Tự Truyện Có Lẽ Đã Tới Lúc Cần Phải Đứng Dậy - Nguyễn

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Tâm Quân, 11 Tháng ba 2020.

  1. Tâm Quân

    Bài viết:
    5
    Có Lẽ Đã Tới Lúc Cần Phải Đứng Dậy

    Tác Giả: Nguyễn​

    [​IMG]

    Tôi từng là một người rất lạc quan, lạc quan theo đúng nghĩa mà chúng ta thấy. Tôi từng thấy màu xanh non mơn mởn của những tán cây, thấy màu xanh dịu nhẹ của bầu trời và thấy cả màu hồng của những ước mơ. Tôi đã từng là một đứa trẻ vô lo vô nghĩ, luôn sống hết mình và cười một cách chân thật nhất. Cho tới một ngày, tôi nhận ra thế giới xung quanh tôi đã dần mất đi màu sắc, mọi thứ chỉ toàn là một màu xám ảm đạm. Đó là lúc căn bệnh trầm cảm của tôi bắt đầu xuất hiện. Tôi dần ưa thích bóng tối, thứ mà tôi đã từng rất ghét. Tôi dần sợ hãi những đám đông, ghét những tiếng ồn và ưa thích sự tĩnh lặng. Những bức tranh tôi vẽ không biết từ lúc nào cũng chỉ còn một màu đen xám của chì, chỉ cần thêm vào một chút màu sắc liền trở thành phế phẩm, mãi mãi không thể cứu vãn. Tủ quần áo của tôi cũng toàn bộ đều được thay đổi, tất cả chỉ có một màu, đen.

    Tôi dần thu mình vào bóng tối, đứng một góc rồi nhìn ra thế giới ngoài kia, quan sát, nhận xét. Những suy nghĩ của tôi chỉ toàn hướng về phía tiêu cực. Tôi dần dần khó tính hơn, dễ nổi nóng trong những cuộc nói chuyện mặc dù những chuyện đó là thực sự không đáng. Mỗi lần như vậy, khi ngồi một mình ngẫm lại tôi đều cảm thấy bản thân thật vô dụng. Tôi đã không thể kiểm soát chính mình, mọi cảm xúc dường như bị dồn nén, dần dần bị thứ gì đó cắn nuốt.

    Bạn bè nói tôi lầm lì, ba mẹ nói tôi bướng bỉnh, ngu ngốc, anh chị nói tôi không biết giao tiếp, nhưng thực sự họ không hiểu có chuyện gì đang xảy ra bên trong tôi. Tôi dần dần trở nên ít nói, cảm nhận trái tim trong lồng ngực mỗi ngày một lạnh thêm, cảm thấy buồn bực, tủi thân vì những người thân không hiểu mình. Tôi đang dần chết lặng trong chính bản thân, đưa ánh mắt cầu cứu tới họ nhưng không ai hiểu.

    [​IMG]

    Tôi quyết định cách xa gia đình, quyết định chọn thi vào một ngôi trường cấp ba có kí túc xá. Toàn bộ học phí đến chi phí ăn ở của tôi đều do nhà nước chi trả, nhưng tôi không cảm thấy có gì đáng để vui vẻ. Khoảng cách giữa tôi và ba mẹ ngày càng xa hơn. Những cuộc trò chuyện một hai lần trong năm đều kết thúc bằng những cuộc cãi vã, để rồi tôi tới trường bằng chính sự thờ ơ của người thân.

    Càng lên cao kiến thức càng nhiều, mọi áp lực học tập thi cử đổ dồn vào tôi. Ngày thi đại học gần tới, trong đầu tôi chỉ toàn là những câu nói của ba mẹ cằn nhằn về tiền bạc, tôi cảm thấy mình muốn giải thoát. Nhưng tôi không thể. Tôi không có quyền làm vậy, tôi vẫn có thể nhận biết được trên vai mình đang gánh là cả một gia đình. Cho dù hiện tại cái gánh nặng ấy chưa thực sự đè xuống. Tôi im lặng lau đi nước mắt, thầm nhủ bản thân phải mạnh mẽ, cố gắng hơn. Tôi bắt đầu đeo lên mặt mình một chiếc mặt nạ biết cười.

    Ngày lễ bế giảng cuối cấp, ba mẹ tôi bận việc, tôi hiểu. Khi gọi điện, tôi đã nói với mẹ qua điện thoại rằng không cần đến, con không sao, ba mẹ có đến con cũng chưa thể về. Nhưng khi ngày ấy tới, tôi đưa mắt nhìn những người ba, người mẹ lên chăm sóc con cái, cả gia đình họ chuyện trò nói cười vui vẻ, tôi chợt cảm thấy chạnh lòng, buồn bã. Lúc ấy tôi thực sự chỉ có một điều ước nhỏ nhoi, ước rằng khi tôi ngước mắt lên, người đứng trước mặt tôi sẽ là ba mẹ.

    Cuộc thi đại học kết thúc sau bao lần thức đêm mệt mỏi, cánh cửa đại học mở ra với tôi. Ngay khi đứng trước ngưỡng cửa ấy, tôi chợt phân vân. Tôi đang đứng ở một ngã ba mà phía trước tôi là hai ngã rẽ, một hướng là tôi sẽ dứt khoát bỏ đi kết quả thi ấy, bắt đầu đi làm kiếm tiền rồi sau đó sẽ đi học, ngã thứ hai tôi sẽ phải dựa vào số tiền của ba mẹ, tiếp tục học tập. Ngay khi tôi định chọn con đường thứ nhất thì mẹ tôi lại cam đoan bản thân có thể lo được cho tôi. Tôi nhắm mắt quyết định tin tưởng, bước một chân vào cánh cửa đại học lộng lẫy tráng lệ. Nhưng hiện thực lại tiếp tục đánh cho tôi một cái tát, thứ tôi phải lo nghĩ không đơn giản chỉ là việc học, cuộc sống sinh viên còn phải lo chi tiêu hàng tháng, lo làm sao kiếm thêm phụ giúp bố mẹ. Những suy nghĩ ấy cứ quanh quẩn trong đầu tôi khiên cho việc học của tôi ngày càng sa sút, tôi bắt đầu cảm thấy chán nản. Căn bệnh mà tôi tưởng chừng như có lẽ đã khỏi lại dần dần xuất hiện và ngày càng trở nặng khi mỗi lần gặp mặt mẹ tôi đều nhắc tới tiền.

    Nói theo một cách nào đó thì là mẹ tôi lo lắng tôi tiêu xài hoang phí, nhưng theo một hướng khác nó lại vô tình gây cho tôi một áp lực rất lớn. Thú thực, là một sinh viên sống giữa thành phố Hà Nội mỗi tháng trong tay chỉ có hai triệu đã là rất khó khăn, mọi thứ đều phải suy nghĩ, ăn uống cũng đều phải dè xẻn. Áp lực của tôi ngày càng nhiều, bố mẹ tôi thì lại càng không hiểu. Họ chỉ hiểu mỗi ngày họ có thể kiếm ra bao nhiêu, có thể cho tôi bao nhiêu để đi học, tìm mọi cách để rèn tôi không được tiêu xài hoang phí..

    Tôi vẫn đến lớp ngày ngày đều đặn, nụ cười trên môi tôi cũng ngày càng nhiều, những suy nghĩ, cảm xúc đều bị dìm xuống. Không ai biết tôi đang đau, không ai biết tôi thực sự cần một người ở bên, cũng chẳng ai thấu hiểu. Ba mẹ người đã từng cho rằng hiểu tôi nhất lại thực sự không phải. Có những lúc tôi bất chợt nghĩ, nếu như mỗi lần tôi ốm yếu gần như kiệt sức, tôi không hề nói ra liệu họ có biết? Nếu như có một ngày tôi kiệt sức rồi biến mất trong chính phòng trọ của mình, phải mất bao lâu họ mới tìm ra? Những lần như vậy tôi chỉ có thể cười buồn.

    Có lần, tôi đi ăn với đám bạn, có một người đã nói một câu nói khiến lòng tôi xiết lại, đau nhói. Cô ấy nói cô ấy thực sự không biết tôi đang vui hay đang buồn, vì lúc nào tôi cũng cười. Có lẽ cũng đúng, vì nụ cười ấy đã dán trên mặt tôi, nó như một chiếc mặt nạ đã đeo lên quá lâu rồi đến mức tôi quên cách làm thế nào có thể tháo xuống.

    Tôi ngày càng suy nghĩ nhiều hơn, mỗi đêm đặt đầu xuống gối nhắm mắt lại trong đầu đều là làm thế nào để kiếm được thêm tiền phụ giúp bố mẹ, làm thế nào để qua môn, làm thế nào để.. Chúng cứ đeo bám lấy tôi đến mức não tôi gần như muốn nổ tung. Rồi sau đó tôi đành ngồi dậy, lặng lẽ dựa vào một góc tường, mệt mỏi về tương lai. Tôi bắt đầu suy nghĩ đến việc mình có nên dừng lại? Liệu việc tôi bước vào cánh cổng đại học ấy có phải là lựa chọn đúng hay không? Tôi muốn bỏ cuộc, tôi thực sự mệt mỏi rồi. Nhưng mỗi lần nghĩ đến gánh nặng trên vai, nghĩ đến sự thất vọng trên khuôn mặt ba mẹ, nghĩ đến những miệt thị của hàng xóm khiến tôi phải cắn răng đứng dậy. Tôi đã không có quyền dừng lại rồi. Con đường này vốn không phải của mình tôi.

    Hết.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng ba 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...