Review Phim Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân: Vòng Tuần Hoàn Của Cái Ác Và Sự Hồi Hướng Của Nhân Tâm

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Cơn mưa đầu hạ, 1 Tháng chín 2021.

  1. Cơn mưa đầu hạ A Thụy

    Bài viết:
    8

    Thông tin cơ bản:

    - Tên phim: Xuân hạ thu đông rồi lại xuân.

    - Quốc gia: Hàn Quốc.

    - Đạo diễn: Kim-Ki-Duk.

    - Diễn viên: Oh Yeong-su, Kim Young-min, Seo Jae-kyung, Kim Jong-ho, Yeo-jin Ha


    Nội dung

    Bản tính con người là thiện hay ác? Xuân, Hạ, Thu, Đông.. rồi lại Xuân đi ngược lại với triết lý "nhân sơ sinh, tính bản thiện" của phương Đông. Theo Kim Ki Duk cái ác mà con người có hoàn toàn đến từ bên trong chứ không phải do hoàn cảnh tác động.

    Từ khởi nguyên, cái ác đã hiện diện trong bản tính của con người, rồi dần dần được nuôi dưỡng trong quá trình trưởng thành. Để dẹp bỏ cái ác bản nguyên đó, con người phải trải qua đủ mọi tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố để lĩnh hội ánh sáng minh triết thổi tan những hận thù, câu chấp, trở về cửa Phật.

    Xuân, Hạ, Thu, Đông.. rồi lại Xuân là bộ phim Phật giáo mang tính đại chúng

    Bộ phim "Xuân hạ thu đông rồi lại xuân" của đạo diễn Kim Ki Duk được dàn dựng và quay tại hồ nhân tạo Pusan có tuổi thọ 200 năm ở phía Bắc tỉnh Kyong-sang năm 2004. Riêng cái tên của bộ phim đã nói lên rất nhiều điều – Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân – đó là vòng quay của thời gian và cũng là vòng quay của số phận con người.

    Tất cả cứ tuần hoàn, qua cái ấm áp của mùa xuân thì cái nóng nực của mùa hạ sẽ tìm đến, qua cái nóng nực của mùa hạ thì sắc thu lành lạnh sẽ tìm về, qua tiết trời lạnh lạnh của thu thì mùa đông giá rét sẽ tới, và vòng tuần hoàn khép kín lại bắt đầu bởi xuân, cứ như vậy vạn vật vẫn phát triển theo một quy luật thời gian định sẵn.

    Ấn tượng đầu tiên của phim là cánh cổng chùa nổi giữa hồ nước, không hề mục nát theo thời gian, mà ai cũng phải bước qua khi ra vào dù không bắt buộc, thể hiện một sự cách biệt giữa đời sống thế tục và cuộc sống tu hành, và đi qua đó là một sự tôn trọng đối với đời sống tâm linh. Khung cảnh rất thơ mộng, bốn mùa hồ nước hết vơi rồi lại đầy, qua đóng băng rồi lại tràn trề sóng gợn, cây lá xanh tươi lại héo úa, khô khốc rồi lại đâm chồi nảy lộc.


    [​IMG]

    Thủy đình giữa mùa xuân

    Mùa xuân, chú tiểu nô đùa, buộc lên mình con cá, ếch, rắn mỗi con một hòn sỏi, hai con trong số đó sau chết. Chú bị sư phụ quả mắng, nhưng biết ăn năn hối cải.

    Mùa hạ, chú tiểu ngày nào đã lớn, và chú đã yêu khi cô gái đến chùa chữa bệnh. Hết bệnh cô gái rời khỏi chùa và chú cũng theo tiếng gọi của trái tim rời chùa đi tìm sự tự do bên ngoài. Từ đây cuộc đời đầy sóng gió của chú bắt đầu.

    Mùa thu, vị sư già đọc báo được tin học trò mình đã giết vợ vì cô đi yêu một người khác. Anh trở về chùa với tâm tính hung dữ, cục cằn và anh cũng phải trả giá cho hành vi của mình khi hai người cảnh sát xuất hiện. Dao và súng nhường chỗ cho hai trăm sáu mươi chữ của bài kinh Bát Nhã trên sân. Thời khắc đã đến, vị sư già tự chuẩn bị cho lễ tự thiêu của mình, giọt nước mắt của ông rơi ướt nhòe giấy.

    Mùa đông, chú tiểu quay lại chùa thành tâm tu luyện khỏi bến mê. Một đứa trẻ khác lại được đem vào chùa bởi một người phụ nữ. Nhà sư cõng tượng Phật Quan thế âm lên núi, để Phật trên núi cao hướng mắt về chùa đặt niềm tin đức Phật trên cao có thể nhìn thấy, thấu hiểu mọi chuyện, khoan dung hay trừng phạt với những sai lầm hay tội lỗi của con người.

    Mùa xuân lại đến, cậu bé bị bỏ rơi tại chùa đã lớn, nô đùa như người thầy mình khi còn bé, song không phải buộc sỏi lên lưng, mà nhét sỏi vào mồm con cá, ếch, rắn và cả ba đều chết tức thì ngay sau đó.

    Phim đến đó là hết, nhưng người xem sẽ đoán được mùa hạ, rồi mùa thu, hay mùa đông tiếp theo trong bộ phim nối dài. Cái vòng luẩn quẩn bốn mùa, với mùa xuân tươi tắn, mùa hạ nóng bỏng, sôi sục, mùa thu hiu hắt, mùa đông ảm đạm, sắt se rồi sẽ đến với người tu hành tiếp nối sự nghiệp sư phụ mình.

    Mặt hồ phẳng lặng nơi chốn hoang vu rồi có ngày gợn sóng to gió lớn. Quy luật nhân quả, luân hồi trong đạo Phật thể hiện đậm nét trong tác phẩm, xuân đi rồi xuân lại đến, nhưng gieo nhân nào gặt quả đó, hạnh phúc và khổ đau đan lẫn nhau. Đời mỗi con người cũng giống như bốn mùa tự nhiên. Số phận hay định mệnh con người đặt trong mối quan hệ với mỗi hành động của chính họ. Sự ăn năn hối cải muộn màng với sai trái chỉ có giá trị khi không mắc phải những sai phạm tiếp theo.

    Mùa xuân – mùa sinh sôi và ác tâm vô hình hiện diện

    Cánh cửa với hai ông hộ pháp trấn giữ được mở ra ngay đầu phim, đưa tầm nhìn xuyên vào trong lòng Đạo. Ngôi thủy đình chênh vênh giữa hồ nước mênh mông, núi rừng núi rừng tĩnh mịch dần dần xuất hiện. Phải chăng ngôi thủy đình nho nhỏ ấy tọa lạc giữa bốn bề hồ nước mênh mông và núi rừng bao bọc là một hình ảnh biểu trưng cho sự ngăn cách giữa đời và Phật.

    Cánh cổng vào chùa cũng như cánh cửa phòng ngăn cách phòng ngủ của hai thầy trò với chính điện không có vách ngăn cũng khiến người ta phải chú ý. Vách ngăn giữa đời và Phật nó mỏng manh như thế, đến nỗi không thể nhìn thấy sự tồn tại của nó.


    [​IMG]

    Sự tồn tại của cái vách ngăn ấy nó mờ ảo, hư vô, chỉ có tâm của con người mới định hình được nó. Hơn nữa nó cũng cho ta thấy rằng ranh giới giữa đời và Phật nó mỏng manh dễ phạm (lấn). Nhưng hình ảnh cánh cửa cũng chẳng phải là chi tiết thừa mà ta không thể không bận tâm.

    Hình ảnh cánh cửa chính là hình ảnh biểu trưng cho những giới luật mà hành giả phải giữ gìn trong tu tập, khi những giới luật ấy được hành giả tu tập thành thói quen mà cao hơn là đức hạnh thì người hành giả sẽ luân tuân theo mà chẳng cần tốn tâm lưu ý. Cánh cửa ấy như là một bức tường cản thân phận người đầy tham dục ái ố không có quy củ giới luật tiến bước trên đường Phật mặc dù các nhà Thiền vốn phá bỏ mọi câu chấp từ các quy củ nhân tạo cho đến những lời lẽ thuyết giảng giáo lý.

    Cánh cổng cũng như cánh cửa phòng là một biểu tượng hữu hình mang tính trung gian giữa chốn thiền đạo và đời tục. Nó không cao siêu như Vô Môn Quan[1] của nhà Thiền nhưng nó cũng không quá dễ dãi với bụi đời muốn lọt vào đó. Cánh cửa ấy đóng mở chẳng ngặt nghèo, nhưng vì tâm tư của kẻ muốn vào ra mới mở đóng nó mà thôi. Cánh cửa hững hờ đó chỉ dựa vào lòng Phật của kẻ tu chứ không dựa vào sự ngăn cản hữu ý của con người, chính vì thế khi chú tiểu đã nhuốm màu dục lạc tham ái thì vượt qua bức tường vô hình kia một cách dễ dàng để sang với cô gái.

    Bắt đầu của một năm là mùa xuân, bắt đầu của đời người là thời thơ ấu. Chú tiểu "con ai đem bỏ chùa này" là một đứa trẻ hết sực còn ngây thơ. Chú lớn được lớn lên trong sự bình yên do sự cách biệt về không gian và sự chở che của vị sư già. Hai thầy trò trong thủy đình sáng tối cùng nhau kinh kệ, chèo thuyền nan lên rừng hái thảo dược về làm thuốc chữa bệnh. Ở trong chùa chú tiểu được học tụng kinh, gõ mõ, học cách chèo thuyền và nhận dạng các loại lá thảo dược.

    Hình ảnh con rắn xuất hiện lần đầu tiên trong vùng đất Phật mà chú tiểu có thể cầm nắm dễ dàng trong khi nó là một loài vật khá hung dữ khiến người ta phải sợ hãi cũng là một chi tiết đắt mà Kim Ki Duk muốn gửi gắm tới độc giả.

    Trong tâm thức phương Đông hay nguồn cội của Phật giáo (Ấn Độ) rắn (thần rắn Naga) được tôn thờ như một đấng minh triết chứ không như một biểu trưng xảo quyệt dụ dỗ như trong Kinh Thánh theo truyền thống phương Tây. Naga-rắn thần (sau này được "Long hóa" trong truyền thống Phật giáo Trung Hoa) cũng là lực lượng canh giữ kinh Bát nhã dưới Thủy cung (Bồ tát Long Thọ-nagarjuna được cho là người đầu tiên được nhận tạng kinh này từ Naga). Rắn thần Naga được gắn liền với nhiều Phật thoại như: Chuyện Phật Đản sinh, rắn thần Naga Mucalinda che chở cho đức Phật, Naga bảo hộ các di vật Phật giáo.. Trong đó, câu chuyện rắn thần Naga Mucalinda che chở cho đức Phật nói rằng khi Phật đang tịnh dưới cội bồ đề thì mưa to gió lớn nổi lên, nước dâng lên sắp ngập cả chỗ Phật ngồi. Khi ấy có một con rắn hiện ra lấy thân mình cuốn tròn lại làm bảo tòa cho đức Phật ngồi nhập định khỏi bị ngập nước, và vươn cao 7 cái đầu phình to ra tạo thành cái tán che mưa mưa cho đức Phật khỏi sự tấn công của ma vương mưu phá.. Con rắn vốn ác (vì có nọc độc) nhưng bằng đức tính từ bi cao quý của Phật đã cảm hóa được rắn độc và thần rắn đã phát nguyện tùng phục, theo hầu đức Phật khi mưa to gió lớn..

    Tư tưởng nhân đạo của đạo Phật đã thể hiện rõ nét trong sự tích đức Phật và con rắn. Đạo Phật và cửa chùa là nơi để rèn luyện trở thành người hiền. Vào chùa không phải để đày ải, gò ép mà là để tu, để sửa mình. Sửa từ người hư hỏng thành người tốt, có ích cho đạo cho đời, sửa từ phàm phu thành thánh quả.. Độc như con rắn nhưng vẫn có thể trở nên hiền từ và có ích vì nó biết tu theo Phật. Đây là tư tưởng mang đậm truyền thống văn hóa tốt đẹp, có giá trị nhân văn cao của đạo Phật.

    Khi vị sư phụ chèo thuyền chở chú tiểu đi hái thuốc, hình ảnh bên mạn thuyền là một vị Bồ Tát nào đó đang nâng 1 bông Sen có một vị Tiểu Phật ngồi lọt trong đó. Cũng như chú tiểu nhỏ đang được sư phụ nuôi dạy chu đáo. Và trên hết, sư phụ nuôi dạy chú rất tự nhiên! Thầy chẳng nói gì cả, thầy để tự lương tâm chú nói, và thầy để Trời nói, luật Nhân Quả nói, Nhân Duyên nói, Bụi trần nói.. mãi tới cuối thầy mới để Bát nhã tâm kinh dội từ lòng Đạo sâu lên nói cho chú biết Sắc Không Không Sắc của đời tục bụi. "Where of one cannot speak-there of one must be silent! – Chỗ nào người ta không thể nói được thì người ta phải lặng im thôi." – Ludwig wittgenstein.

    Hai thầy trò, mỗi người một việc và một đường riêng, nhưng màu áo và cái dáng đi gần như y chang nhau, chỉ khác là một lớn một nhỏ. Dường như hai hình ảnh đó là một-và điều đó đúng là thật, khi đến đoạn cuối phim người xem sẽ thấy hai người đó thực chất chỉ là một thân phận trôi theo dòng xoáy luân hồi trên đường Đạo-Đời song song đắp đổi nhau. Thầy cũng từng mang thân phận như chú tiểu kia, đến lượt mình chú tiểu sẽ trở thành một vị thầy như thế và "chú" sẽ lại nuôi dạy một "cậu tiểu" nữa.. cứ thế mà Xuân nối tiếp Xuân.

    Nơi Thủy Đình trong lành kia là nơi chú tiểu bé thơ có thể chạy đùa với chó, nằm ngủ gác chân lên con Nghê đá, nghịch thuyền, trèo cây bắn chim, nửa đêm ra tè một bãi giữa thiên nhiên trong lành tuyệt diệu.. Đó cũng là nơi mà ác tâm vô tình đã lộ hiện nơi trẻ thơ.

    Chú tiểu trong mùa xuân điều tiên này vẫn chỉ là một đứa trẻ ham chơi, thích đùa nghịch. Chú vô tư lấy dây buộc những hòn đá vào ba con vật nhỏ bé đáng thương: Cá, ếch và rắn. Chú thích thú và phá lên cười khi nhìn thấy 3 con vật nhỏ bé ấy di chuyển khó khăn nhưng chú không hề biết rằng những hành động ấy của chú đã lọt vào tầm mắt nghiêm khắc của sư phụ. Vị sư phụ không can thiệp ngay mà đợi cho đến đêm tối bèn buộc đá vào lưng chú tiểu để cho chú hiểu được tội ác của mình đối với mấy con vật. Sư phụ bắt chú phải quay trở lại giải phóng cho Cá, Ếch và Rắn cùng lời đe "Nếu một trong những con vật đó chết, con sẽ phải chịu dằn vặt suốt cuộc đời".

    Đặt nhân vật trong một bối cảnh mang đầy tính thiện như thế, Kim-Ki-Duk dường như đi ngược lại với quan niệm truyền thống của triết học Phương Đông "Nhân sơ sinh, tính bản thiện", đổ lỗi cho cái ác của con người là do hoàn cảnh tạo nên. Ở đây, ông nhấn mạnh rằng cái ác như một bản chất của con người, đây là điều không thể tránh khỏi cho dù con người ở bất cứ đâu và bất cứ là ai.

    Sự xuất hiện của 2 con vật là con cá và con ếch cũng không phải là ngẫu nhiên. Trước khi con cá được chú tiểu buộc đá vào mình xuất hiện thì trước đó cũng đã xuất hiện hình ảnh con cá vàng trong hòn non bộ ở thủy đình nhưng không tạo mấy sự chú ý lắm cho người xem. Đến khi hình ảnh con cá vô tội, đáng thương kia xuất hiện thì mới đem đến cho người ta một cảm xúc gì đó. Theo tôi được biết, thì trong Phật giáo người ta có tín ngưỡng con cá gỗ. Phải chăng nó cũng là sự lý giải cho sự xuất hiện hình ảnh con cá trong đoạn phim này.

    Đây là một trong những truyền thuyết về nguồn gốc của cá gỗ trong Phật giáo Đại Thừa. Câu chuyện được ghi lại trong cuốn sách "Chỉ Quy Khúc" của nhà sư Huyền Trang hay còn gọi là Đường Tăng. Trên đường trở về từ chuyến hành hương đến Ấn Độ, Đường Tăng đã gặp một phú ông góa vợ khi đi qua nước Thục (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay). Trong lúc người đàn ông này đang đi săn, vợ kế ở nhà đã ném đứa con 3 tuổi của ông xuống sông. Để cầu phúc cho đứa trẻ nơi chín suối, ông liền cho người nấu một bữa chay mời các nhà sư. Tuy nhiên, Huyền Trang khăng khăng đòi ăn cá. Phú ông bèn mua một con cá lớn. Kỳ lạ thay, khi người đàn ông góa vợ mổ bụng cá, thì đứa con của ông chui ra và vẫn còn sống sót. Huyền Trang nói với ông: "Đây là nghiệp lực luân báo. Bởi vì đứa trẻ đã tuân theo lời dạy không sát sinh trong kiếp trước, nên nó vẫn sống sót dù bị cá nuốt". Phú ông bèn hỏi Huyền Trang làm cách nào để báo ơn cho con cá. Huyền Trang trả lời: "Con cá đã hy sinh để cứu đứa trẻ, nên hãy tạc hình của nó trên mảnh gỗ và treo trong chùa, dùng làm mõ báo hiệu giờ ăn. Như vậy, đại ơn này có thể đã được đền đáp". Và trong bộ phim này, chú tiểu (chú bé) lại làm hại một con cá.

    Còn con ếch thì tôi chưa tìm thấy bản ghi chép nào nói nó liên quan đến Phật giáo, nhưng tôi tìm được một chi tiết khá thú vị, đó là khi hai chân trước con ếch chồm lên chuẩn bị nhảy thì nó có dáng giống như người ta đang chắp tay cúi lạy trong Phật giáo vậy. Và hình ảnh con ếch vẫn còn sống sót với tư thế chuẩn bị nhảy (trong khi 2 con vật kia đã chết) giống như người ta liên tục cúi lạy có phải là biểu trưng cho sự sám hối chăng?

    Một lần nữa hình ảnh con rắn lại xuất hiện khi chú tiểu buộc dây đá vào mình nó. Con rắn là một trong ba con vật (con rắn, con lợn, con gà trống) được Phật giáo xem như những biểu tượng quan trọng (vì ba con vật này được coi là biểu tượng của tam độc: Tham, sân, si – thâm dục, oán hận, ngu độn. Gọi là Tam độc vì nó là độc tố của tâm, hủy hoại tinh thần và thể xác, ngăn cản con người ngộ đạo. Tam độc là nguồn gốc của khổ đau và phiền não).

    Rắn độc – biểu tượng của sân hận, giận giữ, oán thù và sự nguy hiểm. Con rắn độc mang sẵn trong mình nó nọc độc. Nó dùng nọc độc để hạ gục con mồi, hạ gục đối phương. Nó dùng độc để tự vệ, dùng độc để đối đãi với kẻ khác và đặc biệt hơn nữa là nó đem độc để đối đãi đời, đối đãi với đời bằng răng nanh và túi nọc độc. Con rắn độc sẽ có con khác độc hơn trị nó. Thấy rắn độc người ta xa lánh hay tìm cách tiêu diệt nó. Bản thân nó tồn tại với tư cách một nguy cơ nên bất an và không chung sống an hòa với muôn loài. Lòng sân hận và oán thù trong tâm người là một loại độc tố. Nó thiêu đốt tâm người ta khiến người ta không yên, nó gây ra sự bất hòa thậm chí là tội ác. Bản thân kẻ ôm ấp thù hận và sự giận giữ trong lòng cũng tự hủy hoại tâm mình. Đem oán thù mà đáp trả oán thù thì oán thù chỉ càng thêm chồng chất. Người ta thường nói có ba thứ nên quên, đó là tuổi tác, bệnh tật và oán thù. Buông bỏ oán thù, hỷ xả với giận giữ, tha thứ cho lỗi lầm của người khác vừa tốt cho người vừa thải độc được cho tâm ta.

    Lần này, con rắn đã xuất hiện trong cảnh nhục lạc như để báo hiệu sự bắt đầu đau khổ của chú. Và sau này nó lại xuất hiện một lần nữa vào một ngày đông để đón cậu trở về với Phật sau bao đớn đau đường đời.

    Kết thúc mùa Xuân, Cá và Rắn đã chết. Chú Tiểu bật khóc nức nở. Đó là nước mắt của sự sám hối muộn màng, sự thức tỉnh của lương tâm hay đó là sự sợ hãi trước cái nghiệp mà chú sẽ phải gánh chịu suốt đời vì đã gây ra những cái chết đó? Và chú đã phải mang tảng đá suốt đời, kéo tảng đá đó trọn một phận người, y chang Huyền Thuyết Sisyphe của Hy Lạp, lăn đá lên đỉnh núi rồi lại bị hất xuống chân núi, lại tiếp tục lăn đá.. trọn một kiếp người.

    Mùa hạ – quá trình trưởng thành nhuốm đầy dục vọng của chú tiểu

    Xuân đã chấm lại với nỗi hối hận khi trò đùa kiếp nhân sinh đã tạo ác nghiệp và nỗi hối hận đá đeo nặng lòng. Chưa kịp thấm nhuần bài học về nhân quả, nghiệp báo, mùa xuân của trời đất và của đời người đã qua đi.. và mùa hạ đã tới.

    Cánh cửa luân hồi lại mở. Phần Xuân mới chỉ có những gì thuộc về chốn Phật, từ sinh hoạt cho đến cảnh trí. Nhưng tới phần Hạ, chú tiểu bé con xưa nay đã "trưởng" thành, ái dục âm thầm nuôi dưỡng trong tâm thức, cửa Phật mở ra lần nữa nhưng đã có mùi tục bụi len vào trong chốn Thủy Đình tịnh lặng kia..

    Đầu tiên là chú tiểu vô cùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên, xen lẫn chút tò mò khi vô tình nhìn thấy cảnh đôi rắn giao hợp với nhau. Có phải hình ảnh này như báo hiệu trước cuộc đời chú phải trải qua những điều như thế nào và vì điều đó chú phải trả giá trong phần cuộc đời còn lại.

    Tiếp đến là khi chú tiểu đang trèo lên pho tượng phật lớn nằm ở trên núi. Chú tiểu đã nhìn thấy một con đường thật khác so với lần nhìn vào mùa xuân khi chú tiểu còn nhỏ chú chỉ nhìn thấy một ngôi chùa được bao bọc xung quanh là nước. Rồi chú cũng trông thấy hình ảnh một cô gái xinh xắn nhưng với đôi mắt trầm buồn, u sầu cùng với người phụ nữa trung niên đang tiến vào chùa. Họ tới đây để xin chữa bệnh cho cô gái ấy. Và bắt đầu từ đây, bụi trần nơi đáy lòng chàng trai ngày càng được nâng lên những cấp cao hơn. Tình ý giữa hai con người trẻ tuổi ấy đã nảy nở như cái sự tự nhiên vốn cần phải có của nó.

    Chú tiểu bất chấp đến với cô gái bỏ qua những giới luật đã được học. Và hình ảnh chú lén lút bước qua bức tường vô hình để đến với cô gái mà không cần phải mở cánh cửa phòng đã nói lên điều đó: Sự phạm giới luật chỉ là gang tấc, mong manh như mời mọc chỉ cần chạm vào là dính phải. Ranh giới giữa đạo Phật và đời trần rất mỏng manh, chỉ cần lòng người không tịnh thì có thể sa vào ngay lập tức.

    Trong cánh cửa của mùa hè, Kim Ki-Duk đã làm cho sự tịnh tiến của si mê (một phần của vô minh) cứ tăng dần trong sự sắp xếp đầy ý đồ của mình. Trong phòng ngủ, chú tiểu ngủ cạnh sư phụ. Phía bên kia là cô gái. Lần thứ nhất sự vô minh chỉ là một tấm chăn mà cô gái đang đắp. Lần thứ 2, sự vô minh là việc chú tiểu bước qua một vách ngăn nhưng không phải là cánh cửa. Lần thứ 3, sự vô minh là việc cô gái mở cách cửa ấy để hai người đến với nhau và ngủ trên một con thuyền bên cạnh sông.


    [​IMG]

    Trong sự vô tình lại có những hữu ý, chú tiểu chính là người đã chữa hết bệnh cho cô gái. Người sự phụ già buộc lòng phải đuổi cô gái kia đi khi cô đã khỏi bệnh. Lòng của chú tiểu bây giờ đã không còn thanh tịnh khi nỗi nhớ về cô gái cứ hiện lên nhiều da diết. Chú tiểu bỏ sự phụ mình đi mang theo cái tượng phật và con gà trống.

    Chú tiểu ra đi mang theo bức tượng Phật đó có thể là sự thể hiện niềm tin vào Phật giáo nhưng lại khao khát tự do, chán cảnh gò bó khổ hạnh của kiếp tu hành ở ẩn.

    Hình ảnh con gà trống xuất hiện cũng là một chi tiết cần phải chú ý. Con gà trống trong Phật giáo cũng là một biểu tượng hết sức quan trọng, nó là sự biểu tượng của lòng tham. Con gà trống thích một mình quản lý đàn gà mái đông như phi tần trong cung vua. Để bảo vệ quyền sở hữu đám gà mái, nó sẵn sàng xù lông dương cựa đánh đuổi bất kỳ con gà trống nào khác xâm nhập lãnh thổ của nó. Đó là tham ái, tham dục. Gà trống mổ thức ăn nó nhìn thấy như một sự đánh dấu sở hữu dẫu có thể nó đã no không thể ăn được nữa. Đó là sự tham luyến vật dục không giới hạn. Phật giáo quan niệm tham là động cơ gốc, là căn cội của sự thất vọng, không thỏa mãn, bất hạnh, là nguyên nhân của chiến tranh, tàn ác, cướp bóc tranh giành và những thói xấu. Tham tức là khổ. Giảm lòng tham là phép giải độc tố cho tâm, khiến cho nó trong trẻo an lạc. Chú tiểu mang con gà đi, tức là mang cái lòng tham đi khỏi chốn Phật thanh tịnh không vướng bụi trần.

    Chi tiết chiếc thuyền đã trở thành một chi tiết xuyên suốt cả bộ phim, chiếc thuyền ấy có khi lặng lẽ trôi, có khi có người chèo. Chiếc thuyền trôi từ bờ bên này hồ có ngôi chùa lặng lẽ sang bờ bên kia của thế giới xô bồ, từ bờ bên này của tĩnh và trong sang bờ bên kia của động và đục, từ bên này của tĩnh sang bờ bên kia của mê.. Và là ngược lại. Chiếc thuyền ấy, chứa đựng, chứng kiến những hỉ, nộ, ái ố của đời trần, chở và chứng kiến đêm giao hoan của đôi trẻ. Đưa trong đến đục – đục đến trong, đưa tĩnh đến u mê – u mê đến tĩnh cũng là chiếc thuyền ấy. Và sau này cũng chính chiếc thuyền ấy cũng đưa sư thầy về với cõi tiên, chứng kiến hồng trần, trải qua hồng trần rồi có sám hối và tu hành sẽ tiến đến bến bờ của Phật.

    Kết thúc mùa hạ là mặt trời bị những vầng mây đen che phủ, đó phải chăng là thông báo cho người xem biết rằng cuộc đời chú tiểu ấy sẽ trải qua những giông tố, bão táp, u tối như sắc trời lúc ấy.

    Mùa thu – ánh sáng minh triết thổi tan những hận thù, câu chấp

    Mùa Hạ sinh trưởng ra bao điều lạ lẫm, và khép lại với sự "trưởng thành" về mặt tính dục và mặt hám đời của cậu trai trẻ. Cậu ra đi, như con bướm bay theo mùi hương đời, dấn thân, và "gặp nạn", khép lại cái sự "trưởng thành" theo như nhân thế quan niệm. Và mùa Thu bắt đầu với cái sự "Liễm" của nó, tàn tạ, thu rút, úa vàng dần. Nhà sư lại mang về một con mèo để bầu bạn khi người học trò đã đem chú gà trống ra đi. Theo dõi từ đầu phim đến đây, ta thấy luôn luôn xuất hiện một con vật đồng hành cùng sư thầy: Đầu tiên là con chó, tiếp theo là con gà, tiếp sau là con mèo. Trong thế giới đạo Phật, mèo bị chê trách là con vật đã cùng với con rắn không mảy may xúc động trước sự từ trần của Đức Phật.

    Rừng phong đỏ, lá cây vàng, nắng hanh hao, và chàng trai sau bao năm xa đạo bon chen đời đã về, với tin báo trước cho sự phụ là bản tin "người đàn ông trẻ giết vợ bỏ trốn" trên tờ báo gói cơm.. Có lẽ, sư phụ không cần tới cái bản tin ấy thì ông cũng biết trước được "mùa Thu năm đó" sẽ ra sao..

    Với niềm đau khổ sâu sắc và nỗi sân hận điên cuồng của cậu trò trẻ, sư phụ vẫn thản nhiên nói cho chú tiểu hiểu ra Đạo với Đời.. Cậu dùng bùa chú có chữ "Bế" để hòng chết nhưng gặp phải sự ngăn cản của người thầy. Lần đầu tiên và chắc cũng là lần cuối cùng trong toàn bộ bộ phim người thầy sử dụng hình phạt hà khắc với chú tiểu như thế. Điều ấy muốn nói lên rằng, cho dù chú làm gì sai thì có thể sửa và thầy sẽ tha thứ nhưng riêng việc chết thì không thể được, chết là hết và không phải là cách chuộc lỗi. Chết thì tội lỗi vẫn còn đó, chưa được hóa giải, chết không phải là cách để giải quyết mọi vấn đề.

    Con dao chú dùng để giết vợ nay lại trở thành vật xuống tóc cho chú, và cũng trở thành cây bút khắc bất nhã kinh trên sân chùa. Người sư thầy âm thầm lặng lẽ viết kinh bát nhã trên sân chùa cho người đệ tử khắc lấy để dần ngộ ra những ai oán đời trần thế tục làm cho tâm tĩnh lại.


    [​IMG]

    Cảnh sát đến chùa bắt kẻ sát nhân. Cảnh sát có súng. Kẻ sát nhân có dao. Dao đấu súng và máu sẽ đổ trên sân chùa. Sư thầy lom khom viết chữ trên sân, không rời bút, thản nhiên như không, cũng chẳng nhìn lên, ông bảo chàng thanh niên buông dao. Dao buông xuống thì dao hết là dao, Đức Phật vẫn dạy thế. Buông dao thì thành chánh quả. Dao hết là dao thì súng cũng hết là súng, cảnh sát hết là cảnh sát, sát nhân chẳng còn râu tóc, chỉ còn hai trăm sáu mươi chữ của bài kinh Bát Nhã trên sân: "Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị..".

    Đức Phật có sức cảm hóa con người, ở trong đất Phật người ta quên đi cái ác đang tồn tại mà chỉ còn tình với nhau, anh cảnh sát giúp chú tiểu khắc nốt bài kinh khi chú ngủ quên, đắp cho chú tấm áo khi sáng về trở rét. Sau giấc ngủ say chú tiểu tỉnh giấc, ánh sáng chói mắt ấy là ánh sáng của ban mai hay là ánh sáng minh triết từ bản kinh siêu tuyệt kia thổi tan đi những hận thù câu chấp, những xung đột nội tâm. Chiếc còng không thể ngăn giữ được người tội phạm bỏ trốn, cũng như nhà tù không ngăn được người ta tái phạm, bức vách chẳng ngăn nổi ái dục vượt trèo.. khi mà tâm tư người ta chẳng Định chẳng An. Chiếc thuyền đưa cậu học trò cùng hai người cảnh sát qua bờ bên kia như còn lưu luyến chẳng muốn rời, có phải chăng là tâm tư của người thầy vẫn còn nặng lòng đối với cậu trò nhỏ. Khi người thầy giơ tay tiễn biệt thì chiếc thuyền bỗng dưng đi. Đó có phải là phút lưu luyến cuối cùng, lần nhìn nhau cuối cùng của người thầy và cậu học trò của mình. Sư thầy có vẻ như biết trước được sự ra đi của mình sắp tới, nên lưu luyến bởi lần gặp cuối cùng trong đời, cũng như lời chào cuối dành cho cậu trò nhỏ. Lời chào tạm biệt trước khi rời xa dương thế.

    Sau khi chú tiểu rời đi, sư thầy chuẩn bị cho cái chết của mình một cách chu đáo. Ngày nọ ông tháo nước cho chìm thuyền khi đôi trẻ sau bữa giao hoan ngủ quên. Giờ ông lại tự làm chìm thuyền để Bát Nhã thuyền chở ông về cõi hư không. Lửa bốc dần, thuyền đắm dần, nước mắt sư phụ ướt đầm dần những lá bùa chữ "bế". Những giọt nước mắt ấy là ông đau đời, thương người, dành cho người học trò hay vì mừng vui cho giờ khắc về với Phật. Ngoài này là thế gian, sau màn bùa "bế" kia là tâm thức uyên nguyên của một sư già đạt Đạo nhưng cũng còn là trái tim một con người đã thấm trải cuộc Thế Nhân.

    Còn chiếc thuyền như một hình ảnh con người trải qua mọi hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời rồi mới đủ sức rũ bỏ được mọi ham muốn của cuộc sống trần tục để quay về với con đường tu hành, để trở về với Phật.

    Hình ảnh con rắn xuất hiện khi người sư già bị thiêu cháy như là kiếp luân hồi, kiếp này sư thầy làm người thì kiếp sau làm con rắn, ở lại bên chùa, canh giữ nó.

    Kết thúc mùa thu là màn sương mờ ảo bao quanh ngôi chùa nhỏ tĩnh mịch, quạnh quẽ.

    Mùa đông – trở về cửa Phật bỏ lại sau lưng tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố

    Mùa thu trôi qua, tuyết mùa đông phủ kín núi non. Một mùa tuyết, hai mùa tuyết, chẳng biết bao nhiêu mùa tuyết trôi qua, chỉ biết ông sư già đã tịch. Giữa băng giá phủ kín mặt hồ, một hôm nào đó lạnh giá, một người đàn ông đứng tuổi xuất hiện, đi từ bên kia sang bờ bên này của ngôi chùa bỏ hoang. Đó là người cũ, đã mãn tù, mãn cuộc đời, quay về chùa cũ. Tới một lúc chẳng cần duyên cớ, chẳng cần con thuyền đưa, tới đúng thời điểm, thì người ta phải quay về với đúng chỗ của mình thôi. Rồi từ khi người đàn ông bước qua mặt hồ đóng băng thì ông thành sư. Bước qua mặt hồ, bỏ lại sau lưng những ác duyên, nghiệp báo, bỏ lại thế giới mà ông đã từng tha thiết muốn bước vào, bỏ lại cả tình yêu, cả thù hận.

    Chú tiểu bé thơ xưa kia nay đã nếm đủ mọi hương vị đời, giờ an tâm tịnh dục về cửa Phật, nhặt thi hai còn lại của sư phụ nhét vào bức tượng Phật bằng băng mà chú tạc lấy, chú luyện võ tụng kinh. Nhưng duyên nợ trần ai có đâu hết được. Đạo không bao giờ có thể xa đời. Ngày nọ, một thiếu phụ đã đem con lên bỏ cửa Chùa, cho hương Bát Nhã lại nở mùa Nhân Duyên. Đêm đến, chàng trụ trì muốn qua mở khăn xem mặt, nhưng cái nắm tay của nàng đã ngăn chàng lại, để sáng hôm sau thì chàng chỉ còn xem được khuôn mặt ấy khi nàng thụt hố băng mà chết. Và người phụ nữ đó là ai thì chỉ có tác giả mới biết. Nhưng người phụ nữ ấy không được tiết lộ khuôn mặt khiến người xem nhận thấy rằng người phụ nữ ấy chỉ là biểu tượng cho nhiều người phụ nữ khác, vẫn mang con đến bỏ chùa, cái kiếp người nó vẫn như thế, cứ luẩn quẩn vòng vo tuần hoàn như chính bốn mùa vậy.

    Chú tiểu, giờ đã trở thành một người đàn ông trung tuổi vai mang đá nặng, tay cầm tượng Phật trèo lên núi cao như một cách để sám hối, chuộc tội. Đây cũng là một hình ảnh biểu tượng cho việc con người luôn phải trả giá cho những nghiệp báo được tạo ra từ những lỗi lầm trong quá khứ. Đặt tượng Phật ở nơi núi cao như rằng Phật nhìn thấu tất cả những gì đang diễn ra ở thế giới này, nhìn thấu mọi thứ chẳng qua chỉ là sự lặp đi lặp lại, đời này qua đời khác, chẳng có gì thay đổi. Con người vẫn lặp đi lặp lại những lỗi lầm cũ và phải trả giá đắt cho những hành động của mình.

    Rồi lại xuân – thế sự tuần hoàn, cuộc sống tiếp diễn, nhân gian lại đi từ Đạo ra Đời và từ Đời về lại Đạo

    Đứa trẻ sơ sinh ngày nào giờ đã lớn. Với những trò nghịch ngợm như chú tiểu xưa kia nhưng ở một cấp bậc mới, không còn là buộc đã vào những con vật mà là nhét sỏi vào mồm chúng. Nhân vật diễn xuất lại là những diễn viên ban đầu, đó là sự biểu trưng cho nhân gian lắm điều thị phi này. Nhân gian cứ thế, đi từ ấu thơ hồn hậu, lộ hiện cái ác tâm, bùng cháy sự ái dục, lao vào đời tục bụi, rồi thất thểu quay về với tâm tư tan nát sân hận u mê. Thế gian cũng là niết bàn. Chú trẻ con ấy trải qua tất cả, đủ mọi thứ, và rồi chú cứ đi từ Đạo ra Đời, lại từ Đời về lại Đạo, chú từ Tham Sân Si mà Đạt Ngộ được, chú vẫn là chú mà cũng không hẳn còn là chú nữa, chú là đứa bé mà cũng là ông già, chú là cả Đời và Đạo, cả Mê và Ngộ. Chú và vạn sự cùng tất tật tha nhân, cuối cùng chẳng phải hai, mà chỉ là một.

    Xuân Hạ Thu Đông vốn chẳng phân biệt, nó chỉ là những biểu hiện khác nhau của sự sống, của cái nguồn sống bất diệt kia, nhưng nó cũng khác nhau rõ rệt, nó vận hành luân hồi miên viễn. Cuộc đời "vô thường", vạn vật biến đổi vô cùng theo chu trình bất tận sinh – trụ – dị – diệt, vậy thì "sắc sắc" – "không không" luân hồi bất tận, "thoáng có", "thoáng không", cái tưởng còn thì chẳng còn, cái ngỡ mất chẳng còn mất.

    Xuân, Hạ, Thu, Đông.. rồi lại Xuân: Bản tính con người là thiện hay ác?

    Xuân, Hạ, Thu, Đông.. rồi lại Xuân đi ngược lại với triết lý phương đông "nhân sơ sinh, tính bản thiện", theo Kim Ki Duk cái ác mà con người có đến từ bên trong chứ không phải do hoàn cảnh tác động. Chú tiểu từ khi còn nhỏ xíu đã biết cách đùa nghịch với những con vật bằng cách cột chúng vào một viên sỏi. Chú tiểu tiếp theo thì bỏ viên sỏi vào miệng những con vật. Từ khi sinh ra lòng con người đã có những "hột giống nghiệp nhơn" rồi. Cái ác là một vòng quay lòng vòng của luật nhân quả. Ở mùa đông, khi người mẹ bồng đứa con đưa cho vị sự phụ già rồi bỏ trốn đi. Cái ác đến từ mối dây ràng buộc: Khi một ai đó vứt bạn đi thì kiếp tiếp theo bạn sẽ tiếp tục vứt một người khác. Bộ phim chứa quan điểm lạ lùng của cuộc "săn đuổi" của tạo hóa: Cái ác cứ thể tăng cấp lên cho tới điểm tận cùng của nó.

    Vấn đề tính dục trong Phật giáo được nhìn hết sức khắt khe. Nhưng ở trong bộ phim này, nó được lý giải như là một sự thử thách. Những cám dỗ tự đến hay con người muốn nó. Người sự phụ thì nhìn cám dỗ như một sự tự nó đến rồi tự nó đi. Còn người đệ tử thì coi cám dỗ như thứ mình muốn. Việc cô gái đến ở ngôi chùa và ngủ chung với một ông sư già và người đệ tử là một điều không thể. Việc người đệ tử có tình ý với cô gái và họ đã ân ái với nhau tới 2 lần là một điều cấm kỵ. Thế mà, vị sư già nói: "Việc đó tự xảy ra. Đó cũng là lẽ tự nhiên thôi".

    Ngay trong lần ân ái đầu tiên, ở trên bờ đá vị đệ tử quay về ngôi chùa cùng với cô gái trong sự ngượng ngùng. Trong khi đó, vị sư phụ đang ngồi viết chữ trên một phiến đá nhỏ đang cầm ở trên tay. Mực của cây bút viết là bằng nước. Vị sư phụ viết chữ là để chữ tan biến vào trong phiến đá ấy. Viết là chỉ để viết. Rồi người đệ tử quên buộc dây xuồng lại. Vị sư phụ già lại nhắc "Xuồng trôi rồi kìa". Một quan niệm sống tuân theo lẽ của tự nhiên. Tính Dục cũng vậy. Cái mệnh đề đảo ngược này một lần nữa đẩy bộ phim của đạo diễn, Kim Ki-duk đến những tranh cãi: Vậy người ta đi tu để làm gì? Việc tu hành chỉ thành chánh quả khi người ta ngộ và trải nghiệm ra hết tất cả các khúc quanh của cuộc sống. Nó là sự "hồi hướng" của cái tâm chứ không phải là thể xác. Rồi sau đó, khi người đệ tử quay về sự phụ già vẫn chèo cái thuyền đón một cách thản nhiên. Cuộc đối thoại giữa người đệ tử và sự phụ là một câu chuyện triết lý: Người đệ tử nói: "Tội lỗi duy nhất của con là tình yêu". Vị sư phụ nói: "Đôi khi ta phải để những thứ ta thích ra đi. Những thứ con thích người khác cũng thích".

    Spring, Summer, Fall, Winter.. and Spring còn khiến khán giả say mê vì những khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ. Đó là khu hồ vào mùa Xuân với làn nước trong veo và cây cối bừng bừng sức sống, mùa Hạ với những cơn mưa bất chợt, sóng lăn tăn mặt hồ, mùa Thu với lá phong đỏ rực, mùa Đông với băng tuyết phủ trắng xóa. Cảnh ngôi chùa nhỏ xinh, rêu phong cổ kính tọa lạc giữa mặt hồ bao quanh là rừng cây đặc biệt thơ mộng. Cảnh người đàn ông tóc điểm bạc lặng lẽ đi một mình giữa băng giá gây ám ảnh mạnh mẽ.

    Bộ phim để lại một cảm giác đặc biệt pha trộn giữa nặng nề và nhẹ nhõm. Cảm giác nặng nề bởi vì phim gợi nên quá nhiều trăn trở về cuộc sống, tình yêu, cám dỗ, sự sa ngã và cứu rỗi cũng như quy luật nhân quả. Tuy nhiên cảm giác nhẹ nhõm thanh bình cũng sẽ đến với khán giả, vì sau tất cả mọi chuyện, hình ảnh cuối phim vẫn là tượng Phật ung dung dưới nắng trời, từ trên cao nhìn xuống toàn bộ khu hồ và thế giới loài người. Từ điểm nhìn ấy, khán giả sẽ cảm thấy mọi lo lắng, phiền muộn của mình đều phù phiếm nhỏ bé, chẳng có gì đáng kể.

    Hết.
     
    chiqudoll, Diệp Minh ChâuNhaKhoCuaU thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng mười một 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...