Cổ Đại [Edit] Mệnh Vượng Phu - Nam Đảo Anh Đào

Thảo luận trong 'Box Dịch - Edit' bắt đầu bởi thu2467, 16 Tháng tám 2020.

  1. thu2467

    Bài viết:
    6
    [​IMG]

    Tên truyện: Mệnh Vượng Phu

    Tác giả: Nam Đảo Anh Đào

    Editor: Tuyết thu 247

    Thể loại: Cổ đại, điền văn

    Nguồn cover: Wikidich

    Văn án:​

    Vệ Tam Lang có tài có học nhưng hết lần này tới lần khác số mệnh lại không tốt, gặp đen đủi trước kỳ thi.

    Lần trước nữa thì bị sốt đến mê man bất tỉnh, lần trước thì chưa đến trường thi đã bị người khác đụng khiến cánh tay bị thương.

    Mẹ Vệ vẫn muốn chờ hắn đỗ tú tài thì sẽ cho hắn cưới một người thê tử ở trong thành, thế nhưng Vệ Tam Lang lại nhìn trúng Khương Mật ở thôn bên cạnh.

    Khương Mật là người mệnh khổ, mất mẹ từ sớm, có mẹ kế thì cha đẻ cũng thành cha dượng, mẹ Vệ nhìn thế nào cũng thấy không hài lòng. Tới khi lấy về nhà mới nhận ra, cô con dâu này là người cực kỳ vượng phu!

    Link thảo luận: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm dịch edit của thu2467
     
    Marill, Annie Dinh, chiqudoll25 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 2 Tháng một 2023
  2. thu2467

    Bài viết:
    6
    Mệnh Vượng Phu - Nam Đảo Anh Đào

    Editor: Tuyết thu 247

    Chương 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Gà gáy tiếng thứ hai, đèn trong phòng phía tây của Vệ gia đã sáng, Khương Mật dựa vào chút ánh sáng để sửa soạn cho mình. Nàng lấy nước lạnh rửa mặt, cảm giác thanh tỉnh một ít rồi nhanh chóng chải một kiểu tóc của phụ nữ đã có chồng. Tất cả đều xong xuôi cũng mới chỉ qua một khắc (15 phút).

    Khương Mật sợ tốn dầu nên thổi tắt đèn rồi đi về phía nhà bếp.

    Nàng trộn khoai lang lẫn với gạo thô nấu thành một nồi cháo loãng, lấy từ trong bình gốm to một cây củ cải chua ra thái hạt lựu, lấy rau dền hôm qua hái ở sau núi ra để nấu, chuẩn bị xong liền đi sang phòng phía đông mời cha mẹ chồng dùng cơm.

    Lúc này đã là mùa thu, cũng không còn nhiều việc làm. Ở nông thôn đã vào vụ nông nhàn, các nam nhân khó lắm mới được buổi không cần dậy sớm, có thể ngủ thêm chốc lát. Nhưng phụ nữ thì đã quen, cứ nghe tiếng gà gáy là tỉnh, bất kể mùa nào đi chăng nữa thì trong nhà cũng có không ít việc.

    Sau khi chuẩn bị cơm nước và ăn xong còn phải đi thái rau lợn rồi cho lợn, gà, vịt ăn. Làm xong hết những việc này thì đeo gùi lên lưng, rồi đi lên núi hái rau cho lợn, nếu không thì có thể vào quanh rừng trúc để nhặt bẹ măng khô về nhóm lửa.

    Trước khi Khương Mật gả đến thì Ngô thị luôn là người dậy sớm nhất Vệ gia. Ngô thị là người phụ nữ gầy gò, có gương mặt cay nghiệt. Khương Mật vốn là người ở thôn Tiền Sơn, trước khi gả đến đã nghe người ta nói về Ngô thị.

    Nói bà thương con trai, nhất là luôn coi Vệ Tam Lang như bảo bối. Nhưng đối với tức phụ (con dâu) lại không như vậy, chưa nói là khắc khe nhưng cũng chẳng cho sắc mặt tốt.

    Người mà Khương Mật gả cho chính là Vệ Tam Lang.

    Vệ Tam Lang đại danh là Vệ Thành, là người đọc sách duy nhất ở nhà này. Trước kia học vỡ lòng với tiên sinh ở trong thôn nhưng chỉ có mình chàng kiên trì nỗ lực không ngừng, còn hai huynh đệ của chàng không theo được nên đã bỏ học từ sớm.

    Vệ Thành theo học vỡ lòng cùng tiên sinh ở học đường trong thôn. Sau khi biết cách nhận mặt chữ liền bảo Ngô thị đưa đến trường tư thục trên trấn. Qua mấy năm học tập nghiên cứu, năm ấy chàng mười bảy tuổi đã vượt qua kỳ thi của huyện, phủ, lại thông qua kỳ thi viện nữa thì sẽ đỗ tú tài. Ấy thế nhưng cứ gần đến kỳ thi thì lại xảy ra chuyện.

    Hàng năm đều có kỳ thi viện, sau hai năm chàng đều chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước kỳ thi năm mười tám tuổi thì bị sốt, sốt đến mê man bất tỉnh, suýt nguy hiểm đến tính mạng. Năm mười chín tuổi, trên đường đi đến Túc Châu tham gia kỳ thi thì bị thương ở cánh tay phải, còn chưa kịp đến trường thi đã phải quay về.

    Năm nay chàng hai mươi tuổi, cũng là lần thi thứ tư.

    Trước kia Ngô thị nghe tiên sinh ở học đường trong thôn bảo rằng: "Tam lang nhà bà là người có thiên phú học tập, sáng dạ hơn những đứa trẻ khác trong thôn." Vì thế nên bà có kỳ vọng rất lớn với đứa con trai này. Vốn dĩ bà muốn đợi Vệ Thành đỗ tú tài rồi mới kiếm cho hắn một mối hôn sự tốt, kết quả là từ mười bảy cho đến hai mươi tuổi, cái danh tú tài còn chưa thấy đâu. Trong thôn, có không ít người nói sau lưng rằng có lẽ là mệnh Vệ Thành không tốt, bình thường chẳng sao nhưng cứ trước kỳ thi là xảy ra chuyện. Cứ cái đà này thì có thi đến bạc đầu cũng chẳng thể đề danh bảng vàng.

    Số mệnh là cái gì đó rất mơ hồ. Có người xuất thân nông thôn nhưng cuối cùng lại có thể được phong quan bái tước, cũng có những người sinh ra đã cao cao tại thượng, thiếu niên đắc chí, thanh niên long đong lận đận, rồi tới trung niên lại đột nhiên lâm vào cảnh thê lương.

    Vệ Thành là người đọc sách, học vấn tốt, dung mạo chính trực, ban đầu thôn Hậu Sơn bên này có không ít cô nương ngầm ái mộ hắn. Thế nhưng phần lớn những người đó lại vì số mệnh xui xẻo của hắn mà lùi bước.

    Đọc sách tốn tiền, ví dụ như Vệ gia. Vốn là phụ từ tử hiếu (1), anh em hòa thuận, chỉ vì Vệ Thành không đỗ kỳ thi Viện ba năm liên tiếp, anh trai không nói gì nhưng hai chị dâu thì lại oán giận không thôi. Có cơ hội là sẽ thổi gió bên gối chồng, nói rằng dù sao Vệ Thành còn thế này thì sẽ tiếp tục làm liên lụy đến tiền mồ hôi nước mắt của cả nhà? Hắn muốn đọc sách, thế người khác không phải sống ư?

    (1) Phụ từ tử hiếu: Cha hiền con hiếu thảo

    Trước kia, chưa lập gia đình thì cũng thôi, giờ đều đã lấy vợ sinh con rồi, không vì mình thì cũng vì con trai mà tính toán cho chúng chứ?

    Hai tẩu tử của Vệ Thành hiếm khi đứng chung một chỗ, hai người thi triển tất cả thủ đoạn của mình cuối mình cũng tác động được đến trượng phu mình. Vệ gia náo loạn nửa năm, mẹ Vệ Ngô thị tức con dâu đến mức thiếu chút nữa thì sinh bệnh, cha Vệ cũng nổi nóng nói rõ, nếu ngại Tam Lang đi học tốn tiền, vậy thì cho hai người con trai ra ở riêng. Chỉ là sau này nếu Tam Lang có đỗ tú tài, thậm chí là trúng cử thì ai cũng đừng hòng nhờ vả.

    Cha Vệ nói lời quyết đoán, hai huynh đệ đều muốn quỳ xuống nhận sai. Vào thời khắc mấu chốt lại nhận được ánh mắt của vợ liếc tới, nghĩ đến con nhỏ nhà mình đành cắn răng đồng ý.

    Cha vệ không ngờ họ lại quyết tâm đến vậy. Thấy Đại Lang và Nhị Lang thực sự cảm thấy Tam Lang làm liên lụy tới họ, ông cảm thấy lạnh tâm, đồng ý cho hai người ra ở riêng, còn ông cùng Ngô thị và Vệ Thành sống với nhau.

    Vệ Thành không nỡ để cha mẹ chịu khổ lại càng nỗ lực hơn, chàng còn quỳ gối trước mặt Ngô thị nói năm nay nhất định thi đậu, nếu lại thất bại thì sẽ không đi học nữa, về nhà làm nông.

    Trong lòng biết Tam Lang để tâm đển những lời hai người con dâu nói, trong lòng Ngô thị rất hận. May là bà luôn tập trung chú ý đến Vệ thành, không tính toán so đo với Trần thị và Lý thị, nếu không thì cái nhà này loạn rồi.

    Vệ gia phân ra ở riêng được nửa năm, đến sau vụ mùa thu thì Khương Mật gả đến, tính ra thời gian cũng chưa lâu.

    Đương nhiên không phải Ngô Thị chọn nàng làm vợ của Vệ Thành, mà là do Vệ Thành được nghỉ về nhà gặp được Khương Mật đang làm việc, tự chàng ưng ý, vất vả lắm mới khiến Ngô Thị gật đầu nhờ người hỏi thăm mối hôn sự này.

    Khương Mật khỏe mạnh, dáng người lại đẹp, là mỹ nhân có tiếng của thôn Tiền Sơn, thế nhưng lại là người mệnh khổ. Từ nhỏ nàng đã mất mẹ, cha Khương cũng không thể cứ độc thân mãi nên đã cưới một người khác.

    Mẹ kế là một nhân vật lợi hại, gả được hai năm đã sinh con trai. Vốn trước kia cha Khương còn thương yêu Khương Mật, nhưng sau này lại chỉ một lòng một dạ quan tâm đến vợ kế và con trai, nào còn để ý gì tới con gái nữa.

    Mẹ kế định giữ Khương Mật thêm mấy năm nữa. Khương Mật là người đảm đang, việc nhà thì nhiều, có nàng ở nhà cuộc sống cũng thoải mái hơn.

    Vốn muốn giữ nàng ở lại đến hai mươi tuổi, đến lúc ấy vóc dáng nàng cũng đã hoàn toàn dậy thì, vừa lúc có thể đưa nàng cho lão gia có tiền ở trấn trên, thậm chí là ở trong huyện thành làm thiếp, trong nhà cũng có thêm một khoản.

    Nếu nàng có thể khiến cho lão gia có tiền yêu thích thì cũng có thể giúp đỡ gia đình, cho dù không thể, cho dù bị vợ cả nhà người ta giày vò ngược đãi thì người làm mẹ kế như bà cũng chẳng đau lòng.

    Mẹ kế Khương Mật nghĩ hay lắm, nhưng đến năm nay lại đột ngột rẽ sang hướng khác.

    Hơn nửa năm nay, em trai khác mẹ của Khương Mật bị bệnh, uống bao nhiêu thuốc cũng không thấy đỡ, Khương Mật cùng mẹ kế đi đến miếu cầu khấn. Lúc quay về bị một thầy bói cản lại giữa đường. Thầy bói liếc mắt ra hiệu bảo mẹ kế để Khương Mật tránh đi rồi nói không ít lời.

    Nói chung là tướng mạo cô nương này tốt, cho dù khi nhỏ mệnh khổ nhưng lại có phúc về sau. Nhưng nếu không có gì ngoài ý muốn xảy ra thì sau này ra cửa nàng ngồi kiệu ngồi xe chứ không đi bộ, áo gấm lụa là, người hầu thành đàn.

    Nghe thấy vậy, tim mẹ kế đập liên hồi, đang tính có nên lôi kéo, dỗ dành nàng một chút, chờ khi nàng phát đạt rồi cũng có thể giúp đỡ con bà.

    Những lời thầy bói nói phía sau như gáo nước lạnh mùa đông dội xuống đầu khiến mẹ kế lạnh lòng triệt để.

    Khương Mật cái gì cũng tốt, chỉ duy nhất một điều là gây bất lợi cho huynh đệ.

    Chỉ cần nàng sống tốt thì huynh đệ của nàng liền không ổn, nàng đại phúc đại quý, thì huynh đệ nàng cực kỳ nghèo túng. Hay nói cách khác thì giữa nàng và huynh đệ của nàng chỉ có một người được tốt.

    Mẹ kế cũng ước gì thầy bói là tên lừa gạt. Nhưng có những việc, ngươi chưa nghe thì thôi, nhưng sau khi nghe xong lại nghĩ nhỡ may? Việc này thà tin là có.

    Nghĩ kỹ việc này bà cũng không dám đem Khương Mật cho lão gia nhà giàu trong trấn làm thiếp. Chỉ sợ Khương Mật được sủng ái rồi lại khắc chết con trai bà.

    Muốn để nàng không trở mình được thì tốt nhất là đem nàng gả cho mấy lão già lưu manh góa vợ trong thôn. Nhưng bà là mẹ kế lại muốn đưa con gái của vợ trước gả cho loại người như vậy.. chẳng những phá hủy thanh danh của bà mà cha Khương và các trưởng bối trong tộc cũng không đồng ý.

    Tốt nhất là hứa gả cho một nhà chồng nhìn bề ngoài thì có vẻ ổn nhưng bên trong lại náo loạn.

    Cứ thế Vệ Thành lọt vào mắt xanh của mẹ kế Khương Mật, trở thành con rể phù hợp nhất.

    Trước tiên, gia sản Vệ gia không nhiều, lại còn phải nuôi người đi học. Bây giờ lại bởi vì Vệ Thành mệnh kém mà liên tục nháo loạn lên. Huynh tẩu thà gánh cái danh bất hiếu cũng muốn đoạn tuyệt với hắn.

    Ngẫm lại cũng đúng, người khác thi mãi không đỗ là do học vấn không đủ? Còn chàng liên tiếp ba năm đi thi mà còn chưa vào được trường thi, loại việc này mấy chục năm qua còn chưa từng nghe thấy bao giờ. Người xui xẻo đến mức độ này thì cũng chẳng còn gì để nói.

    Người biết Vệ Thành đều nói chỉ sợ là mệnh chàng chẳng kiếm nổi công danh, cứ cho là học vấn chàng tốt thế nào đi chăng nữa mà ông trời không muốn để chàng làm tú tài thì chàng có thể trái được ý trời không?

    Mẹ kế của Khương Mật càng nghĩ lại càng thấy Vệ Thành là đối tượng tốt nhất.

    Hắn xui xẻo là tốt, càng xui xẻo lại càng tốt hơn.

    Cứ như vậy, Vệ gia và Khương gia mơ mơ hồ hồ đi đến thống nhất, họ định ra hôn sự rất nhanh. Sau khi quyết định xong, các phụ nhân (2) ở thôn Tiền Sơn bàn tán sau lưng, nói mẹ kế Khương Mật thật là lợi hại.

    (2) Phụ nhân: Phụ nữ đã có chồng

    Cho dù ai nhìn vào mối hôn sự này cũng thấy là Khương Mật trèo cao. Dù nói thế nào đi nữa thì Vệ Thành cũng là người có học vấn tốt, khuyết điểm duy nhất chính là xui xẻo. Là người thương con gái sẽ không gả cho con rể mệnh xui như thế, gả qua rồi thì chân khỏe đi liền với chân đau, chịu đựng vận xui cùng hắn.

    Kiểu lý do thế này cũng chẳng thể nói rõ ràng được. Nhìn bề ngoài, Vệ Thành kết hôn với Khương Mật là đủ rồi, chàng có thể đỗ tú tài thì Khương Mật nghiễm nhiên thành vợ tú tài? Cái danh vợ tú tài cũng chẳng ảnh hưởng xấu gì đến dung mạo phong thái của nàng.

    Trước khi xuất giá, mẹ kế lôi kéo nàng nói không ít, nói rằng Vệ Tam Lang tướng mạo đứng đắn, tài năng xuất chúng, vốn mẹ Vệ Ngô Thị không coi trọng con dâu người nông thôn. Đây là ý nguyện của Vệ Tam Lang, hắn khẩn cầu Ngộ Thị đồng ý.

    Mẹ kế bảo Khương Mật phụng dưỡng cha mẹ chồng cho tốt.

    Đối với hôn sự của mình Khương Mật không biết nhiều lắm nên sau khi nghe mẹ kế nói xong mới cảm thấy tình hình có vẻ nghiêm trọng.

    Nàng biết Vệ Tam Lang liên tục gặp xui xẻo.

    Bây giờ lại còn việc này nữa. Thậm chí mẹ chồng còn không vừa ý nàng, là do Vệ Tam Lang muốn cưới nàng.

    Chỉ sợ gả qua rồi lại phải chịu khổ không ít.

    Khương Mật tự cổ vũ trong lòng, nghĩ rằng có thể gả đi là chuyện tốt, ở lại nhà mẹ đẻ còn tệ hơn. Mặc dù người nàng được hứa gả cho là người xui xẻo nhưng không phải còn có câu là "phong thủy luân chuyển" sao?

    Hơn nữa ngoài điểm này ra thì Vệ Tam Lang chẳng còn gì để xoi mói cả. Nếu như chàng không liên tiếp gặp vận xui thì mối hôn sự này cũng chẳng tới lượt một người mất mẹ sớm như nàng.

    Hôn sự định ra được mấy tháng thì Khương Mật từ Tiền Sơn thôn sang Hậu Sơn thôn. Mới đến Vệ gia được vài ngày, Ngô thị rất không thích nàng. Lý do là vì bà quá coi trọng Vệ Thành, nhìn thế nào cũng thấy một cô nương nông thôn mất mẹ không xứng với con trai nhà mình.

    Khương Mật tay chân nhanh nhẹn, làm việc tháo vát, tính cách lại tốt, cũng hết sức hiếu thảo với cha mẹ chồng, Cho dù Ngô thị có tức trong lòng cũng chẳng thể đánh gương mặt cười.

    Tốn chút tâm lực, nàng miễn cưỡng cũng có thể thuận lợi sống qua ngày.

    Mặc dù mẹ chồng thỉnh thoảng sẽ phàn nàn vài câu, nhưng tướng công cũng rất quan tâm nàng. Vệ Thành cũng biết mình vận mệnh kém, không dám hứa hẹn nhiều, chỉ lặng lẽ chăm chỉ ôn luyện.

    Sau khi chung sống Khương Mật mới biết người ta nói Vệ Thành chỗ nào cũng tốt không phải nói quá. Chàng làm người chính trực, chăm chỉ nỗ lực đọc sách, bình thưởng rất tiết kiệm. Trường tư thục bảo mua sách thì chàng đi mượn về chép lại, chép xong lại tự đóng thành quyển, giấy bút chàng dùng đều là loại có chất lượng kém.

    Nhà nông cùng lắm cũng chỉ có thể sống qua ngày, không đổi được nhiều tiền, cho dù chàng tiết kiệm thì so với nhà khác cũng tốn hơn quá nhiều.

    Ăn sáng xong, cha Vệ vác cuốc ra đồng, Ngô Thị đi hái rau cho lợn, Khương Mật múc nước rửa bát, thu dọn nhà bếp sạch sẽ rồi đi xem chuồng gà.

    Sau trung thu trời chuyển lạnh, gà nuôi trong nhà không đẻ trứng nhiều như trước kia. Vốn dĩ trứng gà cũng là một khoản thu nhập của Vệ gia.

    Mỗi ngày nhặt mấy quả, gom góp một tuần cũng có được ba bốn mươi quả. Góp nhặt trứng gà hơn phân nửa là để đổi lấy tiền, còn dư lại khoảng tám đến mười quả thì để bồi bổ cho Vệ Thành.

    Giai đoạn này gà mái đẻ ít trứng, gom góp mười ngày nửa tháng cũng không được một nửa ngày thường, lại thêm vị trí sinh nở cũng kém, cuộc sống nghèo túng đã đến.

    Chưa đến mức đói bụng nhưng chỉ sợ không có tiền cho Vệ Thành đóng học phí. Nghe nói tam tiết (3) lưỡng thọ còn phải hiếu kính thầy giáo ở trường tư thục. Ngoài ra, giấy bút cũng là một khoản chi tiêu, cũng chẳng trách được hai chị dâu nóng lòng muốn tách ra ở riêng.

    (3) Tam tiết: Đoan ngọ, trung thu, nguyên đán

    Khương Mật ngồi xổm nhìn gà mái đẻ trứng một lát, nàng lẩm nhẩm tính toán qua, một tuần nay tổng cộng chỉ nhặt được mười mấy quả trứng, sau đó là đến tuần nghỉ ngơi, chạng vàng ngày mai là tướng công đã về nhà rồi, vậy thì chỗ này cũng quá ít rồi.

    Hôm nay, Khương Mật luôn nghĩ về trứng gà, trước khi đi ngủ lại nghĩ, sau khi ngủ thì nàng lại nằm mơ.

    Giấc mơ lại chẳng liên quan gì đến trứng gà. Sau khi Khương Mật tỉnh lại thì tim đập nhanh một lúc, cảm thấy thà rằng mơ thấy gà mái đẻ trứng còn hơn.

    Nàng mơ thấy cái gì ư?

    Nàng mơ thấy trong tuần lễ được nghỉ, trước khi Vệ Thành trở về nhà chàng mang sách đã sao chép xong tới hiệu sách để tính tiền, đúng lúc có mấy người bạn đồng môn cũng cần đi tới con đường có hiệu sách đó, vậy là họ cùng đi.

    Đi được nửa đường bị người ta chặn lại, Vệ Thành bị bạn đồng môn liên lụy, bị thương không nhẹ. Chàng được người ta khiêng về, dưỡng thương xong thì kỳ thi Viện cũng đã có kết quả.
     
    anitalinh, cat50, Thuý Anh 2825 người khác thích bài này.
  3. thu2467

    Bài viết:
    6
    Mệnh Vượng Phu - Nam Đảo Anh Đào

    Editor: Tuyết thu 247

    Chương 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nếu là người khác nằm mơ như vậy thì cùng lắm cảm thấy đó là điềm xấu chút thôi, nhưng Khương Mật thì lại phản ứng lớn hơn nhiều.

    Từ sáng sớm, nàng đã thấy tinh thần hoảng hốt, làm việc gì cũng không được nhanh nhẹn tháo vát như ngày thường, thậm chí suýt chút nữa còn làm hỏng cả bữa sáng.

    Ngô thị nhận ra sự bất thường của nàng, song bà vẫn nhịn không nói. Nhưng sự việc chẳng những không tốt hơn mà ngày càng tệ đi. Đến buổi chiều, bà lại để ý nàng, nói là hoảng loạn cũng không quá.

    Từ trong phòng, Ngô thị nhìn qua khe cửa hẹp thấy nàng đi đi lại lại trong tây phòng (phòng phía tây), chân mày nhăn lại, trên mặt viết rõ ràng hai chữ lo âu. Nàng giữ nguyên trạng thái như vậy một lúc, sau khi đi đi lại lại vài vòng thì như đã hạ quyết tâm đi sang bên này.

    Ngô thi ngồi xổm nhìn lén nàng nửa ngày, lúc này muốn trốn cũng không kịp nên bà dứt khoát không trốn mà ra mở cửa nói:

    "Hôm nay con làm sao thế? Ban ngày ban mặt là cứ trốn trong phòng làm gì? Giờ lại định đi đâu?"

    Vốn cho rằng nàng sẽ chột dạ, ai ngờ hai mắt Khương Mật sáng lên, nàng chạy nhanh hai bước đến bên cạnh Ngô thi nói:

    "Có chuyện, con muốn bàn với nương." Giờ đến lượt Ngô thị hoang mang rồi.

    Bà nhíu mày hỏi: "Chuyện gì?"

    "Nương, người vào trong, vào phòng rồi nói."

    Ngô thi theo nàng vào phòng phía tây, ánh mắt bà như nói có việc gì thì nói mau. Khương Mật ổn định tinh thần nói:

    "Hôm qua con nằm mơ." Nằm mơ? Màn mở đầu này càng khiến cho Ngô thị mơ hồ hơn. Bà thuận miệng hỏi nàng mơ thấy gì.

    Khương Mật nói nhỏ:

    "Con mơ thấy Tam Lang.. trước khi về nhà nghỉ thì đi đến cửa hàng sách, nửa đường bị người ta đánh, thấy.. thấy chàng bị khiêng về."

    Còn hơn hai mươi ngày nữa là học chính đại nhân sẽ đến tổ chức kỳ thi Viện ở châu này. Vệ Thành đã hạ quyết tâm năm nay nhất định phải đỗ tú tài.

    Thời điểm mấu chốt như thế này mà Khương Mật lại nói những lời xui xẻo như vậy thì chắc chắn sẽ bị ăn mắng, nhưng nàng lại chẳng để tâm đến việc ấy.

    Tất nhiên là Ngô thị rất tức giận, định quát to vào lỗ tai nàng thì Khương Mật vội nắm lấy cánh tay bà rồi nói:

    "Nương, người nghe con nói xong đã, không phải là con cố ý nói những lời này để Tam Lang gặp xui xẻo, mà là con sợ. Hoàn cảnh nhà mẹ con người cũng biết rồi, mẹ ruột con bị bệnh nên mất sớm, trước khi bà ấy ra đi con đã nằm mơ thấy. Khi cha con chuẩn bị cưới mẹ kế, con cũng mơ thấy. Lúc đầu con cũng không để tâm mấy, chỉ cho rằng ban ngày nghĩ gì thì đêm nằm mơ thấy vậy. Nhưng cứ lặp đi lặp lại mấy lần như vậy, con đoán là ông trời thương xót con mệnh khổ nên mỗi lần trước khi con gặp nạn đều báo mộng.."

    Khương Mật còn chưa nói xong thì Ngô thi đã gấp gáp nói:

    "Con có gạt ta không?"

    "Nương, người nghĩ lại xem, con đã gả cho Tam Lang rồi, chẳng lẽ con lại không mong chàng đỗ đạt công danh? Con cũng giống như người, mong Tam Lang đỗ đạt cao, làm sao có thể nói những lời lừa dối như vậy khiến người tức giận chứ?"

    "Vậy phải làm sao bây giờ?"

    Bây giờ đến lượt Ngô thi sốt ruột. Bà nghĩ đến những lời nói và cử chỉ hàng ngày của tam tức phụ (con dâu thứ ba) đã tin hơn nửa, lại nhớ đến những lời nàng vừa nói, nói rằng trước khi Tam Lang về nhà bị người ta đánh chảy máu rồi được khiêng trở về.

    Như vậy không phải là còn nghiêm trọng hơn hai năm trước ư? Năm nay còn hi vọng không? Chẳng những hết hi vọng mà còn bị thương nặng ảnh hưởng đến gân cốt, phải dưỡng thương những mấy tháng cơ.

    Phải làm sao bây giờ?

    Sau khi hiểu rõ nguyên nhân, người đi đi lại lại đổi thành Ngô thị.

    Thấy bà như vậy, Khương Mật vội kéo bà lại:

    "Nương, người đừng gấp, con nhớ là ở trong mộng thấy trước khi về nghỉ, Tam Lang đem sách đã sao chép xong đến cửa hàng sách đổi lấy tiền. Cùng lúc ấy có người bạn đồng môn của chàng cũng muốn đi về phía cửa hàng sách nên họ đi cùng nhau. Trong đó, có một người nợ tiền nên bị người ta chặn lại giữa đường đòi nợ. Tam Lang chỉ là đi giúp đỡ người bạn đồng môn ấy nên mới bị liên lụy. Con định tự mình đi lên trên thị trấn, đợi trường tư thục mở cửa thì chặn chàng lại. Chỉ cần chàng không đi cùng một nhóm với người bạn đồng môn kia thì có lẽ sẽ vượt qua được kiếp nạn này."

    Ngô thị đã sống đến tuổi này, cũng trải qua bao sóng gió, vừa mới nghe thì thấy rối như tơ vò, lúc này bình tĩnh lại, nghĩ kỹ thì thấy Khương Mật không có gan bịa chuyện đến mức nợ tiền với đòi nợ. Nếu việc này là giả thì sẽ bị vạch trần ngay, đến lúc ấy nàng cũng đâu có được lợi lộc gì đâu?

    Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Ngô thị tạm thời tin nàng, bà là một người nóng tính, lập tức đi lên trấn, chuẩn bị đi sớm đến trước cổng trường tư thục của con trai.

    Đã đi ra cửa rồi bà lại quay lại, hỏi Khương Mật xem có chắc chắn trong mộng báo là hôm nay không? Chính xác là canh mấy? Hỏi rõ ràng xong bà quay về đông phòng (phòng phía đông) thay bộ quần áo lịch sự hơn rồi mới lên trấn.

    Nói là quần áo lịch sự hơn nhưng chẳng qua chỉ là bộ quần áo mặc để đón tiếp khách buổi hôn lễ thôi, trông đẹp hơn so với quần áo lao động một chút.

    Bình thường, khi lên trấn Ngô thị đâu dám đến gần trường tư thục đâu, chỉ sợ Vệ Thành bị mất mặt trước thầy giáo và bạn đồng môn trong trường tư thục. Bà sợ mình là người nông thôn quê mùa lại làm bẩn trước cánh cửa sạch sẽ của trường.

    Hôm nay bà bất chấp. Nghe Khương Mật nói xong bà chẳng nghỉ ngơi gì mà đi như bay lên trấn, có gặp người quen cũng chẳng chào hỏi gì nhiều, chỉ sợ đến muộn lại không kịp ngăn cản Vệ Thành.

    Muộn thì không muộn, không những không muộn, buổi chiều bà ra khỏi nhà, tới khi đến trường tư thục vẫn còn nghe tiếng đọc sách lanh lảnh truyền đến.

    Lúc này Ngô thị mới thở phào nhẹ nhõm, bà không đi vào trong trường mà đứng đợi ở một chỗ chéo chéo đối diện với cổng chính. Nếu không phải là việc có liên quan đến Vệ Thành thì bà cũng chẳng kiên nhẫn đến vậy.

    Bà chờ khoảng một canh giờ, cuối cùng cũng có người đi ra. Từ khi có người đầu tiên đi ra cho đến gần một khắc sau, bà mới thấy Vệ Thành. Vệ Thành mặc chiếc áo trường sam cũ đã giặt đến bạc màu, trên lưng đeo cái giỏ đựng sách, vừa nói chuyện với người ta vừa đi ra ngoài.

    Khi ra khỏi cửa chính trường tư thục, chàng nhìn thấy Ngô thị đứng đợi ở phía đối diện.

    Ngô thị cũng không gấp gáp đến nói chuyện với con trai trước mà là Vệ Thành chủ động nói chuyện với bạn đồng môn để họ đi trước.

    "Trường Hằng, không phải huynh muốn đi cửa hàng sách ư?" "Ừ, đúng vậy."

    "Sao không đi cùng?"

    Vệ Thành chỉ chỉ Ngô thị rồi nói:

    "Mẹ của ta tới rồi." Mấy thư sinh nhìn theo hướng chàng chỉ thì gật gật đầu rồi đi trước. Vệ Thành bước tới gần trước mặt Ngô thị rồi hỏi:

    "Mẹ, sao người lại tới đây? Mẹ đợi lâu chưa? Sao không tìm chỗ nào ngồi?"

    Dọc đường đi Ngô thị miên man suy nghĩ nên cũng quên bịa lý do, giờ bị hỏi đến cũng chỉ có thể nói thật: "Còn không phải là vì vợ con!"

    "Mật nương sao rồi? Mẹ, người nói từ từ."

    "Nàng ở nhà thì có thể thế nào? Nàng thì hay rồi, nói là tối hôm qua nằm mơ, sáng nay lại tinh thần bất an, bảo nàng làm bữa sáng mà suýt chút nữa thì làm vỡ cả bát. Thấy nàng như vậy ta còn tưởng là nàng đã làm chuyện gì trái với lương tâm, kết quả nàng lại chạy đến nói nhất định phải lên trấn. Nàng nằm mơ thấy con đi đến cửa hàng sách, nửa đường thì bị bạn đồng môn liên lụy nên thúc giục ta tới đây nói cho con.."

    Ngô thị gấp đến mức nói tóm tắt không đầu không đuôi, trọng điểm là con dâu không đến, chưa từng gặp chuyện lớn nên tâm không vững, không để nàng đến.

    Vệ Thành biết tính khí mẹ mình, nếu thực sự là Khương Mật cố tình gây sự thì bà cũng không đi chuyến này. Nhưng Vệ Thành cũng không vạch trần việc này, vẫn chắp tay nói:

    "Là con trai không tốt, bình thường ở trong trường tư thục, ít về nhà để cả nhà nhớ mong."

    "Được rồi, vợ con đã nói như vậy thì cũng đừng đi cửa hàng sách nữa, về nhà cùng mẹ."

    Vẻ mặt Vệ Thành khó xử nói: "Như thế không được, con đã hẹn với chưởng quỹ là hôm nay sẽ đến, người bất tín thì không thể tồn tại."

    Chưởng quỹ: Ông chủ cửa hàng, chủ hiệu buôn

    Nói hay lắm?

    "Vậy mẹ đi với con, trước khi ra khỏi cửa vợ con đã dặn đi dặn lại là mẹ phải trông coi con thật kỹ."

    Trong lòng Vệ Thành ngọt như mía lùi, chàng cũng không phản đối nữa mà cùng Ngô thị đi đến nơi náo nhiệt trên trấn. Kết quả là vừa mới đi được nửa đường thì gặp mấy người cùng đi từ trường tư thục ra đang vội vàng chạy lại.

    Cản lại để hỏi mới biết, hình như học trò họ Tăng đi cùng họ nợ tiền người ta. Vừa rồi có người chặn đường đòi nợ, người này còn chưa bị đánh nên trong lúc hỗn loạn đã chạy về trường báo tin.

    Người nói được hai ba câu đã chạy đi xa, Vệ Thành nghe thấy cũng nhíu mày nghĩ rằng dù sao cũng là bạn đồng môn gặp nạn, đang phân vân có nên chạy đến xem một chút, hoặc là chạy đi mời đại phu thì chàng đã bị Ngô thi kéo lại.

    "Không được đi! Con không được đi đến gần chỗ đó, có nghe thấy không?"

    "Thiếu nợ phải trả là đạo lý hiển nhiên. Hắn ta không trả nợ bị người ta chặn lại thì dù có kiện lên nha môn cũng là hắn ta vô lý."

    Vệ Thành thở dài:

    "Dù sao cũng là bạn đồng môn, về tình về lý thì đều nên đi tới xem sao. Nếu tình hình nghiêm trọng thì ít nhất cũng giúp huynh ấy mời đại phu tới."

    Lúc này Ngô thi lại càng nắm chặt hơn.

    Không được! Nhất định không được!

    Nếu cậu ta bị thương vì lý do khác thì giúp cậu ta mời đại phu cũng chẳng sao, nhưng cậu ta lại thiếu nợ không trả nổi, vậy nếu cậu ta không trả được tiền khám bệnh và tiền thuốc thì ai trả? Không có người trả tiền mời đại phu? Thế thì giúp cậu ta mời đại phu chẳng phải là dẫn đến tai họa ư.

    "Chẳng phải là đã có người đi tìm người hỗ trợ rồi ư? Con đừng quan tâm đến việc này, chúng ta đi đường vòng. Tam lang, con đừng trách mẹ nhẫn tâm, con quên là vợ con đã nằm mơ rồi sao? Ông trời báo mộng là vì thương con hai năm trước bị lỡ kỳ thi Viện nên đặc biệt báo trước để con phòng tránh mà con còn đi tới phía trước. Con muốn nương lo lắng đến chết à."

    Người xưa có câu châu chấu đá xe cũng không sai, làm con tất nhiên chẳng thể lay chuyển được mẹ.

    Ngô thị nghĩ thầm không nhờ người khác mà tự bà đi chuyến này là quá đúng rồi.

    May là bà đến.

    Nếu không thì chẳng phải là hối hận chết đi được?

    Nghĩ lại tới những gì Khương Mật miêu tả trong mơ, lưng Ngô thị đổ mồ hôi lạnh, chân cũng mềm nhũn.
     
    anitalinh, cat50, Thuý Anh 2820 người khác thích bài này.
  4. thu2467

    Bài viết:
    6
    Mệnh Vượng Phu - Nam Đảo Anh Đào

    Editor: Tuyết thu 247

    Chương 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngô thị đi lên trấn cản người rồi, để lại Khương Mật ở nhà tâm trạng không yên. Nàng đứng ngồi không yên, không thể cứ chờ như vậy được nên muốn dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng ánh mắt của nàng lại không tự chủ được mà nhìn ra ngoài đường.

    Nhìn trời đã tối, trường tư thục cũng đã nghỉ rồi chứ? Tuần trước tướng công cũng về đến nhà vào giờ này, sao hôm nay mãi vẫn chưa thấy người?

    Chẳng lẽ mẹ đến muộn, không ngăn cản được chàng?

    Không thể nào!

    Bước chân của mẹ đi nhanh thế cơ mà!

    Trong lòng Khương Mật có đủ loại suy nghĩ, đang rối loạn thì nghe có tiếng người chào hỏi Tam Lang đã về rồi đấy à, hỏi trong giỏ đựng sách chàng đeo có gì? Có mua được thứ gì tốt hay không?

    Nghe thấy vậy, Khương Mật đi mấy bước ra ngoài, quả nhiên là nhìn thấy mẹ chồng và tướng công một trước một sau đang đi trên con đường thôn. Trên tay mẹ vẫn trống không như lúc ra khỏi nhà.

    Còn tướng công mặc chiếc trường sam màu trắng, lưng đeo giỏ đựng sách ngay ngắn, nhìn cao lớn, hiên ngang và kiên cường giống như cây trúc xanh.

    Lúc này, Vệ Thành cũng nhìn thấy nàng. Do đang có người ở đó nên chàng không để lộ ra quá nhiều tình cảm, chỉ từ trong ánh mắt lại chất chứa hai phần vui mừng.

    Trước kia, Ngô thị vẫn có chút ý kiến đối với tam tức phụ. Nguyên nhân không phải do nàng là cô nương nông thôn, cũng không phải do Vệ Thành vì muốn cưới nàng mà náo loạn không vui một trận.

    Lý do quan trọng nhất là nàng mất mẹ từ sớm, điều này phạm vào kiêng kị rất lớn. Số mệnh của Vệ Thành không quá tốt, Ngô thị muốn chọn cho chàng một cô con dâu có nhiều phúc khí, tốt nhất là từ khi mới sinh đã như châu tròn ngọc sáng.

    Lúc mới sinh ra, da Khương Mật đã trắng như tuyết, nhưng lại hơi mảnh khảnh, nhìn lại thấy phúc mỏng.

    Nhưng từ hôm nay trở đi, tất cả những điều này đều trở nên hư vô. Trên đường về nhà, Ngô thị vẫn luôn suy nghĩ. Bà nhớ là tam tức phụ nói từ nhỏ nàng đã hay mơ như thế, mỗi lần có việc không lành sắp xảy ra thì ông trời đều sẽ báo mộng cho nàng..

    Việc này tốt, việc này lại quá tốt rồi!

    Như hôm nay, nếu không có nàng, e rằng Tam Lang đã bị bạn đồng môn làm liên lụy bị thương, sao có thể may mắn mà tránh được một kiếp?

    Vậy mới nói duyên phận là sợi chỉ ngàn dặm quanh co, trước kia Tam Lang vừa gặp nàng đã yêu không phải là ý trời hay sao. Con dâu có cơ duyên như thế này, e rằng cũng không phải là người bạc mệnh.

    Trong lòng Ngô thị đã thông suốt hơn nhiều. Hai năm nay trong nhà chẳng có việc gì tốt cả, hai con dâu trước là người có chủ ý lớn, hay tính toán, thấy cái gì cũng muốn vơ về mình.

    Ngược lại tam tức phụ tình tình khá tốt, lại chăm chỉ. Trước kia, bà cảm thấy xuất thân của nàng không trợ giúp được gì cho Tam Lang. Nhưng nay đã khác xưa, Ngô thị rất hài lòng với Khương Mật.

    Bà thấy mọi mặt đều tốt, chỉ có điều tính cách hơi mềm yếu, hay phải chịu thiệt. Cũng may còn có bà ở bên cạnh giúp đỡ.

    Nghĩ như thế nên hiếm khi Ngô thị cho Khương Mật sắc mặt tốt, hỏi:

    "Sao lại đứng đợi ở đây? Đợi bao lâu rồi?"

    "Vừa mới may vá một lát, thấy trời sắp tối rồi, con đoán là cũng sắp về nên mới ra nhìn một chút, vừa đúng lúc thấy hai người. Mẹ đi đường vất vả rồi, tướng công cũng vậy."

    Nàng thấy Vệ Thành đổ mồ hôi nên lấy khăn tay ra đưa tới bảo chàng lau. Vệ Thành vào trong phòng, bỏ giỏ đựng sách đang đeo trên lưng xuống rồi mới lau mồ hôi trên trán.

    Vì thế nên chàng mới có thể ngửi thấy mùi thơm trên khăn tay, mùi hương rất nhạt. Đó là mùi hương trên người Khương Mật, cái hương vị mà chàng đã cảm nhận được khi ở trên giường.

    Khi ở cùng Khương Mật, Vệ Thành chẳng để ý gì nhiều, hay có những suy nghĩ kiều diễm. Nhớ đến chuyện hôm nay, chàng vội vàng kiềm chế lại tính phóng đãng, gấp gọn khăn tay rồi đưa lại cho Khương Mật. Sau đó, chàng mở giỏ đựng sách ra, lấy một bọc giấy ở bên trong ra.

    Thấy chàng đưa cho mình bọc giấy, Khương Mật liền hỏi đây là gì.

    Vệ Thành nói là bánh hoa quế.

    Khương Mật không dám nhận, nhìn về phía mẹ chồng một cái.

    Ngô thị thiếu chút nữa thì tức giận:

    "Có cái gì mà ta chưa từng thử qua đâu, còn để ý mấy miếng bánh hoa quế này à? Đây là Tam Lang mua cho con, không nhận lấy đi còn nhìn ta làm gì?"

    Lúc này Khương Mật mới đưa tay ra nhận, bọc giấy không to lắm, chỉ khoảng bốn miếng nên cầm không nặng lắm, vừa ngửi đã thấy thơm. Nàng cất vào phòng phía tây, đang chuẩn bị đi vào nhà bếp nấu cơm thì mẹ chồng gọi lại.

    "Tam tức phụ, lần này may mà có con." Khương Mật đứng lại hỏi:

    "Thực sự xảy ra chuyện hả mẹ?" Ngô thị gật đầu, tiện thể bà nói Vệ Thành, đều đã kể cho chàng về việc báo mộng mà chàng vẫn còn định đi qua giúp đỡ.

    "May là ta không yên tâm nên tự mình chạy đến, nếu đổi lại cho người khác đi chắc gì đã ngăn được tên cứng đầu này."

    "Dù sao cũng là bạn đồng môn, cũng không thể nhìn thấy mà khoanh tay đứng nhìn được."

    "Ta không muốn nói nhiều với con. Ngược lại, con hãy nghĩ cho ta và cha con, nghĩ cho thê tử con nhiều hơn, lỡ may con có xảy ra chuyện gì thì chúng ta phải làm sao đây?"

    "Nương.."

    "Con còn biết ta là nương của con à! Lời ta nói con có nghe hay không?"

    Vệ Thành nhìn thấy mẹ chàng lộ vẻ mặt nghiêm trọng, sắc mặt Khương Mật đứng bên cạnh cũng đầy lo âu, chàng còn có thể làm gì được nữa?

    Chỉ có thể cúi đầu nhận sai, cam đoan sau này sẽ đặt an toàn lên hàng đầu, tuyệt đối sẽ không để bản thân gặp nguy hiểm.

    Khương Mật cũng bớt lo lắng, đi vào bếp nấu cháo. Ngô thị lại hỏi Vệ Thành mấy câu, hỏi về tình hình người thiếu nợ bị chặn lại kia.

    Nghe Vệ Thành nói xong mới cảm thán may mà không bị dính vào việc này, mấu chốt của việc này là bị thương rồi thì có lẽ là lại bị lỡ kỳ thi Viện lần nữa. Bà lại hỏi chàng thời gian cụ thể kỳ thi Viện? Còn bao lâu nữa? Cần chuẩn bị những gì? Đợt đi thi này cần bao nhiêu tiền?

    Đang nói chuyện thì cha Vệ về đến nhà. Nghe thấy tiếng hai mẹ con đang nói chuyện, người ông còn đang ở trong viện đã bắt chuyện hỏi thăm Vệ Thành:

    "Tam Lang về rồi hả con?" Vệ Thành từ trong nhà đi ra, tới dưới mái hiên nhà thì gọi cha.

    Hai cha con còn chưa nói được mấy câu thì Ngô thị đã cáo trạng trước. Bà đem chuyện hôm nay ra nói từ đầu tới đuôi cho chồng nghe, bảo phải khuyên răn Lão Tam.

    Có tình nghĩa bạn đồng môn không sai nhưng cũng nên lượng sức mà làm, việc phá án đã có nha môn, việc cứu người đã cho đại phu, con có thể giúp được cái gì?

    Cha Vệ không ngờ rằng mình chỉ ra đồng làm việc nửa ngày thôi mà bỏ lỡ nhiều chuyện như vậy. Nghe Ngô thị nói xong ông cũng sửng sốt một lúc rồi mới hỏi là thật ư? Còn có chuyện này à?

    "Nói vậy thì tam tức phụ là đại công thần nhà chúng ta rồi!"

    "Đúng là may mà có Mật Nương, nếu không e là năm nay lại bỏ lỡ kỳ thi Viện rồi."

    "Kỳ thi Viện năm nay Tam Lang có chắc chắn không?"

    Vệ Thành nói chỉ cần không xảy ra chuyện ngoài ý muốn, có thể thuận lợi thi xong kỳ thi Viện thì không có vấn đề gì.

    Lúc này cha con Vệ gia đang nói chuyện câu được câu không, còn nhà Vệ Đại Lang thì lại náo loạn không yên.

    Lúc nãy thằng con trai nhà hắn chơi ở phía sau nhà, dán tai vào chân tường hóng chuyện, những việc khác thì không nghe rõ, lại chỉ nghe thấy bánh quế hoa. Thế là cái tật tham ăn lại nổi lên, quay về ăn vạ đòi ăn bằng được, suýt chút nữa bị ăn đánh.

    Đại Lang tức phụ nhăn mặt dạy dỗ nó, nó liền đặt mông ngồi xuống đất gào khóc, nói là tam thúc mua cho tam thẩm mà mẹ không mua cho con! Mẹ là mẹ kế! Con là con do mẹ kế nuôi!

    Mấy từ mẹ kế này đều là do nó nghe nhiều mà học được. Trước kia, Đại Lang tức phụ thường đóng cửa cười cợt nhà sát vách, nói Tam Lang là người đọc sách quý hơn vàng, không cưới thôn nữ chân đất bình thường, mà đi cưới cô nương do mẹ kế nuôi lớn.

    Lúc này nghe thấy những lời đứa con trai mình mười tháng mang nặng đẻ đau chỉ về phía mình nói, Đại Lang tức phụ trợn tròn mắt, đợi tỉnh táo lại liền hung hăng phát hai phát vào mông nó.

    "Ai nói với con ta là mẹ kế?" Đứa bé này mới có ba bốn tuổi, còn đang tuổi nghịch bùn nghịch đất thì biết cái gì? Mông nó bị đánh hai phát vô cùng đau đớn nên vừa giãy giụa vừa khóc lóc:

    "Mẹ hung dữ như thế thì chính là mẹ kế rồi! Là mẹ kế!" Vợ Đại Lang tức giận quá lại càng đánh nó thêm mấy phát:

    "Rốt cuộc là ai dạy? Mày có nói không? Không nói ta đánh chết mày!"

    "Mẹ dạy! Là mẹ dạy! Mẹ nói 'hắn là người đọc sách quý hơn vàng chọn ai không chọn lại đi chọn cô gái được mẹ kế nuôi lớn'."

    Động tĩnh lúc này lớn như vậy, Khương Mật đang ở trong nhà bếp còn nghe rõ tiếng khóc chứ nói gì đến cha con Vệ gia. Cha Vệ đang nói chuyện với Vệ Thành, nghe thấy cháu nội gào khóc không ngừng liền dặn dò Ngô thị, bảo bà đi sang xem thế nào, xem vợ Đại Lang đang làm gì.

    Ngô thị đi sang đúng lúc nghe thấy câu này. Cách cánh cửa phòng, bà thấy con dâu cả sắc mặt âm u đang đánh con.

    Vợ Đại Lang cũng nhận thấy có thêm một cái bóng trước mặt, ngẩng đầu lên nhìn, tim lạnh nửa phần.

    -. "Mẹ, sao người lại sang đây?"

    "Ta không thể sang ư?" "Không phải.. ý con không phải như vậy."

    "Không có ý đó? Vậy cô nói xem lời Mao Đản nói là thế nào?"

    Vợ Đại Lang cười gượng một tiếng rồi nói:

    "Con cũng không biết nên đang hỏi nó? Tiểu tử thối này không biết đã học được ở đâu mấy lời bậy bạ đó!"

    "Nương dạy.." Mao Đản đang muốn nói là do mẹ dạy nó thì bị mẹ nó bịt miệng lại.

    Ngô thị cũng đoán được hai cô con dâu này sẽ bịa chuyện sau lưng, bà liếc xoáy vào Đại Lang tức phụ:

    "Đồ sao chổi không chịu yên ổn mà sống qua ngày, cứ làm cả nhà nháo nhào không yên! Món nợ lần trước ta còn chưa tính với cô đâu, còn để ta nghe được những lời này nữa thì tôi xé rách miệng ngươi ra."

    Bị mẹ chồng mắng như thế, mặt vợ Đại Lang không sao tươi lên được. Ngô thị cũng chẳng thèm quan tâm đến suy nghĩ của nàng, hỏi nàng đã nghe rõ chưa.

    "Nghe rõ rồi thì đáp một tiếng? Ngươi nghĩ là ra ở riêng rồi thì ta không dạy được ngươi à? Hôm nay ta muốn dạy dỗ ngươi, Đại Lang dám cản chắc? Ngươi bảo nó cản ta thử xem!"

    "Nương ơi, người nói như thế thì bảo con làm sao mà sống được?"

    Vợ Đại Lang đang định khóc thì đã bị Ngô thị chặn lại:

    "Không sống được thì đừng sống nữa!"

    Ngô thị đã bị hoảng sợ ở trên trấn, đang không có chỗ trút giận thì Đại Lang tức phụ lại đụng đến bà. Sau khi mắng một trận, Ngô thị cảm thấy tốt hơn nhiều, lúc quay về ăn hơn nửa bát cháo.

    Màn đêm buông xuống, phòng phía đông và phía tây Vệ gia đã đóng lại tâm sự riêng. Ngô thị oán giận nói với chồng về hai cô con dâu lớn. Chúng nó mà bằng được một nửa Khương Mật thì đã cảm tạ trời phật lắm rồi.

    Trước kia, cho rằng con trai quá thành thật nên cưới cô con dâu thông minh mới có thể chu toàn việc gia đình. Kết quả là hai cô con dâu ấy lại quá thông minh, vừa vào cửa đã không sống yên phận, ngoài tính toán ra chẳng được cái tích sự gì.

    "Cũng vì cái đức hạnh của chúng, nếu không có ta đè ép thì nhà Lão Tam nhất định phải chịu thiệt rồi. Ngẫm lại Lão Tam chưa bao giờ so đo tính toán với hai huynh trưởng, luôn một lòng nỗ lực vươn lên để gia đình có cuộc sống tốt hơn. Vậy mà hai huynh trưởng của nó lại bị thê tử lừa gạt, trở nên xa cách với chúng ta, luôn cảm thấy hai ông bà già chúng ta đối xử không tốt với con chúng nó. Cả ngày nói mấy lời xui xẻo chứ không tin Lão Tam sẽ có ngày thành công. Nếu không phải là muốn ở riêng.. thì ta đây cũng chẳng thèm tính toán so đo với nó. Đợi đến ngày Lão Tam đỗ tú tài, thậm chí là tiến xa hơn, ông xem ta dạy dỗ nó thế nào, còn không phải là sẽ quỳ gối dập đầu nhận sai ư."

    Cũng không hẳn là chẳng thèm tính toán, mà là Vệ Thành còn chưa thi đỗ, chưa đến lúc Ngô thị được mở mày mở mặt.

    Cha Vệ nằm nghiêng trên giường, nhắm hai mắt lại nghe bà lải nhải nửa ngày, thấy bà nói đủ rồi mới nói:

    "Bà cũng nói ít thôi, ngủ đi." Ngô thị trở mình, không ngủ được lại nói:

    "Lúc ấy Lão Tam cứ khăng khăng muốn cưới Khương Thị thì ta tức lắm. Đến hôm nay mới thấy mắt nhìn người của nó không tệ."

    Cha Vệ còn chưa ngủ, nhưng ông biết rõ tính nết tức phụ mình nên không tiếp lời. Ngô thị nói thêm vài câu mà không ai để ý nên đành im lặng.

    Ở phòng phía đông dần không có động tĩnh gì thì bên phòng phía tây, chiếc giường gỗ lại lắc lư đến nửa đêm. Vệ Thành mới kết hôn đã phải quay về trường tư thục đọc sách.

    Chàng phí biết bao tâm tư mới cưới được Khương Mật, thời gian hai người ở chung cũng không nhiều, mỗi tuần chàng chỉ có thể về nhà được một ngày.

    Mỗi khi nhớ thê tử thì Vệ Thành lại càng cố gắng học tập gấp ngàn lần, chỉ mong năm nay có thể đỗ tú tài, sau đó có thể đi học trên huyện.

    Vệ Thành là người có chí lớn. Chàng không chỉ muốn đỗ tú tài mà sau này còn muốn đỗ cử nhân. Đỗ cử nhân rồi mới có thể đón cha mẹ vào thành ở, mới có thể cho Mật Nương hưởng phúc.
     
  5. thu2467

    Bài viết:
    6
    Mệnh Vượng Phu - Nam Đảo Anh Đào

    Editor: Tuyết thu 247

    Chương 4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mặc dù hôm qua, lăn qua lăn lại đến tận nửa đêm, nhưng tới thời gian thức dậy hàng ngày thì Khương Mật vẫn tỉnh lại, muốn ngồi dậy, nhưng mới cử động một cái đã thấy cả người có chút mệt mỏi. Động tác nhỏ này đã đánh thức Vệ Thành, Vệ Thành mở mắt ra, nhìn về phía bên cạnh tối đen như mực.

    "Khương Mật?" Khương Mật dựa vào lồng ngực Vệ Thành, nói khẽ:

    "Đánh thức chàng à?"

    Bình thường Vệ Thành cũng hay dậy sớm. Người xưa có câu kế hoạch hàng ngày bắt đầu từ sáng sớm, những người đọc sách như họ cũng không ngủ nướng đến tận khi mặt trời lên cao mới dậy.

    Nhưng hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần, hiếm khi được ôm kiều thê (vợ yêu) ở trong ngực nên Vệ Thành cũng vô lại một lúc, chàng liền ôm chặt lấy Khương Mật:

    - "Ngủ cùng ta một lúc nữa."

    - "..."

    Khương Mật có chút khó xử, nàng sợ làm bữa sáng muộn.

    Nhìn có vẻ như trong lòng Ngô thị thì Vệ Thành có thiếu chút tâm nhãn, nhưng thực ra trong lòng chàng có chút tính toán. Chàng đoán được suy nghĩ của Khương Mật, đổi tư thế ôm để nàng được thoải mát hơn, nhắm mắt lại rồi nói:

    "Ta nghe thấy tiếng động, nương đã dậy rồi, mẹ sẽ lo liệu bữa sáng. Mỗi tuần ta mới về có một ngày, chỉ nghỉ lại một đêm, nghĩ cũng biết là ta quấy rầy nàng, ngủ thêm một lát cũng chẳng sao, nương không phải là người khắt khe đến thế."

    Quả thực, nếu như mẹ chồng không vừa lòng với nàng, thì sẽ đi thẳng đến phòng phía tây gọi cửa, chứ đâu có để nàng tùy ý nằm trên giường nữa.

    Nghĩ như vậy, Khương Mật cũng yên tâm.

    Nàng yên tâm dựa vào ngực Vệ Thành. Đừng thấy Vệ Thành là người đọc sách, ôm trong ngực cũng không hề yếu ớt, nằm như vậy cũng khiến nàng cảm thấy đáng tin cậy, trong lòng cũng vững tin hơn thường ngày.

    Ngoài miệng thì nói là ngủ thêm một lát, thực ra cũng là vì chăm sóc cho Khương Mật. Từ trước đến nay, Vệ Thành ngủ không nhiều, tỉnh lại rồi cũng không ngủ tiếp nữa, chỉ nhắm mắt nghỉ ngơi.

    Chàng tự trách mình không có chừng mực, hôm qua quấy rầy nàng đến tận nửa đêm. Chàng thầm nghĩ chắc là Khương Mật rất mệt mỏi, nhưng lại quên mất từ khi mẹ ruột Khương Mật qua đời chẳng có ai thương xót cho nàng.

    Nhất là sau khi mẹ kế được gả đến, nàng càng phải chịu nhiều cực khổ, trước mặt người khác thì tươi cười nhưng sau lưng lại nghĩ mọi cách để chèn ép nàng.

    Vất vả đến tận đêm muộn cũng chẳng phải một hai lần, cho dù vừa mới đặt lưng xuống còn chưa ngủ mà nghe tiếng gà gáy cũng phải bò dậy, nếu không cha cũng sẽ đến răn dạy nàng, nói nàng tranh thủ ham ăn lười làm.

    Cũng bởi có người trước đó đối xử với mình không tốt để so sánh, nên sau khi Khương Mật gả đến vẫn luôn thỏa mãn. Cho dù mẹ chồng có nói nhiều lời khó nghe đi nữa thì Khương Mật cũng chẳng hề cảm thấy chán ghét.

    Có thể Ngô thị không hài lòng với nàng, nhưng Ngô thị thương nhi tử. Vệ Thành cũng đã cưới nàng rồi, Ngô thị cũng không muốn nhi tử khó xử khi bị kẹp ở giữa, cũng đang thử đón nhận nàng. Đây là tín hiệu đáng mừng.

    Vốn dĩ trong khoảng thời gian này, Ngô thị đối với nàng cũng đã có sự thay đổi lớn, lại thêm sự việc ngày hôm qua, Khương Mật thầm nghĩ có lẽ cuộc sống sau này có thể sẽ càng tốt đẹp hơn.

    Nếu như kỳ thi Viện năm nay tất cả đều thuận lợi thì thật tốt quá rồi.

    Tướng công có thể đỗ tú tài thì cuộc sống trong nhà sẽ càng thoải mái hơn một chút. Nghe nói chỉ cần đỗ tú tài là có thể lên học tại Huyện Học, trường huyện thuộc về quan phủ, khác với trường tư thục, tiên sinh ở đó nhận bổng lộc triều đình, không nhận lễ vật. Các học trò chỉ cần chuẩn bị quà tặng tam tiết lưỡng thọ (3 lễ tết lớn ngày xưa đoan ngọ, trung thu, nguyên đán).

    Mẹ chồng Ngô thị cũng nói, Huyện Học cũng sẽ cung cấp giấy, bút và mực, lên học ở trên đó thực sự tiết kiệm được rất nhiều tiền.

    * * *

    Cảm nhận thấy Khương Mật cử động mấy lần, Vệ Thành ôm nàng cọ xát, hỏi:

    "Không ngủ được à? Đang nghĩ gì vậy?"

    "Đang nghĩ về kỳ thi Viện, nghe nương nói sắp đến ngày thi rồi."

    Vệ Thành ừ một tiếng, rồi nói:

    "Sau thu hoạch vụ thu trời chuyển lạnh, Học Chính đại nhân sẽ bắt đầu đi tuần khảo (giám thị trực tiếp cho kỳ thi), bắt đầu từ Bái Châu, đến Túc Châu cũng đã sang tháng mười rồi."

    Khương Mật có chút tò mò hỏi sau kỳ thi Viện thì sao?

    "Sau kỳ thi Viện Học Chính đại nhân sẽ lập tức đến châu tiếp theo để tổ chức kỳ thi, người khác sẽ chấm bài cho chúng ta. Kỳ thi Viện Túc Châu là vào đầu tháng mười, tháng mười một sẽ yết bảng, gần cuối năm sẽ thông báo kết quả. Có thể đạt công danh tú tài thì năm sau sẽ có thể lên trường huyện báo danh, nếu bài thi thực sự xuất sắc được điểm cao nhất sẽ là lẫm sinh, như vậy là có thể đến trường học của phủ ở Túc Châu."

    Lúc nói câu này, âm thanh Vệ Thành rất nhạt, Khương Mật có thể nghe được một chút ước mơ mãnh liệt. Nàng nghĩ thầm như vậy cũng đúng thôi, người đọc sách đều có ước mơ như vậy, Phủ Học ai mà không muốn đến chứ?

    "Thiếp cảm thấy tướng công nhất định sẽ thi đỗ, sang năm thiếp chính là vợ tú tài mà người người ngưỡng mộ rồi."

    Trong lòng Vệ Thành nóng lên, hỏi nàng chắc chắn đến thế à? Sao lại tự tin như vậy?

    "Thiếp tin tướng công có thể làm được, trước khi gả qua đây thiếp đã nghe mọi người nói tướng công có học vấn tốt, tính ra ở thôn Hậu Sơn này thì tướng công của thiếp là người có năng lực nhất."

    "Họ không nói nửa câu sau à?"

    "Có nói, ai ai cũng thấy đáng tiếc, nói rằng Vệ Tam Lang chỗ nào cũng tốt, chỉ thiếu vận may."

    "Vậy là đã tích khẩu đức rồi, ta còn nghe nói là có sao xấu chiếu mệnh."

    Vệ Thành như đang tự giễu, còn cười một tiếng:

    "Người xui xẻo như ta đúng là hiếm có trên thế gian này. Nửa năm trước, trong nhà cũng vì chuyện này mà nháo nhào một trận. Mẹ oán giận hai tẩu tử (chị dâu), thực ra thì họ không tin tưởng ta cũng chẳng thể trách họ được. Ta cũng nghĩ, nếu năm nay vẫn như vậy, ta sẽ chấp nhận không đi học nữa. Ta học tốt cũng có được gì đâu, mấy năm nay ngay cả trường thi ta còn chưa vào được thì còn có tác dụng gì?"

    Nghe đến đây, Khương Mật không nằm yên được nữa, nàng chống hai tay lên giường, từ trên cao nhìn xuống khuôn mặt viết đầy ba chữ không như ý của Vệ Thành.

    "Tướng công, kỳ nghỉ tuần trước chàng về, khi đọc bài ở sân trước vào buổi sáng sớm có nói trước khi ông trời thực sự trọng đãi một người nào đó thì sẽ tôi luyện người đó trước, thiếp thấy câu ấy rất đúng.. rất nhiều việc rõ ràng đã được an bài cả rồi. Giống như năm ấy nương thiếp bệnh rồi qua đời, ai ai cũng đều thương xót cho thiếp, Ban đầu họ nói con gái không có nương thì làm sao mà gả đi được, sau này cha thiếp lấy vợ kế thì họ lại nói rơi vào tay mẹ kế rồi thì còn có thể hứa gả cho nhà nào chứ? Nhưng chàng nhìn thiếp xem, thiếp đã gả đến Vệ gia, gả làm vợ chàng, trước đây có ai đoán đúng được việc này đâu? Tướng công, chàng nghĩ mà xem, mặc dù số thiếp long đong lận đận nhưng mỗi khi sắp gặp phải chuyện không may thì ông trời đều sẽ báo mộng giúp thiếp tránh khỏi nạn tai, chàng nói có phải ông trời có chút ưu ái cho thiếp quá rồi không? Ông trời đã ưu ái thiếp như thế, chẳng lẽ thiếp lại không làm nổi vợ tú tài ư?"

    Vệ Thành tức cười, chế nhạo nói:

    "Nàng đang ngụy biện?" Khương Mật vẫn khăng khăng:

    "Ngụy biện cũng là có lý, không thì chàng chỉ ra xem thiếp nói câu nào không đúng?"

    Vệ Thành thầm nghĩ thời gian mình ở nhà vẫn quá ít, sau khi thành hôn cũng không ở cùng Mật Nương, vẫn chưa hiểu được nàng.

    Hóa ra nàng còn có tính cách này.

    Sự bướng bỉnh khác hẳn với vẻ ngoài mềm mại dịu dàng, khiến cho người ta yêu đến chẳng thể buông tay.

    Thoạt nhìn nàng chẳng hề giống người phụ nữ nông thôn không có hiểu biết, những lời nói này đã thuyết phục được Vệ Thành. Vệ Thành vốn là người có học thức nhưng lại chẳng có chỗ thể hiện.

    Mặc dù không biểu hiện ra ngoài nhưng trong lòng chàng vẫn luôn lo lắng năm nay sẽ lại tiếp tục xui xẻo. Nói chuyện cùng Khương Mật mấy câu, gánh nặng trong lòng cũng được hạ xuống không ít.

    Vệ Thành giống như bị hút hồn, cứ nhìn chằm chằm Khương Mật.

    Vệ Thành cũng không thực sự buồn ngủ nữa, chàng thực sự tỉnh táo rồi, liền ngồi sang bên mép giường, để Khương Mật từ phía trong giường đi ra ngoài, ngắm nàng thắp sáng đèn dầu lên, sửa soạn cho mình một cách nhanh chóng.

    Khi Khương Mật búi tóc còn quay lại nhìn chàng một cái:

    "Tướng công, chàng choàng thêm cái áo khoác vào, sáng sớm trời rất lạnh, đừng để bị cảm."

    Lúc Khương Mật đến nhà bếp, đúng là Ngô thị đã sớm bận rộn chân tay. Nghe thấy tiếng động, bà liền quay đầu nhìn một cái, nhíu mày hỏi:

    "Dậy rồi à?"

    "Hôm nay con dậy muộn, con xin lỗi nương."

    "Con đâu có lỗi gì với ta? Con có lỗi với Tam Lang ấy, một tuần nó được về nghỉ có một ngày, con không bầu bạn bên cạnh, tâm sự với nó cho tốt, còn đi xuống bếp làm gì?"

    Khương Mật: .

    "Tướng công chuẩn bị đọc sách sáng sớm."

    Ngô thị: .

    "Con qua đây trông lửa, đừng làm tắt." Ngô thị chuẩn bị ra khỏi bếp, lại nhớ đến hỏi:

    "Đêm qua có nằm mơ thấy gì không?"

    "Không ạ."

    "Vậy thì tốt, sau này lại nằm mơ cái gì nữa thì phải nói cho nương biết sớm, sự việc càng nghiêm trọng càng phải nói sớm, nghe rõ chưa?"

    Khương Mật gật đầu đáp ứng rồi nói con đã biết rồi.

    Nhìn thân thể Vệ Thành không cường tráng như đàn ông làm ruộng, nhưng cũng không phải là người đọc sách tay không thể xách vai không thể gánh. Kỳ nghỉ mỗi tuần chàng đều sẽ làm việc giúp đỡ gia đình.

    Ăn xong bữa sáng, thấy vại nước vơi một nửa liền nói đi ra bờ giếng lại bị cha Vệ ngăn cản, chàng liền ở trong sân chẻ củi. Mỗi năm vào mùa này đều phải tích trữ củi để sống qua mùa đông, việc này làm một cách khéo léo là được, không cần tốn quá nhiều sức lực.

    Vệ Đại Lang và Vệ Tam Lang cũng qua một lát, nói chuyện với chàng hai câu rồi lại ra đồng.

    Đến giờ Tỵ, tiểu Hổ nhà Vệ Nhị Lang mò mẫm sang chơi. Nó ngồi bên cạnh nhìn Vệ Thành bổ củi, xem một lát thấy chán liền đi vào trong phòng nhìn ngó. Lúc này, Khương Mật đang cầm kim chỉ sửa lại quần áo, thấy nó đi đến liền nhớ tới bọc bánh quế hoa hôm qua. Nàng vẫy tay gọi tiểu Hổ đi qua, mở bọc giấy ra chia một miếng bánh nhỏ cho nó.

    Nghe thấy tiếng nuốt nước bọt của tiểu Hổ, cầm miếng bánh cũng không nỡ ăn hết cả miếng, từ từ cắn từng miếng một. Thấy thằng bé ăn vui vẻ như thế, lại nghĩ đây là bánh mà tướng công đặc biệt mua về cho nàng, Khương Mật cũng thử nửa miếng. Nửa miếng bánh hoa quế tan ra trong miệng, đầu lưỡi tràn ngập hương vị ngọt ngào, thậm chí còn có hương hoa vấn vương quanh mũi.

    Khương Mật chưa bao giờ được ăn bánh ngon đến thế, có lẽ bánh này cũng không hề rẻ.

    Nàng đem hai miếng rưỡi còn thừa gói lại cẩn thận. Cất bánh xong, chuẩn bị ngồi về chỗ cũ sửa lại quần áo, nàng dặn dò tiểu Hổ ra ngoài chơi.

    Tiểu Hổ che miếng bánh nó chưa ăn hết rồi đi ra ngoài. Ra ngoài thì đụng vào bà nội. Ngô thị nhìn cái là biết tiểu Hổ đang cắn bánh hoa quế, chẳng nói gì, tiểu Hổ hô một tiếng bà nội, rồi chạy thẳng ra ngoài. Ra ngoài rồi nhìn thấy Mao Đản đang ngồi xổm trên đường cái không biết đang chơi cái gì. Mao Đản của đại phòng và tiểu Hổ nhị phòng tuổi tác ngang nhau, hai đứa cũng thường chơi với nhau. Tiểu Hổ chạy chậm đến, nhưng trước đó cũng đã kịp ăn hết bánh quế hoa. Vị thơm ngọt trong miệng còn chưa tan, vừa mới ngồi xuống đã bị Mao Đản ngửi thấy.

    Ánh mắt Mao Đản nhìn qua sáng long lanh, hỏi nó ăn gì đấy?

    "Bánh quế hoa tam thẩm cho." Mao Đản nghe nói thế thì ném bỏ nửa con giun trong tay xuống không chơi nữa rồi cắm đầu chạy về phía Khương Mật, chạy đến phòng của nàng liền nói muốn ăn bánh.

    Bình thường muốn ăn bánh thì nên đòi cha mẹ, người khác đâu có nợ ngươi. Nhưng Mao Đản mới ba bốn tuổi, còn chưa hiểu chuyện. Khương Mật là bề trên cũng chẳng chấp nó.

    Hơn nữa tiểu Hổ và Mao Đản đều là cháu, nên được đối xử như nhau. Nghĩ như vậy nên Khương Mật cũng chia cho nó một miếng. Chẳng ngờ được là thằng bé ăn ngấu nghiến hết miếng bánh rồi đòi thêm.

    Khương Mật cất gói bánh đi, bảo Mao Đản đi ra ngoài chơi.

    Mao Đản lại không chịu, nhất định phải làm ầm ĩ ở tây phòng.

    Vệ Thành đang chẻ củi ngoài sân, nghe thấy tiếng động nên đi vào. Ngô thị đi trước chàng một bước, đứng ở cửa thấy Mao Đản đang ngồi trên mặt đất lăn lộn gào khóc ầm ĩ liền hỏi:

    "Nó muốn cái gì?"

    Khương Mật trả lời:

    "Hôm qua tướng công mua bánh quế hoa, con chia cho tiểu Hổ và Mao Đản mỗi đứa một miếng, có lẽ là ăn chưa no." Nghe thấy câu này mặt Ngô thị đen lại.

    Ăn no?

    Loại bánh này mà muốn ăn no?

    Vậy thì e là đã đầu thai nhầm rồi.

    Ngô thị bế Mao Đản đang ngồi khóc trên mặt đất lên, đưa về nhà bên cạnh cho Đại Lang tức phụ, chỉ để lại câu:

    "Sinh ra được thì dạy dỗ cho tốt, đừng có đi ra ngoài làm mất mặt."
     
  6. thu2467

    Bài viết:
    6
    Mệnh Vượng Phu - Nam Đảo Anh Đào

    Editor: Tuyết thu 247

    Chương 5

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đến trưa, Vệ Đại Lang về nhà thì cảm thấy không khí trong nhà kì lạ, hắn không hỏi ngay mà ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn, đợi cơm trộn với các loại hoa màu và rau dại mang lên bàn, Vệ Đại Lang ăn một miếng cơm, rồi hỏi Mao Đản đâu?

    "Vừa bị ta dạy dỗ một trận, giận dỗi rồi."

    Vệ Đại Lang buông đũa xuống, hỏi:

    "Nó lại gây ra họa gì?"

    Sắc mặt Đại Lang tức phụ không tốt, nói còn không phải là do ăn một miếng bánh quế hoa của tam đệ muội.

    Vệ Đại Lang không tin: "Tuy thời gian Khương thị gả đến chưa lâu nhưng nhìn cũng không phải là người nhỏ nhen."

    "Nàng ta không phải? Vậy là ta ư? Hay là do lỗi của ta gây nên? Ăn bánh quế hoa còn đắt hơn ăn thịt. Lão Tam không tiếc tiền tiếc của mua cho nàng ta, nàng ta đóng cửa ăn mình thì thôi, đằng này lại chia cho tiểu Hổ mà không cho Mao Đản nhà chúng ta. Mao Đản mới có mấy tuổi? Còn chưa tròn bốn tuổi, nó tham ăn đưa tay ra xin, nương không trách nàng ta không tốt thì thôi, lại còn trách ta không biết dạy dỗ Mao Đản, nói nó làm mất thể diện.."

    Đại Lang tức phụ cũng không biết rõ nguyên nhân, suy cho cùng thì cũng không chứng kiến tận mắt, tất cả đều do Mao Đản nói ra. Vốn dĩ giữa chị em dâu luôn có mâu thuẫn, nghe xong nàng ta lại càng chán ghét và căm hận Khương Mật. Trước kia mẹ chồng nói đi học tốn tiền, khiến cả nhà phải hết sức tiết kiệm. Kết quả họ thì tiết kiệm, còn Lão Tam lại phô trương như thế? Còn có cả tiền để mua bánh quế hoa cho vợ, thì không biết bình thường sống trên trấn còn ung dung tự tại đến thế nào nữa.

    Vệ Đại Lang nghe xong trong lòng cũng có vài suy nghĩ. Nhưng hắn không nói ra, ngoài miệng chỉ bảo thê tử mình quản thúc Mao Đản cho tốt, nói là chưa tròn bốn tuổi nhưng cũng chỉ còn mấy tháng nữa thôi. Trẻ con nông thôn đã sớm làm việc nhà, con nhà người ta đã có thể giúp đỡ việc nhặt rau, cho gà ăn, còn Mao Đản thì chỉ biết lông bông.

    Hắn sắp xếp như thế khiến Đại Lang tức phụ hiểu nhầm, nghĩ là chồng mình đứng về phía mẹ chồng, liền cảm thấy oan ức, ném cả bát đĩa, cũng không thèm giải thích rõ ràng với hắn.

    Vệ Đại Lang cũng thấy thê tử sai hoàn toàn. Nhưng từ xưa đã có câu "con cái không được chỉ trích sai lầm của cha mẹ" sao, hắn làm con cũng không thể đi oán trách cha mẹ, huống hồ việc này cũng là do Mao Đản thèm ăn gây ra.

    "Khi ta bốn tuổi cũng không như nó, tham ăn ham chơi như nó có ngày bị người khác lừa bán. Mặc dù nương chua ngoa, nói không xuôi tai nhưng không phải không có lý. Phần lớn thời gian ta làm việc bên ngoài, không hay ở nhà, nàng để tâm đến Mao Đản nhiều hơn, đừng có để nó tùy tiện lông bông." Mặt Vệ Đại Lang sầm xuống, nói:

    "Đừng có hóng hớt việc của người khác, đã ra ở riêng rồi."

    "Ở riêng rồi thì chàng không phải đại ca của hắn ư? Ta không phải là đại tẩu của hắn ư?"

    "Ta là đại ca, nhưng trên còn có cha mẹ, trước kia vì phân ra ở riêng, cha mẹ cũng đã rất thất vọng về ta rồi. Cứ duy trì cuộc sống như thế này là được rồi. Nàng bảo ta phải lo lắng cho Mao Đản, không thể không ở riêng, ta cũng đã nghe theo nàng. Bây giờ, chúng ta sống cuộc sống của chúng ta, Tam đệ ở bên kia có tốt hay xấu cũng không đến lượt chúng ta nói."

    Nhắc tới chuyện phân ra ở riêng nửa năm trước, lửa giận đang bốc cháy ngùn ngụt của Đại Lang tức phụ cũng bị tắt đi một nửa, khí thế nói chuyện cũng bị chặn ngang một đoạn. Nàng ta cắn cắn đầu đũa nói:

    "Sao chàng còn nhắc lại chuyện này? Quả thực là lúc khăng khăng phân ra ở riêng đã khiến cha mẹ thương tâm, nhưng nương cũng không hẳn là không giấu chút của riêng. Ta cảm thấy chắc là nương có giấu tiền riêng, nếu không thì sao Lão Tam có thể sống thong dong như thế được? Từ ngày đầu tiên gả cho chàng ta đã biết rồi, cha nương rất thiên vị Lão Tam."

    "Nhà ai mà không như thế? Ai có tiền đồ mà chẳng được thương yêu?"

    Vệ Đại Lang cúi đầu nhìn cơn trộn hoa màu trong bát, nói:

    "Trước kia cha nương cũng không thiên vị như thế. Lúc ấy ba huynh đệ ta đều như nhau, ta và Nhị Lang cũng đi học mấy ngày, chỉ là không có thiên phú. Tiên sinh nói ta khó có thể nghe giảng, thà vác cuốc ra đồng cũng không chịu ngồi yên. Là do ta từ bỏ việc học hành, chưa nói đến việc ta không hối hận, cho dù có hối hận thì cũng chẳng thể trách được người khác."

    "Tam Lang thì khác, nó thông minh hơn người khác. Những gì tiên sinh từng giảng qua nó đều nhớ rõ. Lão tú tài trong thôn từng nói với cha rất nhiều lần, dù thế nào đi chăng nữa cũng phải để cho Tam Lang đi học, nói mệnh của nó không phải là người làm nông.. Ta và Nhị Lang đều đã khiến cha nương thất vọng, cha đem tất cả hi vọng gửi gắm vào Tam Lang, nên tất nhiên sẽ xem trọng nó. Hơn nữa, cứ cho là thiên vị thì cũng có để ai đói rét đâu. Cha nương ta không xấu xa như nàng nghĩ. Nói cho cùng thì cũng là ta tranh giành. Ta là đại ca lại đi dẫn đầu đòi chia ra ở riêng, suýt chút nữa khiến cha nương sinh bệnh. Cha không để ta tay trắng ra ở riêng, còn chia ruộng cho tiền, còn muốn thế nào nữa? Cho dù thực sự là giấu của riêng thì sao chứ? Đó cũng không phải do huynh đệ chúng ta làm ra."

    Bình thường Vệ Đại Lang không nói nhiều như thế, cũng vì nhắc đến việc này nên mới dong dài hai câu, nói xong còn nhìn thê tử mình một cách sâu xa:

    "Việc phân ra ở riêng ta cũng nghe theo nàng, nói ra thì cũng là tội đại bất hiếu. Nàng không nghĩ cho ta, ta cũng không muốn khiến cho mối quan hệ trở nên quá tệ. Trong tương lai cũng không có ý định qua lại quá thân mật với Tam Lang. Không phải là việc quá quan trọng thì nàng cũng bớt tranh giành hiếu thắng đi, có rất nhiều chuyện cứ cho là thắng thì cũng chẳng có ích gì cả."

    Hơn nửa năm ra ở riêng, họ hàng bô lão trong tộc đều trách mắng hắn. Là con trai trưởng trong nhà, không thông cảm với cha mẹ, đoàn kết với huynh đệ thì thôi lại còn cầm đầu nháo nhào đòi ở riêng.

    Cho dù đã đạt được mục đích, nhà đã chia ra ở riêng rồi, nhưng các bậc bề trên cũng có thái độ đối với hắn. Năm nay cha mẹ cũng tức giận, vốn là người một nhà hòa thuận, nay lại chẳng thể quay trở lại như trước. Người bên ngoài nói đến Vệ Đại Lang hắn cũng đều lắc đầu.

    Vệ Đại Lang từng nghĩ, nếu như cho hắn một cơ hội, để hắn lựa chọn lại một lần nữa, có lẽ hắn vẫn sẽ lựa chọn con đường này.

    Phụ nữ có chút ích kỷ, tầm nhìn hạn hẹp, đối nhận xử thế có chút hà khắc, nhưng có câu nàng nói đúng. Làm cha mẹ đều sẽ lo lắng cho con, Vệ Đại Lang cũng lo Vệ Thành sẽ không có đường lui (thi rớt), càng sợ cha mẹ hắn sẽ không cam chịu số phận, đem cả nhà ủy thác lên người Tam Lang. Đợi đến khi Mao Đản tới tuổi thì trong nhà có điều kiện để mà cho nó đi học vỡ lòng không?

    Vệ Đại Lang muốn cho Mao Đản đi học.

    Cho dù đi học cần có thiên phú, lại còn tốn tiền, hắn nghĩ nếu như Mao Đản cũng được mở mang đầu óc như Tam Lang thì sao?

    Thoạt nhìn thì Mao Đản không ngốc, cũng cơ trí.

    Người khác có ngu ngốc đến mấy cũng sẽ có tâm tư của riêng mình, Vệ Đại Lang cũng không ngoại lệ. Sau khi hắn cưới vợ thì lại càng suy nghĩ nhiều hơn cho gia đình nhỏ của hắn. Lòng người đã tan thì gốc rễ Vệ gia cũng sẽ bị chia rẽ.

    Con người khi sống, điều đầu tiên là phải tính toán cho bản thân mình. Việc ấy có là gì đâu, đã ra ở riêng rồi mà còn can thiệp quá nhiều vào chuyện nhà người ta mới là sai lầm.

    Vệ Đại Lang đã nói rõ ràng như vậy thì cho dù thê tử của hắn có còn không thoải mái cũng phải chịu, không bới móc chuyện của tam phòng nữa.

    Hai vợ chồng cắm đầu vào ăn cơm, sau khi ăn xong Vệ Đại Lang muốn đi thăm Mao Đản thì bị gọi lại.

    "Cha nó, chàng nói năm nay Tam Lang có thể thi đỗ không?"

    "Ta nói thì không hay lắm."

    "Nếu như hắn thi đỗ, vậy thì.."

    "Dù như vậy cũng không thể quay trở lại như trước được, nàng thu dọn bát đĩa đi, ta đi nói chuyện với Mao Đản."

    Vợ Đại Lang nghĩ đến khả năng này, trong lòng rất khó chịu. Đành phải tự an ủi chính mình rằng hắn đã yếu kém như thế, có muốn đổi vận cũng chẳng dễ dàng đâu.

    Học vấn tốt mà ba năm liền đều xảy ra chuyện ngoài ý muốn, thì là do ông trời cũng không muốn để hắn làm tú tài! Cho dù, cho dù có đỗ tú tài thì cũng chẳng có gì to tát cả, tú tài chỉ được miễn lao dịch và gặp quan gia không phải quỳ.

    Cho dù có thi đỗ thì nghèo vẫn cứ hoàn nghèo thôi, chẳng phải có câu gọi là tú tài nghèo kiết hủ lậu đó sao?

    * * *

    Vệ Thành không biết đại ca đại tẩu hắn suy nghĩ nhiều đến thế, chẻ xong đống củi chàng đi rửa tay rồi quay về phòng phía tây, vào phòng thấy Khương Mật vẫn đang may vá. Chàng đi đến ngồi xuống, hai vợ chồng tâm sự một lúc.

    Khương Mật bảo chàng lần sau về nhà không cần phải mua đồ quý giá đến vậy, không cần thiết. Vệ Thành nói: "Từ khi thành thân đến nay, ta chẳng mua tặng nàng cái gì cả, khiến nàng tủi thân rồi."

    Khương Mật lắc đầu:

    "Không tủi thân, trước mắt trong nhà còn khó khăn, đợi tướng công đạt được thành tựu, từ từ rồi sẽ có mà. Hơn nữa chàng còn phải đi thi ở Túc Châu, mặc dù đường xá không quá xa, nhưng vẫn cần dùng đến tiền. Giai đoạn quan trọng này chàng đừng lo lắng cho ta. Chàng thấy đấy, ta giữ bánh hoa quế mà suýt chút nữa lại gây phiền phức, nếu không phải nương đứng ra nói chuyện thì e rằng vẫn còn nói là không công bằng." Vệ Thành không cho rằng Khương Mật có lỗi.

    Sự việc như thế này cũng chẳng cần thiết phân giải đúng sai, chỉ là trẻ con chưa hiểu chuyện mà thôi.

    Nó không hiểu chuyện, thì cần phải dạy dỗ nó cho tốt. Vệ Thành nghĩ đại ca nên suy nghĩ kỹ càng hơn. Ở vùng nông thôn này, muốn cưới một thê tử thông tình đạt lý, thông minh biết tiến biết lùi quả thực không hề dễ.

    Ví dụ như thê tử không có tầm nhìn cao, thì nam nhân sẽ phải gánh nhiều trách nhiệm hơn. Người lớn không dạy chẳng trách Mao Đản không học theo gương tốt, không nói đạo lý.

    Chiều hôm ấy, Vệ Thành phải rời nhà, chàng quay về trường tư thục để chuẩn bị bước cuối cùng cho kỳ thi Viện. Trước khi đi, chàng tới gặp cha già nói vài câu.

    Theo ý của đại ca thì qua một hai năm nữa sẽ cho Mao Đản đến lớp học trong thôn để học vỡ lòng. Đây là chuyện tốt. Nếu đã có dự định như vậy thì ngay từ bây giờ nên từ từ dạy nó một vài đạo lý.

    Mao Đản còn nhỏ, không cần quản thúc quá chặt, nhưng cũng không thể để mặc kệ nó sống buông thả. Hoa màu trong ruộng đều cần bón phân nhổ cỏ, chỉ lơ là một chút thôi cũng không lớn tốt được, chứ đừng nói đến con người.

    Đạo lý lớn thì cha Vệ không hiểu lắm nhưng vấn đề này ông nghe cũng hiểu được rõ ràng.

    Trước kia cho rằng Mao Đản còn nhỏ, đợi lớn lên chút nữa tự khắc sẽ hiểu chuyện.

    Ngẫm lại mấy đứa trẻ ở trong thôn, từ nhỏ thanh danh đã không tốt, thì lớn lên cũng hiếm có đứa nào thay đổi được. Cha Vệ quan tâm đến Vệ Thành nhất, nhưng không có nghĩa là ông không quan tâm đến con cháu khác trong nhà, ông gật đầu nói đã biết:

    "Việc này ta sẽ dành thời gian nói chuyện với đại ca con, con đừng quản, cứ chuyên tâm học hành." Vệ Thành có lòng muốn nói hai câu an ủi cha, để cha khỏi lo lắng.

    Đến khóe miệng lại chẳng nói thành lời.

    Trên đường về trường tư thục chàng đều nắm chặt nắm tay. Đợi về đến nơi, đang định đọc sách thì mấy người bạn đồng môn tìm đến, nói với chàng phần sau của sự kiện đòi nợ hôm qua.

    "Đại phu nói Tăng huynh bị thương, trên người cần phải dưỡng thương mấy tháng mới khỏi hẳn, trước mắt không thể cử động. Bởi vì bị thương gân cốt, tùy tiện cử động e rằng sẽ càng không ổn. Tiên sinh đã cho người đến nhà huynh ấy truyền lời, để họ đón về dưỡng thương. Huynh ấy bị như thế chẳng thể học tiếp được. Ta thấy không đơn giản như vậy, huynh ấy không chỉ bị thương ở cánh tay và chân mà đầu cũng choáng váng. Đêm qua còn bị nôn hai lần, có vẻ như trên đầu cũng bị đánh một cái, sau gáy cũng bị chảy máu."

    Nghe thấy vậy, lòng Vệ Thành thấy khó chịu, tay cũng tê dại đi, không dám tưởng tượng nếu như Mật nương không nằm mơ, nương không đến ngăn cản chàng, không biết chàng bị thương đến thế nào nữa.

    Đây không chỉ là vấn đề bỏ lỡ kỳ thi viện mà bị thương thành ra như thế, không chăm sóc cẩn thận thì hỏng cả đời, có khả năng còn bị tàn phế.

    Vệ Thành không tỏ ra đồng cảm với bạn đồng môn họ Tăng.

    Chàng sợ hãi vội vàng đi theo phía sau.

    Sau khi trở lại bình thường, chàng đi qua thăm một lát,

    Lúc này người Tăng gia đã đến, chỉ là chẳng ai dám dịch chuyển người. Mẹ Tăng thì khóc nức nở, không ngừng nói con cần tiền tiêu thì nói với gia đình, có đập nồi bán sắt cũng sẽ góp nhặt cho con. Cha Tăng thì muốn đến nha môn cáo trạng những tên đòi nợ, họ nợ tiền chứ không nợ mạng người, dựa vào cái gì mà đánh đến nông nỗi này? Người bên cạnh đang ngăn cản ông..

    Trong lúc nhất thời tình cảnh trở nên hỗn loạn, người thì khóc, người thì mắng, có người thì oán trách, Vệ Thành chẳng giúp được gì, cũng không muốn người ta thêm phiền phức, nên sau khi thăm xong liền vội vàng rời đi.

    Vào thời khắc quan trọng, chàng chẳng có sinh lực mà suy nghĩ cho người khác, thi đỗ tú tài, năm nay nhất định phải thi đỗ.
     
  7. thu2467

    Bài viết:
    6
    Mệnh Vượng Phu - Nam Đảo Anh Đào

    Editor: Tuyết thu 247

    Chương 6

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau khi Vệ Thành rời đi, cuộc sống của Khương Mật lại trở lại như thời gian trước. Hàng ngày, nàng vẫn bận làm việc nhà, nhóm bếp nấu cơm, nhặt rau cho gà ăn. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng vẫn tốt hơn rất nhiều so với mấy năm trước ở nhà mẹ đẻ.

    Thậm chí bây giờ cha mẹ chồng và nàng đều đồng lòng mong muốn tướng công nàng được tốt hơn, họ đếm ngược qua ngày, chỉ cầu mong kỳ thi Viện năm nay được thuận lợi.

    Ngô thị cũng tạo thành thói quen mới, mỗi sáng sớm tỉnh dậy bà đều phải hỏi Khương Mật một câu: Có nằm mơ không?

    Không ạ.

    Từ đó cho đến đêm trước ngày thi Viện, Khương Mật đều ngủ rất ngon, không hề mơ thấy ác mộng.

    Ngày thi Viện hôm ấy, tại trường thi ở Túc Châu, Vệ Thành múa bút thành văn, trong lòng chàng thư thái nên bài văn cũng tuôn ra như suối. Còn ở thôn Hậu Sơn, kể cả cha Vệ, cả nhà chẳng quan tâm gì đến làm việc nữa, đều nghĩ về Vệ Thành.

    Bởi vì suy nghĩ đã bay đến trường thi Túc Châu rồi nên khi thái rau cho lợn Ngô thị suýt chút nữa đã bị thương ở đầu ngón tay. Khương Mật đi sang bên cạnh, nhìn thấy mà thấp thỏm lo lắng, vội vàng nhận lấy con dao từ trong tay Ngô thị, mời bà ngồi sang bên cạnh nghỉ ngơi.

    Trước kia, Khương Mật đã từng trải qua mấy năm không may mắn, xem ra còn thong dong hơn Ngô thị một chút, thái rau cho lợn còn có thể phân tâm nói chuyện với mẹ chồng.

    "Hôm nay là ngày thi Viện nhỉ? Bây giờ chắc là tướng công đang làm bài trong trường thi, không biết học chính đại nhân ra đề gì, có khó hay không."

    Nói đến đây, nàng lại tự nói thêm một câu:

    "Khi con còn là một cô nương ở Tiền Sơn thôn nghe thấy mọi người, khen ngợi tài năng của tướng công, nên dù đề thi có khó thì cũng chẳng sao cả."

    Ngô thị thích nghe những lời như thế này, bà nghe xong trong lòng cũng thấy thoải mái, ngay cả đang lo lắng cũng dần tan biến mất.

    "Tam Lang tức phụ, con cũng cảm thấy lần này chắc chắn có thể đỗ?"

    "Vâng ạ, con tin tướng công.. mẹ, khi nào thì tướng công có thể về nhà?"

    "Hỏi việc này làm gì?"

    "Con muốn xào hai món ăn ngon cho tướng công, nghe nói đi thi rất vất vả."

    Ngô thị đoán, trước khi chàng quay về cũng phải về trường tư thục trước để trò chuyện với tiên sinh, lại còn dọn dẹp một chút, xem ra phải đợi hai ba ngày.

    "Tam Lang tức phụ, con đừng vội, cứ bình tĩnh, đợi Tam Lang về rồi hầm con gà cho nó tẩm bổ."

    Khương Mật có chút kinh ngạc:

    "Tướng công trở về thì mổ gà?"

    "Làm sao? Con tiếc à?"

    Thấy mẹ chồng hiểu lầm, Khương Mật vội vàng giải thích không phải chuyện đó.

    "Con nghĩ là tháng sau công bố danh sách, tướng công đỗ tú tài thì nhà ta không phải mở tiệc à? Không phải lúc ấy mới mổ gà ạ? Như vậy mở tiệc mừng cũng có thể diện hơn."

    "Đừng lo lắng suông, nhà ta có nghèo, còn có thể thiếu con gà?"

    Phải nói là Đại Lang tức phụ khá hiểu mẹ chồng Ngô thị. Nửa năm trước, khi phân ra ở riêng, bà không lấy ra toàn bộ tài sản. Ngô thị quản việc nhà cả nửa đời, thường ngày keo kiệt bủn xỉn cũng tiết kiệm được không ít, tất cả tiền đều bị bà giấu làm của riêng. Việc này cha Vệ cũng không biết.

    Bình thường, bà không bao giờ động vào số tiền ấy. Nhưng con trai đỗ tú tài, phải mở tiệc hay mua sắm chút đồ như thế cũng không sao.

    Nhà là do mẹ chồng quản, mẹ chồng đã nói như thế nên Khương Mật cũng chẳng bận tâm nữa. Nàng chỉ đếm đầu ngón tay, tính từng ngày chờ Vệ Thành trở về.

    Vệ Thành trở về vào ngày thứ tư sau khi kỳ thi Viện kết thúc, đi trên đường làng gặp không ít người nhiệt tình hỏi thăm chàng thi xong rồi à? Năm nay như thế nào? Có thể đỗ hay không?

    Hễ có người hỏi, Vệ Thành đều trả lời là đã cố gắng hết sức, không nói là có thể hay không thể.

    "Vậy là năm nay cũng rất thuận lợi? Không xảy ra chuyện hỗn loạn gì?"

    "Vậy thì chẳng phải là cậu ta thực sự có thể trở thành tú tài lão gia rồi?"

    "Chuyện liên quan đến Vệ Tam Lang sao có thể đơn giản như thế, cho dù năm nay hắn ta vào được trường thi để làm bài thì cũng khó mà nói là không xảy ra việc ngoài ý muốn. Hơn nữa cứ cho là hắn ta đỗ tú tài đi nữa thì có thể xưng là lão gia sao? Cử nhân mới là lão gia!"

    "Vậy hắn ta đỗ tú tài thì có thể được lợi ích gì?"

    "Ngươi muốn lợi ích gì?"

    "Nha môn có phát bạc không? Có phát lương thực không?"

    "Ngươi về nhà, lên giường ngủ một giấc, xem trong mơ có được phát gạo phát bạc không? Tú tài ở thôn chúng ta ít gặp, chứ ra ngoài thì chẳng hiếm lạ gì, nha môn đâu có nhiều gạo, nhiều bạc mà phát cho họ?"

    "Theo như ngươi nói thì chẳng được ích lợi gì, vậy vì sao ai cũng muốn đi học thi đỗ công danh?"

    Vấn đề này hỏi rất hay.

    Vì sao ư?

    Bởi vì chỉ cần ngươi đỗ tú tài, cho dù gia đình không khá lên được nhưng cũng chẳng đói chết, không thể tiến thêm một bước thì có vẫn có thể làm ở trường tư thục trong thôn, dựa vào tiền học phí và lễ vật học sinh biếu tặng cũng có thể sống tạm qua ngày, còn có thể sống tốt hơn rất nhiều người.

    Nếu như ngươi có năng lực, về sau lại đỗ cử nhân, vậy thì thực sự phát đạt rồi.

    Nhiều người tranh nhau vỡ đầu để tìm kiếm công danh không phải là vì điều này ư?

    Chỉ là cử nhân cách nông dân quá xa thôi.

    Gộp cả thôn Tiền Sơn và Hậu Sơn thôn lại trong một trăm năm qua cũng chẳng có ai, còn như tú tài, cách đây nhiều năm vẫn có một người.

    Trong khi những người này còn đang tán gẫu thì Vệ Thành đã về đến nhà. Khương Mật nghe thấy tiếng nói chuyện, từ sau nhà đi ra liền nhìn thấy tướng công mà nàng vẫn luôn nhớ mong.

    Ở bên ngoài chàng ăn uống không tốt, lại nghỉ ngơi không đủ, nhìn gầy gò hơn nhưng tinh thần lại không tồi, dáng vẻ vui mừng vẫn còn hiện trên gương mặt.

    Khương Mật vừa đi ra, Vệ Thành đã nhìn thấy nàng.

    Nhìn thấy con trai đột nhiên lướt qua mình nhìn về phía trước, Ngô thị nghiêng người lại nhìn về phía con dâu thứ ba, liền nói với Vệ Thành:

    "Lần trước con rời đi, Mật Nương vẫn luôn nhớ thương con, hỏi ta mấy lần, muốn biết bao giờ con về."

    Vệ Thành nghe thấy cũng ấm lòng đáp lại:

    "Là ta không tốt."

    "Được rồi, ta đi mổ con gà, hầm canh cho con bồi bổ, hai con có lời gì thì để đến tối về phòng đóng cửa rồi nói, đi ra đồng gọi cha con về trước, đừng mải làm việc nữa."

    Vệ Thành đặt giỏ đựng sách vào phòng phía tây, lại tự đi ra ruộng, Khương Mật để mẹ chồng nói mấy câu ấy thì cảm thấy ngượng, đỏ chín cả mặt. Nàng cúi đầu vào bếp nấu nước nóng chuẩn bị vặt lông gà.

    Chỉ là có thêm một người thôi mà Vệ gia đã náo nhiệt hơn hẳn mọi ngày. Trong lòng Ngô thị kiên định hơn, Khương Mật cũng thực sự vững tin hơn.

    Không xảy ra việc gì là tốt rồi, chàng cũng nói đã cố gắng hết sức, theo đánh giá của tiên sinh trường tư thục thì chắc là có thể đỗ.

    Chẳng cần truyền lời mời thì đến bữa cơm, Vệ Đại Lang và Vệ Nhị Lang đều đến cả. Mấy người đàn ông ngồi một bàn, đang nói chuyện lớn.

    Ngô thị để lại một chút thức ăn ở dưới bếp, bà và tam tức phụ không ngồi vào bàn mà ăn mấy miếng đơn giản lại uống bát canh là xong.

    Nhà nông cũng chẳng mấy khi thấy món mặn, cho dù có nhiều người nuôi gà vịt, nhưng là nuôi để lấy trứng. Trừ khi có tiệc mừng, còn ngày thường chẳng bao giờ mổ thịt. Trong thôn cũng có nhà đồ tể, người đi mua thịt cũng không nhiều, mà có mua thì cũng chỉ mua một chút phần ngoài rìa.

    Con dâu Vệ gia đều hơi keo kiệt. Giống như đại Lang tức phụ và Nhị Lang tức phụ, trước kia nói mẹ chồng hà khắc, bây giờ tự quản việc nhà, họ lại càng chặt chẽ hơn. Có nhi tử nên đều chỉ hận không thể tiết kiệm nhiều hơn nữa.

    Lại nói, hai nhà đã lâu không thấy món ăn mặn, ngửi thấy mùi gà hầm họ nhịn không được nuốt nước bọt mấy lần. Cho dù biết mẹ chồng sẽ nói mát nhưng vẫn mặt dày kéo mấy miệng ăn trong nhà đến.

    Cha Vệ không nói gì, Vệ Thành cũng chào hỏi đại ca nhị ca hai câu, lại quan tâm mời họ ngồi xuống.

    Không khí bên mấy người đàn ông không phải là tốt nhưng cũng không quá gượng gạo. Còn bên nhà bếp, tức phụ của đại lang nhị lang đang bón thịt gà cho con trai ăn. Ngô thị vừa uống xong bát canh, lau sạch vết dầu mỡ trên miệng rồi bắt đầu nói mát.

    "Các người ăn ngon cũng chẳng thèm nhớ mời hai ông bà già này một bát, ta hầm canh gà thì các người lại đến rõ là nhanh."

    Bình thường đàn ông ăn cơm rất nhanh, và hai miếng là xong. Nhưng hôm nay lại ngồi vừa ăn vừa nói chuyện nên rất chậm. Khương Mật cũng loáng thoáng nghe được một chút, nghe họ nói về kỳ thi Viện.

    Vệ thành nói tháng sau huyện nha sẽ công bố danh sách. Ở trường tư thục cũng không phải chỉ có một người tham gia kỳ thi Viện, họ chuẩn bị tự lên huyện xem. Vệ Thành liền nhờ người xem hộ, không định tự lên huyện xem.

    Cha Vệ hỏi chàng có phải quay về trường tư thục nữa không?

    Vệ Thành trả lời rằng tiên sinh bảo chàng ở nhà đợi, cũng tranh thủ dịp này ở bên cha mẹ nhiều hơn.

    Nếu như may mắn thi đỗ, thì sau đó sẽ phải chuẩn bị lên huyện học báo danh. Đi lên huyện khác với lên trấn, xa hơn nhiều, kỳ nghỉ hàng tuần cũng không chắc có thể về nhà.

    Nghe đến đây, lòng Khương Mật lại lo lắng hơn.

    Tối hôm đó, Vệ thành châm ngọn đèn dầu ở phòng phía tây. Vệ Thành ngồi bên mép giường, nhìn Khương Mật thu dọn giỏ sách cho mình:

    "Mật Nương, có phải nàng có chuyện gì không? Ta thấy nàng có chút buồn bực không vui."

    Tay Khương Mật dừng một lát, tiếp tục đặt giỏ sách xuống rồi mới ngồi xuống mép giường.

    Hai đầu ngón tay trỏ của nàng xoắn lại với nhau, khẽ nói:

    "Ta nghe thấy chàng nói với cha, nếu thi đỗ tú tài sẽ phải đi học trên huyện, ngày nghỉ hàng tuần cũng không về." Vệ thành liền hiểu ra.

    Chàng dịch người về phía Mật Nương một chút, dựa vào chút ánh sáng từ ngọn đèn dầu cúi đầu nhìn nàng, chỉ thấy rõ sườn mặt vô cùng xinh đẹp. Vệ Thành nhấc bàn tay thường ngày hay lật sách mài mực của mình qua, định an ủi nàng.

    "Mật Nương, nàng có muốn đi lên huyện với ta không?" Khương Mật lắc đầu:

    "Chàng đi học bên ngoài, thiếp càng cần phải ở lại báo hiếu cha mẹ, ở nhà có thiếp, chàng mới có thể an tâm học tập."

    Vệ Thành thực sự rất đau lòng, chàng ôm lấy Khương Mật, muốn hôn nàng một cái, Khương Mật lại nói:

    "Nói thì nói vậy chứ ta vẫn không nỡ xa chàng, trước kia mỗi tháng còn có thể về mấy lần, sau này.." Vệ Thành có thể hiểu được tâm trạng này.

    Trước kia chàng cũng không nhớ nhà đến thế, sau khi thành thân, trong lòng lại càng lo lắng hơn. Đặc biệt là mỗi đêm trước khi ngủ, chàng đều nghĩ đến Khương Mật, nghĩ có phải nàng lại gầy hơn không?

    Bây giờ trời chuyển lạnh nàng có khỏe không? Vệ thành nóng lòng muốn ngày ngày được ở bên nàng, nhưng chàng không thể.

    Căn cơ của Vệ Thành còn mỏng, cung cấp cho chàng còn tàm tạm, thực sự không có điều kiện để Khương Mật cùng đi lên huyện, thêm một người là thêm một phần chi tiêu.

    Hơn nữa, ngoại hình Khương Mật xinh đẹp, ở nông thôn còn an bình, đi vào huyện rồi chỉ sợ lại xảy ra chuyện.

    Giả dụ có người nhìn trúng nàng, muốn cướp nàng đi, Vệ Thành không dám nói chắc chắn có thể đón nàng về được. Cho dù Vệ Thành là tú tài, lên huyện rồi thì tú tài có là cái gì đâu? Trừ khi tiến thêm được một bước, nếu không thì chẳng che chở được người khác.

    Vệ Thành vẫn luôn cân nhắc, để Mật Nương ở nhà là sự lụa chọn tốt nhất. Trong lòng chàng không muốn, thì càng phải cố gắng chăm chỉ đọc sách, ra sức thể hiện sự xuất sắc của mình.

    Chàng nói những lời này với Khương Mật, Khương Mật nghe xong vành mắt cũng đỏ lên. Vệ Thành nhìn thấy nàng như vậy cũng sốt ruột, muốn dỗ nàng cười nhưng lại chẳng biết nên nói gì, chỉ đành ôm nàng vào lòng. Khương Mật cũng dựa vào ngực chàng nói:

    "Tấm lòng của tướng công ta hiểu, ta ở nhà chăm sóc cha mẹ, chàng ở bên ngoài đừng lo lắng."

    Trong lòng Vệ Thành mềm hẳn đi, lại càng ấm áp hơn, chàng nói mỗi năm sẽ có vụ mùa thu và lễ mừng năm mới có thể về nhà, không đến mức quanh năm suốt tháng không gặp.

    "Hơn nữa tướng công nàng còn chưa đỗ tú tài đâu." Câu nói này đã xua tan bầu không khí, Khương Mật trợn mắt nhìn chàng:

    "Có thể đỗ, lần này chắc chắn đỗ." Vệ Thành vội vàng sửa lời..

    "Đúng, đúng, Mật Nương nói có thể đỗ thì chắc chắn là đỗ."
     
  8. thu2467

    Bài viết:
    6
    Mệnh Vượng Phu - Nam Đảo Anh Đào

    Editor: Tuyết thu 247

    Chương 7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hai vợ chồng nói chuyện một lát rồi đi ngủ. Trong lòng Khương Mật vẫn đang suy nghĩ nên không ngủ được. Có lẽ Vệ Thành mệt quá nên chẳng bao lâu đã tiến vào giấc ngủ.

    Khương Mật nghiêng người, nhìn người đàn ông đang nằm thẳng hít thở đều đều. Đèn đã tắt nên không nhìn rõ được gì nhưng Khương Mật vẫn nhớ rõ.

    Ban ngày, nàng đã để ý thấy Vệ Thành có quầng thâm dưới mắt. Trước kỳ thi Viện chàng lo lắng xảy ra chuyện không may, thi xong mới yên tâm thì lại vội vã trở về nhà nên khó tránh khỏi mệt mỏi.

    Khương Mật nhìn chằm chằm một lúc thì cũng dần buồn ngủ nên đã ngủ theo.

    Đêm nay, họ ngủ rất ngon, thế nhưng lại có người trằn trọc không ngủ được, điển hình nhất là Đại Lang tức phụ.

    Từ khi Vệ Thành trở về nàng đã cảm thấy không ổn. Cho dù đi theo sang ăn chực bữa thịt gà, cũng chẳng xua tan được bất an trong lòng nàng ta.

    Nhìn mẹ chồng vui mừng như thế, nàng ta đoán ra được năm nay không xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Ăn xong giúp dọn dẹp ổn thỏa, khi trở về nhà lại nghe nam nhân nói Tam Lang làm bài khá ổn, khả năng lớn là có thể đậu, giờ thì Đại Lang tức phụ hoàn toàn không ổn rồi.

    Đây không phải là lòng dạ đen tối không muốn người khác tốt hơn mình mà là nhịn không được cảm thấy chua xót, đây là chuyện gì chứ?

    Khi Vệ gia chưa phân nhà, Vệ Thành liên tục gặp xui xẻo, nàng ta chỉ cảm thấy phí tiền, một chút hi vọng cũng không có. Cứ nhẫn lại nhịn, cuối cùng không nhịn được nữa, nàng ta lên kế hoạch cắt đứt với Vệ Thành, kích động nháo loạn một trận, cuối cùng cũng được như ý muốn.

    Nhưng mà năm nay, người ta lại thuận thế đi lên.

    Trong lòng Đại Lang tức phụ thực sự buồn bực. Trước kia xui xẻo thì nàng ta muốn thoát mà không được, nay Vệ Thành đã vượt trội hơn người thì nàng ta lại chẳng nhờ vả được gì.

    Vệ Đại Lang đang ngủ ngon thì cảm thấy người bên cạnh lật đi lật lại, động tác mạnh đến mức như bánh nướng áp chảo, hắn không nhịn được hỏi một câu:

    "Nàng lăn qua lăn lại làm gì?" Lần này không chịu được nữa, nói chuyện rồi.

    "Cha nó, chàng nói, việc này có phải là không ổn lắm đúng không?"

    "Chuyện gì?"

    "Thì là việc của Lão Tam ý."

    "Nàng nói Tam Lang? Nó làm sao?"

    "Mấy năm trước hắn xui xẻo như thế sao năm nay lại thuận lợi thế?"

    Vệ Đại Lang đang mơ mơ màng màng trả lời, khi nghe thấy câu này thì hoàn toàn tỉnh táo lại, hắn chợt nghiêng người qua:

    "Nàng làm tẩu tử mà lại mong Tam Lang xui xẻo sao?"

    "Ta có thể không nói ư, ta cảm thấy không đúng lắm, chàng nói xem có phải hắn cố ý lừa gạt đục khoét của chúng ta rồi định bỏ mặc chúng ta để tận hưởng cuộc sống tốt đẹp không?"

    "Nàng.. người phụ nữ này, nàng đang nói cái gì thế? Nàng điên à? Nàng là người muốn ra ở riêng, lúc ấy bao nhiêu người khuyên, khuyên can hết lời mà nàng không nghe, cha nương bảo chúng ta đừng hối hận, nàng nói không bao giờ hối hận, bây giờ còn trách Tam Lang nữa ư?"

    "Không đúng, là do hắn cố tình giả vờ xui xẻo.."

    "Chuyện này không thể nào xảy ra! E là nàng ăn nhiều canh gà rồi, để dầu mỡ làm hỏng não rồi."

    Vệ Đại Lang cảnh cáo nàng ta đừng có suy nghĩ linh tinh, rồi lại trở mình ngủ tiếp. Vừa mới nhắm mắt ngủ chợt nghĩ đến điều gì đó liền ngồi bật dậy:

    "Không phải nàng thấy Tam Lang đổi vận nên lại muốn đề cập chuyện quay về đấy chứ?"

    Trời tháng mười đã rất lạnh, ban ngày gió còn thổi vù vù chứ đừng nói đến ban đêm. Vợ Đại Lang vẫn cứ cảm thấy nôn nóng hốt hoảng. Là xấu hổ, cho dù là thế nàng vẫn nhắm mắt nói:

    "Mấy năm trước chàng cũng tốn nhiều công sức."

    "Nhưng bây giờ đã ở riêng rồi."

    "Chẳng lẽ hắn không niệm tình cũ?"

    "Càng nói càng chẳng ra sao cả, cứ cho là Tam Lang đỗ tú tài thì không phải đi học tiếp à, về sau chắc chắn sẽ cần tiêu nhiều tiền hơn, nàng muốn dựa dẫm vào đó cũng được, ta đi nói với cha, chung ta vẫn tiếp tục đồng tâm hợp lực hỗ trợ cho nó."

    Nói như thế xong vợ hắn lại không đồng ý:

    "Vậy nếu như sau này hắn lại xui xẻo tiếp thì sao?"

    Vừa nãy Vệ Đại Lang còn chịu nhịn, nghe thê tử hắn nói thế cũng không chịu được nữa, bực tức xong nằm thẳng cẳng ra.

    "Muốn thu lợi về lại không muốn bỏ vốn, mỡ đâu mà húp, nàng không tin Tam Lang thì đừng nghĩ đến việc nó có thi đỗ hay không nữa, liên quan gì đến nàng đâu?"

    Nhìn nam nhân nàng định ngủ tiếp, Đại Lang tức phụ đẩy hắn một cái:

    "Chàng thực sự cam lòng ư? Mới ở riêng có nửa năm, trước kia chúng ta cũng bỏ nhiều công sức, thì sao lại không thể nhận chút lợi ích chứ?"

    Vệ Đại Lang chẳng có phản ứng gì.

    Nàng ta lại đẩy một cái.

    Vẫn không phản ứng.

    Đại Lang tức phụ tức vô cùng, nàng ta không ngủ được. Dù thế nào cũng không ngủ được, đến tận khi gà gáy rồi vẫn còn đang suy nghĩ miên man.

    Sau đó, hôm nay nàng ta lấy cớ đi một chuyến sang nhà Vệ Nhị Lang, thì thầm mấy câu với nhị tức phụ, cho rằng nhà mình với nhị phòng có hoàn cảnh giống nhau nên sẽ đồng tâm hiệp lực nghĩ biện pháp. Kết quả là người ta buồn bực im lặng nghe nàng nói, đợi nàng nói xong mới thở dài nói:

    "Hay là thôi đi."

    "Đệ muội ngươi cam lòng ư?"

    "Không cam lòng thì có thể làm gì được? Muốn ra ở riêng là chúng ta, bây giờ đổi ý không phải là tự vả à? Nửa năm trước nháo loạn chuyện này có bao nhiêu người biết như vậy, là do chúng ta đuối lý mà."

    Đại Lang tức phụ muốn tìm đồng minh lại gặp phải người như thế này, nàng ta càng không từ bỏ:

    "Tam lang là người đọc sách, người đọc sách cần danh dự, đệ muội yên tâm, hắn sẽ không trở mặt với chúng ta đâu."

    "Hắn thì không nhưng mẹ thì có thể, dù sao mẹ vẫn có thể chỉnh chúng ta."

    * * *

    Không lôi kéo được đồng minh này rồi.

    Người ở nhị phòng này đúng là không đáng tin cậy.

    Đại Lang tức phụ đen mặt bỏ đi, đợi nàng ta đi xa, Nhị Lang tức phụ mới thu hồi lại bộ dáng cúi đầu giả bộ sợ sệt nhát gan. Nàng ta nghĩ thầm không thể nháo loạn, cứ từ từ cải thiện mối quan hệ vẫn hợp hơn.

    Cho dù cha mẹ có một lòng nghĩ cho Lão Tam thì cũng sẽ nghĩ đến con cháu khác nữa. Nếu Vệ Thành có thể thay đổi địa vị thì cũng sẽ không bỏ mặc huynh đệ. Chỉ cần chút tình cảm này thì đến lúc ấy cũng sẽ giúp đỡ một chút.

    Bây giờ nói chuyện này còn sớm, cho dù tất cả đều thuận lợi, cùng lắm thì hắn chỉ đỗ được tú tài, cái danh tú tài này cũng chẳng thể nâng đỡ gia đình được.

    Nhị Lang tức phụ tính toán một phen rồi quay người đi gọi tiểu Hổ.

    Tiểu Hổ đang chơi ở sau nhà, nghe thấy tiếng gọi nên chạy từng bước ngắn đến:

    "Nương gọi con à?"

    "Bây giờ tam thúc của con vẫn ở nhà, con thường xuyên sang nhà tam thúc, nhờ thúc ấy kể chuyện xưa, dạy con đọc tam tự kinh."

    Tiểu Hổ cong miệng.

    Nhị Lang tức phụ dặn dò nó nhất định phải đi.

    Nó chống đối nhưng lại sợ như con chim cút.

    "Sao? Vẫn còn sợ tam thúc của con à?"

    Tiểu Hổ nói không sợ tam thúc, nó sợ bà nội. Mọi ngày chỉ cần Vệ Thành ở nhà, Ngô thị sẽ dặn hai đứa cháu không được gào thét ầm ĩ, không được chơi đùa điên khùng trước mặt Vệ Thành, muốn nháo loạn thì đi xa chút, mới đầu chúng nó cũng coi như gió thoảng bên tai, cãi lộn ầm ĩ hai lần suýt chút nữa bị đánh, lúc này mới nhớ lâu.

    "Bà nói không được đi làm phiền tam thúc, để bà thấy sẽ dạy dỗ con một trận."

    "Con cứ làm như nương nói, chắc chắn không sao."

    Tiểu Hổ vẫn không tin lắm hỏi:

    "Thật ạ?"

    "Bảo con đi thì con cứ đi, nghe lời rồi về nương lấy kẹo cho mà ăn."

    Nghe thấy được ăn kẹo, tiểu Hổ chạy đi ngay, Lúc nó thò đầu ra tìm ngườ thì gặp Ngô thị đi từ nhà bếp ra.

    "Đến làm gì?"

    "Con, con tìm tam thúc chơi!"

    Như thấy kẹo ở ngay trước mắt, tiểu Hổ to gan nói.

    "Tam thúc con không ở đây, tự đi chơi đi." Vệ Thành đi đâu rồi?

    Chàng đến nhà đại thúc, nói chuyện với đại thúc rồi. Ông bà của Vệ thành đều mệnh ngắn, đã sớm qua đời, nhà ông nội chàng có hai huynh đệ, có một người anh vẫn còn sống, chính là đại thúc của Vệ Thành. Nhà đại thúc chưa phân nhà, trong nhà có đông nhân khẩu, cuộc sống hàng ngày náo nhiệt hơn so với nhà Vệ Thành.

    Vệ Thành ra ngoài được nửa canh giờ, thấy chàng trở về, Khương Mật bưng chén nước bảo chàng uống một chút. Đợi Vệ Thành bưng nước lên uống hai hớp rồi nàng mới hỏi:

    "Có phải nhà chúng ta và nhà đại thúc đi lại rất gần gũi không? Trước kia, lúc chúng ta thành thân, hình như đại thúc cũng tới." Vệ Thành gật đầu.

    "Ông nội qua đời rất sớm, cha lại không có huynh đệ ruột thịt nào cả, những năm tháng ấy cuộc sống của cha cũng khó khăn, đại thúc cũng giúp đỡ không ít. Sau khi nương gả tới đây, rồi lại có ba huynh đệ chúng ta, thuở nhỏ cuộc sống gia đình chúng ta cũng rất khó khăn, nhưng dù sao đi chăng nữa thì cha cũng muốn đưa chúng ta đi học vỡ lòng ở trường học trong thôn, cha nói cho dù chỉ biết mấy chữ cũng được, đừng để đến cả tên mình cũng không biết viết. Đi học nói thì dễ dàng nhưng lấy đâu ra tiền? Cha đã âm thầm sang tìm đại thúc. Sau đó, thấy ta có tố chất tốt, cha nương muốn cho ta học ở trường tư thục trên trấn, đại thúc cũng giúp đỡ rất nhiều."

    Những chuyện này cha Vệ thường xuyên nhắc lại với Vệ Thành để chàng nhớ kỹ ân tình này, nếu như có một ngày chàng công thành danh toại thì phải báo đáp người ta.

    Nghe được những lời này, đại khái Khương Mật cũng đã hiểu được tại sao cha mẹ chồng lại coi trọng tướng công.

    Bởi vì gặp khó khăn từ sớm, cha mẹ mất sớm lại chẳng có huynh đệ, cha Vệ cũng chẳng có năng lực gánh vác, chỉ biết làm ruộng. Ông cũng biết làm ruộng không có tiền đồ lớn, nhiều lắm thì đủ cơm ăn, gia đình không khấm khá lên được. Vì thế nên mặc dù gia đình khó khăn ông cũng cắn răng cho ba đứa con đi học vỡ lòng, ba đứa con trai thì hai đứa lớn không tiếp tục đi hộc được nữa, chỉ có Vệ Thành là có triển vọng.

    "Mấy năm trước ta không biết phải đối mặt với đại thúc thế nào, may mắn là có Mật Nương thì năm nay tất cả đều thuận lợi." Khương Mật bị hắn nói đến đỏ cả mặt nên sửa lại nói:

    "Đúng lúc vận may của tướng công đến thôi, ta cũng có làm được gì đâu? Vượng hay không vượng đều là cách nói của thầy bói lừa bịp cả thôi."

    "Ta thấy Mật Nương là phúc tinh của ta, từ khi nàng gả qua đây, ta đọc sách cũng hăng hái hơn, thi cử cũng thuận lợi hơn."

    Ngô thị cầm mảnh vải đi từ đông phòng sang, muốn bảo Khương Mật làm cho Vệ Thành chiếc áo dài, đợi tháng sau có tin mừng về thì đãi tiệc sẽ mặc.

    Đúng lúc bà nghe được mấy câu này, Vệ Thành nói như thế nhưng cũng không hẳn thực sự cho rằng Khương Mật mang phúc đến cho chàng, chẳng qua chàng thuận miệng nói mấy câu nhưng Ngô thị lại để tâm. Bà thầm nghĩ chẳng lẽ tam tức phụ lại có mệnh vượng phu thật?

    Nếu thực sự là như vậy thì may mà Tam Lang kiên quyết phải cưới cho bằng được, mấy tháng trước bà nhìn thế nào cũng ghét Khương Thị, nhìn đã thấy bực mình.

    Ngô thị còn đang thất thần thì Khương Mật đã nhìn thấy bà, cũng nhìn thấy mảnh vái bà cầm trên tay liền hỏi bà muốn làm cái gì? Có cần giúp đỡ không?

    "Tam tức phụ, con cầm lấy mảnh vải này, làm chiếc áo dài hai lớp, con cứ làm lớp bên ngoài trước, ta lại nghĩ cách chuẩn bị mang tới chút bông vải." Vệ Thành vừa nghe liền biết làm làm cho chàng nên nói không cần thiết:

    "Tốt hơn là nên làm cho cha một bộ." Ngô thị xua tay:

    "Con đừng nghe Tam Lang nói linh tinh, cứ làm áo dài, làm xong để tháng sau bày tiệc rượu thì mặc."

    "Mẹ, con vẫn chưa chắc chắn.."

    "Đừng có nói mấy lời không may như thế, ai mà không biết học vấn của con tốt như thế nào? Mấy năm trước là do vận khí không tốt, năm nay mọi việc đều thuận lợi như thế còn có thể không đỗ sao?"

    Ngô thị nói xong liền thúc giục Mật Nương nhận lấy mảnh vải, Khương Mật nhìn Vệ Thành một cái rồi đưa tay nhận lấy vải.

    Mấy ngày sau đó mỗi khi rảnh nàng đều làm áo dài, mặc dù Vệ Thành đã về nhà nhưng sáng sớm đều phải đọc sách một lát, ban ngày thì giúp đỡ chút việc nhà, ban đêm lại đóng cửa tâm sự với Khương Mật rồi thân mật một lát.

    Khi Vệ thành đi học ở bên ngoài thì Khương Mật rất nhớ chàng.

    Bây giờ chàng ở nhà rồi cũng mang lại chút phiền não mới.

    Ngô thị nhìn thấy tỉnh cảm của hai người họ tốt như thế, gần đây lại hay nhìn bụng của Khương Mật, thầm nói nếu như nàng có thể có tin tốt thì chẳng phải là song hỉ lâm môn ư?

    Việc này không phải Khương Mật nói là được, nàng cũng chẳng tiện nói cái gì. Thế nhưng Vệ Thành lại âm thầm đi tìm mẹ chàng, bảo bà đừng nói chuyện này trước mặt Mật Nương.

    Ngô thị nhìn chàng một cái. Vệ Thành giải thích:

    "Con còn trẻ, cũng chẳng gấp chuyện con cái nối dõi, vẫn nên đợi có điều kiện tốt hơn thì để Mật Nương mang thai. Như vậy thì đứa trẻ sinh ra mới bớt khổ. Trẻ con cũng có thể nhận được sự chăm sóc chúng ta, nhìn cha nương còn cả Mật nương vất vả như thế, nên chẳng cần gấp gáp để thêm phiền."

    "Theo như con nói, ông ấy đúng là chưa được hưởng phúc."

    "Vì vậy nên mẹ cũng đừng vội, Mật nương là người có phúc khí, nàng ấy chưa mang thai là vì điều kiện gia đình ta bây giờ không hợp để mang thai."

    Tất nhiên Ngô thị biết con trai tìm bà là vì thê tử, nói mấy lời này cũng là vì nói đỡ cho tức phụ. Bà nghe xong cũng không cảm thấy gượng ép, còn cảm thấy cũng có lý.

    Sau khi ở riêng trong nhà cũng thiếu người lao động, bình thường ba người họ bận rộn luôn chân luôn tay, mùa thu đông còn đỡ, sang mùa xuân thì quá vất vả rồi. Lúc này không phải là thời điểm phù hợp để tam tức phụ mang thai. Nàng thực sự mang thai có thể làm chút việc nhỏ, nhưng đến khi mang bầu lớn hơn một chút lại cần có người chăm sóc, đứa trẻ sinh ra cũng mất một hai năm bồng bế chăm sóc, đúng là rất phiền phức.

    Ngô thị gật đầu:

    "Ta biết rồi, Tam Lang, ta biết con thương thê tử, thê tử con cũng là người tốt, nhưng con vẫn nên chú tâm vào học tập, lấy tiền đồ làm trọng."
     
  9. thu2467

    Bài viết:
    6
    Mệnh Vượng Phu - Nam Đảo Anh Đào

    Editor: Tuyết thu 247

    Chương 8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Áo dài thì đầu mùa đông làm là được, theo như lời Ngô Thị nói thì là làm hai lớp. Lớp bên trong ngắn, áo sợi bông vừa vặn, bên ngoài làm thành áo dài. Đợi qua mùa đông, sau khi mùa xuân tới thời tiết ấm áp hơn thì tháo ra vẫn mặc được, chỉ là hơi mất công một chút.

    Nhà nghèo đều như vậy, một đồng tiền hận không thể chia làm hai để tiêu. Quanh năm suốt tháng làm quần áo cũng phải tiết kiệm.

    Bởi vì từ nhỏ Khương Mật đã mất mẹ, khi còn là con gái cuộc sống trong nhà như một cái lồng, may vá cũng từng làm không ít, tay nghề cũng không tệ. Làm chiếc áo mới cho Vệ Thành đến Ngô thị xem cũng rất hài lòng. Cổ áo, cúc áo, tay áo, vạt áo đều rất tinh tế, mặc vào khác hẳn với người nông thôn.

    Vệ Thành mặc thử trên người, cởi ra rồi thu lại.

    Đợi mặc lại chiếc áo cũ xong, chàng quay người nhìn đôi mắt mong chờ đang len lén nhìn mình, đem người ngồi xuống cạnh giường rồi nói:

    "Quần áo làm đẹp lắm, chẳng kém thợ may vá chuyên nghiệp là bao." Tất nhiên là Khương Mật không tin:

    "Chàng đang dỗ ta thôi.." Vệ Thành liền cười.

    Thực ra tay nghề của nàng còn kém thợ chuyên nghiệp một chút, nhưng ở nông thôn thì như vậy là đã tốt lắm rồi. Bình thường Vệ Thành mặc hai bộ do Ngô thị làm cho chàng từ hai năm trước, cũng tốn một chút tâm ý nhưng không được đẹp như thế này, được cái là mặc bền.

    Quần áo thôi mà, mặc bền là đủ rồi, Vệ Thành không nói thêm nữa, mà nhìn về phía Khương Mật, hỏi nàng có lạnh không.

    "Tướng công, các chàng ngồi đọc sách một chỗ mới lạnh, thiếp đi qua đi lại ở nhà trên nhà dưới cả ngày, làm gì có thời gian rảnh, mặc nhiều còn bị toát mồ hôi."

    Vệ Thành cầm tay nàng, thật sự rất ấm áp mới tin lời nàng nói.

    Áo khoác làm xong chưa được hai ngày, Ngô thị lại cầm đến đôi giày vải, Vệ Thành thực sự chẳng biết nói gì cho phải. Trong nhà có bốn người, chỉ có chàng là vừa có áo mới vừa có giày mới, trong lòng làm sao mà chịu được?

    "Mẹ, lần sau mẹ làm cho cha đi, con có đồ để mặc rồi."

    "Cha con cả ngày làm ruộng, mặc đẹp như thế làm gì? Để cho ông ấy mặc thì chỉ một tháng là đã hỏng rồi."

    Cha Vệ ở bên cạnh, nghe thấy tiếng nói liền nâng mí mắt nhìn sang:

    "Mẹ con nói đúng đấy, cho con thì con cầm lấy.. Tam Lang à, con thấy thời gian này nha môn đã yết bảng thành tích chưa?"

    Từ khi kỳ thi Viện kết thúc, người Vệ gia nghĩ về việc này nhiều nhất. Hồi tháng mười còn đỡ, sang tháng mười một, trong lòng càng ngày càng thấp thỏm không yên. Cha Vệ làm gì cũng chẳng thể chuyên tâm. Ngô thị cũng vậy, lúc làm giày cho Vệ Thành cũng không để ý, bị kim đâm vào tay rất nhiều lần.

    Tính ra thì cũng gần đến ngày, như mấy năm trước hình như cũng yết bảng thành tích vào thời gian này.

    Không phải đã nói là có bạn đồng môn ở trường tư thục đi xem, sao giờ vẫn chưa có tin tức gì truyền đến?

    Là không đỗ?

    Hay là bị trì hoãn dọc đường?

    Cha Vệ cũng đã nghĩ qua, thực sự không nhịn được nữa mới hỏi ra miệng. Mặc dù Vệ Thành khá chắc chắn nhưng kết quả còn chưa có thì chàng vẫn chẳng thể yên tâm được. Thấy chồng và con trai đều như thế, Ngô thị an ủi khuyên giải:

    "Yên tâm đi, ta đã hỏi Mật Nương có mơ thấy gì không, nàng nói nàng mơ thấy chim khách kêu ríu rít, vậy còn có thể không đỗ hay sao?"

    Vẻ mặt Vệ Thành vô cùng ngạc nhiên, chàng chẳng nghe thấy Khương Mật nói gì cả.

    Lựa lúc rảnh rỗi, Vệ Thành hỏi nàng thực sự có chuyện này sao?

    Khương Mật: .

    Tất nhiên là không rồi.

    Còn không phải vì nhìn thấy trời mùa đông mà miệng mẹ chồng bị nổi mụn nước, vì chuyện này đã gấp đến phát hỏa, nên nàng mới nói như thế để bà an lòng.

    Thấy nàng như vậy Vệ Thành còn không hiểu gì nữa chứ?

    Chàng thở dài:

    "Lỡ như ta.." Còn chưa nói xong đã bị Khương Mật trợn mắt nhìn sang:

    "Đừng nói những lời không may như thế, chúng ta cứ yên tâm đợi, chắc chắn có tin hỉ báo về."

    Việc này thực sự đã bị Khương Mật nói trúng rồi. Một ngày sau, Khương Mật đang ở trong bếp nấu cơm, Ngô thị nói đi ra đồng cắt củ cải về nấu can. Vừa mới đi ra sân, bà đã nghe thấy có người gọi từ phía xa.

    Ngoảnh đầu lại nhìn, là con trai của đường huynh Vệ Bình, đang vẫy tay gọi thím ở trên đường làng.

    Ngô thị dừng lại, hắng giọng đáp lại một tiếng, hỏi hắn có việc gì.

    "Có người tới, nghe nói là tới nhà thím."

    Trong lòng Ngô thị lộp bộp một tiếng, hướng về phía cháu họ đang chạy đến, quả nhiên nhìn thấy một người mặc áo dài được người dân trong thôn đưa đến nhà mình. Lúc này, người trong thôn cũng nhìn thấy Ngô thị nên nói với người kia:

    "Đó là mẹ của Vệ Tam Lang."

    Ánh mắt người đó sáng lên, tiến lên mấy bước chuẩn bị chắp tay lại bị Ngô thị thúc giục hỏi:

    "Ngươi đến là đưa tin báo hỉ của Tam Lang nhà chúng ta? Đỗ tú tài rồi?"

    Lời nói này của Ngô thị khiến cả người dẫn đường và cháu họ ở bên cạnh cùng nhìn về phía người kia.

    Đều đang đợi hắn trả lời.

    May mà kết quả không khiến người ta thất vọng, người đó gật gật đầu nói:

    "Ta họ Vương, là bạn đồng môn với Vệ huynh, đến Hậu Sơn thôn để đưa tin cho huynh ấy, huynh ấy đã đỗ rồi, còn đứng đầu trong các tú tài – lẫm sinh."

    Từ trước đến nay mới chỉ nghe đến hoa sinh (đậu phộng), còn lẫm sinh là cái gì sinh?

    Trong nhà người dẫn đường cho học trò họ Vương không có người đọc sách, hắn chỉ biết đầu tiên phải đỗ tú tài, sau tú tài sẽ là cử nhân, chứ không biết tú tài còn phân cấp bậc. Không hiểu thì hỏi, hắn đã hỏi luôn rồi. Học trò họ Vương giải thích một cách hâm mộ, lẫm sinh chính là cách gọi tắt của lẫm thiện sinh viên. Nói thẳng ra là từ nay về sau mỗi tháng Vệ Thành được lĩnh sáu đấu gạo, mỗi năm còn có bốn lượng bạc.

    "Tú, tú tài còn có thể được nhận bạc? Mỗi năm bốn lượng?"

    Học trò họ Vương kiên nhẫn lặp lại một lần nữa, chỉ có Lẫm sinh mới được, tú tài bình thường không được.

    "Vệ huynh thực sự là đến lúc đổi vận, huynh ấy là lẫm sinh, năm tới còn có thể thử vận may, có lẽ còn có thể tiến vào Phủ Học.

    Chuyển lời xong, hắn cũng không đi luôn, định gặp mặt Vệ Thành và nói với chàng hai câu. Ngô thị bước đi lâng lâng đưa khách về nhà. Người cùng thôn vừa chỉ đường cũng đã đi truyền thông tin, Vệ Bình kia cũng đã chạy về nhà, vội vàng nói chuyện này với ông nội của hắn.

    Học trò họ Vương ngồi nói chuyện với Vệ Thành ở sân trước, Mặc dù nhìn Vệ Thành vẫn rất khiêm tốn nhưng trong lòng chàng lại chẳng kìm nén được sự vui mừng. Năm nay thi đỗ tú tài chàng đã vui mừng lắm rồi, đỗ đầu trong các tú tài thực sự là niềm vui bất ngờ. Khương Mật đứng trong phòng nhìn một cái, thấy họ vẫn còn đang nói chuyện nên bưng chén trà đi ra mời khách.

    Nàng chỉ để lộ một bên mặt đã khiến học trò họ Vương lại hâm mộ Vệ Thành thêm mấy phần.

    Chẳng trách sau khi thành thân, mỗi lần đến ngày nghỉ hàng tuần, hắn đều muốn về nhà. Hóa ra là ở nhà có kiều thê.

    Đang nói chuyện đã nghe tiếng náo nhiệt truyền đến.

    Người tới sớm nhất là gia đình nhà Vệ Đại Lang và Vệ Nhị Lang. Sau đó là đại thúc của Vệ Thành và dăm ba người trong thôn.

    Rõ ràng đã nghe nói là Vệ Thành thi đỗ mà có người vẫn không dám tin, vội vàng hỏi lại có thật không? Đã đỗ tú tài rồi à?

    Học trò họ Vương kiên nhẫn nói lại với họ, rằng thi đỗ tú tài nha môn sẽ không cử người đến báo hỉ, nhưng chàng là người đỗ đầu, lẫm thiện sinh viên, đầu tháng lĩnh gạo, đầu năm lĩnh tiền, đợi chút nữa nha môn cũng sẽ có người đến cũng nên.

    Dù có nghe những lời này bao nhiêu lần đi chăng nữa thì Ngô thị vẫn có thể cười ra tiếng được.

    Cha Vệ hiếm có khi đưng thẳng sống lưng, đây là lúc mà ông thấy đắc ý và mở mày mở mặt nhất trong đời.

    Quả thực là Tam Lang đã không phụ sự kỳ vọng của ông.

    Đỗ rồi! Đỗ tú tài rồi!

    Sau này đi học ở Quan Học (trường học do triều đình mở), chẳng những không phải mua văn phòng tứ bảo (bút lông, giấy, mực và nghiên mực) mà nha môn còn trợ cấp gạo và tiền, cuộc sống trong nhà rồi cũng sẽ khá hơn.

    Người Vệ gia rất vui mừng, Ngô thị nói muốn đi cắt thịt, giữ bạn đồng môn của Vệ Thành lại ăn cơm. Học trò họ Vương khoát tay từ chối, nói rằng tài văn chương của hắn không tốt như Vệ huynh, cũng suýt chút nữa thì thi đỗ, giờ đang vội về nhà.

    Người ta đã nói như vậy, Vệ gia cũng không cố giữ lại. Vệ Thành tiễn hắn ra ngoài thôn. Ngô thị đã quay lại phòng lấy tiền, định đi sang nhà đồ tể. Trước khi đi, bà lại bảo cháu họ chạy về nhà chuyển lời, nói rằng ở nhà bà ăn cơm trưa.

    Đại thúc của Vệ Thành gật gật đầu bảo cháu trai đi đi, tiểu tử kia vừa chạy ra ngoài thì ông cụ nghĩ ra gì đó nên gọi người đứng lại:

    " Bảo cha con, khi nào đến thì đem cái bàn, đem cả ghế băng dài đến, còn cả bát đũa nữa. Dù sao bên này cũng không có nhiều, đi tay không rồi đợi mà uống gió. "

    " Con biết rồi ông ạ. "

    Đừng nói bàn ghế, chỉ cần được ăn thịt thì mang gì chả được?

    Ngô thị vốn kẹo kiệt cuối cùng cũng hào phóng một lần. Lúc bà ước lượng xâu tiền mang đi ra ngoài vẫn còn đang nghĩ, hôm nay quyết mua hai cân thịt ăn cho thoải mái. Vốn đã định mua hai cân, kết quả là đồ tể nghe nói chuyện của Vệ Thành nên tặng thêm cho một ít, nói rằng sau phát đạt rồi thì đừng quên bà con làng xóm.

    Cho dù Ngô thị tốn tiền nhưng trên đường về nhà vẫn rất vui mừng. Đợi đến khi bà xách thịt về nhà, mới phát hiện ra bàn ghế đã được bày ra, con cháu đại bá cũng lục tục đi đến. Cũng không phải đi tay không, người thì đang phân chia đậu phộng và dưa leo, người thì mang cây cải trắng, đường tẩu còn xách hẳn con gà béo mập đến.

    Miệng Ngô thị cười toe toét, hỏi bà khách khí làm gì? Bảo đem gà về.

    " Chẳng phải chỉ là con gà thôi sao! Tam Lang nhà chúng ta có được công danh lớn như vậy, giết con gà có là cái gì? Em dâu cứ đi làm thịt đi, gà để ta làm thịt, chúng ta tranh thủ chuẩn bị một bàn. "

    Đường tẩu của bà lại nhớ ra, hỏi có rượu không? Ngày vui như thế này cánh đàn ông không uống hai chén à?

    Ngô thị thực sự quên mất cái này, Khương Mật nghe thấy đáp một tiếng, bảo rằng cha đã bảo đại ca đi mua rượu rồi.

    Trong thôn không mua được rượu, Vệ Đại Lang phải chạy vào trong trấn. Hắn không chỉ mua rượu còn mua cả hạt dưa, đậu phộng chưng đường, đặt cẩn thận vào gùi đeo sau lưng rồi mới hùng hục quay về nhà.

    Lúc về đến nơi, đồ ăn đã sắp chuẩn bị xong. Vệ Đại Lang dỡ đồ đã mua xuống, nghe thấy mẹ bảo nên chia hạt dưa và đậu phộng cho vãn bối. Chia xong, đang định uống hớp nước rồi nghỉ ngơi một lát thì bị vợ hắn là Trần thị kéo sang một bên.

    " Chàng đi mua rượu, cha có đưa tiền cho chàng không? "Vệ Đại Lang nhăn mày:

    " Hỏi cái này làm gì? "

    " Chàng cứ nói xem có đưa hay không? "

    " Ta là đại ca, trong nhà có việc mừng như thế, ta mua chút rượu còn ngửa tay đòi tiền? Ta thành ra cái gì? "

    Hắn nói như thế, Trần thị cũng thay đổi nét mặt, cũng chưa nổi giận ngay mà lại hỏi tiếp:

    " Vậy tiền ở đâu ra? "

    " Ta về nhà lấy tiền. "

    Trần thị đột nhiên cao giọng:

    " Được lắm, Vệ Đại Lang, chàng.. "

    " Nàng im miệng, muốn gây chuyện thì đợi về nhà rồi nháo loạn, cũng phải nhìn xem đây là hoàn cảnh nào."

    Trần thị nhớ ra còn có người khác đang ở đây, lại nghĩ đến hôm nay là ngày gì, nếu nàng ta gây ra chuyện mất mặt gì thì rồi sau đó sẽ bị trừng trị. Nghĩ đến mẹ chồng hà khắc như thế, vợ Đại Lang đành nhẫn nhịn, định về rồi sẽ nghĩ cách lấy lại số tiền kia.

    Cũng vì thế nên cho dù giữa trưa, Vệ gia bày món ăn lên bàn tiệc rất phong phú thì nàng ta cũng chẳng vui nổi.

    Ngửi thấy mùi rượu bay qua, lại nghe thấy họ hô hào nhau anh một chén tôi một chén, lòng vợ Đại Lang đau như cắt, đau quá, thực sự rất đau nha.

    Đó là tiền tiết kiệm của nàng, là của nàng đấy!
     
  10. thu2467

    Bài viết:
    6
    Mệnh Vượng Phu - Nam Đảo Anh Đào

    Editor: Tuyết thu 247

    Chương 9

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Màn đêm buông xuống, Trần thị và Vệ Đại Lang thực sự đóng của cãi nhau. Trần thị nghĩ, nếu sau này còn bày tiệc rượu nữa thì bữa hôm nay khỏi cần mời, mời rồi cũng phí tiền. Vệ Đại Lang nói trong mắt nàng ta chỉ có tiền, hoàn cảnh ngày hôm nay như thế, đại thúc lại đang đứng ở đó, không giữ người ở lại ăn cơm lại bảo người ta đi về mà được sao?

    "Mấy người nhà mình ăn thì hết bao nhiêu đâu? Hơn nữa thịt là do mẹ mua về, gà vịt là các đường huynh đường đệ mang đến.."

    "Vậy còn rượu? Không phải là chàng mua rượu sao? Chàng còn đeo gùi đi mua, mua mấy cân?"

    Vệ Đại Lang nói đeo gùi đi không phải là để đựng rượu, mà là để đậu phộng và kẹo. Những thứ này không những nặng mà còn chiếm diện tích, khó cầm.

    * * *

    * * *

    "Chàng nói cái gì? Đậu phộng và kẹo cũng là chàng mua? Rốt cuộc chàng đã lấy của ta bao nhiêu tiền?"

    Vừa rồi Trần thị thực sự đã quên mất, giờ mới nhớ ra nên đi mở hộp đựng tiền. Mở ra rồi nhìn một cái, lòng lại càng lạnh hơn. Nàng ta đi sang, ngồi ở mép giường lau nước mắt. Vệ Đại Lang đang không kiên nhẫn, nhìn thấy vợ khóc thì lời muốn nói đã đến khóe miệng lại chẳng thể nào cất thành tiếng. Hắn ta cũng ngồi xuống, ôm đầu không biết nên nói gì cho phải.

    Trần thị vừa khóc vừa kể lể, Vệ Đại Lang nhận nhịn mãi, đến khi không nhịn được nữa mới nói lại với nàng ta:

    "Tam Lang đỗ tú tài, lại còn đứng vị trí đầu bảng trong các tú tài, đây là việc đại hỉ. Ta làm đại ca có thể không biểu hiện một chút gì ư? Nhận vinh dự vẻ vang mà lại chẳng đóng góp gì à? Với tình hình sáng nay, Tam Lang không thể phân thân, cha phải ở cùng với đại thúc công, mẹ thì đi mua thịt, đệ muội đang ở trong bếp chuẩn bị cơm nước.. trong nhà không có rượu chẳng lẽ ta lại không đi mua?"

    "Vệ Nhị Lang không phải con của cha à? Chàng không biết giao cho hắn à? Bảo hắn chạy đi mua, chàng là đại ca thì ở nhà đón tiếp khách không được à?"

    Vệ Đại Lang lắc đầu:

    "Nói đi nói lại thì nàng vẫn tiếc mấy đồng tiền."

    "Đúng! Ta là người keo kiệt! Ta keo kiệt thì có gì sai? Tích góp được mấy đồng dễ lắm sao? Chàng hào phóng như thế không biết khi Mao Đản nhà chúng ta đến tuổi học vỡ lòng mà chúng ta thiếu tiền thì cha mẹ có giúp đỡ hay không? Không có tiền khổ như thế nào chàng còn chưa rõ ư? Không có tiền trong tay làm gì cũng phải đi cầu cạnh người ta?"

    Đúng thế, đúng là như thế nên Vệ Đại Lang chẳng thể trách được vợ hắn.

    Dù Trần thị có không tốt thế nào đi chăng nữa thì trong lòng nàng cũng chỉ nghĩ cho hắn và Mao Đản, keo kiệt soi mói cũng là vì cái nhà này.

    Trách nàng ư?

    Cũng chẳng thể trách nàng hết được.

    Cũng là do nghèo mà nháo loạn cả thôi, người nghèo chí ngắn.

    Ngọn lửa mới nhen nhóm trong lòng Vệ Đại Lang bị mấy câu của Trần thị dập tắt. Hắn lùi một bước, nói:

    "Chuyện lần này không nói nữa, sau này có việc gì ta sẽ thương lượng với nàng trước được không? Nàng cũng đừng giữ tiền chặt thế làm gì, tiền là vật chết, người sống mới quan trọng. Nàng chỉ vì chuyện nhỏ này mà làm tổn thương đến tình huynh đệ thì không đáng."

    Cho dù có đau lòng thế nào đi chăng nữa thì số tiền đó cũng đã tiêu mất rồi, cũng chẳng lấy lại được. Hơn nữa, chồng cũng đã cúi đầu nhận lỗi với nàng ta rồi nên trong lòng Trần thị cũng thoáng thấy dễ chịu hơn hẳn:

    "Chàng nói đó, sau này có việc gì cũng phải thương lượng với ta, ta gật đầu rồi thì chàng mới được đồng ý."

    "Không nói nữa, ta mệt rồi, ngủ thôi."

    Vệ Đại Lang định cởi quần áo lên giường, không yên tâm nên nhắc lại một câu rằng chuyện này đã qua rồi, ngày mai đừng có nhắc lại trước mặt cha mẹ.

    "Còn cần chàng nhắc à? Chàng đã ngốc nghếch hào phóng tiêu số tiền này rồi, thì ta cũng phải thể hiện chút mặt mũi trước mặt mẹ chứ? Nếu không chẳng phải là bị mất trắng à?"

    Trần thị tính toán nửa đêm, kết quả người tính không bằng trời tính. Nàng ta còn chưa kịp tìm cơ hội để khoe khoang thì Ngô thị đã đến tìm con trai lớn trước một bước, giao cho hắn một nhiệm vụ.

    Chuyện này còn phải nói lại từ đêm hôm tin tức Vệ Thành đỗ tú tài truyền đến.

    Đêm hôm ấy không yên bình, không chỉ vợ chồng Vệ Đại Lang cãi nhau mà bên Khương Mật cũng có chuyện, nàng không cãi nhau với người ta mà là nàng nằm mơ.

    Mới canh ba, Khương Mật tỉnh lại từ trong giấc mộng, mồ hôi lạnh chảy ròng ròng. Nàng đã cố gắng kiềm chế nhưng vẫn đánh thức chồng ở bên cạnh. Vệ Thành nhìn sang, sờ sờ nàng ở bên cạnh, hạ thấp giọng hỏi sao thế?

    Khương Mật phủ bàn tay vẫn còn đang run rẩy lên người chàng nói rằng không có gì, ngủ tiếp đi.

    Giọng nói của nàng yếu ớt, còn có chút bất an, không giống như không có chuyện gì. Vệ Thành nghĩ một chút liền xoay người xuống giường, mặc thêm chiếc áo khoác rồi đi thắp đèn dầu. Chàng quay đầu nhìn lại Khương Mật, thấy sắc mặt nàng đúng là trắng bệch.

    Vệ Thành lên giường, ôm nàng vào lòng hỏi có phải nàng lại mơ thấy ác mộng không?

    Khương Mật gật gật đầu.

    "Mơ thấy ta?" Khương Mật do dự một chút rồi lại gật gật đầu.

    "Ta làm sao?" Khương Mật vùi cả khuôn mặt vào ngực Vệ Thành, ấp úng nói:

    "Ngủ trước đi đã, trời sáng rồi lại nói. Đừng nháo loạn cả đêm không ngủ rồi sáng mai lại gật gù buồn ngủ cả ngày. Hơn nữa, chuyện này không phải một hai câu là có thể nói rõ ràng."

    Khương Mật biết chỉ cần nàng nói ra thì sau đó sẽ chẳng thể ngủ tiếp được. Nàng muốn nhịn đến trời sáng, kết quả là hai canh giờ sau cũng chẳng thể ngủ ngon được.

    Trong lòng nàng có chuyện.

    Vệ Thành cũng chẳng tốt hơn là bao, không ngừng nghĩ xem lần này lại xảy ra chuyện xúi quẩy gì nữa. Vốn dĩ cảm thấy đã đỗ tú tài rồi thì vận xui này sẽ biến mất rồi, hóa ra là vẫn còn. Một đêm dài đằng đẵng trôi qua thật chẳng dễ dàng. Gà vừa gáy, đôi vợ chồng ở phòng phía tây đều đã dậy cả rồi. Khương Mật đi nhà bếp nấu cháo. Nấu cháo xong dọn lên bàn, nàng phân vân hết lần này đến lần khác rồi mới ngẩng đầu lên nói với Ngô thị:

    Mẹ, đêm qua con lại nằm mơ thấy điều không tốt lành lắm.

    Ngô thị còn đang chìm đắm trong niềm vui được làm mẹ của tú tài, nghe thấy câu này suýt chút nữa đã ném vỡ cả chén cháo.

    "Con nói đêm qua con nằm mơ? Không tốt lành lắm?"

    Khương Mật chần chừ trong chốc lát rồi đổi một cách nói chính xác hơn:

    "Là rất không tốt."

    Nghe được câu này, cha Vệ cũng chẳng còn tâm tình nào mà ăn cháo, ông đặt chiếc bát xuống rồi hỏi:

    "So với lần trước thì sao?"

    Mấy người họ đều biết lần trước mà ông nói là chỉ bạn đồng môn họ Tào của Vệ Thành nợ tiền không trả được nên bị đánh. Khương Mật cúi đầu khẽ nói:

    "Nghiêm trọng hơn lần trước."

    Trong lòng Ngô thị đã xoắn hết cả lên rồi, bà bảo Khương Mật mau nói thẳng ra, đừng có lèo nhèo mãi.

    Khương Mật cố gắng tường thuật lại một lần nội dung trong giấc mơ một cách uyển chuyển. Đại khái là trong nhà bày tiệc rượu, có rất nhiều người đến ăn mừng. Trường hợp như thế này không thể thiếu được cha của Khương Mật.

    Cha Khương là cha vợ của Vệ Thành, vì thế nên biểu hiện của ông rất vui mừng, ngồi ở bàn chủ tọa uống nhiều hơn hai ly rượu. Ăn uống xong xuôi, khách mời cũng lục tục giải tán, mấy người nữ quyến đang giúp đỡ dọn dẹp, những người khác cũng lần lượt cáo từ. Cha Khương cũng đến lúc phải về.

    Ông uống cũng nhiều, là con rể nên Vệ Thành đi tiễn ông về. Cha Khương vừa đi vừa nói mấy câu với Vệ Thành, nói vui mừng đến mức còn khoa chân múa tay mấy cái. Thân hình Vệ Thành cũng không thể so với ông nông dân ở quê được, giữ người không chắc, thế là hai người bị ngã, ngã từ bờ ruộng xuống ruộng.

    Bắt đầu từ lúc này, trong giấc mộng rất hỗn loạn. Lúc thì khóc, lúc thì cãi nhau, vừa cãi nhau vừa xô đẩy, sau đó hình như còn đánh chết người, còn bày cả linh đường..

    Giờ đã là tháng mười một, cũng sắp tới năm mới rồi, nói những lời này quả thực là không may mắn, mấy lần Khương Mật suýt nữa thì không nói tiếp được. May mà có Vệ Thành vẫn luôn nắm tay nàng khích lệ.

    Đợi nàng nói xong, cả phòng lặng ngắt như tờ.

    Người nói đầu tiên là Ngô thị:

    "Hôm qua người nhà cũng đã ăn bữa cơm rồi, hay là không mở tiệc nữa?" Cha Vệ không đồng ý:

    "Trong thôn có biết bao nhiêu người nhìn vào, việc đại hỉ như thế này không mở tiệc không được. Hơn nữa, hôm qua lời ta nói đều đã truyền ra ngoài, đã nói là mấy ngày nữa mời khách, đều mời họ đến cả."

    "Vậy làm sao đây? Nếu như mở tiệc thì không thể không mời ông thông gia, ông thông gia đến chúng ta có thể ngăn cản không cho uống rượu ư? Nếu thực sự làm thế thì bảo người khác nhìn chúng ta ra sao?"

    Cha Vệ cũng đang suy nghĩ, nghĩ nửa ngày thì đưa ra kết luận là tiệc rượu vẫn phải bày, người vẫn phải mời, rượu cũng cứ để cho uống:

    "Đến hôm ấy, nếu như ông ấy uống say rồi thì chúng ta giữ ông ấy lại một lát, đợi tỉnh rượu rồi thì đưa ông ấy về."

    "Lỡ may ông ấy uống say rồi cứ khăng khăng đòi về thì sao? Cũng không thể trói người lại được."

    Cha Vệ suy đi tính lại, chuẩn bị hai biện pháp. Nếu thông gia uống say rồi thì tốt nhất là đừng về vội. Nếu như ông ấy nhất định muốn đi về, thì để Đại Lang đưa về.

    Tam Lang không đỡ được nhưng Đại Lang khỏe mạnh như thế thì không có vấn đề gì cả. Nếu vẫn còn chưa yên tâm thì bảo cả Nhị Lang cùng đưa về. Hai huynh đệ chúng nó mà không đỡ được một người sao? Có thế mà cũng không xong thì đừng làm ruộng nữa.

    Ngô thị cũng chẳng có cách nào tốt hơn, bà nghĩ thầm bảo Đại Lang và Nhị Lang cùng đi chắc chắn hơn nhiều so với Tam Lang nên cũng gật gật đầu:

    "Rồi ta sẽ đi bảo chúng nó."

    Vệ gia chuẩn bị bày tiệc rượu mừng, sau khi chọn được ngày tốt, Vệ Thành đích thân đi Tiền Sơn thôn mời cha vợ. Còn bà con cùng thôn do cha Vệ đi mời. Ngô thị gọi Đại Lang và Nhị Lang vào, giao việc cho họ.

    Bà bảo hai người họ trở về bảo vợ hôm đó đến sớm để phụ giúp, giao cho họ đi mượn bàn ghế và bát đũa. Quan trọng là đến hôm ấy không được say rượu, việc mời rượu tiếp khách cứ giao cho chồng bà và Tam Lang, hai người họ phải phụ trách việc đưa khách uống say, đi không vững về nhà. Muốn uống rượu thì đợi đưa người về xong hẵng uống..

    Hai người con cảm thấy mẹ nghĩ nhiều quá nhưng Ngô thị đã sắp xếp như vậy mà cha của họ cũng đồng ý nên Đại Lang và Nhị Lang cũng chẳng thể phản đối. Hai người họ lần lượt đồng ý.

    Sau khi nhớ rõ những lời mẹ nói xong, hai người ai về nhà nấy.

    Vợ Đại Lang lập tức tiến lên đón, nàng ta nói:

    "Mẹ gọi chàng sang làm gì? Có phải vì chuyện bày tiệc rượu mừng không?"

    "Đúng thế."

    "Cần chúng ta bỏ tiền, bỏ sức?"

    "Không cần chi tiền, mẹ bảo nàng đến sớm giúp đỡ."

    Vợ Đại Lang nghe chưa hiểu rõ:

    "Cần ta giúp đỡ thì gọi chàng sang làm gì?"

    "Mẹ bảo ta và Nhị Lang đi mượn bàn ghế và bát đũa, còn bảo đến hôm ấy chúng ta đừng uống rượu, uống nhiều không tiễn khách được."

    Vợ Đại Lang ngây hết cả người rồi.

    Trong nhà bày tiệc mà bảo chồng nàng không uốn rượu?

    Đến lý do cũng kéo bừa một cái ra như thế, nói là say rượu không tiễn được khách.

    "Chàng bảo ta keo kiệt, nhưng mẹ còn kiệt hơn ta nhiều. Tam Lang đỗ tú tài, trong nhà bày tiệc mừng mà lại không cho chàng uống! Chuyện thế này ta chưa bao giờ nghe thấy! Nói ra người ta cười chết mất!"

    Vệ Đại Lang vội giải thích:

    "Nàng hiểu lầm rồi, không phải là mẹ muốn tiết kiệm mà là nếu huynh đệ chúng ta muốn uống thì đợi tiễn khách về xong rồi hẵng uống."

    "Chỉ có chàng tin! Chàng trở về rồi thì mẹ sẽ bảo chàng phụ giúp thu dọn, bảo chàng đi trả bàn ghế và bát đũa. Xong hết việc rồi thì bảo chàng về, còn uống cái khỉ gì nữa! Chàng đừng nghe mẹ nói làm gì, đến hôm ấy nên uống thì cứ uống, uống nhiều hơn hai chén mới đủ vốn. Uống vào bụng rồi mẹ còn bắt chàng nhổ ra được chắc. Đã là mời khách cho Tam Lang thì tiễn khách cũng chẳng đến lượt chúng ta."

    Vệ Đại Lang nghe được thì nhíu mày, trong lòng không đồng ý với lời nói của vợ, nhưng lại khống muốn cãi nhau với nàng nên đơn giản nhất là im miệng.

    Nói ít hai câu, nghe mẹ sắp xếp là được.

    Lúc này, vợ Đại Lang đang thầm tính toán. Thấy hôm ấy sang giúp đỡ có thể ăn lại một bữa, lại nghĩ hiếm khi mẹ hào phóng một lần, phải ăn nhiều hơn một chút. Nói chung là mặc dù Trần thị còn buồn bực vì chuyện mua rượu hai ngày trước, nhưng thấy có cơ hội có thể ăn bù lại thì nàng ta cũng chẳng còn cảm thấy quá khó chịu.

    Người thực sự khó chịu phải là mẹ kế của Khương Mật.

    Vệ Thành đích thân đi Tiền Sơn thôn, nói với cha Khương rằng chàng đã đỗ tú tài, lại nói đến việc nhà mình bày tiệc rượu mời khách, cha Khương nghe đến việc này thì rất vui mừng.

    Cho dù ông không thương yêu Khương Mật nhiều lắm, nhưng có thể có một người con rể là tú tài thì ông cũng thấy là chuyện may mắn lớn rồi. Cha Khương luôn miệng đồng ý, lôi kéo Vệ Thành ngồi nói chuyện một lát, hỏi rất nhiều vấn đề, còn muốn giữ chàng ở lại ăn cơm.

    Cha Khương vui mừng rồi đợi sau khi Vệ Thành rời đi còn nói với con trai, bảo nó nên gần gũi với anh rể nhiều hơn, không thiệt đâu.

    Mẹ kế của Khương Mật ở ngay bên cạnh, trên mặt cố giữ nụ cười nhưng trong lòng lại vô cùng khó chịu, bàn tay siết chặt lại giấu trong tay áo. Nghĩ đến thầy bói nói Khương Mật có mệnh tốt, sau này ra ngoài có xe có kiệu đưa rước, về nhà có người hầu hạ.. nàng có mệnh tốt đến thế sao? Vệ Tam Lang nhiều năm liền gặp xui xẻo, tới khi nàng gả đến thì lại đỗ tú tài!

    Thầy bói nói đúng rồi!

    Ngẫm lại thầy bói còn nói cái gì?

    Nói nàng chỗ nào cũng tốt, duy chỉ có một điều là không có lợi cho huynh đệ, giữa nàng và huynh đệ chỉ có một người được tốt.

    Nghĩ đến đây, mẹ kế đã đứng không vững rồi tức giận bỏ đi.

    Giờ làm sao đây!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...