Cảm nhận về đoạn thơ Tre xanh xanh tự bao giờ - Tre Việt Nam, Nguyễn Duy

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nntc6761, 18 Tháng bảy 2022.

  1. nntc6761 ~~~Cập nhật link bài mới ở trên tường ạ~~

    Bài viết:
    2,167
    Trong tác phẩm thơ Tre Việt Nam - Nguyễn Duy có đoạn:

    Tre xanh

    Xanh tự bao giờ?

    Chuyện ngày xưa.. đã có bờ tre xanh

    Thân gầy guộc lá mong manh

    Mà sao lên lũy lên thành tre ơi?

    Ở đâu tre cũng xanh tươi

    Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu!

    Có gì đâu, có gì đâu

    Mỡ màu ít chất dồn lâu hóa nhiều

    Rễ siêng không ngại đất nghèo

    Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

    Vươn mình trong gió tre đu

    Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

    Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh

    Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm..

    Cảm nhận về đoạn thơ:

    Từ ngàn đời nay, lũy tre xanh đã là cảnh vật thân thiết trong làng quê Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Duy đã sáng tác bài thơ về cây tre nổi tiếng của Việt Nam. Hình ảnh cây tre đã trở thành biểu tượng cho phẩm chất tốt đẹp đáng quý của con người Việt và sức sống mãnh liệt của dân tộc trong mọi giai đoạn lịch sử. Đoạn thơ trên đã thể hiện rất rõ điều đó.

    Ba dòng thơ mở đầu như kể chuyện, gợi cho người đọc nhớ đến truyện truyền thuyết về người anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc Ân. Lời thơ tuy chỉ mang tính chất gợi hình nhưng để lại nhiều dư vị. Hai câu lục bát đầu được viết thành một đoạn thơ ba dòng. Câu lục bát thứ nhất được chia thành hai nửa để gây sự chú ý, nhấn mạnh.

    Câu hỏi tu từ trong đoạn thơ thể hiện sự ngạc nhiên trước một hiện tượng lạ. Mỗi người Việt đã quen thuộc với lũy tre, có lũy tre xanh trong các câu chuyện dân gian từ xưa đến nay, nhưng tre xanh từ bao giờ, tre có từ khi nào? Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là những cây tre nhỏ, trông có vẻ như yếu ớt, tại sao lại "lên lũy lên thành" được?

    Ở những câu thơ sau, dường như nhà thơ đã phát hiện ra một chân lý: Sở dĩ tre xanh tốt là vì có rễ chăm. Cuộc sống phải bắt đầu từ cần, kiệm. Cây tre đã trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam với nhiều đức tính quý báu như chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại. Người cũng giống như tre: Ham sống, mạnh mẽ, lạc quan, yêu đời.

    Tre được nhân cách hóa: Tre hát ru, tre biết yêu thương, tre "không đứng khuất mình", cũng giống như dân tộc ta tràn đầy năng lượng và có tinh thần vươn lên.

    Vượt qua đất sỏi, đất vôi, đất cằn cỗi, tre vẫn thích nghi để xanh tươi, trường sinh, xây nên thành lũy vững chắc, không thế lực nào có thể phá hủy được. Đây là đặc điểm tiêu biểu nhất của tinh thần Việt Nam.

    Bài thơ này vừa có hình tượng thơ, vừa có phẩm chất tư tưởng, khẳng định bản lĩnh cao cả của một dân tộc ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Từ "xanh" xuất hiện nhiều lần, đôi khi ở đầu dòng và đôi khi ở cuối dòng. Phải chăng đó là một sự biến hóa tinh tế và huyền ảo nhưng vẫn không làm mất đi màu xanh "bất tử" của cây tre? Dù thế nào đi nữa, lũy tre vẫn xanh tươi suốt bao mùa. Màu xanh của tre tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc.

    Đoạn thơ rất hay và sinh động, khiến người đọc cảm nhận sâu sắc cả hình ảnh đẹp lẫn ý nghĩa hàm súc trong hình tượng, trong câu từ, thấm vào xúc cảm và tâm hồn người Việt nhiều thế hệ.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Chưa có tài khoản? Nhấn Đăng Ký ngay! <3
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười hai 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...