Ôn tập: Chuyện cổ tích về loài người - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 25 Tháng mười một 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Ôn tập Chuyện cổ tích về loài người


    Bài Ôn tập "Chuyện cổ tích về loài người" bao gồm các phần:

    Trắc nghiệm Chuyện cổ tích về loài người

    Đọc hiểu Chuyện cổ tích về loài người

    Cảm nhận bài thơ Chuyện cổ tích về loài người.


    Hệ thống câu hỏi luyện tập từ cấp độ nhận thức, thông hiểu đến những câu hỏi yêu cầu tư duy cao hơn.. Giúp các em học sinh củng cố và khắc sâu kiến thức bài học, giúp giáo viên có thế kiểm tra được kiến thức tổng quát của học sinh.

    Các câu hỏi trong topic ôn tập này có thể được sử dụng để làm phiếu kiểm tra 15 phút, kiểm tra bài cũ, hoặc đưa vào các đề thi, kiểm tra giữa kì, cuối kì.

    Bài tập do tác giả biên soạn được đăng duy nhất trên dembuon.vn. Nếu xuất hiện ở những Web khác là sự sao chép mà chưa được cho phép.

    [​IMG]

    Trắc nghiệm Chuyện cổ tích về loài người


    Câu 1. Bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" của tác giả nào?

    A. Nguyễn Thế Hoàng Linh

    B. Lâm Thị Mỹ Dạ

    C. Tô Hoài

    D. Ta-go

    Câu 2. Bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" nằm trong bài học nào sau đây trong sách giáo khoa Ngữ văn 6:

    A. Tôi và các bạn

    B. Gõ cửa trái tim

    C. Yêu thương và chia sẻ

    D. Quê hương yêu dấu

    Câu 3. Bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" thuộc thể thơ gì?

    A. Thơ ngũ ngôn

    B. Thơ lục bát

    C. Thơ song thất lục bát

    D. Thơ thất ngôn bát cú

    Câu 4. Bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" trích trong tập thơ nào?

    A. Lời ru trên mặt đất

    B. Bầu trời trong quả trứng

    C. Bến tàu trong thành phố

    D. Hoa dọc chiến hào.

    Câu 5. Theo lời kể trong "Chuyện cổ tích về loài người", ai được sinh ra đầu tiên?

    A. Ông bà

    B. Bố mẹ

    C. Trẻ con

    D. Thầy giáo

    Câu 6. Hình ảnh trái đất khi trẻ con được sinh ra như thế nào?

    A. Trơ trụi, không cây cối, hoa cỏ.

    B. Không có mặt trời, tất cả là bóng đêm.

    C. Không có sắc màu nào khác ngoài màu đen.

    D. Cả A, B, C

    Câu 7. Tác giả lí giải nguyên nhân về sự ra đời của mọi vật: Mặt trời, màu sắc, âm thanh, sông, biển, con đường.. là do:

    A. Do thần linh tạo ra

    B. Do sự tồn tại hiển nhiên của sự vật khi trái đất hình thành.

    C. Do "phục vụ" nhu cầu của trẻ em.

    D. Do trẻ em tạo ra.

    Câu 8. Câu nào sau đây diễn tả chính xác sự thay đối của thế giới khi trẻ con ra đời:

    A. Thế giới từ hoang sơ, tối tăm, đơn điệu vì trẻ con mà trở nên sinh động, rực rỡ, nhiều màu sắc, âm thanh..

    B. Thế giới bỗng trở nên hoang sơ, tối tăm, đơn điệu từ khi trẻ con xuất hiện.

    C. Khi trẻ con mới sinh ra, thế giới còn hoang sơ, tăm tối, đơn điệu, nhưng trẻ con đã làm nên những điều kì diệu để thế giới trở nên đẹp đẽ, sinh động hơn.

    D. Cả A, B, C đều đúng.

    Câu 9. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ sau:

    "Mẹ mang về tiếng hát

    Từ cái bống cái bang

    Từ cái hoa rất thơm

    Từ cánh cò rất trắng

    Từ vị gừng rất đắng

    Từ vết lấm chưa khô

    Từ đầu nguồn cơn mưa

    Từ bãi sông cát vắng."


    A. Nhân hóa

    B. So sánh

    C. Ẩn dụ

    D. Điệp từ.

    Câu 10. Tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trích trong câu 9 là gì?

    A. Nhấn mạnh sự phong phú của thiên nhiên qua lời ru của mẹ; giúp người đọc cảm nhận được tình yêu của mẹ dành cho con.

    B. Nhấn mạnh sự hoang sơ của trái đất khi trẻ con mới ra đời.

    C. Nhấn mạnh ý nghĩa: Thiên nhiên, sự vật sinh ra vì trẻ con.

    D. Nhấn mạnh sự biến đổi của thế giới sau khi trẻ con ra đời.

    Câu 11. Món quà - bài học làm người mà mẹ gửi gắm trong lời ru ở câu 9 là gì?

    A. Bài học về lòng dũng cảm.

    B. Bài học về sự chăm chỉ chuyên cần, biết giúp đỡ mọi người (trong lời ru cái bống), bài học về tình yêu cuộc sống (lời ru về cái hoa, cánh cò), bài học về tình nghĩa thủy chung (lời ru gừng cay muối mặn)..

    C. Bài học về tình yêu quê hương, đất nước.

    D. Bài học về tinh thần nhân ái, yêu thương.

    Câu 12. Mẹ sinh ra để mang đến cho trẻ con điều gì?

    A. Mẹ sinh ra để cho trẻ con tình yêu, lời ru, sự chăm sóc, bế bồng.

    B. Mẹ sinh ra để kể cho con nghe chuyện ngày xưa, ngày sau, chuyện cô Tấm ở hiền, thằng Lí Thông ở ác..

    C. Mẹ sinh ra để dạy cho con biết ngoan, biết nghĩ.

    D. Mẹ sinh ra để dạy cho trẻ con tập đi.

    Câu 13. Điền từ vào chỗ trống (dấu ba chấm) trong đoạn thơ sau:

    "Biết trẻ con khao khát

    Chuyện ngày xưa, ngày sau

    Không hiểu là từ đâu

    Mà ... về ở đó

    Kể cho bao chuyện cổ

    Chuyện con cóc, nàng tiên

    Chuyện cô Tấm ở hiền

    Thằng Lý Thông ở ác. "


    A. Bố

    B. Mẹ

    C. Ông

    D. Bà

    Câu 14. Đoạn thơ trong câu 13 không nhắc đến câu chuyện cố tích nào sau đây?

    A. Tấm Cám

    B. Thạch Sanh

    C. Sọ Dừa

    D. Cóc kiện trời

    Câu 15. Những câu chuyện được nhắc đến trong đoạn thơ ở câu 13 mang đến cho trẻ những bài học gì?

    A. Những câu chuyện ấy dạy cho trẻ biết căm thù giặc, có ý chí đánh đuối giặc ngoại xâm.

    B. Những câu chuyện ấy biết sống hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng; biết đoàn kết, giúp đỡ mọi người; biết sống lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp.

    C. Những câu chuyện ấy dạy cho trẻ biết yêu đất nước, phải biết cống hiến cho đất nước.

    D. Những câu chuyện ấy dạy cho trẻ biết ước mơ, biết nghĩ lớn để có được thành công.

    Câu 16.

    " Muốn cho trẻ ...

    Thế là bố sinh ra

    Bố bảo cho ...

    Bố dạy cho ...

    Rộng lắm là mặt bể

    Dài là con đường đi

    Núi thì xanh và xa

    Hình tròn là trái đất."

    Bố sinh ra để dạy con điều gì? Thứ tự các từ thích hợp điền vào dấu ba chấm lần lượt là:

    A. Hiểu chuyện, biết ngoan, biết nghĩ

    B. Hiểu biết, biết ngoan, biết nghĩ.

    C. Hiểu chuyện, biết nghĩ, biết ngoan.

    D. Biết ngoan, biết nghĩ, hiểu biết.

    Câu 17. Theo cách nhìn của nhà thơ, tình cảm của bố dành cho trẻ có điều khác hơn so với mẹ và bà dành cho trẻ?

    A. Nếu bà và mẹ dành cho trẻ trái tim ấm áp và tình yêu thương thì bố mang đến cho con những hiểu biết và suy nghĩ chín chắn.

    B. Nếu bà và mẹ dành cho trẻ trái tim ấm áp và tình yêu thương thì bố dạy cho trẻ biết đi, biết chạy.

    C. Nếu bà và mẹ dành cho trẻ trái tim ấm áp và tình yêu thương thì bố dạy cho trẻ biết đọc biết viết.

    D. Nếu bà và mẹ dành cho trẻ trái tim ấm áp và tình yêu thương thì bố dạy cho trẻ biết tự bảo vệ mình.

    Câu 18. Khổ cuối của bài thơ nói đến sự xuất hiện của những điều gì?

    A. Mặt trời, sông, biển, con đường

    B. Màu sắc, âm thanh, đám mây, cây cỏ

    C. Lời ru, câu chuyện

    D. Thầy giáo, phấn bảng, lớp học

    Câu 19. Câu chuyện về nguồn gốc của loài người trong bài thơ của Xuân Quỳnh lí giải theo một cách riêng, độc đáo như thế nào?

    A. Nguồn gốc của loài người bắt đầu từ sự sinh ra của trẻ con.

    B. Nguồn gốc của loài người do thần linh tạo thành.

    C. Không phải người lớn mà là trẻ con được sinh ra trước nhất. Trẻ con chính là trung tâm của vũ trụ cần được nâng niu, hướng dẫn; vạn vật trên trái đất được sinh ra là vì trẻ em; những người thân như ông bà, bố mẹ được sinh ra là để che chở, yêu thương, nuôi dạy trẻ em khôn lớn thành người.

    D. Nguồn gốc của loài người là do mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân sinh ra.

    Câu 20. Đâu không phải là thông điệp được tác giả gửi gắm trong bài thơ?

    A. Người lớn hãy yêu thương, chăm sóc và dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất.

    B. Trẻ em cần được sống trong môi trường tốt đẹp, được yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ để khôn lớn, trưởng thành.

    B. Trẻ em hãy yêu thương những người thân trong gia đình bởi họ đã dành cho các em những tình cảm tốt đẹp nhất.

    D. Trẻ em không nên kiêu căng, tự mãn, ngay từ nhỏ, trẻ cần rèn luyện nhân cách để sau này trở thành người tử tế và hữu ích.

    GỢI Ý ĐÁP ÁN

    1B; 2B; 3A; 4A; 5C; 6D; 7C; 8A; 9D; 10A;

    11B; 12A; 13D; 14C; 15B; 16B; 17A; 18D; 19C; 20D

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười một 2021
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Đọc hiểu: Chuyện cổ tích về loài người


    Đoạn 1:

    Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:


    Mắt trẻ con sáng lắm

    Nhưng chưa thấy gì đâu!

    Mặt trời mới nhô cao

    Cho trẻ con nhìn rõ

    Màu xanh bắt đầu cỏ

    Màu xanh bắt đầu cây

    Cây cao bằng gang tay

    Lá cỏ bằng sợi tóc

    Cái hoa bằng cái cúc

    Màu đỏ làm ra hoa

    Chim bấy giờ sinh ra

    Cho trẻ nghe tiếng hót

    Tiếng hót trong bằng nước

    Tiếng hót cao bằng mây

    Những làn gió thơ ngây

    Truyền âm thanh đi khắp

    Muốn trẻ con được tắm

    Sông bắt đầu làm sông

    Sông cần đến mênh mông

    Biển có từ thuở đó

    Biển thì cho ý nghĩ

    Biển sinh cá sinh tôm

    Biển sinh những cánh buồm

    Cho trẻ con đi khắp

    Đám mây cho bóng rợp

    Trời nắng mây theo che

    Khi trẻ con tập đi

    Đường có từ ngày đó


    Câu 1. Khổ thơ trên trích trong bài thơ nào, của tác giả nào?

    Câu 2. Xác định thể thơ được sử dụng trong khổ thơ trên.

    Câu 3. Nội dung chính của đoạn thơ trên là gì?

    Câu 4. Theo cảm nhận của tác giả, thế giới có sự đối thay như thế nào từ khi trẻ em ra đời?

    Câu 5. Sự đổi thay của thế giới trong cảm nhận của tác giả là do đâu?

    Câu 6. Cách cảm nhận của tác giả về sự đổi thay của thế giới khi trẻ con sinh ra là cách cảm nhận như thế nào? Qua đó thể hiện tình cảm gì của nhà thơ dành cho trẻ em?

    Câu 7. Xác định biện pháp nghệ thuật và phân tích tác dụng của chúng trong những câu thơ sau:

    Biển có từ thuở đó

    Biển thì cho ý nghĩ

    Biển sinh cá sinh tôm

    Biển sinh những cánh buồm

    Cho trẻ con đi khắp


    GỢI Ý TRẢ LỜI

    Câu 1. Khổ thơ trên trích trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người, của tác giả Xuân Quỳnh.

    Câu 2. Thể thơ: Ngũ ngôn (năm chữ).

    Câu 3. Nội dung chính của khổ thơ: Những thay đổi về thiên nhiên đầu tiên khi trẻ con sinh ra.

    Câu 4. Thế giới đã có sự thay đổi khi trẻ em xuất hiện, thế giới từ tối tăm sang có ánh sáng, sinh động, nhiều màu sắc, âm thanh hơn: Xuất hiện mặt trời, cây cối; âm thanh của tiếng chim, làn gió; sông suối, biển, con đường cũng được sinh ra.

    Câu 5. Sự đổi thay của thế giới trong cảm nhận của tác giả là vì trẻ con: Mặt trời giúp trẻ con nhìn rõ. Cây, cỏ, hoa giúp trẻ con cảm nhận màu sắc. Tiếng chim, làn gió giúp trẻ con cảm nhận âm thanh. Sông giúp trẻ con có nước để tắm. Biển giúp trẻ có ý nghĩ, cung cấp thực phẩm, phương tiện. Đám mây, con đường giúp trẻ tập đi. Thầy giáo dạy dỗ cho trẻ em..

    Câu 6. Cách cảm nhận của tác giả về sự đổi thay của thế giới khi trẻ con sinh ra là cách cảm nhận độc đáo, mới mẻ: Trẻ con sinh ra trước nhất và thế giới thay đổi là vì trẻ em. Cách cảm nhận ấy thể hiện tình yêu thương, sự nâng niu trìu mến của tác giả dành cho trẻ em.

    Câu 7.

    Biển có từ thuở đó

    Biển thì cho ý nghĩ

    Biển sinh cá sinh tôm

    Biển sinh những cánh buồm

    Cho trẻ con đi khắp

    -
    Biện pháp nghệ thuật: Điệp ngữ (Biển có, biển thì cho, biển sinh ) ; phép liệt kê: cho ý nghĩ, cá tôm, cánh buồm

    - Tác dụng: Việc sử dụng kết hợp phép điệp ngữ và liệt kê trong những câu thơ trên vừa nhấn mạnh những điều tốt đẹp biển mang đến cho trẻ con, tình yêu của biển dành cho trẻ con, vừa làm cho lời thơ tăng tính nhạc..

    Xem tiếp bên dưới
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng mười 2023
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Đoạn 2:

    Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:


    Nhưng còn cần cho trẻ

    Tình yêu và lời ru

    Cho nên mẹ sinh ra

    Để bế bồng chăm sóc

    Mẹ mang về tiếng hát

    Từ cái bống cái bang

    Từ cái hoa rất thơm

    Từ cánh cò rất trắng

    Từ vị gừng rất đắng

    Từ vết lấm chưa khô

    Từ đầu nguồn cơn mưa

    Từ bãi sông cát vắng..


    Câu 1. Xác định nội dung của đoạn thơ trên?

    Câu 2. Theo tác giả, mục đích "mẹ" sinh ra là vì điều gì?

    Câu 3. Trẻ con có trước rồi mẹ mới được sinh ra - nhận thức này có trái với quy luật tự nhiên? Qua đó, tác giả muốn thể hiện điều gì?

    Câu 4. Xác định 02 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ và nêu tác dụng của chúng.

    GỢI Ý TRẢ LỜI

    Câu 1. Nội dung của đoạn thơ: Đoạn thơ nói về sự xuất hiện của "mẹ".

    Câu 2. Theo tác giả, mục đích mẹ sinh ra để dành cho trẻ em tình yêu và lời ru. Qua lời ru ấy, trẻ có thể nhận thức được sự phong phú của thiên nhiên, cuộc sống cũng như học được những bài học làm người.

    Câu 3. Trẻ em có trước rồi mẹ mới được sinh ra - nhận thức này tuy trái với quy luật tự nhiên nhưng rất độc đáo, mới lạ. Qua đó, tác giả vừa muốn thẻ hiện tình yêu dành cho trẻ em, vừa gửi gắm bức thông điệp: Trẻ em là "trung tâm", là ngọn nguồn của mọi yêu thương, che chở, hãy dành cho trẻ em tất cả yêu thương.

    Câu 4.

    - Hai biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên là: Điệp ngữ, liệt kê.

    + Điệp ngữ (Từ.. ) ;

    + Phép liệt kê: cái bống cái bang, cái hoa, cánh cò, vết lấm, vị gừng..

    - Tác dụng:

    + Nhấn mạnh sự phong phú của thiên nhiên qua lời ru của mẹ; giúp người đọc cảm nhận được tình yêu của mẹ dành cho con.

    + Tăng tính nhạc cho lời thơ.

    Xem tiếp bên dưới ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng mười 2023
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Đoạn 3.

    Đọc đoạn thơ sau, trả lời câu hỏi:


    Biết trẻ con khao khát

    Chuyện ngày xưa, ngày sau

    Không hiểu là từ đâu

    Mà bà về ở đó

    Kể cho bao chuyện cổ

    Chuyện con cóc, nàng tiên

    Chuyện cô Tấm ở hiền

    Thằng Lý Thông ở ác..

    Mái tóc bà thì bạc

    Con mắt bà thì vui

    Bà kể đến suốt đời

    Cũng không sao hết chuyện.


    Câu 1. Đoạn thơ trên trích trong bài thơ nào, của tác giả nào?

    Câu 2. Xác định nội dung của đoạn thơ trên?

    Câu 3. Đoạn thơ trên gợi em nhớ đến những câu chuyện cổ tích nào?

    Câu 4. Những bài học bà gửi gắm trong mỗi câu chuyện bà kể cho cháu là gì? Những bài học đó sẽ có tác động đến trẻ thơ như thế nào?

    GỢI Ý TRẢ LỜI

    Câu 1. Đoạn thơ trên trích trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người, của tác giả Xuân Quỳnh

    Câu 2. Nội dung đoạn thơ: Đoạn thơ kể về sự xuất hiện của người bà.

    Câu 3. Đoạn thơ trên gợi nhắc đến những câu chuyện cổ tích:

    - Cóc kiện trời

    - Nàng tiên cá

    - Tấm Cám

    - Thạch Sanh

    Câu 4. Những bài học bà gửi gắm trong mỗi câu chuyện bà kể cho cháu là:

    - Bài học về tình thần đoàn kết, biết yêu thương lẫn nhau.. (Cóc kiện trời).

    - Bài học về sự kiên trung, biết hi sinh trong tình yêu. (Nàng tiên cá).

    - Bài học về lẽ sống hiền lành, chân thành, tốt bụng (Tấm Cám, Thạch Sanh)

    Những câu chuyện đó sẽ in sâu trong tâm trí trẻ thơ, góp phần hình thành nhân cách, lối sống và những tình cảm cao đẹp.

    Xem tiếp bên dưới
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng mười 2023
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Đoạn 4.

    Đọc đoạn thơ sau, trả lời câu hỏi:


    Muốn cho trẻ hiểu biết

    Thế là bố sinh ra

    Bố bảo cho biết ngoan

    Bố dạy cho biết nghĩ

    Rộng lắm là mặt bể

    Dài là con đường đi

    Núi thì xanh và xa

    Hình tròn là trái đất..

    Chữ bắt đầu có trước

    Rồi có ghế có bàn

    Rồi có lớp có trường

    Và sinh ra thầy giáo..

    Cái bảng bằng cái chiếu

    Cục phấn từ đá ra

    Thầy viết chữ thật to

    "Chuyện loài người" trước nhất


    Câu 1. Đoạn thơ trên trích trong bài thơ nào, của tác giả nào?

    Câu 2. Xác định nội dung của đoạn thơ trên?

    Câu 3. Qua cảm nhận của tác giả, vì sao bố, trường lớp và thầy giáo lại được "sinh ra"? Sự xuất hiện của họ nói lên điều gì?

    Câu 4. Tình cảm mà bố dành cho trẻ có điểm gì khác so với tình cảm mà mẹ và bà dành cho trẻ?

    GỢI Ý TRẢ LỜI

    Câu 1. Đoạn thơ trên trích trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người, của tác giả Xuân Quỳnh.

    Câu 2. Nội dung đoạn thơ: Đoạn thơ kể về sự xuất hiện của bố, sự xuất hiện của trường lớp và thầy giáo

    Câu 3.

    - Bố xuất hiện để dạy cho trẻ biết ngoan, biết nghĩ, có nhận thức về thế giới. Trường lớp và thầy giáo xuất hiện để cho trẻ được đi học và có kiến thức.

    - Sự xuất hiện của họ nói lên tình yêu mà mọi người dành cho trẻ em, ai cũng mang đến cho trẻ những điều tuyệt vời nhất để giúp trẻ khôn lớn, trưởng thành.

    Câu 4. Tình cảm mà bố dành cho trẻ có điểm khác so với tình cảm mà mẹ và bà dành cho trẻ:

    Nếu bà và mẹ dành cho trẻ trái tim ấm áp và tình yêu thương thì bố mang đến cho con những hiểu biết, suy nghĩ chín chắn, nhân cách đẹp đẽ.

    Xem tiếp bên dưới..
     
    Nguyễn Ngọc NguyênTiên Nhi thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng mười 2023
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người


    Giải thích về sự hình thành thế giới và muôn loài, ta nghĩ ngay đến những truyện cổ xưa: Thần thoại, truyền thuyết, cổ tích.. vì vậy, Chuyện cổ tích về loài người của nữ sĩ Xuân Quỳnh là một bài thơ "lạ". Bài thơ thể hiện cách lí giải vô cùng độc đáo về nguồn gốc loài người. Vượt qua những thuật ngữ khoa học khô khan, sự xuất hiện của con người trên trái đất được nữ sĩ lí giải bằng ngôn ngữ thơ rất hồn nhiên, nhí nhảnh, đáng yêu.

    Dõi theo câu chuyện của Xuân Quỳnh, người đọc biết được rằng, không phải người lớn, mà chính trẻ con là người sinh ra trước nhất. Chuyện kể rằng, trẻ con do ông trời sinh ra. Lúc trẻ con đến với trái đất, trái đất vô cùng hoang sơ, không có cây cỏ, không có mặt trời. Tất cả chỉ là bóng đêm đen quánh, không có bất kì một màu sắc nào khác:

    Trời sinh ra trước nhất

    Chỉ toàn là trẻ con

    Trên trái đất trụi trần

    Không dáng cây ngọn cỏ

    Mặt trời cũng chưa có

    Chỉ toàn là bóng đêm

    Không khí chỉ màu đen

    Chưa có màu sắc khác


    Để trẻ con nhìn rõ mọi vật, mặt trời đã nhô lên, màu sắc của cây, của hoa, âm thanh của chim chóc, sự sống cũng theo đó mà thức dậy:

    Mắt trẻ con sáng lắm

    Nhưng chưa thấy gì đâu!

    Mặt trời mới nhô cao

    Cho trẻ con nhìn rõ

    Màu xanh bắt đầu cỏ

    Màu xanh bắt đầu cây


    ...

    Màu đỏ làm ra hoa

    Chim bấy giờ sinh ra

    Cho trẻ nghe tiếng hót


    Để trẻ con được tắm, những dòng sông bắt đầu xuất hiện. Để trẻ con được "đi khắp", vạn vạn suối sông đã làm nên biển lớn. Rồi những đám mây sinh ra để che cho trẻ con khỏi nắng. Những con đường xuất hiện để trẻ con tập đi. Thật là kì diệu biết bao:

    Muốn trẻ con được tắm

    Sông bắt đầu làm sông

    Sông cần đến mênh mông

    Biển có từ thuở đó

    ...

    Đám mây cho bóng rợp

    Trời nắng mây theo che

    Khi trẻ con tập đi

    Đường có từ ngày đó.

    Thế giới thiên nhiên, vạn vật vì trẻ em mà thay đổi. Nhận thức đó thật độc đáo, mới lạ quá. Có lẽ lần đầu tiên trong văn học, ta bắt gặp một nhận thức vô lý mà lại đáng yêu đến thế. Tất cả xuất phát từ tình yêu mà nhà thơ dành cho con trẻ, từ những liên tưởng, tưởng tượng rất độc đáo của một trí tuệ sâu sắc, một trái tim giàu cảm xúc.

    Sự đổi thay của thiên nhiên, vạn vật chưa đủ để trẻ con lớn lên. Bởi trẻ cần có sự kết nối tình cảm với con người, nên bà và mẹ, bố và thầy đã lần lượt xuất hiện.

    Tình mẫu tử luôn luôn là tình cảm thiêng liêng. Tình yêu mẹ dành cho con luôn luôn là suối nguồn vô tận. Có lẽ vì thế mà nữ sĩ đã để mẹ xuất hiện trước tiên trong cuộc đời của trẻ:

    Nhưng còn cần cho trẻ

    Tình yêu và lời ru

    Cho nên mẹ sinh ra

    Để bế bồng chăm sóc

    Mẹ mang về tiếng hát...


    Mẹ đã sinh ra để cho con tình yêu và lời ru. Lời ru của mẹ có cái bống cái bang, có cái hoa cánh cò, có vị gừng vết lấm, có cơn mưa bãi cát...đưa trẻ thơ vào thế giới của bình yên và đẹp đẽ. Lời ru của mẹ mang đến cho trẻ những bài học đầu đời về sự nhận thức thế giới và bài học làm người. Chính tình yêu và lời ru của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, trở thành kỉ niệm ngọt ngào, mến yêu theo suốt cuộc đời con trẻ. Tình yêu của mẹ dịu dàng, ngọt lành như vậy đấy. Thế nên:

    Có đi trọn kiếp con người

    Cũng không đi hết những lời mẹ ru


    Không chỉ có mẹ, bà cũng xuất hiện để kể cho trẻ nghe những câu chuyện cổ về con cóc, nàng tiên, cô Tấm ở hiền, Lí Thông ở ác... để tiếp tục dạy cho trẻ những bài học làm người. Hình ảnh người bà đu đưa cánh võng, tay phe phẩy quạt mo say sưa kể cho cháu nghe những câu chuyện cổ tích luôn là hình ảnh gần gũi và thân thương trong tâm hồn trẻ thơ. Tuổi thơ Xuân Quỳnh thiếu vắng mẹ cha, chỉ có bà bên cạnh chở che, yêu thương. Phải chăng vì thế mà hình ảnh người bà luôn dịu hiền và đẹp đẽ trong tâm trí tác giả. Cũng phải chăng vì thế mà hình ảnh người bà trong những câu thơ trên hiện lên giản dị mà lớn lao đến thế.

    Nếu như bà và mẹ xuất hiện để dành cho trẻ tình yêu thương thì bố cũng được sinh ra để dạy cho con trẻ biết ngoan, biết nghĩ, biết nhận thức về vạn vật... Sự xuất hiện của bố nói lên một điều: Trẻ em vừa cần tình yêu thương để nuôi dưỡng trái tim ấm áp, hình thành những tình cảm cao đẹp vừa cần lí trí, trí tuệ để trưởng thành, xây dựng cuộc sống:

    Muốn cho trẻ hiểu biết

    Thế là bố sinh ra

    Bố bảo cho biết ngoan

    Bố dạy cho biết nghĩ


    Như vây, nếu mẹ và bà gắn với tình cảm, cảm xúc, thì bố lại gắn với lí trí, nhận thức. Nhận thức ấy thật là hợp logic.

    Những điều bố dạy là những hiểu biết sơ khai nhất cho trẻ, cần thiết để trẻ nhận thức thế giới, khám phá mọi sự vật, mọi hiện tượng xung quanh. Cần nhưng chưa đủ, bởi cuộc sống loài người ngày càng tiến bộ, văn minh. Trẻ em cần đến trường để học những kiến thức cao xa hơn. Và vì con trẻ, thầy giáo, trường lớp cũng ra đời để dạy cho trẻ biết chữ, dạy trẻ biết mọi điều...

    Chữ bắt đầu có trước

    Rồi có ghế có bàn

    Rồi có lớp có trường

    Và sinh ra thầy giáo...


    Nếu như qua cách miêu tả, Xuân Quỳnh đã mang đến cho chúng ta những hình ảnh đẹp đẽ, phong phú, trong trẻo, yên bình của thế giới thuở sơ khai thì cách kể chuyện về nguồn gốc của loài người lại mang đến nhận thức vô cùng thú vị: Trẻ con chính là trung tâm của vũ trụ cần được nâng niu, hướng dẫn; vạn vật trên trái đất được sinh ra là vì trẻ em; những người thân như ông bà, bố mẹ được sinh ra là để che chở, yêu thương, nuôi dạy trẻ em khôn lớn thành người.

    Cách kể mang nét độc đáo của lời tâm tình từ trái tim một người mẹ dành tình cảm yêu mến cho trẻ thơ, gần gũi với ca dao, tưởng phi lý nhưng lại rất đúng: Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu rồi mới sinh bà sinh ông .

    Sự khác biệt ấy thể hiện thông điệp nhà thơ muốn nhắn gửi tới trẻ em: Hãy yêu thương những người thân trong gia đình bởi họ đã dành cho các em những tình cảm tốt đẹp nhất; tới các bậc làm cha mẹ: Hãy yêu thương, chăm sóc và dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất bởi các em chính là tương lai của gia đình, đất nước.. Bài thơ giản dị mà sâu sắc, để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...