Qua truyện cổ tích Tấm Cám, anh chị hãy phân tích con đường đấu tranh giành hạnh phúc của Tấm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Hoaiancute, 9 Tháng một 2022.

  1. Hoaiancute

    Bài viết:
    30
    Đề bài: Qua truyện cổ tích "Tấm Cám", anh/ chị hãy phân tích con đường đấu tranh giành hạnh phúc của Tấm

    Bài làm

    Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày điện mới về làng, lúc đó tôi chừng bốn tuổi. Ngày ấy muốn xem truyền hình khó lắm bởi chỉ có những nhà giàu mới mua được vô tuyến để xem. Mà số nhà có vô tuyến còn chưa qua hết một bàn tay. Nhà tôi nghèo nên truyền hình là thứ quà xa xỉ và đắt đỏ. Nhưng ngày tháng ấy tôi lại được "xem" những bộ phim hay nhất qua lời kể của bà, giọng bà ấm nên tôi mê lắm! Tôi nhớ mình như chú chim non đợi mẹ bón mồi, bà cứ kể đến đâu là tôi "nuốt trọn" đến đó. Trong số những "bộ phim" được nghe, tôi nhớ nhất truyện "Tấm Cám" - cuộc hành trình đấu tranh giành hạnh phúc của cô Tấm ngoan hiền.

    Chúng ta chắc đã nghe kể về Tấm, một người con gái nết na, thùy mị nhưng lại chịu nhiều khổ đau, bất hạnh. Tấm mồ côi mẹ ngay từ nhỏ, không lâu sau người cha yêu thương cô cũng qua đời, để cô ở lại một mình, chung sống với mụ dì ghẻ và Cám. Những ngày tháng sống chung với mẹ con Cám là chuỗi ngày Tấm chỉ biết bưng mặt khóc bởi lẽ:

    "Mấy đời bánh đúc có xương

    Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng"

    Như một lẽ thường, dì ghẻ chỉ dành tình cảm, sự yêu thương, chăm sóc với người con gái ruột của mình là Cám, còn người con riêng là Tấm thì không nhận được sự yêu thương, chăm sóc nên phải nhận lại gấp đôi sự ghẻ lạnh và cay nghiệt của người mẹ kế. Bởi vậy, Cám được sống trong nhung lụa, chân tay chẳng bao giờ phải động tới việc nặng nhọc, Tấm thì khác, nàng phải làm lụng vất vả suốt ngày không có giờ phút nghỉ tay. Đã thế mẹ con Cám còn hết lần này đến lần khác lừa gạt Tấm, không cho Tấm hưởng một chút hạnh phúc cỏn con nào. Một lần, dì ghẻ hứa tặng chiếc yếm đỏ cho ai bắt đầy giỏ tép. Tấm vốn thật thà, chăm chỉ đi ngay, mò hết đồng này ruộng kia đến chiều muộn mới dám ngẩng mặt lên khi giỏ đã đầy. Trong khi ấy Cám chỉ biết có rong chơi chẳng bắt được con tép nào nên đã lừa chị mình lội ra chỗ sâu để mà tắm gội cho sạch bùn đất rồi trút hết giỏ tép về nhà lĩnh thưởng. Tấm dù làm chị nhưng không dám lên tiếng, chỉ biết ôm mặt khóc nức nở. May trời thương, trong giỏ vẫn sót lại một con cá bống, Tấm nghe lời Bụt mang về nuôi. Chẳng được bao lâu, mẹ con Cám lại lừa Tấm đi chăn trâu đồng xa để có thể giết chết cá bống - người bạn tâm tình của Tấm. Tấm lại ôm mặt khóc nức nở. Mỗi lần Tấm bị mẹ con Cám ức hiếp như vậy, Tấm chỉ còn biết khóc. Cho đến ngày trẩy hội, ai nấy đều nô nức mong chờ thì mụ dì ghẻ độc ác lại bắt Tấm ở nhà nhặt riêng thóc gạo do chính tay mụ trộn lẫn để không cho Tấm đi xem hội. Tủi thân, Tấm lại ôm mặt khóc. Nhưng công đạo luôn đứng về phía người hiền, mỗi lần Tấm bị mẹ con Cám ức hiếp là trời lại thương, Bụt xuất hiện an ủi, giúp đỡ nàng. Lần này cũng vậy, Bụt gọi đàn chim sẻ đến giúp Tấm xử lý đống thóc gạo lẫn lộn ấy, rồi còn cho tấm quần áo đẹp đi trẩy hội. Được sự giúp đỡ của Bụt, Tấm mới có thể đi xem hội, nhưng trên đường đi nàng lại lỡ đánh rơi một chiếc hài. Và cũng chính là duyên cớ đó khiến nàng được vua chọn làm hoàng hậu. Từ đây cuộc đời Tấm bước sang trang mới, từ một cô gái mồ côi, luôn bị ức hiếp đã trở thành hoàng hậu - có được hạnh phúc cho riêng mình nhưng tất cả đều nhờ vào sự giúp đỡ của Bụt.

    Tưởng rằng từ đây Tấm sẽ sống thoát khỏi bàn tay độc áo của mẹ con dì ghẻ, sống một cuộc đời hạnh phúc nhưng nào ngờ cuộc đấu tranh bây giờ mới chính thức bắt đầu. Mẹ con Cám không chừa một thủ đoạn nào để có thể lấy mạng Tấm. Nếu trước kia khi bị hành hạ, Tấm chỉ biết ôm mặt khóc với sự cam chịu và đợi sự giúp đỡ của Bụt thì giờ đây để bảo vệ hạnh phúc của mình Tấm đã vùng dậy đấu tranh. Bao nhiêu lần mẹ con Cám hãm hại, giết chết Tấm là bấy nhiêu lần Tấm vùng dậy đấu tranh, đấu tranh để đòi lại hạnh phúc vốn thuộc về mình. Con đường đấu tranh giành lấy hạnh phúc của Tấm được thể hiện qua những lần hóa thân, mỗi một lần hóa thân ta lại càng thấy được sự quyết liệt hơn trong hành động của Tấm. Đầu tiên là Tấm sau khi bị hãm hại đã biến thành vàng anh, bay vào cung vua và báo hiệu sự có mặt của mình trong lời nhắc nhở với Cám: "Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao". Rồi vàng anh bị giết chết, Tấm hóa thành cây xoan đào, vẫn bị mẹ con Cám hãm hại, Tấm tiếp tục hóa thân thành khung cửi để tuyên chiến với kẻ thù một cách trực tiếp và dữ dội hơn:

    "Cót ca cót két

    Lấy tranh chồng chị

    Chị khoét mắt ra"

    Khung cửi bị đốt cháy, từ đống tro tàn Tấm hóa cây thị (quả thị) quay trở lại với đời. Tấm đã hóa thân, cái thiện không chịu chết một cách oan ức trong im lặng mà đã vùng dậy, còn cái ác vẫn luôn tìm cách tiêu diệt cái thiện. Những lần chết đi sống lại của Tấm phản ánh cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái thiện với với cái ác, đồng thời cũng thể hiện sức sống mãnh liệt, không thể bị tiêu diệt của chính nghĩa, công bằng và lẽ phải. Có phải cô Tấm có thể chết đi sống lại, có thể hóa thân để trở về với đời? Cô Tấm cũng như chúng ta, làm sao có được phép tiên nhưng chính người dân nhân hậu và tràn đầy tình yêu thương đã không nỡ để một cô gái hiền lành, lương thiện như Tấm phải chết oan ức trong thầm lặng nên họ đã mượn yếu tố kì ảo, thổi bùng sự sống cho nhân vật, vực dậy nhân vật, thôi thúc nhân vật đứng lên đấu tranh để giữ lấy hạnh phúc của mình. Và cũng chỉ có những người nhân dân lao động nghèo, những người có thân phận như Tấm mới thấu hiểu, cảm thương cho những thiệt thòi của Tấm nên họ đã gửi gắm vào Tấm sức mạnh, lòng dũng cảm để có thể giành lại hạnh phúc cho mình. Đằng sau câu chuyện đấu tranh của Tấm, nhân dân ta muốn gửi gắm đến thế hệ ngày sau bài học chân lí: Hạnh phúc chỉ bền chặt khi ta dũng cảm giành và giữ lấy. Vì vậy ở chặng sau không còn sự xuất hiện của Bụt, không còn tiếng khóc nức nở của Tấm mà là sự đấu tranh ngày một quyết liệt hơn.

    Sau bao lần hóa thân chống lại kẻ thù, Tấm lại trở về với cuộc đời, với làng quê, nàng vẫn là một cô gái đảm đang, khéo léo với miếng trầu têm cánh phượng. Nhờ miếng trầu têm khéo nhà vua đã nhận ra vợ mình và đưa Tấm trở về cung. Lại nói hình ảnh miếng trầu - là hình ảnh quen thuộc trong đời sống văn hóa Việt, gắn với phong tục cưới hỏi của nhân dân:

    "Miếng trầu nên dâu nhà người"

    Hay:

    "Miếng trầu ăn ngọt như đường

    Đã ăn lấy của phải thương lấy người"

    Miếng trầu có ý nghĩa giao duyên như vậy đã có mặt trong sự hội ngộ của nhà vua và Tấm. Nhưng cuộc hội ngộ này vẫn còn mầm mống của cái ác, bởi mẹ con Cám vẫn chưa bị tiêu diệt. Và nếu như cái ác vẫn còn tồn tại thì hạnh phúc chưa thể trọn vẹn, viên mãn. Dường như Tấm hiểu ra điều đó, nên nàng đã đi từ sự tham lam, hám lợi của Cám để mà trừng phạt. Cám tham đẹp nên đã tự mình tìm đến cái chết. Kết thúc đó khiến người ta hả hê bởi lẽ: "Ác giả ác báo", cái kết phù hợp với mong ước của nhân dân về sự trừng phạt tận gốc cái ác. Cuối cùng hạnh phúc đã trở về với Tấm như món quà tặng quý giá cho lòng chung thủy và sự dũng cảm của nàng.

    Con đường đấu tranh giành hạnh phúc của Tấm chính là biểu hiện sinh động cho ước mơ về công bằng xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Người lương thiện ắt sẽ nhận được hạnh phúc còn kẻ ác nhất định bị trừng trị thích đáng, đó là quy luật của lòng nhân đạo, tình yêu thương. Nhân dân lao động không chờ đợi hạnh phúc đẹp hay mơ hồ ở cõi bồng lai tiên cảnh mà tìm và giữ hạnh phúc thực sự ngay trên mảnh đất mình đang gắn bó nơi trần gian. Con đường đấu tranh ấy phải trải qua nhiều lần hóa thân và những lần hóa thân ấy chứa đựng triết lí dân gian sâu sắc về hạnh phúc và đấu tranh như câu thơ sau:

    "Không rơi xuống bùn, ôi trái thị quê ta,

    Để bùn lấm và thành bùn vạn kiếp

    Rơi vào tay người đó là định luật,

    Của đấu tranh và nhân nghĩa Việt Nam".

    Kết thúc của truyện "Tấm Cám" cũng giống như những truyện cổ tích khác. Tất cả đều có hậu: Người nghèo sẽ có được giàu có, người mất vợ sẽ tìm lại và sống một đời hạnh phúc bên nhau, người xấu xí dị dạng sẽ trở nên xinh đẹp, người bị áp bức nhiều sẽ trở thành vua hay hoàng hậu.. Kết thúc đó mang đến ánh sáng và vẻ đẹp lãng mạn cho truyện cổ tích. Chính điều đó làm nên sự hấp dẫn muôn đời với mọi thế hệ đặc biệt là trẻ thơ. Truyện cổ tích đã nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta, bồi đắp cho ta tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống và khát khao vươn tới cái đẹp, cái thiện của nhân dân ngàn đời.

    Đến bây giờ, khi cuộc sống đã đủ đầy, tôi có thể dễ dàng xem bất kì bộ phim nào mình thích. Nhưng sẽ không bao giờ tôi được nghe lại những "bộ phim" hay nhất mà bà đã kể tôi những năm xa xôi thiếu thốn. Chính những "bộ phim" ngày ấy, đặc biệt là "Tấm Cám" đã gieo cho tôi tình yêu, niềm tin vào điều thiện ở đời. Và đó cũng là kim chỉ nam cho cuộc sống của tôi sau này: "Hạnh phúc chỉ bền chặt khi ta dũng cảm giành và giữ lấy".
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...