Tìm hiểu tư tưởng của Hàn Phi Tử và ảnh hưởng đối với xã hội phong kiến Việt Nam

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Gill, 23 Tháng mười 2022.

  1. Gill

    Bài viết:
    6,256
    Học phần: Lịch sử học thuyết chính trị - pháp lý

    Đề tài: "Tìm hiểu tư tưởng của Hàn Phi Tử và ảnh hưởng đối với xã hội phong kiến Việt Nam."

    MỞ ĐẦU
    1. Lý do chọn đề tài

    Nếu như Phương Đông là chiếc nôi lớn của nền văn minh nhân loại thì cùng với Ấn Độ, Trung Quốc là một trong những trung tâm văn hóa Triết học cổ xưa rực rỡ, phong phú nhất của nền văn minh ấy. Mà Xuân Thu – Chiến Quốc là thời kỳ lịch sử có dấu ấn đặc biệt trong nền lịch sử Trung Quốc cổ đại với nhiều biến động to lớn, có ý nghĩa mở đường, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển các học thuyết Triết học chính trị phương Đông. Cùng với Nho gia, Đạo gia, Mặc gia, Danh gia, Âm dương gia, đan xen trong bức tranh "Bách gia tranh minh" thì Pháp gia là một trong sáu học phái lớn nhất, tư tưởng của họ không chỉ có ảnh hưởng lớn đến xã hội đương thời Trung Quốc mà còn ảnh hưởng lâu dài trong quá trình lập quốc và phát triển ở các nước phương Đông đồng văn, trong đó có xã hội phong kiến Việt Nam thời bấy giờ.

    Sở dĩ tư tưởng Pháp gia với đại biểu xuất sắc là Hàn Phi Tử có một vai trò đặc biệt trong sự nghiệp thống nhất đất nước và phát triển xã hội cuối thời Xuân Thu - Chiến Quốc là vì nội dung tư tưởng biến pháp, cách dựng luật, những phương thuật dùng người; các biện pháp để cải tạo xã hội, phương pháp xây dựng nhà nước mạnh, cách thức phát triển kinh tế - xã hội.. trong đường lối trị nước là điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của bất kỳ triều đại phong kiến nào. Với giá trị to lớn đó, tư tưởng Pháp gia với đại biểu xuất sắc là Hàn Phi Tử đã thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả cũng như các nhà hoạt động chính trị từ trước đến nay trên thế giới.

    Song trên thực tế những nghiên cứu về vị thế và vai trò của tư tưởng của Hàn Phi Tử trong lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Trung Quốc cổ đại được đề cập còn khá mờ nhạt, đặc biệt là sự tiếp thu những giá trị lý luận trong học thuyết đó cho việc thiết lập thể chế, kiến tạo xã hội và hình thành nên một hệ thống pháp luật đồng bộ cho xã hội phong kiến Việt Nam như thế nào, cho đến nay vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. [1]

    Qua đó, việc lựa chọn đề tài: "Tìm hiểu tư tưởng của Hàn Phi Tử và ảnh hưởng đối với xã hội phong kiến Việt Nam." làm đề tài kết thúc học phần Lịch sử học thuyết chính trị - pháp lý với tinh thần "tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của nhân loại".

    2. Mục đích, nhiệm vụ của đề tài

    2.1 Mục đích của đề tài

    Thông qua nghiên cứu đề tài để là rõ tư tưởng của Hàn Phi Tử trong lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Trung Hoa cổ đại và ảnh hưởng của tư tưởng pháp trị trong học thuyết này đến chế độ phong kiến Trung Hoa và xã hội phong kiến Việt Nam.

    2.2 Nhiệm vụ của đề tài

    Để đạt được các mục đích như đã để ra ở trên, bài tiểu luận cần đặt ra và tập trung giải quyết một số nhiệm vụ sau:

    Một là: Nghiên cứu tổng quan về tư tưởng của Hàn Phi Tử, làm rõ vị thế, vai trò của Pháp gia với đại biểu xuất sắc là Hàn Phi Tử trong lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Trung Hoa thời cổ đại.

    Hai là: Tiểu luận làm sáng tỏ tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử đã tác động lên đời sống chính trị - xã hội Trung Hoa cổ đại, từ đó phân tích sự ảnh hưởng của tư tưởng pháp trị đối với đời sống chính trị - xã hội dưới chế độ phong kiến Việt Nam.

    3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

    3.1 Đối tượng nghiên cứu

    Tư tưởng của Hàn Phi Tử trong lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Trung Quốc cổ đại và ảnh hưởng của nó đối với xã hội phong kiến Việt Nam.

    3.2 Phạm vi nghiên cứu

    Nghiên cứu những nội dung căn bản về tư tưởng pháp trị của các Pháp gia thời kỳ cổ đại mà đỉnh cao là tư tưởng Hàn Phi Tử; chỉ ra vị trí, vai trò của hệ tư tưởng này chi phối tư tưởng, đời sống chính trị - xã hội Trung Hoa cổ đại và ảnh hưởng của nó.

    Làm rõ một số ảnh hưởng tiêu biểu tư tưởng của Pháp gia với đại biểu xuất sắc là Hàn Phi Tử lên đời sống chính trị - xã hội dưới chế độ phong kiến Việt Nam.

    4. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu được sử dụng chủ đạo trong tiểu luận là phương pháp luận mácxít trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng, cụ thể chúng tôi sử dụng tổ hợp các phương pháp: Lôgic - lịch sử, phân tích - tổng hợp, quy nạp - diễn dịch.. Bên cạnh đó, tiểu luận còn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội khác như: Khảo cứu tài liệu, so sánh - đối chiếu..

    5. Kết cấu của bài tiểu luận

    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo; nội dung của luận văn gồm 2 chương:

    Chương 1. Tư tưởng triết học Pháp gia của Hàn Phi Tử

    Chương 2. Ảnh hưởng của tư tưởng Hàn Phi Tử đối với xã hội phong kiến Việt Nam
     
    Ennee, LieuDuong, Hanho252515 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. Gill

    Bài viết:
    6,256
    NỘI DUNG

    Chương 1. TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC PHÁP GIA CỦA HÀN PHI TỬ

    1.1 Tổng quan về trường phái Pháp gia và đại biểu xuất sắc là Hàn Phi Tử

    Bấm để xem
    Đóng lại
    1.1. 1 Tổng quan về trường phái Pháp gia

    Pháp gia là một trường phái ra đời vào thời kỳ chế độ phân quyền cát cứ bắt đầu tan rã, quyền lực nhà nước tập trung cao hơn vào trong tay nhà vua trung ương và nhà nước quân chủ trung ương tập quyền đã hình thành. Phạm vi lãnh thổ mở rộng, khả năng cai trị trực tiếp khó thực hiện được, các nhà nước chú trọng đến việc đặt ra pháp luật và dùng pháp luật để cai trị nên tư tưởng đề cao vai trò của pháp luật trong việc trị quốc cũng xuất hiện và phát triển. Tư tưởng của phái Pháp gia ra đời trong hoàn cảnh đó.

    Pháp gia là phái ủng hộ cho việc cai trị chuyên quyền độc đoán, tập trung toàn bộ quyền lực nhà nước trong tay nhà vua, tuyên truyền cho phương pháp cai trị bằng pháp luật, thuật và thế.

    Học phái này gồm ba nhóm:

    - Nhóm thứ nhất do Thận Đáo là đại diện, chú trọng đến quyền lực (thế) trong cai trị.

    - Nhóm thứ hai được đại diện bởi Thân Bất Hại, chú ý đến phương pháp điều hành, chỉ huy cai quản các bề tôi tức là thuật.

    - Nhóm thứ ba do Thương Ưởng là đại biểu, chú trọng đến pháp luật. Đại diện xuất sắc nhất của phái Pháp gia, người có công tổng hợp quan điểm của ba nhóm trên để xây dựng nên học thuyết hoàn chỉnh của phái này là Hàn Phi Tử.

    1.1. 2 Thân thế và sự nghiệp của Hàn Phi Tử

    Hàn Phi Tử (khoảng 280-233 TCN) là công tử nước Hàn. Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc. Sách Sử ký viết về tiểu sử Hàn Phi Tử như sau:

    "Hàn Phi Tử là một trong các công tử của nước Hàn. Ông thích cái học về hình phạt, về danh thực, về pháp thuật mà rồi lập gốc cho học thuyết của mình ở Hoàng Lão học. Ông vốn nói lắp, không có thể biện thuyết về đạo, nhưng giỏi viết sách. Cùng với Lý Tư đều học theo Tuân Khanh, Lý Tư tự coi mình không bằng Hàn Phi. Nhận thấy nước Hàn yếu mòn, Hàn Phi nhiều lần can gián vua Hàn, nhưng vua Hàn không thể áp dụng được kế hoạch của Hàn Phi. Vì thế ông bực mình về điều trị nước, không vụ việc tu sửa, cải thiện pháp chế, không kiểm soát quyền thế để chế ngự thần dân ở dưới, không làm giàu cho nước, làm mạnh cho quân đội, và tìm người giao chức vụ thì không dùng người có khả năng, mà trái lại ỷ lại vô hạn vào những địa vị ở trên người thực sự có công. Dùng văn loạn pháp chế để lấy làm nho sĩ, mà kẻ hiệp sĩ thì lấy vũ lực phạm vào cấm lệnh. Nay cái nuôi không phải cái dùng được, cái dùng được lại không nuôi, xót thay người thanh liêm chính trực thì không được dùng hơn để kẻ điên cuồng làm công thần. Xét cái sự biến cố được thua ngày trước nên Hàn Phi làm ra sách Cô phẫn, Ngũ đố, Nội ngoại trừ thuyết, Thuyết Lâm và Thuyết Nạn gồm có tới hơn mười vạn lời".

    Tư tưởng của Hàn Phi Tử chủ yếu thể hiện trong tác phẩm mang tên ông: "Hàn Phi Tử". Nhận xét về tác phẩm này, Hàn Thế Chân đã viết: "Bộ sách này là sự lý luận về việc cai trị đất nước được tác giả viết lên do ông thuận theo thời thế, tham khảo các học thuyết khác. Nó chẳng những khơi thông sự bế tắc của thời bấy giờ, vạch rõ những nhược điểm trong bản chất con người bằng những suy nghĩ sâu sắc, sự phân tích cặn kẽ, mà lời văn trau chuốt, xác thực, hào hùng khí thế, mạch lạc sảng khoái, kết cấu chặt chẽ". Thành phần xuất thân của ông thuộc về gia thế chúa phong kiến cũ, nhưng phần lớn các quan điểm của ông đại biểu cho yêu cầu của tầng lớp địa chủ mới kiêm thương nhân. Trong tư tưởng của Hàn Phi Tử vừa thể hiện sự kế thừa Tuân Tử - một nhà tư tưởng của phái Nho gia, lại vừa thể hiện sự phủ nhận một số quan điểm của Nho gia. Một mặt ông kế thừa tinh thần của Pháp gia, mặt khác lại phê phán một số quan điểm của phái này, ngoài ra ông còn kế thừa và phủ định cả một số quan điểm của Lão Trang.

    Mục tiêu chính trị của Hàn Phi Tử cũng giống như các pháp gia trước là xây dựng nền chính trị quân chủ trung ương tập quyền. Để đạt được mục tiêu ấy, trong phương pháp cai trị ông chủ trương pháp và thuật đều quan trọng, thế và lợi đều có vị trí hàng đầu, sùng bái vua chúa, tôn trọng pháp luật, lấy lý tưởng chính trị đế vương làm chỗ dựa; chủ trương bổ sung thực lực, dồn sức cho sự phú cường, để khi lui có thể tự bảo vệ mình, khi tiến có thể tranh bá đồ vương. Ông cho rằng muốn có được sự phú cường tất phải bắt đầu từ nội chính, vận dụng kết hợp toàn bộ những biện pháp của pháp, thuật, thế, tự lực cánh sinh, thực hành chủ nghĩa trọng nông (coi trọng việc phát triển nông nghiệp) và bá đạo (dùng sức mạnh bạo lực để khuất phục con người). Ông đã hiến kế cho vua Tần cách chiếm các nước khác để xây dựng nghiệp bá vương và cho rằng chiến tranh là việc cần thiết để xây dựng nghiệp bá. Các quan điểm của Hàn Phi Tử đều được xây dựng trên cơ sở và nhằm đạt được những chủ trương trên.
     
    Ennee, Mình là Chi, Cinema1313 người khác thích bài này.
  4. Gill

    Bài viết:
    6,256
    1.2 Đường lối và phương pháp cai trị

    1.2. 1 Quan niệm về "lợi"


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trước hết nói về "lợi", Hàn Phi Tử cho rằng bản tính của con người là mưu lợi cho riêng mình, chạy theo cái lợi, do vậy muốn mưu cầu sự giàu mạnh cho quốc gia, nhà vua phải hiểu rõ điều đó. Ông nói: "Làm ruộng là công việc rất cực khổ và vất vả, nhưng trăm họ đều tự nguyện làm. Họ nghĩ rằng tương lai có thể vì vậy mà giàu có. Chiến trận là công việc rất nguy hiểm, nhưng trăm họ đều tự nguyện gánh vác, họ nghĩ rằng tương lai có thể nhờ vậy mà vinh hiển phú quý. Làm ruộng và đánh giặc là những chuyện quan trọng để mưu cầu sự giàu mạnh cho đất nước. Muốn động viên được hai việc đó phải dựa vào sự hiểu biết về bản chất con người là mưu lợi cho riêng mình".

    Hàn Phi Tử còn kể ra nhiều ví dụ để chứng minh rằng động lực cơ bản của mọi hành vi của con người là tâm lý mưu lợi riêng. Chẳng hạn người đóng kiệu thì mong người ta giàu sang để bán được kiệu, còn người đóng quan tài thì mong người ta chết để bán được quan tài.. Đó là do người ta mưu lợi riêng cho mình chứ không phải là vì đạo đức người đóng quan tài tồi tệ hơn người làm kiệu. Từ sự mưu lợi riêng ấy, con người có thể đi đến chỗ cùng có lợi. Hàn Phi Tử dẫn ra một ví dụ về mối quan hệ giữa người chủ với người làm thuê để chứng minh cho điều này. Người chủ thuê mướn nhân công để cày cấy gieo trồng không tiếc tiền mua đồ ăn thức uống ngon lành để đãi thợ và trả tiền công hậu không phải vì thương thợ mà để cho họ ráng sức làm tốt hơn. Còn người thợ cũng ráng sức làm hết mình không phải vì thương yêu chủ mà vì cho rằng có làm như vậy thì cơm nước sẽ tươm tất hơn, tiền công dễ kiếm được nhiều hơn. Chủ và thợ ai cũng lo hết lòng hết sức, ai cũng được lợi, tất cả đều bởi họ mang tâm lý tính toán cho riêng mình, rốt cuộc lợi cho mình và lợi cả cho người.

    Từ quan điểm về lợi, Hàn Phi Tử cảnh báo nhà vua rằng cái lợi của vua và bề tôi không giống nhau, do vậy nhà vua phải sáng suốt, phải cảnh giác, phải hiểu rõ thuật dùng người, thuật điều khiển bề tôi, nếu không có thể bị bề tôi dối gạt, lấn quyền, chuyên quyền, phế bỏ hoặc giết chết. Ông nói: "Mối lo của nước có vạn cỗ xe là đại thần có quyền cao chức trọng; mối lo của nước có ngàn cỗ xe là tả hữu quá được tin dùng; đó là mối lo chung của tất cả các bậc vua chúa. Đến nước này thì đại thần có tội lớn của đại thần, nhà vua có sai lầm lớn của nhà vua. Cái lợi giữa vua chúa với bề tôi có sự khác nhau. Làm sao để biết được điều này? Xin thưa: Cái lợi của vua là hễ ai có tài năng sẽ được bổ nhiệm làm quan; còn cái lợi của bề tôi là tuy bất tài nhưng vẫn được giao công việc. Cái lợi của vua là ở chỗ hễ ai có công lao thì sẽ được tước lộc, còn cái lợi của bề tôi là chẳng có công lao gì mà vẫn được phú quý. Cái lợi của nhà vua là khiến cho bậc hào kiệt trổ hết tài năng, còn cái lợi của bề tôi là kết bè đảng để mưu tư lợi. Do đó mà đất đai của nhà vua dần dần rơi vào tay của bề tôi để họ ngày càng giàu lên, dẫn đến vua chúa ngày càng suy yếu, còn bề tôi ngày càng giàu mạnh. Như vậy sẽ dẫn đến vua bị thất thế còn bề tôi thì chiếm được quyền trong nước, bây giờ thì vua phải xuống phiên thần, còn tướng quốc thì chẻ phù sai khiến kẻ khác, như vậy bề tôi đã lừa dối vua để mưu lợi riêng cho mình. Cho nên những bậc đại thần của nhà vua một khi đang cầm quyền một khi có sự biến trong nước mà vẫn sủng ái như cũ thì trong muôn người không có được hai ba người. Tại sao vậy? Vì tội trạng của bọn đại thần này quá lớn".

    Theo Hàn Phi Tử, vì lợi của mình mà bề tôi luôn luôn nhòm ngó lòng dạ của vua, tìm cách lấy lòng vua, lợi dụng những sơ hở của vua mà trục lợi. Do vậy nhà vua phải có thuật che giấu lòng mình, cả những suy nghĩ, những sở thích và những điểm yếu để không có chỗ cho bề tôi lợi dụng.

    Khi đề cập đến phương pháp, cách thức cai trị, Hàn Phi Tử cho rằng việc đặt ra cách thức, phương pháp, chính sách cai trị phải xuất phát từ thực tại khách quan. Song thực tại khách quan lại biến đổi không ngừng, do vậy ông vua sáng suốt phải biết tuỳ cơ ứng biến, tức là phải biết thay đổi đường lối, cách thức, phương pháp cai trị cho phù hợp với thời thế. Bởi vì mỗi phương pháp, cách thức cai trị chỉ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của một giai đoạn lịch sử nên nó sẽ có hiệu quả trong giai đoạn lịch sử này mà lại vô hiệu trong giai đoạn khác. Ông nói: ".. Văn Vương thi hành nhân nghĩa mà được thiên hạ, còn Yển Vương cũng thi hành nhân nghĩa mà lại bị mất nước, xem ra nhân nghĩa chỉ dùng được cho đời xưa chứ không dùng được cho ngày nay, cho nên có lời bàn rằng:" Thời thế thay đổi thì sự vật cũng đổi thay ".".. đao búa chỉ dùng được thời cổ chứ thời nay thì không thể đánh trận được. Vì vậy mới nói rằng "việc thay đổi thì cách thức cũng thay đổi. Đời thượng cổ người ta tranh nhau về đạo đức, đời trung cổ người ta tranh nhau về mưu trí, còn ngày nay người ta tranh nhau về sức lực". "Phong tục thời xưa và thời nay khác nhau, biện pháp thi hành giữa cũ và mới cũng khác nhau. Nếu như dùng chính sách ôn hòa để trị người dân trong thời loạn thì chẳng khác nào muốn chế ngự cỗ xe mà không dùng dây cương và roi, đó chính là cái hại của sự không sáng suốt". "Ngày nay, nếu có người đem sự tốt đẹp về đạo đức của các ông Nghiêu, Thuấn, Thang, Võ đặt vào cuộc sống đương thời tất sẽ bị các ông thánh đời nay chê cười. Như vậy các bậc Thánh nhân không cần phải phục cổ, không cần phải tuân theo lệ cổ, không cần phải giữ lệ cũ mà cần phải xem xét đến sự việc đương thời rồi từ đó mà tìm biện pháp thích hợp".

    Từ nhận thức này, Hàn Phi Tử phê phán quan điểm phục cổ, phê phán mong muốn khôi phục lại hoàn toàn phương pháp, cách thức cai trị của các đấng tiên vương đời trước. Theo ông, việc cai trị của thánh nhân phải dựa trên cơ sở pháp luật, song pháp luật cũng phải được xây dựng cho phù hợp với thời thế. Ông viết: "Cai trị dân không có gì là cố định, chỉ có lấy pháp luật mà cai trị. Pháp luật phải chuyển biến theo thời thế thì mới tốt, cai trị có hợp với thời thế thì mới có hiệu quả.. Thời thế chuyển mà phép cai trị không đổi thì sẽ suy kém. Cho nên phép cai trị dân của các bậc thánh nhân là pháp luật phải cùng chuyển với thời thế, và cấm lệnh phải cùng thay đổi theo khả năng của thời thế".

    Hàn Phi Tử còn giải thích rõ rằng một điều khoản nào đó của pháp luật có phải thay đổi hay không là tuỳ thuộc vào việc nó có phù hợp với thực tế hay không? Tất nhiên nếu nó vẫn còn phù hợp thì không cần phải thay đổi và ngược lại. Bên cạnh việc căn cứ vào thời cuộc, để định ra chính sách, nhà vua còn phải cân nhắc xem của cải nhiều hay ít, quyền thế dày hay mỏng. Hàn Phi Tử rất chú trọng đến việc xây dựng thực lực quốc gia, có thực lực lớn mạnh thì sẽ có kẻ tới triều cống, còn thực lực nhỏ yếu thì phải cống nạp người ta vì nước nhỏ yếu phải tôn thờ nước lớn. Đất nước giàu mạnh ổn định thì dễ dàng định ra được những kế mưu hay, đất nước mà yếu kém hỗn loạn thì khó mà có được những dự tính hay. Song muốn phú cường thì phải bắt đầu từ nội chính, tức là phải lo chỉnh đốn chính trị trong nước, thực thi pháp luật và cấm lệnh cho rõ ràng chính xác, đáng thưởng thì phải thưởng, đáng phạt thì phải phạt, ra sức khai phá đất đai, tích luỹ của cải vật chất, không tiếc hy sinh, thà chết để giữ vững thành trì xóm ấp. Muốn giàu mạnh thì phải coi trọng công dụng, phải dựa vào nông nghiệp và đánh giặc. Những người nào và những hành vi nào không trực tiếp phục vụ hoặc có lợi cho công cuộc nói trên thì không nên coi trọng mà thậm chí còn phải lên án, ngăn cấm và loại bỏ. Theo Hàn Phi Tử, xã hội luôn luôn vận động, biến đổi không ngừng, bản tính con người là mưu lợi riêng nên chỉ có pháp luật mới bảo vệ được trị an xã hội, mới loại bỏ được lòng tư lợi quá đáng của mọi người, pháp luật phải trở thành chuẩn mực cao nhất của việc trị quốc. Một ông vua anh minh sáng suốt là người hết sức thân dân, làm sáng tỏ pháp luật, cấm lệnh mà trị nước. Vì như vậy thì người có công ắt được thưởng, và kẻ có tội ắt bị phạt, đó là nguyên nhân làm cho nước mạnh.

    Từ quan điểm thực dụng này, Hàn Phi Tử phê phán các thương nhân, nho sinh và hiệp sĩ, yêu cầu nhà vua không được trọng dụng những người này vì họ không đóng góp gì cho sự phú cường của đất nước mà chỉ làm loạn nước. Ông phê phán việc coi trọng nhân nghĩa và tài trí, cho rằng đó là những thứ không có lợi cho công cuộc cai trị. Theo ông nhân nghĩa chỉ để nói chơi chứ không thể dùng để cai trị được. Đồng thời ông đòi hỏi nhà vua phải coi trọng, quan tâm và bảo vệ lợi ích cho binh sĩ và nhà nông vì đó mới là những người cần thiết cho đất nước. Hàn Phi Tử viết: "Bọn nho sĩ lấy văn để làm loạn phép nước, bọn hiệp sĩ dùng võ để phạm những điều cấm kỵ, vậy mà bậc vua chúa đều lấy lễ nghĩa đối xử với bọn họ, từ đó mà sinh loạn. Con người ta hễ không tuân theo pháp luật sẽ bị tội, vậy mà các bậc tiên sinh chỉ nhờ dựa vào văn học mà được thu dùng; kẻ vi phạm vào các điều cấm kỵ sẽ bị giết, vậy mà những kẻ chuyên được phái đi ám sát lại được dung dưỡng. Như vậy, giữa pháp luật, thu nhận người, lệnh của quan trên, sự thi hành của kẻ dưới, bốn thứ đó luôn đối chọi nhau, không có sự thống nhất ổn định, thì dù có mười ông hoàng đế cũng không sao trị nổi thiên hạ. Vậy kẻ đã thi hành điều nhân nghĩa chớ nên khen ngợi, vì sẽ hại đến công lao của họ, còn người chuyên về văn học thì đừng sử dụng họ vào việc nước, nếu dùng họ sẽ làm loạn pháp luật. Thời bình thì dung dưỡng nho sĩ và hiệp khách, đến khi thời loạn lại dùng giới binh sĩ, như vậy kẻ được hưởng lợi lộc thì không dùng họ, kẻ được dùng đến lại không được ân huệ nào. Vì vậy mà những người đang đảm nhiệm công việc sẽ lơi là công việc của mình, mà bọn du thuyết học giả ngày càng đông, từ đó mà đời hóa loạn". "Làm ruộng là việc vừa hao sức vừa cực nhọc mà người dân vẫn làm vì họ biết rằng có làm ruộng mới được giàu có. Ra chiến trận là công việc rất nguy hiểm mà người dân vẫn cứ cầm vũ khí vì họ biết rằng có đánh giặc mới có phú quí. Nếu chỉ lo luyện rèn văn chương, tập tành ăn nói, dù không ra tay cày cấy khó nhọc mà vẫn được giàu có, nếu không gặp nguy hiểm nơi chiến trận và vẫn được tôn quý thì ai mà chẳng muốn làm như vậy! Kết quả có đến một trăm người dùng trí mới có một người dùng sức. Người dùng trí càng đông thì phép nước càng bại hoại, người dùng sức càng ít thì đất nước càng bần cùng, do đó mà đời mới bị loạn. Cho nên một nước có minh chủ thì không dùng những điều trong sách mà dạy dân mà phải lấy pháp luật để dạy dân, không dùng lời của các tiên sinh Nho gia mà phải dùng các quan lại để làm thầy, không sử dụng bọn thích khách để bảo vệ mình mà phải lấy việc chém đầu giặc làm dũng cảm. Vì vậy dân trong nước hễ bàn luận thì nhắc tới pháp luật, hễ hành động là cố để lập công, huy động toàn bộ sự dũng cảm cho sự lập công. Có như vậy thì khi bình yên nước sẽ giàu, khi giặc giã binh sẽ mạnh, đó là cái vốn để lập nên nghiệp đế. Khi đã tích lũy vốn để lập nên nghiệp đế thì thừa lúc địch sơ hở thì sự nghiệp còn vượt cả Ngũ đế, bằng Tam vương, tất cả đều phải theo các cách như đã nói ở trên thì mới thành công được". "Những lời tán dương tuyên truyền từ thượng cổ suy cho cùng dù có dễ nghe nhưng lại chẳng có gì thiết thực, ngợi khen nhân nghĩa của đấng tiên vương nhưng không thể lấy đó để cai quản đất nước, đó cũng là những thứ để chơi mà thôi, chẳng có gì thực dụng cả".

    Có thể nói đây là một trong những điểm hạn chế trong tư tưởng của Hàn Phi Tử. Do ủng hộ mưu đồ xây dựng nghiệp bá vương với tư tưởng thực dụng nên Hàn Phi Tử chỉ tính đến lợi ích trước mắt của một nước quân chủ dựa vào nông nghiệp và chiến tranh mà không thấy được giá trị của lý luận, học thuật và đạo đức trong cai trị và trong cuộc sống. Ông đã tuyệt đối hóa phương pháp pháp trị đến mức phủ nhận cả nhân nghĩa, tài trí, sự khéo léo trong cai trị mà không hiểu được rằng các phương pháp ấy phải được sử dụng kết hợp với nhau thì mới có hiệu quả.

    Theo Hàn Phi Tử, xã hội luôn luôn vận động, biến đổi không ngừng, bản tính con người là mưu lợi riêng nên chỉ có pháp luật mới bảo vệ được trị an xã hội, mới loại bỏ được lòng tư lợi quá đáng của mọi người, pháp luật phải trở thành chuẩn mực cao nhất của việc trị quốc. Một ông vua anh minh sáng suốt là người hết sức thân dân, làm sáng tỏ pháp luật, cấm lệnh mà trị nước. Vì như vậy thì người có công ắt được thưởng, và kẻ có tội ắt bị phạt, đó là nguyên nhân làm cho nước mạnh.
     
  5. Gill

    Bài viết:
    6,256
    1.2. 2 Quan niệm về "pháp"

    1.2. 2.1 Khái niệm về "pháp"


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hàn Phi Tử nói: "Pháp luật là gì? Là cái biên soạn thành sách đặt ở nơi cung đường và nói rõ cùng trăm họ.. cho nên bậc minh chúa nói pháp luật thì mọi kẻ hèn kém trong nước, không ai không nghe thấy".

    Như vậy, dưới con mắt của Hàn Phi Tử, pháp luật phải là pháp luật thành văn, được in ấn thành sách và phải được công bố rộng rãi cho mọi người đều biết. Ông đòi hỏi pháp luật phải cụ thể, rõ ràng phải phù hợp với nhân tính, hoàn cảnh, có vậy nó mới có hiệu quả. Ông viết: "Các bậc vua thánh làm ra pháp luật, thì cái thưởng đủ để khuyến khích người làm lành, cái oai đủ để thắng người hung bạo, cái chuẩn bị đủ để làm cho công việc hoàn tất. Bầy tôi trị thế, công nhiều thì được địa vị cao, làm hết sức thì thưởng hậu, tận tình thì danh tiếng lập. Cái lành sinh ra như hoa cỏ mùa xuân, cái ác chết như hoa cỏ mùa thu. Bởi đó, dân được khuyến khích đem hết sức ra làm việc và vui vẻ trong tận tình phục vụ". "Bậc chúa sáng suốt lập ra cái thưởng có thể làm được, đưa ra cái phạt có thể tránh được".

    Pháp luật phải dễ hiểu, dễ thực hiện, phải nêu được các sự việc và dẫn chứng một cách cụ thể, tỉ mỉ để mọi người đều có thể hiểu và thực hiện được, đó là tiền đề để cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh. Hàn Phi Tử giải thích: "Biểu của bậc chúa sáng dễ thấy, cho nên lời ước hẹn được giữ. Sự dạy của bậc chúa sáng dễ hiểu nên lời nói đắc dụng. Pháp luật của bậc chúa sáng dễ làm cho nên lệnh được thi hành. Ba điều này lập mà bề trên không có lòng dạ riêng tư thì kẻ dưới tuân theo pháp luật mà cai trị, nhìn biểu mà làm, tuỳ dây mực mà cắt, nhân đường kim mà may. Như vậy thì bề trên không mang tiếng xấu vì sự riêng tư hay sự kiêu cách, kẻ dưới không bị giết vì sự ngu độn hay sự vụng về. Bởi đó, ở trên vua sáng mà ít giận, kẻ dưới tận trung mà ít tội".


    1.2. 2.2 Nội dung, nguyên tắc của "pháp"

    Hàn Phi Tử hiểu rất rõ và chính xác tác dụng của việc thưởng phạt là: Thưởng vừa có tác dụng khuyến khích, động viên người được thưởng, vừa có tác dụng giáo dục, nêu gương tốt cho những người khác noi theo. Còn phạt vừa có tác dụng trừng trị người bị phạt, người phạm tội, vừa có tác dụng giáo dục mọi người, răn đe phòng ngừa sự vi phạm mà tác dụng khuyến khích, răn đe, phòng ngừa mới là quan trọng. Vì thế, nếu nhà vua qui định rõ sự thưởng phạt và tự mình làm đúng như qui định thì vì cái lợi riêng của mình, mọi người sẽ hăng hái thực hiện yêu cầu của nhà vua và việc thưởng phạt sẽ phát huy hết tác dụng của nó.

    Hàn Phi Tử nêu lên hàng loạt ví dụ thực tế để minh chứng cho tác dụng của sự thưởng phạt. Chẳng hạn, Câu Tiễn – Vua nước Việt định đánh nước Ngô, muốn thử tinh thần dân chúng nước mình để dự đoán khả năng thắng lợi, bèn đốt cung thất của mình. Lúc đầu không ai đến cứu, ông bèn ra lệnh: "Người cứu lửa mà chết thì được thưởng như là kẻ chết vì kẻ địch ở chiến trường, người cứu lửa mà không chết thì được thưởng như là thắng địch ở chiến trường, người không cứu lửa thì bị tội như hàng giặc hay bỏ chạy trước giặc". Sau khi lệnh ban ra, người ta lấy bùn xoa vào người, mặc áo ướt để xông vào chữa lửa, mỗi bên tả hữu có đến 3000 người. Qua đó Câu Tiễn khẳng định được thế thắng của mình.

    Tuy nhiên, muốn thưởng phạt phát huy hết tác dụng thì thưởng phải thật hậu hĩ và phạt phải thật nặng, thật nghiêm khắc, đồng thời phải thật thỏa đáng, công bằng, thuận với lòng dân, với lợi ích chung, với lẽ phải trái; phải bảo đảm thật đúng đắn, chính xác khi áp dụng, nếu không sẽ phản tác dụng. Ông chỉ rõ những cái hại của việc thưởng phạt không đúng. Mà muốn thưởng, phạt đúng thì phải dựa vào pháp luật.

    Hàn Phi Tử luận bàn nhiều về sự thưởng, phạt vì ông coi đó là vấn đề phải chú ý khi xây dựng pháp luật, là công cụ để thực hiện pháp luật, bảo vệ pháp luật và nâng cao hiệu quả của pháp luật.

    Thưởng, phạt còn là công cụ để nhà vua sử dụng, sai khiến bề tôi, là sự biểu hiện về sức mạnh của quyền thế, công cụ để thực hiện quyền thế và thuật của nhà vua. Đối với Hàn Phi Tử, thưởng, phạt là những nội dung cơ bản của pháp trị.

    Ông cho rằng "pháp trị" là phương pháp duy nhất đúng để cai trị trong thời gian đó, ông phê phán sự cai trị chỉ dựa vào ý chí hoặc tài năng cá nhân của người cai trị. Nội dung của pháp trị, theo ông là việc sử dụng kết hợp ba công cụ "pháp", "thuật", "thế" trong cai trị. Nhà vua phải coi trọng cả ba, thì mới có hiệu quả bởi vì chúng có quan hệ mật thiết với nhau và hỗ trợ nhau.

    Ông còn đòi hỏi pháp luật phải thống nhất, ổn định song không cố định mà phải có sự thay đổi cho phù hợp với thời thế, tức là với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Hàn Phi Tử viết: "Ưa lấy trí mà sửa pháp luật, hay lấy việc riêng tư trộn vào việc công, thay đổi pháp luật, cấm lệnh, hiệu lệnh ban xuống nhiều lần thì có thể suy vong".

    Ông còn đòi hỏi mọi người, kể cả vua quan và thần dân đều phải tôn trọng và tuân theo pháp luật và pháp luật phải được áp dụng một cách công bằng đối với tất cả mọi người. Ông chỉ rõ: "Việc hợp pháp thì làm, không hợp pháp thì bỏ".


    "Cho nên bậc vua sáng khiến bầy tôi không chú ý đến những cái ở ngoài pháp luật, không làm ân huệ ở trong vòng pháp luật, không làm điều trái pháp luật.

    Pháp luật là cái để ngăn cấm việc riêng tư sai lầm vượt ra ngoài pháp luật.. Pháp luật không chắc chắn thì nhà vua bị nguy, hình phạt không quyết đoán thì không thắng được kẻ gian.

    Pháp luật không hùa theo người sang, sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu. Cho nên điều sửa chữa được sự sai lầm của người trên, trị được cái gian của kẻ dưới, trừ được loạn, sửa được điều sai, thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật.

    Ông đòi hỏi nhà vua phải trực tiếp theo dõi, uốn nắn, bảo đảm việc thực hiện pháp luật của bề tôi. Việc áp dụng pháp luật phải công minh, đúng đắn, bảo đảm sự bình đẳng giữa mọi người, sự khách quan vô tư, không theo tình ý riêng của người áp dụng, không có ngoại lệ và phải đúng pháp luật. Nếu tất cả những yêu cầu trên được thực hiện thì quốc gia sẽ hưng thịnh, nếu không thì nước tất sẽ suy vong. Nước mạnh hay yếu là tuỳ thuộc vào việc thực hiện pháp luật.

    Có thể coi Hàn Phi Tử là một trong các tác giả của tư tưởng nhà nước pháp quyền.
     
  6. Gill

    Bài viết:
    6,256
    1.2. 3 Quan niệm về "thuật"

    Bấm để xem
    Đóng lại
    1.2. 3.1 Khái niệm về "thuật"

    Về thuật, ông giải thích: "Thuật là gì? Là cái nằm kín đáo trong bụng để so sánh các đầu mối sự việc và ngấm ngầm cai trị các bề tôi.. Dùng thuật thì phải làm cho kẻ thân yêu gần gũi cũng không ai biết được" . Như vậy "thuật" có thể hiểu là phương pháp, là thủ thuật của nhà vua dùng để xem xét, tuyển chọn, đôn đốc, cai quản quần thần một cách bí mật, cho nên nó càng kín đáo, bất ngờ càng tốt.

    Ông nêu lên 7 thuật mà vua chúa có thể dùng:

    - Một là: So sánh hết mọi đầu mối, tức là những điều nghe và thấy để xác định sự thật, tránh bị bề tôi lừa gạt, che lấp.

    - Hai là: Ắt phạt để làm cho oai quyền sáng tỏ tức là phải qui định và thi hành hình phạt thật nghiêm khắc để bảo đảm cho cấm lệnh được thi hành, ngăn chặn sự vi phạm pháp luật theo nguyên tắc "dùng hình phạt khử hình phạt", để người dưới không lấn vượt quyền của người trên.

    - Ba là: Khen thưởng thật hậu và đúng như lời hứa hoặc đúng như qui định, đúng đối tượng thì bề tôi sẽ khinh cái chết và nhà vua sẽ huy động được hết tài năng của bề tôi.

    - Bốn là: Nghe hết tất cả những điều dính dáng đến một việc, khảo sát, thẩm tra, xem xét kỹ để phân biệt được kẻ trí với người ngu, phân biệt được lẽ phải, điều trái. Phải bắt kẻ dưới mỗi người chịu trách nhiệm về một việc để không lẫn lộn công việc và trách nhiệm với nhau, không tranh giành, kiện cáo nhau và quan lại không kiêm nhiệm nên kỹ thuật mỗi người đều cao. Đồng thời bắt người nói phải chịu trách nhiệm về những điều họ nói.

    - Năm là: Giả vờ ra lệnh và giả vờ giao việc để kiểm tra và hiểu đúng bề tôi, để bề tôi không thông đồng với nhau mà gian dối.

    - Sáu là: Tập hợp các nguồn tin khảo sát thực tế từ nhiều phương diện để hiểu rõ sự thật, hiểu sâu sắc và toàn diện vụ việc, làm rõ sự thiếu thành thật, sự thiếu trách nhiệm của bề tôi, làm cho bề tôi phải thần phục.

    - Bảy là: Đổi lời tráo việc để làm sáng tỏ điều mình nghi vấn, làm rõ gian, ngay, đồng thời qua đó kiểm tra bề tôi.

    Hàn Phi Tử chú trọng đến thuật cai quản các quan chức của nhà vua vì theo ông các quan mới là người trực tiếp cai quản dân chúng.


    Nhà vua chỉ cần cai quản tốt các quan là có thể cai trị tốt thần dân và làm cho nước yên trị.

    1.2. 3.2 Nội dung, nguyên tắc về "thuật"

    Hàn Phi Tử rất chú trọng đến thuật cai quản các quan chức của nhà vua vì ông quan niệm rằng các quan mới là người trực tiếp cai quản dân chúng, cho nên nhà vua chỉ cần cai quản tốt các quan là có thể cai trị tốt thần dân và làm cho nước yên trị. Song để cai quản tốt các quan chức thì phải dựa trên nguyên tắc "vô vi" và dựa trên cơ sở pháp luật. Hàn Phi Tử đã cố vấn cho nhà vua tất cả những thuật cần thiết để giúp vua cai quản bề tôi. Nhà vua không cần phải trực tiếp giải quyết mọi công việc, không cần phải công khai thể hiện uy quyền của mình vì "Quyền không muốn hiện ra cho người thấy, bản chất của nó là vô vi".

    Để cai quản tốt bề tôi, theo Hàn Phi Tử, nhà vua còn phải xem xét, cân nhắc trong việc lựa chọn quan chức để cho công việc phù hợp với khả năng của họ, phải biết cách đánh giá đúng kết quả hoạt động của họ mà thưởng phạt cho thích đáng. Về điều này, ông viết: "Bởi đó cho nên nhà vua sáng suốt khiến luật pháp chọn người chứ không tự mình cất nhắc người, khiến luật pháp đo lường công trạng chứ không tự mình ước lượng. Người có tài năng không thể bị ghìm, người dở không thể che dấu được cái dở của mình, kẻ được khen ngợi láo không thăng chức được, kẻ bị chê lầm không bị giáng chức. Do đó giữa vua với bầy tôi, sự phân biệt rõ rệt và nước dễ trị. Bởi đó, nhà vua mà theo đúng pháp luật thì nên vậy".

    Hàn Phi Tử bàn nhiều đến mối quan hệ giữa "pháp" và "thuật" vì theo ông, hai công cụ này quan trọng và cần thiết như nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau nên vua phải sử dụng kết hợp hai công cụ này thì việc cai trị mới có hiệu quả.

    Ông phê phán Thương Ưởng rằng chỉ biết có "pháp" và chỉ chú trọng tới "pháp" mà không chú trọng tới "thuật", còn Thân Bất Hại thì chỉ chú trọng tới "thuật" mà không chú trọng tới "pháp", thêm vào đó "pháp" và "thuật" của hai ông đều chưa hoàn chỉnh, chính vì vậy mà cả hai ông tuy đều phò tá rất đắc lực cho chúa của mình mà vẫn không thể giúp họ thành công trong sự nghiệp bá vương. Vì thế, phải hoàn thiện hơn pháp của Thương Ưởng và thuật của Thân Bất Hại, phải khắc phục được những điểm bất hợp lý của chúng.

    Từ đó, Hàn Phi Tử khẳng định: "Nắm lấy pháp luật và thuật, thi hành phạt nặng, hình nghiêm, thì có thể lập sự nghiệp bá vương. Trị nước mà có pháp luật, có thuật, có thưởng, phạt thì cũng như đi đường bộ mà có xe chắc, ngựa tốt, đi đường thuỷ mà có thuyền nhẹ, chèo chắc vậy. Người có được những cái ấy thì phải thành công".
     
  7. Gill

    Bài viết:
    6,256
    1.2. 4 Quan niệm về "thế"

    Bấm để xem
    Đóng lại
    1.2. 4.1 Khái niệm "thế"

    "Thế" mà Hàn Phi Tử nói ở đây chính là uy thế, uy quyền hay quyền lực của người cai trị. Nhà vua phải có thế thì mới có thể cai quản được bề tôi, trị được đất nước vì có thế thì mới có thể bắt người ta phải phục tùng, tôn trọng và tuân theo pháp luật.

    Ông giải thích về tác dụng của thế trong cai trị như sau: "Có tài mà không có thế thì trung hiền cũng không kiềm chế được đứa bất tài.. Kiệt làm thiên tử có thể kiềm chế thiên hạ, không phải vì hiền, mà vì có thế lớn. Nghiêu làm kẻ thất phu, không sửa ngay được ba nhà, không phải là bất tài mà vì địa vị thấp.. Bởi đó.. bất tài mà kiềm chế được người hiền là nhờ thế".

    Qua đây có thể thấy Hàn Phi Tử vùa nhấn mạnh việc dùng thế trong cai trị, vừa phủ nhận việc chỉ dùng nhân nghĩa trong cai trị. Ông còn giải thích thêm: "Làm chúa người mà đích thân xem xét bá quan thì ngày không đủ, sức không kham. Vả lại, nếu người trên dùng con mắt thì kẻ dưới sửa giọng nói, người trên dùng trí óc thì kẻ dưới sắp diễn từ thật nhiều. Các đấng tiên vương cho rằng ba cái đó không đủ cho nên họ bỏ tài năng riêng mà dựa vào pháp luật và qui tắc để xét việc thưởng phạt. Các đấng tiên vương cốt nắm lấy cái chủ yếu cho nên pháp luật giản dị mà không bị vi phạm. Nhà vua một mình chế ngự dân trong bốn biển, kẻ khôn ngoan không thể dùng sự lừa dối được, kẻ hiểm trá không thể dùng sự nịnh nọt được, kẻ gian tà không có chỗ dựa, kẻ ở xa ngoài ngàn dặm không dám đổi lời. Kẻ có thế ở gần vua như các vị lang trung không dám che cái hay, nguỵ trang cái sai trái. Bầy tôi ở triều đình cấp cao hay thấp đều không dám lấn lướt nhau hay vượt quyền vị. Bởi đó, công việc cai trị không hết thì giờ và mỗi ngày đều có rỗi rảnh. Đó là vì bậc trên dùng cái thế của mình mà được như vậy".


    1.2. 4.2 Nội dung của "thế"

    Quan điểm về thế của Hàn Phi Tử là sự kế thừa quan điểm về thế của Thận Đáo. Thận Đáo đã từng nói: "Rồng bay được là nhờ mây, đằng xà dựa vào hơi sương mà vùng vẫy, một ngày kia mây tan trời tạnh thì con phi long kia chẳng khác nào con giun con dế, bởi vì nó đã mất đi chỗ dựa. Bậc hiền tài chịu khuất phục trước bọn tiểu nhân vì quyền bính của họ mỏng manh, địa vị của họ thấp kém, tiểu nhân có thể chế ngự được người hiền bởi họ có quyền thế mạnh, địa vị cao. Để cho Đường Nghiêu làm dân thường thì chỉ có ba người thôi ông cũng không trị được, nhưng Hạ Kiệt làm vua thì có thể nhiễu loạn khắp thiên hạ. Vì vậy hiểu ra rằng, khi đã có đủ quyền thế và địa vị thì hiền đức và tài trí chẳng còn được trọng dụng.. Khi Đường Nghiêu còn yếu thế, ông quản giáo bọn nô lệ thuộc hạ, bọn này không chịu nghe ông. Đến khi ông xưng vương, làm lãnh tụ của cả thiên hạ, thì ông vừa mới hạ lệnh trăm họ đều phụng mệnh thi hành; ông vừa mới cấm đoán, thiên hạ liền dừng lại ngay. Từ đó mới thấy rằng, hiền đức tài trí cũng chưa đủ để khuất phục mọi người, mà chỉ cần có địa vị, quyền thế là đủ chế ngự người hiền".

    Vì "thế" có tác dụng như vậy nên nhà vua luôn luôn phải lo củng cố quyền thế của mình. Mà công cụ để củng cố quyền thế của nhà vua thì không gì bằng thưởng và phạt, nếu nắm được thưởng phạt thì quyền thế mới ổn định. Vì vậy, nhà vua phải độc quyền nắm quyền thưởng phạt, không thể nhường cho ai. Về điều này, trong Chương Nhị bính (hai loại quyền hành), Hàn Phi Tử viết: "Bậc minh chủ sở dĩ chế ngự được bầy tôi của họ là nhờ vào hai loại quyền hành mà thôi. Hai loại quyền hành đó là hình và đức. Thế nào gọi là hình và đức? Xin trả lời rằng: Giết phạt gọi là hình, khen thưởng gọi là đức. Bề tôi nào cũng sợ bị giết phạt và thích được khen thưởng, cho nên nếu vua sử dụng hai loại quyền hành giết phạt và khen thưởng ấy thì bọn bề tôi đều sợ uy của nhà vua mà quy phục nhà vua để có lợi cho mình. Thế nhưng bọn gian thần trên đời thì không như vậy. Hễ chúng ghét ai thì mượn uy của nhà vua để trị tội người đó, hễ chúng yêu ai thì dựa vào quyền thế của vua để khen thưởng người đó. Nay nhà vua đánh mất cái uy quyền của sự thưởng phạt khỏi tay mình mà nghe theo quần thần để thưởng phạt theo ý họ, tức thì dân cả nước sẽ sợ uy quyền của bọn thần tử mà coi thường nhà vua, đều qui phục thần tử mà xa lánh nhà vua".

    Về tác dụng của việc sử dụng kết hợp giữa pháp và thế, Hàn Phi Tử cho rằng nó có thể giúp cho một ông vua trung bình (không phải là thánh nhân) cũng có thể cai trị tốt. Ông giải thích: "Cái thế mà ta nói tới là để cho người trung bình. Người trung bình thì trên không bằng Nghiêu Thuấn, dưới không như Kiệt, Trụ, biết dựa vào pháp và thế thì nước yên trị, nếu trái pháp, bỏ thế thì nước rối loạn. Nay bỏ thế, trái pháp mà đợi Nghiêu Thuấn, Nghiêu Thuấn đến mới yên trị thì nghìn đời loạn mà có một đời yên trị. Biết giữ pháp và dựa vào thế mà đợi Kiệt Trụ, Kiệt Trụ đến mới loạn, thế thì nghìn đời yên trị mà có một thời loạn. Vả lại nghìn đời yên trị mà một đời loạn, với một đời yên trị và nghìn đời loạn thì rất khác nhau, cũng như cưỡi hai con ngựa thiên lý, mỗi con chạy một nẻo, càng đi càng rất xa nhau vậy. Ấy thế đó, bỏ cái pháp đã có mực thước, bỏ cái thuật đã có đắn đo, thì khiến cho Hề Trọng làm xe, cũng không thể làm nổi một bánh xe. Không có khen thưởng để khuyến khích, và hình phạt cho uy nghi, lại bỏ quyền lực (thế), bỏ pháp luật, dầu cho Nghiêu Thuấn đi đến từng nhà mà thuyết giáo, người ta cũng cãi lại, và không thể trị nổi ba nhà. Thế cho nên cái thế phải được đem dùng cũng đã rõ ràng vậy".

    Qua trên có thể thấy quan điểm về pháp, thuật, thế của Hàn Phi Tử chính là sự kế thừa có phê phán và phát triển quan điểm của đại diện các nhóm khác trong trường phái Pháp gia. Song nếu như các đại diện khác thường coi trọng một trong ba công cụ hơn hai công cụ khác thì Hàn Phi Tử coi trọng cả ba công cụ như nhau và luôn đòi hỏi phải sử dụng kết hợp cả ba công cụ ấy. Cũng kế thừa tư tưởng của các nhóm trước, Hàn Phi Tử ủng hộ nhà vua trung ương trong việc tập trung quyền lực vào tay mình, tức là ủng hộ việc xây dựng nhà nước Quân chủ Trung ương tập quyền. Trong Chương Ái thần, ông viết:".. chư hầu mà mở rộng được đất đai thì hại cho thiên tử, bầy tôi quá giàu thì nhà vua thất bại. Tướng văn, tướng võ mà bỏ quyền lợi của chúa ra sau để lo cho mình thì nhà vua phải loại bỏ.

    Điểm hạn chế trong tư tưởng của Hàn Phi Tử là tư tưởng thực dụng. Xuất phát từ quan điểm cho rằng bản chất của con người là tự tư tự lợi, chỉ mưu lợi cho riêng mình, Hàn Phi Tử cho rằng khi làm bất cứ một việc gì, con người đều tính toán đến cái lợi của nó. Vì thế, tiêu chuẩn đầu tiên để nhà vua xem xét, đánh giá một hành vi nào đó của bề tôi là tác dụng hay lợi ích thực tế của nó.


    Khác với nhiều học giả khác, Hàn Phi Tử bênh vực và bảo vệ lợi ích của những nhà giàu, phê phán sự bênh vực và bảo vệ lợi ích cho những người nghèo, đó cũng là một điểm hạn chế của ông.
     
  8. Gill

    Bài viết:
    6,256
    1.3 Những giá trị trong tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử được coi là một bước tiến lớn, đánh dấu một thời kỳ quan trọng trong việc ổn định trật tự xã hội bằng pháp luật của lịch sử Trung Quốc. Đây là quan niệm đạt đến đỉnh cao tư tưởng chính trị - pháp lý thời cổ đại, góp phần tô điểm thêm những giá trị tư tưởng đặc sắc của phương Đông trong kho tàng chung của nhân loại, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa tích cực với thực tiễn đương đại hôm nay.

    Thứ nhất, trong đường lối chính trị của mình, Hàn Phi tử đã nhận thấy tầm quan trọng của pháp luật đối với việc ổn định trật tự xã hội đương thời. Then chốt của việc xây dựng đất nước giàu mạnh là phải dựa vào pháp luật. Có pháp luật và pháp luật được thi hành một cách phổ quát và đúng đắn thì xã hội mới ổn định, xã hội ổn định lại là tiền đề quan trọng để xây dựng đất nước giàu mạnh, làm cho dân chúng được yên bình, hạnh phúc. Ông cũng đã chỉ ra rằng, để đảm bảo trật tự xã hội, cần phải thay đổi các biện pháp về chính trị, vì thời thế luôn thay đổi cho nên luật pháp cũng phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Chính vì vậy, tư tưởng pháp trị của ông đã được Tần Thủy Hoàng đánh giá cao và có giá trị trong công cuộc trị nước, giúp nhà Tần thống nhất được Trung Quốc.

    Thứ hai, trong tư tưởng pháp trị của mình, để ngăn ngừa những hành vi vi phạm luật pháp, giải quyết có hiệu quả những hành vi sai trái. Hàn Phi yêu cầu luật pháp phải có tính nghiêm minh, phải đảm bảo tính khách quan trong việc xử phạt để phạt đúng người, đúng tội. Người cầm cán cân công lý phải luôn gương mẫu, tôn trọng pháp luật. Phạt nặng những người dựa vào chức quyền và địa vị của bản thân để vi phạm pháp luật. Những người có công phải thưởng, nhằm khuyến khích tinh thần tự giác, tự nguyện trong nhân dân. Nếu thi hành pháp luật mà thưởng phạt không nghiêm sẽ làm cho người dân coi thường pháp luật, tạo cơ hội tăng thêm nhiều tội ác trong xã hội. Muốn làm được điều đó phải được tăng cường bằng các hình thức như kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, đảm bảo pháp luật được thực hiện đúng chức năng, hành vi.

    Thứ ba, trong tư tưởng pháp trị, Hàn Phi luôn chú trọng tới việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhà nước phải hoạt động dựa trên cơ sở của pháp luật, và pháp luật đặt ra phải phù hợp với thực tiễn. Theo ông, một hệ thống pháp luật tốt không phải được xây dựng dựa trên ý muốn chủ quan của cá nhân, mà cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc, pháp luật phải minh bạch, được ghi thành văn bản và phổ biến rộng rãi trong nhân dân bằng các hình thức tuyên truyền.

    Thứ tư, với chủ trương trọng dụng nhân tài, Hàn Phi Tử đã nhấn mạnh việc sử dụng người có đức, có tài không quan tâm tới việc xuất thân từ tầng lớp nào, miễn sao họ có tài năng thật sự và luôn lo cho dân, cho nước, luôn lấy lợi ích nhân dân đặt lên hàng đầu. Người sử dụng phải biết con người mình đang dùng có thực tài gì thì bố trí công việc cho phù hợp, nếu không nắm vững thực tài của họ, thì dễ giao nhầm việc dẫn đến những tổn thất là điều không thể tránh khỏi.

    Tóm lại, với quan niệm lấy pháp luật làm công cụ trị nước, học thuyết pháp trị của Hàn Phi đã có tác động chỉ đạo cả một thời gian dài trong chế độ xã hội phong kiến Trung Quốc. Sở dĩ học thuyết của Hàn Phi có giá trị trong công cuộc trị nước, đã được Tần Thủy Hoàng áp dụng và thống nhất được Trung Quốc là vì tư tưởng pháp trị của Hàn Phi đã tổng hợp được ba học thuyết Nho, Lão, Pháp mà ở đó Nho là tài liệu xây dựng, Pháp là bản thiết kế, Lão là kỹ thuật thi công của ngôi nhà đó. Ngày nay, ở mức độ nhất định, một số nội dung trong quan niệm về đường lối chính trị của Hàn Phi như: Định pháp, sự minh bạch, rõ ràng, tính nghiêm minh, công bằng, tính phổ thông của pháp luật.. vẫn còn có giá trị gợi mở đối với công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước mà Đảng và nhân dân ta đang tiến hành. [2]
     
  9. Gill

    Bài viết:
    6,256
    Chương 2. ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG HÀN PHI TỬ ĐỐI VỚI XÃ HỘI PHONG KIẾN VIỆT NAM

    2.1 Ảnh hưởng của tư tưởng pháp trị trong việc tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trải qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Nguyễn.. mô hình triều chính nhà nước vẫn phỏng theo một mô hình nhà nước phong kiến Trung Hoa, trên có tướng quốc, thượng thư, tham lang.. dưới là các Lễ, Lại, Lục, Bộ.. Sự mô phỏng này có thể là kế thừa một phần hoặc bắt chước mô hình nhà nước phong kiến Trung Hoa từ thời Tần, song ranh giới để phân biệt sự khác nhau giữa phương thức tổ chức chính trị - hành chính của các triều đại phong kiến nước ta với Trung Quốc là ở chỗ:

    - Thứ nhất, nếu mô hình nhà nước phong kiến Trung Hoa, đặc biệt là thời kỳ cổ đại theo xu hướng trung ương hóa tập quyền dưới tay Hoàng đế, thì các quân vương ở nước ta lại củng cố quyền lực thuận theo sức mạnh toàn dân, dựa vào dân, quân dân cùng hưởng phúc họa.

    - Thứ hai, điểm khác biệt căn bản giữa chế độ quân chủ cầm quyền ở nước ta với Trung Hoa là ở chỗ, nếu ở Trung Hoa thực hiện mô hình quân chủ cường quyền theo lập trường của trường phái Pháp gia, lần đầu tiên được Tần Thủy Hoàng thiết lập, các triều đại về sau để tránh "vết xe đổ" bởi tính cường quyền đó, đã bọc thêm cho chế độ mình cái vỏ đạo đức, nhân trị. Nghĩa là, một chế độ mà mọi quyền lực đều thuộc về tay nhà vua, nhà vua vừa là người lập pháp, hành pháp. Ngoài "phép vua" – "thế quyền" ra, các triều đại phong kiến Trung Hoa còn lợi dụng sức mạnh của tôn giáo để giáo dục nhân dân, chẳng hạn như Nho giáo lấy "trời" để thu phục lòng dân, coi đó là lực lượng "thần quyền" với phương châm "lưới trời tuy thưa mà không lọt", đã làm tăng hiệu lực của pháp luật. Đó là đường lối trị nước đức trị kết hợp với thần quyền.

    Không giống với phong kiến Trung Quốc, các triều đại phong kiến nước ta suốt từ thời Lý đến thời Lê Sơ, ngay cả giai đoạn tập quyền cao như ở triều Nguyễn, đều tôn trọng những phong tục, tập quán của từng vùng miền, cho nên việc thiết lập chính quyền làng xã luôn tồn tại song song với chính quyền trung ương. Bộ máy cai trị trung ương chỉ giới hạn đến các châu, huyện, phủ, còn ở địa phương có hệ thống quản lý cấp làng, xã với những người đứng đầu: Chánh tổng, lý trưởng, xã trưởng.. những chức quan rất đặc thù - thể hiện một mô hình lưỡng chế (chế độ cai trị quan lại và chế độ tự quản làng xã).

    Nói tóm lại, dù là sự mô phỏng hay bắt chước mô hình nhà nước phong kiến phương Bắc, các triều đại phong kiến Việt Nam vẫn hướng tới mục đích tối ưu nhất, đó là xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Để quyền lực tập trung trong tay nhà vua, việc kiến tạo nên một cơ cấu hành chính thống nhất từ trung ương đến địa phương để chống tình trạng cát cứ là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, về cách thức tổ chức quản lý thì có những điểm rất đặc thù bản sắc văn hóa Việt Nam.
     
    Ennee, Mình là Chi, chiqudoll6 người khác thích bài này.
  10. Gill

    Bài viết:
    6,256
    2.2 Ảnh hưởng tư tưởng pháp trị đến xây dựng luật pháp dưới chế độ phong kiến Việt Nam

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Dù đề cao bất kỳ học thuyết chính trị - xã hội nào thì việc trị nước, dưới hình thức này hay hình thức khác, pháp luật là điều không thể thiếu. Do đó, khi đề cập đến đường lối trị nước của các triều đại phong kiến Việt Nam, một vấn đề đặt ra là cần phải phân biệt pháp trị với pháp luật để làm rõ nội dung của đường lối đó. Pháp trị là thuật ngữ để chỉ phương pháp trị nước của một thể chế chính trị mà các thiết chế pháp luật đóng vai trị thống trị tuyệt đối, các yếu tố khác chủ yếu để bổ trợ cho sự thực thi pháp luật dưới chế độ ấy. Nói cách khác, pháp trị là chế độ của một nước lấy pháp luật quy chiếu cho mọi quan hệ xã hội. Còn pháp luật là những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung mà giai cấp cầm quyền đặt ra để duy trì trật tự xã hội và bảo vệ địa vị chính trị của chính mình.

    Có một thực tế là, ở nước ta trong lịch sử chế độ phong kiến không có bất kỳ một quân vương nào thừa nhận đường lối trị nước của mình là pháp trị. Điều đó hoàn toàn có cơ sở, bởi chế độ quân chủ chuyên chế dựa trên nền tảng pháp trị đã bị phủ định sau 15 năm cầm quyền của Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc. Từ thời Hán, hình thức nhà nước đó không còn tồn tại, nhưng sức sống của một trong những yếu tố quan trọng của nó là pháp luật vẫn được duy trì. Tuy nhiên, trong phương lược trị nước của các triều đại phong kiến Việt Nam thì pháp luật rõ ràng được coi là phương tiện thiết yếu để quản lý xã hội.

    Tóm lại, từ thế kỷ X ở nước ta, nhà nước dân tộc đã được hình thành. Đặc biệt, từ thế kỷ XI do chủ trương từng bước xây dựng chế độ phong kiến trung ương tập quyền ngày càng cao, cho nên trong lĩnh vực trị nước, các triều đại phong kiến nước ta không thể không tham bác tư tưởng pháp trị, thậm chí coi đó là một tất yếu trên cả phương diện tổ chức và thiết chế. Công cụ để thiết lập nhà nước là hệ thống pháp luật, các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Trung Hưng, Tây Sơn và Nguyễn đều coi trọng luật pháp, coi nó là công cụ thực hiện các nhiệm vụ chính trị sau đây:

    - Thứ nhất, pháp luật ra đời từ hình thức thấp dưới thời Lý – Trần (Hình luật, Hình thư) đến mức cao hơn là hai bộ luật hoàn chỉnh của chế độ phong kiến Lê Nguyễn (Hồng Đức và Gia Long), nhằm giải quyết hai vấn đề cơ bản nhất, một là ổn định trật tự xã hội, hai là bảo vệ quyền lợi của vương triều và các tầng lớp trên trong xã hội. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã dùng pháp luật để luật hóa các phạm trù đạo đức (vốn là công cụ cai trị của Nho gia) vào quản lý, trị vì xã hội; thông qua hệ thống pháp luật để nâng cao vị thế, quyền lực của nhà vua theo đúng nghĩa quân chủ chuyên chế tập quyền. Bước tiến bộ trong quá trình lập pháp là vua chúa đã khẳng định pháp luật là công cụ để quản lý xã hội, như Gia Long đã coi "pháp luật là của chung của thiên hạ".

    - Thứ hai, pháp luật còn là công cụ để hợp pháp hóa sở hữu tư nhân về ruộng đất, công khai thừa nhận vị trí thống trị của bọn phong kiến, điền sản. Sự thừa nhận sở hữu đó là cơ sở vững bền cho chủ trương tập quyền của nhà nước phong kiến Việt Nam.

    - Thứ ba, sau vấn đề lập pháp là thực thi pháp luật. Để thực hiện mục đích chuyên quyền, không phải ông vua nào cũng làm được điều đó, trên thực tế chỉ có số ít, thậm chí rất ít các ông vua làm được. Về vấn đề này, Nguyễn Hoài Văn đã đúng khi đưa ra nhận xét: Thực ra trong lịch sử Việt Nam không phải tất cả (ngược lại là khá ít) những vị vua thực sự có bản lĩnh, tài năng để tập trung quyền lực cai trị đất nước (như Lê Thánh Tông và Minh Mệnh) để trở thành chuyên chế [3, tr. 80] .

    Nói tóm lại, việc định pháp là tất yếu của mọi nhà nước, song vấn đề quan trọng là ở việc thực thi pháp luật. Nếu pháp trị của một nước không thực thi nghiêm minh pháp luật thì việc lập pháp, định pháp hoàn toàn không có ý nghĩa. Điều đó cũng có ý nghĩa và bài học lịch sử quan trọng đối với luật pháp nước ta hiện nay. [4]
     
  11. Gill

    Bài viết:
    6,256
    KẾT LUẬN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuy xuất hiện muộn màng trong trào lưu "Bách gia chư tử" nhưng thuyết pháp trị đã được lịch sử nhanh chóng đón nhận, trở thành ngọn cờ tư tưởng của Trung Hoa thời cổ đại và là nền tảng tư tưởng của các chế độ phong kiến phương Đông. Dù rằng không được phổ biến rộng rãi trong quần chúng và ảnh hưởng lớn trong đời sống các tầng lớp nhân dân như Nho giáo, song tư tưởng pháp trị nói chung, tư tưởng chính trị của Hàn Phi Tử nói riêng có vai trò lớn lao trong lịch sử các nhà nước phong kiến phương Đông. Vai trò đó được đề cao khi giai cấp phong kiến thống trị chấp nhận nó làm học thuyết dẫn đường trong cai trị, quản lý xã hội; vai trò đó cũng luôn được coi trọng trong những thời kỳ lịch sử nhất định, giai cấp phong kiến về danh nghĩa phê phán nó nhưng trong thực tế vẫn sử dụng nó như một biện pháp cai trị chủ yếu mà lịch sử phong kiến ở Trung Quốc và các nước Á Đông đã minh chứng điều này. [5]

    Vấn đề quản lý nhà nước là một trong những chủ đề chính của phái Pháp Gia. Mỗi một học phái đều đưa ra những giải pháp của mình cho vấn đề quản lý nhà nước: Nhân trị của Nho gia, kiêm ái của Mặc gia, vô vi của Đạo gia.. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Pháp trị của Pháp gia, đặc biệt là tư tưởng của Hàn Phi Tử đã được Tần Thủy Hoàng sử dụng có hiệu quả trong việc thống nhất Trung Quốc và có vai trò nhất định trong việc trị nước trong những năm sau đó. Tuy nhiên, do sự vận dụng tư tưởng pháp trị của Pháp gia dưới thời Tần thủy Hoàng một cách cực đoan, quá tả trên phạm vi một nước Trung Hoa rộng lớn vừa mới được thống nhất dẫn đến những bất cập không thể tránh khỏi. Không dừng lại ở đó, những giá trị tích cực của tư tưởng pháp trị về cách thức làm luật; phương thức quản lý nhà nước, quản lý xã hội.. vẫn còn có ý nghĩa và tác dụng tích cực đối với xã hội phong kiến Việt Nam và sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

    Chính vì vậy, trong điều kiện lịch sử hiện nay, việc nghiên cứu, tham khảo và sử dụng tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử thông qua đề tài: "Tìm hiểu tư tưởng của Hàn Phi Tử và ảnh hưởng đối với xã hội phong kiến Việt Nam." một cách phù hợp là điều rất cần thiết.
     
    Ennee, Vong xuyên bỉ ngạnLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...