Câu hỏi trắc nghiệm nước Mỹ lịch sử 12

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Sumi Hạ Linh, 29 Tháng mười hai 2021.

  1. Sumi Hạ Linh

    Bài viết:
    38
    Xin chào mọi người! Chúc mọi người ngày mới tốt lành! Như chúng ta đã biết Mĩ là một quốc gia phát triển về mọi mặt đặc biệt là công nghệ khoa học, là một nơi mà ai cũng muốn đặt chân đến một lần. Thế nên, hôm nay chúng yta sẽ tìm hiểu về lịch sự phát triển của nước Mĩ giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, tìm hiểu về những biến động mà nước MĨ đã trải qua nhé. Chúc các bạn học tập thật tốt, đạt được kết quả cao. Giờ thì chúng ta vào bài thôi!

    NƯỚC MĨ

    Câu 1: Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), kinh tế Mĩ có đặc điểm gì?

    A. Phát triển nhanh, là trung tâm kinh tế- tài chính lớn nhất thế giới.

    B. Phát triển xen lẫn khủng hoảng

    C. Phát triển chậm

    D. Khủng hoảng trầm trọng


    Lời giải: Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Mĩ phát triển mạnh mẽ. Trong khoảng 20 năm sau chiến tranh, Mĩ trở thành trung tâm kinh tế- tài chính lớn nhất thế giới. Biểu hiện: Sản lượng công nghiệp chiếm hơn 56% sản lượng công nghiệp toàn thế giới (1948) ; sản lượng nông nghiệp bằng 2 lần sản lượng của 5 nước Anh, Pháp, CHLB Đức, Nhật Bản cộng lại (1949) ; có hơn 50% tàu bè đi lại trên biển; chiếm gần 40% tổng sản phẩm kinh tế thế giới..

    => Đáp án cần chọn là: A

    Câu 2: Mĩ trở thành trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất thế giới trong khoảng thời gian nào?

    A. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

    B. Khoảng 20 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

    C. Từ năm 1973 đến năm 1991.

    D. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991.

    Lời giải: Khoảng 20 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai Mĩ trở thành trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất thế giới.

    => Đáp án cần chọn là: B


    Câu 3: Thành tựu nổi bật về Khoa học – kĩ thuật của Mĩ trong năm 1969 là

    A. Chế tạo thành công bom nguyên tử

    B. Giải mã được bản đồ gen người

    C. Tạo ra cừu Đôli

    D. Đưa người lên mặt trăng

    Lời giải: Năm 1969, Mĩ đã phóng thành công tàu vũ trụ Apolo 11 đưa nhà phi hành gia Neil Amstrong và Buzz Aldrin lên mặt trăng.

    => Đáp án cần chọn là :D


    Câu 4: Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc (1989) và trật tự thế giới hai cực Ianta sụp đổ (1991) chính sách đối ngoại của Mĩ là

    A. Thiết lập trật tự thế giới "đơn cực" do Mĩ là siêu cường duy nhất lãnh đạo

    B. Từ bỏ tham vọng làm bá chủ thế giới, chuyển sang chiến lược chống khủng bố

    C. Tiếp tục thực hiện chính sách ngăn chặn, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên thế giới

    D. Ủng hộ trật tự đa cực, nhiều trung tâm đang hình thành trên thế giới

    Lời giải: Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc (1989) và trật tự thế giới hai cực Ianta sụp đổ (1991) Mĩ tìm cách vươn lên chi phối và lãnh đạo toàn thế giới. Với sức mạnh kinh tế và khoa học – kĩ thuật vượt trội, trong bối cảnh Liên Xô tan rã, Mĩ muốn thiết lập trật tự thế giới "đơn cực", trong đó Mĩ là siêu cường duy nhất sắp đặt và chi phối

    => Đáp án cần chọn là: A


    Câu 5: Sau chiến tranh thế giới thứ hai Mĩ thực hiện chính sách đối ngoại như thế nào?

    A. Triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng làm bá chủ thế giới.

    B. Hòa bình hợp tác với các nước trên thế giới.

    C. Ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn Chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

    D. Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

    Lời giải: Sau khi Chiến tranh kết thúc, dựa vào sức mạnh quân sự - kinh tế, Mĩ đã triển khai Chiến lược toàn cầu với tham vọng làm bá chủ thế giới. Nhằm mục tiêu:

    + Ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn Chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

    + Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào chống chiến tranh, vì hòa bình, dân chủ trên thế giới.

    + Khống chế, chi phối các nước đồng minh phụ thuộc vào Mĩ.

    => Đáp án cần chọn là: A


    Câu 6: Từ năm 1983 đến năm 1991, kinh tế Mĩ có đặc điểm nào dưới đây?

    A. Phục hồi và phát triển trở lại.

    B. Phát triển không ổn định.

    C. Phát triển nhanh chóng.

    D. Khủng hoảng suy thoái.

    Lời giải: Từ năm 1983, kinh tế Mĩ bắt đầu phục hồi và phát triển trở lại. Tuy vẫn là nước đứng đầu thế giới về sức mạnh kinh tế - tài chính nhưng tỉ trọng của kinh tế Mĩ trong nền kinh tế thế giới giảm sút nhiều so với trước.

    => Đáp án cần chọn là: A


    Câu 7: Nội dung nào phản ánh đúng nhất về diện mạo nền kinh tế Mĩ trong suốt thập niên 90 của thế kỉ XX?

    A. Tăng trưởng liên tục, địa vị Mĩ dần phục hồi trở thành trung tâm kinh tế - tài chính số 1 thế giới.

    B. Trải qua nhiều cuộc suy thoái ngắn nhưng vẫn đứng đầu thế giới.

    C. Giảm sút nghiêm trọng, Mĩ không còn là trung tâm kinh tế - tài chính đứng đầu thế giới.

    D. Tương đối ổn định, không có suy thoái và không có biểu hiện tăng trưởng.

    Lời giải: Trong suốt thập kỉ 90 của thế kỉ XX, tuy có trải qua những đợt suy thoái ngắn nhưng kinh tế Mĩ vẫn đứng đầu thế giới.

    => Đáp án cần chọn là: B


    Câu 8: Ở thập kỉ 90 của thế kỉ XX, Mĩ đã triển khai chiến lược gì trong chính sách đối ngoại của mình?

    A. Ngăn đe thực tế

    B. Cam kết và mở rộng

    C. Phản ứng linh hoạt

    D. Trả đũa ồ ạt

    Lời giải: Ở thập kỉ 90, Mĩ đã triển khai chiến lược "Cam kết và mở rộng" với 3 trụ cột chính (ba mục tiêu cơ bản) là:

    1- Bảo đảm an ninh với một lực lượng quân sự mạnh và sẵn sàng chiến đấu cao.

    2- Tăng cường khôi phục và phát triển tính năng động và sức mạnh của nền kinh tế Mĩ

    3- Sử dụng khẩu hiệu "Thúc đẩy dân chủ" như một công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác

    => Đáp án cần chọn là: B


    Câu 9: Yếu tố nào làm thay đổi chính sách đối nội đối ngoại của nước Mĩ khi bước sang thế kỉ XXI?

    A. Xung đột sắc tộc tôn giáo.

    B. Sự suy thoái về kinh tế.

    C. Chủ nghĩa ly khai.

    D. Chủ nghĩa khủng bố.

    Lời giải: Vụ khủng bố ngày 11-9-2001 cho thấy nước Mĩ cũng rất dễ bị tổn thương và chủ nghĩa khủng bố sẽ là một trong những yếu tố dẫn đến sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mĩ khi bước vào thế kỉ XXI.

    =>Đáp án cần chọn là :D


    Câu 10: Ngày 11-9-2001 ở nước Mĩ đã xảy ra sự kiện lịch sử gì?

    A. Tổng thống Mĩ Bush (cha) bị ám sát

    B. Khủng hoảng kinh tế- tài chính lớn nhất trong lịch sử

    C. Quốc hội Mĩ thông qua nghị quyết xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa NMD

    D. Tòa tháp đôi của Mĩ bị tấn công khủng bố

    Lời giải: Ngày 11-9-2001, các phần tử khủng bố Al queda đã thực hiện các cuộc tấn công vào tòa tháp đôi ở New York khiến hơn 3000 người thiệt mạng. Vụ khủng bố này cho thấy Mĩ rất dễ bị tổn thương và là nhân tố quan trọng đưa đến sự thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại trong thế kỉ XXI.

    => Đáp án cần chọn là :D


    Câu 11: Sau chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), Mĩ nắm độc quyền loại vũ khí nào?

    A. Vũ khí nhiệt hạch

    B. Vũ khí hạt nhân

    C. Vũ khí sinh học

    D. Vũ khí hóa học

    Lời giải: Mĩ là nước đầu tiên chế tạo và thử thành công vũ khí hạt nhân. Thế độc quyền này của Mĩ được duy trì từ sau chiến tranh đến năm 1949, khi Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử.

    => Đáp án cần chọn là: B


    Câu 12: Từ năm 1973 đến năm 1982, nền kinh tế Mĩ

    A. Khủng hoảng và suy thoái kéo dài

    B. Phục hồi và phát triển

    C. Trải qua những đợt suy thoái ngắn

    D. Phát triển mạnh, đứng đầu thế giới


    Lời giải:

    - Từ năm 1973 - 1982: Khủng hoảng và suy thoái kéo dài (năng suất lao động giảm còn 0.43% /năm; hệ thống tài chính - tiền tệ, tín dụng rối loạn).

    - Từ năm 1983, kinh tế Mỹ phục hồi và phát triển. Tuy vẫn đứng đầu thế giới về kinh tế – tài chính nhưng tỷ trọng kinh tế Mỹ trong nền kinh tế thế giới giảm sút.

    => Đáp án cần chọn là: A


    Câu 13: Ngày 11-7-1995 đã diễn ra sự kiện lịch sử gì trong quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hoa Kì?

    A. Mĩ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam

    B. Mĩ gỡ bỏ lệnh cấm vận về mua bán vũ khí

    C. Mĩ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam

    D. Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam

    Lời giải: Ngày 11-7-1995 Mĩ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đánh dấu sự biến chuyển quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước.

    => Đáp án cần chọn là: C


    Câu 14: Vì sao Mĩ thực hiện chiến lược toàn cầu?

    A. Mĩ có sức mạnh về quân sự.

    B. Mĩ có thế lực về kinh tế.

    C. Mĩ khống chế các nước đồng minh và các nước xã hội chủ nghĩa.

    D. Mĩ tham vọng làm bá chủ thế giới.

    Lời giải: Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Mĩ phát triển nhanh chóng, nắm độc quyền vũ khí hạt nhân. Dựa vào tiềm lực kinh tế- quân sự đó, chính phủ Mĩ đã đề ra chiến lược toàn cầu với tham vọng bá chủ thế giới.

    => Đáp án cần chọn là :D


    Câu 15: Trong các nội dung sau, nội dung không nằm trong chiến lược "cam kết và mở rộng" của Mĩ là

    A. Bảo đảm an ninh với một lực lượng quân sự mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao

    B. Tăng cường khôi phục, phát triển tính năng động và sức mạnh kinh tế của Mĩ

    C. Sử dụng khẩu hiệu "thúc đẩy dân chủ" để can thiệp vào nội bộ của nước khác

    D. Tăng cường phát triển khoa học, kĩ thuật, quân sự bảo đảm tính hiện đại về vũ trang

    Lời giải: Trong giai đoạn 1991 đến năm 2000, Mĩ thực hiện chiến lược "Cam kết và mở rộng" với ba mục tiêu cơ bản:

    - Bảo đảm an ninh của Mĩ với lực lượng quân sự mạnh, sẵn sàng chiến đấu.

    - Tăng cường khôi phục và phát triển tính năng động và sức mạnh của nền kinh tế Mĩ.

    - Sửu dụng khẩu hiệu "Thúc đẩy dân chủ" để can thiệp vào công việc nội bộc của các nước khác.

    => Đáp án cần chọn là :D


    Câu 16: Nguyên nhân nào không tạo điều kiện cho nền kinh tế Mỹ phát triển sau Chiến tranh thế giới thứ hai?

    A. Trình độ tập trung tư bản và sản xuất cao

    B. Triển khai chiến lược toàn cầu

    C. Tài nguyên thiên nhiên phong phú

    D. Thu lợi nhuận từ buôn bán vũ khí.


    Lời giải:

    - Các đáp án A, C, D: Đều thuộc nguyên nhân đưa đến sự phát triển của nền kinh tế Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

    - Đáp án B: Chiến lược toàn cầu thuộc chính sách đối ngoại xuyên suốt của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chính sách này đã tiêu tốn nhiều tiền của của Mỹ => Không phải nhân tố đưa kinh tế Mỹ phát triển.

    => Đáp án cần chọn là: B


    Câu 17: Nguyên nhân cơ bản quyết định sự phát triển nhảy vọt của nền kinh tế Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai

    A. Dựa vào thành tựu cách mạng khoa học - kĩ thuật, điều chỉnh lại hợp lí cơ cấu sản xuất, cải tiến kĩ thuật nâng cao năng suất lao động.

    B. Tập trung sản xuất và tập trung tư bản cao

    C. Quân sự hóa nền kinh tế để buôn bán vũ khí, phương tiện chiến tranh

    D. Điều kiện tự nhiện và xẫ hội thuận lợi

    Lời giải: Khác với Nhật Bản, con người được coi là vốn quý, là nhân tố quyết định hàng đầu thì đối với My, nơi khởi nguồn của cách mạng Khoa hoc - kĩ thuật thì nhân tó quyết định hàng đầu đưa đến sự phát triển của nền kinh tế Mỹ là ứng dụng thành tựu Khoa học - kĩ thuật vào sản xuất.

    => Đáp án cần chọn là: A


    Câu 18: Mĩ là nơi khởi đầu của cách mạng khoa học- kĩ thuận lần thứ hai là do

    A. Mĩ là trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất thế giới.

    B. Mĩ có nhiều nhân tài

    C. Mĩ có chính sách thu hút các nhà khoa học đến làm việc

    D. Mĩ có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú

    Lời giải: Do đất nước không có chiến tranh lại có chính sách thu hút các nhà khoa học đến làm việc với đãi ngộ, chế độ lương cao nên thu hút được nhiều nhân tài, nhiều nhà khoa học trên thế giới về sinh sống và làm việc. Thừa hưởng những thành tựu khoa học – kĩ thuật thế giới. Vì vậy, Mĩ có điều kiện để nghiên cứu và áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật vào sản xuất.

    => Đáp án cần chọn là: C


    Câu 19: Vì sao năm 1972 Mĩ lại có sự điều chỉnh trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Liên Xô?

    A. Để phù hợp với xu thế hòa hoãn của thế giới

    B. Để làm suy yếu phong trào giải phóng dân tộc

    C. Mĩ muốn mở rộng đồng minh để chống lại các nước thuộc địa

    D. Để tập trung phát triển kinh tế

    Lời giải: Năm 1972, tổng thống Mĩ Níchxơn sang thăm Trung Quốc và Liên Xô mở ra một chiều hướng mới trong quan hệ giữa 3 nước. Tuy nhiên, các chuyến thăm này thực chất cũng là sự hòa hoãn giữa các nước lớn, qua đó hạn chế sự giúp đỡ của các nước này cho phong trào giải phóng dân tộc.

    => Đáp án cần chọn là: B


    Câu 20: Tại sao từ những năm 70 của thế kỉ XX tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mĩ lại suy giảm?

    A. Do viện trợ cho Tây Âu

    B. Do tham vọng bá chủ thế giới

    C. Do phong trào đấu tranh trong lòng nước Mĩ

    D. Do tác động của khủng hoảng năng lượng năm 1973


    Lời giải:

    Năm 1973, do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới, kinh tế Mĩ lâm vào một cuộc khủng hoảng và suy thoái kéo dài tới năm 1982. => Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mĩ suy giảm từ những năm 70 của thế kỉ XX la do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973.

    => Đáp án cần chọn là :D


    Câu 21: Đến đầu những năm 70 của thế kỷ 20, Mỹ là

    A. Trung tâm kinh tế, tài chính duy nhất trên thế giới.

    B. Quốc gia dẫn đầu thế giới về dự trữ dầu mỏ.

    C. Một trong ba trung tâm kinh tế, tài chính của thế giới.

    D. Quốc gia duy nhất sở hữu vũ khí nguyên tử.


    Lời giải:

    - Khoảng 20 năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ là trung tâm kinh tế - tài chính duy nhất của thế giới.

    - Đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX, Mĩ là một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới cùng với Nhật Bản và Tây Âu.

    => Đáp án cần chọn là: C


    Câu 22: Tham vọng thiết lập trật tự thế giới đơn cực của Mĩ trong thời kì hậu "Chiến tranh lạnh" dựa trên điều kiện khách quan thuận lợi nào?

    A. Các nước đồng minh Anh, Pháp ủng hộ Mĩ thiết lập trật tự đơn cực.

    B. Mĩ đứng đầu thế giới về kinh tế, quân sự, khoa học - kĩ thuật.

    C. Liên Xô sụp đổ, Mĩ không còn đối thủ lớn.

    D. Hầu hết các nước trong thế giới thứ ba đều ủng hộ Mĩ.

    Lời giải: Với sức mạnh kinh tế- khoa học kĩ thuật vượt trội, đặc biệt trong bối cảnh Liên Xô tan rã- đối trọng của Mĩ trong trật tự 2 cực Ianta không còn đã tạo ra cho Mĩ một lợi thế tạm thời. Do đó giới cầm quyền Mĩ muốn nhanh chóng thiết lập một trật tự thế giới đơn cực do Mĩ hoàn toàn chi phối.

    => Đáp án cần chọn là: C


    Câu 23: Yếu tố nào đã dến đến sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mĩ khi bước vào thế kỉ XXI?

    A. Chủ nghĩa khủng bố

    B. Chủ nghĩa trọng thương

    C. Chủ nghĩa bảo hộ

    D. Chủ nghĩa li khai

    Lời giải: Trái ngược với việc Mĩ đem quân đi xâm lược, gây bạo loạn lật đổ ở nhiều nơi trên thế giới, lần đầu tiên một vụ khủng bố thảm khốc xảy ra ngay trên đất Mĩ. Vụ khủng bố ngày 11-9-2001 đã có tác động rất lớn đến nội tình nước Mĩ. Nó chính là nhân tố dẫn đến sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mĩ khi bước vào thế kỉ XXI.

    => Đáp án cần chọn là: A


    Câu 24: Vì sao sau khi trật tự hai cực Ianta bị sụp đổ, Mỹ không thế thiết lập trật tự thế giới một cực?

    A. Sự xuất hiện của chủ nghĩa khủng bố.

    B. Hệ thống thuộc địa kiểm mới của Mỹ bị sụp đổ.

    C. Sự vươn lên mạnh mẽ của các cường quốc.

    D. Bị Nhật Bản vượt qua trong lĩnh vực tài chính.

    Lời giải: Sau khi Liên Xô tan rã. Mĩ âm mưu thiết lập trật tự thế giới "đơn cực" nhằm thực hiện âm mưu bá chủ thế giới. Tuy nhiên, do sự vươn lên mạnh mẽ của các cường quốc và sự thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước => Mĩ không dễ dàng thực hiện được tham vọng của mình.

    => Đáp án cần chọn là: C


    Câu 25: Yếu tố quyết định làm suy giảm vị thế kinh tế chính trị của Mỹ trong giai đoạn 1973-1991 là gì?

    A. Sự đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô.

    B. Sự cạnh tranh của Nhật Bản, Tây Âu.

    C. Mất đi sân sau là các nước Mỹ Latinh.

    D. Thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

    Lời giải: Từ năm 1947 đến năm 1991, Liên Xô và Mỹ ở trong tình trạng căng thẳng, đối đầu của chiến tranh lạnh. Việc chạy đua vũ trang tốn kém trong chiến tranh lạnh đã khiến Mĩ suy giảm thế mạnh về nhiều mặt. Đặc biệt là các cuộc chiến tranh xâm lược ở một số quốc gia nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội đối với các quốc gia trên thế giới đã tiêu tốn của Mĩ không ít tiền của. => Sự đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô là yếu tố quyết định làm suy giảm vị thế kinh tế và chính trị trong giai đoạn 1973 – 1991.

    => Đáp án cần chọn là: A


    Câu 26: Kết quả lớn nhất Mĩ đạt được khi tiến hành cuộc Chiến tranh lạnh là gì?

    A. Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc

    B. Khống chế các nước Đồng minh

    C. Sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa

    D. Trở thành bá chủ thế giới

    Lời giải: Cuộc chiến tranh lạnh do Mĩ khởi động từ năm 1947 nhằm chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa => Sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa (1991) chính là kết quả lớn nhất Mĩ thu được từ cuộc chiến tranh này.

    => Đáp án cần chọn là: C


    Câu 27: Các học thuyết, chiến lược cụ thể của các đời tổng thống Mĩ đều nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược gì?

    A. Trở thành bá chủ thế giới

    B. Xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội trên thế giới

    C. Đàn áp phong trào cách mạng thế giới

    D. Khống chế, chi phối các nước tư bản đồng minh

    Lời giải: Các học thuyết của các đời tổng thống Mĩ đều nằm trong chiến lược toàn cầu nhằm thực hiện các mục tiêu chủ yếu và hướng đến mục tiêu chiến lược là trở thành bá chủ thế giới.

    Xét về mặt bản chất, mục tiêu của chiến lược "Cam kết và mở rộng" trong thập kỉ 90 giống với mục tiêu của "Chiến lược toàn cầu" ở chỗ, đều thể hiện và thực hiện cho tham vọng vươn lên chi phối, lãnh đạo toàn thế giới của Mĩ. Nói một cách khác, chiến lược "Cam kết và mở rộng" vẫn là sự tiếp tục triển khai "Chiến lược toàn cầu" trong bối cành lịch sử mới.

    => Đáp án cần chọn là: A


    Câu 28: Giai đoạn kinh tế - khoa học kĩ thuật Mĩ chiếm ưu thế tuyệt đối mọi mặt là

    A. Từ năm 1973 đến năm 1991

    B. Từ năm 1945 đến năm 1973

    C. Từ năm 1991 đến năm 2000

    D. Từ năm 2000 đến năm 2015


    Lời giải:

    Trong giai đoạn đầu tiên (từ năm 1945 – 1973)

    * Kinh tế:

    - Sau chiến tranh thế giới thứ II, kinh tế Mỹ phát triển mạnh: Công nghiệp chiếm 56, 5% tổng sản lượng công nghiệp thế giới; nông nghiệp bằng hai lần 5 nước Anh, Pháp, CHLB Đức, Italia, Nhật cộng lại; nắm 50% số lượng tàu bè đi lại trên biển, ¾ dự trữ vàng thế giới, chiếm 40% tổng sản phẩm kinh tế thế giới..

    - Khoảng 20 năm sau chiến tranh, Mỹ là trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất thế giới.


    * Khoa học - kĩ thuật:

    - Mỹ là nước khởi đầu và đạt nhiều thành tựu cuộc cách mạng khoa học- kỹ thuật hiện đại: Đi đầu trong lĩnh vực chế tạo công cụ sản xuất mới (máy tính điện tử, máy tự động) ; vật liệu mới (polyme, vật liệu tổng hợp) ; năng lượng mới (nguyên tử, nhiệt hạch) ; sản xuất vũ khí, chinh phục vũ trụ, "cách mạng xanh" trong nông nghiệp..

    - Thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển, ảnh hưởng lớn đến thế giới.

    Trong các giai đoạn sau từ 1973 đến 1991 và từ 1991 đến 2000, kinh tế Mĩ gắn liền với những đợt súy thoái ngắn, không chiếm ưu thế về mọi mặt như giai đoạn 1945 - 1973.

    => Đáp án cần chọn là: B


    Câu 29: Sự kiện nào đã chứng tỏ nước Mĩ hoàn toàn không miễn nhiễm với chiến tranh?

    A. Chiến tranh Việt Nam (1954-1975)

    B. Chiến tranh Afghanistan (1978-1982)

    C. Chiến tranh vùng Vịnh 1991

    D. Khủng bố 11-9-2001

    Lời giải: Ngày 11-9-2001, nhóm khủng bố Al-qaeda đã tiến hành một loạt các cuộc khủng bố trên lãnh thổ nước Mĩ. Đặc biệt vụ tấn công vào 2 tòa tháp đôi tại trung tâm thương mại thành phố New York khiến gần 3000 người chết và hơn 6000 người bị thương. Sau vụ khủng bố 11/9, người Mỹ lần đầu tiên hiểu ra rằng họ hoàn toàn không "miễn nhiễm" với chiến tranh hay các vụ khủng bố, dù lãnh thổ đất nước gần như hoàn toàn "đứng ngoài" hai cuộc chiến tranh thế giới.

    => Đáp án cần chọn là :D


    Câu 30: Thất bại của Mĩ trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) có tác động như thế nào đến chiến lược toàn cầu của Mĩ?

    A. Làm phá sản chiến lược toàn cầu

    B. Làm đảo lộn chiến lược toàn cầu

    C. Mở ra thời kì sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới

    D. Tạo ra những mâu thuẫn trong lòng nước Mĩ

    Lời giải: Tiến hành chiến tranh Việt Nam (1954-1975) Mĩ âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự ở Đông Nam Á để ngăn chặn làm sóng chủ nghĩa cộng sản tràn xuống phía Nam; làm bàn đạp để tấn công ra miền Bắc phản công phe xã hội chủ nghĩa từ phía Nam. Tuy nhiên sự thất bại của Mĩ trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm phá sản mọi toan tính, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu, tham vọng bá chủ thế giới của Mĩ.

    => Đáp án cần chọn là: B


    Câu 31: Chiến lược toàn cầu của Mĩ với 3 mục tiêu chủ yếu, mục tiêu nào có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam?

    A. Ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội.

    B. Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc.

    C. Đàn áp phong trào công nhân và cộng sản quốc tế.

    D. Khống chế các nước tư bản đồng minh.


    Lời giải:

    - Một trong những mục tiêu quan trọng, chủ chốt của Mĩ trong chiến lược toàn cầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai là: Ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

    - Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia xác định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa => mục tiêu này của Mĩ có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Chính vì thế, cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân Việt Nam có sự ảnh hưởng mạnh mẽ của cục diện hai cực, hai phe sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

    => Đáp án cần chọn là: A


    Câu 32: Di tích lịch sử nào được coi là chứng tích tàn khốc về cuộc chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam (1954-1975) ?

    A. Tòa tháp đôi

    B. Đại lộ tự do

    C. Bức tường đá đen

    D. Đại lộ danh vọng

    Lời giải: Bức tường đá đen là một đài tưởng niệm về chiến tranh Việt Nam (1954-1975) ở Washington. Ở đây khắc tên khoảng 58000 lính Mĩ tử trận hoặc mất tích trong cuộc chiến tranh này.

    => Đáp án cần chọn là: C


    Câu 33: Tại sao Mĩ lại có thể thu hút được đông đảo các nhà khoa học trong chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) ?

    A. Mĩ có cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho nghiên cứu

    B. Chính sách đãi ngộ của nhà nước thỏa đáng với các nhà khoa học

    C. Mĩ các điều kiện hòa bình để tập trung nghiên cứu

    D. Mĩ đầu tư rất lớn cho giáo dục

    Lời giải: Trong chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), bên cạnh sự đầu tư rất lớn cho hoạt động nghiên cứu khoa học, Mĩ còn nằm cách xa chiến trường châu Âu nên có điều kiện hòa bình để các nhà khoa học tập trung nghiên cứu.

    => Đáp án cần chọn là: C


    Câu 34: Chính sách đối ngoại xuyên suốt của Mĩ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 2000 là

    A. Chống phá Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

    B. Triển khai chiến lược toàn cầu với hi vọng làm bá chủ thế giới.

    C. Can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.

    D. Khống chế, chi phối các nước tư bản đồng minh phụ thuộc vào Mỹ.


    Lời giải:

    * Chính sách đối ngoại của Mĩ qua các đời Tổng thống:

    - Triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng làm bá chủ thế giới.

    - Khởi xướng cuộc "Chiến tranh lạnh", trực tiếp hay gián tiếp gây ra và ủng hộ hàng chục cuộc chiến tranh xâm lược và bạo loạn.

    - Từ năm 1972, Mĩ đã thực hiện chính sách "hòa hoãn" với Trung Quốc, Liên Xô. Sau thất bại ở Việt Nam, Mĩ vẫn tiếp tục thực hiện "Chiến lược toàn cầu" đối đầu với Liên Xô.

    - Từ giữa những năm 80, xu hướng đối thoại hòa hoãn ngày càng chiếm ưu thế. Cuối năm 1989, Mĩ và Liên Xô tuyên bố chấm dứt "Chiến tranh lạnh".

    - Trong thập kỉ 90 của thế kỉ XX. Mĩ thực hiện chiến lược: "Cam kết và mở rộng" dưới đời tổng thống B. Clintơn với ba mục tiêu cơ bản: Bảo đảm an ninh của Mĩ với lực lượng quân sự hùng mạnh để sẵn sàng chiến đấu; tăng cường khôi phục và phát triển tính năng động và sức mạnh của nền kinh tế Mĩ, sử dung khẩu hiệu "Thúc đẩy dân chủ" để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

    - Từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc (1989) và trật tự Ianta tan rã (1991), Mĩ đang thiết lập một trật tự thế giới "đơn cực" chi phối và lãnh đạo toàn thế giới.

    * Xét về mặt bản chất, mục tiêu của chiến lược "Cam kết và mở rộng" giống mục tiêu của "Chiến lược toàn cầu" ở chỗ, đều thể hiện và thực hiện cho tham vọng vươn lên chi phối, lãnh đạo toàn thế giới của Mĩ. Nói một cách khác, chiến lược "Cam kết và mở rộng" vẫn là sự tiếp tục triển khai "Chiến lược toàn cầu" trong bối cảnh lịch sử mới.

    => Chính sách đối ngoại xuyên suốt của Mĩ từ sau năm 1945 đến năm 2000 là thực hiện chiến lược toàn cầu với tham vọng bá chủ thế giới.

    =>> Đáp án cần chọn là: B


    Câu 35: Đâu không phải mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mĩ những năm 1945-1973?

    A. Ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới tiêu diệt các nước xã hội chủ nghĩa.

    B. Đàn áp phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

    C. Khống chế, chi phối các nước đồng minh lệ thuộc vào Mĩ.

    D. Thực hiện mục tiêu tấn công Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.


    Lời giải:

    - Sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945 – 1973), Mĩ triển khai chiến lược toàn cầu với ba mục tiêu chính (bao gồm ba đáp án A, B, C).

    - Mĩ đề ra mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới tiêu diệt các nước XHCN chứ không đề ra mục tiêu tấn công Liên Xô và các nước XHCN.

    => Đáp án cần chọn là :D


    Câu 36: Ý nào dưới đây không phải là nội dung chính quyền Mĩ triển khai Chiến lược toàn cầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai

    A. Khởi xướng cuộc Chiến tranh lạnh và lôi kéo nhiều nước đồng minh ủng hộ mình

    B. Tuyên truyền về tiềm lực kinh tế, sức mạnh quân sự và vai trò của Mĩ trên thế giới

    C. Trực tiếp gây nên nhiều cuộc chiến tranh xâm lược ở nhiều nơi trên thế giới

    D. Can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, thiết lập chính quyền tay sai ở nhiều nơi


    Lời giải:

    Mĩ đã triển khai chiến tranh lạnh như sau:

    - Khởi xướng cuộc chiến tranh lạnh.

    - Trực tiếp gây ra hoặc ủng hộ hàng chục cuộc chiến tranh xâm lược và bạo loạn, lật đổ chính quyền ở nhiều nơi trên thế giới, tiêu biểu là cuôc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954 – 1975), dính líu vào cuộc chiến tranh Trung Đông..

    - Thiết lập chín quyền tay sai ở nhiều nước, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước (tiêu biểu là ở khu vực Mĩ Latinh).

    =>Đáp án cần chọn là: B


    Câu 37: Sau chiến tranh thế giới thứ hai, quốc gia nào đi đầu cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp?

    A. Nhật Bản.

    B. Liên Xô.

    C. Mỹ.

    D. Ấn Độ.

    Lời giải: Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ là nước đi đầu trong cuộc "cách mạng xanh" trong nông nghiệp.

    => Đáp án cần chọn là: C


    Câu 38: Đâu không phải nội dung phản ánh sự phát triển vượt bậc về kinh tế - khoa học kỹ thuật của Mỹ trong những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

    A. Sở hữu ¾ dự trữ vàng của thế giới

    B. Viện trợ cho các nước Tây Âu 17 tỉ USD qua kế hoạch "phục hưng châu Âu".

    C. Trở thành nước khởi đầu của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại

    D. Sản lượng công nghiệp chiếm hơn một nửa sản lượng công nghiệp thế giới


    Lời giải:

    - Các đáp án A, C, D: Đều là biểu hiện cho sự phát triển vượt bậc về kinh tế của Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

    - Đáp án B: Thể hiện chính sách đối ngoại của Mĩ, thực hiện "kế hoạch Mácsan" để lôi kéo các nước Tây Âu vào liên minh quân sự chống Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa.

    => Đáp án cần chọn là: B


    Câu 39: Mĩ đã sử dụng chiêu bài nào để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác trong chiến lược "Cam kết và mở rộng"?

    A. Ủng hộ độc lập dân tộc.

    B. Thúc đẩy dân chủ.

    C. Chống chủ nghĩa khủng bố.

    D. Tự do, tín ngưỡng.

    Lời giải: Trong chiến lược "Cam kết và mở rộng", Mĩ sử dụng chiêu bài "Thúc đẩy dân chủ" để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

    => Đáp án cần chọn là: B


    Câu 40: Đâu không phải mục tiêu của Mĩ khi triển khai chiến lược toàn cầu?

    A. Ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội.

    B. Đàn áp phong trào dân tộc, phong trào công nhân và cộng sản quốc tế.

    C. Khống chế, phi phối các nước tư bản đồng minh phụ thuộc vào Mĩ.

    D. Lôi kéo, mua chuộc các nước tư bản phương Tây bằng kinh tế, tài chính.


    Lời giải:

    - Dựa vào sức mạnh quân sự, kinh tế, Mĩ đã triển khai Chiến lược toàn cầu với tham vọng làm bá chủ thế giới. Mục tiêu:

    + Ngăn chặn, và tiến tới tiêu diệt hoàn toàn Chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

    + Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào chống chiến tranh, vì hòa bình, dân chủ trên thế giới.

    + Khống chế, chi phối các nước đồng minh phụ thuộc vào Mĩ.

    => Đáp án cần chọn là :D


    Cảm ơn các bạn đã xem bài viết của mình!
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...