Dị hương - Hoạt - Phiêu - Thõa Bấm để xem Hồi đầu tháng 10, có cuộc ra mắt tập truyện ngắn "Dị hương" của nhà văn Sương Nguyệt Minh tại một quán cà phê ở trung tâm Hà Nội, khách tới dự đông tới hơn 100 người, trong đó có nhiều tên tuổi được biết đến như nhà văn Bảo Ninh, Võ Thị Hảo, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Y Ban, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá... Nhiều nhà chuyên môn đã có lời phát biểu khiến cuộc tọa đàm giới thiệu sách bất ngờ gần như biến thành cuộc hội thảo, không khí trong khán phòng trở nên nhộn nhịp. Tàn cuộc, tác giả tập truyện ngắn của ngày hôm đó, nhà văn Sương Nguyệt Minh dường như không quan tâm lắm đến những lời phê bình mà chỉ bất ngờ vì khách đến đông quá. Anh bảo: "Chắc người ta thương mình". Quả thật, trong năm 2009, người ta gần như đã bão hòa bởi các cuộc tọa đàm, ra mắt sách liên tục tháng nào cũng vài ba cuộc, hơn nữa, việc ra mắt một tập truyện ngắn hay tiểu thuyết, cho dù là tác phẩm mang nhiều dấu ấn văn học cũng khó thu hút nhiều tên tuổi đến thế tham gia, vậy mà những người đến với Sương Nguyệt Minh dường như không phải chỉ tham dự cho vui, rất nhiều vị đã đọc hết tác phẩm từ trước đó. Tập truyện ngắn "Dị hương" xuất hiện được coi như là sự đổi mới hoàn toàn phong cách sáng tác của nhà văn. Trước nay, cái tên Sương Nguyệt Minh thường gắn liền với những câu chuyện viết về đề tài chiến tranh và nông thôn, nên việc ra đời những truyện ngắn ma mị, nhiều tính dục với bút pháp huyền ảo và giả tưởng trong tập "Dị hương" khiến nhiều người đọc lạ lẫm. Chính tác giả cũng nói rằng "Trước đây, tôi viết chân thật, dung dị, ấm áp hay dữ dội, u ám, hoặc tôi kể những câu chuyện cảm động, ám ảnh... thì cũng đều bằng cảm quan bút pháp hiện thực và lãng mạn là chủ yếu. Tôi nghĩ nhà văn vượt qua chính mình cũng là điều quá khó khăn, khổ ải, nhọc nhằn. Và cho đến lúc này, tôi cảm nhận mình đã vượt qua được tôi của ngày hôm nay." Nhà văn Sương Nguyệt Minh viết sớm nhưng chính thức bước chân vào nghề văn muộn. Mới 10 tuổi, anh đã làm thơ tặng bạn gái cùng lớp chỉ vì cô bé bảo: "Tao toàn cho mày mượn thước kẻ, toàn cho mày bơm mực Cửu Long mà mày chỉ làm thơ tặng cô giáo, không làm thơ tặng tao." Thế là anh viết bài thơ "Con Na thả bèo hoa dâu" khen cô bạn thả bèo hoa dâu giỏi, vớt bèo về cho lợn ăn tăng trọng và bán lợn nghĩa vụ cho các chú bộ đội. Anh còn nhớ khi thầy giáo chủ nhiệm đi họp ở phòng giáo dục huyện về bảo có trò Trần Đăng Khoa mới 8 tuổi đã làm thơ. Thầy đọc "Sao không về Vàng ơi", "Góc sân khoảng trời." Sương Nguyệt Minh kể rằng, khi ấy anh bẽ bàng nhận ra thơ mình thật chẳng là gì so với người bạn đồng trang lứa, liền thôi không viết nữa. Sau này anh là đồng nghiệp cùng cơ quan với thần đồng Trần Đăng Khoa, mới nói đùa rằng: "May mà dạo ấy thầy giáo đọc thơ ông và tôi thấy thơ tôi dớ dẩn quá nên rẽ sang viết văn xuôi. Chứ không thì cứ làm thơ mãi giờ lại thành cái thằng dở người dở ngợm". Năm 1992, Sương Nguyệt Minh mới in truyện ngắn đầu tiên ở Văn nghệ quân đội. Năm 1996 được giải thưởng Văn nghệ quân đội và một năm sau đó được mời về làm biên tập viên văn xuôi. Cái sự khiến anh bước chân vào nghề muộn cũng là vì anh khá lận đận, gian truân thời trẻ trai. Năm 1974, Sương Nguyệt Minh có giấy gọi vào đại học, nhưng xã giữ lại không cho đi. Đầu năm 1975, Sương Nguyệt Minh nhập ngũ, rồi tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và lăn lộn trên chiến trường nước bạn Campuchia. Lận đận mãi đến 10 năm sau mới quay về trường đại học, rồi ước mơ trở thành sinh viên tổng hợp văn cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Anh thường nói: "Từ đơn vị về Văn nghệ Quân đội như ao tù gặp đại dương mênh mông." Có lẽ chỉ ở VNQĐ anh mới được sống với con người thật của mình, thỏa mãn đam mê văn chương. Suốt quãng thời gian tuổi trẻ, Sương Nguyệt Minh đi chiến đấu ở Mặt trận biên giới Tây Nam, rồi liền sau đó về đầu quân làm trợ lý Văn hóa văn nghệ ở Viện Quân Y 103 thuộc Học viện Quân Y. Khi đó anh còn độc thân, ở một mình trong căn phòng trên tầng hai hội trường gần nhà xác, ngày đêm chứng kiến cảnh bệnh tật, chết chóc và tiếng kèn đám ma. Anh vẫn bảo rằng sau những năm tháng chứng kiến cảnh chết chóc trên chiến trường và trong bệnh viện thì thấy cái chết chẳng có gì đáng sợ nữa. Nhưng dường như không phải thế, những nỗi đau trần thế ám ảnh trong từng trang viết của Sương Nguyệt Minh, những đứa trẻ tật nguyền, những quái thai, dị dạng trong "Mười ba bến nước", cô bộ đội Mây bị cụt một chân trong "Người ở bến sông Châu" luôn khiến người đọc phải day dứt. Anh đã truyền vẹn nguyên nỗi ám ảnh ấy cho độc giả bằng những bi kịch được đẩy lên đến tận cùng. Đến nay, anh đã cho ra đời 7 tập truyện ngắn, một tập bút ký (mà điển hình là tập "Mười ba bến nước" với bút pháp huyền ảo và truyện ngắn cùng tên đã được chuyển thể thành phim truyện). Anh đã "gặt hái" được hơn chục giải thưởng văn chương trong những cuộc thi uy tín. Tuy nhiên, cái "đại dương mênh mông" ấy dường như cũng chưa thỏa mãn khao khát của người đàn ông ngang tàng, quyết liệt. 10 năm sau ngày đầu quân về nhà số 4, anh đột ngột "bỏ ngang" công việc biên tập để xin sang Ban sáng tác. Một thời giới viết văn khắp trong Nam ngoài Bắc cứ ồn lên vì cái sự ông đại tá nhà văn bỏ chức Trưởng ban Văn xuôi mà đi tìm thú vui chỉ chuyên đọc sách, viết văn. Ai hỏi thì anh chỉ nói: "Đơn giản là làm biên tập chiếm mất nhiều thời gian, không có lúc nào mà sáng tác". Thân hơn thì bảo: "Trước kia sáng tác, lúc nào cũng có một gã biên tập viên thấp thoáng đứng bên cạnh. Viết rất khó nhọc, vừa viết vừa biên tập, như kiểu cắt chân cho vừa giày." Mỗi người nói thành một kiểu khác nhau nhưng những người thực sự hiểu anh thì chia sẻ. Người ta biết anh là kẻ không ham chức quyền, ngay từ lúc được giao trọng trách trưởng ban đã có ý từ chối. Hỏi cái được nhiều nhất trong quá trình làm biên tập thì anh bảo: "Cảm ơn những ngày làm biên tập vì nó cho mình nhiều bạn bè". Và cái điều mà anh vẫn nhắc đi nhắc lại "Chắc người ta thương mình" cũng là hàm ý nay anh chỉ đơn thuần là người sáng tác, vậy mà bạn bè vẫn đến đông đủ. Sương Nguyệt Minh lúc nào cũng vậy, chỉ quan tâm đến việc "được bạn". Nhà văn Sương Nguyệt Minh. Ảnh Đoàn Hoài Chung Tuy nhiên, tại buổi ra mắt tập "Dị hương", các đồng nghiệp vẫn khen chê thẳng thừng cho dù tác giả có lấy đó làm điều hay không. Cùng là một truyện ngắn, nhà văn Y Ban cho rằng cách khai thác đề tài bị lặp lại, không phải vùng đất mới, nhưng nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lại khẳng định: tác giả đã đổi mới về tư duy nghệ thuật, dám bước vào phong cách mới. Nhà phê bình Văn Giá nhấn mạnh ba chữ về "Dị hương" là Hoạt – Phiêu – Thõa. Thậm chí nhà văn Văn Chinh còn phát biểu rằng: Riêng viết về Nguyễn Ánh, thì Sương Nguyệt Minh với "Dị Hương" đã vượt qua Nguyễn Huy Thiệp về độ tươi tắn, hấp dẫn, sống động, "hiện sinh" và mộng tưởng phong phú... Bản thân tác giả thì cho rằng: "Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã rất thành công khi viết về nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh qua bộ ba thiên truyện ngắn: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết. Tôi rất nể phục tài ông Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng không có nghĩa là người đi sau nhìn thấy thành công xuất sắc của người đi trước là run rẩy, tránh né, chẳng dám cầm bút bởi "Thôi Hiệu đã có Hoàng Hạc Lâu". Viết và cứ viết! Còn cái chuyện sáng tác có hay và thành công xuất sắc không lại là việc khác. Viết còn là nhu cầu bày tỏ, chia sẻ nữa. Vì vậy viết Dị hương, tôi muốn đưa ra một cái nhìn khác. Đó là cái đẹp chết tức tưởi bởi chiến tranh và nỗi khốn nạn của bậc kỳ tài sinh bất phùng thời, suốt đời đi tìm cái đẹp, suốt đời muốn phụng sự mà không tìm được minh chủ qua bộ ba Nguyễn Ánh – Công chúa Ngọc Bình – Trần Huy Sán." Riêng về tính "hiện sinh", có lẽ không chỉ đậm nét trong truyện ngắn "Dị hương" mà còn rất ấn tượng trong "Đồi con gái", cũng là tác phẩm được đánh giá cao trong tập sách. Tính dục, như trong một số tác phẩm khác của Sương Nguyệt Minh, được miêu tả chân thực nhưng không trần trụi, vẫn đầy chất lãng mạn, gợi cảm, yêu thương và không kém phần huyền ảo. Có thể thêm một tập truyện ngắn đối với nhà văn chuyên nghiệp không phải là điều gì đặc biệt, nhưng thêm một phong cách, thêm một quan điểm sống, một thái độ về cuộc sống đã là sự vượt qua chính mình - điều không phải duy nhất, nhưng tối cần thiết đối với người sáng tạo. Nguồn: An ninh Thủ đô (2009)
Nhà văn đại gia Bấm để xem Nhà văn nữ Trần Thanh Hà xưa nay vốn rất mến mộ Bùi Anh Tấn. Hồi năm 2007, Trần Thanh Hà viết được cuốn tiểu thuyết trinh thám "Vũ điệu tử thần", còn tôi... rục rịch viết trinh thám, mới bàn nhau sao không lập ra Hội nhà văn trinh thám cho giống nước ngoài. Trần Thanh Hà bảo phải, để chị kêu Bùi Anh Tấn rồi bầu ông ấy là trưởng hội. Tôi hỏi thế hội sẽ kêu gọi được mấy người, Hà bảo cả em nữa là... ba. Sau kể lại chuyện này cho Tấn, gã tưởng thật chối đây đẩy "Ấy chết, ở Việt Nam muốn thành lập hội hè gì là phải xin phép chính phủ đàng hoàng chứ không phải cứ thích mở hội là mở được đâu". Nhà văn của người đồng tính Bùi Anh Tấn là nhà văn công an. Anh bắt đầu sáng tác từ những năm đầu thập niên 90, nhưng chỉ thực sự tiếng nổi như cồn kể từ sau "Một thế giới không có đàn bà" ra đời năm 1999. Hai năm sau đó cuốn tiểu thuyết lĩnh liền hai giải A của cuộc thi Tiểu thuyết năm 1999-2001 và Giải thưởng văn học 1995-2005 (Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức). Rồi thế giới không đàn bà của anh lại lên phim. Khán giả dán mắt vào ti vi xem loạt phim 10 tập về cảnh sát hình sự với những nhân vật gay chưa bao giờ được lột tả kỹ càng như thế trên màn bạc Việt Nam. Bùi Anh Tấn trở thành người đầu tiên trong làng văn học Việt đi sâu vào đề tài người đồng tính. Thành ra sau này người ta bảo anh dẫn đầu văn học đồng tính, nhà văn của giới đồng tính, rồi thì các diễn đàn của gay, của les thi nhau post tác phẩm, tin hot về Bùi Anh Tấn lên trang mạng của họ. Họ coi anh là nhà văn của họ. "Một thế giới không có đàn bà" bán ra cả vạn bản. Các cuốn sách sau này của Bùi Anh Tấn lúc nào cũng nằm trong danh mục sách bán chạy và có tới phân nửa là viết về người đồng tính như Vòng tay không đàn ông, Phương pháp của A.C Kinsey (tiểu thuyết), Cô đơn, Bướm đêm (tập truyện ngắn)... "Một thế giới không có đàn bà" thậm chí còn được đạo diễn Việt Kiều Canada Cường Ngô dựng lại thành phim truyện nhựa trong năm 2011 do chính tác giả viết kịch bản. Bùi Anh Tấn viết khỏe, chỉ trong vòng 10 năm đã cho ra đời 3 tập truyện ngắn, 2 kịch bản truyền hình và một màn ảnh rộng, hơn chục cuốn tiểu thuyết mà cuốn nào đều thuộc loại "cục gạch", dày muốn vỡ đầu. Bùi Anh Tấn dường như không thích viết chuyện... bình thường, không đồng tính thì cũng đề tài lịch sử (Nguyễn Trãi, Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng), tôn giáo (Không và sắc), chiến tranh cách mạng (Kế hoạch hậu chiến 72), tác phẩm biên soạn duy nhất của ngành công an viết về lực lượng CSĐB – Việt Nam Cộng Hòa (Cảnh sát đặc biệt). Cuốn tiểu thuyết ăn khách về đời sống hiện đại Bước chân hoàn vũ thì lại được viết "ngược" từ kịch bản sang tiểu thuyết. Từ bận chuyển về NXB Công an Nhân dân làm biên tập rồi trưởng chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, tranh thủ những giờ nghỉ Bùi Anh Tấn đóng cửa vùi đầu vào viết. Ngày cuối tuần, sáng dậy sớm, ăn sáng, uống cà phê xong là bật máy lên viết. Viết thùi lụi không cần chờ cảm hứng như công chức xách cặp đi làm. Viết nhiều đến mức... phát ghét, phát ghen tị. Mấy bận đến thăm chi nhánh của nhà xuất bản, tôi hỏi Trần Thanh Hà là đồng nghiệp cùng cơ quan anh: "Anh Tấn đang đóng cửa làm gì thế?". Hà lắc đầu "Lại viết đấy mà. Chỉ viết thôi không thiết làm gì đâu". Viết lắm, viết khỏe, sách dày, lại bán rõ chạy thì tiền kiếm được nhiều là lẽ đương nhiên rồi. Đâm bạn bè trong giới gọi anh là "nhà văn đại gia". Nhà văn Bùi Anh Tấn. Ảnh Xuân Thủy Nhà văn đại gia Có bận Trần Thanh Hà nửa đùa nửa thật liệt kê... gia sản của đồng nghiệp "Gã này giàu lắm. Mỗi phim đều kiếm được vài trăm triệu từ kịch bản, rồi còn tiền bán sách, tiền nhuận bút in báo, tiền... Gã đã mua được một cái nhà, nhưng cũng không cần ở, chỉ cho thuê, lại càng lắm tiền. Mà gã ở cùng bố mẹ, ăn cơm chung với bố mẹ, ngày thì ngồi im viết sách, có cần gì đến tiền đâu". Nhớ có lần tôi và Trần Thanh Hà, Bùi Anh Tấn với một số người khác ngồi quán cà phê gần chi nhánh NXB. Giữa buổi tôi và Trần Thanh Hà mượn xe Tấn về trước. Chẳng hiểu loay hoay thế nào Hà đánh kẹt chìa khóa xe vào ổ khóa, xoay sang để nổ máy không được mà rút ra cũng chẳng xong. Khổ chủ chạy ra xem cũng chẳng hiểu ra thế nào. Năm sáu người xúm vào cái xe, người lôi kẻ kéo mà chìa như có phép thần, cứ kẹt cứng vào ổ. Cuối cùng đành phải gọi điện cho một cậu thanh niên trai tráng từ NXB chạy sang để rước xe về. Bất lực vì không rút được chìa khóa, tất cả mới hè nhau mắng khổ chủ "Anh Tấn giàu như thế, mua ô tô đi thôi, đi cái xe này nữa làm gì". Tấn đã cho mượn xe, bị người đánh hỏng xe, nay còn bị mắng vì cái tội tiếc tiền mua xe, mới điên tiết kêu lên "Anh đi mãi có làm sao đâu. Là tại em... cắm nhầm chìa khóa vào đâu ấy chứ". Hà rối rít thanh minh "Em có cắm nhầm chìa đi đâu đâu, em chỉ cắm vào ổ khóa thôi chứ". Cứ hay đùa Tấn làm vậy chứ là người cùng nghề, tôi biết thu nhập kiếm được từ nghề viết dù có nhiều đến mấy cũng chỉ là để thỏa lòng rằng công sức lao động sáng tạo đã được đền đáp, chứ ăn thua chi so với thiên hạ. Bùi Anh Tấn cũng không đến nông nỗi như bị vu cho là chỉ biết đóng cửa ngồi viết không cần tiêu đến tiền. Như đặc tính của nhiều người tuổi Ngựa khác, gã cũng thích rong ruổi khám phá, thích đàn đúm bạn bè và rất hào phóng. Mỗi lần ra Hà Nội, thường hay làm hai việc, ấy là tự đi du lịch và mời bạn bè thật đông đến để gặp gỡ, tiệc tùng. Khách từ xa vào Sài Gòn cũng được gã tiếp đón niềm nở như thế. Khuôn mặt tròn trịa của Bùi Anh Tấn có một nét rất đặc trưng, là lúc nào cũng cười, nụ cười tươi tắn như chẳng biết giận ai bao giờ. Hễ nghe đồn đại về xung đột, khúc mắc gì liên quan đến Tấn mà gọi điện hỏi thì y rằng gã xua đi "Thôi thôi chuyện không có gì đâu", rồi lại cười tươi roi rói như thể sách vừa vào danh mục best-seller. Thế mà cũng có lần gã giận. Tôi nghe nhiều người nói từ lâu về chuyện Bùi Anh Tấn rút hồ sơ ra khỏi Hội Nhà văn. Ấy là cái chuyện lùm xùm quanh việc người ta đề xuất gã làm đơn rồi năm thứ nhất không duyệt, năm thứ hai lại có người đề nghị nhường lá phiếu, thế là xin rút. Giờ hỏi lại Tấn vẫn cười cười xem chừng rút cho đỡ rắc rối, cho thân phận mình đỡ bị nâng lên đặt xuống mà xét duyệt chứ nào có giận hờn chi đâu. Rút đơn đâm ra lại sang, giờ có nhiều người khuyên nộp đơn lại mà Bùi Anh Tấn cứ cười cười, cười như thể cuộc đời lúc nào cũng một màu hồng. Nhà văn không... lấy vợ Cũng vì trót lao vào vụ "đồng tính", cũng vì trót bị hâm mộ quá đỗi mà fan hâm mộ tìm đến cũng không ít người thuộc về thế giới thứ ba, nhất là trót sống độc thân cho đến tận bây giờ nên bất cứ khi nào nhắc đến Bùi Anh Tấn, người ta hay mắt sáng lên, rồi hạ giọng thầm thì "Bùi Anh Tấn à, có phải gã?". Chuyện này đến tai Tấn, gã vẫn cười cười. Cười lúc này thì thực phát ghét lên. Cái người ta muốn biết bây giờ là sự thể thực ra thế nào, chứ cứ cười không là nghĩa làm sao. Sao cũng được. Gã chẳng thèm thanh minh, chẳng thèm khẳng định, có xếp gã vào giới nào trong 3 giới ấy hay thậm chí giới tính thứ tư đi chăng nữa thì vẫn cứ được. Kệ. Trước khi vào Sài Gòn để tham gia trại sáng tác ở Đà Lạt do NXB Công an Nhân dân tổ chức, biết tôi chuẩn bị gặp Bùi Anh Tấn, Trần Thanh Hà rỉ tai tôi về câu chuyện đồn đại rất hot này. Gọi điện trước cho Bùi Anh Tấn rồi đứng im thít trước cửa chi nhánh để chờ gã ra đón, tôi nhìn thấy một khuôn mặt tươi cười tiến lại gần. Chào hỏi thì ít mà quan sát Tấn thì nhiều, sau này, tôi thường lên tiếng "bảo vệ" gã về cái vụ "thế giới thứ ba" hay thứ mấy ấy. Người có hỏi thì tôi hạ giọng vẻ hiểu biết "Nhìn gã một giây là biết chứ sao. Tiếp xúc thêm một phút nữa thì càng biết gã bị oan". Sau hay lấy câu chuyện này để đùa thì Bùi Anh Tấn cười to "À, Trần Thanh Hà vẫn giúp anh bằng cách ấy đấy mà. Để phụ nữ gặp anh đỡ phải cảnh giác". Bùi Anh Tấn nghe chừng oan ức ghê gớm cho dù thi thoảng hành vi của gã có vẻ nữ tính. Ngoài quan tâm đến Phật giáo thì gã còn rất thích hoa. Trong những ngày lưu lại trại sáng tác Đà Lạt, có bận vài người trong đoàn tổ chức đi xe Jeep lên đỉnh Langbian. Xe đỗ dưới chân núi, Bùi Anh Tấn chạy đi mua một lẵng hoa bất tử. Rồi chừng như thấy mình cầm lẵng hoa cũng bất tiện, Bùi Anh Tấn cho lại tôi. Nhà văn Phùng Thiên Tân (giờ là giám đốc NXB Công an Nhân dân) bảo "Em đừng ngạc nhiên. Bùi Anh Tấn đến nhà anh không bao giờ xách theo chai rượu mà toàn mang hoa đến thôi". Riêng điều này gã đâm được tiếng thanh cảnh, chứ theo những gì tôi chứng kiến thì mỗi lần gặp bạn bè gã chỉ chúi đầu vào nhậu nhẹt, chẳng có hoa lá cành tí nào cả. Năm nay Bùi Anh Tấn lại có hai tin mừng. Tin mừng thứ nhất là tiểu thuyết nhan đề "Tin mừng" đang được Giáo hội Công giáo thẩm định và hy vọng sách sẽ được ra mắt vào dịp lễ Phục sinh. Gã tâm sự đấy là mong muốn của mình, còn sách có in được hay không, nhất là những sách viết về tôn giáo là quả một quá trình gian nan. Vì gã đã từng có kinh nghiệm này rồi sau tác phẩm viết về Phật giáo - Không và Sắc. Sách dày 400 trang, "Tin mừng" kể về những ngày đầu tiên đạo Thiên chúa vào Việt Nam hồi thế kỷ 16 ở Faifo (Hội An). Tin mừng thứ hai là gã sắp lấy vợ. Người quen biết gã tỏ vẻ tin này không lấy gì làm hot, bảo "Bùi Anh Tấn hô lấy vợ đến 13 lần rồi. Lần nào cũng khấp khởi đóng phong bì cho thật dày, chuẩn bị mua vé máy bay vào ăn mừng rồi lại bị chưng hửng." Tôi thì mới chứng kiến cái sự báo tin vui của Bùi Anh Tấn lần đầu nên xem ra cũng vẫn lấy làm tò mò lắm lắm. Vợ chưa cưới của gã mới ngoài 30, là giám đốc chi nhánh một ngân hàng. Nghe đâu thiên hạ đồn rằng có lần gã vác một bao tải tiền đến ngân hàng gửi nên từ bận đó mới quen vợ chưa cưới bây giờ. Nguồn: Văn nghệ trẻ (2011)
Lê Anh Hoài - Kẻ ham vui có lý trí Bấm để xem Hồi cuối năm 2007, cố nhà thơ Trần Hòa Bình có bảo tôi rằng "Em đã gặp Lê Anh Hoài bao giờ chưa? Gã này hay lắm đấy. Rất được." Tôi gật gù không mấy tin tưởng vì trước nay biết tính Trần Hòa Bình lúc nào cũng chỉ nhận xét tốt về người khác. Mặc dù có vài công việc phải trao đổi qua điện thoại nhưng mãi sau tôi cũng chưa gặp Lê Anh Hoài, chỉ nhìn thấy gã qua blog. Một cái avatar chụp khuôn mặt râu ria cố tình làm méo hình và những entry giọng điệu chua ngoa, sắc sảo. Đâm tôi thấy hơi... sờ sợ. Đâm ngại gặp. Cái tâm lý ngại gặp này vốn dĩ là do tôi hay ngài ngại các đấng mày râu sắc sảo mà tôi thường gọi đùa là "đanh đá quá". Lúc bấy giờ đọc truyện ngắn "Trinh nữ Ma nơ canh" của Lê Anh Hoài trên Lao động cuối tuần, thấy giọng điệu quen quen, mới chợt nhớ ra cũng đã đọc một truyện gì đó liên quan đến những con manequin làm nhân vật chính được chọn vào một trong 10 truyện ngắn hay nhất Văn nghệ trẻ số Tết cũng với giọng điệu thế này. Sau hỏi lại thì chính xác là của cùng một tác giả. Thành thử cái tâm lý "ngài ngại", "sờ sợ" càng tăng. Truyện của Hoài chưa kể đến những yếu tố khác, thì có một giọng văn rất riêng biệt, khiến cái tính "đanh đá" mà tôi đổ thừa cho gã càng đậm nét. Văn là người, cấm có sai, gã viết đanh đá, sắc sảo, gai góc thế, ngoài đời ắt ghê gớm. Tuy nhiên trong số bạt ngàn những truyện ngắn in trên báo, tạp chí tôi đã từng đọc mà không mấy khi nhớ nổi nội dung thì "Trinh nữ manequin" có một ấn tượng rõ rệt mà tôi sẽ nói ở phần sau. Quay trở lại câu chuyện là cuối cùng thì tôi cũng có dịp gặp gã, vẫn là một khuôn mặt râu ria như trong ảnh, song gã hiền khô, và điềm đạm. Chưa kịp áy náy về sự đổ thừa cho gã cái tính đanh đá ngay cả khi chưa gặp thì bấy lâu sau tôi đã lại phát hiện ra rằng gã chẳng "hiền khô" chút nào, chí ít thì cũng là kẻ rất khó bắt nạt và "khó nhằn". Lê Anh Hoài là một người cầm tinh con ngựa điển hình. Tôi chẳng mấy tin tưởng vào các nhà chiêm tinh học song cũng nhớ láng máng rằng "Trong một bữa tiệc, nếu hỏi ra thì phần lớn những người tham dự cuộc vui ấy đều cầm tinh con ngựa". Cái "bữa tiệc" này vừa mang nghĩa bóng vừa mang nghĩa đen. Ngoài cái sự ham vui và khó từ chối những lời mời mọc ở chỗ đông người thì người tuổi ngựa còn rất xuất sắc trong chuyện tham công tiếc việc. Rõ là "cuộc vui nào cũng có mặt", vì sau này tôi hay ngạc nhiên khi bắt gặp Lê Anh Hoài ở mọi nơi mọi chốn: từ lễ ra mắt tập thơ tuyển chọn mà gã cũng có tên trong mục lục cho đến triển lãm nghệ thuật thị giác, và cả truyện ngắn - tiểu thuyết là những sản phẩm tinh thần đương nhiên của gã. Thậm chí trong một lần hứng chí, tôi còn thao thao bất tuyệt về vài cái mẹo làm thế nào để nhà văn có thể qua mặt được biên tập viên. Sau mới gượng gạo xin lỗi rằng tự nhiên tôi lại quên mất gã là biên tập báo chí. Nói như vậy thực thiệt cho tôi quá. Gã an ủi rằng thì là không sao đâu, gã không để ý đến chuyện đó. Nhà văn Lê Anh Hoài. Ảnh Xuân Thủy Cũng như một số người viết văn khác, Lê Anh Hoài không theo học chuyên ngành văn chương mà nguyên là sinh viên trường đại học An ninh (nay là Học viện An ninh) chuyên ngành điều tra. Sau khi ra trường, gã được phân về CA quận Đống Đa. Làm được hai năm, lên quân hàm trung uý thì Lê Anh Hoài xin ra, rồi từ đó lang bạt kỳ hồ làm báo chí. Thực tế ra thì một người như Lê Anh Hoài mà làm công việc liên quan đến tòa án và Viện kiểm sát thì rất khó tin. Tôi cũng biết khá nhiều người cầm tinh con "chân chạy" như Lê Anh Hoài đều phải xin ra khỏi biên chế của ngành công an vì không chịu nổi sự hà khắc và bó buộc của nghề. Mà Lê Anh Hoài thì dường như sinh ra để làm nghệ thuật và tự do sáng tạo. Ngay từ lúc còn trên giảng đường, Lê Anh Hoài đã tham gia vào ban nhạc của trường (trong nhóm thành viên có Huy MC). Ban nhạc có tay đàn ghi ta của gã cũng đi thi khối bận và từng đoạt nhiều giải. Nhưng gã mê làm báo quá đi thôi, và ngay sau khi hưởng trợ cấp thôi việc của ngành công an, Lê Anh Hoài có ngay một chân ở báo Văn hóa Nghệ thuật (nay là báo Văn hóa). Rồi cái "chân chạy" khiến gã lưu lạc khắp các tờ báo. Hồi năm 1992 báo Thiếu niên tổ chức thi tuyển, gần bốn chục người lấy có ba. Lê Anh Hoài trúng tuyển cùng Lưu Quang Định (nay là TBT báo Nông thôn Ngày nay) và Nguyễn Trọng Văn (nay là trưởng ban văn hoá Đài Phát thanh Truyền hình HN). Được một thời gian, có vẻ những câu chuyện về con nít khiến cho gã mày râu cảm thấy tẻ nhạt nên lại "nhảy" tiếp, lần này là về Tuổi trẻ Thủ đô. Nhưng rồi cũng lại lần thứ hai gã cố thoát ra khỏi biên chế. Không chỗ nào đậu quá lâu, cuối cùng Lê Anh Hoài về báo Tiền phong từ năm 2004 cho đến tận bâygiờ. Gã sống được bằng nghề báo, dạy nghề báo trên giảng đường đại học (Khoa Lý luận - Sáng tác - Phê bình trường ĐH Văn hóa) song như kỵ mã rong ruổi trên thảo nguyên, gã không mệt mỏi dấn bước theo những niềm đam mê nghệ thuật đã được nhen nhóm từ rất sớm. Từ lúc còn thanh niên trai tráng say mê vẽ chi chít lên tường nhà, giờ Lê Anh Hoài đã có trong tay nhie" u tác pha" m nghệ thuật thị giác đượ c nhie" u ngườ i bie" t đe" n như tác pha" m "Tô i là cộ t điện" – the" loại trı̀nh die" n (Performance Art) ho" i tháng 6-2008; "Tie" n lên" – the" loại sa" p đặt (Installation Art) - 7/2009; và ga" n đây nha" t (9/2009) là "Đo" ng Cu" thự c hiện vớ i hai nghệ sỹ khác. Đây là mộ t tác pha" m to" ng hợ p giữ a trı̀nh die" n (Performance Art), sa" p đặt (Installation Art), vẽ trên cơ thể (Body Painting), trên nền chủ đạo là âm nhạc pha trộn giữa hát văn, nhạc vũ trường, nhạc bán cổ điển. Có thời gian, nhiều người tin rằng nhà văn Lê Anh Hoài đã chán chữ nghĩa mà đâm ra nghĩ quẩn làm chuyện rùm beng giật gân. Những nghệ sĩ thị giác chỉ nội làm nghề của mình đã bị lắm nỗi thị phi. Nay Lê Anh Hoài là tay chữ nghĩa đạo mạo, cớ sao đứng ra giữa vỉa hè làm cột điện, chẳng xì căng đan thì là gì. Ấy là nhiều người chưa biết trước giờ Lê Anh Hoài vẫn vẽ tranh. Nhưng vẽ tranh thôi thì có lẽ đỡ khổ, gã lại dấn thân vào một ngạch nghệ thuật mới lạ mà thường các sản phẩm tinh thần luôn là cú sốc đối với công chúng và giới truyền thông. Người thân quen thì hiểu, gã mê tất cả những gì thuộc về nghệ thuật hậu hiện đại (cả văn chương và mỹ thuật), thứ mà tôi cũng chẳng hiểu rõ là gì. Sau tập thơ "Những giấc mơ bên đường" (1999), tiểu thuyết "Chuyện tình mùa tạp kỹ" (xuất bản năm 2007, được vào vòng chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2008 và tái bản năm 2010 dưới cái tên "@tình"), chấp bút hồi ký "Không lạc loài" (2008), Lê Anh Hoài lại tiếp tụ c ra ma" t tập truyện nga" n "Ta" y sạch ve" t yêu" vào đa" u năm 2010. Đọ c văn Lê Anh Hoài, ngườ i yếu bóng vía dễ bị sốc. Có thể chăng tôi cũng yếu bóng vía như vậy khi đọc "Tẩy sạch vết yêu". Song có một điều tôi thích ở văn Lê Anh Hoài là nét đặc trưng tinh tế khi sử dụng lối nhân cách hóa. Những câu chuyện nhân cách hóa của Lê Anh Hoài khá hấp dẫn. Điều này, ngoài "Trinh nữ Manequin" miêu tả những câu chuyện và khao khát đời thường bằng cách thể hiện đặc biệt, thì tôi cũng ấn tượng với những truyện ngắn "Trái tim trong WC" và "Cuộc đời khốn nạn của một bản thảo". Nhân cách hóa là một thủ pháp văn chương không mới song cũng không quá phổ biến và đặc biệt rất khó có thể khiến cho tình tiết trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, người đọc hoàn toàn hồi hộp muốn xem tiếp diễn biến cuộc đời của những trái tim băng phiến ở một nơi bẩn thỉu như WC, của một bản thảo bị bỏ rơi và những cô manequin tưởng chừng như vô hồn vô cảm trong một khuôn mặt mĩ miều. Cách lựa chọn đối tượng của Lê Anh Hoài cũng thật đặc biệt. Nó ngược lại với những gì mà người đọc đã hình dung lúc ban đầu. Trong các tác phẩm của Lê Anh Hoài, nghệ thuật Giễu nhại, một thủ pháp quen thuộc của văn chương hậu hiện đại thường được tác giả sử dụng. Lê Anh Hoài cho rằng khi ta không còn tin tưởng vào những công thức và cả những thứ là cội nguồn của công thức ấy rồi, thì giễu nhại là cách hay ho và văn minh để mình chống lại cái quyền lực đáng ghét của thứ công thức ấy. "Đơn cử như người ta cứ nghĩ tình yêu phải ở nơi chốn thanh cao, lãng mạn, thì tôi mô tả một tình yêu của hai trái tim băng phiến, nó là vật tẩy mùi trong W.C. Một tình yêu đẹp hẳn hoi." Nhưng cũng như tác giả tự nhận xét thì cách đặt vấn đề đó chưa hẳn đã thuận tai thuận mắt số đông. Bằng chứng là truyện đó gửi vài báo chẳng nơi nào dám đăng. Đôi khi tôi cũng nghĩ Lê Anh Hoài thực khổ, viết cái gì, vẽ cái gì mà cứ bị thiên hạ phản đối cho rằng khác thường, chưa kể một vài kẻ ác miệng còn dùng chữ "không bình thường". Nhưng một phần bản chất của nghệ thuật đôi khi cũng hàm nghĩa "chống chọi với số đông". Chẳng phải người ta vẫn phủ định tính nghệ thuật của những người "chạy theo số đông" hay sao. "Chạy theo số đông" hay "Chống chọi với số đông" cũng là một cái tội. Vậy thì ta phải đứng trên phương diện nào trước "số đông". Lê Anh Hoài chia sẻ "Trước tiên, tôi viết với một tâm thức đưa cái hài và cái thông tục vào văn chương, vì như nhiều người cũng nhận xét: Văn chương của ta nghiêm ngắn quá, đến phát chán. Cứ dạy dỗ, tìm mẫu hình, ngôn từ thì phải trau chuốt, sang, đẹp, vv và vv. Thật ra thì chỉ lừa mình và lừa nhau thôi. Vì đã là văn chương thì chẳng chuyện về con người, về cuộc đời nào mà ngoài nó cả. Mà cuộc đời thì có đủ cả chứ sao lại khoanh vào một khoảnh rồi bắt văn chương nó phải ở trong cái vòng kim cô đó? Về ngôn từ và văn phong cũng thế, làm gì có từ nào đẹp hơn từ nào, cách diễn đạt nào chuẩn hơn cách nào. Nhìn trong dân gian mà xem, không thiếu gì cách nói năng, kể chuyện cực hay. Sao bảo đó là tục?" Thật sự ra, chưa cần đọc, chỉ mới nhìn đến nhan đề sách của Lê Anh Hoài cũng đã đủ gây sốc. Chủ ý của tác giả là muốn tạo ra cái tên một cách rất vui vẻ. "Tẩy sạch vết yêu" cũng là một cái tên vui vẻ với dòng chữ vui vẻ "Tập sách này hân hạnh được Công ty chất tẩy rửa TASAVEYE tài trợ". Tuy nhiên nội dung những câu chuyện cho dù có chất hài trong đó cũng không vui vẻ chút nào. Thay vào đó, nó mang chút gì cay đắng và bi kịch trong cái thế giới quan hậu hiện đại mà chúng ta phải chiêm ngưỡng hàng ngày. Những cuộc vui của Lê Anh Hoài e rằng vẫn chưa kết thúc, vì gã rất nghiêm túc với nghệ thuật. Ai biết đâu còn có ý tưởng đặc biệt nào xuất hiện đằng sau khuôn mặt rất đặc trưng mà tôi tin rằng sẽ được các họa sỹ vẽ chân dung biếm họa ưa thích. Lao động nghệ thuật cật lực nhưng gã tuổi ngựa Lê Anh Hoài vẫn là một kẻ ham vui có lý trí. Tôi dành cụm từ "kẻ ham vui có lý trí" cho gã vì bên cạnh việc vẫn còn ham thích khuyên tai và hình xăm; không từ chối bất cứ trải nghiệm và học hỏi nào từ chuyện khổ sở luyện nhịp trên sàn nhảy cổ điển cho đến đánh vật với cuốn sách tiếng Anh trên lớp; rồi lao ngay đến những chốn đông người vui vẻ nếu như có thể; Lê Anh Hoài luôn biết tìm cho mình một điểm dừng hợp lý để vẫn có thể "Sống vui vẻ" theo như gã nói. Bởi lẽ, mấy ai trên đời không biết, để sống được vui vẻ mới thật là khó lắm thay. Nguồn: An ninh Thủ đô (2010)\ Lời tác giả Lê Anh Hoài là một gã luôn hài hước mọi nơi mọi lúc. Khi gọi điện thông báo rằng tôi sẽ viết một chân dung về gã với những lời thuyết phục hùng hồn rằng "Em rất cẩn trọng trong việc lựa chọn đối tượng viết chân dung. Trước nay em mới chỉ viết hai chân dung thôi, ấy là nhà văn Kim Lân và nhà thơ Trần Hòa Bình", tự nhiên tôi thấy gã im bặt. Tôi hình dung đầu dây bên kia Lê Anh Hoài đang gãi đầu gãi tai suy nghĩ rất lung. Mãi sau mới thấy gã ngập ngừng "À... ừ... nhưng mà... cả hai người đấy... đều mất cả rồi phải không em?". NHÀ VĂN LÊ ANH HOÀI: Cố gắng đặt mình vào vị trí người đồng tính Thời gian vừa qua, nhiều cuốn sách về đồng tính cả ở thể loại hư cấu và phi hư cấu liên tiếp xuất hiện trên thị trường. Trong đó cuốn tự truyện "Không lạc loài" của nhà báo Thành Trung do nhà văn Lê Anh Hoài chắp bút đã gây xôn xao dư luận nhiều nhất. Một phần cũng là vì trước đó, "Không lạc loài" đã được nữ nhà văn Cấn Vấn Khánh chắp bút được vài chương, sau đó do bất đồng quan điểm nên sự cộng tác giữa Thành Trung và Cấn Vân Khánh phải ngừng lại. Với lượt in đầu là 4000 ấn bản, "Không lạc loài" đã được coi là một cuốn sách ăn khách. Và dưới đây là cuộc trò chuyện với nhà văn Lê Anh Hoài. Anh so sánh sức sáng tạo của một tiểu thuyết hư cấu và một cuốn sách người thật việc thật có gì khác nhau? Trước đến nay, ở ta vẫn có một quan niệm phổ biến là: Văn học là hư cấu hay nói cách khác là phải hư cấu mới là văn học. Thật ra không phải thế, dòng văn học phi hư cấu (non fiction) là một dòng lớn trên thế giới. Nó có thế mạnh là đưa đến cho công chúng những câu chuyện thật của những con người có thật nên sức thuyết phục rất cao. Ngoài ra, những tác phẩm kiểu này còn có sự liên hệ rất mạnh đến những ngành khoa học xã hội như lịch sử, tâm lý học, xã hội học, gia phả học chính ở tính "người thật việc thật" của nó. Tôi không biết các tác giả khác thế nào nhưng với tôi viết cả hai thể loại đều khó. Đừng nghĩ là viết loại non fiction thì không phải tưởng tượng, và viết loại fiction thì không cần sự thực! "Không lạc loài" là một cuốn sách gây nhiều dư luận trước khi ra sách vì trước đó nữ nhà văn Cấn Vân Khánh đã chấp bút một nửa. Anh có bị áp lực vì sự việc đó? Và phần đầu của cuốn sách liệu có tránh được sự trùng lặp so với người viết ban đầu? Khánh có cách nhìn và cách viết của Khánh, tôi tôn trọng trên tinh thần đồng nghiệp và cả tinh thần anh em (ngoài đời tôi khá thân với Khánh). Tuy nhiên, cách viết này và có thể cả những vấn đề nào đó mà tôi không biết hết đã làm sự hợp tác giữa hai người chấm dứt. Tôi coi đó là chuyện riêng của hai người. Với tôi đây chỉ là một vấn đề nhỏ cần tham khảo. Còn về áp lực? Tôi có cách tiếp cận vấn đề của tôi nên khá thoải mái khi viết và cũng không sợ trùng lặp gì với người viết ban đầu. Còn trong phần Khánh viết có một số sự việc, biến cố trong đời sống của Trung thì tôi cũng phải nhắc đến, nhưng xin nhắc lại là dưới cách nhìn khác, văn phong từ ngữ khác. Sau "Bóng", cuốn "Không lạc loài" được in với số lượng khá cao. Liệu đây có phải là tiền lệ để các nhân vật thuộc giới tính thứ ba sau này liên tục ra sách? Tôi cũng không rõ, nhưng có lẽ không hẳn thế đâu, nhất là sự "liên tục" như chị nói. Bởi vượt qua sự kỳ thị, công khai giới tính thứ ba không phải là chuyện đơn giản. Không có nhiều người để "liên tục" đâu. Anh nói rằng sau khi làm việc với Thành Trung về cuốn sách này, nhiều quan điểm của anh về giới tính thứ ba đã thay đổi. Cụ thể là thế nào? Và điều đó có thành yếu tố chủ quan trong quá trình anh viết cuốn sách? Quan điểm chủ đạo trong xã hội hiện nay vẫn là xa lánh và kỳ thị với những người đồng tính. Trước khi làm việc với Trung, tôi không kỳ thị nhưng cũng chưa hiểu nhiều về giới này. Làm việc với Trung và gặp khá nhiều người trong giới, nghe những câu chuyện của họ, tìm hiểu các công việc của họ, tôi thấy họ cũng giống người dị tính luyến ái ở rất nhiều mặt cơ bản. Tất nhiên xu hướng luyến ái của họ không phải vấn đề nhỏ và gây cho họ rất nhiều nỗi khổ. Xã hội không nên khoét sâu thêm nỗi khổ này. Tôi tìm hiểu cuộc sống của Trung một cách bình tĩnh, cố gắng gạt bỏ hết những định kiến có sẵn để hiểu đằng sau những hành động có vẻ ngoài kỳ lạ kia là những tâm tình gì. Và tôi thấy một con người với đầy đủ thất tình lục dục khá thú vị. Xin nói thêm, tôi cho là viết tự truyện cho bất cứ một ai chứ không chỉ Thành Trung thì người viết cũng vẫn phải có những thao tác tâm lý như thế mới có thể hiểu được nhân vật mà viết được. Nói cách khác có vẻ hoa mỹ là "cố gắng đặt mình vào vị thế người ta". Anh dành thái độ đối với những nhân vật trong "Không lạc loài" như thế nào? Cụ thể là đối với nhân vật chính, ông thầy giáo đã lạm dụng tình dục học trò của mình (Thành Trung ) và K. (người yêu đã tự sát của Thành Trung)? Tôi cố gắng đi gần đến sự thật nhất có thể chứ không để những thái độ chủ quan chi phối. Tất nhiên cái nền chủ đạo nhất vẫn là nỗ lực thấu hiểu và thông cảm, kể cả nhân vật "phản diện" như ông thầy giáo. Tôi nghĩ ông ấy cũng thật thống khổ. Chủ đề đồng tính nam, lại có nhiều chi tiết người thực việc thực, là một nhà văn nam, anh có gặp khó khăn trong việc miêu tả cảm xúc của nhân vật? Trong lúc viết, anh có sợ rằng ranh giới giữa trần tục và trần trụi sẽ rất gần nhau? Tôi trao đổi với Trung khá nhiều và tôi nhận ra, khi người đồng tính yêu nhau mãnh liệt, thì có rất nhiều xúc cảm, thậm chí hành động giống như một đôi nam - nữ yêu nhau mãnh liệt. Có khác chăng là một số biểu hiện đặc thù của giới họ mà thôi. Quan niệm về "trần tục" và "trần trụi" không phải ai cũng giống ai. Tuy nhiên, là người viết sách cho nhiều người đọc, tôi rất lưu ý đến vấn đề này và cũng đã rất tiết chế. Quan điểm của tôi là viết vừa đủ hiểu chứ không đi vào mô tả những chuyện sống sượng. Đời sống tình cảm, tâm lý của Thành Trung được tôi coi trọng hơn cả. Thế còn nhân vật của tôi có những khoảng thời gian sống buông thả, có rất nhiều bạn tình... thì để trung thực với người đọc và với nguyện vọng của chính Thành Trung, tôi phải viết ra thôi. Dù điều này làm không ít người sốc. Nhiều người kỳ thị với thể loại tự truyện, cho rằng đó là loại sách thị trường, câu khách khi phô bày những chuyện cá nhân thầm kín và không có... văn. Một phần là vì nhiều khi nhân vật chính lại không có khả năng thể hiện văn chương và việc truyền tải ý đồ, cảm xúc lại phải qua một người khác chấp bút. Quan điểm của anh thế nào khi đối mặt với những lời thị phi này? Như trên tôi đã nói, dòng văn chương phi hư cấu là một dòng lớn. Đằng sau việc một con người, (có thể là người rất bình thường chứ không nhất thiết phải là VIP) lên tiếng và phô bày cuộc sống cũng như thái độ sống của chính mình, là cả một tinh thần dân chủ. Tất nhiên còn phải xét khả năng của từng tác giả với từng tác phẩm cụ thể nữa. Chuyện có "văn" hay không là một chủ đề phức tạp, có lẽ xin không đi sâu vào ở đây. Tôi chỉ khẳng định là nếu viết tốt, thì một chuyện rất thật, nhìn bề ngoài có vẻ tầm thường vẫn có "văn" như thường. Còn viết kém, thì dù có núp bóng dưới những điều kỳ lạ, vĩ đại, cao thượng... tác phẩm vẫn cứ không ra gì. Nguồn: Lao động cuối tuần (2009)
Phim truyền hình - Trăm người trăm ý Bấm để xem Bấy lâu nay, nhắc đến phim truyện truyền hình Việt Nam, người xem lại buông tiếng thở dài. Do đâu tồn tại thực tế đáng buồn này trong khi nhà nước vẫn khuyến khích cho phim truyền hình nội và truyền hình vẫn có một khối lượng khán giả không hề nhỏ. Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng một số nhân vật có liên quan đến lĩnh vực này: Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến (tác giả kịch bản của những bộ phim truyền hình nổi tiếng như "Ma làng", "Gió làng Kình", "Đất và người", "Chuyện làng Nhô"), đạo diễn trẻ Hoàng Điệp (đạo diễn serie ăn khách "Bộ tứ 10A8" phát trên kênh VTV3), diễn viên Tuấn Quang (rất quen thuộc với khán giả qua loạt phim "Cảnh sát hình sự") và nhà văn Trần Thanh Hà (người đầu tiên ở Việt Nam chuyển thể kịch bản phim thành tiểu thuyết trinh thám rất ăn khách "Vũ điệu tử thần") Thời gian ngồi xem phim truyền hình chiếm bao nhiêu phần trăm giải trí của quý vị? Nhà văn Trần Thanh Hà: Tôi ít có thời gian xem ti ti, nhưng thỉnh thoảng cũng xem qua phim truyền hình, chủ yếu để biết tình hình phim ảnh thế nào. Tôi viết báo nên cần thông tin, phải mục sở thị để nếu viết cái gì liên quan thì không hồ đồ. Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến: Tôi không nhiều thời gian nên chỉ xem những bộ phim đáng chú ý có nhiều vấn đề xã hội. Phim truyền hình bây giờ nhiều quá, muốn xem hết cũng là điều bất khả thi. Tuy nhiên những phim do tôi viết kịch bản thì tôi phải xem hết từ lúc là bản nháp để xem có gì cần phải sửa đổi hay không. Thường thì không được như ý vì sản phẩm cuối cùng còn phải phụ thuộc vào đạo diễn nữa, chỉ giữ được đầy đủ nội dung, cốt truyện cũng đã là tốt lắm rồi. Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến. Đạo diễn Hoàng Điệp: Không nhiều, tôi xem khi thấy cần phải tìm hiểu thông tin gì đó chứ không xem theo cách của các khán giả là chờ đến giờ phát sóng và xem tập hôm nay chờ đón tập ngày mai. Tất nhiên cũng có ngoại lệ, phim nào mình thích quá thì...cũng vẫn rình rình xem cho bằng được, dẫu không đầy đủ. Phim do mình làm thì không xem không được. Diễn viên Tuấn Quang: Tôi có xem, tất nhiên không được nhiều, nhưng vẫn phải xem để không vấp vào khuyết điểm mà những phim, hoặc những vai diễn thường gặp phải. Tuy nhiên, là người trong nghề, chắc quý vị có thể dễ dàng đánh giá được chất lượng phim truyền hình nội địa hiện nay? DV Tuấn Quang: Muốn nói đến thực trạng phim truyện truyền hình hiện nay thì cũng cần phải nhắc đến nhận thức của người xem truyền hình. Họ chưa có cảm nhận cao về nghệ thuật nói chung. Cũng chính vì sự không cân bằng về nhận thức nên có rất nhiều ý kiến phản hồi tiêu cực về phim truyền hình nội. Mặt khác, sự quan tâm đầu tư cũng chưa thực sự đồng bộ, từ khâu kịch bản, biên kịch, đến các thành phần làm phim như đạo diễn, quay phim, diễn viên... vẫn đi theo một lối mòn mà những người đi trước đã đi. Thêm vào đó, còn một vài lý do tế nhị khác nữa, ví dụ như "nói thật quá" trong phim cũng không được vì sẽ ảnh hưởng tới một tổ chức, cơ quan hay bộ phận nào đó trong xã hội. Chính do các yếu tố đó mà những người thực hiện thường tìm những cách giải quyết "lành" nhất để đỡ cho những rắc rối sau này. Phim truyền hình bỗng dưng bị đóng khung, bị giới hạn, không thể đáp ứng sự mong mỏi của người xem được. ĐD Hoàng Điệp: Tôi nghe được nhiều lời khen ngợi và thậm chí nói sao nhỉ, giống như các fan hâm mộ phim truyền hình Việt Nam vậy. Từ bác xe ôm vẫn hay chở tôi đi làm đến các bạn đồng nghiệp làm cùng cơ quan, họ thuộc làu tên diễn viên, nhân vật, thuộc tính cách, câu thoại, thậm chí họ còn tranh cãi rất gay gắt về chuyện đúng sai trên phim, tự an ủi động viên cho vai diễn mà mình yêu thích như thể đó là người hàng xóm nhà mình... Nếu thực sự phim truyền hình Việt Nam có quá nhiều nhược điểm thì tôi nghĩ cũng khó có được lớp khán giả tuyệt vời như thế. Khán giả bây giờ họ công tâm lắm, hay thì xem, dở là chuyển kênh, xem phim thấy thích nhưng vẫn rất tỉnh táo nhìn ra những khuyết điểm của người làm, họ giỏi bắt lỗi còn hơn cả các nhà phê bình khó tính. Và như đã nói ở trên, lỗi có thể bỏ qua, họ sẽ bỏ qua, lỗi không thể bỏ qua, họ sẽ chuyển sang làm khán giả của một phim truyền hình khác. Làm phim đã khó mà làm phim để chinh phục được khán giả còn khó hơn. Đạo diễn Hoàng Điệp. NBK Phạm Ngọc Tiến: So với trước đây thì chất lượng phim truyền hình hiện nay khá hơn nhiều chứ. Khán giả cũng rất quan tâm đến phim nội địa nên họ xem rất nhiều. Tuy nhiên để nói về thực trạng phim truyền hình thì cũng lắm ý kiến lắm. Nhưng tôi biết có những người chẳng xem bao giờ, chẳng hề quan tâm đến điện ảnh nhưng lúc nào cũng phê bình rất kinh. Tôi ít khi quan tâm đến dư luận qua những phương tiện truyền thông báo chí, vì sau khi một bộ phim ra mắt, nhà báo đôi khi khen quá đà để quảng bá cho bộ phim, nhưng cũng lại có khi chê đến vùi dập. Tôi thích xem ý kiến của công chúng trên mạng hơn. Khi ấy có thế nào họ nói thật như thế. Sau khi bộ phim "Ma làng" ra mắt, tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến khen chê xác đáng từ trên các diễn đàn. NV Trần Thanh Hà: Có một thông tin trên báo nói rằng, tính ra mỗi ngày ti vi phát ...8 tiếng phim truyền hình nội địa. Mỗi tập phim từ 30 đến 45 phút, vậy mỗi ngày công chúng sẽ phải xem 10,5 đến 16 tập phim. Viết kịch bản kiểu gì cũng thành phim, làm đạo diễn bây giờ dễ ai cũng làm được, đèm đẹp một chút thì đi đóng phim... Xem phim thấy biệt thự hồ bơi người mẫu là biết phim phía Nam, đồng ruộng nông thôn, nghèo nghèo cũ cũ một chút là phim Hà Nội. Chưa bao giờ thấy phim truyền hình dễ dãi như bây giờ. Dù thế nào cũng không thể phủ nhận được một điều rằng phim truyền hình của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Theo quý vị, những tồn tại này là do đâu? NBK Phạm Ngọc Tiến: Nếu mà nhắc đến những hạn chế thì phải nói thật rằng ở đất nước ta lĩnh vực nào cũng có nhiều cái đáng phải bàn, từ văn học, điện ảnh, đến thể thao, du lịch, thứ gì cũng có những tồn tại riêng. Chất lượng phim truyền hình kém ngoài nhiều lý do như đạo diễn, kịch bản, diễn viên ... thì còn có một bộ phận làm phim chạy theo mục đích riêng, đó là lợi nhuận, là quảng cáo. Ngoài ra áp lực phát sóng 30% phim nội cũng là một vấn đề đáng phải bàn. Trước đây, một năm chúng tôi chỉ phải làm 100 tập phim thì còn có thời gian mà kén chọn kịch bản, kén chọn diễn viên. Nay áp lực phát sóng như vậy, diễn viên đang đóng phim này lại phải quay sang phim khác. Trước người ta đóng hai phim thôi giờ chạy sô đến bốn, năm phim. Riêng hạng mục biên kịch thì phải mở rộng ra thêm nhiều thành phần chung nhau viết kịch bản mới kịp tiến độ được. Rồi thì do áp lực quảng cáo nên phim ảnh bây giờ phải bắt mắt người xem, những đề tài chính luận, chiến tranh bị thu hẹp lại. Song nguyên nhân lớn nhất, mà tôi đã quan sát từ nhiều năm nay vẫn là yếu tố tài năng. DV Tuấn Quang: Về kịch bản, như ở trên tôi cũng đã nói, có muốn hay cũng không hay được, sẽ bị động chạm rất nhiều. Diễn viên thì không đủ trình độ diễn xuất, đào tạo không đến nơi đến chốn, chưa kể các người mẫu, ca sỹ đều được đưa vào phim để tạo độ "hot". Ngay cả bản thân tôi, có đào tạo học hành bài bản 3-4 năm, đến bây giờ đã làm nghề gần 20 năm, nhiều khi cũng còn chưa đóng nổi những vai khó, chưa nói đến những người không biết gì. Đạo diễn cũng vậy, đa số được đào tạo trong một môi trường bó hẹp, chất lượng đào tạo chưa được tốt, đi học nhưng vẫn phải lo nhiều cho cuộc sống mưu sinh hằng ngày, nên tâm chí ít nhiều bị phân tâm chứ. NV Trần Thanh Hà: Ngoài các yếu tố về kịch bản, đạo diễn, diễn viên... thì tôi còn thấy một vấn đề nữa là áp lực quảng cáo. Khi các nhà làm phim, các hãng phim nhắm đến một mục đích khác ngoài phim, thì khó nói sẽ làm được phim hay. Nhà văn Trần Thanh Hà. ĐD Hoàng Điệp: 30% phim nội là động lực với những người làm phim và các hãng sản xuất phim, tôi không nghĩ đó là áp lực. Khi biết thông tin này thậm chí tôi còn gọi điện ngay cho bạn bè mình và gào ầm lên "Thời của bọn mình đã đến". Tôi cũng không nghĩ rằng có đạo diễn nào lại coi nhẹ kịch bản văn học. Ai làm phim cũng muốn có kịch bản thật hay nên chẳng dại gì coi nhẹ nó. Vấn đề là ở chỗ có kịch bản hay hay không. Còn về khía cạnh diễn viên thì nói thật tôi lại thấy những diễn viên nghiệp dư rất thú vị. Bản thân tôi cũng thường xuyên làm việc với họ và rất quý trọng tài năng cũng như tinh thần làm việc của họ. Đạo diễn thì không phải ai cũng tài giỏi cả, lẽ đương nhiên như với mọi nghề nghiệp khác. Cái chính là mối duyên giữa diễn viên chuyên nghiệp, kịch bản hay, đạo diễn giỏi, kinh phí tốt, nhà sản xuất đầu óc không phải bao giờ cũng có với mọi dự án phim. Mà tôi cũng chưa biết nếu có "đội hình chiến thuật trong mơ" như vừa nêu thì liệu phim có hay hay không nữa? Và cuối cùng, một vài giải pháp giả định nếu quý vị là người có quyền quyết định trong việc cải tổ "cỗ máy phim truyền hình" hiện nay? ĐD Hoàng Điệp: Tôi hay nghĩ rằng nếu đơn vị phát sóng có những màng lọc tốt thì chắc phim dở khó có thể lên sóng được. Cái sự hay, sự dở phải công tâm và phải có một đội ngũ chuyên gia uy tín, chứ không phải chỉ dừng lại ở một hội đồng duyệt phim như hiện nay. Nếu lên sóng truyền hình mà cũng như đi thi đại học thì hay. Học sinh thì luyện thi ngày đêm, làm phim cũng phải luyện cho phim nó đủ hay, ít nhất cũng không để bị điểm liệt mới có cơ hội lên sóng, mà lên sóng rồi phải thi tiếp để vào khung các giờ thật đẹp. Chà, làm được một bộ phim truyền hình mà được tuyển chọn và được phép chiếu vào giờ vàng hẳn đạo diễn, ekip sẽ tự hào lắm. Tự hào rồi sẽ cố gắng để phim sau phải hay hơn nữa. Cá nhân tôi thích các cuộc thi, nếu nó được tổ chức một cách chuyên nghiệp và bài bản, chất lượng lựa chọn từ nó sẽ rất đáng tin. Nếu các nhà đài tổ chức một cuộc thi mà phần thưởng cho ekip thắng cuộc là sẽ được đầu tư kinh phí để sản xuất một phim truyền hình và được truyền thông quảng cáo, được phát sóng trong khung giờ đẹp (tất nhiên phải rất công bằng và chuyên nghiệp), thì tôi sẽ là người đầu tiên nộp hồ sơ dự án phim để tham gia. NV Trần Thanh Hà: Làm ít phim nội thôi, để công chúng xem phim ngoại hay còn hơn ép người ta xem phim nội dở. Nhà nước có thể phải tài trợ cho cả phim truyền hình để nâng cao chất lượng. Cũng phải kiểm soát đầu ra của phim nữa, anh thích thì anh cứ sản xuất đi, nhưng tôi là người kiểm duyệt, anh phải đạt được các tiêu chí của tôi thì tôi mới cho anh phát sóng, chứ đừng làm theo kiểu giáo dục đại học đã vào được ắt ra được dù chả có tí tri thức nào. DV Tuấn Quang: Muốn thay đổi cần phải có quá trình và cả những cá nhân trong hệ thống quản lý nữa. Nếu có thể thì ta nên tạo ra một sân chơi làm phim truyền hình cho những đối tượng (được phép làm) để dành cho khán giả xem và bình chọn (không phát sóng). NV Phạm Ngọc Tiến: Có những tồn tại mà ta không thể khắc phục được, đó là tài năng. Riêng tài năng nghệ thuật thì đào tạo tốt chưa chắc đã được cho dù ta có đầu tư đến mấy. Hơn nữa, xã hội hiện nay có quá nhiều vấn đề làm băng hoại đến đạo đức và điều đó ảnh hưởng đến cả nghệ thuật. Chủ trương xã hội hóa là rất hay nhưng cũng không thể thả nổi được. Chúng ta không thể đánh đồng nghệ thuật và các giá trị phi vật thể với một sản phẩm hàng hóa được. Vẫn cần phải có đầu tư và quản lý. Như cá nhân tôi rất thích các đề tài phim chiến tranh nhưng không thể tìm đâu ra nguồn tài trợ để đầu tư làm phim. Vì dòng phim chính luận, chiến tranh không thể thu hút quảng cáo được. Đầu tư rồi cũng còn phải quản lý cho tốt nữa, vì như đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhà nước đầu tư rất nhiều, khâu chuẩn bị kéo dài tới tận chục năm mà cũng chưa thấy bộ phim lịch sử nào thật xuất sắc. Xin cảm ơn sự chia sẻ ý kiến của quý vị. Nguồn: Tinh hoa Việt (2010)
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi - Đa tài, đa nghệ Bấm để xem Dịch giả Nguyễn Lệ Chi không chỉ được biết đến với vai trò dịch thuật, hiện nay, chị còn là giám đốc của công ty Chibooks, một công ty in ấn và phát hành sách, là biên tập của báo Thanh niên, tham gia lĩnh vực phim ảnh, đang viết một cuốn tiểu thuyết. Như rất nhiều công dân đặc biệt của thế kỷ 21, Lệ Chi ham việc và làm việc gì cũng thành công. Chị có khuôn mặt cá tính và phong cách làm việc nhanh gọn, hiện đại. Trong một lần gặp tình cờ, người thực hiện bài này chứng kiến đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói với Lệ Chi rằng nếu chọn vai diễn, Lệ Chi chắc chắn được ông giao cho vai... bà chủ. Cho đến nay, chị đã dịch được 30 đầu sách tiếng Trung, một con số đáng nể đối với bất kỳ dịch giả nào. Bắc nhịp cầu văn hóa Chị đang làm việc trong ngành xuất bản, liệu có thể so sánh sức tiêu thụ của sách ngoại và sách Việt? Tôi cũng có cái may mắn được làm việc trong ngành xuất bản một thời gian, tuy nhiên những nhận xét của tôi chỉ mang tính chủ quan và cảm tính. Nếu nói tới sức tiêu thụ của sách nước ngoài đã được mua bản quyền và dịch ra tiếng Việt so với mức tiêu thụ của sách do tác giả Việt Nam viết cũng rất khó so sánh vì mỗi ngành, mỗi thể loại sách có những đặc trưng riêng. Tuy nhiên về cảm quan bên ngoài nhìn vào thì có lẽ sách nước ngoài vẫn nhiều hơn, đa dạng về đề tài, bao quát ở tất cả các lĩnh vực văn học, đời sống, kinh tế, ngoại ngữ, nấu ăn, thiếu nhi, địa lý, chính trị... Với nhu cầu mở rộng kiến thức ngày càng nhiều như hiện nay, sức tiêu thụ của sách ngoại rất lớn, và đánh bạt cả sách nội. Đó là điều không thể phủ nhận trong tình hình tiêu thụ sách ở nước ta trong thời gian vài năm trở lại đây. Dịch thuật là một công việc thầm lặng, ý nghĩa nào mà chị tìm thấy khi thực hiện công việc này? Tôi quan niệm dịch thuật cũng chỉ là một nghề, như bao nghề khác. Do đặc thù của nghề này là làm việc trong một môi trường kín, ít giao tiếp và khá độc lập nên người theo đuổi nghề dịch thuật đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian tự mày mò với các câu chữ. Bản thân tôi thấy yêu thích công việc này vì cảm nhận được những nét đẹp văn hóa trong đời sống, sinh hoạt, câu chuyện... của những nước khác qua các bản dịch và chuyển tải lại chúng cho độc giả Việt Nam như một sự thưởng thức, cùng chia sẻ. Dịch thuật cũng là một ngành nghề góp phần bắc nhịp cầu văn hóa giữa các nước, các quốc gia, các dân tộc, giúp mọi người xích lại gần với nhau, hiểu nhau hơn. Dịch giả Nguyễn Lệ Chi "Tai nạn" của nghề dịch Nhiều độc giả thông thạo tiếng nước ngoài đôi khi so sánh bản gốc và bản dịch của các tác phẩm đã phát hành, trên thực tế đã phát hiện ra nhiều lỗi truyền tải sai ý nghĩa. Công tác biên tập phần lớn không khắc phục được điều này. Chị nói gì về điều đó? Có bao giờ chị cảm thấy bất lực vì một ý nghĩa không thể truyền tải được sang tiếng Việt hoặc vì dịch sách số lượng lớn, thời gian quá gấp gáp mà "nhắm mắt cho xong" một vài chi tiết hay từ "khó nhằn"? Đây được coi là những tai nạn nghề nghiệp trong nghề dịch thuật. Mà đã là tai nạn thì thường để lại hậu quả có thể lâu dài và đau đớn, tuy nhiên không ai muốn như vậy cả. Không có một dịch giả nào đúng trăm phần trăm khi mới bắt tay vào dịch sách, cũng không có dịch giả nào chuyển tải hoàn toàn nhuần nhuyễn tới mức hoàn hảo, không thể nào chê nổi dù đã dịch khá nhiều sách. Tất cả chỉ có thể ở một mức độ tối đa cho phép tùy theo khả năng ngoại ngữ, sự kiên nhẫn và tấm lòng của người dịch, người biên tập đối với tác phẩm đó. Chuyện bất lực trước một câu chữ, hoặc một đoạn văn mà mình hoàn toàn hiểu ở tiếng nước ngoài nhưng rất loay hoay không tìm ra được cách diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ thì tôi nghĩ, đối với dịch giả nào cũng từng vấp phải. Tuy nhiên để tránh những trường hợp này, chỉ có cách lại kiên nhẫn mày mò, cứ dịch nhiều, chăm chỉ đọc nhiều sách vở báo chí, với nhiều ngành nghề khác để tự trang bị thêm vốn kiến thức xã hội và vốn từ vựng tiếng Việt, người dịch mới có thể tự tin hơn và tự chiến thắng được những tình huống đó. Có vậy, số lượng tai nạn nghề nghiệp mới dần giảm bớt và mất hẳn. Chị sẽ phản ứng thế nào nếu vào một ngày đẹp trời, có một độc giả chỉ ra một vài "lỗi kỹ thuật" trong cuốn sách mà chị đã dịch? Tôi không biết các dịch giả khác sẽ phản ứng ra sao, nhưng đối với tôi, nếu những góp ý đó là đúng đắn, tôi sẽ rất cám ơn độc giả nhiệt thành đó và ghi chú lại ngay nếu sách được tái bản để kịp thời bổ sung sửa chữa. Đồng thời sẽ xem kĩ lại lỗi sai để sau này rút kinh nghiệm. Nếu lời góp ý đó chưa chính xác, tôi cũng vẫn cám ơn họ vì họ có thực sự quan tâm tới tôi và có yêu thích bản dịch đó, họ mới chăm sóc và chú tâm đến tác phẩm kĩ đến vậy. Trong công tác dịch thuật, điều gì là khó khăn nhất? Chị đã gặp "tai nạn nghề nghiệp" bao giờ chưa? Trong quá trình dịch sách, tôi thấy khó khăn nhất là chiến thắng chính bản thân mình. Một cuốn sách nguyên tác dày ít nhất 300 trang, phải mất ít nhất 3 tháng mới dịch xong. Vì vậy nó đòi hỏi người dịch một sự kiên nhẫn kinh khủng. Làm sao để luôn giữ được nhiệt huyết với bản dịch, để các câu chữ dịch mỗi ngày phải liền mạch và sinh động. Chỉ cần lười bỏ dịch một vài hôm, mạch cảm xúc của bạn rất dễ bị ngắt đoạn. Tai nạn nghề nghiệp dễ gặp nhất trong khi dịch sách tiếng Hoa là các từ tiếng Anh luôn được dịch giả Trung Quốc phiên âm ra tiếng Hoa không theo một quy tắc gì, khiến khi chuyển ngữ lại sang tiếng Việt rất khó khăn và dễ nhầm. Chưa bao giờ nghĩ dịch sách để "rinh" giải Chị ấn tượng nhất với cuốn sách nào? Trong tất cả các sách đã dịch, tôi thích nhất cuốn "Hoa bên bờ" của nhà văn An Ni Bảo Bối vì đầy chất điện ảnh và cách miêu tả tâm trạng con người rất tinh tế. Chị có mơ ước nhận được giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam cho những cuốn sách dịch của mình? Thú thật là từ trước tới giờ tôi chưa nghĩ đến chuyện dịch sách vì mong muốn có giải thưởng dịch thuật của Hội nhà văn Việt Nam. Với tôi, dịch sách đơn thuần chỉ là một niềm đam mê, không nghĩ ngợi nhiều. Tiếp xúc nhiều với các bản dịch cũng như nhiều đầu sách trong nước, chị thấy điều gì mà các tác giả Việt Nam còn thiếu để sách nội có thể xâm nhập thị trường hải ngoại? Qua nhiều bản dịch nước ngoài, tôi nhận thấy các đề tài của họ khá hiện đại, gần gũi với đời sống đương đại, các nhân vật rất bình dị, như thấp thoáng đâu đó xung quanh chúng ta, nhưng ý nghĩa truyền tải của cuốn sách lại vô cùng sâu sắc, khiến người đọc phải rung động. Trong khi đó sách nội lại khá khan hiếm những cuốn sách thực sự có vấn đề, văn phong lạ và mang tầm thời đại, làm sống động cả tâm hồn, tâm linh của một thế hệ trong một khoảng thời gian nào đó. Hiếm có cuốn nào lại phơi bày được hết một quãng lịch sử, xã hội, bối cảnh sống, nền văn hóa... một cách tinh tế làm phông, làm nền cho câu chuyện được kể. Có lẽ chính vì điều đó mà sách nội chúng ta còn chưa thuyết phục được nhiều dịch giả nước ngoài khó tính chăng? Nguồn: Khoa học & Đời sống (2009)
Người kể những câu chuyện trong bóng đêm Bấm để xem Sau khi một thời gian dài phát sóng chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" (BHNVCT), biên tập viên Phạm Trung Tuyến đã tập hợp những câu chuyện có thật của thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam tâm sự với chương trình để hình thành nên cuốn sách với nhan đề "Những câu chuyện trong đêm" (Ghi chép từ studio của một biên tập viên mất ngủ). Phạm Trung Tuyến sinh năm 1974, tốt nghiệp khoa Báo chí, ĐH Tổng hợp Hà Nội, hiện là biên tập viên của Kênh giao thông FM91mhz – Đài TNVN. Tại sao anh lại có ý định chọn gần 100 "câu chuyện được chia sẻ trong bóng đêm" để tập hợp thành một cuốn sách? Khi nhận nhiệm vụ thực hiện chương trình phát thanh BHNVCT, ban đầu, thực sự tôi tôi đã rất băn khoăn. Nhớ lại, khi bước chân vào nghề báo, hơn 10 năm trước, ước mơ lớn nhất của tôi là có điều kiện đi khắp nơi và kể lại những trải nghiệm cuộc sống của mình. Trong 10 năm ấy, đúng là tôi đã đi rất nhiều, không có một huyện nào trên đất nước này mà tôi chưa từng đặt chân đến, trừ huyện đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng. Nhưng các chuyến đi chỉ đem đến cho tôi những cảm nhận hời hợt bởi phần lớn thời gian phải dành cho tác nghiệp báo chí. Nhận làm một chương trình phát thanh tương tác, hàng ngày đến phòng thu trò chuyện cùng thính giả, tôi sẽ không còn nhiều cơ hội để đi, để cảm nhận cuộc sống và thực hiện ước mơ của mình.. Tôi đã băn khoăn về điều đó. Tuy nhiên, nỗi băn khoăn đó nhanh chóng qua đi khi tôi nhận được rất nhiều sự tin tưởng của thính giả. Họ viết thư, gọi điện chia sẻ với tôi những câu chuyện mà bản thân họ đã giấu kín trong suốt cuộc đời mình. Đó là những câu chuyện mà người ta rất khó nói khi trực tiếp giáp mặt. Hơn thế, mỗi câu chuyện khi phát sóng đều nhận được rất nhiều sự chia sẻ của thính giả khắp nơi, và qua cảm quan của mỗi người, các câu chuyện đó hiện lên những sắc màu khác nhau, sống động vô cùng. Sau chừng 4 hoặc 5 tháng, tôi bắt đầu nghĩ đến việc ghi chép lại những câu chuyện đó, với cảm nhận riêng của mình, như một thính giả. Và "Những câu chuyện trong đêm" hình thành. Khi cầm tập bản thảo gồm gần 100 câu chuyện đó, tôi biết mình đã phần nào thực hiện được mơ ước thủơ hoa niên. Tôi xuất bản cuốn sách với một ý niệm: Tri ân những thính giả đã đồng hành cùng chương trình BHNVCT. Câu chuyện nào khiến những cảm xúc riêng tư của anh bị ảnh hưởng? Tôi vẫn muốn cuộc sống của mình có những trải nghiệm thật dữ dội. Nhưng đêm đêm, ngồi trong phòng thu, đeo tai nghe và lắng nghe những tiếng đời vọng về thì tôi cảm nhận được rõ ràng cảm xúc của mình. Những câu chuyện khiến tôi xúc động, thậm chí choáng váng đều không có những tình tiết dữ dội. Ngược lại, những bi kịch không có một lý do rõ rệt như chuyện người con trai chỉ vì một lời oán trách vô tình mà dẫn đến cái chết của cha mình, hay chuyện một người đàn ông dằn vặt vợ mình suốt cuộc hôn nhân chỉ vì một sự hồ nghi không rõ ràng, hoặc những nỗi đau xuất phát từ lòng tốt chẳng hạn.. đó là những câu chuyện đã khiến tôi mất ngủ với ý nghĩ rằng hầu hết bi kịch thực sự trong cuộc đời này chính là sự vô lý. Có câu chuyện nào trùng hợp với những gì anh đã trải qua? Thật khó nói về điều này. Tôi là một người có đời sống tình cảm khá phong phú, và cũng trải nghiệm tương đối nhiều tình huống trong cuộc đời. Có điều, thường thì tôi để mọi việc đi qua và cố gắng không nhìn lại. Đến khi nghe những câu chuyện của thính giả, ký ức của tôi thức dậy và tôi thường nhìn thấy mình trong rất nhiều câu chuyện.. Câu chuyện khiến anh ấn tượng nhất? Có lẽ câu chuyện khiến tôi ấn tượng nhất là chuyện "Hàng rào thưa". Đó là chuyện của một người đàn ông băn khoăn về chuyện tình cảm của cô em vợ. Anh ta lo lắng cho đời sống tình cảm của cô em, lo lắng cho danh dự của gia đình, nhưng sự lo lắng ấy bị bao phủ bởi nỗi đố kỵ của anh ta đối với những người tình của cô em. Còn câu chuyện nào khiến anh không thích nhưng vẫn cho vào cuốn sách để hình thành một bức tranh trọn vẹn? Có một nguyên tắc nghề nghiệp: Tôi luôn cố gắng không nghĩ đến ý thích của mình khi tác nghiệp để giữ được sự khách quan. Có trường hợp nào anh trở thành bạn của một nhân vật nào đó trong chuyện? Một trong những điều quan trọng nhất khiến thính giả sẵn lòng trải lòng mình cùng tôi chính là việc tôi thực sự coi mình là một người bạn của thính giả. Một người bạn mà có thể sẽ không bao giờ gặp trong cuộc đời thực, nhưng luôn sẵn sàng lắng nghe. Tôi nghĩ tất cả những nhân vật trong các câu chuyện đều cảm nhận được tình bạn đặc biệt ấy của tôi. Trong đó có những người trở thành bạn thân của tôi ở ngoài đời, như nhân vật trong câu chuyện "Thông dịch viên" chẳng hạn. Biên tập viên Phạm Trung Tuyến. Có khi nào vì "bệnh nghề nghiệp" mà anh muốn kể chính những câu chuyện của mình lên sóng? Không phải là bệnh nghề nghiệp, mà tôi thực sự kể những câu chuyện mà mình đã trải nghiệm mỗi khi có điều kiện. Đấy là khi những trải nghiệm đó liên quan đến những tâm sự của thính giả, khi mà câu chuyện của tôi có thể giúp thính giả đó có thêm một ví dụ để tham chiếu, để tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình. Tại sao anh lại cho thêm một dòng trong ngoặc "Ghi chép từ studio của một biên tập viên mất ngủ"? Liệu có phải những câu chuyện đó đã làm cho anh mất ngủ? Đúng là tôi đã mất ngủ từ khi làm chương trình phát thanh này. Mất ngủ vì những sự vô lý của kiếp người, mất ngủ vì cảm giác mang nợ sự chân thành của thính giả, khi tâm sự với tôi câu chuyện của đời mình, nhiều người đã kỳ vọng nhiều hơn chỉ là những lời chia sẻ.. mà tôi không đủ sức, không đủ cả sự can đảm, cũng như nhiệt tình để đáp lại. Theo anh chương trình này (cuốn sách này) đã giúp được gì cho cộng đồng và chính những người trong cuộc? Tôi không dám chủ quan áp đặt cảm nhận của mình với người khác. Nhưng tôi cũng là một người trong cuộc, chương trình BHNVCT đã đem lại cho tôi rất nhiều. Quan trọng nhất, qua chương trình này tôi đã nhận thấy, đã có đủ niềm tin rằng trong cuộc đời này còn rất nhiều người tốt. Bạn có thể cảm nhận được điều đó khi nghe thấy những lời chia sẻ chân thành mà thính giả dành cho nhân vật trong các câu chuyện. Họ lắng nghe, suy nghĩ, và gọi điện đến chương trình hàng đêm để hy vọng mình có thể giúp được một chút gì đó cho những nhân vật, những người mà họ chưa từng quen, thậm chí không bao giờ có cơ hội gặp gỡ một lần. Khi xây dựng chương trình, tôi hy vọng mình sẽ góp phần tác động đến thính giả, nhưng ngược lại, chính thính giả đã tác động đến tôi nhiều hơn, tạo cho tôi một áp lực phải sống tốt hơn để không phụ tình cảm của cộng đồng dành cho mình. Anh nói cuốn sách này được viết theo phong cách báo chí chứ ít văn, nhưng tôi đọc thấy trong đó chất "văn" nhiều hơn "báo". Liệu có khi nào lời bình luận mang tính chủ quan của tác giả ảnh hưởng tới cốt truyện hoặc cuộc sống của chính người trong cuộc không? Văn nhiều hay báo nhiều còn tuỳ thuộc vào cảm nhận của người đọc. Nhưng về cơ bản tôi muốn diễn đạt một cách chân thực những câu chuyện nghe được từ studio. Một vài lời bình luận là cảm nhận cá nhân, có thể nó sẽ tác động tới người trong cuộc nếu như nó xuất hiện khi câu chuyện được phát sóng. Tuy nhiên, tôi chỉ đưa ra những cảm nhận đó khi mọi việc đã qua, đó là lúc tôi lắng lòng mình, khi trước mắt tôi không còn sắc đỏ của ngọn đèn on-air của phòng thu. Nguồn: Tin tức cuối tuần (2009) Lời tác giả Có một điều mà những đồng nghiệp thường nói về anh là "Gã này thông minh lắm". Phạm Trung Tuyến giàu ý tưởng và ngôn từ, nhanh nhạy với thời cuộc, đằng sau vẻ ngoài dường như chậm rãi. Anh là người, mà theo tôi, có rất nhiều bi kịch. Có lần tôi bình luận rằng anh không nên lắng nghe quá nhiều những câu chuyện bi kịch của thiên hạ, rồi chia sẻ, khuyên nhủ người ta, thế nào nó cũng vận vào người là phải rồi. Phạm Trung Tuyến vẫn nói những câu ít lời như thường ngày "Anh không cho đấy là bi kịch mà chỉ là trải nghiệm và chứng kiến những điều đó sớm hơn người khác mà thôi."
Người Giáp Dần lên tiếng Bấm để xem Người phương Tây xem chiêm tinh học theo vòng hoàng đạo. Trong 12 cung, Sư tử được coi là cung chúa tể. Người sinh vào cung Sư tử sẽ mang đầy đủ đặc tính của chúa sơn lâm. Còn người Trung Quốc và Việt Nam quan niệm hổ là một con giáp đặc biệt. Người mang con giáp này thường có đặc tính tương ứng chăng? Chúng tôi có cuộc trò chuyện với 4 người nổi tiếng sinh năm Giáp Dần: Nhà văn Nguyễn Đình Tú, Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, Ca sĩ Tấn Minh và Nhà thơ Trang Thanh. Họ sẽ chia sẻ những câu chuyện về cá tính và cuộc sống của mình. Làm thế nào để phân biệt được người Giáp dần với những con giáp khác? Nhà văn NĐT: Có lẽ những người chuyên nghiên cứu về tử vi tướng số sẽ thoả mãn được câu hỏi này chỉ trong vòng vài giây. Còn tôi, tôi tự phân biệt mình với mọi người rằng, tôi cao 1m68, nặng 68 kg, mắt hai mí, mặt quả lê và bụng thì đã bắt đầu phình ra mà không kiểm soát được... Nhạc sĩ NVT: Nói chung đặc trưng về tuổi Giáp dần có lẽ là ở yếu tố hay "bắt nạt" hoặc "át vía" người khác. Có màu sắc của thiếu dân chủ nhưng bù lại có thể có những quyết định chính xác. Tài lẻ của người tuổi Dần (trong trường hợp của tôi), đó là khi không kiếm được mồi, lơ mơ trong đám cỏ tranh thì bất ngờ... sáng tác nhạc. Ca sĩ TM: Chắc khác biệt lớn nhất là đấy là con hổ, chứ không phải con mèo hay con chuột (cười). Nhưng theo chiêm nghiệm của tôi, thông qua cả những người bạn thì những người Giáp dần, dù là hổ vườn hay hổ rừng đều có phong cách rất đàng hoàng, giữ chữ tín, khái tính và ưa sự thẳng thắn. Nhà thơ TT: Con giáp có lẽ chỉ là sự tượng trưng ước lệ, chưa hẳn là căn cứ để phân biệt người này với người khác. Hơn nữa trong giao tiếp thông thường, người ta ít khi đem tuổi ra để dựa vào đó mà tìm kiếm sự giống hay khác nhau giữa mọi người, thậm chí hỏi tuổi nhau còn được xem là điều tế nhị. Giống hay khác nhau là ở cá tính, quan niệm sống, sở thích... Một cặp song sinh được cho là giống nhau như hai giọt nước thì vẫn có điểm khác nhau từ ngoại hình đến tính cách, phẩm chất. Hai người cùng "Giáp dần" có thể có những điểm gần nhau ở tính cách, sở thích nhưng khó có số phận giống nhau. Tôi cho rằng nếu mỗi người đều là chính mình thì bản thân điều đó đã tạo nên những khác biệt căn bản rồi. Nếu tôi khác với người khác không phải vì tôi là một "con hổ" mà vì tôi là chính tôi. Trong chiêm tinh học, người ta nói rằng người tuổi Dần tượng trưng cho sự uy quyền và tính liều lĩnh, thích mạo hiểm, thích làm những việc động trời để khiến mọi người phải chú ý tới. Tính cách đó có đúng với anh/chị không? Và việc động trời nhất trong cuộc đời mà anh/chị đã từng làm là gì? Nhạc sĩ NVT: Có lẽ tôi là một "con hổ dân chủ" nên không thích sự uy quyền cho lắm. Tôi hơi hiền lành và thích đối thoại hơn là áp đặt. Còn liều lĩnh và mạo hiểm thì điều đó đã được thể hiện trong những đồ án kiến trúc của tôi rồi. Kiến trúc của tôi thường phải được chấp nhận bởi các chủ đầu tư liều lĩnh và mạo hiểm hơn tôi. Việc động trời nhất mà tôi làm chưa xảy ra, có thể nó sẽ là bản thiết kế một ngôi chùa gây tranh cãi chăng? Tôi có cách lý giải riêng của mình về kiến trúc Phật giáo. Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến Nhà văn NĐT: Tôi không có uy quyền, cũng không có tính liều lĩnh, và chưa bao giờ thích mạo hiểm. Tất nhiên tôi cũng thích được mọi người chú ý tới nhưng nếu đó là kết quả của những việc làm động trời, thì việc động trời nhất trong cuộc đời tôi là viết văn. Ca sĩ TM: Tôi tự nhận mình là hổ vườn bách thú, một con hổ bị nhốt sẽ không mạnh mẽ bằng hổ rừng, vì thế cuộc đời tôi cũng chưa có việc gì đến nỗi động trời động đất, nhưng nếu có thì tôi cũng giữ bí mật riêng cho mình. Tôi vốn hiền lành, điềm đạm nhưng chưa bao giờ biết sợ bất cứ điều gì và không dễ bị bắt nạt. Tôi không ngại việc khó và sẵn sàng vượt qua tất cả, sẵn sàng chấp nhận những điều xấu nhất xảy đến với mình cũng như luôn kiểm soát được việc mình làm. Nhà thơ TT: Tôi thấy tôi chỉ có cái "uy quyền" lớn nhất đối với chính mình là thoải mái... buồn, thoải mái... cô độc. Sự "thoải mái" ấy trong con mắt người khác đôi khi cũng được xem là "liều lĩnh" đấy. Liều lĩnh và mạo hiểm thì thường đi đôi với nhau, và nếu tôi có làm việc gì được gọi là "khiến mọi người phải chú ý tới" thì cũng đến viết văn, làm thơ là cùng. Khi mà tiền nhân đã cảnh cáo rằng "cơm áo không đùa với khách thơ" thì làm thơ vào thời buổi này có lẽ cũng là... liều, nhưng theo tôi việc đó chưa có gì đến nỗi "động trời". Khi nào có khả năng làm việc gì đó "động trời" chắc tôi cũng phải giấu nhẹm đi thôi (cười). Chiêm tinh học cũng nói rằng trong tình cảm, người tuổi Dần sôi nổi và mãnh liệt khiến chẳng cần phải cố gắng, anh ta/cô ta cũng có nhiều người theo đuổi. Vậy còn người tuổi Giáp dần thì sao? Ca sĩ TM: Trước thì tôi cũng được nhiều người quý mến lắm. Nhưng khi quen vợ tôi thì lúc đó tôi vẫn còn trẻ trung, mới lớn nên hoàn toàn bị động (cười), cô ấy là người chủ động. Nhà thơ TT: Tôi vốn là người trầm lặng, thậm chí u buồn nên có lẽ từ nay cũng nên sôi nổi và mãnh liệt lên để có được sức hút như vậy nhỉ. Và tôi sẽ chờ năm Canh Dần chính thức gõ cửa mùa xuân, xem có người nào "theo đuổi" đến gõ cửa nhà tôi hay không, hi hi... Nhạc sĩ NVT: Tôi tưởng là ngược lại mới đúng chứ. Quả thật người tuổi hổ sôi nổi và mãnh liệt nhưng chẳng hiểu sao những cô gái đẹp chẳng bao giờ theo đuổi cả mà toàn hành động ngược lại thôi. Kết quả tình ái của tôi cũng không khả quan lắm đâu. Nhà văn NĐT: Nếu tôi hiểu không lầm thì đây là một câu hỏi về tình yêu? Vâng, để tôi nghĩ lại xem nào, thời thanh niên đúng là có nhiều người theo đổi tôi ra phết. Nhưng tôi lại cũng đuổi theo khối những người khác. Không, tôi nghĩ lại rồi, cái sự đuổi tít vòng quanh trong tình yêu này thì tuổi nào cũng thế thôi. Chuyển sang công việc nhé, trong 5 năm trở lại đây, thành tựu nào của cá nhân khiến anh/chị cảm thấy hài lòng nhất? Nhà thơ TT: Tôi in tập truyện ngắn ("Đá của trăm năm" - 2006) và tập thơ ("Bay lặng im" – Giải thưởng Lá Trầu 2008), tôi nghĩ mình liều thế cũng... tạm được rồi. Nhà thơ Trang Thanh Nhạc sĩ NVT: Có lẽ đó là việc lọt vào Top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất Việt Nam 2005 và CLB 100 người gây ảnh hưởng nhất tới giới trẻ Việt Nam theo sáng kiến và đánh giá của Trung ương Đoàn. Về kiến trúc, tòa nhà hiện đại và đẹp nhất miền Trung BMC Tower 17 tầng do tôi thiết kế đã được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2009. Nhà văn NĐT: Ra liên tục hai cuốn tiểu thuyết, "Nháp" và "Phiên bản", vẫn liên tục tái bản, và liên tục nhận được phản hồi từ phía bạn đọc. Ca sĩ TM: Tôi sống thanh thản, thoải mái và quan điểm là hơi đói một chút ăn sẽ ngon miệng hơn nên trong công việc, tôi không ham số lượng mà chỉ mong chất lượng. Tôi chinh phục khán giả bằng giọng hát chứ không phải bất cứ điều gì khác. Tôi làm việc cẩn trọng hết sức có thể để tỏ lòng tôn trọng những người yêu mến mình. Đó đã là một sự hài lòng. Tôi cũng coi sự yêu mến của mọi người là một sức ép để tiến lên. Và trong năm con hổ sắp tới, Hổ sẽ làm gì để trả nợ cho Hổ? Nhà thơ TT: Tôi vừa viết xong cuốn tiểu thuyết cho thiếu nhi có cái tên ngồ ngộ là "Tí Chổi". Cuốn sách mang giọng điệu hoạt kê với cái nhìn "lật ngược mọi vấn đề" của cô bé Bống 10 tuổi có biệt hiệu Tí Chổi (Chối Tỉ). Chả biết có nợ nần gì với Hổ mà tôi lại một lần nữa làm cái việc "liều lĩnh" này và nó sẽ được "trình làng" ngay trong Quý I của năm Hổ 2010 (NXB Kim Đồng). Nếu khả năng mạo hiểm vẫn còn hối thúc thì tôi sẽ tiếp tục viết văn xuôi cho thiếu nhi và có thể in tập thơ thứ hai vào năm nay. Nhà văn NĐT: Đơn giản thôi, sẽ ra tiếp cuốn tiểu thuyết thứ 5. Đấy là công việc. Nhưng công việc này mang lại rất ít tiền bạc. Tôi đi xem bói các thầy bảo tôi sẽ kiếm ra nhiều tiền vào năm tuổi. Vì thế tôi đang có một vài dự định kiếm tiền khác trong năm con hổ tới này. Nhưng tôi không thể tiết lộ ra được, chỉ biết rằng đó là những công việc lương thiện. Ca sĩ Tấn Minh Ca sĩ TM: Có những người quan niệm cứ năm tuổi thì phải tránh xa, cố gắng án binh bất động mà không làm gì cả. Nhưng tôi thấy rằng mình lại rất hợp với những năm mà người khác cho là xấu. Thậm chí năm "thái bạch mất sạch cửa nhà" tôi cũng chẳng nề hà. Dường như năm càng xấu tôi lại càng sung mãn. Năm nay tôi có dự định cho ra một CD mới. Mọi việc đang trong tiến trình nhưng có thể sẽ còn thay đổi nội dung nên tôi xin phép chưa tiết lộ trước. Nhạc sĩ NVT: Năm tới tôi sẽ sang Nhật Bản vào cuối tháng 3 và hy vọng sẽ được gặp Arata Isozaki, kiến trúc sư Nhật Bản lỗi lạc, theo lời mời của Quỹ Văn hóa Nhật Bản. Bên cạnh đó là một cuốn sách mỏng đầu tay giới thiệu tác phẩm và triết lý kiến trúc. Còn về câu chuyện âm nhạc, đầu năm 2010 có thể L'espace sẽ giới thiệu một Mini Liveshow của tôi với 5 ca khúc hoàn toàn mới. Nguồn: Thế giới mới – Tết Canh Dần
Nhà văn Phong Điệp: Tôi chọn kiểu số đông thứ nhất Bấm để xem Chỉ trong vòng 13 năm, nhà văn Phong Điệp đã cho ra đời 11 cuốn sách. Đó là một con số đáng nể với bất kỳ nhà văn nào. Phong Điệp viết nghiêm túc, thái độ với nghề rất nghiêm túc. Có lẽ đó là lý do mà Ban văn trẻ Hội Nhà văn VN đã lựa chọn các tác phẩm mới nhất của chị là "Blogger" và "Kẻ dự phần" cho buổi tọa đàm ngày 21/7/2009. Chị là người viết nhiều và khỏe, không chạy theo thị hiếu độc giả số đông, và cho đến nay đã có một vị trí trên văn đàn. Tuy nhiên, hiện đang xảy ra một tình trạng đối với nhiều người viết là có tác giả được tất cả đồng nghiệp biết đến nhưng độc giả thông thường lại hầu như không đọc (nghĩa là các nhà văn đọc của nhau), trường hợp thứ hai là các tác giả được đông đảo quần chúng biết đến nhưng người trong nghề lại không biết, hoặc biết mà không muốn đọc. Chị hướng mình theo xu thế nào? Liệu có thể dung hòa giữa hai xu hướng ấy không? Khi xuất bản các tập truyện ngắn tôi nhận được nhiều sự hồi âm từ bạn viết và giới chuyên môn. Khi ra mắt "Blogger" tôi lại nhận được rất nhiều hồi âm từ bạn đọc mà lâu nay họ có thể đã hoặc chưa từng đọc các tác phẩm của tôi. Thậm chí có những người đã lâu không đọc, thậm chí ít quan tâm đến văn học, nhưng họ đã đọc và thích thú với "Blogger". Vì vậy tôi không biết nếu phải phân loại một cách rạch ròi thì tôi sẽ xếp hàng bên nào đây? Vậy thì xin đi từ quan điểm cũng như nguyên tắc làm việc lâu nay đó là tôi theo đuổi những ý tưởng sáng tạo của mình một cách rốt ráo, không hoặc ít bị tác động bởi số đông. Những tác phẩm – có thể được số đông bạn đọc đón nhận, hoặc bị xếp vào loại "kén" độc giả thì tôi vẫn trung thành với quan điểm sáng tạo của mình. Có rất nhiều nhà văn nói rằng "Tôi không cần số đông", nhưng liệu tôi có nhầm không khi cho rằng bất kỳ người sáng tạo nào đều muốn đứa con tinh thần của mình được đông đảo quần chúng đón nhận. Còn ý kiến của cá nhân chị? Cái này thì tôi nghĩ là chị đúng. Bất kỳ người sáng tạo nào cũng muốn tác phẩm của mình tìm được độc giả, chứ không phải chỉ là tác phẩm viết cho riêng tác giả. Và quan niệm "số đông" ở đây – cũng được hiểu rất khác nhau. Có những số đông đọc một cách kén chọn và nghiêm cẩn. Có những số đông đọc vì tò mò, vì trào lưu. Nếu lựa chọn – tôi đương nhiên chọn kiểu số đông thứ nhất. Nhà văn Phong Điệp. Ảnh Xuân Thủy Trong tiểu thuyết đầu tay "Blogger", chị kỳ vọng điều gì vào nó? Tôi mong muốn thay đổi thói quen thưởng thức tác phẩm văn học ở độc giả lâu nay là tâm thế chờ được ăn những món ăn đã được bày sẵn. Tôi mong muốn thay đổi cách kể truyện theo lối chương hồi hay trật tự thời gian, hay lớp lang rõ ràng mà chúng ta đã quen thuộc. Tôi mong muốn thay đổi những cách nhìn nhận khác nhau về hình thức một cuốn tiểu thuyết. Chừng ấy liệu có quá nhiều không? Ở tập truyện ngắn "Kẻ dự phần", là cuốn sách mới nhất của chị, có một sự thay đổi nào so với các tập trước không? Tôi đề ra nguyên tắc viết cho mình là phải tạo được sự thay đổi, vận động ở những tác phẩm xuất hiện sau. Tôi từng xóa đi nhiều truyện ngắn mà mình nhận ra rằng đang lặp lại những cái đã từng viết. Tôi từng viết "Blogger" không dưới ba lần vì thấy nó giống với những cuốn sách khác ở cách kể truyện, xây dựng xung đột.. Còn với "Kẻ dự phần" - nếu nói sự thay đổi thì có lẽ ở cuốn sách này tác giả đã "nhập thế" hơn và cũng đàn bà hơn chăng? Trong cuộc tọa đàm các tác phẩm của chị, có rất nhiều lời phê bình nhận xét. Chị ấn tượng nhất với lời khen nào và lời chê nào? Tôi đã nghe rất chăm chú tất cả các ý kiến nhận xét phê bình. Tôi ngạc nhiên và thấy cảm động là nhà văn Bảo Ninh đã đọc một mạch và rất thích thú với cuốn tiểu thuyết "Blogger". Còn ý kiến của nhà văn Phạm Ngọc Tiến về việc tôi chưa quan tâm xoáy sâu vào nhân vật Nó và Bé con – là ý kiến rất thú vị, gợi ý cho tôi trong cuốn sách tiếp theo. Cách "giải mã" tác phẩm của nhà phê bình Nguyễn Hòa và nhà văn Lê Anh Hoài cũng khiến tôi tâm đắc vì nó đã điểm trúng ý đồ sáng tạo của tác giả. Có lời phê bình nào khiến chị cho rằng mình sẽ lấy đó để rút kinh nghiệm? Vâng, có chứ. Ví dụ những ý kiến về thủ pháp láy, lặp có phần hơi lạm dụng trong "Kẻ dự phần" và "Blogger" được một số người đề cập là những ý kiến bổ ích cho tôi. Nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư là nhắc đến chất Nam Bộ đậm đà, Đỗ Bích Thúy là núi rừng với những con người thuần phác. Còn nếu được gọi tên phong cách của Phong Điệp, chị sẽ tự gọi phong cách đó như thế nào? Thực ra việc định danh một tác giả nên dành cho các nhà phê bình. Người viết làm một công việc duy nhất là sáng tạo. Tôi có thể chia sẻ những mối quan tâm của mình trong sáng tác – đó chính là đời sống đô thị hiện nay đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần người viết phải nhập cuộc và giải mã nó. Đây cũng là đề tài tôi đã và sẽ tiếp tục theo đuổi. Câu hỏi của chị, tôi xin dùng ý kiến nhận xét của nhà phê bình Văn Giá phát biểu trong cuộc tọa đàm để trả lời: Một phong cách văn chương hiện đại, gắn với đời sống đô thị và cách tân quyết liệt. Kế hoạch sáng tác năm sau của chị? Sáng tác với tôi luôn là những kế hoạch dài (cười). Tôi đang dự định viết một cuốn tiểu thuyết nữa. Chắc sẽ mất vài năm. Bên cạnh đó tôi vẫn viết truyện ngắn, truyện thiếu nhi và có thể là truyện kinh dị theo gợi ý của một số người sau khi đọc "Kẻ dự phần" và "Blogger". Rất khó để nói rằng năm sau tôi sẽ hoàn thành (đại loại) 3 truyện ngắn hay một truyện dài, phải không chị? Nguồn: Kinh tế Đô thị (2009)
Nhà văn Xuân Thủy với "Sát thủ Online" Bấm để xem Là một nhà văn ngành quân đội, Xuân Thủy là một cái tên hoàn toàn lạ lẫm với dòng sách bán chạy. Nhưng mới đây người ta nhìn thấy tên anh trên bìa một cuốn sách khá hấp dẫn, với tiêu đề mà thoạt trông đã biết nội dung của nó rất cập nhật và thời thượng: "Sát thủ online". Là tiểu thuyết tham dự cuộc thi của NXB Công an nhân dân, "Sát thủ online" dường như là đề tài hình sự và an ninh mạng lần đầu tiên được khai thác một cách chuyên sâu. Sau cuốn tiểu thuyết "Biển xanh màu lá" với đề tài tưởng chừng không thể xưa hơn được nữa, Xuân Thủy lại quay sang đề tài mới toanh rất thời thượng này. Có khó khăn lắm không với một nhà văn ngành quân đội? Tôi nghĩ không có sự phân biệt nhà văn quân đội hay nhà văn dân sự. Làm mới một đề tài cũ cũng khó khăn chẳng kém tiếp cận với một đề tài mới. Mỗi nhà văn khi đã lựa chọn đề tài nào đều phải lặn ngụp với nó, dầm mình trong nó thì tác phẩm mới có thể chào đời. Đó là sự khổ ải quyến rũ chứa đựng niềm hạnh phúc nghề nghiệp. Tôi viết văn nhưng cũng đồng thời là một nhà báo, vì thế tư duy báo chí cũng phần nào chi phối đến tư duy văn học. Internet là một lĩnh vực khá "nóng" ở Việt Nam với tốc độ phát triển cao trong xếp loại của thế giới và khu vực. Nó tác động rộng rãi đến các đối tượng công dân trong xã hội đặc biệt là giới trẻ. Khi các báo đưa tin kỷ niệm 10 năm Internet vào Việt Nam tôi chợt nảy ra ý định viết một cái gì đó để đánh dấu cái mốc đáng chú ý này. Và "Sát thủ online" đã ra đời. Nghe nói đã có một nhà biên kịch có ý định dựng "Sát thủ online" thành phim? Cũng có một vài người đặt vấn đề chuyển thể thành kịch bản để làm phim nhưng tôi chưa trả lời chính thức. Điều tôi quan tâm nhất lúc này là phản hồi của bạn đọc sau khi sách đã phát hành, bởi "Sát thủ online" trước hết là một cuốn tiểu thuyết, hãy để nó sống đời sống của một cuốn tiểu thuyết đã. Còn việc chuyển thể thành phim làm được cũng rất tốt. Nếu có tiếng nói chung với nhà sản xuất thì tôi sẵn sàng để "Sát thủ online" đến với bạn đọc qua những tập phim truyền hình. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy "Sát thủ online" liệu có phải là một cuốn tiểu thuyết trinh thám? Có lẽ sẽ thất vọng cho ai nghĩ như thế. Tôi không xây dựng "Sát thủ online" như một tiểu thuyết trinh thám. Nếu như có gì đó cuốn hút ở "Sát thủ online" thì chắc chắn đó không phải là những pha chém giết giang hồ, những hồi hộp ngộp thở. Có nhiều cách để tạo sự ly kỳ, không nhất thiết cứ phải những màn đao búa, những cảnh rình rập thót tim, những kiểu hành xử xã hội đen... mới thu hút được bạn đọc. Ý tưởng về nhân vật Hiệp sĩ đen được anh hình thành từ đâu? Khó có thể nói nó hình thành từ đâu. Ban đầu tôi bị tác động và ám ảnh lớn với mật độ quá dày của các vụ án do trẻ vị thành niên gây ra trong môi trường Internet. Gần như ngày nào lật các trang báo giấy, báo mạng cũng có những vụ án kiểu này. Cho đến nay thì đó đã là một hiện tượng đáng báo động. Khi bắt tay viết "Sát thủ online" tôi có suy nghĩ rằng, nhân vật của mình phải là một cậu bé có thân phận thật ám ảnh. Nhưng nếu chỉ thế thì sẽ dễ bị rơi vào khiên cưỡng. Nhân vật cần sống đời sống của nó. Mọi chuyện còn lại là do cấu trúc của tiểu thuyết và mạch truyện dẫn dụ. Cuối cùng là sự ra đời của Hiệp sĩ đen. Khai thác những phi vụ đen trên mạng, liệu đây có phải là một chiêu hút độc giả mới? Chúng ta thường bỡ ngỡ trước những cái mới, thiếu bình tĩnh và bị sốc vì nó. Internet là một khu vườn mới lạ, hấp dẫn và kỳ bí. Mỗi người khi bước chân vào khu vườn không có hàng rào có tên gọi Internet cần học cách ứng xử, học cả cách tự bảo vệ mình. Về mặt quản lý xã hội, cần xây dựng một luật chơi để vận hành tốt "ngôi nhà không chủ" này. Nhưng tôi nghĩ tốt nhất là mỗi bạn đọc "Sát thủ online" hãy tự tìm lấy một thông điệp cho riêng mình. Tôi không chủ động hút người đọc bằng cách như chị nói, nhưng nếu như mỗi độc giả đủ kiên nhẫn để đồng hành cùng những trang viết của tôi đến trang cuối thì có thể coi đó là "chiêu" hút độc giả cũng được. Điều quan trọng là "chiêu" đó có thành công hay không mà thôi. Nguồn: Nông thôn Ngày nay (2010) Lời tác giả Khi tôi đưa bài phỏng vấn này vào tập sách thì cũng là lúc Xuân Thủy nhận giải nhất cuộc thi "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" (2007-2010). Còn nhớ lúc đi dự trại viết ở Nha Trang, Xuân Thủy và Nguyễn Đình Tú cùng xoay trần mỗi người trên một cái giường, khóa cửa phòng lại ngồi viết tiểu thuyết từ sáng chí tối. Có lẽ nhiệt huyết sáng tác ngùn ngụt làm vậy nên Xuân Thủy đã được giải nhất, còn Nguyễn Đình Tú được giải nhì cho "Phiên bản". Nhà văn quân đội biết tin mình được giải thưởng và tin vợ sinh con trai khi anh đang bị "ách" lại trong bốn tháng tập huấn lớp Bồi dưỡng kiến thức quân sự ở Ba Vì. Thi thoảng mới được về thăm vợ con một lần. Thời bình mà xa xôi cách trở như thời chiến. Tôi vẫn đùa làm vậy và Xuân Thủy lại cười hì một nụ rất đặc trưng.
Phiên bản = Bạo lực + S. E. X? Bấm để xem Nhà văn Nguyễn Đình Tú vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ tư của mình - "Phiên bản". Sau cuốn tiểu thuyết bán khá chạy là "Nháp" với những chủ đề nhạy cảm thì "Phiên bản" dường như lại được coi là hơi đậm bạo lực và sex. Có vẻ như Nguyễn Đình Tú đang làm một cuộc cách mạng với chính mình. Dường như anh không muốn cho độc giả đọc "bản chính" mà toàn là "Phiên bản" và "Nháp", có một điều rất thú vị trong việc đặt tên hai cuốn tiếu thuyết gần đây của anh. Ý tưởng nào vậy? Nếu đã coi tiêu đề hai cuốn tiểu thuyết gần đây của tôi là thú vị thì tốt hơn hết bạn đọc hãy cầm nó lên và đọc. Gấp cuốn sách lại, mỗi bạn đọc sẽ tự tìm ra ý tưởng của tác giả, và tôi tin điều đó còn mang lại sự thú vị hơn gấp nhiều lần. Tôi chỉ muốn nói thêm một điều rằng, "Nháp" hay "Phiên bản" không dùng để chỉ một văn bản tiểu thuyết ở dạng "bản nháp" hay "bản phụ". Hãy đặt những cái tên ấy gắn với ý tưởng, bố cục, nhân vật và những thông điệp mà cuốn tiểu thuyết cần chuyển tải. Như thế, vấn đề không còn nằm ngoài rìa của tác phẩm nữa, mà đã bắt đầu chạm đến nội dung của tiểu thuyết. "Phiên bản" nhiều sex và bạo lực, mà trong khi đó Nguyễn Đình Tú từ trước đến giờ dường như không mấy gai góc theo cách ấy? Có người còn đưa ra công thức rằng: "Phiên bản" = bạo lực + sex. Nói như thế e có phần hơi quá lời. Thực ra những gì trong "Phiên bản" chỉ dữ dội như chính cuộc đời này mà thôi. Phiên bản là cuốn tiểu thuyết thứ 4 của tôi, đương nhiên nó phải khác những cuốn trước, điều đó không chỉ là đòi hỏi của riêng tác giả mà chính là để đáp ứng những đòi hỏi khó tính của số đông độc giả đấy chứ. Có người nói rằng anh quá "sốt ruột" với những cuốn sách bán chạy gần đây nên quyết tâm khiến sách của mình phải trở thành hàng hot và dường như anh đã làm được điều đó. Những cuốn sách của anh trong hai năm vừa rồi có "công thức" không vậy? Chẳng có công thức nào cả ngoài một suy nghĩ như thế này: Hãy chạm đến vấn đề mà bạn đọc quan tâm ở thời điểm hiện nay. Ở "Nháp", đó là chuyện những sinh viên loay hoay đi tìm lẽ sống của đời mình, chuyện ngoại cảm, chuyện hôn nhân khác chủng tộc, chuyện văn hóa tính giao thời hội nhập, chuyện đồng tính... Còn ở "Phiên bản" là thế giới tội phạm đang hiện diện hàng ngày. Những vụ án lớn như Dung "hà", Minh "sứt", Năm Cam từng gây xáo trộn xã hội, khiến dư luận bàng hoàng, sửng sốt. Tại sao nhà văn lại không đi vào những biến cố đó của đời sống xã hội để mà lý giải, cắt nghĩa? Lặn vào đời sống và trình ra những gì mình cảm mình nghĩ dưới một hình thức nghệ thuật nhất định thì đời sống sẽ đón nhận tác phẩm của mình thôi. Tự anh đánh giá thì "Phiên bản"" có gì khác biệt so với những cuốn tiểu thuyết trước của anh? Khác rất nhiều, bạn đọc sẽ không còn gặp những nam nhân vật chính, cũng không có những kiểu nhân vật như sinh viên, nhà báo, người lính, cha cố, sư sãi, nhà ngoại cảm hay những trang văn hiền lành được bố cục một cách chỉn chu, kín kẽ nữa. Một thế giới mới mà người ta quen gọi là thế giới ngầm sẽ hiện lên trong "Phiên bản" cùng một bố cục mới và một giọng văn mới, tất nhiên chất chứa trong nó là những ý tưởng mới. Vâng, nhân vật chính lần này là một nữ tướng cướp, với nhiều phiên bản trong một cuộc đời, anh có cảm thấy khó khăn khi miêu tả một cuộc sống đối nghịch trong thế giới ngầm? Tôi từng có thời gian công tác trong một cơ quan bảo vệ pháp luật nên không mấy khó khăn khi tiếp cận thế giới tội phạm. Tuy nhiên cái khó là làm sao tiểu thuyết hóa được cái thế giới tưởng như rất xa lạ và bí hiểm này để mọi người nhận thấy thế giới đó chính là thế giới chúng ta đang sống, ở ngay bên cạnh ta, trong chúng ta và từng làm chúng ta kinh hãi nhưng lại ít dành những khoảng thời gian ngắn ngủi để nghĩ về nó. Đọc tiểu thuyết của anh người ta dễ liên tưởng đến giới giang hồ Hải Phòng. Trong đời thực, tội phạm ở vùng đất này luôn khiến người ta kinh sợ. Anh cũng sinh ra ở vùng đất ấy, và anh muốn lý giải về những "dị bản" này chăng? Tiểu thuyết không đề cập địa danh hay con người nào cụ thể ở ngoài đời. Nhưng chị vẫn nhận ra vùng đất mà tôi muốn nói tới chứng tỏ hiện thực tiểu thuyết không quá xa lạ đối với người đọc. Có nhiều lý do để tôi bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết này. Thường thì nhà văn bắt đầu tác phẩm của mình từ những ám ảnh. Mảnh đất và con người quê tôi để lại trong tôi nhiều ám ảnh, trong đó có cái gọi là "đặc sản giang hồ Hải Phòng". Khi mọi thứ đã chín muồi thì tôi viết. Và tôi hy vọng là nó chạm được vào sự đồng cảm của nhiều người. Liệu anh có thiên vị và ưu ái chút nào với nhân vật nữ chính trong truyện là bà trùm của một thế giới ngầm không? Nếu hiểu thiên vị ở đây là dành những trang văn thật đẹp và xúc động cho nhân vật chính thì có đấy. Nhưng ưu ái đến mức áp đặt một kiểu lý giải nào đó về con người thì không. Ngay cái tên cuốn tiểu thuyết đã nói lên rằng, nhà văn bất lực trước việc lý giải Con Người nên mới phải trình ra những phiên bản khác nhau để hy vọng tiệm cận được Con Người đấy thôi. Nhà văn Ma Văn Kháng có nhận xét rằng "Phiên bản có một cốt truyện hay". Anh nghĩ gì về lời bình luận đó của một nhà văn đi trước? Nhà văn Ma Văn Kháng còn bình luận nhiều điều nữa sau khi ông đọc bản thảo "Phiên bản". Tuy nhiên khi ông khen "Phiên bản" có cốt truyện hay thì tôi hơi bất ngờ và cảm thấy thích thú vì cốt truyện này hoàn toàn do tôi hư cấu lên, không có sẵn ở ngoài đời để mà "nhặt" vào tiểu thuyết. Với nhận xét này của nhà văn đi trước Ma Văn Kháng, tôi sẽ tự tin hơn để tiếp tục hư cấu lên những cốt truyện mới. Nguồn: Tiền Phong (2009) Lời tác giả Nguyễn Đình Tú, không hiểu sao, có thói quen trò chuyện tỉ tê, rủ rỉ, tâm tình rất giống... phụ nữ. Có lẽ vì thế mà chị em nào cũng thích trò chuyện với gã nhà văn ở Nhà số 4. Có người bảo muốn chuyện gì được nổi tiếng, cứ nói cho Nguyễn Đình Tú biết, đảm bảo chỉ đến chiều tối là tin đi khắp cả nước. Chẳng hiểu có đúng thế không nhưng tôi thấy ít ra với cái chức trưởng ban văn xuôi của một tạp chí ngành quân đội, gã nói năng cũng kín kẽ đi nhiều. Nếu quả thật gã có tật thích buôn dưa lê mà cứ phải nói năng cẩn thận thế chắc cũng lấy làm khổ sở lắm.