Nhật ký, đương nhiên là chuyện có thật, do chính người viết trải qua. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhật ký này tôi không nêu bất kỳ yếu tố định danh nào, trước tiên là để người thật sẽ không phải chạnh lòng dẫu có vô tình đọc thấy. Ngày 1: Khi lìa trần có mấy người đưa? Cái đường nhỏ giáp ranh giữa Sài Gòn – Bình Dương, từ đầu mùa dịch đến giờ vẫn yên bình. Cứ ngỡ xóm nghèo, dân cư thưa thớt, em ấy không tiện đường ghé qua.. Nào ngờ, đầu tuần ni, trong một ngày giăng giây 3 nhà: Khúc đầu – khúc giữa – khúc cuối. Chiều muộn, cả con đường vốn an tĩnh bỗng rần rần tiếng xe chạy. Họ chạy đến điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 kế bên nhà tôi – là ngôi trường tiểu học thiếu tiếng cười học sinh đã hơn tháng nay. Nhà tôi đợi vãng người mới lục tục đi bộ qua, xếp vào nhóm cuối cùng. Nói hổng phải sợ chứ thiệt lòng cũng muốn.. né chỗ đông người, vì nhà có bé con chưa tròn 3 tuổi. Dù tất cả đều xếp hàng giãn cách rất trật tự, nhưng.. ai mà biết được! Ngồi chưa nóng chỗ thì nghe tiếng la hoảng, số thứ tự 4.. đứng dậy, đi nhanh vào phòng này.. ngồi yên đấy lát có xe xuống đưa đi! Rồi tiếng khóa cửa, tiếng phun xịt cứ tăng lên dần theo một nhịp độ vô cùng khẩn trương. Duy chỉ có nhịp thở của mỗi người lại dường như chậm hẳn, đông người thế mà sao yên lặng đến lạ kỳ. Nhóc con được tôi ôm trong lòng, có lẻ cũng cảm nhận được sự bất an của mẹ, im lặng không ngọ nguậy như lúc đầu nữa. 10 phút sau, một chiến xe bán tải cũ mèm chạy tới. Ở thùng xe đã có một người phụ nữ với giỏ đồ khá nặng. Khẩu trang che nửa mặt nhưng ánh mắt buồn thiu của chị vẫn khiến người ta nao lòng. Người đàn ông lúc nãy được đưa vào phòng riêng nay được hướng dẫn ra xe, dáng liu xiu như một nhành cây sắp đổ. Chiếc xe chạy đi rồi, mới nghe loáng thoảng giọng ai thắc mắc: "Không có xe cứu thương sao phải chở đi bằng xe chở vật liệu xây dựng vậy ta?", lai giọng ai đó tự giải đáp: "Chắc không kịp chuẩn bị, thôi có xe đưa đi cũng là may rồi!". Hôm đó, không còn ca nào khác, sau 30 phút chờ kết quả xét nghiệm nhanh, tất cả chúng tôi được thông báo âm tính và cho về. Những tưởng thế là yên chuyện, ai ngờ sáng sớm hôm sau ông trưởng khu phố lại xình xịch đến cửa nhà, thông báo đầu giờ chiều lại xét nghiệm, bảo đường này nguy cơ cao nên phải xét nghiệm thêm. Ông xã tôi không cam lòng với cái từ "nguy cơ cao", bởi cả tháng này ngoài mấy nhà bị giăng giây do là F1 thì cũng không thấy phát sinh gì ghê gớm. Thế nên ảnh gọi điện lòng vòng để hỏi thăm, té ra ở con hẻm đối diện xéo nhà tôi có một ca dương tính đã qua đời, là cô gái ở trọ cùng mẹ trong hẻm này từ rất lâu rồi. Nghe xong bàng hoàng, cảm giác không phải lo sợ, mà là xót xa. Chết ư? Đã không kèn không trống cũng chẳng có bất kỳ một tiếng động nào, nếu không chủ động hỏi chắc nhà tôi sẽ không bao giờ biết được. Một con người có thể ra đi lặng lẽ đến vậy sao? Cô đơn đến vậy sao? Bất chợt trong lòng nghẹn ngào lời hát cũ "Triệu người quen biết mấy người thương? Khi lìa trần có mấy người đưa?". Giọt nước mặt tôi âm thầm rơi thay cho lời đưa tiễn cô gái xấu số ấy cùng ai đó chẳng may phải ra đi một mình giữa mùa dịch này. Cầu cho người siêu sinh.. (còn tiếp) Link thảo luận và góp ý [Thảo luận - Góp ý] - Các sáng tác của Ánh Ấm Áp
Ngày 2: Nước mắt đàn ông vẫn chảy thành dòng Sáng nay nhận tin từ khối sales của Công ty, gia đình một anh quản lý sales có 10 người thì hết 8 người dương tính với Covid-19. Người đầu tiên nghi nhiễm là ba anh, tuổi đã quá thất tuần, mang trong người nhiều bệnh nền, phát hiện nhờ một lần định kỳ vào viện chạy thận. Người gần nhất được phát hiện là con trai nhỏ của anh, bé mới lên 6 tuổi. Anh là một trong hai người may mắn đến thời điểm này vẫn an toàn. Có thể vì là người đàn ông khỏe mạnh nhất nhà, cũng có thể vì anh cũng như tôi, may mắn được Công ty đưa vào danh sách tiêm vaccine Covid-19 ngay đợt đầu tiên. Lúc đó, chúng tôi còn cười ghẹo nhau, về nhà cắt tí huyết, pha với nước cho cả nhà cùng uống để gia đình đều có kháng thể chống lại Covid-19. Nào ai ngờ, chuyện phải đến cũng đến, mà đến nhanh như vậy! Tôi gọi điện hỏi thăm, cuộc trò chuyện bị ngắt quãng nhiều lần bởi ai đó cứ nghẹn ngào nói không thành tiếng. Tôi không biết làm gì giúp anh, chỉ có thể nhẹ nhàng nói vài câu an ủi, rằng anh đừng buồn, cả gia đình đều cần anh mạnh mẽ để dựa vào, để chăm sóc cho họ những ngày sắp tới. Giọng đàn ông lại nghèn nghẹn: "Ừ, Giờ anh chỉ biết gắng gượng tỏ ra lạc quan thôi. Chuyện xảy ra như thế anh cũng không thể thay đổi được sự thật. Giá mà anh có thể gánh thay ba nỗi đau bệnh tật. Giá mà anh có thể gánh thay vợ con nỗi lo của những ngày sắp tới trong bệnh viện thu dung.. Em biết không, anh đang xếp đồ cho vợ con chiều nay vào khu cách ly dành cho F0 không triệu chứng, đây là chuyến đi đầu tiên của gia đình cực kỳ quan trọng mà lại vắng mặt anh..". Một khoảng lặng dài giữa cuộc điện thoại, tôi biết anh vẫn đang cầm máy vì bên kia vẫn còn tiếng quạt, tiếng thở trĩu nặng tâm tư.. "Nói em đừng cười, chứ nước mắt từ qua đến giờ nó cứ chảy ra mà anh không dám để mọi người thấy. Như em nói, anh đang cố làm người đàn ông mạnh mẽ đây!" Cuộc điện thoại kết thúc rồi mà lòng tôi vẫn còn lâng lâng cảm xúc, vừa là cảm thương, vừa là không cam tâm. Vì sao đàn ông không được khóc? Vì sao nước mắt đàn ông không thể chảy thành dòng? Vì sao những nỗi đau của đàn ông cứ phải lẳng lặng giấu vào trong? Đành rằng đàn ông là trụ cột, là điểm tựa vững chắc của người già, trẻ nhỏ, phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng đàn ông cũng là con người, cũng có tình cảm, cũng cần được sẻ chia và cũng có lúc mong được dựa vào ai đó.. đặc biệt là lúc rơi vào hoàn cảnh bất lực và rối bời như anh. Còn nhớ, cách đây vài năm, khi bà nội tôi qua đời, 3 ngày tang chế, tôi thầm phục ba mình dù mắt ba đỏ hoe vẫn không có một giọt nước mắt nào chảy ra. Cho đến ngày cuối, khi bắt đầu động quan, ông không kìm nén được nữa mà khóc rống lên, rồi khóc nấc không thành tiếng, khóc đến nỗi người nghe có thể cảm nhận nỗi đau đớn đậm sâu, nỗi mất mát khôn cùng. Từ đó về sau, nếu vô tình bắt gặp một người đàn ông mắt ngấn lệ, tôi không cười chế giễu hay mỉa mai, tôi sẽ ngồi cạnh bên chờ người ta chia sẻ nỗi đau, đơn giản là để anh ấy, ông ấy có thể vơi đây chút muộn phiền. Ảnh: Con đường vắt ngang khu chung cư nhà anh, những ngày này càng thêm vắng lặng, vì khu chung cư nhỏ có 8 hộ 44 nhân khẩu mà đã có 24 F0. Người đầu tiên phát hiện cách đây hơn tuần, là một cụ bà, chân yếu, chỉ có đi ra chợ mua ít thực phẩm rồi về nhà. Mong sao các cụ mạnh khỏe, bình an vượt qua bệnh tật. (Còn tiếp) Link thảo luận và góp ý [Thảo luận - Góp ý] - Các sáng tác của Ánh Ấm Áp
Ngày 3: Cười hé môi Gọi là cười hé môi vì những mẫu chuyện nhỏ góp nhặt giữa những ngày này dù có hài nhưng cũng không thể cười hở răng được, vì đằng sau đó có chút bùi ngùi.. 1. Hẻm bên có biến! 07h00 sáng, giọng ông chú nhà kế bên đã oang oang: "Tụi mày ơi, đường bên kia có biến rồi, tau đi mua bánh mì ăn sáng mà không thấy quán bánh mì mở cửa, lại thấy một đám mấy chục người mặc áo.. mưa xanh lè đứng ở đầu đường bên ấy, hổng lẻ cả con đường bị dính hết rồi sao ta?" Tôi bên này giật thót người, đừng giỡn nha, hai đường thông nhau đó! Chưa kịp cất tiếng hỏi thì một giọng nữ chanh chua vang lên: "Thôi đi cha nội, nói bậy nói bạ coi chừng bị công an còng đầu. Thằng bạn tui ở bển vừa gọi hỏi đường mình có được kêu đi test không, chứ bên đó test toàn bộ. Người ta là nhân viên y tế, mặc đồ bảo hộ chuẩn bị test đó ông, mơ cái gì mà nhìn ra áo.. mưa vậy hả?" Tựa như bị kìm nén đã lâu, cả khu nhà trọ bật lên tiếng cười. Ờ, là cười thiệt đấy, cũng lâu lắm rồi mới được nghe tiếng cười vui tai như vậy! 2. Chạy đâu cho thoát! Khu nhà trọ mấy bữa nay im tiếng người, họ về quê tránh dịch. Từ hôm chợ đầu mối đóng cửa, không kéo được hàng rau củ, cũng không được chở hàng đi bán dạo, đi ra đi vào căn phòng 20 m2, buồn chán nên cuồng chân. Chủ trọ thông báo: "Phải có giấy âm tính mới qua được chốt dọc đường nghen!" - Ai đó tự tin trả lời: "Ừ thì đi thử Covid!" Chủ trọ tiếp: "Tiền thử Covid nghe nói hơn 400k/người nghen!" - Ai nhanh nhảu: "Ừ thì.. Hả, gì ghê vậy!", rồi tặc lưỡi: "Mà thôi, cũng phải thử chứ sao giờ!". Chủ trọ buông câu cuối: "Xe đò, xe lửa, máy bay gì cũng ngừng chạy hết rồi nghen!" - Ai đó im lặng một lúc lâu rồi mới chốt: "Không cần hù mày, tau đi xe máy về, có 700 cây chứ mấy!". Ờ, cũng phải, ngày thường họ đi bán hàng rong, tính cả đi lẫn về cũng vài trăm cây số. Về quê, đường xa chút, nhưng chạy rồi cũng tới mà.. Từ khi họ về đến giờ đã hơn tuần, vẫn thường xuyên video call hỏi thăm nhau. Cuộc điện thoại trưa nay có hơi khác, giọng ai đó run run: "Ê mày, tau lo quá! Cái trạm y tế xã tau, hơn chục người dính rồi, có cả nhân viên y tế, mà từ hôm về đến giờ tau và mấy đứa ở trọ chung không được đi đâu, phải tự cách ly ở nhà, chỉ có ra trạm thử Covid thôi, thế có toi không chứ!" Chủ trọ: "Đã bảo ai ở đâu ở yên đó, ham về chi, giờ than gì!" – Ai đó giọng buồn rười rượi: "Ờ, đúng là không chạy đâu cho thoát, biết vậy tao ở quách chỗ mày luôn cho xong !". (Còn tiếp) Link thảo luận và góp ý [Thảo luận - Góp ý] - Các sáng tác của Ánh Ấm Áp
Ngày 4: Nghĩa tình mang tên "rau củ" Khi tình hình Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, việc đi lại khó khăn, vùng ven giáp ranh hai tỉnh thành như chỗ mình càng khó khăn hơn. Shipper không thể giao hàng, siêu thị ở xa, chợ đóng cửa.. Có những ngày đúng như báo chí đưa tin, khao khát một cọng hành hơn là một miếng.. vàng :) Đành an ủi bản thân, thôi ráng nhịn, ngày mai trời lại sáng, thiếu cọng hành không chết được! Bỏ qua cọng hành, mình tìm cách mua thịt, vì nhà có người già trẻ nhỏ, cần có đạm để đảm bảo sức khỏe. Đặt hàng siêu thị không được, mình nhớ đến một anh bạn làm ngành cung ứng, trước đây từng mua thịt heo đông lạnh của ảnh, liên hệ lại, ảnh nói hàng bao la nhưng để xem có giao được không, do khác tỉnh. Lát sau, ảnh chụp cho cái hình đặt vận chuyển, cước phí ngang ngửa giá một ký thịt heo, cơ mà không có shipper nào nhận. Ảnh nói "Thôi để anh tính.." Không biết tính làm sao mà chiều đó, mình nhận cuộc gọi của ảnh, giọng hào hứng: "Anh đang đứng đầu đường nhà em nè, chỉ nhà anh chạy tới!". Mình ngạc nhiên đến nỗi đứng hình, nhẩm tính từ chỗ ảnh qua mình chắc hơn 30 km, phải qua không biết bao nhiêu là chốt. Lật đật chạy ra đón, ảnh cười tươi chào mình, dù đang đeo khẩu trang nhưng mình cam đoan là tươi thiệt nhé, vậy khóe mắt ảnh nheo hết cả lại rồi kìa! Rồi ảnh mở cốp, nói rôm rả: "Thịt heo thịt gà em đặt nè, còn mấy cái này anh tặng, hơi xấu tí do vận chuyển từ Đà Lạt về mà mắc kẹt mấy ngày, vừa mới tới thôi. ." Ảnh đưa mình cầm cái túi xốp rồi tay thoăn thoắt bỏ vào, nào đậu cove, bắp cải, cà chua, su su.. Trong khi mình rơm rớm nước mắt vì cảm động thì ảnh vẫn tíu tít nói, làm như sợ mình hổng nhận đồ vậy: "Em đừng nghĩ nhiều, rau củ này là nhà cung cấp cho anh nên anh chia sẻ mỗi người một chút, em lấy nhiều chia lại cho hàng xóm cũng được!" Tôi cười hỏi "Sao anh siêng vậy, đường xa thế mà, rồi qua mấy chốt làm sao.." Ảnh bảo "Không cần ngại, anh chạy từ nhà qua chỗ nhà cung cấp rồi lên công ty đưa hàng hóa, xong rảnh chạy luôn qua em, sẵn tiện xem tình hình thành phố thế nào, cũng căng lắm nhen, quá trời chốt luôn, không có giấy là không đi được đâu!" Ờ, căng vậy mà tôi nhẩm thử, theo lộ trình ảnh nói thì cũng qua nửa vòng thành phố thôi chứ mấy! Hi, người gì siêng lạ, có tâm đến.. kỳ cục :) tiền đổ xăng cho con xe bốn chỗ của ảnh để chạy qua bên tôi chắc bằng tiền tôi mua thịt luôn rồi, lại còn thêm một đống rau củ.. cái nợ nghĩa tình này, biết khi nào trả nổi đây!
Ngày 5: Tiêm hay không tiêm, đó là một vấn đề! Qua nay, tin tức ồn ào vụ một số người từ chối, thậm chí là làm dữ khi đi tiêm vaccine Covid-19 được thông báo là vaccine Sinofarm của TQ. Trong đoạn clip phát tán trên FB có cả giọng đàn ông tỏ rõ sự bất bình: "TQ thì TQ, bày đặt Sinofarm này nọ, tính lừa ai hả, mạng người chứ phải chuyện chơi. Không tiêm, đi về!" Mình không biết clip này và những tin tức này là thật hay giả, mình chỉ biết chính quyền của một quốc gia sẽ không bao giờ đùa giỡn với tính mạng của người dân, một khi đưa ra chương trình gì chắc chắn đã có sự xem xét thấu đáo. Huống gì, tiêm vaccine là quyền của mọi người, người ta sẽ không đè mình ra chích khi mình không muốn. Ngay cả ở công ty mình, khi triển khai tiêm đợt đầu tiên cho công nhân với vaccine được thông báo là AstraZeneca, cũng có một số công nhân nhắn tin riêng cho mình tỏ vẻ hoang mang, lo lắng. Sau khi được giải thích, chỉ nhẹ nhàng gửi lại tin nhắn: "Em xin từ chối, nhường suất tiêm cho người khác ạ!" Mình nghĩ đó mới là cách hành xử đúng đắn trong lúc dầu sôi lửa bỏng này. Nếu không đồng tình, không chấp thuận, bạn chỉ việc nói "Tôi từ chối!". Không cần phải tỏ thái độ, lên gân, thóa mạ.. Trên vai những cán bộ y tế ấy đã quá nhiều gánh nặng rồi, đừng khiến họ thêm mỏi mệt, đau lòng. Không nghĩ theo hướng tình cảm như mình, CK của mình thì bày tỏ thái độ quyết liệt hơn: "Mấy người này nghĩ gì không biết, ở đây người ta chờ được chích thấy" mịa "mà chưa được kêu đi chích đây này! TQ với chả TQ, đem về đây, cứ chích cho tui, tui nhận hết!". Nghĩ cũng ngộ, đời này nhiều nỗi éo le, người cần thì không có, người có lại không cần. Mạng sống dĩ nhiên là quý như nhau, bạn được quyền chọn điều tốt nhất cho riêng mình và người khác cũng vậy. Vậy nên, tiêm hay không tiêm, chẳng qua chỉ nằm trong suy nghĩ của mỗi người mà thôi.
Ngày 6: Sau dịch tui làm gì trước tiên? Câu hỏi này mấy ngày nay có mặt khắp các diễn đàn, mạng xã hội. Câu trả lời thì muôn hình vạn trạng, có người đi du lịch, có người đi cắt tóc, có người đi ăn.. Còn tôi, chỉ có một khao khát cháy bỏng mà bản thân tự trả lời hàng trăm lần giữa những ngày giãn cách đều giống nhau, chính là sau dịch tôi sẽ.. đi làm ngay. Đúng vậy, là được đi làm, được đến Công ty gặp anh em đồng nghiệp mà không phải qua bất kỳ chốt kiểm dịch nào. Cho dù phải chen chân giữ dòng xe cộ đông đúc, cho dù phải đội nắng dầm mưa. Một phần là muốn đi.. kiếm tiền lo cho gia đình, nhưng phần lớn hơn đó chính là đi để thấy mình có giá trị, mình được sống và làm việc có ích. Còn bây giờ thì sao? Từ ngày có chủ trương 3 tại chỗ đến nay đã hơn tháng, anh em đồng bạn của tôi lần lượt xách ba lô lên đường vào Công ty ở. Vợ chồng anh Bảy nhà kế bên làm công ty may mặc, đi sớm nhất, để hai đứa con gái tuổi mới lớn ở nhà tự thân xoay xở, dưới sự giám hộ của người chị ruột ở sát vách. Hai đứa nhỏ khắc khẩu, hễ tí lại gây nhau, không có ba mẹ ở nhà còn đánh nhau u đầu chảy máu. Nhận được tin không biết làm sao, qua điện thoại chỉ hét lên giận dữ rồi.. im lặng. Vợ chồng cháu út đầu hẻm làm công ty dược cũng đi ngay sau đó, gửi hai thằng con trai tuổi choai choai cho bà nội trông. Mấy ngày mới vào Công ty còn gọi về khoe ở trong này an toàn, yên ổn. Hai tuần trôi qua đã rơm rớm nước mắt, thổn thức qua điện thoại: "Nhớ 02 nhóc quậy ở nhà, giờ không cầu tiền cầu bạc, chỉ cầu cho dịch kết thúc nhanh nhanh để được về nựng tụi nó!". Công ty tôi, vì cơ sở vật chất không đầy đủ cho hơn 2.000 con người vừa sản xuất vừa ngủ nghỉ nên đành chia hai phe, một phe sản xuất có tay nghề điêu luyện được ưu tiên giải quyết 3 tại chỗ, một phe sản xuất tay nghề kém hơn và khối gián tiếp đành tạm nghỉ ở nhà chờ "bão" qua. Ngày nhận thông báo nghỉ không lương, nhóm ở nhà, trong đó có tôi, ngậm ngùi không nói gì, đành tự an ủi, thôi thì thông cảm với Công ty lúc khó khăn này, không sản xuất được lấy đâu ra tiền trả lương. Nay vừa tròn tháng bị cấm túc, nhóm ở nhà sống thoi thóp với tiền tự tiết kiệm và chút đỉnh tiền hỗ trợ của Công ty, hy vọng sớm nhận thêm hỗ trợ của nhà nước. Lúc đầu còn có chút ghen tị với nhóm 3 tại chỗ, được đi làm, được hưởng lương, nhưng giờ nghĩ lại mình có niềm hạnh phúc của mình. Coi như được nghỉ dưỡng, được tập trung thời gian cho gia đình, vợ chồng, con cái. Trong khi họ, những đồng nghiệp của mình đang hy sinh cả thời gian riêng tư bên gia đình, sống trong điều kiện sinh hoạt tối thiểu, cố thủ tại nhà máy để duy trì sản xuất, tạo ra sản phẩm nhằm đem về phần doanh thu ít ỏi, giữ vững thành trì chờ ngày Công ty tái hoạt động bình thường. Có những người đã không trụ nổi, xin được về nhà.. Vậy nên, đừng ai hỏi tôi sau dịch làm gì trước tiên, tôi chỉ có một câu trả lời không màu mè hoa lá, không thi vị cười cợt, mà nghiêm túc sắc son: "Tôi sẽ ĐI LÀM!" - Đi làm bình thường đúng nghĩa của từ này, sớm đến công ty xông xáo cùng đồng nghiệp, chiều về đầm ấm ăn bữa cơm đơn giản với chồng con. Nghĩ lại mà buồn.. cười, trước đây hơn 1 tháng, tôi còn ao ước được nghỉ ngơi vài ngày để không phải bù đầu với hàng núi công việc, chen lấn hít khói bụi giờ tan tầm. Nay lại ao ước chính điều đó. Đôi khi chen lấn – cãi vả với người chung đường cũng là một hạnh phúc, có phải thế không :)