"Hùng Vương" Hùng Vương (chữ Hán: 雄王, chữ Nôm: Theo Ngô Sĩ Liên, kinh đô nước Văn Lang là Phong Châu nay thuộc Phú Thọ, quốc hiệu Văn Lang. Văn Lang tương ứng thời Vua Hùng, gọi chung là thời đại Hồng Bàng. Nguồn gốc dân tộc ta là Lạc Việt, sau này có thành ngữ "con Lạc cháu Hồng", "dòng giống Lạc Hồng." Nguồn gốc Cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông vị thần trông coi nghề nông ở trên trời là Đế Minh sinh Đế Nghi. Minh đi tuần phương Nam đến Ngũ Lĩnh lấy con gái bà Vụ Tiên, sinh Lộc Tục. Lộc Tục là thánh trí thông minh, Minh rất yêu quý, muốn truyền ngôi. Lộc Tục không dám vâng mệnh, cố nhường cho anh. Minh lập Đế Nghi (anh của Lộc Tục) nối ngôi cai quản phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai quản phương Nam gọi là nước Xích Quỷ[2] . Kinh Dương Vương xuống Thủy Phủ, lấy con gái của Động Đình Quân sinh Sùng Lãm. Sùng Lãm rất khỏe, một tay nhấc bổng lên cao tảng đá hai người ôm, đi lại dưới nước như đi trên cạn giống cha. Sùng Lãm lấy hiệu Lạc Long Quân thay cha trị nước. Diệt Ngư Tinh còn gọi Ngư Tinh Xà Lĩnh Nam Chích Quái ghi Biển Đông có Tinh Ngư Xà (còn gọi Ngư Tinh) dài hơn 50 trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa vạn trạng, linh dị khôn lường, đi ầm ầm như mưa, ăn thịt người nên ai cũng sợ. Đời thượng cổ có cá dung mạo như người, tới bờ Đông Hải, sau biến thành người, biết nói, dần lớn lên, sinh nhiều con trai con gái, bắt cá, tôm, sò, hến mà ăn. Lại có giống Đản Nhân sống ở gò dưới bể, chuyên nghề bắt cá, sau biến thành người, giao dịch với man dân đổi lấy thóc gạo, dao, búa, thường qua lại ở Đông Hải. Có hòn đá Ngư Tinh, răng đá lởm chởm cắt ngang bờ bể, dưới đá có hang, Ngư Tinh sống ở đó. Sóng gió hiểm trở, không có lối thông, dân muốn mở đường khác nhưng đá rắn khó đẽo. Thuyền dân đi qua chỗ này thường bị Ngư Tinh hại. Đêm kia có bọn người tiên đục đá làm đường đi để hành nhân qua lại. Ngư Tinh hóa gà trắng gáy trên núi. Quần tiên nghe tiếng, ngỡ rạng đông bèn bay lên trời. Nay người ta gọi lối đi ấy là Phật Đào Hạng (Ngõ Phật Đào). Long Quân hóa phép thành thuyền dân, lệnh cho Quỷ Dạ Thoa ở Thủy Phủ cấm hải thần nổi sóng rồi chèo thuyền đến bờ hang đá Ngư Tinh, song giả cách cầm một người sắp ném vào cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng định nuốt. Long Quân cầm khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá. Ngư Tinh chồm lên quẫy mình quật thuyền. Long Quân cắt đứt đuôi cá, lột da phủ lên núi, nay chỗ đó gọi Bạch Long Vĩ. Đầu trôi ra ngoài bể biến thành chó. Long Quân lấy đá ngăn bể rồi chém. Nó biến thành đầu chó, nay gọi Cẩu Đầu Sơn. Thân trôi ra ngoài Mạn Cầu, nay gọi Mạn Cầu Thủy (còn gọi Cẩu Đầu Thủy). Diệt Hồ Tinh Truyền thuyết ghi: Trừ xong nạn Ngư Tinh, ngài đến Long Biên có cáo chín đuôi sống hơn nghìn năm, thành tinh, trú trong hang sâu dưới chân núi đá phía Tây Long Biên. Cáo thường hóa thành người trà trộn trong dân dụ bắt con gái về hang hãm hại. Từ Long Biên đến núi Tản Viên bị Hồ Tinh hại. Dân hai miền rất sợ, nhiều người bỏ ruộng đồng, nương rẫy, đi nơi khác làm ăn. Long Quân một mình một gươm đến sào huyệt Hồ Tinh. Ngài đến cửa hang, cáo thấy bóng người liền xông ra, ngài làm mưa gió, sấm sét vây chặt cáo. Đánh ba ngày ba đêm, cáo dần yếu sức, tìm đường chạy, ngài đuổi theo chém đứt đầu. Nó hiện nguyên hình là cáo khổng lồ chín đuôi. Ngài vào hang cứu những người còn sống, sai các loài thủy tộc dâng nước sông Cái xoáy hang cáo thành vực sâu, đương thời gọi Đầm Xác Cáo, đời sau gọi Tây Hồ. Dân quanh vùng về cày cấy trên đồng ven hồ, dựng nhà lập xóm trên khu đất cao nhất gọi làng Hồ, nay vẫn còn. Lĩnh Nam Chích Quái chép: Thành Thăng Long xưa hiệu là Long Biên, hồi thượng cổ không có người ở. Sau này Thái Tổ nhà Lý chèo thuyền ở bến sông Nhĩ Hà, có hai rồng dẫn thuyền đi, nên đặt tên là Thăng Long rồi đóng đô ở đấy. Xưa ở phía Tây thành có hòn núi đá nhỏ, phía Đông gối lên sông Lô Giang. Trong hang, dưới chân núi có con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu quái, thành người hoặc thành quỷ đi khắp nhân gian. Thời đó, dưới chân núi Tản Viên, người Mán chôn gỗ kết cỏ làm nhà. Trên núi có vị thần rất linh thiêng, người Mán thường thờ phụng. Thần dạy người Mán trồng lúa, dệt vải làm áo trắng mà mặc nên gọi là Bạch Y Man (Mán Áo Trắng). Cáo chín đuôi biến thành người áo trắng nhập vào giữa đám dân Mán cùng ca hát rồi dụ dỗ trai gái trốn vào trong hang núi. Người Mán rất khổ sở. Long Quân bèn lệnh cho lục bộ Thủy Phủ dâng nước lên công phá hang đá. Cáo chín đuôi bỏ chạy, quân Thủy Phủ đuổi theo, phá hang bắt cáo mà nuốt ăn. Nơi này thành một cái vũng sâu gọi là "Đầm Xác Cáo" (tức Tây Hồ nay). Sau lập miếu (tức Kim Ngưu Tự) để trấn áp yêu quái. Cánh đồng phía Tây Hồ rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn, nay gọi là Hồ Động (Hang Cáo). Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà ở nay gọi là Hồ Thôn (Thôn Cáo). Chỗ hang cáo xưa, nay gọi là Lỗ Khước Thôn. Vậy Hồ Tây là lăng mộ chôn xác cáo chín đuôi? Mang huyền thoại này đi hỏi những người dân sống lâu năm ở khu vực xung quanh hồ thì được bác Văn (ở phố Trần Vũ) cho biết: "Gia đình tôi có 3 đời sống ở nơi này. Truyền thuyết về Hồ Tây có rất nhiều, nào là Hồ Trâu Vàng, Đầm Xác cáo, Hồ Dâm Đàm. Về huyền thoại cáo chín đuôi, tôi được nghe trước đây, vùng đất này là rừng núi hoang vu, ít người qua lại. Lúc đó, trên một ngọn núi giữa vùng có một con cáo chín đuôi. Nhờ hàng ngàn năm tu luyện, cáo đã thành tinh, phép thuật lợi hại.." Và có vẻ như khơi đúng mạch, bác Văn ngược về quá khứ, cứ kể như mình là người chứng kiến sự việc: "Con cáo chín đuôi lúc biến thành cô gái xinh đẹp, lôi dụ các chàng trai; lúc lại thành chàng thanh niên tuấn tú đi tán tỉnh thôn nữ; khi lại là quỷ dữ dọa người đến khiếp sợ.. Nó làm thế vì muốn bắt được nhiều người đưa về hang sâu để ăn thịt dần." Sách viết về Hồ Tây cũng như trên nhiều phương tiện truyền thông, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nhận xét: "Hồ Tây là hồ thuộc loại linh thiêng nhất Việt Nam. Không chỉ tôi mà trong tâm thức nhiều người Hà Nội, Hồ Tây đã và đang được tin như là long mạch lớn nhất của Thủ đô cổ kính. Cái tên xưa nhất của Hồ Tây là Đầm Xác Cáo và truyền thuyết gắn liền với công đức của Lạc Long Quân giúp dân có cuộc sống yên bình, không bị loài yêu tinh quấy phá. Thần đã truy đuổi con cáo vào tận hang và sau đó, cho nước ngập hang làm chết cáo." Diệt Mộc Tinh Lĩnh Nam Chích Quái chép: "Mộc Tinh trải không biết bao năm, khô héo rồi biến thành yêu tinh, rất dũng mãnh, giết người hại vật. Kinh Dương Vương dùng thuật thần đánh thắng nó. Nó hơi chịu khuất phục nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ. Hàng năm 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, nó mới cho yên ổn. Dân thường gọi Quỷ Xương Cuồng. Biên giới Tây Nam giáp nước Mi Hầu, vua nước này sai dân mọi ở Bà Lộ (nay phủ Diễn Châu) bắt giống mọi sống ở Sơn Nguyên tới nạp, thành lệ thường mọi năm. Tần Thủy Hoàng cho Nhâm Ngao làm quan lệnh Long Xuyên, Ngao muốn bỏ lệ đó, cấm nạp lễ người sống, Xương Cuồng tức giận vật chết Ngao. Sau phải phụng thờ nhiều hơn. Đời Đinh Tiên Hoàng có pháp sư Du Văn Tường người phương Bắc, đức hạnh thanh cao, khoảng 40 tuổi qua nhiều nước, biết tiếng các dân mọi, học thuật làm mình vàng và răng đồng, sang nước Nam lúc hơn 80 tuổi. Tiên Hoàng lấy lễ thầy trò mà tiếp, pháp sư dạy pháp thuật làm trò vui cho Xương Cuồng xem để giết y. Người biết pháp thuật này có Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Hiểm Can, thường làm người cưỡi ngựa hoặc làm bọn con hát. Hàng năm tháng 11 dựng lầu cầu vồng cao 20 trượng, dựng một cây đứng ở trong, tết vỏ gai làm dây thừng dài 136 thước, đường kính rộng 3 tấc, lấy dây mây quấn ngoài rồi chôn hai đầu dây xuống đất, ở giữa gác lên cây. Thượng Kỵ đứng lên dây chạy nhanh 3, 4 lần, đi lại không ngã. Kỵ đội khăn đen, mặc quần đen. Dây của Thượng Can dài 150 thước, có một chỗ mắc chạc ba. Hai người (mỗi người cầm một cán cờ) đi trên dây, gặp nhau ở chỗ chạc ba thì tránh, lên xuống không ngã. Khi thì Thượng Đát lấy tấm gỗ lớn rộng 1 thước 3 tấc, dày 7 tấc đặt lên cây cao 17 thước, Đát đứng ở trên nhảy 2, 3 lần, tiến tiến lùi lùi. Khi thì Thượng Toái lấy tre đan thành lồng giống cái lờ bắt cá, dài 3 thước, tròn 4 thước rồi chui vào đứng thẳng mình mà không ngã. Khi thì Thượng Câu vỗ tay nhảy nhót, miệng la hét kêu gào, chuyển động chân tay, rờ xương vỗ bụng, tiến lên lùi xuống, hoặc làm người cưỡi ngựa phi nhảy, cúi xuống nhặt vật dưới đất mà không rơi khỏi lưng ngựa. Khi thì Thượng Hiểm Can ngả mình nằm ngửa, lấy thân đỡ một gậy dài cho đứa trẻ trèo lên. Khi thì cho bọn ca hát gõ trống khua chiêng, ca múa rầm rĩ. Giết súc vật mà tế. Xương Cuồng tới xem, pháp sư đọc mật chú, lấy kiếm chém. Xương Cuồng cùng bộ hạ chết hết. Lệ làm lễ nạp dâng người sống hàng năm bèn bỏ, dân sống yên lành như xưa." Mộc Tinh là "ma mộc" gỗ khô, tức những gì hư hóa, nhất là các thứ dị đoan. Long Quân cũng đuổi đi, sau có người dùng ma thuật cũng chỉ tạm bợ, nên nó còn lưu hành trong dân, nhưng cả ba thứ tinh không còn nhô đầu lên văn đàn được nữa. Hồ Tinh, Ngư Tinh chỉ còn tác hại dưới hình thức du mục võ biền. Chuyện tả con người chiến đấu yêu ma, thuỷ quái, phản ánh công cuộc chinh phục thiên nhiên, chiếm lĩnh các vùng miền núi, đồng bằng châu thổ, vùng ven biển.. là khắc phục trở ngại thiên nhiên để khai phá đất hoang, rừng rậm, chống hạn hán, ngập lụt, thú dữ. Điều này được huyền thoại hóa bằng những kỳ tích chống Thuỷ Tinh (lụt lội), diệt Ngư Tinh (miền sông nước), đánh Mộc Tinh (miền rừng núi), diệt Hồ Tinh (đồng bằng châu thổ).. Qua đó thể hiện sức mạnh chinh phục, cải tạo thiên nhiên của cư dân Việt cổ để kiến tạo, xây dựng quốc gia phát triển qua hàng ngàn năm đến nay và mãi về sau. Con Rồng Cháu Tiên Diệt xong yêu quái, ngài thấy dân vùng này vẫn đói khổ thiếu thốn, phải lấy vỏ cây che thân, tết cỏ gianh làm ổ nằm, bèn dạy dân trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn ở, phòng thú dữ. Dạy dân đạo lý cha con, vợ chồng. Dân cảm tạ, xây tòa cung điện nguy nga trên núi cao. Nhưng ngài không ở, thường về quê mẹ dưới Thủy Phủ, dặn dân: "Hễ có tai biến gì thì gọi, ta về ngay!" Đế Lai nhân phương Bắc vô sự, nhớ chuyện Đế Minh tuần thú phương Nam gặp được tiên nữ, Đế Lai bảo bề tôi thân cận là Xuy Vưu (còn gọi Xi Vưu) thay mình giữ nước để đi tuần du Xích Quỷ phương Nam. Đến nơi, Đế Lai thấy Lạc Long Quân đã về Thủy Phủ, nước vô chủ, bèn để ái nữ Âu Cơ và những kẻ hầu ở lại hành tại[3] . Lai dạo chơi thiên hạ, xem khắp hình thắng. Thấy hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú, tê tượng đồi mồi, bạc vàng châu ngọc, tiêu quế nhũ hương, trầm đàn các vị, sơn hào hải vật không thiếu thứ nào. Bốn mùa khí hậu không lạnh không nóng, Đế Lai yêu thích, quên về, sai quân dựng thành đắp lũy định ở lâu dài. Dân nước Nam khổ vì cảnh phiền nhiễu, không được yên lành như xưa, ngày đêm mong Long Quân về, cùng hướng về Biển Ðông gọi to: "Bố ở nơi nao, mau về cứu chúng con!" Long Quân thoát nhiên trở về, thấy Âu Cơ dung mạo tuyệt mỹ, Long Quân yêu thích, hóa thành chàng trai đẹp, đông kẻ hầu người hạ, tiếng ca tiếng nhạc vang lừng đến nơi hành tại. Âu Cơ thấy Long Quân, lòng cũng xiêu xiêu. Long Quân giấu Âu Cơ ở Long Đài trong cung điện trên núi Nghĩa Lĩnh. Lai về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần tìm khắp thiên hạ. Long Quân biến hóa trăm hình vạn vẻ, yêu tinh quỷ mị, rồng rắn hổ voi xé xác chúng làm kẻ đi tìm không dám lục sạo. Lai đành về phương Bắc, truyền ngôi đến Đế Du Võng thì Xuy Vưu làm loạn. Xuy Vưu mình thú nói tiếng người, sức khỏe dũng mãnh. Vua nước Hữu Hùng là Hiên Viên đem chư hầu tới đánh nhưng không được. Có người dạy Hiên Viên dùng trống da thú làm lệnh, Xuy Vưu sợ hãi chạy về đất Trác Lộc. Đế Du Võng cùng Hiên Viên giao binh ở Phản Tuyền đánh ba trận đều bị thua, Võng bị giáng phong ở đất lạc ấp rồi chết ở đó. Dòng họ Thần Nông tới đây thì hết. Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ một bọc, cho là bất thường, vứt ra cánh đồng; qua sáu, bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở một con trai mới đem về nuôi. Không phải bú mớm, các con tự lớn, trông đẹp đẽ kỳ dị, người nào cũng trí dũng song toàn, người người kính trọng cho là phi thường. Hàng chục năm sau, Long Quân sống đầm ấm bên vợ con vẫn nhớ Thủy Phủ. Một hôm từ giã vợ con, hóa rồng vụt lên mây bay về biển. Vợ con thường muốn về đất Bắc, tới biên giới, Hoàng Đế Hiên Viên nghe nói rất sợ hãi, cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không về được bèn về nước Nam. Âu Cơ đứng trên núi cao hướng về Biển Ðông gọi: "Bố ở nơi nào để mẹ con tôi cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này." Long Quân bỗng về, gặp nhau ở đất Tương. Âu Cơ nói: "Thiếp nguyên người đất Bắc, cùng chàng ăn ở với nhau, sinh được trăm đứa con trai không biết dựa vào đâu nuôi nấng, vậy xin theo chàng; mong chàng đừng ruồng bỏ, làm mẹ con thiếp hóa ra những kẻ không chồng không cha, chỉ riêng mình đau khổ thôi." Long Quân nói: "Ta là giống Rồng, đứng đầu thủy tộc; nàng là giống Tiên, người ở trên đất, vốn không đoàn tụ được với nhau, tuy khí Âm Dương hợp lại mà sinh con, nhưng dòng giống tương khắc như nước với lửa, khó bề ở lâu với nhau được. Nay phải chia ly, ta sẽ mang 50 con trai về Thủy Phủ, chia trị các nơi, còn 50 đứa sẽ theo nàng ở trên đất, chia nước ra mà cai trị. Những lúc lên non, xuống nước có việc cùng gắn bó, đừng bỏ rơi nhau" [3] . Trăm con vâng theo, từ biệt mà đi. Âu Cơ và 50 con lên ở đất Phong Châu nay thuộc Phú Thọ, suy phục lẫn nhau, tôn người con cả làm vua, hiệu Hùng Vương[3] . Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam nói mình là dòng giống Tiên Rồng. Theo thuyết này, từ Lạc Long Quân về sau, nước Xích Quỷ chia thành những nước nhỏ gọi là Bách Việt, đều là Con Rồng Cháu Tiên. Chú thích họ "Hồng Bàng" : Họ Hồng Bàng là tên gọi dòng họ vua đầu tiên ở phương Nam. "Hồng" là tên loài chim to khỏe, bay cao, được coi vật Tổ của dân tộc. "Lạc Hồng:" Chim Hồng hoặc chim Lạc chỉ là một loài, do phát âm khác nhau. Truyền thuyết nói người Việt thuộc giống chim Hồng (hoặc chim Lạc). Âu Cơ vốn là Tiên chim. Dân tộc Việt thuộc dòng dõi Lạc Hồng, tức là họ mẹ, ngày xưa theo mẫu hệ nên coi họ mẹ là giống Tiên (chim Hồng chim Lạc tu luyện thành tiên). Hình khắc mặt trống đồng có hình đàn chim bay ngược (thiên về họ mẹ). ĐVSKTT chép tương tự, nhưng bỏ bớt yếu tố trăm trứng trong bọc, chỉ nói Âu Cơ và Lạc Long Quân sinh trăm con: "Con cháu Thần Nông là Đế Minh lấy con gái của bà Vụ Tiên sinh Kinh Dương Vương, tức Thủy Tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải cái gây nên cơ nghiệp nước Việt ta sao?" ĐVSKTT, phần lời tựa của Ngô Sĩ Liên: "Nước Đại Việt ở phía Nam Ngũ Lĩnh, thế là trời phân chia giới hạn Nam-Bắc. Thuỷ Tổ ta dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng Bắc triều mỗi bên làm Đế một phương" [3] Trích Lĩnh Nam Chích Quái: "Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm, cây soa đồng làm bánh, lấy cầm thú, ba ba, cá tôm làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, cầy bằng dao, trồng bằng lửa, cấy bằng nước. Đất sản xuất nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm. Bắc gỗ làm nhà tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn dễ đi lại trong rừng rú. Đẻ con lấy lá chuối lót cho nằm. Khi trẻ lớn làm lễ thành đinh mang tính thử thách năng lực các thanh niên, thường tổ chức thi tài ngày hội. Sau lễ thành đinh, thanh niên thành thành viên lao động mới của xã hội." Tục xăm mình Thời Lạc Long Quân, vua dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về vua tôi, tôn ty, luân thường về cha con, vợ chồng. Điều đáng nói là sinh hoạt tinh thần: Tục xăm mình, ăn trầu, nhuộm răng đen, mẫu hệ và thờ cúng Tổ tiên. Dân ở rừng núi xuống sông ngòi đánh cá, thường bị giao long làm hại nên tâu Hùng Vương. Hùng Vương bảo: "Ở núi là loài rồng khác thủy tộc, chúng ưa đồng mà ghét dị mới hại." Vua lệnh ai cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó không bị thuỷ quái gây thương tích nữa. Tục xăm mình (văn thân) của Bách Việt bắt đầu từ đây. Đến thời Lý rồi Trần trị vì thiên hạ, vua quan tới thần dân ai cũng thích xăm hình vào người để giữ bản sắc truyền thống. Với người hoàng tộc và người phục dịch trong triều đình buộc phải xăm hình lên thân thể, coi như luật phải thi hành. Tục này đến đời Trần Anh Tông (1293-1314) mới dứt. Ăn trầu, nhuộm răng đen thì thế hệ U60 còn thấy các cụ ăn trầu nhuộm răng. Lời bàn: "Chinh phục thiên nhiên vùng đồng bằng sông nước là cả quá trình lâu dài, phức tạp và cực khó khăn. Hình ảnh những con thuồng luồng gây thương tích cho dân có lẽ là một trong những biểu hiện phức tạp và cực khó khăn đó. Dân gặp khó thì kêu vua, vua ân cần chỉ cho dân mọi điều mình biết. Lời chỉ dẫn ấy, đúng sai thế nào ta đã quá rõ, nhưng điều quan trọng hơn ở chỗ, trên dưới như cha con một nhà, nghĩa tình đằm thắm biết bao. Bấy giờ, hễ người Việt là xăm mình, hễ ai xăm mình là người Việt. Bạn thích hay không thích tục xăm mình là việc riêng của bạn, nhưng trông lại ngàn xưa, xin bạn hãy ghi nhận chính tục ấy góp phần làm cho Hán và Việt biệt lập rõ ràng, chính nhờ biệt lập rõ ràng ấy giờ này, bạn mới có thể ung dung mà nói: Non sông ta.. Đời sống cổ nhân ra sao, đoạn ghi chép ngắn ngủi trên nói khá rõ. Kính thay, một thời chắt chiu cần mẫn, thương thay, một thời gian truân! Đi giữa giang sơn gấm vóc, xin chớ vô tâm quên Tổ tiên ngàn đời." (Theo Việt Sử Giai Thoại của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo dục) Ý nghĩa truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ Có người nói mở đầu lịch sử Việt Nam là chia rẽ, vì Lạc Long Quân, Âu Cơ không sống được với nhau, chia tay mỗi người mỗi ngả. Thật ra không phải vậy. Ông cha ta sáng tạo truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ, chỉ nghĩ đơn giản người Việt phải chia nhau khắp nước để cai quản, khai phá, mở mang đất nước. Ý nghĩa quan trọng nhất là gì? Ở chỗ Âu Cơ sinh 1 bọc trứng nở 100 con. Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng: "Đến giờ Ngọ 28 tháng Chạp, hương lạ đầy nhà, hào quang khắp phòng, bà Âu Cơ sinh 1 bọc; giờ Ngọ rằm tháng Giêng, trăm trứng vỡ ra thành 100 con trai." KĐVSTGCM (1840), Việt Nam Sử Học (1919), Việt Nam Văn Hóa Sử Cương (1938), Thần linh Đất Việt (2002), Truyền thuyết Hùng Vương (1971-2003).. đều ghi Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng nở thành 100 con trai, hình thành hai tiếng "đồng bào." Người Việt luôn có tình nghĩa, thủy chung, trên dưới, có xóm có làng, có sau có trước, có nước có nhà, có Tổ có tông. Sống có văn hóa: Văn hóa cộng đồng là phản chiếu hiểu biết, niềm tin, phong tục cổ truyền một dân tộc. Người Việt luôn quan niệm: Chúng ta sinh cùng một bọc (đồng bào) là con cháu Lạc Hồng, cả nước đều là anh em một nhà. "Con người có Tổ có Tông Như cây có gốc, như sông có nguồn." Nay quan niệm đó càng nhân lên gấp bội. Con cháu ở đâu, ông bà, Tổ tiên ở đó. Quan niệm đó dần thành ý thức hệ trong từng người và cộng đồng. Vua Hùng tồn tại và ngự trị ý thức tâm linh người Việt. Vì sao là một bọc trứng? Vì tất cả dân tộc Việt do một mẹ sinh ra, đều là anh em, từ bọc trứng sinh ra, không ai sinh trước, không ai sinh sau, không có thứ tự ai anh, ai em, ai chị. Cha mẹ yêu thương các con giống nhau, không phân biệt trai gái, đứa lớn hay đứa nhỏ. Sau này, dù chia nhau đi khắp mọi miền khai phá, mở mang đất nước, đứa lên rừng, đứa xuống biển, sống xa nhau cũng có chung một gốc, tất cả đều từ bọc trứng của Âu Cơ, hãy đoàn kết, yêu thương nhau: "Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau!" Ý nghĩa triết học đơn giản, đầy nhân bản hiếm có trên thế giới. Tính bình đẳng này thể hiện rất rõ thời Vua Hùng, cùng một thế hệ Vua Hùng, lấy tên giống nhau, không phân biệt Vua Hùng này với Vua Hùng kia. Bởi người Việt cổ không cần biết Vua Hùng này có vĩ đại hơn Vua Hùng kia không, chỉ cần biết tất cả Vua Hùng từ một gốc là dân tộc Việt, từ một bọc trứng của Âu Cơ. Tính chất cùng một bọc trứng đậm nét trong mỗi người Việt, bởi trên 5 triệu người Việt sống rải rác khắp thế giới, nhiều nhất ở Mỹ, Canada, Pháp, Úc, những người Việt xa quê hương vẫn hướng về quê cha Đất Tổ con Lạc cháu Hồng, nhiều người hẳn mong ngày nào đó sẽ về nước. Lạc Long Quân, Âu Cơ không đưa các con xâm chiếm nước khác, mà chỉ khai sơn phá thạch, lấn biển, dựng nước Văn Lang. Vì sao Âu Cơ không sinh 50 con gái, 50 con trai, mà tất cả là con trai? Có người đưa thuật Âm-Dương lý giải điều này. Tôi không tin cách lý giải Âm-Dương đó. Tôi nghĩ có lẽ thêm bằng chứng tư duy đơn giản, chất phác của người Việt xưa: Con trai là lao động chính trong nhà và xã hội, trách nhiệm rất lớn, đào núi, lấp biển, đắp đê, đánh cá, trồng rừng, săn bắn. Dù truyền thuyết không nói Âu Cơ sinh con gái, nhưng thể hiện Âu Cơ quyền lực ngang Lạc Long Quân, vì bà lãnh đạo 50 con trai lên núi, ngang Lạc Long Quân lãnh đạo 50 con trai xuống vùng biển. Hỏi: - Cho biết ý nghĩa của quốc hiệu Văn Lang? Trả lời: - Khoảng TK. VII TCN, các Vua Hùng dựng nên nhà nước đầu tiên là Văn Lang. Quốc hiệu Văn Lang có ý nghĩa thế nào? Đó là câu hỏi mỗi người đất Việt muốn tìm hiểu khi nhìn lại cội nguồn dân tộc. Hiện tại, ít nhất có 3 cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của quốc hiệu Văn Lang: Thứ nhất: Vì Tổ tiên ta có tục xăm mình nên khi lập quốc mới nhân đó đặt quốc hiệu Văn Lang. Cơ sở thực tiễn cách giải thích này nằm ngay trong tính phổ biến của tục xăm mình từng tồn tại trước và sau thời Hùng Vương hàng ngàn năm. Sách Đới ký của Trung Quốc gọi nước ta thời Hùng Vương là "Điêu Đề" không ngoài ý nghĩa này (điêu nghĩa là chạm, xăm; đề là cái trán. Điêu Đề là xăm hình vào trán. Thực ra bấy giờ, dân ta không chỉ xăm hình vào trán). Cách 2: Vì Tổ tiên ta có tục nhuộm răng và ăn trầu mới có tên nước là Văn lang. Những người chủ trương theo cách này giải thích: Chữ "tân lang" (nghĩa là cây cau) nói trại ra thành Văn Lang. Cơ sở thực tiễn của cách giải thích này là tính phổ biến và trường tồn của tục nhuộm răng và ăn trầu. Nhưng "tân lang" là từ gốc Hán mà từ gốc Hán chỉ mới xuất hiện ở nước ta bắt đầu từ thời Bắc thuộc, tức sau khi khai sinh Văn Lang rất nhiều thế kỷ. Vì vậy cách giải thích này xem ra khó có thể thuyết phục được nhiều người. Cách 3: Văn Lang nghĩa là cộng đồng người lập nghiệp bên lưu vực những con sông. Chỗ dựa chủ yếu của những người chủ trương giải thích theo cách này là kết quả nghiên cứu ngành ngữ âm học lịch sử. Theo đó: 1. Văn là người, nhóm người, tộc người, cộng đồng người.. 2. Lang là sông, đồng nghĩa với giang, với xuyên (trong âm Hán - Việt), với khoảng (trong tiếng Lào) và với kông (trong tiếng Khmer). Ghép lại, Văn Lang nghĩa là cộng đồng người lập nghiệp bên lưu vực những con sông. Lập luận của những người chủ trương giải thích theo cách này được củng cố thêm bởi kết quả hàng loạt những khai quật khảo cổ dọc theo lưu vực sông Hồng và sông Mã. Bởi lẽ này, cách giải thích thứ 3 được nhiều người tán thành nhất. (Theo Đại cương Lịch sử Văn hóa Việt Nam - Tập 1). Quốc hiệu Văn Lang có nghĩa là gì? Văn Lang là tên gọi nước ta thời Hùng Vương, nó không chỉ bắt nguồn trong truyền thuyết dựng nước mà còn thấy trong thần phả, thần tích, sử ghi chép về thời Hùng Vương. Vì vậy có thể khẳng định quốc hiệu Văn Lang là có thực. Vậy Văn Lang có ý nghĩa là gì? Theo ngôn ngữ học, tên Văn Lang không đứng một mình mà trong hệ thống tộc danh có yếu tố chung là "lang." Thường các tộc danh trên thế giới, nhất là các tộc danh cổ đều xuất phát từ danh từ chung có nghĩa là "người." Tiếng Hán Việt, từ "lang" nghĩa là "đàn ông", đồng âm với một số ngôn ngữ các dân tộc anh em như từ "arăng" trong tiếng Ê-đê, "urang" trong tiếng Chăm, "đranglô" trong tiếng Bana.. tất cả đều có nghĩa là "người", "con người" hoặc "đàn ông." Tộc danh với thành tố "lang" trải dài từ phía Nam sông Dương Tử (Trung Quốc) đến Bắc Trung Bộ Việt Nam, tương ứng với địa bàn sinh sống cộng đồng người Bách Việt. Vậy tộc danh "lang", "Văn Lang" là một trong những tộc danh cổ nhất của dân tộc ta, thực tế thành quốc hiệu nước ta thời Hùng Vương. Văn Lang là từ kép trong ngôn ngữ Hán Việt dùng để phiên âm từ Việt cổ chỉ "con người", "người", "đàn ông" và là phiên âm tên nước. Theo văn tự học thì từ "lang" nghĩa là "người đàn ông"; còn "văn" là chữ xuất phát chính từ tục xăm mình của người Việt. Về ngữ âm tiếng Hán thì "văn" được biến âm từ "xăm". Ký tự chữ "văn" nguyên thủy là hình vẽ người xăm hình rồng ở ngực. Cuốn sách Tìm về cội nguồn chữ Hán của hai nhà nghiên cứu Lý Nhạc Nghị (Trung Quốc) và Jim Water (Mỹ) đưa ra quá trình biến đổi của chữ "văn" qua các loại chữ Hán cổ khác nhau và giải thích "văn" nghĩa gốc là xăm mình. Hình chữ trong cổ văn giống một người trước ngực và sau lưng xăm những hoa văn, đồng thời dẫn ra câu nói của Trang Tử: "Việt nhân đoạn phát, văn thân" nghĩa là "người Việt cắt tóc, xăm mình." Như vậy Văn Lang vốn là tộc danh và là đặc điểm văn hóa của người Việt đã thành quốc hiệu với nghĩa: "Con người", "người", "đàn ông" hoặc "người xăm mình." Nguyễn Khắc Thuần bàn: "Không thể nói khác hơn Lạc Long Quân và Âu Cơ đã có cuộc kỳ ngộ. Người từ phương xa theo cha đi chu du khắp cõi, tình cờ dừng bước ở Xích Quỷ. Người làm vua một phương, dân thương gọi là bố. Xứ sở chẳng cùng, tuổi tác cách biệt, thế mà vừa gặp đã rung động về nhau. Lạ thay! Xét về thế thứ, Lạc Long Quân và Đế Lai là anh em con chú con bác. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ tức lấy con gái của anh con nhà bác. Có người nghiêm phê luân thường đạo lý đảo điên, mối họa cho thiên hạ thật khó lường. Song lấy khuôn mẫu đạo đức hiện thời để xét đoán hành vi của thiên cổ, ngỡ như đúng, cái sai đã chất chứa sẵn rồi. Đọc sách đâu chỉ đọc chữ trong sách. Ngàn xưa vẫn thế, nỗi tâm sự cần ký thác thường ở giữa những dòng chữ hoặc ở sau những dòng chữ đó. Sử cũ nhấn mạnh mối thâm tình các nhóm thuộc Bách Việt. Chừng như muốn tỏ vốn dĩ tất cả đều chung máu mủ ruột rà. Ngẫm mà xem!" Truyền thuyết chọn đất đóng đô Nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Khắc Xương (con của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu) là nhà "Hùng Vương học, Đền Hùng học" của Phú Thọ 88 tuổi vẫn cực minh mẫn khi kể truyền thuyết Hùng Vương chọn đất đóng đô. Ngày ấy, Tổ tiên tìm đất đóng đô nước Văn Lang thận trọng cầu kỳ lắm. Đích thân vua đi nhiều nơi vùng Phú Thọ nay tương ứng thuộc địa danh Thanh Vân, Đông Lĩnh, núi Thắm (Thanh Ba) ; Ao Châu (Hạ Hòa) Xuân Lộc (Thanh Thủy), cuối cùng chọn vùng từ ngã ba sông Bạch Hạc tới quanh núi Nghĩa Lĩnh đóng đô. Truyền thuyết Hùng Vương của Nguyễn Khắc Xương: "Vua đi mãi nơi này nơi khác chưa tìm được nơi có thể định đô. Tới vùng: Trước mặt ba sông hội tụ, hai bên có Tản Viên, Tam Đảo chầu về, đồi núi gần xa, khe ngòi quanh quất, thế đất bày ra như hình hổ phục rồng chầu, tướng quân bắn nỏ, ngựa chạy rồng bay. Giữa những đồi xanh tốt có ngọn núi đột ngột nổi lên như voi mẹ nằm giữa đàn con. Vua lên núi nhìn bốn phía thấy ba bề bãi rộng bồi đắp phù sa, bốn mặt cây xanh, hoa tươi cỏ ngọt, trùng điệp quanh co, có rộng mà phẳng, có hẹp mà sâu. Vua cả mừng khen là đất họp muôn dân, đủ hiểm để giữ, có thế để mở, thế đất vững bền có thể dựng nước muôn đời. Vua Hùng đặt đô ở đó gọi thành Phong Châu." Phạm vi kinh đô kéo dài từ ngã ba sông Bạch Hạc về tới núi Nghĩa Lĩnh. Vùng địa linh này là đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, có bãi sa bồi, rừng núi và đồi, thoáng rộng, tiện thông thương hai miền ngược xuôi bằng đường thủy, có thế hiểm trở chống ngoại xâm. Niên biểu thời dựng nước –2070 triệu năm trước: Thiên tạo núi Nghĩa Lĩnh –50 triệu năm trước: Kiến tạo các sông Hồng, Lô, Đà với những đồi núi, đồng bằng, đầm hồ, xuất lộ địa hình Vĩnh Phú, có dãy đồi 99 voi chầu về Đất Tổ. –1, 5 vạn năm trước, các dải đồi hai bên bờ sông Thao có mấy chục thị tộc người nguyên thủy cư trú. Họ là chủ nhân nền Văn hóa hậu kỳ đồ đá cũ Sơn Vi. –Trên 1 vạn năm đến 8000 năm cách dãy biển tiến sau băng hà Vuyếc-mơ, tràn vào ngập toàn bộ đồng bằng và vùng thấp ven đồi núi. Người nguyên thủy Sơn Vi tạm lánh lên vùng núi Hòa Bình – Bắc Sơn. –Khoảng 6000 năm trước, nước biển rút khỏi đồng bằng. Sau đó trải hàng ngàn năm mưa lũ thau chua rửa mặn và phù sa màu mỡ các sông bồi đắp làm hồi sinh thảm thực vật. Quần thể động vật như chim thú, cá tôm nhuyễn thể trở nên sầm uất, tạo môi trường sống thuận lợi cho con người. - Thời kỳ bộ lạc từ TK. 10 TCN trở về trước, ứng với Văn hóa Đồng Đậu – Phùng Nguyên. –Khoảng 2000 năm TCN có 15 bộ lạc Việt cổ sinh sống trên đồng bằng và trung du Bắc Bộ, bộ lạc Văn Lang của thủ lĩnh họ Hùng nhờ địa lợi tuyệt đối vùng ngã ba sông Hồng, Lô, Đà trở nên lớn mạnh. –Khoảng hơn 1000 năm TCN, thủ lĩnh Văn Lang lập nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc, được suy tôn Hùng Vương. Thời dựng nước Văn Lang từ TK. 10 TCN đến giữa TK. 3 TCN ứng văn hóa Gò Mun, Đông Sơn. –257 TCN Vua Hùng thứ 18 bị Thục Phán tiêu diệt và chiếm nước. Văn Lang là nhà nước phôi thai đầu tiên, rất đơn giản, dù mới hình thành nhưng cố kết được lòng người. Từ tình cảm cộng đồng dẫn đến ý thức cộng đồng, thể hiện rõ tình đồng bào ruột thịt. Họ bước đầu hiểu mối quan hệ thiên nhiên và con người, sức mạnh cộng đồng khi làm thủy lợi, trao đổi sản phẩm, đấu tranh giữ gìn bản làng, đất nước. NƯỚC VĂN LANG TRUYỀN THUYẾT Giả thuyết 1: Nước Việt 4000 năm Nước Văn Lang hình thành khoảng 2879 TCN, kết thúc 257 TCN chuyển sang An Dương Vương Thục Phán. Từ đây hình thành quan niệm coi nước Văn Lang đời Hùng Vương ra đời cách nay khoảng hơn 4000 năm và sách báo nói 4000 năm văn hiến. (Theo ĐVSKTT do sử gia Ngô Sĩ Liên viết ở TK. 15). Giả thuyết 2: Nước Việt 2700 năm Theo bộ sử xuất hiện sớm hơn ĐVSKTT là Đại Việt Sử Lược TK. 13 chép nước Văn Lang lập bởi thủ lĩnh bộ tộc Văn Lang thu phục 14 bộ tộc Việt khác khoảng TK. 7 TCN (cùng thời Chu Trang Vương của nhà Chu, Trung Quốc). Ông lên ngôi xưng hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô tại Phong Châu – Phú Thọ. 9 truyền thuyết nổi tiếng thời kỳ Hùng Vương - An Dương Vương Truyền thuyết 1: Con Lạc-cháu Hồng, Lạc Long Quân-Âu Cơ. Truyền thuyết 2: Chử Đồng Tử-Tiên Dung và Đầm Dạ Trạch, từ thời Hùng Vương thứ ba. Truyền thuyết 3: Thánh Gióng-Phù Đổng Thiên Vương, Hùng Vương thứ sáu. Truyền thuyết 4: Trầu-Cau khoảng thời gian từ thời Hùng Vương thứ nhất đến thứ sáu. Truyền thuyết 5: Dưa hấu-Mai An Tiêm khoảng thời Hùng Vương thứ sáu. Truyền thuyết 6: Bánh chưng-bánh dày, Hùng Vương thứ sáu. Truyền thuyết 7: Chuyện tình Trương Chi-Mỵ Nương. Truyền thuyết 8: Sơn Tinh-Thủy Tinh đời Hùng Vương thứ 18. Truyền thuyết 9: Mỵ Châu-Trọng Thủy thời An Dương Vương. Sách tham khảo ĐVSKTT, soạn giả Phan Phu Tiên, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên.. NXB. KHXH Hà Nội, 1993. KĐVSTGCM, soạn giả: Quốc Sử Quán triều Nguyễn, NXB. Giáo dục Hà Nội, 1998. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Tập 1, Soạn giả Phan Huy Chú, NXB. Giáo dục, 2006. An Nam Chí Lược, soạn giả Lê Tắc, NXB. Viện Đại Học Huế; 1961. Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, soạn giả Đào Duy Anh, NXB. Nhã Nam, 2014. Lĩnh Nam Chích Quái, soạn giả Trần Thế Pháp, NXB. Hồng Bàng. Việt Điện U Linh, soạn giả Lý Tế Xuyên, NXB. Hồng Bàng. Chú thích 1.2. 3 ĐVSKTT; Soạn giả Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên.. Dịch giả Viện sử học Việt Nam; NXB. KHXH Hà Nội 1993; bản điện tử. Nguồn Lichsuvietnam Tsrsblog. Wordpress Wikipedia - Hùng Vương Vietnamese Arts & Culture - Văn Hóa & Nghệ Thuật Việt Nam Ddlqd Còn tiếp
"Hùng Vương" Các vua Theo ĐVSKTT tính từ Kinh Dương Vương (2879 TCN) đến hết thời Hùng Vương (257 TCN) kéo dài 2.622 năm. Văn Lang tồn tại đến 257 TCN bị Thục Phán thôn tính. Thục Phán xưng An Dương Vương, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Nếu chia 18 đời, mỗi đời vua trung bình 146 năm là hoang đường. Các triều vua chúa thời Xuân Thu Chiến Quốc trung bình 10-20 năm như Chu Trang Vương (696-682 TCN) 14 năm chẳng hạn. Người thời đó thọ trung bình khoảng 50 năm, hơn thời sống trong hang động 20 năm. ĐVSKTT là bộ sử đầu tiên đưa truyền thuyết Âu Cơ, Lạc Long Quân, Hùng Vương vào sử sách. Trước ĐVSKTT, có 2 bộ sử nữa nhưng không ghi truyền thuyết Lạc Long Quân là Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu 1272 và Đại Việt Sử Lược viết vào thời Trần. ĐVSK thất truyền nhưng phần lớn được Ngô Sĩ Liên dùng khi soạn ĐVSKTT. ĐVSL thất lạc nhiều năm, về sau quan nhà Thanh tìm được ở thư khố bên Tàu. Chuyện 18 đời Vua Hùng cùng truyền tích Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh Thủy Tinh được Ngô Sĩ Liên nhập vào ĐVSKTT từ sách ghi chuyện u linh hoang đường như Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích Quái. Đặc biệt Lĩnh Nam Chích Quái do Tiến Sĩ Vũ Quỳnh hiệu đính, thuật lại những chuyện thần thoại phía Nam rặng núi Ngũ Lĩnh (Lĩnh Nam) tức phía Nam nước Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc. Trở lại năm đầu và năm cuối thời Hồng Bàng, Trần Trọng Kim dùng thẳng tài liệu ĐVSKTT (2879-257 TCN) nhưng đặt dấu hỏi () sau năm khởi đầu: 2879 TCN. Bởi Ngô Sĩ Liên chỉ ghi 18 đời bên ngoài phần Ngoại kỷ (từ thời Hồng Bàng đến Ngô sứ quân). Ngô Sĩ Liên chép lời bàn ở cuối chương thời Hồng Bàng, ngờ vực truyền thuyết Âu Cơ: "Thời Hùng Vương đặt chư hầu để làm phên giậu, chia nước làm 15 bộ. Ở 15 bộ ấy đều có trưởng và tá. Vua theo thứ bậc cắt đặt các con thứ để cai trị. Nói 50 con theo mẹ về núi, làm sao biết không phải là như thế? Vì mẹ làm quân trưởng, các con đều làm chúa một phương. Cứ xem như tù trưởng người man ngày nay xưng là nam phụ đạo, nữ phụ đạo (nay bản triều đổi chữ phụ đạo 輔導 thành chữ phụ đạo 父道 thì có lẽ đúng như thế). Còn như việc Sơn Tinh, Thủy Tinh thì rất quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi." Ngô Sĩ Liên đoán rất đúng khi đưa truyền tích vào cổ sử, ông gieo nghi ngờ và thắc mắc cho mọi người Việt từ đó đến nay. Những nghi vấn, băn khoăn Xét thời gian trị vì hơn 2000 năm mà chỉ có 18 đời vua rất khó thuyết phục; dù ghi để "nêu rõ quốc thống" nhưng các sử gia đều nghi điều này. Ngô Thì Sĩ viết: "Người ta không phải vàng đá, sao lại sống lâu được thế? Điều ấy càng không thể hiểu được" (Việt Sử Tiêu Án). Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim viết: ".. Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì non 150 năm. Dẫu là người đời thượng cổ cũng khó lòng có nhiều người sống lâu được vậy." Theo Nguyễn Khắc Thuần trong "Thế thứ các triều vua Việt Nam", 18 Vua Hùng liệt kê danh sách bên dưới. Ngay sau danh sách, tác giả nhận xét thuộc một trong hai quan điểm mà các nhà sử học đang tạm chấp nhận: 18 Vua Hùng không phải 18 người mà là 18 chi (nhánh/ngành), mỗi chi có nhiều vua thay phiên nhau trị vì, dùng chung vương hiệu. Thậm chí số 18 có thể chỉ nên hiểu là tượng trưng ước lệ, vì 18 là bội số của 9 số thiêng với người Việt. 1. Kinh Dương Vương (涇陽王, hiệu Hùng Dương) : 2879 TCN -? , huý Lộc Tục (祿續). 2. Hùng Hiền Vương (雄賢王) Lạc Long Quân (駱龍君 hoặc 雒龍君 hoặc 貉龍君), huý Sùng Lãm (崇纜). 3. Hùng Lân Vương (雄麟王) 4. Hùng Diệp Vương (雄曄王) 5. Hùng Hi Vương (雄犧王) (phần bên trái chữ "hi" 犧 là bộ "ngưu" 牛) 6. Hùng Huy Vương (雄暉王) 7. Hùng Chiêu Vương (雄昭王) 8. Hùng Vĩ Vương (雄暐王) 9. Hùng Định Vương (雄定王) 10. Hùng Hi Vương (雄曦王) (phần bên trái chữ "hi" 犧 là bộ "nhật" 日) 11. Hùng Trinh Vương (雄楨王) 12. Hùng Vũ Vương (雄武王) 13. Hùng Việt Vương (雄越王) 14. Hùng Anh Vương (雄英王) 15. Hùng Triều Vương (雄朝王) 16. Hùng Tạo Vương (雄造王) 17. Hùng Nghị Vương (雄毅王) 18. Hùng Duệ Vương (雄睿王) : ? - 257 TCN "雄犧王" và "雄曦王" đều đọc "Hùng Hi Vương" nhưng chữ "hi" trong hai tên gọi khác nhau về tự dạng, ý nghĩa. Lịch sử 18 đời Hùng Vương Cụ Biệt Lam Trần Huy Bá trong tài liệu in ở tạp chí Nguồn Sáng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 1998 viết: "Nhiều năm nay, chúng tôi cố gắng sưu tầm các truyền thuyết, thư tịch cổ, các Ngọc phả ở các xã quanh vùng có đền thờ Vua Hùng như xã Hy Cương (Vĩnh Phú) lưu trữ tại Vụ bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hóa (số hiệu HTAE 9) thì các tài liệu không ghi: 18 đời Vua Hùng mà ghi 18 chi, mỗi chi gồm nhiều đời vua, có cả năm Can, Chi lúc sinh và lên ngôi. Các đời vua trong một chi đều lấy hiệu của vua đầu chi ấy." 18 chi: 18 chi sắp theo Bát Quái: 1 Càn (trời) (☰), 2 Đoài (đầm) (☱), 3 Ly (hỏa) (☲), 4 Chấn (sấm) (☳), 5 Tốn (gió) (☴), 6 Khảm (nước) (☵), 7 Cấn (núi) (☶), 8 Khôn (đất) (☷) và 10 thiên can Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Tổng cộng 2622 năm từ 2879 đến 257 TCN. Như vậy họ Hồng Bàng trị vì nước Văn Lang không chỉ có 18 đời (18 vua) mà là 18 chi, mỗi chi nhiều đời vua, giải thích hợp lý tồn tại gần 3000 năm thời Hùng Vương. Đền Hùng nay có bài vị chung thờ các Vua Hùng, có chữ "Đột Ngột Cao Sơn Cổ Hùng Thị Thập Bát Thế Thánh Vương, Thánh Vị." Do tục thờ cúng Tổ tiên, chỉ thờ vị khai sáng đầu tiên nên chữ "thập bát thế" có thể hiểu 18 vương hiệu của các Tổ đầu tiên 18 chi Hùng Vương, thay nhau cầm quyền Văn Lang quốc gia đầu tiên của người Việt. (Theo Báo Nguồn Sáng số 23-1998) 18 đời vua hay 18 ngành vua? Về con số 18 đời vua, ĐVSL là sách đầu tiên đề cập, dường như dữ kiện đó được nhiều sách sử, khảo cứu sau này chép theo, các sách ở dạng diễn ca cũng viết: Xưng Hùng Vương, cha truyền con nối, Mười tám đời một mối xa thư, Cành vàng lá ngọc sởn sơ, Nước xưng một hiệu, năm dư hai nghìn. (Thiên Nam Minh Giám) Hoặc các câu đối ca ngợi thời Hùng Vương cũng ghi 18: Thập bát truyền vi quân vi vương, trùng xuất tiên nga duy mạt tạo Ngũ thập tử quy sơn quy hải, biệt trung thần nữ thiệu anh phong. Nghĩa: Mười tám đời truyền làm quân làm vương, hai vị tiên nga cuối dòng họ Năm mươi con lên núi, xuống biển, một nàng thần nữ nối ngôi cha. Câu đối: Nam thiên thập bát thế xa thư, sơ đầu Đệ Nhất Thánh. Tây nhạc ức vạn niên hương hỏa, Thượng Đẳng Tối Linh Thần. Nghĩa: Trời Nam 18 đời truyền kiếp, buổi đầu Đệ Nhất Thánh. Tây nhạc ức vạn năm hương hỏa, Thượng Đẳng Tối Linh Thần. 18 đời vua mà cai trị 2.622 năm gây không ít hoài nghi. Theo các bản Ngọc phả, thần tích như Ngọc phả Hùng Vương soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (980) đời Lê Đại Hành (Lê Hoàn) nhà Tiền Lê thì không phải 18 đời Vua Hùng mà là 18 nhành/ngành với tổng cộng 180 đời vua: "Dĩ thượng Hùng đồ thập bát diệp, tỷ phú truyền cơ thái bảo, nhất bách thập bát đại Đế Vương tốn vị nhất thống sơn hà." Nghĩa: "Mười tám nhành nhà Hùng, ngọc tỷ và ấn tín truyền quyền đại bảo khoảng 180 đời nhường ngôi Đế Vương, một mối non sông xa thư trị nước." Nhiều tác phẩm khác như Tân đính Lĩnh Nam Chích Quái của nhà sử học thời Hậu Lê là Vũ Quỳnh viết 18 ngành Vua Hùng. Ngọc phả Hùng Vương ghi chữ "đời" phải hiểu chữ "thế" trong Hán tự có nghĩa không phải một đời người mà là "một dòng gồm nhiều đời." Đình Tây Đằng ở huyện Ba Vì, Hà Nội còn bài vị "Tam Vị Quốc Chúa" thờ 3 vua cuối thuộc thế/chi/nhành Hùng Vương thứ 18. Nay nhiều ý khác nhau, có ý nói với người Việt 9 là số thiêng nên các bội số của nó như 18 cũng thiêng tương tự, nên số 18 đời chỉ là biểu trưng, ước lệ. Như vậy không phải 18 đời Vua Hùng mà là 18 ngành, mỗi ngành gồm nhiều đời vua mang chung vương hiệu, hết một ngành mới đặt vương hiệu mới. Thời gian trị vì, tuổi thọ một vua có thể hiểu là tuổi của nhiều đời vua và số năm trị vì của nhiều đời vua thuộc một ngành cộng lại nên trị vì hơn 2.622 năm không hoang đường. Nên mới có câu: Sơ khai Nam Việt hữu Kinh Dương, Nhất thống sơn hà thập bát Vương. Dư bách hệ truyền thiên cổ tại, Ức niên hương hỏa ức niên phương. Nghĩa: Mở đầu Nam Việt có Kinh Dương Mười tám ngành Vua, mười tám chương. Bách Việt sơn hà muôn thuở đó, Đời đời đèn nến nức thơm hương. Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) ghi rõ các đời vua với thông tin liên quan, 18 ngành Vua Hùng có 180 đời nối nhau trị vì: "18 chi đời Vua Hùng truyền ngôi đại bảo cho 180 đời Đế Vương, sơn hà quy một mối, lập 122 thành điện. Tổng cộng năm của 18 đời Thánh Vương di truyền ngôi cho các triều thánh tử thần tôn là 2.622 năm, thọ 8.678 tuổi, sinh được 986 chi, các hoàng tử, công chúa sinh được 14.378 cháu chắt miêu duệ, cai trị khắp đầu non góc biển trong nước, vạn cổ trường tồn, mãi mãi không bao giờ dứt." LTD (BKT) Nguồn: Trithucvn Giật mình chuyện Vua Hùng thọ gần 700 tuổi Xã hội càng văn minh, tuổi thọ càng cao. Minh chứng rõ nhất là nước phát triển như Nhật, Mỹ, Bỉ. Thời thượng cổ chúng ta có những vua "siêu thọ" gần 700 tuổi. Chuyện giật mình này ở khu du lịch Đồng Xanh, tỉnh Gia Lai. Nhầm lẫn chết người Khu du lịch Đồng Xanh trực thuộc công ty cổ phần du lịch văn hóa Gia Lai khá thu hút. Nhiều khách ngạc nhiên gặp hình ảnh Vua Hùng với thông tin cực khó hiểu. Các tài liệu thời Hùng Vương nhiều dị bản khác nhau. Có tài liệu ghi 18 Vua Hùng, có tài liệu ghi 18 đời Vua Hùng với nhiều vua khác nhau. Khu du lịch trên có đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương có 1 tượng gỗ Hùng Vương cao 6m, phía ngoài là 18 tượng Vua Hùng khác bố trí thành 2 hàng. Dưới chân 18 tượng phía ngoài gắn biển đề rõ tên, số vợ, số con, số thời gian trị vì và tuổi thọ các vua. Hầu như vua nào cũng hàng chục vợ, hàng trăm con, đặc biệt trị vì hàng trăm năm, tuổi thọ trên 100 năm đến gần 700 năm. Khu du lịch "cẩn thận" kèm thêm một biển ghi chú: "Những số liệu về tên, húy, tuổi, số vợ, số con, cháu của 18 Vua Hùng được trích từ nguồn tài liệu" Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng "– tác giả Vũ Kim Biên nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn – Sở VHTT & DL Phú Thọ xuất bản năm 2006." Nhiều ý kiến nói việc đưa các thông tin trên về Vua Hùng là không phù hợp, trước hết là khoa học. Chưa tài liệu nào trên thế giới ghi tuổi thọ con người mấy trăm tuổi. Điều này khiến giới trẻ và các thế hệ con cháu thêm khó hiểu về kiến thức thế hệ chúng ta? Số lượng 19 Vua Hùng cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi vua thứ 19 là ai, vai trò thế nào? Bởi hầu hết đều nói các chuyện, số liệu về Vua Hùng là dã sử, truyền thuyết. Số 18 là ước lệ, nhiều khả năng là 18 đời Vua Hùng với nhiều vua trị vì. Khu du lịch không phân biệt được tin chính thống trong chính sử và truyền thuyết mới đưa tin buồn cười đó. Trần Trọng Kim viết: "Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì non 150 năm. Dẫu người đời thượng cổ cũng khó có nhiều người sống lâu được vậy." Bản "Thần tích Vi Cương" (Phú Thọ) ghi khá rõ các đời vua với những thông tin liên quan, theo đó 18 chi Vua Hùng có tất cả 180 đời vua nối nhau trị vì: "18 chi đời Vua Hùng truyền ngôi đại bảo cho 180 đời Đế Vương, sơn hà quy về một mối, kiến lập 122 thành, điện. Tổng cộng các năm của 18 đời Thánh Vương truyền ngôi cho các triều thánh tử thần tôn: 2.622 năm, thọ 8.678 tuổi, sinh được 986 chi, các hoàng tử, công chúa sinh được 14.378 cháu chắt miêu duệ, cai trị khắp đầu non góc biển trong nước, vạn cổ trường tồn, mãi mãi không bao giờ dứt." Bị nhắc, vẫn liều! PV Báo GĐ&XH trao đổi với ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VHTT&DL Gia Lai. Ông Vũ nói công viên Đồng Xanh của doanh nghiệp tư nhân và Sở VHTT&DL định hướng trưng bày hiện vật trong khu du lịch này. Sở từng nhắc khu du lịch Đồng Xanh bỏ một hạng mục phản cảm và khu du lịch này đã thực hiện. Sở VHTT&DL nhận một số ý kiến nói về các biển ghi tuổi thọ, số vợ, con.. của từng Vua Hùng ở khu du lịch. Ông Vũ nói từng xuống để nhắc nhở tin này. Ông nói tin trên về Vua Hùng nên chú thích rõ là dã sử 18 đời vua. Ông Vũ cho biết sẽ nhắc nhở tiếp doanh nghiệp này để thay đổi! Tiến sĩ sử học Lê Đình Phụng – Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận xét xác đáng sự việc: "Tôi nghĩ đây là công trình của tư nhân mà tài sản do tư nhân sở hữu. Họ hiểu văn hóa như vậy nên có những sản phẩm như thế. Lịch sử văn hóa dân tộc phải có thống nhất và phải được thẩm định. Thông tin chưa có bằng chứng khoa học xác đáng chưa nên đưa ra để tuyên truyền." Nguồn: Web vungtau. Baria-vungtau Giải mã chuyện "giật gân" Vua Hùng sống 692 tuổi, 60 vợ Hùng Hiền Vương (tức Lạc Long Quân) trị vì lâu nhất, suốt 400 năm, nhưng gần như có ít vợ nhất trong 18 Vua Hùng theo sách của Vũ Kim Biên. Chuyện các Vua Hùng sống đến mấy trăm năm trong thời tuổi thọ bình quân người Việt chỉ vài ba chục đang gây xôn xao mạng xã hội, bắt nguồn từ những bia dưới chân tượng 18 Vua Hùng trong khuôn viên đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, khu văn hóa tâm linh thuộc công viên Đồng Xanh, Gia Lai. Kỷ lục gây sốc Các phản ứng mỉa mai, phẫn nộ bắt nguồn từ những tin không thể có thực ghi khơi khơi "như đúng rồi", gây phản cảm vì đồng nhất giữa huyền sử và sự thực. Người nào phải cẩn thận lắm, tìm kĩ lắm mới thấy biển ghi chú quay ngược ra phía sau: "Những số liệu về tên, húy, tuổi, số vợ, con, cháu của 18 Vua Hùng ghi chú trước tượng trích từ nguồn tài liệu Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng của tác giả Vũ Kim Biên nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn do Sở Văn hóa Thông tin Phú Thọ xuất bản 2006." Theo những biển đề ở công viên Đồng Xanh (lấy từ nguồn tài liệu của tác giả Vũ Kim Biên), có khá nhiều tin "giật gân" rất thú vị, Vua Hùng sống thọ nhất là Lang Liêu, người sáng tạo bánh chưng, bánh dày, khi lên ngôi lấy hiệu Hùng Chiêu Vương. Ông sống 692 tuổi. Người trị vì lâu nhất là Hùng Hiền Vương tức Lạc Long Quân (húy Sùng Lãm). Ông làm vua 400 năm, tuổi thọ: 506 tuổi. Thời gian trị vì và tuổi thọ thuộc hàng top trong 18 Vua Hùng nhưng Lạc Long Quân chỉ có 9 vợ, các Vua Hùng khác thường cưới vài chục phu nhân. Có điều về đường con cái, các bà vợ của ông lại có hiệu suất cao nhất, giúp Lạc Long Quân đứng đầu về số con: 180 con trai và 29 con gái. Riêng bà Âu Cơ đã sinh 100 con trai. So với cha mình là Kinh Dương Vương là Vua Hùng đầu tiên, Lạc Long Quân "vượt mặt" cả về tuổi thọ, số năm làm vua lẫn số vợ và con. Kinh Dương Vương (húy Lộc Tục) chỉ sống 260 tuổi, trị vì 216 năm, ít thê thiếp nhất, chỉ 6 vợ, sinh 44 con. Hiệu suất sinh nở thấp nhất thuộc Vua Hùng rất nổi tiếng vì là bố vợ của Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) một trong Tứ Bất Tử. Đó là Hùng Duệ Vương, húy Huệ Lang, 150 năm trị vì, 221 tuổi thọ. Giữ kỷ lục về số vợ: 100 bà, chỉ có 20 con trai và 4 con gái. Nghĩa là nếu không bà vợ nào của Hùng Duệ Vương sinh quá 1 con, có hơn 3/4 trong số các bà bị vô sinh. Á quân về chuyện lấy nhiều vợ lẫn kém đường con cái là Hùng Chiêu Vương – Lang Liêu. Ông lấy 60 vợ, chỉ sinh 59 con, nghĩa là trung bình mỗi vợ chỉ sinh 1 con, vẫn có 1 bà vô sinh. Hiểu thế nào về các Vua Hùng sống và trị vì nhiều thế kỷ? Thực ra chuyện về vương hiệu, húy, tuổi thọ, thời gian trị vì cũng như số vợ, số con cháu.. của 18 Vua Hùng ghi trong các bản Ngọc phả. Khá nhiều bản Ngọc phả liệt kê các đời Vua Hùng, còn ít nhất 3 bản lưu lại được, sớm nhất là "Nam Việt Hùng Vương Ngọc phả vĩnh truyền", còn gọi "Cổ Việt Hùng thị thập bát thế Thánh Vương Ngọc phả cổ truyền", soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (980, thời Lê Đại Hành). Muộn hơn có "Hùng Vương Ngọc phả thập bát thế truyền" do Hàn Lâm Viện Trực Học Sĩ Nguyễn Cố soạn năm Hồng Đức nguyên niên (1470, thời Lê Thánh Tông) và "Hùng Vương sự tích Ngọc phả cổ truyền" do Hàn Lâm Học Sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572, Lê Anh Tông). Ra đời bản Ngọc phả này, Hùng Vương chính thức hóa trong chính sử Việt Nam, từ đây Vua Hùng có tông phả giữa thế gian. Nhờ có tông phả đó mà triều đình Hậu Lê mới có đủ điều kiện làm lễ "tế Giao" như các vua phương Bắc, để xác nhận quyền độc lập quốc gia và quyền lực chuyên chế của vua Đại Việt: "Như nước Đại Việt ta từ trước Vốn xưng nền văn hiến đã lâu Núi sông bờ cõi đã chia Phong tục Bắc Nam cũng khác." (Nguyễn Trãi - Bình Ngô Đại Cáo) Ngọc phả không phải lịch sử, bởi do đời sau chép từ những truyền thuyết dân gian qua đường truyền miệng nhiều thần thoại, hoang đường. Nếu các văn bản lịch sử thời Hùng Vương có tồn tại cũng bị người Hán hủy hoại suốt 1000 năm Bắc thuộc để diệt văn hóa Việt, đồng hóa dân tộc Việt. Người Việt lưu giữ ký ức dân tộc, truyền con cháu qua các chuyện kể, theo thời gian, yếu tố hư cấu, thần kỳ được bồi đắp. Chuyện các Vua Hùng cũng vậy. Nên dù không phải lịch sử nhưng Ngọc phả có bóng dáng lịch sử, phải chắt lọc thông tin, kết hợp các sử liệu đời sau cùng khảo cổ học. Các nhà sử học hiện đại cố làm điều đó để hình dung rõ nhất nước Việt thời Vua Hùng, dĩ nhiên không có chuyện mỗi Vua Hùng sống và trị vì suốt mấy trăm năm. Số năm trị vì, các nhà sử học đưa hai quan điểm. Thứ nhất, triều Hùng Vương 2.622 năm, bắt đầu từ năm Kinh Dương Vương lên ngôi (Nhâm Tuất, 2879 TCN) kết thúc năm Giáp Thìn (257 TCN) khi An Dương Vương chiếm nước. Mốc thời gian này xác định theo Ngọc phả Hùng Vương và ĐVSKTT. 2.622 năm chia cho 18, mỗi Vua Hùng trị vì 146 năm. "Người ta không phải vàng đá, sao lại sống lâu được thế? Điều ấy càng không thể hiểu được." Điều không thể hiểu được ấy, nhiều sử gia nay tìm cách lý giải: Triều Hùng Vương không phải có 18 vua, mà là 18 ngành (nhánh), mỗi ngành có nhiều vua trị vì, dùng chung vương hiệu, hết một ngành mới đổi vương hiệu mới, chẳng hạn có nhiều vua nối nhau cùng gọi Hùng Hiền Vương, thuộc ngành đầu tiên. Theo bản Ngọc phả soạn thời Lê Đại Hành, 18 ngành tổng cộng 180 đời vua, chia trung bình mỗi vua chỉ trị vì chưa đến 15 năm. Nhiều nhà sử học nói ngay số 18, dù 18 đời vua hay 18 ngành vua mang tính tượng trưng, ước lệ, không nên hiểu cụ thể, chính xác. 18 là số đẹp, bội số của 9 số thiêng của người Việt (khi thách cưới, vua Hùng thứ 18 đòi phải mang đến voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao). Nguồn: Tin mới/Nguoiduatin Diệt vong Cuối thời Hùng Vương, vua có con gái xinh đẹp. Thục Vương sai người đến cầu hôn. Hùng Hầu nói Thục Vương chỉ lấy cớ hôn nhân để xâm lược. Hùng Vương gả con cho Sơn Tinh, Thục Vương oán giận. Thục Phán nối ngôi, xâm lược Văn Lang. Hùng Vương có binh hùng tướng mạnh thắng Thục Phán. Hùng Vương bảo: - Ta có sức thần, nước Thục không sợ ư? Từ đó bỏ bê đất nước, chỉ ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo đến nơi, vua say mềm chưa tỉnh. Tỉnh dậy, Hùng Vương cùng đường, thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân đầu hàng Thục Phán. Nước Việt sang kỷ mới: Kỷ nhà Thục[1] Chú thích [1] ĐVSKTT; Soạn giả Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên.. Dịch giả Viện sử học Việt Nam; NXB. KHXH Hà Nội 1993; bản điện tử. Nguồn: Web nguyenxuanhung Web vanvn Còn tiếp
Kỹ nghệ Ngườm là kỹ nghệ chế tác công cụ lao động từ đá của người nguyên thủy thời hậu kỳ đá cũ. "Công cụ mảnh Ngườm" Thập niên 1970 và 1980, các nhà khảo cổ học liên tục phát hiện các hiện vật mà họ cho là các công cụ nạo chế tác từ phiến tước bằng đá có niên đại cách nay khoảng 2 vạn năm ở các hang và mái đá phía Nam khối núi Bắc Sơn, tiêu biểu: Mái Đá Ngườm, hang Miệng Hổ, hang Na Khù ở xã Thần Sa (Võ Nhai), Nà Coóc ở xã Yên Đĩnh (Chợ Mới), Hang Dơi ở xã Vũ Lễ (Bắc Sơn), Bó Lấm ở xã Bằng Hữu (Chi Lăng), Lạng Nắc ở xã Mai Sao (Chi Lăng), Nà Nông (Chi Lăng), thuộc địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Giáo sư Hà Văn Tấn lấy địa danh Ngườm đặt tên cho loại kỹ nghệ này. Người nguyên thủy thời này biết chọn đá cuội sông, suối có góc cạnh, hạt đá mịn để tước thành mảnh có kích cỡ khoảng 5cm và tu chỉnh thành công cụ có mũi nhọn hình lá, hình nửa vỏ trùng trục hoặc hình tam giác. Những công cụ làm từ mảnh tước đá này được sử dụng vào các loại lao động nhẹ như cắt, khứa, nạo, cạo, dùi, đâm. Ngoài các công cụ làm từ mảnh tước, các nhà khảo cổ phát hiện thấy tỷ lệ nhỏ hơn các công cụ làm từ hạch cuội có hình dáng không ổn định có lẽ dùng trong các hoạt động lao động nặng như chặt, đẽo. Kỹ nghệ Ngườm được cho là khác kỹ nghệ cuội đồ đá lớn trong các nền Văn hóa Sơn Vi, Bắc Sơn, Hòa Bình. Về niên đại, các công cụ phát hiện có niên đại cách nay hơn 23.000 năm. Tham khảo Quang Văn Cậy (1994), Kỹ nghệ Ngườm và vị trí của nó trong thời đại đá Việt Nam, luận án Phó Tiến sĩ Lịch sử, Viện Khảo cổ học. Nguồn wikipedia Phát hiện dấu tích người Việt cổ tại Thái Nguyên Đoàn khảo cổ học Bảo tàng Thái Nguyên và Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện nhiều hang động có dấu tích người Việt cổ sinh sống. Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, đợt khảo sát khảo cổ học cuối tuần qua tại huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ, đoàn khảo cổ học của Bảo tàng Thái Nguyên và Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện nhiều hang động có dấu tích người Việt cổ sinh sống, Đáng chú ý nhất là phát hiện các di vật cổ ở hang Ốc, thuộc địa bàn xóm Phố, xã Bình Long (huyện Võ Nhai). Tại hang Ốc - nơi có diện tích hơn 100m2, đoàn khảo cổ phát hiện và sưu tầm hơn 300 di vật đá cùng rất nhiều vỏ ốc bị chặt đuôi, xương, răng động vật và các loại như công cụ chặt thô, nạo, dao, cuốc.. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy đây là dấu tích người tiền sử có niên đại ít nhất cách đây từ 7000 đến 8000 năm; những vỏ ốc bị chặt đuôi, xương động vật là những tàn tích thức ăn của người xưa. Ngoài ra, đoàn khảo cổ phát hiện những mảnh gốm thời kim khí chứng tỏ hang được sử dụng làm nơi cư trú cư dân thời đại kim khí cách nay khoảng 3.000 năm. Theo các nhà khảo cổ, đây là di tích rất quan trọng, cần quan tâm khai quật cũng như bảo tồn bởi hang Ốc có tầng lớp văn hóa dầy. Chứa đựng những hiện vật của nhiều thời đại, hứa hẹn sẽ cung cấp những nhận thức mới về sự phát triển liên tục của văn hóa tiền sử Thái Nguyên và Việt Nam.. Từ những năm 1980, tại huyện Võ Nhai, các nhà khảo cổ phát hiện dấu tích người Việt cổ tại khu vực Mái Đá Ngườm thuộc xã Thần Sa. Hiện di chỉ khảo cổ học này xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia và thành một trong những "điểm nhấn" quan trọng trong hệ thống các điểm du lịch trên địa bàn. Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN/Vietnam+) Nguồn vietnamplus Phát hiện răng voi hóa thạch ở Thái Nguyên Đợt khảo sát điều tra khảo cổ học đầu tháng 3 tại tỉnh phía Bắc Thái Nguyên, các nhà khảo cổ tim được một răng voi hóa thạch, được cho răng voi Châu Á. "Căn cứ mức độ hóa thạch, niên đại răng voi có tuổi 30.000 - 50.000 năm. Đây là trường hợp đầu tiên hóa thạch loài răng voi này tìm thấy ở Thái Nguyên", Tiến sĩ Trình Năng Chung, trưởng đoàn khảo cổ nói. Răng voi hóa thạch này phát hiện đầu 2011 tại khu vực sông Thần Sa (huyện Võ Nhai), đoạn chảy qua di chỉ Mái Đá Ngườm di tích khảo cổ học nổi tiếng được xếp hạng cấp quốc gia. Ông Đồng Văn Chung, 71 tuổi, một người sở tại cho biết hóa thạch tìm thấy ở độ sâu khoảng 3m so với lòng sông Thần Sa, một trong những hố đào vét lòng sông để đãi vàng. Lúc đầu, những người đãi vàng cho rằng đó là hòn đá bình thường, nhưng do hình thù khá kỳ lạ nên nó được giữ lại. Theo Tiến sĩ Trình Năng Chung, đó là hóa thạch voi Châu Á, tên khoa học Elephas maximus. Voi này sống cách nay hơn 1 triệu năm từ thời sơ kỳ cánh tân đến tận ngày nay vẫn tồn tại. Voi nặng từ 3.000kg đến 5.000kg, cao từ 2m đến 4m. Các nhà khảo cổ cho rằng, loài voi này sống cùng thời với bầy người nguyên thủy, chủ nhân Văn hóa Ngườm phát hiện thấy trong thung lũng Thần Sa, Thái Nguyên. Nguồn: Khoahoc. Tv Văn hóa Ngườm và Văn hóa Sơn Vi Văn Hóa Ngườm Sự hình thành: Văn hóa Ngườm, do các nhà khảo cổ học tìm thấy những mảnh tước ở Mái Đá Ngườm, Thái Nguyên nên lấy tên này đặt cho niên đại của nền văn hóa đó - khoảng 23.000 năm TCN. Văn hóa Ngườm còn gọi kỹ nghệ Ngườm là giai đoạn phát triển của người tối cổ sang người tinh khôn (người khôn ngoan sớm) ở Việt Nam trước nền Văn hóa Sơn Vi (từ 18.000 - 11.000 năm cách ngày nay). Thời gian: Cách ngày nay 2 vạn năm. Địa bàn cư trú: +Sống trong mái đá, hang động, ven bờ sông, suối +Từ Sơn La đến Quảng Trị. Công cụ lao động: Đá cuội được ghè đẽo ở rìa tạo thành cạnh sắc. Hoạt động kinh tế: Săn bắt, hái lượm. Tổ chức xã hội: Sống thành thị tộc. Công xã thị tộc hình thành. Văn Hóa Sơn Vi Văn hóa Sơn Vi là nền văn hóa ở Việt Nam vào hậu kỳ thời đại đồ đá cũ cách nay khoảng 18.000 đến 11.000 năm. Đây là nền văn hóa kế trước Văn hóa Hòa Bình. Sơn Vi là tên xã thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi đầu tiên tìm ra những di chỉ nền văn hóa này. Đến nay có khoảng 160 địa điểm thuộc Văn hóa Sơn Vi được phát hiện. Không gian Văn hóa Sơn Vi bao trùm các vùng thuộc Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị. Những người nguyên thủy chủ nhân Văn hóa Sơn Vi sống thành từng bộ lạc. Họ chủ yếu sống ngoài trời trên các đồi gò trung du ở trung lưu sông Hồng, thượng lưu sông Lục Nam, thượng lưu sông Hiếu. Chỉ một số ít sống trong hang động. Công cụ lao động của người nguyên thủy trong Văn hóa Sơn Vi làm từ đá cuội được ghè đẽo thô sơ. Họ sống bằng săn bắn và hái lượm, chưa trồng trọt và chăn nuôi. Nguồn: Sites. Google Thời đại đá cũ: Núi Đọ, Sơn Vi, Ngườm I. Sơ kỳ thời đại đá cũ Việt Nam chứng kiến quá trình tiến hóa liên tục của con người, từ Homo erectus, sang Homo sapiens, rồi Homo sapiens sapiens. Người khôn ngoan có 2 giai đoạn: Khôn ngoan sớm (Homo sapiens) - thoát khỏi yếu tố vượn thành người hiện đại, di cốt hóa thạch, niên đại cổ hơn 40.000 năm BP. Họ là chủ nhân của các văn hóa trung kỳ đá cũ. Giai đoạn Khôn ngoan muộn (Homo sapiens sapiens) con người tiếp tục hoàn thiện mình, một số di cốt hóa thạch, họ là chủ nhân của các nền văn hóa hậu kỳ đá cũ, cách đây chừng 30.000 năm. Ở Việt Nam, người Khôn ngoan sớm phát hiện ở Thẩm Ồm (Nghệ An) và Hang Hùm (Yên Bái), niên đại 60 - 50 nghìn năm BP. Cổ hơn các nơi khác trong khu vực. Riêng Thẩm Ồm còn tìm thấy công cụ mảnh tước quartzite. Người Khôn ngoan muộn phát hiện ở Kéo Lèng (Lạng Sơn), Thung Lang (Ninh Bình), niên đại 30.000 năm BP. Hai địa điểm này chưa tìm thấy công cụ, nhưng một số di chỉ có niên đại hậu kỳ đá cũ đã tìm thấy công cụ cuội ghè đẽo hoặc công cụ mảnh tước như trong Mái Đá Ngườm (Thái Nguyên), Mái Đá Điều (lớp dưới). 2. Các văn hóa sơ kỳ đá cũ Việt Nam: Trong thành phần động vật hóa thạch Pongo - Stegodon – Ailuroponda niên đại cuối trung kỳ Pleistocene ở Thẩm Khuyên và Thẩm Hai có động vật do con người săn bắt được và là kết quả hoạt động của người vượn, ở đây chưa thấy công cụ lao động, chưa thấy yếu tố văn hóa. - Ngược lại, trong di tích Núi Đọ, tìm thấy công cụ lao động kiểu sơ kỳ đá cũ lại không thấy di cốt người. Hiện các nhà khoa học đang thảo luận niên đại sơ kỳ đá cũ núi Đọ. Tình hình hiện nay, vẫn sử dụng tư liệu núi Đọ làm đại diện cho văn hóa sơ kỳ đá cũ. Sơ kỳ: Hai nhóm di tích chính ở Bắc và Nam Việt Nam. Nhóm di tích núi Đọ, Thiệu Yên, Thanh Hóa: Di tích ngoài trời, hiện vật thu lượm trên bề mặt. Công cụ đá basalt, loại hình chính: Rìu tay, công cụ chặt thô, mảnh tước Clacton và Levallois.. Niên đại khoảng 40 vạn năm cách ngày nay. Nhóm di tích miền Đông Nam Bộ: Phát hiện lẻ tẻ trên bề mặt đồi đất đỏ ở Xuân Lộc (Đồng Nai) và An Lộc (Bình Dương), công cụ đá basalt với các loại hình: Rìu tay, công cụ ghè một mặt, mũi nhọn, hòn ném (bolas).. Về mặt kỹ thuật tiến bộ hơn so với núi Đọ. Sơ kỳ đá cũ Việt Nam có nhiều nét tương đồng với sơ kỳ đá cũ Đông Nam Á, với các di tích như Tampan (Malaysia), Pajitan (Indonesia).. II. Hậu kỳ thời đại đá cũ: Tồn tại song song hai văn hóa thuộc hai kỹ nghệ khác nhau: Văn hóa Sơn Vi - kỹ nghệ cuội ghè (30.000 – 11.000 năm BP), Văn hóa Ngườm - kỹ nghệ mảnh tước (40.000 – 20.000 năm BP). Hai văn hóa này có khuynh hướng phát triển và tầm ảnh hưởng khác nhau. 1. Kỹ nghệ Ngườm gồm hang Miệng Hổ và Mái Đá Ngườm (lớp dưới), cùng ở thung lũng Thần Sa (Thái Nguyên) mà đặc trưng nổi bật là chế tác và sử dụng công cụ mảnh tước nhỏ có tu chỉnh. Văn hóa Sơn Vi trên 140 địa điểm. Các di tích Văn hóa Sơn Vi phân bố rộng và không đều ở các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, xa nhất về phía Nam là Quảng Trị. Các địa điểm Sơn Vi tập trung cao nhất ở vùng trung du Phú Thọ. Các di tích Văn hóa Sơn Vi phân bố trên 2 loại địa hình: Đồi gò - thềm sông và hang động - mái đá. Loại hang động - mái đá có số lượng ít. Công cụ đá Văn hóa Sơn Vi chủ yếu làm từ cuội sông, suối, kỹ thuật chế tác công cụ đá chủ đạo là ghè đẽo (một mặt), ít tu chỉnh, không có kỹ thuật mài. Công cụ cuội ghè (công cụ dạng hạch) có số lượng nhiều và phong phú: Công cụ rìa lưỡi ngang, dọc, mũi nhọn, công cụ hình nửa viên cuội, hình ¼ viên cuội (múi bưởi). Săn bắt và thu lượm là chính. Cư dân Văn hóa Sơn Vi là tiền thân của Văn hóa Hòa Bình, có vị trí quan trọng trong tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á. Xuất hiện các di tích hoặc nhóm di tích hậu kỳ đá cũ thuộc kỹ nghệ cuội ghè, cổ hơn, tương đương hoặc muộn hơn Sơn Vi, loại hình công cụ khác Sơn Vi hoặc gần với Sơn Vi ở nhiều địa bàn trên toàn quốc: Nhóm di tích Đồi Thông (Hà Giang) 2. Nhóm di tích cuội ghè Nậm Tun - Bản Phố ở Tây Bắc. Nhóm di tích cuội ghè Lung Leng (lớp Laterite) ở Tây Nguyên Nhóm di tích cuội ghè Lâm Đồng Nhóm di tích cuội ghè miền Đông Nam Bộ. Hậu kỳ đá cũ Việt Nam xuất hiện các văn hóa khảo cổ (gồm một số di tích, phân bố liền khoảnh, có đặc trưng ổn định về di tích và di vật, tồn tại trong thời gian nhất định và của một tộc người nhất định), các nhóm di tích, trong đó kỹ nghệ công cụ cuội là đặc trưng, điển hình nhất. Lâm Thị Mỹ Dung Nguồn minhquan-lichsu blogspot Còn tiếp
Núi Đọ - Di chỉ khảo cổ học thời đại đồ đá cũ "Di chỉ Núi Đọ" Núi Đọ thuộc địa phận 2 xã Thiệu Tân (huyện Thiệu Hóa) và Thiệu Khánh (thành phố Thanh Hóa), ngay bên bờ hữu ngạn nơi hợp lưu sông Mã và sông Chu, cách bờ biển Sầm Sơn 22km. Núi Đọ nằm trong vùng đồng bằng do bồi tích của sông Chu và sông Mã tạo nên, cách thành phố Thanh Hóa 7km về phía Bắc – Tây Bắc. Đá ở núi Đọ có tinh thể rất kết thực, hạt rất mịn, màu xanh xám, khá cứng, rất khó ghè vỡ, nhưng khi ghè vỡ lại tạo nên những cạnh rất sắc. Đây là vật liệu rất tốt, phù hợp trong chế tác công cụ, khi con người chưa tìm ra những loại vật liệu khác có nhiều ưu điểm hơn. Cuối năm 1960, núi Đọ được các nhà khảo cổ học trẻ tuổi Việt Nam cùng Giáo sư P. I. Boriskovski phát hiện, nghiên cứu và chứng minh nơi đây tồn tại nền văn hóa sơ kỳ thời đá cũ. Người nguyên thuỷ từng sinh sống ở núi Đọ cách nay khoảng 30-40 vạn năm. Bằng nhiều phương pháp nghiên cứu như so sánh, thực nghiệm.. các nhà khảo cổ học cho chúng ta biết để tạo ra mảnh tước, người nguyên thuỷ ở núi Đọ dùng đá đẽo đá: Phải có một vật có độ cứng tương đương, trọng lượng tương đối nặng mới ghè được đá. Đá là vật liệu tốt nhất để người nguyên thuỷ ở núi Đọ vừa chế tác công cụ, vừa dùng nó để tạo những công cụ. Phương pháp ghè đá là phương pháp ghè trực tiếp: Người nguyên thuỷ hoặc cầm hạch đá trên tay, hoặc đặt hạch đá xuống đất và cũng có thể họ đặt trên một hòn đá khác. Tay kia cầm hòn ghè bằng đá trực tiếp bổ xuống theo hướng định sẵn, để tách ra những mảnh tước. Ở núi Đọ, mảnh tước chiếm đa số di vật mà người ta tìm thấy. Hình dáng, kích thước các mảnh tước ở núi Đọ rất khác nhau: Có mảnh rất lớn (chiều dài tới 14.7cm, rộng 17cm, dày 6.2cm), có mảnh nhỏ hơn (dài 4cm, rộng 5cm, dày 1cm). Diện ghè của các mảnh tước rất khác nhau: Có diện ghè rất rộng (dài 16.5cm, rộng 4.5cm) nhưng có diện ghè rất nhỏ (dài 3.2cm, rộng 0.5cm). Nghiên cứu những dấu vết kỹ thuật trên các mảnh tước núi Đọ, các học giả cho rằng nó mang đầy đủ tính chất đặc trưng của mảnh tước Clắctôn điển hình. Đây là đặc trưng kỹ thuật cơ bản trong chế tác công cụ của con người thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá cũ. Căn cứ dấu vết kỹ thuật, dấu vết sử dụng để lại trên các mảnh tước, các nhà nghiên cứu cho biết: "Không phải tất cả mảnh tước đều bị vứt bỏ, đều là phế liệu, mà có thể một số mảnh tước được người xưa sử dụng để cắt, nạo, hoặc chặt những cây mềm và nhỏ. Nhiều mảnh tước ở núi Đọ vì vậy được sử dụng như một loại công cụ chân chính." Bên cạnh mảnh tước là những hạch đá, tức là những hòn đá mà từ đó người ta ghè ra các mảnh tước. Những hạch đá này thường không có hình dáng nhất định, là những khối đá lớn, nặng nề, kích thước không giống nhau. Hạch đá không được sửa trước khi đem ghè đẽo ra mảnh tước - tức không được định hình sẵn. Dấu vết các nhát ghè để lại trên hạch đá cho thấy người núi Đọ khi ghè đá thường lấy mặt lõm của vết ghè trước làm diện ghè cho nhát ghè sau. Ở núi Đọ còn khá nhiều công cụ được ghè đẽo qua loa, thường có một rìa lưỡi dày, mép uốn sóng, do những nhát ghè lớn chênh nhau ở hai mặt. Các nhà khảo cổ học gọi chúng là những công cụ chặt thô hay chopper. Đây là loại công cụ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số công cụ của người nguyên thuỷ ở núi Đọ. Tuy nhiên rìu tay mới là những công cụ đẹp nhất của họ. Hình dáng và kỹ thuật, về tư duy của người nguyên thuỷ núi Đọ. Các nhà khảo cổ học cho biết rìu tay là loại công cụ tiêu biểu cho sơ kỳ thời đại đá cũ – giai đoạn Sen – A sơn (Chelléen - Acheuléen). Đó là loại công cụ duy nhất có hình dáng khá hoàn chỉnh và tương đối chính xác. Rìu tay ở núi Đọ khá hiếm. Đó là những công cụ có hình hạnh nhân, hình bầu dục. Một đầu rìu tay có hình gần mũi nhọn và đầu đối diện là đốc cầm. Đốc cầm thường to, dày, gần thành khối, cầm lọt lòng bàn tay. Rìu tay ở núi Đọ ghè đẽo nhiều nhất trên cả hai mặt, có hình dạng cân xứng, có rìa lưỡi chạy xung quanh. Ngoài những loại hình công cụ trên, núi Đọ còn một loại công cụ nữa mà nhà khảo cổ học gọi là công cụ gần rìu. Đây là loại công cụ có hình dáng gần giống những chiếc rìu tứ diện, nhưng có số lượng rất lớn và nhiều chiếc được ghè đẽo cả hai mặt. So với tất cả các loại công cụ khác ở núi Đọ, loại công cụ này không khác gì về kỹ thuật chế tác, về chất liệu, màu sắc mặt ngoài, độ phong hóa và cả kích thước. Đa số công cụ gần hình rìu ở núi Đọ có dáng hình chữ nhật hoặc gần chữ nhật, mặt trên và mặt dưới thường song song với nhau. Một số công cụ này có rìa lưỡi ngang ở một đầu của hình chữ nhật, đồng thời hai cạnh dài của công cụ cũng được ghè đẽo cả hai mặt làm thành hai rìa tác dụng. Nghiên cứu bộ di vật sưu tập và hiện trạng khu di tích, các nhà khảo cổ học nói với chúng ta, người nguyên thuỷ ở núi Đọ dùng đá bazan ngay tại núi Đọ để chế tác tất cả các loại công cụ tại chỗ. Vì vậy các nhà khảo cổ học gọi di tích núi Đọ là di chỉ - xưởng. Đây cũng là điều thường thấy ở nhiều địa điểm khảo cổ khác thuộc sơ kỳ đá cũ trên thế giới. Tổng hợp Tài liệu tham khảo: Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa. Lịch sử Thanh Hóa tập 1. Nxb. KHXH, Hà Nội, 1990. Trang 21-26. Nguồn: Baotangthanhhoa Văn hóa núi Đọ Tôi hay nghe nói đến Văn hóa núi Đọ mà không hiểu nơi này ở vùng nào và có gì đặc biệt? Trịnh Thị Tâm, Mỏ Cày, Bến Tre Núi Ðọ nằm bên hữu ngạn sông Chu, thuộc huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Núi Đọ nằm ngay ngã ba của 3 xã: Thiệu Tân, Thiệu Vân, Thiệu Khánh, ngã ba của sông Chu, sông Mã, hai sông lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa. Cùng núi Bàn A (Núi Vồm - Thiệu Khánh) - Cồn Chân Tiên (Thiệu Khánh) tạo ra thế chân kiềng vững chãi. Núi Ðọ được xem là nơi có nhiều vết tích về người cổ. Núi Ðọ còn được gọi Quy Sơn, ngợi ca là "Linh Quy Hý Thuỷ" (rùa thiêng uống nước) là thắng cảnh trong Bàn A thập cảnh. Nhiều nhà khoa học xếp di chỉ núi Đọ vào sơ kỳ đồ đá cũ, giai đoạn phát triển đầu tiên của loài người. Thời điểm kết thúc giai đoạn này là cách đây khoảng 10.000 năm. Theo thông tin trên mạng (web samson) thì núi Ðọ chiếm không gian không lớn trong quần thể, nhưng có cấu tạo địa chất đặc biệt mà các núi khác xung quanh không có. Một đặc điểm rất dễ nhìn thấy của đá núi Ðọ là cứng rắn sắc cạnh hơn nhiều lần các loại đá xung quanh như đá vôi, đá lớp. Cha ông ta biết điều đó từ rất sớm, nên sử dụng chúng làm công cụ lao động - những chiếc mảnh tước, rìu tay.. được lấy từ đá núi Ðọ từng giúp cộng đồng duy trì và phát triển, vượt qua thời đại đồ đồng với nền Văn hóa Ðông Sơn rực rỡ. Ðất Thiệu Hóa ôm trọn đôi bờ hạ lưu sông Chu. Ði ngược thượng nguồn, các nhà khoa học phát hiện phần lớn lưu vực sông Chu nằm trong các khối đá mác-ma mà ta thường gọi đá hoa cương, như những khối bê tông khổng lồ được cấu tạo từ những nguyên liệu hết sức bền vững, nhất là về mặt hóa học. Sông Chu núi Ðọ còn là huyền thoại của Thiệu Hóa. Khi đến địa phận núi Ðọ, sông Chu mềm mại đổi hướng về phía Bắc, âu yếm ôm lấy chân núi, tạo các bãi bồi tít tắp của xã Thiệu Nguyên và Thiệu Tân. Nhưng đến địa phận núi Trịnh, núi Vồm, sông Chu lừng lững chảy thẳng giữa hai dãy núi để sớm được hòa vào sông Mã cùng đi đến Biển Ðông. Nguyễn Đông Thức, Hà Nội Nguồn báo nongnghiep Núi Đọ – Di chỉ khảo cổ học thời đại đá cũ Núi Đọ còn gọi là núi Quy Sơn, bồi đắp bởi hợp lưu sông Chu và sông Mã, thuộc địa phận 2 xã Thiệu Tân (huyện Thiệu Hóa) và xã Thiệu Khánh (thành phố Thanh Hóa). Đặc trưng hiện vật di tích văn hóa núi Đọ Hiện vật tìm thấy trong di tích núi Đọ gồm nhiều loại hình như mảnh tước, rìu tay, bôn, nhưng phổ biến nhất là mảnh tước. Mảnh tước Nhiều kích thước khác nhau, mảnh lớn nhất dài 14.7cm, mảnh nhỏ nhất dài 4cm, diện ghè có khi rộng, nhưng cũng có khi diện ghè nhỏ. Những mảnh tước ở đây mang đặc trưng mảnh tước Clacton – đặc trưng kỹ thuật cơ bản trong chế tác công cụ của con người thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá cũ. Những mảnh tước ở đây có thể sử dụng như một loại công cụ chính, có thể dùng để cắt, gọt, nạo, chặt. Hạch đá Là những di vật còn sót lại khi con người ghè đá để tạo những mảnh tước, chúng thường không có hình dáng nhất định, kích thước không giống nhau. Trước khi đá được đem ra ghè, hạch đá không được định hình trước, thường mặt lõm của vết ghè trước làm diện ghè cho các lần ghè sau. Công cụ chặt thô (còn gọi chopper) Là những công cụ được ghè đẽo qua loa, có rìa lưỡi dày, mép uốn sóng, do những nhát ghè lớn chênh nhau ở hai mặt. Loại hình hiện vật này chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các công cụ của người nguyên thủy ở núi Đọ. Rìu tay Là những công cụ tiêu biểu cho sơ kỳ thời đại đá cũ – giai đoạn Sen-A sơn. Rìu chia làm 2 phần: Đốc cầm và lưỡi hình mũi nhọn; đốc cầm thường to, dày, cầm vừa lòng bàn tay. Rìu có hình dạng giống như hạt hạnh nhân, hình bầu dục, hình dáng khá hoàn chỉnh và tương đối chính xác. Rìu được chế tác trên cả hai mặt, có hình dáng cân xứng, có rìa lưỡi chạy xung quanh. Rìu tay ở núi Đọ tương đối hiếm và là loại hình hiện vật đẹp nhất được phát hiện ở đây. Công cụ gần rìu Đây là loại hình hiện vật gần giống như những rìu tứ diện về hình dáng, chất liệu, kích thước, màu sắc, có số lượng lớn và ghè đẽo cả hai mặt. Loại hình hiện vật này có hình dáng chữ nhật hoặc gần chữ nhật, hai cạnh dài được ghè đẽo cả hai mặt và đều có khả năng sử dụng. Hiện các nhà khảo cổ học phát hiện được ở núi Đọ khoảng hơn 2.500 hiện vật, bao gồm nhiều loại hình hiện vật khác nhau và đá basalt được người nguyên thủy dùng làm nguyên liệu chế tác chính. Các công cụ này đều chế tác tại chỗ, vì vậy núi Đọ được gọi là di chỉ – xưởng. Tại di chỉ này người ta không tìm thấy di cốt con người (loài vượn Hominid được tìm thấy ở Trung Quốc và Indonesia). Theo J. S. Bowman, người khôn ngoan tồn tại ở Việt Nam khoảng 22.000 năm trước. Vì vậy niên đại chính xác công cụ đá núi Đọ vẫn chưa được thống nhất và hiện nay thì công cụ đá vẫn được tạm dùng làm hiện vật đại diện cho văn hóa sơ kỳ đá cũ ở Việt Nam. Do thoát khỏi yếu tố vượn để thành người, có ý thức về lao động và chế tác công cụ nên hình thành nên một nền văn hóa và có thể gọi là Văn hóa núi Đọ. Nguồn: Lisuvina Thanh Hóa: Kỳ bí "vết chân tiên" trên núi Đọ Núi Đọ - nằm trên địa bàn 3 xã Thiệu Tân (Thiệu Hóa), Thiệu Vân, Thiệu Khánh (TP. Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa được xếp vào 1 trong 10 cảnh đẹp nổi tiếng quanh dãy núi Bàn A. Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của ngọn núi ẩn chứa rất nhiều bí mật, trong đó phải kể đến "vết chân tiên." Chếch về hướng Tây của dãy núi cũng là chân núi Đọ có một tảng đá lớn, bên trên có dấu tích của "bàn chân tiên", với những vết lõm hình 5 ngón chân rõ ràng. Có rất nhiều truyền thuyết xoay quanh "bàn chân tiên" này, về dấu chân của người khổng lồ từ xa xưa đến bạt núi, san đồi cho dân làng - xóm mọc lên mà dân gian hay gọi ông Vồm - người từng thi thố sức mạnh siêu phàm với ông Bưng như trong lời kể của nhiều bậc cao niên tại đây. "Vết chân tiên" này nằm trong vườn của gia đình anh Đỗ Văn Toản ở xóm 8, xã Thiệu Vân (TP Thanh Hóa). Anh cho hay, từ nhỏ tôi thường nghe các cụ trong làng kể không biết từ bao giờ, không ai nhớ rõ, tại khu vực chân núi Đọ xuất hiện tảng đá lớn, bên trên in hình bàn chân to, đủ 5 ngón. Các cụ bảo đó là bàn chân tiên (hay có tên gọi bàn chân của người Giao Chỉ xưa). Nhiều người dân truyền miệng, nếu muốn sinh con trai, vợ chỉ cần đưa bàn chân trái ướm lên "vết chân tiên" sẽ được như ý muốn. Núi Đọ với hình "Linh Quy Hý Thủy" là di chỉ văn hóa thời đại đá cũ sơ kỳ. Với sự quyết tâm của giới khảo cổ phát hiện nhiều vết tích di chỉ Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Phù Lãng, Chu Đậu.. của thời các Vua Hùng dựng nước, với rất nhiều trống đồng, thạp đồng, rìu tay bằng đá, kiếm, mác.. tại chân núi Đọ. Anh Toản - chủ khu vườn có tảng đá "bàn chân tiên" chia sẻ, từ khi phát hiện bàn chân kỳ lạ này, hàng ngày anh đón nhận rất nhiều khách đến tham quan, phần lớn là giới khảo cổ, dân buôn đồ cổ. Thập niên 90 thế kỷ trước, GS. Nguyễn Quốc Vượng cùng cộng sự ghé thăm khu vườn anh Toản để nghiên cứu, khảo sát. Qua thăm dò, khai quật đoàn khảo cổ phát hiện rất nhiều vật dụng bằng rìu đá, bát, đĩa bằng sành, sứ.. Quanh khu vực vườn anh Toản, cạnh "vết chân tiên", người dân phát hiện một viên đá dựng, đào lên xuất hiện một số chum sành. Còn tại phía Đông Nam của núi Đọ, người dân còn phát hiện khu mộ táng cổ thuộc giai đoạn Hán - Đường. Người dân làng Đọ (xã Thiệu Khánh) thường truyền tai nhau về những câu chuyện cổ tích mang đậm nét huyền thoại liên quan đến núi Đọ, về vùng đất Cửu Chân xưa. Từ chuyện người khổng lồ đánh quỷ dữ đến sự tích "bàn chân tiên." Có thể nói huyền tích núi Đọ với "vết chân tiên" từ lâu đã trở thành giai thoại. Những câu chuyện xoay quanh ngọn núi kỳ vĩ này thường được dân truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù trong số những chuyện đó "thực thực, hư hư", nhưng có thể nói đây là một trong những di tích quan trọng, ý nghĩa trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân bản xứ. Trung Lê Nguồn: Baomoi Còn tiếp
Di chỉ khảo cổ Tràng An "Di chỉ khảo cổ Tràng An" Văn hóa Tràng An là nền văn hóa cổ ở Việt Nam, hình thành từ thời kỳ đồ đá cũ cách nay khoảng 25.000 năm. Tràng An là tên địa danh ở Ninh Bình, nơi đầu tiên tìm ra những di chỉ nền văn hóa này. Đến nay có khoảng 30 địa điểm thuộc nền Văn hóa Tràng An được phát hiện. Khu vực Quần thể Danh thắng Tràng An ở Ninh Bình có hơn 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử được phát hiện. Kết quả nhiều cuộc nghiên cứu của các chuyên gia khảo cổ học cho thấy dấu ấn người tiền sử thích nghi với biến cố lớn về môi trường, cảnh quan ít nhất là từ: Khoảng 23.000 năm TCN đến nay, một số nền văn hóa tiền sử tiến hóa liên tục ở khu vực này, từ thời đại đồ đá cũ qua thời đồ đá mới đến thời đại đồ đồng và đồ sắt.. Với những giá trị về văn hóa và thiên nhiên mang tính nổi bật toàn cầu, Tràng An được UNESCO vinh danh thành Khu Di sản Thế giới kép đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á[1] Tổng quát Văn hóa Tràng An kéo dài từ thời đồ đá cũ sang thời đồ đá mới (cách nay 25.000 năm), trên vùng đất xen núi đá vôi, thuộc phía Nam châu thổ sông Hồng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử cho hay, căn cứ kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học hang động Tràng An xác nhận các di tích tiền sử mang trong mình những đặc thù riêng biệt, xác lập hiện diện nền văn hóa khảo cổ - Văn hóa Tràng An. Nó rất khác so với Văn hóa khảo cổ Hòa Bình, Cái Bèo, Đa Bút, Quỳnh Văn, Hạ Long, Hoa Lộc cả về không gian cư trú, về chất liệu công cụ đá, kỹ thuật gia công công cụ, có giao thoa, tiếp xúc và diễn tiến văn hóa để bước từ nguyên thủy sang văn minh ở địa bàn hết sức đặc trưng của thung lũng karst lầy trũng. Truyền thống khai thác nhuyễn thể ở hang động Tràng An còn lưu truyền tới những người Việt sau này[2] Qua phân tích, đối sánh giữa nền Văn hóa Tràng An với các văn hóa khảo cổ học đã biết, ở Tràng An: Về vị trí địa lý là thung lũng đá vôi đầm lầy chứ không phải đá vôi vùng núi khác. Công cụ lao động không sử dụng đá cuội mà sử dụng bằng đá vôi, phổ biến sử dụng đồ gốm hoa văn dấu thừng thô chứ không phải dấu thừng mịn. Khai thác các loài vỏ nhuyễn thể (như vỏ ốc, trai, hàu) là nước ngọt và biển (đồng thời). Con người cư trú hầu như chỉ ở trong hang động, không ở ngoài trời và các hang động đó sử dụng đến nay (ban đầu là nơi cư trú, sinh sống sau này được sử dụng làm chùa, nơi sinh hoạt văn hóa cư dân địa phương). Niên đại kéo dài từ 25.000 năm đến 3.000 năm cách ngày nay. Điều kiện tự nhiên đặc biệt, hầu như chỉ có đá vôi là chất liệu đá duy nhất, người Tràng An biết sử dụng nó làm công cụ lao động ít nhất đến cách ngày nay khoảng 3.000 năm. Quá trình đó nhận biết đá vôi đô-lô-mít thuộc loại chất liệu tốt nhất có thể có. Đồng thời với giai đoạn biển tiến lớn nhất cuối cùng (khoảng 7.000-4.000 năm trước), người tiền sử Tràng An biết tới nghệ thuật làm đồ gốm. Những chứng cứ sớm nhất được cho tương đương với gốm Đa Bút (6000 năm trước), nhưng thực tế làm ra ở đây sớm hơn nhiều (khoảng 9.000 năm trước) và tiến hóa liên tục qua thời đại kim khí đến tận sau này. Việc sử dụng đồ gốm từ sớm và liên tục ở Tràng An chứng tỏ một trung tâm gốm sứ rất khác biệt so nhiều trung tâm gốm sứ khác ở Việt Nam từng tồn tại ở đây. Ts. Masanari Nishimura (Nhật Bản) qua nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Quần thể Danh thắng Tràng An khẳng định: Cách đây 5.000-6.000 năm trước, có một trận động đất lớn ở Tràng An và người Việt cổ ở Tràng An trải qua nhiều biến đổi của thiên nhiên để thích ứng và phát triển đến nay, tạo giá trị về nền Văn hóa Tràng An[3] Giá trị Hệ thống các di tích khảo cổ hang động trong Quần thể Di sản Thế giới Tràng An (Ninh Bình) là thí dụ nổi bật về sự định cư truyền thống của loài người, việc sử dụng đất hoặc biển. Đại diện cho nền văn hóa (hoặc nhiều nền văn hóa) hoặc tác động của con người đến thiên nhiên đặc biệt khi nó trở nên bị nguy hại dưới tác động của thay đổi không thể thay đổi được. Điều này chứng minh qua các tư liệu: Truyền thống định cư hang động lâu dài từ thời tiền sử, cách đây 25.000 năm (C14 Hang Trống) đến các chùa hang mà người Việt đang sử dụng. Tại đây con người sống, khai thác nguồn lợi tự nhiên trong vùng karst nhiệt đới, gắn liền với những biến động địa chất mang tính toàn cầu (biển tiến, biển thoái). Gắn liền với những phát minh vĩ đại của nhân loại (kỹ thuật mài trong chế tác công cụ, kỹ thuật làm đồ gốm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi), một thí dụ điển hình về bước tiến văn hóa nhân loại ở vùng biển cổ Ninh Bình. Địa tầng các di tích tiền sử Tràng An cho biết các giá trị văn hóa tiền sử ở đây phát triển bền vững, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác và thành truyền thống (tradition). Theo thời gian, truyền thống ở đây không lặp lại nguyên gốc, mà do áp dụng kỹ thuật mới hoặc các dạng thức hoạt động mới đã nảy sinh cái mới (innovation), cái mới được cách tân (renovation) và gia nhập vào truyền thống. Cứ như vậy, truyền thống và cách tân là 2 chiều ngang và dọc, dệt nên bức tranh văn hóa tiền sử, làm nên giá trị bền vững, tinh hoa của các cộng đồng tộc người ở vùng Tràng An Ninh Bình. Các chứng tích văn hóa khảo cổ tiền sử ở Tràng An phong phú và đa dạng là nguồn sử liệu vật thật minh chứng cho sự biến đổi đặc biệt về: Kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng cư dân nơi đây dưới tác động thay đổi môi trường karst, biến động của cổ khí hậu, của mực nước biển vùng nhiệt đới gió mùa. Đây là các chứng tích điển hình nhất cho loại hình cư trú liên tục trong hang động trước, trong và sau biển tiến. Truyền thống khai thác và sử dụng nhuyễn thể biển và trên cạn, truyền thống săn bắt đa tạp, theo phổ rộng, săn bắt nhiều loài, mỗi loài một ít và không dẫn đến hủy diệt bầy đàn động vật đó. Truyền thống chế tác và sử dụng công cụ đá vôi, nảy sinh kỹ thuật mài, cưa và kỹ thuật làm gốm và trồng trọt trong thung lũng đầm lầy là nét riêng độc đáo, làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể các di tích khảo cổ nơi đây. Hệ thống các di tích khảo cổ tiền sử hang động Tràng An (Ninh Bình) còn chứa đựng độc bản hoặc chí ít là chứng cứ đặc biệt về truyền thống văn hóa hoặc nền văn minh hiện còn tồn tại hoặc đã mất của nhân loại (tiêu chí: Iii của Di sản Thế giới) [4] Các di chỉ Dựa trên những dấu tích nền Văn hóa Tràng An còn lại cho thấy các di tích tiền sử Tràng An phát triển qua 3 giai đoạn: Trước biển tiến Holocene trung (trước 6000 năm cách ngày nay) có các di tích Hang Trống, Hang Bói, Mái Đá Ông Hay, lớp dưới Mái Đá Chợ và lớp sớm nhất Hang Mòi. Giai đoạn biển tiến (6000 - 4000 năm cách ngày nay) có các di tích: Mái Đá Vàng, Hang Ốc và lớp trên Hang Mòi. Giai đoạn sau biển tiến (4000 - 2000 năm cách ngày nay) có các di tích: Hang Núi Tướng 1, Núi Tướng 2, lớp trên Mái Đá Chợ, di tích Thung Bình 1, Thung Bình 2. Các di tích ở Tràng An đều thuộc loại hình hang động, mật độ cao, phân bố không đều, tập trung ở khu trung tâm và vùng rìa phía Tây và Tây Nam, phần còn lại (phía Bắc và phía Đông) của Quần thể Di sản Thế giới Tràng An có rất ít. Chúng phân bố thành nhóm, mỗi nhóm từ 4 đến 6 di tích, chiếm vài thung lũng núi đá vôi liền khoảnh, thuộc các tiểu vùng cảnh quan khác nhau gồm nhóm: 1, 2 ở trung tâm khối đá vôi Tràng An, tiêu biểu là các di tích Hang Trống, Hang Bói và Hang Mòi, Mái Đá Ông Hay, Mái Đá Chợ, Mái Đá Vàng. Các di tích này phân bố trong địa hình núi đá vôi dạng chóp nón, đỉnh nhọn, kết nối với nhau bằng các sống núi kiểu thành lũy. Bao lấy các hố sụt, trũng kín, đáy bằng, tụ nước dạng đầm lầy, liên thông nhau bằng các động xuyên thủy. Nhóm 3 ở rìa phía Tây khối đá vôi Tràng An, tiêu biểu là 4 hang: Thung Bình 1, 2, 3, 4 và Hang Chùa. Đây là vùng núi đá vôi dạng tháp tách biệt nhau, thung lũng rộng, ngập nước và liên kết nhau qua mạng lưới sông suối. Nhóm 4 ở rìa Tây Nam, tiêu biểu là Mái đá Ốc 1, 2, Núi Tướng 1, 2 và Hang Vàng. Cảnh quan nơi đây thuộc dạng chóp nón nối đỉnh, dạng dãy, thành lũy đan xen; thung lũng hẹp chạy dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam, có nhiều hang xuyên thủy, xuyên thung. Nhóm 5 ở phía Bắc, gồm các di chỉ Hang Áng Nồi, Hang Ông Mi, Hang Trâu, Hang Son. Các núi đá vôi ở đây đỉnh bằng, đứng tách rời nhau, rải rác trong các thung lũng ngập nước và liên thông bởi hệ thống sông suối tự nhiên như sông Ngô Đồng, sông Đền Vối, sông Sào Khê, sông Bến Đang[5] Chú thích 1. Quần thể Danh thắng Tràng An: Di sản Thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam 2. Danh thắng Tràng An xứng đáng là Di sản Thế giới 3. Tràng An hướng tới Di sản Thế giới 4. Châu Á: Việt Nam – Quần thể Danh thắng Tràng An (2014) 5. Di tích khảo cổ học Tràng An: Chứa đựng hệ giá trị nổi bật Tham khảo Tống Trung Tín, Những phát hiện mới về nền Văn hóa Tràng An. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 2012. Tạp chí khảo cổ học Việt Nam. Nguồn wikipedia Skyscrapercity Còn tiếp
Phục dựng cảnh người thượng cổ Việt Nam tại khu du lịch Suối Tiên "Văn hóa Sơn Vi" Văn hóa Sơn Vi là nền văn hóa ở Việt Nam vào hậu kỳ thời đồ đá cũ cách nay khoảng 30.000 đến 11.000 năm. Đây là nền văn hóa kế trước Văn hóa Hòa Bình. Sơn Vi là xã thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi đầu tiên tìm ra những di chỉ nền văn hóa này. Đến nay có khoảng 160 địa điểm thuộc Văn hóa Sơn Vi được phát hiện[1] Không gian Văn hóa Sơn Vi bao trùm các vùng thuộc Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị. Những người nguyên thủy chủ nhân của Văn hóa Sơn Vi sống thành từng bộ lạc. Họ chủ yếu sống ngoài trời trên các đồi gò trung du ở trung lưu sông Hồng, thượng lưu sông Lục Nam, thượng lưu sông Hiếu. Chỉ một số ít sống trong hang động, mái đá. Công cụ lao động của người nguyên thủy trong Văn hóa Sơn Vi làm từ đá cuội được ghè đẽo thô sơ. Họ sống bằng săn bắn và hái lượm, chưa có trồng trọt và chăn nuôi. Tham khảo 1. Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến TK. X Nguyễn Cảnh Minh (2007), "Thời đại nguyên thủy trên đất nước Việt Nam", trong Trương Hữu Quýnh chủ biên (2007), Đại cương Lịch sử Việt Nam - Tập I, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. Nguồn: Wikipedia Sưu tập công cụ cuội Văn hóa Sơn Vi Văn hóa Sơn Vi là di chỉ văn hóa lấy tên theo địa phận xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là nơi phát hiện đầu tiên các công cụ cuội ghè, đẽo. Tập trung chủ yếu tại các di chỉ: Sơn Vi, Vườn Sậu, Sóc Lọi, Làng Nghìa, Núi Thắm, Phân Đậu, Phân Muồi, Núi Nỏn.. Đến nay các nhà khảo cổ học phát hiện 105 địa điểm của địa bàn Phú Thọ, trên 230 địa điểm Sơn Vi trong cả nước. Nhiều nhất ở tỉnh Phú Thọ 105 địa điểm, Yên Bái 39, Sơn La 22, Lai Châu 18, Bắc Giang 13, Lâm Đồng 2, Quảng Trị 1.. Qua các hiện vật thu trên địa bàn cả nước cũng như trong tỉnh Phú Thọ, các nhà nghiên cứu xác định Văn hóa Sơn Vi thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ lấp vào khoảng trống lịch sử từ sơ kỳ đá cũ lên sơ kỳ đá mới. "Văn hóa Sơn Vi có niên đại mở đầu khoảng 23.000 năm chấm dứt khoảng 11.000 năm cách ngày nay" (Hà Văn Tấn, Nguyễn Khắc Sử, Trình Năng Chung, 1999). Địa bàn phân bố Sơn Vi khá rộng, không chỉ ở phía Bắc mà còn ở Bắc Trung Bộ, phân bố không đồng đều trên hai loại hình cơ bản: Loại hình hang động – mái đá phân bố rải rác, đan xen ở vùng núi đá vôi Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, ở những hang cao và đầu nguồn các con suối. Và loại hình đồi gò – thềm sông: Các địa điểm Sơn Vi tập trung thành 4 vùng hay 4 nhóm lớn: Trung lưu sông Hồng; thượng lưu sông Đà; thượng lưu sông Lục Nam và thượng lưu sông Cả. Từ trước đến nay các nhà khoa học chứng minh một trong những nguồn hợp hình thành văn hóa thời Hùng Vương là các văn hóa tiền Đông Sơn kế tiếp nhau ở lưu vực sông Hồng, với các Văn hóa: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Việc phát hiện Văn hóa Sơn Vi cho chúng ta biết được Tổ tiên xa xăm hơn trên Đất Tổ Vua Hùng dựng nước. Từ khi phát hiện nền văn hóa này 1968, các nhà khoa học có rất nhiều điều phải bàn: Niên đại Văn hóa Sơn Vi, địa bàn cư trú, sự có mặt Văn hóa Sơn Vi trong hệ thống di chỉ thuộc khu vực Đông Nam Á, vấn đề mảnh tước trong Văn hóa Sơn Vi, dấu tích di cốt động vật.. Ở đây thông qua bộ sưu tập này Bảo tàng Hùng Vương giới thiệu với người xem về loại hình công cụ, nguyên liệu, chất liệu, kỹ thuật chế tác, chức năng sử dụng các công cụ cư dân Sơn Vi đó là một trong những cách thức trong xác định mối quan hệ về bước chuyển biến từ Văn hóa Sơn Vi (hậu kỳ đá cũ) lên Văn hóa Hòa Bình (sơ kỳ đá mới). Hơn 1 thế kỷ qua ngành khảo cổ học có những đóng góp không nhỏ trên địa bàn vùng Đất Tổ với những phát hiện khảo cổ: Văn hóa Sơn Vi (cách nay 11 vạn năm), Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn (đến 2000 năm). Hiện nay trong kho hiện vật Bảo tàng tỉnh Phú Thọ lưu rất nhiều bộ sưu tập quý giá là các văn hóa sơ sử kế tiếp nhau tương ứng thời kỳ Hùng Vương ở lưu vực sông Hồng và có bộ sưu tập hiện vật có ý nghĩa giá trị lịch sử hết sức to lớn đối với tiến trình lịch sử dân tộc. Đó là bộ sưu tập công cụ cuội của Văn hóa Sơn Vi được trưng bày trong 2 tủ với số lượng hơn 40 công cụ với đầy đủ các loại hình. Các nhà khảo cổ khẳng định: "Đặc trưng nổi bật trong công cụ đá Văn hóa Sơn Vi là sử dụng cuội sông, suối để chế tác công cụ. Đó là nguồn nguyên liệu tại chỗ được người xưa tuyển chọn có hình dáng khá ổn định đối với từng loại hình và từng nhóm di vật cụ thể." (Hà Văn Tấn – Nguyễn Khắc Sử – Trình Năng Chung 1999, 129). Về chất liệu các loại đá trong sưu tập Sơn Vi thường xác định dựa vào màu sắc để đoán nhận. Theo các công trình công bố đều thống nhất chất liệu được người Sơn Vi sử dụng là đá Quartzite đôi khi có cả đá cát kết, basalte, porphyrite, phtanite, bộ sưu tập Sơn Vi trong Bảo tàng tỉnh Phú Thọ được xác định là đá Quartzite. Về loại hình và kỹ thuật chế tác: Công cụ đặc trưng loại hình Văn hóa Sơn Vi được chia 2 nhóm: Công cụ cuội nguyên bao gồm chày, bàn nghiền, hòn ghè và nhóm công cụ cuội ghè đẽo. Các sưu tập Sơn Vi nhóm công cụ cuội nguyên rất ít. Nhóm công cụ cuội ghè đẽo có số lượng nhiều và loại hình phong phú, sưu tập công cụ cuội trong bảo tàng chủ yếu là nhóm công cụ cuội ghè đẽo bao gồm: Những công cụ rìa lưỡi ngang: Kích thước trung bình chiều dài từ 9cm đến 12cm, chiều rộng từ 7cm đến 9cm, lưỡi hẹp, thân dài ghè ít lớp, góc lưỡi nhỏ. Với loại hình công cụ này cho thấy cư dân Sơn Vi sử dụng kỹ thuật ghè đẽo là chủ yếu, những loại công cụ này thường ghè vài nhát, ghè một lớp theo hướng, có đốc cầm dài. Vẫn loại hình công cụ rìa ngang nhưng thân cuội cực ngắn, ghè sát đến phần đầu hẹp viên cuội được gọi là núm cuội, khiến viên cuội có đốc cầm cực ngắn (10, 5 x 6, 5 cm). Những công cụ rìa lưỡi dọc với lưỡi dài, thân ngắn, ghè ít hoặc nhiều lớp, góc lưỡi hẹp hoặc lớn, loại công cụ này làm từ loại cuội bầu dục dẹt, mỏng. Kỹ thuật ghè tạo một lớp lưỡi ghè mỏng chạy dọc theo chiều dài viên cuội. Kích thước chiều dài từ 11cm đến 13cm, chiều rộng từ 3cm đến 6cm. Công cụ phần tư viên cuội sử dụng kỹ thuật bổ cuội, chặt bẻ sau đó các loại công cụ này sử dụng kỹ thuật ghè, đẽo tạo rìa tác dụng từ cuội bổ. Kỹ thuật chặt bẻ trong Sơn Vi tạo công cụ phần tư viên cuội (chiều dài từ 9cm đến 13cm, chiều rộng từ 5cm đến 8cm), trong Văn hóa Hòa Bình tạo công cụ rìu ngắn. Sử dụng công cụ từ cuội bổ chính là tận dụng nguồn nguyên liệu trong điều kiện khan hiếm và giảm thiểu quy trình ghè đẽo tạo rìa tác dụng. Bộ công cụ rìa lưỡi xiên tại bảo tàng có kích thước (chiều dài từ 7cm đến 15cm, chiều rộng từ 4, 7cm đến 12cm) làm từ cuội dẹt, ghè một mặt, thường cuội mỏng ghè ít lớp, cuội dày ghè nhiều lớp. Loại công cụ này còn gọi là công cụ lưỡi lệch. Ngoài ra trong bộ sưu tập này còn có các loại công cụ hai rìa, ba rìa, công cụ mũi nhọn, công cụ đa rìa, một số mảnh tước, vẫn sử dụng kỹ thuật ghè đẽo là chủ yếu. Loại hình công cụ đa rìa kỹ thuật ghè được sử dụng để ghè hết một mặt lớn của vỏ cuội tự nhiên, được ghè từ một lớp đến nhiều lớp khác nhau tạo thành rìa cạnh sắc. Như vậy trong Văn hóa Sơn Vi kỹ thuật ghè đẽo sử dụng chủ yếu trên hòn cuội tự nhiên.. Kết hợp bổ cuội để tạo phần tư viên cuội làm công cụ trong điều kiện tận dụng nguyên liệu tại chỗ và kỹ thuật chặt bẻ là thủ pháp đặc thù trong kỹ thuật Sơn Vi. Chặt bẻ là khâu thứ hai tiếp theo sau khi tạo được công cụ có rìa lưỡi. Chặt đôi công cụ rìa dọc để tạo công cụ phần tư cuội, chặt đốc công cụ rìa lưỡi hẹp để tạo những chopper đốc ngắn và phẳng. Vẫn sử dụng các kỹ thuật ấy đến Văn hóa hòa Bình đã có bước phát triển hơn tạo thành rìu đá kết hợp với kỹ thuật mài. Về công dụng: Các loại công cụ trên được cư dân Sơn Vi sử dụng hàng ngày như những loại dụng cụ chặt, cắt, đập, giã, nghiền trên các vật dụng sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày như rau, cỏ, thịt thú rừng.. Từ những chứng tích về Văn hóa Sơn Vi ta có thể hình dung đôi nét về cuộc sống cư dân lúc đó: Họ sống trên những hang cao, đầu nguồn các suối và đồi gò thấp, ven sông, dựa vào kinh tế săn bắt hái lượm, chưa có kinh tế sản xuất nông nghiệp, chưa biết làm đồ gốm. Tại Phú Thọ, Văn hóa Sơn Vi tập trung chủ yếu tại vùng ngã ba sông, đồi gò của huyện Lâm Thao. Ngoài ra còn có ở vùng đồi gò dọc bờ sông Thao và sông Lô thuộc các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Phù Ninh, Tam Nông.. Thông qua bộ sưu tập này, chúng tôi muốn giới thiệu đến đông đảo bạn đọc về nền văn hóa xa xôi mà Phú Thọ vinh dự, tự hào mang tên nền văn hóa đó, Văn hóa Sơn Vi – Phú Thọ là một trong những trung tâm thời đại đá cũ của Việt Nam. Lấp vào khoảng trống lịch sử từ sơ kỳ đá cũ lên sơ kỳ đá mới, giúp các nhà khoa học khẳng định chắc chắn về nguồn gốc con người thời kỳ tiền Hùng Vương và Hùng Vương trên vùng đất cổ của Tổ quốc. Nguồn: Baotanghungvuong Di tích khảo cổ Sơn Vi và Gò Mun ở Phú Thọ được xếp hạng quốc gia Di tích khảo cổ Sơn Vi gồm hai địa điểm là Gò Vườn Sậu và Rừng Sóc Lọi (xã Sơn Vi), phát hiện từ 1968 và khai quật năm 1969. Trên địa bàn Phú Thọ, đây là khai quật đầu tiên và duy nhất về Văn hóa Sơn Vi - văn hóa của cư dân thời đại hậu kỳ đá cũ, cách đây khoảng 10.000 đến 30.000 năm. Hơn 1000 hiện vật khai quật và tìm thấy tại hai địa điểm trên chủ yếu là các công cụ lao động chế tác từ đá cuội, với các loại hình bán nguyệt, hình rẻ quạt, rìa ngắn nguyên sơ, chày nghiền, mảnh tước.. Kết quả nghiên cứu cho thấy cư dân Sơn Vi là những người sống bằng săn bắt, hái lượm, phân bố từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến miền trung, thậm chí vết tích công cụ còn tìm thấy ở Tây Nguyên. Song Phú Thọ là nơi phát hiện đầu tiên và tập trung dầy đặc nhất di tích Văn hóa Sơn Vi với 104 địa điểm. Di vật đồ đá Sơn Vi là cổ vật lâu đời nhất ở Phú Thọ, gồm công cụ, hạch đá, mảnh tước nằm rải rác trên các ngọn đồi thấp ở Lâm Thao và các gò đồi ở các huyện dọc sông Thao, sông Lô. Sưu tập hiện vật khảo cổ ở Vườn Sậu và Rừng Sóc Lọi khẳng định thêm Văn hóa Sơn Vi khác Văn hóa Hòa Bình. Và hiện diện trước Hòa Bình không chỉ ở Phú Thọ mà các vùng khác của đất nước. Văn hóa Sơn Vi là mắt xích quan trọng trong văn hóa tiền sử ở Việt Nam và Đông Nam Á. Di tích khảo cổ Gò Mun (xã Tứ Xã) phát hiện đầu 1961, qua khai quật: 1961, 1965, 1969, 1971 thu hàng vạn hiện vật đồ đá, đồ đồng, đồ xương, đồ gốm thuộc nền văn hóa thời đại đồng thau có niên đại cách nay 2300 - 3000 năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cư dân Văn hóa Gò Mun là thực thể cộng đồng chặt chẽ, đời sống vật chất, tinh thần có chuyển biến rõ rệt so giai đoạn trước. Họ sống chủ yếu bằng chăn nuôi và trồng trọt, ngoài ra còn săn bắt và khai thác thuỷ sản. Các nghề thủ công như đúc đồng, làm gốm, chế tác đá, dệt vải, đan lát, làm mộc, đan lưới cũng là những hoạt động kinh tế quan trọng. Ngoài các công cụ và vũ khí bằng đồng, cư dân Văn hóa Gò Mun tạo những đồ trang sức tinh tế như các loại khuyên tai bốn màu, khuyên tai hình gối qua, vật hình "đầu trâu" bằng đá ngọc. Đồ gốm nhiều kiểu dáng, trang trí hoa văn phong phú và phức tạp; tượng người, tượng thú sinh động làm bằng đồng, gốm, đá. Những hiện vật này góp phần làm sáng tỏ cuộc sống cư dân Văn hóa Gò Mun, giúp chúng ta thấy phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, thẩm mỹ của người Việt thời Văn Lang-Âu Lạc. Văn hóa Gò Mun là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển từ Văn hóa Phùng Nguyên đến Đông Sơn, tương ứng với thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Nguồn: Baonhandan Wikipedia Còn tiếp
"Văn hóa Soi Nhụ" Văn hóa Soi Nhụ gọi theo tên địa điểm khảo cổ học Soi Nhụ thuộc vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long, là nền Văn hóa người tiền sử được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện 1964 và khai quật 1967. Khái niệm và đặc điểm Văn hóa này đầu tiên được Ts. Hà Hữu Nga, Viện Khảo cổ học đề xuất trong Hội nghị thông báo "Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1996" (NXB. KHXH, Hà Nội năm 1997). Niên đại Văn hóa Soi Nhụ chia 3 giai đoạn: 1. Giai đoạn sớm ở các hang Áng Mả (Cát Bà), Thiên Long, Mê Cung, Tra Giới, Hang Trống trên Vịnh Hạ Long, niên đại từ 25.510 đến 17.000 năm. 2. Giai đoạn giữa gồm các hang Soi Nhụ trên, Tiên Ông, Bồ Quốc.. trên Vịnh Hạ Long, có niên đại từ khoảng 16.000 đến 9.000 năm cách ngày nay. 3. Giai đoạn muộn gồm các hang động và mái đá Đồng Đặng, Hà Lùng, Hang Dơi (huyện Hoành Bồ), Phương Nam (Uông Bí) có niên đại từ 8000 - 6000 năm cách ngày nay. Đặc điểm Phản đối quan điểm của các nhà tiền sử Úc đại diện là Peter Bellwood, coi nguồn gốc các văn hóa Mã Lai-Đa Đảo và các nền: Văn minh lúa nước Đông Nam Á xuất phát từ các văn hóa Ngưỡng Thiều, Long Sơn (Trung Quốc), Ts. Hà Hữu Nga khẳng định các Văn hóa Cái Bèo và Văn hóa Hạ Long. Hậu duệ của Văn hóa Soi Nhụ, là tiền thân của các nhóm văn hóa ngôn ngữ biển đầu tiên Việt Nam và Đông Nam Á, sau này mang tên gọi các nhóm văn hóa thuộc ngữ hệ Mã Lai-Đa Đảo (Malayo-Polynesian). Cách tiếp cận đó phù hợp với thực tế là cách ngày nay 5000-6000 năm, khi mực nước biển còn thấp, một trong những cái nôi nền văn hóa biển Đông Nam Á là Văn hóa Cái Bèo, phân bố rộng khắp khu vực Vịnh Hạ Long của Việt Nam, kết nối dễ với các hệ thống đảo Đông Nam Á. Tham khảo 1. Hà Hữu Nga 1997: Có một nền Văn hóa Soi Nhụ trong khu vực Vịnh Hạ Long (Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1996, Hà Nội 1997). 2. Hà Hữu Nga - Nguyễn Văn Hảo 2000. Tiền sử Hạ Long. NXB. Thế giới, Hà Nội năm 2000. 3. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh 2001. Địa chí Quảng Ninh, Tập I. Quảng Ninh 2001. Nguồn wikipedia Soi Nhụ - Nền Văn hóa cổ nhất hiện biết trên Vịnh Hạ Long* Lịch sử vấn đề Đầu năm 1938 nhà địa chất – khảo cổ học Thụy Điển J. G. Andersson lần đầu đến nghiên cứu khảo cổ học tại khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Ông phát hiện một loạt hang động chứa các vỏ nhuyễn thể nước ngọt. Dù xuất thân là nhà địa chất học, nhưng Andersson không trả lời được câu hỏi tại sao có những đống tích tụ vỏ ốc nước ngọt – lẽ ra phải là nhuyễn thể nước mặn – trong các hang động giữa vùng biển mênh mông này. Ngoài các tích tụ hang động, Andersson phát hiện một số di chỉ ngoài trời, trong đó có di chỉ Danh Do La. Sau này gọi là Ngọc Vừng; di chỉ Xích Thổ và di chỉ Đống Màu, còn gọi Đồng Mang. Vậy là cùng thời điểm, ông có công phát hiện hai nền văn hóa trên chính vùng Vịnh Hạ Long, hay nói cách khác, ông là người có công đầu phát hiện tiền sử Hạ Long. Ông không biết những di chỉ này thuộc hai thời đại khác nhau, cách nhau hàng vạn năm. Giải thích khác biệt giữa hai loại hình di chỉ - trong hang động và ngoài trời – ông nghĩ có lẽ điều đó phụ thuộc vào tình trạng bảo tồn các di vật. Băn khoăn khác của Andersson là khan hiếm gốm trong các tích tụ hang động, ngược lại, tầng văn hóa của các di chỉ ngoài trời cấu tạo chủ yếu bởi gốm. Với cảm nhận nghề nghiệp, ông nghĩ tới các khả năng khác biệt niên đại hoặc tộc thuộc. Nhưng Andersson không đủ thời gian tại Việt Nam để trả lời thấu đáo câu hỏi này. Đặc biệt với tích tụ vỏ ốc nước ngọt, ông gọi đó là "bí ẩn". Việc khan hiếm gốm trong các hang động, ông chọn trả lời – không phải căn cứ khác biệt niên đại, mà phần nào bởi khác biệt định kiến văn hóa – khi cho rằng: Người tiền sử trong các hang động ăn ốc sống, mà không cần đun nấu, nên không tìm thấy gốm ở đó [Andersson 1939] . Cuối đợt điền dã tại vùng Vịnh Hạ Long, Andersson mời một đồng nghiệp địa chất làm khảo cổ - người dành trọn cuộc đời khoa học cho những nghiên cứu tiền sử Việt Nam – bà M. Colani tới thăm các hang động trên Vịnh, bà nói: "Những tích tụ nhuyễn thể Melania đó phổ biến trong các hang động đá vôi thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và nay người Việt vẫn bắt về ăn." Từ hiểu biết mới này, Andersson cho rằng người tiền sử trên Vịnh hạ Long rời khỏi các đảo vào đất liền bắt ốc về ăn. Các tích tụ vỏ ốc tại hang Đục – nhìn vào bản vẽ của Andersson thấy rất giống hang Tiên Ông nay – được giải thích người tiền sử ở đây vượt biển sang đảo Cát Bà bắt về. Cùng năm đó, M. Colani phát hiện hang Đồng Cẩu (làng Yên Mỹ, Quảng Yên cũ). Bà cho đó là "đống rác bếp Bắc Sơn" vì ở độ sâu 1, 2m tìm thấy 3 rìu mài lưỡi. Ngoài ra bà còn phát hiện một di tích được gọi là "Hòa Bình ngoài trời" tại Giáp Khẩu, nay thuộc phường Hà Khánh, TP. Hạ Long. Toàn bộ chuyện phát hiện tiền sử trước Văn hóa Hạ Long trên Vịnh Hạ Long gần như được bỏ lửng ở đó trong 30 năm tới khi địa điểm khảo cổ học Soi Nhụ - thuộc huyện đảo Vân Đồn nay, các nhà khảo cổ học Việt hợp tác các cán bộ Ty Văn hóa Quảng Ninh khai quật 1967 [Đỗ Văn Ninh, 1968, tr. 57] . Hang: Hang dưới, hang giữa và hang trên, thực chất hang giữa là một ngách hang dưới. Theo Giáo sư Đỗ Văn Ninh đáng chú ý là suốt dọc cửa hang có lớp ốc biển. Chủ yếu là ốc tai, hầu hết bị gãy trôn, kết với đất cát thành tầng dày 1, 5m và rất rắn, trên bề mặt là lớp nhũ mỏng, phần còn lại vẫn bám chặt vách hang. Tầng này tìm thấy một đoạn xương chi bò, một số mảnh sọ người, răng người đã hóa thạch và một số mảnh gốm thô. Hang giữa là bộ phận chủ yếu của cuộc khai quật có chứa trầm tích Pleistocene. Hiện vật tìm được tại hang Soi Nhụ không nhiều, trong đó có hai nạo đá đẽo, 3 rìu đá mài, 2 hòn cuội, 2 mảnh bàn mài, 1 chày đá. Tất cả những hiện vật này đều được phát hiện tại phần cao của hang. Những chiếc rìu đá thì được cho còn ở trình độ thấp kỹ thuật mài, bằng cách lợi dụng hình dáng của mảnh tước, mài sơ qua một mặt để có được rìa tác dụng, mặt lưng vẫn giữ nguyên vỏ cuội. Vì vậy rìu thô, dày và không đều [Đỗ Văn Ninh 1968, tr. 60] . Gốm Soi Nhụ có miệng loe, đáy tròn. Loại gốm xám thì phần miệng để trơn, phần cổ có vành hoa văn đắp thêm có hình làn sóng. Tiếp đó là "văn chải", có những mảnh trang trí bằng loại văn rổ rá. Căn cứ vào đồ đá và đồ gốm, tác giả của báo cáo khai quật cho là muộn nhất cũng chỉ trung kỳ đá mới. Nguyễn Văn Hảo so sánh phát hiện đồ đá Soi Nhụ với đồ đá do M. Colani phát hiện ở Đồng Cẩu và Giáp Khẩu cũng đồng ý chúng có niên đại trung kỳ đá mới. Đồ gốm so sánh với các phát hiện gốm hang Bái Tử Long, trong lớp tích tụ vỏ ốc biển, nên có niên đại hậu kỳ đá mới [Nguyễn Văn Hảo 1985, tr. 42] . Vì vậy có ý kiến nói nhóm di tích Soi Nhụ, bao gồm cả các hang trên Vịnh Hạ Long và các hang động trên đảo Cát Bà, có thể xếp chung vào văn hóa: "Thuộc giai đoạn sớm của thời đại đá mới sau Văn hóa Bắc Sơn" [Nguyễn Văn Hảo và Nguyễn Khắc Sử 1976, tr. 58] . 3 nhóm di vật, tích tụ tầng văn hóa, đồ đá, đồ gốm cho thấy hang Soi Nhụ bao gồm 2 văn hóa thuộc 2 thời đại hoàn toàn khác nhau. Hang Giữa chứa trầm tích Pleistocene, các công cụ đá, những chiếc nạo bằng mảnh tước cuội, rìu mài lưỡi đơn sơ và đặc biệt là các tích tụ vỏ ốc nước ngọt chứng tỏ thời gian ấy, khu vực này vẫn là đất liền. Các kết quả định niên đại C14 từ các mẫu nhuyễn thể nước ngọt lấy từ Hang Giữa cũng cho thấy các di tích văn hóa ở đây có niên đại Pleistocene. Mẫu có niên đại sớm BLN-1975II là 15.650 ± 180 BP. Mẫu có niên đại muộn BLN-3333 I cũng lên tới 12.460 ± 60 BP. Như vậy hang Soi Nhụ đại diện cho một thời đại, một văn hóa độc lập tại khu vực này trong giai đoạn tương đương với các Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn [Hà Hữu Nga – Nguyễn Văn Hảo 1998, tr. 61] . II. Nền văn hóa Soi Nhụ Các nhà địa chất cho rằng cách nay khoảng 18.000 năm, khi đợt băng hà lần cuối cùng (Wurm muộn) phát triển thì mực nước Biển Đông vẫn còn ở độ sâu 110-120m. Băng tan khoảng 17.000 năm trước thì mực nước đại dương bắt đầu dâng cao. Người ta gọi là đợt biển tiến Flandrian. 10.000 năm trước, mực nước chỉ dâng tới độ sâu 50-60m. Khoảng 7.000 – 8.000 năm nó dừng lại ở độ sâu 25-70m so mực nước hiện tại. Khoảng 4.500 - 5.000 năm trước mực nước đạt tới cực đại, cao hơn mực nước hiện tại 5m [Lưu Tỳ - Nguyễn Thế Tiệp và những người khác 1985, tr. 16-18] . Ý kiến khác, căn cứ các thềm biển, vốn là các bãi biển cổ nâng cao 10-15m phát hiện ở Đồ Sơn, Cát Bà, TP. Hạ Long, cho rằng khoảng 20.000 – 30.000 năm trước biển tràn vào khu vực Vịnh Hạ Long và hình thành vịnh cổ ở đây. Thềm Ao Cối tại Cát Bà cao 10m, cấu tạo bằng trầm tích cát kết yếu, chứa nhiều mảnh san hô, sò ốc biển là minh chứng chắc chắn cho nguồn gốc biển thềm này, tuổi thềm tương tự ở Phan Thiết định niên đại C14 là 18.500 ± 250 năm. Thực tế mực nước biển không cao tới mức ấy, sau này nó nâng lên do vận động kiến tạo nâng địa phương. Vì trong kỷ nhân sinh, những lần biển tiến do băng tan chưa lần nào mực nước vượt quá hiện nay [Trần Đức Thạnh 1998, tr. 46] . Như vậy khoảng 30.000 năm tới 17.000 năm có hai đợt biển tiến lớn phụ thuộc thay đổi khí hậu trái đất, lên mực nước đại dương, và hai lần đều để lại những dấu ấn khá rõ đối với cuộc sống các cư dân tiền sử trong khu Bắc Việt Nam nói chung và khu Vịnh Hạ Long nói riêng. Tại Mái Đá Điều, Thanh Hóa, kỹ nghệ đá mảnh lớn có tuổi ước tính 30.000 – 17.000 năm đang dần làm sáng tỏ sau khi kỹ nghệ đá mảnh nhỏ Ngườm tồn tại trong thời gian tương đương đã khẳng định. Mới đây các nhà khảo cổ học phát hiện di chỉ niên đại cổ xưa gần như vậy tại khu Vịnh Hạ Long, đó là hang Áng Mả trên đảo Cát Bà với niên đại C14 lên tới hơn 25.000 năm. Giống Mái Đá Điều là một trong những nền tảng Văn hóa Hòa Bình, kỹ nghệ Ngườm là một trong những nền tảng Văn hóa Bắc Sơn, giờ đây với những phát hiện mới trên đảo Cát Bà, tại hang Áng Mả, nền tảng Văn hóa Soi Nhụ đang làm sáng tỏ. Theo những người nghiên cứu hang này cho biết Áng Mả phía Tây Nam xã Hiền Hào (Cát Bà, Hải Phòng). Địa tầng mỏng, gồm có các loại nhuyễn thể sống trên cạn, nhiều nhất là Cyclophorus fulguratus. Sau đó là ốc suối Antimelania costula [Trình Năng Chung, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Gia Đối, Lê Minh Tâm 2000] . Ngoài hang Áng Mả, Vịnh Hạ Long còn nhiều hang động chứa chủ yếu là nhuyễn thể cạn như vậy. Trước đây, chưa phát hiện nhiều hang động thuộc loại hình này, hầu hết các nhà khảo cổ học Việt Nam đồng ý có nhóm di tích Soi Nhụ riêng. Gần đây, tiếp tục nghiên cứu khu vực này, phát hiện thêm một loạt hang động mới, một khoảng không gian trên dưới 2000 km2, bao gồm các khu núi đá vôi ở: Kinh Môn (Hải Dương), Thủy Nguyên, Cát Bà (Hải Phòng) và hầu hết các huyện thị Uông Bí, Yên Hưng, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Vân Đồn và TP. Hạ Long của Quảng Ninh, chúng tôi tiến tới xác lập văn hóa riêng – Văn hóa Soi Nhụ: Gọi theo tên di chỉ Soi Nhụ cho khu này [Hà Hữu Nga 1997, 91-94; Hà Hữu Nga – Nguyễn Văn Hảo 1998, tr. 43-89] . Khái niệm đó công bố tại Đại hội lần 16 của IPPA (Indo-Pacific Prehistory Association) ở Melaka, Malaysia [Hà Hữu Nga 1998] và bước đầu tham khảo, sử dụng [Tonny Waltham 1998, pp. 35-37; Jaap Vermeulen and Tony Whittten 1999, p. 47] . Các đặc trưng chính Văn hóa Soi Nhụ 1. Văn hóa Soi Nhụ chủ yếu phân bố trong khu vực các đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long, bao gồm cả đảo Cát Bà, Bái Tử Long. Các di chỉ Văn hóa Soi Nhụ còn phân bố tại các hang động đá vôi ven bờ các vịnh biển ấy thuộc các huyện Cẩm Phả, TP. Hạ Long, huyện Hoành Bồ, thị trấn Uông Bí, huyện Kinh Môn (Hải Dương) ; huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). 2. Đây là nền văn hóa hang động, cửa sông, thềm biển, mà tầng văn hóa cấu tạo chủ yếu vỏ ốc núi, ốc suối cùng một số loài nhuyễn thể nước ngọt khác. Bên cạnh những thành phần này còn lượng đáng kể các di tích xương cốt động vật có vú. Tuy hiếm, nhưng xuất hiện các loài động vật thân mềm biển trong tích tụ văn hóa. 3. Khác các Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, trong tích tụ tầng Văn hóa Soi Nhụ rất hiếm các loại cuội nguyên liệu, công cụ đá, mảnh tước và gốm. 4. Một số công cụ tìm thấy đều không có hình dáng ổn định. Kỹ thuật chế tác đơn giản, chủ yếu bằng thủ pháp ghè đẽo một mặt, phương pháp chặt bẻ và rất ít tu sửa hệ thống, quy chỉnh. Có vẻ như nhiều công cụ chặt đập thô đều chế tác từ đá vôi nên rất khó phân biệt với những mẩu đá vôi vỡ tự nhiên hoặc do những người đời sau làm vỡ để lại. 5. So các cư dân Hòa Bình, Bắc Sơn cùng thời thì cư dân Soi Nhụ có lẽ gần gũi biển nhiều hơn, trực tiếp hơn. Một số bằng chứng khai thác biển phát hiện tại các hang Soi Nhụ, Tiên Ông, Bồ Quốc.. nhưng niên đại của chúng cần nghiên cứu thêm. 6. Đối với hai nền Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn cùng thời, có lẽ Văn hóa Soi Nhụ có những mối liên quan, ảnh hưởng qua lại với Văn hóa Bắc Sơn nhiều hơn, thường xuyên hơn và thuận lợi hơn. Điều đó phần nào thể hiện qua các rìu mài lưỡi dạng Bắc Sơn phát hiện tại hang Soi Nhụ và một số hang động khác ở Hoàng Bồ và trên đảo Cát Bà. Các công cụ mài lưỡi gợi lại hình dáng rìu Bắc Sơn còn thấy phổ biến tại các địa điểm ngoài trời như Hòn Ngò, Núi Hứa.. Các giai đoạn phát triển Văn hóa Soi Nhụ Một trong những khó khăn khi nghiên cứu Văn hóa Soi Nhụ là tới giờ chúng ta chưa có chứng cớ địa tầng chắc chắn nào để khẳng định các giai đoạn phát triển Văn hóa Soi Nhụ. Một khó khăn khác là những bằng chứng về loại hình công cụ cũng không giúp được gì nhiều. Không chỉ có thế, gốm – ưu thế khác của các nhà khảo cổ - đối với Văn hóa Soi Nhụ lại càng nghèo nàn. Trước thực tế như vậy, chỗ dựa đáng tin cậy cho chúng tôi hiện là phân tích các loại hình hang động mà người tiền sử cư trú kết hợp nghiên cứu, quan sát các thành phần cấu tạo, cách thức cấu tạo các trầm tích văn hóa. Andersson cho rằng khu này có hai hệ thống hang động. Ông gọi chúng là các hang cổ và các hang mới. Các hang cổ bao giờ cũng có độ cao lớn hơn và chúng thường có cấu trúc thành tạo theo phương thẳng đứng và phức tạp hơn. Hang mới có độ cao nhỏ hơn, phần nào chịu chi phối của mực nước biển. Nên chúng có xu hướng phát triển theo chiều ngang, thường có nền phẳng hơn, cấu trúc ít phức tạp hơn [Andersson 1939, pp. 88-91; Tony Waltham 1998, pp. 8-11] . Ý khác nói quá trình hình thành hang động ở khu Hạ Long phổ biến trong khoảng Pleistocene giữa và muộn, từ 700.000 tới 11.000 năm cách ngày nay. Đặc biệt là sau thời gian băng Holocene, thời tiết rất thuận lợi cho quá trình tạo thạch nhũ [Trần Đức Thạnh 1998, tr. 43-44] . Các phân tích địa chất trên có thể thành những dẫn liệu đáng tin cậy để xét niên đại và các giai đoạn phát triển Văn hóa Soi Nhụ. Chúng ta cần lưu ý thêm cái Andersson gọi hang mới, không nhất thiết chỉ thành tạo một lần mãi về sau này, gần lúc người Soi Nhụ tới đó sinh sống, có thể nó thành tạo trước đó khá lâu, nhưng bị giăm kết lấp đầy. Sau đó nhờ rửa trôi của nước mưa hoặc nước biển, các hang này tái khơi thông. Nhưng so các hang động có độ cao lớn hơn, các hang ở dưới thấp thường trẻ hơn. Các lớp trầm tích và di vật người Soi Nhụ bỏ lại trong hang phần nào giúp sáng tỏ điều đó, chúng cho thấy các giai đoạn phát triển văn hóa này. Giai đoạn I: Những bằng chứng điển hình cho giai đoạn I thể hiện rõ tại các hang Thiên Long, Mê Cung, Hang Trống và hang Tra Giới. Trước hết các hang này đều nằm ở độ cao khoảng 40 – 60m so với đáy vịnh dưới chân núi. Hơn nữa các hang này đều có cấu trúc rất phức tạp và đều phát triển theo phương thẳng đứng. Trầm tích ở đây vừa là ốc suối, vừa là ốc núi với tỷ lệ tương đương nhau, hoặc tỷ lệ ốc núi trội hơn (trường hợp hang Thiên Long). Một chi tiết đáng lưu ý là kích thước ốc suối, ốc núi đều nhỏ. Chúng có vẻ sống trong môi trường ít thuận lợi, có thể do khan hiếm thức ăn, do khô hơn, ít mưa hơn. Có thể chúng bị con người khai thác với cường độ mạnh, vì họ có ít các nguồn thức ăn khác. Nếu như vậy có thể thời kỳ này ứng với khí hậu phần nào còn khô lạnh băng hà khoảng 18.000 – 17.000 năm trước chăng? Chi tiết khác rất quan trọng, hầu hết trầm tích ở các hang này đều kết tầng, xi măng hóa rất rắn chắc. Chúng tôi gần như chưa gặp hiện tượng này trong các Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, kể cả những di chỉ có niên đại sớm như hang Xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình), hang Vũ Lễ (xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn). Điều đó cho thấy các trầm tích này trải qua biến động khí hậu lớn. Giai đoạn sau, nhờ khí hậu ấm áp hơn, mưa nhiều hơn, quá trình rửa trôi khiến nhũ đá sinh sôi mạnh, làm tăng cường xi măng hóa các trầm tích thuộc các hang động này. Giai đoạn II: Hệ quả giai đoạn I, mưa nhiều làm nước xối thông giăm kết ở các hang động có độ cao nhỏ hơn, hang trở nên thông thoáng, thuận lợi hơn cho người cư trú. Khí hậu trở nên ấm áp làm muôn loài phát triển, thức ăn dồi dào, sông suối, đầm hồ luôn sẵn nước. Nhờ vậy những con ốc Cyclophorus và Melania giai đoạn sau to hơn hẳn. Tiêu biểu giai đoạn này là các hang Soi Nhụ, Tiên Ông, Bồ Quốc.. đều nằm độ cao khoảng 3 – 5m so mực nước biển hiện tại. Cùng ốc Melania kích thước lớn, tại các hang Tiên Ông và Bồ Quốc thấy rải rác những vỏ sò rất lớn mà nay dân chài không hề gặp. Có lẽ cuối giai đoạn này người Soi Nhụ tăng khai thác biển, tạo lập nhiều hơn các mối liên hệ với bên ngoài, trước hết đó có thể là với cư dân Bắc Sơn. Có thể do biển tiến cùng những biến đổi môi trường sống nên nguồn lợi biển ngày một dồi dào, khiến người Bắc Sơn mở rộng các mối quan hệ, và có thể chuyển cư bộ phận xuống khu đồng bằng ven biển. Có thể thấy rõ những bằng chứng này qua rìu mài lưỡi Bắc Sơn điển hình trong Văn hóa Soi Nhụ. Ngược lại, thấy cả những ốc biển Cypraea tại nhiều địa điểm Văn hóa Bắc Sơn như Lạng Nắc, Mái Đá, Bình Gia. V. v.. Giai đoạn III: Trên dưới 7000 năm trước, nước biển tiếp tục dâng, nên cuộc sống dân Soi Nhụ phần nào có những thay đổi và biến động. Có thể những nhóm cư dân sống các hang động thấp dưới các chân núi đá thuộc khu Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long bây giờ buộc phải chuyển tới những khu cao hơn, an toàn hơn, thuộc các huyện miền núi phía Bắc Vịnh như Cẩm Phả, Uông Bí, Hoành Bồ và các vùng núi đá vôi cao hơn thuộc đảo Cát Bà. Những hang động và mái đá như hang Đồng Đặng, Hà Lùng, Hang Dơi (Hoành Bồ) ; hang Áng Giữa, Eo Bùa, Tùng Bồ, v. V.. (đảo Cát Bà) ; hang Phương Nam (xã Phương Nam, Uông Bí), v. V.. thuộc giai đoạn này. Ngoài ra, giai đoạn này, bên cạnh các quan hệ với cư dân Văn hóa Bắc Sơn, có lẽ người Soi Nhụ còn tăng hơn nữa các quan hệ các cư dân văn hóa phương Bắc tới, không loại trừ khả năng các khu lân cận cũng nằm trong ảnh hưởng nền văn hóa này. Một số dấu ấn văn hóa các địa điểm khảo cổ học mới phát hiện tại Hòn Ngò, Núi Hứa, cả Giáp Khẩu được so sánh với các di tích cùng loại vùng ven biển Quảng Tây, Trung Quốc [Bùi Vinh – Trần Trọng Hà 1999; Hoàng Xuân Chinh 1999] . III. Vị trí Văn hóa Soi Nhụ trong tiền sử Việt Nam và khu vực 1. Văn hóa Soi Nhụ là nguồn gốc trực tiếp của đường Cái Bèo – Hạ Long: Lâu nay trong tiền sử Việt Nam, hai nền Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn được coi hai cội nguồn trực tiếp duy nhất của các văn hóa đá mới, cội nguồn trực tiếp cuộc cách mạng đá mới, cuộc cách mạng nông nghiệp trên đất nước ta. Đó là con đường Văn hóa Đa Bút ở Thanh Hóa; con đường Văn hóa Quỳnh Văn ở Nghệ Tĩnh; con đường Văn hóa Bàu Dũ ở Quảng Nam – Đà Nẵng; và con đường Văn hóa Cái Bèo ở Hải Phòng – Quảng Ninh [Hà Văn Tấn 1990, tr. 152, 153] . Có đề xuất xếp Giáp Khẩu ở Cửa Lục, Cái Bèo ở Cát Bà và Bầu Dũ ở Quảng Nam vào phức thể Hòa Bình – không phải Hòa Bình hang động hay Hòa Bình thung lũng, mà là Hòa Bình cồn bàu ven biển? [Trần Quốc Vượng 1991, tr. 51] . Xác lập Văn hóa Soi Nhụ đồng thời với các Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn bổ sung vào bức tranh tiền sử Việt Nam điểm nhấn, cơ sở mới để lý giải con đường phát triển: Văn hóa Cái Bèo, tiếp đó là Văn hóa Hạ Long – con đường văn hóa biển cho khu vực Đông Bắc nước ta. 2. Con đường Soi Nhụ - Cái Bèo – Hạ Long tạo dựng một phương thức sống phức hợp theo định hướng khai thác biển trong tiền sử Việt Nam: Nếu trước đây định hướng nông nghiệp là đường phát triển duy nhất sau Hòa Bình – Bắc Sơn và mọi tiền đề cho con đường đó được chuẩn bị ở hai nền văn hóa này, nay xác lập Văn hóa Soi Nhụ, còn thấy tất yếu khác. Đó là mô hình phát triển phức hợp mà ở đó nông nghiệp là một trong các thành tố. Người ta không thể phủ nhận vai trò kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là nền nông nghiệp làm vườn trong các Văn hóa Cái Bèo và Hạ Long, nhưng định hướng chính con đường Cái Bèo – Hạ Long là khai thác biển, đánh bắt hải sản lẫn trao đổi, thương mại và phát triển một số nghề thủ công làm gốm, chế tác công cụ đá, đồ trang sức, đóng thuyền. Bằng chứng còn lại là những búa đá to khỏe, không thấy ở đâu ngoài khu Văn hóa Hạ Long. Môi trường biển tạo cho hậu duệ Văn hóa Soi Nhụ phương thức phức hợp như vậy. 3. Văn hóa Soi Nhụ - cội nguồn và tổng hòa các yếu tố văn hóa biển khu vực: Không phải ngẫu nhiên sau khi phát hiện một số di chỉ đầu tiên Văn hóa Soi Nhụ hay hậu duệ của nó như hang Đồng Cẩu, địa điểm Giáp Khẩu mà M. Colani liên hệ ngay với các Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn. Sau này với các nhà khảo cổ học Việt, phát hiện các hiện vật đá tại hang Eo Bùa, Soi Nhụ người ta lập tức liên hệ chúng với các yếu tố Hòa Bình – Bắc Sơn. Nhưng Soi Nhụ không chỉ có các yếu tố đó, đó chưa phải đặc trưng bộ công cụ văn hóa này. Tại đây thấy các công cụ bằng đá vôi, các công cụ cuội không định hình, không mang đặc trưng Sumatralith. Hơn nữa so các Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, tại các điểm Soi Nhụ rất hiếm công cụ đá, tích tụ tầng văn hóa bằng vỏ nhuyễn thể rất dày, gồm cả ốc suối, ốc núi, sau này là nhuyễn thể biển. Tổng thể, không thể xếp nó vào Hòa Bình hay Bắc Sơn, nó là nền văn hóa độc lập, tồn tại trong mối liên hệ mật thiết với các nền văn hóa khu vực rồi tạo truyền thống riêng, truyền thống văn hóa biển trong tiền sử Việt Nam. Văn hóa Soi Nhụ là một trong những cội nguồn sâu xa nhất góp phần tạo thế giới văn hóa – ngôn ngữ Austronesian Đông Nam Á và xa hơn nữa. * Ghi chú: Bài tham gia Hội thảo Vịnh Hạ Long – 5 năm Di sản Thế giới, do UBND tỉnh Quảng Ninh – Bộ VHTT và Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức tại Hạ Long 4-2000. Tài liệu tham khảo Andersson J. G. 1939. Archaeological Research in the Fai Tsi Long Archipelago, Stockholm - Bulletin No. 11, Stockholm 1939. Bùi Vinh – Trần Trọng Hà 1999. Hòn Ngò (Quảng Ninh), trong Những phát hiện mới về khảo cổ học 1999, Hà Nội 2000. Đỗ Văn Ninh 1968. Khai quật hang Soi Nhụ, Quảng Ninh, trong Nghiên cứu Lịch sử, số 117 – 12 – 1968. Hà Hữu Nga 1997. Có một nền Văn hóa Soi Nhụ tại khu vực Vịnh Hạ Long, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học 1997, Hà Nội 1998. Ha Huu Nga 1998. Relationships between the Soi Nhu and Ha Long cultures. Paper presented in the 16th Congress of the Indo-Pacific Prehistory Association, Melaka, Malaysia 1 – 7th, July 1998. Hà Hữu Nga – Nguyễn Văn Hảo 1998. Hạ Long thời tiền sử, Nxb. Thế giới – Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Hà Nội. Hà Văn Tấn (Chủ biên) 1990. Thời Tiền sử và Sơ sử, Lịch sử Thanh Hóa. Tập I, Nxb. KHXH, Hà Nội. Hoàng Xuân Chinh 1999. Công cụ cuội ghè đẽo vùng duyên hải và hải đảo Đông Bắc, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học 1999, Hà Nội 2000. Jaap Vermeulen and Tony Whitten 1999. Biodiversity and Cultural Property in the Management of Limestone Resources – Lessons from East Asia, The World Bank, Washington D. C. Lưu Tỳ, Nguyễn Thế Tiệp, Nguyễn Tứ Dần.. 1985. Đặc điểm địa mạo thềm lục địa Việt Nam và các vùng lân cận, trong khảo cổ học, số 2 – 1985. Nguyễn Văn Hảo 1984. Niên đại của những di vật tìm được ở hang Soi Nhụ năm 1967, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học 1984, Hà Nội 1985. Nguyễn Văn Hảo và Nguyễn Khắc Sử 1976. Tìm kiếm di tích khảo cổ ven biển Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, trong khảo cổ học, số 17 – 1976. Tony Whitten 1998. Limestone Karst of Ha Long Bay, Vietnam. Nottingham Trent University, UK. Trần Đức Thạnh 1998. Lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long, Nxb. Thế giới – ban quản lý Vịnh Hạ Long, Hà Nội. Trần Quốc Vượng 1991. Vị thế lịch sử và bản sắc địa-văn hóa của Hội An, trong đô thị cổ Hội An, Nxb. KHXH, Hà Nội. Trình Năng Chung, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Gia Đối, Lê Minh Tâm 1999. Phát hiện mới một số di chỉ hang động trên đảo Cát Bà (Hải Phòng), trong Những phát hiện mới về khảo cổ học 1999, Hà Nội 2000. Nguồn: Tieng vong kittigaga blog Nguồn vanhoanghean Hang Soi Nhụ - Di chỉ khảo cổ về người Việt cổ Hang Soi Nhụ, tức hang Miếu, cách áng Trà Thần khoảng 6km đường biển về phía Tây Nam, cách cảng Cái Rồng khoảng 8km. Đây là điểm dừng chân để du khách tìm hiểu một trong những nơi phát tích nền văn hóa người Việt thời tiền sử, minh chứng cho lịch sử phát triển rất lâu đời vùng đất này. Hang Soi Nhụ khảo sát từ 1964 và khai quật năm 1967. Hang phân thành 3 ngăn: Ngăn dưới, ngăn giữa và ngăn trên. Hang trên có kích thước nhỏ, nền cao 12m so mực nước biển, nền hang toàn cát, phân dơi và xương cá do chim ăn để lại. Từ nền tới trần cao 3, 4m, rộng 3, 5m, sâu 3, 7m. Hang giữa là đối tượng chủ yếu khai quật năm 1967. Hang này có chiều cao từ nền tới trần 1, 7m, nền hang nơi sâu nhất 3, 4m, rộng nhất 3, 6m. Những di vật tìm thấy ở hang Soi Nhụ: 10 chiếc đồ đá gồm 2 công cụ đá ghè đẽo, 3 rìu đá mài, 2 hòn cuội tự nhiên, 2 mảnh bàn mai, 1 chày đá. Đồ gốm hang Soi Nhụ đều là những mảnh vỡ vụn, 2 mảnh tương đối lớn của nồi thấy trong tầng vỏ ốc sát vách hang dưới. Căn cứ vào các mảnh miệng, hoa văn, và màu sắc, nhà khảo cổ học Đỗ Văn Ninh phán đoán tổng số hiện vật gốm ở đây có 4 chiếc khác nhau, trang trí bằng văn đắp thêm hình làn sóng, "văn chải", văn "nan rá." Hang dưới có nền hang cao khoảng 1m so mực nước thủy triều cao nhất. Hang rộng 12m, cao 9m, sâu 21m. Tầng văn hóa bao gồm các vỏ ốc biển gắn kết đất cát rất rắn, dày 1, 5m. Tầng văn hóa có 1 xương chi bò, 400 đốt xương sống cá và các loại vỏ ốc tích tụ thành tầng dày 1, 5m phía vách hang dưới. Chứng tỏ các chủ nhân sống ở đây khá lâu, sống chủ yếu bắt sò ốc, hái lượm hoa quả, đào củ, rễ cây. Theo nhà khảo cổ học Nguyễn Văn Hảo, di tích Soi Nhụ gồm hai nền văn hóa thuộc hai thời hoàn toàn khác nhau. Hang giữa chứa trầm tích Pleistocene, đặc biệt các công cụ đá chế tác trình độ thấp, chủ yếu vẫn lợi dụng các mảnh tước cuội, ghè sơ qua một mặt để dùng và các tích tụ nhuyễn thể nước ngọt. Niên đại 4 mẫu vỏ nhuyễn thể nước ngọt lấy từ ngăn giữa dao động 12.500 đến 15.650 năm cách ngày nay, thuộc sơ kỳ đá mới. Chứng tỏ thời gian ấy khu Bái Tử Long, Hạ Long vẫn là đất liền, đường bờ biển cổ lúc đó ở rất xa bên ngoài vùng này. Theo Nguyễn Văn Hảo, nồi tìm thấy trong tầng ốc biển ở vách hang dưới có hình dáng, chất liệu và trang trí bằng văn thừng mang đặc trưng gốm Văn hóa Hạ Long - thuộc hậu kỳ đá mới cách nay 4000-5000 năm. Vịnh Bái Tử Long chắc chắn còn rất nhiều hang động chưa phát hiện và khám phá. Hy vọng những khai quật tiếp theo phát hiện thêm nhiều di chỉ khảo cổ để minh chứng Văn hóa Soi Nhụ và nguồn gốc Văn hóa Hạ Long. Nguồn minhquan. Blogspot Bái Tử Long - miền trầm tích lịch sử, văn hóa Giống khu Vịnh Hạ Long và Cát Bà, Bái Tử Long là nơi người Việt cổ cư trú từ lâu đời. Từ phát hiện đầu tiên của nữ khảo cổ học người Pháp M. Colani về dấu tích người tiền sử trên đảo Danh Do La (Ngọc Vừng) công bố 1938, đến nay khá nhiều địa điểm tương tự phát hiện, khai quật, làm rõ hơn lịch sử cư trú người Việt cổ trên vịnh Bái Tử Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung.. 1938, sau khi phát hiện các công cụ đá, đồ gốm trên đảo Danh Do La và hang Hà Giắt (thuộc xã Hạ Long, Vân Đồn) và vài địa điểm khác ven bờ Hòn Gai, Bãi Cháy.. bà Colani công bố và đưa khái niệm "Văn hóa Danh Do La" để chỉ về giai đoạn con người hậu kỳ đá mới cư trú tại Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long khoảng 7.000 - 4.500 năm cách ngày nay. Khái niệm này là tiền đề để các nhà khảo cổ học Việt sau mở rộng nghiên cứu, phát triển phạm vi lên thành Văn hóa Hạ Long để khái quát hàng chục di chỉ cùng tính chất phân bố trên các đảo và ven bờ Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long từ Móng Cái về Vân Đồn, Hạ Long. Tính đến nay, nhiều di tích về cư trú người Việt cổ trên vịnh Bái Tử Long được các nhà khảo cổ phát hiện, khai quật, quan tâm nhiều nhất là Soi Nhụ, Ba Vũng, Đông Trong. Hang Soi Nhụ nằm cách cảng Cái Rồng chừng 8km, các nhà khảo cổ Việt khai quật 1967. Những di vật ở hang Soi Nhụ gồm 10 chiếc đồ đá gồm 2 công cụ đá ghè đẽo, 3 rìu đá mài, 2 hòn cuội tự nhiên, 2 mảnh bàn mai, 1 chày đá. Đồ gốm hang Soi Nhụ đều là những mảnh vỡ vụn, có 2 mảnh tương đối lớn của 1 nồi. Theo các nhà khảo cổ, người Việt cổ sống tại hang Soi Nhụ khoảng 1 vạn năm trước. Họ sống bằng thu lượm nhuyễn thể biển, hái hoa quả, có thể săn bắn.. Cách hang Soi Nhụ khoảng 4km, di chỉ Ba Vũng là bãi cát nằm gần hang Hà Giắt không xa khai quật năm 2001, 2003, 2005 với tham gia các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. 3 lần khai quật và các đợt khảo sát, các nhà khảo cổ thu trên 3.000 di vật bằng các chất liệu đá, gốm, hàng trăm nghìn mảnh gốm.. Căn cứ đặc điểm các di vật, các nhà khảo cổ đoán định Ba Vũng là "công xưởng" chế tác gốm, mũi khoan bằng đá thuộc giai đoạn muộn Văn hóa Hạ Long, qua giám định bằng phương pháp đồng vị phóng xạ cacbon (C14) cho niên đại từ 4.800 đến 3.900 năm trước. Nếu hang Soi Nhụ và bãi cát Ba Vũng nằm trên biển hay cách xa khu dân cư nhưng phát hiện khá sớm thì di tích Đông Trong tuy nằm gần ngay cảng Cái Rồng nhưng phát hiện mới đây, rất tình cờ. Đầu 2007, dự cuộc làm việc của UBND huyện Vân Đồn với các nhà doanh nghiệp tại trụ sở Xí nghiệp Hợp Lực Mai Quyền, tôi tác giả bài viết này, được ông Lưu Văn Tốt, thương binh đầu tư để kinh doanh du lịch tại động Đông Trong, kể quá trình thi công thuỷ cung, ông và những thợ phát hiện trong hang có những ống xương như xương người hóa thạch dính chặt nền hang. Tò mò, tan cuộc họp, tôi theo ông Tốt chui vào hang. Vốn có chút kiến thức khảo cổ học, sau khi chắc chắn là di chỉ khảo cổ, tôi gọi điện cho PGS. TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học). Mấy ngày sau, TS Chung và PGS. TS Hà Văn Phùng (Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam) đích thân xuống khảo sát. Đầu 2007, khai quật hang Đông Trong tổ chức và 2009, khai quật lần 2. Phát hiện 7 mộ kèm di cốt người là mảnh sọ, xương chi, răng, có 2 mộ chôn trong vò gốm; phần lớn mộ chôn theo đồ tuỳ táng là rìu đá, đồ trang sức như vòng đá, hạt chuỗi làm từ vỏ nhuyễn thể. Nhiều mảnh gốm; xương động vật, vỏ nhuyễn thể biển là tàn tích thức ăn người xưa để lại. Căn cứ đặc điểm di vật cho thấy hang Đông Trong vừa là nơi cư trú vừa là nơi mộ táng người Việt cổ thời Văn hóa Hạ Long. Theo các nhà khảo cổ, các di chỉ Văn hóa Hạ Long trên vịnh Bái Tử Long có giá trị rất cao về văn hóa và lịch sử, đem cho các nhà khoa học những nhận thức mới trong nghiên cứu về văn hóa tiền sử vùng Đông Bắc Việt Nam, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử cho Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long. Đại Dương Nguồn web qtv Người Việt cổ khai thác biển thế nào? Di chỉ khảo cổ hang Soi Nhụ, nơi phát hiện có dấu tích người Việt cổ. Nền văn hóa cổ trên Vịnh Hạ Long Văn hóa Soi Nhụ cách nay 18.000-7000 năm, cuối thời hậu kỳ đồ đá cũ và cổ nhất hiện biết trên Vịnh Hạ Long. Dựa các tài liệu khảo cổ học, dấu tích sớm nhất con người có mặt trong khu Vịnh Hạ Long thuộc chủ nhân Văn hóa Soi Nhụ. Tên gọi Văn hóa Soi Nhụ theo tên địa điểm khảo cổ học Soi Nhụ thuộc Bái Tử Long, nền văn hóa của người tiền sử được các nhà khảo cổ học Việt phát hiện 1964, khai quật 1967. Theo TS Hà Hữu Nga, Viện Khảo cổ học, Văn hóa Soi Nhụ có niên đại tương đương các nền Văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn. Có thể có nguồn gốc từ 25.000 năm trước, ngang Văn hóa Ngườm ở Thái Nguyên. Khảo cổ học cho thấy cư dân Soi Nhụ cư trú chủ yếu trên các đảo đá vôi Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, gồm cả Cát Bà, Hải Phòng, các huyện Vân Đồn, Cẩm Phả, Hoành Bồ, khu Hòn Gai, Kinh Môn, Đông Triều thuộc Quảng Ninh và Hải Dương. Săn bắt, hái lượm và khai thác nhuyễn thể nước ngọt với công cụ lao động bằng đá có hình dáng không ổn định, kỹ thuật chế tác đơn giản bằng phương pháp ghè đẽo một mặt, phương pháp chặt bẻ, rất ít tu sửa. Căn cứ các di chỉ khai quật, Văn hóa Soi Nhụ chia 3 giai đoạn: Giai đoạn sớm ở các hang Áng Mả (Cát Bà), Thiên Long, Mê Cung, Tra Giới và hang Trống trên Vịnh Hạ Long, niên đại khoảng từ 25.510 đến 17.000 năm. Giai đoạn giữa gồm các hang Soi Nhụ trên Tiên Ông, Bồ Quốc trên Vịnh Hạ Long từ khoảng 16.000 đến 9.000 năm trước. Giai đoạn muộn gồm các hang động và mái đá Đồng Đặng, Hà Lùng, Hang Dơi (huyện Hoành Bồ), Phương Nam (Uông Bí) từ 8000-6000 năm trước. Theo TS Hà Hữu Nga, các nền Văn hóa Cái Béo, Hạ Long, hậu duệ của Văn hóa Soi Nhụ là tiền thân các nhóm văn hóa ngôn ngữ biển đầu tiên Việt Nam và Đông Nam Á, sau này được biết dưới tên gọi các nhóm văn hóa thuộc hệ ngữ Mã Lai-Đa Đảo. Cách tiếp cận này phù hợp thực tế cách nay 5.000-6.000 năm, mực nước biển còn thấp, một trong những cái nôi văn hóa biển Đông Nam Á là Văn hóa Cái Bèo, phân bố rộng khắp khu Vịnh Hạ Long và kết nối hệ thống các đảo Đông Nam Á. Đánh dấu phương thức khai thác biển Vịnh Hạ Long, một trong những cái nôi của người Việt cổ với 3 nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau, cách nay 18.000 đến 3500 năm. Đó là Văn hóa Soi Nhụ, Văn hóa Cái Bèo, Văn hóa Hạ Long. So Văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn cùng thời, người Soi Nhụ có mô hình văn hóa đa dạng hơn, phong phú hơn vì trong phương thức kiếm sống cư dân ở đây có thêm yếu tố biển. Văn hóa Cái Bèo là gạch nối giữa Văn hóa Soi Nhụ với Văn hóa Hạ Long mà các di sản tiêu biểu là Cái Bèo, Hà Giát, Giáp Khẩu phân bố trên bờ vùng vịnh kín gió, tựa lưng vào núi, chủ yếu núi đá vôi. Soi Nhụ là nền văn hóa hang động, cửa sông, thềm biển, tầng văn hóa cấu tạo chủ yếu vỏ ốc núi, ốc suối cùng một số nhuyễn thể nước ngọt khác. Bên cạnh đó còn có một số di tích xương cốt động vật có vú. Tuy hiếm nhưng nó cho thấy xuất hiện các loài động vật thân mềm biển trong tích tụ Văn hóa Soi Nhụ. Khác các Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, trong tích tụ tầng Văn hóa Soi Nhụ rất hiếm các loại cuội nguyên liệu, công cụ đá, mảnh tước và gốm. Một số dụng cụ tìm thấy đều không có hình dáng ổn định. Kỹ thuật chế tác đơn giản, chủ yếu bằng thủ pháp ghè đẽo một mặt, phương pháp chặt bẻ và rất ít tu sửa hệ thống, quy chỉnh. Có vẻ nhiều công cụ chặt đập thô đều chế tác từ đá vôi nên rất khó phân biệt với những mẩu đá vôi vỡ tự nhiên hoặc do đời sau làm ra. Nổi bật nhất là cư dân Văn hóa Soi Nhụ gần gũi biển nhiều hơn, trực tiếp hơn. Một số bằng chứng khai thác biển được phát hiện tại các hang Soi Nhụ, Tiên Ông, Bồ Quốc nhưng niên đại của chúng cần nghiên cứu thêm. Các nhà khảo cổ đánh giá Văn hóa Soi Nhụ là nguồn gốc trực tiếp con đường Cái Bèo - Hạ Long: Lâu nay trong tiền sử Việt Nam, hai nền Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn là hai cội nguồn trực tiếp duy nhất của các nền văn hóa đá mới, cuộc cách mạng nông nghiệp trên đất nước ta. Đó là con đường Văn hóa Đa Bút ở Thanh Hóa; con đường Văn hóa Quỳnh Văn ở Nghệ Tĩnh; con đường Bàu Dũ ở Quảng Nam - Đà Nẵng và đường Cái Bèo ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Nhưng với xác lập Văn hóa Soi Nhụ bổ sung vào bức tranh tiền sử Việt Nam là điểm nhấn, cơ sở pháp lý để lý giải phát triển các con đường văn hóa khác. Mặt khác, con đường Soi Nhụ - Cái Bèo - Hạ Long tạo dựng phương thức sống phức hợp theo định hướng khai thác biển trong tiền sử Việt Nam: Nếu như trước đó định hướng nông nghiệp được coi con đường phát triển duy nhất thì với Văn hóa Soi Nhụ còn thấy mô hình phát triển phức hợp, nông nghiệp chỉ là một yếu tố. Định hướng chính con đường Cái Bèo - Hạ Long là khai thác biển, trong đó có cả đánh bắt hải sản và trao đổi, thương mại và một số nghề thủ công làm gốm, chế tác công cụ đá, đồ trang sức, đặc biệt đóng thuyền mà bằng chứng còn lại là những búa đá to khỏe, không thấy ở đâu khác ngoài khu vực Văn hóa Hạ Long. Chính môi trường biển tạo cho hậu duệ Văn hóa Soi Nhụ phương thức phức hợp như vậy. Văn hóa Soi Nhụ là cội nguồn và tổng hòa các yếu tố văn hóa biển trong khu vực. Sau này khi các nhà khảo cổ Việt phát hiện các hiện vật bằng đá tại hang Eo Bùa, Soi Nhụ, người ta lập tức liên hệ chúng với các yếu tố Hòa Bình - Bắc Sơn. Nhưng Soi Nhụ không chỉ có các yếu tố đó và chưa phải đặc trưng của bộ công cụ văn hóa này. Tại đây còn thấy các công cụ bằng đá vôi, các công cụ cuội không định hình. So các nền Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, các điểm Soi Nhụ rất hiếm công cụ đá, tích tụ tầng văn hóa bằng vỏ nhuyễn thể rất dày, bao gồm ốc biển, ốc suối và nhuyễn thể biển. Và nó tồn tại độc lập, có mối liên hệ các nền văn hóa khu vực, tạo truyền thống riêng, truyền thống văn hóa biển trong tiền sử Việt Nam. Hải Lăng Nguồn baophapluat Còn tiếp
"Văn hóa Hòa Bình" Hòa Bình là một trong những nơi mà các nhà khảo cổ học chứng minh có người Việt cổ sinh sống cách đây hàng vạn năm. Văn hóa Hòa Bình được khảo cổ học chính thức công nhận từ: 30-1-1932, do đề xuất của Madeleine Colani, sau khi Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội thông qua. Khởi thủy, cụm từ này dùng để nói đến nền văn hóa cuội ghè đẽo trên khắp chu vi hòn cuội[1] để tạo những dụng cụ từ thời đá cũ đến thời đá mới. Qua thời gian, tất nhiên cụm từ này được đề nghị mang những tên khác và có những ý nghĩa khác nhau. Thời gian gần đây, hoạt động các nhà khảo cổ suốt từ 1975 lại đây cho thấy hướng mới về quan niệm khác về thời đại cũng như không gian Văn hóa Hòa Bình. Cơ sở tổng quát Văn hóa Hòa Bình[2] thuộc thời đồ đá cũ sang thời đồ đá mới (cách nay 15.000 năm kéo dài đến 2.000 năm TCN), trên vùng đất xen núi đá vôi, thuộc phía Tây châu thổ 3 sông lớn thuộc Bắc Bộ Việt Nam, và với không gian rộng lớn, tiêu biểu cho cả Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Dựa các di chỉ tìm thấy và niên đại chúng, các nhà khảo cổ chia Văn hóa Hòa Bình thành 3 thời kỳ nối tiếp nhau: [3] Hòa Bình sớm, hay Tiền Hòa Bình, niên đại tiêu biểu là di chỉ Thẩm Khương (32.100 ± 150 TCN), Mái Đá Điều, Mái Đá Ngườm (23.100 ± 300 TCN). Hòa Bình giữa, hay Hòa Bình chính thống, tiêu biểu bởi di chỉ Xóm Trại (18.000 ± 150 TCN), Làng Vành (16.470 ± 80 TCN). Hòa Bình muộn, tiêu biểu bằng di chỉ ở Thẩm Hoi (10.875 ± 175), Sũng Sàm (11.365 ± 80 BP, BLn - 1541/I). Lịch sử khám phá 1923, bà Madeleine Colani cùng những người hướng dẫn địa phương khám phá số lượng rất lớn di cốt người và dụng cụ đá trong hang đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình. Mấy năm liền sau đó, bà liên tục khám phá thêm 12 hang động trong vùng Hòa Bình, khai quật được một số lượng di vật hiếm thấy. Sau khi phân tích chúng và so sánh liên hệ với đồ đá tìm thấy trong vùng núi Bắc Sơn, bà đề nghị xem toàn thể những di vật đặc biệt bằng đá cuội, đặc điểm là chỉ được đẽo ở lưỡi hay rìa là của cùng một nền văn hóa, Văn hóa Hòa Bình hay Hoabinhien[4] Từ khi phát hiện các dụng cụ đá và bằng xương tại di chỉ thuộc tỉnh Hòa Bình, các nhà khảo cổ còn phát hiện rất nhiều địa điểm khắp các nước trong vùng như: Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia, Malaysia, Sumatra.. cũng có những di tích có các công cụ cùng một kỹ thuật chế tác. Tìm thấy các dụng cụ đá cùng một văn hóa sinh sống ở những nơi xa hơn như Nhật Bản, Đài Loan, Australia.. Tại hội nghị "60 năm sau Hoabinhian" tổ chức tại Hà Nội, các nhà khảo cổ học thống nhất quan điểm về thuật ngữ Văn hóa Hòa Bình được xem như khái niệm để chỉ nền văn hóa có cùng một kỹ thuật chế tác mà không xem như là nguồn gốc. Các di vật Văn hóa Hòa Bình Việt Nam có trên 130 điểm thuộc Văn hóa Hòa Bình, trên một nửa do các nhà khảo cổ Việt Nam phát hiện từ 1966-1980. Riêng tỉnh Hòa Bình có 72 di chỉ phát hiện và nghiên cứu[5] . Nơi đây từng tìm thấy 47 trống đồng cổ, trong đó có trống đồng sông Đà và trống đồng Miếu Môn thuộc loại đẹp và cổ. Thời đầu TK. 20, các nhà khảo cổ học thực sự chưa khám phá đủ số lượng cần thiết và nhiều điểm chưa khám phá, dựa các dụng cụ thô sơ chỉ đẽo một mặt nên việc đánh giá các di vật này chưa chính xác với tầm quan trọng của Văn hóa Hòa Bình. Nhưng đến thập niên 1960, các khám phá khảo cổ gây chú ý cho các nhà khảo cổ học tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, các đảo Nam Thái Bình Dương khiến các nhà tiền sử học đặt lại vấn đề người tiền sử tại Đông Nam Á. Trước hết, nhà khảo cổ người Úc là Gorman tìm thấy tại hang Ma (Spirit Cave) ở Thái Lan những dấu hiệu cho thấy người thuộc Văn hóa Hòa Bình bắt đầu trồng trọt bầu bí sớm hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, từ cỡ hơn 11.000 năm trước. Những năm gần đây, các nhà khảo cổ có những khám phá mang tính đột phá khi quan niệm mới về tiện dụng trong Đông Nam Á nhiệt đới cổ xưa không cần hoàn toàn dựa các công cụ sinh hoạt và kiếm ăn bằng đá cuội, khi quan sát các bộ lạc còn sót và bị biệt lập tại các đảo trong quần đảo Indonesia và tập quán dùng: Đồ tre, nứa, và các loại mũi tên tẩm độc để săn bắn các con thú lớn, cũng như tập tục ăn sò, ốc biển, ốc nước ngọt, các loại cá sẵn có trong các làn nước ấm[6] . Luận điểm so sánh với các dụng cụ khác ở phương Tây đang được nhiều nhà khoa học xem xét lại. Các di vật chính của Văn hóa Hòa Bình chính (niên đại sớm 12.000 năm trước) tại tỉnh Hòa Bình và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thái Nguyên là các dụng cụ đá cuội ghè đẽo một mặt, hoặc chỉ phần lưỡi. Các mảnh gốm không có hình thù do kỹ thuật nung chưa đạt nhiệt độ cao, đây là di tích đồ gốm xưa nhất của cư dân Văn hóa Hòa Bình[7] đến nay tìm thấy. Các dụng cụ đào bới có cán tra, các vòng trang sức bằng vỏ ốc. Thời này các nhà khảo cổ học thấy di cốt người ở vài địa điểm. Di chỉ muộn Văn hóa Hòa Bình tìm thấy ở Bắc Sơn (niên đại sớm 5.000 năm TCN, thuộc Lạng Sơn). Các dụng cụ đá ở đây có trình độ chế tác cao hơn nhiều, lưỡi đá mài sắc, khảo cổ học gọi "rìu Bắc Sơn." Đồ gốm có tiến bộ, kỹ thuật làm thủ công, cư dân ở đây nặn các dải đất dài, cuộn tròn từ đáy lên miệng và miết kín khe hở, nung gốm bằng chất củi đốt xung quanh. Đồ trang sức bằng đất nung có dùi lỗ và xâu thành chuỗi. Các di tích Văn hóa Hòa Bình thường phân bố thành từng cụm trong các thung lũng hẹp, mỗi cụm có từ 5 đến 7 di tích và có diện tích từ 50m đến 150m, độ cao trung bình so mặt ruộng từ 10m đến 20m. Huyện Tân Lạc có cụm: Hang Muối, Mái đá Triềng Xến I, Mái đá Triềng Xến II, Hang Triềng Xến II; Huyện Lương Sơn có cụm: Hang Tằm, Hang Rổng Tằm, Hang Trâu, Hang Chổ. Huyện Lạc Sơn có cụm: Hang Xóm Trại, Mái đá Làng Vành, Hang Dúng.. Các di vật chính thời Văn hóa Hòa Bình tại tỉnh Hòa Bình là các dụng cụ bằng đá cuội ghè đẽo tương đối thô sơ một mặt, hoặc chỉ phần lưỡi. Đến thời cuối Văn hóa Hòa Bình, các hiện vật sử dụng đến kỹ thuật mài: Mài lưỡi, mài một mặt, mài toàn thân. Cuội nhặt từ sông suối mang về hang để chế tác công cụ. Các nhà khảo cổ thử nghiệm đẽo cuội nhằm tìm hiểu kỹ thuật người xưa. Kỹ thuật đẽo đá kết hợp tổng hòa của các thủ pháp chẻ, bổ, đập, bẻ, ghè - đẽo, mài - cưa. Về loại hình, cư dân Văn hóa Hòa Bình tạo nhiều loại công cụ rất phong phú đa dạng như công cụ hình đĩa, công cụ 1/4 viên cuội, công cụ hình hạnh nhân, nạo lưỡi dài, nạo lưỡi ngắn, rìu dài, rìu ngắn, bôn, rìu mài lưỡi.. Ngoài công cụ đá, người Hòa Bình biết chế tác và dùng một số công cụ bằng xương, sừng và vỏ trai: Rìu xương, đục xương, mũi nhọn và nạo vỏ trai. Đặc điểm dễ biết nhất của các di tích Văn hóa Hòa Bình là vết tích vỏ ốc suối trong hang. Đây là thức ăn chủ yếu thời Văn hóa Hòa Bình. Vỏ ốc cùng các dấu tích vật chất khi người tiền sử Văn hóa Hòa Bình sống trong hang để lại trên nền hang tạo tầng văn hóa trong hang. Thành phần cấu tạo chủ yếu tầng văn hóa: Đất sét vôi xen các vỏ nhuyễn thể chủ yếu là ốc suối và ốc núi, xương cốt động vật, vỏ và hạt một số loài thảo mộc, dấu tích than tro, di cốt người và mộ táng, công cụ chủ yếu là công cụ đá, các phế liệu chế tác và mảnh gốm. Tuỳ thuộc thời gian cư trú mà tầng văn hóa có độ dày mỏng khác nhau. Tầng văn hóa ở các hang có độ dày mỏng khác nhau trung bình từ 0, 5m đến 4m. Tiêu biểu có di tích Hang Xóm Trại ở huyện Lạc Sơn tầng văn hóa dày tới hơn 4m. Đây là minh chứng cho thấy thời gian người tiền sử Văn hóa Hòa Bình cư trú sinh sống trong hang rất dài. Cư dân Văn hóa Hòa Bình thường chôn người chết ngay trong nơi cư trú. Mộ có thể đặt ngay trong góc hang hoặc gần bếp lửa. Điều này phản ánh tâm lý người nguyên thuỷ muốn người chết ở gần mình hơn, nghỉ ngơi ở chỗ sinh hoạt thường ngày để tạo đầm ấm, tránh thú dữ ăn thịt. Hầu hết thi hài người chết được rắc thổ hoàng sau khi chôn và chủ yếu được chôn theo tư thế nằm co bó gối. Đáy mộ có lót than tro, thổ hoàng, đá răm. Đa số quanh mộ ghè đá làm hộp mộ và người chết thường chôn theo những công cụ bằng đá, đồ trang sức. Tại di tích Mái Đá Đú Sáng, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi; di tích Hang Xóm Trại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn và di tích Hang Chổ, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn.. dấu tích mộ gần bếp lửa tìm thấy rất rõ. Các di tích Văn hóa Hòa Bình tại tỉnh Hòa Bình, Hang Xóm Trại là di tích quan trọng bậc nhất, không chỉ trong Hòa Bình mà còn với cả Việt Nam và ĐNA. 8 lần điều tra, thám sát và khai quật phát hiện khối tư liệu khổng lồ bao gồm vỏ nhuyễn thể, xương răng thú, di cốt người, gốm và đặt biệt là di vật đá lên đến hàng nghìn hiện vật. Cân đối về hình thái, có mặt và kết hợp các hình thức kỹ thuật chế tác công cụ tinh xảo khiến nhiều học giả trong và ngoài nước ngày càng quan tâm Hang Xóm Trại và đánh giá sưu tập đá nơi đây là tiêu biểu cho Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam và ĐNA. Các di tích Văn hóa Hòa Bình nhiều lớp phức tạp, các lớp đó ít nhiều phản ánh tính chất, giai đoạn hoặc mức độ sớm muộn Văn hóa Hòa Bình. Từ 1991 trở về trước, cả tỉnh Hòa Bình chỉ có di tích khảo cổ Văn hóa Hòa Bình xếp hạng quốc gia là di tích Động Tiên, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy do Bảo tàng Hà Sơn Bình lập hồ sơ xếp hạng 1989. Sau khi tái lập tỉnh Hòa Bình, 1995 Bảo tàng tỉnh Hòa Bình tổng kiểm kê di tích toàn tỉnh. Quá trình kiểm kê phát hiện thay đổi trong số lượng các địa điểm Văn hóa Hòa Bình. Một số di tích mất, không tìm thấy, một số di tích trong vùng đất quốc phòng. Thêm một số di tích mới phát hiện. Nay tổng số điểm di tích Văn hóa Hòa Bình là 76. Trong đó: - Số di tích đã mất, không tìm thấy: 20 địa điểm - Số di tích nằm trong vùng đất quốc phòng do quân đội quản lý: 21 địa điểm - Số di tích hiện còn để bảo tồn và phát huy tác dụng: 35 địa điểm - Số di tích xếp hạng cấp quốc gia: 10 địa điểm Lý giải số các điểm di tích Văn hóa Hòa Bình bị mất có thể do vô tình bị dân cải tạo làm nhà, làm các công trình xây dựng, làm ruộng vườn canh tác, hoặc một số di tích bị mất tên (xưa gọi tên khác, nay điều tra, mọi người không ai nhớ tên đó nữa). 76 địa điểm Văn hóa Hòa Bình được phân bố như sau: 1. Kim Bôi: 20 di tích 2. Lương Sơn: 14 di tích 3. Tân Lạc: 10 di tích 4. Lạc Thủy: 9 di tích 5. Lạc Sơn: 7 di tích 6. Yên Thủy: 6 di tích 7. Đà Bắc: 4 di tích 8. Mai Châu: 4 di tích 9. Kỳ Sơn: 2 di tích Văn hóa Hòa Bình rất tiêu biểu và có vị trí quan trọng thời đồ đá ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Ý nghĩa và tầm quan trọng xuất hiện Văn hóa Hòa Bình tại tỉnh Hòa Bình là minh chứng khẳng định Hòa Bình là một trong những chiếc nôi loài người. Văn hóa hòa Bình tại tỉnh Hòa Bình cung cấp cho các nhà khảo cổ, các nhà khoa học, các nhà nhân chủng học.. trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học quá trình chuyển hóa từ người vượn tiền sử tiến lên người hiện đại, về phương thức kiếm sống, canh tác, về tổ chức xã hội. Các di tích Văn hóa Hòa Bình là tài sản vô cùng quý báu; đóng góp cho nền khoa học nước nhà cũng như nền khoa học thế giới tư liệu cực kỳ quý. Qua các kết quả từ thám sát, khảo sát, khai quật các điểm Văn hóa Hòa Bình tại tỉnh Hòa Bình, các nhà khoa học có thêm những lượng thông tin cần thiết để tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu nền Văn hóa Hòa Bình và nghiên cứu tìm hiểu quá khứ ở Việt Nam và ĐNA. Tìm hiểu văn hóa hiện đại khu vực này, trong mối quan hệ giữa con người và con người, giữa con người với thiên nhiên. Đánh giá Các bằng chứng ngày càng nhiều về nền văn minh Đông Nam Á làm lung lay nhiều thuyết tiền cổ đứng vững nhiều thập kỷ của thế kỷ 20. Người tiên phong trong đề xuất hướng mới cho nguồn gốc loài người là Wilhelm G. Solheim II, Giáo sư Đại học Hawaii. Năm 1967, Solheim II cho công bố trên nhiều tài liệu nói về ra đời sớm của trồng trọt, làm gốm, đóng thuyền, đúc đồ đồng thau.. Sau Solheim II, một số nhà khảo cổ học như Meacham ở Hồng Kông, Higham ở New Zealand, Pookajorn ở Thái Lan đều thống nhất quan điểm, vùng Đông Nam Á, từ Thái Lan xuống Indonesia qua bán đảo Đông Dương là cái nôi văn minh Nam Á - Nam Đảo. Và mới đây, Stephen Oppenheimer[8] còn đi xa hơn nữa, khi đưa ra thuyết văn minh Đông Nam Á là cội nguồn văn minh phương Tây, khi cư dân thềm Sunda di tản tránh biển dâng, họ đến vùng Lưỡng Hà - Trung Đông, mang theo kinh nghiệm trồng trọt, làm đồ gồm và sự tích Đại hồng thủy[9] Những đánh giá này chưa cập nhật những thành tựu mới từ cuối TK. 20 đến nay, trong đó có nghiên cứu sinh học phân tử cho bằng chứng mới xác định loài người hình thành từ Châu Phi và phát tán khắp thế giới (Out-of-Africa). Tham khảo 1. Đặc trưng chính Văn hóa Hòa Bình khi phân biệt với các cư dân đồ đá dùng đá lửa, dễ ghè đẽo và dễ tạo hơn. 2. Các nhà khảo cổ học gần đây xem Văn hóa Hòa Bình như thuật ngữ chỉ văn hóa chung có cùng nguồn gốc, nhưng không khẳng định địa điểm. 3. Đông Nam Á và tiền sử học thế giới, Viễn Cảnh Châu Á, tập XIII năm 1970. 4. Tiếng Anh là Hoabinhian. 5. "Văn hóa Hòa Bình" : Nền văn hóa tiền sử độc đáo 6. Các di vật khai quật gần đây cho thấy người tiền sử Văn hóa Hòa Bình sử dụng lượng lớn sò, ốc, động vật.. 7. Cung Đình Thanh, Gốm cổ tại Việt Nam và vai trò của nó trong văn hóa tiền sử, Tập San TƯ TƯỞNG số 12 tháng 2/2001. 8. Oppenheimer tốt nghiệp bác sĩ Đại học Oxford bên Anh năm 1971, một người đưa ra luận điểm về bệnh học theo vùng miền, rất yêu khảo cổ học. 9. Stephen Oppenheimer, Eden in the East The Drowned Continent of Southeast Asia, Phoenix, 1999. Xem thêm Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng, Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam. 1961 Tạp chí khảo cổ học Việt Nam, NXB. KHXH, Hà Nội. (1974-2006) · Hà Văn Tấn, Nguyễn Khắc Sử, Trình Năng Chung, Văn hóa Sơn Vi, NXB, KHXH, Hà Nội, 1999. Hà Văn Tấn, Theo dấu các nền văn hóa cổ, NXB. KHXH, Hà Nội, 1998 Oppenheimer S, Eden in the East The Drowned Continent of Southeast Asia, Phoenix, 1999 Nguồn Wikipedia Sovanhoahoabinh Hòa Bình – nền văn hóa tiêu biểu thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá mới Mái đá làng Vành xã Yên Phú (Lạc Sơn), Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia thuộc nền Văn hóa Hòa Bình. Nền "Văn hóa Hòa Bình" là tên gọi nền văn hóa thời tiền sử – nền văn hóa đặc trưng cho các nước Đông Nam Á lục địa và phía Nam Trung Quốc, tỉnh Hòa Bình là địa điểm đầu tiên được phát hiện. Từ khai quật các điểm di tích hang động tại vùng đá vôi Hòa Bình, năm 1927, nhà khảo cổ Pháp Madelene Colani đề xuất khái niệm "Văn hóa Hòa Bình." 1932, Hội nghị các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội thừa nhận thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình" để chỉ nền văn hóa cổ đại xuất hiện và tồn tại trên địa phận nước Việt tiền sử. Cách đây vài ba vạn năm; khẳng định Hòa Bình là một trong những trung tâm của người nguyên thủy ở Việt Nam. "Văn hóa Hòa Bình" có phạm vi phân bố rất rộng trên địa bàn Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh; từ Nam Trung Quốc đến Đông Sumatra (Indonesia) và hầu khắp các nước Đông Nam Á lục địa. Ở Việt Nam, "Văn hóa Hòa Bình" tập trung đậm đặc nhất ở tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa. Do độ đậm đặc di chỉ tầng văn hóa này ở tỉnh Hòa Bình, các nhà khảo cổ học lấy tên tỉnh đặt cho nền văn hóa ấy. Niên đại "Văn hóa Hòa Bình" khoảng 18.000 năm kéo dài đến 7.500 năm trước, thuộc thời đồ đá cũ. Theo M. Colani, cư dân Văn hóa Hòa Bình sống thành từng bầy đàn trong hang động. Họ săn bắn, hái lượm kiếm sống là chủ yếu. Con người thời đó biết dùng công cụ cuội với kỹ thuật chế tác ghè, đẽo tạo các loại công cụ có hình hạnh nhân, hình đĩa, sau là công cụ hình rìu ngắn. Theo các nhà khảo cổ, đến nay, chúng ta phát hiện 72 di tích thuộc Văn hóa Hòa Bình, chủ yếu nằm trong các hang động và mái đá. Tiêu biểu như các di tích: Động Can, Hang Xóm Trại, Mái Đá Làng Vành, Mái Đá Tôm, Mái Đá Chiềng Khến, Hang Làng Đồi, Hang Muối.. là nơi cư trú của người nguyên thủy thời gian dài. Hay như tại di tích hang Khoài - niên đại kỹ nghệ cuội Việt Nam, nơi cư trú của người nguyên thủy cách đây 17.000 năm đến 11.000 năm. Những di vật thường gặp trong Văn hóa Hòa Bình là bếp, mộ táng, tàn tích sau bữa ăn, công cụ lao động và các chế tác khác của người nguyên thủy. Những vết tích vỏ trai, ốc, xương răng động vật và vỏ hạt một số loài thảo mộc còn giữ lại trong tầng Văn hóa Hòa Bình. Đến nay tìm được trên 130 điểm Văn hóa Hòa Bình và thu khối lượng lớn di vật, xương động vật và di cốt người. 30.120 di vật thống kê ở 65 địa điểm Văn hóa Hòa Bình đã khai quật, đồ đá chiếm gần 28.000 tiêu bản, đồ xương, sừng, nhuyễn thể có 250 tiêu bản.. Có thể thấy đồ đá chiếm ưu thế nổi bật trong Văn hóa Hòa Bình. Kỹ thuật chế tác đá trong Văn hóa Hòa Bình được các nhà nghiên cứu Hòa Bình gọi "kỹ thuật Hòa Bình." Hiện diện nền Văn hóa Hòa Bình không chỉ là minh chứng khẳng định Việt Nam là địa điểm nằm trong khu vực xác định là chiếc nôi loài người mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, các nhà khoa học, các nhà nhân chủng học.. trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hóa từ người vượn tiền sử tiến lên người hiện đại, phương thức kiếm sống và canh tác, về tổ chức xã hội. Những di vật tại các di chỉ khảo cổ thời gian qua phần nào vén bức màn thời gian tìm hiểu sự sống và những nét căn bản phát triển xã hội Tổ tiên tiền sử người Việt tồn tại và lưu giữ nền văn hóa nguyên thủy: Văn hóa Hòa Bình. Các di vật tiêu biểu tìm thấy trên Hòa Bình phản ánh đời sống xã hội và các phương thức sinh sống của người tiền sử Hòa Bình: Con người Hòa Bình thời đá mới cư trú chủ yếu hang động, các thung lũng nhỏ, gần như khép kín. Lịch sử lâu đời Hòa Bình để lại dấu ấn trong dãy núi đá vôi trùng điệp chạy dài từ Tây Bắc qua các huyện trong tỉnh đến các huyện ven đồng bằng. Bề dày lịch sử của Hòa Bình nằm trong các hang động đá vôi và mái đá có di tích cư trú và sinh sống của người nguyên thủy như các hang: Muối (Tân Lạc), Sào Đông (Kim Bôi), Tằm (Lương Sơn), Mái Đá Làng Vành (Lạc Sơn), Đồng Nội, Hào (Lạc Thủy).. Kỹ thuật chế tác công cụ phát triển của người Việt cổ ở nền Văn hóa Hòa Bình còn được chứng minh qua phát hiện tại di chỉ Lạc Thủy. Từ lâu đời đây là một trong những địa điểm quần cư của con người. Nhiều hiện vật như trống đồng được tìm thấy ở đây thuộc thời đại kim khí, cách nay 4.000 năm. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy ở Lạc Thủy nhiều công cụ bằng đá, hình khắc trên các vách đá - người Hòa Bình tiền sử chưa có chữ viết nhưng họ có một loạt ký hiệu và hình vẽ trên đá để ghi lại những ký ức, miêu tả hiện thực, thế giới xung quanh.. Đáng chú ý tại di tích Hang Chùa, còn có tên "Văn Quan Động" khắc trên vách đá, dưới khắc thơ, bài văn TK. 18-19. Từ các di chỉ được phát hiện, các nhà khảo cổ học chứng minh người Hòa Bình thời tiền sử không giam mình trong vùng núi sâu mà bắt đầu tiến ra dọc theo những thung lũng, sông, suối, hướng tới vùng đồng bằng thấp, những di vật như vỏ ốc biển trong hang, mộ phần nào nói lên điều này. Đó là một trong những đặc trưng về loại hình di tích Văn hóa Hòa Bình. Từ các hiện vật tìm được cho thấy người Việt cổ cư ngụ tại đây đã bắt ốc núi, ốc suối về ăn rồi vứt vỏ tạo thành lớp trầm tích dày trong các hang. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy chày nghiền, mảnh tước bằng mai rùa và một số công cụ khác. Nó chứng minh Văn hóa Lạc Thủy kế thừa di sản Văn hóa Sơn Vi. Đặc biệt các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu tích ban đầu của nền nông nghiệp sơ kỳ người nguyên thủy sinh sống ở Lạc Thủy như ở Hang Mái Đá (xã Phú Lão), Hang Thẻ Bạc (xã Khoan Dụ). Trong sinh hoạt kinh tế của cư dân Hòa Bình, tuy săn bắn, hái lượm không giữ vị trí độc tôn, song vẫn là ngành kinh tế chủ đạo và trồng trọt mới nảy sinh. Ốc núi, ốc suối, trai, trùng trục.. là các loại thức ăn tự nhiên, thường xuyên của cư dân Hòa Bình thời đó. Loại thức ăn này khai thác từ các suối và dãy núi đá vôi là chủ yếu. Cư dân thời đó còn săn bắt thú rừng. Nhiều di cốt động vật hóa thạch thấy ở Hang Xóm Trại, động Can, Mái Đá Đa Phúc.. là minh chứng khoa học. Về cách thức săn bắt thú rừng, cư dân nơi đây biết dùng các dụng cụ chủ yếu bằng tre, gỗ, xương. Môi trường sống đa dạng và phức tạp ấy, cư dân biết khai thác thức ăn từ nguồn thực vật. Kết quả phân tích bào tử phấn hoa thuộc các hang động cho thấy có 22 loài bào tử, trên 40 loài phấn hoa. Hệ thống hang động phong phú ở Hòa Bình từng là nơi sinh sống của người Hòa Bình thời tiền sử. Cư dân cổ ở Hòa Bình hiểu biết về môi trường tự nhiên và lựa chọn nơi cư trú thích hợp, đồng thời có thể triển khai hiệu quả hoạt động săn bắn, hái lượm. 72 di chỉ hang động, 60% di chỉ nằm ở độ cao từ 10 đến 20m so mặt bằng thung lũng, gần sông suối. Nơi sinh hoạt là phần thoáng đãng nhất gần cửa hang. Các hang này phân bố thành từng cụm từ 3, 4 đến 10 hang vây quanh 1 thung lũng, có sông suối uốn lượn qua lòng thung lũng. Như cụm 5 di tích Hang Làng Gạo, Hang Đồng Giẽ, Mái Đá Đồng Giẽ, Làng Vôi, Làng Đồi. Về hướng hang, phần lớn có cửa hướng Đông Nam hoặc Tây Bắc: Tránh được gió mùa Đông Bắc về mùa lạnh, nhận tối đa nhiệt và ánh sáng từ các mùa trong năm.. Chỉ có một số nhỏ cư dân sống ở ngoài trời, bên các thềm sông. Ở mỗi cụm này, các di tích Hòa Bình khá đồng nhất về văn hóa, ổn định về kỹ thuật chế tác công cụ và tương đồng về phong tục mai táng. Sinh hoạt kinh tế của cư dân Hòa Bình, tuy săn bắn, hái lượm không giữ vị trí độc tôn, song vẫn là ngành kinh tế chủ đạo và trồng trọt mới nảy sinh. Mức độ nào đó, kinh tế sản xuất của cư dân thời tiền sử vẫn sơ khai, nguyên thủy nhất. Một số di tích như Hang Xóm Trại phát hiện dấu vết những hạt thóc, vỏ trấu, hạt gạo cháy, cho thấy: Cách nay trên 1 vạn năm, cư dân Hòa Bình là một trong những cư dân đầu tiên phát minh nông nghiệp và Việt Nam – Hòa Bình là một trong những trung tâm phát minh nông nghiệp sớm nhất thế giới. Về công cụ sản xuất, người cổ Hòa Bình biết dùng nguyên liệu tại chỗ là các cuội sông, suối để chế tác công cụ. Kỹ thuật phổ biến là bổ cuội, ghè đẽo, đập bẻ – chặt ngang, ngoài ra còn có kỹ thuật mài. Cư dân Hòa Bình cổ biết tạo chuỗi công cụ (công cụ đá, xương, đồ dùng bằng tre, gỗ).. Về tổ chức xã hội, người Hòa Bình thời tiền sử tiến từ giai đoạn bầy người đến bộ lạc. Mỗi hang động là đơn vị cư trú. Mỗi đơn vị cư trú có một số gia đình. Hang có di tích bếp lửa hoặc vài đống tro phân bố ở trung tâm hoặc chếch về phía cửa hang. Khuynh hướng phát triển các bếp lửa nhỏ dần về kích thước và tăng số lượng. Nếu coi những bếp lửa lớn chiếm gần hết diện tích hang ở tầng Văn hóa Sơn Vi là gia đình lớn gồm nhiều thế hệ thì những bếp nhỏ trong các di chỉ Hòa Bình là dấu hiệu gia đình nhỏ. Đặc điểm phân bố theo từng nhóm di tích và mỗi nhóm chiếm vài ba thung lũng là tập hợp cư dân dựa quan hệ huyết tộc và quan hệ địa vực, thứ "làng xã" cổ xưa nhất được biết hiện nay trong thời tiền sử Việt Nam, nó hoàn toàn phù hợp trình độ cư dân vốn khai thác hệ sinh thái phổ tạp. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy vết tích mộ táng cuối thời Trần đầu thời Lê gần như còn nguyên vẹn. Người nguyên thủy ở Văn hóa Hòa Bình biết chèn đá hộc, rải đá răm quanh mộ để bảo vệ. Qua các di cốt trong các di chỉ mộ táng, theo các nhà khảo cổ học, có thể hình dung con người Hòa Bình thời tiền sử có đặc điểm: Tầm vóc to, khỏe mạnh; sọ thuộc loại dài và cao; mặt thuộc loại rộng, hốc mắt trung bình, hốc mũi rộng; độ mòn răng thấp; có người thọ tới 70 tuổi. Cư dân Hòa Bình có các hình thức mai táng với nhiều tập tục khác nhau. Đối với người Hòa Bình cổ, người chết không có nghĩa là hết tất cả mà là chuyển từ thế giới này sang thế giới khác. Vì thế, mộ táng gặp những đồ tùy táng như công cụ đá, trang sức bằng vỏ trai, vỏ ốc hoặc xương răng thú. Khu mộ cổ Đống Thếch có hàng trăm mộ xung quanh được chôn nhiều hòn mộ, có mộ cao tới 3m, trên khắc chữ Hán ghi tên người đã chết. Người Mường ở Hòa Bình quan niệm rằng người chết vẫn có linh hồn trú ngụ, gửi gắm vào đá. Hang Xóm Trại, các nhà khảo cổ còn tìm thấy rìu đá, xương thú, vỏ trấu, vỏ quả óc chó và nhiều hóa thạch của vỏ ốc. Đây được xem là thức ăn thường dùng của người Việt cổ. Cách thức ăn ốc của người Việt cổ được cho kế thừa đến ngày nay. Đồng bào Mường ở Hòa Bình vẫn ăn ốc bằng cách chặt đuôi để hút thịt. Nguồn: Baohoabinh Baophapluat Còn tiếp
"Cổ vật Văn hóa Hòa Bình" Cổ vật Văn hóa Hòa Bình Văn hóa Hòa Bình sau 85 năm được thế giới công nhận Văn hóa Hòa Bình là nền văn hóa tiền sử nổi tiếng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Từ 1932, khi Văn hóa Hòa Bình lần đầu được công nhận trên diễn đàn khoa học thế giới, đến nay gần 200 di tích Hòa Bình phát hiện ở nhiều nước Đông Nam Á, song chưa ở đâu di tích Hòa Bình phân bố dày đặc và phong phú như ở Việt Nam (hơn 150 địa điểm). Việt Nam được nhiều nhà khoa học nước ngoài xem là quê hương Văn hóa Hòa Bình. Các di tích Hòa Bình ở Việt Nam được phát hiện và nghiên cứu trong nhiều thời khác nhau, do nhiều tổ chức và cá nhân tiến hành. Giới khoa học đề xuất nhiều ý kiến khác nhau, từ những vấn đề lý luận đến khái niệm và những vấn đề cơ bản nền văn hóa này. Do nội dung phong phú và phức tạp nền Văn hóa Hòa Bình, nên đến nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề đang thảo luận và nghiên cứu. 1. Giới thiệu Năm đầu TK. XX (1901), người Pháp lập Viện Viễn Đông Bác Cổ (École française d'Extrême - Orient) tại Hà Nội. Đây là trung tâm nghiên cứu duy nhất của người phương Tây nghiên cứu chủ yếu về lịch sử và văn hóa 3 nước Đông Dương. Phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình là một trong những thành tựu quan trọng nhất của khảo cổ học tiền sử Đông Dương đầu TK. XX. Công lao phát hiện và xác lập Văn hóa Hòa Bình thuộc về nữ học giả người Pháp Madeleine Colani. Những nỗ lực nhằm làm sáng tỏ mọi khía cạnh nền văn hóa này thuộc về nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, trong đó có đóng góp quan trọng các nhà khảo cổ Việt. 1926 đến 1932, M. Colani phát hiện và khai quật trên 50 di tích Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam. Đầu 1932, tại Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội, thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình" do M. Colani đưa ra được thừa nhận, phổ biến rộng rãi. Có thể nói, M. Colani đặt nền móng phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam. Dẫu còn những hạn chế tất yếu nào đó, nhưng trên 20 công trình nghiên cứu về Văn hóa Hòa Bình của bà để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hóa khảo cổ học Việt nói riêng, Đông Dương nói chung. Tiếp sau những phát hiện của các học giả Pháp trên lãnh thổ Việt Nam, các nhà nghiên cứu tiền sử học trong Đông Nam Á lần lượt phát hiện di tích Văn hóa Hòa Bình ở Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Indonesia. Nhiều học giả trên thế giới đều công nhận Văn hóa Hòa Bình là hiện tượng Đông Nam Á lục địa, đến nay nơi tìm được nhiều di tích nhất Văn hóa Hòa Bình là Việt Nam. Ngay sau khi hình thành, ngành khảo cổ học non trẻ Việt nghiên cứu nền văn hóa nổi tiếng này. Bên cạnh chỉnh lý phân loại các bộ sưu tập Văn hóa Hòa Bình ở kho Viện Bảo tàng Lịch sử, các nhà khảo cổ Việt điều tra, khảo sát, khai quật nhiều di tích Hòa Bình ở các vùng khác nhau. Nay Việt Nam phát hiện trên 150 di chỉ Hòa Bình. Số di tích tăng nhiều mà phạm vi phân bố trải rộng hơn. Ngoài Hòa Bình, Thanh Hóa tập trung nhiều nhất (106 địa điểm), di tích Hòa Bình có mặt ở vùng núi các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hà Tây (cũ). Phía Nam trải rộng đến Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị. Phía Đông đến Quảng Ninh. Những bộ sưu tập hiện vật đá, tàn tích động thực vật thu qua các khai quật được xử lý rất khoa học. Đáng chú ý các nhà khảo cổ học Việt áp dụng nhiều phương pháp khai quật mới và ứng dụng các khoa học tự nhiên trong nghiên cứu, điều đó khiến nhận thức về nền văn hóa này ngày càng hệ thống, toàn diện hơn và các nhận định thuyết phục hơn. Nay hơn 20 di tích Hòa Bình xác định niên đại bằng phương pháp C14, một số định niên đại bằng phương pháp AMS [28, tr. 86-90] . Nhiều địa điểm phân tích mẫu bào tử phấn hoa. Chúng ta phát hiện và khai quật nhiều di tích Hòa Bình, nhiều di tích tiền Hòa Bình và hậu Hòa Bình. Điều này giúp tìm hiểu phát triển trước, sau của Văn hóa Hòa Bình. Những thành tựu to lớn đó phản ánh qua nhiều ấn phẩm sách, báo chuyên ngành (như tạp chí khảo cổ học, hay kỷ yếu Những phát hiện mới về khảo cổ học của Viện Khảo cổ học, hoặc trong những ấn phẩm Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Đáng chú ý những công trình nghiên cứu "Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam" (1989) và "Khảo cổ học Việt Nam, tập I: Thời đại Đá Việt Nam" (1998) phản ánh phần lớn những kết quả nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình đến cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước. Hai mốc lớn đáng ghi nhớ trong chặng đường nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình. Thứ nhất, Hội nghị khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình tổ chức tại Hà Nội cuối 1982. Hầu hết các báo cáo khoa học đăng trong tạp chí Khảo cổ học số 1, 2 năm 1984 và số 2 năm 1986. Thứ 2, Hội nghị Quốc tế kỷ niệm 60 năm Văn hóa Hòa Bình tổ chức ở Hà Nội 1993 thu kết quả rực rỡ. Ngoài các nhà khảo cổ Việt, hội nghị đón hàng chục học giả nuớc ngoài từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc và Châu Phi. Phần lớn bài tham gia hội nghị công bố trên tạp chí khảo cổ học số 3, số 4 năm 1994 và tạp chí Vietnam Social Sciences số 5 năm 1994. Tài liệu về Văn hóa Hòa Bình dần được các học giả Việt và nước ngoài giới thiệu rộng rãi trên thế giới. Nay, các nhà khảo cổ vẫn phát hiện và khai quật mới nhiều di tích Hòa Bình ở nhiều vùng trên nước ta. Gần đây, các học giả Vân Nam, Trung Quốc quan tâm đặc biệt văn hóa này. Bài viết này đề cập những nhận thức cơ bản và những nhận thức mới về Văn hóa Hòa Bình; những vấn đề tồn tại cần nghiên cứu về khái niệm, phức hợp kỹ thuật, cấu trúc xã hội, văn hóa phi vật thể Hòa Bình. 2. Nhận thức cơ bản Văn hóa Hòa Bình Thứ nhất, từ 1960 đến nay, ra đời ngành khảo cổ Việt, công tác nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình vào giai đoạn mới, cùng kiểm tra, khảo sát lại di tích, di vật người Pháp khai quật để lại. Hơn 150 di tích, di tích Hòa Bình chủ yếu tập trung ở những vùng núi đá vôi tại các thung lũng hoặc trong hang động, mái đá; số ít di tích ở ngoài trời và thềm sông. Quy luật phân bố cư trú rất dễ thấy của cư dân Hòa Bình là phân bố từng cụm, mỗi cụm từ 3 đến 10 di chỉ liền khoảnh và chiếm cứ vài ba thung lũng đá vôi. Trong các thung lũng là những cánh rừng nhiệt đới nhiều tầng xanh tốt quanh năm với nhiều suối nhỏ chảy qua. Quanh các thung lũng là những dãy núi đá vôi bao bọc, ở đó chứa nhiều hang động lớn nhỏ, nơi cư trú lý tưởng của những chủ nhân Văn hóa Hòa Bình. Thứ 2, các hang động thuộc Văn hóa Hòa Bình thường có tầng văn hóa dày trung bình trên 1m, điểm như Hang Làng Đồi tầng văn hóa dày 4, 5m. Chứa vỏ các loài nhuyễn thể, tàn tích xương răng động vật. Đó là tàn tích thức ăn để lại của người tiền sử, cùng các di vật đá, than tro, di cốt người. Các tích tụ này thường nằm trực tiếp trên nền hang đá vôi, hoặc trong lớp đất sét vôi màu vàng, thường có kết cấu bở rời, có tuổi sau Canh Tân. Các di tích động vật trong các di chỉ Văn hóa Hòa Bình gồm các loài nhuyễn thể, chủ yếu là ốc núi, ốc suối và xương cốt động vật có xương sống. Tất cả di cốt động vật trong các di tích Hòa Bình là động vật hoang dã nay vẫn tồn tại, động vật nhỏ chiếm đa số so động vật lớn. Đó là những đối tượng săn bắn của người Hòa Bình. Các nhà nghiên cứu cho rằng nhuyễn thể là đối tượng chủ yếu trong hoạt động thu lượm của cư dân Văn hóa Hòa Bình. Khối lượng vỏ các loại trai ốc trong các hang động Hòa Bình rất lớn, một số di chỉ đạt tới hàng trăm mét khối như ở Hang Làng Đồi, hay Hang Muối (Hòa Bình). Điều này khiến một số nhà nghiên cứu xem đặc trưng Văn hóa Hòa Bình như là văn hóa cư dân "ăn ốc." Những tàn tích còn lại trong các hang động Hòa Bình phản ánh phần nào kết quả hoạt động tìm thức ăn của chủ nhân văn hóa này, cho thấy vai trò săn bắt thú rừng và thu lượm các loài trai ốc là phương thức sống chủ yếu cư dân Hòa Bình. Vết tích thực vật trong Văn hóa Hòa Bình phát hiện chưa nhiều, hầu như chưa thấy giống loài được thuần hóa. Các hang động tiền sử Hòa Bình, dấu tích bếp lửa thường giữa hang, đôi khi cửa hang. Thứ 3, đặc trưng nổi bật Văn hóa Hòa Bình là tổ hợp di vật gồm đồ đá, đồ xương. Đồ đá chủ yếu. Người Hòa Bình cổ dùng đá cuội sông, suối để chế tác công cụ với kỹ thuật ghè đẽo thô sơ. Người Hòa Bình biết kỹ thuật mài mức sơ khai. Loại hình công cụ đá Hòa Bình phong phú và ổn định trong một số loại hình đặc trưng như công cụ có hình hạnh nhân, hình tam giác, hình đĩa, hình ô van cùng rìu ngắn, rìu dài làm từ cuội nguyên hoặc cuội bổ và chủ yếu ghè một mặt. Công cụ xương, công cụ bằng vỏ trai trong Văn hóa Hòa Bình rất ít. Bước đầu xác nhận ở đây có mặt rìu xương, đục xương, mũi nhọn xương, nạo vỏ trai. Phần lớn công cụ xương trong Văn hóa Hòa Bình mài và chuốt nhẵn cẩn thận. Vài rìu xương khắc vạch. Đó là những đặc trưng mang tính thống nhất trong tổ hợp di vật nền Văn hóa Hòa Bình. Thứ 4, người Hòa Bình thường chôn người chết nơi cư trú. Điều này phản ánh tâm lý người tiền sử không muốn xa rời người thân, mong muốn người chết được "yên nghỉ" ở chỗ sinh hoạt thường ngày của cộng đồng như bếp lửa, hoặc nơi nghỉ ngơi. Qua tư liệu khai quật khảo cổ học cho thấy, phương thức chôn nằm co, hoặc nằm nghiêng bó gối là hình thức chôn phổ biến của người tiền sử Hòa Bình, thứ đến là chôn ngửa, chân tay duỗi thẳng. Phần lớn là những mộ chôn đơn, có hiện tượng chôn tập thể như hang Làng Gạo (tỉnh Hòa Bình). Đặc biệt tại Hang Lam Gan II (huyện Lương Sơn), các nhà khoa học phát hiện một chỏm sọ người lớn, bên trong chứa vài nhánh xương sườn một đứa trẻ. Hiện tượng này được các nhà khảo cổ lý giải: Người Lam Gan II lấy chỏm sọ người lớn để đựng một bộ phận xương cốt trẻ con. Bằng chứng tục cải táng. Hầu hết mộ táng đều chôn theo đồ tùy táng là dụng cụ lao động, sinh hoạt hàng ngày như công cụ đá, đồ trang sức. Phần lớn những người chết được rắc thổ hoàng. Thứ 5, nay trên cơ sở những cứ liệu khoa học mới phát hiện, cùng hỗ trợ phương tiện khoa học hiện đại, các nhà khảo cổ Việt khá thống nhất đưa ra phác đồ khung niên đại Văn hóa Hòa Bình tại Việt Nam: Niên đại mở đầu Văn hóa Hòa Bình từ 18.420 ± 50 năm trước (di chỉ Hang Xóm Trại) đến 16.470 ± 80 năm (di chỉ Làng Vành) ; niên đại kết thúc Văn hóa Hòa Bình trên 7.000 năm trước (di chỉ Hang Đắng). Nhiều điều cần thảo luận, cơ bản Văn hóa Hòa Bình là văn hóa sơ kỳ đá mới ở Việt Nam. Thứ 6, nghiên cứu kinh tế, xã hội cư dân Văn hóa Hòa Bình thực chất là tìm hiểu phương thức kiếm thức ăn, giải quyết vấn đề lương thực các tập đoàn người cổ Hòa Bình. Phần đông các nhà khoa học thừa nhận, săn bắn, hái lượm là phương thức tìm kiếm thức ăn chủ đạo cư dân Văn hóa Hòa Bình. Nghiên cứu thành phần các giống loài động vật trong các di chỉ Hòa Bình cho thấy người Hòa Bình là những cư dân săn bắn đa tạp, không nhằm vào vài giống loài động vật nào cụ thể, điều kiện cổ khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, tức săn bắt theo phổ rộng. Đối tượng hoạt động hái lượm của cư dân Hòa Bình khá phong phú, gồm các động vật nhỏ, trứng chim, nấm, hoa quả, đặc biệt các loài thủy sinh thân mềm sống dưới sông, suối. Cơ cấu tổ chức xã hội người Hòa Bình, nhiều ý kiến cho người Hòa Bình thuộc chế độ mẫu hệ. Đời sống tinh thần người Hòa Bình khá phong phú thể hiện qua tri thức sơ khai về tự nhiên, con người. 3. Nhận thức mới về Văn hóa Hòa Bình Thứ nhất, về niên đại, từ lúc mới phát hiện, M. Colani nói Văn hóa Hòa Bình có 3 giai đoạn phát triển từ hậu kỳ đá cũ đến đá giữa và sang đá mới Bắc Sơn. Tiếp theo M. Colani, giới học giả tranh luận sôi nổi về tuổi Văn hóa Hòa Bình. Một số ý kiến xem Hòa Bình như văn hóa đá giữa với ý nghĩa là thời đại văn hóa trung gian giữa đá cũ và đá mới, một số người cho Văn hóa Hòa Bình hoàn toàn thuộc thời đá mới. Sau những khai quật ở Hang Xóm Trại và Mái Đá Điều, tình hình đổi khác. Một loạt những niên đại C14 ở các tầng vị khác nhau của hai di chỉ trên cho thấy niên đại giai đoạn sớm Văn hóa Hòa Bình lùi sâu vào thế Pleistocene. Nay, quan điểm thừa nhận phổ biến là Văn hóa Hòa Bình bắt đầu trong thế Pleistocene và tồn tại lâu dài ở thế Holocene, chuyển tiếp từ thời đá cũ sang thời đá mới. Một bộ phận Hòa Bình thuộc hậu kỳ đá cũ. Liên quan vấn đề niên đại là nguồn gốc Văn hóa Hòa Bình, trước đây quan điểm phổ biến cho Văn hóa Sơn Vi là nguồn gốc Văn hóa Hòa Bình. Niên đại Văn hóa Sơn Vi xác định từ 30.000 năm đến 11.000 năm cách nay. Trước đây, di chỉ hang Thẩm Khương (Lai Châu) xác định thuộc Văn hóa Hòa Bình có niên đại lên 32.100 ± 150 năm cách nay (BP). Khai quật di chỉ hang Con Moong ở xã Thành Yên (huyện Thạch Bàn, Thanh Hóa) 2012-2013 đem nhiều nhận thức mới. Ðịa tầng hang Con Moong dày 9, 5m, hang rộng, nền hang cao hơn 40m so chân núi, rộng hơn 300m2. Chia 4 giai đoạn văn hóa. Giai đoạn văn hóa III (độ sâu 6, 8m) từ 30.000-40.0000 năm trước, xuất hiện kỹ nghệ Hòa Bình trên công cụ đá vôi và đá quartz. Người nguyên thủy cư trú ở đây liên tục từ Văn hóa Sơn Vi đến Hòa Bình, Bắc Sơn. Bằng chứng thấy nhiều vỏ nhuyễn thể, mùn thực vật. Cư dân Văn hóa Hòa Bình ở đây dùng đá cuội chế tác công cụ, kỹ thuật rất phát triển, công cụ hình bầu dục hoặc hình hạnh nhân, lưỡi hòn cuội chế tác bằng thủ pháp ghè tỉa để có độ sắc bén hơn, chức năng đa dạng hơn như chặt, cắt, nạo.. Các công cụ, rìu ngắn chiếm số lượng nhiều, chức năng rất đa dạng, có thể dùng như cuốc đá. Mảnh tước số lượng không nhiều nhưng phần lớn gia công để tạo công cụ nạo, dao đá. Cư dân Con Moong có kỹ thuật tạo dụng cụ từ xương thú khá cao, họ chỉ chọn xương ống động vật có vú để chế tác, xương này nhiều sợi nên bền chắc hơn. Những tư liệu mới, liệu có cần xem lại quan điểm Văn hóa Sơn Vi là cội nguồn Văn hóa Hòa Bình? Vấn đề mới cần nghiên cứu. 2015, tạp chí Quaternary International, các nhà khoa học Trung Quốc công bố phát hiện phức hợp Văn hóa Hòa Bình ở hang Tiêu (Xiao dong - 硝 洞), vùng Vân Nam 43.000 năm trước. Họ cho Vân Nam là quê hương Văn hóa Hòa Bình và từ Vân Nam, phức hợp kỹ thuật Hòa Bình lan tỏa xuống Đông Nam Á. Đây là vấn đề lớn, thách thức quan điểm truyền thống coi khu vực Bắc Việt Nam là quê hương đầu Văn hóa Hòa Bình. Bối cảnh nghiên cứu khu vực, chúng ta nhận thức vấn đề này thế nào? Việt Nam có những điểm tiền sử như hang Con Moong ở đấy kỹ nghệ Hòa Bình xuất hiện trong tầng văn hóa từ 30.000 - 40.000 năm trước. Nay, nghiên cứu và công bố kết quả cuối cùng về hang Con Moong vẫn đang hoàn thiện. Cần nhiều kết quả nghiên cứu và khai quật giống hang Con Moong. Một mặt cần đổi mới phương pháp khai quật, áp dụng khai quật mà đoàn khảo cổ Việt-Nga thực hiện ở hang Con Moong. Mặt khác, tăng phân tích niên đại bằng cách khác nhau ở các nơi Văn hóa Hòa Bình đã và đang nghiên cứu. Nay hơn 20 trên 150 điểm Hòa Bình phân tích niên đại tuyệt đối, tỷ lệ này vẫn thấp. Những di tích Hòa Bình quan trọng như Hang Làng Đồi (Hòa Bình), Mái Đá Làng Bon (Thanh Hóa), Hang Đán Cúm (Hà Giang), Hang Phia Vài (Tuyên Quang).. vẫn chưa có kết quả niên đại tuyệt đối. Nếu làm tốt sẽ nâng chất lượng nghiên cứu lên tầm cao mới, góp phần khách quan, khoa học giải quyết vấn đề nguồn gốc quê hương Văn hóa Hòa Bình. Thứ 2, nhận thức chung các nhà nghiên cứu khảo cổ: Các di tích Hòa Bình chủ yếu là loại hình di tích hang động. Có người gọi Văn hóa Hòa Bình là văn hóa hang động. Mấy chục năm qua, ngoài di tích Sập Việt tìm thấy thập kỷ 70 TK. XX, phát hiện thêm hàng chục điểm Hòa Bình ngoài trời, hơn 10 điểm Hòa Bình trên thềm cổ sông Hồng thuộc các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên tỉnh Lào Cai; địa điểm Bến Mậu A cũng ven sông Hồng thuộc tỉnh Yên Bái; và Khuổi Bốc, Nà Thìn, Bắc Giòn, Nà Đứa, Pá Van trên thềm Sông Gâm thuộc tỉnh Tuyên Quang. Các hệ sinh thái Văn hóa Hòa Bình. Nguồn tư liệu mới cho phép nhận thức mới về các định hướng sinh thái khác nhau của người Hòa Bình: Môi trường sinh thái thung lũng Karst chủ yếu của cư dân Hòa Bình. Môi trường sinh thái đồi, gò có nguồn gốc thềm sông cổ (hệ sinh thái khá phổ biến của người Hòa Bình vùng núi Đông Bắc). Môi trường sinh thái vùng núi cận biển (Trường An, Ninh Bình), thềm thấp ven biển (Giáp Khẩu, Quảng Ninh). Thứ 3, Văn hóa Hòa Bình là tiêu biểu trong truyền thống công cụ cuội ở Việt Nam và ĐNA. Hầu hết công trình nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình xác nhận cư dân Hòa Bình chủ yếu dùng cuội sông suối để chế tác công cụ. Trước đây cho rằng người Hòa Bình mới chỉ biết chế tác công cụ đá bằng kỹ thuật ghè đẽo truyền thống. Kỹ thuật chế tác công cụ Hòa Bình kết hợp các thủ pháp ghè đẽo, chặt, đập, bổ, bẻ; kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp đóng vai trò chủ đạo. Kỹ thuật mài xuất hiện rất muộn trong Văn hóa Hòa Bình. Kỹ thuật cưa, khoan vắng mặt. Một thời rất nhiều người phản đối giả thuyết của W. Solheim II về kỹ thuật mài xuất hiện trong Văn hóa Hòa Bình từ 20.000 năm trước. Giả thuyết của W. Solheim II bị coi phán đoán thiếu cơ sở khoa học. Nay kết quả nghiên cứu từ Hang Xóm Trại và Mái Đá Điều cho thấy kỹ thuật mài với những rìu mài lưỡi xuất hiện khá phổ biến từ hơn 16.000 năm trước, sớm hơn nhiều so các nhận định trước, cho thấy kỹ thuật chế tác đá điêu luyện người Việt cổ. Di chỉ Mái Đá Điều chứa nhiều lớp văn hóa thuộc các thời đồ đá khác nhau, niên đại di chỉ này khoảng 8.200 năm. Tầng văn hóa ở Mái Đá Điều dày khoảng 4m, chứng tỏ cư trú lâu dài con người. Các nhà khảo cổ thu được tại đây nhiều công cụ đá đặc trưng Văn hóa Hòa Bình, nhất rìu ngắn, chày nghiền, bàn nghiền, công cụ đá xuất hiện kỹ thuật mài đá. Nhiều nhà nghiên cứu đưa các cách phân loại công cụ Hòa Bình khác nhau. Theo Hà Văn Tấn, dù bằng cách phân loại nào thì công cụ kiểu Sumatra hay Sumatralith ghè đẽo một mặt vẫn là loại hình trung tâm của chú ý. Sumatralith là công cụ điển hình Văn hóa Hòa Bình, biểu hiện kỹ thuật chế tác đặc biệt, có thể gọi kỹ thuật Sumatralith. Không thể gọi là di tích Hòa Bình nếu không có Sumatralith. Không phải nơi nào có Sumatralith, ở đó có Hòa Bình chân chính. Đây là nhận thức mới về kỹ nghệ Hòa Bình. Thứ 4, dù gốm thấy ở khá nhiều di chỉ Hòa Bình, phần lớn phân bố ở các lớp đất trên, nhiều người cho đồ gốm không xuất hiện trong Văn hóa Hòa Bình, mới đây có người còn giữ quan điểm đó. Trước đây, M. Colani cho đồ gốm xuất hiện ở tầng II - tầng giữa, tầng Văn hóa Hòa Bình điển hình với rìu mài lưỡi sơ khai. Đáng tiếc phần lớn di tích Hòa Bình do Colani khai quật, di vật gốm chưa coi trọng đúng mức. Sau này, các nhà khảo cổ Việt khắc phục phần nào khiếm khuyết đó. 1975, Hang Sũng Sàm, trong lớp văn hóa sớm nhất, sát đáy hang có niên đại 11.365 ± 80 BP và 10.770 ± 75 BP, các nhà khảo cổ thấy gốm. Gốm Sũng Sàm dày, xương đỏ nâu pha cát thô và bã nhuyễn thể, bên ngoài màu nâu đen, văn thừng. Gốm bở, nặn bằng tay, làm bằng đất sét lấy tại chỗ do người Hòa Bình ở Sũng Sàm khai thác. 1998, hố đào khảo sát Hang Đán Cúm, di chỉ Hòa Bình sớm trên đất Hà Giang, các nhà khảo cổ thu một số mảnh gốm thô dày, văn thừng thô, xương màu xám, pha nhiều cát ở độ sâu 1, 7m cùng những công cụ Hòa Bình điển hình. Mới đây, khu Tràng An, Ninh Bình tìm thấy đồ gốm tuổi 8.720 ± 235 năm BP tại di tích Mái Đá Vàng [16, tr. 79-92] . Dựa có mặt gốm tìm thấy ở di chỉ Hang Đắng có niên đại C14 là 7.665± 100 BP và 7.508 ± 100 BP, một số ý kiến cho gốm có mặt vào giai đoạn muộn Văn hóa Hòa Bình. Phát hiện ra những mảnh gốm thô tại Sũng Sàm, Đán Cúm, Mái Đá Vàng khiến phải nhìn lại vấn đề gốm trong Văn hóa Hòa Bình. Gần đây, nói về xuất hiện gốm sớm vùng Nam Trung Quốc, các nhà khảo cổ Trung Quốc cho xuất hiện đồ gốm trong văn hóa tiền sử nói chung không nhất thiết phải gắn kinh tế sản xuất với lối sống định cư, mà là nhu cầu bức thiết kinh tế hái lượm, đánh bắt những loại thuỷ sinh như ốc, cua, cá.. Chúng tôi tán đồng luận điểm này và xem nó thích ứng với trường hợp Văn hóa Hòa Bình. Hiện diện các tầng ốc dày trong các di chỉ Hòa Bình thể hiện lối sống định hướng ven sông, ven suối, ven biển. Làm chín thức ăn từ nguồn thuỷ sinh đó, họ không thể duy trì cách nướng từng con ốc, con cua, con cá. Ra đời đồ gốm với chức năng là đồ nấu dường như là hệ quả tất yếu của những cư dân Hòa Bình chuyên "ăn ốc." Nhiều khả năng đồ gốm xuất hiện đầu giai đoạn phát triển Văn hóa Hòa Bình mà không phải đến giai đoạn muộn Hòa Bình như có người chủ trương. Thứ 5, thời gian dài vẫn đinh ninh cư dân Văn hóa Hòa Bình sống trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa và khí hậu khá ổn định vài nghìn năm. Từ 2005 đến nay, quan điểm trên dần thay đổi. Dựa kết quả khai quật và nghiên cứu độ tự cảm ở một số di tích hang động như hang Con Moong (Thanh Hóa), hang Chổ (Hòa Bình), hang Mòi, hang Thung Bình và Mái Đá Ông Hay (Ninh Bình), các nhà nghiên cứu cho khí hậu Việt Nam từ 17.000 đến 9.000 BP có một số pha nóng, lạnh và mát xen kẽ nhau. Đặc biệt xuất hiện pha lạnh đột ngột (Younger Dryas) tuổi khoảng 11.400 năm trước. Sau 11.000 năm, khí hậu chuyển sang nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều với nhiều pha nóng, lạnh, mát xen kẽ. Đáng chú ý nghiên cứu độ từ cảm Hang Chổ (Hòa Bình) cho thấy từ 11.400 đến 8.800 năm cách ngày nay, tốc độ hình thành trầm tích trong hang này tăng gấp 10 lần so giai đoạn 20.500 - 11.400 năm trước. Hiện tượng tăng trầm tích tạo hang động đột biến cũng thấy ở các Hang Con Moong, Hang Mòi, Hang Thung Bình vào giai đoạn Toàn tân sớm. Cho thấy lượng mưa giai đoạn này lớn hơn nhiều lần so các giai đoạn trước. Thời mưa nhiều tương ứng giai đoạn lạnh đột ngột. Kết quả nghiên cứu trên đem những hiểu biết mới về điều kiện tự nhiên cư dân Văn hóa Hòa Bình. Thứ 6, trước 2004, toàn bộ số sọ cổ thời đại đá, chưa bao giờ phát hiện sọ mà nhìn theo đỉnh chuẩn có dạng tròn và thuộc loại sọ ngắn mang đặc điểm Mongoloid. 2004, các nhà khảo cổ phát hiện sọ Đú Sáng (sọ tròn và rất ngắn). 2005, phát hiện bộ xương chôn nằm co ở Phia Vài (Tuyên Quang) với hộp sọ nhìn theo chuẩn đỉnh rất tròn và ngắn. Cả hai sọ trên đều thuộc cư dân Văn hóa Hòa Bình. Từ khi phát hiện sọ cổ Đú Sáng và Phia Vài, ngành cổ nhân học Việt Nam bước ngoặt đáng ghi nhớ. Theo nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường, đây là bằng chứng đầu tiên về xuất hiện những sọ Mongoloid đầu tròn và ngắn. Dựa phát hiện di cốt người cổ ở Phia Vài và Đú Sáng, các nhà nhân chủng học Việt Nam đưa nhận định: "Miền Bắc Việt Nam có khả năng diễn ra quá trình hỗn chủng giữa Australoid và Mongoloid cuối hậu kỳ thời đá cũ. Đây là những nhận thức hoàn toàn mới về cư dân văn hóa tiền sử Việt Nam, trong đó có chủ nhân Văn hóa Hòa Bình. 3. Một số vấn đề tồn tại Chuyên khảo bàn về" Hòa Bình ở Đông Nam Á: "Văn hóa, những văn hóa hay phức hợp kỹ thuật" công bố 1994, Hà Văn Tấn lưu ý tính đa dạng, phức tạp khái niệm Văn hóa Hòa Bình. Đây là vấn đề lý thuyết công cụ rất cơ bản vì nó liên quan hướng nghiên cứu và phương pháp tiếp cận vấn đề Hòa Bình. Không ít người trong giới nghiên cứu tiền sử ĐNA băn khoăn khi đứng trước thực trạng với thời gian tồn tại hơn 10.000 năm, phân bố trên một khu rất rộng lớn ở ĐNA, liệu khái niệm "Văn hóa khảo cổ Hòa Bình" có chuyển tải nổi khúc chuyển giữa hai thời đại văn hóa tiền sử? Từ những nghiên cứu tài liệu khai quật Hang Ma ở Thái Lan, nhà khảo cổ học Mỹ C. F. Gorman nhiều lần chối bỏ khái niệm Văn hóa Hòa Bình, thay vào là thuật ngữ "Phức hệ kỹ thuật Hòa Bình" (Hoabinhian Technocomplex). Tinh thần quan điểm này có ảnh hưởng rất lớn đến những học giả thuộc thế hệ sau C. F. Gorman, trong đó bà Rasmi Shoocongdej nhà khảo cổ học người Thái Lan là minh chứng điển hình. Sau những khai quật ở Hang Lang Kamnan thuộc miền Tây Thái Lan, nhà khảo cổ học này khuyến cáo các nhà khảo cổ từ bỏ khái niệm "Hoabinhian" vì nó không thích ứng với khung cảnh ĐNA. Giống như C. F. Gorman, nhà khảo cổ học Danny Tân gắn phức hợp kỹ thuật Hòa Bình vào một số sưu tập cuội ở Australia và New Guinea. Hay như W. Solheim II không quan niệm Hòa Bình như là văn hóa mà xem nó như phức hợp kỹ thuật khi xem xét một số di tích đá cuội ở Nhật. Nay, giới khảo cổ học Việt vẫn kiên trì khái niệm văn hóa khảo cổ để chuyển tải những nội dung tập hợp di tích như Hòa Bình ở Việt Nam và ĐNA. Các nhà tiền sử học Việt Nam vắng bóng trên lĩnh vực khảo cổ học lý thuyết. Chưa quan tâm đủ các vấn đề chung cho tiền sử ĐNA, đến lúc cần đẩy mạnh nghiên cứu khảo cổ học lý thuyết; trước hết cần làm rõ Hòa Bình là văn hóa, hay những văn hóa hoặc phức hợp kỹ thuật. Thu rất nhiều thành tựu trong nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình. Những vấn đề cấu trúc xã hội cư dân Hòa Bình chưa được làm rõ. Có chăng chỉ là thử nghiệm, nặng tính suy đoán, và thiếu cơ sở vững chắc. Có những nghiên cứu thành công về phát triển kinh tế và tổ chức xã hội cư dân cổ Cúc Phương. Từ việc nghiên cứu hệ thống sinh thái nhân văn vùng Đông Bắc, Hà Hữu Nga đã gắng dựng lên các cấu trúc xã hội tiền nhà nước vùng Đông Bắc. Mới đây, bằng phương pháp nghiên cứu "vi khảo cổ học" (Micro studies of archaeology), Nguyễn Việt cho biết phần nào tổ chức kinh tế xã hội tiền sử thể hiện rõ nét qua chiến lược lương thực của người Hòa Bình. Rõ ràng cần nhiều hơn những công trình như vậy. Về văn hóa phi vật thể của người Hòa Bình, chúng ta còn hiểu biết rất ít. Một số viên cuội hoặc tảng đá có những vết khắc trên bề mặt tìm thấy ở di chỉ Lam Gan, Làng My, Làng Bon, Kim Bảng, Yên Lạc, Xóm Trại. Vết khắc đó là ký hiệu ghi chép hay những biểu tượng nghệ thuật? Là ẩn số chưa giải mã. Những mầm mống nghệ thuật tạo hình nguyên thuỷ trên vách Hang Đồng Nội đến nay chưa được chứng minh chắc chắn là sáng tạo của người Hòa Bình. Cảm thụ thế giới xung quanh của người Hòa Bình rất nhạy bén, con người là trung tâm, vĩnh hằng, linh thiêng, vô cùng cao quý. Nhận thức vậy về con người được cư dân Hòa Bình thể hiện sinh động qua cư xử người chết. Những năm gần đây, số lượng mộ táng Hòa Bình phát hiện nhiều hơn, xử lý có kết quả hơn. Nguồn tài liệu quý giúp nghiên cứu về thành phần nhân chủng và lễ nghi táng thức. 2005, tài liệu mộ táng phát hiện ở hang Phia Vài, Tuyên Quang đem nhận thức mới về táng thức người Hòa Bình. Đó là khâm liệm đặt vỏ ốc vào hốc mắt người chết. Hành vi này là tư duy thẩm mỹ hay táng tục đặc biệt? Có ý cho là biểu hiện tôn giáo nguyên thủy, có ý cho đây thuần túy là tư duy thẩm mỹ làm người chết đẹp hơn, sống động hơn. Rất nhiều những biểu hiện đời sống tinh thần cư dân Hòa Bình, còn rất nhiều việc cần tiếp tục nghiên cứu thời gian tới. Kết luận Từ khi giới khảo cổ học thế giới vinh danh Văn hóa Hòa Bình cách đây 85 năm trước, ngành khảo cổ học Việt đạt rất nhiều thành tựu trong nghiên cứu văn hóa này. Nhiều vấn đề sáng tỏ. Từ những kết quả nghiên cứu mới, nhiều nhận thức mới được hình thành, nhưng không ít vấn đề mới nảy sinh. Với khảo cổ học, rất nhiều việc phải làm với Văn hóa Hòa Bình. Với những giá trị lịch sử văn hóa nổi bật, Văn hóa Hòa Bình là di sản văn hóa quý hiếm của dân tộc có giá trị quốc tế cao. Sau gần 100 năm phát hiện và nghiên cứu, Văn hóa Hòa Bình vẫn luôn là nền văn hóa tiền sử độc đáo, đầy cuốn hút với nhiều thế hệ khảo cổ học nói riêng và khoa học xã hội nhân văn nói chung. Điều kiện khoa học phát triển như hiện nay, công cuộc nghiên cứu tiếp tục về Văn hóa Hòa Bình sẽ hứa hẹn khai mở nhiều điều bí ẩn nền văn hóa khảo cổ xa xưa rất nổi tiếng này. Nguồn: KHXH Việt Nam, số 1 - 2018 Tác giả: Trình Năng Chung Nguồn tapchikhxh Văn hóa Hòa Bình: Nền văn hóa tiền sử độc đáo Sau 85 năm thế giới công nhận (1932-2017), Văn hóa Hòa Bình vẫn luôn là nền văn hóa tiền sử độc đáo đầy cuốn hút với nhiều thế hệ các nhà khảo cổ học, khoa học xã hội nhân văn trong nước và quốc tế. Công cụ sản xuất của cư dân Văn hóa Hòa Bình thời đá mới được lưu tại bảo tàng tỉnh. 17-10, tỉnh Hòa Bình tổ chức hội thảo khoa học "85 năm thế giới công nhận nền Văn hóa Hòa Bình" (1932-2017). Các di chỉ tìm thấy và khai quật ở tỉnh Hòa Bình có khung niên đại cách nay từ 11.000-12.000 năm. Văn hóa Hòa Bình là gạch nối thời đá cũ (Văn hóa Sơn Vi - Phú Thọ) và thời đá mới (Văn hóa Bắc Sơn - Lạng Sơn). Ý nghĩa và tầm quan trọng Văn hóa Hòa Bình minh chứng khẳng định Việt Nam là một trong những chiếc nôi loài người và còn cung cấp cho các nhà khảo cổ. Các nhà khoa học trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hóa từ người vượn tiền sử tiến lên người hiện đại, về phương thức kiếm sống, canh tác, tổ chức xã hội. Việt Nam trên 130 điểm thuộc Văn hóa Hòa Bình, trên một nửa do các nhà khảo cổ học Việt phát hiện từ 1966-1980. Riêng tỉnh Hòa Bình có 72 di chỉ phát hiện và nghiên cứu. Các di chỉ chủ yếu tập trung vùng núi đá vôi tại các thung lũng hoặc hang động, núi đá. Phát hiện nền "Văn hóa Hòa Bình" Khoảng những năm 20 - 30 TK. XX, khai thác thuộc địa tạo điều kiện cho các nhà địa chất, khảo cổ Pháp phát hiện hàng loạt di tích tiền sử, tiêu biểu nhất là Văn hóa Hòa Bình gắn tên tuổi nữ Tiến sĩ khảo cổ người Pháp Madelain Colani (1866-1943). Từ 1927, bà Colani điều tra thăm dò khảo cổ học vùng hang động đá vôi kéo dài từ Hòa Bình qua Thanh Hóa đến Quảng Bình. Từ đầu, phát hiện tàn tích tiền sử dày đặc trong tỉnh Hòa Bình giúp bà nhận ra tồn tại nền văn hóa săn bắt, hái lượm với tầng văn hóa ken dày vỏ ốc suối, ốc núi, xương răng động vật, tầng bếp cháy và công cụ ghè đẽo từ cuội suối basalt rất phổ biến trong vùng. Từ đó, bà mở rộng nghiên cứu sang vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An, Lào và hình thành ý tưởng khoa học về nền văn hóa khảo cổ tiền sử quan trọng có tính bao trùm cả khu vực mà cái lõi chính là các thung lũng quanh sơn khối Kim Bôi, nơi có đỉnh Cốt Ca, coi như nguồn nguyên liệu basalt sừng hóa vô tận của người tiền sử Hòa Bình. 1932, bà chính thức công bố tồn tại nền văn hóa tiền sử quan trọng loài người có tính phổ cập vùng rộng lớn khắp vùng Bắc Đông Dương và ngoại vi - đó là "Văn hóa Hòa Bình." Đề xuất của bà được toàn thể hội nghị các nhà tiền sử Viễn Đông tán thưởng. Từ đó, thuật ngữ "Hoabinhien" (Hoabinhian) xuất hiện trên báo chí, công trình nghiên cứu, sách giáo khoa, từ điển.. song hành với các nền văn hóa tiền sử nổi tiếng khác trên thế giới. Một số kết quả nghiên cứu nổi bật Theo kết quả nghiên cứu, cư dân Văn hóa Hòa Bình có vóc dáng xương to, thô mang đặc trưng Australoid (gần với thổ dân Châu Úc) có trộn lẫn một số yếu tố Mongoloid (đặc tính người Mông Cổ), chôn nằm co nghiêng như đang ngủ, kè chặn đá và rắc thổ hoàng.. Cư dân sống chủ yếu dựa các mái đá hay cửa hang động và để lại những bếp lửa liên tục hàng ngàn năm và những vệt mòn đi lại ở cửa hang. Thời thịnh đạt nền văn hóa này trùng thời kỳ băng hà cuối cùng trên thế giới, tạo dạng khí hậu ở ĐNA với nhiệt độ trung bình thấp hơn ngày nay 5 – 7 độ C, mưa nhiều, thảm thực vật sồi, dẻ chiếm ưu thế khiến dân cư Hòa Bình có điều kiện tăng trưởng, mở rộng sang các vùng rừng núi phụ cận. Từ 1932, 85 năm trôi qua, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới tiếp tục đi sâu khám phá nền văn hóa nổi tiếng này. 1992, tại Hà Nội, Văn hóa Hòa Bình được kỷ niệm trọng thể nhân dịp 60 năm xác nhận toàn cầu. Từ đó, Văn hóa Hòa Bình tiếp tục nghiên cứu với chương trình mang tên Further Studies on Hoabinhian (nghiên cứu sâu hơn về Văn hóa Hòa Bình) của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á Việt Nam, chương trình nghiên cứu về hai lớp nhân chủng học trong Văn hóa Hòa Bình của các chuyên gia nhân học Nhật, Australia. Chương trình điều tra khai quật toàn diện vùng núi đá vôi Mea Hong Son của Đại học Bangkok (Thái Lan), chương trình nghiên cứu người Hòa Bình ở Pesak (Malaysia) và một số cuộc khai quật ở Lào. Kết quả phân tích xương cốt người khai quật cho phép xác nhận hai lớp dân cư đan xen trong quá trình phát triển Văn hóa Hòa Bình với lớp nền Australoid và lớp phủ Mongoloid.. Các di tích tại tỉnh Hòa Bình, đặc biệt phát hiện mới nhất về lối mòn cổ cách đây 22.000 năm tại Hang Xóm Trại, xã Tân Lập, thuộc Mường Vang, Lạc Sơn (Hòa Bình). Hang Xóm Trại rộng cửa hang trung bình 7m, dài 22m, sâu 7-10m qua hàng ngàn năm vùi lấp chủ yếu là vỏ óc ken đặc cho thấy phải qua hàng chục ngàn năm mới tích tụ lớp vỏ thức ăn dày như vậy. Một số nhà khảo cổ đánh giá hang đá này là nơi cư trú lâu dài của người nguyên thủy trong văn hóa Hòa Bình. Lối đi cổ mới phát hiện ở ngách phía Bắc hang 22.000 năm trước, lối đi đầu tiên của người nguyên thủy ra vào hang. Nơi đây vừa là công xưởng chế tác công cụ Văn hóa Hòa Bình. Tới nay hơn 4.000 hiện vật khai quật tại đây. Ngoài lối đi cổ, các nhà khảo cổ phát hiện dấu hiệu tro bếp và bộ hài cốt trên 14.000 năm đến 17.000 năm. Khai quật những năm 80 thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu thấy những hạt thóc của người xưa rơi vãi, xác định thời Trần. Hang Xóm Trại (thuộc huyện Lạc Sơn) là di tích quan trọng bậc nhất, tiêu biểu cho Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam và ĐNA. Phát hiện 1980, 8 lần điều tra, thám sát, khai quật, các nhà khoa học phát hiện khối tư liệu hàng nghìn hiện vật, gồm vỏ nhuyễn thể, xương răng thú, di cốt người, gốm, di vật đá.. Di tích hang đá Xóm Trại, ngoài các hiện vật bằng đá, xương, sừng, gốm, các nhà khảo cổ thu khá nhiều tàn tích các vỏ nhuyễn thể và thực vật. Thấy tại đây một mộ ở địa tầng trên 17.000 năm trước. Hang Xóm Trại (huyện Lạc Sơn) đánh giá là di tích quan trọng bậc nhất, tiêu biểu cho Văn hóa Hòa Bình. Có thể khẳng định nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình cung cấp cho nhà khoa học trong nước và quốc tế cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hóa từ người vượn tiền sử tiến lên người hiện đại, phương thức kiếm sống và canh tác, tổ chức xã hội người tiền sử. (Nguồn: Báo Hòa Bình) Còn tiếp
Người tiền sử Bắc Sơn ở Hang Dơi, xã Vũ Lễ "Người tiền sử Bắc Sơn" Văn hóa Bắc Sơn là tên gọi nền văn hóa Việt Nam ở sơ kỳ thời đồ đá mới có niên đại sau nền Văn hóa Hòa Bình, cách nay từ 1 vạn đến 8000 năm. Bắc Sơn đặt theo tên huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), nơi đầu tiên phát hiện những di vật nền văn hóa này. Các bộ lạc chủ nhân của Văn hóa Hòa Bình đã tạo Văn hóa Bắc Sơn. Phân bố Không gian Văn hóa Bắc Sơn là các miền đất thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.. nay. Tính đến 1997, có 51 điểm Văn hóa Bắc Sơn tìm thấy và khai quật. Trong đó có 8 địa điểm tìm thấy di cốt người. Người nguyên thủy trong nền Văn hóa Bắc Sơn trú trong hang động, mái đá gần sông suối. Họ sống bằng săn bắn, hái lượm, bắt đầu canh tác nông nghiệp ở mức độ rất sơ khai. Công cụ lao động của họ bằng đá đẽo hoặc mài và từ tre, gỗ. Các công cụ này tỏ ra tinh vi hơn so với công cụ của người nguyên thủy thời Văn hóa Hòa Bình. Đặc biệt, người nguyên thủy thời Văn hóa Bắc Sơn biết làm đồ gốm. Họ thích trang sức hơn so với người thời Văn hóa Hòa Bình và có nơi cư trú tương đối ổn định hơn. Nguồn wikipedia Bắc Sơn – nối tiếp Văn hóa Hòa Bình 1. Niên đại và địa bàn phân bố Văn hóa Bắc Sơn Từ khoảng trên dưới 1 vạn năm về trước, chủ nhân các bộ lạc Bắc Sơn nối tiếp quá trình phát triển của cư dân Văn hóa Hòa Bình. Nhiều hiện vật Văn hóa Bắc Sơn được phát hiện tạo thành lớp trên của Văn hóa Hòa Bình trong cùng một di tích cho thấy điều đó. Tuy ra đời muộn nhưng Văn hóa Bắc Sơn có quan hệ gần gũi với Văn hóa Hòa Bình và cùng kết thúc thời gian cách ngày nay khoảng 7000 năm. Cư dân Bắc Sơn sống rải rác trong các hang động, mái đá vùng núi đá vôi gần sông, suối. Thuộc vùng trung, thượng du các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình.. Nhưng chủ yếu ở Lạng Sơn, Thái Nguyên. Tính đến 1997, các nhà khảo cổ học phát hiện 50 di chỉ khác nhau thuộc Văn hóa Bắc Sơn. Căn cứ vào phân bố các di tích, có thể khẳng định địa bàn cư trú của các bộ lạc người Bắc Sơn mở rộng hơn. 2. Kỹ thuật chế tác công cụ trong Văn hóa Bắc Sơn Giống người Hòa Bình, cư dân Bắc Sơn sử dụng cuội để chế tác công cụ, song kỹ thuật chế tác đạt trình độ cao hơn. Họ không chỉ biết ghè, đẽo công cụ mà còn biết mài đá. Trong nhiều hang động thuộc Văn hóa Bắc Sơn, các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều rìu đá cuội được mài ở lưỡi, bên cạnh những công cụ được ghè đẽo một mặt kiểu Hòa Bình. Rìu mài lưỡi khá phổ biến trong các di tích Văn hóa Bắc Sơn và là công cụ đặc trưng cho nền văn hóa này, các nhà khảo cổ học thường gọi là rìu Bắc Sơn (hay rìu mài lưỡi Bắc Sơn). Trong kỹ thuật mài, người Bắc Sơn thường chọn những hòn cuội dẹt, dài, đẽo qua loa trên hai cạnh và lưỡi rồi đem mài trên một bàn sa thạch, tạo mặt lưỡi phẳng và sắc. Những bàn mài của người Bắc Sơn thường có hình lòng chảo lõm. Có những bàn mài làm từ phiến đá có những rãnh song song, giữa hai rãnh là phần cong nổi lên. Những bàn đá mài như vậy giúp chủ nhân của Văn hóa Bắc Sơn tạo rìu đá khá sắc bén, với nhiều kiểu dáng khác nhau (như: Rìu có vai, rìu có chuôi tra cán, rìu tứ diện được mài cả hai mặt). Ở di chỉ Đa Bút (Thanh Hóa), người ta phát hiện một số rìu mài nhẵn toàn bộ hai mặt lưỡi. Rìu mài lưỡi ở Bắc Sơn ra đời cách nay trên dưới 1 vạn năm, có thể xếp vào loại rìu đá mài sớm nhất thế giới. Nhờ có kỹ thuật mài, những chiếc rìu Bắc Sơn sắc hơn rìu Hòa Bình, năng suất lao động được nâng cao hơn trước[1] . Chủ nhân Văn hóa Bắc Sơn không chỉ có kỹ thuật đá mài trong chế tạo công cụ mà họ còn biết đến kỹ thuật làm đồ gốm. Đặc điểm đồ gốm Bắc Sơn là có những đồ đựng, đồ nấu có cả miệng loe, đáy tròn. Con người bấy giờ lấy đất sét nhào cát để khi nung đồ gốm không bị rạn nứt. Độ nung gốm thời này chưa cao, hình dáng đồ gốm còn thô, số lượng đồ gốm còn ít. Đồ gốm trong Văn hóa Bắc Sơn chưa nhiều, kỹ thuật gốm chưa phát triển. Việc xuất hiện đồ gốm trong Văn hóa Bắc Sơn đánh dấu bước tiến mới về loại hình công cụ buổi đầu thời đại đá mới. Các nhà khảo cổ học thường gọi Văn hóa Bắc Sơn là văn hóa đá mới có gốm sơ kỳ. Việc tạo kỹ thuật làm gốm là một trong những dấu hiệu cho thấy Văn hóa Bắc Sơn có phát triển cao hơn Văn hóa Hòa Bình. 3. Trạng thái kinh tế, đời sống xã hội và đời sống tinh thần trong Văn hóa Bắc Sơn: Về đời sống kinh tế Kỹ thuật chế tác công cụ của cư dân Bắc Sơn nhiều tiến bộ so với trước (đặc biệt kỹ thuật mài). Điều tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân Bắc Sơn chế tạo nhiều loại hình công cụ khác nhau từ đá, tre, gỗ, xương, sừng.. Đó là điều kiện tiên quyết để nâng cao hơn nữa năng suất lao động thời này lên một bước. Ở các di chỉ thuộc Văn hóa Bắc Sơn tìm thấy nhiều chày đá và bàn nghiền hạt; một số bàn nghiền hạt có dấu hiệu bị lõm ở mặt, có thể đây là những bàn nghiền hạt các loại cây trồng của cư dân thời bấy giờ[2] . Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp vẫn chưa giữ vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế – xã hội của con người Bắc Sơn. Hái lượm, săn bắn vẫn là những hoạt động kinh tế chủ yếu của con người thời này. Tìm thấy trong các hang động cư trú của người Bắc Sơn (như hang Cườm – Lạng Sơn) những đống vỏ ốc, xương thú chất thành lớp dày 3m là minh chứng cho điều đó. Tất nhiên, với hoạt động kinh tế khá đa dạng bên cạnh hái lượm, săn bắn còn làm nông nghiệp, đánh bắt cá.. khiến nguồn thức ăn của người Bắc Sơn có phần đa dạng hơn trước. Nguồn thức ăn phong phú là cơ sở để con người bấy giờ sống định cư khá lâu dài ở một địa điểm. Về tổ chức xã hội Bắc Sơn Giống như giai đoạn Văn hóa Hòa Bình, người Bắc Sơn về cơ bản vẫn chưa vượt khỏi tổ chức công xã thị tộc mẫu hệ. Đời sống tinh thần của cư dân Bắc Sơn có bước nâng cao hơn đời sống người Hòa Bình. Chủ nhân Văn hóa Bắc Sơn tạo nhiều loại đồ trang sức để làm đẹp cho mình, như các loại đồ trang sức bằng đá phiến có lỗ đeo. Các chuỗi hạt bằng đất nung hình trụ hay hình thoi ở giữa có xuyên lỗ, các loại vỏ ốc biển, vỏ trai, vỏ trùng trục được mài, có xuyên lỗ làm dây đeo.. Ở di chỉ mái đá phố Bình Gia (Lạng Sơn), người ta phát hiện 28 vỏ ốc biển có xuyên lỗ – một bằng chứng về đồ trang sức của con người thời này. Một số hang động ở Bắc Sơn, các nhà khảo cổ học phát hiện những mảnh đá phiến nhỏ. Trên đó người nguyên thủy khắc lên những đường rẻ quạt, đường tròn hay hình vuông, hình chữ nhật gần nhau. Đó là những điều kiện cho thấy những vật bằng đá phiến hoặc đất sét mà ở trên rìa cạnh của chúng có nhiều đường thẳng được vạch song song tạo thành từng nhóm. Phải chăng đây là những dấu hiệu được đánh dấu hay là những số đếm của con người thời bấy giờ[3] . Cách táng thức, người Bắc Sơn cũng như người Hòa Bình đều có cách chôn người chết khác nhau (như trói chặt người chết, chôn người chết theo tư thế nằm co) và thường chôn theo người chết công cụ lao động kèm theo đồ trang sức. Hang làng Cườm (Lạng Sơn) là khu mộ tập thể cho nhiều hiểu biết về cách mai táng người Bắc Sơn. Có thể, cư dân Bắc Sơn đã có ý niệm rõ ràng về thế giới bên kia – thế giới của người chết và mối quan hệ giữa người sống và người chết (người chết cũng cần sử dụng công cụ lao động và đồ trang sức giống người sống). Tóm lại, Văn hóa Bắc Sơn với những đặc điểm cho thấy liên hệ nối tiếp và phát triển hơn một bước so văn hóa Hòa Bình: Đều sử dụng những viên cuội để chế tác công cụ lao động, đều có nền nông nghiệp sơ khai.. Nhưng Văn hóa Bắc Sơn với công cụ phổ biến là rìu mài lưỡi và đồ gốm tạo những nét đặc trưng riêng so với Văn hóa Hòa Bình, tạo nền văn hóa đá mới có gốm ở vùng núi khá độc đáo. [1] Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Cảnh Minh, Lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến 1858 (Đại cương), NXB ĐHQG, Hà Nội, tr 14. [2] Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Cảnh Minh, Lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến 1858 (Đại cương), NXB ĐHQG, Hà Nội, tr16. [3] Phan Lê Huy, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Minh: Lịch sử Việt Nam, Tập 1, Sđd, tr 33. Nguồn: Web bachkhoatrithuc Web covatvietnam Còn tiếp