Bài thơ: Chái bếp Tác giả: Lý Hữu Lương Ai cũng có trong tâm trí những hình ảnh thân thương của quê nhà. Chái bếp là một trong những hình ảnh bình dị, quen thuộc mà gợi thương gợi nhớ ấy. Trong cảm nhận của nhà thơ Lý Hữu Lương, chái bếp gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ, kỉ niệm về mẹ cha, gắn liền những con người thôn quê dợm sương dợm nắng... Nơi ấy có ngọn khói cong, có dáng mẹ ngồi đun bếp, có tiếng mưa xình xịch, có tiếng khóc tiếng cười, tiếng ngô nổ giòn, tiếng cười của mẹ... Nỗi nhớ về chái bếp gọi về cả một bầu trời tuổi thơ, về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương xứ sở. Với thể thơ tự do, hình ảnh thơ gần gũi, ngôn từ mộc mạc mà giàu cảm xúc, phép nhân hóa, phép điệp... giàu giá trị biểu đạt, bài thơ đã diễn tả chân thành, cảm động tình yêu, nỗi nhớ của nhà thơ về căn bếp nhỏ, cũng là hình ảnh ẩn dụ cho quê hương, cho mái ấm gia đình. Văn bản: Cho tôi về chái bếp nhà tôi Ngọn khói cong ngủ rồi chưa dậy Mẹ đun nồi cám hai mươi năm vẫn dở Chái bếp nằm nghe nằng nặng đêm. Chái bếp vườn nhà cha gọi tên Cho cánh nỏ cong hình lưỡi hái Cho tuổi mình là hoa là trái Chái bếp thõng mình xình xịch mưa. Cho tôi về chái bếp của tôi Nhà hai gian cầu tào một trái Có thần bếp ngụ trong than củi Có mặt người dợm nắng dợm sương. Có tiếng cười tiếng khóc trên nôi Có hồn người chờ thuyền về quê cũ Chái nhà tôi bao lần vàng cọ Nước đầu nguồn về máng dong chơi. Cho tôi về chái bếp nhà tôi Củi lửa non đêm đầy sương giá Tiếng ngô giòn tiếng mẹ giòn hơn Cho tôi về chái bếp nhà tôi... Theo Báo Đà Nẵng cuối tuần, Thứ Bảy, 13/11/2021