Anh /chị hãy tìm hiểu vẻ đẹp của bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cam Thuong, 24 Tháng mười một 2021.

  1. Cam Thuong My name is Cẩm Thương :)

    Bài viết:
    92
    Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh được viết từ 29-8-1942 đến 10-9-1944, khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ, đày đọa khắp các nhà lao tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trong số 133 bài thơ của tập sách, Chiều tối được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách Đường luật hiện đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Chiều tối được sáng tác theo thể thơ thất ngôn tử tuyệt. Nguyên tác như sau:

    Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

    Cô vẫn mạn mạn độ thiên không. Sơn thân thiếu nữ ma bao túc,

    Bao túc ma hoàn lê dĩ hồng

    Bài thơ được xếp ở vị trí 31 trong Nhật kí trong tù. Ngay sau nó, bài thơ số 32 là bài "Đêm ngủ ở Long Tuyến". Qua đó, ta có thể xác định được thời điểm ra đời của bài thơ là vào tháng 10 năm 1942, lúc Bác đang trên đường bị giải từ Thiên Bảo đến Long Tuyển. Không gian thơ là cảnh núi rừng heo hút, thời gian là vào buổi chiều tối. Cảnh sắc gợi vẻ hoang vắng tịch liêu: Nhật mộ hương quan hà xử thị (Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Thôi Hiệu), phong kín nỗi buồn chông chênh của người lữ thứ. Tâm hồn thi nhân nhạy cảm của Bác được lay động:

    Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

    Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không Hai câu thơ mang vẻ đẹp cổ điển: Tác giả lấy điểm vẽ diện, lấy động tả tĩnh, lấy ít gọi nhiều. Chỉ cần đặt hai khách thể: Chim bay, mây trôi trên nền trời bao la, người viết đã gợi lên cái hồn của cảnh vật, của ngày tàn, màn đêm buông xuống dần, tạo vật như đang chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi, sau một ngày chuyển di mệt mỏi.. Mặc dù đã dịch rất đạt, nhưng Nam Trân vẫn chưa diễn tả được sắc thái "cô vẫn" (mây lẻ loi). Một cánh chim đơn lẻ, một chòm mây đơn lẻ trên nền trời chiều chim bay, mây trôi khiến cho bầu trời bao la hơn, bóng chiều êm ả, tĩnh lặng hơn. Cảnh chiều tối mang tính ước lệ, gợi nhớ về một cánh chim chiều trong thơ thi hào Nguyễn Du: "Chim hôm thoi thót về rừng". Hai câu thơ có cấu trúc đăng đối, âm điệu chậm nhẹ, thoáng buồn cảnh mặt đất, cảnh bầu trời, vật vô tri (mây), vật hữu tri (chim).. cái nhìn thi nhân trong thế bao quát, phóng tầm mắt đến diệu vời cảnh sắc. Người chiến sĩ cách mạng trong chốn lưu đày, xiềng xích vẫn dõi theo bầu trời tự do, dõi theo cảnh vật phiêu bồng với nỗi lòng man mác. Nét vẽ ngoại cảnh xuất thần đã thoáng hiện tâm cảnh. Phong thái của một chiến sĩ, thi sĩ trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Con người hiển lộ. Áng mây cô đơn đang trôi trên bầu trời là hình ảnh ẩn dụ thường thấy trong thơ cổ, gợi nên nỗi cô đơn, (có thể là gian khổ) của người lữ khách trên dặm đường xa tấp. Ngôn ngữ thơ mang phong cách Đường thi hàm súc, tả cảnh ngụ tình, lắng đọng nhẹ nhàng mà trĩu nặng đượm buồn. Mới đọc qua, ta cứ ngỡ nhà thơ chỉ tập trung tả cảnh chiều tối thanh bình nơi xứ lạ, nhưng thực chất đấy còn là thoáng ước mơ thầm kín về một chốn dừng chân. Cái nhìn ở đây cũng khắc ghi dấu ấn hiện đại: Trên đường đi, cảnh vật hiện lên, nhà thơ bắt gặp khung cảnh trữ tình thấm đượm cả nỗi niềm thi sĩ của cá nhân mình. Mượn cảnh ngụ tình là cách thơ xưa thường làm, nhưng miêu tả cảnh vật bằng sự chân thật, bình dị vốn có của nó lại là đặc trưng của bút pháp hiện đại. Dấu ấn cổ điển và hiện đại đã đan lồng trong cái nhìn cảnh vật vụt hiện, thoải mái và gợi vẻ hoài cổ của tâm trạng cô đơn. Khao khát chốn bình yên, khao khát bóng dáng con người để lắng dịu nỗi niềm trước trời chiều bảng lảng là tâm trạng dễ đến với bất kì lữ thứ nào. Đỗ Mục cũng đã từng khao khát đến được Hạnh hoa thôn đó sao?

    Tá vấn tửu gia hà xứ hữu

    Mục đồng giao chỉ hạnh hoa thôn. (Hỏi thăm quán rượu đâu là / Mục đồng trỏ lối Hạnh hoa thôn ngoài) Nhưng ở đây, Hồ Chí Minh không phải là thi sĩ đi ngoạn cảnh, càng không phải là người bất đắc chí, không gặp thời, mà là tù nhân đang chịu cảnh xích xiềng. Một người tù mang tâm hồn thi sĩ, đúng hơn là một chiến sĩ mang tâm hồn thi sĩ. Hai câu thơ cuối, hình tượng thơ không còn là cảnh vật thiên nhiên mà là con người. Hình tượng cô gái được khắc họa bằng bút pháp hiện đại. Cô không khiến cho bầu không khí cô tịch kia thêm cô tịch như bút pháp thơ cổ điển mà làm thay đổi triệt để không khí thơ, cảm hứng thơ, khiến nỗi cô đơn của đất trời trên kia thành hữu duyên hữu hình hữu ý.

    Thi nhân trực tiếp miêu tả cuộc sống con người. Yếu tố hiện đại được thể hiện qua việc chọn lựa hình tượng thơ một cô gái. Cô gái này không phải là hình tượng liễu yếu đào tơ như hình tượng thiếu nữ trong bài thơ Để đô thành Nam Trang của Thôi Hộ:

    "Nhân diện đào hoa tương ánh hồng" (Mặt người (thiếu nữ) và hoa đào chiếu ánh hồng cho nhau) mà là cô gái đang lao động. Hình tượng này vốn không phải là tín hiệu thẩm mĩ ưa thích của thơ cổ điển. Cái đẹp với Hồ Chí Minh là cái đẹp trong lao động, một cái đẹp khoẻ khoắn, đầy sức sống. Thiếu nữ và lò than hồng là trung tâm của bức tranh lao động. Một nét vẽ trẻ trung, bình dị: Thiếu nữ đang xay ngô. Khung cảnh yên bình cùng động tác quay vòng của cối xay và động tác lặp đi lặp lại của thiếu nữ được thể hiện qua việc lấy cụm từ: Ba chữ "ma bao túc" ở cuối câu ba được lấy lại "bao túc ma hoàn.." ở đầu câu bốn. Công việc lao động cần mẫn của thiếu nữ xóm núi được cảm nhận và quý trọng. Bài thơ không có âm thanh. Cái tĩnh lặng trong thơ đã lên đến vô cùng. Vì lẽ này, Chiều tối được xem là bức tranh được vẽ bằng ngôn từ. Người xay ngô và động tác xay ngô được miêu tả từ một khoảng cách nhất định: Khoảng cách của một tù nhân với cuộc sống bên ngoài bị tách li. Nhưng sự chia tách quái dị, phi lí đó không ngăn được tâm hồn của người chiến sĩ vốn luôn mong ước được giao cảm với cuộc đời. Bằng ánh nhìn, Hồ Chí Minh đã đưa lòng mình đến gần với bao cảnh đời lao động, trân trọng và tin yêu. Ngô xay xong thì lò than đã rực hồng, ấm áp. Bếp lửa không chỉ mang lại ánh sáng mà còn cả sự ấm áp. Khi màn đêm bao phủ, trong khung cảnh thiên nhiên xóm núi hẳn là heo hút, lò than đỏ rực mang lại sức sống, mang lại sinh khí xua tan bóng đêm lạnh của núi rừng. Hình ảnh thiếu nữ xay ngô và lò than rực hồng tượng trưng cho một mái ấm gia đình, tương phản với cảnh đơn lẻ của thân phận tù đày xa xứ. Nhưng mục đích của nhà thơ là hướng về sự ấm áp đó chứ không phải khắc tạc nỗi cô đơn và gian khổ của bản thân. Điều này thể hiện tấm lòng nhân đạo bao la: Thi nhân quên nỗi đau của bản thân để vui cùng niềm vui, hạnh phúc của con người nơi chốn quê thanh bình. Sự thanh bình và yên ả đó còn ẩn dụ cho mục tiêu phấn đấu của người chiến sĩ cách mạng cho quê hương mình. Hướng về một cảnh sinh hoạt đời thường, bình dị: Thiếu nữ xay ngô, dõi nhìn bếp lửa, lò than rực hồng, trong khi chân tay mang nặng xích xiềng bị giải đi trong chiều tối, thi nhân tìm thấy một tương lai sống, ngời hiện lên, nỗi cô đơn, lẻ loi, lạnh lẽo bị xua tan trước khung cảnh nàng, trước cuộc sống ấm cúng thường nhật ấy

    Nét vẽ về thiếu nữ xay ngô và lò than rực hồng là những nét vẽ tươi tắn, trẻ trung. Bút pháp trữ tình của Hồ Chí Minh có sự hòa hợp giữa màu sắc cổ điển ước lệ, trang trọng - chủ yếu trong hai câu thơ đầu, với chất hiện đại, khỏe khoắn, bình dị ở hai câu cuối. Chiều tối được sáng tác trong lúc chiều tà. Khung cảnh thơ sắp ngập chìm trong bóng núi về đêm, nhưng đâu đó, bếp lửa hồng đã được nhóm lên, xua đi cái lạnh lẽo, hiu hắt của núi rừng, trả lại cho cuộc sống nhịp điệu bình dị vốn có của nó. Một tương lai đang hé mở. Trong bóng đêm nhìn thấy ánh sáng ngày mai. Trong những giá trị cổ điển vĩnh hằng, tác giả kết nối thành công với những giá trị hiện đại. Bài thơ tựa nét họa tinh tế về cuộc sống con người và tâm hồn nghệ sĩ bao la của một chiến sĩ cách mạng đang trong cảnh lao tù.
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...