Chương 4.9 Bấm để xem Trước đây tôi nghe nói nhiều về thần giao cách cảm. Tức là dù ở xa nhau đến mấy, người này vẫn đọc được ý nghĩ trong đầu người kia. Tôi nghe và tôi cười khảy, nghi người ta bịa chuyện. Nhưng bây giờ thì tôi tin Tôi vừa nghĩ về nhỏ Thắm hôm trước, chiều hôm sau nó bất ngờ chặn đường tôi. Chỉ khác là lần này cuộc đụng đầu xảy ra trước tiệm vải của chị Hòe chứ không phải trước cửa tiệm cho thuê truyện của chú Lãm. Vẫn ngồi trên chiếc xe đạp vàng, một chân đặt trên pê-đan một chân chống đất, nhỏ Thắm kêu tôi: - Đăng! Tôi quay lại, thấy nó đang mỉm cười nhìn tôi. Đã lâu lắm nhỏ Thắm không cười với tôi. Trong một lúc, tôi có cảm giác ai đó gắn nhầm nụ cười lên môi nó. Hay là tôi hoa mắt? - Gì vậy Thắm? Tôi nhướn mắt, ngạc nhiên về sự bình tĩnh của mình. Lần trước cũng trong tình huống như thế này, tôi từng thốt nên lời. - Sáng mai Đăng rảnh không? Tôi nhớ ra ngày mai là chủ nhật. - Có gì không? - Tôi hỏi, câu hỏi thật xa cách mặc dù tôi không cố ý. - Vô suối chơi! - Nhỏ Thắm rủ, tỉnh bơ như giữa hai đứa tôi chưa từng xảy ra xích mích. Như vậy là nhỏ Thắm chủ động làm lành trước. Tôi nghĩ, cảm thấy tự ái được xoa dịu rất nhiều. Có vẻ số phận đã bắt đầu nuông chiều tôi, sau khi đã hành hạ tôi tơi tả. - Ờ. Tôi gật đầu và quay mình bỏ đi. Tôi biết mình vui vì lại sắp được ngồi cạnh nhỏ Thắm, sắp được trò chuyện với nó, đặc biệt điều đó xảy đến mà tôi không cần phải cất công giảng hòa như lời xúi của thằng Phan và chú tiểu Khôi. Tuy nhiên tôi không bắt gặp trong lòng mình tự hân hoan vồ vập như tôi tưởng. Có thể tính cách thất thường của nhỏ Thắm khiến tôi không dám đặt cược hi vọng vào cuộc gặp gỡ ngày mai. Cũng có thể khi ta giận ai đó quá lâu, sự lạnh nhạt không còn là biểu hiện của cảm xúc nữa mà dần trở thành một thói quen. Tôi nhận ra điều đó không chỉ trên đường về nhà mà cả lúc ngồi cạnh nhỏ Thắm bên bờ suối vào sáng hôm sau. Nhỏ Thắm đến chỗ hẹn vẫn với nón xanh, áo xanh, giày xanh. Tôi nhớ lần trước cũng với trang phục thế này, nó đã tủm tỉm hỏi tôi: - Hôm nay Đăng thấy mình giống câu gì? Và tôi đã vui vẻ trả lời: - Cây chuối non. - Đăng còn giận cây chuối non không? Và tôi đã sung sướng đáp: - Trước đây thì giận. Bây giờ tôi hết giận rồi. Bây giờ tôi cũng không còn giận nhỏ Thắm mà tôi từng thay vào đó là sự hoang mang mệt mỏi. Có vẻ tôi vẫn thích nhỏ Thắm hồi bé hơn. Nhỏ Thẵm mà tôi từng biết lắm lúc làm tôi bực mình nhưng không bao giờ khiến tôi thấp thỏm. Tôi dễ dàng đọc được tâm trạng của nó như thể hai đứa cùng nghĩ bằng một cái đầu nhỏ Thắm bây giờ giống như một dấu hỏi biết đi, chỉ có hóa thành con ong đất chui vào đầu nó may ra tôi mới biết nó nghĩ gì. Tôi bần thần nhủ bụng và cảm thấy mình chẳng vui sướng gì với phát hiện đó. Vì tôi biết một khi nhỏ Thắm không còn giống nhỏ Thắm trong tâm tưởng tôi khi bản thân tôi cũng không còn là tôi ngày trước. Tôi định hỏi nhỏ Thắm nó hẹn tôi vào đây làm gì nhưng rồi tôi biết đó là câu hỏi ngu ngốc, cho dù quan hệ giữa chúng tôi có thay đổi thế nào đi chăng nữa. Bên cạnh tôi, nhỏ Thắm ngồi thõng chân xuống suối và đong đưa hai chân theo thói quen. Tôi chăm chú nhìn đôi giày xanh của nó, đầu óc tự nhiên chập chờn như rơi vào ảo giác. - Đăng nè. - Nhỏ Thắm thình lình mở miệng. Tôi giật mình như người đang ngủ bị đánh thức: - Gì hả Thắm? - Ngày mai Đăng ghé nhà rủ mình đi học được rồi. Lần này thì tôi tỉnh hẳn. - Sao? - Tôi chỉ thốt được một tiếng, nó giống một phản xạ hơn là một câu hỏi. - Mẹ mình bảo mình nói với Đăng như vậy. - Tại sao chứ? - Lần này vẫn là phản xạ nhưng tiến bộ hơn, tôi thở ra được ba tiếng. Nhỏ Thắm tươi nét mặt: - Cái vụ hứa hôn đó. Hủy rồi! - Ai hủy? - Bạn của ba mình. Ông bảo con trai ông từ nhỏ đã vào học trong Sài Gòn. Khi biết chuyện hôn ước này, nó kịch liệt phản đối. Nó muốn sau này cưới vợ người miền Nam. Giống như ai vừa nhấc một quả tạ khỏi ngực tôi. Tôi không rõ tôi có niềm vui riêng tư nào trước tin tức tốt lành đó không, nhưng chắc chắn là lòng tôi vô cùng nhẹ nhõm. - Ba mẹ Thắm có nói gì không Lúc này mặt trời đã lên gần tới ngọn cây cao nhất ven bờ và nắng gắt đã được một lúc nhưng chẳng đứa nào trong chúng tôi thấy nóng. Tiếng nhỏ Thắm lẫn vào trong tiếng gió reo nhưng tôi vẫn nghe rõ từng lời. Hóa ra mẹ nó ngay từ đầu đã không ủng hộ chuyện hứa hôn này nhưng vì sợ ba nó nên mẹ nó không dám phản đối. Ba nhỏ Thắm cũng không vui vẻ gì với lời nhắc nhở của người bạn cũ nhưng ông là người coi trọng danh dự. Ông sợ người ta chê ông không biết giữ chữ tín dù trong thâm tâm ông không muốn bị ràng buộc vào những lời hứa vu vơ trong một phút bốc đồng. Nhỏ Thắm nói, tôi tin ngay. Cũng như tôi tin ngoài tật gia trưởng và thích dạy con bằng roi vọt, những ông bố trong thị trấn là những người cực đoan, khẳng khái, trọng nghĩa khí. Tính cách này có lẽ có từ ngàn xưa, tốt xấu lẫn lộn nhưng cứ kéo thành vệt đến tận ba tôi và nhỏ Thắm, có khi kéo dài tới tận tôi nữa. Ờ, nếu tôi tiếp tục lớn lên trong thị trấn, tôi sẽ hít thở bầu không khí đó, ăn nằm với những tính cách đó và tôi sẽ giống những ông bố quê tôi đến từng chi tiết. Đang lan man nghỉ ngơi, sực nhớ tới một chuyện, tôi bỗng rùng mình vọt miệng: - Mẹ Thắm có nói ba của ba Thắm là ai chưa -Có. Ông Hoạch.
Chương 4.10 Bấm để xem Như vậy, con trai ông Hoạch không học ở Sài Gòn, cũng không hề phản đối cuộc hôn nhân sắp đặt của ông. Con trai ông đã vào chùa và thành chú tiểu Khôi. Những lời bịa tạc của ông chỉ nhằm mục đích dựng lên một lý do chính đáng để rút lui êm thắm, để phòng cơn rủa từ phía ba nhỏ Thắm. Một cách tình cờ, có một sợi dây vô hình cột chặt chúng tôi lại với nhau theo một vòng tròn: Tôi- nhỏ Thắm - chú tiểu Khôi - nhỏ Lan nhỏ Phượng - rồi lại là tôi. Giống như số phận nghịch ngợm vẽ ra cái vòng tròn bí ẩn đó và bắt chúng tôi xoay mòng mòng như chiếc đèn kéo quân vẫn được ông thầy Thám treo trước hiên nhà vào mỗi mùa Trung Thu. Dĩ nhiên tôi không hề kinh ngạc khi nhỏ Thắm nên tên ông Hoạch vì ngay khi buột miệng hỏi, trực giác đã mách bảo tôi người đó chính là ông. Câu chuyện chú tiểu Khôi xảy ra chưa lâu, còn nóng hổi trong tâm trí và chiếu sáng từng ngóc ngách trong vò não tôi. Sự trùng hợp của hai câu chuyện, lại xảy ra chẳng xê xích bao lăm về mặt thời gian, làm tôi ngờ ngợ. Bây giờ tôi mới hiểu ra tại sao tôi, thằng Phan và chú tiểu Khôi thất bại thảm hại trong việc truy tìm "người chồng tương lai" của nhỏ Thắm. Chúng tôi chỉ phỏng vấn những đứa con trai trong lớp. Nhỏ Lan là con gái, dĩ nhiên trượt khỏi sự chú ý của bọn tôi, vì vậy không đứa nào biết ba nó từng đi học ở Huế. Tôi đã không nói gì với nhỏ Thắm trong buổi sáng nắng gắt và không khí trên đồng cỏ tràn ngập gió giêng hai đó. Gió đi thành từng luồng, vướng vào hai đứa tôi, tự gỡ ra rồi tiếp tục lao nhanh về phía biển. Hôm đó những chuyển động xung quanh tôi có vẻ vội vã những tôi thì bắt đôi môi mình chậm lại. Tôi sợ tôi ngứa miệng sẽ làm tung tóe mọi thứ. Cho đến giờ phút này, trong cái vòng tròn luẩn quẩn đó tôi là mắt xích duy nhất biết được tất cả bọn tôi được nối với nhau bởi điều gì. Nhỏ Lan nhỏ Phượng không biết chú tiểu Khôi là anh nó. Nhỏ Thắm không biết chú tiểu Khôi là người suýt trở thành chồng nó. Ngược lại, chú tiểu Khôi không biết nhỏ Thắm là người mà ba nó đã chọn cho nó nếu nó chịu trở về nhà. Buồn cười nhất là "người chồng tương lai" đó là người rất hăng hái trong việc chống lại hôn ước của chính mình mà không tự biết. Khi chú tiểu Khôi vẽ bức tranh nhỏ Thắm, chú hoàn toàn không hay biết đó chính là "người vợ tương lai" của mình nếu chú quyết định từ giã cửa Thiền theo dự tính của ba chú mười lăm năm về trước. Thật là phiền phức, những người lớn! Kể từ lúc đó, tôi bắt đầu nghiệm ra người lớn luôn có những bí mật. Và thế giới mà bọn trẻ đàn nhìn thấy thực ra là những gì họ muốn cho bọn trẻ nhìn thấy. Nói cách khác, nếu không tình cờ khám phá ra những góc khuất, bọn nhóc tì chúng tôi rốt cuộc chỉ nhìn thấy thế giới qua cặp mắt của người lớn. Cứ như thể họ chủ ý tạo ra những ống kính với những nút điều chỉnh theo ý họ rồi nhét vào tay chúng tôi và bảo "Tuyệt lắm đó! Nhìn thử đi!". Rất nhiều năm về sau này, tôi nhận ra trong thế giới người lớn đằng sau câu chuyện này còn có một câu chuyện khác, rồi đằng sau câu chuyện khác đó rất có thể đang che giấu một câu chuyện khác nữa. Để biết được cái lõi của sự thật, đôi khi phải tỉ mỉ bóc tách từng lớp con người của họ như bóc một củ hành tây cho đến khi mắt cay xè và óc thì choáng váng - mà trẻ con lớp Chín như bọn tôi lúc đó thì không đủ từng trải lẫn kiên nhân để đi đến sự thật cuối cùng theo cách như vậy. Chỉ do may mắn tình cờ mà tôi biết được những ẩn khúc đằng sau câu chuyện của nhỏ Thắm. Thoạt đầu, tôi quyết định không thổ lộ bí mật đó với ai nhưng rồi tôi cũng biết nếu tôi chôn câu chuyện trong lòng chẳng khác nào tôi chôn một quả mìn. Người tôi sẽ phát nổ bất cứ lúc nào. Sau một đêm cân nhắc, chiều hôm sau tôi chạy qua chùa Giác Nguyên - Vừa xảy ra chuyện gì rồi phải không? - Vừa trông thấy bộ tịch khác thường của tôi, chú tiểu Khôi hỏi ngay. Tôi hừ mũi: - Chú đừng có bắt chước thằng Phan ra vẻ ta đây cái gì cũng biết! - Vậy là không có chuyện gì à? - Có. - Tôi hất đầu về phía chú - Nhưng là chuyện của chú, không phải chuyện của tôi. - Chuyện của tôi? Chú tiểu Khôi ngơ ngác - Chuyện gì của tôi? -Chuyện vợ con của chú chứ chuyện gì! - Đăng đừng có nói bậy! - Chú tiểu Khôi nhăn mặt. - Bậy á? - Tôi nhếch môi - Thế chú có biết tại sao ba chú quyết kêu chú trở về nhà không? Tới đây thì chú tiểu Khôi lộ vẻ bối rối: - Ờ, thì vì lý do.. nối dõi tông đường.. Chú nhìn tôi dò xét: - Hôm trước tôi đã nói với Đăng chuyện này rồi mà. Có gì mới lạ đâu! Tôi xoa hai tay vào nhau, tặc tặc lưỡi: - Thôi được rồi. Nếu chú muốn mới lạ, tôi sẽ kể chú nghe chuyện này. Chú tiểu Khôi không nói gì, chỉ nhướn mắt ra ý hỏi. Trông chú có vẻ cảnh giác trước kiểu ăn nói vòng vo của tôi. - Tôi đã điều tra ra "người chồng tương lai" của nhỏ Thắm là ai rồi. - Tôi đột ngột thấp giọng như sợ có người nghe lỏm. - Là ai? - Chú tiểu Khôi xoáy mắt vào tôi, vẻ căng thẳng. Tôi cố ý nói thật chậm: - Là chú đó. - Đăng đừng có.. Tôi giơ tay, cắt ngang: - Tôi không có nói bậy Chính nhỏ Thắm vừa kể cho tôi nghe. Mồ hôi trên trán chú tiểu Khôi ứa ra thành giọt. Có lẽ thái độ úp mở của tôi đã làm chú chột dạ ngay từ đầu và đến khi tôi đột ngột nhảy từ chuyện của chú sang chuyện của nhỏ Thắm, chú đã đoán ra tới định dẫn dắt câu chuyến đến đâu. Mặt chú tiểu Khôi tái đi từng phút: - Kiểu này thì mai mốt làm sao.. - Chú yên tâm đi. - Tôi nói nhanh - Nhỏ Thắm chỉ biết "ba chồng" của nó là ông Hoạch thôi. Nó không hề biết "chồng" của nó là ai. Lúc bình thường, chắc chú tiểu Khôi đã giãy nảy trước kiểu nói năng bỗ bã của tôi. Nhưng lúc này nỗi lo lắng của chú đang vượt lên trên những tiếng "chồng", "ba chồng" tôi chêm lung tung vào câu nói. Trán chú tiểu Khôi giãn ra sau sự trấn an kịp thời của tôi. Nếu nhỏ Thắm biết được chú tiểu Khôi là con ông Hoạch, chắc chắn cả hai sẽ không dám nhìn mặt nhau suốt một thời gian dài. -Ngay cả khi nhỏ Thắm không biết gì về thân thế của tôi, tôi vẫn cảm thấy sượng sùng khi gặp lại nó, Đăng à. - Chú tiểu Khôi trầm ngâm. Tôi nháy mắt: - Chú cởi áo ta về nhà đợi nó lớn rồi cưới nó làm vợ thì hết sượng sùng liền à. - Đăng nói vậy không sợ có tội với Phật tổ hả? - Chú tiểu Khôi nhìn tôi với vẻ trách móc. - Tội gì chứ! Chú từng vẽ hình nó. Chú lại ăn bánh cưới của anh Thắng cô Sa nữa. Chú tiểu Khôi quên khuấy câu chuyện cũ. - Là sao? - Mắt chú trố lên. Tôi cười hi hi: - Ai lỡ ăn bánh cưới thì lớn lên phải lấy vợ chồng chứ sao!
Chương 4.11 Bấm để xem Chú tiểu Khôi sượng sùng thật. Đến lớp chú không dám nhìn về phía nhỏ Thắm. Nhưng càng không muốn nhìn nó chú càng trông thấy nó nhiều hơn. Vì chú phải đảo mắt xem nhỏ Thắm đang đứng ở đâu để bắt mình đừng nhìn về phía đó. Và thế là chú thấy nó lảng vảng khắp nơi. Nhỏ Thắm không phát hiện ra vẻ lấm lét của chú tiểu Khôi. Suốt buổi học, nó toàn nhìn về chỗ tôi ngồi. Tất nhiên tôi biết điều gì thúc đẩy nhỏ Thắm làm như vậy. Nó đang thắc mắc tại sao hai ngày nay tôi không ghé nhà rủ nó đi học dù nó đã mở lời bên bờ suối hôm nào. Thực sự thì khi nghe đề nghị bất ngờ của nhỏ Thắm, cái hắt lên đầu tiên trong lòng tôi là sự ngạc nhiên, kế đến là niềm hân hoan nhưng tôi sự tự ái của một đứa con trai mới lớn đâm chồi ngay sau đó và lớn vụt lên, nhanh chóng án ngữ trái tim tôi. Hôm đó trên đường về tôi cứ dày vò bởi ý nghĩ nếu ông Hoạch không rút lại đề nghị của mình, liệu bà ƯỚc có dỡ bỏ sự cấn đoán của bà và cả nhỏ Thắm nữa, liệu nó có sẵn sàng đi cùng tôi trên con đường đến lớp nữa không. Tôi bứt một chiếc lá, vò nát trong tay và tự trả lời: "Chắc là không!". Ngay trong khoảnh khắc đó, lòng tôi trào lên nỗi tủi thân và tôi cảm thấy mình như một thứ đồ chơi. Chẳng ai buồn đếm xỉa đến cảm xúc của tôi, khi không cần thì người ta vứt đi, khi cần thì người ta nhặt lại rồi đến một lúc nào đó có thể người ta lại vứt đi lần nữa. Đó là lý do tôi chống lại nhỏ Thắm, dù qua ngày thứ hai tôi mơ hồ cảm thấy làm như thế cũng là chống lại chính mình nhưng tôi nhất quyết không làm khác đi. Trong nhiều ngày, tôi cảm thấy tự ái của mình được thỏa mãn khi biết nhỏ Thắm vẫn liếc về phía tôi với cái nhìn hoang mang, u uất. Nhưng sự hoan hỉ trong tôi không kéo dài được lâu. Qua ngày thứ tư tôi phát giác ra trong lúc nỗi hờn dỗi của tôi được vỗ về, tôi vẫn thấy có cái gì đó như là sự buồn tẻ gieo vào lòng tôi từng phút một. Chú tiểu Khôi đã nghe tôi kể về câu chuyện bên bờ suối nên chú cũng thắc mắc y như nhỏ Thắm. Chỉ khác một điều, nhỏ Thắm hỏi tôi bằng mắt còn chú tiểu Khôi hỏi bằng miệng: - Sao Đăng không rủ nhỏ Thắm đi học? Tôi cười khẩy: - Chà, chú quan tâm đến "vị hôn thê" của mình quá há! Chú tiểu Khôi nhíu mày vẻ phật ý: - Đăng đừng có nói linh tinh! Đăng trả lời tôi đi! Tôi phồng má: - Tại sao tôi phải rủ nó đi học khi mà trước đây tôi ghé rủ thì nhà nó đuổi tôi như đuổi tà? - Đăng cũng biết lý do rồi mà. - Đi sóng đôi ngoài đường sợ thiên hạ thấy chứ gì! - Tôi nhún vai - Nhưng tại sao đến trường nó cũng không dám lại gần tôi? - Chính ở trường mới khí, Đăng à. - Chú tiểu Khôi điềm đạm - Nhỏ Lan nhỏ Phượng học ở đó, làm sao ba mẹ nhỏ Thắm dám để con gái họ lại gần Đăng. Chung quanh lại còn đám anh chị em họ của nhỏ Thắm nữa. Ai mà biết được tụi nó không phải là tai mắt của ba mẹ nhỏ Thắm. Tôi ngớ ngưới ra mất đi một lúc trước những phân tích của chú tiểu Khôi. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến sự lắt léo này và vẫn thầm trách nhỏ Thắm về sự thờ ơ của nó. Tôi chợt nhận ra mình thường xuyên bất mãn khi nghĩ về nó trong thời gian gần đây, giống như người luôn nhìn thấy ma ở nơi thực ra chẳng có bóng ma nào. Ờ, nhỏ Thắm đâu đến nỗi như vậy. Có thể nó không quá xấu để tôi luôn miệng bài xích, chê bai. Tôi lục lọi ký ức, sàng lọc lại kỷ niệm và giật mình thấy những thứ tốt đẹp nhất đã không được nâng niu mà bị sự uất ức băm nhỏ ra từng ngày và cứ cái đà này, sẽ chẳng còn gì nữa giữa hai đứa tôi. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện ghé nhà rủ nhỏ Thắm đi học nhưng rồi tôi cứ nấn ná vì chưa tìm được lý do chính đáng. Tôi đã trót bỏ qua cơ hội mất rồi. Trong khi chờ đợi, tôi ghé chơi nhà chị em nhỏ Lan để đầu óc bớt căng thẳng, nào ngờ hôm đó vừa đi tới nhà bà nội tôi, tôi đã kinh ngạc khi nghe tiếng khóc như rỉ từ bên nhà ông Hoạch vọng sang. Tôi nhìn quanh không thấy bà tôi đâu liền ba chân bốn cẳng chạy sang tìm nhỏ Lan nhỏ Phượng. Hai chị em nó đang nước mắt nước mũi tèm lem khi tôi bước vào nhà. Ông Hoạch đang nằm thiêm thiếp trên giường, mắt nhắm nghiền. Vợ ông, cả bà tôi nữa đang lăng xăng quanh chỗ ông nằm. Trông hai người rất bận rộn nhưng dường như không ai ý thức mình đang làm gì, chỉ luống cuống kéo cái khăn, xếp lại góc mền hoặc xê dịch một chiếc ghế chỗ đầu giường. Ông thầy Thám đang vạch miệng ông Hoạch đổ thứ thuốc gì đó có màu đen sóng sánh. Tôi khều tay nhỏ Phượng, thấp thỏm hỏi: - Có chuyện gì vậy em? - Ba em sắp chết rồi. - Nó sụt sịt đáp, nước mắt tuôn thành dòng. Tôi liếc về phía chiếc giường ở góc nhà: - Ba em bị bệnh gì vậy? - Em không biết. - Nhỏ Phượng đưa tay quệt nước mắt. - Lâu nay ba em vẫn hay bị sốt, thỉnh thoảng lại buồn nôn. Khi nãy tự nhiên ba em đau thắt nơi ngực, toát mồ hôi dầm dề rồi ngất đi. Nói xong, đã nín nó bỗng òa ra nức nở. Tôi định hỏi thêm vài câu nhưng thấy nhỏ Phượng mải khóc, liền quay mình ra cửa tức tốc chạy về phi báo cho chú tiểu Khôi. Mười lăm phút sau, chú tiểu Khôi theo tôi xuống nhà ông Hoạch. Chị em nhỏ Lan thấy chú xuất hiện càng khóc to hơn. Chắc tụi nó nghĩ nhà chùa cử người tới chuẩn bị thủ tục làm lễ cầu siêu. Sau khi hỏi han, biết xưa nay ông Hoạch chỉ uống thuốc của thầy Thám, chú tiểu Khôi đề nghị mẹ chú chuyển ngay ba chú đến nhà thương thị trấn. Thú thật lúc đó tôi không thấy chú giống đứa học trò lớp Chín chút nào. Chú nghiêm nghị, chững chạc, toát ra một thứ uy lực khiến người khác phải răm rắp nghe theo. Trên đường đến nhà thương, tôi nói nhỏ vào tai chú: - Bữa nay nhìn chú oai phong giống hệt Huyền Tử phương trượng! - Huyền Tử phương trượng là ai? - Huyền Tử là một cao tăng. Oong là phương trượng chùa Thiếu Lâm, là Thái Sơn Bắc Đẩu trong võ lâm. Mải rảo bước đến nhà thương, lại đang lo lắng, chú tiểu Khôi không hỏi tiếp. Chú tiểu Khôi chắc không đọc truyện Kim Dung. Nếu biết Huyền Tử phương trượng là người đã bí mật có với Diệp Nhị Nương một đứa con tư sinh chắc chú rượt tôi mất dép.
Chương 4.12 Bấm để xem Ông Hoạch nằm nhà thương gần một tuần, đã dần tỉnh táo. Các bác sỹ nói ông bị áp-xe gan, nếu không chữa trị kịp thời e là khó sống. Họ cho ông uống kháng sinh. Rồi họ chích kim vào bụng ông để rút mủ. Tôi và chú tiểu Khôi vẫn lên thăm ông hằng ngày. Đứa nào cũng sợ ông cao hứng nhắc đến chuyện chú không chịu về nhà nhưng rất may ông không nói gì. Mấy ngày sau thêm thằng Phan và nhỏ Thắm tới thăm. Rồi những đứa bạn cùng lớp lục tục kéo đến. Có lẽ nhờ vậy mà chị em nhỏ Lan không nghi ngờ gì sự có mặt của chú tiểu Khôi, vì dẫu sao chú cũng học cùng lớp với tụi tôi. Bất ngờ nhất là có cả nhỏ Ngọc. Trường nó trong Sài Gòn đang sửa chữa nên nó được nghỉ học, theo anh Thằng và cô Sa về thăm quê. Nó hớn hở khoe với tôi cô Sa đã làm lành với anh Thắng. Chồng cũ của cô đã có hai đứa con riêng. Đó là lý do anh Thắng về Duy Xuyên kéo cô ra tòa án ở Đà Nẵng để khiếu kiện quyền được nuôi con, mặc dù trong bản án ly hôn nhiều năm về trước quyền này vốn thuộc về cô. Buổi chiều, tôi, thằng Phan và chú tiểu Khôi ghé chơi nhà nhỏ Ngọc. Vừa tới trước cửa, cả ba lập tức há hốc miệng khi thấy nhỏ Ngọc cùng thằng Biểu trong nhà đi ra. Trong khi chú tiểu Khôi "ơ" lên một tiếng dài, thằng Phan đưa tay dụi mắt: - Tao đang thấy ma hả tụi bay? Tôi nhìn nhỏ Ngọc nhưng tay thì chỉ vào thằng Biểu: - Thằng này.. - Con cô Sa đó. - Nhỏ Ngọc vui vẻ giới thiệu Cứ như có một cành cây rớt trúng đầu ba đứa tôi chợt nhớ hồi lớp Năm có lần cô Sa bảo tôi có một đứa con trạc tuổi tôi, không ngờ là thằng quỷ này. - Nó là thằng Biểu phải không? - Phan vọt miệng. Nhỏ Ngọc tròn xoe mắt: - Ủa, sao Phan biết tên nó? - Bạn Biểu đâu có câm. Ai bảo mấy bạn vậy? Bọn tôi đưa mắt nhìn nhau, dở cười dở khóc. Như vậy là cả đám bị thằng Định cho vào xiếc. Tối hôm đó trước nguy cơ bị đám bạn thằng Phan tấn công, nhân lúc thằng Biểu sợ đến cứng lưỡi, Định đã vu thằng này bị câm để thoát hiểm. Có lẽ Biểu cũng cảm thấy áy náy về chuyện đó. Tuy không chủ động nhưng nó đã nhanh nhẹn đồng lõa với thằng Định bằng cách nín thinh luôn khiến bốn đứa ngoài đường và hai đứa trong bụi đều bị lừa. Thằng Biểu tất nhiên không biết trò chặn đường này là do Phan bày ra. Nó tưởng hai đứa tôi chỉ nghe tin đồn về nó, không hề biết lúc đó tôi và Phan đang nấp trong bụi ngó ra. Biểu gãi tai, vẻ biết lỗi: - Tao không câm. Nhưng tao không hề tán tỉnh đứa con gái nào hết á. Toàn thằng Định bịa ra thôi. Nó quay sang nhỏ Ngọc: - Con nói vậy cô có tin không, cô? Phan nhảy dựng: - Mày xưng hô cái kiểu gì vậy, Biểu? Thằng Biểu chưa kịp đáp, chú tiểu Khôi đã mỉm cười: - Bạn đó xưng hô như vậy là đúng rồi. Tôi cau mày một thoáng đã hiểu ngay. Thằng Biểu là con cô Sa, có nghĩa anh Thắng là ba nó. Nhỏ Ngọc là em của ba nó, dĩ nhiên nó phải gọi bằng cô. Thằng Biểu kể với bọn tôi, khi nó đã vượt qua sự bối rối ban đầu và cả bọn đang trên đường xuống chợ, rằng lúc thằng Định dắt nó về Hà Lam lần đầu tiên, ba nó đã cẩn thận dặn đi dặn lại là không được tiết lộ nó là con của cô Sa. Tuy cô không còn dạy học ở thị trấn nhưng nếu biết thằng Biểu là con riêng của cô với người chồng cũ thế nào thiên hạ cũng hiếu kỳ xúm lại và điều đó sẽ khiến thằng bé lúng túng. Khi dặn dò như vậy, ba nó không ngờ thằng con mình không lúng túng về lai lịch mà lúng túng vì suýt bị ăn gậy vào đầu do cái miệng ba hoa của thằng Định. Nghĩ đến chuyện trớ trêu đó, tôi vừa đi vừa cười thầm. Tôi chỉ thôi cười khi tiếng nhỏ Ngọc thình lình cất lên: - Ủa, bạn Thắm đâu? Từ năm lớp Sáu đến năm lớp Tám, năm đứa bọn tôi ngồi cùng một bàn, chơi chung một nhóm. Bây giờ tự nhiên thiếu mất một đứa, tôi biết sớm muộn gì nhỏ Ngọc cũng phát giác ra. Phan khẽ liếc tôi, ấp úng: - Chiều nay nhỏ Thắm bận làm chuyện nhà. Phan chống chế. Nhưng chống chế ngu. Nó vừa nói xong, nhỏ Ngọc nhảy tưng tưng: - Vậy tụi mình kéo xuống nhà bạn Thắm chơi đi!
Chương 4.13 Bấm để xem Nhỏ Thắm không có nhà. Buổi chiều chợ bắt đầu vãn nên khách vào mua bún thưa thớt. Bà ƯỚc ngồi sau sạp hàng, thấy bọn tôi đứng lố nhố trước cửa liền hấp tấp bước ra. - Bạn Thắm bị rắn cắn, đang nằm trên nhà thương, tụi con lên thăm bạn đi! Tôi cố tình đứng nấp sau lưng mấy đứa bạn, cứ sợ mẹ nhỏ Thắm nhận ra tôi. Tôi vẫn nhớ hoài câu "Từ nay con đừng ghé rủ bạn Thắm đi học nữa nha con" bà nói với tôi hồi đầu năm học. Bây giờ hôn ước của con bà đã hủy bỏ, bà không còn cấm cản tôi nữa nhưng tôi vẫn ngại ngùng khi phơi mình ra trước mắt bà. - Bạn Thắm đi đâu mà bị rắn cắn hả cô? - Nhỏ Ngọc lo lắng hỏi thay cho cả bọn. Bà ƯỚC thở dài: - Con nhỏ đó chẳng biết nó ăn trúng thức gì mà tự nhiên vô suối ngồi cho rắn mổ. May mà có người ở trong xóm Trong phát hiện chở đi cấp cứu kịp. Cứ như ai quất roi vào lưng tôi. Tôi liếc chú tiểu Khôi, thấy chú cũng đang kín đáo nhìn tôi. Hóa ra nhỏ Thắm bị rắn cắn là do nó dọ dẫm lần về kỷ niệm. Những ngày vừa qua, tôi không thèm ghé nhà rủ nó đi học chắc nó buồn lắm. Chắc nó cũng giống như tôi, khi nhớ đến người bạn ấu thơ chỉ biết đi tha thẩn một mình vào con suối xóm Trong ngồi ôn lại những ngày xưa cũ. Lòng rưng rưng, tôi lẽo đẽo theo tụi bạn đi về phía nhà thương thị trấn. Tiệm vải nhà chị Hòe trước cổng chợ lác đác người vào ra. Lúc chị Hòe còn đứng trông coi cửa tiệm, khách nườm nượp. Khách Hà Lam lẫn khách tứ xứ đổ về coi mắt hoa khôi. Từ ngày chị đi lấy chồng, tiệm vắng teo. Có lẽ đó là lý do dạo này mỗi lần đi ngang nhà chị, tôi cứ thấy buồn man mác. Cách tiệm vải nhà chị Hòe một quãng là tiệm cho thuê truyện của chú Lâm. Nửa tháng trước, chú tuyên bố đóng cửa tiệm vì ế khách. Khách thuê truyện ăn dầm nằm dề như tôi nay đã lớn, đã có những tâm mới, không còn bị Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ của Kim Dung hay Mộ Hòe, Hàn Ni của Quỳnh Dao níu chân. Lúc đi ngang tôi ngó vào, thấy chú Lãm đang huơ nạng chỉ trỏ và theo những gì tôi nhìn thấy, tiệm cho thuê truyện hình như sắp trở thành quán bia. Trước nhà nhỏ Ngọc, con mắt vẫn đang ngự trên cao trầm mặc quan sát cõi nhân sinh và khi ngước lên, tôi thấy nó đang nhìn tôi ra chiêu quở trách: "Sao chú bé chưa chịu làm hòa với bạn Thắm?". Đó là tiếng nói của con mắt trên vách nhà nhỏ Ngọc hay tiếng nói vọng ra từ đáy lòng tôi, tôi chẳng biết. Tôi chỉ biết thời gian qua, tôi ngỡ ngàng nhận ra tôi đã nghĩ oan cho nó nhiều thứ. Giống như tôi tự dưng lên một phiên tòa, nhốt nó vào đó và bắt đầu phán xét nó mà không cho nó mở miệng bào chữa. Trời bắt đầu sập tối khi bọn tôi bước qua cổng nhà thương. Từ trong các dãy phòng ánh đèn hắt ra khiến đám phù du kéo tới bu đầy. Giường của nhỏ Thắm cách giường ông Hoạch không xa lắm. Tôi không rõ ông Hoạch có biết cô bé đang nằm với dây truyền huyết thanh lủng lẳng trên cọc mùng đằng kia là con dâu hụt của ông không. À, khi nhìn thấy ông ƯỚC chắc chắn là ông đã đoán ra. Ba nhỏ Thắm đang ngồi trên chiếc ghế thấp cạnh giường con gái. Thấy tụi tôi đến thăm, ông gật đầu: - Sau khi uống thuốc và thở ô-xy, bạn Thắm đã qua cơn nguy kịch rồi tụi con à. Nhỏ Thắm nhắm nghiền mắt vẻ mệt mỏi. Nghe tiếng lao xao, nó từ từ mở mắt ra và đôi môi xám ngoét của nó cố nặn một nụ cười khi nhìn thấy bọn tôi. Khi lướt qua mặt tôi, ánh mắt của nó như ngừng lại vài giây hoặc là tôi tưởng tượng thế nhưng dù sao cảm giác đó vẫn khiến tôi bâng khuâng cảm động. Tôi bất giác xốn xang khi nhớ lại bốn năm về trước, nó cũng nằm ở đây cùng với tôi khi hai đứa được ông Cứ và anh Thắng vớt từ dưới bàu lên và lúc đó nó từng quay sang nhoẻn miệng cười với tôi bằng đôi môi tái nhợt y như lúc này. Ờ, đã bốn năm nay rồi sao ngỡ như mới hôm qua. Ở bên cạnh, chú tiểu Khôi có vẻ ngượng ngập. Tôi thấy chú thoạt đầu thõng hai tay bên hông, rồi dường như không yên tâm chú chắp tay sau lưng, một lát lại lóng ngóng vòng ra khoanh tròn trước ngực. Mặc dù nhỏ Thắm không biết chú là con ông Hoạch nhưng trong phòng bệnh lúc này ngẫu nhiên có mặt cả ba chú, ba nhỏ Thắm lẫn nhỏ Thắm, tình thế đó khiến chú loay hoay trông giống hệt một con mèo sảy chân vào thùng bột. Trên đường về, khi tôi và chú rẽ vào con đường đất chạy ngang chùa Giác Nguyên, tôi đập vai chú, cười khì khì: - Lúc này trong phòng tập trung cả cô dâu chú rể lẫn hai nhạc phụ đại nhân, thật là nhộn nhịp! - Đăng có thôi đi không! Chú tiểu Khôi nạt. Đột nhiên chú hạ giọng: - Đăng nè! - Gì? - Bây giờ thì tôi biết tại sao ba tôi bỗng dưng nhắc lại chuyện hứa hôn ngày xưa với ba nhỏ Thắm rồi. - Tại sao? Tôi nhướn mắt hỏi, nhưng rồi tôi hiểu ngay: - À, lâu nay ba chú bệnh tật kéo dài, cứ nghĩ mình không qua khỏi nên vội vàng thu xếp chuyện này chứ gì! - Ờ. - Chúc mừng chú nha. Lần này khỏi bệnh, ba chú chắc sẽ không chì chiết chú nữa. Ông thừa sức sinh cho nhỏ Lan nhỏ Phượng cả mớ em trai mà. Trong bóng đêm chập choạng, chú tiểu Khôi im lặng rảo bước bên cạnh tôi. Tuy chú không nói gì, tôi tin chú đang cảm thấy nhẹ nhõm như vừa chui ra khỏi đống gạch mà ba chú đã trút xuống cuộc đời chú mấy tháng nay.
Chương 4.14 Bấm để xem Trước khi chia tay chỗ cổng trường Bồ Đề, chú tiểu Khôi bất thần hỏi tôi: - Đăng còn giận nhỏ Thắm không? Nhớ đến những gì xảy ra gần đây, nhất là chuyện nhỏ Thắm vừa bị rắn cắn ở con suối xóm Trong, tôi đã định nói "Hết rồi!" nhưng đến phút chót tôi bỗng ngập ngừng sửa lại: - Hết được chín mươi phần trăm. - Sao Đăng giận dai vậy? Mười phần trăm kia giữ lại làm gì? Tôi cựa quậy người: - Tại tôi vẫn chưa quên được buổi trưa nó đạp xe lên nhà tôi để "hỏi tội" tôi vụ tờ giấy chú gián trước nhà nó. Chú tiểu Khôi đột ngột cụp mắt xuống, nhè nhẹ thở ra: - Tôi không phải là người dán tờ giấy đó. - Chú nói sao? - Tôi sửng sốt, trong một lúc tôi tưởng mình nghe lộn, hoặc chú tiểu Khôi nói lộn. -Thú thật là tôi không dán tờ giấy đó. - Chú tiểu Khôi tặc lưỡi đáp, vẫn nhìn xuống đất. - Người xuất gia như tôi nửa đêm đi rình mò trước của nhà người ta coi sao được. Tôi cắn chặt môi: - Chứ ai dán? Thằng Phan hả? - Không. Chính nhỏ Thắm dán. Tôi đưa tờ giấy cho nó để nó tự dán. Suýt chút nữa tôi đã bay lên vì kinh ngạc. Trong hàng chục giả định, đây là giả định không hề xuất hiện trong đầu tôi. Trong những giấc mơ táo bạo nhất tôi cũng không bao giờ mường tượng thủ phạm là nhỏ bạn của tôi. Tôi bần thần hỏi lại, giọng vo ve như tiếng muỗi: - Nhỏ Thắm? Thực ra đó không phải là một câu hỏi. Chỉ là một tên người vẳng ra từ đâu đó trong đáy lòng tôi. Là sự ray rứt ngân lên thành tiếng. Là nỗi xúc động vô bờ bỗng chốc về lấp đầy. Tôi thừ ra không biết trong bao lâu. Mãi một lúc tôi mấp máy môi, hỏi như mơ ngủ: - Vậy tại sao nó còn nghi tôi là thủ phạm? Chú tiểu Khôi ngước mắt lên, chậm rãi: - Nó vờ nghi Đăng là thủ phạm để Đăng không nghi nó là thủ phạm thôi. - Nhưng tại sao chứ? - Tôi kêu lên, có cảm giác cả đầu lẫn cổ đang nhúng vào mớ bùng nhùng. - Bạn Phan đoán là do nhỏ Thắm xấu hổ. - Lại thằng Phan! - Tôi mím môi - Nhỏ Thắm xấu hổ vì chuyện gì? - Vì cái câu "Con gái lớn lên phải lấy được người chồng mình thương". Câu đó do bạn Phan nghĩ ra nhưng nhỏ Thắm tự tay dán lên có khác nào nó tuyên bố nó "thương" Đăng? Trong ánh đèn hắt ra từ bên kia đường, tôi thấy một nụ cười thấp thoáng trên môi chú tiểu Khôi. Nhưng tôi chẳng còn lòng dạ nào phản ứng với chú. Lòng tôi lúc này giống như con tàu bị sóng đánh, không biết phải neo cảm xúc của mình vào đâu. Tôi biết nhỏ Thắm không suy nghĩ gì sâu xa khi dán từ giấy đó lên vách. Mục đích duy nhất của nó là phản đối chuyện hôn nhân áp đặt của ba nó. Nhưng khi tờ giấy được treo lên, nằm nghĩ tới nghĩ lui nó mới giật mình xấu hổ. Có lẽ vì vậy mà ngay trưa hôm sau nó lật đật đạp xe đi tìm tôi vờ "hỏi tội". Vậy mà tôi không hiểu nỗi khổ tâm của nó. Tôi toàn nghĩ xấu về nhỏ bạn của mình. Tôi tưởng nhỏ Thắm hằm hè tôi vì bị ba đánh đòn, nhất là vì tôi phá đám chuyện lấy chồng của nó. Chính vì sự ghẻ lạnh của tôi mà nó phải một mình lần vào con suối năm xưa để bị rắn cắn đến suýt chết. Lòng ngập tràn hối hận, tôi vùng quay người: - Tôi phải quay lại nhà thương thăm nhỏ Thắm lần nữa. Chú tiểu Khôi chộp tay tôi: - Ở nhà đi, Đăng! - Chú đừng cản tôi. - Tôi gầm gừ - Tôi phải đi xin lỗi nó. Chú tiểu Khôi vẫn nắm chặt tay tôi: - Để cho nhỏ Thắm nghỉ ngơi. Hơn nữa, có ba nhỏ Thắm bên canh mà Đăng nói được gì! Chú tiểu Khôi hoàn toàn có lý. Nhưng vì chú có lý mà tôi đâm cáu. Tôi hất tay chú ra: - Còn chú nữa! Chuyện tờ giấy sao chú lừa tôi? Chú tu hành mà nói dối như Cuội! - Tội lỗi, tội lỗi quá! - Chú tiểu Khôi chắp hai tay trước ngực. - Tôi đã sám hối trước Phật tổ rồi. Tôi cũng bất đắc dĩ nói dối Đăng có một lần đó thôi. Thấy quai hàm tôi vẫn bạnh ra, chú tặc lưỡi trần tình: - Nhỏ Thắm đâu có cho tôi nói. Chưa kể chuyện này nếu lộ ra ngoài, ba nó sẽ giết nó mất! Tôi hậm hực: - Nhưng không nói ra thì chú giết tôi! - Thôi mà, Đăng! - Chú tiểu Khôi đấu dịu - Ngày mai Đăng ghé rủ nhỏ Thắm đi học, mọi chuyện sẽ lại như xưa thôi. - Khi nãy bác sỹ bảo ngày mai nhỏ Thắm chưa đi học được. - Vậy thì ngày mốt. Tôi huých vào vai chú, giọng hăm dọa: - Ngày mốt chú phải đi với tôi đó nghe!
Chương 4.15 Bấm để xem Trưa hôm sau vừa đi học về, quẳng vội chiếc cặp vô hộc bàn, tôi ba chân bốn cẳng phi thẳng đến nhà thương. Nhưng nhỏ Thắm đã về nhà. Ông Hoạch cũng không còn nằm trên chiếc giường quen thuộc. Chắc bác sĩ đã cho ông xuất viện sau khi bệnh tình của ông thuyên giảm. Chiều hôm đó, tôi bồn chồn đi tới đi lui quanh nhà. Tôi nôn nao muốn chạy xuống nhà nhỏ Thắm để thăm nó biết bao nhưng sự ngại ngần đã giữ chân tôi lại. Chị Hoài thấy tôi đi lòng vòng cả buổi, nhíu mài hỏi: - Lớp em sắp thi môn đi bộ hả? Sáng mai. Sáng mai tôi sẽ ghé rủ nhỏ Thắm đi học. Hai đứa tôi sẽ lại có những ngày vui vẻ bên nhau. Nhỏ Thắm sẽ lại ríu rít bên tai tôi những câu hỏi bất tận như một con chim sẻ liến thoắng. Suốt ngày hôm đó, tôi chìm vào mơ mộng. Chốc chóc tôi lại bắt gặp tôi cười một mình. Trong đầu tôi, cánh diều tuổi thơ tưởng đã thất lạc lại trở về chập chờn bay lượn. Và tôi sốt ruột nhìn đồng hồ, mong trời chóng tối. Tờ mờ sáng tôi đã ôm cặp chạy ra khỏi nhà, phớt lờ cả tiếng kêu của chị Hoài "Ơ, em chưa ăn sáng mà?". Chú tiểu Khôi đã đứng đợi sẵn trước cổng chùa. Hôm nay có lẽ chú cũng háo hức không kém gì tôi. Mong ước lớn nhất của chú bấy lâu nay là làm sao hàn gắn được tình bạn giữa tôi và nhỏ Thắm. Chú tốt ghê! Thằng Phan cũng tốt. Nhưng đứa bạn tốt không phải lúc nào cũng đem tới những tin tốt. Tôi và chú tiểu Khôi đi gần đến chợ đã thấy Phan từ xa hớt hải chạy lại. Nó vừa nói vừa thở như mới bị chó rượt: - Đăng, chú tiểu Khôi! Hai người biết gì chưa? - Gì? - Nhỏ Thắm đi Sài Gòn rồi. - Đi hồi nào? - Tôi giật thót, sống lưng bỗng lạnh ngắt. - Chiều hôm qua. - Phan hổn hển - Nó đi với gia đình anh Thắng. Nghe nói nó chuyển trường vô Sài Gòn luôn. Nhỏ Ngọc ỏ trong đó than buồn nên rủ nhỏ Thắm đi theo. Tôi hoàn toàn không chờ đợi một tin tức như thế trong buổi sáng hôm đó. Như con dao nóng đi qua miếng bơ, thông báo bất ngờ của Phan lập tức nhung chảy trái tim tôi. Trong một thoáng, bầu trời như sập xuống quanh tôi và nước mắt tôi tự nhiên ứa ra. Như vậy đã quá muộn với tụi mình rồi phải không Thắm, cây chuối non của tôi? Mắt mũi tôi cay xè theo từng câu nói thầm vang lên trong đầu. Cứ nghĩ đến những ngày vừa qua nhỏ Thắm mong làm hòa với tôi biết bao nhưng tôi vẫn dửng dưng và đến khi tôi quyết định quay lại với nó thì nó đã bỏ đi, ngực tôi lại tức nghẹn và nước mắt tiếp tục lăn dài trên má. - Ngưng đi mày! - Phan thúc cùi tay vào hông tôi - Cotrai gì mà khóc lóc ngoài đường ngoài sá! Phan không nói còn đỡ. Đang thút thít, nghe nó nói tôi bỗng òa ra khóc tức tưởi. - Nín đi, Đăng! - Chú Tiểu Khôi giật chéo áo tôi - Đang đi ngang nhà nhỏ Thắm, coi chừng mẹ nó nhìn thấy. Mẹ nhỏ Thắm nhìn thấy bọn tôi thật. Đang ngồi sau quầy, thấy ba đứa tôi trờ tới, bà đứng dậy bước ra: - Con ghé rủ bạn Thắm đi học hả, Đăng? Có tới ba đứa nhưng bà lại kêu đích danh tôi khiến tôi hấp tấp đưa tay áo quẹt nước mắt. Bà chép miệng: - Tiếc quá, con tới trễ mất rồi! Vừa nghe ba tiếng "trễ mất rồi" tôi phải cố lắm mới không nức nở trở lại. Nhưng khi bà nói tiếp, người tôi giống như va phải gốc cây: - Con bé không biết hôm nay con ghé nên nó đi trước rồi. Tôi khựng lại năm giây để cố hiểu xem điều gì đang diễn ra chung quanh tôi. Tới giây thứ sáu, tôi quay nhìn thằng Phan bằng ánh mắt của kẻ sắp sửa giết người nhưng nó đã chạy tuốt ra xa đứng cười hích hích.
Chương 4.16 Bấm để xem Tôi và nhỏ Thắm lại ngồi đong đưa chân bên bờ suối xóm Trong. Hai đứa ngồi lặng im ngắm hoa dong riềng đỏ ối bên kia suốt, tai lơ đãng nghe tiếng ong bay vù vù trong nắng sớm, cả tiếng nước róc rách mơ hồ vẳng tới từ đỉnh đồi xa. Lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra trong đầu tôi không chứa một ý nghĩ nào rõ rệt. Đầu óc tôi cứ bềnh bông lơ lửng như quả bóng bay. Tôi cố nghĩ về một điều cụ thể gì đó nhưng tôi không sao làm được. Cũng có khi một hình ảnh thoáng hiện ra trong tâm trí nhưng ngay lập tức nó lại tan đi. Một lúc lâu tôi không làm sao bắt mình tập trung. Có phải khi hạnh phúc quá mức, con người ta không thể nghỉ ngợi được gì? Tôi chỉ mở miệng khi phát giác nhỏ Thắm ngồi cạnh tôi hôm nay ngoài nón xanh, áo xanh, giày xanh, nó còn cầm trên tay mấy cọng sả. - Cầm sả theo chi vậy Thắm? - Mình nghe người ta bảo rắn kỵ sả. Tôi nheo mắt: - Tôi với tụi thằng Phan vô đây bơi hoài có bao giờ bị rắn cắn đâu. - Hôm đó lúc dắt xe về, có con rắn bò ngang trước mặt mà mình không thấy. Thế là mình đạp phải đuôi nó. - Để bữa nào tôi rượt đánh nó trả thù cho Thắm. - Tôi đùa. - Đăng đừng đánh nó. Nó là ân nhân của Thắm chứ không phải kẻ thù. - Ân nhân? - Ờ. - Nhỏ Thắm tủm tỉm - Nếu nó không cắn mình, Đăng đâu có chịu làm hòa với mình. Tôi biết nhỏ Thắm chỉ trêu cho vui nhưng tôi vẫn thấy lương tâm cắn rứt quá chừng. Mặt nóng ran, tôi ngước nhìn lên trời, khẽ nói: - Không phải chỉ chuyện rắn cắn thôi đâu. Chuyện gì của Thắm cũng làm tôi cảm động hết á. - Như chuyện gì chẳng hạn? - Chuyện Thắm dán tờ giấy trước cửa nhà đó. - Tờ giấy đó không phải do mình dán. Cứ như nhỏ Thắm vừa liệng ra một quả bom. Tôi quay nhìn nó, gần như dựng cả tai lẫn mắt, miệng hỏi dồn: - Cái gì? Vậy ai dán? Thằng Phan? Chú tiểu Khôi? - Mẹ mình dán. Tôi nghe lùng bùng hai lỗ tai. Và trong đầu tôi, đom đóm lập lòe bay lẫn với sao rơi. - Mẹ Thắm? - Tôi hỏi như ngáp, cảm giác chung quanh thình lình tụt ô-xy. - Ờ, lúc mình đem tờ giấy vào nhà chưa kịp giấu thì mẹ mình trông thấy. Nhỏ Thắm bảo lúc mẹ nó giằng lấy tờ giấy, nó sợ muốn rụng tim. Nhưng khi nghe nó run run trình bày ý định, mẹ nó vuốt tóc nó, bảo "Con không sợ ba con đuổi ra khỏi nhà sao? Để đó cho mẹ!". Bất giác tôi nhớ đến mẹ tôi. Tôi nhớ đến những bà mẹ mà tôi từng biết. Những bà mẹ quê tôi luôn dành cho con cái một tình thương bao la, tuy sợ chồng nhưng lúc nào cúng ấp ủ chở che con, sẵng sàng gánh khổ nạn vì con không chút đắn đo. Nếu tôi từng có chút lấn cấn khi nhớ đến câu nói hất hủi ngày nào của mẹ nhỏ Thắm thì bây giờ nỗi bận lòng đó cũng tiêu tan không còn vết tích. - Mẹ Thắm hay ghê! - Tôi buột miệng cảm thán. - Thế là từ hôm nay tụi mình tha hồ đi học chung, tha hồ chơi với nhau như hồi bé mà chẳng sợ ai cấm cản, phải không Đăng? - Nhỏ Thắm tinh nghịch nhắc lại câu nói của tôi. - Dĩ nhiên rồi. - Vậy bây giờ Đăng có còn ước Thắm là con trai nữa không? Tôi mỉm cười: - Thắm biết rồi mà còn hỏi! Nhỏ Thắm chun mũi: - Chính vì biết Đăng vẫn ước Thắm là con trai nên Thắm mới hỏi. Khi tình bạn ấm áp thuở thiếu thời quay trở lại, tính nghịch ngợm cũng nhanh chóng quay về với nhỏ Thắm. Nó nói kiểu đó, tôi chẳng biết cách sao trả lời. Tôi bối rối thò tay bứt một cọng cỏ cạnh chỗ ngồi, vò vò rồi đưa lên mũi, bâng khuâng nói - không biết mình đang lặp lại câu nói của nhỏ bạn bên bờ suối hôm nào: - Cỏ mật thơm quá há Thắm. Kết chuyện Phan thân, Tao chỉ viết đến đây thôi. Năm lớp Mười tao đã vào Tam Kỳ học. Dĩ nhiên thời gian ở Tam Kỳ cũng lắm chuyện thú vị nhưng tao không đưa vào bài này vì nó không liên quan gì đến Hà Lam. Khi nào một đứa bạn học Tam Kỳ lên làm chủ tịch thành phố và có ý định làm cuốn kỷ yếu về Tam Kỳ, có thể tao sẽ viết tiếp về những năm cấp ba. Bài về Hà Lam lúc đầu tao định viết cỡ bốn ngàn chữ nhưng chuyện này kéo chuyện kia, chuyện kia lôi chuyện nó, kỷ niệm ùa về như thác nên tao không dừng được, đành nuông chiều cảm hứng mà dông dài như mày thấy đó. Mày nói thằng Biểu muốn cắt cho gọn lại cũng được. Nó muốn cặt đoạn nào tùy nó, nhưng riêng đoạn nó bị tụi bạn ngã ba Cây Cốc của mày đón đường hãm dọa khiến nó sợ đến són ra quần, phải giả vờ câm để thoát nạn thì nó không được cắt. Nếu nó cắt đoạn đó thì thà bỏ quách cái bài của tao cho rồi. Mày nói với nó đây là ý của tao. Đai trượng phu dám làm dám chịu. Leo lên tới chủ tịch thị trấn rồi mà hở tí là đòi phi tang quá khứ thì nó leo xuống quách để mày lên thay con hơn. He he, "nói vậy là mày hiểu rồi ha!". Hai đứa tao hẹn gặp lại tụi mày ở Hà Lam nhân dịp kỷ niệm sắp tới, nhất là đã lâu tao không gặp sư thầy Trí Tịnh - thực ra tao vẫn muốn gọi thầy là "chú tiểu Khôi" như ngày xưa hơn. Siết tay tụi mày. Đăng & Thắm Trại Hoa Vàng, 29/6/2017 <<Hết>>