Có lẽ cái kiếp "hồng nhan bạc mệnh" chính là thừa số chung cho những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Bởi xã hội ấy là sự hiện thân cho chế độ "trọng nam khinh nữ", là cái mệnh đa truân dành cho những thân phận nhi nữ nhỏ bé. Cảm thương cho hoàn cảnh ấy, đại thi hào Nguyễn Du cũng phải thốt lên rằng: "Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung." (Truyện Kiều) Một trong những "phận đàn bà" ấy chính là nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Bà chính là một hiện tượng văn học độc đáo: Nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, tượng hình. Thơ của Xuân Hương là tiếng nói thương cảm đối với người phụ nữ, là sự khẳng định, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ. Tác phẩm "Tự Tình II" nằm trong chùm ba bài thơ "Tự Tình" đã mang đến cho người đọc nỗi đau đáu về con đường tình duyên ngang trái. Bài thơ ấy chính là tiếng lòng chua xót, là nỗi đau lệ cay của thực tại và một khát vọng của con tim đã không còn nghe nhịp đập hạnh phúc. Người đọc như thấy được sự bất hạnh của nhà thơ trong từng con chữ: "Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn, Trơ cái hồng nhan với nước non. Chén rượu hương đưa say lại tỉnh, Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn. Xiên ngang mặt đất rêu từng đám, Đâm toạc chân mây đá mấy hòn. Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại, Mảnh tình san sẻ tí con con!" Mở đầu bài thơ, tác giả đã gảy lên phím nhạc đầu tiên của cung đàn bạc mệnh. Cái bạc mệnh ấy chính là sự cô đơn, lẻ loi của một trái tim Xuân Hương trong đêm buốt giá: "Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn Trơ cái hồng nhan với nước non." "Đêm khuya" chính là sự say sưa của vạn vật trong cơn mơ, giấc ngủ. Nhưng ở đây, tác giả lại thao thức trắng đêm. Bởi vì giấc ngủ làm sao tìm được khi trong lòng còn se thắt những sầu muộn. Bởi vì tác giả đang buồn tủi cho cảnh đơn côi gối chiếc. Bởi con tim ấy sợ rằng khi chìm vào giấc ngủ thì những niềm bất hạnh sẽ ngược về trong cơn mơ. Thế nên nhà thơ đành ngồi nghe tiếng bước đi của màn đêm tịch mịch, nghe tiếng tình yêu đầy vụn vỡ. Cùng với đó là tiếng "văng vẳng" của trống canh đang "dồn" réo rắc, hối hả. Cái "dồn" ấy cứ điểm từng "canh", như sự thách thức của không gian và thời gian đối với nhân vật trữ tình. Hay chính nàng Xuân Hương đang mượn cái không gian và thời gian ấy để kể về mối sầu của bản thân? Bằng biện pháp lấy động tả tĩnh, là cái "văng vẳng" đang "dồn", tác giả càng tô đậm hơn nữa cái "trơ" của mình. "Trơ" ở đây chính là sự trơ trọi, lẻ loi của một "cái hồng nhan". Điều ấy đã khiến người đọc liên tưởng đến cái "trơ" trong câu thơ của Nguyễn Du: "Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ". Nhưng bên cạnh nỗi đau ta còn thấy một người phụ nữ bền gan, thách đố như bà Huyện Thanh Quan qua câu thơ: "Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt". Nhưng vì có lẽ cuộc đời của Xuân Hương được họa lên bằng những giọt lệ. Thế nên dẫu từ "trơ" ấy có hiểu theo cách nào chăng nữa thì nó luôn phải gán ghép với "cái hồng nhan". "Hồng nhan" là từ để dành cho những người con gái xinh đẹp. Ấy vậy mà lại được đặt sau từ "cái" nghe thật xót xa, tội nghiệp. Bằng cách đảo ngữ từ "trơ", cách sử dụng từ ngữ độc đáo ấy đã góp phần khắc họa sâu sắc sự châm biếm, rẻ rúng cái số kiếp ấy. Từ "với" ở đây như tác giả đang muốn lí tưởng hóa bản thân ngang hàng với những đấng nam nhi trong không gian "nước non" hùng vĩ, muốn "Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu." (Đề đền Sầm Nghi Đống). Chỉ qua hai câu thơ, nhưng bằng cách sử dụng từ đa nghĩa độc đáo, đảo ngữ, cách ngắt nhịp biến thể 1/3/3 ở câu thứ hai, tác giả như muốn khoét sâu nhưng lại làm người đọc đau nhói. Từng nhịp thơ như đứt quãng đầy nghẹn ngào, càng làm cho người đọc thấy rõ sự quạnh quẽ, trơ trọi của nhân vật trữ tình. Chỉ còn riêng mình thao thức, chẳng còn lấy ai để tâm sự. Thế nên nàng đã tìm đến những giọt men cay nồng phả vào trong những cảnh vật của màn đêm đặc quánh đầy đau đớn: "Chén rượu hương đưa say lại tỉnh, Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn." Vì duyên số bẽ bàng, lận đận nên tác giả muốn tìm quên trong men rượu. Nên Xuân Hương đã tìm đến "chén rượu" như một người bạn tâm giao, như mượn rượu để kể nỗi niềm của một trái tim đang loang màu úa. Chứ không phải tìm rượu để bi lụy, để say sưa chìm đắm. Nhưng hỡi ôi, "đêm khuya" đã tàn nhẫn thì "chén rượu" lại càng nhẫn tâm. Bởi "nâng chén tiêu sầu không cạn". Cái vòng xoáy "say rồi tỉnh" cứ nhốt mãi một cánh hoa phai, càng say để rồi càng tỉnh. Nữ sĩ chợt thức tỉnh bởi mình chỉ là một cánh hoa lẻ mọn héo tàn thì cớ gì để chờ đợi một hạnh phúc dù nhỏ nhoi! Rồi thương cho mình, xót cho mình cũng là một phận người nhưng sao bến đỗ bình yên cứ mãi trôi xa tầm với. Có phải chăng vì nỗi niềm cay đắng, cô đơn quá to lớn, nên "chén rượu" ấy chẳng thể khỏa lấp được khoảng trống trong tâm hồn của một kiếp má hồng. Hay bởi tác giả đang mượn rượu để nói tình duyên dang dở, truân chuyên của mình? Tình ấy cũng như rượu, làm cho Xuân Hương say sưa trong "thuở ban đầu" rồi chợt tỉnh ra vì thực tại bẽ bàng, ngập ngụa trong men tình ấy. Như cái đau đớn, ý thức thực tại tàn khốc trong những giọt nước mắt của nàng Kiều: "Khi tỉnh rượu lúc tàn canh Giật mình mình lại thương mình xót xa." Đêm dần tàn nên trăng càng chếch bóng rồi chìm sâu vào ánh nhìn của tác giả. Nhưng phải chăng vì "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" nên Xuân Hương nhìn thấy "vầng trăng" tuy đã "xế bóng" nhưng lại "khuyết chưa tròn". Hay cái hiện thực là chẳng có vầng trăng nào của thiên nhiên mà đó là "vầng trăng" gầy guộc trong tim của tác giả. Ở đây có sự tương đồng giữa cảnh và người khi tuổi đã "xế bóng" nhưng cái tình duyên lại chẳng đong đầy, viên mãn. Nhưng rạo rực đôi lứa cứ bị giam lại mãi nơi hiên thềm xuân sắc đầy tủi lẽ, mặc cho cái thời gian cứ vô thủy vô chung. Nhưng Xuân Hương, những người phụ nữ trong xã hội đương thời nào có tội tình chi mà những con sóng đa truân cứ vồ vập, đay nghiếng tan nát cõi lòng? Chênh vênh nỗi lòng không tỏ cùng ai được, đôi mắt sầu muộn lại xa xăm về khoảng không của rêu và đá: "Xiên ngang mặt đất rêu từng đám, Đâm toạc chân mây đá mấy hòn." Là một người phụ nữ cá tính nên nàng Xuân Hương không muốn mình mộng mị trong nỗi đau miên viễn. Bởi vậy nhà thơ đã mở rộng tầm nhìn ra ngoài thiên nhiên kì vĩ. Phía xa ấy tác giả đã thấy được sức sống của thiên nhiên đầy mạnh mẽ. Đó là sức sống của "rêu" phải mọc thành "từng đám", và là sức sống của "đá" phải có được "mấy hòn". "Rêu" và "đá" chỉ là những vật nhỏ bé nhưng lại không ngừng vươn lên để tìm lấy sự sống cho riêng mình. Sức sống ấy còn được kết hợp hài hòa với cách đảo ngữ độc đáo và động từ mạnh "xiên ngang", "đâm toạc" để cho thấy cái lẽ sinh tồn ấy không hề tầm thường mà rất đỗi phi thường. Cái phi thường ấy đã được người đọc phát hiện ra trong không gian "mặt đất", "chân mây" trùng điệp, mênh mông. Nhưng có được mấy người phát hiện rằng phía sau bức rèm nhung ngôn từ ấy chính là sự vùng mình ra khỏi cái vòng xuân sắc đa truân. Đó là sự phẫn uất, phản kháng, thách thức số phận. Nhưng chỉ là phụ nữ mà há chăng sức sống lại mãnh liệt đến thế? Bởi trong con tim nhà thơ đang khao khát một tình yêu, một niềm hạnh phúc của ái tình. Cái cá tính ấy, niềm khát khao ấy cũng đã được tác giả bày tỏ qua việc mời gọi tình yêu đến: "Có phải duyên nhau thì thắm lại Đừng xanh như lá bạc như vôi." (Mời ăn trầu) Bằng sự độc đáo, táo bạo trong cách dùng từ ngữ, sử dụng phép đảo ngữ, động từ mạnh, tác giả đã thách thức cái xã hội phong kiến đầy bất công với người phụ nữ bằng những nỗi niềm bi phẫn và cách chủ động trong tình yêu. Nàng Xuân Hương ấy đã khiến độc giả rất ấn tượng, mặc dù chỉ là một thoáng đưa mắt đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng khó phai. Cái niềm khát khao ấy chắc có lẽ chỉ bùng cháy dữ dội rồi lịm tắt đi trong trái tim tan vỡ của nữ thi sĩ. Bởi cái thực tại như muốn trêu ngươi, giỡn cợt, làm cho tác giả chỉ thêm chán chường, ngán ngẫm rồi thở dài chua chát: "Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại Mảnh tình san sẻ tí con con!" Thiên nhiên luôn dõi theo bước chân của thời gian. Nhưng cũng chính điều ấy đã làm tác giả ngao ngán, chán chường. Bởi cái "xuân" của đất trời chìm mình trong không khí tưng bừng, hạnh phúc vô cùng đẹp đẽ. Cái nét đẹp ấy cứ lặp đi lặp lại, được thể hiện qua từ "xuân" thứ hai. Nhưng bẽ bàng thay, cái xuân của con người nào có đặc ân như thế! Chua chát hơn, cái xuân sắc của người con gái lại càng trôi mau quá đỗi. Đẹp nhất nhưng lại mau tàn lụi nhất. Thời gian cứ trôi để "ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi phai" (Truyện Kiều). Cái ngao ngán của nữ sĩ còn được khắc họa sâu sắc qua từ "san sẻ". Bởi mình phải chia năm xẻ bảy cái "mảnh tình". Đọc lên ta nghe như những vầng thơ đang vỡ vụn ra rồi cứa vào da thịt ta một niềm đau da diết. Bởi cái tình yêu của kiếp hoa liễu ấy chỉ có một "mảnh", chẳng phải là khối tình, là cuộc tình. Đã bất hạnh lại càng thêm bất hạnh, bởi còn phải "san sẻ" "mảnh tình" ấy ra "tí con con". Một sự nhỏ bé đầy bé nhỏ khi phải chia tình yêu của mình vì mình "mang tội" kiếp làm lẻ. Với nghệ thuật tăng tiến, cách dùng từ độc đáo, nhịp thơ như tiếng thở dài đầy tiếc nuối, tác giả đã thể hiện sự ê chề, chán nản trước cái cảnh bạc mệnh. Và đã làm cho người đọc như muốn khóc, muốn đau giùm cho những số phận nhỏ bé ấy. Vì cái tuổi xuân thoi đưa chóng vánh. Hệt như sự tiếc nuối cho tuổi trẻ của nhà thơ lãng mạn Xuân Diệu: "Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại." (Vội vàng) Chỉ bằng những câu thơ thất ngôn nhưng lại là ngòi bút của một thiên tài văn học - một bà Chúa thơ Nôm - một Xuân Hương đầy táo bạo, "Tự Tình II" đã thật sự là tiếng lòng chua cay, là nỗi niềm phẫn uất của tác giả nói riêng và cả những thân phận phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung. Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, phép đối, phép lặp, động từ mạnh, đảo ngữ, sử dụng từ đa nghĩa đậm chất dân tộc, sự phá cách trong thể thơ đường luật.. tác giả đã đay nghiếng cái xã hội phong kiến, cái chế độ đa thê, trọng nam khi nữ. Chỉ là lời thơ, tiếng thở dài nhưng đã đem lại những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Góp phần lật đổ những lễ nghi của thành trì phong kiến và gửi gắm cho độc giả thông điệp phải biết vươn lên bằng sức sống mãnh liệt. "Tự tình II" đã diễn tả sự cô đơn, bất hạnh, sự phẫn uất trước duyên phận, ý chí vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch của nhân vật trữ tình. Lời thơ như tiếng nất nghẹn ngào, là tiếng thở dài, là âm thanh cô lẻ, đơn điệu của những giọt nước mắt. Thế nên thơ của Xuân Hương luôn là sức sống, nhịp thở. Đó cũng chính là cách mà thơ của nàng không băng hoại theo thời gian. Thật đúng như V. Belinsky đã nói: "Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật". Và nếu như không có một cuộc đời lẻ mọn của Xuân Hương thì liệu tiếng nói nhân đạo có đủ sức lật đổ những hủ tục phong kiến? Liệu đến bây giờ sẽ có bao nhiêu người phụ nữ cũng sắc se trong nỗi sầu thiên cổ?