Anh/chị hãy làm sáng tỏ giá trị nhận thức, giá trị giáo dục văn học qua việc phân tích Cảnh khuya

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Anh Dao, 13 Tháng ba 2022.

  1. Anh Dao

    Bài viết:
    32
    Anh/chị hãy làm sáng tỏ giá trị nhận thứcgiá trị giáo dục của văn học thông qua việc phân tích một số ví dụ tiêu biểu trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975

    Bài làm

    Văn chương giống như một cuốn bách khoa toàn thư về cuộc đời con người, ở đó người ta có thể nhận ra những mảnh đời giống mình hay khổ cực hơn mình. Văn chương khiến cho "con người gần người hơn". Ở mỗi chúng ta đều tồn tại phần con và phần người vì thế muốn gần phần người hơn thì chúng ta phải rèn luyện rất nhiều. Văn chương là một trong những khí giới thanh cao có giá trị giáo dục giúp cho chúng ta tiến đến gần phần người hơn, sống thiện sống đẹp hơn.

    Giá trị giáo dục là một trong ba giá trị lớn của tác phẩm văn học. Một tác phẩm văn chương thực sự phải có giá trị giáo dục con người hướng tới sống tốt hơn. Văn chương không dùng bao to búa lớn, không đưa con người trước vành móng ngựa, không dạy dỗ con người bằng những từ ngữ khô khan, càng không đánh đập hay dọa nạt. Văn chương với sức mạnh vượt lên trên cả súng gươm, đạn dược, nó đi sâu vào tâm hồn, vào trái tim con người, làm nảy nở những tình cảm tốt đẹp trong con người, giúp con người nhận thực điều sai lẽ phải ở trên đời và cuối cùng hướng con người sống lương thiện, hiền lành hơn. Chúng ta đọc tác phẩm, đồng cảm cùng nhân vật, vui vẻ cùng nhân vật, thấy thương cho những con ngườitrong hoàn cảnh khó khăn, thấy căm ghét những thế lực tàn ác. Khi ấy, văn chương đã dạy ta biết phân biệt đúng sai, biết thương người căm sự tàn ác.

    Giá trị nhận thức là khả năng của văn học có thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, muốn hiểu biết cuộc sống và chính bản thân, từ đó tác động hiệu quả vào cuộc sống. Quá trình nhận thức cuộc sống của văn học: Nhận thức nhiều mặt của cuộc sống với những thời gian, không gian khác nhau (quá khứ, hiện tại, tương lai của vùng đất, các dân tộc, phong tục, tập quán.).

    Bài thơ "Cảnh khuya" của Hồ Chí Minh, miêu tả cảnh trăng sáng ở chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng và phong thái ung dung, lạc quan của Bác Hồ.

    Cụ thể là thu đông năm 1947 – trong giai đoạn mà nhân dân đang hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trên con đường rút lui lên những miền núi rừng núi hùng vĩ, hiểm trở để thành lập, dựng lên lực lượng, căn cứ chuẩn bị cho những cuộc kháng chiến lâu dài về sau với thực dân Pháp; chiến dịch Việt Bắc diễn ra vô cùng hào hùng và khốc liệt. Cũng chính vì thế mà trong những đêm thao thức với nỗi lo cho nước nhà, Bác Hồ đã viết lên những dòng thơ "Cảnh khuya" – một đêm trăng tuyệt đẹp, Người say sưa ngắm cảnh và viết lên những vần thơ tuyệt mĩ. Bài thơ đã gột tả vẻ đẹp của thiên nhiên, núi rừng đồng thời gửi gắm bên trong ấy là những tâm sự, nỗi niềm của một người lãnh đạo, lo lắng, nghĩ suy cho tương lai, con đường vận mệnh của đất nước.

    Khi gặp gỡ Việt Bắc trước hết là đến với núi rừng, với thiên nhiên hoang sơ nhưng rất kì vĩ tạo ra những cảnh đẹp diệu kì, thơ mộng. Hơn ai hết, Hồ chủ tịch hiểu những điều ấy và chính vì vậy mà trong bài "Cảnh khuya", Người đã mang một Việt Bắc tuyệt đẹp như tranh vẽ hiện lên trước mắt người đọc:

    "Tiếng suối trong như tiếng hát xa

    Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa".

    Giữa núi rừng Việt Bắc hoang sơ kết hợp với thời gian đêm khuya thanh vắng mà heo hút, tiếng suối vang lên trong trẻo như tiếng hát xa của người thiếu nữ ngân nga, vang vọng về với núi rừng. Câu thơ sử dụng hình ảnh so sánh mang đến một cảm giác hòa hợp, gần gũi, ấm áp, và thân thiện với con người. Bởi núi rừng tuy thanh tịnh, tĩnh mịch như vậy đó nhưng không hề mang chút lạnh lẽo, cô quạnh nào cả, vì tiếng suối, tiếng hát hiện lên cùng bầu bạn, cùng ngân nga lên khúc nhạc tươi vui, réo rắt, làm cho tâm hồn thơ ca thêm thư thả. Và bức tranh lung linh ấy còn mang đến cảnh trăng soi rọi qua từng kẽ lá, là ánh trăng tròn in bóng xuống tán cây đại thụ và bóng cây lại đan lồng với hoa cỏ. Thiên nhiên quấn quýt, giao hòa vào với nhau, các sự vật cùng đan lồng tạo nên bức tranh có nhiều lớp lang, tầng bậc. Không gian lúc này không chỉ bao trùm bởi bóng tối của màn đêm u tối mà còn vô cùng rực rỡ với những sắc màu, lung linh, huyền ảo.

    Trước cảnh đẹp thiên nhiên hữu tình, Bác say mê ngắm nhìn, chiêm ngưỡng và cảm nhận vẻ đẹp lung linh, huyền ảo ấy mà dấy lên những tình cảm, cảm xúc được toát lên ở mỗi vần thơ, hiện lên trước mắt người đọc một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, sâu nặng. Người đưa tình yêu của mình vào trong thơ làm sáng tỏ vẻ đẹp một cách sinh động mà hài hòa chẳng phải để mưu cầu danh lợi hay kiếm tìm vật chất ngoài thân mà Người viết để thỏa mãn lòng mình, để nói lên những rung cảm trước vẻ đẹp hoang sơ diệu kì của Việt Bắc trong đêm trăng đẹp ấy. Thể hiện qua tình cảm, cảm xúc của Bác, từ đó bộc lộ tình yêu thiên nhiên sâu sắc mà thiết tha, và chính vẻ đẹp của thiên nhiên đi vào thơ ca đã nâng đỡ bao tâm hồn, dìu dắt xúc cảm của bao thế hệ nhà văn, nhà thơ giúp những con người vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống, vượt qua mọi rào cản của ngăn cách để cuối cùng hòa hợp với vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.

    Trái ngược với sự giao hòa của thiên nhiên huyền ảo, lung linh, diệu kì là tâm trạng với nỗi âu lo của nhà thơ, lo ngày mai trên chiến trường chiến tranh, lo ngày mai liệu có giành lại được độc lập, chủ quyện, tự do cho dân tộc, con người hay không?

    "Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

    Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà."

    Cảnh khuya thật đẹp, nhưng trong tâm khảm Người còn mang những nỗi niềm thao thức to lớn – đó là "nỗi nước nhà", là vận mệnh của cả một dân tộc, một đất nước, là cuộc chiến đấu chứa bao nhiêu những thách thức, khó khan, trắc trở. Dấu ngã hiện lên trong từ "nỗi" nó mang một cái gì đó như day dứt, nỗi trăn trở mang thanh âm kéo dài, tuy không xoáy vào sâu trong tâm trí ta như dấu hỏi đã thể hiện nhưng nó cũng mang đến một tâm trạng băn khoăn, một tâm hồn khôn nguôi trước mối đe dọa của nước nhà. Hình ảnh ấm áp bên đêm rừng Việt Bắc, nỗi thao thức như ngày một lớn dần lên trong suy tư, ngày càng thấp thỏm, day dứt, khôn nguôi.

    Dành trọn con tim cho đất nước. Những gì thuộc về tổ quốc đã trở thành nỗi âu lo, thành tình thương của Bác giành cho con người, dân tộc. Bác tỏ lòng mình trong những vần thơ "Cảnh khuya", như muốn cất lên: Cảnh vật thiên nhiên diệu kì như thế đó, và chính vì vẻ đẹp diệu kì ấy của núi rừng càng làm cho những thao thức trong đêm của người càng lớn hơn, canh cánh thấp thỏm bên lòng – làm sao để gìn giữ cảnh đẹp thơ mộng ấy, làm sao để giang sơn mãi yên bình như bức tranh tuyệt sắc Việt Bắc trong đêm đây?

    Tâm tư của Bác được bộc lộ một cách rõ ràng và sâu sắc nhất với những nỗi lo càng làm sáng cảnh đẹp trước mắt, thể hiện sự hòa hợp giữa tâm hồn thơ và tâm hồn lãnh tụ. Không những thể hiện tình yêu thiên nhiên sâu sắc, tha thiết của Hồ chủ tịch mà qua tình yêu thiên nhiên sâu sắc như vậy đó để gửi gắm những nỗi niềm phục vụ cho cách mạng, đó là những ước mơ, khát vọng cho tương lai, cho vận mệnh của đất nước sẽ bình yên, cả dân tộc được tự do thoát khỏi cảnh áp bức, bóc lột, thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.

    Bài thơ mang đến một thành công lớn cả về nghệ thuật lẫn nội dung, in đậm dấu ấn trong mỗi con người chúng ta về cái đẹp trong sang mà diệu kì của thiên nhiên Việt Bắc, và tấm lòng cao cả của vị lãnh tụ giành cho cả dân tộc. Từ đó, ta như cảm nhận được cái khó cái khổ, sự khốc liệt của chiến tranh đã khiến cho con người bị dồn vào đường cùng như thế nào, mặc dù như vậy nhưng tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác trong hoàn cảnh khó khăn đã tiếp sức để vượt lên hoàn cảnh của bao tâm hồn, cứ vậy mà tiến tới phía trước không nản chí, không khuất phục trước bất kì một thế lực nào. Hơn cả là tình yêu quê hương, thiên nhiên, đất nước được gửi gắm vào từng dòng thơ, qua đó truyền cảm hứng đến biết bao nhiêu người đọc, thêm yêu thêm thương thêm trân trọng, tự hào thiên nhiên, quê hương, đất nước tuyệt đẹp.

    Tóm lại, văn chương có giá trị giáo dục con người vô cùng to lớn. Văn chương không chỉ là những con chữ ghép lại với nhau để tạo thành nghĩa rồi nằm ườn ra trên trang giấy. Mà đằng sau những câu chữ ấy, có những điệu nhạc của tâm hồn, những bức tranh muôn màu của hiện thực khách quan. Văn chương dùng sức mạnh đó chạm tới trái tim con người, đánh thức tâm hồn, đánh thức phần lương tâm con người để con người có sống ngày một tốt đẹp hơn.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...