Du học mỹ bậc đại học: Dễ hay khó?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Bluee, 9 Tháng năm 2020.

  1. Bluee

    Bài viết:
    1
    Chào mọi người! Hiện nay, nhu cầu đi du học Mỹ đang tăng cao, nhất là đối với các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam.

    Hôm nay, mình viết bài này với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm tự làm hồ sơ du học Mỹ của mình. Mình đã tự làm hồ sơ và nộp đơn thành công vào 20 trường đại học của Mỹ và đã được 18 trường chấp nhận.

    Xin lưu ý đây chỉ là kinh nghiệm, cách nhìn tích góp dựa trên những gì mình trải qua, mình vẫn khuyến khích các bạn tìm hiểu thêm thông tin các trường đại học trên Google!

    1. Xác định ngành học của bạn

    - Đầu tiên, cũng như là việc quan trọng nhất chính là xác định được ngành học của bản thân. Bạn thích học ngành gì? Bạn giỏi nhất làm gì? Một lời khuyên từ mình là bạn hãy tìm hiểu về ngành dự định học thật kĩ, tham khảo kinh nghiệm của các anh chị đi trước để chắc chắn nhé!

    2. Xác định các trường bạn sẽ nộp đơn

    - Sau khi xác định được ngành học, bạn phải tìm hiểu về những trường đại học bạn dự định sẽ nộp đơn.

    - Việc này có thể được quyết định bằng nhiều yếu tố:

    A. Xếp hạng của trường đại học (bạn có thể tham khảo trên các trang xếp hạng như Niche hoặc USNews)

    B. Thời tiết và khí hậu (bản thân mình không chịu lạnh được nên các trường của mình toàn ở những khu vực nóng ấm)

    C. Khả năng chi trả của gia đình (thường du học sinh phải trả mắc gấp hai lần so với học sinh bản địa, có một vài trường sẽ có cho hỗ trợ tài chính và học bổng cho du học sinh nhiều hơn)

    D. Tỷ lệ tốt nghiệp

    E. Khả năng tìm việc làm

    Vân vân..

    Lưu ý: Các trường sẽ thu 1 khoảng tiền từ $50-$100 cho đơn nộp nhé, hãy cân nhắc số trường bạn dự định sẽ nộp nha!

    3. Bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ thôi!

    - Việc nộp hồ sơ vào đại học nên được chuẩn bị từ rất sớm, từ giữa hoặc cuối năm 11.

    - Ở Mỹ thời hạn nộp hồ sơ có 3 loại:

    A. ED/ Early Decision: Nếu bạn nộp hồ sơ cho trường với ED, bạn phải ký một hợp đồng cam kết với nhà trường. Khi bạn được nhà trường chấp nhận, bạn bắt buộc phải nhập học trường này. Bạn chỉ được nộp một đơn xin ED cho một trường duy nhất. Thời hạn cho ED thường là 1-15/11

    B. EA/ Early Action: Khác với ED, học sinh nộp đơn theo dạng EA quyền được lựa chọn nhiều trường khác nhau và không bị bắt buộc phải học một trường nào cả. Thời hạn cho EA cũng thường là 1-15/11. Nhiều nguồn tin không chính thức cho biết học sinh nộp đơn dạng EA có khả năng đậu cao hơn RD (mình sẽ nhắc tới ngay sau đây).

    C. RD/ Regular Decision: Khi bạn nộp hồ sơ dạng RD, bạn có thời hạn chuẩn bị lâu hơn ED và ED. Thời hạn cho RD thường nằm vào tháng 1 hoặc 2 . Tuy nhiên, nộp hồ sơ dạng RD sẽ cạnh tranh hơn so với EA. Vậy sự khác nhau giữa EA và RD là gì? Các ứng viên nộp hồ sơ dạng EA khi bị từ chối sẽ được chuyển hồ sơ xuống dạng RD, để tiếp tục được xét duyệt cùng với những bạn nộp RD.

    Vậy một bộ hồ sơ nộp đại học Mỹ cần những gì?

    - Các trường sẽ có những yêu cầu khác nhau, nhưng chủ yếu chắc chắn bao gồm những phần sau:

    A. Bảng điểm cấp 3 của bạn, điểm trung bình thường là phải từ 7.0 trở lên nhé.

    B. Chứng chỉ chứng minh độ thành thạo trong ngôn ngữ tiếng Anh: IELTS hoặc TOEFL (Cá nhân mình thi IELTS)

    C. Điểm SAT . SAT là một kì thi đánh giá học sinh dựa theo các kĩ năng Đọc hiểu - Ngữ pháp - Toán. SAT là một thước đo cực kì quan trọng trong kì tuyển sinh đại học Mỹ.

    D. Một số trường thứ hạng cao như các trường Ivy League (8 trường đứng đầu nước Mỹ) có thể yêu cầu thêm SAT II . Khác với SAT, SAT II là kì thi đánh giá năng lực theo từng môn học riêng. Có kì thi SAT II cho các môn Toán, Lý, Hóa, ngôn ngữ..

    E. Bài luận chính . Bài luận chính là một thành phần gần như không thể thiếu trong kì tuyển sinh của đại học Mỹ, yêu cầu viết tối đa từ 500-650 từ. Các đề tài dù có thay đổi mỗi năm nhưng nhìn chung vẫn không khác nhau mấy, chủ yếu là yêu cầu bạn kể lại quá trình học tập, phát triển, kinh nghiệm và tham vọng của bản thân. Mình khuyến khích chuẩn bị ý tưởng càng sớm càng tốt . Một bài luận hay phải là bài luận của riêng bạn, gồm những câu chuyện của riêng bạn.

    F. Một số trường đại học sẽ yêu cầu thêm các bài luận phụ từ 100-250 từ, chủ yếu hỏi về lý do vì sao bạn chọn ngành học này, tại sao nhà trường nên nhận bạn..

    G. Thư giới thiệu . Hầu hết các trường đều yêu cầu thư giới thiệu thì một hoặc hai giáo viên của bạn, bạn có thể nhờ ai viết cũng được nhé! Lưu ý, bạn nên nói với giáo viên chủ nhiệm từ sớm để họ có thời gian chuẩn bị. Ở Việt Nam mình thấy có nhiều bạn tự viết rồi đưa giáo viên ký, vậy cũng không sao đâu nha!

    H. Một số trường có thể yêu cầu gia đình nộp bảng thống kê tài chính và giấy xác nhận số dư của phụ huynh để chắc chắn rằng bạn sẽ có đủ khả năng tài chính chi trả cho ít nhất năm đầu tiên đi du học.

    I. Hoạt động ngoại khóa . Hoạt động ngoại khóa là một thành phần cực kì quan trọng và chắc chắn không thể thiếu trong bất kì hồ sơ tuyển sinh nào. Khi bạn nộp hồ sơ, trường sẽ yêu cầu bạn liệt kê ra những công việc bạn làm không nằm trong giờ học. Bạn có thể làm bất kì công việc nào: Tạo một câu lạc bộ, tình nguyện viên, tổ chức quyên góp tiền, giúp xây thư viện vùng cao.. Thông thường, nhà trường sẽ tin tưởng bạn và không kiểm tra xác thực thông tin, nhưng có một vài trường hợp sẽ được yêu cầu nộp giấy xác nhận.

    Lưu ý: Bạn đừng nghĩ là cần phải tham gia càng nhiều hoạt động ngoại khóa càng tốt nhé! Các trường đại học sẽ thích những bạn nào làm một công việc trong thời gian lâu dài hơn, điều đó thể hiện sự quyết tâm của bạn, hướng đến một mục tiêu tốt đẹp. Ngoài ra, nếu bạn có nhiều hoạt động ngoại khóa nhưng lại không thể hiện được điều đó qua hồ sơ hay các bài luận của trường thì nhà trường sẽ không coi trọng hoặc không tin tưởng những hoạt động đó đâu.

    - Các trường đại học Mỹ sẽ gửi thư mời nhập học qua email hoặc tài khoản của nhà trường cung cấp cho bạn, thông thường là vào tháng 3 hoặc 4, tùy vào loại hồ sơ bạn nộp. Bạn có tới 30/4 để quyết định nhập học hay không và nhập học trường nào. Khóa học mùa thu thường bắt đầu vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9.

    - Thư mời nhập học chính thức và I-20 của nhà trường sẽ được gửi về địa chỉ nhà bạn, thông thường sẽ tới vào giữa tháng 6. I-20 là giấy chứng nhận của trường đại học nơi bạn nhập học gửi cho Sở Di Trú Mỹ, cực kì quan trọng. Sau khi có I-20 và thư mời nhập học rồi thì bạn đăng ký phỏng vấn xin visa nhé.

    - Lệ phí yêu cầu là $200 phí SEVIS và $160 phí phỏng vấn, đây là giá mình làm năm ngoái nên có thể có thay đổi. Nếu bạn không tự tin vào khả năng tiếng Anh của bản thân thì hãy tìm một trung tâm uy tín giúp bạn luyện phỏng vấn nhé. Về hồ sơ phỏng vấn xin visa, mình xin phép viết một bài riêng về chủ đề này.

    Chúc các bạn may mắn!
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...