Chương 10 Bấm để xem Tôi, Dế và Nhạn "phục kích" tụi thằng Dư ở bờ suối bên kia. Dế bảo buổi trưa tụi thằng Dư thường lùa trâu xuống dầm mình cho mát. Phục ở ven bờ, thế nào cũng tóm được chúng. Nhưng hai ngày đầu, tụi thằng Dư không xuất hiện. Ba đứa tôi ngồi vắt vẻo trên cành ổi sát mép nước, chờ đỏ con mắt. Trong khi Nhạn và Dế nhướng mắt dòm dỏ bốn phía để tìm tung tích đối phương thì tôi lại lo ngay ngáy về chuyện khác. Để tham gia "phục kích" tụi xóm Miễu vào những buổi trưa, tôi phải nói dối anh Thoảng là tôi ở nhà phụ dì tôi làm giàn mướp. Tôi cứ sợ anh qua chơi thình lình, không thấy tôi, anh sẽ biết ngay là tôi phịa chuyện. Anh mà giận tôi, không dạy tôi học võ nữa thì khốn. Nhưng may làm sao, thời gian trốn học của tôi không kéo dài. Trưa ngày thứ ba, lúc tôi đang ngồi nhai ổi non chóp chép thì Nhạn bất thần kêu lên: – Tụi nó tới! Tôi lật đật ném trái ổi đang gặm dở xuống suối và vạch lá nhướng cổ dòm ra. Tụi xóm Miễu đang tới thật. Bữa nay tụi nó chỉ đi có hai đứa. Thằng Dư và một đệ tử của nó đang đủng đỉnh trên lưng trâu, vừa đi chúng vừa trò chuyện, thỉnh thoảng lại bật lên những tràng cười giòn giã. Tội nghiệp chúng nó. Chúng không biết tai họa đang đến gần. Trong khi thằng Dư và đồng bọn thong thả giục trâu xuống suối thì ba đứa tôi nín thở ngồi yên trên chạc ổi. Chúng tôi sợ gây ra tiếng động, tụi thằng Dư sẽ hốt hoảng phóng trâu vọt mất. Và như vậy, tôi sẽ chẳng còn một dịp may nào để phục thù. Khi tụi xóm Miễu cỡi trâu vừa tầm, Nhạn khẽ khoát tay. Lập tức ba đứa tôi nhún mình phóng xuống, ôm chặt cổ địch thủ. Nhạn "phụ trách" thằng đệ tử. Tôi và Dế "chăm sóc" thằng Dư. Tụi xóm Miễu bị bất ngờ, không kịp trở tay, đành đưa lưng ra đỡ những cú đấm. Quần nhau một lát, năm đứa đều tuột khỏi lưng trâu, rơi tòm xuống nước. Tôi mới tập bơi nên rất sợ những trận đánh nhau dưới nước. Nhưng Nhạn đã trấn an tôi. Nó bảo trận thủy chiến sẽ chỉ xảy ra ở sát bờ, nơi mực nước chỉ cao hơn lỗ rốn một chút xíu. Nhạn chỉ nói đúng một nửa. Mực nước chỗ tôi và Dế vật nhau với thằng Dư đúng là chỉ cao tới ngực tôi là cùng. Nhưng đó là khi tôi đứng yên kia. Còn khi phải đánh nhau, nhoài tới nhoài lui, người tôi bị mất thăng bằng, đôi chân lúc nào cũng bị nhấc bổng khỏi mặt đất thì dòng suối lúc đó đối với tôi mênh mông chẳng khác nào đại dương. Vì vậy, từ khi rơi xuống nước, tôi chẳng giở một miếng võ nào ra được. Tôi chỉ lo nín thở và vẫy vùng sao cho khỏi uống nước. Thế nhưng tôi vẫn bị sặc liên tục. Nước chui vào mũi, chui vào tận óc khiến đầu tôi nhói buốt. Sau sự ngỡ ngàng ban đầu, thằng Dư dần dần lấy lại bình tĩnh và bắt đầu phản công. Là một đứa nhiều kinh nghiện trận mạc, Dư nhanh chóng nhận ra sự lúng túng hốt hoảng của tôi. Thế là nó cứ đưa lưng cho thằng Dế đấm. Nắm tay thằng Dế bé bằng trái ổi xá-lị, thụi cả trăm cái cũng chẳng ăn thua gì. Dư chỉ tìm cách "triệt" tôi. Nó cứ quơ tay dưới nước, tóm chân tôi, ra sức kéo. Bằng chiến thuật ác ôn đó, Dư cho tôi "uống nước" dài dài. Tôi nhảy loi choi một cách kinh hoàng nhưng vẫn không sao thoát được tay nó. Đôi tay nó như vòi bạch tuộc, cứ quấn chặt lấy chân tôi. Dế ngay lập tức nhận ra nguy cơ của tôi. Nhưng sức vóc nó chẳng bằng thằng Dư, do đó nó chẳng biết làm sao cứu tôi. Dế chỉ biết nhắm lưng địch thủ thoi lấy thoi để. Mà địch thủ thì sẵn lòng cho Dế đấm tha hồ. Chỉ có tôi là nhận lãnh đau thương. Trong khi tôi đinh ninh mình sắp chết ngộp đến nơi thì Dư thình lình buông tôi ra và quày quả lội vào bờ. Hóa ra bên kia, tên đệ tử của nó đang bị Nhạn đuổi chạy cuống cuồng. – Sẽ có ngày tụi mày biết tay ông! Dế rít qua kẽ răng. Nhưng nó không buồn đuổi theo thằng Dư. Nó choàng tay ngang lưng tôi, dìu tôi vào bờ. Khi tôi lên tới bờ thì tụi xóm Miễu đang dắt trâu chạy thục mạng. Đang thù thằng Dư đến tận xương tủy, tôi ngó Nhạn, hổn hển giục: – Đuổi theo chứ! Nhạn lắc đầu: – Không nên! Bên kia là đất của tụi nó. Mình bén mảng qua đó, phe nó ùa ra làm thịt mình liền! Nghe Nhạn nói vậy, tôi không đòi đuổi theo nữa. Nhưng nỗi ấm ức trong lòng cứ cuồn cuộn dâng lên, tôi bèn cúi xuống nhặt một hòn đất cày ném theo cho hả tức. Nhạn cười: – Ném vậy không trúng đâu! Anh xem đây nè! Vừa nói, Nhạn vừa tháo chiếc ná thun máng trên cổ xuống. Nó lắp đạn, giương dây, thản nhiên tuyên bố: – Em sẽ bắn vào mông nó! Nhạn thả tay. Hòn đạn đi veo véo và đánh độp một phát vào mông thằng Dư. Dư nhảy nhổm người lên. Nó nhăn nhó và thò tay ra sau mông xoa lấy xoa để khiến chúng tôi không nhịn được cười. Dế vừa vổ tay vừa nhảy cỡn: – Cho mày hết "ị" luôn! Nhưng thằng Dư là một đứa láu cá. Xoa một lát, chừng hết đau, nó liền chổng mông về phía tụi tôi để chọc tức. Tôi nghiến răng giật chiếc ná trên tay Nhạn: – Mày đưa đây! Và tôi cúi xuống đất lui cui tìm đạn. Không có sỏi, tôi nhặt một mảnh bát vỡ lắp vào ná. Rồi tôi giương dây, hùng hồn: – Tao sẽ bắn vào mông kia của nó! Tôi ngắm nghía thật kỹ và buông tay. Tôi thấy mảnh bát vỡ vút ra khỏi gọng ná như chim sổ lồng. Nhưng nó không trúng vào mông thằng Dư như tôi dự định mà lại ghim ngay vào ót nó. Thằng Dư hét lên một tiếng bài hãi khiến tôi xanh mét mặt mày. Thằng Dế ác nhơn đứng bên cạnh còn la lên: – Anh bắn bể "gáo dừa" nó rồi! Khiến tôi càng thêm khiếp đảm. Ở đằng kia, tên đệ tử của thằng Dư vội vàng chạy lại xem xét vết thương của thủ lĩnh. Và nó bật la hoảng: – Máu! Máu quá trời! Dư kinh hãi đưa tay sờ đầu. Thấy máu, nó hét lên: – Chết tao rồi! Và nó đưa tay ra sau ôm chặt lấy ót. Và cứ giữ tay như thế, nó ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Ở phía sau, tên đệ tử quýnh quíu rượt theo.
Chương 11 Bấm để xem Chiến thắng không phải bao giờ cũng đem lại niềm vui. Từ lúc bắn hạ thằng Dư, lòng tôi ngập đầy lo lắng. Nhạn và Dế cũng rầu rĩ không kém. Thằng Dế, sau lời reo mừng rỡ khi thấy tôi bắn trúng địch thủ, đã bắt đầu nhận ra tình thế hiểm nghèo đang treo lơ lững trên đầu. Nếu thằng Dư có mệnh hệ nào, chúng tôi sẽ lãnh đủ hậu quả. Còn nếu nó chết, chúng tôi sẽ đi tù. Điều đó khỏi cần bàn cải. Vì những lẽ đó mà trên đường về, chẳng có khúc khải hoàn. Chỉ có những dáng đi ủ rũ. Nhạn buồn rầu chép miệng: – Ai bảo anh bắn vào đầu nó chi! Nhạn nói trổng trổng, nhưng rõ ràng có ý trách tôi. Tôi chống chế: – Tao đâu có cố ý bắn vào đầu nó! Tao nhắm vào mông chẳng hiểu sao lại trúng đầu! Nhạn đã thấy tài xạ kích của tôi một lần lúc bắn xoài trong vườn ông Tư Thiết nên nó chẳng buồn trách móc tôi nữa. Nó chỉ thở dài: – Chẳng hiểu thằng Dư có sao không! Câu nói bâng quơ của Nhạn khiến tôi tự dưng thót lại. Đã vậy, thằng Dế lỏi tì kia còn bép xép chen vô: – Khi nãy thấy tay thằng Dư dính đầy máu, em sợ muốn són cả ra quần! Tôi hắng giọng nói, tự trấn an hơn là để trấn an Nhạn và Dế: – Chắc không sao đâu! Có thể nó chỉ bị trầy da thôi! Tôi cố nó cứng, nhưng giọng lại run run. Nhạn xem chừng như tội nghiệp tôi. Nó gật gù nói theo: – Ừ, có thể nó chỉ bị trầy da! Sự a dua của Nhạn giúp tôi yên tâm được chút chút. Nhưng sự yên tâm đó kéo dài không lâu. Chúng tôi về nhà được chừng mười lăm phút đã nghe tiếng ồn ào ngoài ngõ. Nấp trong kẹt cửa dòm ra, tôi toát mồ hôi hột khi thấy thằng Dư đang thất thểu đi vào. Một đứa con gái, chắc là chị nó, cầm tay nó dắt đi. Tụi con nít trong xóm xúm đen xúm đỏ chung quanh. Ngoảnh lại sau lưng, không thấy Nhạn và Dế đâu, tôi vội vàng lỉnh xuống nhà dưới, vòng ra sau hè. Hóa ra hai ông tướng đã chuồn ra ngoài trước tôi và đang đứng trên chuồng gà kê sát tường, kiểng chân dòm qua cửa tò vò, quan sát hiện trường. Tôi lật đật leo lên đứng cạnh Nhạn và hồi hộp nhỏng cổ nhìn vào nhà. Lúc này, dì Sáu đã nghe động. Dì vội vã bước ra hiên: – Gì vậy Út Thêm? Hóa ra chị thằng Dư tên Út Thêm. Mặt mũi nó dễ thương mà cái tên sao nghe xấu hoắc! Tôi nhủ bụng và thấp thỏm dỏng tai chờ nghe nó tố cáo tôi. – Em cháu bị té chảy máu! Nhờ dì coi giùm cho nó chút! Giọng Út Thêm êm ái như ru. Tôi ngẩn ngơ tưởng đang nghe họa mi hót. So với nhỏ Thơm, giọng nói của Út Thêm du dương hơn gấp một tỉ lần. Du dương nhất là nó chẳng tỏ vẻ gì muốn "méc" dì Sáu về tội ác của chúng tôi. Sau khi giải tán đám con nít hiếu kỳ, dì Sáu dắt thằng Dư lại đằng phản và bắt đầu xem xét vết thương. Ngọ nguậy trên cái chuồng gà chênh vênh, tôi quay sang Nhạn và Dế, ngầm chia sẻ nỗi mừng thoát nạn. Hóa ra Út Thêm dắt thằng Dư đến nhà dì tôi là để nhờ xức thuốc và băng bó, chứ không phải để mắng vốn. Ông tôi là thầy thuốc nổi tiếng, vì vậy dì tôi cũng học được ở ông ít nhiều. Từ ngày ông mất, dì tôi trở thành cô y tá nghiệp dư trong làng. Những khi trúng gió, đau bụng, nhức đầu hay phỏng nước sôi, đứt tay chảy máu, người làng thường đến dì tôi xin thuốc hoặc nhờ băng bó. Làng Hà Xuyên là một làng nghèo. Dì tôi chữa bệnh không bao giờ lấy tiền. Để tạ ơn, người khá giả thì biếu cặp gà, người túng bấn thì đem cho buồng chuối chặt trong vườn. Từ ngày về chơi nhà dì đến nay, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh lạ lùng và cảm động, những mối quan hệ đầy tình nghĩa thôn lân từ lâu đã vắng bóng trong nếp sinh hoạt của người thành thị. Út Thêm ngồi nhấp nhổm bên cạnh thằng Dư, chốc chốc lại buột miệng lo lắng hỏi: – Có sao không dì? Săm soi một hồi, dì tôi đứng thẳng người dậy, tươi tỉnh đáp: – Cháu đừng lo! Vết thương không nặng lắm đâu! Nghe vậy, bốn cái miệng cùng thở phào. Út Thêm là một. Cộng thêm ba tên trộm đang rình ở ngoài hè nữa là bốn. Sau khi nói một câu nghe mát lòng mát dạ, dì tôi bước lại tủ lom khom lục thuốc. Dì lôi ra bông băng, thuốc tím, thuốc đỏ. Rồi dì kêu thằng Dư cúi đầu xuống để dì rửa vết thương. Thằng Dư gan lì không thua gì thằng Thể. Thuốc tím sát trùng, xức vào vết thương, rát muốn nhảy dựng. Nhưng Dư không kêu một tiếng. Nó nghiến chặt răng, không rên rỉ, cũng chẳng hít hà. Chỉ có cặp mắt nó láo liên. Hẳn nó muốn xem tụi tôi nấp ở đâu. Cho đến khi ra về, bước tới ngõ rồi, nó vẫn còn ngoái đầu lại dáo dác dòm quanh.
Chương 12 Bấm để xem Kể từ hôm đó, tôi chán đánh nhau. Tôi chán cả trò tắm suối lẫn bắn chim. Tôi thích nằm đu đưa trên chiếc võng ngoài vườn và vẩn vơ nghĩ tới.. Út Thêm hơn. Không hiểu sao mỗi lần nghĩ tới Út Thêm, tôi cảm thấy người tôi lơ lơ lửng lửng và tôi mong gặp lại nó biết bao. So với nhỏ Thơm, Út Thêm dịu dàng hơn. Mà tôi, tôi lại thích những bạn gái dịu dàng. Nhỏ Thơm chất phác nhưng rắn rỏi. Mặc dù nó mến tôi và tôi cũng mến nó nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh nó cỡi lên cổ thằng Nhạn, tôi lại cảm thấy sao sao ấy. Út Thêm chắc không vậy. Người có vóc dáng mảnh mai và giọng nói êm ái như nó chắc không thích trò đánh nhau, mặc dù thằng Dư em nó là chúa đập lộn. Khi Út Thêm chào dì tôi ra về, tôi đã ngẩn ngơ trước nụ cười rụt rè của nó. Nó cười dễ thương ghê. Nhỏ Thơm cười tươi hơn, nhưng không có duyên bằng. Khi Út Thêm cười, tôi đã để ý kỹ. Tôi thấy nó có một cái răng khểnh, giống như tôi. Mặc dù cái răng khểnh của tôi khi cười trông vô duyên tệ. Thằng Nhạn là chúa thộn. Ngay vào lúc tôi đang nằm lắc lư trên võng và mường tượng đến nụ cười của người đẹp xóm Miễu thì nó cầm dây võng giật đùng đùng: – Anh Chương! Dậy ăn đu đủ! Tôi quay lại. Thằng Nhạn đang cầm trái đu đủ vàng lườm trên tay. – Đu đủ ở đâu vậy? – Tôi hỏi. – Ở trên cây. Em mới hái. Vừa nói, Nhạn vừa cầm dao bổ trái đu đủ làm đôi. Rồi nó đưa tôi phân nửa, kèm với một cái muỗng: – Anh ăn đi! Đu đủ nhà em ngọt lắm! Tôi tròn mắt: – Mày không gọt ra à? Nhạn cười: – Gọt chi cho mất công! Để vậy, lấy muỗng múc ăn ngon hơn! Nói xong, nó cầm muỗng xoáy vào nửa trái đu đủ trên tay, múc ăn ngon lành. Lập tức tôi làm theo nó. Vừa ăn tôi vừa hỏi: – Nè Nhạn! – Gì? – Thằng Dư ấy mà. – Thằng Dư sao? – Chị nó ấy mà. – Chị nó sao? – Chị nó.. hiền ghê mày há! Tôi muốn nói chị nó "dễ thương ghê" nhưng lại cảm thấy ngường ngượng, bèn nói tránh đi. Nhạn không buồn để ý đến chị thằng Dư. Nó gật đầu một cách máy móc: – Ừ. Rồi nó phun hột đu đủ trong miệng ra, nói: – Trái đu đủ này ít hột ghê anh hén? Tôi liếm môi: – Ừ. Nhưng mà này! – Gì? – Chị thằng Dư ấy mà. – Chị nó sao? – Chị nó có cái tên ngộ ghê! Ai lại tên Út Thêm! Nhạn tỏ vẻ hiểu biết: – Bởi vì nó có một bà chị tên Út. – Là sao? – Tôi không hiểu. – Nhà nó đông anh em. Khi đẻ chị nó, tưởng là hết rồi, nhà nó mới đặt tên Út. Không ngờ mấy năm sau, nó lót tót chun ra, nhà nó bèn gọi nó là Út Thêm. Sau đó, mẹ nó lại sinh thêm một đứa nữa, tức là thằng Dư. Câu giải thích của Nhạn khiến tôi phì cười. Hóa ra cái tên của hai chị em thằng Dư cũng "sự tích" gớm! Ngồi im một lát, tôi lại buột miệng: – Nè Nhạn! – Gì? – Nhỏ Út Thêm ấy mà. – Nó sao? Loay hoay một hồi, không nghĩ ra câu nào mới, tôi bèn lặp lại câu khi nãy: – Nó hiền ghê mày há? Nhạn có vẻ đã ngán ngẩm trước việc tôi cứ khen Út Thêm "hiền ghê" hoài, nó trả lời bằng một giọng kém hào hứng: – Ừ, hiền. Tôi nhìn Nhạn bất mãn: – Nó hiền thật mà! – Thì em có nói gì đâu! Tôi tiếp tục: – Nó không "méc" dì Sáu chuyện mình bắn bể đầu thằng Dư. – Ừ. – Nó chỉ tới nhờ dì Sáu xức thuốc thôi. – Ừ. – Khi ra về, nó còn cười. – Cười thì nói làm gì. Ai mà chẳng cười. – Nhưng nó có cái răng khểnh mày ạ. Nó giống tao. Nhạn hắng giọng: – Tưởng gì! Cái răng lồi xỉ của nó em thấy lâu rồi. Cái từ ngữ thô thiển của Nhạn khiến tôi tức ói máu. Cái răng khểnh của người ta, nó lại gọi là "răng lồi xỉ", nghe chẳng thơ mộng tí nào. Tôi cau mặt: – Mày đừng gọi là răng lồi xỉ. Đó là răng khểnh. – Em cứ gọi là răng lồi xỉ. Em chẳng biết răng khểnh gì ráo. Ở làng em, mọi người đều gọi những chiếc răng mất trật tự, nằm không ngay hàng thẳng lối là răng lồi xỉ. Nhạn bình thường hiền lành, tôi bảo sao nghe vậy. Chẳng hiểu sao hôm nay nó cứng đầu quá xá. Hay là nó không ưa Út Thêm vì Út Thêm mắc cái tội tài đình là làm chị thằng Dư! Nghĩ vậy, tôi không thèm cãi nhau với nó. Tôi chỉ chép miệng, thăm dò: – Nhưng mày có công nhận là nó dễ mến không? Nhạn bĩu môi: – Em chẳng mến nó chút xíu nào! Nhạn làm tôi cụt hứng. Tôi chớp mắt: – Nhưng nó hiền. – Nó hiền kệ nó! – Nhạn nhún vai – Nó hiền, nhưng em nó thì dữ. Trước sau gì thằng Dư cũng sẽ tìm cách phục thù anh em mình! Kể từ lúc gặp Út Thêm, tự trong thâm tâm tôi đã không còn xem thằng Dư là kẻ thù nữa. Tôi coi nó như.. em. Vì vậy, nghe Nhạn nói về thằng Dư một cách hậm hực, tôi ngồi im không tán đồng cũng không phản đối. Để lảng chuyện, tôi giả bộ ngó lên vòm lá, xuýt xoa: – Khế chín quá trời mày ơi! Nhạn mắc bẫy tôi ngay. Nó nhìn lên những chùm trái lủng lẳng trên cao: – Anh ăn không, em hái xuống cho? Tôi lắc đầu: – Lát nữa tao mới ăn. Bây giờ tao no quá, phải nằm nghỉ một lát! – Vậy lát nữa em hái cho anh! Nói xong, Nhạn cầm lấy chiếc muỗng và cái vỏ đu đủ trên tay tôi rồi trở gót vào nhà. Chỉ đợi vậy, tôi ngả lưng xuống võng và co chân đạp vào thành giếng cho chiếc võng chao qua chao lại. Nằm đong đưa một mình, tôi tha hồ thả nỗi nhớ bay xa.
Chương 13 Bấm để xem Suốt cả tuần lễ sau đó, tôi nghĩ nát óc vẫn chẳng tìm được cách nào làm quen với Út Thêm. Nó ở tuốt trong xóm Miễu, tôi ở xóm ngoài, cách nhau một cây cầu và một trảng cỏ mênh mông, tôi chẳng có lý do gì để đến thăm nó. Đó là chưa kể, nếu tôi liều mạng tiến sâu vào lãnh thổ của tụi thằng Dư, có khi tôi bị no đòn. Nhạn và Dế rất quí tôi nhưng những chuyện như thế này tôi chẳng thể thổ lộ với tụi nó. Tụi nó không chia sẻ được đã đành, không chừng lại còn kết án tôi "đầu hàng" phe địch. Lúc đó, đừng hòng thanh minh. Người duy nhất có thể giúp được tôi là bà La Sát. Ở thành phố, tụi bạn tôi thường chơi chiến thuật đó. Muốn làm quen với một đứa con gái nào, tụi nó thường mua cóc ổi "hối lộ" một đứa con gái khác, để nhờ đứa này "bắt cầu" hộ. Có những chuyện, giữa con gái với nhau dù sao cũng dễ nói hơn. Tôi chưa áp dụng chiến thuật này bao giờ. Tôi "làm quen" với mấy đứa con gái trong lớp bằng cách cột đuôi áo dài của tụi nó vào chân bàn, để rồi khi bị phát hiện, lại dỏng tai nghe tụi nó chửi và nhe răng cười hì hì như khỉ đột. Với bạn gái, tôi chỉ khoái nghịch ngợm và chọc phá. Tôi chẳng khoái nghĩ về tụi nó. Vậy mà chẳng hiểu sao, bây giờ tôi cứ nghĩ mãi về Út Thêm. Mỗi lần nghĩ về nó, tôi lại thấy lòng mình man mác như có một làn gió nhẹ thoảng qua. Lạ ghê! Nhỏ Thơm lúc này đã khá thân với tôi. Nó đã mượn tôi đến cuốn truyện thứ ba. Còn tôi thì lên chơi nhà nó đến lần thứ.. mười. Tôi ăn xoài mệt nghỉ. Tôi ăn ổi no nê. Rồi tôi ăn cam, ăn quít. Chán cam quít, tôi hái me chua chấm muối ớt, vừa ăn vừa nhăn mặt hít hà. Tôi ngồi bệt dưới gốc cây, những chiếc lá li ti rơi bám đầy trên tóc, lúc ra về, nhỏ Thơm phải loay hoay cả buổi gỡ giùm tôi. Nhỏ Thơm hào phóng tặng tôi tất cả những thức ngon vật lạ trong vườn nhà nó. Chỉ để được tôi lên chơi với nó. Chỉ để được tròn mắt ngẩn ngơ nghe tôi kể về thành phố. Rồi tặc lưỡi xuýt xoa. Rồi trầm trồ mơ ước. Nhỏ Thơm khờ khạo. Nó không biết tôi là chúa phịa. Thành phố tôi ở cóc có ngôi nhà nào cao hơn mười tầng, tôi bảo có nhà hai mươi tầng, nó tin ngay. Và nó mơ mộng sẽ có một ngày đẹp trời nào đó, nó được đứng trên sân thượng của ngôi nhà cao tầng đó nhìn xuống đất để thấy người ta và xe cộ bé bằng đàn kiến đang trú ngụ trên cành quít trong vườn nhà nó. Thành phố của tôi chỉ có hai rạp chiếu bóng bé xíu. Tôi bảo có đến hai trăm rạp. Trẻ con chui vào coi cọp, bị đuổi chạy toé khói. Tôi bảo trẻ con vào coi chiếu bóng không mất tiền, chỉ cần trình giấy khai sinh chứng tỏ mình chưa tới mười tám tuổi. Nghe tôi bốc phét, nhỏ Thơm thèm nhỏ dãi. Nó bảo nếu có dịp lên thành phố, nó sẽ đi hết hai trăm rạp. Nó sẽ mua bánh mì đem theo để được coi phim từ sáng đến tối, khỏi cần chạy về nhà ăn cơm. Có lần, đang sẵn trớn ba hoa, tự dưng tôi buột miệng: – Có cả phim đánh nhau nữa! Thơm có thích xem phim đánh nhau không? – Không. Câu trả lời của nhỏ Thơm khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi nhìn sững nó: – Sao lạ vậy? Thơm thích đánh nhau lắm mà! Nhỏ Thơm tròn mắt: – Ai bảo anh vậy? – Thằng Nhạn bảo! – Tôi khịt mũi – Nó bảo Thơm hay vật nó xuống đất, rồi cỡi lên người! Nhỏ Thơm đỏ mặt: – Đó là chuyện năm ngoái. Năm nay Thơm lớn rồi, Thơm không thích trò đánh nhau nữa! Tôi giở giọng cà khịa: – Sao hôm trước tôi nghe Thơm dọa thằng Nhạn lên trường sẽ cho nó biết tay? – Hôm đó anh đứng ở đâu mà nghe? – Nhỏ Thơm thắc mắc. Tôi gãi đầu: – Hôm đó hả? Hôm đó tôi đứng ở.. ngoài hàng rào. Nhỏ Thơm cười, nó chẳng để ý đến vẻ lúng túng của tôi: – Thơm chỉ dọa thằng Nhạn vậy thôi. Thơm ghét nó. Ai bảo nó cứ chui vào vườn nhà Thơm. Tôi láu lỉnh: – Chứ tôi thì sao? Tôi cũng chui vào vườn nhà Thơm vậy! – Nhưng anh khác! – Khác sao? Nhỏ Thơm chớp mắt. Nó nhìn xuống đất: – Thơm không biết. Lúc này nhỏ Thơm trông chẳng có vẻ gì là bà La Sát. Nó bẽn lẽn hệt như những đứa con gái lớp tôi lúc trả bài không thuộc. Nó làm tôi bâng khuâng quá chừng. Nhỏ Thơm nó bảo không biết. Nhưng tôi biết. Tôi biết Thơm mến tôi. Vì ngay ở lần gặp gỡ đầu tiên, tôi đã trèo lên giàn bếp lấy nia cho nó mượn. Rồi tôi cho nó mượn truyện. Mượn tha hồ. Rồi tôi lên chơi với nó. Tôi kể chuyện thành phố cho nó nghe. Nó nghe say sưa và không những không suỵt chó cắn tôi mà còn hái trái cây mời tôi ăn và nhét đầy túi quần túi áo tôi, bắt tôi đem về. Chuyện dễ ợt vậy có gì mà không biết. Chắc nhỏ Thơm nó mắc cỡ nó làm bộ đó thôi. Thái độ của nhỏ Thơm khiến người tôi lâng lâng. Và tôi không dám thực hiện ý định nhờ vả của mình. Tôi đành câm miệng hến và lủi thủi ra về, bụng không rõ sẽ làm cách nào để gặp lại Út Thêm.
Chương 14 Bấm để xem Tôi không rõ nhưng Út Thêm rõ. Chắc vậỵ Cho nên từ xóm Miễu nó lò dò ra xóm ngoài tôi ở. Một buổi sáng, đang đứng thơ thẩn trước ngõ, tôi bỗng nhìn thấy Út Thêm. Nó đội thóc đến nhà ông Hai Đởm. Ông Hai Đởm là chủ nhân chiếc máy xay thóc duy nhất trong làng. Ở xóm Miễu, xóm trên, người ta đều đến xay thóc ở chỗ ông. Sự gặp gỡ bất ngờ khiến tôi bàng hoàng cả người. Tôi phải dụi mắt bốn, năm lần để biết rằng mình không nằm mơ. Trong một thoáng, tôi không biết phải làm gì. Tôi cứ đứng ôm chặt lấy thân cau, tưởng như đời đời không gỡ tay ra nổi. Mãi một lúc lâu, tôi mới dần dần trấn tĩnh. Và tôi vội vã băng ra ngoài ngõ trúc. Tôi rảo dọc theo con đường làng, đi về phía cầu tre. Tôi đã quyết định rồi. Tôi sẽ đợi Út Thêm ở đây. Cầu tre cách nhà ông Hai Đởm khá xa, tôi không sợ người quen bắt gặp. Tôi sẽ đón đường Út Thêm và nói với nó rằng không hiểu sao chỉ mới gặp nó có mỗi một lần, tôi cứ nghĩ về nó hoài. Tôi mong gặp lại nó xiết bao. Hẳn Út Thêm sẽ cười. Nó sẽ tưởng tôi là người thích đùa. Nếu không, nó sẽ nghĩ tôi điên. Nhưng tôi mặc kệ. Út Thêm muốn nghĩ sao thì nghĩ, còn tôi, tôi cứ nói. Bấy lâu nay, lòng tôi đã chẳng còn thanh thản. Lúc này không nói ra, còn đợi bao giờ! Tôi ngồi lặng lẽ trên vạt cỏ chân cầu nhìn nước chảy. Hàng dương liễu hai bên bờ không ngừng reo vi vu trong gió như để động viên tôi. Chỉ có đám chèo bẻo làm tổ trên những ngọn cây cao là ưa thóc mách. Chốc chốc, chúng lại rủ nhau sà xuống và liệng ngang trước mặt tôi, miệng kêu lên những tiếng ngạc nhiên ra ý hỏi. Nhưng tôi cứ phớt lờ. Cũng như tôi đã nhiều lần phớt lờ trước ánh mắt tò mò của những người đi chợ về ngang. Những lúc đó, tôi tự dặn mình lần sau nếu có đợi "ai" ở chân cầu này nữa, tôi sẽ xách theo cái cần câu của Nhạn. Tôi sẽ giả vờ ngồi câu cá để đánh lừa những cặp mắt hiếu kỳ. Tôi sẽ thả lưỡi câu xuống nước mà không thèm móc mồi. Bởi tôi đâu cần câu cá dưới nước. Tôi câu cá trên bờ kia. Gần trưa, "con cá" mới về ngang. Vẫn chiếc thúng trên đầu không tay vịn. Út Thêm từ từ tiến về phía tôi. Tự dưng tôi bỗng hồi hộp lạ lùng. Tôi nghe rõ tiếng đập thình thịch của trái tim trong ngực. Quên sạch sành sanh cả những điều tôi định nói với Út Thêm. Thậm chí, ngay cả lúc Út Thêm tiến sát chân cầu, tôi cũng quên đứng dậy. Tôi ngồi bệt trên cỏ, sững người ra dòm nó. Tôi thấy Út Thêm có liếc về phía tôi một cái. Một cái thôi. Rồi tiếp tục đi thẳng. Chỉ đến khi Út Thêm băng qua khỏi cầu và bắt đầu đặt chân lên con đường nhỏ rợp bóng sầu đông dẫn về phía trảng, tôi mới hoảng hốt nhận ra cơ may sắp tuột khỏi tay mình. Và không kịp suy nghĩ gì thêm, tôi lật đật nhỏm người dậy và ba chân bốn cẳng đuổi theo. Tôi kêu: – Út Thêm! Út Thêm quay lại. Nó lộ vẻ ngạc nhiên khi trông thấy tôi. Ngần ngừ một thoáng, nó dè dặt hỏi: – Anh là ai vậy? Sao anh biết tên tôi? Lúc này, tôi đã đuổi kịp Út Thêm và từ từ đi chậm lại. Tôi nhìn vẻ mặt ngơ ngác của nó, cười đáp: – Tôi là cháu dì Sáu. Hôm Út Thêm dẫn thằng Dư lên xin thuốc, tôi nhìn thấy. Nghe tôi giới thiệu là cháu dì Sáu, Út Thêm đổi thái độ liền. Ngay cả cách xưng hô cũng khác: – Anh là cháu dì Sáu, sao Út không biết? Tôi nheo mắt: – Làm sao Út Thêm biết được! Tôi ra thành phố từ nhỏ! Út Thêm vọt miệng: – Anh về đây nghỉ hè phải không? – Ừ. Tôi đáp, bụng thầm phục Út Thêm quá xá. Và tôi không buồn che giấu sự thán phục của mình. Tôi khen: – Út Thêm thông minh ghê! – Út chỉ đoán mò vậy thôi! Sau khi đáp một câu khiêm tốn, Út Thêm ngậm tăm. Nó chẳng buồn nói thêm một câu nào nữa. Trong khi đó, tôi ngóng cổ chờ nó hỏi tôi như nhỏ Thơm đã từng hỏi tôi. Rằng ở thành phố có gì vui không. Rằng về đây, anh có đem theo gì không. Rằng anh có thích ghé nhà Út chơi không. Nhưng Út Thêm chẳng hỏi. Khiến tôi lẽo đẽo đi bên cạnh, lòng buồn phiền không kể xiết. Không thể im lặng đi bên cạnh Út Thêm mãi được, tôi bèn lấy hết can đảm gợi chuyện: – Út Thêm nè! – Anh bảo gì? – Giọng Út Thêm lí nhí. Tôi hít một hơi đầy lồng ngực: – Út Thêm có thích đọc truyện không? Tôi có nhiều truyện lắm. Toàn truyện hay không hà. Tôi tính giở mửng cũ. Nhưng Út Thêm không phải là nhỏ Thơm. Nó làm tôi chưng hửng: – Út không thích. Tôi nuốt nước bọt: – Truyện mà không thích? – Ừ. Tôi cắn môi: – Chứ Út Thêm thích gì? – Út cũng.. không biết. Giọng Út Thêm ngập ngừng. Nó nói kiểu đó khác nào nó đánh đố tôi. Nó còn không biết nó thích gì thì chỉ có trời mới biết. Tôi không phải là trời. Do đó, tôi chuyển đề tài: – Ngày mai Út Thêm có đi xay thóc nữa không? – Không. – Ngày mốt? – Mốt cũng không. Tôi hỏi và nghe tim mình thót lại: – Vậy chẳng bao giờ Út Thêm đi ra ngoài này à? Út Thêm cười. Nó khoe răng khểnh: – Ngày nào mà Út chẳng đi ngang đường này. Út đi chợ trên Bình Trung. Út Thêm "thông báo" tin đó một cách vô tư. Trong khi đó, tôi tưởng như nghe một lời.. hò hẹn. Đầu tôi choáng váng. Lòng tôi tràn ngập hân hoan. Tôi thầm cảm ơn chợ Bình Trung. Tôi cảm ơn chợ Bình Trung đã nằm ở.. Bình Trung, để Út Thêm mỗi ngày phải đi ngang ngõ trúc. Chứ nếu chợ Bình Trung chơi xỏ tôi bằng cách nằm ngay xóm Miễu thì suốt đời tôi đừng hòng gặp lại Út Thêm. Trước niềm vui choáng ngợp đó, tôi đâm ra dạn dĩ: – Ngày mai tôi đợi Út Thêm ở đây nghen? – Chi vậy? Câu hỏi cắc cớ của Út Thêm khiến tôi chết đứng. Đang hào hứng ba hoa, tôi bỗng ngậm tăm. Hệt như chiếc xe đang chạy ngon trớn bỗng vấp phải ổ gà. Nhưng tôi không giận Út Thêm. Nhìn vẻ mặt thành thật của nó, tôi biết nó không cố ý kê tủ đứng vào miệng tôi. Út Thêm là con gái quê, cái gì không biết thì nó hỏi. Chính vì không biết tại sao một người con trai phải đợi một người con gái vào một buổi sáng tại một cây cầu cho nên nó đã hỏi. Và tôi đã nghẹn họng. Chính vườn cây nhà nhỏ Thơm đã cứu tôi. Đang lúc bối rối, tôi sực nhớ tới những trái xoài lủng lẳng trong vườn nhà nó. Và tôi lập tức trả lời câu "phỏng vấn" hóc búa của Út Thêm: – Tôi đợi Út Thêm để cho Út thêm cái này! – Gì vậy? – Xoài. – Xoài? Tôi liếm môi: – Ừ, xoài thanh ca! – Sợ chưa chắc ăn, tôi hùng hồn quảng cáo – Xoài thanh ca ngon lắm! Út Thêm không nói gì. Nó chỉ cười khúc khích. Tiếng cười vốn có nhiều ý nghĩa. Tôi chẳng hiểu tiếng cười của Út Thêm mang ý nghĩa nào. Rằng nó đồng ý hay từ chối lời hò hẹn của tôi. Để yên tâm hơn, tôi hỏi lại: – Nghen? – Ừ. Út Thêm "ừ" ngọt xớt. Ngọt gấp ngàn lần xoài thanh ca. Ngọt đến mức khi nó đã bỏ đi rồi, tôi vẫn còn đứng sững giữa đường ngơ ngẩn nhìn theo.
Chương 15 Bấm để xem Tôi cứ đinh ninh cuộc trò chuyện của tôi với Út Thêm diễn ra trong vòng bí mật. Nào ngờ, tôi vừa thò đầu vào nhà, thằng Dế đã hỏi ngay: – Khi nãy anh gặp chị Út Thêm phải không? Tôi điếng người: – Sao mày biết? – Khi nãy, lúc băng đồng về nhà, em nhìn thấy. Tưởng nó nghe ai nói chứ nếu chính mắt nó thấy, tôi hết đường chối. Mà càng chối, nó càng nghi. Tôi bèn ậm ừ: – Tao ra suối lấy trứng chèo bẻo, tình cờ gặp nó. Dế nhìn lom lom vô túi áo tôi: – Trứng chèo bẻo đâu? Tôi chép miệng: – Tao lấy đâu có được. Con chèo bẻo mẹ bay vô tấn công dữ quá, tao đành phải leo xuống. Tôi mừng rơn khi thấy Dế quay sang chuyện chim chóc. Nhưng Dế là đứa ác ôn. Khi thấy tôi không lấy được trứng chim, nó liền quay trở lại đề tài cũ: – Anh nói chuyện gì với chị Út Thêm vậy? Tôi khịt mũi: – Tao nói chuyện thằng Dư. – Anh nói sao? – Tao hỏi vết thương sau ót thằng Dư đã lành chưa. – Lành chưa? – Rồi. Nhỏ Út Thêm bảo là vết thương đang kéo da non. Nói xong, tôi tặc lưỡi nhìn ra sân nắng. Tôi đang nghĩ cách thoát khỏi tình huống gay go này. Nhưng Dế không để tôi yên. Thấy tôi im lặng lâu lắc, nó sốt ruột: – Rồi sao nữa? – Sao là sao? – Anh còn nói chuyện gì nữa? Tôi thở dài: – Tao có nói chuyện gì nữa đâu! Nói tới đó là hết rồi! Dế tỏ vẻ nghi ngờ: – Em thấy hai người nói chuyện với nhau lâu lắm mà! Thằng Dế này là con nít mà nó để ý chuyện "người lớn" chi kỹ vậy không biết! Tôi than thầm trong bụng, đầu loay hoay tìm đường nó trớ. Nghĩ một lát, tôi ấp úng phịa: – À, à.. nhỏ Út Thêm còn nói chuyện này. Khi nãy tao quên mất. – Chuyện gì vậy? – Nó bảo là tụi mình với tụi thằng Dư đừng chơi trò đánh nhau nữa. Dế gãi gáy: – Đừng đánh nhau nữa? – Ừ. Nó bảo chơi trò đánh nhau rất nguy hiểm. Rủi chết người là có đứa đi tù. Nghe nói đi tù, Dế rùng mình. Nó dòm tôi, thấp thỏm hỏi: – Chị Út Thêm có biết thằng Dư bị tụi mình bắn không? Tôi nhún vai: – Nó không nói. Nhưng chắc là nó biết. Dế không hỏi nữa. Mà ngồi trầm ngâm. Chắc nó đang nhớ lại những trận giao tranh ác liệt với tụi xóm Miễu để giành quyền thống trị khúc suối nhỏ chia đôi hai xóm. Giã từ những trận đánh nhau, những trò ném đất bụi mù cả một quãng đồng, hẳn Dế tiếc đứt ruột. Tôi liếc nó, thấy mặt nó thẫn thờ, xa vắng. Nhưng tôi phớt lờ. Tôi mặc Dế buồn thỉu buồn thiu. Bởi vì tôi đã chán đánh nhau. Đánh nhau với thằng Dư "em tôi", tôi càng không muốn. Dế chẳng hiểu tâm trạng éo le của tôi. Trầm tư một hồi, nó chép miệng, giọng băn khoăn: – Mình không đánh nó, nó cũng đánh mình! – Mắc chi nó đánh mình? Dế rụt cổ: – Đánh chứ! Hễ gặp nhau ngoài suối thế nào cũng "choảng"! Hai bên "thù" nhau lâu rồi! – Không sao! – Tôi gật gù – Để khi nào gặp Út Thêm, tao sẽ bảo nó cấm thằng Dư gây chiến với tụi mình. Tôi nói và cảm giác Dế không tin lời tôi. Nó không nói ra nhưng đôi mắt nó không giấu giếm vẻ nghi hoặc. Dế không tin tôi cũng phải. Bởi vì, mặc dù tuyên bố hùng hồn như vậy, khi giáp mặt Út Thêm, tôi quên béng hết mọi thứ. Tôi chỉ mải nghĩ ngợi vẩn vơ. Tôi chỉ lo ăn nói sao cho đừng lắp bắp.
Chương 16 Bấm để xem Tôi gặp lại Út Thêm vào sáng hôm sau. Ăn cơm sáng xong, chờ cho Nhạn và Dế đi ra đồng, tôi liền tót ra trước cổng nhà ông Hai Đởm, tha thẩn dạo tới dạo lui. Tôi vừa ngóng về phía cầu tre trông chừng Út Thêm, vừa lấm lét nhìn quanh, sợ anh Thoảng hoặc thằng Thể thình lình bắt gặp. Một lát sau, Út Thêm xách giỏ đi ngang. Hôm nay không có thúng thóc đội trên đầu, trông nó duyên dáng và mềm mại hơn. Nhác thấy tôi, nó mỉm cười hỏi ngay: – Xoài của Út đâu? Trời đất, sáng sớm gặp tôi, nó không thèm chào hỏi mà nhắc ngay đến chuyện ăn uống! Con nhỏ này.. tham ăn dễ sợ! Tôi than thầm trong bụng và bối rối xòe tay ra: – Đâu có đây! Tôi cất trong nhà. Lát nữa, đợi Út Thêm đi chợ về, tôi mới đưa. Út Thêm không nói gì. Nó cười với tôi thêm một cái nữa và tiếp tục.. đi thẳng. Tôi đứng nhìn theo Út Thêm một hồi lâu. Cho đến khi nó rẽ ngoặt sau một khúc quanh, tôi mới lững thững bỏ vào nhà. Tôi lục chồng tập của Nhạn, xé một tờ giấy và nắn nót viết một dòng chữ to tướng "Hôm nào tôi ghé nhà Út Thêm chơi nghen!" Xong, tôi gấp tờ giấy lại bỏ vào túi áo. Rồi tôi trèo lên đầu tủ, lấy trái xoài giấu trên đó, cho vào túi quần. Trước khi đến chỗ hẹn, tôi còn đi vòng ra sau bếp, rút cái cần câu Nhạn nhét trên mái lá, cầm theo. Trang bị đâu đó xong xuôi, tôi thả bộ xuống cầu tre. Ngồi bên chân cầu, tôi ngoan ngoãn đóng vai Lã Vọng. Xưa, ông Lã Vọng câu cá bằng lưỡi câu thẳng đuột. Nay tôi câu cá chẳng có lấy một con giun. Nhưng tôi khác ông. Ông chờ sự nghiệp. Còn tôi, tôi đợi.. tình yêu. Tình yêu đi chợ đến trưa trờ trưa trật. Mặt trời gần đứng bóng, nó mới đủnh đỉnh về ngang. So với lần trước, lần này tôi đã bớt đần độn hơn. Vừa thấy bóng Út Thêm từ xa, tôi đã đứng bật ngay dậy, miệng cười toe toét. Út Thêm thong thả tiến lại. Nó nhìn cái cần câu đang vung vẩy trên tay tôi, mỉm cười: – Anh đang câu cá hả? – Ừ. – Câu được mấy con rồi? – Chẳng được con nào hết. – Chẳng được con nào? – Út Thêm tròn mắt. Tôi gật đầu và vung cần trúc lên. Tôi đưa qua đưa lại cái lưỡi câu sáng loáng trước đôi mắt mở to của nó, hắng giọng nói: – Tôi đâu có móc mồi. – Không móc mồi làm sao câu cá được? – Giọng Út Thêm kinh ngạc. Tôi cười: – Tôi đâu có câu cá. Tôi nói thật nhưng Út Thêm coi bộ không tin. Nó tưởng tôi thích giễu hề. Vì vậy, nó cười: – Anh chỉ đùa! Tôi liếm môi: – Tôi nói thật mà. Tôi chỉ giả bộ câu cá thôi. Tôi ngồi đây chính là để.. đợi Út Thêm. Những tiếng cuối cùng, tôi nói một cách khó khăn. Dường như nỗi xúc động đã khiến tôi đánh mất tự nhiên. Nhưng Út Thêm chẳng để ý đến vẻ lúng túng của tôi. Đối với nó, thế giới chẳng có gì thay đổi sau câu nói "tình tứ" của tôi. Hẳn nó xem việc tôi ngồi đợi nó ở chân cầu hay thằng Dư ngồi đợi nó ở nhà cũng chẳng khác gì nhau. Nó reo lên một cách hồn nhiên: – A, anh đợi Út để đưa xoài phải không? Út Thêm làm tôi buồn quá chừng. Tôi uể oải móc trái xoài trong túi quần ra đưa cho nó: – Nè! Út Thêm cầm lấy trái xoài. Nó mân mê một hồi rồi bỏ vào giỏ: – Thôi Út về nghen! Trưa rồi! Giọng Út Thêm hờ hững. Nó từ giã tôi, cũng vội vã như những lần tôi từ giã nhỏ Thơm. Ý nghĩ đó khiến tôi ai oán: – Trưa đâu mà trưa! Út Thêm không buồn cãi nhau với tôi. Nó chỉ nói: – Út phải về nấu cơm! Lý do của Út Thêm chính đáng đến mức tôi không dám giở giọng nài nỉ. Tôi chỉ lẽo đẽo đi theo nó và chờ lúc nó không để ý, tôi nhanh tay móc tờ giấy trong túi áo ra tuồn vào chiếc giỏ trên tay nó. Út Thêm chẳng hay biết gì. Nó vẫn vô tình rảo bước, không hay trái tim tôi đang nằm trong giỏ đồ chợ của nó, đang cựa quậy không ngừng giữa mớ rau, mớ cá tanh nồng.
Chương 17 Bấm để xem Khi lén lút bỏ "lá thư" vào giỏ của Út Thêm, tôi không nghĩ nó khờ khạo đến mức tưởng đó là giấy lộn. Vì vậy, khi gặp lại nó và sau một hồi dò hỏi, tôi không tránh khỏi sững sờ. – Hôm qua Út Thêm có thấy gì lạ trong giỏ đồ chợ không? – Vừa gặp, tôi hớn hở hỏi ngay. – Thấy gì là thấy gì? – Út Thêm ngơ ngác. – Có một tờ giấy.. – Tôi đáp lấp lửng. Út Thêm nhíu mày: – Tờ giấy hả? Ờ, ờ.. có. Tôi tằng hắng: – Út Thêm đã đọc chưa? – Đọc gì kia? Tôi nuốt nước bọt: – Thì đọc.. tờ giấy! – Và tôi ấp úng nói thêm – Tờ giấy của tôi đó! – Của anh? – Ừ. Hôm qua tôi bỏ vào. Út Thêm mở to mắt: – Anh bỏ vào lúc nào, sao Út không biết? Tôi cười: – Làm sao Út Thêm biết được! Tôi bỏ.. lén! Út Thêm cũng cười. Và nó tò mò nhìn tôi: – Anh bỏ giấy vào giỏ Út chi vậy? Vẻ ngây thơ của Út Thêm khiến tôi phát bực. Đây là lần thứ hai nó dùng cái từ "chi vậy" oái oăm để hỏi tôi. Sau một thoáng phân vân, tôi đánh liều giải thích: – Cái đó người ta gọi là.. gửi thư. Đến đây, dường như Út Thêm đã mơ hồ hiểu ra hành động của tôi. Nó không hỏi mà bẽn lẽn quay mặt đi. Nhưng nó không hỏi thì kệ nó. Tôi cứ hỏi: – Sao, Út Thêm đã đọc "lá thư" đó chưa? Út Thêm lắc đầu và lí nhí đáp: – Chưa! Út liệng mất! Câu trả lời của Út Thêm khiến tôi chưng hửng: – Trời đất! Sao lại liệng? – Út đâu có biết! – Út Thêm đáp với giọng biết lỗi – Út tưởng giấy người ta.. gói rau! Trời ơi, thư tình của tôi mà nó tưởng là giấy gói rau ngoài chợ! Con nhỏ này sao nó vô tình quá xá vậy không biết! Sự tưởng lầm của nó khiến tôi dở cười dở khóc, không biết phải trách nó hay nên tự trách mình. Thấy tôi mặt mày bí xị, Út Thêm lo lắng hỏi: – Mà anh viết gì trong đó vậy? – Đọc không đọc, bây giờ đi hỏi! – Tôi đáp, giọng giận dỗi. – Thì Út có biết đâu! Tôi nhún vai: – Không biết thì mai biết! Thấy Út Thêm lộ vẻ ngơ ngác, tôi tặc lưỡi giải thích: – Ngày mai tôi sẽ bỏ vào giỏ của Út Thêm một tờ giấy khác. Út Thêm chớp mắt: – Lại "gửi thư" nữa hả? – Ừ. Tôi đáp. Và nhìn đăm đăm vào mắt Út Thêm. Út Thêm tránh ánh mắt của tôi. Nó nhìn bâng quơ lên ngọn sầu đông, khẽ nói: – Muốn nói gì với Út, anh cứ nói Út nghe! Đừng gửi thư cho Út nữa! Tôi liếm môi: – Sao vậy? Út Thêm sợ bị mẹ mắng hả? Út Thêm lắc đầu: – Mẹ Út chẳng bao giờ mắng Út! Tôi gãi cổ: – Thế thì tại sao? Út Thêm không trả lời ngay. Nó cũng chẳng nhìn lên ngọn sầu đông nữa. Mà nhìn xuống đất. Mãi một hồi lâu, giọng Út Thêm mới vang lên, xa xăm và buồn bã: – Tại Út không biết đọc! Lời thổ lộ bất ngờ của Út Thêm khiến tôi há hốc mồm: – Không biết đọc? Buột miệng xong, tôi chợt nhận ra mình vừa hỏi một câu ngu ngốc. Út Thêm đã thú nhận điều đó một cách khổ tâm, vậy mà tôi lại dại dột nhắc lại sự đau lòng của nó thêm một lần nữa. Chẳng biết làm gì cho đỡ áy náy, tôi cúi xuống nhặt một nhánh sầu đông khô gãy dưới chân, vò vò trong tay và bâng khuâng hỏi: – Hồi nhỏ, Út Thêm không đi học hả? – Có. Nhưng Út chỉ học tới lớp hai! – Út Thêm đáp, vẫn không ngẩng đầu lên. Tôi ngạc nhiên: – Học lớp hai Út Thêm phải biết đọc chứ? – Hồi đó thì biết. Nhưng nghỉ lâu quá rồi, Út quên hết trơn. Hóa ra vậy. Tự dưng tôi cảm thấy bùi ngùi: – Sao hồi đó Út Thêm nghỉ học vậy? Út Thêm không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Nó chỉ thở dài: – Nhà Út đông anh em lắm! Nhà đông anh em, hẳng ba mẹ Út Thêm không đủ sức cho tất cả con cái đến trường. Và điều không may đó đã rơi vào Út Thêm. Nó không nói rõ, nhưng tôi hiểu. Tự dưng tôi đâm buồn lây nỗi buồn của Út Thêm. Tội nghiệp nó ghê! Hèn gì hôm trước tôi gạ cho nó mượn truyện, nó cứ một mực chối từ. – Vậy là anh biết rồi hén? – Út Thêm bỗng lên tiếng phá tan sự im lặng nặng nề. Tôi liếc nó: – Biết gì? – Biết Út không biết đọc. – Ừ. Mà sao? – Vậy bây giờ anh nói cho Út nghe đi! Tôi vẫn chưa hiểu: – Nói gì? Út Thêm cười: – Nói cái gì anh viết trong thư đó! – À. – Tôi ấp úng buột miệng – Trong thư ấy hả? Trong thư tôi chỉ viết có.. một câu thôi! – Câu gì vậy? Tôi ngập ngừng: – Câu.. hỏi. – Thì là câu hỏi. Nhưng anh hỏi gì? Tôi gãi đầu: – Tôi muốn hỏi Út Thêm là.. hôm nào tôi đến nhà Út Thêm chơi được không! Tôi vừa nói xong, Út Thêm che miệng cười khúc khích: – Có vậy mà cũng viết thư! Anh buồn cười ghê! Út Thêm cười, tôi đành nhe răng cười theo: – Sao, được không? – Được gì kia? Tôi khịt mũi: – Chuyện tôi đến chơi nhà Út Thêm ấy! – Khi nào anh muốn đến thì cứ đến, có gì mà không được! Tôi mừng rơn: – Thật hén? – Ừ. Bỗng nhớ đến một chuyện quan trọng, tôi vội hỏi: – Nhưng nhà Út Thêm ở chỗ nào? Dễ tìm không? – Dễ ợt hà! – Vừa nói, Út Thêm vừa chỉ tay về phía tán phượng đang cháy đỏ bên kia trảng – Anh thấy cây phượng đằng kia không? – Thấy. – Cây phượng trước sân nhà Út đó! Nhà Út nằm ngay đầu xóm! Tôi gật gù: – Vậy hôm nào tôi ghé chơi hén? – Ừ. Nhưng anh đừng ghé buổi sáng. Buổi sáng Út đi chợ. – Được rồi, tôi sẽ ghé buổi trưa! – Đang nói, tôi sực nhớ buổi trưa tôi phải học võ với anh Thoảng, liền vội vàng chữa lại – Thôi, tôi sẽ ghé vào buổi chiều vậy! Út Thêm dễ dãi: – Ừ, buổi chiều. Đang hân hoan với viễn ảnh xán lạn trong đầu, đột nhiên tôi nhớ tới con Hắc-Ín và con Đụp trong vườn nhà ông Tư Thiết, mặt tôi bỗng xám ngoét: – Nhưng mà này.. – Gì? – Nhà Út Thêm có nuôi chó không? – Cho hả? Có! Vừa buột miệng, chợt bắt gặp nỗi lo lắng trong ánh mắt tôi, Út Thêm hiểu ngay. Nó mỉm cười trấn an: – Nhưng con Vàng nhà Út hiền khô à! Thấy Út Thêm nói trúng ngay tim đen, tôi đỏ mặt chống chế: – Tôi chỉ hỏi vậy thôi, chứ chó hiền hay dữ đâu có thành.. vấn đề. Khi nói như vậy, tôi đang dóc tổ. Tôi bốc phét là tôi không sợ chó để giữ thể diện trước mặt Út Thêm. Nhưng khi về nhà, ngẫm lại, tôi thấy câu nói của mình không đến nỗi hoàn toàn sai sự thật. Bởi vì suy cho cùng, thái độ của con Vàng quả thực không phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở thái độ của cô chủ nó kia!
Chương 18 Bấm để xem Định bụng sẽ ghé thăm Út Thêm vào một ngày gần nhất, nhưng rồi tôi cứ nấn ná hoài. Lúc này, Nhạn và Dế đã bắt đầu để ý đến thái độ lạ lùng của tôi. Tụi nó cứ thay phiên nhau hỏi: – Sao dạo này anh không ra suối nữa? – Anh hết thích trò bắn chim rồi hả? – Anh sợ tụi xóm Miễu phải không? Những lúc đó, tôi phải căng óc tìm cách trả lời. Tôi bảo tôi hết ham trò bắn chim bởi vì tôi bắn ẹ quá. Khi nào bắn giỏi bằng thằng Nhạn, tôi mới đi lùng bọn chim. Còn về "vụ" tắm suối thì tôi vẫn đi tắm hoài. Có điều tôi đi bơi vào buổi sáng, lúc Nhạn và Dế không có nhà, nên tụi nó không biết đó thôi. Tôi cũng thề là tôi không ngán gì tụi xóm Miễu, nhưng từ ngày học võ với anh Thoảng tôi đâm ra ngại đánh nhau. Người không có võ đánh nhau túi bụi không sao, còn người có võ như tôi, thoi một cú, đối thủ hộc máu chết tươi liền. Tôi chưa muốn chạm trán với tụi thằng Dư là vì vậy. Thằng Nhạn khù khờ chỉ biết ngồi nghển cổ nghe tôi bốc phét. Chỉ có Dế là đồ ranh con. Tôi đang thao thao bất tuyệt, nó chen ngang một phát khiến tôi cụt hứng: – Anh nói anh không muốn đánh tụi nó. Nhưng rủi gặp nhau ngoài đường, tụi nó xúm lại đánh anh thì anh làm sao? Không lẽ anh đứng im đưa lưng cho tụi nó thụi? – Đứng im sao được mà đứng im! Tao thụi lại ấy chứ! Dế cười hì hì: – Anh thụi lại, tụi nó hộc máu thì sao? – Hộc máu hả? – Tôi lúng túng – Tao sẽ thụi.. nhè nhẹ! – Rồi tôi chép miệng nói thêm – Nhưng làm gì có chuyện đó! Tao sẽ nói Út Thêm bảo tụi nó đừng gây sự với tụi mình nữa! Dế nheo mắt: – Lần trước anh cũng bảo vậy, nhưng rồi anh có nói gì đâu! Tôi vung tay: – Nhưng lần này tao sẽ nói! Tại bữa đó đến nay tao.. đâu có gặp lại nhỏ Út Thêm! Tôi mới cả quyết hôm trước, trưa hôm sau đã xảy ra một trận đụng độ nảy lữa. Tôi ở nhà anh Thoảng về, đang đứng kỳ cọ tắm rửa bên thềm giếng, bỗng thằng Dế ở đâu ngoài bờ rào chui vô, la bài hãi: – Anh Nhạn đang bị tụi xóm Miễu vây đánh ngoài suối kìa! Anh chạy ra mau đi! Nói xong, Dế vọt mất. – Đi đâu vậy? Chờ tao với! – Tôi gọi với theo. – Em đi kêu anh Thể! Anh mặc quần áo nhanh lên! Khi tôi và Thể theo Dế ra đến ngoài suối thì Nhạn đang bị tụi thằng Dư vây chặt trong rẫy khoai mì hôm nọ. Chúng tôi không nhìn thấy Nhạn. Nó nấp đâu ở giữa đám khoai mì, đánh cầm chừng để chờ viện binh. Tụi xóm Miễu vây bốn mặt, nã đất ầm ầm vào đám cây lá um tùm. Đang say sưa tấn công, chợt thấy chúng tôi xuất hiện, đối phương lập tức rút nhanh về phía suối. Dế hăng hái băng lên, miệng hét toáng: – Đuổi theo tụi nó! Thể cúi xuống nhặt mấy cục đất cầm tay và co giò chạy theo Dế. Chỉ có tôi là cố ý tụt lại phía sau. Tôi sợ thằng Dư nhìn thấy. Tôi định làm anh nó, bây giờ lại lượm đất chọi nó, thật chẳng ra làm sao! Dế quay lại, thấy tôi lếch thếch đằng sau, bèn la lên: – Lẹ lên anh Chương! Làm gì như rùa bò vậy! Tôi giả vờ nhăn nhó: – Tao bị đạp gai! Vừa nói tôi vừa co chân nhảy lò cò theo nó, ra vẻ ta đây đã cố gắng hết sức. Nhưng dù tôi tham gia trận đánh chẳng mấy tích cực, rốt cuộc tụi xóm Miễu vẫn phải tháo lui trước sự gan lì của thằng Thể. Hai tay hai hòn đất, nó nhắm mắt nhắm mũi xông lên giữa luồng đạn, ném ào ào. Nhạn và Dế bám sát phía sau, bốn cánh tay chọi như máy, miệng hò hét ầm ĩ để cướp tinh thần đối phương. Tụi thằng Dư vừa ném trả vừa rút dần về phía suối và thừa lúc phe tôi ngừng tay chúng thi nhau nhảy tòm xuống nước và vội vã bơi sang bờ bên kia. Trên đường về, Thể, Nhạn và Dế mặt mày hớn hở, cười nói oang oang. Chỉ có tôi là dàu dàu. – Làm gì buồn thiu vậy? – Thể hỏi tôi. Tôi cười gượng gạo: – Khi nãy tao đạp gai, giờ còn đau! Tôi phịa y như thật. Ba ông tướng tin ngay. Tụi nó tưởng tôi đau chân trong khi thật ra tôi chỉ đau.. lòng. Vừa mới đánh nhau với thằng Dư, làm sao tôi dám dẫn xác đến nhà thăm chị nó. Cái "hôm nào" tôi hứa với Út Thêm bỗng trở nên xa lăng lắc. Cây phượng rực rỡ trước sân nhà nó những ngày này tôi chỉ thấy trong mơ.
Chương 19 Bấm để xem Trong những ngày buồn tình đó, chiều nào tôi cũng ghé chơi nhà nhỏ Thơm để tìm sự khuây khỏa. Nhỏ Thơm thấy tôi lên chơi thì mừng lắm. Và nó biểu lộ sự mừng rỡ đó bằng cách lấy cù móc khều xoài xuống đãi tôi. Nhưng lúc này tôi không buồn ăn uống nữa. Thấy nó chạy lăng xăng bên gốc xoài, tôi buột miệng: – Thơm cất cái cù móc đi! Nhỏ Thơm ngạc nhiên: – Thơm hái xoài cho anh mà! Tôi nhún vai: – Bữa nay tôi hết thích ăn xoài rồi! Nhỏ Thơm lại trố mắt: – Sao vậy? Rồi thấy vẻ mặt tôi không được vui, nó hỏi dò: – Bộ bữa nay anh có chuyện buồn hả? – Ừ. – Chuyện gì vậy? Tôi chối: – Tôi cũng chẳng biết. Tự nhiên tôi thấy buồn buồn vậy thôi. Nhỏ Thơm chớp mắt: – Hay là anh nhớ nhà? Tôi gật gù: – Ừ, chắc là nhớ nhà. Tưởng tôi nhớ nhà thật, nhỏ Thơm lộ vẻ thẫn thờ. Nó buồn giùm tôi. Trầm ngâm một hồi, nó chép miệng: – Vậy anh kể chuyện cho Thơm nghe đi! Kể cho đỡ nhớ! – Kể chuyện gì bây giờ? – Thiếu gì chuyện! Kể về thành phố anh ở ấy! Tôi tặc lưỡi: – Chuyện thành phố còn gì đâu mà kể! Tôi đã kể cho Thơm nghe hết cả rồi! – Kể rồi thì kể lại! Kể về rạp chiếu bóng ấy! – Rạp chiếu bóng sao? Nhỏ Thơm nuốt nước bọt: – Ở thành phố có hai trăm rạp chiếu bóng phải không? – Ừ. – Và trẻ con vào xem khỏi cần mua vé? – Ừ. – Chỉ cần trình giấy khai sinh thôi? – Ừ. – Hay quá hén! Khen xong một câu, nhỏ Thơm ngước mắt nhìn lên ngọn cây, nói tiếp: – Còn nhà nữa! – Nhà gì? – Nhà cao tầng ấy! Ở chỗ anh có nhà hai mươi tầng mà? – Ừ, có. – Đứng trên cao nhìn xuống thấy người ta bé tẹo chứ gì? – Ừ, bé tẹo. – Thích quá hén? – Ừ. – Rồi còn.. Lần này không để cho nhỏ Thơm nói dứt câu, tôi cắt ngang: – Thơm nè! – Gì? Tôi liếm mép: – Mỗi lần Thơm đánh nhau với thằng Nhạn ấy mà.. Nghe tôi nhắc đến chuyện đó, nhỏ Thơm nhăn mặt: – Đó là chuyện năm ngoái. Chuyện đó cũ rồi. Tôi gãi đầu: – Thì cũ. Nhưng mà tôi muốn hỏi, hồi đó, sau những lần như vậy, Thơm có dám đến chơi nhà dì Sáu không? – Sao lại không dám! Thơm vẫn đến chơi tỉnh bơ ấy chứ! – Đến chơi tỉnh bơ? – Ừ. Tôi cắn môi: – Thằng Nhạn nó không gây sự với Thơm sao? Thơm cười: – Mắc chi gây sự! Đánh nhau là một chuyện, còn đến nhà chơi là chuyện khác, đâu có liên quan gì với nhau! Tôi chớp mắt: – Không có liên quan gì hết hả? – Ừ, không có liên quan gì hết! Mà sao anh lại hỏi vậy? Tôi bối rối: – Tôi hỏi cho biết vậy thôi! Tại vì.. – Tại vì sao? – Tại vì.. tôi cũng nghĩ hai chuyện đó đâu có liên quan gì với nhau. Nhỏ Thơm ngẩn người: – Là sao? Anh nói gì Thơm không hiểu! Vẻ mặt ngơ ngác của nhỏ Thơm khiến tôi bật cười. Tôi vung tay: – Tôi nói tôi còn không hiểu, làm sao Thơm hiểu được! Chắc nhỏ Thơm tưởng tôi điên. Nó nhìn tôi đăm đăm: – Dạo này anh lạ ghê! Hồi Thơm mới gặp anh, anh đâu có nói chuyện buồn cười như vậy! Nhỏ Thơm nói đúng. Hồi tôi mới gặp nó, lòng tôi đâu có rối rắm như bây giờ. Kể từ ngày giáp mặt Út Thêm, đầu óc tôi bỗng đâm ra vẩn vơ quá đỗi. Nếu tôi thổ lộ tâm sự với nhỏ Thơm, hẳn nó sẽ hiểu tại sao tôi thay đổi làm vậy. Nhưng tôi không dám. Tôi sợ nó buồn. Tôi mến nhỏ Thơm, vì vậy tôi muốn nó lúc nào cũng vui. Chỉ cần nó quả quyết với tôi "đánh nhau và đến nhà chơi là hai chuyện khác nhau", thế là được rồi. Như vậy thì nó vui và tôi cũng vui. Trong chúng mình, chẳng có ai phải buồn cả, Thơm hén.