Cảm nhận bài thơ Tự tình 2 - Hồ Xuân Hương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 26 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    Hồ Xuân Hương, một nữ sĩ tài hoa của văn học Trung đại, được mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm", ghi dấu tên mình trong lịch sử văn học như một nữ sĩ tài ba của dân tộc. Bà đi nhiều nơi, kết giao với nhiều nghệ sĩ, trong đó có Nguyễn Du. Xinh đẹp, giỏi giang, tuy nhiên, bà lại không được may mắn trong tình yêu khi tình duyên éo le, ngang trái. Thơ của Hồ Xuân Hương đậm chất dân gian, vừa trào phúng vừa trữ tình. Các tác phẩm của bà thường cất lên tiếng nói cảm thương cho thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, đồng thời khẳng định vẻ đẹp và khát vọng sống của họ. Bài thơ "Tự tình 2" năm trong chùm bài thơ "Tự tình" của Hồ Xuân Hương là một trong những bài thơ hay nhất. Bài thơ thể hiện nỗi buồn, nỗi cơ đơn thấm thía của người yêu đời, tràn đầy sức sống nhưng gặp cảnh ngộ éo le, một con người luôn khao khát tình yêu nhưng chỉ gặp toàn dỡ dang, bất hạnh.

    Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy sóng gió (nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX), Hồ Xuân Hương là người chứng kiến và phần nào chịu ảnh hưởng cái không khí sôi sục của phong trào quần chúng đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người. Không khí ấy tác động lên tâm hồn vốn thống minh và giàu lòng trắc ẩn của bà. Bà thức tỉnh, trăn trở về đời mình, một cuộc đời lắm éo le, đầy nước mắt của nỗi đau "hồng nhan bạc phận".

    [​IMG]

    Mở đầu bài thơ tác giả gợi ra một khoảng thời gian trống vắng, một góc không gian cô quạnh. Đây là không gian, thời gian nghệ thuật được vận dụng làm nền cho sự thổ lộ tâm trạng cô đơn u buồn của tác giả:

    "Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

    Trơ cái hồng nhan với nước non"

    Thời gian điểm nhịp bằng tiếng trống canh. "Văng vẳng" diễn tả âm thanh từ xa vọng lại, mơ hồ, khó nắm bắt. Bằng nghệ thuật lấy động tả tĩnh, màn đêm dường như lại càng rộng lớn hơn, có thể nuốt chửng con người. Đó là tiếng trống, mà cũng có thể là tiếng lòng, là âm thanh của ngoại cảnh, cũng là âm thanh của tâm hồn. Từ "dồn" diễn tả tiếng trống như thúc giục, dồn nén, có phần bế tắc. Qua tiếng trống, ta cảm thấy thời gian trôi đi càng lúc càng gấp gáp như thúc giục. Đó cũng là sự gọi thức, giục giã của hạnh phúc, của tuổi xuân đã qua không bao giờ quay trở lại, không có cách gì níu giữ. "Văng vẳng" chính là từ tượng thanh nhưng ở đây nó vừa biểu thị tâm trạng, không khi, cái không khí buồn vắng lặng của một người thao thức giữa đêm khuya thanh vắng. Câu thơ tiếp theo, từ "trơ" được đảo lên đầu câu nhấn mạnh sự cô độc của chủ thể trữ tình. "Trơ" là tủi hổ, bẽ bàng. "Trơ" cũng có thể hiểu là trơ trọi, cô độc. Chỉ một từ thôi mà gợi lên bao cảm xúc cay đắng, ê chề, tủi hổ, bẽ bàng. "Trơ" còn là trơ gan, trơ lì như một sự thách thức: "Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt" (Thăng Long Thành hoài cổ - Bà Huyện thanh Quan). "Cái hồng nhan" được tác giả sử dụng mang hàm ý mỉa mai. "Hồng nhan" chỉ vẻ đẹp của người con gái trẻ trung đang thời xuân sắc, đi với từ "cái" càng trở nên trơ trọi, đáng thương. Trong thơ Hồ Xuân Hương, thân phận người phụ nữ thường được đặt trong mối quan hệ với non nước, non sông, vũ trụ và cuộc đời. Giữa cái rộng của không gian, dài của thời gian, người phụ nữ nhỏ bé, đáng thương hiện lên trong nỗi cô đơn, hiu quạnh, bấp bênh giữa cuộc đời, trơ trọi giữa vũ trụ. Đồng thời, sự đối sánh giữa con người và vũ trụ cũng thể hiện cá tính mạnh mẽ, kiên quyết của Hồ Xuân Hương, là sự thức tỉnh của cái tôi cá nhân tràn trề sức sống và khát vọng yêu thương.

    Hai câu thực là nỗi niềm day dứt, xót xa cho tình duyên không trọn vẹn, bà mượn men say để tìm quên:

    "Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

    Vầng trăng bóng xế huyết chưa tròn"

    "Chén rượu", "vầng trăng" ở đây không còn là người bạn tri âm, tri kỉ nữa mà chỉ gợi nỗi niềm xót xa, hiu quạnh. Say- tỉnh là hai trạng thái hoàn toàn đối ngược nhau. Nhân vật trữ tình tìm quên trong hơi men, nhưng càng uống lại càng cô đơn, trống vắng. Từ lại diễn tả một sự lặp đi lặp lại triền miên đến nhàm chán. Vầng trăng là biểu tượng cho tình yêu đôi lứa, cho số phận con người. Vậy mà, tình duyên ấy, số phận ấy đã đến buổi xế bóng nhưng vẫn chưa toàn vẹn. Ba bi kịch đã được hội tụ đủ trong hai câu thực: Tuổi xuân qua đi không bao giờ trở lại, tình yêu không người tri âm, tri kỉ, hạnh phúc dở dang, bẽ bàng. Không chịu đựng nổi, bà muốn chống lại, thoát khỏi. Thế nhưng, bi kịch vẫn cứ là bi kịch câu thơ nữ si gợi nhớ một câu thơ đầy trầm tư của Lí Bạch:

    "Rút đao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh,

    Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm"

    Bất lực, câu thơ chuyển sang một sự cám cảnh sinh tình. Bà ví duyên phận cuộc đời mình như "Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn". Trong quan điểm thẩm mĩ xưa, vầng trăng tượng trưng cho cuộc đời, tuổi tác của người phụ nữ. Câu "Vâng trăng bóng xế khuyết chưa tròn" vừa là một hình ảnh đẹp, có thực nhưng đượm buồn. Cái buồn của một "vầng trăng khuyết". Đối với thơ xưa, cảnh là tình, cảnh trăng khuyết man mác, gọi nhớ cuộc đời bà. Trăng còn được một lần tròn rồi khuyết tà xế bóng, còn bà chưa một lần trọn vẹn duyên tình thì tuổi xuân vụt trôi qua.

    Sang câu 5, 6 tứ thơ như đột ngột chuyển biến. Mượn thiên nhiên bôc lộ nỗi niềm, một tâm trạng phẫn uất muốn vươn lên khẳng định bản lĩnh:

    "Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,

    Đâm toạc chân mấy đá mấy hòn"

    Nghệ thuật đảo ngữ và đối tạo nên sự sinh động và cảnh đầy sức sống. Một sức sống nhờ tài quan sát của bà như quẫy đạp, cựa mình. Cảnh này chỉ có thể là cảnh của "Bà chúa thơ nôm" chứ không phải của ai khác. Rõ ràng, dẫu đang rất buồn, rất cô đơn nhưng điều đó vẫn không suy giảm chất riêng của Hồ Xuân Hương. "Xiên", "đâm" là những động từ mạnh kết hợp với các từ "ngang", "toạc" đã thể hiện sự dâng trào lên đến đỉnh điểm, vượt qua mọi giới hạn. Rêu và đá đều là những sự vật nhỏ bé, đối nghịch với mặt đất bao la rộng lớn, với chân mây mênh mông vời vợi. Những hình ảnh ấy tuy nhỏ nhoi nhưng có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, bền bỉ, không chịu khuất phục, xâm chiếm những chiều kích không gian rộng lớn. Hai câu thơ cũng chính là ý thức phản kháng mãnh liệt, thể hiện cá tính mạnh mẽ, ngang tàng của nữ sĩ. Đó là sự trỗi dậy của cái tôi đòi quyền sống, quyền tự do, đồng thời là ý chí phản kháng chống lại những giáo điều, luật lệ hà khắc, cổ hủ của xã hội phong kiến, những bất công trong xã hội để có một cuộc sống hạnh phúc chính đáng.

    Yêu đời là thế, sức sống mãnh liệt là thế nhưng rồi cuối cùng cũng không thoát khỏi thực tại chán chường của số phận:

    "Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,

    Mảnh tình san sẻ tí con con!"

    Xuân có thể là mùa xuân của thiên nhiên, của đất trời, tuần hoàn bất diệt. Xuân cũng có thể là tuổi xuân của con người, mong manh và ngắn ngủi, nhỏ bé trước thời gian vô thủy cô chung của vũ trụ. "Xuân đi xuân lại lại" như cái vòng luẩn quẩn, sự trở lại của mùa xuân cũng là sự ra đi của tuổi xuân. "Mảnh tình" vốn đã ít ỏi, nhỏ bé nay lại được "san sẻ" lại càng ít ỏi, mong manh hơn nữa. Nghệ thuật tăng tiến nhấn mạnh sự nhỏ bé dần, chỉ sự ít ỏi, sẻ chia hạnh phúc trong cuộc đời Hồ Xuân Hương làm cho nghịch cảnh càng éo le hơn. Đó là tâm trạng của phận làm lẽ, cũng là nỗi lòng chung của người phụ nữ trong xã hội xưa.

    Bài thơ "Tự tình" không những thành công trên phương diện nội dung mà ở phương diện nghệ thuật cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Cách sử dụng từ ngữ cảu Hồ Xuân Hương hết sức giản dị, giàu sức biểu cảm, táo bạo nhưng cũng không kém phần tinh tế. Cách sử dụng từ ngữ cũng góp phần tạo nên tính đa thanh của tác phẩm. Hồ Xuân Hương đã góp phần hoàn thiện một tiếng thơ hết sức táo bạo, mới lạ cho nền văn học trung đại Việt Nam.

    "Tự tình" vừa nói lên bi kịch, vừa cho thấy bản lĩnh, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Điều đáng quý, đáng trân trọng là Hồ Xuân hương dù có buồn bã, chán nản vì hạnh phúc không trọn vẹn nhưng bà không bi quan, tuyệt vọng, vẫn không ngừng đấu tranh, vẫn mở lòng với đất trời và cuộc sống, phóng khoáng và mạnh mẽ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tư 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...