Trình bày suy nghĩ về ý kiến: Hay đổ lỗi cho người khác - Một thói hư tật xấu cần tránh - Ngữ văn 8

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 7 Tháng sáu 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Một trong những phương pháp dạy con quan trọng và được ưu tiên trước hết của những cha mẹ người Do Thái, người Nhật, người Mỹ.. là dạy cho trẻ là khả năng độc lập và thói quen tự chịu trách nhiệm. Nếu đứa trẻ vấp ngã, họ sẽ khuyến khích con tự đứng lên. Tuy nhiên, cha mẹ người Việt không ít người lại "đánh chừa" bậc thềm hay cái ghế, đổ lỗi cho những vật vô tri đó. Phương pháp này khiến không ít đứa trẻ hình thành tâm lí đổ lỗi ngay từ nhỏ. Việc đổ lỗi cho người khác mang đến nhiều hệ lụy.

    Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: "Hay đổ lỗi cho người khác - một thói hư tật xấu cần tránh"

    Adam Khoo, một trong những sinh viên tài năng nhất thế kỷ từng bày tỏ quan điểm: "Người thành công luôn chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ tin rằng cho dù xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, họ là một phần nguyên nhân gây ra nó." Như vậy, biết nhận lỗi, tự chịu trách nhiệm, con người mới có được thành công. Ngược lại, hay đổ lỗi cho người khác, sẽ mang đến những hệ lụy khôn lường, đây là thói quen nên tránh.

    Trong cuộc sống, con người thường xuyên phải đối mặt với những điều không như mong muốn, thậm chí thất bại, gục ngã. Nhiều người biết rút ra kinh nghiệm rồi làm lại từ đầu, nhưng nhiều người lại chọn cách đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh. Đổ lỗi là bản thân mắc sai lầm, gặp "sự cố", nhưng không chịu nhận trách nhiệm về mình mà đẩy trách nhiệm về phía người khác, cho rằng cái sai của mình là do tác động của người khác. Khoa học gọi hiện tượng này là "tâm lí nạn nhân".

    Những người mắc "căn bệnh" này không hiếm gặp trong cuộc sống thường nhật. Từ đứa trẻ mới bi bô tập nói, khi ngã đã biết "đánh chừa" cái bàn cái ghế ngáng chân em. Lớn lên đi học quên mang sách vở cũng vòng vo đổ lỗi cho bố mẹ gọi dậy muộn không kịp chuẩn bị. Đến lãnh đạo cấp cao trình độ quản lí yếu kém dẫn đến hao hụt công khố cũng đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới. Có được mấy người dám đứng trước công chúng mà nhận lỗi về mình?

    Vì sao lại có những người thích đóng vai nạn nhân như vậy? Có nhiều lí do khiến họ hay đổ lỗi cho người khác. Có người đổ lỗi do thói quen, không cần biết đúng sai, ai vạch lỗi của mình là vòng vo chối lỗi làm đầu. Có người đổ lỗi do mất kiểm soát cảm xúc. Lại có người coi đổ lỗi là một cách để tự vệ để không ai nhìn thấy khiếm khuyết của bản thân, để khỏi cảm giác tội lỗi và lo lắng, khỏi sự phán xét của người khác hoặc pháp luật. Có người đổ lỗi do sợ mất uy tín, mất hình ảnh. Họ quan tâm đến sĩ diện của họ hơn tất thảy.

    [​IMG]

    Đổ lỗi là một thói hư tật xấu cần tránh, vì đổ lỗi mang lại nhiều hệ lụy, phiền phức, ảnh hưởng đến bản thân, đến người khác và cả xã hội.

    Trước hết, đổ lỗi dẫn đến suy đồi đạo đức, làm xấu xí, nhem nhuốc nhân cách của con người.. Khi quen đổ lỗi cho người khác, con người sẽ trở thành kẻ hèn nhát vô trách nhiệm. Thậm chí có người sẵn sàng làm những việc xấu xa, phi đạo lí, vi phạm pháp lí hòng chối tội. Nếu không kịp thời sửa chữa, con người dễ sa vào vũng lầy của sự tha hóa, mất nhân tính.

    Thứ hai, đổ lỗi khiến con người không nhận ra sai lầm của bản thân để tìm cách khắc phục. Hiệu suất công việc và khả năng thành công sẽ thu hẹp lại, đánh mất cơ hội phát triển của bản thân. Thật lợi bất cập hại.

    Thứ ba, hay đổ lỗi cho người khác sẽ đánh mất đi sự kết nối, gắn kết với mọi người. Sự vô trách nhiệm của người quen đổ lỗi sẽ khiến không chỉ chính bản thân họ không nhận được hảo cảm, lòng tin của người khác mà còn khiến người với người thêm xa cách. Những người quen đổ lỗi sẽ không giữ được vị thế trong lòng mọi người. Ai muốn kết giao với kẻ chỉ thích đổ lỗi cho người xung quanh đâu?

    Thứ tư, việc đổ lỗi còn khiến công việc kém hiệu quả, thất bại, kìm hãm phát triển xã hội. Trong với tập thể, đổ lỗi cho người khác sẽ gây tâm lí nghi ngờ lẫn nhau, làm mất đoàn kết, ảnh hưởng đến công việc chung. Nếu xã hội tồn tại nhiều những kẻ thích "đóng vai nạn nhân" như vậy thì thật hỗn loạn, thật – giả, tốt – xấu, sáng – tối sẽ trở nên không thể phân biệt được nữa.

    Nhà văn Ca-ren Ca-xây trong cuốn Khi ta thay đổi, thế giới sẽ đổi thay đã rất thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về hành vi đổ lỗi: "Đổ lỗi cho người khác còn tồi tệ hơn là làm điều sai trái. Đó là sự dối trá, thiếu tự trọng và vô nhân đạo. Nhưng trên hết, nó cản trở tôi gặt hái sự tiến bộ - vốn chỉ có được khi ta dám chịu trách nhiệm về hành động của mình". Theo ông, nếu không sẵn lòng gánh trách nhiệm về bản chất con người, về cách nghĩ và hành động của mình thì con người sẽ mãi "sa lầy trong bất hòa, và cái vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn".

    "Lùi một bước, trời cao biển rộng." Danh ngôn này quả không sai. Đổ lỗi có thể gây nhiều hậu quả khó lường, chúng ta nên tránh. Tránh để phát triển, để nhận được lòng tin yêu của mọi người. Hãy học cách nhận lỗi. Bởi nhận lỗi có thể mang đến nhiều điều tốt đẹp. Cúi đầu nhận lỗi không phải là hèn hạ hay thất bại. Đó là phép lịch sự, thể hiện sự tôn trọng người đối diện và giương cao phẩm chất cao thượng của con người. Tinh thần khiêm nhường và không đổ lỗi rất đáng được coi trọng và học tập.
     
    Dana Lê, Annie Dinh, HidroXide2 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng tám 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...