Review Phim Cuộc Đời Của Yến (2016) - Đinh Tuấn Vũ - Thân Phận Người Phụ Nữ Nông Thôn

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Hung93, 16 Tháng mười 2020.

  1. Hung93

    Bài viết:
    39
    Anh vẫn luôn thương yêu cô như thương một cô bạn thân nhất trên đời. Và cô vẫn luôn thương anh.

    Tại Liên hoan phim Việt Nam 2015, tác phẩm đầu tay của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ, kịch bản Hồ Hải Quỳnh và biên tập Hoàng Nhuận Cầm đã đoạt giải Bông sen bạc cho phim điện ảnh.

    Cuộc đời của Yến là một bộ phim vừa dễ nhưng cũng vừa khó để cảm nhận như chính ca khúc được sử dụng làm bài hát chủ đề cho phim của Lê Cát Trọng Lý - Đi qua bóng đêm. Nhạc của Lý không phải ai cũng yêu mến và muốn nghe nhưng những ai đã lỡ say đắm thì không thể nào từ bỏ. Và Cuộc đời của Yến cũng là một bộ phim như thế. Nó mang một gam màu nhợt nhạt pha chút u buồn thấm đẫm trong từng khung hình, đôi lúc thì nhẹ nhàng, êm ái, đôi lúc lại đau xót, tái tê. Khán giả của phim là những người thích chiêm nghiệm, thích suy ngẫm, thích một khoảng không gian và thời gian yên tĩnh bên một tách trà nóng để nhìn lại quá khứ, để tìm lại những hoài niệm, để đi qua bóng đêm.


    [​IMG]

    Cả bộ phim như những trang sách về cuộc đời thăng trầm của người phụ nữ nông thôn Bắc bộ từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Cốt truyện trong Cuộc đời của Yến vô cùng giản dị được chia làm ba chương rất rõ ràng.

    Vói tay lên trời, chạm muôn ánh sao

    Vói tay qua màn bóng đêm tối đen

    Ước ao chưa đầy, người mang hết đi

    Trò chơi ấu thơ, người quên tháng năm

    Cùng nhau lớn khôn

    Phim mở đầu với khung cảnh xanh mướt, cô bé Yến (Nguyễn Kim Anh) đang chạy đuổi bắt cùng em gái xuyên qua những cánh đồng thôn quê bao la bát ngát. Ở tuổi lên mười như em, tụi trẻ con trong làng vẫn còn ham chơi, nghịch ngợm, quậy phá, vẫn còn làm nũng với mẹ và đùa giỡn với ba. Nhưng định mệnh dường như đã sắp đặt, theo tục lệ của làng được truyền từ đời này sang đời khác, Yến đã phải đi lấy chồng, phải bước vào những ngày đầu tiên của cuộc đời làm dâu khi còn chưa sống trọn những ngày thơ dại. Chồng của cô bé vẫn còn là một cậu bé ham chơi. Hằng đêm, cậu được bố dạy viết chữ Hán, dạy đọc chữ Quốc ngữ, được học thơ văn và đọc sách. Còn Yến thì không. Cô bé chỉ có thể đứng nghe lóm phía sau khung cửa sổ với ánh mắt tò mò và thèm muốn. Cô bé cũng muốn học chữ.

    Người phụ nữ thời xưa được những người mẹ truyền vào dòng máu một thứ bản năng "phục vụ và kính trọng" chồng mình. Những giáo điều, những khuôn khổ, lễ nghi như một thứ gọng kìm, kìm chặt những cô bé gái ngay từ thuở nhỏ.

    Nhưng Yến lại không hề cảm nhận thấy những thứ đó. Cô bé chỉ thèm được đọc thơ, được đọc sách, được vui chơi cùng "cậu bạn" lém lỉnh của mình. Cô cũng thấy buồn khi "cậu bạn" bị ăn đòn khi chểnh mảng chuyện học hành. Cô cũng thấy vui khi "cậu bạn" cứ lọ mọ tập cho bằng được trò ném vòng vào chai vì cậu không muốn thua cô. "Này cậu dậy học tiếp đi, không thì trượt bằng sơ học bây giờ". Và cô vẫn không quên nhắc nhở "cậu bạn" như thế.

    Trong chương đầu tiên này, nét diễn tự nhiên, mộc mạc, trong sáng của dàn diễn viên nhí, đặc biệt là cô bé Nguyễn Kim Anh đã hoàn toàn thuyết phục khán giả.


    [​IMG]

    Thời gian trôi đi, chiến tranh ập đến một cách bất ngờ, cuộc đời của cô bé Yến cũng dần dần bước sang những trang mới. Lúc này, Yến (Bùi Thủy Tiên) và Hạnh (Trần Tuấn Nghĩa) đã trở thành những cô cậu thiếu niên theo cách mạng. Dưới sự dạy dỗ, chỉ bảo của bà Đồ (NSƯT. An Chinh) Yến có thể chu toàn gần như mọi việc cơm nước trong gia đình. Và rồi một biến cố lớn xảy ra, bà Đồ qua đời, Yến mất đi người mẹ thứ hai của cô, người luôn nâng đỡ, yêu thương mình hết lòng.

    Chỉ với 30 phút đầu phim, cuộc đời của Yến đã trải qua hai chương như một bức phác họa sơ khai cho câu chuyện chính của phim, đã giới thiệu một cách đầy đủ về xuất thân, quá khứ của nhân vật chính, từ đó giúp cho khán giả có cái nhìn thấu hiểu, đồng cảm hơn với những diễn biến tiếp theo được kể trong chương cuối cùng, cũng là chương quan trọng nhất của phim. Nhịp phim từ đầu đến cuối chương hai khá nhanh, đủ sức lôi cuốn khán giả và tạo cảm giác tò mò chờ đợi những tình tiết trong chương ba.


    Khóc lên đi người, chìm trong bão giông

    Tiếng ca bi hài, trong màn sương dày

    Có ai đang nhìn từ trong bóng đêm

    Dòng sông mắt em, ngập trong khát khao

    Tình yêu chứa chan

    [​IMG]

    Mặc dù là một cuộc hôn nhân gượng ép và được sắp đặt nhưng Yến (Đỗ Thúy Hằng) vẫn luôn một mực dành tất cả tình yêu thương cho chồng mình. Đối với cô, gia đình, chồng con là tất cả. Nhưng nghiệt ngã thay, ngay từ đầu chương ba, gia đình của Yến phải trải qua một biến cố lớn. Hạnh (Hoàng Lâm Tùng) bị nghi ngờ ăn cắp tiền quỹ chung của hợp tác xã. Anh bị kỉ luật và buộc phải bồi thường số tiền thiệt hại. Gia đình của Yến gần như đổ sụp, rẽ sang một bước ngoặt không hề mong muốn. Và điều đau đớn nhất đã xảy đến với Yến, khi cô phát hiện chồng mình có tình cảm với một người phụ nữ khác. Cô vừa bàng hoàng, đau xót vừa tức giận, tủi nhục khi người đàn bà kia đem tặng chồng mình một cuốn sách mà cô không hề biết đọc.

    YẾN

    Ơ quyển gì đây hở mình?

    HẠNH

    Sách mới của người ta cho tôi mượn,

    Mình biết đọc đâu mà động vào?

    Hỏng mất thì lấy gì mà đền?

    Một khoảnh khắc chua xót, đau đớn khi máy quay bắt cận cảnh khuôn mặt của Yến. Cô quay đi với ánh mắt ướt nhòa. Cô nhận ra chồng mình đã không còn ở bên cạnh mình và muốn ra đi. Một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng đầy tinh tế và mang tính bước ngoặt của câu chuyện.

    Dù cho chồng có phản bội mình, Yến vẫn một mực tin tưởng và mong chờ một ngày Hạnh sẽ hối hận và quay trở về. Mặt khác, cô quyết tâm phải biết đọc biết viết, phải có kiến thức để kéo chồng mình quay lại. Và với sự trợ giúp của "cô giáo nhỏ" Văn (Phạm Thu Vân), Yến đã tự đọc được từng chữ cái, tự từng câu rồi cả một bài thơ. Sách đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Yến. Cô trở nên tự tin hơn để chăm sóc các con và dám đối mặt với chồng mình.


    [​IMG]

    Và chỉ trong 20 phút cuối, cuộc gặp gỡ của Hạnh và Yến đã chứa đựng hai khoảnh khắc được xem là hay nhất của cả bộ phim. Trên đường đi ra từ ngôi nhà trong rừng, Yến quay lại nhận quà cho các con từ Hạnh và nói

    YẾN

    Mình làm sao thì làm

    Nhưng đừng để

    Mây mưa đánh đổ đá vàng

    Máy quay một lần nữa lấy cận cảnh khuôn mặt của Yến. Vẫn với đôi mắt ướt nhòa nhưng sự tủi nhục, yếu đuối, chấp nhận đã không còn mà được thay thế bằng sự tự tin, sự quyết tâm mạnh mẽ với lời nói dõng dạc chứa đầy tâm sự của một người đàn bà xa chồng cũng như sự nhắc nhở, sự đánh thức chồng mình bằng những giá trị cốt lõi nhất, đẹp đẽ nhất của tình nghĩa vợ chồng và tình cảm gia đình. Yến lúc này đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Một khung hình giống về cách thức quay nhưng hàm ý hoàn toàn trái ngược với phân cảnh trước đó. Ý đồ của đạo diễn và quay phim đã được thể hiện rõ nét. Đỗ Thúy Hằng đã có một phân cảnh xuất sắc với cảm xúc đong đầy và biểu cảm khuôn mặt tinh tế. Cô hoàn toàn xứng đáng với giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.

    Và cuối cùng chính câu nói trên của Yến cùng lá thư đầy tình cảm được cô gửi tặng đã thức tỉnh Hạnh.


    Con vắng cha như nhà mất nóc

    Vợ thiếu chồng không cạn biển Đông

    Chàng ơi có nhớ hay không

    Hòa gia phu phụ mới mong đạo thành.

    Ngay sau những câu thơ là những hình ảnh đầy trong trẻo trở về trong kí ức của Hạnh. Anh vẫn đứng đó ở khoảng sân nhỏ trước nhà, chìa tay đưa một mớ vòng đan bằng mây cho "cô bạn" xinh xắn để chơi chung trò ném vòng vào chai. Anh và cô dường như không phải là vợ chồng. Họ vẫn luôn là những cô cậu nhóc lém lỉnh ham chơi, ngây thơ trong sáng như thuở nào. Anh vẫn luôn thương yêu cô như thương một cô bạn thân nhất trên đời. Và cô vẫn luôn thương anh.

    Một phân cảnh đảo về quá khứ được xem là xuất sắc và xúc động nhất của cả bộ phim. Cuộc đời của Yến đi về hồi kết bằng những hình ảnh nhẹ nhàng, mộc mạc như những phút đầu của phim.


    [​IMG]

    Với chủ đề về nạn tảo hôn và những tục lệ cổ hủ rất khó thu hút khán giả trên nền câu chuyện về cuộc đời của một người phụ nữ trong suốt một chặng đường dài, Cuộc đời của Yến vẫn mang lại những cảm xúc dung dị đáng nhớ. Phim với nhịp điệu không quá chậm cùng những khung hình đẹp như tranh của miền thôn quê Bắc bộ vẫn đủ sức lôi cuốn khán giả từ đầu đến cuối. Nhạc phim được làm tương đối tốt với nhiều bản hòa âm khác nhau từ hai bài hát gốc của Lê Cát Trọng Lý. Ngoài ra, biểu tượng những trang sách đã tạo một sợi dây liên kết chặt chẽ xuyên suốt cuộc đời thăng trầm của Yến, không quá trừu tượng cũng không quá cụ thể, mang nhiều tầng ý nghĩa, vừa đủ để tạo một dấu ấn trong lòng người xem.

    Và trên tất cả, phim tựa như một cuốn sách cổ xưa, không còn mới về giấy mực nhưng nội dung của nó vẫn còn vẹn nguyên những giá trị cốt lõi mãi mãi trường tồn.


    Sáng mai anh về lại nơi góc sân

    Có em đang chờ, như bé ngày nào

    Bóng mưa giăng đầy, đồng xanh ngát hương

    Lời ca thiết tha, người không oán than

    Vượt qua bóng đêm

    Lê Cát Trọng Lý

    Một bình luận của Hùng Nguyễn
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...