Cảm nhận đoạn trích sông Đà trữ tình "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về.." (Trích Người lái đò Sông Đà - Nguyễn Tuân, Ngữ Văn 12, Tập 1, tr. 191) Cảm nhận vẻ đẹp của sông Đà qua đoạn văn trên. Từ đó nhận xét những đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của nhà văn Nguyễn Tuân. BÀI LÀM THAM KHẢO MỞ BÀI "Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức" (Vũ Ngọc Phan). Nhận định này phác họa nên chân dung một người nghệ sĩ tài hoa nhưng rất mực cá tính-Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân là nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại, là nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, với phong cách tài hoa, uyên bác, độc đác, Nguyễn Tuân đã để lại một sự nghiệp sáng tác đặc sắc, đặc biệt ở thể loại tùy bút. Người lái đò sông Đà là tùy bút xuất sắc của Nguyễn Tuân sau cách mạng tháng Tám. Tùy bút đã xây dựng thành công hình tượng con sông Đà tuy hung bạo hùng vĩ những cũng rất đỗi trữ tình thơ mông. Nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Tuân được thể hiện rõ nét trong đoạn trích sau: "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình .. lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về.." THÂN BÀI Người lái đò sông Đà là một áng văn trong tập tùy bút Sông Đà (1960) -thành quả nghệ thuật đẹp đẽ của Nguyễn Tuân trong chuyến đi gian khổ hào hùng tới miền Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Mục đích chính của chuyến đi tới Tây Bắc của nhà văn đồng thời cũng là cảm hứng chủ đạo của cả tập bút ký là tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc và nhất là chất vàng mười- "thứ vàng đã được thử lửa" ở tâm hồn những con người lao dộng, chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ, thơ mộng. Nguyễn Tuân không xuôi thuyền theo dòng Đà giang để "quay cận cảnh thác ghềnh" và vẻ gầm gào của dòng sông luôn cáu bẳn nữa, khi thay đổi điểm nhìn từ trên cao, sông Đà hiện lên với hình dáng đích thực của một dòng sông dài, nằm im lìm giữa núi rừng Tây Bắc. Từ sự thay đổi điểm nhìn này, sông Đà được nhìn nhận ở một khía cạnh khác đặc biệt nên thơ: Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình ". Với cách ví von, so sánh, liên tưởng độc đáo, sông Đà hiện lên dưới ngòi bút miêu tả của Nguyễn Tuân là một nét vẽ mềm mại của tạo hóa. Sông Đà đã trở thành cô gái Tây Băc dịu dàng biết làm duyên giữa đại ngàn. Hiếm có nhà văn nào có cái nhìn nên thơ và đặc biệt như Nguyễn Tuân về" áng tóc "của một dòng sông, áng tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa bạn hoa gạo và mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Cái dư vị mùa xuân phảng phất trên dòng sông. Sông Đà như một sinh thể có hồn biết làm duyên làm dáng bằng màu đỏ rực của hoa ban hoa gạo. Vẻ đẹp này gợi ta nhớ đến vẻ đẹp man dại của sông Hương khi chảy trong lòng Trường Sơn, người con gái mạnh mẽ như cô gái Digan hoang dại của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng làm duyên trong sắc đỏ giữa dặm dài chói lọi của hoa đổ quyên rừng (Ai đã đặt tên cho dòng sông-Hoàng Phủ Ngọc Tường) Cách kể kết hợp miêu tả, Nguyễn Tuân khéo léo dẫn dắt người đọc trải qua từng mùa mà ngắm nhìn sắc nước của nó. Màu nước sông Đà khi nhìn từ trên cao mang một ý vị đặc biệt, phải chăng bằng sự cộng hưởng của ánh sáng và bằng con mắt thơ của một bậc thầy ngôn từ: Màu sắc sông Đà hiện lên như vật phẩm quý giá của thiên nhiên. Cái sắc xanh mà Nguyễn Tuân dụng công trong trang viết của mình là sắc xanh khó lòng trộn lẫn:" Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến như sông Gâm, sông Lô . Nguyễn Tuân có lối ví von, so sánh thật chính xác, mới lạ, sự vật được miêu tả trong trường liên tưởng, cảm giác chuyển đổi tinh tế, bất ngờ, đọc Nguyễn Tuân, người đọc luôn ám ảnh bởi cách ông "lặn ngụp" trong sắc xanh của những dòng sông: "Nước bể Cô Tô sao chiều nay nó xanh quá quắt đến như vậy? (.) Cái màu xanh luôn luôn biến đổi của nước bể chiều nay trên biển Cô Tô như là thử thách cái vốn từ vị của mỗi đứa tôi đang nổi gió trong lòng. Biển xanh như gì nhỉ? Xanh như lá chuối non? Xanh như lá chuối già? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng? Nước biển Cô Tô đang đổi từ vẻ xanh này sang vẻ xanh khác. Nó xanh như cái màu áo Kim Trọng trong tiết Thanh Minh? (Cô Tô-Nguyễn Tuân). Còn mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa . Nguyễn Tuân quả là" bậc thầy ngôn từ "với những hình ảnh so sánh, liên tưởng quá đỗi bất ngờ. Nhà văn như mê mẩn trong ma lực của ngôn từ và truyền được trọn vẹn đến người đọc chất men say nhiều khi kỳ quái ấy. Nguyễn Tuân có một kho từ vựng hết sức phong phú do cần cù tích lũy cả đời, với lòng yêu say mê tiếng mẹ đẻ. Phong cách ấy chắp cánh cho bút lực miêu tả của ông tinh tế đến từng đường nét của tạo vật trong trang viết của mình. Người lái đò sông Đà là một thiên tùy bút khẳng định trình độ nghệ thuật bậc thầy của ngòi bút Nguyễn Tuân- một ngòi bút độc đáo, tài hoa và uyên bác. Bằng những hình ảnh so sánh liên tưởng táo bạo, bất ngờ với vốn ngôn ngữ phong phú, chuẩn xác, giàu giá trị tạo hình, gợi cảm; câu văn được gọt giũa cẩn thận; ngôn từ biến hóa khôn lường. Nguyễn Tuân đã tái hiện cảnh vật, con người Tây Bắc thông qua cặp mắt và tâm hồn của một người nghệ sĩ tài năng, tinh tế, thiết tha với quê hương đất nước, đã hiện lên trong trang văn với những vẻ đẹp vừa quen vừa lạ vô cùng hấp dẫn. Nguyễn Tuân đã dùng tri thức uyên bác về địa lí, lịch sử, văn học nghệ thuật và khoa học khác nhau để miêu tả đồng thời hát huy lối viết tài hoa để tạo nên những câu, đoạn văn; hình ảnh độc đáo để tái hiện lại hình tượng sông Đà. Dưới ngòi bút miêu tả bậc thầy của Nguyễn Tuân, sông Đà vô tri trở thành một sinh thể có hồn, chảy vào lòng người đọc những ấn tượng khó phai mờ. KẾT BÀI Sông Đà độc đáo, sông Đà thác lũ, sông Đà" lắm bệnh nhiều chứng "nhưng sông Đà" để thương để nhớ "cho biết bao độc giả về một dòng sông cũng có những lúc dịu dàng, thơ mộng. Vẻ đẹp tinh tế ấy của sông Đà không dễ gì nhận ra, phải có người dẫn đường và am tường sâu sắc như Nguyễn Tuân, ta mới có thể khám phá được" chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc". Ngôn ngữ của Nguyễn Tuân xóa bỏ khoảng cách giữa trang sách và hiện thực, đem chúng ta vào sự say mê vẻ đẹp thiên nhiên bao la của Tổ Quốc qua hình ảnh con sông Đà.