Cảm Nhận Về Bài Thơ Chiều Sông Thương - Hữu Thỉnh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 15 Tháng mười hai 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Cảm nhận bài thơ Chiều sông Thương - Hữu Thỉnh

    Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu,

    Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát.

    Người đến hát khi chèo đò kéo thuyền, vượt thác,

    Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.


    "Trăm dáng sông xuôi ấy" không chỉ đẹp trong tự nhiên mà còn trở thành những dòng sông gợi thương gợi nhớ trong trang văn, trang thơ của biết bao người nghệ sĩ. Đó là dòng Vàm Cỏ Đông trong thơ Hoài Vũ, dòng sông quê hương "xanh biếc" trong thơ Tế Hanh, là "sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh" trong thơ Hoàng Cầm, là dòng Đà giang "tuôn dài tuôn dài" trong tùy bút Nguyễn Tuân.. là dòng Hương giang mềm như tấm lụa trong kí Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hữu Thỉnh cũng mang đến cho văn đàn một áng thơ đẹp mà cảm hứng được khơi nguồn từ dòng sông xứ Kinh Bắc: Sông Thương.

    [​IMG]


    "Chiều sông Thương" được làm theo thể ngũ ngôn, với 32 câu thơ viết liền mạch, không dấu ngắt, tạo cảm giác cả bài thơ như dòng cảm xúc dào dạt tuôn trào chợt ùa về trong khoảnh khắc.

    Bối cảnh thời gian, không gian được gợi lên ngay từ nhan đề và những câu thơ đầu tiên: thời gian của cảm xúc là một buổi chiều thu, không gian là dòng sông Thương êm đềm, trù phú. Buổi chiều thường gợi thương gợi nhớ, nhất là với người con xa quê. Vậy nên dù chưa "về tới ngõ" nhưng nhìn thấy dòng sông quê hương thân thuộc, bao nhiêu cảm xúc đã ùa về trong tâm trí nhà thơ. Hình như với mỗi người, dòng sông quê hương thường để lại những suy tư và xúc cảm sâu lắng. Nên không phải ngẫu nhiên mà có biết bao áng thơ hay được viết lên từ hình ảnh quen thuộc, thân thương ấy.

    Với mỗi người, dòng sông quê hương mình lại đẹp theo một cách. Trong cảm nhận của Hữu Thỉnh, sông Thương là dòng sông thơ mộng chảy hiền hòa giữa một một miền quê trù phú:

    Đi suốt cả ngày thu
    vẫn chưa về tới ngõ
    dùng dằng hoa quan họ
    nở tím bên sông Thương

    nước vẫn nước đôi dòng
    chiều vẫn chiều lưỡi hái
    những gì sông muốn nói
    cánh buồm đang hát lên

    đám mây trên Việt Yên
    rủ bóng về Bố Hạ
    lúa cúi mình giấu quả
    ruộng bời con gió xanh

    nước màu đang chảy ngoan
    giữa lòng mương máng nổi
    mạ đã thò lá mới
    trên lớp bùn sếnh sang

    cho sắc mặt mùa màng
    đất quê mình thịnh vượng
    những gì ta gửi gắm
    sắp vàng hoe bốn bên

    hạt phù sa rất quen
    sao mà như cổ tích
    mấy cô coi máy nước
    mắt dài như dao cau

    ôi con sông màu nâu
    ôi con sông màu biếc
    dâng cho mùa sắp gặt
    bồi cho mùa phôi thai

    nắng thu đang trải đầy
    đã trăng non múi bưởi
    bên cầu con nghé đợi
    cả chiều thu sang sông.

    Vẻ đẹp của dòng sông được tạo nên qua những nét vẽ đặc sắc: Hoa quan họ. Nào ai biết "hoa quan họ" là hoa gì? Chỉ khi chạm vào sắc tím trong câu thơ tiếp theo, ta mới hình dung đó chính là sắc tím của lục bình - một nét vẽ quá đỗi thân thương, mềm mại. Những chùm lục bình tím trôi đi giữa dòng nước êm đềm: "Nước vẫn nước đôi dòng/chiều vẫn chiều lưỡi hái". Cảnh vật "vẫn" như xưa, vẫn tồn tại trong sự vĩnh hằng muôn thuở của nó mà sao gợi thương, gợi nhớ nhiều đến thế?

    Nét thi vị trong cách biểu đạt của Hữu Thỉnh là ở độ "nhòe mờ" của ý nghĩa lời thơ. "Chiều lưỡi hái" là buổi chiều như thế nào? "Những gì sông muốn nói/cánh buồm đang hát lên" - là điều những gì vậy? Thật khiên cưỡng nếu ta áp đặt cho những câu thơ này một nét nghĩa cụ thể nào đó. Ta chỉ có thể cảm nhận được qua tiếng "hát" kia là hình ảnh một dòng sông vui tươi, trù phú - dòng sông mang phù sa bồi đắp cho mùa màng của mảnh đất Kinh Bắc; mang những con thuyền căng buồm xuôi ngược muôn nơi.

    Bức tranh chiều sông Thương tiếp tục được điểm tô bởi những nét vẽ thật đẹp: Hình ảnh từng đám mây rủ bóng xuống dòng sông gợi lên một khung cảnh thanh bình, yên ả. Chữ "rủ" không mang cảm giác buồn bởi nó xuất hiện trong văn cảnh cùng hàng loạt những hình ảnh đẹp khác: Lúa cúi mình giấu quả/ruộng bời con gió xanh/nước màu đang chảy ngoan/giữa lòng mương máng nổi/mạ đã thò lá mới/trên lớp bùn sếnh sang.. Trong dáng cúi mình của bông lúa giấu quả là niềm vui một vụ mùa bội thu; trong hai chữ "ruộng bời" là hình ảnh của cả cánh đồng tươi tốt; trong màu nước chảy ngoan là phù sa màu mỡ đắp bồi; trong màu mạ xanh non đang thò là mới trên lớp bùn sếnh sang là sự sống mới đang tiếp tục vận động, sinh sôi. Những hình ảnh thật đẹp, thật sáng được đặt trong sự biểu đạt vừa như quen, vừa như lạ của Hữu Thỉnh qua các từ ngữ giàu giá trị biểu đạt giúp người đọc hình dung sự tốt tươi, trù phú của mùa màng xứ Kinh Bắc. Hình ảnh ấy khác biệt hẳn với mảnh đất Kinh Bắc điêu tàn trong bom đạn kẻ thù: "Ruộng ta khô/ Nhà ta cháy/ Chó ngộ một đàn.." (Hoàng Cầm).

    Kinh Bắc ngày nay đã mang một diện mạo mới, một "sắc mặt" mới: "Cho sắc mặt mùa màng/đất quê mình thịnh vượng". Phép tu từ nhân hóa thật đẹp tiếp tục đậm tô hình ảnh của một vùng quê trù phú, thịnh vượng đã được gợi lên từ những câu thơ trước. Nếu những câu thơ trước là cái nhìn cận cảnh, thì hai câu thơ này là cái nhìn toàn cảnh, được viết lên từ niềm tự hào sâu sắc của nhà thơ về sự phát triển của quê hương. Mấy chữ "quê mình" nghe sao xốn xang, kiêu hãnh mà thân thương đến thế!

    Tất cả những gì mà nhà thơ hi vọng, mong ước cho quê hương đều đã, đang và sẽ thành hiện thực: "Những gì ta gửi gắm/sắp vàng hoe bốn bên". Mong ước quê hương giàu đủ, thịnh vượng là nỗi niềm đau đáu của những người con xa quê luôn thiết tha với quê hương, xứ sở. Và giờ đây, khi chứng kiến cảnh sắc, mùa màng quê hương đang độ căng tràn, màu mỡ, nhà thơ không khỏi xốn xang, hạnh phúc. Câu thơ bật lên như một tiếng reo vui - niềm vui của ước mơ đang dần trở thành hiện thực. Hình ảnh hoán dụ "vàng hoe" cùng từ chỉ không gian "bốn bên" gợi nhiều hơn mấy tiếng ngắn gọn, đơn sơ ấy. Đó là hình ảnh của những cánh đồng mênh mông bất tận sáng tươi trong sắc vàng óng ả, cũng là hình ảnh của mùa màng tươi tốt bội thu.

    Cảm nhận niềm vui sướng, hạnh phúc lan tỏa trong lòng, nhà thơ không khỏi biết ơn những gì mà dòng sông Thương mang đến cho mảnh đất quê hương mình: "Hạt phù sa rất quen/sao mà như cổ tích". Hạt hạt phù sa sông Thương đắp bồi cho đồng ruộng Kinh Bắc vốn là những gì đã "rất quen", đó là sự đắp bồi qua thời gian vĩnh hằng, muôn thuở. Điều đặc biệt là trong cảm nhận của nhà thơ, phù sa ấy như mang phép màu của cổ tích, mang đến những điều kì diệu - mang đến sự thịnh vượng cho cả một vùng quê. Cách biểu đạt của nhà thơ cứ mộc mạc, nhẹ nhàng như thế, mà lắng đọng, sâu sắc biết bao.

    Những câu cuối của bài thơ như khúc hát hân hoan, dào dạt ngân lên từ tâm hồn, trái tim của người con xa quê nay trở về chứng kiến quê nhà đang dạt dào sức sống: "Ôi con sông màu nâu/Ôi con sông màu biếc /Dâng cho mùa sắp gặt /Bồi cho mùa phôi thai". Cảm xúc thơ rung lên trong tiếng "Ôi" lặp lại đến hai lần. Dù đó là con sông nặng phù sa "nâu" mùa nước nổi hay con sông trong veo màu "biếc" độ thu về, thì đều là dòng sông mang sự sống đến với mảnh đất nơi đây. Hai tiếng "dâng", "bồi" gói trọn tình yêu mà con sông dành cho đất và người Kinh Bắc. Dòng sông ấy đã "dâng" cho mùa sắp gặt và sẽ "bồi" cho mùa đang "phôi thai" bằng tất cả mỡ màng phù sa mà con sông chắt chiu nơi thượng nguồn mang tới.

    Nếu chưa có tài khoản, bạn hãy đăng kí miễn phí tại LINK để đọc tiếp nha!

    Bài thơ không chỉ là bức tranh đẹp về dòng sông Thương Kinh Bắc mà còn chất chứa biết bao cảm xúc yêu mến, tự hào của nhà thơ về dòng sông, về quê hương, đất nước. Tất cả được biểu đạt qua thể thơ năm chữ giàu nhạc điệu, ngôn từ hình ảnh thơ vừa gần gũi, mộc mạc vừa giàu sức gợi..
     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng năm 2024
  2. Đăng ký Binance
  3. Lethanhthao

    Bài viết:
    4
    Bài thơ hay quá. Đọc bài thơ, ta thấy hiện lên một vùng quê yên bình, trù phú. Cảnh vật gần gũi, quen thuộc nhưng đặc biệt là từ đường nét đến sắc màu đều tiềm tàng một sức sống ấm no, chứa chan hi vọng. Là những nương "mạ đã thò lá mới – Trên lớp bùn sếnh sang" : Là những ruộng lúa "vàng hoe" trải dài, trải rộng ra bốn bên bốn phía chân trời mênh mông, bát ngát. Là dòng sông thơ ấu chở nặng phù sa, mang theo bao kỉ niệm, bao hoài niệm "Hạt phù sa rất quen – Sao mà như cổ tích".
     
    Last edited by a moderator: 16 Tháng mười 2022
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đó cũng là hình ảnh của mảnh đất Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm:

    "Xanh xanh bãi mía bờ dâu

    Ngô khoai biêng biếc"

    "Quê hương ta lúa nếp thơm nồng"..

    Các tác giả đều gửi trong mỗi dòng thơ niềm tự hào về nét đẹp quê hương cũng như tình yêu thiết tha đối với quê hương, đất nước.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...