Chia sẻ Cần tránh những sai lầm nào khi viết văn?

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi estoulam, 5 Tháng một 2022.

  1. estoulam

    Bài viết:
    63
    TOP 3 sai lầm khi viết một bài nghị luận văn học, nghị luận xã hội

    1. Không lập dàn ý

    Lập dàn ý giúp chúng ta xác định được trình tự, nội dung cần triển khai trong bài viết, để có cái nhìn tổng quát xem mình đã lập luận ổn chưa, cần bổ sung hay loại bỏ như thế nào. Nếu không lập dàn ý trước khi làm rất dễ bị lan man, đặc biệt là khi thi, lúc viết ra trên giấy thì không thể tùy tiện chắp nối, chỉnh sửa được. Lập dàn ý trong khi luyện viết cũng chuẩn bị cho chúng ta một khung sườn sẵn để khi vào phòng thi không bị bỡ ngỡ.

    Tuy nhiên, viết dàn ý không chỉ là việc xác định những nội dung cơ bản nhất của ba phần Mở - Thân - Kết mà còn phải nghĩ về các ví dụ minh họa, cách dẫn dắt vấn đề, thứ tự trình bày cụ thể để khi viết không bị gián đoạn.


    [​IMG]

    2. Đọc bài tham khảo không đúng cách

    Lệ thuộc vào bài mẫu sẽ dần bào mòn khả năng suy nghĩ độc lập, nhất là lúc gặp phải một đề văn mới trong phòng thi. Khả năng sử dụng ngôn từ cũng theo đó mà kém dần, khiến chúng ta không thể tự triển khai bài văn một cách trơn tru. Lệ thuộc vào bài mẫu cũng làm giảm tư duy phản biện, đồng thời làm mất đi phần nào ý nghĩa của việc phân tích văn học nói riêng và thưởng thức, phê bình nghệ thuật nói chung.

    Tuy nhiên, đọc bài mẫu vẫn là một việc làm cần thiết. Không chỉ với việc học văn, mà kể cả với các môn khác, các lĩnh vực khác, nhiều khi tự bản thân triển khai thì sẽ không thể tự đánh giá mức độ đúng sai, phù hợp, nên việc xem, đọc những công trình mẫu mực, chất lượng sẽ giúp chúng ta học hỏi được nhiều điều, chẳng hạn như khi viết văn, chúng ta có thể học hỏi được cách dùng từ sắc sảo, chọn lọc, giàu sức gợi, viết câu mạch lạc, có tính liên kết..

    Như vậy, chúng ta vẫn cần đọc bài mẫu, nhưng quan trọng là đọc sao cho đúng cách. Trước hết, mỗi khi gặp một đề bài, hãy tự độc lập suy nghĩ xem chúng ta nên triển khai nó như thế nào, sau đó tự lập dàn ý chi tiết rồi mới tham khảo bài mẫu để bổ sung, chỉnh sửa những điểm còn thiếu sót. Đặc biệt cần chú ý tự luyện cách triển khai ý văn sao cho thích hợp nhất với nội dung mình cần viết, vì không phải đề bài nào cũng giống nhau hoàn toàn.

    3. Không cố gắng viết một bài hoàn thiện ngay từ đầu

    Trong thời gian tìm hiểu xong một tác phẩm, nhiều bạn không lập danh sách các đề văn trọng tâm, đề văn mở rộng để làm ngay, mà chờ đến sát đợt thi mới vội vàng chuẩn bị. Như vậy vừa dễ khiến bài văn thiếu chỉn chu mà vừa không có nhiều thời gian ôn tập cho nhuần nhuyễn. Nhiều khi vì thế mà nhiều bạn chọn học tủ, học lệch, dẫn đến kết quả không tốt, mà ít đọng lại được kiến thức cho mình. Nếu được chuẩn bị trước, chúng ta sẽ có thời gian nhiều hơn để giọt giũa câu từ, chỉnh sửa, bổ sung lập luận sao cho bài văn đạt được chất lượng tốt nhất có thể, đồng thời nếu được thì hãy chuẩn bị thêm những đề mở rộng, những khía cạnh mới để vào phòng thi không bị bỡ ngỡ.

    Trên đây là 3 sai lầm từ kinh nghiệm mình đã rút ra được khi học môn Văn ở cấp bậc giáo dục phổ thông. Hi vọng rằng nó sẽ giúp ích cho mọi người!
     
    Bách Tuế Miêu thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...