Câu Cá Mùa Thu (Thu Điếu) Là Điển Hình Hơn Cả Cho Mùa Thu Của Làng Cảnh Nông Thôn Việt Nam - Banana

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Banana Nết Na, 14 Tháng sáu 2021.

  1. Banana Nết Na Mị

    Bài viết:
    25
    Thu Điếu - Nguyễn Khuyến

    Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

    Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

    Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

    Tầng mây lơ lững, trời xanh ngắt

    Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo

    Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

    Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

    Đề bài: "Câu cá mùa thu (Thu điếu) là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh nông thôn Việt Nam" - Xuân Diệu, ý kiến của anh chị như thế nào?

    Bài làm

    Mùa thu luôn là đề tài rộng lớn được nhiều thi gia lựa chọn để viết lên những áng văn hay bởi sự nhẹ nhàng, sâu lắng vốn có của nó. Nổi bật hơn cả là chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, trong đó, bài Thu điếu có lẽ tiêu biểu nhất về phong cảnh mùa thu như Xuân Diệu từng nhận xét: "Câu cá mùa thu (Thu điếu) là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh nông thôn Việt Nam"

    Trước hết, với tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Khuyến, mùa thu là mùa của những tâm sự, bởi vậy chùm thơ thu gồm ba bài "Thu vịnh", "thu điếu", "thu ẩm" của ông cũng chứa đầy những nỗi niềm. Nhưng không phải vì những tâm sự ấy mà chùm thơ thu mất đi vẻ đẹp phong cảnh vốn có, đặc biệt là "Câu cá mùa thu" được nhà thơ Xuân Diệu đánh giá rất cao: "Điển hình cho làng cảnh nông thôn Việt Nam."

    Đến với thu điếu là đến vối những hình ảnh đặc trưng của mùa thu: Ao thu, chiếc cần câu, lá vàng, tầng mây lơ lửng, bầu trời xanh ngắt và ngõ trúc quanh co. Đối với mỗi làng quê Việt Nam, đó là những hình ảnh bình dị, gần gũi, thân thương hơn hết, không chỉ gợi lên được cái hồn của mùa thu mà còn khơi lại cái hồn của cuộc sống nông thôn xưa, ấy là những chiếc ao làng nhỏ nhắn, ngồi trên chiếc thuyền thúng xinh xắn và ngắm nhìn những chiếc lá vàng rơi, ngắm ngõ trúc quanh co trong cái se se lạnh của tiết thu miền Bắc. Có thể nói, trước mắt ta là một bức tranh phong cảnh rất đẹp, như muốn làm rung động lòng người.

    Khác với không gian bao la và cách miêu tả không gian được nhìn từ trên xuống của Thu vịnh, Thu điếu lại mở đầu bằng một không gian rất hẹp. Đó là cái ao chuôm nhỏ ở vùng quê đồng bằng chiêm trũng của Nguyễn Khuyến. Cũng từ không gian nhỏ hẹp ấy, sự độc đáo được bắt nguồn khi tác giả mở rộng tầm nhìn lên cao với trời mây, hướng ra xa với ngõ trúc, rồi từ ngõ trúc lại trở về không gian nhỏ dần của ao thu với chiếc cần câu, tạo nên một bức tranh thu thật sinh động qua điểm nhìn không cố định của tác giả.

    Bức tranh bắt đầu với cảnh ao thu:


    "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo"

    Cái se se lạnh trên nền "nước trong veo" của mùa thu. "Nước trong veo" là máu sắc rất đặc trưng của tiết thu, cho ta cảm giác lạnh lẽo, cứ như cái lạnh được phả lên từ mặt ao vậy, lạnh nhưng cũng thật khiến người ta dễ dịu, có lẽ bởi quen thuộc, cái ao như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của vùng quê Việt Nam.

    Tiếp theo những màu sắc đặc trưng vẽ lên bức tranh thu là màu "sóng biếc" - chỉ màu xanh trong như ngọc. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa màu xanh trong của nước với màu xanh thanh mát, dịu nhẹ của trời thu.


    "Sóng biếc theo làn hơi gợn tí"

    Kết hợp để tạo nên sắc xanh của mùa thu là màu "xanh ngắt" - Một màu xanh thăm thẳm, chứa cả độ cao và độ sâu của bầu trời, nâng bầu trời lên cao hơn, sâu hơn. Tất cả gợi lên một không gian bao trùm bởi sắc xanh. Nhưng, giữa những sắc xanh ấy là sự xuất hiện của chiếc lá vàng, một chấm vàng giữa nền xanh:

    "Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo"

    Cái thú vị của "Thu điếu" là ở các "điệu xanh", xanh ao, anh bờ, xanh sóng, xanh trời, xanh bờ. Trên nền xanh ấy đâm ngang một sắc vàng của lá thu. Sắc vàng ấy như một điểm nhấn, không to lớn, không sặc sỡ nhưng cũng đủ để nổi bật với sự kết hợp hài hòa của nền xanh. Cũng chính điểm vàng đó tạo nên một nét thu duyên dáng mà hết sức gần gũi, thân thương chứ không hề ước lệ như sắc xanh trong truyện Kiều - Nguyễn Du

    "Cỏ non xanh tận chân trời

    Cành lê trắng điểm một vài bông hoa"

    Tất cả những sắc xanh đó gợi lên bức tranh thanh sơ, dịu nhẹ, một nét riêng mộc mạc nơi làng quê đồng bằng Bắc bộ.

    Bức tranh đẹp không thể thiếu những đường nét. Trong bức tranh thu của Nguyễn Khuyến, ông đã dùng những nét vẽ thanh thoát, mảnh mai với đường bao quanh thanh mảnh của rặng trúc, đường gợn lượn sóng mềm mại của ao thu. Không chỉ dừng lại ở những đường nét mềm mại, ngay cả những chuyển động ở không gian ấy cũng hết sức nhẹ nhàng, không đủ để tạo nên âm thanh khiến cảnh vật như tĩnh như động, phảng phất trong đó nỗi buồn man mác của mùa thu


    "Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

    Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

    Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo"

    Không cuồn cuộn, không ồn ào mạnh mẽ như sóng biển, "Sóng ở đây chỉ" hơi gợn tí "- sóng lăn tăn, mơn theo làn gió nhè nhẹ mang đậm hương thu. Lá vàng" khẽ đưa vèo ", chuyển động rất nhẹ, khẽ khàng đặt trên mặt nước. Từ" vèo "gợi cho người đọc có cảm giác chiếc lá ấy chuyển động rất nhanh, mạnh nhưng chỉ vụt qua rồi lại trả về sự yên tĩnh vốn có. Tiếp tục chuyển hướng nhìn sang ngõ trúc" vắng teo "- Tĩnh lặng, yên ả đến thanh bình trước thời cuộc binh đao ngoài kia. Áng mây thì lững lờ trôi trên nền trời xanh ngắt, bình thản, chầm chậm như cùng tác giả thưởng thức bức tranh thu. Những sự vật ấy như sợ chỉ một tiếng động, một chuyển động nhỏ cũng có thẻ phá tan sự yên bình hiện tại. Thé nhưng ở câu thơ cuối lại xuất hiện tiếng động duy nhất

    " Cá đâu đớp động dưới chân bèo "

    Âm thanh" đớp động "vang lên tưởng chừng phá vỡ sự tĩnh lặng nhưng lại càng làm tăng thêm sự tĩnh mịch. Qua bút pháp nghệ thuật lấy dộng tả tĩnh, ta cảm nhận được đây phải là một không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đối mới có thể nhận ra được cái hơi gợn tí của làn sóng biếc và chút kẽ đưa vèo của chiếc là vàng, tĩnh lặng đến một tiếng động nhỏ cũng khiến con người và thiên nhiên giật mình, quả là một mùa thu đẹp mà cũng thật buồn.

    Bức tranh phong cảnh làng quê Việt Nam thật đẹp, nhưng sẽ không thể hoàn thành nếu thiếu đi hình ảnh con người - hình tượng trung tâm tạo nên bứ tranh, một con người nhỏ bé giữa thiên nhiên đất trời bao la


    " Tựa gối buông cần lâu chẳng được "

    Hình ảnh một ông lão ngồi trên một chiếc thuyền câu" bé tẹo teo "giữa ao thu lạnh lẽo với tư thế câu cá hiếm gặp" tựa gối buông cần "đã làm lên tâm điểm bức tranh, gợi thêm sự tĩnh lặng, u buồn trong tâm hồn người thi sĩ.

    Khung cảnh làng quê Việt nam được Nguyễn Khuyến vẽ lên đẹp là thế, nhưng vẫn khiến ta cảm nhận được bức tranh thấm đầy những tâm sự lại chẳng thể nói ra. Phải chăng đó là tình yêu đất nước khi: Nguyễn Khuyến ngồi câu cá nhưng với tư thế" tựa gối "như đang suy tư trầm lặng nghĩ tới chiếc lá vàng" khẽ đưa vèo "như sự thay đổi nhanh chóng vụt qua của thời thế, thoáng chốc non sông đã mất vào tay kẻ thù khiến lòng người không khỏi thảng thốt ngẩn ngơ.

    Vác cần đi câu nhưng dường như người câu chẳng hề chú tâm vào việc câu cá, mà như đang chìm đắm vào cảnh sắc thiên nhiên, đắm mình trong những suy tưởng. Câu cá cốt để tìm đến sự thanh thản trong tâm hồn, câu cái thanh, cái tĩnh, cái trong, cái lắng, cái nhàn cõi tâm, đây cũng chính là tình yêu thiên nhiên, gắn bó với làng quê sâu sắc.

    Tình yêu nước của Nguyễn Khuyến còn thể hiện ở trạng thái của ông. Trong ông có một sự chờ đợi mòn mỏi


    " Tựa gối buông cần lâu chẳng được "

    Ông vẫn chờ, chờ cho đến một ngày thời thế thay đổi, không còn cảnh loạn lạc binh đao. Nhưng có lẽ, càng chờ lại càng chẳng thấy.

    Cái giật mình chợt tỉnh khi


    " Cá đâu đớp động dưới chân bèo "

    Tiếng cá đớp động đã lay tỉnh người thi sĩ đang đau đáu trăn trở về vận nước, kéo ông về với thực tại. Ý thơ bật ra như một lời than thở, không phải than vì không câu được cá mà ông than cho vận nước mãi hắt hiu như mặt ao nhỏ hẹp. Qua đó ta còn nhận thấy được nỗi lòng mong mỏi có một cái khuấy động, nổi sóng để có thể thay đổi được thế sự. Vì thế trong sự chờ đợi mòn mỏi kia cho ta thấy một niềm hi vọng với khát khao vận nước đổi dời.

    Cùng với tâm trạng xót xa, mặc cảm về sự bất lực của thời thế, bức tranh thu của Nguyễn Khuyến đã buồn lại càng buồn hơn, đã tĩnh lại càng lặng hơn. Nguyễn Khuyến đã mang trong mình một lòng yêu nước sâu sắc và thầm kín.

    Bằng bút pháp nghệ thuật cổ điển, đó là vẻ đẹp của thu thủy và thiên thu, được gợi lên từ ý thơ của người xưa


    " Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc "

    Kết hợp với thi liệu" thu diệp "và" ngư ông ", cách gieo vần độc đáo tạo nên một khung cảnh eo hẹp, nghệ thuật đối trong hai câu thơ đầu tô điểm sự tĩnh lặng, nhẹ nhàng hài hòa của cảnh thu. Tất cả như như những ngòi bút phác họa lên những nét vẽ đẹp đến tinh xảo trong bức tranh thu của tác giả.

    Hơn hết, đúng với nhận xét của Xuân Diệu" Thu điếu là điển hình hơn cả cho làng cảnh nông thôn Việt Nam". Hồn quê xứ sở đã thấm vào hồn thơ để tạo nên một ấn tượng đặc biệt giống như ta thấy Huế khi nghe điệu mái nhì, mái đẩy, thấy sông nước miền tây khi nghe câu lí, câu hò. Đọc câu điếu ta thấy trước mắt là mùa thu đồng bằng Bắc bộ, vẻ đẹp nên thơ, bình dị, tĩnh lặng phảng phất hương buồn. Và có lẽ, yếu tố quan trọng tạo nên thành công khi vẽ lên bức tranh thu chính là tình yêu thiên nhiên, tâm hồn tinh tế, sự gắn bó của tác giả đối với làng quê Yên Đổ, giúp ông khám phá, gợi hồn riêng của sắc thu dân tộc giữa một rừng thu cổ điển.

    Toàn bộ bài thơ cũng như bức họa làng cảnh nông thôn Việt Nam tuyệt đẹp cùng những nghệ thuật độc đáo, mới lạ đã thể hiện tài năng thi ca điêu luyện của Nguyễn Khuyến.


    Hoàng Yến
     
    Last edited by a moderator: 18 Tháng chín 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...