Truyền thuyết là gì? Đặc trưng của thể loại truyền thuyết

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 5 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Truyền thuyết là gì? Đặc trưng của thể loại truyền thuyết
    1. Truyền thuyết là gì?

    - Khái niệm: Truyền thuyết là những "tác phẩm tự sự dân gian kể về sự kiện và nhân vật lịch sử (hoặc có liên quan đến lịch sử) theo xu hướng lí tưởng hóa, qua đó thể hiện sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với những người có công với đất nước, dân tộc hoặc cộng đồng cư dân của một vùng" (theo Ngữ văn 10, tập 1, trang 17. NXB Giáo dục).

    Như vậy, truyền thuyết là truyện kể dân gian, truyền thuyết mang những đặc điểm của phương thức tự sự: có cốt truyện, nhân vật, sự việc, chi tiết...

    [​IMG]

    - Nội dung của truyền thuyết: kể về sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử: Lạc Long Quân diệt Ngư Tinh, Hồ Tinh (chuỗi truyền thuyết về Lạc Long Quân), Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân (truyền thuyết Thánh Gióng), Lê Lợi đánh bại giặc Minh (truyền thuyết Hồ Gươm)...

    - Nghệ thuật truyền thuyết: truyền thuyết kể lại sự kiện và xây dựng nhân vật theo xu hướng lí tưởng hóa, vì vậy truyền thuyết có sự tham gia của các yếu tố hoang đường, kì ảo. Xu hướng lí tưởng hóa trong truyền thuyết là phóng đại một cách tích cực các đức tính của nhân vật bằng cách khắc họa những phẩm chất, năng lực phi thường ... khiến cho nhân vật trở nên hoàn hảo.

    Nhân dân có xu hướng lí tưởng hóa nhân vật truyền thuyết nhằm thể hiện thái độ kính trọng, tôn vinh của mình đối với những nhân vật anh hùng trong lịch sử có công dựng nước, giữ nước...

    Ở Việt Nam, truyền thuyết gồm các nhóm truyện gắn với các thời kì lịch sử: truyền thuyết thời Hùng Vương (Thánh Gióng, Sơn Tinh – Thủy Tinh...); truyền thuyết thời kì 10 thế kỉ đấu tranh, giải phóng (Hai Bà Trưng, Bà Triệu...); truyền thuyết thời kì xây dựng quốc gia phong kiến (Sự tích Hồ Gươm); truyền thuyết thời kì nông dân khởi nghĩa khi chế độ phong kiến suy tàn (Truyện Nguyễn Hữu Cầu, Truyện Phan Bá Vành...); truyền thuyết thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ...

    2. Đặc trưng của thể loại truyền thuyết

    - Truyền thuyết thuộc thể loại truyện dân gian, tồn tại nhờ phương thức truyền miệng là chính.

    Ra đời từ thời kì chưa có chữ viết, nên truyền thuyết cũng như các thể loại văn học dân gian khác được truyền miệng từ người này qua người khác, từ đời này qua đời khác, từ địa phương này sang địa phương khác...

    Vì tồn tại nhờ phương thức truyền miệng nên truyền thuyết thường gắn với lễ hội và phong tục thờ cúng của dân tộc. Ở nước ta, các truyền thuyết thời vua Hùng dựng nước bao giờ cũng được kể lại, hoặc dựng thành những trò diễn dân gian lễ hội (ngày nay được sân khấu hóa), được lưu giữ và truyền bá ở đền, miếu, núi, sông, ao hồ... để nhân dân thờ cúng. Ví dụ truyền thuyết Thánh Gióng gắn với khu di tích Sóc Sơn; truyền thuyết An Dương Vương gắn với cụm di tích đền Cổ Loa...

    - Truyền thuyết kể về nhân vật lịch sử và sự kiện có liên hệ với lịch sử.

    Trong truyền thuyết, những danh từ riêng chỉ tên người, tên đất, tên thời kì lịch sử rất được coi trọng (như An Dương Vương, Lạc Long Quân, Hai Bà Trưng, Lê Lợi ...) vì những tên này gắn liền với những con người thật, vùng đất thật. Đặc điểm này góp phần vào việc dựng lại không khí lịch sử, tang tính xác thực của truyện, thực hiện chức năng cơ bản của thể loại.

    Tuy lấy lịch sử làm đề tài nhưng truyền thuyết không phải là lịch sử. Lịch sử phản ánh chính xác sự kiện, nhân vật. Còn truyền thuyết lựa chọn một cách có nghệ thuật các sự kiện, nhân vật để lay động tình cảm và niềm tin của người nghe đối với các sự kiện đó.

    - Truyền thuyết có sử dụng các yếu tố tưởng tượng, hư cấu.

    Tuy lấy sự kiện và nhân vật lịch sử làm đề tài, nhưng truyền thuyết vẫn sử dụng những yếu tố hư cấu trên nền lịch sử có tính xác thực đó.

    Những chi tiết như mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở trăm con, Thánh Gióng lớn nhanh như thổi, một mình đánh tan giặc Ân rồi bay về trời, hay chi tiết nỏ thần bách phát bách trúng của An Dương Vương... đều là những chi tiết kì ảo, hư cấu.

    Chi tiết hư cấu kì ảo vừa tạo nên sức hấp dẫn của truyền thuyết, vừa là cách để nhân dân ta thần thánh hóa hình tượng, phi thướng hóa chiến công, năng lực của của những bậc anh hùng mà nhân dân yêu mến, ngưỡng vọng.

    - Truyền thuyết thường thể hiện thái độ, đánh giá nhân dân về nhân vật, các sự kiện lịch sử có thật.

    Theo truyền thuyết, nhân dân muốn ca ngợi công lao của An Dương Vương trong quá trình xây thành, chế nỏ nên đã sáng tạo những chi tiết kể về sự quyết tâm của nhà vua trong sự nghiệp này. Sự quyết tâm đó cảm động đến cả thần linh và nhà vua được Rùa Vàng giúp đỡ.

    Ngay cả khi An Dương Vương thất trận, phải nhảy xuống biển tự tử, nhân dân muốn tưởng nhớ công lao của ông, đã để ông cầm sừng tê rẽ nước về sống tại thủy cung, trường sinh bất tử cùng các vị thần.

    [​IMG]

    3. Phân biệt truyền thuyết và cổ tích


    - Giống nhau:

    + Đều là tác phẩm tự sự dân gian

    + Đều có các yếu tố hoang đường, kì ảo.

    - Khác nhau:

    + Nhân vật, sự kiện trong truyền thuyết gắn với các nhân vật lịch sử, có tính chất lịch sử, nên ít nhiều có tính xác thực. Còn nhân vật, sự kiện trong cổ tích phần lớn là tưởng tượng của nhân dân, không có thật.

    + Truyền thuyết khai thác đề tài có tính lịch sử. Cổ tích khai thác đề tài thế sự, đời tư: câu chuyện gia đình, anh em, bạn bè, người thân các mâu thuẫn xung đột của họ, đặc biệt là trong xã hội phong kiến.

    + Truyền thuyết: kết thúc truyện thường dạng mở. Cổ tích: thông thường là kết thúc có hậu, người hiền lành được phù trợ, sống hạnh phúc, còn kẻ độc ác bị trừng trị, chịu hình phạt...

    4. Phân biệt truyền thuyết và thần thoại.

    - Giống nhau:

    + Đều là tác phẩm tự sự dân gian

    + Đều có các yếu tố hoang đường, kì ảo.

    - Khác nhau:

    + Nhân vật trong thần thoại là các vị thần, các nhân vật anh hùng, nhân vật sáng tạo văn hóa. Thần thoại thể hiện quan niệm người xưa về nguồn gốc của thế giới và xung quanh cuộc sống của con người.

    + Nhân vật trong truyền thuyết chủ yếu là các nhân vật lịch sử. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể.

    Ở Việt Nam, truyền thuyết được hình thành từ thời Hùng Vương dựng nước và phát triển liên tục, mạnh mẽ qua các thời kì lịch sử dân tộc, đặc biệt là thời kì chống ngoại xâm. So với truyền thuyết về thời kì đầu dựng nước, những truyền thuyết về sau ít yếu tố hoang đường hơn và theo sát lịch sử hơn. Sự tham gia của các yếu tố tưởng tượng kì ảo khiến cho câu chuyện hấp dẫn, sinh động hơn, góp phần lí giải lịch sử theo mong muốn của dân gian.

    5. Ý nghĩa của truyền thuyết

    Truyền thuyết có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên diện mạo văn hóa đa dạng, phong phú, sinh động... của dân tộc Việt Nam. Vai trò của truyền thuyết có thể khái quát lại ở 3 khía cạnh cơ bản:

    - Giá trị lịch sử: Vì truyền thuyết có cốt lõi liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử nên truyền thuyết là cơ sở để các nhà khoa học tham khảo, nghiên cứu về lịch sử dân tộc qua từng thời kì. Truyền thuyết mang lại cho chúng ta những nhận thức nhất định về lịch sử dân tộc.

    - Giá trị tư tưởng giáo dục: truyền thuyết giáo dục con người lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng...

    - Giá trị văn học, nghệ thuật: truyền thuyết nói riêng và văn học dân gian nói chung là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ sáng tác.
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng bảy 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...