Truyện ma thời niên thiếu Thể loại: Kinh dị Tác giả: Bái Mai Hoa Box góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Sáng Tác Của Bái Mai Hoa Văn án: Câu chuyện mà tác giả viết ra là tổng hợp những chuyện ngắn kinh dị, bí ẩn, ly kì, dựa trên việc thật, người thật mà tác giả đã nghe được từ người khác và có một số chuyện chính bản thân tác giả đã trải qua suốt thời niên thiếu, với hơn 10 năm sống tại đất Bắc.
Câu chuyện thứ nhất: Xe Tang. Bấm để xem Tuyển tập truyện ma thời niên thiếu. Tác giả: Bái Mai Hoa. Câu chuyện thứ nhất: Xe Tang. Tôi sinh ra tại Sài Gòn, nhưng lại gắn bó tuổi thơ của mình tại một làng quê nghèo thuộc tỉnh Hải Dương. Giống như bao ngôi làng khác của làng quê Việt Nam. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, trồng lúa, ngô, khoai, sắn.. Nhưng tôi chắc chắn rằng, mỗi làng quê lại khoác lên mình một màu sắc bí ẩn rùng rợn sau bóng lũy tre làng, làng tôi cũng vậy. Thời bấy giờ còn nghèo lắm, đến việc mưu sinh còn khó khăn, chứ nói gì đến việc được ngồi trong phòng lạnh, trên tay là các thiết bị điện tử giải trí. Chính vì nghèo cho nên một số việc lại sinh ra đơn giản. Ví như phong tục mai táng, như tục lệ xưa khi làng có người chết, thì sẽ liệm trong quan tài 2 ngày (tính từ ngày nhập quan), sau đó quan tài sẽ được đưa lên một chiếc xe tang, chiếc xe được thiết kế với hình các loài thần thú: Long, phụng.. Rồi tiễn biệt người đã khuất ra nghĩa địa ngoài cánh đồng. Có thể nói rằng thời đấy con người ta sống thì ra đồng làm việc và khi chết đi thì cũng lại ra đồng làm nhà. Khi sống thì là người của làng và khi chết đi lại làm Ma của làng. Chiếc xe tang đó là tài sản chung, dùng chung của cả làng. Cũng không biết chiếc xe tang đó đã tiễn biệt bao nhiêu người từ đất người sống đến với đất người chết, bao nhiêu thi thể, bao nhiêu người làng ra đồng. Chỉ biết chiếc xe tang đã cũ lắm rồi, nước sơn đã phai nhạt lại thành màu nâu xỉn, đen sì. Làng tôi có một khoảng đất rất rộng, được lát gạch đỏ mà dân làng thường gọi là sân kho. Chiếc xe tang được đặt trong một căn phòng nhỏ cuối sân, căn phòng không có cửa, cũng chẳng sợ mất trộm, vì chẳng ai điên tới mức lại đi trộm xe tang cả. Chuyện xảy ra năm tôi 9 tuổi, tôi còn nhớ rõ lúc đó là vào tháng 11 đầu đông, trời rất lạnh, gió mùa Đông Bắc thổi về như những con dao lóc thịt cắt lên da thịt, tê cứng và buốt giá. Lúc đó đã vào khoảng 21h đêm, ở quê người dân thường có xu hướng ngủ sớm, huống hồ lại vào mùa đông. Nhà nhà đã đóng cửa cài then, tắt đèn lên giường đi ngủ từ lâu. Hôm đó, tôi qua nhà bác ruột chơi, tính ngủ lại, nhưng ma xui quỷ khiến thế nào tôi lại đi về. Quãng đường từ nhà bác về nhà bà ngoại tôi không xa (hồi nhỏ tôi ở với bà) nhưng phải đi ngang qua sân kho và phải đi ngang qua chỗ để chiếc xe tang đó. Mọi chuyện kinh khủng sắp sửa bắt đầu. Vậy là giữa một đêm đông lạnh giá, gió thổi rì rào qua các hàng cây, một đứa trẻ vẫn lững thững bước đi. Đầu và cổ tôi cố rụt lại cho khỏi lạnh, xung quanh ngoài tiếng gió, là màn đêm u tịch. Lâu lâu tiếng chó sủa từ các ngôi nhà gần đó lại vang lên văng vẳng. Tôi cứ bước dần như vậy, đến khi gần tới chỗ chiếc xe tang, thì lúc này tôi cảm giác được có một cơn gió lạnh toát thốc mạnh vào người tôi. Đáng sợ hơn nữa, ngọn nguồn của cơn gió là từ chỗ chiếc xe tang. Tiếng chó sủa văng vẳng bỗng im bặt, thay vào đó gió nổi lên mỗi lúc một lớn, rồi đồng loạt lũ chó ở mấy khu nhà đó đồng loạt tru lên thê lương từng hồi. Đập vào mắt tôi là hình ảnh chiếc xe tang vẫn đứng đó lầm lũi, im lìm một cách đáng sợ. Nhưng, khoan đã, tôi chợt thốt lên trong đầu, hình như, hình như có ai đó đang ngồi trên chiếc xe tang. Lúc đó tôi thực sự hoảng sợ, tôi tính thét lên, nhưng không hiểu sao âm thanh lại không ra được khỏi cổ họng, như kiểu có cái gì đó bóp chặt lấy cổ họng mình, thở còn khó chứ nói gì đến việc thét. Thứ âm thanh duy nhất tôi nghe được là tiếng ú ớ trong vòm họng mình. Bóng người đó đang ngồi trong tư thế hai tay ôm gối, đột nhiên nó ngẩng đầu lên nhìn tôi. Khoảnh khắc đó tim tôi như ngừng đập, khi mà hai con mắt nó đỏ như hòn than. Sau đó tôi nghe thấy tiếng cười của nó, cứ khùng khục khùng khục, tiếng cười như kiểu một người đang nghẹn thức ăn. Rồi nó đưa tay vẫy vẫy, vừa vẫy vừa nói: "Lại đây, lại đây, vào chơi với tao.." Có một điều mà tôi khẳng định là nó không phải người sống và cái giọng mời chào đấy cũng chẳng phải giọng của một người còn thở. Bởi vì cái giọng đấy nó thê lương, nó cứ văng vẳng ở đâu dội lại, không phân biệt được đàn ônh hay đàn bà, cứ the thé the thé, rồi lại rì rà rì rầm như tiếng côn trùng kêu. Tiếng gió thổi qua làn cây rì rào, tiếng chó tru, và tiếng mời chào quyện lại với nhau tạo thành một thứ âm thanh vô cùng quái dị, nó dội thẳng vào trong tâm trí tôi. Tự nhiên hai chân tôi cử động, mặc dù trong đầu vẫn cố gắng gào lên, đừng đi đừng đi, lúc đấy không phải tâm trí mình làm chủ mà như một lực lượng vô hình nào đó chiếm hữu lấy tôi. Tôi cứ bước dò dẫm từng chút một, hình ảnh nó ngồi trong chiếc xe tang ngày càng gần, nó vẫn giữ nguyên tư thế đó, đưa tay mời chào tôi vào với nó. Thời gian đã sắp hết. Khi tôi tưởng mình sắp chết đến nơi. Thì tôi nghe thấy tiếng gậy gỗ gõ cọc cọc cọc xuống đất. Rồi cơ thể tôi nhẹ bẫng, những cái thứ vô hình đàn chiếm hữu tôi dường như biến mất. Tôi cố ngoảnh đầu ra sau, thì thấy một hình bóng đang đi về phía này. Hình bóng đó chống gậy rồi lên tiếng hỏi: "Thằng Đức đó phải không?". Lúc này tôi muốn òa khóc, là bà ngoại tôi, vì thấy tôi mãi không về nên bà chống gậy vào nhà bác. Cái bóng biến mất, trong chiếc xe tang chỉ còn một khoảng đen trống rỗng đáng sợ. Tôi cố chạy ra chỗ bà tôi, nhưng hai chân cứ nhũn ra vì quá sợ. Tôi chỉ kịp gào lên:"Bà ơi, Bà ơi bà, cứu cháu với.. Rồi tôi ngất xỉu. Sáng hôm sau tỉnh dậy thì tôi đang nằm ở nhà bà, xung quanh là các cô các bác chạy ra hỏi thăm. Tôi kể lại những gì mình thấy đêm qua cho mọi người. Ai cũng cười rồi nói tôi nhìn gà hóa quốc, nhưng nét mặt ai cũng tái đi trông thấy. Sau vụ đấy, làng tôi lại sơn lại chiếc xe tang đó, nhưng tôi nhìn nó vẫn vậy. Vẫn cái kiểu cũ xì và u ám.
Câu chuyện thứ hai: Ma Giấu. Bấm để xem CÂU CHUYỆN THỨ 2: MA GIẤU. Đối với người làm nông, người bạn không thể thiếu được với họ là con trâu, con bò. Còn đối với lũ trẻ ở quê, không có gì thú vị hơn là chăn trâu, chăn bò. Chăn dắt chúng đi từ làng này qua làng khác, từ cánh đồng này qua cánh đồng khác. Đôi khi cột chúng lại tại một cái cây nào đó, rồi cả lũ trẻ lại ùa nhau cùng nô đùa, quậy phá. Cuộc sống bình thản là thế, vui thú là thế, ấy vậy mà thằng bạn tôi lại gặp phải chuyện kinh dị, khiến việc chăn trâu, bò chẳng còn vui thú như trước nữa. Năm đó tôi 13 tuổi, sau khi nghe tin thằng bạn thân bị mất tích 1 ngày, gia đình và bà con làng xóm ùa nhau đi tìm nó. Thì thấy cu cậu đang nằm giữa bụi tre, trong miệng thì toàn ngậm đất sét, bụng nó cũng căng tròn toàn là đất sét. Gia đình phải đưa nó lên trạm y tế để rửa ruột. Sau này, có lúc nhàn rỗi, tôi hỏi nó chuyện. Thì được nó kể lại rằng, chẳng là hôm ấy vào lúc gần trưa, nó đem trâu ra buộc tại bụi tre, tính nằm ngủ một giấc, lúc này cu cậu bỗng buồn đi vệ sinh. Thấy có ụ đất nhô cao, thế là tè lên đó luôn. Xong xuôi cu cậu đi ngủ, nằm mãi chẳng ngủ được, phần vì nóng, phần vì đói. Cu cậu tính để trâu ở đấy chạy về nhà ăn cơm, lúc này trời đã giữa trưa rồi. Nhưng chẳng hiểu sao, có một đoạn đường đi từ đồng về nhà nó khoảng tầm 15 phút thôi. Mà cu cậu đi gần tiếng đồng hồ rồi chưa thấy về, người cứ mơ mơ màng màng, đi hoài đi mãi mà chẳng thoát khỏi đoạn đường có bụi tre. Đúng lúc này thì nó thấy có một bà lão ngồi ven đường, đầu đội nón lá, cái nón che khuất cả khuôn măt. Tay bà lão đang kẹp 1 cái thúng, bên trong toàn bánh là bánh. Cu cậu đói quá đành dừng lại, bạo gan ngồi xuống cạnh bà lão xin cái bánh ăn cho đỡ đói. Chẳng thấy bà lão nói gì, chỉ thấy cái nón lá rung rung. Tựa như bà lão gật đầu đồng ý. Thế là cu cậu sà ngay xuống lấy bánh ăn, cu cậu còn nói bánh rất là ngon, thậm chí nó còn ngửi được mùi đậu xanh trong bánh. Ăn một cái thấy chưa đã thèm, cu cậu bèn mạnh dạn ăn thêm 1 cái nữa. Chẳng thấy bà lão nói gì. Thế là cu cậu cứ tiếp tục ăn. Điều kì lạ là cu cậu càng ăn càng thấy đói. Ăn mãi ăn mãi không ngừng. Rồi tự nhiên nó thấy bà lão ngẩng đầu lên nhìn nó. Nhưng ôi thôi cái đầu bà lão sao chỉ còn mỗi cái sọ người thế này. Lúc này nó thấy trời đất quay cuồng, hai mắt tối sầm lại. Khi tỉnh lại thì đã thấy mình xuất hiện ở trạm y tế xã. Thằng này lúc đó mụ mẫm hết đầu óc, giữa trưa trời nắng chang chang, ai dỗi hơi đâu lại ra giữa đồng vắng mà ngồi, lại cho nó ăn bánh. Sau nghe mẹ nó kể lại rằng nó ngồi giữa bụi tre gần con trâu mà nó cột ở đó. Vậy mà gia đình ra dắt trâu về, thì chẳng ai thấy nó. Nó ở trong bụi tre qua một đêm, tờ mờ sáng hôm sau, gia đình mượn mấy con chó mực đi tìm, thì thấy cu cậu ngồi xổm trong đó, hai tay nắm lấy hai cây tre ngay bên cạnh, mắt trợn trắng cứ rên ư ử. Trong khi đó bụi tre cực kỳ rậm rạp và nhiều gai, vậy mà nó chui vào đó chẳng sứt mẻ một tí nào, gia đình phải dùng dao chặt non nửa bụi tre mới đưa nó ra được. Sau đấy gia đình nó đã phải làm một cái lễ lớn gần bụi tre. Hóa ra cu cậu đi tẻ lên, là một nấm mồ vô chủ, chắc do tè bậy nên đi người ta quở phạt.
Câu chuyện thứ ba: Thần cây Đa, ma cây Gạo, cú cáo cây Đề. (Phần 1) Bấm để xem Các cụ nói cấm có sai: "Thần cây Đa, Ma cây Gạo, Cú Cáo cây Đề". Giống như mọi ngôi làng khác của hồn quê Việt Nam. Làng tôi có một cái đình thần cực kỳ lớn, bên trong thờ Đức Thần Hoàng làng và nhiều vị thánh thần khác. Trong khuôn viên đình làng Mỹ Vọng, trồng rất nhiều các loài cây, chủ yếu là cây cổ thụ. Trong đó nổi bật nhất thì phải nhắc đến cây Đa ở cổng Đình và cây Gạo ở sau đình. Đối diện đình thần có một cái ao khá lớn mà dân làng thường gọi là ao Nghè, làng cho thả cá xuống đó nuôi. Hàng năm thì bán cá đi, dùng số tiền đó để tu bổ và trang trải cho các hoạt động của đình. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2005, trong một lần nạo vét ao bắt cá, thì dân làng vô tình phát hiện được một tấm bia đá ẩn sâu trong lớp bùn dưới ao, tấm bia bị vỡ mất một góc, bên trên có rất nhiều ký tự đặc biệt như bùa chú, chữ Hán có, chữ Nôm có. Thế là các cụ bô lão trong làng bèn họp khẩn cấp, quyết định đặt tấm bia đó dưới gốc cây đa và quanh năm nhang khói. Ở làng có một bác tuổi khá cao, bọn tôi gọi là bác Mộc. Phần vì tự nguyện và cũng phần vì sự phân công của các cụ khác, ban đêm bác Mộc ở lại ngủ trông coi đình làng. Bác Mộc ở đình làng ngót nghét gần 10 năm, chẳng có chuyện gì lạ kỳ xảy ra cả, nhưng từ khi tấm bia đá được đào lên, trong đình làng lại bắt đầu có chuyện linh dị. Theo như lời bác Mộc kể lại với bà tôi (bà tôi cũng là người lớn tuổi trong làng, và bác Mộc có họ hàng theo chi thứ với họ nhà tôi). Nhiều hôm trời âm u, nửa đêm bác Mộc đang ngủ thì nghe tiếng gõ cửa bên ngoài, mà toàn gõ lúc 12h-1h-2h sáng, gõ cứ 3 tiếng 1 lại im, rồi lại gõ tiếp. Vốn là người gan lớn, bác Mộc vớ ngay cây gậy gần đó quát to: "Ai đấy? Ai gõ cửa giờ này vậy?". Trong khi đó tiếng gõ cửa vẫn vang lên đều đặn trong đêm yên vắng, mà không hề có tiếng trả lời. Bác Mộc bèn chạy ra mở then chốt cửa, ngó đầu ra ngoài nhưng chẳng thấy ai, Bác thầm chửi trong lòng: "Tổ cha đứa nào đêm hôm khuya khoắt còn phá làng phá xóm". Rồi bác chốt lại cửa đi ngủ, được tầm 30 phút sau, tiếng gõ cửa lại vang lên, mọi chuyện lại xảy ra y như cũ, bác Mộc mở cửa nhưng chẳng thấy ai. Quá tam ba bận, lần này bác không chốt cửa mà nép người vào tường, nhìn qua khe hở nhỏ trên cửa, bên ngoài màn đêm đen ngòm, xung quanh chẳng thấy gì. Không phụ công mong đợi của bác, 15 phút sau, bác thấy một cái bóng cao lêu nghêu như cột điện, đo đỏ, không rõ đang đi hay lướt trên mặt đất từ phía sau đình ra đằng trước. Cách cửa đình tầm 2 mét thì nó dừng lại, lúc này bác Mộc mới nhìn rõ cái bóng đó, nó nhìn không giống người, vì không phân biệt nổi được tứ chi, mắt mũi tay chân gì cả, nhìn như cây đòn gánh dẹp ở 2 đầu, nhưng ở giữa lại phình ra. Lúc này tiếng gõ cửa lại vang lên đều đều, trong khi đó nó còn đứng cách cánh cửa gần 2 mét. Bác Mộc giật mình tí thì đánh rơi cây gậy đang cầm trên tay xuống đất. Biết mình gặp phải thứ chẳng lành, bác Mộc lẳng lặng ra bàn thờ Thành Hoàng đốt nhang rồi khấn vái, điều kỳ lạ là bác vừa khấn xong thì tiếng gõ cửa ngoài kia cũng im bặt. Ngoài chuyện đó ra còn rất nhiều chuyện khác sởn gai ốc. Ví như có hôm đang nằm ngủ, bác nghe thấy tiếng động trên mái đình, như kiểu ai đó đang đi đi lại lại vậy. Bác Mộc khẳng định, không phải mèo cũng chẳng phải chuột, vì chẳng có con mèo hay chuột nào mà tạo ra tiếng động cạch cạch cạch cạch, rầm rầm như thế cả. Còn có lần khác, đêm mưa lớn, bác Mộc đang nằm ngủ thì tự nhiên mơ thấy một bóng người đàn bà lớn tuổi, ra đứng dưới chân bác, tóc bạc trắng, xõa ra rũ rượi, không thấy mắt mũi mồm miệng, cứ chỉ thẳng tay vào mặt bác rồi chửi. Bác Mộc nói: "Người đó chửi nhiều lắm nhưng bác chẳng nghe được gì, miệng người đó cứ ngáp ngáp như kiểu con cá bị mắc cạn, đang thiếu oxy sắp chết, bác liền nhẩm trong đầu khấn Thành Hoàng làng, trong mơ bác thấy người đàn bà đó chạy ra cây gạo sau đình rồi biến mất". Còn những chuyện lặt vặt như nửa đêm nghe tiếng người nói chuyện thì thào, tiếng ai đó hát văng vẳng, tiếng gọi ý ới, Mộc ơi Mộc ơi rồi cười hí hí há há thì như cơm bữa. Bác Mộc nói lúc đầu thì cũng hoang mang, nhưng cứ mỗi lần như vậy, bác lại thắp hương khấn Thành Hoàng làng là hết. Bác Mộc vẫn ở lại trông coi đình làng, mặc kệ có một số chuyện kỳ lạ xảy ra, bác nói: "Tao ở đây gần 10 năm trời, chẳng lẽ lại bỏ đi, rồi đình thì ai trông coi? Thành Hoàng làng thiêng lắm, có oai ngài ngự chúng nó chẳng dám làm gì tao đâu" ". Kỳ lạ hơn nữa là từ ngày cái bia đá được đào lên, cây gạo lại nở hoa, hoa màu đỏ máu, nở nhiều đễn nỗi đỏ thẫm cả một góc đình làng. Trên cành to nhất của cây gạo lại ùn ra một bãi đen sì sì, nâu xỉn như cứt trâu. Tưởng chừng mọi việc dừng lại ở đó. Nhưng ai ngờ đâu một năm sau đó lại xảy ra chuyện rúng động cả một làng quê yên bình. Câu chuyện thứ ba: Thần cây Đa, ma cây Gạo, cú cáo cây Đề. (Phần 2) Bấm để xem Bọn trẻ ở làng tôi có một thú vui đó là tắm sông, tắm ao. Ao Nghè chính là một địa điểm vô cùng lý tưởng cho thú vui này. Hè về, trời nắng nóng, mỗi khi chiều tà là lũ trẻ lại tập trung tại ao Nghè, bơi tắm thỏa thích. Đó là năm 2006, đã một năm trôi qua kể từ khi chiếc bia đá được đào lên. Làng quê yên bình và tuyệt vời như thế, ấy mà đùng một cái ao Nghè lại có người chết. Đứa bị chết đuối là con ông Bình trưởng thôn, thằng bé tên Hanh, mới có 10 tuổi. Nghe đám bạn nó kể lại là trưa hôm đó, lũ chúng nó trốn người lớn ra ao Nghè chơi, một nhóm 5 đứa đi chung. Lúc đang chơi ngoài ao, thì thằng nhóc đó cứ im im lầm lũi, mặc dù bình thường nó là đứa to mồm nhất. Khi cả đám đang chơi, thì bác Mộc ghé vào đình kiểm tra. Thấy lũ trẻ con chơi gần ao. Bác Mộc lấy roi ra đuổi hết, đuổi sạch. Bốn đứa kia chạy tán loạn, chỉ còn thằng Hanh đứng lại, bác Mộc bèn quất cho nó một roi rồi nói:" Còn chưa chạy? Tối về tao nói bố mày biết, giữa trưa ra ao, ra hồ chơi, muốn chết đuối hay gì? "Thằng Hanh không nói gì, cứ đứng im, hai mắt nó gườm gườm nhìn bác Mộc. Rồi nó nói bằng giọng buồn buồn:" Có một bà ở đây, bà ấy bắt cháu làm con, không cho về với bố mẹ cháu nữa ". Bác Mộc giật mình hỏi nó:" Bà nào? Ở đâu? ". Thì nó từ từ ngoảnh mặt ra phía cây gạo sau đình, rồi im lặng không nói. Mặc dù là người gan lớn, nhưng bác Mộc cũng nổi hết ra gà, bác quát nó:" Mày liệu thần hồn đấy, đứng đây tao lấy cho ít lộc ăn, rồi đi về đi, không tao đánh cho quắn đít ". Nói rồi, bác Mộc bỏ vào trong đình lấy cho nó ít hoa quả, bánh kẹo. Lúc quay người trở ra thì chẳng thấy nó đâu, tưởng thằng Hanh đã đi về, bác Mộc lại vào đình dọn dẹp như mọi khi. Ấy vậy mà thằng Hanh mất tích, bố nó phải lên xã báo công an, đồng thời cũng nhờ bà con làng xóm tìm giúp mà chẳng thấy đâu, hai hôm liên tục tìm không thấy. Đến hôm thứ 3, có bà ra ao Nghè lấy bèo về cho vịt ăn, quờ quạng thế nào mà bà ấy nắm được cái gì đấy mềm, tròn tròn, có lông tóc mọc trên. Nghĩ làm lạ, bà ấy nhấc lên xem thử, bà ấy hết toáng lên, ôi trời ơi, thứ mà bà ấy nhấc lên là đầu thằng Hanh. Chẳng hiểu sao nó chết đuối ở ao Nghè. Lúc vớt xác nó tôi cũng đi xem, người nó trắng bệch, chân tay co quắp, da dẻ tím tái, môi thâm sì mím chặt, mặt như kiểu đau đớn lắm, thối um lên, ruồi nhặng bâu vào. Người ngạc nhiên nhất có lẽ là bác Mộc, vì chẳng hiểu nó chết lúc nào, nếu nó bị rơi xuống ao, nó phải quẫy hay đạp nước, hôm nó mất tích, bác Mộc ở trong đình từ trưa đến chiều nhưng chẳng nghe thấy gì. Kỳ lạ hơn nữa, là chiều nào bọn trẻ cũng ra ao Nghè bơi, sao không pháy hiện ra xác nó. Gia đình thằng Hanh đành đưa nó về an táng, đêm hôm ấy, chẳng hiểu sao lại có một bầy quạ kì lạ bay từ đâu đến, đậu trên cây Xoan trước cửa nhà thằng Hanh kêu lên inh ỏi. Nhà nó lấy gạch, đá, rồi soi đèn pin làm đủ trò mà chúng nó cứ bay đi được một hồi, rồi lại đậu trên cây Xoan y như cũ. Trong đêm, tiếng kèn đám ma, tiếng khóc thương của thân nhân lại thêm tiếng quạ kêu. Những âm thanh đó quện vào nhau tạo ra một khung cảnh vô cùng ghê rợn. Nhà thằng Hanh thấy điềm xấu, đưa nó ra đồng chôn cất sớm. Kể từ đó, bầy quạ lại chuyển từ nhà thằng hanh bay qua cây gạo sau đình. Cứ đêm đến, ngôi làng nhỏ yên tĩnh lại vang lên tiếng quạ kêu, nghe thê lương, nỉ non, như câu hồn người sống. Từ khi lũ quạ đến, là bắt đầu có nhiều chuyện kinh dị xảy ra. Đầu tiên là việc bà Năm tờ mờ sáng đi chợ, đi ngang qua chỗ cây Gạo, thì nghe thấy tiếng người nói chuyện xì xào trên cây. Bà Năm ngẩng đầu lên nhìn, thì bà thét lên rồi quăng quang gánh chạy, vì trên cây ngồi chi chít bóng trắng. Rồi ai đi ngang qua chỗ đó cũng bị ném đá, ném sỏi, hay bị gọi tên, có người còn thấy một đám trẻ con vẫn còn đỏ hỏn, tay đứa nào đứa nấy cầm tờ 500 đồng đo đỏ. Đùa giỡn dưới gốc cây, chúng nó không đi được mà bò rất nhanh, vừa bỏ vừa la ê ê a a. Chuyện đáng sợ nhất là thằng Minh, con ông Bảy sửa xe đạp đầu làng bị ma nhập. Chẳng là nó lấy súng cao su (ở trong miền Nam gọi là ná thun) đi bắn chim. Chẳng hiểu bắn thế nào lại bắn bay một góc cái ụ đen sì trên cành cây gạo. Đêm hôm đó, thằng Minh sốt nặng, mặt mày tay chân tím tái, nhìn như người chết trôi. Bố mẹ nó lo lắm, thức trong nó cả đêm. Khoảng hơn 12h đêm, bỗng nhiên có tiếng quạ kêu rất lớn trên nóc nhà nó. Thằng Minh đang nằm tự nhiên bật thẳng dậy, hai con mắt mở ra toàn lòng trắng, rồi miệng thì thào nói:" Trả nhà cho tao, trả nhà cho tao.. ". Cứ mỗi lần nó nói như vậy, người nó lại giật lên tưng tưng, bố nó sợ quá lao vào giữ nó, mà nó lắc người một cái, bố nó bay sang một bên. Rồi nó gầm gừ trong cuống họng:" Trả mạng cho tao, trả mạng cho tao.. ". Rồi quay sang cửa nhà cười hí hí hề hề, nó phóng người qua cửa cổng chạy ra ngoài. Ông Bảy vùng dậy đuổi theo miệng hô lớn:" Con ơi con, con ơi ". Ông bảy đuổi theo nó một lúc, thì nó chạy về phía đình làng. Đáng sợ ở chỗ, nó nhảy một cái bay qua bức tường cao hơn 2 mét của đình. Ông Bảy bèn hô lớn:" Ông Mộc, ông Mộc có trong đình không? Cứu, cứu con tôi với ". Lúc đấy bác Mộc đang nằm ngủ, thì nghe tiếng la thất thanh, bèn ngồi dậy chạy ra xem thử, thì thấy ông Bảy đang đứng ngoài cửa đình, đập cửa rầm rầm. Bác Mộc chạy ra mở cửa, vừa mở bác vừa nói:" Có chuyện gì thế ông Bảy? Nửa đêm còn la hét cái gì thế? "Ông Bảy vừa thở hổn hển nói:" Ông cứu thằng Minh với, nó bị ma nhập rồi, nó nhảy vào trong đình, ông mau mở cửa không là không kịp đâu ". Bác Mộc vừa mở cửa thì nghe tiếng cười the thé, rồi tiếng hát í ới ở sau đình. Hai ông vội vàng chạy ra phía sau đình xem, đập vào mắt 2 người là một cảnh tượng vô cùng đáng sợ. Thằng Minh đang đứng trên lá chuối, nhảy một phát lên cành Gạo, rồi nó đứng bằng một chân, nhảy lò cò. Vừa nhảy hai tay nó vừa múa, miệng thì hát a a ê ê rồi lại cười ngặt nghẽo. Ông Bảy sợ quá quỵ xuống, hai tay chắp lại vái như tế sao, bác Mộc đớ người ra một lúc. Nhưng đã quá quen với những chuyện kì dị trong đình, bác liền chạy vào trong đình thắp hương khấn Đức Thành Hoàng, rồi lấy cây đao gỗ của một vị thần tướng, mà vị thần tướng ấy đang cầm trong tay. Bác Mộc chạy ra phía cây gạo, chỉ vào mặt thằng Minh rồi quát lớn:" Vong nào nhập xác người trần, mau trả xác, không Đức Thần Hoàng diệt Vong ". Rồi bác Mộc cầm thanh đao gỗ, chạy lại gốc cây gạo, chém lên thân cây, vừa chém bác vừa khấn Đức Thành Hoàng, điều kì lạ ở đây cứ chém một nhát là thằng Minh lại rú lên một tiếng, rồi cả cây gạo như rung lên. Đến nhát thứ 7, thì thằng Minh thét lên rồi ngã nhào từ trên cây xuống. May sao số nó còn chưa tận số, nó ngã ngay lên người bố nó. Chỉ nghe huỵch một cái, người nó đè lên người ông Bảy. Lúc này dường như ông Bảy lấy lại được tri giác. Nỗi lòng của người làm cha làm mẹ không mất được. Ông Bảy ôm thằng Minh rồi lay lay, miệng thì hỏi liên tục:" Con ơi con! Có làm sao không con? Tỉnh dậy bố xem nào con ơi ". Câu chuyện thứ ba: Thần cây Đa, ma cây Gạo, cú cáo cây Đề. (Phần 3) Bấm để xem Câu chuyện thứ 3: Thần cây Đa, Ma cây Gạo, Cú Cáo cây Đề. (Phần 3) Sau khi chém lên thân cây 7 nhát, bác Mộc quay lại chỗ ông Bảy. Thấy tình trạng của ông Bảy và thằng Minh bác Mộc nói:" Ông mau đưa nó vào trong đình, để tôi khấn Đức Thành Hoàng, Vong kia rời khỏi xác nó rồi, giờ phải nhờ phép của Đức Thành Hoàng phù hộ, gia trì, giữ hồn lại cho nó, chốc nữa nó khắc tự tỉnh, ngồi ngoài đây lâu âm khí nặng nề coi chừng lại có biến ". Ông Bảy nghe vậy lật đật ôm thằng Minh chạy vào trong đình, đặt nó nằm trước bàn thờ Thành Hoàng. Bác Mộc đi vào thắp nhang, hai người quỳ xuống khấn vái, bên ngoài đình lũ quạ đậu trên cây Gạo lại kêu lên inh ỏi như đang phản đối điều gì đấy. Đợi nhang tàn còn một phần ba, bác Mộc khấn:" Nhờ oai Đức Thành Hoàng gia trì, cứu khổ cứu nạn cho con dân ". Rồi bác Mộc rút 3 nén nhang ra giơ trước phía mặt thằng Minh, thổi khói nhang bay vào mặt nó. Kỳ lạ thay, khói nhang không tan đi mà tụ lại trên người thằng Minh, sau khi nhang tàn, thằng Minh giẫy giẫy vài cái rồi tỉnh dậy. Thấy ông Bảy nó òa khóc, ôm lấy bố nó rồi nói:" Con sợ lắm, con sợ lắm bố ơi ". Ông Bảy vỗ về:" Không sao đâu con, nín đi mọi chuyện đã qua rồi ". Bác Mộc ngắt lời hai cha con:" Minh ngoan, con có nhớ chuyện gì xảy ra không? ". Thằng Minh khóc một hồi rồi thút thít kể lại:" Hồi chiều hôm qua con bắn chim, không may bắn vỡ mất một mảnh của ụ cây Gạo, đúng lúc ấy tự nhiên mình mẩy tay chân con run lên, rồi có con Quạ ở trên cây bay lại cái ụ đó, rồi nó cứ nhìn con chừng chừng, con sợ quá liền chạy về. Đến chiều tối, khi con đang chơi trong sân, thì thấy nguyên lũ trẻ con tầm 2, 3 tuổi cứ đứng ngoài cổng nhìn con. Thấy thế con chạy ra đuổi chúng nó đi, chúng nó không chịu đi, cứ đứng ngó con rồi cười ngặt nghẽo. Khi con đang tính chạy vào gọi bố ra đuổi chúng nó, thì con thấy thấp thoáng sau lưng tụi nó là thằng Hanh chết đuối ". Kể đến đây thằng Minh lại khóc òa lên ôm lấy bố nó. Bác Mộc cố dỗ cho nó nín, nói nó kể tiếp, thì nghe thằng Minh kể lại rằng, lúc đó nhìn thằng Hanh ghê lắm, giống y chang lúc người ta vớt xác nó lên, da dẻ tím tái, môi thâm sì, người nó cứ rỉ nước ra, từng giọt một, mắt nó trắng dã, cứ nhìn thằng Minh rồi ngáp ngáp cái miệng:" Chạy đi.. Mau chạy đi.. ". Thằng Minh sợ quá chạy vào trong nhà trùm chăn. Vừa trùm chăn xong thì hai mắt nó tối sầm lại, khi tỉnh dậy đã thấy ở đây. Bác Mộc và ông Bảy ngồi nhìn nhau rõ lâu, cả hai không nói gì cả. Thằng Minh cứ ôm lấy bố nó không rời, bên ngoài là trời đêm u tối tĩnh mịch, đúng lúc mọi người đang trầm tư, thì đột nhiên bên ngoài lại có tiếng gõ cửa vang lên cộc cộc cộc 3 tiếng 1. Cả ba người ngồi trong phòng giật mình, nhìn ra chỗ cái cửa, bên trong đình ngoài ánh sáng leo lắt của ngọn đèn dầu, còn lại là khoảng tối khoảng sáng. Bỗng nhiên tiếng gõ cửa im bặt, rồi một giọng nói thê lương vang lên:" Bác Mộc ơi, bác Mộc ơi, mở cửa cho cháu với ". Thằng Minh rú lên:" Ối bố ơi, ối bố ơi, giọng.. giọng thằng Hanh ". Ông Bảy sững sờ, bác Mộc thì giật mình, giọng nói bên ngoài chính là giọng thằng Hanh, nhưng thằng Hanh chết rồi cơ mà, sao nó còn ở đây? Nó phải nằm ngoài đồng chứ? Giọng nói nỉ non lại vang lên:" Minh ơi, Minh ơi, ra chơi với tao, tao buồn lắm, tao lạnh lắm, tao đói lắm ". Thằng Minh cứ rú lên ôm chặt lấy bố nó mà run rẩy:" Không, không, không, mày đi đi, mày chết rồi, mau đi đi ". Ông Bảy sợ quá cứng đờ người, miệng há hốc không nói được một câu. Bác Mộc run run nói vọng về phía cửa đình:" Hanh ơi, cháu sống khôn chết thiêng, đừng hù dọa bác, bác biết cháu chết trẻ oan khuất lắm, nhưng sống chết có số, bác cũng không định đoạt được, nếu cháu có thiêng thì hãy về với bố mẹ cháu, đừng dọa mọi người nữa, mai bác đốt giấy tiền vàng bạc cho cháu lên đường thanh thản ". Bác Mộc vừa khấn xong, thì tiếng thằng Hanh lại vang lên, lần này nó cười hề hề hí hí, rồi tự nhiên nó lại khóc hư hư hư:" Không về được, cháu không về được rồi, mọi người đừng ra ngoài, đừng ra ngoài, bọn nó đông lắm ". Giọng thằng Hanh im bặt, rồi sau đó cả ba người nghe tiếng quát tháo, tiếng mắng chửi, tiếng đánh đập gào khóc bên ngoài. Tiếng gõ cửa lại vang lên đều đều, nhưng lần này không nghe thấy tiếng thằng Hanh nữa. Rầm rầm, uỳnh uỳnh, trên mái đình lại có tiếng chân người đi qua đi lại, còn nghe loáng thoáng tiếng ai cào bên cửa sổ của đình, nghe két két kẹt kẹt, tất cả những âm thanh đó vang lên trong đêm thật ghê rợn, như có người bên ngoài đang tìm mọi cách chui vào bên trong đình. Bác Mộc lại chạy ra bàn thờ thắp hương khấn Thần Hoàng, những tiếng động ghê rợn đó lại im bặt, nhưng nhang cứ tàn hết là những tiếng động đó lại xuất hiện, cứ thế nguyên một đêm. Mọi người sống trong sợ hãi, bác Mộc cũng không nhớ đã đốt bao nhiêu lần nhang. Đến khi nghe tiếng gà gáy vang lên đằng xa, thì những thứ ở ngoài cửa mới đi đâu mất. Hai người lớn, một đứa trẻ con cuối cùng cũng sống sót qua đêm kinh hoàng. Thức trắng một đêm, thằng Minh trụ không nổi lăn quay ra ngủ. Trên mặt nó vẫn còn giữ lấy sự sợ hãi. Ngay trong ngày hôm đó, sau khi bác Mộc và ông Bảy kể lại câu chuyện cho mấy cụ hương sắc trong làng nghe. Thì một cuộc họp khẩn cấp đã được diễn ra. Một cụ được cắt cử đi lên tận núi Phượng Hoàng, mời thầy Quân nổi tiếng cả vùng về coi đất. Mới nghe qua lời cụ cắt cử kể lại, thầy Quân tái mặt không kịp ăn cơm trưa, hối thúc cụ cắt cử về làng ngay. Vừa vào trong đình, thầy Quân bỏ qua mọi người đi thẳng về phía cây Gạo, thầy lắc đầu rồi chỉ vào cây Gạo nói rằng:" Âm khí nặng nề quá, chắc chắn không phải thứ tốt đẹp gì".