Hiện vật khảo cổ được khai quật ở Bắc Sơn như rìu đá, mảnh gốm, đồ trang sức, công cụ ghè đẽo.. "Văn hóa Bắc Sơn" Công cụ bằng đá Văn hóa Bắc Sơn Văn hóa Bắc Sơn thuộc sơ kỳ thời đại đá mới của người nguyên thủy nảy sinh từ trong lòng Văn hóa Hòa Bình. Các di tích thuộc Văn hóa Bắc Sơn phát hiện trong các núi đá vôi Bắc Sơn (thuộc tỉnh Lạng Sơn) và tỉnh Bắc Cạn. Các di tích này tìm thấy trong vùng phân bố của Văn hóa Hòa Bình như Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình.. Cư dân Bắc Sơn dù biết đến nông nghiệp nhưng nguồn sống chính vẫn là nhờ săn bắt và hái lượm. Một thành tựu kỹ thuật mới của cư dân Bắc Sơn là biết chế tác đồ gốm. Đồ gốm Bắc Sơn thường có miệng loe và đáy tròn. Độ nung của gốm chưa cao. Mặc dù Văn hóa Bắc Sơn đạt trình độ cao hơn Văn hóa Hòa Bình, đã là văn hóa mới có gốm sơ kỳ, nhưng cấu trúc xã hội của cư dân Bắc Sơn vẫn nằm trong khuôn khổ công xã thị tộc mẫu hệ. Nguồn: Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến 2001, Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), Hà Nội, Giáo Dục, Tr. 8. Nguồn: Web lichsuvietnam "Dấu Bắc Sơn" là tên gọi bàn mài phát hiện đầu tiên trong các di tích hang động thuộc thời đại đá ở dải núi đá vôi thuộc huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tên gọi này do hai nhà khảo cổ học người Pháp là H. Mansuy và M. Colani xác định khi họ nghiên cứu các di tích thuộc Văn hóa Bắc Sơn - một văn hóa khảo cổ có niên đại cách nay ước chừng 11.000-7.000 năm. Tên gọi "Văn hóa Bắc Sơn" và "Dấu Bắc Sơn" là do họ xác lập. Về niên đại, Văn hóa Bắc Sơn có thời gian cuối ở sơ kỳ thời đại đá mới khoảng 7.000 năm với xuất hiện công cụ cuội mài lưỡi là có thể tin được, song với những chiếc "Dấu Bắc Sơn" đến nay vẫn là tồn nghi chưa có lời giải đáp đầy đủ. Giới khảo cổ học vẫn coi "Dấu Bắc Sơn" là tiêu chí chỉ thị tính chất văn hóa và nếu di tích khảo cổ học nào tìm thấy loại di vật này thường được họ xếp ngay vào Văn hóa Bắc Sơn. Vậy có đích thực là những chiếc "Dấu Bắc Sơn" là tiêu chí xác định những di chỉ khảo cổ chứa đựng chúng thuộc thời đại đồ đá. Khai quật hang Ngườm Vài (Thông Nông, Cao Bằng), một di chỉ được xếp vào Văn hóa Bắc Sơn tìm thấy loại di vật này tuy số lượng so với tổng số di vật đá không nhiều (53/2.040). Cùng "Dấu Bắc Sơn", tại đây còn tìm được khá nhiều mảnh gốm vỡ thuộc thời kim khí, mảnh vỡ của công cụ đá mài, chì lưới đánh cá (chế tạo bằng cách khoan - mài), đá có vết và nhiều viên cuội nhỏ có vết mài. Quan sát "Dấu Bắc Sơn", ta sẽ thấy chúng là bàn mài dùng chế tác hay làm sắc rìa lưỡi của một loại công cụ khác có độ cứng cao hơn chúng. Về chất liệu, các "Dấu Bắc Sơn" thường là những viên cuội mỏng dẹt, dài chủ yếu là cuội sét kết hay cát kết mịn có độ cứng không cao lắm, tuy nhiên cũng có những chiếc làm bằng cuội silic hoặc bán quartz có độ cứng cao. Vết mài trên các "Dấu Bắc Sơn" có hình cong khum, một số ít có hình chữ V ngược. Điều đó cho biết loại công cụ mài có rìa lưỡi vũm với kích thước nhỏ bởi các vết mài chỉ rộng từ 0, 5cm đến xấp xỉ 1, 0cm, thông thường chỉ trong khoảng 0, 5-0, 7cm. Vết mài trên di vật này thẳng, nhẵn bóng, rìa cạnh của vết mài (kể cả ở hai đầu) sắc gọn. Chất liệu và dấu vết kỹ thuật trên di vật cho hay chúng là những chiếc bàn mài đánh bóng hay "lấy lưỡi" của vật được mài, tức là chúng chỉ dùng làm tăng độ sắc bén của rìa lưỡi công cụ và loại công cụ được mài có độ cứng cao hơn những chiếc "Dấu Bắc Sơn" rất nhiều. Đến nay chưa có loại di vật nào tìm thấy trong các hang động thuộc Văn hóa Bắc Sơn có rìa lưỡi vũm tương đương với những chiếc "Dấu Bắc Sơn" phát hiện. Một số người cho những chiếc bàn mài này dùng để mài công cụ xương bởi chỉ có công cụ làm bằng xương mới có hình cong khum. Song loại xương có thể sử dụng làm công cụ lại thường là xương ống của động vật lớn như trâu bò hay hươu nai nên vết mài vũm nếu có cũng lớn hơn vết mài trên các: "Dấu Bắc Sơn" nhiều lần (chỉ có xương ống chân chim hoặc gà mới có kích thước gần tương đương với vết mài của "Dấu Bắc Sơn"). Nên, theo chúng tôi, ý kiến trên khó đứng vững được. Từ dấu vết kỹ thuật còn lưu lại trên các "Dấu Bắc Sơn", chúng tôi cho rằng chúng được dùng để mài công cụ kim loại. Bởi chỉ có kim loại mới để lại vết mài sắc gọn, nhẵn bóng trên loại di vật này được. Và, những chiếc "Dấu Bắc Sơn" ở Ngườm Vài cũng như trong các di chỉ chứa chúng khác không phải loại công cụ không gia công của thời đại đá mà là sản phẩm thời kim khí. Do vậy, "Dấu Bắc Sơn", cuội nhỏ có vết mài là những tiêu chí có thể sử dụng để xếp những di tích khảo cổ chứa chúng vào thời kim khí. (Tác giả: Đào Quý Cảnh) (Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013) Web khaocohoc Còn tiếp
ĐỒ ÁN VĂN KHẮC VẠCH CHÂN ĐẾ GỐM MAI PHA. "Văn hóa Mai Pha" Mai Pha (Lạng Sơn) – nền văn hóa mang đậm giá trị nghệ thuật đặc sắc Kế thừa Văn hóa Bắc Sơn là Văn hóa Mai Pha; cư dân Văn hóa Mai Pha thuộc hậu kỳ đá mới và tồn tại trong khung niên đại từ 5000 đến 3500 năm cách ngày nay. Văn hóa Mai Pha gọi theo tên di chỉ hang Mai Pha, nằm trong núi đá nhỏ đơn độc giữa thung lũng ở phía Nam xã Mai Pha, tên ngọn núi chứa di chỉ hang Mai Pha theo tiếng địa phương là núi Phia Nùn có nghĩa Núi Tuyết. Di chỉ này có mối liên hệ mật thiết với núi Phia Điểm (di chỉ khảo cổ học (KCH) phía Nam thành phố Lạng Sơn đã khai quật 1998). Di chỉ KCH Mai Pha được nhiều nhà KCH, sử học tới đây khảo sát nhiều lần. Lần đầu do ông Retíp (một chủ đồn điền trồng chè của Pháp tại Lạng Sơn những năm 1920 do di chỉ nằm trong khu vực đồn điền chè của ông) khảo sát nhẹ lớp mặt hang và thu thập một số di vật bằng gốm (bát bồng chân đế cao, âu gốm) cùng một số công cụ bằng đá (rìu đá, mảnh tước). Đến những năm sau này (1921; 1923) có hai nhà sử học và nhà địa chất học người Pháp là H. Mansuy và M. Colani cũng tới đây khảo sát và đào thám nhỏ lại tại hang này và cũng thu thập một số công cụ đá, gốm (giống như di vật của ông Retip khảo sát và thu thập trước đó). 1995 Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiếp tục khảo sát và đào thám sát hang này kết quả thu được rất khả quan. 1996 địa chỉ di chỉ hang Mai Pha chính thức khai quật KCH. Hơn 1 tháng khai quật, kết quả thu được rất tốt gồm: 123 hiện vật đá, trong đó có 70 rìu, bôn, đục, bàn mài bằng đá và 12 đồ trang sức bằng đá: Vòng tay, khuyên tai và 23 hiện vật bằng xương cùng các đồ trang sức khác. Tại đây phát hiện dấu tích mộ kè đá; mộ vò (loại mộ xếp chèn xung quanh bằng những bát gốm) cùng xương bị đốt cháy, quanh khu vực di chỉ phát hiện 5 bếp cùng nhiều mẫu tro, than, xương, vỏ ốc bị đốt cháy.. Qua dấu tích bếp lửa thể hiện rõ cư dân Mai Pha biết ăn chín, uống sôi (thông qua các loại đồ đựng bằng gốm: Bát bồng, nồi miệng loe) cùng rất nhiều các mảnh vỡ gốm vương vãi khắp di chỉ, điều đó cho thấy lúc này có xuất hiện tiểu thủ công nghiệp và trao đổi hàng hóa. Cư dân Văn hóa Mai Pha về kỹ thuật chế tác lúc này phát triển và kế thừa từ cư dân Văn hóa Bắc Sơn, cuộc sống của họ còn rất khó khăn và nơi cư trú chủ yếu vẫn trong các hang động và mái đá. Về cộng đồng xã hội lúc này chưa phát triển, họ sống quần cư tạo thành nhóm người hoặc tập thể hay bộ lạc, cuộc sống còn ăn hang ở hốc nhưng họ biết cảm thụ về nghệ thuật và có cảm nhận nhất định về nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật trang trí. Về nghệ thuật tạo hình cư dân Mai Pha làm thay đổi hình dáng vật thể từ những hòn đá đơn thuần qua chế tác tạo thành những rìu rất đẹp như: Rìu mài lưỡi, rìu tứ giác, rìu có vai.. Cư dân Mai Pha còn biết tạo vật thể mới từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên đó là đồ gốm: Nồi, âu, bình, bát.. (đặc biệt bát bồng chân đế cao). Chất liệu chủ yếu của gốm Văn hóa Mai Pha khá phổ biến và phong phú, hầu hết đều làm từ đất sét. Đa số gốm Văn hóa Mai Pha có màu gạch đỏ, một số có màu đen (do ám khói khi nung hoặc đun nấu) cũng có một số mảnh đen bóng có lẽ do tạo bởi một loại nhựa từ vỏ cây hoặc chất keo nào đó. Phần lớn chân đế của gốm Mai Pha trang trí nhiều nhất, phần thân chỉ được trang trí nhẹ như vặn thừng trải, vặn thừng mịn và vặn thừng thô, có loại để trơn không trang trí. Gốm khắc vạch kết hợp chỗ lỗ thủng ở chân đế bát bồng là nét nổi bật nhất trong nghệ thuật chạm khắc và trang trí gốm Mai Pha. Ngoài việc trang trí hoa văn trên gốm Mai Pha, cư dân Văn hóa Mai Pha biết chế tác các đồ dùng, đồ trang sức, công cụ lao động sản xuất và vũ khí từ nhiều chất liệu khác nhau: Đá, xương, mảnh vỏ trai.. Thông qua nền Văn hóa Mai Pha và những hiện vật, di vật thu thập được tại di chỉ Mai Pha có thể khẳng định người tiền sử Mai Pha có những cảm nhận về mỹ thuật từ rất sớm, từ mỹ thuật chạm khắc đến mỹ thuật tạo hình. Họ biết tạo tác ra các loại công cụ sản xuất, đồ trang sức.. bằng đủ mọi chất liệu đạt trình độ cao. Đồng thời họ biết bảo lưu và sáng tạo những họa tiết, hoa văn trên đồ dùng và chế tác ra những công cụ, đồ trang sức đẹp hơn, thẩm mỹ hơn. Nguồn: Web covatvietnam Di chỉ khảo cổ học Mai Pha đang bị lãng quên Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc với nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng như các hang động: Nhất, Nhị, Tam Thanh, nàng Tô Thị, Thành Nhà Mạc, núi Mẫu Sơn; các di chỉ khảo cổ: Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Bình Gia), Phai Vệ & hellip; có thể nói di chỉ khảo cổ học Mai Pha là một trong những điểm dừng chân thú vị. Nếu có lối vào sẽ thu hút không ít du khách vì nằm ngay cửa ngõ vào thành phố, rất thuận tiện giao thông. Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh xác định: Ưu tiên phát triển du lịch dịch vụ. Tiếc rằng một điểm di tích nổi tiếng như di chỉ khảo cổ học Mai Pha lại đang bị bỏ phí. Theo phản ánh của một số cử tri thôn Mai Thành, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn: Địa bàn thôn có một Di tích Lịch sử Quốc gia đã xếp hạng, đó là di chỉ khảo cổ học Mai Pha. Nhiều năm nay di chỉ không có lối vào, các du khách trong và ngoài tỉnh không thể đến tham quan, tìm hiểu. Người dân ở đây nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền với mong muốn mở lối vào di chỉ để giới thiệu, quảng bá thêm địa điểm du lịch của Lạng Sơn với du khách thập phương nhưng chưa thấy hồi âm. Trước phản ánh của các cử tri, phóng viên Báo Lạng Sơn tìm hiểu và được biết: Vấn đề mà dân thôn Mai Thành kiến nghị là có thật, Báo Lạng Sơn phản ánh cánh đây hơn 2 năm qua bài viết: "Nỗi buồn di chỉ." Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thấy hồi âm hoặc phương án giải quyết từ các ngành chức năng. Để bạn đọc tiện theo dõi và phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của bà con, chúng tôi xin tiếp cận lại vấn đề. Theo tìm hiểu và những tài liệu chúng tôi có được: Di chỉ khảo cổ học Mai Pha phát hiện năm 1945 ở ngọn núi đá vôi nhỏ, thuộc xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. 1996, các nhà khảo cổ học khai quật trong diện tích rộng khoảng 80m2 phát hiện, thu giữ 29.500 mảnh gốm, 123 công cụ đá, trong đó có: Rìu, bôn, đục bằng đá mài, vòng tay, khuyên tai, 23 đồ xương như: Đục vũm, dùi xương, đặc biệt có 7 rìu bôn có vai làm bằng vỏ trai, ốc biển Cypreac được mài thủng xâu lỗ làm đồ trang sức cùng rất nhiều xương, răng động vật; phát hiện dấu tích mộ kè đá, mộ vò với xương răng bị đốt cháy. Có thể khẳng định di chỉ khảo cổ học Mai Pha từng là nơi sinh sống của người tiền sử cách nay khoảng 3.500 năm. Là điểm quan trọng nhất Văn hóa Mai Pha được tiếp nối Văn hóa Bắc Sơn và có liên hệ chặt chẽ với Văn hóa Phùng Nguyên, Văn hóa Hạ Long, và là một trong những hợp nguồn tạo dựng văn hóa Việt cổ sau này. Với những giá trị văn hóa, lịch sử, di chỉ khảo cổ học Mai Pha xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia 1990. Chị Hồng nhà ngay đối diện khu di chỉ cho biết: "Chị rất tự hào khi trong thôn có một di tích được xếp hạng quốc gia như di chỉ khảo cổ học Mai Pha. Là người trong thôn nên chị từng chứng kiến cảnh nhiều đoàn khách du lịch dừng xe khu vực này, tìm cách lên núi, vào hang động tham quan, tìm hiểu" nơi ăn chốn ở "của người xưa nhưng không lên được đành nuối tiếc quay đi. Thấy cảnh đó chị rất buồn, xen lẫn một chút áy náy, thất vọng vì sự thiếu quan tâm của các ngành chức năng. Áy náy vì mình là dân ở đây, trước những mong muốn chính đáng của du khách mà không giúp gì được do không có đường vào, trước mặt bị nhà dân chắn lối, xung quanh ruộng ao ngập nước vây kín." Ông Nông Văn Hoàn, người thôn Mai Thành kể lại: "Cách đây hơn 10 năm, ở khu vực này có phong trào khai thác đá để nung vôi, làm vật liệu xây dựng rất rầm rộ, ngọn núi nơi có di chỉ khảo cổ học Mai Pha từng bị dân đập phá nham nhở. Rất may sau đó chính quyền các cấp can thiệp kịp thời nên cứu được ngọn núi này khỏi bị xâm hại. Sau đợt khai quật năm 1996, các ngành chức năng xây dựng bảng biển di tích trên đỉnh núi và làm đường dẫn từ chân núi lên cửa hang. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất là lối vào lại không có, dù từ đường Hùng Vương kéo dài đến chân núi chỉ chưa đầy 30m. Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc với nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng như các hang động: Nhất, Nhị, Tam Thanh, nàng Tô Thị, Thành Nhà Mạc, núi Mẫu Sơn; các di chỉ khảo cổ: Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Bình Gia), Phai Vệ & hellip; và có thể nói di chỉ khảo cổ học Mai Pha là một trong những điểm dừng chân thú vị. Nếu có lối vào sẽ thu hút không ít du khách vì nằm ngay cửa ngõ vào thành phố, rất thuận tiện giao thông. Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh xác định: Ưu tiên phát triển du lịch dịch vụ. Tiếc rằng điểm di tích nổi tiếng như di chỉ khảo cổ học Mai Pha lại đang bị bỏ phí. Hoàng Huy Nguồn: Web baolangson Nét đặc sắc của gốm tiền sử ở Mai Pha (Lạng Sơn) 5 -1996, khai quật có quy mô lớn tại di chỉ Mai Pha (thị xã Lạng Sơn) trong khuôn khổ của chương trình hợp tác nghiên cứu đầu tiên giữa Bảo tàng Lạng Sơn và Viện Khảo cổ Hà Nội. Bên cạnh những di vật về đồ đá, đồ xương, mộ táng và di cốt người, ở đây còn thu 28.248 mảnh gốm. Với khối lượng lớn về di vật gốm này, Mai Pha vượt lên tất cả các địa điểm tiền sử đã biết ở Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh vùng núi phía Bắc nói chung về đồ gốm. Trước hết gốm Mai Pha mang đầy đủ những đặc điểm và tính chất chung của đồ gốm thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí ở nước ta. Chất liệu chủ yếu là sét và cát, xương gốm mỏng, cứng và có độ nung cao, chế tạo chủ yếu bằng bàn xoay. Đại bộ phận trang trí vặn thừng và một số hoa văn khắc vạch, trổ lỗ thủng, miếng lát, phần lớn phủ màu đỏ thổ hoàng, xuất hiện loại hình đồ đựng mang tính nghệ thuật cao (bát bồng). Tuy nhiên so với các vùng đồng bằng và ven biển, gốm Mai Pha cũng bộc lộ nhiều nét riêng biệt. Toàn bộ gốm Mai Pha đều thuộc loại gốm cứng chắc, màu đỏ gạch, một số ít gốm đen hoặc có dấu vết ám khói, chủ yếu là nồi, bát và bát bồng, kích thước đồ đựng nhỏ, không thấy loại hình vò, chậu hay bình. Về hoa văn, ở Mai Pha chỉ có 3 loại: Thừng, khắc vạch và trổ lỗ thủng, không có hoa văn kiểu in dấu vải hay chấm dải như trong Văn hóa Phùng Nguyên hay văn đắp nổi hoặc in mép vỏ sò thường thấy trong các Văn hóa Hạ Long hay Hoa Lộc. Văn chải cũng hoàn toàn vắng mặt. Nhưng điều đó không phản ảnh trình độ thấp hay nghèo nàn của nghệ thuật trang trí Mai Pha. Trái lại trình độ kỹ thuật tạo văn và tư duy mỹ cảm của người thợ gốm ở đây khá cao. Hoa văn vặn thừng trên gốm Mai Pha rất tinh xảo, mịn và đẹp do tạo bằng kỹ thuật trục lăn có quấn dây nhỏ, săn. Các đường nét dấu thừng trên gốm Mai Pha đều rất dài, thẳng chạy dọc theo trục đứng đồ đựng. Đó là một trong những đặc điểm để phân biệt gốm vặn thừng Mai Pha với các văn hóa khác. Có thể nói hoa văn vặn thừng Mai Pha không chỉ ý nghĩa về kỹ thuật mà thực sự nó thành loại hoa văn có tính trang trí cao. Riêng về nghệ thuật trang trí bằng kỹ thuật khắc vạch và trổ lỗ thủng, người thợ gốm Mai Pha biết kết hợp rất hài hòa để tạo ra những mô típ hoa văn đẹp và gây ấn tượng mạnh mẽ. Nổi bật nhất là hoa văn hình" hoa thị "và các biểu hiện của nó, bố trí liên hoàn quanh vành chân đế bát bồng. Với cách bố trí các mô típ" hoa thị"nối nhau chạy quanh vành chân đế sẽ có một dải hoa văn rất đẹp và sinh động. Các biến thể của loại hoa văn này tạo bằng cách phân tách chúng thành các dạng hoa văn hình 2 cánh lá, 1 cánh lá hoặc nửa cánh lá, cổ trổ lỗ ở giữa tạo những đường vạch thẳng dạng hình học. Một số là hình chữ V kép, hoặc những đường thẳng song song cắt chéo nhau thành hình chữ thập. Giữa đầu nhọn chữ V hay ở điểm cắt nhau của chữ thập đều được trổ lỗ thủng. Vì vậy chúng tôi cho rằng chúng cũng là những biến thể của phong cách mô típ hình hoa thị. Có thể nói đây là hoa văn chủ đạo mang tính biểu tượng đặc sắc nhất trong nghệ thuật trang trí trên gốm Mai Pha. Nó chưa hề tìm thấy trong bất cứ nền văn hóa nào đã biết ở nước ta. Về loại hình đồ đựng, bên cạnh phổ biến loại nồi có miệng loe gần gãy ở cổ, thân đáy tròn và bát đồng có chân đế được trang trí hoa văn hình hoa thị nói trên. Mai Pha còn xuất hiện một số đồ đựng có gắn quai từ mép miệng loe xuống vai đồ đựng và loại đồ đựng có gắn núm gốm ở thân được dùi lỗ dọc từ trên xuống dùng để xỏ dây mang. Ngoài ra còn có loại đồ đựng gắn 2 tai ngay mép miệng giống chảo hoặc chiếc sanh hiện đại. Đây là loại hình đồ đựng đầu tiên được tìm thấy ở nước ta. Các vấn đề đặt ra từ khối tài liệu đồ gốm ở Mai Pha tất nhiên chưa được khẳng định, vẫn cần phải được nghiên cứu và phát hiện. Tuy nhiên, giá trị phản ánh tính riêng biệt và độc đáo đồ gốm Mai Pha là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Đó là khối tài liệu quan trọng và có tính đặc thù nổi bật nhất trong di tồn văn hóa của cư dân tiền sử ở Mai Pha. Thanh Nhàn (biên tập) Nguồn: Web baotanglichsu Còn tiếp
Mảnh đồ gốm đáy nhọn Văn hóa Quỳnh Văn "Di chỉ Đa Bút - Quỳnh Văn" Văn hóa Quỳnh Văn (thời đại đồ đá mới, khoảng 6.000 – 3.500 năm cách ngày nay) phát hiện từ những năm 1930 bởi các học giả người Pháp. Đến nay hơn 70 năm nghiên cứu với 21 di tích, phân bố ven biển Nghệ An và Hà Tĩnh, chủ yếu tập trung quanh vịnh biển cổ Quỳnh Lưu. Xương cốt động vật, di vật đá, gốm, bếp lửa. Công cụ đá Quỳnh Văn ít về số lượng, nghèo nàn về loại hình, kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, chủ yếu tạo từ đá gốc. Loại hình thường thấy là các công cụ không xác định, công cụ hình đĩa, công cụ hình múi bưởi, công cụ hình rìu dài và công cụ hình rìu ngắn. Đồ gốm thô, hầu hết là đồ đun nấu với kích thước lớn, tạo hình bằng tay kết hợp bàn đập hòn kê. Đồ gốm 4 loại chủ yếu: Gốm đáy tròn văn in đập, gốm đáy tròn vặn thừng, gốm đáy tròn vặn thừng ở mặt ngoài và văn chải ở mặt trong, gốm đáy nhọn văn chải 2 mặt. Gốm đáy nhọn, văn chải 2 mặt là đặc trưng tiêu biểu nhất Văn hóa Quỳnh Văn. Các loại hình hiện vật khác như xương, đồ trang sức có số lượng ít[1] . Tổng quan Tại Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) con người đánh bắt sò điệp về ăn và vứt vỏ lại nơi cư trú, lâu ngày vỏ tích lại thành những đồi lớn. Người Quỳnh Văn biết làm đồ gốm. Gốm nặn bằng tay, chưa biết dùng bàn xoay, nhưng có độ dày khá đều. Người Quỳnh Văn sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, săn bắt và bước đầu biết đến nông nghiệp. Các nhà khảo cổ học xếp di chỉ Quỳnh Văn là loại tiêu biểu nhất văn hóa đồ đá mới có gốm ở ven biển Nghệ Tĩnh. Di tích Tại đồi vỏ hến Đa Bút (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) tìm nhiều rìu bằng đá cuội, chỉ mài ở lưỡi và khá nhiều mảnh gốm còn thô vụng, độ nung thấp. Đồ gốm ở đây phát triển hơn đồ gốm trong Văn hóa Bắc Sơn. Chủ nhân di chỉ Đa Bút là những người săn bắt, đánh cá và biết thuần dưỡng súc vật như bò, chó.. Khảo cổ học xếp di chỉ này giai đoạn "đồ đá mới cuối Bắc Sơn." Chú thích 1. Văn hóa Quỳnh Văn Bảo tàng Nhân học Nguồn: Wikipedia Văn hóa Bắc Sơn – Quỳnh Văn - Đa Bút TRẦN KIÊM ĐẠT Văn hóa Bắc Sơn Nối tiếp Văn hóa Hòa Bình là Văn hóa Bắc Sơn và Văn hóa Quỳnh Văn thuộc thời đại sơ kỳ đồ đá mới. Những di tích thuộc Văn hóa Bắc Sơn phát hiện đầu tiên trong những hang động vùng núi đá vôi Bắc Sơn và phụ cận. Những di tích thuộc văn hóa này phát hiện ở khu tìm thấy Văn hóa Hòa Bình như Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình. Một số ở miền Trung Việt Nam. Tương tự những vùng núi đá vôi khác ở Việt Nam, vùng đá vôi Bắc Sơn có nhiều loại hang động thuận lợi làm chỗ cư trú cho bầy người nguyên thủy. Hang Bó Man ở Kéo Phầy (Lạng Sơn) là loại hang đẹp, rộng khoảng 15m, ăn sâu vào núi 11m, cửa hang cao khoảng 6, 50m. Hang Thẩm Khoách ở huyện Bình Gia là di chỉ nổi tiếng của Văn hóa Bắc Sơn, rộng 60m, dài 100m, cao 40m. Qua khảo sát, tầng văn hóa trong những loại hang động Bắc Sơn là lớp đất xốp, đa phần là 1 lớp đá vôi lẫn nhiều vỏ nhuyễn thể, xen lẫn lớp tro xám. Dưới tầng văn hóa này là lớp đất sét trắng hay vàng, nâu. Tìm thấy trong tầng văn hóa này những công cụ đá của chủ nhân Bắc Sơn. Kỹ thuật chế tác: Văn hóa Bắc Sơn, kỹ thuật mài khá phổ biến. Bên cạnh những công cụ mài, một số địa điểm văn hóa Bắc Sơn vẫn còn thấy những công cụ đẽo theo kiểu Văn hóa Hòa Bình trước đó. Đó là những công cụ bằng đá cuội ghè đẽo 1 mặt, mặt kia để nguyên. Đa phần đều hình bầu dục, hạnh nhân hay hình đĩa. Người nguyên thủy dùng những công cụ này để chặt. Ngoài ra còn những công cụ bằng cuội đẽo, hình bán viên, lưỡi tròn đốc dày và thẳng ngang, dùng làm lao hay nạo. Công cụ: Những công cụ tiêu biểu nhất Văn hóa Bắc Sơn là rìu chỉ mài ở lưỡi thường thấy ở mọi di chỉ văn hóa này; khác hẳn loại rìu ngắn Văn hóa Hòa Bình. Rìu chiều ngang hẹp hơn, chiều dài dài hơn loại rìu ngắn Văn hóa Hòa Bình. Người nguyên thủy chế tác rìu Bắc Sơn bằng cách chọn những viên cuội dài dẹp, đẽo qua loa 2 mặt và rìa cạnh, làm sao cho viên cuội cân xứng. Một số rìu làm bằng những hòn cuội để nguyên, đem mài một đầu làm lưỡi. Những phần khác không sửa. Rìu Bắc Sơn lắp bằng cán tre hay cán gỗ, nhưng hỏng vì thời gian. Rìu Bắc Sơn thường có lưỡi mài cân ở giữa, không mài vẹt một bên. Những lưỡi rìu này chạy dọc song song cán như rìu chặt hiện nay. Đốc rìu để đẽo và tu sửa cho thon, tra cán dễ. Những công cụ ghè đẽo thường chế tác bằng loại đá Riolit; công cụ mài lưỡi thường làm bằng loại đá Flanit hay đá xanh thường thấy nay. Những loại đá này rất dẻo và rắn chắc, bước tiến quan trọng trong cách chế tác dụng cụ, so với các văn hóa trước đó. Phiến thạch: Hầu hết các hang động Bắc Sơn có rất nhiều viên cuội phiến thạch nhỏ, có những dấu mài 2 rãnh song song. Những phiến thạch này rất nhiều đến nỗi xem là dấu hiệu Văn hóa Bắc Sơn. Đó là loại bàn mài nhỏ mài công cụ nhỏ. Những dụng cụ nhỏ không tìm thấy, chỉ còn vết tích những viên cuội phiến thạch. Vết tích Bình Long phát hiện thỏi xương tròn có lưỡi vụm. Đó là đục nhỏ, để lại những dấu mài có 2 rãnh trên những viên phiến thạch. Trong những di tích thuộc Văn hóa Bắc Sơn còn tìm thấy một số công cụ bằng xương như: Rìu, mũi dùi, đục. Có những rìu xương rất lớn, dài 18cm. Đồ gốm: Đồ gốm chế tác giai đoạn này. Hang động Bắc Sơn tìm thấy những mảnh gốm. Một số mảnh còn dấu vết đan. Căn cứ dấu đan trên gốm, cho thấy kỹ thuật đan giai đoạn này khá phát triển. Người nguyên thủy thời Bắc Sơn có thể đan những đồ đựng dày và đều. Họ biết cách nặn những đồ gốm mà không cần khuôn đan. Hoa văn trên những đồ gốm này thường đơn giản, như vạch chéo, răng lược, văn sóng nước. Xem xét những hoa văn này cho biết ngườỉ nguyên thủy tạo hoa văn khi đồ gốm còn ướt. Một số hoa văn khác cho thấy người nguyên thủy dùng đến bàn rập để in hoa văn lên bề mặt gốm. Một số hoa văn khác do người nguyên thủy dùng que nhọn để điểm xuyết thêm trên gốm ướt. Đồ gốm Bắc Sơn thường có miệng loe và đáy hình tròn. Một số hòn đá trong hang động có dấu vết khói đen, đó là những hòn đá kê lên để nấu những thức ăn. Về kỹ thuât nung của những loại gốm này vẫn chưa cao. Người nguyên thủy biết cách nhào đất sét lẫn cát và tro để khi nung đồ vật không vỡ hay rạn nứt. Xem như thế, đồ gốm trong Văn hóa Bắc Sơn đánh dấu bước tiến lớn trong đời sống cư dân nguyên thủy. Số lượng những mảnh gốm tìm thấy vẫn còn ít; chứng tỏ chế tác đồ gốm chưa phát triển mạnh giai đoạn Văn hóa Bắc Sơn. Bên cạnh đồ gốm nấu nướng, thấy vết tích những vỏ cây, ống tre để nấu nướng hay để đựng. Các hang động Văn hóa Bắc Sơn thấy xương và răng thú trong tầng văn hóa. Một số hang động thấy xương gấu, xương cầy cáo, xương nhím và xương khỉ, thấy xương và răng tê ngưu. Nghề săn khá phát triển. Những xương thú này vỡ từng mảnh. Người nguyên thủy ăn thịt, vứt xương hay đập nát xương hút tủy. Như thế tuy tạo đồ gốm nhưng họ vẫn thích nấu nướng như giai đoạn trước. Hái lượm Ngành hái lượm vẫn tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng tìm thực phẩm nuôi sống. Họ đi bắt ốc ở sông suối về ăn. Vỏ trai ốc chất lại thành từng đống lớp dày trong các hang động có người ở. Trong số ốc vặn tìm thấy nhiều nhất là loài ốc nước ngọt sống ở các sông suối, ốc đất và các loài trai ốc khác. Hang Làng Cườm (Lạng Sơn) lóp vỏ ốc này chất cao 3m. Họ dùng vỏ trai làm công cụ thường dùng. Những vỏ trai lớn và cứng dùng làm dao, nạo thay thìa. Ở di tích Đồng Lầy còn tìm thấy mảnh vỏ trai hình tam giác, 1 đầu mài vẹt thành lưỡi sắc. Những hang động này không tìm thấy các công cụ liên quan nghề đánh cá. Xương cá không thấy. Như vậy nghề đánh cá không phát triển trong thời Văn hóa Bắc Sơn. Chủ nhân Bắc Sơn sống chính yếu là săn bắt, hái lượm. Vũ khí dùng săn bắt bằng tre gỗ; các công cụ đá thì dùng để chặt, chế tác đồ tre gỗ. Những mầm mống nông nghiệp phát sinh thời Văn hóa Hòa Bình trước đó được phát triển thêm một bước. Tìm thấy rìu mài lưỡi chắc để phát rừng làm rẫy. Con người thời Văn hóa Bắc Sơn sống trong các hang động và mái đá. Những nơi này che mưa nắng và tránh thú dữ. Họ làm các đồ nạo, dũa, vỏ trai dùng trong việc chế tác da thú. Chưa tìm thấy những mũi kim có lỗ khoan, nhưng thấy những mũi dùi nhỏ bằng xương, khá tinh tế. Có thể người thời này chế tác áo quần bằng da thú. Họ dùng vỏ cây làm quần áo che thân. Đồ đan thấy phát triển, chưa có dấu vết chứng tỏ nghề dệt phát sinh. Đồ trang sức Các di tích Bắc Sơn tìm thấy những đồ trang sức. Mái đá Bình Gia tìm thấy nhiều loại vỏ ốc biển Cypraea. Họ khoét một lỗ lớn trên lưng vỏ ốc, xâu sợi dây qua miệng ốc làm đồ trang sức. Những vỏ ốc khoét lỗ nằm gần nhau trong tầng văn hóa này có thể đoán định là xâu chuỗi dùng làm vật trang sức đeo ở cổ. Một số địa điểm khác tìm thấy đồ trang sức bằng phiến thạch mỏng, có lỗ đeo và những hạt chuỗi bằng đất nung, hình trụ hay hình thoi, khoen lỗ ở chính giữa. Qua những đồ trang sức cho thấy khả năng mỹ thuật của con người thời này phát triển hơn các giai đoạn trước. Một số hang động Văn hóa Bắc Sơn, phát hiện những vật bằng đất sét hay bằng phiến thạch, trên đó có vạch những đoạn thẳng song song ở rìa cạnh làm thành từng nhóm. Có những mảnh phiến thạch khắc hình rẻ quạt, đường tròn, sóng nước. Đây là những biểu thị siêu linh. Những nghệ phẩm này mang tính huyền bí, khiến người ta nghĩ đến tín ngưỡng tôn giáo của họ. Về niên đại Nhiều ý kiến khác nhau về việc xác định niên đại Văn hóa Bắc Sơn. 2 mẫu vỏ ốc trong hang Bó Nam (Kéo Phẩy) định niên đại bằng phương pháp C. 14 khoảng 7900 năm cách ngày nay. 2 mẫu vỏ ốc khác ở hang Thẩm Hai có niên đại C. 14 là 9700 năm cách ngày nay, mẫu ốc trong hang Bó Lùm (Còn Khẻ) có niên đại C. 12 là 8010 năm cách ngày nay. Nhìn chung, tính niên đại tổng quát, Văn hòa Bắc Sơn cách nay khoảng từ 1 vạn năm đến 8000 năm. Như thế Văn hóa Bắc Sơn tiếp nối kế thừa của Văn hóa Hòa Bình; phát triển đó mang tính liên tục, liên hệ, dồi dào hơn. Những di tích Văn hóa Bắc Sơn tìm thấy được nhiều nơi vùng Đông Nam Á: Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Văn hóa Quỳnh Văn Đại cương Cùng Văn hóa Bắc Sơn, Văn hóa Quỳnh Văn cũng thuộc sơ kỳ thời đồ đá mới, nhưng phân bố ở vùng ven biển. Tiêu biểu cho văn hóa này là di chỉ Quỳnh Văn ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Chủ nhân Văn hóa Quỳnh Văn là những người hầu như chủ yếu sống bằng kinh tế khai thác nhuyễn thể và các hải sản biển. Hơn 20 di chỉ cồn sò điệp ven biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) và Thanh Hà (Hà Tĩnh) không chỉ phản ánh định hướng khai thác biển toàn diện, mà còn chứng tỏ Văn hóa Quỳnh Văn có quy mô lớn nhất vùng duyên hải, độc đáo trong bình tuyến trung tâm văn hóa đá mới ven biển Việt Nam sau thời Văn hóa Hòa Bình. Văn hóa cồn sò điệp Quỳnh Văn đến nay được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước phát hiện, nghiên cứu. Quá trình và thành tựu nghiên cứu trong hơn nửa thế kỷ được nhiều nhà khảo cổ học triển khai qua những luận chứng khác nhau. Qua đặc điểm môi trường phân bố các di chỉ, khảo cổ, cấu tạo tầng văn hóa, các dấu tích hoạt động của chủ nhân văn hóa này, các mộ táng, nơi cư trú, qua đặc trưng tổ hợp di vật bằng đá, xương răng, động vật, vỏ nhuyễn thể, cơ cấu khai thác kinh tế biển, nguồn gốc và quá trình phát triển.. cho chúng ta thấy: Chủ nhân Văn hóa Quỳnh Văn là một trong số những đại diện tiêu biểu cho trình độ khai thác biển của Việt Nam thời đồ đá mới. Di chỉ Quỳnh Văn Đặc điểm phân bố các di chỉ cồn sò điệp Văn hóa Quỳnh Văn là phân bố tập trung chung quanh đồng bằng Quỳnh Lưu. Hình thái phân bố chia thành hai tuyến: Phía bờ Đông và phía bờ Tây của sông Quèn. Tuyến bờ Tây: 8 địa điểm: Cồn Hang Thờ, Cồn Lẹp, Cồn Rườn, Rú Cửa Gan, Quỳnh Văn, Cồn Đề, Đông Hà Nam, Đông Hà Bắc. Những vùng này sò điệp phân bố tản mạn, hầu hết là sò điệp bám dựa chân núi. Tuyến bờ Đông gồm: Cồm Trạm Xá, Cồn Lò Ngói, Cồn Đất, Cồn Nghĩa Trang, Gò Lạp Nam, Gò Tùng Điệp, Gò Lạp Bắc, Gò Ong Lựu, Gò Mới, Gò Lăng và Gò Trạm Máy Kéo. Sò điệp tập trung dần từ trung lưu sông Quèn ăn ra biển. Phía trên tầng văn hóa này là lớp vỏ nhuyễn thể bị mủn nát. Thành phần chủ yếu: Vỏ điệp (placuna placenta lin), sò nhẵn (areasabinze lin), sò gai (arccagranaca lin) ốc đinh (tuvitellabacillum kienner), ốc sắt (cerilicat), ốc gai (murex), vỏ ngao (keretix).. Bên cạnh những vỏ nhuyễn thể còn có các loại: Vụn cua bể (eriocheir), xương cá, mai rùa, ba ba, mực.. xương răng động vật gồm: Voi, trâu bò rừng, hươu, nai, tê giác. Công cụ: Trong tầng văn hóa và các mộ táng thấy nhiều công cụ đá người nguyên thủy. Ngoài một số ít chày đá, hòn ghè, hầu hết công cụ chế bằng "đá gốc." Loại đá này dùng làm công cụ Keratophia - thạch anh. Tìm thấy những loại nạo bằng đá. Nạo làm bằng hạch đá hay mảnh tước, có loại thô cũng có loại khá tinh tế. Người thời đó cũng dùng những rìu to nhỏ khác nhau. Tất cả loại rìu đều ghè 2 mặt. Kỹ thuật chế tác đá duy nhất ở đây là cách ghè đẽo. Những mảnh tước tìm thấy ở đây, bên cạnh các mảnh tước có đặc trưng Clacton còn có loại mảnh tước có mặt ghè hẹp. Có các hạch đá kiểu Levaloa. Không có kỹ thuật mài và không tìm thấy bàn mài. Ngoài ra người nguyên thủy Quỳnh Văn dùng xương để kiến tạo công cụ. Ở Quỳnh Văn thấy đoạn xương ống, một đầu vót nhọn khá sắc và một răng động vật có dấu gọt ở đầu nhọn răng. Đây là những mũi dùi. Các mộ táng thấy những đục bằng xương, có lưỡi mài sắc và xinh xắn. Hầu hết công cụ ở đây chế tác bằng cách ghè đẽo, chưa thấy cách mài đá, nhưng khẳng định là văn hóa này ở thời đồ đá mới. Người Quỳnh Văn biết làm đồ gốm. Gốm Quỳnh Văn là gốm thô. Đất làm gốm còn trộn nhiều hạt cát to bề ngoài có phủ lớp đất mịn. Độ nung còn thấp nên gốm thường bị nứt vỡ. Họ làm gốm bằng tay, chưa có bàn xoay, nhưng gốm có độ dày đều. Mặt ngoài gốm trang trí hoa văn thô sơ. Một số mảnh gốm bị ám khói, chứng tỏ dùng để đun nấu. Tầng văn hóa này tìm thấy các bếp người nguyên thủy. Đó là những đám tro than, có những hòn đá ám khói. Một số bị nứt có thể do lửa nung. Tro than thường lẫn lộn xương cá và xương thú. Đó là những thức ăn được nấu nướng. Sinh hoạt: Những dấu vết hoạt động của người cổ Quỳnh Văn còn lưu lại đến nay theo 3 dạng thức: Các dấu vết bếp lửa - các hố đất đào - các mộ táng. Loại dấu vết hố đào và mộ táng mới chỉ phát hiện ở những địa điểm Quỳnh Văn, còn dấu vết bếp lửa là hiện tượng phổ biến ở mọi địa điểm văn hóa này. Di chỉ Quỳnh Văn phát hiện 11 hố đất ở lớp thứ 2 và lớp thứ 9. Một số hố đất phát hiện những thể loại công cụ đá và những mảnh gốm. Các dấu vết bếp đun nấu là hiện tượng phổ biến nhất. Phát hiện hàng trăm bếp lửa ở 4 địa điểm khai quật. Những bếp này có diện tích rộng hẹp khác nhau, đống than tro dày mỏng khác nhau, nhưng không có cấu trúc tiêu chuẩn nào. Hầu hết bếp là những vùng than tro với vỏ sò điệp, xương răng, than củi bị đốt cháy, cùng những hòn cuội làm đá kê bắc bếp bị ám khói, bên cạnh những mảnh gốm và những công cụ đá. Tìm thấy những thể loại đồ đá có đáy nhọn. Trừ một số ít có lớp than tro dày, phần lớn các bếp cho thấy việc sử dụng chúng trong khoảng thời gian không lâu dài lắm. Tài liệu còn cho thấy: Chủ nhăn Văn hóa Quỳnh Văn sử dụng nguồn thức ăn nhuyễn thể, hải sản tại chỗ là chính yếu; bên cạnh có một số lượng nhỏ thịt rừng. Các nhà khảo cổ học gọi là "đống rác bếp" (Kjokkenmbding). Mộ táng: Địa điểm Quỳnh Văn trong khai quật 1963 phát hiện 31 mộ, các huyệt mộ đều hình tròn hay gần tròn, đường kính khoảng 70cm. Đất xây mộ màu nâu lẫn vỏ sò điệp. Những đồ tùy táng khá phổ biến trong những mộ này: Công cụ đá, dao, đục xũm bằng xương, ngà voi, vỏ ốc xuyên lỗ, căn cứ huyệt mộ, vào vị trí xương cốt còn lưu, người chết được chôn với táng nằm co hay ngồi bó gối. Có những khu chôn tập thể tìm thấy ở địa điểm Quỳnh Văn. Táng tục chủ nhân Văn hóa Quỳnh Văn nhiều nét tương tự táng tục chủ nhân Văn hóa Đa Bút. Tính chất táng tục thấy ở Văn hóa Hòa Bình trong các địa điểm khảo cổ: Hang Đắng, Mộc Long, Con Moong (Ninh Bình) Mái Đá Điều (Thanh Hóa), Hang Muối (Hòa Bình), Hang Chùa (Nghệ An).. Điều này cho thấy có những liên hệ giữa Văn hóa Hòa Bình trước đó với Văn hóa Quỳnh Văn về sau. Do đó có thể xác định thành phần nhân chủng của chủ nhân Văn hóa Quỳnh Văn thuộc đại chủng Australo - Negroid. Di vật Di vật của chủ nhân Văn hóa Quỳnh Văn còn lại ở di chỉ sò điệp Quỳnh Lưu: Các công cụ đá, bằng xương răng động vật, bằng vỏ nhuyễn thể, đồ gốm. Đồ đá Phân loại, nghiên cứu cho thấy: Bộ sưu tập đồ đá Quỳnh Văn: Mảnh tước, các loại hình công cụ đá ghè từ đá gốc, đá cuội, đá lăn, công cụ mài, các loại công cụ không gia công hay cuội nguyên chày, hòn ghè, hòn kê, bàn nghiền, bàn mài. Chủ nhân Văn hóa Quỳnh Văn chế tác và sử dụng những loại hình công cụ vừa mang những yếu tố truyền thống Sơn Vi - Hòa Bình trước đó, vừa mang những đặc điểm riêng Quỳnh Văn. Những công cụ này có hình bầu dục, hình dĩa, hình khối tam giác, hình mai rùa, hình quả trám, hình rìu dài, hình rìu ngắn, công cụ không định hình, công cụ từ mảnh tước tu chỉnh, hầu hết công cụ ghè đẽo Quỳnh Văn đều có 1 mặt phẳng, 1 mặt kum hay gần nhọn. Ở Quỳnh Văn chỉ thu được hơn 100 mảnh gốm, các điểm khác thu khoảng 5, 000 mảnh gốm. Những hiện tượng kể trên cho thấy nền kinh tế khai thác hải sản, chủ yếu nhuyễn thể sò, điệp, ốc; công cụ đá không giữ vai trò quan trọng như chủ nhân Văn hóa Đa Bút. Công cụ bằng xương răng động vật Cư dân Văn hóa Quỳnh Văn gia công một số xương răng, sừng động vật làm đục, làm mũi nhọn, nhưng số lượng không nhiều. Những công trình khai quật của bà Madeleine Colani tìm hàng chục đồ dùng bằng vỏ sò, vỏ ốc, vỏ hà. Việc dùng vỏ nhuyễn thể như trai, trục, ốc, sò làm công cụ và đồ trang sức cũng là hiện tượng khá phổ biến trong những di chỉ hang động Văn hóa Quỳnh Văn. Đồ gốm Đồ gốm là thành tố quan trọng và cơ bản trong cơ cấu nền văn hóa vật chất ở Quỳnh Văn. Quỳnh Văn là 1 trong 3 trung tâm gốm sớm nhất, không những tại Việt Nam mà của cả Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Đồ gốm tập trung Quỳnh Văn phía Nam, Gò Lạp Bắc, Cồn Đất, tính ra có 17.000 mảnh gốm. Có 4 loại gốm: Gốm văn chải đáy nhọn, gốm văn in rập kiểu nan rá có đáy trò, gốm văn chải mặt trong, vặn thừng mặt ngoài, gốm vặn thừng đáy tròn. 2 loại gốm kiểu văn chải đấy nhọn và văn in rập kiểu nan rá xuất hiện sớm nhất tại Quỳnh Văn. Từ khi mới đặt chân đến bờ biển Quỳnh Lưu, chủ nhân Văn hóa Quỳnh Văn đã tạo đồ gốm để dùng. Hầu hết những mảnh gốm khai quật tại Quỳnh Văn là mảnh vỏ nồi đun nấu; có vết ám khói hay tro đen ở thân gốm và đáy gốm, tức dùng dụng cụ nấu nướng. Những mảnh gốm khai quật thường bị vỡ thành từng bộ phận, có chỗ lẫn lộn với đồ đá, than tro, xác hải sản. Gốm đáy nhọn rất phổ biến trong vùng này. Thân gốm cấu trúc theo hình nón hay hình phễu; chất liệu pha nhiều cát sạn, vỏ nhuyễn thể và xương gốm tán vụn tạo thành độ cứng chắc, diện tích tiếp xúc với lửa nhiều hơn so với gốm đáy tròn. Các loại gốm Quỳnh Văn để chế tác chủ yếu bằng phương pháp nặn bằng tay, dải cuộn, kết hợp thủ pháp kê, đập, chải. Điều này khác gốm Đa Bút. Trên cổ và miệng của các loại gốm được khoét những chiếc lỗ nhỏ chừng 3mm. Lỗ này dùng để luồn dây buộc cho vững khi đun hay di chuyển. Như thế, xuất hiện loại gốm có văn in rập kiểu nan rá đáy tròn, văn chải 2 mặt, đáy nhọn, vặn thừng cổ thắt.. đều là nét tiêu biểu nhất của Văn hóa Quỳnh Văn. Sinh hoạt kinh tế Qua những dấu tích thức ăn, có thể biết hoạt động kinh tế của họ. Người nguyên thủy Quỳnh Văn sống bằng cách bắt điệp, sò, ốc ven sông biển. Người nguyên thủy Quỳnh Văn sống bằng nghề bắt cá. Tầng văn hóa, tìm thấy các đốt xương sống cá và vây cá khá lớn. Tất nhiên họ dùng thuyền và có thể ra biển. Nghiên cứu môi trường, đặc điểm phân bố các di chỉ cồn sò điệp, đặc biệt là tầng văn hóa, loại di tích này cấu cạo bởi chính vỏ, xác và tàn tích các loại nhuyễn thể. Hầu hết là điệp, ở môi trường vịnh Quỳnh Lưu. Hơn nữa, các di tích sò điệp phong phú số lượng, còn có quy mô rất lớn, lớn hơn nhiều nếu đem so mật độ và tổng số di vật trong đơn vị diện tích khai quật. Tuy nhiên trong khảo sát vẫn thấy một số lượng rất nhiều những con sò điệp vẫn còn ngậm miệng. Nghĩa là không phải dùng làm thức ăn. Từ thực tế cho thấy, khối lượng những di vật sò điệp này tập trung do 2 nguồn gốc: Do hoạt động con người. Do ảnh hưởng thủy triều, sóng gió. Căn cứ dấu vết tác động những nhuyễn thể, đặc điểm phân bố di tích và di vật cho thấy: Chủ nhân Văn hóa Quỳnh Văn thu lượm, đánh bắt nhuyễn thể và hải sản ở những giai đoạn, những điều kiện thuận lợi nhất định. Theo vòng sinh trưởng các giống hải sản, theo diễn biến môi trường chịu ảnh hưởng các đợt biển tiến và biển lùi. Đó là cách khai thác theo từng mùa. Người nguyên thủy Quỳnh Văn làm nghề săn bắt. Tại di chỉ, thấy xương và răng hươu nai, trâu bò, chó và nhím. Đó là những thú rừng săn bắt được. Thấy có ngà voi. Như thế, người Quỳnh Văn còn săn bắt các thú lớn. Nhưng xương thú rất ít, có lẽ nghề săn bắt không đóng vai trò lớn bằng nghề sông biển. Niên đại Văn hóa Quỳnh Văn Niên đại: Văn hóa Quỳnh Văn thuộc thời đại sơ kỳ đá mới để dần chuyển sang thời đại kim khí. Giai đoạn này liên hệ với sự thành lập đồng bằng. Nguồn: Web invalid Nguy cơ xóa sổ di tích khảo cổ Quỳnh Văn? Nằm ven QL. 1A, di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An phát hiện năm 1963, khảo sát và khai quật lần thứ nhất 1963-1964, lần 2 năm 1976 và đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong các trường phổ thông. Vậy mà nó nguy cơ bị xóa sổ. Theo lịch sử ghi chép di chỉ chia 3 khu: Thông Linh 6.300m2, Tha Ma Bắc 3.400m2 Tha Ma Đông 1.500m2. Tầng văn hóa dày đến 5, 6m. Đợt khai quật 1963-1964 có 197 hiện vật đồ đá (nạo thô, nạo nhỏ, hòn ghè, hòn kê, chày đá, bàn nghiền, hạch đá, mảnh tước, rìu mài lưỡi.) và 173 mẫu gốm thô không có hoa văn. Một mộ sâu 0, 9m có nhiều đồ quý táng. Di chỉ Quỳnh Văn là di chỉ cư trú, mộ táng, theo sơ kỳ thời đồ đá mới. Các nhà khảo cổ học xếp di chỉ Quỳnh Văn là tiêu biểu nhất văn hóa đá mới có gốm ở ven biển Nghệ Tĩnh. Di chỉ Văn hóa Quỳnh Văn đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong trường phổ thông. "Nhiều hang động ở Bắc Sơn, nhiều địa điểm ở Quỳnh Văn, Hạ Long, người ta phát hiện những bộ xương người được chôn. Thậm chí như ở Quỳnh Văn, bên xương người chết có 1, 2 lưỡi cuốc đá được chôn cất theo" (Lịch sử 6). Giáo viên dạy môn Lịch sử mới ra trường, đầu 10-2011, tôi háo hức về Quỳnh Văn tìm hiểu di chỉ khảo cổ hy vọng bổ sung kiến thức thực tế cho mình để truyền đạt cho học sinh. Thật không tin nổi, di tích bây giờ là cái chợ Vân, bẩn thỉu, đầy rác thải. Bà Lý bán hàng 30 năm ở chợ Vân quê Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu cho biết trước đây khi đào móng làm nhà đào được 6 hài cốt cổ và sau mới biết là di chỉ khảo cổ Văn hóa Quỳnh Văn. "Vẫn biết ngồi bán hàng ở đây rất có tội với Tổ tông nhưng biết làm sao khi người ta không dời chợ đi chỗ khác." 12-4-1997, UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định 1306/QĐ-UB giao Sở Văn hóa Thông tin và UBND huyện Quỳnh Lưu đồng quản lý di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn. Đầu 3-2006, UBND xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, đột nhiên cho xây chợ Vân trên khu di chỉ Quỳnh Văn (thay chợ cũ xây từ 1976). UBND huyện Quỳnh Lưu có 2 công văn (8-3-2006 và 17-3-2006) yêu cầu UBND xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) đình chỉ xây chợ Vân. "Phép vua thua lệ làng", chợ Vân không được chuyển đến địa điểm khác, hàng ngày vẫn họp trên di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn. Thật thương cho số phận "sách giáo khoa sống." (như nhiều giáo viên thường nói về di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn). Nhật có di chỉ tương tự Quỳnh Văn về mặt đặc trưng cồn sò và niên đại, nằm ven biển Thái Bình Dương. Đó là di tích Chi Ba nằm ngay Vịnh Tokyo thành khu du lịch nổi tiếng nhờ di chỉ khảo cổ. Tại sao chúng ta không học Nhật Bản? Riêng di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn, ngoài những giá trị trên, ở đây còn là pho sách "giáo khoa sống" để hàng vạn giáo viên và học sinh cả nước học tập. Mong những người có trách nhiệm ở huyện Quỳnh Lưu vào cuộc quyết liệt cứu di chỉ Văn hóa Quỳnh Văn. Hà Thanh (Báo Công an Nghệ An) Nguồn: Web baotanglichsu Di tích khảo cổ Quỳnh Văn được xếp hạng quốc gia Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa xếp hạng Di tích Quốc gia đối với 3 di tích thuộc địa bàn các tỉnh/ thành phố: Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ. Các di tích xếp hạng lần này có một di tích lịch sử, một di tích kiến trúc nghệ thuật và một di tích khảo cổ học. Cụ thể, các di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia lần này: 1. Di tích lịch sử Hải Vân Quan (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế; phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). 2. Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Hiệp Thiên Cung (phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ). 3. Di tích khảo cổ Quỳnh Văn (xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Thông tin trên nêu rõ tại các Quyết định số 1531, 1532, 1533/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xếp hạng Di tích Quốc gia. Các văn bản này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các cấp nơi có di tích xếp hạng thực hiện quản lý nhà nước với di tích theo quy định pháp luật về DSVH trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Nguồn: Web truyenhinhnghean Khoảng 6000 năm trước: Phát hiện di chỉ Đa Bút – Quỳnh Văn. Đồi vỏ hến Đa Bút (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) tìm nhiều rìu bằng đá cuội, chỉ mài ở lưỡi và khá nhiều mảnh gốm còn thô vụng, độ nung thấp. Đồ gốm ở đây phát triển hơn đồ gốm trong Văn hóa Bắc Sơn. Chủ nhân di chỉ Đa Bút là những người săn bắt, đánh cá và biết đến thuần dưỡng súc vật như bò, chó.. Khảo cổ học xếp di chỉ này vào giai đoạn "đá mới cuối Bắc Sơn." Tại Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) con người đánh bắt sò điệp về ăn và vứt vỏ nơi cư trú của họ, lâu ngày vỏ tích lại thành những đồi lớn. Người Quỳnh Văn biết làm đồ gốm. Gốm nặn bằng tay, chưa biết dùng bàn xoay, nhưng có độ dày khá đều. Người Quỳnh Văn sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, săn bắt và bước đầu biết đến nông nghiệp. Các nhà khảo cổ học xếp di chỉ Quỳnh Văn là loại tiêu biểu nhất của văn hóa đá mới có gốm ở ven biển Nghệ Tĩnh. Nguồn: Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến 2001, Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), Hà Nội, Giáo Dục, Tr. 8. Nguồn: Web lichsuvietnam Còn tiếp
"Văn hóa Cái Bèo" Văn hóa Cái Bèo có niên đại trước nền Văn hóa Hạ Long. Di chỉ Cái Bèo phát hiện năm 1938 trong lần thám sát khảo cổ học ven biển khu vực liên quan thuộc vùng Vịnh Hạ Long nay. Di chỉ Cái Bèo khai quật hơn 479 công cụ như chày, bàn nghiền, bàn mài, hòn kê, rìu bôn, đục, chì lưới.. bằng đá cuội. Đồ gốm thô cứng làm từ đất sét và cát hạt khô, bếp, di cốt người; các xương răng động vật, xương thú như lợn rừng, nai, dê núi. Theo các nhà khảo cổ học, di chỉ Cái Bèo thuộc nền Văn hóa Hạ Long, bởi phân tích rõ ra là cư dân Cái Bèo cùng thời gian và xu hướng chuyển cư của người Hòa Bình – Bắc Sơn từ vùng núi xuống biển. Sau đợt biển tiến Haloxen Trung làm nảy sinh các hoạt động kinh tế riêng biệt của từng vùng. Riêng cư dân đảo Cát Bà, trong đó có người cổ Cái Bèo làm nghề đánh cá là chủ yếu. Nguồn: Wikipedia Khám phá Cái Bèo Cái Bèo là di tích khảo cổ thềm biển có quy mô lớn, địa tầng dày, có tổ hợp di tích và di vật phong phú. Các vết tích văn hóa cho thấy đây là làng chài ven biển cổ nhất được biết hiện nay ở Việt Nam. Cái Bèo là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược xây dựng và phát triển Cát Bà, Hải Phòng thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế. Di chỉ Cái Bèo nằm cách trung tâm thị trấn Cát Bà 1, 5km về phía Đông Nam. Đây là thung lũng bằng phẳng, 3 mặt núi đá vôi bao bọc, mặt Đông quay ra biển. Khu di chỉ rộng 800m2, dốc thoải từ Nam ra Bắc, cao 3, 5m so với mặt biển. Cách di chỉ 200m là dãy núi Áng Thảm và Bù Nâu chạy vòng cung ôm lấy Cái Bèo, làm nơi đây kín gió, biển không ồn ào, phong cảnh hữu tình, thuận cho sinh sống và khai thác thủy sản. Có lẽ vẻ đẹp thiên nhiên quy tụ về đây, cùng thuận lợi về địa thế, phong phú về sản vật nên dân cư cổ Cái Bèo quần tụ lâu dài tại đây, tạo nền văn hóa đặc sắc. Theo tài liệu và nghiên cứu khảo cổ học vùng ven biển, hải đảo Đông Bắc Việt Nam của PGS. TS Nguyễn Khắc Sử - Viện Khảo cổ học Việt Nam, năm 1938 nữ khảo cổ học người Pháp M. Colani có công phát hiện và tiến hành thám sát vịnh Cá trên đảo Cát Bà, đó là di chỉ Cái Bèo hiện nay. 4-1972, cán bộ khảo cổ học Nguyễn Văn Hảo tiếp tục đào 2 hố thám sát và lấy tên là di chỉ Cát Bà. Kết quả thám sát cho thấy địa tầng mang dấu tích của người Việt cổ dày 0, 5 - 0, 9m, đất màu nâu pha nhiều sỏi. Hiện vật thu gồm 2 rìu đá, 7 bàn mài rãnh hình ống máng, 1 chì lưới và nhiều mảnh gốm xốp. Theo kết luận của các nhà khảo cổ học, hiện vật thuộc Văn hóa Hạ Long. Từ đó đến nay, di chỉ Cái Bèo được Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức khai quật thám sát di chỉ 4 lần các năm 1973, 1981, 1986, 2006, lấy tên di chỉ Cái Bèo. Qua khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều lớp đất cấu tạo khác nhau, nằm theo trật tự nhất định hợp thành tầng văn hóa khá dày, khoảng 2, 6m và có thể phân biệt 3 lớp sớm, muộn. Lớp 1 thuộc sơ kỳ thời đồ đá mới, cách nay khoảng 7000 năm. Lớp 2 thuộc hậu thời đại đá mới, cách nay 3.000 năm và lớp 3 thuộc Văn hóa Hạ Long, cách đây 4000 năm. Hơn 479 hiện vật gồm: Chày, bàn nghiền, bàn mài, hòn kê, rìu bôn, đục, chì lưới, nồi gốm, dụng cụ ghè đẽo, chặt thô, mũi nhọn, đòn kê, chày; quanh bếp nấu và hố rác bếp là những xương, răng cá và thú. Những hiện vật này thuộc các niên đại khác nhau từ 4000 - 7000 năm. Kết quả thám sát cho thấy Cái Bèo là di tích khảo cổ thềm biển quy mô lớn, địa tầng dày, tổ hợp di tích và di vật phong phú. Những vết tích văn hóa ở đây phản ánh phát triển kế tiếp từ trung kỳ đá mới - đặc trưng cho Văn hóa Cái Bèo, sang hậu kỳ đá mới - đặc trưng cho Văn hóa Hạ Long. Theo PGS. TS Nguyễn Khắc Sử, di chỉ khảo cổ Cái Bèo là một trong những di tích quý hiếm nhất vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là làng chài ven biển cổ có quy mô lớn nhất hiện biết ở Việt Nam. Di chỉ Cái Bèo xếp hạng Di tích Quốc gia 2009. Đây là DSVH biển tiêu biểu, đặc sắc Việt Nam, bảo tàng địa chất tuyệt vời về dao động mực nước biển đại dương. Tiếp nhận và thích ứng của con người trước hiện tượng biển tiến, biển thoái là bài học cho chúng ta hôm nay trước nguy cơ xâm thực nước biển do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thơ mộng thiên nhiên và cuộc sống nhộn nhịp làng chài giúp Cái Bèo hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Chiến lược xây dựng và phát triển Cát Bà thành trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế, một trong những địa chỉ được huyện Cát Hải quan tâm là quản lý khai thác và phát huy giá trị văn hóa di chỉ Cái Bèo. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Cát Hải Vũ Tiến Lập cho biết, Phòng Văn hóa - Thông tin tăng quản lý để dân không làm ảnh hưởng khu di chỉ. Phòng tham mưu cho UBND huyện xây dựng văn bản trình Sở VH, TT và DL bố trí ngân sách trong chương trình mục tiêu của thành phố đầu tư xây dựng và cải tạo di chỉ Cái Bèo thành điểm tham quan. 2013, UBND huyện Cát Hải, Hải Phòng quyết định đầu tư 1 tỷ đồng từ ngân sách huyện để xây dựng tường rào bảo vệ khu di chỉ. Minh Anh Nguồn: Web daibieunhandan Di chỉ Cái Bèo qua khai quật Địa điểm khảo cổ học Cái Bèo thuộc địa phận xã Đông Hải, đảo Cát Bà (Hải Phòng), cách thị trấn Cát Bà khoảng 1, 5km phía Đông Nam, tọa độ: 20o43'8' vĩ Bắc và 107o03'2' kinh Đông. Di chỉ nằm giữa thung lũng đá vôi, chạy dài theo hướng Bắc – Nam, độ cao trung bình 4m so mặt nước biển. Theo khảo cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Cái Bèo là di chỉ khảo cổ học có giá trị quan trọng nhất hiện nay ở vùng ven biển và hải đảo Đông Bắc Việt Nam. 1938, nữ khảo cổ học người Pháp là M. Colani phát hiện ra di chỉ ngoài trời là Vịnh Làng Chài (Cái Bèo), trên đảo Cát Bà. Từ đó đến nay, 4 lần khai quật tại đây. 4-1972, đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học do ông Hoàng Xuân Chinh (trưởng đoàn), Nguyễn Văn Hảo (cán bộ Viện Khảo cổ học) đào 2 hố thám sát trên di chỉ này, đặt tên di chỉ Cái Bèo. Kết quả thám sát cho thấy: Tầng văn hóa dày từ 0, 5 – 0, 9m đất có màu nâu pha nhiều sỏi. Hiện vật: Rìu đá, bài mài rãnh hình ống máng, chì lưới và nhiều mảnh gốm xốp, giống M. Colani thám sát được. Những hiện vật khai quật lần này xếp vào Văn hóa Hạ Long, niên đại hậu kỳ thời đại đá mới. Đóng góp thêm tư liệu nghiên cứu Văn hóa Hạ Long, một trong những nền văn hóa hậu kỳ đá mới ở vùng biển Đông Bắc Việt Nam, 16-8-1973, Viện Khảo cổ học phối hợp Sở VHTT Hải Phòng khai quật địa điểm Cái Bèo. Cán bộ khai quật: Hoàng Xuân Chinh (trưởng đoàn), Nguyễn Khắc Sử, Phạm Lý Hương, Võ Quý, Phan Tiến Ba (cán bộ nghiên cứu Viện Khảo cổ học), Nguyễn Duyên Bằng (cán bộ nghiệp vụ Sở VHTT Hải Phòng). Đợt khai quật kết thúc 30-9-1973. Kết quả khai quật: Cấu tạo tầng văn hóa: Lớp văn hóa đầu nằm trên lớp sinh thổ, ở độ sâu 2, 5 – 3, 2m, hiện vật là công cụ cuội ghè đẽo tạo loại rìu ngắn, mũi nhọn, chày nghiền, bàn nghiền; đồ gốm có gốm dày thô; xương động vật và vỏ sò lớn. Lớp văn hóa thứ 2 ở độ sâu 1, 2 – 2, 4m, hiện vật chủ yếu trong lớp này là công cụ ghè đẽo, công cụ mài; đồ gốm cứng thành mỏng; lớp này tập trung nhiều xương cá và xương thú. Lớp văn hóa thứ 3 ở độ sâu 0, 2 – 1, 2m, hiện vật chủ yếu là gốm xốp, gốm cứng mỏng và công cụ đá được mài toàn thân, vắng mặt xương cốt động vật. Hiện vật khai quật lần này là 484 hiện vật đá trong đó có 2 vòng tay đều bị gãy tìm thấy ở độ sâu 0, 6m, hai đầu mảnh vòng có khoan hai lỗ thủng để nối ghép hay buộc dây, tinh thể thạch anh tìm thấy ở độ sâu 0, 65m có hình lăng trụ lục giác không đều, một đầu nhọn và một đầu bị gãy thuộc loại đá cứng màu trong suốt; 19.282 mảnh gốm, 2 chạc gốm còn tương đối nguyên vẹn; nhiều xương răng thú và cá. Qua khai quật này các nhà nghiên cứu phát hiện lớp văn hóa đầu thuộc sơ kỳ thời đá mới, lớp tiếp theo thuộc hậu kỳ thời đá mới, lớp cuối thuộc Văn hóa Hạ Long. Nói chung tầng văn hóa Cái Bèo là di chỉ khảo cổ học có địa tầng nguyên vẹn là cơ sở đáng tin cậy cho nghiên cứu diễn biến văn hóa tiền sử khu vực cũng như giải quyết vấn đề nguồn gốc bản địa. 1981, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) và Bảo tàng Hải Phòng khai quật. Hố khai quật mở gần biển hơn lần khai quật trước. Mục đích khai quật để hiểu thêm địa tầng của di chỉ và yêu cầu khảo sát lại, đồng thời xây lại khu DTLS Hải Phòng. Kết quả khai quật công bố trên Thông báo khoa học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, số 1 – 1983. Cấu tạo tầng văn hóa: Địa tầng di chỉ có 15 lớp đất đào, hai tầng văn hóa khảo cổ. Tầng văn hóa lớp I ở dưới thuộc Văn hóa tiền Hạ Long; tầng văn hóa II ở trên thuộc Văn hóa Hạ Long. Giữa hai tầng văn hóa có một lớp cát và sỏi biển dày 20cm ngăn cách. Từ lớp ngăn cách này trở lên, các lớp đất có cấu tạo phức tạp với nhiều màu sắc hơn; còn từ lớp ngăn cách đó trở xuống, đất có cấu tạo đơn giản và đồng nhất hơn. Lần khai quật này phát hiện 2 dấu tích bếp và 1 mộ táng. Dấu tích bếp lửa thứ nhất là vùng đất cháy hình tròn có đường kính 30cm, xung quanh bếp thường gặp hiện vật đá và gốm nhiều hơn những vùng khác. Ở độ sâu 310cm phát hiện di tích bếp lửa thứ 2 là khu đất cháy hình bầu dục dài 110cm, rộng 60cm, quanh khu vực nhiều xương thú, xương cá. Dưới độ sâu 2, 6m, phát hiện 1 bộ xương người. Căn cứ những vết xương còn lại có thể biết thi thể chôn nằm co, lưng quay phía tảng đá rất to gần vách Đông hố khai quật, đầu quay về Tây, không thấy huyệt mộ và đồ tùy táng. Dựa những đặc tính trên sọ, trên xương hàm, khi nghiên cứu về giới tính và tuổi, ông Nguyễn Lân Cường cho là di cốt cá thể nam, dựa vào độ mòn răng, gắn liền các khớp sọ ở mặt trong có thể đoán 50 - 60 tuổi. Hiện vật đợt khai quật này: Hiện vật đá có chày nghiền, bàn nghiền, hòn kê, bàn mài (bàn mài diện rộng, mài rãnh), rìu (rìu mài lưỡi, mài toàn thân, rìu có vai), đục.. Hiện vật gốm chủ yếu là những mảnh gốm (gốm xốp, gốm mịn thuộc lớp văn hóa trên), gốm thô dày, chất liệu làm từ đất sét pha cát và bã thực vật, gốm màu đen xám và nâu xám, thành gốm dày, gốm tạo hình chủ yếu nặn bằng tay, độ nung không cao và không chín đều (thuộc lớp văn hóa dưới) Qua nghiên cứu tầng văn hóa, di tích, di cốt và hiện vật cho thấy: Đồ đá: Chày nghiền rất phổ biến ở lớp văn hóa dưới làm bằng những hòn cuội dẹt hình bầu dục; bàn mài có bàn mài diện rộng và bàn mài rãnh ở lớp văn hóa trên; rìu ghè đẽo chỉ tồn tại ở lớp văn hóa cuối cùng. Rìu mài lưỡi tiết diện hình bầu dục, rìu có vai và rìu tứ giác mài toàn thân tìm thấy ở lớp trên phù hợp có mặt của bàn mài rãnh. Các kỹ thuật ghè đẽo, mài, cưa, khoan. Đồ gốm: Có thể chia 3 nhóm, gốm xốp, gốm mịn và gốm thô dày. Nhóm xương gốm mịn và mỏng tạo bằng bàn xoay, miệng loe cong đột ngột chiếm phần lớn. Phần miệng ít trang trí, phần cổ để trơn, phần đáy chủ yếu là đáy tròn, cũng có loại đáy bằng và có chân đế nhưng rất ít. Nhóm gốm thô chia 2 loại: Thô dày cứng và thô dày mềm. Gốm thô dày cứng có độ nung cao, xương gốm ít cát hạt và bã thực vật. Gốm thô dày mềm, xương gốm bằng đất sét có pha nhiều hạt cát thô và bã thực vật, độ nung thấp, miệng hơi thẳng, toàn thân đều trang trí hoa văn in (hoa văn tổ ong, hoa văn thang dây). Tất cả đều đáy tròn, không có chân đế, bề mặt đều ám khói. Đặc trưng đồ đá và đồ gốm, có thể xếp lớp văn hóa phía trên của di chỉ Cái Bèo vào Văn hóa Hạ Long và lớp văn hóa dưới vào Văn hóa tiền Hạ Long. Bên cạnh hiện vật đá và gốm, di cốt người có trong hố khai quật cung cấp thêm những tài liệu mới để tìm hiểu về tục mai táng "kiểu chôn nằm co." Chủ nhân có khả năng thuộc nhóm Australo – Melanesien của cư dân tiền Hạ Long. Xương răng động vật nói nên hình thái kinh tế. 12-1986, Viện Khảo cổ học khai quật do ông Nguyễn Văn Hảo (trưởng đoàn). Hố khai quật mở vào góc phía Tây Bắc của di chỉ, sát về phía chân núi. Đáng chú ý khai quật này là tỷ lệ công cụ cuội ghè đẽo rất cao, công cụ mài toàn thân rất hạn chế, không thấy bôn có vai, có nấc như các lần khai quật trước. Tỷ lệ gốm xốp kiểu Hạ Long rất thấp, không thật điển hình. 12-2006, Viện Khảo cổ học do PGS. TS Nguyễn Khắc Sử làm trưởng đoàn cùng Bảo tàng Hải Phòng và Phòng Văn hóa huyện Cát Hả lại khai quật nhằm xác định phạm vi phân bố di chỉ Cái Bèo và mức độ bảo tồn giá trị di tích làm cơ sở để xếp hạng Di tích Quốc gia, bổ sung hiện vật trưng bày cho Bảo tàng Hải Phòng. Kết quả khảo sát xác định di chỉ Cái Bèo có độ dốc thoải khoảng 8o, từ Tây sang Đông cao trung bình 4m so mặt nước biển hiện tại. Dựa phân tích tổng hợp các lần khai quật có thể đoán niên đại các lớp văn hóa trong di chỉ Cái Bèo. Lớp văn hóa trên cùng thuộc Văn hóa Hạ Long, hiện vật rìu, bôn đá tạo với kỹ thuật mài hoàn thiện, đồ gốm làm bằng bàn xoay, nhưng chưa xuất hiện kim loại đồng, nên thuộc hậu kỳ thời đồ đá mới. Trong lớp văn hóa này có mặt đa số rìu tứ giác, như gốm mỏng trang trí văn chấm dải, đặc biệt là chạc gốm cho thấy mối quan hệ rất gần gũi với các di vật thuộc: Văn hóa Phùng Nguyên, như vậy lớp văn hóa trên của di chỉ Cái Bèo có thể có tuổi 4.000 đến 4.500 năm trước. Lớp giữa di chỉ Cái Bèo với kỹ thuật mài đá phát triển, song chưa đến mức hoàn thiện bên cạnh gốm bàn xoay, có gốm nặn tay có thể thuộc giai đoạn đầu hậu kỳ đá mới cách nay trên dưới 5.000 năm. Lớp cuối di chỉ Cái Bèo chỉ có công cụ ghè đẽo, vắng kỹ thuật mài, đồ gốm nặn bằng tay còn thô sơ, trang trí văn đan, có thể thuộc trung kỳ đá mới khoảng 6.000 – 7.000 năm trước. Qua quan sát vị trí cảnh quan nơi cư trú, tổng thể di vật ở các lớp Văn hóa di chỉ Cái Bèo, có thể hình dung hình thức hoạt động kinh tế bấy giờ. Tầng lớp văn hóa dày, nhiều lớp chứng tỏ cư dân thời cổ ở đây sống định cư lâu dài qua nhiều thời đại. Xuất hiện xương răng động vật hoang dã và xương cá biển cho thấy trước đây cư dân Cái Bèo chuyên săn bắt, hái lượm và đánh cá. Bước sang giai đoạn Văn hóa Hạ Long cư dân phát triển trồng trọt, tạo thuyền mảng ra khơi. Ít vòng tay và tinh thể thạch anh chứng tỏ cư dân Cái Bèo có ý thức về cái đẹp. Rõ ràng, Cái Bèo là di chỉ khảo cổ học có ý nghĩa lớn với nghiên cứu Văn hóa Hạ Long mà còn là tư liệu quý để tìm hiểu văn hóa và lịch sử của cư dân miền Đông Bắc nước ta thời xa xưa. Lê Thị Huệ (tổng hợp) Nguồn tham khảo: - Hoàng Xuân Chinh, Nguyễn Khắc Sử. Báo cáo khai quật di chỉ Cái Bèo, đảo Cát Bà, Hải Phòng, 1973. - Lưu Trần Tiêu, Trịnh Căn. Khai quật di chỉ Cái Bèo (Hải Phòng). Thông báo khoa học, số 1/1983. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. - Nguyễn Khắc Sử. Khảo cổ học vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam. NXB. KHXH 2005. - Nguyễn Khắc Sử. Di chỉ tiền sử Cái Bèo, đảo Cát Bà. NXB. KHXH, 2009. Nguồn: Web baotanglichsu Di chỉ Cái Bèo - điểm nhấn văn hóa, du lịch Cát Bà Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Vũ Thị Kim Bích cho biết, Cái Bèo là di tích khảo cổ thềm biển có quy mô lớn, địa tầng dày, có tổ hợp di tích và di vật phong phú. Từ các vết tích văn hóa cho thấy, đây là làng chài ven biển cổ nhất được biết hiện nay ở Việt Nam. Cái Bèo là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược xây dựng và phát triển Cát Bà, Hải Phòng thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, mang đậm dấu ấn lịch thuở sơ khai của dân huyện đảo. Di chỉ Cái Bèo cách trung tâm thị trấn Cát Bà chừng 1, 5km về phía Đông Nam. Đây là thung lũng bằng phẳng, 3 mặt núi đá vôi bao bọc, mặt Đông quay ra biển. Khu di chỉ rộng khoảng 800m2, dốc thoải từ Nam ra Bắc, cao 3, 5m so với mặt biển. Cách di chỉ 200m là dãy núi Áng Thảm và Bù Nâu chạy vòng cung ôm lấy Cái Bèo, làm nơi đây kín gió, biển không ồn ào, phong cảnh hữu tình, thuận sinh sống và khai thác thủy sản. Có lẽ vẻ đẹp thiên nhiên quy tụ cùng thuận lợi về địa thế, phong phú về sản vật nên dân cư cổ Cái Bèo quần tụ lâu dài tại đây, tạo nền văn hóa đặc sắc. Theo tài liệu của PGS. TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam), trưởng đoàn khảo cứu, khai quật di chỉ Cái Bèo, đến nay có 4 khảo sát, khai quật di chỉ này. Lần đầu tiên 1938, nhà khảo cổ học M. Colani người Pháp phát hiện Cái Bèo là nôi văn hóa cổ của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Viện Khảo cổ học tiến hành thám sát và manh nha phát hiện nôi văn hóa biển. 1981, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật lần 2 tại đây. Phạm vi khai quật chỉ với diện tích 78m2, song tìm được nhiều hiện vật đá ở giai đoạn phát triển kế tiếp nhau là tiền Hạ Long và Hạ Long. 1986, lần khai quật thứ 3. Làng chài Cái Bèo, thị trấn Cát Bà Các nhà khảo cổ tìm được gần 180 công cụ đá: Công cụ ghè đẽo, công cụ mài không qua chế tác của 6 chày và hòn ghè, 9 mảnh gốm xốp, 18 mảnh gốm cứng mỏng, 93 mảnh gốm thô dày, 11 đốt sống cá biển, 88 đầu cá biển, 6 mảnh xương thú.. Lần khai quật thứ tư 5-12-2006 với tham gia của nhiều nhà khoa học có uy tín, kết thúc khai quật đầu 1-2007 thu được từ 10 hố có 137 hiện vật đá, 1.424 mảnh gốm tiền sử và 568 tiêu bản di cốt động vật và vỏ nhuyễn thể biển. Phân tích cho thấy, những tổ hợp di vật đều làm từ đá granít và gốm vặn thừng dập thô, không se, xương cá, vỏ sò, vỏ hàu biển kích thước lớn.. Cái Bèo là di tích khảo cổ thềm biển có quy mô lớn, địa tầng dày, có tổ hợp di tích và di vật phong phú. Những vết tích văn hóa ở đây phản ánh phát triển kế tiếp từ trung kỳ đá mới - đặc trưng cho nền Văn hóa Cái Bèo, sang hậu kỳ đá mới - đặc trưng cho Văn hóa Hạ Long. PGS. TS Nguyễn Khắc Sử: "Di chỉ khảo cổ Cái Bèo là một trong những di tích quý hiếm nhất vùng duyên hải Bắc Bộ. Làng chài ven biển cổ có quy mô lớn nhất hiện biết ở Việt Nam." 7.000 năm trước, người Cái Bèo sống chủ yếu nhờ đánh cá biển và bắt sò, hàu. Họ duy trì cuộc sống ấy đến 4.500 năm trước. Phân bố làng chài Cái Bèo rất rộng, khoảng 18.000m2. Cư dân định cư ở Cái Bèo phát triển qua nhiều thời đại, từ trung kỳ đá mới đến sơ kỳ đồ đồng. Từ săn bắt, hái lượm, đánh cá sang định cư nông nghiệp được coi quá trình phát triển Văn hóa Cái Bèo sang Văn hóa Hạ Long. Những cư dân đầu tiên ở Cái Bèo có nguồn gốc bản địa, nhiều khả năng là con cháu người cổ Văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Văn hóa Cái Bèo vận động, phát triển sang Văn hóa Hạ Long thời đồ đồng đặc sắc ở vùng duyên hải Đông Bắc. Di chỉ Cái Bèo xếp hạng DTQG 2009. Đây là DSVH biển tiêu biểu, đặc sắc Việt Nam mà còn là bảo tàng địa chất tuyệt vời về dao động mực nước biển đại dương. Tiếp nhận và thích ứng của con người trước hiện tượng biển tiến, biển thoái là bài học cho chúng ta hôm nay trước nguy cơ xâm thực nước biển do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, vẻ thơ mộng thiên nhiên và cuộc sống nhộn nhịp làng chài giúp Cái Bèo hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. "Chiến lược xây dựng và phát triển Cát Bà thành trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế, một trong những địa chỉ được huyện Cát Hải quan tâm là quản lý, khai thác và phát huy giá trị Văn hóa di chỉ Cái Bèo, bởi thật hiếm nơi nào cảnh quan thiên nhiên gắn hài hòa với di tích văn hóa như Cái Bèo. Thiên nhiên ưu đãi nơi này có vùng biển đảo đẹp như tranh, hơn hết nơi đây còn là di chỉ của người Việt cổ rất có giá trị. Vì thế, huyện Cát Hải sẽ cùng các ngành chức năng của thành phố nỗ lực hết sức mình bảo tồn khu di tích này.." - bà Vũ Thị Kim Bích khẳng định. PĐT Nguồn: Web baohaiphong Trầm tích Cái Bèo.. QĐND - Di chỉ Cái Bèo là bằng chứng khẳng định Tổ tiên người Việt ở đây từ 7.000 năm trước trong công cuộc chinh phục biển khơi.. Dấu tích 7.000 năm Nay Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng) vẫn giữ hồn cốt tính nguyên sơ với địa hình núi đá vôi, nhiều hang động. Khung cảnh đầy vẻ bí ẩn thấp thoáng bóng dáng người xưa. Trước mặt là biển lớn, sau lưng có núi được phủ bởi những vạt rừng thưa có suối nước ngọt. Người Việt cổ cư trú tại đây cũng chính bởi những điều kiện lý tưởng đó. Các bản đồ cũ, tên đảo Cát Bà đều ghi là đảo Các Bà, bên ngoài có đảo nhỏ mang tên Các Ông. Tương truyền, thuở bình minh lịch sử nước ta, các bà bám giữ đảo, làm hậu tuyến cho các ông chống giặc trên các đảo tiền phương. 1938, nhà khảo cổ người Pháp bà M. Colani phát hiện di chỉ vịnh Làng Chài phía Nam đảo Cát Bà. Bà khẳng định, nơi đây là di chỉ khảo cổ học sau khi tìm thấy những hiện vật như hòn ghè, hòn mài. 1973, nhà nước mới có điều kiện tổ chức khai quật. Nay, di chỉ này mang tên mới - di chỉ Cái Bèo. Ông Vũ Tiến Bảy, Nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Cát Hải, hơn 30 năm công tác văn hóa trên đảo Cát Bà vẫn nhớ như in những lần các nhà khoa học về khảo sát, khai quật những di chỉ khảo cổ trên đảo Cát Bà, trong đó có Cái Bèo. Ông kể: "Cái Bèo nhiều lần khai quật, mỗi lần lại có những phát hiện mới mà các nhà khảo cổ bất ngờ. Tôi thật may mắn vì lần nào khai quật cũng tham gia cùng các nhà khoa học. Lần đầu khai quật 1973, có những hiện vật lộ thiên ở trên như hòn ghè, hòn kê, bàn mài, giúp khẳng định chắc chắn có người Việt cổ sống ở đây. Những lần khai quật tiếp theo, các nhà khoa học xác định niên đại những di vật này khoảng 4.500 năm, thuộc Văn hóa Hạ Long. Sau này, đến đợt khai quật 2009, ông Bảy tiếp tục tham gia cùng đoàn khảo cổ của GS Nguyễn Khắc Sử và Bảo tàng Hải Phòng. Lần này, các nhà khoa học phát hiện ở độ sâu 2, 6m, ngoài các công cụ ghè đẽo không qua chế tác, xương thú.. còn có bếp người Việt cổ và những nồi gốm. " Đặc biệt là cốt bên trong những nồi bằng gốm là than. Các nhà khoa học nói người Việt cổ đan khung bằng tre, sau đó phết đất xung quanh. Khi đốt, phần tre bên trong cháy, chỉ còn lớp gốm bên ngoài "- ông Bảy nói. Đặc biệt dùng phương pháp mới để kiểm tra, các nhà khoa học phát hiện Văn hóa Cái Bèo không muộn như Văn hóa Hạ Long mà sớm hơn, khoảng 7.000 năm trước.. Bảo tàng Hải Phòng lưu các hiện vật di chỉ Cái Bèo sau khi được khai quật, các tư liệu ở đây cho thấy: Đảo Cát Bà có hơn 100 điểm có dấu vết người Việt cổ. Cái Bèo là di chỉ khai quật nhiều nhất. Các tầng văn hóa Cái Bèo thể hiện rất rõ ở mỗi độ sâu, mỗi lớp sạn tương ứng với một thời gian, từng lớp từng lớp, từng tầng văn hóa. Cái Bèo bị lãng quên? Hiện tại, Hải Phòng có 2 dự án lớn sắp hoàn thành, dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện) và Cầu vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện. Dự án Cầu vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, một trong những cây cầu lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nối quận Hải An và huyện Cát Hải, kết nối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Không lâu nữa, sau khi dự án này hoàn thành, cuối tuyến sẽ là cảng nước sâu Lạch Huyện, khu cảng hiện đại với khả năng đón tàu cỡ lớn đến 100 nghìn tấn, đáp ứng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế, kết hợp phục vụ mục tiêu trung chuyển quốc tế, góp phần thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. 2 dự án trên hoạt động giúp du khách tới thăm đảo rất thuận lợi, thời gian di chuyển rút ngắn. Cát Bà sẽ thành điểm đón hàng vạn du khách trong và ngoài nước. Để có thể là điểm đến ấn tượng, Cát Bà phải tạo cho được dấu ấn riêng mình. " Toàn đảo Cát Bà là bảo tàng văn hóa biển Việt Nam, mang đậm dấu ấn lịch sử thuở sơ khai, chúng ta phải tận dụng lợi thế này ", ông Bảy khẳng định. Chuyện về Cái Bèo, ông Bảy không khỏi ngậm ngùi. Hơn 30 năm công tác trong ngành văn hóa, giờ nghỉ hưu nhưng tình yêu với huyện đảo, với người Cát Bà vẫn cháy trong ông. Nỗi day dứt về việc bảo tồn, phát huy thế mạnh văn hóa huyện đảo đeo bám ông mãi. Ông Bảy nhớ lại, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha có lần ra thăm đảo, nói với ông: - Cát Bà đúng là Hồng Kông thu nhỏ! Ông gạt đi: - Không! Cát Bà phải là Cát Bà. Cát Bà phát triển du lịch sinh thái và du lịch khảo cổ học sẽ có giá trị rất lớn. Giọng trầm xuống, ông Bảy nói tiếp, Cát Bà giờ xây nhiều nhà cao tầng quá. Nhà ống dần lấn sâu vào trong, san biển, phá núi. Vịnh Tùng Dinh xưa là những nếp nhà rất đẹp, nhà sàn cắm cột xuống mặt biển, thuyền đưa mũi vào trong, giờ bê tông hóa tất cả, thành ra na ná những nơi khác. Làng chài cổ Việt Hải xưa là những nếp nhà cổ với kiến trúc đặc thù, nay dần hiện đại hóa. Đó là kiểu làm du lịch ăn xổi. Ông kể thêm: Có lần mấy chuyên gia nước ngoài đến thăm đảo. Một người trong số đó đưa ảnh chụp nhà cao" ngất ngưởng "trong làng cổ và nói: " Các bạn đang đánh mất mình! " Đến nay, ông Bảy vẫn luôn hy vọng, Cát Bà sẽ dựng lại hiện trường, cảnh sinh hoạt người Việt cổ tại di chỉ Cái Bèo. Ở đó giữ nguyên những tầng văn hóa. Khách du lịch có thể xuống tham quan những tầng văn hóa ấy kèm theo các hiện vật minh chứng cho sự tồn tại của người Việt cổ ở Cát Bà. Từ di chỉ Cái Bèo này có thể vươn ra toàn bộ các điểm khác trên đảo. Đây sẽ là nhịp cầu nối thế hệ sau với thế hệ trước, nơi giao lưu, tìm hiểu của các nhà khoa học, người dân, bạn bè quốc tế. Tìm đến vị trí di chỉ, chúng tôi không khỏi bất ngờ. " Bác cho hỏi di chỉ Cái Bèo ở chỗ nào? " " Cái Bèo đây, còn di chỉ thì không biết. " 4 người được hỏi (nhà cách vị trí di chỉ chưa đầy 100m) đều cùng có câu trả lời. Phải đến người thứ 5, chúng tôi mới nhận được câu trả lời: " Ở dốc trên kia kìa. " " Đấy, có cái bia thôi chứ có gì đâu. Ngày trước họ tới đào bới gì đó rồi đi. "- Gia đình ở đối diện nơi đặt tấm bia" Di tích khảo cổ học Cái Bèo "nói. Bia nhỏ nằm nép bên vệ đường, bụi mờ phủ kín. Không được chỉ tận mắt, chúng tôi không thể biết đó là vị trí di chỉ, càng không nghĩ đó là di chỉ có ý nghĩa lịch sử giá trị nếu chưa tìm hiểu từ trước. Men theo lối nhỏ vào bên trong là mấy chuồng gà bỏ hoang, cây cối mọc um tùm. Ông Bảy quan niệm làm du lịch bền vững phải đặc biệt quan tâm di chỉ văn hóa, đầu tư phải bài bản, sâu sắc. Hiện sản phẩm du lịch Cái Bèo đều là những tua, những món hàng rất mờ nhạt, có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu, bất kỳ nơi nào. Thử hỏi, ai có thể dửng dưng trước một làng chài cổ, nơi các nhà khoa học trong nước, quốc tế đều tìm thấy ở đây dấu ấn người Việt từ 7.000 năm trước? Nỗi niềm ông Bảy chưa thể có câu trả lời thỏa đáng lúc này. Điều đọng lại mãi trong tôi khi rời Cái Bèo là vẻ cuốn hút bí ẩn làng chài đang mang trong mình tầng tầng, lớp lớp trầm tích văn hóa, một sự lôi cuốn kỳ lạ! Bài và ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT Nguồn: Web qdnd Hải Phòng: Làng chài Cái Bèo bảo tàng văn hóa biển Làng chài nhỏ có di chỉ niên đại cách đây hàng nghìn năm, nay thành địa chỉ du lịch khá nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đó là làng chài Cái Bèo.. Làng chài Cái Bèo (còn gọi làng chài Vụng O, thuộc quần đảo Cát Bà, huyện đảo Cát Hải, TP. Hải Phòng) là một trong những làng nổi cổ lớn nhất cả nước ở thời tiền sử. Đây là làng chài có khoảng 300 hộ dân. Cuộc sống cư dân làng chài Cái Bèo gắn liền với hoạt động đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng trong vịnh. Không sôi động như bến tàu ra vịnh Lan Hạ nhưng Bến Bèo khá đa dạng các loại tàu, thuyền, đò sẵn sàng đưa khách đi khám phá vẻ đẹp thanh bình làng chài cổ nhất Việt Nam-Cái Bèo. Nhìn từ xa, vịnh Cái Bèo hiện ra thật đẹp với làn nước màu xanh lục, núi đá nhấp nhô hòa lẫn với màu trời trong xanh. Vẻ thơ mộng thiên nhiên và cuộc sống nhộn nhịp làng chài tạo vẻ đẹp hiếm thấy. Trên mặt nước bồng bềnh, làng chài gồm nhiều nhà thuyền kết liền với nhau thành nhóm. Không chỉ có những con thuyền, trên vịnh Cái Bèo còn có những nhà nổi kết lại san sát với nhau bằng những lồng bè nuôi cá. Từ nhà này có thể dễ sang nhà kia trên cầu nhỏ bắc ngang hay trên những thanh lồng. Cái Bèo đánh giá là một di chỉ khảo cổ học có giá trị quan trọng nhất hiện nay của vùng ven biển và hải đảo Đông Bắc Việt Nam với 4 lần khảo sát và khai quật của các đoàn khảo cứu. Lần đầu tiên 1938, nhà khảo cổ học M. Colani người Pháp phát hiện Cái Bèo là cái nôi văn hóa cổ Việt Nam. Trên cơ sở đó, Viện Khảo cổ học tiến hành thám sát và manh nha phát hiện nôi văn hóa biển. 1981, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật lần 2. Tuy phạm vi khai quật chỉ với diện tích 78m2 song tìm được nhiều hiện vật đá ở 2 giai đoạn phát triển kế tiếp nhau là tiền Hạ Long và Hạ Long. Năm 1986, lần khai quật thứ 3 tiếp tục tiến hành. Các nhà khảo cổ tìm được gần 180 công cụ đá gồm công cụ ghè đẽo, công cụ mài không qua chế tác của 6 chày và hòn ghè, 9 mảnh gốm xốp, 18 mảnh gốm cứng mỏng, 93 mảnh gốm thô dày, 11 đốt sống cá biển, 88 đầu cá biển, 6 mảnh xương thú. Phân tích các mẫu hiện vật phát hiện có cơ sở kết luận di chỉ Cái Bèo gồm 2 giai đoạn văn hóa: Giai đoạn tiền Hạ Long và Văn hóa Hạ Long. Lần khai quật thứ 4 vào 5-12-2006 có nhiều nhà khoa học uy tín, khi kết thúc khai quật đầu 1-2007 thu từ 10 hố có 137 hiện vật đá, 1.424 mảnh gốm tiền sử, 568 tiêu bản di cốt động vật và vỏ nhuyễn thể biển. Phân tích cho thấy những tổ hợp di vật thu được đều làm từ đá granít và gốm vặn thừng dập thô không se, xương cá, vỏ sò, vỏ hàu biển kích thước lớn.. Đến với làng chài Cái Bèo, du khách trải nghiệm khá thú vị là thuê tàu tham quan giữa các hộ gia đình nuôi cá bè, tìm hiểu cuộc sống của người dân làng chài. Không chỉ thế, du khách còn có thể thoải mái ngắm nhìn khung cảnh nên thơ của vịnh và thưởng thức những món ăn đặc sản chế biến từ cá, tu hài, tôm trên các nhà hàng nổi do dân làng chài đánh bắt hay nuôi trồng. Sinh hoạt ở làng chài là những sinh hoạt độc đáo, thú vị và hiếm gặp. Có hàng trăm bè cá lớn nhỏ cùng trong khu vực vịnh rộng lớn. Mỗi buổi sáng, khi mặt trời lên trên biển Cát Bà, lũ cá quẫy mình đòi ăn làm xao động vùng nước, hòa cùng tiếng í ới gọi nhau đi học của trẻ em làng chài.. sẽ là trải nghiệm thú vị với du khách. Cái Bèo xếp hạng DTQG 2009. Rất hiếm nơi nào cảnh quan thiên nhiên lại gắn liền và hài hòa với di tích văn hóa như ở đây. Cùng cuộc sống tấp nập nhộn nhịp. Cái Bèo luôn cuốn hút du khách với vẻ đẹp hòa quyện giữa mộng mơ và thực tế. Hoàng Việt Nguồn: Web vietnamtourism Làng chài cổ nhất Việt Nam Cái Bèo một trong những di chỉ khảo cổ được quan tâm nhất nhiều năm qua. 6 lần khảo sát, dần mở cánh cửa di chỉ, để nay có thể tìm lại làng chài cổ xưa nhất Việt Nam, nhìn thấy quá trình người Việt làm chủ Vịnh Bắc Bộ thế nào. Di tích văn hóa biển Di chỉ Cái Bèo phía Đông Nam đảo Cát Bà, độ cao trung bình 4m so mặt biển. Di chỉ này được M. Colani phát hiện và khảo sát lần đầu 1938, lúc đó mang tên Làng Chài. 4-1972 Viện Khảo cổ học tiến hành đào 2 hố thám sát và đặt tên di chỉ Cái Bèo. Lần khai quật này thu di vật đá và gốm đặc trưng cho Văn hóa Hạ Long. 1973 khai quật trên diện tích 221m2. Địa tầng di chỉ dày 3, 5m có 3 lớp văn hóa, ngăn cách bởi 2 lớp vô sinh. 2 lớp dưới đặc trưng cho thời kỳ đá mới hay tiền Hạ Long, lớp trên cùng thuộc Văn hóa Hạ Long. Khai quật này thấy 2 bếp nguyên thủy, thu 488 hiện vật đá và 14.976 mảnh gốm, 105, 85kg xương thú và cá tập trung ở trung tâm di chỉ, nơi có bếp. 1981 di chỉ được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Hải Phòng khai quật diện tích 78m2. Lần này thấy 2 bếp lửa, 1 mộ chôn nằm co của đàn ông chừng 50 - 60 tuổi, còn cốt sọ. Hiện vật nhiều chày, bàn nghiền, bàn mài, công cụ ghè đẽo, mảnh phế liệu. Riêng đồ gốm có 5.261 mảnh. Năm 1986, di chỉ khai quật diện tích gần 90m2, tầng văn hóa dày 2, 2m, 100 công cụ ghè đẽo (chiếm 56.7%), 66 công cụ không qua chế tác (37%), 11.300 mảnh gốm. Theo các tác giả Bùi Vinh và Nguyễn Xuân Ngọc (Tạp chí Khảo cổ học số 2/ 2004) : " Cư dân Cái Bèo là những người định cư ven biển, theo kiểu một làng chài, sử dụng lưới vó, vận hành bằng thuyền mảng, đánh bắt xa bờ lẫn gần bờ, gia công thực phẩm tại nơi cư trú. Mô thức vận hành đó khác căn bản những cư dân cùng bình tuyến trung kỳ đá mới ở Việt Nam như Đa Bút, Quỳnh Văn. " Theo nhà nghiên cứu Hà Hữu Nga, di chỉ Cái Bèo là một trong những di chỉ khảo cổ quan trọng nhất trong khu vực ven biển hải đảo miền Đông Bắc Việt Nam. Khai quật mới nhất 12-2006 – 1-2007, hiện đang chỉnh lý tư liệu. Đây là khai quật" khẩn "vì hiện trên mặt di chỉ Cái Bèo xuất hiện khu dân cư và một số công ty," một trong những tác nhân cơ bản xâm hại di tích và phá hủy cảnh quan môi trường di tích Cái Bèo.. " Lần khai quật này tìm thấy bếp rộng 50cm, than chất thành đống dày 10cm. 2 nồi gốm nguyên. Bếp còn có các di vật đầu cá, vỏ hàu, viên cuội, hòn ghè, hòn nghiền, những tảng đá vôi ám khói, đánh giá" đích thực là bếp nguyên thủy. " Nhóm khảo cổ phát hiện nhiều hiện vật đá như bàn mài, chày, hòn kê, gốm cứng, đặc trưng cho giai đoạn tiền Hạ Long. Xây bảo tàng cho làng chài cổ? Hiện các cơ quan khảo cổ quyết định dừng lại, không khai quật tiếp nhằm tìm cách giữ lại các địa tầng văn hóa còn nguyên thủy rất quý hiếm, để làm bảo tàng ngoài trời. Theo đánh giá của Viện Khảo cổ: " Cái Bèo là làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất hiện biết ở Việt Nam. Trước người Cái Bèo là cư dân Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn chuyên khai thác hệ động vật và thực vật nước ngọt trong các khối đá vôi sâu trong lục địa. Những cư dân sống trong hang động trên đảo Cát Bà và vùng biển Hạ Long cũng vậy, vì lúc đó biển còn ở rất xa. Cùng bình tuyến với Cái Bèo có nhóm cư dân Đa Bút, giai đoạn đầu họ khai thác hến nước ngọt, khai thác biển cách đây 5.000 năm. Cư dân Văn hóa Quỳnh Văn khai thác sò và điệp biển là chính, di chỉ cổ nhất khoảng 6.000 năm. Người Cái Bèo khoảng 7.000 năm trước đánh bắt cá biển và bắt sò, hàu biển, tiếp tục cho đến 4.500 năm trước. Phạm vi phân bố làng chài rất rộng, khoảng 18.000m2. Cái Bèo vẫn là đơn vị cư trú, hay làng chài cổ có quy mô lớn nhất." Phát hiện làng chài cổ Cái Bèo cho thấy người Việt sớm có mặt trên Biển Đông và bắt đầu nghề đánh bắt hải sản quy mô. Một mặt, cư dân Cái Bèo vẫn tiếp tục phát triển văn hóa truyền thống Hòa Bình - Bắc Sơn, những người dân ở đây hướng ra chinh phục biển cả. Theo ông Đỗ Xuân Trung, chuyên viên khảo cổ Bảo tàng Hải Phòng, các cơ quan khoa học khẩn trương làm thủ tục hồ sơ đề xuất xếp hạng cấp quốc gia di chỉ Cái Bèo. Đề xuất phương án bảo vệ trưng bày phát huy giá trị lịch sử di chỉ. Một trong những phương án Hải Phòng nghiên cứu là lập bảo tàng ngoài trời quy mô phù hợp. Cát Bà hiện là điểm đảo thu hút khách du lịch. 2006, Cát Bà đón 500.000 khách, gần 20% là khách quốc tế. Xây bảo tàng tại Cái Bèo, cửa ngõ của Cát Bà, hy vọng sẽ mở ra những tour du lịch văn hóa thú vị và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Theo giám đốc Sở VHTT Quảng Ninh, khó nhất vẫn là kinh phí đầu tư dự án này. Nếu xã hội hóa, với nhiều nguồn lực đầu tư, có thể triển khai sớm hơn. Nguồn: Web sggp Còn tiếp
Văn hóa Đa Bút là tên gọi nền văn hóa Việt Nam ở sơ kỳ thời đồ đá mới có niên đại sau các nền Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, cách đây từ 5000 đến 6000 năm. "Văn hóa Đa Bút" Không gian Văn hóa Đa Bút là dải đất nằm từ hữu ngạn sông Đáy đến lưu vực sông Mã thuộc các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa nay. Tính đến 2010, hơn 10 điểm Văn hóa Đa Bút phát hiện và khai quật. Các bộ lạc chủ nhân Văn hóa Đa Bút tạo ra Văn hóa Đông Sơn[1] Đặc điểm Đa Bút đặt theo tên thôn ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - nơi đầu tiên tìm được những di vật của văn hóa này. Sau những phát hiện và khai quật Cồn Cổ Ngựa, Cồn Trũng, Bản Thủy, Làng Còng (Thanh Hóa) và Hang Sáo, Đồng Vươn (Ninh Bình). Nhận thức về địa bàn phân bố và môi trường Văn hóa Đa Bút trải rộng trên mặt không gian từ vùng núi đến vùng đồng bằng ven biển với nhiều loại hình di tích khác nhau cho thấy môi trường văn hóa đa dạng của Văn hóa Đa Bút. Thành tựu quan trọng 80 năm phát hiện và nghiên cứu nhận ra những đặc trưng cơ bản Văn hóa Đa Bút: "Sự nảy sinh đồ gốm đồng thời với hoàn thiện kỹ thuật mài là hai nét đặc trưng quan trọng nhất tạo bộ mặt Văn hóa Đa Bút" (Trần Quốc Vượng). Nghiên cứu đồ gốm Đa Bút buổi đầu mới phát hiện và khai quật di tích này E. Patte cho rằng: "Người Đa Bút dùng khuôn đan để tạo đồ gốm. Các thực nghiệm của Viện Khảo cổ học cho biết: Đồ gốm Đa Bút tạo bằng kỹ thuật nặn khối, sử dụng hòn kê, bàn đập. Đồ gốm Đa Bút đến giai đoạn cuối có phát triển về thể loại hình kỹ thuật, hoa văn, độ nung gốm cao hơn, các loại văn hoa và kiểu dáng. Sự có mặt các loại đồ gốm mỏng, văn hoa đa dạng, xương gốm mịn hơn được xem là phát triển kỹ thuật tạo đồ gốm. Đồ gốm Đa Bút là yếu tố văn hóa nổi trội mang tính riêng biệt chủ nhân Văn hóa Đa Bút. Đặt đồ gốm Đa Bút trong nền cảnh thời đại mới ở Việt Nam có thể xem gốm Đa Bút là tập hợp sớm nhất. Địa bàn phân bố Đa Bút là trung tâm văn hóa đồ gốm sớm ở Việt Nam. Những năm sau 2010, khi khai quật các di chỉ khảo cổ học ở Quần thể Di sản Thế giới Tràng An, các nhà khảo cổ tìm thấy trong các hang động nhiều vật dụng gốm, xác định ra đời sớm nhất Việt Nam, có niên đại khoảng 9000 năm, thuộc nền Văn hóa Tràng An[2] Kỹ thuật chế tác công cụ đá của chủ nhân Văn hóa Đa Bút có phát triển và hướng tới hoàn chỉnh. Từ hai loại nguyên liệu khai thác tại chỗ: Đá cuội và đá phiến, chủ nhân Văn hóa Đa Bút áp dụng kỹ thuật mài cưa để tạo những công cụ thích hợp, đem lại hiệu quả cao. Phát triển kỹ thuật mài của đá cho phép cưa đá người Đa Bút chế tác được các loại rìu tứ giác khá hoàn chỉnh. Sưu tập đá của Văn hóa Đa Bút với các loại di vật tiêu biểu từ rìu mài lưới, mài toàn thân đến rìu tứ giác, rìu hình thanh được mài nhẵn, các loại cước đá to mài nhẵn cho ta thấy phát triển vượt trội kỹ thuật chế tác các công cụ đá. Kiến thức ngày nay với hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật mới giúp các nhà khảo cổ học nhận thức đúng hơn về môi trường, đời sống của cư dân Đa Bút qua các tư liệu mới về văn hóa này. Từ di tích khảo cổ học Đa Bút, đến nay Văn hóa Đa Bút được phân thành các giai đoạn phát triển khác nhau: Văn hóa Đa Bút có thể gọi là phức hệ phát triển văn hóa lâu dài từ sau Văn hóa Hòa Bình đến cuối đá mới – mà thực chất là quá trình: " Đá mới "thực hiện trong chuyển đổi môi trường từ các thung lũng đá vôi Hòa Bình đã và đang tạo bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển tiền sử Việt Nam. Các di chỉ khảo cổ Di tích khảo cổ học Đa Bút (Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) phát hiện đầu tiên 1926. Kết quả khai quật đầu tiên cho biết đây là dạng di tích Cồn vỏ nhuyễn thể – Cồn Hến như kiểu" đống rác bếp. "Những di vật phát hiện đầu tiên: Rìu đá, cuốc đá, bàn nghiền, chày nghiến, đồ gốm cho biết di tích này có niên đại đá mới. Di tích núi Hang Sáo (Quang Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình) với nhiều hang động và mái đá có dấu ấn cư dân Văn hóa Hòa Bình và cư dân Văn hóa Đa Bút sống cách nay từ 5.000 đến 10.000 năm. Di tích Đồng Vườn (Yên Thành - Yên Mô, Ninh Bình) là di chỉ thuộc thời Văn hóa Đa Bút. Đây là di chỉ cư trú ngoài trời ở Ninh Bình. Di tích khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa (Hà Lĩnh, Hà Trung, Thanh Hóa) khai quật những năm 1979 - 1980 trên diện tích 235m2 xuất hiện nhiều di vật Văn hóa Đa Bút[3] Cụm di tích hang ốc; Núi Ốp (Yên Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình) xuất lộ dấu ấn cư dân Văn hóa Đa Bút và cư dân Văn hóa Đông Sơn. Di chỉ khảo cổ học Cồn Trũng (Phú Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) có niên đại thuộc giai đoạn từ sơ kỳ đá mới chuyển sang hậu kỳ đá mới thuộc Văn hóa Đa Bút. Cụm di tích hang Mo; hang Cò; hang Trâu; hang Hũ Ngoài; hang Hũ Trong; mái đá Thung Bình thuộc khu du lịch Tràng An ở Ninh Bình có dấu ấn Văn hóa Tràng An, Văn hóa Hòa Bình và Đa Bút. Di tích hang Khỉ (Đông Sơn - Tam Điệp, Ninh Bình) xuất lộ một số mảnh gốm cùng vỏ nhuyễn thể trên bề mặt, nơi đây có dấu ấn Văn hóa Đa Bút. Tham khảo 1. Văn hóa Đa Bút, những giá trị bảo tồn và phát huy 2. Danh thắng Tràng An thành di sản nhân loại Nguồn: Wikipedia Văn hóa Đa Bút - hơn 90 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đa Bút mang tên di tích khảo cổ học Đa Bút thuộc thôn Đa Bút, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa - một trong những nền văn hóa khảo cổ học tiêu biểu xứ Thanh cũng như cả nước. Từ khi khai quật lần đầu 1926 đến nay, nền văn hóa này trải hơn 9 thập kỷ phát hiện và nghiên cứu. Từ đợt khai quật lần đầu, di chỉ Đa Bút dần định danh, đó là dạng di tích Cồn vỏ nhuyễn thể - Cồn Hến (Kjokkenmodings) như kiểu" đống rác bếp. "Hệ thống di vật: Rìu đá, cuốc đá, bàn nghiền, chày nghiến, đồ gốm cho biết di tích có niên đại đá mới. Khoảng 5 thập kỷ sau, thông qua một loạt khai quật khảo cổ học - bắt đầu bằng đợt khai quật 1977 tại di chỉ Gò Trũng, hiện vật gốm tại đây cho thấy nhiều nét tương đồng với" gốm Đa Bút "..." Một cây cầu nối Đa Bút với Gò Trũng được xác lập. " 2 năm sau (1979) di chỉ Cồn Cổ Ngựa khai quật. Những kết quả thu đủ để các nhà khảo cổ học hình dung văn hóa riêng biệt, khái niệm" Văn hóa Đa Bút "đề xuất và nhanh được chấp thuận. Sau các phát hiện này, một loạt di chỉ khảo cổ học thuộc Văn hóa Đa Bút phát lộ qua các đợt khai quật khảo cổ học ở: Bản Thủy, Làng Còng (Thanh Hóa), Hang Sáo, Đồng Vươn (Ninh Bình). Gần đây nhất là khai quật di tích Cồn Cổ Ngựa (xã Hà Lĩnh, Hà Trung) 2013 do Viện Khảo cổ học phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cùng một số nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Australia tiến hành. Qua đó, tính chất, đặc trưng văn hóa và vị trí Văn hóa Đa Bút trong lịch sử dân tộc đã tương đối sáng tỏ. Văn hóa Đa Bút có nguồn gốc từ Văn hóa Hòa Bình, bằng chứng là bảo lưu yếu tố: Hòa Bình trong Văn hóa Đa Bút qua tổ hợp công cụ đá, phương thức mai táng (chôn người nằm co, ngồi xổm bó gối) và thành phần chủng tộc kiểu Hòa Bình còn bảo lưu trong Đa Bút. Kể cả truyền thống khai thác nhuyễn thể từ ốc núi, ốc suối sang các loài hến trong sông, rồi nhuyễn thể biển. Văn hóa Đa Bút xuất hiện các yếu tố mới: Rìu hình bầu dục, rìu tứ giác, mài lan thân, mài toàn thân, đặc biệt đồ gốm. Tất cả điểm nói trên cho thấy Văn hóa Đa Bút có nguồn gốc từ Văn hóa Hòa Bình, song cách tân khác Hòa Bình và tiến bộ hơn Hòa Bình. Quá trình chuyển biến từ Văn hóa Hòa Bình đến Văn hóa Đa Bút thực chất là quá trình" đá mới hóa "một bộ phận cư dân: Văn hóa Hòa Bình cư trú ở vùng núi phía Tây Thanh Hóa - Ninh Bình, chính họ là chủ nhân tiên phong tách khỏi hang động, thung lũng tiến xuống chinh phục và khai phá đồng bằng kế cận. Thời gian đầu, nhận thức chưa đầy đủ, các học giả phương Tây cho rằng Đa Bút là loại hình di tích ngoài trời thuộc Văn hóa Bắc Sơn. Sau các phát hiện tại Cồn Cổ Ngựa, Gò Trũng, Bản Thủy, Làng Còng (Thanh Hóa) và Hang Sáo, Đồng Vươn (Ninh Bình). Địa bàn cư trú và môi trường văn hóa của cư dân cổ Đa Bút được nhận thức lại và làm sáng tỏ. Qua đó Văn hóa Đa Bút phân bố trên địa bàn từ châu thổ sông Mã đến phía Nam sông Đáy tiến ra biển, trên vùng thuộc Thanh Hóa và Ninh Bình nay. Phát hiện Văn hóa Đa Bút, các học giả Phương Tây cho đây là di tích ngoài trời thuộc Văn hóa Bắc Sơn. Thuở đầu, người Đa Bút sống ổn định ở các gò đất vùng đồng bằng (tương đương vùng thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa nay) rồi dịch dần ra đồng bằng ven biển mà vết tích còn lại là 2 di tích: Cồn Cổ Ngựa và Bản Thủy. Những di tích này, các nhà khoa học phát hiện một số mẫu tảo nước mặn và nước lợ. Thời gian này, châu thổ Ninh Bình - Thanh Hóa ghi nhận đợt biển tiến Holocenee trung. Quá trình biển tiến diễn ra hàng trăm năm, theo các nhà nghiên cứu, đây là nguyên nhân cư dân Đa Bút phải di chuyển, dời địa bàn cư trú lên các địa điểm cao hơn. Dấu tích thích nghi này chính là 2 di chỉ: Làng Còng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) và Hang Sáo (vùng núi Tam Điệp, Ninh Bình). Tại đây, người Đa Bút quay lại truyền thống chế tác công cụ ghè đẽo kiểu Văn hóa Hòa Bình. Cách nay khoảng 4.000 năm, người Đa Bút tại các di tích Làng Còng, Hang Sáo bắt đầu vươn ra biển, minh chứng rõ nhất là những phát hiện tại các di chỉ Gò Trũng (Hậu Lộc - Thanh Hóa), Đồng Vườn (Yên Mô - Ninh Bình). Những tàn tích chứng tỏ công cuộc chinh phục đồng bằng ven biển của cư dân Đa Bút cổ là khối lượng vỏ nhuyễn thể, xương cá biển cùng rất nhiều chì lưới thu nhặt tại các di chỉ nói trên. Sinh thời, Giáo sư Trần Quốc Vượng từng khẳng định: " Sự nảy sinh đồ gốm đồng thời với hoàn thiện kỹ thuật mài là hai nét đặc trưng quan trọng nhất tạo bộ mặt Văn hóa Đa Bút. " Từ những phát hiện đầu tiên về đồ gốm, E. Patte cho rằng: " Gốm Đa Bút "được tạo bởi khuôn đan. Về sau, Viện Khảo cổ học thực nghiệm và cho biết đồ gốm Đa Bút tạo bằng kỹ thuật nặn khối, sử dụng hòn kê, bàn đập. Càng về giai đoạn sau, gốm Đa Bút càng phát triển về loại hình kỹ thuật, hoa văn, độ nung cũng cao hơn. Giai đoạn Gò Trũng xuất hiện gốm văn thừng se, văn ấn lõm quanh bò mép miệng, đồ đựng có miệng hơi bóp vào hoặc hơi loe. Phát triển gốm Đa Bút còn biểu hiện ở xuất hiện các loại đồ gốm mỏng, hoa văn đa dạng, xương gốm mịn hơn. Bên cạnh chế tác gốm, cư dân Đa Bút cổ từng bước hoàn thiện kỹ thuật chế tác công cụ. Từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, như: Đá cuội, đá phiến, người Đa Bút áp dụng các thao tác cưa, mài đá để tạo những công cụ có tính năng, công suất vượt trội mà điển hình là loại" rìu tứ giác. " Nhận thức về kỹ thuật mài cũng được nâng lên, từ chỗ chỉ" mài lưỡi ", công cụ của chủ nhân Văn hóa Đa Bút được" mài toàn thân. " Loại hình công cụ cũng nhờ đó mà phong phú hơn. Bên cạnh" rìu tứ giác ", trong tầng Văn hóa Đa Bút còn có một số lượng không nhỏ" rìu hình thang "được mài nhẵn. Cư dân cổ Đa Bút thoát ly khỏi khu vực hang động đá vôi sống trong hệ sinh thái trước núi cận đồng bằng, ven sông nhiều đầm lầy rồi khai phá đồng bằng ven biển. Họ cư trú ở ngoài trời, trên các gò, đồi cao.. Hoạt động kinh tế chủ yếu vẫn là săn bắt hái lượm, đối tượng khai thác là nhuyễn thể nước ngọt, ngoài ra còn thêm cua, cá và săn bắt một số loài thú nhỏ. Nguồn chất bột được cung cấp từ các loài cây có củ, quả như khoai nước (taro), củ ấu.. Cư dân Đa Bút bên cạnh nông nghiệp sơ khai thì khai thác sản vật tự nhiên vẫn là chủ yếu, đi từ cuộc sống" bán định cư "đến định cư, từ kinh tế khai thác tự nhiên đến nông nghiệp. Trước đây, khi Văn hóa Đa Bút mới bước đầu tiếp cận và giải mã, vấn đề nhân chủng Đa Bút chưa được làm sáng tỏ mà chỉ được" nêu ra như một thuyết về người Melanésien ở di chỉ Đa Bút. " Tuy nhiên, sau nhiều khai quật tại các di chỉ thuộc Văn hóa Đa Bút, đặc biệt là xuất hiện di cốt người tại di chỉ Cồn Cổ Ngựa, các nhà khoa học bước đầu chứng minh sự" gần gũi về nhân chủng "giữa chủ nhân Văn hóa Đa Bút với chủ nhân các nền văn hóa khảo cổ: Hòa Bình, Đông Sơn. Đáng nói hơn, kết quả thu được từ khai quật năm 2013 bổ sung thêm những nhận thức mới. Từ những dấu vết còn lại, theo các nhà khảo cổ học, chủ nhân di chỉ Cồn Cổ Ngựa có hình thể lớn, to khỏe, đặc biệt là đàn ông. Căn cứ vào số lượng chì lưới khá lớn và vết tích dây thừng để lại trên đồ gốm, có thể những cư dân này đã biết ra khơi xa đánh bắt cá. Tóm lại, những nghiên cứu, tìm hiểu về Văn hóa Đa Bút trong hơn 90 năm qua góp phần tôn vinh những giá trị của lịch sử, đồng thời giúp cho thế hệ trẻ thêm hiểu biết và tự hào về nền văn hóa này. Nguồn: Web baothanhhoa Văn hóa Đa Bút 90 năm phát hiện và nghiên cứu Khu vực sông Mã là quê hương của nhiều nền văn hóa khảo cổ học có vị thế quan trọng trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Trong những văn hóa khảo cổ hình thành, phát triển và tỏa sáng trên đôi bờ sông Mã. Văn hóa Đa Bút là một trong những văn hóa khảo cổ có vị thế quan trọng trong thời đại đá mới ở Việt Nam và khu vực. Văn hóa Đa Bút mang tên di tích khảo cổ học Đa Bút thuộc thôn Đa Bút, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. E. Patte là người đầu tiên phát hiện và khai quật di tích này năm 1926. Kết quả khai quật đầu tiên cho biết đây là dạng di tích Cồn vỏ nhuyễn thể - Cồn Hến (Kjoken - modding) như kiểu" đống rác bếp. " Những di vật phát hiện đầu tiên như: Rìu đá, cuốc đá, bàn nghiền, chày nghiến, đồ gốm cho biết di tích này có niên đại đá mới. Từ những năm 80 TK. XX, với một loạt các di tích kiểu Đa Bút được phát hiện, nghiên cứu thuật ngữ Văn hóa Đa Bút mới được xác lập. Khi phát hiện Văn hóa Đa Bút, các học giả Phương Tây cho đây là di tích ngoài trời thuộc Văn hóa Bắc Sơn. Sau đó với những phát hiện mới về hậu kỳ đá mới ở Việt Nam, di tích này được xem như giai đoạn nối giữa sơ kỳ và hậu kỳ đá mới. Sau những phát hiện và khai quật Cồn Cổ Ngựa, Gò Trũng, Bản Thủy làng Còng (Thanh Hóa) và các phát hiện ở Hang Sáo, Đồng Vươn (Ninh Bình). Nhận thức về địa bàn phân bố và môi trường của Văn hóa Đa Bút được nhận thức lại. Đến nay có thể khẳng định được địa bàn hoạt động của chủ nhân Văn hóa Đa Bút không chỉ giới hạn ở châu thổ sông Mã thuộc tỉnh Thanh Hóa mà còn mở rộng đến phía Nam sông Đáy thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình và tiến ra biển. Di tích Văn hóa Đa Bút trước đây chỉ được biết đến với kiểu di tích Cồn vỏ nhuyễn thể nước ngọt (Cồn Hến) khác dạng Cồn nước mặn. Đến nay biết đến các loại di tích Cồn cát ven biển (Gò Trũng), Cồn đất (Cồn Cổ Ngựa) và cả dạng hang động mái đá (Hang Sáo). Sự phân bổ trên mặt không gian rộng từ vùng núi đến vùng đồng bằng, ven biển với nhiều loại hình di tích khác nhau cho thấy môi trường văn hóa đa dạng của Văn hóa Đa Bút. Thành tựu quan trọng của 90 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đa Bút không chỉ phát hiện thêm các di tích. Xác định nội dung bước phát triển văn hóa này mà quan trọng ở chỗ đã nhận ra những đặc trưng cơ bản Văn hóa Đa Bút. " Sự nảy sinh của đồ gốm đồng thời với sự hoàn thiện kỹ thuật mài là hai nét đặc trưng quan trọng nhất tạo nên bộ mặt của văn hóa Đa Bút "(Trần Quốc Vượng). Nghiên cứu đồ gốm Đa Bút buổi đầu mới phát hiện và khai quật di tích này E. Patte đã cho rằng: Người Đa Bút dùng khuôn đan để tạo đồ gốm. Các thực nghiệm của Viện Khảo cổ học cho biết: Đồ gốm Đa Bút được tạo bằng kỹ thuật nặn khối, sử dụng hòn kê, bàn đập. Đồ gốm Đa Bút đến giai đoạn cuối có phát triển về loại hình kỹ thuật, độ nung gốm cao hơn, các loại hoa văn và kiểu dáng phong phú hơn. Sự có mặt các loại đồ gốm mỏng, hoa văn đa dạng, xương gốm mịn hơn được xem là phát triển của kỹ thuật chế tạo đồ gốm. Từ hai loại nguyên liệu được khai thác tại chỗ: Đá cuội và đá phiến, chủ nhân Văn hóa Đa Bút áp dụng kỹ thuật mài, cưa để tạo ra những loại công cụ thích hợp, đem lại hiệu quả cao. Giai đoạn đầu, từ các hang động thung lũng tiến ra chiếm lĩnh vùng đồng bằng trước núi. Lúc đầu săn bắt và hái lượm còn chiếm vai trò chủ đạo nhưng đến giai đoạn cuối với việc chiếm lĩnh vùng ven biển, người Đa Bút có chuyển biến lớn trong đời sống. Kinh tế sản xuất nông nghiệp, thuần dưỡng động vật và khai thác biển khơi tạo nên bước chuyển, quá trình đổi mới trên chặng đường phát triển của Văn hóa Đa Bút. Đó là quá trình tiến tới xác lập nền kinh tế khác hẳn thời kỳ Văn hóa Hòa Bình. Đa Bút là văn hóa đá mới thuộc châu thổ trồng lúa nước mang sắc thái văn hóa biển. " Những biểu hiện đích thực tính chất đá mới trong Văn hóa Đa Bút rõ rệt nhất với trồng trọt và chăn nuôi - là hai thành phần cơ bản của văn hóa sản xuất nhân loại. Hơn nữa tính chất "đích thực" của nó còn ở chỗ tại đây tiến hành nền nông nghiệp lúa nước với trâu bò - đặt cơ sở đầu tiên cho văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước Việt Nam. Đó chính là thành tựu cách mạng riêng biệt cho Việt Nam và Đông Nam Á "(Trần Quốc Vượng). Phát triển của Văn hóa Đa Bút phức tạp đa tuyến, nhiều chiều. Đến nay nhận ra một trục chính theo hướng Tây - Đông, phản ánh quá trình mở rộng địa bàn cư trú vùng đồng bằng trước núi phía Tây đến tận sát bờ biển phía Đông - theo dòng chảy của sông Mã. Từ một di tích khảo cổ học, đến nay Văn hóa Đa Bút phân thành các giai đoạn phát triển khác nhau. Văn hóa Đa Bút có thể gọi là một phức hệ phát triển lâu dài từ sau Văn hóa Hòa Bình đến cuối thời đại đá mới - mà thực chất là quá trình" đá mới hóa "thực hiện trong chuyển đổi môi trường từ các thung lũng đá vôi Hòa Bình và tạo bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của tiền sử Việt Nam. Trước đây, khi khai quật di chỉ Đa Bút, tài liệu nhân chủng ít nên vấn đề nhân chủng chỉ được nêu ra như một thuyết về người Malanesien ở di chỉ này. Sau những phát hiện di cốt người ở các di tích thuộc Văn hóa Đa Bút, nhất là sau phát hiện một loạt di cốt người ở di tích Cồn Cổ Ngựa, vấn đề nhân chủng văn hóa này có thêm những tư liệu khoa học. Tài liệu mới đã cho biết: Chủ nhân Văn hóa Đa Bút xưa rất gần với chủ nhân Văn hóa Đông Sơn. Nghiên cứu quá trình chiếm lĩnh châu thổ sông Mã của cư dân Đa Bút trong mối liên hệ giữa con người và môi trường có thể nhận ra mối liên hệ giữa Văn hóa Đa Bút với quá trình kiến tạo châu thổ sông Mã và sự dao động của mực nước biển. Tài liệu địa chất và tài liệu khảo cổ học cho thấy biến đổi môi trường trước biển tiến Holoceme trung và sự trở lại của cư dân Đa Bút khi biển lùi. Mạnh Hà Nguồn: Web vanhoadoisong Phát hiện 70 mộ táng niên đại 6.000 năm Dưới lớp đất dày 30-60cm, các nhà khảo cổ tìm 70 mộ táng cùng nhiều hiện vật bằng đá như rìu, bàn nghiền, hòn kê và đồ gốm thuộc Văn hóa Đa Bút, tồn tại khoảng 5.000-6.000 năm trước. 31-3, Viện Khảo cổ học phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, một số nhà khoa học thuộc ĐH Quốc gia Australia, báo cáo sơ bộ kết quả khai quật tại di tích Cồn Cổ Ngựa (xã Hà Lĩnh, Hà Trung, Thanh Hóa). Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ học), chỉ huy công trường khai quật cho biết gần 1 tháng qua, các nhà khoa học khai quật trên diện tích 84m2 tại cánh đồng lúa. " Cách mặt đất chừng 30-60cm, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều xương, răng động vật như rùa, trâu nước, nai, hươu, xương cá, vỏ điệp, ngao, sò và số lượng lớn hiện vật bằng đá như rìu, bàn nghiền, hòn kê, bàn mài, chì lưới và đồ gốm thuộc Văn hóa Đa Bút. Đặc biệt, chúng tôi phát hiện khoảng 70 mộ táng cổ với trên 70 cá thể, mỗi mộ có diện tích trung bình 1m2 ", Tiến sĩ Hiệp thông báo. Người chết đều được chôn theo tư thế nằm nghiêng chân tay co, hoặc duỗi thẳng. Phương thức mai táng chủ yếu là đơn táng, có song táng, tam táng theo hình thức mai táng một lần và hai lần. Bước đầu, Tiến sĩ Hiệp nhận định những phát hiện mộ táng cổ ở Cồn Cổ Ngựa thuộc phạm vi phân bố của Văn hóa Đa Bút, tại Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam. Đây là nền văn hóa thuộc trung kỳ thời đại đá mới, tồn tại 5.000-6.000 năm trước. Nền Văn hóa Đa Bút có vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển văn hóa thời tiền sử Việt Nam. Đây là trung tâm chế tác gốm sớm; phát triển kỹ thuật chế tác đá tới đỉnh cao; tổ chức thuần hóa, nuôi trồng động, thực vật.. Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, trưởng ban quản lý di tích và danh thắng (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) cho biết thêm: " Di chỉ Cồn Cổ Ngựa có nhiều khai quật khảo cổ nhưng đợt này có quy mô lớn nhất. Những phát hiện mới có ý nghĩa quan trọng trong chặng đường phát triển của nền văn hóa nguyên thủy ở lưu vực sông Mã ", Tiến sĩ Tuấn nói và cho biết đợt khai quật sẽ kéo dài thêm 15 ngày, sau đó các nhà khoa học sẽ đưa ra đánh giá tổng kết cuối cùng. Lê Hoàng Nguồn: Vnexpress Kỳ bí những chứng tích lịch sử trên vùng khảo cổ Những chứng tích khảo cổ như" Cồn Vỏ Hến ", khu lăng mộ Bà Chúa, những tượng đá cổ, 3 cặp rồng đá xanh.. Phát lộ tại vùng Đa Bút (xã Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là những chứng tích lịch sử quan trọng mang dấu tích của hành cung nhà Trịnh xưa. Từ bí ẩn về" Cồn Vỏ Hến " Từ QL. 217, chúng tôi rẽ vào khu Đa Bút khoảng hơn 2km. Theo cán bộ văn hóa xã thì nơi đây thuộc vùng di chỉ khảo cổ" Cồn Vỏ Hến. " Do tác động của thời gian và không được đầu tư trùng tu bảo vệ nên khu di chỉ không còn nguyên trạng như xưa. Khu di chỉ khảo cổ học Đa Bút phát hiện đầu tiên năm 1926, kết quả khai quật lần đầu phát hiện tồn tại của" Cồn Vỏ Hến "với địa tầng sâu 16m, cùng nhiều những vật liệu: Rìu đá, bàn nghền, cuốc đá, chày, đồ gốm.. minh chứng rõ niên đại đá mới của di tích. Theo cán bộ văn hóa xã này, tới giờ vẫn chưa có lý giải chuẩn xác nào về xuất hiện kỳ lạ của" Cồn Vỏ Hến. " Có người cho rằng người dân thời kỳ đồ đá ngụ cư bên dòng sông Mã, xuống sông cào hến về ăn rồi đổ ra đó, lâu năm tạo thành cồn hến đến nay. Lý giải khác khẳng định nơi đây xưa là vùng nước mênh mông, trải qua nhiều thế kỷ thì địa tầng được nâng lên, Cồn Hến do sóng nước đẩy dồn mà thành. Song nhiều người phản bác vì địa tầng nơi đây rất cao, khu di chỉ thuộc xã vùng cao 135 với nhiều đồi núi, thì nước ở đâu mà dồn lên? Trong khi đó, lão làng Đa Bút là Hà Đức Thiệu (75 tuổi) cũng khẳng định: " Cồn Hến nằm ở ven sông dài tới 50m, rộng 32m, dày 15 đến 16m, nay không còn nguyên vẹn như xưa, dù nhiều đoàn khoa học khi về khảo sát, khai quật nhưng không đưa ra lý giải cuối. Tất cả dẫn giải, truyền miệng trong dân gian tới nay vẫn chỉ là suy đoán, nhận định. " Đến những pho tượng đá cổ và dấu tích hành cung xưa Cùng nằm trong quần thể di tích khảo cổ Đa Bút, cách khu" Cồn Vỏ Hến "không xa là khu lăng mộ Bà Chúa (thờ Thái Phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm) với những tượng đá cổ. Cụ Hà Đức Thiệu (người dân Đa Bút) cho biết khu lăng mộ Bà Chúa - tức khu lăng mộ Nguyễn Thị Ngọc Diệm một trong những nữ phi được suy tôn Thánh Mẫu. Khi bà mất, nơi an nghỉ cuối cùng được chọn là khu vực núi Mông Cù (ngọn núi cao nhất trong các dãy núi nơi đây). Tránh kẻ gian ác, tiểu nhân, khu lăng mộ bí mật lập ở 3 nơi khác nhau trên núi. Tuy nhiên 1998, một số người từ những địa phương khác đến, sau khi nắm bắt gia phả cổ có dấu tích xác định được khu mộ Bà Chúa nằm lưng chừng núi Mông Cù, có nhiều vàng bạc châu báu, chúng đã bàn tính và tiến hành đào trộm lúc về đêm. Sau đó, dân làng đóng góp tiền của cùng các cấp, ngành chức năng đầu tư kinh phí tôn tạo và trùng tu lại khu lăng mộ ngay vị trí cũ. Chiếc quan tài bị đào trộm được mang về khu đền thờ bà, tạo điều kiện cho dân làng dâng hương, bái lễ những ngày rằm, ngày lễ để tỏ lòng thành. Tại đây còn 12 tượng đá, nhiều người cho là những người trực tiếp xây dựng khu lăng mộ cho bà, sau khi hoàn thành để giữ bí mật đều phải chết; theo tài liệu của Sở VHTT Thanh Hóa (nay là Sở VH, TT&DL) bấy giờ thì đây là 12 ượng vũ sĩ, chia thành 2 hàng bảo vệ, nhìn từ 4 phía đều có có bố cục khác nhau. Cách đền Thánh Mẫu không xa là khu hành cung nhà Trịnh xưa, xây trên khu đồi thoải nhưng bằng phẳng dưới chân núi Mông Cù với nhiều loại vật liệu cổ như gạch kích thước lớn, ngói mũi hài to bản.. hiện vẫn chưa được khai quật. Điều đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ quần thể 6 con rồng đá xanh với kiến trúc được đánh giá là tinh xảo nhất còn lại cho tới giờ. Ông Đỗ Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho biết: " Mặc dù được các nhà nghiên cứu đánh giá là vùng đất với những giá trị về khảo cổ, lịch sử quan trọng nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Sau nhiều năm kiến nghị, vừa rồi khu di tích được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ 450 triệu đồng từ nguồn kinh phí tu bổ, chống xuống cấp để tu sửa, bảo tồn. " Với những giá trị về lịch sử, khảo cổ, kiến trúc trên, bà Đỗ Thị Loan, Trưởng phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc cho rằng: " Khu đền Bà Chúa và khu hành cung nhà Trịnh được chấp nhận di tích cấp tỉnh, một trong những di tích trọng điểm của huyện và nằm trong chiến lược phát triển du lịch thuộc vùng phụ cận Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ. Sở dĩ khu di tích đền Bà Chúa, khu hành cung nhà Trịnh còn gặp khó trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản là do khó khăn về nguồn kinh phí." Bình Minh Nguồn: Dantri Còn tiếp
Văn hóa Hạ Long - Văn hóa biển tiền sử Việt Nam "Văn hóa Hạ Long" Rìu, vòng đeo tay, hạt chuỗi bằng đá ngọc và tàn tích thức ăn của người cổ Hạ Long được các nhà khảo cổ tìm thấy tại hang Đông Trong (Vân Đồn), 4-2009. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học về Văn hóa Hạ Long, khoảng 5.000-3.000 năm trước, người cổ Hạ Long cư trú chủ yếu trên các cồn cát, đượng cát, bãi triều cửa sông, ven biển, chỉ một số ít sống trong các hang động đá vôi. Họ sống thành những "làng" nhỏ, nhỏ hơn làng cư dân cùng thời ở trung du và châu thổ Bắc Bộ. Phần lớn người cổ Hạ Long sống sát bờ biển, trên các đượng cát không cao lắm. Nét văn hóa đặc trưng của người cổ Hạ Long là công cụ đá và đồ gốm. Đó là những rìu, bôn bằng đá có vai, có nấc độc đáo với nhiều chất liệu, kích cỡ. Đặc biệt là nghề gốm và đồ gốm, trong đó gốm xốp thể hiện đặc trưng miền biển Hạ Long. Các đồ gốm gia dụng đều chế tác từ nguyên liệu là vỏ nhuyễn thể đập nát trộn cùng cát, đất; bên ngoài trang trí hoa văn hình sóng nước - mang đậm ảnh hưởng của biển. Các nhà khảo cổ cho rằng với phát triển đỉnh cao kỹ thuật chế tác công cụ đá, làm gốm, trồng cây lấy sợi và bằng tích luỹ kinh nghiệm sống trên biển, chắc hẳn người Hạ Long xưa sáng tạo nhiều phương tiện vận tải thuỷ để đánh bắt hải sản, trao đổi sản vật với các vùng miền khác. Bằng chứng là tại Hà Giang, các nhà khảo cổ tìm thấy rìu, bôn có vai, có nấc kiểu Hạ Long. Gốm xốp Hạ Long và cả những rìu có vai, có nấc và bàn mài rãnh "dấu Hạ Long" tìm thấy trong di tích: Mả Đống - Gò Con Lợn (Phú Thọ) ; ở núi Hổ, núi Dê (Nam Định), ở Mán Bạc (Ninh Bình), ở Hoa Lộc (Thanh Hóa) ; xa xôi hơn là tận ven biển Phúc Kiến (Trung Quốc).. Điều này cho thấy tầm hoạt động, mối giao lưu văn hóa rộng mở, hấp dẫn và năng động của người cổ Hạ Long. Thời đại Hùng Vương (khoảng 2500-2000 năm trước), dấu ấn Văn hóa Hạ Long tiếp tục ảnh hưởng tới các nền văn hóa cùng thời ở các vùng miền trung du Bắc Bộ, ven biển Thanh Hóa. Ngược lại, các nền văn hóa này tác động không nhỏ đến Văn hóa Hạ Long, thể hiện qua các công cụ, đồ gốm phát hiện ở hang Bồ Chuyến (Đại Yên, TP. Hạ Long), Đầu Rằm (Hoàng Tân, Quảng Yên). Có được những giao lưu, trao đổi ngang dọc với các trung tâm văn hóa lớn lúc đó - theo các nhà khảo cổ là nhờ cư dân cổ Văn hóa Hạ Long phát huy nội lực, đứng vững trên cơ tầng văn hóa biển. Phát huy thế mạnh của cư dân sông nước và tranh thủ thành tựu của cư dân đồng bằng, cùng đóng góp xây dựng cho văn minh Việt cổ. Văn hóa Hạ Long - theo các nhà khảo cổ - về bản chất là văn hóa biển, tồn tại và phát triển bao giờ cũng rất năng động trong các mối giao lưu, hội nhập và thích ứng văn hóa. Văn hóa Hạ Long là 1 trong 4 nền văn hóa biển tiền sử Việt Nam gồm: Hạ Long (Quảng Ninh), Hoa Lộc (Thanh Hóa), Bàu Tró (Quảng Bình), Xóm Cồn (Khánh Hòa), có vị trí hết sức quan trọng trong nền cảnh văn hóa tiền sử Việt Nam. Đại Dương Nguồn: Web baoquangninh Khám phá nét đẹp văn hóa của người Hạ Long Hạ Long nổi danh bởi vẻ đẹp huyền bí thiên nhiên, lưu giữ những nét đẹp văn hóa người Hạ Long từ lâu đời nay. Từ những di tích lịch sử văn hóa mang đậm chất truyền thống cho tới những phong tục tập quán của ngư dân Hạ Long. Những nét đẹp văn hóa của người Hạ Long Hình thành và phát triển từ lâu đời, Hạ Long cũng như bao vùng đất Việt Nam, có những nét đẹp văn hóa của người Hạ Long rất riêng, rất truyền thống. Tới nay, những nét đẹp văn hóa đó vẫn còn lưu giữ và phát triển. Đó là Văn hóa Soi Nhụ, Văn hóa Cái Bèo, Văn hóa các làng chài Hạ Long. Văn hóa những làng chài Hạ Long Nơi nổi tiếng với sông, nước và những dãy núi, hang động, Hạ Long cũng có những làng chài nhỏ của những ngư dân sinh sống. Những làng chài ấy, không chỉ lâu đời về hình thành, lâu đời cả về những nét đẹp trong văn hóa. Mặc cho dòng thời gian không ngừng trôi và xã hội ngày một phát triển. Phải kể các làng chài nổi tiếng: Làng chài Cửa Vạn, làng chài Vung Viêng.. Làng chài Cửa Vạn Một trong số những điểm du lịch Hạ Long hấp dẫn, rất nhiều du khách biết. Chỉ cách Bãi Cháy khoảng 20km, có thể tới bằng thuyền gỗ hoặc thuyền cao tốc. Nơi đây là trung tâm văn hóa nổi của Hạ Long. Nhắc làng chài Cửa Vạn hẳn không còn xa lạ. Nhưng tới đây du khách chỉ được ngắm nhìn quan cảnh làng chài, và trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây. Rất ít khi được giới thiệu về những nét văn hóa của người Hạ Long. Sống chủ yếu trên sông nước, dân nơi đây mưu sinh bằng nghề đánh cá. Nên gắn liền với những lễ hội, những phong tục như thờ cúng thủy thần, tục thờ Cá Ông.. Nếu bạn muốn được hòa mình và tham dự vào các nghi lễ văn hóa nơi đây, hãy tới vào mùa lễ hội. Bắc Ninh có hát quan họ, hát đối đáp, Hạ Long có hát giao duyên, hò biển.. Đó là nét đẹp văn hóa làng chài Hạ Long rất nổi tiếng. Nếu tới Hạ Long bắt gặp những người đang hát đối đáp thì bạn thật may mắn. Có thể đó là đám cưới đang hát giao duyên giữa nhà trai với nhà gái. Những lời hát, nhịp điệu thắm thiết, đi vào lòng người làm du khách muốn nghe mãi không thôi. Văn hóa Soi Nhụ Nhắc tới Văn hóa Soi Nhụ là nhắc nền văn hóa truyền thống của Hạ Long có từ hàng nghìn năm trước. Người nơi đây từ xa xưa sinh sống trong những hang đá vôi. Hình thành nên lối sống chủ yếu là thu lượm ốc, sò và hái hoa quả, Những di tích văn hóa tồn tại tới nay không nhiều, nhưng với những gì còn sót lại, có thể thấy so cùng thời kỳ, cuộc sống và nền văn hóa con người nơi đây có những bước phát triển hơn, xuất hiện yếu tố biển. Mang đa dạng trong nền văn hóa. Mà tới nay vẫn được bảo tồn và phát huy. Văn hóa Cái Bèo Kết nối giữa Văn hóa Soi Nhụ và Văn hóa Hạ Long, Văn hóa Cái Bèo đã có nhiều đổi mới. Con người ngày càng tiến xa ra biển khơi, để đánh bắt thủy hải sản, phục vụ nhu cầu sinh sống của mình, của gia đình. Khám phá những nét văn hóa truyền thống của Cái Bèo, tưởng như bạn đang hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt con người nơi đây. Còn tồn tại tới nay là những di tích, những đồ dùng sinh hoạt. Và mô hình cuộc sống hàng ngày tái hiện, nhằm giúp du khách hình dung cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ấm áp, gần gũi của người xưa. Văn hóa Hạ Long Văn hóa Hạ Long chia thành hai giai đoạn, thể hiện bước phát triển rõ rệt trong văn hóa nơi đây. Giai đoạn đầu tiên là khi nước biển xâm lấn, những người Cái Bèo phải di chuyển lên cao hơn để sinh sống. Do đó có những thay đổi để thích nghi với cuộc sống mới. Để sinh sống, người dân canh tác, phát triển nông nghiệp song song với đánh bắt ngoài khơi. Do đó nền Văn hóa Hạ Long ngày càng thêm phong phú. Giai đoạn tiếp theo là khi nước biển xâm lấn cực đại rồi rút. Những ngư dân không thể quên cuộc sống gắn biển khơi trước đây của họ. Nên di cư lại ra biển, tiếp tục phát triển đời sống sinh hoạt. Và con người ngoài canh tác, đánh bắt cá còn biết phát triển những nghề thủ công như làm gốm, sản xuất công cụ.. Không chỉ bảo tồn những nét văn hóa truyền thống, Hạ Long còn là chứng tích lịch sử những cuộc chiến đấu oai hùng dân tộc ta thời xưa. Minh chứng cho cuộc chiến đấu oai hùng trên sông Bạch Đằng. Nguồn: Web onetour Nhắc Vịnh Hạ Long, nhiều người biết ngay đây là danh thắng UNESCO hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Nhưng có lẽ ít người biết nơi đây còn là cái nôi người tiền sử mà những dấu tích để lại được các nhà nghiên cứu định danh thành văn hóa cổ là Văn hóa Hạ Long. Những dấu tích đầu tiên của người tiền sử ở Vịnh Hạ Long phát hiện 1937 tại đảo Ngọc Vừng, nhà khảo cổ học người Thụy Điển J. Andecxen khảo cứu. Trên cơ sở kết quả thu được, chính Andecxen đưa khái niệm Văn hóa Đanh Đô La, lấy theo tên gọi của đảo Ngọc Vừng do người Pháp đặt. Sau đó không lâu, nhà khảo cổ M. Colani nghiên cứu các dấu tích người nguyên thủy ở Vịnh Hạ Long. Nhưng phải hơn 20 năm sau, các phát hiện về khảo cổ học ở khu vực này mới có tính đột phá. 1960, các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khảo sát các dấu tích người nguyên thủy ở Vịnh Hạ Long và thu được nhiều kết quả quan trọng. Từ đó, các nhà nghiên cứu cho rằng cần có tên gọi mới để thể hiện đầy đủ hơn nội dung các phát hiện, và đề xuất tên gọi mới là Văn hóa Hạ Long. Nay gần 40 di tích thuộc Văn hóa Hạ Long phát hiện, địa bàn phân bố chủ yếu dọc bờ biển và một số hang động trong khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Những hiện vật thu được qua các khai quật khảo cổ tại các di tích từng bước làm sáng tỏ cuộc sống người nguyên thuỷ ở Hạ Long. Đó là những cư dân sinh sống bằng bằng nghề săn bắt và hái lượm. Trong đó, với môi trường biển đảo ở khu vực Hạ Long, đánh bắt thủy sản đóng vai trò quan trọng. Dấu tích vỏ nhuyễn thể biển phong phú cũng như các loại chì lưới tìm thấy tại các di tích thể hiện rõ điều này. Ngoài việc duy trì cuộc sống bằng hình thức khai thác các thứ có sẵn trong tự nhiên, cư dân cổ ở Hạ Long biết sản xuất nông nghiệp với trồng các loại cây lấy củ và quả. Đây là những tiền đề quan trọng phát triển nông nghiệp sau này. Một số hiện vật bằng đá tìm thấy trong di tích cho thấy nghề chế tác đá đạt đến đỉnh cao, nhiều loại công cụ như rìu, bôn chế tác bằng các kỹ thuật như mài, cưa, khoan, đánh bóng, vừa tiện dụng trong lao động sản xuất vừa thẩm mỹ, tinh tế. Việc chế tác này không chỉ đòi hỏi bàn tay khéo léo mà cần tích lũy kinh nghiệm trong quá trình lâu dài. Vì thế những công cụ bằng đá là những hiện vật tiêu biểu Văn hóa Hạ Long. Người nguyên thủy ở Hạ Long biết nghề làm gốm với chế tác các loại đồ đựng, đồ đun nấu, chủ yếu là nồi, vò. Tuy các loại đồ gốm còn thô, độ nung thấp, dễ vỡ nhưng phần lớn đều trang trí hoa văn theo hình thức đắp nổi hoặc trổ lỗ. Cùng phát hiện được vòng trang sức bằng vỏ ốc, những hoa văn trang trí trên đồ gốm là những bằng chứng cho thấy người tiền sử ở Hạ Long có thẩm mỹ tinh tế, họ biết làm đẹp bằng nhiều cách khác nhau. Hiện nay, một số hiện vật tiêu biểu thuộc Văn hóa Hạ Long còn phát hiện ngoài địa bàn phân bố Văn hóa Hạ Long. Cho thấy mối giao lưu cư dân cổ ở Hạ Long không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn mở rộng ra một số nước ở Đông Nam Á. Khung niên đại tồn tại của Văn hóa Hạ Long từ 4.000 năm đến khoảng 3.000 năm trước và thuộc hậu thời đại đồ đá mới. Thời tồn tại Văn hóa Hạ Long cũng là thời mực nước biển dâng cao so nay từ 2-3m. Thời này được các nhà khoa học gọi thời kỳ biển tiến Holoxen muộn. Đây là yếu tố gây nhiều ảnh hưởng về môi trường, tác động rất lớn đời sống người tiền sử ở Hạ Long, nhất là trong điều kiện địa bàn sinh sống sát biển. Cuối thời kỳ Văn hóa Hạ Long, tức cách nay khoảng 3.000 năm, mực nước biển rút nhanh rồi ổn định như nay. Đây là lúc bắt đầu hình thành châu thổ sông Hồng. Các nhóm cư dân thời đồ đá mới, trong đó có cư dân thuộc Văn hóa Hạ Long bắt đầu chuyển sang giai đoạn phát triển mới với việc tiến vào khai phá vùng trung du đồng bằng Bắc Bộ. Hình thành nên các nền văn hóa cổ thuộc thời đại kim khí, góp phần thúc đẩy ra đời nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Nguồn: Web halongbay Khu vực Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi cư trú của người Việt cổ Dựa các tài liệu khảo cổ học, dấu tích sớm nhất con người có mặt trong khu vực Vịnh Hạ Long thuộc về chủ nhân nền Văn hóa Soi Nhụ. Kế tiếp là chủ nhân Văn hóa Cái Bèo với mối liên hệ với biển đầu tiên và sau cùng là Văn hóa Hạ Long. Văn hóa Hạ Long có vai trò rất quan trọng trong nền văn minh Việt cổ, đánh dấu tiếp xúc khá phổ biến của cư dân Việt cổ với nền kinh tế biển, tạo nền văn hóa biển đặc sắc ở Việt Nam. Văn hóa Soi Nhụ: Cách nay 18.000 – 7.000 năm. Cư dân thời này cư trú chủ yếu trên các đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và các hang động ven bờ. Phương thức kiếm sống của họ là săn bắt, hái lượm và khai thác nhuyễn thể nước ngọt với công cụ lao động bằng đá có hình dáng không ổn định, kỹ thuật chế tác đơn giản bằng phương pháp ghè đẽo một mặt, phương pháp chặt bẻ và rất ít tu sửa. Văn hóa Cái Bèo: Cách nay 7000 - 5000 năm. Cư dân thời này cư trú chủ yếu trên bờ vũng vịnh kín gió, tựa lưng vào núi, chủ yếu là núi đá vôi. Độ cao các di chỉ này so mực nước biển hiện khoảng 2-6m. Phương thức kiếm sống trước hết định hướng khai thác biển ven bờ và kết hợp các phương thức kiếm sống truyền thống như săn bắt thú rừng, thu lượm rau củ, hoa quả trong thiên nhiên. Công cụ lao động rất đơn giản, chủ yếu các công cụ mũi nhọn. Kỹ thuật ghè đẽo chủ yếu ghè một mặt và có thể ghè những nhát cách quãng ở mặt đối diện tạo rìa lưỡi. Gốm Cái Bèo ở giai đoạn đầu thì thô, dày, nặng và loại hình đơn giản. Giai đoạn sau là gốm mịn, văn thừng, loại hình phong phú hơn. Gốm xốp bắt đầu xuất hiện với số lượng ít thể hiện bước phát triển mạnh mẽ của người tiền sử. Văn hóa Hạ Long: 4500 - 3500 năm cách nay, chia 2 giai đoạn: Sớm và muộn. Giai đoạn sớm: Do biển tiến Holoxen trung (khoảng 6000 - 5000 năm trước), đợt biển tiến này làm mất đi môi trường sống quen thuộc của cư dân Văn hóa Cái Bèo khiến một bộ phận cư dân phải di chuyển lên phía Đông Bắc và những vùng đất cao hơn, tại đây, họ tạo giai đoạn sớm Văn hóa Hạ Long. Phương thức kiếm sống cư dân giai đoạn này chủ yếu săn bắt, hái lượm, canh tác, trồng cây lấy sợi, rau củ quả, tăng cường khai thác biển. Giai đoạn muộn: Do mực nước biển dâng cực đại rồi rút dần (khoảng 4000 - 3000 năm trước). Biển lùi, các cư dân Văn hóa Hạ Long giai đoạn sớm chuyển cư ngược lại. Theo nước thủy triều, họ tiến dần ra biển. Địa bàn cư trú của cư dân văn hóa giai đoạn muộn tương đối phong phú, bao gồm: Hang động, chân núi ven biển, doi cát, các bậc thềm và mặt đồng bằng cổ. Phương thức kiếm sống của cư dân Văn hóa Hạ Long giai đoạn muộn cơ bản gắn môi trường biển, kết hợp duy trì phương thức kiếm sống trên cạn. Công cụ lao động chủ yếu bằng đá, loại hình độc đáo, thể hiện kỹ thuật chế tác ở trình độ cao. Thời này phát triển nghề thủ công làm gốm với trợ giúp kỹ thuật bàn xoay, hoa văn trang trí chủ yếu văn thừng, các dải hoa văn đắp nổi, văn khắc vạch, gắn đắp chân đế. Đồ gốm phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hoa văn trang trí tạo đặc trưng riêng của Văn hóa Hạ Long. Hiện trên Vịnh Hạ Long có một số hang động đang lưu các vết tích văn hóa của người tiền sử: Hang Tiên Ông, hang Trống, hang Trinh Nữ, hang Bồ Nâu, động Mê Cung, động Thiên Long.. Ngoài ra, hang Tiên Ông đang lưu giữ, bảo tồn những hố thám sát, hố khai quật khảo cổ với những trầm tích là vỏ ốc suối (Melania), ốc núi (Cyclophorus). Một trong những bằng chứng sinh động về phương thức cư trú, sinh sống trong hang động của người tiền sử Hạ Long thuộc Văn hóa Soi Nhụ. Khu vực Vịnh Hạ Long là nơi ghi dấu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc trong các thời đại quân chủ phong kiến Vị trí chiến lược quan trọng, từ thế kỷ XII (1149) dưới triều Lý Anh Tông, trong Vịnh Hạ Long, thương cảng Vân Đồn lập. Đây là bến cảng, hệ thống gồm nhiều bến thuyền thương mại trên các đảo quây quần trên vùng Bái Tử Long. Nay những dấu tích về những bến thuyền cổ còn tìm thấy khá dày đặc, phong phú tại các khu vực đảo Cống Đông, Cống Tây, Vân Hải, Quan Lạn.. Hàng vạn mảnh gốm sứ đặc trưng cho các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Mạc cùng nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh những dấu tích đồ sộ của các thuyền cổ nay còn phát hiện nhiều dấu tích của các công trình văn hóa: Đình, chùa, đền, miếu, tháp: Chùa Lấm, chùa Trong, chùa Cát và cụm di tích đình, đền, chùa Quan Lạn. Lịch sử dựng nước và giữ nước, Vịnh Hạ Long ghi dấu những chiến công hào hùng của dân tộc từ thế kỷ X đến thế kỷ XX: Ngô Quyền thắng quân Nam Hán (năm 938), Lê Hoàn thắng quân Tống (năm 981), Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên (1288). Hiện nay, khu vực Vịnh Hạ Long còn nhiều di tích lịch sử và di chỉ văn hóa: Đình Quan Lạn, chùa Lấm, đền Bà Men.. Đặc biệt dân vùng biển Hạ Long vẫn lưu những nét văn hóa truyền thống độc đáo, phong phú từ bao đời. Nó thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ, lễ hội, kinh nghiệm, phản ánh tâm tư, tình cảm được truyền từ đời này qua đời khác. Đó là các giá trị văn hóa phi vật thể mang đặc trưng vùng biển như: Hò, vè, hát đám cưới, hát giao duyên, hò biển và nhiều lễ tục truyền thống: Lễ giở mũi thuyền, tục trồng cây nêu.. Những giá trị văn hóa này hiện vẫn là "cửa ngỏ", "mảnh đất đầy hứa hẹn" cho các nhà nghiên cứu, những người yêu quý, tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc. Khu vực Vịnh Hạ Long ghi dấu lịch sử dựng nước và giữ nước thời lịch sử cận, hiện đại. Chống Pháp: +Hang Đúc Tiền: Phía Đông Nam đảo Vạn Gió (bản đồ có ký hiệu hòn 376, dân gian gọi núi Cánh Quít). Đây là căn cứ nghĩa quân Đề Hồng, Cai Thái, nghĩa quân lập xưởng đúc súng, đúc tiền chuẩn bị chống Pháp. +1-5-1930, lá cờ đỏ búa liềm tung bay phấp phới trên đỉnh núi Bài Thơ, đánh dấu giai đoạn mới phong trào đấu tranh Cách mạng của giai cấp công nhân vùng mỏ, góp phần đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp. +24-3-1946, Hồ Chủ tịch hội đàm với Cao uỷ Pháp Đác-Giăng-Liơ trên chiến hạm Emin-bec-tanh trên Vịnh Hạ Long. +Đầu những năm 60 thế kỷ 20, những chuyến tàu không số xuất phát từ khu vực Hạ Long vào miền Nam mang theo vũ khí, đạn dược.. Góp phần chiến thắng vẻ vang của dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước (Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển). Trong thời kỳ chống Mỹ: +Vịnh Hạ Long chứng kiến lần tập kích và thất bại đầu tiên bằng không quân của không lực Hoa Kỳ khi chúng mở đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc 5-8-1964 cùng sự kiện bắt sống giặc lái Mỹ đầu tiên: Phi công An-Va-Ret. Nguồn: Web halongbay Văn hóa Hạ Long và những nét độc đáo mà bạn chưa biết? Vịnh Hạ Long, thiên nhiên ban vẻ đẹp hùng vĩ, ghi dấu những giá trị văn hóa từ thời tiền sử và hiện nay nét Văn hóa Hạ Long vẫn còn lưu giữ và được giữ gìn, bảo tồn thành một trong những vẻ đẹp đặc trưng mà nhiều du khách khi đến du lịch Hạ Long khám phá và tìm hiểu. Nét độc đáo trong Văn hóa Hạ Long Cách nay 18.000 năm đến 7.000 năm, Văn hóa Soi Nhụ là văn hóa cổ lâu đời tập trung tại các đảo đá vôi Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và các hang động, tiêu biểu di tích văn hóa hang Mê Cung, Thiên Long, Tiên Ông.. Cuộc sống sinh hoạt của cư dân thời đó chủ yếu là thu lượm hoa quả, sò, ốc.. Văn hóa của người Soi Nhụ là mô hình văn hóa đa dạng, có yếu tố mới về phương thức kiếm sống khi có thêm yếu tố biển tạo nên cuộc sống tốt hơn cho cư dân. Kết nối giữa Văn hóa Soi Nhụ và Văn hóa Hạ Long, Văn hóa Cái Bèo cách nay từ 7.000 năm đến 5.000 năm mang văn hóa đa dạng sở hữu các di tích tiêu biểu làng chài Cái Bèo, Giáp Khẩu, Hà Giát: Phân bổ tại các vùng vịnh, núi đá vôi và phương thức kiếm sống là khai thác động vật thủy sinh như cua, cá, động vật nhuyễn thể, cùng săn bắn động thực vật, hái lượm hoa quả. Và di chỉ Cái Bèo thành điểm du lịch được rất nhiều du khách khám phá trong các chuyến du lịch Hạ Long 1 ngày giá rẻ. Đối với Văn hóa Hạ Long cách nay 4500- 3500 năm, chia: Giai đoạn sớm: Giai đoạn ảnh hưởng của đợt biển tiến Holoxen, làm mất môi trường sống của dân Cái Bèo, làm nhiều cư dân di chuyển lên Đông Bắc và vùng đất cao với phương thức sống là hái lượm, săn bắt, trồng cây, canh tác, khai thác biển, phát triển thủ công, chế tác công cụ đá.. Giai đoạn muộn: Giai đoạn ảnh hưởng của đợt nước biển dâng cực đại. Sau khi biển rút dần thì cư dân Văn hóa Hạ Long ở giai đoạn sớm chuyển cư ngược lại và phân bổ phong phú tại nhiều nơi như các hang động Hạ Long, đồi cát, đồng bằng cổ, ven biển, chân núi với các di tích tiêu biểu: Hang Soi Nhụ, đảo Ngọc Vừng, hang Bái Tử Long.. với phương thức sinh sống của cư dân Văn hóa Hạ Long gắn với môi trường biển và chế tác công cụ. Nay, khu vực Vịnh Hạ Long nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng, lâu đời mà du khách có thể khám phá, tìm hiểu tại các làng chài cổ trên Vịnh với nét văn hóa độc đáo, cổ truyền đặc trưng là câu hát giao duyên, hò, vè, và các lễ tục truyền thống. Nguồn: Web dulichhalongquangninh Khám Phá Văn Hóa Làng Chài Ở Hạ Long Hạ Long có nền văn hóa từ lâu đời, ẩn sâu trong từng di tích, từng phong tục tập quán, từng lễ hội truyền thống và từng thế hệ con người. Dòng thời gian cứ thế lững lờ trôi qua bao tháng năm vậy mà Văn hóa Hạ Long vẫn luôn còn đó, dẫu chẳng thể vẹn nguyên nét nguyên sơ như thuở ban đầu. Trong số đó, nét đẹp văn hóa làng chài ở Hạ Long để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều du khách, khiến những ai từng khám phá nét văn hóa ấy đều nhớ mãi chẳng quên. Hạ Long đâu chỉ đẹp diệu kỳ bởi danh thăm thắng cảnh thiên nhiên mà còn đẹp biết bao bởi những giá trị văn hóa ấy! Văn hóa Hạ Long gắn liền lịch sử, thắng cảnh thiên nhiên và con người từ thuở sơ khai cách đây vài thiên nhiên kỷ. Văn hóa làng chài cũng là một trong số đó và những nét đẹp, những giá trị quý báu của văn hóa làng chài vẫn được các thế hệ con cháu nối tiếp bảo tồn, lưu giữ đến nay. Chuyến du lịch Hạ Long, nếu bạn muốn khám phá văn hóa làng chài đặc trưng đừng quên ghé thăm những làng chài xinh đẹp của vùng vịnh nơi đây như làng chài Cửa Vạn, làng chài Vung Viêng, làng chài Ba Hang.. Vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng và yên bình của làng chài làm lòng người nao nao. Cửa Vạn - nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của làng chài Hạ Long. Đặt chân đến một trong những làng chài đẹp xinh nhất thế giới ngay trong vùng Vịnh Hạ Long, bạn sẽ có cơ hội khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ và những giá trị văn hóa quý báu ở đây. Làng chài Cửa Vạn như một kỳ quan độc đáo do con người tạo ra, hội tụ vẻ đẹp cổ kính, duyên dáng và lưu giữ văn hóa truyền thống đặc trưng. Làng chài sở hữu nét đẹp văn hóa đặc trưng ở Hạ Long. Văn hóa làng chài để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều khách khi lần đầu đặt chân đến. Dạo thăm những làng chài Cửa Vạn và những làng chài khác ở Hạ Long, bạn sẽ thấy được nhịp sống mộc mạc, giản dị và êm đềm của ngư dân nơi đây. Cuộc sống của họ êm ả, thanh bình và an yên biết nhường nào! Dẫu cho cuộc sống đó vẫn còn những vất vả, khó khăn và thiếu thốn nhưng nét văn hóa đặc trưng truyền thống của cư dân làng chài vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống thường nhật với đời sống vật chất và phương thức kiếm sống của họ. Bên cạnh vẻ đẹp văn hóa ấy còn có cả trong tâm linh, cuộc sống tinh thần và cả những khi kết bạn, dựng vợ gả chồng, tổ chức lễ hội, những trò chơi dân gian của bọn trẻ.. Ngư dân làng chài gắn liền nghề đánh cá suốt mấy mươi năm cuộc đời. Con người làng chài gắn liền với sóng nước ngược xuôi suốt cả đời người. Nghề đánh cá là nét văn hóa đặc trưng ở Hạ Long và của nhiều mảnh đất có biển gần kề. Nghề cá cũng gắn liền với những lễ hội, những nghi thức mang giá trị truyền thống như tục thờ Cá Ông, thờ cúng thủy thần. Tiếp tục khám phá văn hóa đặc trưng của ngư dân vùng biển Hạ Long, bạn sẽ được khám phá những thuyền buồm trôi lững lờ trên vùng vịnh, vẽ nên bức tranh sơn thủy hữu tình, tô điểm cho cảnh sắc thêm phần tươi đẹp. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được tham quan nhà bè dập dềnh trên sóng nước vùng vịnh. Những nhà bè dập dềnh, lênh đênh giữa vùng Vịnh Hạ Long. Những ngôi nhà đơn sơ có thể nổi trên mặt nước. Những ngư dân luôn giữ cho riêng mình những cung bậc cảm xúc phong phú, làm đa dạng cuộc sống tinh thần ở nơi sóng nước mênh mang vùng Vịnh Hạ Long. Họ có thể trải lòng mình, thả hồn phiêu lãng theo những làn điệu hát giao duyên, hát đúm, hò biển, hát đám cưới trên thuyền thể hiện nét đẹp văn hóa làng chài độc đáo. Hòa nhịp theo những giai điệu trữ tình ấy, bạn cũng sẽ thấy lòng mình yên vui biết mấy, lâng lâng dòng chảy cảm xúc khó tả, cứ thế nghe hoài nghe mãi mà chẳng thấy chán. Hát đám cưới trên thuyền - một trong những nét văn hóa làng chài độc đáo. Cuộc sống sinh hoạt bình dị của con người làng chài. Bạn còn có thể làm quen với những ngư dân, cùng họ trò chuyện, sẻ chia những câu chuyện trong đời sống, cùng thưởng thức những bữa cơm giản dị và bạn còn được dân làng chài chỉ cách chèo thuyền, giăng lưới đánh cá, câu mực ban đêm! Vẻ đẹp huyền bí, mơ màng ở làng chài trên vịnh Hạ Long Văn hóa làng chài Hạ Long không chỉ tô vẻ đẹp cho riêng vùng Vịnh Hạ Long mà góp phần điểm tô cho văn hóa dân tộc. Các giá trị văn hóa không chỉ được bảo tồn, lưu giữ qua năm tháng mà còn được phát triển gắn liền du lịch, làm đa dạng, phong phú các sản phẩm, loại hình du lịch nhằm thu hút, hấp dẫn đông đảo du khách. Du lịch Hạ Long, bạn đừng quên khám phá văn hóa làng chài để có thêm kiến thức, thêm tự hào, trân trọng và cùng chung tay bảo vệ nét đẹp, những giá trị thiêng liêng của nền văn hóa đó! Mỹ Phượng Nguồn: Web mytour Còn tiếp
Văn hóa Hoa Lộc "Văn hóa Hoa Lộc" Tên xã Hoa Lộc đặt cho văn hóa khảo cổ sơ kỳ thời đại đồ đồng: Văn hóa Hoa Lộc. Cuối 1973, tại xã Hoa Lộc phát hiện di chỉ đầu tiên và điển hình cho văn hóa này. Các di chỉ Văn hóa Hoa Lộc phân bố trên các đồi cát cao chạy dài ven biển Bắc Thanh Hóa, từ huyện Hậu Lộc đến huyện Nga Sơn. Văn hóa Hoa Lộc xuất hiện cách đây khoảng trên dưới 4.000 năm. Văn hóa Hoa Lộc nằm cùng bình tuyến và có mối quan hệ giao lưu văn hóa với các văn hóa sơ kỳ đồ đồng khác ở vùng Trung Bộ và Bắc Bộ Việt Nam là Văn hóa Phùng Nguyên, Văn hóa Hạ Long và nhóm di tích Văn hóa Cồn Chân Tiên, Mả Đống. Con dấu Hoa Lộc dùng để làm gì? (2000 TCN đến 1200 TCN) Họa sĩ Đức Hòa Đương thời với Phùng Nguyên còn có văn hóa khảo cổ ở nơi mà nay người ta gọi là xứ Thanh: Văn hóa Hoa Lộc – lấy theo tên nơi có di chỉ: Xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Phát hiện từ 1973, di chỉ Hoa Lộc đến nay khai quật nhiều lần, đào rất nhiều hiện vật đá, xương, gốm và vài mảnh đồng. Đáng chú ý là những con dấu bằng đất nung. Nhiều giả thiết đưa ra về cách mà người xưa sử dụng chúng nhưng đến nay giả thiết vẫn chỉ là giả thiết.. Xét về mỹ thuật, các hoa văn con dấu ấy đầy mỹ cảm! Một số con dấu Hoa Lộc hình vuông và chữ nhật. Những chỗ khác màu, rất nét, hơi bóng là "tút" lại thời hiện đại. Hoa văn hình học với cấu trúc rất chặt chẽ. 1 – Vài nét về Văn hóa Hoa Lộc Đó là văn hóa khảo cổ có niên đại tương đương Phùng Nguyên, nghĩa là khởi đầu khoảng 2.000 năm TCN và chấm dứt khoảng 1.200 TCN. Các nhà khảo cổ xác định Văn hóa Hoa Lộc kéo dài từ hậu kỳ đá mới đến sơ kỳ đồng thau. Chủ nhân văn hóa này là cư dân cư trú trên các cồn cát cao ven bờ biển cổ, chuyên khai thác hải sản, có các nghề trồng trọt, chăn nuôi, làm gốm, dệt và bắt đầu luyện kim đồng. Nếu Văn hóa Phùng Nguyên được coi như khởi đầu cho hình thành dân tộc và quốc gia của người Việt cổ ở lưu vực sông Hồng thì Văn hóa Hoa Lộc được coi như sự khởi đầu ấy hiện diện ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Các Văn hóa Phùng Nguyên và Hoa Lộc có mối quan hệ rõ nét bởi những di vật ảnh hưởng qua lại với nhau. 2. Những di vật khai quật được đầy ấn tượng vì hoa văn giàu chất lượng nghệ thuật Theo thống kê của Tiến sĩ Phạm Văn Đấu (Luận án Phó tiến sĩ Khoa học Lịch sử, chuyên ngành Khảo cổ học, Văn hóa Hoa Lộc và vị trí của nó trong thời đại đồng thau Bắc Việt Nam ", 1995, Thư viện Quốc gia Việt Nam) thì sau 4 lần khai quật: 1974, 1975, 1976 và 1983, các nhà khảo cổ đào 3296 di vật đá, 7 di vật xương, 1.996.903 mảnh gốm, 3 di vật đồng, 90 đồ gốm gần như nguyên vẹn – đặc biệt trong đó có 53 con dấu gốm đúc hoa văn hình học. Gốm Hoa Lộc làm bằng bàn xoay, nung nhiệt độ khá cao nên cứng chắc. Hoa văn trang trí trên gốm được vẽ nét lõm theo các motif hình bọ gậy, giọt nước, sóng nước, khuông nhạc, chữ S, răng sói, cánh chim.. Kết cấu các đường nét, vạch và chấm phóng khoáng, khá nhiều biến thể, hấp dẫn. Nếu hoa văn gốm Phùng Nguyên có kết cấu hình học chặt chẽ thì hoa văn Hoa Lộc thoáng hơn, nhiều đường cong lượn hơn. Nhất là rất phong phú các nét phẩy - được một số nhà khảo cổ coi là dạng giọt nước - gợi ra âm hưởng của nước và biển. 3 con dấu gốm Hoa Lộc có chuôi để cầm phía sau và 1 con dấu lăn có trục hai bên. Phùng Nguyên và Hoa Lộc đều xứng đáng được coi kho hoa văn tiền sử đầy chất lượng của Tổ tiên mà hậu thế thời hiện đại là giới họa sĩ hầu như chưa biết đến để sử dụng. Xét nguyên nhân sâu xa thì đây còn là vấn đề" đứt gãy văn hóa. " Các họa sĩ hiện đại Việt Nam quen với vốn cổ thời phong kiến Lý, Trần, Lê.. hơn và hầu như chưa" cảm "được với kiểu cách hoa văn nguyên thủy. Dù ở đó có những giá trị về mỹ thuật và tín hiệu tuyệt vời. Vì khuôn khổ bài báo nên xin hẹn bàn kĩ chuyện này vào một dịp khác. 3. Những con dấu gốm và nghiên mực kỳ lạ Nổi bật trong số 90 di vật gốm gần như nguyên vẹn là 53 con dấu (nay đã tìm thấy con dấu thứ 54) nung cứng, chắc. Chúng đều có núm cầm phía sau, riêng 1 con lăn có 2 núm trục ở 2 đầu. Bề mặt con dấu khá phẳng - hơi phồng lên với các hoa văn hình học cấu trúc chặt chẽ. Chắc là khi chế tạo, người nghệ nhân Hoa Lộc kỳ công thiết kế hoa văn tinh xảo, khoét lõm cũng như đắp nổi cân xứng một cách đầy mỹ cảm. Nếu chỉ đánh giá về đường nét thì từng họa tiết hình học là các vạch thẳng, cong hay chấm, phẩy.. chưa có gì gọi là gợi cảm cả. Nhưng khi được khuôn vào mặt con dấu với kết cấu chặt chẽ và độ nông sâu rõ nét thì chúng trở nên hấp dẫn với chất lượng hoa văn nghiêm chỉnh. Bản thân mỗi con dấu đã là một công trình mỹ nghệ mini, tinh tế. Hình giải trình các con dấu gốm Hoa Lộc bằng cách đồ họa hóa mặt in và chu vi của mặt cắt. Được nung già lửa, các con dấu 4000 năm vẫn còn giữ màu vàng ốc đậm hay nâu sậm ửng đỏ, khỏe khoắn thô mộc trong khi kết cấu hoa văn trong khuôn vuông, chữ nhật hay oval lại cho thấy tính toán đầy trí xảo của các nghệ nhân nghìn xưa vĩnh viễn vô danh.. Dù tàn phá của thời gian 4 thiên niên kỷ đã khiến chúng không còn hoàn hảo nhưng vẫn xứng đáng được đánh giá rất cao trong buổi đầu sơ khởi của mỹ thuật Việt cổ. Đáng chú ý hơn nữa là đã khai quật được" nghiên mực "Hoa Lộc cỡ khá to (hiện bày trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Rất có thể người ta đã dùng để mài những cục khoáng chất (đá non hoặc thổ hoàng) màu nâu đỏ rồi trộn với một loại nhựa cây làm chất kết dính (hồi đó mực Tàu chưa ra đời). 4. Những giả thiết về cách sử dụng con dấu của người Hoa Lộc xưa Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi phát hiện và khai quật di chỉ Hoa Lộc, những con dấu gốm kỳ lạ vẫn thách thức các nhà nghiên cứu. Chúng được chế tạo rất kỳ công và quá đặc biệt nên khó có thể làm ngơ một khi ta đã nhìn thấy. Con dấu nguyên thủy này được chế tạo ra để làm gì? Vẫn là câu hỏi hóc búa. Một số giả thiết được đưa ra để lý giải: In hoa văn trên vải, trên đồ gốm, trên tường nhà, trên cơ thể, thậm chí trên giấy. Các nhà khoa học loại bỏ ngay giả thiết" giấy "vì thời đó làm gì đã có giấy! In trên gốm cũng chưa chắc bởi chưa có bằng chứng: Chả thấy mảnh gốm nào có dấu in từ các con dấu nọ. In trên vải cũng có thể. Nhưng sau 4 thiên niên kỷ đằng đẵng thì chẳng thể tồn tại loại vải sơ khai nào trong khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt. In trên thân thể được lý giải như tiền đề của thuật xăm mình của Tổ tiên ta – lý sự vậy thôi, bằng chứng chẳng còn. In trên tường nhà ư? Chưa ai khai quật được vết tích nhà cổ ở di chỉ Hoa Lộc! Mới đây nhất, trong cuộc tọa đàm" Con dấu trong Văn hóa Hoa Lộc "ngày 27-2-015 tại Hội trường Viện Khảo Cổ học Việt Nam, nữ Tiến sĩ Judith Cameron của Đại học Quốc gia Úc đưa ra giả thiết mới: " Đó là vật dùng của các thương nhân để đóng thương hiệu vào hàng hóa!" Cách đây 4000 năm mà thương nghiệp Việt cổ đã phát triển vậy ư? Tự hào quá! Nếu vậy thì văn minh Việt cổ thời ấy hẳn đã phải hùng mạnh lắm. Thật chưa thể tin nổi và cũng chả có gì để chứng minh.. 5. Gợi ý đầy hiệu quả của Bảo tàng Redpath thuộc Đại học McGill Trên tầng 3 của Bảo tàng Redpath[1] có trưng bày những kết quả khảo sát dân tộc học đầy ấn tượng của các giáo sư và sinh viên thuộc Đại học McGill[2] từng tỏa đi khắp thế giới. Chúng ta có thể thấy ở đây các xác ướp Ai Cập cổ đại (mumie), các bảng đất nung khắc chữ hình nêm của Lưỡng Hà cổ đại. Những đôi giày tí hon bởi tục bó chân của Trung Hoa trung – cận đại, các ống nghiền trầu kỳ quặc của cư dân hải đảo thuộc châu Đại Dương xa xôi.. Và đập vào mắt tôi là những con dấu và con lăn gốm của các thổ dân Colombia Nam Mỹ. Họ in dấu trên cơ thể như một tín ngưỡng kỳ bí của các bộ tộc bán khai. Con lăn của người da đỏ Quimbaya có núm ở 2 đầu. Khoảng từ năm 1000 – 1500 SCN (trước khi Colombia bị thực dân Tây Ban Nha xâm chiếm). Bên dưới là hình mà thầy trò trường McGill vẽ mô phỏng hình in – họ không dám lăn mực, sợ hỏng con lăn (là cổ vật đặc biệt). Các con lăn gốm của người da đỏ Colombia có lỗ tròn được đúc thông ngang để có thể xuyên que qua mà lăn khi lấy mực và in. Các con lăn Narino (không rõ niên đại), Tumaco (300 TCN – 200 SCN), Quimbaya (1.000-1.500 SCN) và Tumaco (300 TCN – 200 SCN) Các con dấu mặt phẳng của người da đỏ Colombia và giải trình hình in ra của chúng (hình vẽ mô phỏng chứ không phải hình in thật). Cả 2 con dấu đều của văn hóa khảo cổ Tumaco (300 TCN – 200 SCN). Giữa là 2 ảnh chụp để thấy chuôi tay cầm của các con dấu này. Bản đồ các văn hóa khảo cổ của thổ dân da đỏ ở ven biển và vùng núi nước Colombia (Nam Mỹ). Các con dấu được đặt theo những tên này: Narino (màu cỏ úa đậm), Quimbaya (tím hoa cà nhạt), Tumaco (xanh ngọc nhạt). Các tên Calima, Hạ Magdalena, Musica, Tairona để chú thích cho các hiện vật khác, ngoài phạm vi bài này. Giải trình dân tộc học của Bảo tàng McGill rất mạch lạc và sáng tỏ. Xin đưa ra mấy tấm hình mà tôi chụp được và sau đó là bản vẽ thử nghiệm của tôi về hình ảnh cụ thể của người Hoa Lộc in dấu hoa văn như tín ngưỡng cách đây 4 thiên niên kỷ. Bản vẽ giải trình các vị trí trên cơ thể mà thổ dân da đỏ in và lăn mực. Số 1 là con dấu Tumaco (300 TCN – 200 SCN) ; 2 – con lăn Narino; 3 – con lăn Tumaco (300 TCN – 200 SCN) ; 4 và 5 – con lăn Quimbaya (1.000-1.500 SCN) ; 6 – con lăn Narino. Giả thiết của họa sĩ Đức Hòa vẽ người cổ Hoa Lộc in và lăn con dấu gốm lên cơ thể trong ngày lễ hội. Mực in được mài từ đá non màu nâu đỏ trộn nhựa cây. Giả thiết của họa sĩ Đức Hòa vẽ cô gái Hoa Lộc in con dấu gốm lên lưng một chàng trai Hoa Lộc trong ngày lễ hội của bộ tộc. Trong trình độ bán khai của người Hoa Lộc, buổi đầu sơ khởi quá trình hình thành dân tộc và quốc gia sơ kỳ của người Việt. Cộng với tục xăm mình tất yếu nhưng đã thất truyền của Tổ tiên ta thì khả năng in và lăn con dấu hoa văn lên cơ thể cách đây 4000 năm là khả dĩ nhất. Họ chắc chắn có mê tín, viện đến tâm linh như tất yếu thuở văn minh sơ khai, cũng là cách làm đẹp thời nguyên thủy khi vải vóc còn chật vật mới sản xuất ra được một cách ít ỏi. Rất có thể đó là tiền đề của tục xăm mình của người Việt mà sử sách còn ghi lại đến cả các vua Trần cũng bắt buộc phải xăm cho đến tận Trần Anh Tông (trị vì 1293-1314) mới chấm dứt[3] . Chú thích: 1. Bảo tàng Redpath (Redpath museum) trực thuộc Đại học McGill, trong khuôn viên của trường, gần trung tâm thành phố Montreal. Nơi đây trưng bày nhiều mẫu khoáng vật, hóa thạch cổ, thực - động vật thời tiền sử, đặc biệt là các công trình nghiên cứu khoáng vật học, cổ sinh học, khảo cổ học, dân tộc học.. của trường. 2. Trường Đại học McGill (McGill University) ở thành phố Montreal là Đại học loại lớn ở Canada và Bắc Mỹ, xếp hạng 21 thế giới (theo tổ chức QS World University Rankings 2014). Xếp thứ 2 Canada sau Đại học Toronto, xếp nhất Canada về đào tạo Y học, hiện có tới 300 ngành học. Về lịch sử, trường có 12 giải Nobel khoa học, một trong những Đại học có nhiều giải Nobel khoa học nhất thế giới (theo Wikipedia). 3. Lịch sử cho biết các vua Trần theo tục lệ đều bắt buộc phải xăm mình, nhất là hình rồng ở hai đùi. Nhưng đến Trần Anh Tông, lúc đó mới lên ngôi, thấy đau quá, đạp thợ xăm ra, không cho xăm nữa – không ai dám bắt ép vua khi ngài lên ngôi. Trước đó các vua thường bị bắt buộc xăm mình khi còn là hoàng tử. Thượng hoàng Trần Nhân Tông sai thợ xăm đến xăm cho Anh Tông, nhưng Anh Tông lừa lúc thượng hoàng không để ý, bèn lẻn trốn mất. Thượng hoàng bèn thôi, không bắt vua xăm nữa. Từ đó tục xăm mình bị bỏ. Nguồn: Web trithucvn Còn tiếp
Kết quả khai quật thăm dò di tích Hoa Lộc (xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) "Di tích Hoa Lộc" Năm 2017, thực hiện Quyết định số 2245/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cho phép Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam và PGS. TS. Judith Cameron, Đại học Quốc gia Australia tiến hành công tác khai quật thăm dò tại di tích Hoa Lộc với diện tích 12m2, từ 6-7-2017 đến 17-7-2017. Sáng 27-7-2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Viện Khảo cổ học tổ chức buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò di tich Hoa Lộc. Tham dự báo cáo có đồng chí Nguyễn Xuân Thanh – Phó GĐ Sở VHTTDL, đồng chí Bùi Thị Tuyết – Phụ trách phòng Quản lý Di sản. PGS. TS. Bùi Văn Liêm – Phó Viện trưởng Viện KCH. PGS. TS. Judith Cameron - Đại học Quốc gia Australia. Phòng PA 83 Công an tỉnh. Đoàn Mỏ địa chất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di sản TH. Sở ngoại vụ. Báo Văn hóa Đời sống. Đài Phát thanh và Truyền hình TH.. Cùng toàn thể đoàn khai quật di tích Hoa Lộc, các chuyên viên Viện Khảo cổ học và cán bộ Bảo tàng tỉnh. Di chỉ khảo cổ học Hoa Lộc (Cồn Sau Chợ) phát hiện cuối 11-1973, khai quật lần thứ nhất 1974 (200m2), khai quật lần 2 năm 1975 (200m2), khai quật lần 3 năm 1982 (48m2) (Phạm Văn Đấu 1995). Nghiên cứu di chỉ Hoa Lộc cùng di tích Phú Lộc (Gò Mả Hờ/Cồn Nghè), đầu tiên các nhà nghiên cứu cho rằng Văn hóa Hoa Lộc thuộc hậu kỳ đá mới (Phạm Văn Kỉnh, Quang Văn Cậy 1977). Sau này khi phát hiện những mảnh công cụ đồng, xỉ đồng.. nhiều nhà nghiên cứu nhận định Hoa Lộc thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau ở lưu vực đồng bằng sông Mã với niên đại khoảng 4.000 năm cách ngày nay (Phạm Văn Đấu 1999). Đoàn nghiên cứu mở 3 hố thăm dò với tổng diện tích 11m2 trong đó hố TD1 có diện tích 8m2 mở ở phần trung tâm bãi đất được giao thầu cho gia đình bà Mai Thị Loan (thôn 6). Hố TD2 diện tích 2m2 mở trên đường đất từ khu dân cư ra cồn cát, hố TD3 diện tích 1m2 được mở ở phía Đông nơi tiếp giáp phần cao và thấp của cồn cát. Hội nghị được nghe PGS. TS. Bùi Văn Liêm – trưởng đoàn khai quật giới thiệu và công bố những kết quả thu trong khai quật, và nghe những nhận định ban đầu của PGS. TS. Judith Cameron về diễn biến lịch sử và con người ở mảnh đất Hoa Lộc. Đ/c Nguyễn Xuân Thanh - Phó Giám đốc Sở VHTTDLTH đánh giá cao giá trị mà cuộc khai quật thu được đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến bà PGS. TS. Judith Cameron, Viện Khảo cổ học đã tập trung triển khai có hiệu quả công tác khai quật và nghiên cứu di tích Hoa Lộc. Cuộc thăm dò 2017 thu những kết quả rất đáng ghi nhận, có độ tin cậy khi tất cả hiện vật đều phát hiện trong địa tầng di chỉ. Việc thực hiện sàng bằng lưới sắt mắt nhỏ tất cả đất trong di chỉ khi lên khỏi hố đã giúp các nhà chuyên môn thu được những tư liệu quý, đặc biệt là các mũi khoan, mảnh tước rất nhỏ. Các phát hiện và nghiên cứu về đồ gốm, công cụ đá về cơ bản thống nhất với những nhận định của các nhà nghiên cứu trước đây về Văn hóa Hoa Lộc. Một trong những nhận thức mới mà cuộc khai quật thăm dò 2017 mang lại chính là phát hiện sưu tập mũi khoan đá, đá nguyên liệu, hòn ghè, con kê, số lượng lớn mảnh tước, mảm tách.. tạo nên quy trình trong chế tạo mũi khoan tại di chỉ Hoa Lộc. Điều này gợi mở cho nhận định mới: Hoa Lộc là di chỉ xưởng, đây là vấn đề khoa học mới cần được đầu tư nghiên cứu sâu hơn. Về chức năng của con dấu Hoa Lộc.. quy trình/quy chuẩn trong chế tác mũi khoan đá Hoa Lộc, công năng của mũi khoán đá Hoa Lộc? Đó là những gợi mở khoa học lý thú cần được đi sâu nghiên cứu trong tương lai. Từ tư liệu thăm dò đã gợi mở ra nhiều vấn đề lý thú cần đi sâu nghiên cứu về Văn hóa Hoa Lộc như vấn đề di chỉ xưởng, quy trình chế tác đá và làm gốm tại Hoa Lộc.. Những vấn đề này cần được các nhà quản lý, các nhà khoa học lưu tâm nghiên cứu để làm sâu sắc thêm nhận thức cũng như góp phần vào việc tuyên truyền phát huy giá trị di tích. Đồng chí Nguyễn Xuân Thanh - Phó Giám đốc Sở VHTTDLTH đánh giá cao giá trị mà khai quật thu được đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến bà PGS. TS. Judith Cameron, Viện Khảo cổ học tập trung triển khai có hiệu quả công tác khai quật và nghiên cứu di tích Hoa Lộc. Nguồn Web baotang. Thanhhoa Văn hóa biển Hoa Lộc và mối liên hệ với các văn hóa biển Việt Nam Việt Nam là một trong những quốc gia lập quốc sớm bên Biển Đông. Hình thành, phát triển, mối quan hệ và tính thống nhất của các văn hóa cổ trên vùng biển, đảo với các nền văn hóa vùng ven biển với vùng trung du, đồng bằng châu thổ góp phần vào quá trình tạo dựng văn minh dân tộc và sự đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam. Cùng với châu thổ sông Hồng, nơi quê hương của buổi đầu lịch sử dân tộc, châu thổ sông Mã với Văn hóa Hoa Lộc, Văn hóa Đông Sơn góp phần quan trọng vào quá trình tạo dựng văn hóa, kiến tạo văn minh, hình thành nhà nước Văn Lang. Dấu ấn biển trong Văn hóa Hoa Lộc Văn hóa Hoa Lộc phân bố ở vùng ven biển phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, trung tâm là các xã ven biển Hoa Lộc, Phú Lộc, Hòa Lộc thuộc huyện Hậu Lộc. Đây là văn hóa khảo cổ được nhiều cơ quan nghiên cứu khảo cổ học ở Việt Nam quan tâm. Khai quật với diện tích lớn nhất và có đồng nhất trong khẳng định vị thế của nó trong dòng chảy các văn hóa cổ trên đất nước ta. Thành tựu gần nửa thế kỷ nghiên cứu khẳng định Văn hóa Hoa Lộc là văn hóa khảo cổ tiêu biểu thời đại kim khí ở miền Bắc Việt Nam. Mối liên hệ giữa Văn hóa Hoa Lộc và các văn hóa đồng đại ở miền Bắc nước ta: Phùng Nguyên, Hạ Long, Bàu Tró.. được khẳng định là chìa khóa tìm hiểu con đường phát triển văn hóa và lịch sử tộc người ở buổi đầu dựng nước của dân tộc. Thành tựu quan trọng nhất của Văn hóa Hoa Lộc thể hiện trong kỹ thuật luyện kim đồng, sản xuất nông nghiệp, khai thác hải sản và nghề thủ công. Nét nổi trội văn hóa này là những thành tố mang bản sắc văn hóa biển. Chính môi trường sinh thái biển để lại những dấu ấn sâu đậm về biển cả trong nội hàm của văn hóa này. Yếu tố biển của Văn hóa Hoa Lộc trước hết ở môi trường biển văn hóa này. Căn cứ các vị trí cư trú người Hoa Lộc xưa và dấu vết đường bờ biển, các lạch cận kề, có thể khẳng định chủ nhân Văn hóa Hoa Lộc tồn tại và phát triển trong môi trường sinh thái ven biển. Đến nay, sau hàng ngàn năm "dâu bể", môi trường này có biến đổi "sóng bồi thêm bãi, thuyền thêm bến" (Tố Hữu) nhưng không gian Văn hóa Hoa Lộc vẫn là môi trường ven biển. Thành tố văn hóa biển của Văn hóa Hoa Lộc không chỉ là vấn đề môi trường sinh thái mà quan trọng hơn là những yếu tố của biển để lại dấu ấn đậm nét: Văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của con người cư trú nơi đây mà nổi trội nhất là những mô típ, đồ án, bố cục hoa văn trang trí trên đồ gốm. Người thợ gốm Hoa Lộc chọn những hình ảnh điển hình biển cả như sóng nước, giọt nước, tôm, cá, hải sâm, sò biển, rong biển, lưới đánh cá.. để thể hiện các mô típ hoa văn. Phần lớn hoa văn thể hiện môi trường biển đều thể hiện bằng biện pháp tả thực. Một số mô típ dù mang tính ước lệ, cách điệu nhưng không khó nhận diện đối tượng thể hiện. Các mô típ kết hợp thành các đồ án trang trí bố cục chặt chẽ nhưng thoáng đạt, cởi mở, không gò bó, mang tầm nhìn rộng của cư dân ven biển.. Với nền kinh tế nông nghiệp ổn định, phát triển, làm chủ vùng đất ven biển và việc khai thác có hiệu quả vùng biển tạo điều kiện để chủ nhân Văn hóa Hoa Lộc có mối liên hệ ngày càng rộng mở với các nền văn hóa ven biển và hải đảo ở miền Bắc nước ta. Mối liên hệ với các văn hóa ven biển Việt Nam Thành tựu nghiên cứu về Văn hóa Hoa Lộc trong gần nửa thế kỷ qua khẳng định Văn hóa Hoa Lộc có mối liên hệ với các văn hóa đương đại khác. Tiêu biểu là các văn hóa vùng ven biển như Văn hóa Bàu Tró ở phía Nam và Văn hóa Hạ Long ở phía Bắc. Gian trưng bày di vật Văn hóa Hoa Lộc tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Văn hóa Bàu Tró phân bố ở vùng ven biển thuộc các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Đây là văn hóa thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng. Chủ nhân văn hóa này làm chủ vùng ven biển, phát triển kinh tế nông nghiệp và có quan hệ đa chiều với các văn hóa ở vùng đồng bằng ven biển thuộc châu thổ sông Mã. Vùng biển đảo thuộc Vịnh Hạ Long và vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ thuộc châu thổ sông Hồng. Mối liên hệ giữa Văn hóa Hoa Lộc và Văn hóa Bàu Tró thể hiện ở nhiều lĩnh vực, trong đó nổi trội về tương đồng ở các lĩnh vực như: Sử dụng "cuốc có vai" trong sản xuất nông nghiệp, thói quen không mài nhẵn toàn bộ công cụ và sử dụng nhiều công cụ ghè đẽo ở giai đoạn sớm. Tương đồng này có thể bắt đầu từ đặc điểm môi trường ven biển - thích hợp với việc dùng các loại cuốc đá trong nông nghiệp và thực dụng, chú ý đến hiệu quả hơn là trau chuốt trong chế tạo và sử dụng các công cụ sản xuất bằng đá của cư dân ven biển. Các loại đồ gốm, chủ nhân hai văn hóa này đều có nét chung trong trang trí trên đồ gốm với những cách tạo hoa văn và mô-típ hoa văn giống nhau. Trong chế tạo các loại đồ gốm có tai, các đồ đựng có miệng vuông, các loại đồ trang sức bằng đất nung mà tiêu biểu là loại "khuyên tai hình con đỉa" bằng đất nung rất độc đáo, chỉ có cư dân của hai văn hóa ven biển này sử dụng. Tuy có khác biệt tạo nên những đặc trưng văn hóa riêng nhưng mối quan hệ, tương đồng giữa hai văn hóa này thể hiện khá đậm nét. Văn hóa Hạ Long phân bố ở vùng đất liền biển đảo phía Bắc, trung tâm là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau. Đây là văn hóa mà không gian tồn tại và phát triển gắn liền với vùng biển đảo nhưng có quan hệ chặt chẽ với các văn hóa vùng ven biển và vùng đồng bằng thuộc châu thổ sông Hồng, vùng đất Tổ Hùng Vương. Mối quan hệ giữa Văn hóa Hoa Lộc và Văn hóa Hạ Long thể hiện khá đa dạng: Tồn tại khá phổ biến của "dấu Hạ Long" - di vật đặc trưng Văn hóa Hạ Long (chủ nhân Văn hóa Hoa Lộc có "dấu Hoa Lộc). Sự tương đồng của các loại đồ gốm miệng khum, đồ gốm xốp" kiểu gốm Hạ Long ", đồ gốm có miệng kiểu đa giác cùng hoa văn giọt nước, hình sóng nước. Hoa văn được tạo bằng cách trổ lỗ ở phần chân đồ gốm, hoa văn hình tam giác, hình ô lưới và văn in chấm miệng sò. Tuy có nét khác biệt mang đặc trưng riêng mỗi nền văn hóa nhưng sự gần gũi, tương đồng thể hiện rõ nét chứng tỏ có tiếp biến giữa hai nền văn hóa. Không chỉ các mối liên hệ giữa các văn hóa vùng ven biển và hải đảo với nhau, các văn hóa này còn phát triển liên hệ với văn hóa vùng trung du và châu thổ sông Hồng. Tiêu biểu là Văn hóa Phùng Nguyên trên địa bàn vùng đất trung châu - nơi" các Vua Hùng có công dựng nước. " Sự tiếp biến văn hóa này góp phần làm văn hóa dân tộc từ buổi đầu lập quốc thêm đa dạng. Mối liên hệ, tiếp biến giữa văn hóa vùng ven biển, hải đảo với các văn hóa vùng châu thổ sông Hồng: Cái nôi của văn hóa dân tộc là cơ sở lịch sử cho hình thành các" trầm tích văn hóa ", các huyền thoại về mối quan hệ giữa vùng biển với vùng trung du, miền núi. Sự hòa hợp, thống nhất giữa các bộ tộc trên vùng lãnh thổ tộc người có liên quan đến con đường phát triển và lịch sử trong đầu thời kỳ dựng nước của dân tộc. Nguồn: Web dongdoshow Những bàn dập hoa văn gốm cổ Văn hóa Hoa Lộc Văn hóa Hoa Lộc biết đến đầu tiên là những di tích các bộ lạc sinh tụ trên miền ven biển Bắc Bộ tỉnh Thanh Hóa trong khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ II TCN (4.000 – 3.000 năm cách ngày nay). Người Hoa Lộc sống trong giai đoạn hậu kỳ đồ đá mới và sơ kỳ kim khí. Những di tích phát hiện cho thấy cư dân Hoa Lộc là những người làm nông nghiệp, khai thác thủy sản và săn bắn, nhưng chủ yếu và quan trọng nhất trong nền kinh tế của họ là nông nghiệp. Nghề làm gốm của người Hoa Lộc phát triển với trình độ kỹ thuật cao, có phần trội hơn các nhóm di tích cùng thời và thực sự là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Chất liệu làm gốm là loại đất sét tốt pha cát được nung ở nhiệt độ cao. Số lượng gốm phân bố trong các di chỉ lớn, phong phú về loại hình. Trong cách tạo dáng, bằng những đường nét độc đáo, sự cân xứng đều đặn và phức tạp, cư dân Hoa Lộc sáng tạo ra những loại bát miệng vuông. Những loại bình hình mai rùa, bình có miệng nhiều cạnh và hàng loạt những bình với hình dáng phức tạp khác mà hiện nay nhiều tiêu bản còn chưa định danh được. Để tạo những loại đồ gốm có kiểu dáng tuyệt đẹp như vậy, chắc hẳn người Hoa Lộc xưa phải là những thợ lành nghề, kỹ thuật khéo léo, khiếu thẩm mỹ và tư duy khoa học. Trang trí trên gốm Hoa Lộc thực sự làm ta phải ngạc nhiên bởi những đường nét độc đáo, chứa đựng tinh hoa văn hóa tinh thần của người Hoa Lộc. Đó là dùng những nét khắc hình học thể hiện cái đẹp của thiên nhiên đời sống xung quanh, biểu hiện tâm lý tình cảm và những kiến thức khoa học. Người Hoa Lộc có khả năng khái quát cao và thể hiện bằng những quy luật nhất định. Bằng con đường phát triển này. Có nhiều giả thiết cho rằng người Hoa Lộc tiến sang bước phát triển quan trọng là tạo tiền đề cho sáng tạo mới, đó là hệ thống tín hiệu thứ 2, hay nói cách khác là họ sáng tạo ra thứ" chữ viết "đơn giản nhất và thô sơ nhất. Đó là những dạng hoa văn kỷ hà với nhiều mô típ và đồ án tạo ra bằng cách khắc vạch, in, ấn lõm, đập, trổ thủng, khắc chìm, đắp nổi. Nhưng phổ biến hơn cả là in hình bọ, giọt nước, vẩy cá, khuông nhạc, cánh nhạn, con tôm, vòng tròn chấm giữa, chữ S nằm ngang, bông lúa, sóng nước.. Đặc biệt hơn cả là họ chế tạo ra những con dấu để dập hoa văn bằng đất nung. Những dấu in này thường có mặt phẳng hoặc hơi cong lồi, có núm để cầm, bề mặt có khắc sâu các loại hình hoa văn. Chúng mang những yếu tố trang trí khác nhau. Theo một số nhà nghiên cứu, những con dấu này có thể dùng để in màu trên vải hoặc trên người (tiền thân của tục xăm mình). Những họa tiết không phải chỉ để làm đẹp mà còn mang những ý nghĩa nhất định với nhiều nội dung đầy bí ẩn. Từ phong phú và độc đáo của đồ gốm Hoa Lộc, chúng ta có thể hình dung phần nào về cuộc sống tinh thần của người Hoa Lộc. Trong lịch sử phát triển của người Việt cổ, đồ gốm không chỉ là vật dụng trong cuộc sống thường nhật mà chúng còn được sử dụng trong tế lễ và cả trong việc đưa tiễn người chết sang thế giới bên kia. Những bàn dập hoa văn gốm của Văn hóa Hoa Lộc phản ánh tư duy thẩm mỹ, tinh tế, sáng tạo của cư dân Văn hóa Hoa Lộc, góp phần làm phong phú thêm kho tàng gốm cổ Việt Nam. Nguồn: Web baotanglichsu Nền văn hóa trên dưới 4.000 năm đang bị" lãng quên " Văn hóa Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc là nền văn hóa khảo cổ học thuộc hậu kỳ đá mới, sơ kỳ thời đại đồng thau cách ngày nay khoảng trên dưới 4.000 năm. Nay nền văn hóa này dường như đang bị" lãng quên. " Văn hóa khảo cổ sơ kỳ thời đại đồng thau được gọi theo tên xã Hoa Lộc, nằm cách thị trấn Hậu Lộc khoảng 6km về phía Đông, cách thành phố Thanh Hóa 22km về phía Đông Bắc. Nền văn hóa này được các nhà khảo cổ học phát hiện năm 1973. Từ năm 1976 đến nay, các nhà khảo cổ học đã khai quật 2 lần tại xã Hoa Lộc vào những năm 1974, 1975. Sau những lần khai quật và nghiên cứu, các nhà khảo cổ học phát hiện tại đây nhiều di vật, hiện vật có giá trị. Đặc biệt nhiều vật dụng, công cụ làm bằng gốm như: Đồ trang sức, vòng tay, rìu, đục, cuốc. Những vật dụng đó được các nhà khảo cổ đánh giá về trình độ kỹ thuật đạt đến mức hoàn thiện. Dấu tích đồ gốm, đồ đá, kim loại tại di chỉ khảo cổ học Hoa Lộc góp phần khẳng định đây là một vùng đất cổ. Tồn tại số lượng lớn các loại rìu lưỡi bằng đá và các loại cuốc đá là một trong những đặc trưng riêng của Văn hóa Hoa Lộc. Những hiện vật, di vật đồ gốm tìm thấy ở đây được chế tạo với kỹ thuật cao, trang trí nhiều hoa văn đặc sắc, tinh xảo cho thấy đầu óc sáng tạo và bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ gốm Hoa Lộc xưa. Khu đất đó có tên gọi là cồn sau chợ, nằm trên địa bàn thôn 7, xã Hoa Lộc, Hậu Lộc, là cồn cát khá cao và rất rộng, nơi được coi là tồn tại nền Văn hóa Hoa Lộc 4000 năm. Chúng tôi không thể ngờ khu vực mà nơi đây nhiều đoàn khảo cổ, các nhà nghiên cứu đồ cổ đã tìm thấy rất nhiều các hiện vật có giá trị. Giờ đây chỉ là bãi đất trống, chăn thả gia súc, nhiều hộ dân thấy hoang phí đã tận dụng trồng màu. Ông Phạm Văn Hùng ở thôn 7, xã Hoa Lộc, người từng chứng kiến 2 lần khai quật khảo cổ học trước kia cho biết: " Sau khi đoàn khảo cổ học khai quật tại Hoa Lộc xong, nhiều đối tượng tìm đến đây dùng máy dò, đào bới và lấy nhiều hiện vật cổ có giá trị. Mới đây, năm trước còn có một người Trung Quốc qua đây lấy các mẫu gốm vụn về tìm hiểu. Hiện nay, người dân đi làm vẫn nhặt được những mảnh công cụ thậm chí là những lưỡi rìu, bình hoa làm từ gốm còn tương đối nguyên vẹn. " Theo ông Hùng thì trước đây cồn sau chợ có diện tích khá rộng lớn nhưng trải qua thời gian đến hiện tại, diện tích cồn sau chợ chỉ còn khoảng gần 1ha. Tìm đến khu vực cồn sau chợ, thật ngạc nhiên khi chỉ cần cào nhẹ lớp đất xốp cũng thấy vương những mảnh gốm vụn, kết quả của những lần khai quật còn sót lại. Gom những mảnh gốm này lại mang đi rửa và quan sát, chúng tôi thấy nhiều mảnh gốm có những hoa văn đẹp được các nghệ nhân ngày xưa chạm khắc một cách khéo léo và tinh xảo. Một người đang làm mầu khu vực trên cho biết: " Từ khi còn đi học tôi được biết đến di chỉ của quê mình trên sách giáo khoa. Nhưng không biết tại sao không được các cấp chính quyền quan tâm hay bảo vệ, lâu dần rồi người dân cũng chẳng để ý đây là mảnh đất của một nền văn hóa lâu đời. " Nằm trong quần thể Văn hóa Hoa Lộc như di chỉ Mã Hờ, thuộc địa phận thôn 5, thôn 6; Nghênh Môn thời Lý, thuộc thôn 7. Nhưng chỉ duy nhất khu di tích Nghênh Môn thời Lý được chính quyền địa phương gìn giữ và bảo tồn. Thực tế cho thấy dường như chính quyền địa phương không quan tâm hay có ý kiến gì về việc bảo vệ khu đất được coi là xứ sở của Văn hóa Hoa Lộc này. Di chỉ Mã Hờ bị dùng làm nơi xây trường học, khu tập thể cho giáo viên ở. Cồn sau chợ làm nơi chăn thả gia súc, nơi người dân trồng màu. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Công An, Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc xã Hoa Lộc cho biết: " Vì địa phương không có kinh phí nên bảo tồn toàn bộ quần thể Văn hóa Hoa Lộc rất khó khăn, trong khi đó một số nơi hiện nay được xây dựng các khu trường học và nhà ở cho các hộ dân cư sinh sống. Hiện tại, địa phương đang quan tâm bảo tồn và gìn giữ di tích lịch sử Nghênh Môn thời Lý, cũng là di tích nằm trong Văn hóa Hoa Lộc. " Thiết nghĩ bảo vệ Khu Di tích Khảo cổ Quần thể Văn hóa Hoa Lộc đang là vấn đề cấp bách, nhằm giúp cho việc nghiên cứu về một nền văn hóa đã tồn tại suốt 4000 năm, rất mong các cấp các ngành chức năng quan tâm thực hiện. Nguyễn Thùy - Duy Tuyên Nguồn Dantri Nghè cổ Yên Trung trên nền Văn hóa Hoa Lộc (Baothanhhoa.vn) - Nghè cổ Yên Trung tọa lạc tại làng Yên Trung (xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc). Một mảnh đất thấm đẫm giá trị văn hóa – lịch sử, khảo cổ nằm trong không gian Văn hóa Hoa Lộc. Theo hồ sơ lịch sử nghè Yên Trung do Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa khảo cứu: " Đầu thời đại kim khí trong lưu vực sông Hồng, Văn hóa Phùng Nguyên phân bố rộng trên địa bàn các tỉnh: Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình, Bắc Ninh và TP Hải Phòng. Cùng thời với Văn hóa Phùng Nguyên, con người cũng có mặt ở hầu hết các miền của Thanh Hóa. " Nếu ở khu vực miền núi xứ Thanh, các nhà khảo cổ thấy trong các hang động Thẩm Hai và Thẩm Tiên thuộc các dãy núi đá vôi: Huyện Thường Xuân dấu vết định cư lâu dài của con người thời kỳ này với khả năng chế tác đồ gốm và đồ đá giỏi thì ở vùng ven biển, một nhóm cư dân khác tiến vào thời đại đồ đồng và tạo Văn hóa Hoa Lộc nổi tiếng. Văn hóa Hoa Lộc là văn hóa khảo cổ lấy tên từ địa điểm phát hiện đầu tiên ở xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc. Trên nền văn hóa đặc sắc ấy, nghè cổ Yên Trung tồn tại và chứng kiến biết bao đổi thay, thăng trầm của lịch sử. Tuy có những thời điểm, nghè cổ Yên Trung tưởng như không còn hiện diện trong đời sống tâm linh – tinh thần của người dân nơi đây nhưng cùng với chảy trôi của thời gian, nó vẫn tồn tại trong mạch nguồn Văn hóa Hoa Lộc với diện mạo ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn. Theo sách Thanh Hóa chư thần lục – sách của Bộ Lễ triều Nguyễn biên soạn thời vua Thành Thái thứ 15 (1903) có ghi chép về các vị Dương thần và Âm thần thờ ở địa hạt tỉnh Thanh Hóa cho biết: Xã Yên Trung, tổng Liên Cừ, huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung (nay là xóm Yên Trường, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc) là 1 trong 5 nơi thờ tự Lý triều Hoàng Thái Hậu Tôn Thần, còn gọi là Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Các tài liệu sưu tầm tại làng Yên Trung: " Thánh bà Hoàng Cảm Linh Nhân ", sắc phong" Hoàng Thái Hậu Tối Linh Đại Vương "đều có sự thống nhất với nhau về vị thần được thờ tại nghè Yên Trung. Nhắc tới Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, lịch sử ghi về bà như mẫu nghi tài đức vẹn toàn, có công phò vua, giúp nước, an dân. Các tư liệu lịch sử (chính sử, thần phả, sắc phong, truyền thuyết dân gian.) kể: " Lý Thánh tông ở ngôi (1054-1072), "đáng gọi là bậc vua tốt" nhưng ở tuổi 40 vẫn chưa có con trai nối dõi. Năm Quý Mão (1063), bấy giờ vua xuân thu đã nhiều nên sai Chi Hậu Nội Nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Ít lâu sau, Ỷ Lan có mang, sinh thái tử Càn Đức. Lý Thánh tông mất, Càn Đức lên ngôi vua trước linh cữu Tiên Đế, đổi niên hiệu là Thái Ninh năm thứ nhất (1072). Bấy giờ, vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan Nguyên Phi làm Hoàng Thái Phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương Thái Hậu làm Hoàng Thái Hậu, cho phép được buông rèm cùng nghe chính sự. Thái Sư Lý Đạo Thành giúp triều chính. 1073, Dương Thái Hậu mất, Hoàng Thái Phi Ỷ Lan chính thức được tôn phong Hoàng Thái Hậu. Thời gian buông rèm nhiếp chính, Ỷ Lan thi hành nhiều chính sách thân dân, lưu tâm đến thân phận người nghèo, khuyến khích nông nghiệp phát triển. Năm Long Phù thứ 3 (1103), thái hậu cho phát tiền ở kho Nội Phủ để chuộc những người con gái nhà nghèo phải bán đi ở đem gả cho những người góa vợ. Thái hậu có công dìu dắt, dạy dỗ Lý Nhân Tông thành vua tốt. Bà từng khuyên vị vua trẻ: "Gần đây ở kinh thành, hương ấp có nhiều người trốn tránh, lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà phải chịu cảnh cày chung một con trâu. Trước đây, ta từng nói đến việc ấy, nhà nước đã có lệnh cấm. Thế mà nay việc giết trâu lại nhiều hơn trước." Nghe lời khuyên, năm 1117, Lý Nhân tông xuống chiếu định rõ lệ cấm giết trâu, áp dụng hình phạt nghiêm khắc, nhờ đó mà dân yên ổn làm ăn, kinh tế nông nghiệp phát triển. Mùa thu năm Hợi, Hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117), ngày 25, Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu băng hà. Vua cho hỏa táng, tôn dâng tên thụy Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu, táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức (nay là đất huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Do công đức của bà nên dân trong nước nhiều nơi ngưỡng mộ, tôn bà làm thành hoàng làng với ước mong được bà che chở, bảo ban để cuộc sống được yên bình, no ấm. Bà được dân cả nước tôn làm "Lý đại mẫu nghi" (Mẫu mực đức mẹ đời Lý). Truyền thuyết tại làng Yên Trung còn cho biết thêm: 25-7-1117, Ỷ Lan đang cùng dân cày cấy ở Ba Đồn thì có 3 ông hàng dầu đi qua nhìn thấy trên đầu bà có lọng che, có long chầu hổ phục liền gọi: "Bà ơi, trên đầu bà có lọng che, long chầu hổ phục. Bà về mà làm thần đi." Bà trả lời: "Tôi đi làm thần, ba ông làm bộ hạ." Thế là dông gió nổi lên cuồn cuộn, mưa to, sấm nổ vang rền, bà về đền Hoành để lại giỏ đeo bên mình. Chiếc giỏ lập tức biến thành ao to với hình dáng tương tự. Nơi đó về sau gọi là đầm Giỏ. Bà thổ ba giọt huyết, gió đến rước bà về miếu Nhị (nay thuộc xã Liên Lộc) ; rước bà về nghè làng Quan Trung (nay làng Yên Trung) thì hóa. 12-12-1118 (năm Bính Tuất), Lý Nhân Tông về phủ Thanh Hóa, đến làng Quan Trung cho xây đền thờ bà, chính là nghè cổ Yên Trung linh thiêng đồn khắp các miền. Nhiều nơi trong nước lập đền thờ bà để tưởng nhớ công lao và tỏ lòng tiếc thương đối với Hoàng Thái Hậu. Đối với làng Yên Trung, hằng năm, dân làng mở hội tế ngày mất bà, 3 năm lại cho tổ chức một hội lớn có nghi thức rước nước (rước kiệu chở thần vị từ nghè ra sông De chứng giám hội đua thuyền xong lại rước về). Nghè cổ Yên Trung, ngoài thờ chính Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu còn thờ thêm: Thái Úy Lý Thường Kiệt, Thái Sư Lý Đạo Thành, Đô Đốc Lý Kế Nguyên và nhị vị hoàng tử: Lý Hoằng Chân, Lý Chiêu Văn; nhị vị công chúa: Bình Dương – hiệu Bạch Hoa, Thiên Thành hiệu Đào Hoa. Trong ký ức dân địa phương, nghè cổ Yên Trung không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, để cháu con tỏ lòng thành kính trước bậc mẫu nghi hiền đức mà trên hết, nơi đây còn là nơi lưu lại những dấu ấn trong sự hình thành và phát triển của làng. 1964, để phục vụ vào mục đích xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương như xây: Trường học, trạm xá và các công trình công cộng khác, người làng Yên Trung phải chấp nhận tháo dỡ nghè cổ này để lấy vật liệu. Nghè gần như thành phế tích. Các đồ thờ tự như ngai thờ, bài vị, hương án, sắc phong, thần tích cùng những đồ lễ khác không có điều kiện bảo quản nên bị mất mát, thất lạc nhiều. Tuy nhiên, căn cứ những dấu vết còn lại như chân tảng, đá lăn giai.. cũng như lời kể của các cụ cao niên trong làng, nghè Yên Trung trước đây có quy mô lớn. Tổng thể công trình có nghi môn nội, ngoại, nghè chính, nhà giải vũ. Riêng nghè chính có cấu trúc gồm ba cung thờ có hình dáng mái cong, vì kèo làm bằng gỗ lim theo kiểu chồng rường kẻ bẩy. Bài trí đồ thờ trong nghè quy định theo điển lễ. Gian giữa là nơi thờ Lý triều Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, các gian bên thờ các quan đại thần là Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Lý Kế Nguyên, các vị hoàng tử và công chúa. Trong nghè thờ còn có hệ thống các đồ thờ như bát biểu, ngựa thờ, hệ thống câu đối, đại tự ca ngợi Đức Hoàng Thái Hậu triều Lý.. Một thời gian dài, nghè Yên Trung gần như chỉ còn tồn tại trong ký ức, trong tiếc nuối và khát khao nghè được khôi phục lại của người dân. Chính từ những tâm huyết, nhiệt thành mà cháu con từ đời này qua đời khác vẫn luôn ấp ủ; cùng với đi lên về mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần, nghè cổ Yên Trung từ phế tích đã được khôi phục lại khang trang, đẹp đẽ. Đầu năm 2018, lễ khánh thành được UBND xã Hoa Lộc tổ chức trong niềm vui, niềm phấn khởi xen lẫn tự hào của người dân. Nghè có tổng diện tích là 2.341m2, xây hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa với tổng giá trị công trình lên tới gần 16 tỷ đồng. Ông Phạm Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Lộc chia sẻ: "Công trình nghè Yên Trung hoàn thành góp phần khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời tại địa phương. Tô đẹp thêm ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với văn hóa tâm linh theo truyền thống. Thể hiện tinh thần đoàn kết mang tính cố kết cộng đồng vốn thành sức mạnh không dễ gì lay chuyển được của cư dân làng xã Việt. Đồng thời là cơ sở, nền tảng để tiếp tục" xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"đúng như tinh thần Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) của Đảng đã đề ra. Nguồn: Web baothanhhoa Còn tiếp
Bàn đập công cụ làm gốm Hoa Lộc thuộc di chỉ Cồn Chân Tiên. LỊCH SỬ THANH HÓA I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH 1. Thanh Hóa trong thời kỳ các Vua Hùng dựng nước. "Lịch sử Thanh Hóa" Đầu thời đại đồng thau, ở đồng bằng Bắc Bộ, Văn hóa Phùng Nguyên phân bố trên vùng rộng lớn từ các tỉnh Vĩnh Yên, Phú Thọ, Hà Tây, Hải Phòng, Hà Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Ở Thanh Hóa, các bộ lạc nguyên thuỷ cũng có mặt trên địa bàn rất rộng: Từ miền núi đến đồng bằng, ven biển. Ở miền núi: Người thời đại đồng thau để lại dấu vết trong các hang động Thẩm Hai và Thẩm Tiên (thuộc huyện Thường Xuân). Trong tầng văn hóa dày từ 20 - 30cm, các nhà khảo cổ học tìm thấy nhiều rìu, đục bằng đá được mài nhẵn. Đồ gốm thu được ở đây không nhiều nhưng thể hiện trình độ chế tác rất độc đáo: Gốm thường có miệng loe dày, vai xuôi, có loại có chân đế. Hoa văn trang trí rất đa dạng nhưng chủ yếu bằng kỹ thuật khắc vạch với những đường song song hoặc cắt nhau chạy thành từng băng quanh thân. Trong tầng văn hóa cũng tìm thấy cả vỏ ốc suối. Với phát triển của kỹ thuật chế tác đồ gốm, cư trú trên địa bàn xung quanh các thung lũng bằng phẳng, những cư dân thuộc nhóm di tích Thường Xuân là những người làm nông nghiệp. Ở miền biển: Trong khi các bộ lạc miền núi Thường Xuân sản xuất nông nghiệp và phát triển nghề làm gốm, thì ở vùng biển, một nhóm các bộ lạc khác biết đến kim loại. Di chỉ tiêu biểu là Hoa Lộc (xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc) được khai quật lớn năm 1974 và 1975. Vì vậy nền văn hóa khảo cổ ở đây được đặt tên Văn hóa Hoa Lộc. Cư dân Văn hóa Hoa Lộc sống gần bờ biển. Tại các di chỉ thuộc văn hóa này phát hiện nhiều chì lưới bên cạnh xương răng các loài cá biển, cá nước ngọt, chứng tỏ đánh cá là nghề quan trọng của họ. Tìm thấy ở đây xương răng các loài động vật được thuần dưỡng như trâu, bò, chó, lợn, và thú rừng như hươu, nai, hoẵng, lợn rừng, tê giác v. V.. Rõ ràng chủ nhân Văn hóa Hoa Lộc còn là những người chăn nuôi và săn bắn giỏi. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, các bộ lạc Văn hóa Hoa Lộc có nền nông nghiệp dùng cuốc phát triển. Di chỉ Hoa Lộc (còn gọi cồn sau chợ) tìm thấy số lượng rất lớn cuốc đá có vai hoặc hình tứ giác (61 chiếc). Ở di chỉ Phú Lộc (còn có tên Cồn Nghè) tìm thấy tới 80 cái. Rìu và bôn có vai mài nhẵn toàn thân, có hình dáng cân đối cũng là loại nông cụ tìm thấy khá nhiều ở Văn hóa Hoa Lộc. Nhưng rõ ràng nhất là tại di tích Bái Cù, các nhà khảo cổ học tìm thấy nhiều vết tích vỏ trấu. Đây là trấu giống lúa nước. Chủ nhân Văn hóa Hoa Lộc là những người làm gốm giỏi, đồ gốm của họ rất độc đáo cả về hình dáng lẫn hoa văn trang trí. Họ tạo được những cái bình có vai gãy, miệng gập vào trong. Có cả loại có miệng hình nhiều cạnh mà các nơi khác rất hiếm gặp. Hoa văn trên đồ gốm Hoa Lộc rất đẹp và phong phú: Người ta thống kê 18 đồ án hoa văn khác nhau trên đồ gốm Hoa Lộc, đặc trưng và độc đáo nhất là hoa văn hình bọ gậy được tạo bằng cách ẩn miệng vỏ sò biển lên thân gốm khi còn ướt. Một đặc điểm quan trọng khác của Văn hóa Hoa Lộc là xuất hiện rất nhiều những con dấu bằng đất nung. Các con dấu này có hình chữ nhật hoặc gần tròn, thường được thợ gốm khắc những chữ "S" hoặc những hoa văn nối tiếp nhau với nét khắc rất sâu. Các nhà nghiên cứu cho rằng công dụng của những con dấu này có lẽ dùng để in hoa văn lên vải hơn là để tạo hoa văn trên đồ gốm. Tại Hoa Lộc còn tìm thấy những hộp đất nung hình chữ nhật, có hai ngăn, công dụng đến nay vẫn còn tranh cãi. Điều quan trọng là phát hiện được dấu vết đồng trong Văn hóa Hoa Lộc, đó có thể là những mẩu dây hoặc dùi đồng bị rỉ nát. Trong tương quan với các nền văn hóa cùng thời, các nhà nghiên cứu nhận thấy xuất hiện giao lưu giữa các bộ lạc Văn hóa Hoa Lộc với chủ nhân các nền văn hóa khác. Ở phía Bắc, hoa văn in mép vỏ sò đặc trưng Văn hóa Hoa Lộc tìm thấy ở Sập Việt, Bản Gièm (Sơn La). Nhiều mảnh gốm kiểu Hoa Lộc tìm thấy ở Gò Mả Đống (Ba Vì - Hà Nội), núi Lê (Ninh Bình), đồi Ghệ, đồi Giạ (Vĩnh Phú cũ). Ở phía Nam, phong cách trang trí và đồ án hoa văn hình chữ S in bằng miệng vỏ sò thấy xuất hiện ở Pò Cung (Quỳ Hợp - Nghệ An). Căn cứ những thành tựu trong kỹ thuật chế tác các loại công cụ, trong các ngành kinh tế sản xuất và phân bố các di chỉ trên vùng rộng lớn, có thể thấy mật độ cư dân trong Văn hóa Hoa Lộc đã khá cao. Chủ nhân Văn hóa Hoa Lộc hẳn có cuộc sống tinh thần khá phong phú: Chỉ có những bộ óc phóng khoáng với những bàn tay khéo léo mới có thể tạo nên những kiểu dáng và hoa văn trên đồ gốm phong phú đến vậy. Sự phát triển mạnh mẽ của nghề đánh cá biển và kỹ thuật chế tác kim loại ra đời có thể góp phần quan trọng xác lập chế độ công xã thị tộc phụ quyền trong đời sống xã hội Văn hóa Hoa Lộc. Vùng đồng bằng sông Mã: Khi các bộ lạc ở miền núi, miền biển Thanh Hóa bước vào thời đại đồng thau cách đây khoảng 4.000 năm thì vùng đồng bằng ven đôi bờ sông Mã, cư dân các bộ lạc ở di chỉ Cồn Chân Tiên bước vào sơ kỳ thời đại đồng thau. Cùng thời di chỉ này, ven đôi bờ sông Mã còn phát hiện các di chỉ núi Chàn (ở sườn tây núi Đọ), khe Tiên Nông (sườn Tây Bắc núi Nuông). Kết quả khai quật và nghiên cứu các di chỉ này được nhiều nhà nghiên cứu xác định là giai đoạn sớm nhất thời đại đồng thau ven sông Mã, cốt lõi mở đầu trong quá trình hình thành bộ Cửu Chân trong nước Văn Lang. Những công cụ bằng đá ở Cồn Chân Tiên cho thấy cư dân giai đoạn này đạt tới trình độ kỹ thuật chế tác đá rất cao. Họ sử dụng đá bazan khai thác ở núi Đọ. Họ sử dụng kỹ thuật ghè để tạo phác vật, sau đó ghè tu chỉnh và tiến hành mài đá. Họ dùng hai loại bàn mài để mài phá và mài trau (loại đá có kết cấu hạt to dùng mài phá, loại mài trau có kết cấu hạt mịn). Bàn mài của họ đôi khi dùng cả bốn mặt, có loại có rãnh chắc dùng để mài đồ trang sức. Rìu đá ở Cồn Chân Tiên chủ yếu là rìu lưỡi cân, cạnh đó còn có loại lưỡi mài vát một bên có tiết diện hình chữ V lệch (thường được gọi là bôn). Đặc biệt ở đây tìm thấy những rìu và bôn có hình dáng nhỏ nhắn và rất xinh bằng đá ngọc, lưỡi rất sắc bén. Tìm thấy nhiều vòng trang sức bằng đá, cư dân Cồn Chân Tiên chế tác công cụ ngay tại nơi cư trú. Di chỉ Cồn Chân Tiên có tầng văn hóa tương đối dày, chứng tỏ con người định cư ở đây khá lâu dài. Đồng bằng ven sông Mã là địa bàn khai thác nghề trồng lúa nước của họ. Địa bàn cư trú ấy với điều kiện trình độ chế tác công cụ phát triển đưa sản xuất nông nghiệp lên vị trí hàng đầu trong nền kinh tế cư dân Cồn Chân Tiên. Như cư dân Văn hóa Phùng Nguyên, Hoa Lộc, các bộ lạc nguyên thuỷ đôi bờ sông Mã đang dần chuyển sang chế độ công xã thị tộc phụ quyền và điều quan trọng hơn cả, khi đối chiếu, so sánh với kết quả nghiên cứu các giai đoạn phát triển sau này ở các di chỉ khảo cổ học khu vực: Đồng bằng sông Mã, sông Chu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cư dân các bộ lạc: Cồn Chân Tiên là nhóm đóng vai trò chủ đạo trong quá trình hình thành bộ Cửu Chân trong nước Văn Lang của các Vua Hùng. 2. Thanh Hóa trong trung kỳ thời đại đồng thau: Giai đoạn Đông Khối Di chỉ khảo cổ học Đông Khối thuộc làng Đông Khối, xã Đông Cương (Đông Sơn), khai quật năm 1960. Gần đây, nhờ kết quả khai quật và nghiên cứu các di chỉ khảo cổ thời đại đồng thau ven đôi bờ sông Mã. Các nhà nghiên cứu xác định Đông Khối là di chỉ tiêu biểu cho giai đoạn phát triển tiếp theo giai đoạn Cồn Chân Tiên ở lưu vực sông Mã, có niên đại trung kỳ thời đại đồng thau tương đương với giai đoạn Đồng Đậu ở đồng bằng Bắc Bộ. Thuộc giai đoạn này còn có di chỉ Bái Man, lớp dưới di chỉ Cồn Cấu (xã Đông Lĩnh) và lớp dưới di chỉ Đồng Ngầm (xã Đông Tiến) huyện Đông Sơn. Điểm đáng chú ý đầu tiên là kỹ thuật chế tác công cụ đá của cư dân các bộ lạc giai đoạn này đã không chỉ kế thừa trực tiếp kỹ thuật của cư dân Cồn Chân Tiên. Họ còn đưa nghề chế tác đá phát triển thành kỹ nghệ, đạt tới đỉnh điểm trong thời tiền sử và sơ sử xứ Thanh. Tại di chỉ Đông Khối, nay vẫn còn rất nhiều những phác vật, phế vật, mảnh tước v. V.. có chỗ chất đầy, ken dày trên những bờ ruộng, cánh đồng sát chân núi Voi, rộng hàng chục ha. Điều này cho thấy hẳn xưa kia, khoảng 3.000 năm trước đây, Đông Khối là trung tâm chế tác công cụ đá rất phong phú và nhộn nhịp. Trong bộ sưu tập công cụ bằng đá ở Đông Khối, rìu và bôn tứ giác có tiết diện hình chữ nhật hoặc vuông chiếm ưu thế tuyệt đối. Hình dáng chúng khá phong phú: Rìu có loại hình thang vuông, hình chữ nhật. Bôn cũng có hai loại: Loại lưỡi mỏng (chỉ độ 1cm) và loại lưỡi rất dày, có mặt cắt hình gần vuông, vì vậy có người gọi là búa rìu (loại này chiếm tỉ lệ 22 - 33% ở các di chỉ). Nghiên cứu những dấu vết vật chất và bộ di vật, các nhà khảo cổ học cho rằng cư dân các bộ lạc thuộc giai đoạn Đông Khối có trình độ phát triển tương đương giai đoạn Đồng Đậu ở lưu vực sông Hồng. Nền kinh tế sản xuất nông nghiệp của người Đông Khối có bước phát triển mới: Bên cạnh trồng trọt các loại cây cho củ, quả, lúa được trồng nhiều hơn, đặc biệt là lúa nếp. Tại Đồng Ngầm, Bái Man phát hiện được nhiều mẫu trấu của lúa dạng hạt tròn. Phát triển mạnh các nghề thủ công làm gốm, chế tác công cụ đá, những dấu tích của lúa, gạo v. V.. cho thấy người Đông Khối đạt trình độ khá cao trong đời sống kinh tế, xã hội. 3. Thanh Hóa thời Bắc thuộc Năm 179 TCN, nước Âu Lạc của vua Thục bị quan lại nhà Tần là Triệu Đà xâm lược. Lãnh thổ và cư dân quốc gia Văn Lang - Âu Lạc thời các Vua Hùng, vua Thục trong đó có Cửu Chân bị thôn tính, sát nhập vào Nam Việt. Năm 111 TCN, nhà Hán chinh phục Nam Việt và chia thành 9 quận, trong đó nước Âu Lạc cũ trở thành 2 quận là Giao Chỉ và Cửu Chân, vùng đất Thanh Hóa nằm gọn trong quận Cửu Chân. Trải hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc, qua các triều đại Hán - Tam Quốc, Lưỡng Tấn - Tiền Tống - Tề - Lương - Tùy - Đường, địa danh miền đất này cũng bao lần thay đổi theo thăng trầm lịch sử. Cùng số phận chung cả nước, dân Cửu Chân chịu lầm than cơ cực dưới ách đô hộ của ngoại bang. II. LỊCH SỬ CON NGƯỜI 1. Thời đồ đá cũ Các dấu vết người nguyên thuỷ - người vượn sớm nhất ở Việt Nam, lần đầu phát hiện năm 1960 tại núi Ðọ, Thanh Hóa. Do đặc trưng điển hình của hệ thống di tích này, các nhà khảo cổ học cho rằng tồn tại nền văn hóa sơ kỳ thời đại đồ đá cũ: Văn hóa núi Ðọ. Văn hóa núi Ðọ bao gồm hệ thống các di tích sơ kỳ thời đồ đá cũ được phát hiện ở Thanh Hóa: Núi Ðọ, núi Nuông, Quan Yên I, núi Nổ. 1.1. Văn hóa núi Đọ Nằm trong địa phận hai xã Thiệu Tân và Thiệu Khánh huyện Thiệu Hóa (nay thuộc thành phố Thanh Hóa). Ðây là hòn núi cao 160m, nằm bên hữu ngạn sông Chu. Người vượn nguyên thuỷ sinh sống ở đây, ghè vỡ đá núi để chế tác công cụ. Những công cụ bằng đá mang dấu ấn chế tác bởi bàn tay của họ như mảnh tước, hạch đá, rìu tay.. đã phát hiện ở núi Ðọ khá nhiều. Ngày nay, trên sườn núi Ðọ, hàng vạn mảnh tước (mảnh ghè khi người nguyên thuỷ chế tác công cụ) vẫn còn nằm rải rác, nhất là sườn phía Ðông và phía Tây Nam. 1.2. Núi Quan Yên Trên núi Quan Yên, tại địa điểm Quan Yên I (bên sườn Ðông - Ðông Nam), thuộc xã Ðịnh Công, huyện Yên Ðịnh, năm 1978 các nhà khảo cổ phát hiện những vết tích con người sơ kỳ thời đồ đá cũ. So với núi Ðọ, núi Nuông, mật độ và số lượng hiện vật thu được có ít hơn. Nhưng kỹ thuật chế tác các loại hình công cụ ở đây cao hơn, gọi là kỹ thuật của loài vượn sơ kỳ thời đồ đá cũ, đồng thời đây cũng là loại hình di chỉ - xưởng. Căn cứ trình độ kỹ thuật chế tác công cụ, địa hình cư trú và dựa vào những thành tựu mới nhất của các ngành khoa học, các nhà khoa học cho rằng: Người vượn nguyên thuỷ Văn hóa núi Ðọ là những người vượn đứng thẳng phát triển. Họ sống thành từng bầy, có thủ lĩnh bầy, mỗi bầy bao gồm từ 5-7 gia đình, có khoảng 20 - 30 người. Họ kiếm thức ăn chủ yếu bằng phương thức săn bắn và hái lượm theo bầy đàn người vượn và phân phối sản phẩm công bằng. Ðời sống tinh thần của họ khá phong phú: Ngoài giờ kiếm ăn, có thể có những trò giải trí trong lúc rỗi rãi. 1.3. Hậu kỳ thời đại đồ đá cũ - Văn hóa Sơn Vi Tại Thanh Hóa, các bộ lạc chủ nhân Văn hóa Sơn Vi, theo tình hình hiểu biết hiện nay sinh sống trên địa bàn rộng lớn ở vùng núi phía Tây và Tây Bắc của tỉnh. Dấu vết của họ đã tìm thấy ở các huyện Cẩm Thuỷ, Thạch Thành, Hà Trung, Bá Thước và nhất là cụm di tích ở xã Hạ Trung (Bá Thước). - Mái Đá Ðiều: Ðây là di tích phát hiện năm 1984 (thuộc xã Hạ Trung, huyện Bá Thước), chỉ trong 4m2 hố thám sát thu được hơn 300 hiện vật thuộc thời đại đồ đá cũ. 1986-1989, do tầm quan trọng di tích này, các nhà khảo cổ học Việt Nam hợp tác với các nhà khảo cổ học Bulgaria tiến hành khai quật 3 lần. Kết quả thu hàng ngàn hiện vật đá gồm công cụ kiểu Văn hóa Sơn Vi, bàn nghiền.. và nhiều nhất là mảnh tước, với bốn công cụ bằng xương thú. Ðặc biệt, tại đây tìm thấy 10 mộ cổ, trong đó có mộ song táng, có hai bộ xương chớm hóa thạch còn tương đối nguyên vẹn mà chưa nơi nào ở Việt Nam phát hiện được di cốt nguyên vẹn như thế trong Văn hóa Sơn Vi. Người vượn sinh sống ở Hang Mái Đá Ðiều, các cư dân nguyên thuỷ sống trong các hang: Thung Khú (thuộc làng Man), hang Ma Xá, mái đá nước hang Anh Rồ, tạo thành cụm di tích có niên đại từ hậu kỳ đá cũ đến Văn hóa Hòa Bình, thuộc xã Hạ Trung huyện Bá Thước. Năm 1989, các hang Lang Chánh I, II, III, (thuộc xã Lâm Sa, huyện Bá Thước), được các nhà khảo cổ học Việt Nam hợp tác với các nhà khoa học Mỹ tiến hành khai quật và nghiên cứu. Hiện vật phát hiện ở các di chỉ này chủ yếu là công cụ bằng đá gồm các loại: Mảnh tước đã tu chỉnh, rìu ngắn, công cụ 1/4 viên cuội, công cụ có rìa lưỡi ngang.. được xác định là công cụ của chủ nhân Văn hóa Sơn Vi muộn, kéo dài đến Văn hóa Hòa Bình. - Hang Con Moong: Ðáng chú ý nhất là hang Con Moong - một di tích nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương - thuộc xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Di tích này khai quật 1976. Tại đây, người vượn nguyên thuỷ Thanh Hóa sinh sống từ hậu kỳ thời đại đồ đá cũ đến thời đại đồ đá mới. Tầng văn hóa ở Con Moong dầy 3, 5m với sự tiếp diễn liên tục, không hề có ngắt quãng. Tại lớp văn hóa sớm nhất (dưới cùng) ở Con Moong (xác định niên đại bằng phương pháp cacbon phóng xạ C14 cách ngày nay hơn 12.000 năm) các nhà khảo cổ học thu được nhiều hiện vật. Ðó là những công cụ bằng đá có hình múi cam, công cụ có rìa lưỡi một đầu, công cụ 1/4 viên cuội, tạo bằng thủ pháp đập vỡ cuội. Ðó là những chày nghiền, bàn nghiền - những hòn đá không có dấu vết chế tác, chỉ có dấu vết sử dụng bởi một mặt lõm xuống hình lòng máng, dùng để chà vỏ, nghiền thức ăn thực vật, là những công cụ bằng xương có hình mũi nhọn được tạo từ những đoạn xương ống của các loài thú lớn. Xương, răng động vật phát hiện khá nhiều, gồm xương cốt các loài lửng, tê giác, voi, hươu, nai, hoẵng, baba, rùa vàng.. Giống Mái Đá Ðiều, tầng văn hóa ở Con Moong chứa khá nhiều vỏ trai, ốc núi, ốc suối. Trong lớp Văn hóa Sơn Vi ở Con Moong, tìm thấy dấu vết bếp lửa có hình gần tròn, đường kính tới 4m, bên cạnh mùn thực vật và hạt trám. Trong lớp Văn hóa Sơn Vi ở Con Moong, phát hiện 3 mộ táng gồm 5 cá thể (có 2 mộ song táng) xác định 1 nam, 1 nữ (khoảng 50 - 60 tuổi), 2 trẻ em và 1 người không xác định được giới tính. Tất cả các hài cốt chôn theo tư thế nằm nghiêng co bó gối, được bôi thổ hoàng, có mộ chôn theo công cụ nạo. Như vậy, hậu kỳ thời đại đồ đá cũ, cùng Văn hóa Sơn Vi ở phía Bắc, chủ nhân Văn hóa Sơn Vi Thanh Hóa cư trú trên vùng rộng lớn phía Bắc, Tây Bắc của tỉnh và tương đối tập trung. Theo những phát hiện mới nhất của khảo cổ học, vùng Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Thạch Thành trong hậu kỳ thời đại đồ đá cũ có thể được coi là trung tâm của xứ Thanh nay. Trong thời đại đồ đá cũ, cư dân nguyên thuỷ sinh sống trên địa bàn Thanh Hóa. Trong hàng chục vạn năm ấy, do điều kiện địa lý, do quá trình kiến tạo địa chất, nhiều đợt biển tiến, biển lùi đã đẩy người vượn nguyên thuỷ văn hóa núi Ðọ tiến lên chiếm lĩnh vùng phía Tây - Tây bắc. Những chủ nhân Văn hóa Sơn Vi ở Thanh Hóa cùng các bộ lạc khác trên đất nước Việt Nam, trong quá trình đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên để sinh tồn. Tạo nền văn hóa mới, làm phong phú thêm thời đại đồ đá mới ở Việt Nam. Ðó là quá trình phát triển của xã hội người nguyên thuỷ trên đất Thanh Hóa. 2. Thời đại đồ đá mới Nối tiếp Văn hóa Sơn Vi là Văn hóa Hòa Bình (lấy tên tỉnh Hòa Bình - nơi phát hiện những di tích đầu tiên của nền văn hóa này). Về niên đại, Văn hóa Hòa Bình cách nay 11.000 năm; trên đất Thanh Hóa, trung tâm dân cư lúc này vẫn tập trung ở địa bàn vùng núi phía Tây, thuộc các huyện Cẩm Thuỷ, Bá Thước, Thạch Thành, Ngọc Lặc.. Họ thường sống trong các hang động, các núi đá vôi rộng, thoáng đãng và gần sông, suối lớn. Các nhà khảo cổ học xác định họ chính là hậu duệ trực tiếp của chủ nhân Văn hóa Sơn Vi ở Thanh Hóa và chính họ - cư dân Văn hóa Hòa Bình ở Thanh Hóa, tiếp tục phát triển, làm nên Văn hóa Bắc Sơn sau này. 2.1. Những vết tích của Văn hóa Hòa Bình. - Hang Con Moong (xã Thành Yên - huyện Thạch Thành) : Ðây là hang rộng, nền hang cao hơn 40m so với chân núi hiện tại và rộng hơn 300m2. Người nguyên thuỷ cư trú trên khoảng diện tích 100m2 tại cửa hướng Tây Nam, liên tục từ thời Văn hóa Sơn Vi đến Văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn. Các nhà khảo cổ thu được rất nhiều hiện vật nằm lẫn trong đống vỏ nhuyễn thể và mùn thực vật mà người nguyên thuỷ đã thải ra trong quá trình sinh hoạt. Về công cụ bằng đá: Cư dân Văn hóa Hòa Bình ở Con Moong vẫn giữ truyền thống Văn hóa Sơn Vi: Dùng đá cuội để chế tác công cụ, nhưng kỹ thuật chế tác công cụ của họ rất phát triển, kể cả loại hình lẫn phương pháp chế tác. Công cụ kiểu Xumatơra (Sumatralithe) có hình bầu dục hay hình hạnh nhân, lưỡi được tạo xung quanh rìa hòn cuội bằng cả thủ pháp ghè tỉa, để có độ sắc bén hơn; có chức năng sử dụng rất đa dạng: Có thể dùng cắt, chặt, nạo.. từ thịt, xương thú đến tre, nứa, gỗ. Rìu ngắn chiếm tỉ lệ rất lớn trong bộ sưu tập công cụ của họ ở Thanh Hóa. Người ta thường chặt cuội hoặc chặt đôi những công cụ hình bầu dục để tạo rìu ngắn; chức năng rìu ngắn cũng rất đa dạng. Rìu dài hình hạnh nhân hay hình bầu dục của cư dân Văn hóa Hòa Bình có nhiều khả năng được sử dụng như những chiếc cuốc đá. Mảnh tước ở Con Moong có số lượng không nhiều, nhưng phần lớn đã được gia công để tạo thành công cụ nạo, dao đá, với rìa đá rất sắc. Chày nghiền, bàn nghiền cũng là những công cụ được tìm thấy khá nhiều. Chủ nhân Con Moong cũng chế tác và sử dụng công cụ bằng xương thú với kỹ thuật chọn nguyên liệu và chế tác phát triển khá cao: Người ta chỉ lựa chọn xương ống của động vật có vú - loại xương có cấu tạo sợi nhiều hơn cấu tạo xốp - để chế tác công cụ và đã mài nhẵn đầu. Thức ăn rất phong phú, đa dạng: Trong tầng văn hóa, các nhà khảo cổ học đã thu được 832 vỏ nhuyễn thể như trùng trục, trai, ốc.. và các loại xương thú rất phong phú. Chôn người chết theo tư thế nằm nghiêng, chân co như cư dân Văn hóa Sơn Vi giai đoạn trước, nhưng họ đã chèn đá hộc, rải đá dăm quanh mộ để bảo vệ và đều chôn theo công cụ. - Di chỉ Mái Đá Ðiều và các di chỉ khác: Như ở Con Moong, Mái Đá Ðiều là di chỉ chứa nhiều lớp văn hóa thuộc các thời đại đồ đá khác nhau. Niên đại lớp Văn hóa Hòa Bình của Mái Đá Ðiều là 8.200 ± 70 năm, cách ngày nay. Các nhà khảo cổ học thu được rất nhiều công cụ bằng đá đặc trưng kiểu Hòa Bình. Ðáng chú ý là rìu ngắn chiếm tỉ lệ rất lớn. Chày nghiền, bàn nghiền cũng chiếm tỉ lệ đáng kể. Riêng công cụ bằng mảnh tước, ở một số địa điểm xuất hiện kỹ thuật mài đá. Ở các di chỉ Mái Đá Bát Mọt, hang Trạch, hang To đã tìm được nhiều mảnh vỏ trai xà cừ lớn mà công dụng có thể được chủ nhân Văn hóa Hòa Bình sử dụng như những lưỡi dao, nạo để vót tre nứa và nạo thịt thú. Một đặc điểm chung nữa là tại các di chỉ văn hóa này, tầng văn hóa đều rất dày, chứng tỏ sự cư trú lâu dài của con người như Con Moong: 3, 5m, Mái Đá Ðiều: Gần 4m, Mái Đá Làng Bon: 3, 7m, hang Ðiền Hạ III: 3, 8m, Mái Đá chòm Ðồng Ðông: 3, 5m; chứa đựng một khối lượng vỏ nhuyễn thể rất lớn lẫn trong lớp đất màu nâu hoặc đen chứa mùn thực vật. Cư trú trong các hang động, mái đá tương đối cao, có nơi rất cao (như Con Moong), cư dân Hòa Bình ở Thanh Hóa chắc ngoài những công cụ đá đã sử dụng một số lượng không ít các công cụ và đồ dùng được chế tác từ các loại cây cối, nhất là tre, nứa, song, mây.. Ðể đựng các loại nhuyễn thể lượm nhặt từ sông, suối đem về nơi cư trú. Các nhà khảo học phát hiện được nhiều mộ táng của người Hòa Bình ở Thanh Hóa. Tìm thấy ở hang Lộc Thịnh, Mái Đá Làng Bon, Mái Đá làng chòm Ðồng Ðông.. các di cốt, xương, răng bị vỡ, mủn. Ðáng chú ý nhất là các di tích Con Moong (2 mộ), Mái Đá Ðiều (13 mộ), Mái Đá Mộc Long (5 mộ), hang Chùa (3 mộ). Phần lớn những mộ này còn nguyên vẹn và cho thấy tư thế chôn nằm nghiêng co bó gối, bôi thổ hoàng, kè đá giữa mộ và chôn theo hiện vật làm đồ tuỳ táng, là cách thức mai táng phổ biến trong tập tục của người Hòa Bình. Chủ nhân Văn hóa Hòa Bình ở Thanh Hóa tiến tới tổ chức công xã thị tộc mẫu hệ. Các công xã thị tộc thường cư trú trong một vùng đất nhất định. Mỗi hang động là thị tộc cư trú bao gồm nhiều gia đình nhỏ với vợ chồng, con cái. Dấu tích bếp lửa ở giai đoạn được tìm thấy có quy mô nhỏ hơn giai đoạn trước và số lượng cũng tăng hơn. Kinh tế hái lượm ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong đời sống, bởi vậy, vai trò và vị trí của phụ nữ ngày càng được nâng cao. Với môi trường sinh sống gần sông, suối, khai thác thức ăn đa nguồn, định cư lâu dài, cư dân Văn hóa Hòa Bình ở Thanh Hóa chuyển từ cuộc sống hái lượm - săn bắt sang thu hoạch định kỳ theo mùa. Ðó là mầm mống sơ khai của nền kinh tế sản xuất nông nghiệp: Người ta bắt đầu chăm sóc và trồng trọt một số loài cây có củ, quả như rau, đậu, bầu bí.. và thuần dưỡng chó. Những quan niệm tôn giáo sơ khai, mầm nghệ thuật - sự tìm kiếm cái đẹp cũng nảy sinh trong quá trình lao động kiếm sống và vui chơi giải trí. Ðó là những thành quả sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội của cư dân Văn hóa Hòa Bình xứ Thanh và với thành quả ấy, họ thực sự góp phần vào cách mạng đá mới. Sau hơn 70 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam cũng như ở Thanh Hóa cho thấy cái nhìn tổng quan về lịch sử Thanh Hóa thời đại đồ đá mới: Đó là phát triển liên tục, nội tại từ cư dân Văn hóa núi Ðọ đến Sơn Vi và Văn hóa Hòa Bình. 2.2. Đồ gốm xuất hiện và cư dân Văn hóa Bắc Sơn ở Thanh Hóa: Tại Thanh Hóa, dấu vết Văn hóa Bắc Sơn được phát hiện trong các lớp văn hóa muộn của các di chỉ: Mái Đá Thạch Sơn, Mái Đá chòm Ðồng Ðông, hang Lộc Thịnh, Mái Đá Ðiều, hang Mỹ Tế, Mái Đá làng Bon, làng Ðiền Hạ III.. Đặc biệt rõ ở hang Con Moong - thuộc lớp trên cùng, có niên đại khoảng 7.000 năm cách nay. Chủ nhân Văn hóa Bắc Sơn ở Thanh Hóa cũng như ở nơi khác, đưa kỹ thuật chế tác công cụ bằng đá đến trình độ cao: Họ biết và phổ biến kỹ thuật mài đá. Ðã tìm thấy trong các di chỉ Bắc Sơn ở Thanh Hóa những bàn mài bằng sa thạch bên cạnh rất nhiều chày nghiền, bàn nghiền. Những chiếc rìu mài lưỡi Bắc Sơn ra đời góp phần thúc đẩy phát triển nghề nông đã thai nghén từ Văn hóa Hòa Bình. Nhưng thành tựu kỹ thuật lớn nhất của cư dân Văn hóa Bắc Sơn là phát minh ra đồ gốm. Mặc dù còn rất thô sơ về chất liệu, hình dáng, hoa văn, độ nung còn thấp. Nhưng cũng đã tạo cho nền kinh tế sản xuất sơ khai của chủ nhân Văn hóa Bắc Sơn ở Thanh Hóa phát triển hơn hẳn nền kinh tế sản xuất nông nghiệp của Văn hóa Hòa Bình. Tuy nhiên kinh tế sản xuất chưa thể chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống của người Bắc Sơn. Hái lượm và săn bắn vẫn đóng vai trò chính trong đời sống của họ: Trong các hang động nơi họ cư trú, tầng văn hóa vẫn chất đầy vỏ nhuyễn thể và xương cốt động vật (lớp Văn hóa Bắc Sơn ở Con Moong - lớp trên cùng - có độ dày từ mặt đất từ 0, 2m - 1, 2m, thu được tới 60m3 vỏ nhuyễn thể). Xã hội người nguyên thuỷ Văn hóa Bắc Sơn ở Thanh Hóa phát triển chế độ thị tộc mẫu hệ. Cùng phát triển nền kinh tế sản xuất, người nguyên thuỷ Văn hóa Bắc Sơn ngày càng lệ thuộc vào thành quả của hoạt động hái lượm và chăm sóc cây trồng. Ðó là những công việc chủ yếu do phụ nữ đảm nhận và ngày càng nắm vị trí chủ đạo trong kinh tế; vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. 2.3. Cư dân Văn hóa Đa Bút chiếm lĩnh đồng bằng và phát triển nông nghiệp trồng lúa nước. Hậu kỳ thời đại đồ đá mới, cách nay khoảng 6.000 - 7.000 năm, sau nhiều đợt biển tiến, biển lùi, sang kỷ Hôlôxen, đồng bằng sông Mã hình thành tương đối ổn định với tài nguyên: Phong phú, đầy hấp dẫn, lôi cuốn chủ nhân văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn ở vùng núi rời khỏi các hang động - nơi cư trú hàng ngàn năm, tiến xuống khai phá miền đồng bằng trước chân núi. Nền nông nghiệp trồng lúa nước ra đời. Cùng dân cư Văn hóa Hạ Long ở phía Bắc, Văn hóa Quỳnh Văn ở phía Nam. Người nguyên thuỷ ở Thanh Hóa làm nên Văn hóa Ða Bút độc đáo, làm phong phú thêm diện mạo văn hóa các bộ lạc nguyên thuỷ sinh sống trên toàn cõi Bắc Việt Nam. Văn hóa Ða Bút: Theo hiểu biết hiện nay, Văn hóa Ða Bút gồm hệ thống các di chỉ Ða Bút (xã Vĩnh Tân), Bản Thuỷ (xã Vĩnh Thịnh), làng Còng (xã Vĩnh Hưng) thuộc huyện Vĩnh Lộc, cồn Cổ Ngựa (xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung) và gò Trũng (xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc). Khai quật và nghiên cứu hệ thống di chỉ này, các nhà khảo cổ học chứng minh chủ nhân Văn hóa Ða Bút theo quá trình lùi dần của biển, ngày càng chiếm lĩnh vùng đồng bằng ven biển Thanh Hóa. Kết quả khai quật và nghiên cứu các di chỉ Văn hóa Ða Bút cho thấy cư dân nguyên thuỷ giai đoạn này bước vào thời kỳ công xã thị tộc mẫu hệ phát triển. Nhờ nông nghiệp lúa nước được đẩy mạnh, đời sống đã ổn định, dân số tăng nhanh, đồng thời các nghề thủ công phục vụ sản xuất nông nghiệp và đánh cá được mở rộng. Nguồn: Web thanhhoa Về những bàn đập gốm phát hiện trong các di chỉ ở Việt Nam Bàn đập gốm là loại hình công cụ sản xuất trong nghề làm gốm thủ công thời tiền sử. Nay số lượng di vật này phát hiện được không nhiều trong các di chỉ Mán Bạc (Ninh Bình), Cồn Chân Tiên (Thanh Hóa), Phù Mỹ (Lâm Đồng), Rạch Bà Giá, Rạch Lá, Suối Linh (Đồng Nai). 1. Di chỉ Mán Bạc (xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) - Chất liệu: Làm từ đất á sét có pha nhiều tạp chất như bã thực vật, vỏ nhuyễn thể, cát, sỏi nhỏ. - Hình dáng: Giống nấm, một đầu tròn loe rộng hình cầu, đỉnh hơi lồi, nhẵn bóng, phần này không trang trí hoa văn. Đầu kia thuôn nhỏ, thường có dạng hình trụ tròn đối với những hiện vật kích cỡ lớn, trung bình, còn những hiện vật kích thước nhỏ phần chân vuốt nhọn hình chóp nón. Phần chân này có chiếc đặc, có chiếc rỗng. Hoa văn thường được trang trí ở phần này. - Màu: Đỏ, xám, vàng. - Hoa văn trang trí: Văn chấm que đầu nhỏ, ấn que đầu to hình bầu dục, khắc vạch hình zích zắc, khắc vạch đơn ngắn, khắc vạch hình chữ V nối tiếp nhau kết hợp chấm que. - Kích thước - trọng lượng: Có nhiều kích cỡ khác nhau. Chiều cao trung bình 5cm, chiều cao lớn nhất là 8cm, chiều cao nhỏ nhất là 1, 2cm. Đường kính phần loe rộng trung bình 7, 3cm, lớn nhất: 9, 6cm, nhỏ nhất 1, 8cm. 1. Di chỉ Cồn Chân Tiên (xã Thiệu Vân, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) - Chất liệu: Làm từ đất sét pha cát hạt thô hoặc mịn, màu vàng nhạt hoặc màu đỏ. - Hình dáng: Hình quả cân, hai đầu loe, một đầu loe nhiều hơn. Hai mặt cong vồng, thân hình ống thót ở giữa. Hoặc hình gần giống con dấu, một đầu loe rất rộng, một đầu không loe, hai mặt phẳng, thân hình trụ. - Màu sắc: Màu đỏ hoặc vàng nhạt. - Hoa văn trang trí: Hoa văn in chấm hình tròn hoặc hình bầu dục, hoa văn khắc vạch hình tam giác đối chiều, hoặc văn chải. - Kích thước - trọng lượng: Có nhiều kích thước khác nhau, trung bình cao 4 - 8cm, đường kính bàn xoa 5 - 8cm, đường kính tay cầm 3 - 5cm, cao 4 - 8cm. 1. Di chỉ Phù Mỹ (xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) - Chất liệu: Gốm thô, chủ yếu màu đỏ - Hình dáng: Hình chóp cụt dài, phía dưới bè ra như bánh dày. Phần tay cầm có lỗ hoặc không xuyên lỗ. Phần xoa có chiếc mặt cong vồng cao, có chiếc cong vồng thấp. - Hoa văn trang trí: Không hoa văn. 1. Nhận xét - Đây là loại di vật độc đáo chỉ phát hiện ở một số ít di tích khảo cổ học. - Về hình dáng các di vật tìm thấy ở các địa điểm tuy có sự khác nhau nhưng điểm chung gồm 2 phần: Phần tay cầm hình trụ tròn và phần bàn xoa hình tròn dẹt. - Bàn đập gốm di chỉ Mán Bạc và Cồn Chân Tiên một số có trang trí hoa văn khắc vạch, khắc vạch - chấm que. Bàn dập gốm di chỉ Phù Mỹ không trang trí hoa văn. - Nhiều cách gọi khác nhau, ở di chỉ Mán Bạc các nhà khảo cổ đặt tên cho chúng là "vật hình nấm" hay "bàn xoa gốm", ở di chỉ Phù Mỹ gọi là "bàn đập gốm", ở di chỉ Rạch Bà Giá, Rạch Lá, Suối Linh gọi là "bàn xoa gốm." Có thể thống nhất gọi tên đây là bàn đập gốm. - Về công dụng: Di chỉ Phù Mỹ và Rạch Bà Giá có thể những người khai quật gọi tên di vật theo giả định của họ về công dụng của di vật. Còn ở di chỉ Mán Bạc có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng đây là vật dùng trong công nghệ tạo hình gốm và đề nghị gọi tên là "quả chuốt gốm." Có ý kiến cho rằng đây là hiện vật mang tính tôn giáo. So sánh tài liệu dân tộc học ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á chức năng chính của chúng là dụng cụ sản xuất đồ gốm. Tại một số di chỉ khảo cổ trong khu vực cũng phát hiện loại hình hiện vật này như di chỉ Ban Na Di (Thái Lan) [Brian Vincent 1988] . Đến nay, một số làng làm gốm tại Campuchia như Damnak Chambak [Chhay Visoth 2010] vẫn sử dụng loại hình hiện vật này vào công việc sản xuất đồ gốm. Bàn đập gốm Văn hóa Hoa Lộc, di chỉ Cồn Chân Tiên (Thanh Hóa) và bàn đập gốm di chỉ Ban Na Di (Thái Lan) [Nguồn: Phạm Minh Huyền 1995, Phạm Văn Kỉnh và Quang Văn Cậy 1977, Brian Vincen 1988 - Trích theo Trịnh Hoàng Hiệp 2010. TS. Bùi Thị Thu Phương Tài liệu tham khảo: Brian Vincent, Pottey in Pre - Historic in Northen Thailand (with pottery in Banadi site), BAR International Series \Publication 1988. Chhay Visoth, The new Perspective on Modern pottery in Cambodia - A case study of Damnak Chambak villige, International Workshop on Southeast Asian Ceramic Archaeology: Directions for Methodology and Collaboration, USA 2010 Trịnh Hoàng Hiệp 2010, Di tích khảo cổ học Mán Bạc (Ninh Bình), Luận án Tiến sĩ, Tư liệu Viện KCH. Phạm Minh Huyền 1995, Báo cáo khai quật di chỉ Cồn Chân Tiên Trịnh Sinh, Trần Quý Thịnh, Hoàng Xuân Chinh, Phạm Minh Huyền 1999, Báo cáo khai quật di chỉ Phù Mỹ năm 1998, Tư liệu VKCH Nguồn: Web baotanglichsu Di chỉ Cốn Chân Tiên tại thôn Đại Lý, xã Thiệu Vân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Phát hiện 1981. Có 1 tầng văn hóa độ sâu nhất trong 3 hố đào là 0, 70m. Hiện vật thu được: Đồ đá gồm rìu mài 45 chiếc, phác vật rìu 133 chiếc và 443 mảnh tước. Đồ gốm gồm các loại nồi, nồi đựng có chân, hòn kê (chân giò), chân gốm, loại hình ống như chân mâm bồng, bàn xoa gốm. Các đồ án và văn trang trí trên gốm khá đa dạng. Thuộc văn hóa khảo cổ học Phùng Nguyên. Nguồn: Web mobile. Coviet Còn tiếp
Văn hóa Phùng Nguyên là nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đồ đồng, cuối thời đồ đá mới, cách đây chừng 4.000 đến 3.500 năm. "Văn hóa Phùng Nguyên" Phùng Nguyên là tên làng ở xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi đầu tiên tìm ra các di chỉ nền văn hóa này. Di chỉ Văn hóa Phùng Nguyên phát hiện ở Phú Thọ, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng và vài nơi trong lưu vực sông Hồng. Tính đến 1998, khoảng 55 địa điểm phát hiện có di chỉ văn hóa đồng dạng với các di chỉ Phùng Nguyên, 3 nơi có di cốt người. Những nơi đây, trong mọi hiện vật khảo cổ khai quật thuộc văn hóa này, ngoài ít mẩu xỉ đồng, hiện chưa thấy bất kỳ công cụ đồng nào. Công cụ đá phổ biến và chiếm ưu thế tuyệt đối. Đồ trang sức bằng các loại đá, đá bán quý, ngọc thấy nhiều, đặc biệt là vòng đá. Ngoài đồ đá, cư dân Phùng Nguyên biết tạo đồ gốm đặc sắc từ khâu làm đất, tạo dáng đến hoa văn trang trí. Cùng thuộc sơ kỳ thời đồ đồng ở Việt Nam như Văn hóa Phùng Nguyên còn có Văn hóa Cồn Chân Tiên, Hoa Lộc (lưu vực sông Mã), văn hóa các bộ lạc người nguyên thủy ở lưu vực sông Lam, của các bộ lạc ở thượng lưu sông Mã (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), Văn hóa Tiền Sa Huỳnh (Trung Trung bộ), Văn hóa Đồng Nai (Đông Nam Bộ). Các di chỉ Tới nay, hơn 60 di chỉ thuộc Văn hóa Phùng Nguyên được phát hiện, phân bố trong phạm vi rộng khắp châu thổ Bắc Bộ, chủ yếu dọc theo lưu vực các sông lớn: Như sông Hồng, sông Lô, sông Thao, sông Đà, sông Đáy.. tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nội, Bắc Ninh[1] Di chỉ Phùng Nguyên lấy làm tên xác lập cho Văn hóa Phùng Nguyên tại xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Di chỉ Phùng Nguyên được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện và khai quật nhiều lần, trên diện tích rộng khoảng 4.000m2 những năm 1959 đến 1970. Di chỉ Mán Bạc ở thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô (Ninh Bình), thuộc hệ thống đứt gãy dải núi đá vôi Tam Điệp chạy ra tới biển. Theo các nhà khảo cổ học, di chỉ Mán Bạc thuộc giai đoạn Văn hóa cuối Phùng Nguyên, đầu Đồng Đậu, niên đại gần 4.000 năm. Cư dân cổ Mán Bạc sống trên toàn bộ doi đất cao mà dân thường gọi Gò Vụng, dải núi Mán Bạc bao quanh theo thế hình vòng cung tạo nơi rất kín. Ở đó, cư dân yên tâm sinh sống vì có thể tránh thời tiết xấu. 1999, các nhà khảo cổ Việt Nam khai quật di chỉ Mán Bạc lần thứ nhất, thấy 5 mộ táng và 6 cá thể. Khai quật lần 2, với diện tích 24m2, các nhà khảo cổ đào được 10 mộ với 11 cá thể. Người chết chôn nằm ngửa, tay chân duỗi thẳng, mặt nghiêng về bên trái. Các nhà khảo cổ thu 39 rìu, 8 đục, 6 hạt chuỗi, 10 mảnh vòng, 2 bàn đập vải vỏ cây, 3 nồi gốm, 1 bát đồng, 3 hiện vật hình nấm còn khá nguyên vẹn.. và hàng trăm kg vỏ nhuyễn thể. Đây là di chỉ đầu tiên giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên giữ được di cốt người khá nguyên vẹn. Đối chứng với mẫu bào thai 8 tháng tuổi ở Viện Giải phẫu, các nhà khảo cổ khẳng định những di cốt tìm thấy ở một số mộ là trẻ sơ sinh (chiếm 50%) [2] Di chỉ khảo cổ học Văn Điển, Tân Triều (ở Thanh Trì – Hà Nội) và gần đây phát hiện di chỉ Phùng Nguyên muộn tại di tích Đàn Xã Tắc (Đống Đa - Hà Nội). Các di chỉ khác: Hồng Đà (Phú Thọ), Tràng Kênh (Hải Phòng), Bãi Tự (Bắc Ninh). Chú thích 1. Đôi nét về đồ đá Văn hóa Phùng Nguyên 2. "Bí mật" của những ngôi mộ 3.500 năm ở Mán Bạc Nguồn: Wikipedia Khu di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên nằm ven sông Thao thuộc làng Phùng Nguyên, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Di chỉ khảo cổ tiêu biểu của nền Văn hóa Phùng Nguyên, mở đầu cho các Văn hóa tiền Đông Sơn[1] trên lưu vực sông Hồng cách nay khoảng 3.500-4.000 năm. Đặc điểm Khu di chỉ Phùng Nguyên nằm trên hai gò đất (gò Ếch và gò Nhà Giả), trong cánh đồng Dộc Chầu thuộc làng Phùng Nguyên (tên cũ là Cổ Nhuế, tên Việt cổ là Kẻ Nội), xã Kinh Kệ, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ (nay là xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). 1959, khu vực này phát hiện nhiều di chỉ người Việt cổ từ thời tiền sử, từ di chỉ cư trú, mộ táng đến các xưởng sản xuất công cụ lao động và đồ trang sức. Kết quả thám sát, khai quật trên diện tích khoảng 4000m2, do các nhà khoa học thực hiện 3 lần (1959, 1961, 1968), làm phát lộ hàng nghìn hiện vật, nổi bật là các hiện vật bằng đá và gốm. Các hiện vật của di chỉ khảo cổ này nằm trong 4 lớp trầm tích văn hóa: Lớp trầm tích đầu tiên là đất canh tác từ 0, 1m-0, 2m, lớp thứ nhì là đất phù sa trắng mịn dày 0, 05m-0, 1m, lớp thứ 3 là đất phù sa lẫn sỏi và than tro dày 0, 1m-0, 3m và cuối cùng là lớp đất sét mịn màu vàng nhạt dày khoảng 2, 5m. Niên đại Các di chỉ tại Phùng Nguyên niên đại khoảng đầu thiên niên kỷ thứ 2 TCN, cuối thời đồ đá mới và sơ kỳ thời đại đồ đồng. Hiện vật Các hiện vật bằng đá tại di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên rất phong phú gồm các công cụ lao động, vũ khí đá như rìu có vai, rìu có mấu, rìu tứ giác (1100 chiếc), đục (59 chiếc), dao cưa, mũi lao, mũi giáo, mũi tên, mũi nhọn, chày nghiền, hòn kê, bàn mài, bàn dập. Đồ trang sức đá gồm hơn 500 mảnh vòng đá đủ kích cỡ, khuyên tai, hạt chuỗi hình ống hoặc hình cườm với lỗ khoan rất nhỏ v. V. Ngoài ra còn có các loại hình đồ đá khác như lõi vòng, đá hình chữ nhật mài, thỏi đá mài nhẵn, phác vật rìu, mảnh tước, hòn cuội. Các công cụ, vũ khí, đồ trang sức đá ghè, đẽo, tiện, cưa, mài với trình độ điêu luyện, sử dụng nhiều chất liệu đá khác nhau như đá Bazan, Diabazan, Spilite và đặc biệt là cả các loại đá bán quý Nephrite, Jadiete. Đồ đá sản xuất mài nhẵn bóng, hình dáng cân đối đều đặn, góc vuông cạnh thẳng hoặc tròn trặn duyên dáng và kích thước nhỏ nhắn[2] . Về cắt ngang vòng xuyến, đủ loại: Hình vuông, tròn, bán nguyệt, tam giác, chữ nhật, hình thang, và thêm gờ nổi. Về màu sắc từ trắng ngà, tím nhạt đến gan gà, xám xanh, đủ loại. Kiểu loại tuy nhiều, vòng mặt cắt hình chữ nhật dẹt chiếm số lượng nhiều hơn cả, thành đặc điểm riêng vòng trang sức Phùng Nguyên[2] và ở phương diện nhất định, các vòng đá dẹt này là đặc điểm dễ nhận biết nhất của Văn hóa Phùng Nguyên. Di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên cũng phát hiện hơn 10 vạn mảnh gốm và đồ gốm nguyên vẹn của nồi, bình, bát, vật hình nuôi, dọi xe sợi, bi gốm, chạc gốm. Các hiện vật gốm gồm khoảng 200 vật dụng còn nguyên vẹn và nhiều mảnh vỡ, phần lớn là các dụng cụ sinh hoạt. Đồ gốm hầu hết thuộc loại gốm đất sét có chất liệu rất mịn, không pha cát, thành gốm mỏng, ngoài phủ một lớp áo gốm đen gần như miết bóng. Kỹ thuật tạo chất liệu này hầu như không thấy trong các văn hóa trước và sau Phùng Nguyên[3] . Các hiện vật này làm bằng bàn xoay là chủ yếu nằm trong hai nhóm: Gốm thô và gốm nung. Gốm nung qua lửa ở nhiệt độ khoảng 600-7000C. Các mẫu vật gốm cho thấy không chỉ kỹ thuật pha chế đất sét của cư dân Phùng Nguyên đạt trình độ cao, kiểu dáng đồ gốm cũng thanh thoát nhất trong các hiện vật gốm thời Hùng Vương. Bên cạnh đó, hoa văn trên hiện vật gốm, thường gặp các dạng dây thừng, văn chải, văn in, văn đắp thêm, văn đan, văn khắc vạch chấm dải. V. V. Chế tác phức tạp, đối xứng sinh động, có bố cục vừa chặt chẽ vừa phóng khoáng lại được trang trí thành các dải băng[3] . Tất cả công đoạn làm gốm từ làm đất, tạo kiểu dáng đến trang trí hoa văn cho thấy đồ gốm Phùng Nguyên đạt đỉnh cao của hoa văn gốm nguyên thủy ở Việt Nam. Ngoài các hiện vật gốm, di chỉ Phùng Nguyên còn có một số hiện vật chế tác bằng xương có hình mũi nhọn. Văn hóa Phùng Nguyên Tính đến đầu năm 1980, trên 52[4] di chỉ khảo cổ tương tự Phùng Nguyên phát hiện ở nhiều nơi khác tại vùng đồng bằng và trung du phía Bắc Việt Nam, tập trung nhiều tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây (cũ), Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, chủ yếu dọc theo lưu vực các sông lớn chảy từ phía Bắc xuống sông Hồng, sông Đà. Tuy nhiên do tính chất đại biểu di chỉ khảo cổ học Phùng Nguyên và quần tụ đày đặc các di chỉ tương tự trong khu vực không lớn như tỉnh Phú Thọ[5], các di tích phát hiện về sau có cùng tính chất Phùng Nguyên được xếp vào cùng loại hình gọi là Văn hóa Phùng Nguyên. Chú thích 1. Sau Phùng Nguyên lần lượt là các Văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. 2. Cổ vật Phùng Nguyên - văn hóa đá. 3. Dấu ấn văn hóa trên đồ gốm thời Hùng Vương 4. Các tài liệu mới nhất khẳng định trên 60 di chỉ có tính chất Phùng Nguyên phát hiện tại miền Bắc Việt Nam. 5. Tổng số các di chỉ có tính chất Phùng Nguyên được phát hiện trên toàn miền Bắc Việt Nam, tỉnh Phú Thọ có tới 26 di chỉ. Nguồn: Wikipedia 10 điều cần biết về Văn hóa Phùng Nguyên 1. Tên gọi và địa điểm Di chỉ Phùng Nguyên lấy làm tên xác lập cho Văn hóa Phùng Nguyên tại xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. 2. Thời gian phát hiện và khai quật Di chỉ Phùng Nguyên được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện và khai quật nhiều lần, trên diện tích rộng khoảng 4.000m2 từ 1959 đến 1970. 3. Địa bàn phân bố Văn hóa Phùng Nguyên phân bố dọc theo lưu vực các sông lớn: Sông Hồng, sông Lô, sông Thao, sông Đà, sông Đáy.. tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh.. 4. Niên đại Văn hóa Phùng Nguyên từ 4000 năm đến khoảng 3500 năm cách nay. 5. Đời sống kinh tế sản xuất Bên cạnh săn bắn, đánh cá vẫn được duy trì từ giai đoạn trước. Cùng với trồng trọt cư dân Phùng Nguyên biết chăn nuôi. Nghề sản xuất gốm, chế tác đồ trang sức, xe chỉ, dệt vải khá phát triển 6. Đời sống xã hội – tinh thần Quan niệm thẩm mỹ của cư dân Phùng Nguyên khá phát triển thể hiện qua chế tác đồ trang sức, đồ đá, đồ gốm. Táng thức, cư dân Phùng Nguyên chôn người chết nằm ngửa ở các huyệt nông và thường chôn theo công cụ bằng đá, đồ trang sức và một vài đồ gốm. 7. Kỹ thuật chế tác đá Đạt đến đỉnh cao, hiện vật đá thời kỳ này được chế tác tinh xảo và mang phong cách hiện đại. Các hiện vật tiêu biểu là rìu, bôn, đồ trang sức (vòng tay, khuyên tai). 8. Giao lưu kinh tế Những quan hệ trao đổi với Nam Trung Quốc. Thấy tại Trung Quốc những chac (cốc) tiêu biểu của Việt Nam, và tại Phùng Nguyên những dao ngắn (qua) tiêu biểu của Trung Quốc cho thấy điều này. Những di chỉ thời đá mới ở Quảng Đông và Phúc Kiến (Trung Quốc), người ta đã tìm thấy nhiều rìu nhỏ tương tự rìu Văn hóa Phùng Nguyên. 9. Giai đoạn chuyển giao Giữa thời đại đồ đá và thời đại đồ kim khí. Giữa Văn hóa Bắc Sơn và Văn hóa Đông Sơn. 10. Là cội nguồn nền văn minh sông Hồng Cơ sở vật chất, tinh thần đầu tiên cho ra đời nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng. Nguồn: Web covatvietnam Còn tiếp