Ảnh hưởng của tình hình thế giới đối với cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Thảo luận trong 'Cần Sửa Bài' bắt đầu bởi Phi Bạch, 3 Tháng chín 2024.

  1. Phi Bạch

    Bài viết:
    13
    Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản trên thế giới chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Các nước đế quốc phương Tây đẩy mạnh quá trình xâm chiếm và nô dịch các nước nhỏ, yếu ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, thi hành chính sách thực dân tàn bạo nhằm vơ vét sức người, sức của vì lợi nhuận độc quyền của chủ nghĩa tư bản. Điều đó không chỉ dẫn tới mâu thuẫn gay gắt giữa các nước đế quốc trong việc tranh giành thuộc địa, làm bùng nổ cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất 1914 - 1918, mà còn làm cho mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân ngày càng sâu sắc.

    Phong trào chống đế quốc giành độc lập của các dân tộc thuộc địa trở thành một nội dung lớn của phong trào cách mạng thế giới, một vấn đề có tính thời đại.

    Phong trào đấu tranh ở các dân tộc thuộc địa của chủ nghĩa thực dân ngày càng lan rộng và phát triển mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á đã tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước Việt Nam.

    Vào đầu thế kỷ 20, Lênin đã bảo vệ và phát triển được học thuyết Mác, đưa ra được lý luận về Đảng Cộng Sản cầm quyền mới của giai cấp công nhân, về cách mạng vô sản trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ kinh tế chính trị trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Đó là sự phát triển của chủ nghĩa Mác đã thúc đẩy được phong trào cách mạng thế giới phát triển.

    Trong bối cảnh đó, thắng lợi của cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 đã làm biến đổi sâu sắc tình hình thế giới. Không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, các nước tư bản, mà còn có tác động sâu sắc đến phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa, cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng khỏi ách thực dân.

    Tháng 3/1919, Quốc tế Cộng sản do V. I. Lênin đứng đầu được thành lập, trở thành bộ tham mưu chiến đấu, tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng vô sản thế giới. Không những vạch đường hướng chiến lược cho cách mạng vô sản mà còn đề cập các vấn đề dân tộc và thuộc địa; giúp đỡ, chỉ đạo phong trào giải phóng dân tộc. Ngoài ra còn tiến hành hoạt động truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản và thúc đẩy phong trào đấu tranh ở khu vực này đi theo khuynh hướng vô sản. Đại hội II của Quốc tế Cộng sản (1920) đã thông qua Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa do V. I. Lênin khởi xướng. Một yêu cầu khách quan của cách mạng vô sản thế giới là cần phải đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa giành độc lập, đưa các phong trào dân tộc đó đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, với khẩu hiệu chiến lược là: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại.

    Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 cùng với sự ra đời và hoạt động của Quốc tế Cộng sản đã tác động mạnh mẽ đối với phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa trên thế giới trong những năm 20 của thế kỷ XX, trong đó có Việt Nam và Đông Dương.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...