Cái ác đôi khi đến từ sự phục tùng

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Bright Pearl, 31 Tháng mười 2022.

  1. Bright Pearl

    Bài viết:
    5
    "Cái ác" đôi khi đến từ sự "phục tùng"

    Đi tìm nguồn gốc của "cái ác", "sự tàn bạo" của con người là một đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Từ xa xưa, Khổng Tử và Mạnh Tử đã có quan điểm "Nhân chi sơ tính bản thiện", các ông cho rằng "cái ác" hay "sự tàn bạo" chỉ được hình thành trong qua trình sống của con người. Ngược lại, Tuân Tử lại đưa ra tư tưởng " Nhân chi sơ tính bản ác ". Học thuyết tính ác của Tuân Tử có nghĩa rằng, con người sinh ra vốn dĩ là ác, có được thiện là do quá trình bồi dưỡng, giáo dục mà có. Ông cho rằng, con người khi sinh ra có đầy đủ dục vọng như ham lợi, ham sắc.. Cùng quan điểm này, nữ triết gia Hannah Arendt (1906 - 1975, một trong những trí thức gốc Do Thái nổi tiếng nhất thế giới) đã đưa ra khái niệm "sự tầm phào của cái ác" (The banality of evil) vào năm 1963.

    [​IMG]

    Nữ triết gia Hannah Arendt (1906 - 1975)

    Từ quá trình theo dõi phiên tòa xét xử Adolf Eichmann, một trong những kiến trúc sư của cuộc diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến 2, Arendt lập luận rằng Eichmann và nhiều thành viên quốc xã khác không phải là những tên sát nhân khát máu, bệnh hoạn như chúng ta vẫn cố tin. Thay vào đó, họ là những người bình thường, không có chút trục trặc tâm lý nào. Bản thân Eichmann, kẻ mệnh danh là "Tên đồ tể của châu Âu", không thù ghét người Do Thái. Hắn cho rằng những tội ác ghê rợn đã gây ra đơn giản là làm tốt công việc của mình theo sự đồng tình của cấp trên, nhà nước, xã hội và pháp luật Đức quốc xã.

    [​IMG]

    Adolf Eichmann

    Theo đó, Arendt kết luận trong sách Eichmann in Jerusalem: A Report on the Banality of Evil (tạm dịch: Eichmann ở Jerusalem - Báo cáo về sự tầm phào của cái ác) rằng cái ác không phải thứ gì đó ghê gớm, cao xa. Nó tồn tại trong mỗi con người và có thể trỗi dậy khi điều kiện cho phép mà bản thân chúng ta cũng không nhận ra. Dù gây rất nhiều tranh cãi nhưng đến nay tác phẩm này vẫn được xem là một cột trụ trong lĩnh vực triết học chính trị và đạo đức học. Những người ủng hộ cho rằng khái niệm của Arendt có thể giải thích cho những thảm kịch lớn nhất trong lịch sử nhân loại và mang ý nghĩa cảnh báo sâu sắc.

    Ở góc độ tâm lý học, hiện tượng này có thể lý giải bằng cơ chế phục tùng (Obey) trong thí nghiệm nổi tiếng của giáo sư Stanley Milgram (1933 – 1984).


    [​IMG]

    Giáo sư Stanley Milgram (1933 – 1984)

    Năm 1961, Giáo sư Milgram đang là một trong những nhà tâm lý học hàng đầu của Mỹ làm việc tại Đại học Yale. Ông cùng các cộng sự đăng quảng cáo tuyển người tham gia một cuộc thí nghiệm về "tác động của hình phạt đối với việc học" với giá 4 USD/giờ. Tổng cộng 40 người tham gia mà không hề biết rằng mình sắp bước vào một trải nghiệm kinh hoàng.

    Theo mô tả trên chuyên san Journal of Abnormal and Social Psychology, người tham gia đóng vai "giáo viên" sẽ đặt câu hỏi cho "học sinh". Cả hai ngồi ở 2 phòng khác nhau và chỉ liên lạc qua bộ đàm. "Giáo viên" lần lượt đặt câu hỏi và mỗi lần "học sinh" trả lời sai, "giáo viên" sẽ được người giám sát thí nghiệm yêu cầu nhấn nút gây giật điện để trừng phạt "học sinh" với cường độ lớn dần, tối đa là 450 volt. Dĩ nhiên, "giáo viên" không hề biết rằng chẳng có ai bị điện giật cả và "học sinh" là người trong nhóm của Milgram, giả vờ kêu la đau đớn hoặc đập vào tường van xin dừng thí nghiệm.


    Trong suốt thí nghiệm, các "giáo viên" tỏ ra không thoải mái và vô cùng lo lắng. Có người liên tục quệt mồ hôi trán, người thì gắng cười to một cách gượng gạo hoặc khóc lóc hỏi thăm tình trạng của "học viên". Tuy nhiên, không có ai tỏ ý muốn ngừng lại trước mức 135 volt. Khi đến gần mức 300 volt, một số người xin dừng thí nghiệm và trả lại tiền. Tuy nhiên khi được người giám sát đốc thúc và trấn an rằng sẽ không phải chịu trách nhiệm gì nếu có bất trắc thì họ lại tiếp tục nhấn nút bất chấp những tiếng gào thét từ phòng bên kia.

    [​IMG]

    Các "giáo viên" tỏ ra không thoải mái và vô cùng lo lắng trong thí nghiệm

    Kết quả cuối cùng là chỉ có 14 trong số 40 "giáo viên" kiên quyết dừng thí nghiệm trước mức tối đa 450 volt, tức có đến 65% số người tham gia đi đến tận cùng. Trong khi đó, theo Journal of Abnormal and Social Psychology, trước khi thực hiên thí nghiệm, Giáo sư Milgram đã thăm dò thử ý kiến của nhiều sinh viên năm cuối khoa tâm lý cũng như các đồng nghiệp và ai cũng cho rằng sẽ có rất ít người chịu nhấn nút từ sau mức 300 volt. Trong nhiều năm sau, Milgram cũng như một số chuyên gia khác tiến hành hàng trăm thí nghiệm tương tự và kết quả là chưa đến phân nửa số người tham gia quyết định bỏ cuộc.

    Từ đó, ông đưa đến kết luận dưới sức ép của mệnh lệnh của những người có quyền, khi tự cho rằng bản thân không phải chịu trách nhiệm thì con người có thể gây ra những hành động độc ác, gây tổn thương đến người khác dù biết rằng chúng trái với niềm tin và đạo đức. Dù bị xem là một trong những thí nghiệm vô nhân tính nhất trong lịch sử loài người nhưng kết quả thí nghiệm của giáo sư Milgram vẫn được nhiều nhà khoa học ủng hộ và hiện nay vẫn được giảng dạy trong các trường Đại học trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu này, chúng ta hoàn toàn có thể lý giải hàng loạt các hành vi tội ác của nhân loại trong lịch sử.
     
    chiqudoll thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...