Thế nào là một bài văn hay và cách viết một bài văn hay

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thủy Tô, 18 Tháng tám 2023.

  1. Thủy Tô

    Bài viết:
    44
    Bài văn hay mà tôi nói đến ở đây là ở cả phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học trong cấu trúc đề thi môn văn. Để có thể luyện viết và cải thiện chất lượng bài viết, ta phải có các tiêu chuẩn của bài viết hay để hướng đến. Bên cạnh các tiêu chí, tôi xin đưa ra một số lưu ý, một số thói quen cần có để có thể viết được bài văn hay.

    [​IMG]

    1. Hiểu đúng bản chất vấn đề đề bài nêu ra:

    Một bài văn hay trước hết phải là bài văn giải quyết đúng trọng tâm mà đề bài yêu cầu, không lạc đề hay xa đề. Ta phải hiểu đề trước khi đặt bút viết nếu không người chấm sẽ "đọc" ra sự mơ hồ, lúng túng, hời hợt của ta trong cách nhìn nhận và giải quyết yêu cầu đề. Các đề kiểm tra, thi học kì thường đặt ra các vấn đề lí luận đơn giản (cảm xúc và phong cách của nhà văn, hình ảnh, chi tiết, nhạc điệu trong tác phẩm) hay các kiểu bài như phân tích, cảm nhận, so sánh, liên hệ giữa các tác phẩm. Khi đó, người viết cần nắm vững các kiến thức cơ bản về lí luận và cấu trúc triển khai bài viết theo từng yêu cầu đề. Các đề thi học sinh giỏi môn văn lại càng giấu kín vấn đề bằng các hình ảnh, liên tưởng trong nhận định hay các đoạn văn dài, đan lồng nhiều vấn đề. Trước đề bài như vậy, người viết lại cần xác định các từ khóa, giải mã các hình ảnh trong đề bài và "khoanh vùng" vấn đề lí luận đề bài đặt ra. Ví dụ, với một đề nghị luận văn học có nhận định: "Nhà thơ gói tâm tình của mình trong thơ, người đọc mở ra bỗng thấy tâm tình của chính mình" (Lưu Quý Kì) thì vấn đề lí luận là quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học với hai từ khóa "gói", "mở". Hay, "Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời vừa là hiện thân chân lí giản dị của mọi thời" thì vấn đề là sự phản ánh hiện thực và giá trị văn học nhưng giá trị văn học được nhấn mạnh hơn. Đối diện với đề bài, cần nhìn nó như nó vốn là, nghĩa là phân tích nó chứ không phải áp đặt bằng suy nghĩ, đoán định của mình. Tương tự như vậy với đề nghị luận xã hội, nếu là câu chuyện thì chú ý các chi tiết truyện, nếu là câu danh ngôn thì xem xét các vế câu để tìm ra vấn đề. Cần tiếp cận với nhiều nhận định lí luận, nhiều dạng đề khác nhau để luyện sự nhạy bén với đề. Hiểu đúng bản chất vấn đề chính là bước đầu tiên để làm nên một bài văn hay.

    2. Lập ra hệ thống luận điểm rõ ràng, hợp lí:

    Một bài văn nghị luận không thể không có các luận điểm. Mục đích tối thượng của bài văn nghị luận là thuyết phục người đọc tin vào quan điểm của mình. Để bài văn nghị luận có sức thuyết phục cao, bắt buộc phải có hệ thống các luận điểm rõ ràng, sắc sảo. Các luận điểm của bài văn nghị luận thường đi theo các phần giải thích, bàn luận (chứng minh, bình luận, phân tích, so sánh) và mở rộng để làm rõ trọn vẹn vấn đề. Mỗi luận điểm là một ý chính ta đưa ra để làm rõ từng phần, có thể được triển khai theo một hoặc nhiều đoạn văn. Nhưng để bài văn rõ ràng, dễ hiểu mỗi luận điểm là một đoạn văn tổng phân hợp hoặc diễn dịch. Mỗi luận điểm phải vừa tách bạch, rõ ràng với nhau như những chiếc hộp riêng biệt chứa đựng các ý tưởng nhưng phải vừa liên kết chặt chẽ với nhau để làm rõ đề bài. Một ý đã nói đến ở luận điểm này nhưng nhắc lại ở luận điểm kia là dấp dính, không rõ ràng giữa các luận điểm. Hãy luyện tập lập dàn ý theo kiểu sơ đồ với các nhánh lớn là luận điểm, nhánh lớn chia ra các nhánh nhỏ là luận cứ, mỗi luận cứ lồng một hoặc vài dẫn chứng để có thể tư duy rõ ràng những điều cần viết, để có một bài văn nghị luận thuyết phục.

    3. Kiến thức đời sống và kiến thức lí luận sâu rộng:

    Để lập được dàn ý, phải có ý. Để viết thành đoạn văn trôi chảy cũng phải có nhiều ý. Những ý đó chính là từ kiến thức của ta mà ra vậy. Cần trau dồi kiến thức đời sống và kiến thức lí luận của mình bằng việc đọc nhiều. Việc đọc là điều tối quan trọng. Những kiến thức đọc được không phải để ta sống sượng đem nguyên vào bài văn, như thế chẳng khác nào học thuộc bài, ta phải "tiêu hóa", phải hiểu thật cặn kẽ, sâu sắc về những điều được đọc, được học qua quá trình nghiền ngẫm, tư duy. Việc đó không hề dễ dàng nhưng khi đã có sự am hiểu rộng và sâu đến một mức độ nào đó thì việc viết của ta trở nên rất trôi chảy, thông suốt khi ý tưởng của ta dạt dào. Quan trọng hơn, bằng việc tích lũy vốn kiến thức sâu rộng và rèn luyện tư duy, ta sẽ có được những ý độc sáng, tức là các ý sáng tạo gây ấn tượng mạnh và "ghi điểm" trong bài viết. Cái hay của bài văn là ở chỗ đó. Ý sáng tạo của bài nghị luận xã hội thường nằm ở phần mở rộng hay phản đề, nó cho thấy tầm nhìn và tư duy phản biện sắc sảo của người viết. Ví dụ, với đề bài "Vai trò của sự cố gắng", sau khi đã chứng minh vấn đề bằng hàng loạt các lợi ích của việc cố gắng thì ở phần phản đề, ta có thể đặt ra vấn đề: "Cố gắng cần phải dựa trên một mục tiêu cụ thể". Với bài nghị luận văn học, ví dụ, khi bàn đến trách nhiệm của nhà văn khi cầm bút, ta có thể nói đến trách nhiệm với hiện thực, với bạn đọc nhưng bài văn hay còn khai thác được trách nhiệm của nhà văn với chính lương tri nghệ thuật của mình.. Bởi vậy, học hỏi, tích lũy không bao giờ là thừa.

    4. Dẫn chứng phong phú, giàu ý nghĩa:

    Dẫn chứng là một phần không thể thiếu của bài văn nghị luận nếu muốn thuyết phục người đọc. Dẫn chứng không nên quá dày cũng không nên quá thưa, không nên quá quen nhàm hay quá xa vời. Khi dẫn chứng phải phân tích dẫn chứng hướng đến việc làm rõ yêu cầu đề chứ không thể "để mặc, thả trôi" nó. Phân tích dẫn chứng cũng không nên quá sơ sài hay quá dài dòng, chỉ cần làm sáng rõ vấn đề. Để tích lũy dẫn chứng, ta lại phải tìm tòi, phải đọc. Trong nghị luận văn học, đặc biệt với thi học sinh giỏi văn, người viết phải có khả năng cảm thụ văn chương tinh tế để viết ra những ý sáng, độc đáo của riêng mình chứ không nhại lại bất cứ ai và làm phong phú các dẫn chứng văn học trong bài. Việc đọc và viết là hai điều cơ bản, lặp lại, xoay vòng trong hành trình luyện viết và cải thiện bài viết của mình.

    5. Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, có hình ảnh, giọng điệu riêng:

    Ngoài những điều cốt lõi của bố cục bài văn, đây cũng là điều hết sức quan trọng khiến bài văn "đẹp" hơn. Văn nghị luận đặt nặng sự thuyết phục hơn yếu tố hoa mĩ, mơ hồ, vậy nên ngôn từ và cách diễn đạt trong bài văn phải sáng rõ, dễ hiểu. Tất nhiên yếu tố tình cảm kết hợp với lí trí sẽ làm bài văn mượt mà hơn song không nên sa đà vào sự huyền hoặc, bí hiểm. Trong quá trình nghị luận, ta có thể đặt ra những câu hỏi, những câu phủ định của phủ định, câu cảm thán, những câu dài ngắn khác nhau để tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn của bài viết. Chú ý đến các thanh bằng, trắc của câu văn để tạo nhạc điệu cho bài văn. Thanh trắc sẽ gây cao trào, thanh bằng sẽ tạo dư ba. Văn phải có các hình ảnh, các biểu tượng thì mới để lại ấn tượng cho người đọc. Ví dụ, thay vì mãi nói "trên đường đời có nhiều khó khăn", ta có thể ví von nhiều cách khác nhau như: "Lướt trên những phím trắng phím đen của đàn piano", "ta như một nốt nhạc thăng giáng theo vị nhạc trưởng cuộc đời", "những trận cuồng phong bất chợt cuốn ta vào cơn bão thời cuộc".. Tất nhiên, bạn có thể nghĩ ra những cách nói hay hơn thế nhiều.

    Trên đây, tôi đã chia sẻ với bạn về một số tiêu chí mà tôi nghĩ là hết sức quan trọng với một bài văn hay. Chúc bạn sớm có thể viết nên những trang văn thật đặc sắc cho mình.
     
    Last edited by a moderator: 26 Tháng mười 2024
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...