bếp gỉ sét, bên cạnh vẫn còn nồi thức ăn nguội ngắt. Những món lỉnh kỉnh trên tủ mộc mà ngày trước thằng nhỏ nghịch - người vùng này hay bảo của cha ông để lại - giờ vơi đi gần hết, xếp gọn ghẽ trong một góc nhỏ tù mù. Buồng ngoài chẳng đổi khác sau bao năm, vẫn bộ bàn ghế cập kênh, chềnh ềnh chắn giữa cái phản đơn kê sát tường và cái chỗ học nhỏ. Bóng đồ vật xiên xẹo giấu đi những quãng tường lở vụn.

    Kỳ thi sắp đến gần mà thứ hạng của nó chưa vượt được ai. Niềm tự hào sớm biến thành nỗi lo lắng bởi lớp G trên trường có truyền thống chọn lọc học sinh giỏi qua bao thời kỳ. Giáo viên chủ nhiệm nhìn đứa học trò bằng ánh mắt thương cảm và động viên nó tiếp tục cố gắng.

    Nhưng đêm nay kiến thức chẳng vào đầu được chút nào. Đóng sách lại, Cọt định để đến sáng dậy hoàn thành nốt. Nó ngồi nhìn cái ban thờ ông Địa cạnh cửa, vài thứ hoa quả, vài hộp bánh, và phải thật lặng im mới nghe thấy vài con muỗi vo ve quanh góc. Đốm nhang vừa tắt, khói cuốn theo gió đi khắp nhà, thằng bé cố hít cho kỳ trọn làn khói âm ấm hòng xua đi mùi chua đóng cặn.

    Tiếng hát nghêu ngao vang vọng ở đầu ngõ, theo sau là tiếng giày gỗ đập vào mặt đường sỏi đá lộc cộc. Nó nhận ra ngay ai, thậm chí có thể cảm nhận được từng nhịp dừng loạn xạ khi bố dựa vào bờ tường để đứng cho vững. Chắc bố sang nhậu ở nhà ông bạn, nhưng nay vẫn là giữa tuần cơ mà? Bình thường bố hay về trước mười giờ, trong ngày đi làm chưa khi nào muộn hơn. Thằng bé chạy vào bắc cái nồi lên, bật công tắc khi tiếng người càng lúc càng gần. Ngọn lửa xanh lam sưởi ấm cả một vùng, cả những ngón tay cứng đờ. Khi thấy lớp mỡ quanh mép nồi đã chảy nhỏ giọt, nó tắt bếp ra ngồi đợi cửa.

    "Tía đạ về. Tía đi mô muộn rứa. Mạ lưa mần ngoài phố. Mạ hâm bựa như mọi khi. Hai mạ cun ăn rùi. Cun vừa hâm lại choa tía trong bếp, tía vô chén rùi nghỉ hè", thằng con trai bật ra tràng phản ứng đầy tự nhiên. Hàng ngày có mẹ ngồi bên nên nó nói chậm rãi và phần nào kiểm soát hơn. Đó dường như là nỗ lực trong việc thể hiện sự chín chắn của bản thân, hàng tá những câu ngạn ngữ học trên trường vụt qua đầu thằng bé.

    Cái bóng ngật ngưỡng bước vào sân, cát lạo xạo bên dưới mãi chẳng ngừng. Tận khi đứng trước cửa và được ánh đèn hắt lên, đường nét lởm chởm của người đàn ông mới hiện rõ hơn. Bố thằng nhỏ cởi cái áo gió quăng xuống sàn, người rung bần bật, không hiểu vì lạnh hay vì cớ khác. Ông lảo đảo tiến lại, mắt vẫn dán chặt vào khuôn mặt ngây ngô dưới ánh đèn nửa tối nửa sáng.

    "Tía này.. mạ này.. mô này.. lưa này..", với mỗi từ, người đàn ông đặt lên má thằng bé một cú đấm uy lực. Hơi thở phập phồng và cùi trỏ vun vút. Đôi lúc ông ta ngừng tay để lấy hơi, nhưng chỉ trong thoáng chốc công việc dang dở lại tiếp tục. Chồng sách vở rơi lộp bộp như mưa rào, cán đèn cong xuống, tiếng kim loại rền rĩ. Những cái bóng lập lòe. Căn nhà, kỳ lạ thay, vẫn hết mực bình yên. Hàng xóm có ai than phiền đâu? "Thằng mất dạy", bố nó rít, "Gọi tao là bố.. là bố.. rõ chưa?"

    Được vài câu, người đàn ông ngã kềnh ra phản, thở hắt. Đôi chân ông ta giật giật điên loạn, phần còn lại của cơ thể chìm trong bóng tối. Còn thằng bé nằm gục xuống bàn, bọng mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Quãng nghỉ thật dài, nghỉ mãi, nó dần trôi vào giấc mơ ngọt ngào khe khẽ, rồi không rõ đã bao lâu, nó bật ngồi dậy. Khoảng sân thu lại nhỏ xíu, mờ ảo. Chậu cây trước thềm trụi hết lá, tuy thỉnh thoảng cành vẫn rung nhẹ theo gió. Chẳng biết nên làm gì nữa, thằng bé mở sách ra: Giấy xám xịt, chữ uốn éo, và kiến thức thật vô nghĩa. Kiệt sức, nó xếp tất cả thành từng chồng ngăn nắp như cũ, thẫn thờ ngắm ngọn đèn xiêu vẹo, có lẽ mai nó sẽ bẻ thẳng lên. Bố lè nhè trong cơn mê, "Chúng mày có coi tao là người đâu.."

    Khuya, nó ra cài then cửa, khóa cả chốt trên lẫn dưới. Mẹ có chìa riêng, mà phải sáng mẹ mới xong, có khi lúc mẹ về thằng bé đã mở khóa chuẩn bị đi học rồi. Cánh cửa khép lại, bỏ lại đằng sau ánh điện lấp ló từ những nhà kế bên. Tiếng ngáy của bố vọng khắp buồng cùng những âm thanh sột soạt trở người, gỗ cót két. Thằng bé đặt ngay ngắn đôi giày, mang áo cất vào tủ, lát sau trở về ngồi im trên ghế, lần này nó chẳng nghĩ ngợi hay mơ mộng gì nữa. "Lẹo mạ bây", bố khịt mũi, vươn vai. Hình như đã tỉnh hơn, ông bước vào nhà trong, chân nọ díu cả vào chân kia, chẳng buồn ngó cái bếp lạnh tanh.

    Đợi tiếng ngáy vang lên đều đều, thằng bé mới tắt đèn, dò dẫm trèo lên phản. Giờ đây cái cảm xúc thật khó chịu mới dám nảy nở trong lồng ngực. Hàm răng nó nghiến vào nhau tưởng sắp vỡ đến nơi, những ngón tay siết chặt lấy chùm xà tích, da cứa vào mũi khóa rách toạc nhưng đứa nhỏ mặc kệ. Muỗi kéo đến vo ve quanh hai bàn chân đỏ tấy. Xong nó chợt cảm thấy một cái gì là lạ, một tờ giấy nhẵn thín, thình lình lẻn dưới gối từ khi nào. Không chắc mình có đang mơ không, thằng bé run rẩy đưa vật ấy lên trước mắt. Đêm đen đặc. Nó săm soi thật kỹ rồi mới dám khẳng định với chút nghi ngờ, một tờ năm mươi nghìn, quá bằng một kho báu, một gia tài lấp lánh. Chợt biết bao thứ cần chi tiêu cho ngày mai hiện ra trong óc làm nó mỏi nghĩ. Ôm chặt lấy kho báu của mình, Cọt thiếp đi. Thoang thoảng mùi rượu đâu đây.

    Hết ngày hôm sau thằng nhỏ vẫn chưa làm thêm một bài tập mới. Tự quở trách bản thân thế nào cũng được, thằng bé biết rằng mình có nguyên do chính đáng: Suốt buổi chiều nhà bên bật thứ nhạc đinh tai nhức óc, vừa chuông vừa mõ làm nó tài nào chú ý nổi vào nhiệm vụ. Còn giờ nhiệm vụ của nó đã khác hẳn, vất vả hơn, và cần đến tận hai sức người, nó nhìn núi bát ngập trong nước đục.

    Vừa giục thằng bé khẩn trương, mẹ khéo léo chan thêm thìa nước lèo vào bát rồi đẩy nhẹ ra, người khách hiểu ý đứng dậy bê về tận bàn. Như thể chẳng thấy làn hơi bốc nghi ngút, ông ta ngụp đầu vào đánh chén ngay tức khắc. Cứ thế, ba bốn cột khói kéo dài lên tít trời mây nhanh chóng biến mất, để lại trong không gian tí tẹo của quán hàng mùi bún cá ấm áp. Nhưng nguồn cơn chính xác của mùi ấy phải là từ hai nồi to đựng nước sôi sùng sục mà mẹ đặt cạnh bàn. Cứ khi có khách mẹ lại thò cái muôi nhôm cán dài vào khuấy vài vòng, vớt bún sau khi đã chần qua ở cái nồi móp đáy, đoạn thả những nhúm gia vị sẽ làm người ta điếc đặc nếu ngửi lâu và mấy miếng cá nguội lạnh kèm cả da lên trên, rau mùi kèm tía tô vụn vặt, cuối cùng hoàn thiện tô bún bằng mấy thìa canh mỡ váng nổi lềnh phềnh ở nồi còn lại. Mẹ luôn khẳng định với đám khách đây là cá bắt từ tận quê lên. Và họ cũng sẽ nhìn cái hình dáng mờ mờ trên đi văng, đằng sau lớp kính và những đĩa thức ăn, mà gật gù.

    Đó là cái đi văng hỏng nhà nào bê ra đầu phố vứt. Từ cái ghế độc nhất ấy, một tiệm ăn muộn được dựng lên. Vừa hay cột điện đường chỗ đầu phố vẫn nhấp nháy, và mẹ cũng xoay xở chăng thêm mấy bóng đèn tạm bợ để soi sáng góc nhỏ trên vỉa hè. Tối đến mẹ bày hàng đợi những gã lang thang hoặc làm ca khuya. Dọc đường chẳng có nơi nào mở xuyên đêm, vậy nên những kẻ đói bụng bắt buộc phải ghé vào quán ăn trơ khấc, dù cho ngay cạnh họ đống rác của cả khu tập thể đổ về. Cái đi văng cũng là một thứ rác, nệm ngồi thủng toang hoang, để lộ ra bên trong miếng xốp cứng quèo. Nhưng thằng Cọt đã bịt lại bằng tấm lịch treo tường cũ ở nhà. Trên lịch vẽ một cánh đồng lúa trĩu bông thể hiện vẻ trù phú làng quê, ở đằng xa một rặng núi ghi xám như nét chì nguệch ngoạc. Khi vắng khách, cả mẹ và nó cùng ngồi nghỉ trên tấm lịch, mẹ ngồi ở khoảng trắng còn thằng bé đặt mông trên cánh đồng lúa, đôi khi cả hai cùng ngồi kín cả đồng lẫn núi.

    Chợt tiếng của người khách mới đến oang oang gọi món, ông ta làm bảo vệ ở cửa hàng tiện lợi đoạn phố trên. Bảo vệ ở cái thành phố này, một nghề rẻ mạt, nhân viên ăn nói bỗ bã, dung tục, và cứ ai đụng thì giãy nảy mình. Bố nó cũng làm bảo vệ, ít nhất là cho đến trước tối qua, giờ bố chỉ như một khách hàng ngồi thui lui trên ghế nhựa, trong góc độc nhất của tiệm mà ánh điện không chiếu xuống nổi. Sau vài câu xã giao mà chẳng nhận lại được hưởng ứng nào từ bố, ông bảo vệ quay sang hỏi mẹ, "Nay không thấy cô kia nhỉ?"

    Càng về cuối câu, giọng ông ta càng chìm nghỉm dưới giàn đá lát. Hàng ăn bỗng trở nên im ắng. Có phải ông đã làm phiền rồi không. Mấy người công nhân, thợ điện, mấy gã tài xế, tất thảy đều mong đợi cái thời khắc ngắn ngủi để có thể tạm quên đi rằng họ vẫn còn một cuộc sống thật khổ sở phía trước. Theo lẽ thường, ngoài những tiếng xì xụp, chẳng xuất hiện thêm một lời trò chuyện nào bởi ai nấy đều bận giữ cái thú tận hưởng tuyệt đối riêng tư. Mùi hôi thối của rác rưởi chỉ lượn lờ quanh mũi như mùi bún chua trong tiết trời lạnh, lâu dần lại thành thích, nhưng kể cả khi nắng chói chang giữa hè những người công nhân vẫn chẳng mảy may cảm thấy khác lạ: Họ đã quá quen thuộc với mùi nồng đậm tỏa ra từ chính mình. Dưới ánh điện nhợt nhạt, họ ăn và nghỉ ngơi, hài lòng với bản thân cũng như với cả những người xung quanh một cách lặng lẽ. Vì vậy câu hỏi xáo động những giờ phút ngắn ngủi khiến mọi thực khách đều đặt bát xuống, cũng nhờ sự ấy mà mẹ mới dừng tay vì ngờ ngợ nhận ra ai đó vừa định bắt chuyện với bà.

    Bằng vẻ thản nhiên, mẹ giải thích rằng cô gái đã về quê rồi. "Cô cho con xin nghỉ mấy ngày", thằng bé nghe chị ta nói vào hôm qua hay hôm kia gì đó. Chẳng có một ấn tượng cụ thể nào trong đầu nó về sự kiện này, phần lớn có lẽ bởi cái giọng bằng bằng, một kiểu nghĩa vụ phải làm thì đúng hơn của cô gái phụ giúp. Nó cũng chấp nhận làm thay phần việc của cô hệt như mẹ cho phép cô nghỉ vậy. Còn ông bảo vệ, tự nhận là người thừa, ông đã im bặt suốt phần còn lại của buổi tối mà thơ thẩn nhìn ra mặt đường.

    Đường lớn rộng và tĩnh mịch. Đêm nay những ánh chớp xanh đỏ của xe cộ chơi khuya bằng lòng nhường chỗ cho dàn sao lăn tăn trên bầu trời thăm thẳm. Bên kia đường một ông già ngồi trên manh chiếu rách, đôi mắt sâu hoắm lẫn vào màn đêm. Cảnh vật đổi khác nhiều so với hồi nhà nó mới lên đây lần đầu, những quán cà phê cùng tiệm sách cũ đã được thay bằng ngân hàng sát cạnh những tòa cao tầng. Những đống gạch và sỏi đá lèn thành từng ngọn, xi măng pha cát vữa bết lại phía vỉa hè đối diện. Gần đây nhất, khúc dưới của phố mới mọc thêm cây rút tiền với mái che và điện đóm, diện tích đủ cho một người nằm.

    Cọt đưa mẹ chồng bát vừa mới lau qua rồi tiện tay bê mâm chè loãng ra cho khách. Nó để tâm đến mọi động tĩnh của những người xung quanh mình, cẩn thận bước từng sải ngắn. "Quê pháo nổ tí tách", một anh thanh niên mơ màng khi nó lướt qua, đầu anh nghếch lên những biển hiệu tối đèn, vẻ mặt vừa háo hức vừa tò mò. Âm thanh bất chợt làm nước trong cốc sánh ra ngoài, làm thằng bưng bê ứa nước mắt trong lúc cố giữ cho cái khay khỏi lật. Phải chăng mùa đông khiến con người ta mềm yếu hơn, hay buổi đêm? Mấy cốc nước chè vừa đến nơi thì nhóm thợ hàn đón lấy, họ nhấp miệng, rồi thảy đặt xuống bàn và lại phì phèo điếu thuốc trên kẽ răng, đôi mắt gà gà vô định. Ngoảnh nhìn, thằng bé thấy anh thanh niên bước vội vào lối nhỏ tĩnh lặng, nó thật chăm chú cho đến khi cái viền dạ quang cuối cùng trên áo anh biến mất trong bóng tối. Rồi thằng bé chợt nhận ra: Ồ, hình như nó không muốn về quê cho lắm.

    Nhân viên vệ sinh có lịch trình riêng của họ, thường tuần một lần, điểm qua mấy quãng chính trên phố dọn dẹp. Kia rồi, người phụ nữ gồng mình tiến lại với hai xe đẩy. Sở dĩ nói vậy bởi hai cái xe kẹp trước và sau bác ta như đôi quang gánh, còn sải tay gầy bọc trong lớp vải đồng phục thì thành que đòn đặt nặng lên vai. Đứng trước núi rác cạnh quán ăn, bác bắt đầu bới. Bác lựa kỹ lắm mới bỏ dao rựa, vỏ lon, dây đồng.. vào xe trước mặt, còn lại chổi và xẻng cứ việc hốt hết ra sau. Xẻng quá bằng thừa, lần nào xúc thì lượt nấy rác vãi ra vơi nửa, tung toé khắp. Mà bác cũng cứ thò bàn tay bọc găng nhớp nhúa vịn hẳn vào người ta, mà cúi xuống nhặt nhạnh quanh. Cái hành động thô thiển ấy làm đám đàn ông phải đánh mắt lảng đi. Những vị khách ngồi ngoài cùng thì hối hận vì đã chọn sai chỗ. Hễ chổi tiến gần tới là họ rướn lưng, kéo lết ghế dịch vào sâu trong. Lắm ông phải đá hết rác dưới chân sang bàn bên mỗi khi bác ta xuất hiện. Thấy đống dây nhợ trong tay người hót rác, mẹ ra hiệu cho Cọt nhắc nhở công việc.

    Hàng ăn vãn dần. Vào lúc gà gáy nghèn nghẹt ở tập thể xóm nào gần đó thì trong hàng, không kể gia đình chủ quán sắp sửa thu dọn, chỉ còn lại một người khách. Ngồi học ở nhà không nghe được gà gáy. Nhưng thằng Cọt cảm thấy may mắn, bởi vì nó căm ghét cái âm thanh quỷ tha mất ngủ ấy. Việc phải chịu đựng cái thứ tiếng lạc quẻ ấy mỗi đêm làm nó cuốn hai tay vào nhau làm động tác vặn cổ. Lẽ nào nó đã quên những buổi nhá nhem, tiếng gà xé toạc giấc nồng, vỗ vào mùng, vào tai, vào mặt, âm vang khắp căn nhà mái ngói, kéo nó ra khỏi giường, bắt nó ra bếp trộn bã trấu, sắn nghiền với lá sung.. Rồi nó đi chân trần, bỏ qua cái mùi thum thủm mãi vẫn chẳng quên được mà đổ hết nồi đất nung ấy vào chuồng lợn. Thế rồi hương ổi nơi góc vườn cũng lại vuốt ve, mơn trớn những ngón tay hay vầng trán nó, làm cả người nó xông xáo hẳn lên. Đàn lợn béo xoẳn vừa ăn vừa ngửa cái mũi hếch lên mà cười hớn hở với nó. Âu cũng là thường tình, làm sao có thể trong trí nhớ của đứa trẻ non nớt giữ lại bấy nhiêu nét thô sơ, mộc mạc của làng quê.

    Bố thằng bé ngồi bần thần, rõ vẻ một gã thất nghiệp chẳng dặn ra nổi xu nào để trả cho bữa ăn muộn, đến cả dọn dẹp nốt những ghế nhựa bày ra khắp vỉa hè cùng vợ mà ông cũng chẳng buồn đụng tới. Dù ông vô cùng hứng thú với người khách kia, hắn ta đã im lặng quan sát từng người rời đi sau khi ăn, quan trọng là hắn để yên cho bố nhếch mép. Ông ta, nó phải xưng hô như vậy, trả lời rành mạch những câu hỏi mà bố, người bỗng trở nên hồ hởi đến lạ, đặt ra. Có lẽ việc cả ngày không mở mồm nổi một lần khiến bố thèm nói. Ông khách chừng như cũng vậy. Cả hai cuốn nhau vào cuộc nói chuyện tuy cộc lốc mà chân tình, ai cũng hiểu đấy là kiểu thân thiết của mấy gã trai trẻ lâu ngày gặp lại. Nhưng họ chẳng hề quen biết nhau.

    Càng nói bố càng tươi tỉnh, ông cười mà không cần rượu, ngón tay đan thành cái nơm đặt dưới cằm. Khung cảnh đứa nhỏ nhìn thấy giống cuộc tra hỏi khi người hỏi kể về mình nhiều hơn hẳn. Người khách thừa nhận rằng mình kinh doanh một mặt hàng điện tử mà sớm muộn rồi sẽ ế đến chỏng trơ (thằng bé thầm thán phục cái đầu óc tính xa của những thương nhân). Và ông cũng sống ở ngõ hẻm khu nó, nếu đấy là tất cả những điều người kia chịu tiết lộ về bản thân.

    Nồi canh đã lạnh, nhưng Cọt vẫn lười biếng ngồi trên ghế cạnh mẹ. Chùm đèn rọi sát mấy khuôn mặt lạ lùng, để lại trên sân trống hai cái bóng dài ngoằng kéo sang tận bên kia. Đoạn phố râm ran tiếng trò chuyện.

    Hai gã đàn ông gửi gắm cho nhau những kỳ vọng và hứa hẹn lớn lao giữa đêm hôm, họ cùng bàn về chính sự, về những kỷ niệm xưa cũ chẳng liên quan, và đến đoạn cao trào - khi bàn về quê quán - thì người khách hào hứng đề nghị gọi ông lão bên vệ đường sang bàn cùng. Gió từ đâu ùa về. Mạch thân tình mới đây còn đang trôi chảy bỗng chững lại. Bố đờ đẫn, mẹ tao tác, thằng nhỏ lấm lét nhìn, người khách lộ ra hình xăm dữ tợn dưới cổ và vẻ lạnh lùng bất chấp thủ đoạn trên mặt, trông cái nhóm như phường thảo khấu, chỉ tiếc rằng nếu đúng phường thảo khấu thực thì quãng này không phải thời điểm thích hợp lắm để họ ngồi nghỉ. "Cho một lần, lần sau lại đến", lúc đầu còn ngập ngừng, sau mẹ nói thẳng và có phần khinh bỉ. Ngồi cạnh bên, thằng bé cảm nhận rõ sự tức tối ẩn sau vẻ bồn chồn của mẹ. Lần này thì người khách mang nhiều nét của mẹ hơn của bố, ghế ông ngồi đã lùi ra xa khỏi đèn từ bao giờ, nếu không có mẹ, có lẽ hai bố con Cọt đã phải đứng dậy đi về rồi.

    Bầu không khí lặng thinh chỉ kịp dịu đi khi cơn gió kế tiếp chở theo những giọt sương của buổi sớm mai. Những khuôn mặt lại hiện lên đầy đủ, san sát dưới ánh đèn. Ông khách thuyết phục rằng khả năng thể hiện lòng nhân hậu trong thời buổi ngày nay là một đức tính đáng gìn giữ, ông hứa rằng sẽ chi trả cho lão già bữa nay và tầm chục bữa sau nếu lão còn ăn nữa, nhưng chỉ đến khi gợi ý rằng sẽ gửi cho nhà hàng bún thêm vài ưu đãi tại cửa hàng điện tử, ông ta mới dùng cái sự chân thành và nồng nhiệt hết mực, ông nói ngọng líu và ngang phè "Cứ cho lão một bát. Tôi với anh chị đây đều dân làm ăn, chẳng lẽ không có chút danh dự nào sao. Huống hồ tất cả chúng ta lại cùng quê, những người không cùng quê nhưng đã lên thành phố kiếm cơm thì đều cùng quê cả, lão ấy cũng thế. Rừng biển như một".

    Chẳng thể đoán nổi mỗi người trong số họ đang mong đợi điều gì, nhưng mẹ bắt đầu nhóm lại cái bếp than sắp lụi. Thấy mẹ đã chịu bùi tai, ông khách vẫy tay sang bên kia đường.

    Hôm sau thằng bé thắt những nút thắt theo đúng lời dạy bảo. Khi dây hết, nó xếp tất cả túi vào cái rổ nhựa đỏ đầy tận vành. Đêm mai nó sẽ đem đến trước cổng ngôi miếu nhỏ và nài nỉ bất cứ ai đi qua phải mua một túi lấy may. Những đứa khác đầy đủ cả muối, diêm, gạo trong túi, nhưng vì mẹ mua ít diêm nên mấy túi cuối nó chỉ cho mỗi muối, và thiếu hẳn gạo. Đêm mai ấm, chỉ cần mặc độc cái áo phao là đủ. Có mỗi dịp ấy nó được ngửi mùi nước hoa, hương thơm xộc vào mũi làm mụ mị các giác quan đi. Cứ sực nức thì tính giá gấp đôi, nó nhớ lời mẹ dặn. Rồi nó chợt nghi ngờ, mai Tết ư? Đâu, Tết năm ngoái rồi chứ.

    Năm ngoái xóm tổ chức cỗ linh đình lắm. Vì chưa biết linh đình giống thế nào nên nó khẳng định bữa cỗ ở nhà văn hóa linh đình nhất. Người lớn đi lại và phát biểu, nhỏ xíu thì ngậm kẹo mút trong miệng. Tối ấy trăng sáng và tròn vạnh. Phát biểu xong người ta giục mấy đứa bằng tuổi ra ngoài sân, bắt cả lũ đứng thành hàng dọc như trong quân đội. Sau khi phát cho mỗi đứa một bọc kẹo, họ chỉ đạo cả lũ diễu hành khắp phố. Đi đến đâu tiếng kèn trống và lân ngoe nguẩy đến đấy, người trong các nhà đổ xô ra xem. Đây có phải cách làm bẽ bàng công khai mà sử sách miêu tả? Tết nhỉ? Còn cái Tết nào nó chưa biết chăng?

    Thằng bé bê hũ muối cất xuống bếp, cất cả rổ lộc vào tủ rồi phủ hờ lên miếng vải thủng. Nó đặt hết những nồi và bát lên cái xe ba tầng bằng inox, chuẩn bị đẩy ra đầu phố. Ngày cuối trước Tết nên mẹ nó sẽ bán từ chiều và nghỉ sớm trước nửa đêm.

    Thực ra nay nó nghỉ học ở lớp để phụ bố trông nhà, nhưng nỗi lo lắng cho kỳ thi thì cứ bám lấy trong óc. Vẫn chưa chữ nào vào được đầu nó thêm từ độ nọ. Vì vậy mới chớm chiều thôi mà thằng bé đã lại ngồi vào bàn. Căn buồng tối tăm rực sáng đèn. Biết là phí điện, mẹ nhắc phải tiết kiệm chứ mấy tháng rồi tiền điện tăng quá, nhưng mà không bật nó không đủ ấm. Ở cạnh bố thì được bật cái đèn ống trên cao soi rọi khắp buồng, nhưng mà nãy bố vừa ra ngoài. Bố nó đi đâu chẳng nói với ai.

    Ngoài đường vắng vẻ lạ. Ngoại trừ lúc sáng nó thấy thằng nhà bên lượn lên lượn xuống ngõ vài lần, đang quét sân nó chợt phải cảnh giác, còn sau khi thằng kia đã đi thì vắng tanh. May mà nay thằng đấy không ở nhà để bật nhạc nữa. Cảnh vật được trả về với vẻ im lìm đậm không khí Tết, với những bóng râm, trên cao mây phủ đầy trời. Lao xao vài chiếc lá xanh từ chậu cây nhà nào chở về rụng xuống đường được gió thốc lên không trung. Gió chỉ mang đến theo mình mùi dầu khen khét từ tận đâu, những cây mai cây đào đặt trước cửa các nhà chẳng ngửi thấy hương.

    Vừa đặt bút xuống thì nó nghe tiếng cửa mở toang. Bố thở hồng hộc, hai tay bê vật gì to ngang người. Một cái đài nghe nhạc. Thằng bé định chạy ra bê cùng nhưng ông đã phủi tay nó, ông nặng nề đi vào giường trong. Mặt bố hớn hở như vừa đạt được một thương vụ trao đổi thành công với giá hời. Buồng trong sáng choang và phát ra những tiếng rè rè.

    Thằng bé tắt đèn bàn đi rồi ngồi bệt xuống sàn, mặt sàn nhờn ẩm. Nó chẳng muốn học nữa và cũng chẳng biết phải biểu lộ cảm xúc gì nữa. Ô cửa sổ nhỏ le lói vệt nắng, nó đưa mắt ngắm chiếc phản nó đã ngủ suốt bao lâu nay, chiếc phản nồng mùi cồn, nơi nó tìm thấy gia tài mỏng dính của mình. Ngoài trời ấm dần. Thằng bé bước ra sân để cài cửa, định bụng sẽ thử tận hưởng cái tiết trời dễ chịu này lấy một hôm.

    III.

    "Này, Cọt", thằng bé ngẩng lên theo tiếng gọi, thừa biết người gọi là ai.

    "Vụ gì đấy?", đứa kia thò đầu ra khỏi ban công hỏi vọng xuống.

    "Có gì đâu. Đầu đọc nhạc. Bố em mới mua", đứa bên dưới gào to cốt để bên trên nghe được.

    "Kinh nhỉ. Bất ngờ kinh!", thằng Ba nói như thể với chính mình. "Mẹ tao cũng hứa cho tao bất ngờ, nhưng mãi chẳng thấy đâu", câu này thì nó hướng xuống dưới.

    "Nhà em mấy hôm nay toàn bất ngờ."

    "Rồi. Ông sướng nhất đấy!"

    Cọt ở dưới cười mỉm. Xe đạp kính coong lướt qua ngõ.

    Được một lúc thằng Ba lại hỏi, "Đang làm gì?"

    "Em chuẩn bị để đón Tết thôi. Gần xong rồi."

    "Ừ, tao cũng thế. Vừa lau xong cái bàn thờ trên tầng, mệt rã rời."

    "Vâng."

    Trời hửng, nắng rọi những tia long lanh xuống cành cây gầy rộc trong sân, trên cành một chồi non tí xíu khẽ lay động.

    Hai đứa đứng thêm một lúc nữa thì thằng Ba như sực nhớ ra, "Học hành thế nào?"

    "Bình thường anh ạ. Chắc hơi vất. Bọn trong lớp toàn học thêm ngoài, chúng nó chạy trước chương trình hết rồi."

    "Hừm. Thì mình có được như những anh Cả chị Hai đâu. Cứ tự nhiên với những gì đang có thôi mày", Ba ra vẻ đăm chiêu, "Mà mày cũng lớn rồi, trưởng thành dần đi thôi. Kém tao có một tuổi chứ bé gì nữa."

    Thằng Cọt cúi đầu, dùng chân nghịch nghịch cái dép tổ ong, cũng ra chiều lắng nghe.

    Một quãng lặng nữa tiếp tục trôi qua. Quãng này lâu đến nỗi cả hai đều bắt đầu toát mồ hôi giữa trời đông.

    "Bộ đầu đắt không mày?"

    "Em không rõ lắm. Bố em mua mà."

    Từ trong nhà thằng Cọt phát ra những âm thanh chói tai làm cả hai phải quay qua nhìn.

    "Bố mày thử đầu đấy à?"

    "Vâng, chắc thế đấy anh."

    Chẳng thèm nghĩ, thằng Ba rướn cả người ra, "Để tao đi lấy mấy cái đĩa nhạc của tao ném xuống này. Có một đĩa của bà ca sĩ này tao thích mê. Nghe đi, hay lắm". Rồi nó biến vào nhà.

    Thằng Cọt hơi ngơ ngác, nhưng lúc sau khi đã hiểu ra, nó cũng hét lên theo, "Thôi để tẹo nữa. Giờ anh ra đầu phố đi. Ăn bún cá. Em bảo mẹ lấy bát anh nhiều cá cho.."

    * * *

    Nhưng không được, người kể chuyện tử tế thì không được phép cho nhân vật của mình gần gũi, không được nói chuyện quá nhiều. Đó mới là nhân vật. Còn nếu muốn gần gũi thì hãy tự mà đưa nhau lên giường. Giờ thì, cuộc nói chuyện phải dừng lại ở đây thôi, không nên giông dài, tạo cảm giác chán ngán khi nghe. Mọi tính kết nối phải bị ngắt bỏ, con người với nhau, hãy cho nhau ân huệ của sự bình yên mà im lặng. Không nên trẻ con nữa, trẻ con đã làm sao hiểu chuyện đời, càng trưởng thành càng biết rõ thế nào là độc lập. Xin hứa nếu còn chút dây mơ rễ má nào của sự gần gũi thì nhân vật sẽ bỏ nhau đi ngay, chưa đến mức chết, nhưng mà phải cách xa, phải biệt lập. Chữ nghĩa chẳng qua phản ánh đúng xã hội, không nên mạn phép ước mơ quá hão huyền. Ấy là vứt. Lời cuối cùng, sự gắn bó không được phép phát triển thêm, ngưng ngay mọi nỗ lực ảo tưởng của tình cảm hay tình người viển vông. Và câu chuyện xin được chấm dứt tại đây.

    Hết​
     
    Ưu Đàm Thanh TiMèo Cacao thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng ba 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...