Thực hành đọc hiểu: Câu cá mùa thu - Nguyễn Khuyến Ngữ văn 10 - Cánh diều Câu hỏi thực hành đọc hiểu: Câu 1. Từ những thông tin mà em tìm hiểu được, hãy trình bày hoàn cảnh ra đời của bài thơ Câu cá mùa thu. Xác định bố cục của bài thơ. Câu 2. Chủ thể trữ tình đã quan sát cảnh vật từ những góc độ nào? Phân tích các hình ảnh và từ ngữ trong bài thơ để thấy được nét đặc trưng của mùa thu ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Câu 3. Em có nhận xét gì về không gian được khắc họa trong bài thơ? Không gian ấy có liên quan như thế nào đến cuộc sống, tâm trạng của nhà nho ẩn dật như Nguyễn Khuyến? Câu 4. Qua bài thơ Câu cá mùa thu, em hiểu gì về tình cảm, nỗi lòng của nhà thơ với thiên nhiên, đất nước? Câu 5. Tìm đọc hai bài thơ Vịnh mùa thu và Uống rượu mùa thu của Nguyễn Khuyến, từ đó, chỉ ra một số nét chung của chùm thơ và nét riêng của mỗi bài. Câu 6. Em hãy chuyển các câu thơ tả cảnh mùa thu trong bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến thành một đoạn văn miêu tả (khoảng 8 - 10 dòng). Hướng dẫn thực hành đọc hiểu trang 50 - SGK Ngữ văn 10, Cánh diều, Tập 1 Câu 1: - Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Câu cá mùa thu: + Thực dân Pháp xâm lược, các cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, đầu hàng, chính quyền bị thực dân Pháp nắm giữ. + Nguyễn Khuyến được mời làm quan (tổng đốc Sơn Hưng Tuyên) nhưng vì giữ khí tiết, không làm tay sai cho giặc nên ông từ chối. + Sau khi làm quan cho nhà Nguyễn hơn 10 năm, Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn tại quê nhà. Tuy ở ẩn nhưng ông vẫn nặng tình đời, tình người, luôn ưu tư vì nước, vì dân. - Bố cục bài thơ: Ngoài bố cục đề thực luận kết của thơ thất ngôn bát cú đường luật, bài thơ có thể chia bố cục theo nội dung: + Sáu câu đầu: Cảnh thu + Hai câu cuối: Tâm sự, nỗi lòng thi nhân. Câu 2. - Chủ thể trữ tình đã quan sát cảnh vật từ những góc độ: Từ gần thấp đến cao xa, từ cao xa lại trở về gần thấp (Từ ao thu, thuyền câu nhìn lên bầu trời, từ bầu trời lại trở về với ngõ trúc, thuyền câu). Như vậy nhà thơ đã quan sát cảnh thu một cách bao quát, mở rộng tầm nhìn tới nhiều chiều kích không gian để đem đến cho người đọc những hình dung về một bức tranh phong cảnh nhiều tầng bậc. - Nét đặc trưng của mùa thu ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ qua hình ảnh, từ ngữ: + Những hình ảnh: Ao thu, thuyền câu, lá vàng, nước biếc, ngõ trúc, trời xanh, mây lơ lửng.. là những hình ảnh quen thuộc của vùng đồng bằng Bắc bộ khi vào thu. Những hình ảnh này rất đặc trưng cho mùa thu Việt, không giống với rừng phong lá đỏ, liễu rủ mặt hồ, sen tàn cúc nở.. đậm chất ước lệ trong thơ thu thời Đường. + Từ ngữ: Nhiều từ ngữ chỉ màu sắc: Màu trong, màu vàng, màu xanh biếc, xanh ngắt.. cho thấy sự đa dạng màu sắc của tự nhiên và sự chuyển mùa (lá vàng) khi thu đến; Những từ chỉ trạng thái "lạnh lẽo", "trong veo", "hơi gợn", "khẽ đưa", "lơ lửng", "vắng teo".. cũng góp phần biểu đạt không gian tĩnh lặng, thanh sơ, yên bình - rất thu của miền nông thôn Bắc bộ. Câu 3. Nhận xét gì về không gian được khắc họa trong bài thơ: - Không gian trong bài thơ là không gian se lạnh và tĩnh lặng, vắng người, vắng tiếng - khác xa với không gian ồn ào nơi phố thị. Không gian ấy được gợi lên qua từ "lạnh lẽo" cùng những âm thanh, những chuyển động rất nhỏ, rất khẽ của cảnh vật: "Hơi gợn", "khẽ đưa", "lơ lửng", trạng thái "vắng teo" - rất vắng của ngõ trúc. - Không gian ấy trước hết phù hợp với cuộc sống, tâm trạng của nhà nho ẩn dật như Nguyễn Khuyến: Tâm nguyện muốn rời xa thế tục, tìm đến lối sống ẩn dật, thanh nhà của nhà nho thanh cao Nguyễn Khuyến. Không gian ấy cũng góp phần biểu đạt sự cô quạnh, lặng lẽ, trầm lắng, suy tư trong lòng thi nhân. Thực ra lòng người u uẩn nên nỗi niềm ấy nhuốm lên cả không gian, cảnh vật. Câu 4. Tình cảm, nỗi lòng của nhà thơ với thiên nhiên, đất nước qua bài thơ Câu cá mùa thu: - Chối từ một chức quan đại thần để trở về sống cuộc đời ẩn dật nơi điền viên thôn dã, Nguyễn Khuyến đã tìm về với làng quê, với quê hương để giữ mình trong sạch. Ông sống hòa mình với thiên nhiên để phần nào quên đi những buồn đau về thời cuộc, về đất nước. - Nhưng thân nhàn mà tâm không nhàn, dù ngắm cảnh, làm thơ Nguyễn Khuyến vẫn đau đáu một nỗi lòng âu lo trước vận mệnh đất nước đang chìm đăm trong vòng nô lệ. Ông còn luôn day dứt, dằn vặt mình vì không làm tròn trách nhiệm với nước, với dân. Nỗi thẹn của Nguyễn Khuyến trong câu thơ cuối không chỉ là thẹn vì không có được tài thơ như Đào Tiềm mà còn thẹn vì không có được khí tiết cứng cỏi của một con người yêu nước như ông Đào. => Tâm hồn Nguyễn Khuyến giản dị, thanh bạch, yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước. Câu 5. - Bài thơ Vịnh mùa thu: Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu. Nước biếc trông như tầng khói phủ, Song thưa để mặc bóng trăng vào. Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, Một tiếng trên không ngỗng nước nào? Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào. - Bài thơ Uống rượu mùa thu Năm gian nhà cỏ thấp le te, Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè. Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt, Làn ao lóng lánh bóng trăng loe. Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt? Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe. Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy. Độ năm ba chén đã say nhè. - Nét chung: Đều là những bài thơ viết về mùa thu, viết về thú nhàn: Câu cá, làm thơ, uống rượu; đều thể hiện tâm trạng u buồn, suy tư của nguyễn Khuyến về nước non, thời thế cũng như đều thể hiện vẻ đẹp tâm hồn thi nhân: Yêu quê hương, đất nước. Trong cả ba bài, những việc mà nhà thơ đang làm đều không thành, không trọn vẹn: Định làm thơ nhưng lại "thẹn" với ông Đào; đi câu cá nhưng chẳng để tâm đến việc câu cá; uống rượu nhưng dăm ba chén đã say.. - Nét riêng: + Vịnh mùa thu là sự khái quát về mùa thu ở những điểm nhìn nổi bật; + câu cá mùa thu: Mùa thu được miêu tả trong hoàn cảnh cụ thể hơn: Câu cá (chiều thu, thi nhân ngồi trên thuyền buông câu) + Uống rượu mùa thu: thời điểm được miêu tả khi thì là lúc chiều về, khi lại là đêm tối. Câu 6. Đoạn văn: Thiên nhiên, đất trời khi vào thu đẹp một cách êm đềm, dịu nhẹ. Những khuôn ao nhỏ nhắn, màu nước trong veo thanh khiết gợi cảm. Khuôn ao nhỏ nên chiếc thuyền câu theo đó cũng nhỏ theo. Vào thu, gió không còn cuộn cào, mưa không còn xối xả nên màu nước mới trong veo đến thế và sóng cũng chỉ khẽ xao động trên mặt ao thu. Sắc xanh của trời, của cây cối, trúc tre.. phản chiếu xuống mặt ao tạo nên màu xanh biếc đẹp lạ lùng. Và giữa sắc xanh mê đắm ấy, bỗng xuất hiện từ trên cao những chiếc là vàng khẽ rơi. Không gian thu không ồn ào, náo nhiệt mà êm đềm, tĩnh lặng. Hình ảnh trời thu cũng thật khiến ta say đắm. Da trời khi vào thu mang sắc xanh ngắt trong trẻo, thanh khiết. Bầu trời như đẩy lên cao hơn với sắc xanh ấy. Những đám mây trắng bồng bềnh điểm tô trên nền trời xanh khiến cảnh thu thêm đẹp hơn, hài hòa hơn.
Trắc nghiệm ôn tập mở rộng Chọn 1 đáp án đúng: Câu 1: Chi tiết nào không đúng về Nguyễn Khuyến? A. Cả cuộc đời chỉ sống ở quê nhà, dạy học. B. Có tài năng, cốt cách thanh cao. C. Có tấm lòng yêu nước, thương dân. D. Kiên quyết không hợp tác với giặc Câu 2: Ý nào nói đúng về vai trò của Nguyễn Khuyến trong nền văn học dân tộc? A. Là người mở ra một dòng thơ mới - dòng thơ về dân tình - làng cảnh Việt Nam. B. Là người đầu tiên đưa vào văn học hình tượng người nông dân yêu nước đánh giặc. C. Là người Việt hóa xuất sắc nhất các thể thơ Đường của Trung Quốc. D. Là "cái gạch nối" giữa thơ ca trung đại và thơ ca hiện đại của Việt Nam. Câu 3: Nhà thơ Xuân Diệu đánh giá về Nguyễn Khuyến như thế nào? A. Nguyễn Khuyến nổi bật nhất trong văn học Việt Nam là Thơ Nôm. Mà trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm. B. Nguyễn Khuyến là người viết về mùa thu hay nhất trong văn học Việt Nam, trong đó có ba bài thơ thu: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm là những áng thơ bất hủ. C. Nhà thơ lúc nào cũng kín đáo, tinh tế, không ồn ào mà sâu sắc thâm trầm. Những câu thơ của Nguyễn Khuyên không bốc lên ở bề mặt mà có sức lắng đọng ở chiều sâu. D. Xưa nay, người ta thường cho Nguyễn Khuyến chủ yếu là một nhà thơ trào phúng lấy cái cười để đả kích cái xã hội nhố nhăng đương thời. Thật ra trào phúng là một phương diện trong nghệ thuật của ông, còn bao trùm toàn bộ tác phẩm là một lòng yêu nước thiết tha, phát xuất từ một tâm hồn nồng nàn tình cảm. Câu 4: Ý nào không đúng khi nói về nét đẹp tâm hồn của Nguyễn Khuyến trong bài thơ Thu điếu: A. Đó là con người bình dị, gắn bó sâu sắc với quê hương. B. Đó là con người biết hướng về sự thanh sạch, cao quý và đầy tinh thần trách nhiệm đối với cuộc đời. C. Đó là con người thấu hiểu mọi lẽ biến đổi của cuộc đời và tìm cho mình một lối sống thanh quý nhất. D. Đó là con người biết rung động với những vẻ đẹp đơn sơ của chốn thôn dã thanh bình. Câu 5: Nhan đề bài thơ "Thu điếu" có nghĩa là? A. Mùa thu làm thơ B. Mùa thu câu cá C. Mùa thu uống rượu. D. Mùa thu làm điếu văn. Câu 6: Bài thơ "Thu điếu" của Nguyễn Khuyến được viết bằng chữ gì? A. Chữ Hán B. Chữ Nôm C. Chữ Pháp D. Chữ Quốc ngữ Câu 7: Bài thơ Thu điếu được làm theo thể thơ nào? A. Thất ngôn tứ tuyệt B. Ngũ ngôn tứ tuyệt C. Thất ngôn bát cú D. Thất ngôn Câu 8: Cảnh mùa thu được Nguyễn Khuyến miêu tả trong bài "Thu điếu" là vùng quê nào? A. Đồng bằng Trung Bộ B. Đồng bằng Bắc Bộ C. Đồng bằng sông Cửu Long D. Đồng bằng duyên hải miền Trung. Câu 9: Điểm nhìn trong bài "Thu điếu" rất đặc sắc, được thể hiện: A. Cảnh thu được đón nhận từ cao xa đến gần, rồi lại từ gần đến cao, xa. B. Cảnh thu được đón nhận từ gần đến cao, xa và rồi từ cao, xa trở lại gần. C. Cảnh thu được đón nhận không theo một trật tự nào. D. Cảnh thu được ngắm theo trình tự thời gian. Câu 10: Điểm nhìn của tác giả để cảm nhận mùa thu bắt đầu từ đâu? A. Trên bờ sông. B. Ngồi trong "gian nhà cỏ" C. Trên chiếc thuyền giữa ao. D. Trên bờ ao Câu 11: Hình ảnh nào sau đây không xuất hiện trong Câu cá mùa thu? A. Ao thu, thuyền câu. B. Bầu trời, ngõ trúc C. Nước biếc, lá vàng D. Sen tàn, cúc nở Câu 12: Tác dụng về mặt biểu đạt nội dung của tiếng "lẽo", "veo", "tẻo teo" trong 2 câu thơ đầu: A. Nhấn mạnh đặc điểm của nước ao, thuyền câu: Rất lạnh, rất trong, rất bé. B. Nhấn mạnh sự cô đơn, lạnh lẽo trong lòng thi nhân. C. Nhấn mạnh đặc điểm của sự vật, vẻ yên bình vắng lặng của làng quê và nói lên những uẩn khúc trong lòng thi nhân. D. Tạo ấn tượng về cách dùng từ độc đáo, mới lạ của Nguyễn Khuyến và cách gieo vần "eo", vốn vẫn được coi là tử vận. Câu 13: Hai câu thực: "Sóng biếc.. đưa vèo" miêu tả: A. Sự chuyển động của sóng biếc, lá vàng. B. Sự chuyển động rất nhẹ, rất khẽ của sóng biếc, lá vàng. C. Sự chuyển động rất nhẹ, rất khẽ của sóng biếc, lá vàng và sự tĩnh lặng của không gian. D. Sự chuyển động rất nhẹ, rất khẽ của sóng biếc, lá vàng cũng đủ làm xao động, náo nhiệt cả không gian đang yên tĩnh. Câu 14: Hai câu thực: "Sóng biếc.. đưa vèo" sử dụng các biện pháp nghệ thuật: A. Phép đối, phép đảo ngữ, lấy động tả tĩnh, hữu thanh tả vô thanh. B. Phép đối, lấy động tả tĩnh, hữu thanh tả vô thanh. C. Nói giảm, ẩn dụ, phép đối. D. Nhân hóa, ẩn dụ, phép đối. Câu 15: "Vắng teo" trong câu thơ "Ngõ trúc quanh co khách vắng teo" nghĩa là: A. Rất vắng, không có hoạt động của con người. B. Không có mặt ở nơi lẽ ra phải có mặt. C. Vắng vẻ và thưa thớt. D. Vắng vẻ và hoang sơ, heo hút. Câu 16: Nhận định nào nói đúng về chuyện câu cá được nhắc đến trong bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến? A. Câu cá là một việc làm thường xuyên của nhân vật trữ tình - tác giả khi mùa thu đến. B. Chuyện câu cá được nói đến chỉ như một cái cớ để nhà thơ thể hiện cảm giác thu và bộc lộ tâm trạng của mình. C. Câu cá là một trong những công việc để kiếm ăn của người nông dân vùng đồng bằng. D. Câu cá là một trong các thú vui của những ông quan về ở ẩn, trong đó có Nguyễn Khuyến. Câu 17: Câu thơ cuối hiểu như thế nào? A. Cá đâu đó đớp động dưới chân bèo. B. Cá đâu có đớp động dưới chân bèo. C. Đâu đâu cũng thấy cá đớp động dưới chân bèo. D. Cả A, B, C Câu 18: Câu thơ cuối sử dụng thủ pháp nghệ thuật gì, nói lên điều gì? A. Lấy động tả tĩnh, nói lên sự tĩnh lặng của cảnh vật. B. Lấy động tả tĩnh, nói lên sự tĩnh lặng của cảnh vật và lòng người. C. Dùng từ láy, miêu tả trạng thái của cá trong ao. D. Dùng từ láy, miêu tả nỗi buồn thi nhân. Câu 19: Dòng nào nói đúng nhất nội dung bài thơ: A. Cảnh đẹp, phảng phất nỗi buồn của mùa thu vùng đồng bằng Bắc bộ. B. Cảnh đẹp điển hình cho mùa thu làng cảnh Việt Nam và tâm sự thời thế của tác giả. C. Từ cảnh đẹp mùa thu, bài thơ ca ngợi thú câu cá thanh cao, tao nhã của Nguyễn Khuyến. D. Sự lạnh lẽo, cô quạnh cả nhà thơ khi mùa thu về. Câu 20: Nguyễn Khuyến xuất thân trong một gia đình nghèo khó, cố gắng học để làm quan nhưng lại từ quan về ở ẩn. Điều đó chứng tỏ điều gì ở Nguyễn Khuyến? A. Thể hiện tinh thần bất hợp tác với giặc, giữ cho mình một nhân cách cao đẹp B. Thể hiện tinh thần của một nhà nho luôn vì lợi ích cá nhân, sợ nguy hiểm tính mạng. C. Thể hiện thái độ đánh giặc, căm thù giặc của Nguyễn Khuyến D. Cả A. B. C đều sai Đáp án: 1A; 2A; 3A; 4B; 5B; 6B; 7C; 8B; 9B; 10C; 11D; 12C 13C; 14B; 15A; 16B; 17A; 18B; 19B; 20A