48 Nguyên Tắc Chủ Chốt Của Quyền Lực - Robert Greene

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Vân Mây, 24 Tháng sáu 2018.

  1. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 29: Trù Liệu Tương Lai - Vạch Kế Hoạch Nhất Quán Đến Tận Cùng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mục đích là tất cả. Hãy lập kế hoạch cho đến cùng đích, nghi nhận mọi hậu quả, chướng ngại và may rủi khả dĩ đánh đổ công sức của mình và làm người khác vinh quang. Hãy lên kế hoạch cho đến cùng, bạn sẽ không bị các tình huống lấn át và bạn sẽ biết khi nào nên dừng. Hãy nhẹ nhàng dẫn lối cho cơ may và góp phần định hướng tương lai bằng cách tiên liệu thật xa.

    VI PHẠM NGUYÊN TẮC

    Năm 1510 một chiếc thuyền khởi hành từ đảo Hispaniola (hiện nay là Haiti và Cộng hòa Dominica) để đến Venezuela, với nhiệm vụ giải cứu một thuộc địa của Tây Ban Nha đang bị vây hãm. Thuyền ra khơi được vài hải lý, người ta thấy một kẻ đi lậu chui ra từ tủ đựng thực phẩm. Đó là Vasco Núñez de Balboa, một quý tộc Tây Ban Nha từng đến Thế giới Mới tìm vàng nhưng sau đó đã sạt nghiệp nợ lút đầu và lẩn trốn các chủ nợ bằng cách trốn trong tủ.

    Balboa bị vàng ám ảnh từ khi Columbus trở về Tây Ban Nha với những chuyện kể về một vương quốc mang tên El Dorado chưa bao giờ được khám phá. Balboa là một trong những người đầu tiên lên đường tìm xứ sở vàng ấy với quyết tâm rằng mình sẽ là người đầu tiên phát hiện. Bây giờ khi không còn bị chủ nợ rượt đuổi, sẽ không có gì ngăn cản ông được.

    Rủi thay chủ tàu Francisco Fernández de Enciso, một luật gia giàu có lại nổi trận lôi đình khi biết tin kẻ đi lậu vé nên ra lệnh thủy thủ trói Balboa bỏ lên hòn đảo đầu tiên bắt gặp. Tuy nhiên khi chưa kịp tìm ra hải đảo nào thì Enciso nhận được tin báo cái thuộc địa cần phải giải cứu kia giờ đã được sơ tán. Đây là cơ hội bất ngờ cho Balboa. Ông ta kể cho thủy thủ đoàn nghe về những chuyến du hành trước đó đến Panama và về những gì mình nghe thấy về thiên đường vàng. Đám thủy thủ phấn khích, thuyết phục Enciso tha mạng cho Balboa và thiết lập một thuộc địa tại Panama, đặt tên là “Darien”.

    Thống đốc đầu tiên của Darien là Enciso, nhưng Balboa không phải là kẻ để cho người khác cướp sáng kiến. Ông ta rỉ tai các thủy thủ và sau đó họ nói thẳng là đã bầu Balboa làm thống đốc. Sợ bị sát hại, Enciso trở về Tây Ban Nha. Vài tháng sau, một đại biểu của vương triều Tây Ban Nha đến trình thư bổ nhiệm mình chính thức làm thống đốc mới, nhưng ông bị thuộc địa từ chối. Trên đường trở về Tây Ban Nha ông bị chết đuối. Mặc dù cái chết này là do tai nạn, nhưng luật lệ Tây Ban Nha thời bấy giờ cho rằng chính Balboa đã sát hại quan thống đốc để soán quyền.

    Trước đây, tính khoác lác từng cứu Balboa được nhiều bàn thua nhưng giờ đây mọi hy vọng vinh hoa phú quý xem như đổ biển. Giả dụ có may mắn tìm được El Dorado và muốn tuyên bố quyền sở hữu thì ông cũng phải được sự chấp thuận của vua Tây Ban Nha – mà tư thế một kẻ ngoài vòng pháp luật như Balboa sẽ không bao giờ nhận được. Chỉ còn một giải pháp duy nhất. Các thổ dân da đỏ ở Panama đã kể cho ông nghe về một đại dương mênh mông ở bờ bên kia eo đất Trung Mỹ, và nếu hướng về phía nam theo bờ biển phía tây eo đất đó, ông sẽ đến một vùng đất đầy vàng mà thổ dân gọi một cái tên gì đó giông giống như “Biru”. Balboa quyết định mình sẽ du hành xuyên qua những rừng rậm đầy bất trắc của Panama và trở thành người châu Âu đầu tiên vọc chân xuống đại dương mới ấy. Từ đó ông sẽ tiến đến El Dorado. Nếu nhân danh vua Tây Ban Nha mà thực hiện việc này, ông sẽ nhận được lòng biết ơn vĩnh viễn của nhà vua cùng với lệnh ân xá - với điều kiện là phải ra tay trước khi chính quyền Tây Ban Nha đến bắt ông.

    Vì vậy vào năm 1513, Balboa khởi hành với 190 binh lính. Mới nửa cuộc hành trình băng qua eo đất (khoảng 90 dặm), đoàn chỉ còn 60 lính, phần còn lại đã bỏ mạng vì các điều kiện khắc nghiệt – côn trùng hút máu, những trận mưa như thác, sốt rét rừng. Cuối cùng, từ một đỉnh núi cao, Balboa trở thành người Âu châu đầu tiên trải mắt nhìn Thái Bình Dương. Những ngày sau đó, ông phất cờ Castile và tuyên bố vùng biển, đất liền và hải đảo thuộc về hoàng gia Tây Ban Nha.

    Khi thổ dân đến tặng ông nhiều vàng bạc đá quý, Balboa hỏi xuất xứ thì họ chỉ về hướng Nam, vùng đất dân Inca. Nhưng lúc đó vì chỉ còn sót vài binh sĩ nên Balboa quyết định trở lại Darien, gửi ngọc ngà châu báu về Tây Ban Nha để tỏ thiện chí, đề nghị cấp trên chi viện một đạo quân lớn nhằm giúp ông chinh phục El Dorado.

    Khi những tin này truyền về tới Tây Ban Nha, tên tội phạm cũ trở thành anh hùng và phút chốc được bổ nhiệm làm thống đốc vùng đất mới. Tuy nhiên trước khi tin đó tới được Tây Ban Nha thì nhà vua đã sai Pedrarias xuất một đoàn thuyền đi bắt Balboa về xử, sau đó năm quyền khu thuộc địa. Đến khi tới Panama, Pedrarias mới nhận được lệnh hỏa tốc của vua tha tội cho Balboa và cả hai cùng chia sẻ quyền thống đốc.

    Về phần mình Balboa cũng không thoải mái. Ông chỉ mơ có vàng và chỉ ao ước đến được El Dorado. Ông từng suýt mất mạng mấy lần trong khi theo đuổi mục tiêu này và sẽ không thể chấp nhận chia sẻ vinh hoa phú quý với gã mới tới. Balboa cũng được tin rằng Pedrarias là người ganh tỵ và rất khó chịu với tình huống phát sinh. Một lần nữa, Balboa chọn giải pháp dẫn đầu đoàn quân đông đảo, mang theo vật liệu và đồ nghề đóng tàu, xẻ rừng ra biển. Ông nói với Pedrarias rằng một khi đến bờ Thái Bình Dương, ông sẽ thành lập đội hải thuyền tiến chiếm lãnh thổ Inca. Pedrarias chấp thuận kế hoạch này, có lẽ đoán là nó sẽ không thể thành công.

    Hàng trăm người đã bỏ mạng trong chuyến băng rừng lần thứ hai, những cây gỗ mang theo để đóng thuyền đều mục vì thời tiết. Như thường lệ, Balboa không mảy may nản chí và khi đến bên kia eo đất, ông cho binh sĩ đốn cây làm thuyền. Tuy nhiên số người còn lại quá ít và bệnh yếu, không thể tiến hành xâm lược, vì vậy một lần nữa Balboa phải quay về Darien.

    Pedrarias mời Balboa ra ngoài doanh trại để bàn bạc một kế hoạch mới, với sự hiện diện của Francisco Pizarro, người bạn cũ từng đồng hành với Balboa lần đầu tiên băng qua eo đất. Tuy nhiên lần này Balboa sập bẫy vì Pizarro dẫn theo hàng trăm lính bắt Balboa để giao cho Pedrarias xử trảm về tội phản nghịch. Vài năm sau đó, Pizarro dẫn quân đến Peru và mọi kỳ công của Balboa rơi vào quên lãng.

    Diễn giải

    Hầu hết mọi người đều hành xử bằng trái tim chứ không bằng khối óc. Kế hoạch của họ mơ hồ và khi gặp tình huống, họ phải ứng biến. Nhưng ứng biến chỉ giúp bạn chống chọi cho đến khi gặp đợt khủng hoảng tiếp theo. Ứng biến không thể nào thay thế được việc trù bị trước nhiều bước và vạch ra kế hoạch cho đến tận cùng.

    Tuy ước mơ được vinh hoa phú quý nhưng Balboa lên kế hoạch rất mơ hồ. Do đó những công trạng táo bạo của ông, việc phát hiện Thái Bình Dương đều bị quên lãng, bởi vì ông phạm phải lỗi lầm lớn nhất trong thế giới quyền lực: Chỉ đi nửa đường, để cửa cho người khác vào chiếm mất. Một người quyền lực thực sự sẽ nhìn xa trông rộng, thấy được đối thủ đang muốn giành phần, những con kền kền sắp lao xuống khi nghe được tiếng “vàng”. Lẽ ra Balboa nên giữ kín thông tin về lãnh thổ Inca cho đến khi xâm lược Peru. Chỉ như vậy thì tài sản và tính mạng ông mới bảo toàn. Khi Pedrarias vừa đến nơi, nếu là người quyền lực và sáng suốt, lẽ ra Balboa đã thủ tiêu hoặc bắt giam hắn, sử dụng đạo quân của hắn để tiến chiếm Peru. Chỉ như vậy thì tài sản và tính mạng ông mới bảo toàn. Khi Pedrarias vừa đến nơi, nếu là người quyền lực và sáng suốt, lẽ ra Balboa đã thủ tiêu hoặc bắt giam hắn, sử dụng đạo quân của hắn để tiến chiếm Peru. Nhưng Balboa như gà mắc tóc, chỉ biết phản ứng theo cảm xúc chứ không có tư duy sáng tạo.

    Có được ước mơ lớn nhất thế giới mà làm gì nếu để người khác cuỗm mất mọi lợi lộc và vinh quang? Bạn đừng để bị lạc hướng với một ước vọng mơ hồ và bỏ ngỏ - hãy trù liệu cho đến mục đích sau cùng.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Năm 1863, thủ tướng Phổ là Otto von Bismarck sát sao theo dõi bàn cờ quyền lực Âu châu. Các kỳ thủ chính là Anh, Pháp và Áo. Bản thân Phổ là một trong những nước thành viên của liên minh Đức. Là thành viên chi phối liên minh, nước Áo xoay xở để những thành viên khác luôn chia rẽ và trong thế yếu để chịu cúi đầu. Bismarck tin rằng nước Phổ phải làm điều gì lớn lao hơn là tên hầu cho nước Áo.

    Sau đây là những nước cờ của Bismarck. Trước tiên ông gây chiến với nước Đan Mạch nhỏ bé để thu hồi những vùng đất trước đây của Phổ là Schleswig-Holstein. Biết rằng tin về một nước Phổ độc lập sẽ làm Pháp và Anh quan ngại, Bismarck nêu tên nước Áo trong cuộc chiến đấu, tuyên bố rằng mình thu hồi Schleswig-Holstein vì nước Áo. Vài tháng sau khi chiến tranh đã ngã ngũ, ông đòi hỏi rằng những vùng đất ấy phải thuộc về Phổ. Tất nhiên người Áo rất điên tiết, nhưng họ phải thỏa thuận: Trước hết họ ứng thuận cho Phổ lấy Schleswig, và một năm sau cũng bán luôn Holstein cho Phổ. Thế giới bắt đầu thấy Áo đang yếu thế và Phổ đang lên.

    Nước cờ thứ hai của Bismarck là nước cờ táo bạo nhất: Năm 1866 ông thuyết phục vua William rút lui khỏi khối liên minh Đức và như thế có nghĩa là lâm chiến với Áo. Cả hoàng hậu, cả thái tử cùng cả lãnh đạo những vương quốc khác trong khối đều phản đối cuộc chiến này. Nhưng Bismarck vẫn ngoan cường dấn thân, và cuối cùng quân đội hùng mạnh của Phổ đánh tan quân Áo trong cuộc chiến rất tàn bạo được gọi là “Chiến tranh bảy tuần”. Lúc đó vua và các tướng lãnh Phổ muốn tiến về thủ đô Vienna, chiếm được của Áo càng nhiều đất càng tốt. Nhưng Bismarck ngăn cản họ và tỏ rõ khuynh hướng hòa bình. Kết quả là ông ký được với Áo một hiệp ước, theo đó Phổ và các nhà nước Đức khác được toàn quyền tự quyết. Giờ đây Bismarck đã đưa Phổ lên hàng thế lực thống trị ở Đức và đứng đầu Hiệp bang Bắc Đức vừa được thành lập.

    Pháp và Anh bắt đầu so sánh Bismarck với Attila gã hung nô và e sợ Bismarck có tham vọng đối với toàn châu Âu. Mỗi khi đã dấn thân vào con đường chinh phục rồi thì sẽ không có gì ngăn cản ông được nữa. Và tất nhiên ba năm sau đó, Bismarck gây chiến với Pháp. Thoạt tiên ông ra vẻ bằng lòng để cho Pháp thôn tính nước Bỉ, rồi đến phút chót ông lại đổi ý. Với trò mèo vờn chuột như thế, Bismarck khiến hoàng đế Napoléon III nổi điên, rồi Bismarck lại còn thúc giục vua Phổ chống lại nước Pháp. Năm 1870 không ai ngạc nhiên khi chiến tranh nổ ra. Liên minh Bắc Đức nhiệt tình tham gia đánh Pháp, và một lần nữa bộ máy quân sự hùng mạnh của Phổ và các đồng minh đánh tan quân địch chỉ trong vài tháng. Mặc dù Bismarck không dự tính chiếm bất kỳ phần đất nào của Pháp, song cuối cùng các tướng lãnh thuyết phục ông đưa Alssace-Lorraine vào liên minh.

    Giờ đây khắp châu Âu đều e sợ nước tiếp theo của con quái vật Phổ. Quả đúng như vậy, một năm sau Bismarck thành lập đế chế Đức, mà tân hoàng đế chính là vua Phổ. Nhưng sau đó xảy ra việc lạ là Bismarck không gây ra cuộc chiến nào nữa cả. Và trong khi các thế lực Âu châu giành giật đất đai ở những châu lục khác để thành lập thuộc địa, ông nghiêm khắc giới hạn việc nước Đức lập thuộc địa. Ông không cần có thêm đất đai cho người Đức, mà chỉ cần thêm an ninh. Phần còn lại của cuộc đời, ông dành cho việc gìn giữ hòa bình tại châu Âu và ngăn chặn nhiều cuộc chiến. Mọi người bảo rằng ông đã thay đổi, năm tháng đã xoa dịu con người này. Nhưng họ không hiểu thấu sự thật là ông đã đi đến tận cùng của kế hoạch.

    Diễn giải

    Tại sao hầu hết mọi người đều không biết khi nào nên dừng cuộc tấn công? Bởi vì họ không có ý niệm cụ thể gì về mục đích cuối cùng. Mỗi khi chiến thắng họ lại muốn chiến thắng nữa. Việc dừng lại - nhắm đến mục tiêu rồi bám theo mục tiêu ấy – hình như không phải là tính cách của con người. Nhưng thật ra đó mới là cốt yếu để duy trì quyền lực. Những ai đi quá xa trong đà chiến thắng sẽ tạo ra phản ứng trước sau gì cũng đưa đến chỗ suy vong. Giải pháp duy nhất là trù bị kế hoạch dài lâu. Hãy thấy trước tương lai thật rõ ràng như những vị thần trên non Olympus có khả năng nhìn xuyên mây và thấy rõ đoạn kết của nhiều điều.

    Từ khi khởi đầu sự nghiệp chính trị, Bismarck chỉ có một mục tiêu duy nhất: thành lập một Nhà nước Đức độc lập do Phổ đứng đầu. ông ta khai chiến với Đan Mạch không để chiếm đất mà dấy lên tinh thần dân tộc Phổ và sự đoàn kết quốc gia. Ông gây chiến với Áo chỉ để giành độc lập cho Phổ (chính vì thế mà ông không muốn lấn đất của Áo). Và ông khởi chiến với Pháp là để quy tụ các vương quốc Đức chống lại kẻ thù chung, từ đó chuẩn bị cho việc hình thành nước Đức thống nhất.

    Khi đã đạt được mục đích, Bismarck dừng lại. Ông không để men chiến thắng làm mê mờ đầu óc, cưỡng lại hồi còi thúc giục giành thêm. Bismarck nắm cương thật chặt và mỗi khi các tướng lãnh, vua quan hoặc nhân dân Phổ muốn thấy nhiều cuộc chinh phục nữa, ông cản họ lại. Ông không để bất kỳ điều gì làm hỏng vẻ đẹp công trình của mình, chắc chắn không phải là một cơn mê say giả tạo vốn có khả năng thúc đẩy nhiều người quanh ông vượt quá mục tiêu ban đầu mà ông đã dự trù kỹ lưỡng.

    Kinh nghiệm cho thấy rằng, hễ ai có khả năng tiên liệu

    thật xa các ý đồ sẽ thực hiện, thì người đó có thể

    hành động chớp nhoáng khi thời cơ đến.

    (Hồng y Richelieu, 1585 - 1642)

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Theo vũ trụ quan Hy Lạp cổ đại, các vị thần có khả năng biết trước tương lai. Họ biết đường tơ kẽ tóc những gì sắp xảy ra. Mặt khác, loài người bị xem là nạn nhân của số phận, kẹt trong cái bẫy thời gian và cảm xúc, không thể thấy điều gì phía sau những hiểm nguy trước mắt. Những anh hùng như Odysseus vốn có khả năng nhìn xa hơn hiện tại để tính trước nhiều bước, có vẻ như họ thách thức số phận, gần như là những vị thần trong việc tiên đoán tương lai. Sự so sánh này cho đến nay vẫn có giá trị - trong số chúng ta, ai có khả năng dự báo và kiên nhẫn thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra, người đó có quyền lực như thần.

    Vì hầu hết mọi người quá bị kẹt trong thời gian nên không thể lên kế hoạch lâu dài, cho nên khả năng phớt lờ những mối nguy và khoái lạc trước mắt đồng nghĩa với quyền lực. Đó là cái khả năng chiến thắng khuynh hướng tự nhiên của con người là phản ứng với tình huống, buộc mình phải lùi lại để trù liệu những gì to lớn hơn đang hình thành ở phía sau điều đang diễn ra trước mắt. Nhiều người tưởng mình nhìn thấy tương lai, rằng mình biết lên kế hoạch và trù liệu. Nhưng thật ra họ chỉ làm theo điều mong muốn, theo hình ảnh về một tương lai mà họ muốn phải như thế. Kế hoạch họ mơ hồ, dựa vào trí tưởng tượng hơn là thực tế. Họ tưởng mình đã tổ chức chu đáo đến tận cùng, nhưng thật ra họ chỉ tập trung vào một loại kết thúc có hậu, tự đánh lừa bằng sức mạnh của mơ ước.

    Năm 415 TCN, cư dân thành phố Athens tấn công đảo Sicily vì tin rằng chiến thắng sẽ mang về của cải, quyền lực và một kết thúc có hậu cho Cuộc chiến Peloponnese kéo dài 16 năm. Họ không cân nhắc hết những mối nguy khi tiến hành chiến tranh xâm lược quá xa nhà, họ không ngờ rằng người Sicily càng chống trả mãnh liệt hơn khi mọi việc diễn ra trên sân nhà họ, họ không dự trù trường hợp tất cả những kẻ thù khác của Athens thừa cơ này liên kết chống lại, họ không tưởng tượng được cuộc chiến này mở ra quá nhiều mặt trận, dàn lực lượng họ ra quá mỏng. Cuộc viễn chinh ấy là một tai họa trăm phần, dẫn đến việc hủy hoại một trong những nên văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử. Động cơ thúc đẩy người Athens tham chiến chính là những cảm xúc chứ không phải tư duy. Họ chỉ thấy cơ may chiến thắng chứ không thấy những mối nguy lờ mờ từ xa.

    Hồng y De Retz, một người Pháp hồi thế kỷ XVII từng tự hào về những cái nhìn thấu đáo về những ý đồ của con người và nguyên nhân thất bại chủ yếu của những ý đồ ấy đã phân tích câu chuyện sau: Năm 1615 khi vua Louis XIV còn trẻ, một số thành phần đã nổi loạn tạo phản. Đột nhiên nhà vua và triều đình rời bỏ Paris đến cư ngụ ở một cung điện bên ngoài thủ đô. Trước đó, sự có mặt của vua quá gần với đầu não trung ương của lực lượng cách mạng đã tạo rất nhiều khó khăn cho họ, vì vậy khi vua rời đô, họ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng sau này họ mới hiểu ra mình đã sai lầm, vì khi rời khỏi Paris, triều đình dễ bề xoay sở hơn. Hồng y De Retz nhận xét: “Nguyên nhân phổ biến nhất khiến mọi người phạm lỗi là họ quá sợ mối nguy trước mắt, nhưng không đủ sợ về những gì ở xa hơn.”

    Ta sẽ tránh được biết bao lỗi lầm nếu dự liệu những nguy hiểm từ xa. Ta sẽ bỏ ngay một số kế hoạch nếu biết rằng mình đang tránh một vỏ dưa nhỏ chỉ để dẫm lên một vỏ dừa lớn hơn. Ở đây sức mạnh không xuất phát từ những gì ta làm, mà chính từ những gì ta không làm - những hành động bừa bãi và dại dột mà ta dằn lại được trước khi chúng dẫn ta vào rắc rối. Hãy lên kế hoạch chi tiết trước khi hành động. Liệu điều đó có những hậu quả khôn lường nào? Liệu ta có tạo thêm những kẻ thù mới? Trong đời, điều bất hạnh phổ biến hơn là sự may mắn - đừng để những kết cục có hậu của trí tưởng tượng làm bạn lạc hướng.

    Những cuộc bầu cử tại Pháp năm 1848 chủ yếu là sự so kè giữa Louis Adolphe Thiers, người chủ trương trật tự và tướng Louis Eugène Cavaignac, kẻ kích động quần chúng thuộc phe hữu. Khi ý thức rằng mình bị bỏ rơi khá xa phía sau, Thiers cuống cuồng tìm phương cứu chữa. Ông để ý đến Louis Napoléon, cháu hai đời của cựu hoàng, hiện là một thành viên mờ nhạt trong Nghị viện. Gã Napoléon này nhìn có vẻ khờ khờ, nhưng ngược lại chỉ với cái họ của ông ta thôi cũng đủ để đắc cử trong một đất nước đang khát khao một nắm đấm quyền lực. Thiers chọn ông ta làm bù nhìn và dự định xong xuôi sẽ đẩy ông về vườn. Phần một được thực hiện đúng kế hoạch, Louis Napoléon thắng đậm. Vấn đề ở chỗ Thiers đã không tiên liệu một sự thật đơn giản: Cái “gã khờ” đó thật ra là một gã đầy tham vọng. Chỉ ba năm sau, Louis Napoléon giải tán nghị viện, tự xưng hoàng đế và trị vì nước Pháp suốt 18 năm liên tiếp trước sự sững sờ của Thiers và đồng đảng.

    Mục tiêu là tất cả. Đó là kết thúc của loạt hành động xác định xem ai được vinh quang, được giàu sang, được lợi lộc. Bạn phải vạch mục tiêu thật rõ ràng và luôn nhớ nghĩ đến nó. Bạn phải nghĩ cách xua đuổi bầy kền kền đang vần vũ chực chờ bổ nhào xuống xơi tái công trình của bạn. Và phải tiên liệu những tình huống khả dĩ buộc bạn ứng biến. Bismarck vượt qua hiểm nguy là nhờ ông đã lên kế hoạch đến tận cùng, giữ vững hướng đi đã định xuyên qua bão tố, và không để kẻ khác giành mất vinh quang. Khi đã đạt được kế hoạch đề ra, ông rút lui vào vỏ như một con rùa. Sự tự chủ đó chính là thần lực.

    Khi đã thấy trước nhiều nước cờ và tính toán mọi chuyện đến cùng, bạn sẽ không còn bị giục giã bởi xúc cảm hoặc toan tính ứng biến. Cái nhìn xuyên suốt và trong trẻo kia sẽ giúp bạn quẳng đi những mối lo lắng và hồ nghi vốn là nguyên nhân đầu tiên khiến nhiều người thất bại. Bạn thấy rõ mục tiên và không chấp nhận bất kỳ sự chệch hướng nào.

    Hình ảnh:

    Những vị thần trên đỉnh Olympus. Từ trên nhìn xuống xuyên mây, họ biết trước mọi kết cục của những giấc mơ vàng dẫn đến bi kịch và tai họa. Và họ cười nhạo vì con người không thể nhìn xa hơn thời điểm hiện tại, vì con người tự đánh lừa mình.

    Ý kiến chuyên gia:

    Chúng ta không nên như cọng lau sậy kia, khi mới nhú lên thì lao thẳng một đường dài, nhưng sau đó như thể đã hụt hơi… lại sinh nhiều mấu cứng, chứng tỏ không còn hơi sức và sinh lực ban đầu. Tốt hơn ta nên khởi hành nhẹ nhàng và từ tốn, để dành hơi cho cuộc chạm trán, để dành sức đột phá để hoàn thành kế hoạch. Khi bắt đầu, chúng ta điều khiển và làm chủ sự việc. Nhưng thường thì khi đã khởi động rồi, chính sự việc lại lèo lái và càn lướt chúng ta.

    (Montaigne, 1533-1592)

    NGHỊCH ĐẢO

    Điều đã trở thành thông lệ với các chiến lược gia là kế hoạch luôn phải linh động và có phần trù bị những phương án thay thế. Điều này chắc chắn đúng. Nếu bám cứng nhắc vào một kế hoạch, bạn sẽ không thể ứng phó khi thời cơ lật lọng. Khi đã xem xét kỹ lưỡng mọi khả năng và chọn xong mục tiêu, bạn phải xây dựng các phương án thay thế, để ngỏ cho những lộ trình mới tiến tới mục tiêu.

    Tuy nhiên nếu so sánh giữa việc bám quá cứng vào kế hoạch hoặc kế hoạch hóa quá trớn, với một kế hoạch mơ hồ và khuynh hướng tùy cơ ứng biến thì hầu hết chúng ta sẽ thiệt nhiều hơn khi rơi vào trường hợp sau. Vì vậy đi tìm một nghịch đảo cho nguyên tắc này là không có lợi, vì chắc chắn sẽ không tốt đẹp gì khi ta không tiên liệu và lên kế hoạch đến tận cùng. Nếu đủ khả năng sáng suốt và nghĩ xa, bạn sẽ hiểu rằng tương lai thật bất định, và bạn nên sẵn sàng thích nghi. Chỉ khi nào đã xác định mục đích rõ ràng và thảo xong kế hoạch cặn kẽ rồi, bạn mới đảm đương nổi quyền tự do linh động đó.
     
  2. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 30: Trình Diễn Phong Thái Ung Dung Tự Tại

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bạn phải hành động một cách tự nhiên và thoải mái. Mọi vất vả và công lao để được thành quả, cũng như tất cả các mánh khóe khác, bạn đều phải che đậy. Khi hành động, hãy hành động thật ung dung, như thể bạn còn dư sức làm tiếp. Hãy tránh khuynh hướng phổ biến là làm cho người khác thấy ta cực nhọc – họ sẽ đặt lại vấn đề. Đừng dạy mánh cho ai cả, nếu không họ sẽ dùng chính mánh đó để chống lại bạn.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Nghi thức uống trà của Nhật mang tên Chanoyu có từ lâu đời, nhưng chỉ đến thế kỷ XVI mới đạt đến đỉnh cao tinh tế, với bậc thầy lừng danh là Sen no Rikyu. Dù không xuất thân từ gia đình quý tộc, nhưng Rikyu thăng tiến thật cao trên nấc thang danh vọng, trở thành trà sư được ưa chuộng nhất của Nhật hoàng Hideyoshi, đồng thời là cố vấn hàng đầu về mỹ thuật, thậm chí cả về chính trị. Bí quyết thành công với Rikyu là làm sao giữ được vẻ ung dung, che đậy được nỗ lực công việc.

    Ngày kia, Rikyu và con trai đến dự buổi trà đạo tại nhà người quen. Ngoài đầu ngõ, người con nhận xét về cái cổng rất đẹp có dáng vẻ cổ kính làm cho ngôi nhà người quen kia trông thật hiu quạnh. “Cha không nghĩ thế”, Rikyu đáp, “vẻ như cái cổng này được mang về từ rất xa, từ một ngôi đền trên núi nào đó, vẻ như công sức vận chuyển nó đã tiêu tốn khá nhiều tiền”. Nếu chủ nhân đã tốn nhiều công sức cho một cái cổng, điều đó sẽ được thể hiện trong buổi trà đạo - và quả nhiên Rikyu đã phải kiếu từ sớm, không thể chịu đựng tất cả những nỗ lực và màu mè trong buổi trà đạo.

    Đêm khác, trong khi đang dùng trà tại nhà bạn, Rikyu thấy bạn bước ra ngoài, giơ lồng đèn soi trong đêm tối để hái quả chanh trên cây. Rikyu cảm thấy thú vị vì chủ nhân cần tí gia vị cho cái món ông đang chuẩn bị và hồn nhiên ra ngoài tự hái. Nhưng khi chủ nhân mời món bánh nếp Osaka với vài lát chanh, Rikyu mới hiểu ra rằng người bạn đã trù tính việc này từ trước. Vậy việc hái chanh không còn là hồn nhiên nữa mà chỉ để chủ nhân chứng tỏ sự sành điệu của mình. Ông ta đã vô tình cho thấy ông gắng sức biết bao. Đã thấy đủ, Rikyu lễ phép từ chối món bánh, xin thứ lỗi rồi kiếu từ.

    Ngày kia Nhật hoàng cho biết sẽ đến viếng Rikyu và dự buổi trà đạo. Đêm trước khi ông đến, tuyết rơi khá nhặt. Rikyu nhanh trí lấy mấy chiếc gối đặt lên từng phiến đá lót lối đi dẫn từ vườn nhà đến trà thất. Ngay trước bình minh, Rikyu thức dậy và thấy tuyết đã thôi rơi nên lượm gối đem cất. Khi vừa đến nơi, Nhật hoàng ngạc nhiên vì vẻ đẹp đơn sơ của quang cảnh - những phiến đá lối đi khô ráo, nổi bật giữa nền tuyết dày – và ghi nhận bản thân hành động tôn kính ấy, chứ không hỏi han gì đến cách làm.

    Rikyu qua đời để lại ảnh hưởng sâu rộng đối với nghi thức trà đạo. Yorinobu, tướng quân vùng Tokigawa là môn đệ thuần thành những nghi thức ấy. Trong vườn, ông dựng một lồng đèn đá do một nghệ nhân bậc thầy tạo tác. Ngày kia khi lãnh chúa Sakai Tadakatsu gợi ý đến ngắm lồng đèn, Yorinobu trả lời rằng ông hết sức hân hạnh, sau đó sai gia nhân chuẩn bị mọi thứ thật chỉnh tề để đón tiếp khách quý. Nhưng những người làm vườn lại không am hiểu nghệ thuật Chanoyu nên nghĩ rằng lồng đèn đá đã được chạm trổ không được cân xứng vì những cửa sổ trông quá hẹp. Họ nhờ một thợ đá trong vùng đục rộng ra thêm. Vài ngày trước khi Sakai đến chơi, Yorinobu đi một vòng kiểm tra mới phát hiện sự tình. Ông nổi trận lôi đình, chỉ muốn rút kiếm ra chặt nhừ tên khốn kiếp nào dám làm hư cái lồng đèn.

    Tuy nhiên sau khi nguôi giận, ông nhớ lại trước đây mình mua chẵn một cặp và cái kia còn để trong vườn nhà trên đảo Kishu. Yorinobu bỏ rất nhiều tiền thuê một tàu săn cá voi và những trạo phu cừ khôi nhất đến đảo mang đèn về chỉ trong vòng hai ngày. Đoàn người liên tục chèo ngày chèo đêm, và may mắn được gió thuận chiều nên hoàn thành nhiệm vụ. Yorinobu hết sức hài lòng khi nhận ra rằng cái sau còn đẹp hơn cái trước, vì hai mươi năm nay nằm yên trong bụi tre, nhờ đó phủ đầy rêu và tăng phần cổ kính. Ngay trong ngày hôm đó lãnh chúa Sakai đến chơi và sững sờ trước vẻ đẹp của chiếc lồng đèn, vì nó còn đẹp hơn là ông tưởng tượng - hết sức hài hòa với thiên nhiên. May thay ông không hề biết Yorinobu đã tốn bao công sức và nỗ lực để có được hiệu ứng tuyệt vời này.

    Diễn giải

    Sen no Rikyu quan niệm rằng điều gì xảy ra đột ngột và tự nhiên, gần như là ngẫu nhiên thì đó mới là đỉnh cao của cái đẹp. Cái đẹp này xuất hiện không báo trước và vẻ như không cần nỗ lực gì cả. Thiên nhiên tạo ra những hiệu quả đó bằng chính những định luật và quy trình của mình, trong khi con người thì phải tốn nhiều công sức và tinh xảo. Và nếu tỏ rõ nỗ lực để đạt hiệu quả ấy, xem như hiệu quả bị hoen ố. Cái cổng được đưa đến từ quá xa, động tác hái chanh trông như sự xếp đặt.

    Rất thường khi bạn phải dùng đến mánh này mẹo nọ để tạo hiệu quả - những cái gối trên tuyết, trạo phu chèo suốt đêm trường – nhưng đừng để cho cử tọa của bạn biết được tất cả những công sức và trí tuệ mà bạn đã bỏ ra. Thiên nhiên không hé lộ những bí ẩn của mình và nếu bắt chước được thiên nhiên mà không tỏ ra vất vả thì bạn đã đạt gần đến quyền lực của thiên nhiên.

    PHÙ THỦY HOUDINI

    Harry Houdini, nhà ảo thuật đại tài chuyên biểu diễn thoát thân có lần tuyên bố những màn biểu diễn của ông là “Điều bất khả thành có thể”. Và quả nhiên những ai từng xem những màn biểu diễn ấy đều nhìn nhận rằng chúng đi ngược lại những gì ta quan niệm về khả năng của con người.

    Một buổi tối năm 1904, hơn 4000 cư dân London ngồi kín khán phòng để xem Houdini chấp nhận thử thách: Rút tay ra khỏi một cặp còng được tuyên bố là kiên cố nhất lịch sử. Mỗi còng có sáu bộ khóa và chín bộ lẫy, mà một thợ khóa nổi tiếng vùng Birmingham phải mất chín năm mới hoàn thành. Xem xét cặp còng xong, các chuyên gia nhìn nhận rằng họ chưa từng thấy loại nào rắc rối hơn.

    Công chúng quan sát kỹ lưỡng khi các chuyên gia khóa còng vào cổ tay Houdini. Sau đó họ đặt ông vào một cái thùng trên sân khấu. Từng giây phút trôi qua, khán giả càng tin chắc rằng đó sẽ là cặp còng đầu tiên hạ gục Houdini. Có lúc ông ló đầu ra khỏi thùng và yêu cầu tạm mở còng để ông cởi áo vét cho bớt nóng vì trong thúng bí hơi nóng quá! Các chuyên gia từ chối lời yêu cầu, nghi rằng ông lấy cớ để quan sát xem những bộ khóa vận hành như thế nào. Không hề nao núng, hai tay vẫn bị còng, Houdini vẫn vặn vẹo để nâng chiếc áo vét cao lên khỏi vai, lật mặt trong ra, dùng răng cắn con dao nhíp ở túi trong, lắc lư cái đầu để cắt rách cái áo. Như thế xem như bớt nóng, ông ta lại ung dung chui trở vào thùng trong khi cử tọa reo hò cổ vũ sự khéo léo đó.

    Sau khi để khán giả chờ đủ lâu, Houdini từ thùng bước ra, tay cầm cặp còng đã mở. Cho đến nay không ai biết ông ta đã làm thế nào. Mặc dù mất gần một giờ đồng hồ để thoát thân nhưng ông không có vẻ gì quan ngại, không chút chần chừ. Cuối cùng công chúng có cảm giác như ông cố tình kéo dài thời gian để tăng phần bi kịch, để làm cho họ lo lắng, nếu không, xem như Houdini biểu diễn rất ung dung thư thả. Việc ông than phiền nóng nực cũng là một phần của màn kịch. Khán giả đêm đó cũng như những đêm khác, nơi khác đều có cùng cảm tưởng rằng Houdini bông lông với họ chút cho vui: Những cái còng kia không là nghĩa lý gì cả, hình như ông nhắn nhủ như vậy và tôi có thể mở ra sớm hơn nhiều, cả với những cái còng rắc rối hơn nhiều.

    Theo năm tháng, Houdini còn biểu diễn thoát thân từ những điều kiện khắc nghiệt hơn, chẳng hạn như giam mình trong cái bao bằng giấy, sau đó chui ra mà không rách bao; Đi xuyên tường; Tay chân bị xiềng cứng rồi bị ném xuống sông nước lạnh giá, trong khi khán giả hồi hộp theo dõi ông tìm cách thoát xiềng gần một giờ đồng hồ mà không thở. Mỗi lần suýt chết đến nơi thì Houdini lại thành công với lòng tự tin siêu phàm. Ông không bao giờ tiết lộ tí ti gì về những mánh khóe và luôn ung dung, thư thái trong những tình huống sinh tử. Chính vì thế mọi người đồn ông là sử dụng ma thuật.

    Diễn giải

    Mặc dù không biết chắc chắn Houdini làm cách nào để thực hiện những màn biểu diễn thần sầu, song ta thấy rõ ràng rằng ông không hề sử dụng ma thuật hoặc sức mạnh huyền bí nào cả, mà tất cả xuất phát từ sự khổ luyện mà ông khéo giấu không cho công chúng biết.

    Vào thuở khởi đầu sự nghiệp, ông theo bước một nghệ sĩ già Nhật Bản, người đã dạy ông màn biểu diễn nuốt trái cầu bằng ngà, rồi làm nó xuất hiện trở lại trong miệng. Houdini tập dượt không nghỉ với một củ khoai lột vỏ cột vào sợi dây, điều khiển cho nó lên xuống bằng cách co thắt cơ cổ họng, cho đến khi các cơ vòng đủ mạnh để đưa củ khoai từ dưới lên trên mà không cần đến sợi dây. Trước khi Houdini tiến hành màn mở còng thoát thân, nhà tổ chức biểu diễn đã cho nhân viên lục soát khắp người ông, nhưng không phát hiện bất kỳ đồ nghề nào. Chỉ một chỗ họ không ngờ tới, đó là trong cái cổ họng khổ luyện, Houdini đã giấu những dụng cụ tí hon. Như đã nói, việc ông câu giờ là để cho toàn cảnh thêm phần hồi hộp, chứ thật ra hành động thoát thân của ông luôn thật phong nhã, làm cho mọi người xem ông như siêu nhân.

    Nếu là người quyền lực, bạn luôn phải nghiên cứu và thực hành liên tục trước khi xuất hiện trước công chúng, cho dù trên sân khấu hoặc ngoài đời. Đừng bao giờ để mọi người thấy bạn phải đổ mồ hôi hột vì công việc. Nhiều người tưởng phải làm như vậy để cho thấy mình trung thực và nỗ lực, nhưng không, mồ hôi mồ kê chỉ làm cho họ trông yếu kém hơn mà thôi - chừng như sức họ đến đó là hết, thậm chí là họ gắng lắm mới hoàn thành nổi. Vậy những nỗ lực và mánh khóe thực hiện công việc, bạn hãy giữ riêng mình mình biết, và mọi người sẽ thấy bạn thật phi phàm. Vì thật ra chưa ai thấy được nguồn sức mạnh của thần thánh mà chỉ chứng kiến hiệu quả các sức mạnh ấy mà thôi.

    Có thể ta mất nhiều giờ mới tới được một câu thơ;

    Nhưng nếu thơ không có vẻ thoát ra từ một nghĩ suy trong

    phút chốc, thì mọi công dệt rồi tháo, tháo rồi dệt chỉ là mơ.

    (William Butler Yeats, Lời nguyền rủa Adam)

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Con người có được ý niệm sơ khởi về quyền lực từ những lần chạm trán đầu tiên với thiên nhiên – sấm chớp, lũ quét, tốc độ và sự hung ác của một con thú rừng. Những sức mạnh này không đòi hỏi phải suy nghĩ hay tiên liệu – chúng làm ta sợ vì chúng đột ngột, tự nhiên và tác động đến việc sống chết. Đó là thứ quyền lực mà ta luôn muốn bắt chước. Nhờ khoa học và công nghệ, ta đã tái tạo tốc độ và quyền lực hùng vĩ của thiên nhiên, nhưng thật bất toàn: Máy móc của chúng ta ồn ào và cà giật, chứng tỏ chúng phải gắng sức. Ngay cả những sản phẩm tốt nhất của công nghệ cũng không làm chúng ta quên trầm trồ những gì chuyển động dễ dàng mà không cần gắng sức. Trẻ con khiến ta phải mềm lòng nuông chiều là vì ta cảm thấy chúng duyên dáng, vì ta thấy chúng ít suy này nghĩ nọ và tự nhiên hơn ta. Tuy không thể trở về lứa tuổi đó, nhưng nếu có thể tạo ra một dáng vẻ tự nhiên thong dong như vậy, ta sẽ gợi lên trong lòng người khác loại tình cảm kính trọng sơ khai của con người đối với thiên nhiên.

    Một trong những tác gia Âu châu đầu tiên viết về chủ đề này lại xuất thân từ một môi trường rất không thiên nhiên, đó là triều đình thời Phục hưng. Trong quyển The Book of the Courtier xuất bản năm 1528, Baldassare Castiglione mô tả tỉ mỉ các cung cách của một triều thần, một kẻ bề tôi hoàn hảo. Qua đó ông dạy rằng triều thần phải thực hiện tất cả những động tác với sprezzatura, nghĩa là cái khả năng làm cho cái khó có vẻ dễ dàng. Ông căn dặn kẻ bề tôi phải “thực hiện mọi thứ với phong thái ung dung, che giấu nét nhân tạo, và cho dù bạn làm gì nói gì thì cũng đừng tỏ ra cố gắng, xếp đặt.” Ta thường thán phục một thành tích vượt trội, nhưng nếu chủ thể thực hiện thành tích đó một cách tự nhiên và duyên dáng, sự thán phục đó sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

    Họa sĩ Vasari thời Phục hưng là nhà phê bình nghệ thuật tài ba. Ông chỉ trích các tác phẩm của Paolo Uccello vì ông này bị ám ảnh bởi các định luật phối cảnh. Nỗ lực của Uccello mang vào phối cảnh cho từng bức vẽ quá lộ liễu làm cho tranh có vẻ dày công trau dồi và kệch cỡm. Chúng ta cũng có cùng phản ứng khi chứng kiến người biểu diễn bỏ quá nhiều công cho màn diễn: Nỗ lực hiển nhiên của họ đánh tan ảo tưởng của khán giả, khiến khán giả khó chịu. Ngược lại, những nghệ sĩ trầm tĩnh duyên dáng giúp ta cảm thấy dễ chịu, không cho rằng họ đang biểu diễn mà nghĩ đó là nét tự nhiên vốn có, mặc dù thật ra trước đó họ đã phải luyện tập đổ mồ hôi sôi nước mắt.

    Ý niệm về sprezzatura đều xác đáng cho mọi hình thức quyền lực, vì quyền lực chủ yếu dựa vào vẻ bề ngoài và ảo tưởng mà bạn tạo ra. Hành động của bạn giống như tác phẩm nghệ thuật: Chúng phải hấp dẫn, mời gọi óc tưởng tượng, thậm chí phải mang tính giải trí. Nếu để người khác thấy nỗ lực bên trong, bạn lập tức trở thành người tầm thường như mọi người khác. Điều gì hiểu được thì không còn bí mật đáng gờm - bản thân chúng ta từng bảo rằng nếu tôi có tiền bạc và thời gian thì cũng có thể làm được như hắn. Hãy cưỡng lại khuynh hướng chứng tỏ mình khôn ngoan - sẽ là khôn ngoan hơn nữa nếu bạn che giấu được những cơ chế của sự khôn ngoan ấy.

    Talleyrand áp dụng ý niệm đó vào sinh hoạt hàng ngày nên càng khiến cho vầng hào quang quyền lực của ông thêm phần rực rỡ. Bình thường đã không thích phải làm lụng cực khổ, vì vậy ông bảo kẻ khác làm thay – theo dõi, nghiên cứu, phân tích thông tin. Khi được mật thám báo sự kiện nào sắp diễn ra, ông đề cập sự kiện ấy trong khi bàn luận với mọi người, khiến họ nghĩ rằng chính ông đã đánh hơi biết trước. Và kết quả là ông được tiếng sáng suốt. Những câu nhận định ngắn ngủi và thâm thúy của ông hình như luôn tóm lược tình hình một cách hoàn hảo, nhưng thật ra chúng là kết quả của quá trình nghiên cứu và tư duy. Các thành viên chính phủ, mà kể cả hoàng đế Napoléon đều cảm thấy ông có thứ quyền lực khó tả - đó chính là hiệu quả của phong thái ung dung khi ông hoàn thành công việc.

    Thêm một lý do nữa để ta che dấu mánh mung mảng miếng: Để lộ thông tin thì đối thủ sẽ dùng đó mà đập ngược lại bạn. Chúng ta thường có khuynh hướng để cho thế giới biết những gì mình đã làm - muốn người ta tán thưởng công khó của mình để vỗ về nết tự kiêu, và thậm chí đôi khi chúng ta còn muốn mọi người thấu hiểu cho biết bao thời gian mà ta đã bỏ ra để đạt đến đỉnh cao của kỹ xảo. Bạn hãy tập làm chủ cái khuynh hướng ba hoa đó đi, vì thường khi hậu quả sẽ ngược lại điều bạn muốn. Cố gắng nhớ rằng: càng nhiều bí ẩn bao bọc hành động mình, quyền lực của bạn càng có vẻ ghê rợn. Mọi người sẽ nghĩ chỉ mình bạn có khả năng thực hiện được sứ mệnh ấy – và cái vẻ như chỉ mình ta có được thiên bẩm ấy thôi là đã mang lại biết bao quyền lực. Cuối cùng, bởi vì bạn hoàn thành công tác thật dễ dàng và phong nhã, thiên hạ sẽ tin rằng bạn còn có thể giỏi giang hơn, nếu bạn nỗ lực. Như thế thiên hạ không chỉ thán phục mà còn hơi sợ bạn. Quyền lực của bạn chưa được khai thác hết – không ai lường được giới hạn.

    Hình ảnh:

    Cuộc đua ngựa. Nhìn gần, ta thấy nỗ lực của con ngựa, hơi thở hổn hển, cơ bắp cuồn cuộn. Nhưng từ xa, ta chỉ thấy ngựa phi thật đẹp như bay trong không khí. Hãy giữ mọi người cách một cự ly và họ chỉ sẽ thấy hành động của bạn thật thong dong.

    Ý kiến chuyên gia:

    Bất kỳ hành động nào đi kèm với phong thái ung dung, cho dù hành động ấy tầm thường cách mấy thì cũng không tiết lộ kỹ xảo của chủ thể, mà còn thường được xem là vĩ đại hơn thực tế. Như thế bởi vì nó làm cho người xem tin rằng nếu chủ thể thực hiện dễ dàng như vậy, hẳn anh ta còn tài ba hơn vậy nữa.

    (Baldassare Castiglione, 1478-1529)

    NGHỊCH ĐẢO

    Khi phủ một màn sương bí ẩn quanh hành động của mình, ta phải làm thật vô tư thư thái, chứ nếu để người khác thấy ta cố ý che giấu thì lại gây phản cảm: Lúc ấy ta làm cho cuộc chơi thành trầm trọng. Khi ngụy trang mánh khóe, Houdini ra vẻ như đó là trò đùa, là một phần của màn diễn. Đã đành là không nên phơi bày việc của mình trước khi nó hoàn tất, nhưng ta cũng đừng láo liên che đậy, kẻo lại rơi vào trường hợp gã họa sĩ Pontormo, kẻ đã dùng hết những năm tháng cuối cùng của cuộc đời để giấu kín các bức bích họa không cho công chúng thấy trước khi chúng hoàn thành, và hậu quả là ông ta đã hóa rồ. Ta hãy luôn giữ ý thức hài hước về chính mình.

    Cũng có lúc cần nên tiết lộ những công việc bên trong của dự án ta đang tiến hành. Việc đó tùy thuộc khẩu vị của công chúng mà ta có, vào thời điểm ta hành động. P. T. Barnum biết rằng khán giả của ông muốn cảm thấy được tham gia vào những màn diễn, và sẽ khoái chí khi hiểu biết các mánh khóe bên trong. Khán giả cũng tán thành sự hóm hỉnh và tính trung thực của ông. Barnum còn đi xa đến mức công bố những cú lừa của mình trong quyển tự truyện được xuất bản vào lúc hoàng kim của sự nghiệp.

    Nếu việc tiết lộ từng phần những kỹ thuật và mánh khóe được ta trù tính kỹ lưỡng, chứ không phải là kết quả của thói ba hoa không kiểm soát thì đó là đỉnh cao của khôn ngoan! Hành động này khiến công chúng có ảo tưởng rằng mình được trọng vọng và có tham gia, trong khi đa phần những gì ta làm thì họ hoàn toàn không hề biết.
     
  3. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 31: Đối Thủ Chỉ Có Thể Chọn Những Lá Bài Do Ta Ấn Định

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đỉnh cao của lừa bịp là vờ cho nạn nhân lựa chọn: họ tưởng mình nắm tình hình nhưng thật ra bị ta giật dây. Hãy đưa ra toàn những khả năng có lợi cho ta, cho dù nạn nhân lựa chọn như thế nào. Buộc họ phải chọn giữa ma và quỷ, đàng nào cũng phục vụ cho mục tiêu của ta.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Ngay từ lúc mới vừa lên ngôi, Ivan IV mà sau này được mệnh danh là Ivan Bạo chúa đã phải đối diện một thực tế không vui: Đất nước không thể không đổi mới nhưng ông lại không đủ quyền lực thực hiện đến nơi đến chốn. Rào cản lớn nhất đối với thẩm quyền của ông chính là bọn boyar, vốn là giai cấp quý tộc Nga đang thống trị đất nước và khủng bố nông dân.

    Càng ngày Ivan càng ý thức rằng mình không có uy quyền nào đối với bọn chúng cả, thậm chí chúng đang liên minh hãm hại mình. Ngay cả bạn thân nhất là Andrey Kurbski cũng liên kết với ngoại bang để khởi quân tấn công ông. Thù trong giặc ngoài đều khắp, đất nước Nga lại quá rộng lớn khó có thể bảo vệ, Ivan xem như bất lực.

    Ivan nghiền ngẫm cho đến rạng sáng ngày 3 tháng 12 năm 1564, khi nhân dân Moscow chứng kiến quang cảnh lạ lùng. Hàng trăm xe trượt tuyết đậu kín quảng trường trước điện Kremlin, chất đầy của cải của Nga hoàng cùng lương thực thực phẩm cho toàn bộ triều đình. Người dân kinh ngạc nhìn tất cả triều đình lên xe rời thủ đô. Không giải thích lý do, triều đình trú ngụ trong một ngôi làng ở phía nam Moscow. Suốt một tháng dài thủ đô cứng mình vì khiếp đảm, bởi người dân sợ là Ivan sẽ bỏ mặc họ với bọn Boyar khát máu. Tiệm buôn đóng cửa, từng đám đông nổi dậy cướp phá. Cuối cùng đến ngày 3 tháng 1 năm 1565, nhân dân nhận được thư của Nga hoàng, giải thích rằng ông không thể chịu đựng được sự bội phản của bọn boyar nên quyết định thoái vị vĩnh viễn.

    Được đọc to cho công chúng nghe, bức thư lập tức có hiệu quả: Doanh nhân cũng như thường dân đều chỉ trích bọn boyar, họ xuống đường và giới quý tộc phải khiếp sợ trước sự phẫn nộ ấy. Sau đó một nhóm đại diện cho nhà thờ, các quý tộc và nhân dân cùng đến ngôi làng. Họ nhân danh đất nước Nga nài nỉ hoàng đế trở lại ngai vàng. Ivan lắng nghe nhưng không chuẩn thuận. Tuy nhiên người dân khăng khăng nài nỉ liên tục mấy hôm nên cuối cùng Nga hoàng đưa ra cho lựa chọn: Hoặc là họ trao cho ông toàn quyền trị vì theo ý muốn mà không có sự can thiệp của bọn boyar hoặc là họ cứ đi tìm một người lãnh đạo mới.

    Trước tình thế phải chọn lựa giữa nội chiến và việc chấp nhận một quyền lực chuyên chế, hầu hết mọi tầng lớp xã hội Nga đều “chọn” một hoàng đế cứng rắn, kêu gọi Ivan trở về Moscow để tái lập trật tự và luật pháp. Đến tháng hai, Ivan trở về Moscow trong vinh quang. Giờ đây người Nga sẽ không thể than phiền gì nếu ông cư xử độc đoán – chính họ đã trao quyền lực đó cho ông.

    Diễn giải

    Ivan đối mặt với tình thế khó xử: Nếu buông trôi cho bọn boyar thì đất nước sẽ tan hoang, nhưng nếu nội chiến thì kết quả cũng không khác mấy. Ngay cả khi ông toàn thắng trong một cuộc chiến như vậy, chắc chắn đất nước bị tàn phá và nội bộ sẽ chia rẽ hơn bao giờ hết. Trong quá khứ, vũ khí của ông từng là sự táo bạo, tiến công. Tuy nhiên giờ đây một hành động như thế sẽ tác dụng ngược.

    Việc phô trương lực lượng dở ở chỗ là dấy lên lòng căm ghét, có khả năng gây ra một phản ứng làm xói mòn quyền lực. Ivan thấy rõ rằng con đường duy nhất dẫn đến loại chiến thắng mà ông muốn chính là làm bộ tháo lui. Không thể ép đất nước ngả theo lập trường của mình, cho nên ông đưa ra “tùy chọn”: Hoặc là ta thoái vị thì đất nước hỗn loạn, hoặc là ta nắm quyền lực tuyệt đối. Để tăng cường nước cờ, ông tỏ rõ ý nguyện ra đi: “Cứ cãi lời ta đi, rồi các ngươi xem chuyện gì sẽ xảy ra.” Không ai cãi lời ông cả. Chỉ vắng mặt khoảng một tháng, ông đã cho người dân thấy những cơn ác mộng sẽ diễn ra một khi ông thoái vị - dân Tartar xâm lăng, nội chiến, điêu tàn.

    Rút lui và biến mất là những cách cổ điển để kiểm soát những tùy chọn. Ta giúp mọi người thử nếm mùi đổ vỡ khi không có ta, rồi chào mời họ một “lựa chọn”: Ta ra đi và các vị gánh chịu hậu quả, hoặc ta trở lại với những điều kiện của ta. Theo cách này, mọi người sẽ chỉ định cái tùy chọn giúp ta thêm quyền lực, bởi vì điều ngược lại còn khổ sở hơn. Ta ép uổng họ đấy, nhưng chỉ là gián tiếp: Họ tưởng mình được chọn lựa. Mỗi khi tưởng là mình được chọn lựa, họ sẽ càng dễ dàng sập bẫy.

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Những từ như “tự do”, “tùy chọn” và “chọn lựa” gợi lên một khả năng quyền lực cao xa hơn nghĩa thực tế của chúng. Nếu xem xét kỹ lưỡng, ta thấy rằng những lựa chọn được chào mời – trên thương trường, khi đi bầu, trong công việc - đều ít nhiều bị giới hạn: Thường khi đó là vấn đề chỉ lựa chọn giữa A và B, phần còn lại của bảng chữ cái không được trưng ra. Ta “lựa chọn” vì ta tin rằng cuộc chơi không gian lận, rằng ta được tự do. Ta có thói quen không suy nghĩ nhiều về chiều sâu của quyền tự do lựa chọn ấy.

    Thói quen này xuất phát từ thực tế là: quá nhiều tự do sẽ tạo ra một dạng khắc khoải. Cụm từ “tha hồ chọn lựa” rõ ràng nghe quá hứa hẹn, nhưng thật ra cụm từ ấy làm ta tê liệt và che mờ khả năng lựa chọn của ta. Ta yên tâm về phạm vi lựa chọn hạn chế đó.

    Thói quen và sự yên tâm ấy tạo điều kiện thuận lợi cho bọn lừa đảo. Có quyền lựa chọn giữa các khả năng được chào mời, thiên hạ ít khi biết rằng mình đang bị giật dây hay lừa bịp. Họ không nhận ra rằng tuy mình được một tí tự do lựa chọn nhưng phải chịu sự áp đặt lớn lao hơn từ phía chào mời. Vì vậy việc lập ra một phạm vi lựa chọn hẹp luôn là một phần của kế hoạch lừa bịp. Tục ngữ có câu: Dụ được chim tự ý bước vào lồng, tiếng chim hót nghe hay gấp bội.

    Sau đây là các hình thức phổ biến nhất để “kiểm soát các tùy chọn”:

    Đánh bóng các tùy chọn. Đây là kỹ thuật được Henry Kissinger ưa dùng. Với tư cách là ngoại trưởng của chính quyền Richard Nixon, Kissinger tự xem mình nắm được nhiều thông tin hơn tổng thống và tin rằng trong hầu hết mọi trường hợp mình có khả năng đưa ra quyết định tốt nhất. Nhưng nếu toan quyết định chính sách, ông sẽ làm mất lòng con người nổi tiếng là hay lo âu. Vì vậy ông thường đưa ra ba hay bốn tùy chọn cho từng hoàn cảnh, theo góc nhìn mà cái tùy chọn ông thích nhất sẽ có vẻ tối ưu. Lần lần, Nixon cắn môi, không thể ngờ rằng mình đang tiến về hướng mà Kissinger đã chọn. Đây là kỹ thuật rất tốt để áp dụng với một kẻ bề trên không mấy tự tin.

    Ép kẻ kháng cự. Bác sĩ Milton H. Erickson là người tiên phong trong lĩnh vực liệu pháp thôi miên ở thập niên 1950. Một trong những vấn đề ông thường gặp là bệnh tái phát. Tuy bệnh nhân có vẻ phục hồi nhanh chóng nhưng bên trong họ cưỡng lại liệu pháp. Chẳng bao lâu sau họ lại rơi vào những thói quen cũ và không đến gặp bác sĩ nữa. Để khắc phục tình trạng này, Erickson thôi miên và ra lệnh cho vài người phải phát bệnh lại, để cho họ cảm thấy cũng tồi tệ như lần đầu đến khám, xem như trở về khởi điểm. Đứng trước tình thế đó, bệnh nhân thường “chọn” tránh khả năng tái phát – và tất nhiên đó là điều Erickson thật sự mong muốn.

    Đây là kỹ thuật thích hợp với trẻ em và những người cứng cỏi, thường thích làm ngược lại những gì người khác muốn. Bạn đặt họ vào tình thế phải “chọn” điều bạn muốn bằng cách khuyên họ điều ngược lại.

    Đổi sân chơi. Trong thập niên 1860, John D. Rockefeller bắt đầu tạo ra thế độc quyền buôn bán dầu mỏ. Ông biết nếu mình định mua các công ty nhỏ, họ sẽ đoán ra và chống lại. Vì vậy ông bí mật mua đứt các doanh nghiệp đường sắt chuyên vận chuyển dầu. Sau đó khi gạ mua các công ty dầu và bị kháng cự, ông gợi ý họ về việc lệ thuộc đường ray. Như vậy Rockefeller đã thay đổi sân chơi để cho những công ty nhỏ còn một “tùy chọn” duy nhất là tùy chọn mà ông đưa ra.

    Các đối thủ biết rằng mình bị ép nhưng không sao. Chiến thuật này hiệu nghiệm với những ai kháng cự bằng mọi giá.

    Phạm vi lựa chọn hẹp dần. Đây là thủ thuật thường dùng của nhà buôn tranh Ambroise Vollard hồi thế kỷ XIX.

    Khách hàng đến cửa hiệu của ông xem tranh Cézanne. Ông trưng ba bức không đề giá rồi ngồi giả vờ ngủ gà ngủ gật. Họ ra về và quyết định không mua. Thường thì hôm sau họ đến để xem lại lần nữa, nhưng lần này Vollard lại trưng những bức khác kém mỹ thuật hơn và khẳng định vẫn là những bức hôm qua. Khách ngạc nhiên những vẫn ghé mắt xem qua, hẹn về nhà suy nghĩ thêm rồi ngày mai cũng trở lại. Một lần nữa, Vollard lại bày ra ba bức càng kém chất lượng. Cuối cùng khách ý thức rằng chẳng thà mình mua những gì Vollard chào mời, bởi vì ngày mai sẽ còn tệ hơn nữa, và có thể giá còn tăng cao hơn.

    Một biến thể của thủ thuật này là mỗi lần khách do dự và mai trở lại thì ta lại tăng giá. Đối với loại người luôn do dự, đòn này làm họ chẳng thà mua hôm nay còn tốt hơn là để ngày mai.

    Kẻ yếu trên bờ vực. Người yếu đuối là dạng người dễ bị xoay chuyển nhất khi ta kiểm soát các tùy chọn của họ. Hồi thế kỷ XVII, hồng y De Retz là phụ tá của Công tước D’Orléans, người nổi tiếng không dứt khoát. Thật vất vả khi muốn thuyết phục công tước quyết định một hành động nào đó – ông ta sẽ ừ hử, cân nhắc mọi khả năng, và chờ cho đến giờ phút chót khiến mọi người xung quanh nóng muốn nổi sảy. Nhưng De Retz đã khám phá một cách xoay chuyển ông ta: Mô tả đủ loại nguy hiểm rùng rợn, phóng đại lên tối đa cho đến khi công tước nhìn đâu cũng thấy toàn vực thẳm chàm quàm, chỉ trừ một hướng, đó là hướng mà De Retz đang lái ông tới.

    Chiến thuật cũng giống như “Đánh bóng các tùy chọn”, nhưng với kẻ yếu bạn phải hung hăng hơn. Hãy thao túng cảm xúc của họ - hãy hù họa hay khủng bố để thúc đẩy họ hành động. Chứ nếu chỉ lý luận suông thì họ sẽ lần lữa.

    Đồng thuyền tội ác. Ta dụ cho đối tượng dính líu vào một âm mưu tội ác nào đó, tạo ra một liên kết tội lỗi giữa họ và ta. Họ dính líu vào vụ lừa bịp, gây ra tội ác (hoặc họ tưởng như thế - xem câu chuyện của Sam Geezil ở Nguyên tắc 3), từ đó ta dễ dàng xoay chuyển họ. Tay đại bịp người Pháp hồi thập niên 1920 là Serge Stavisky làm cho chính phủ mắc mưu với hắn vào qúa nhiều vụ lừa đảo đến nỗi Nhà nước không dám truy tố, và “chọn” giải pháp để hắn yên thân. Thường khi ta nên lôi kéo người nào có khả năng gây cho ta nhiều thương tổn nhất, nếu một khi bại lộ. Chỉ cần họ dính líu chút xíu thôi - chỉ cần một lời bóng gió về việc họ mắc mưu cũng sẽ thu hẹp các tùy chọn của họ, làm cho họ phải ngậm miệng.

    Tiến thoái lưỡng nan. Điển hình cho ví dụ này là khi tướng quân William Sherman dẫn quân qua bang Georgia trong thời kỳ Nội chiến Mỹ. Mặc dù biết rõ hướng hành quân của Sherman, nhưng quân ly khai không rõ ông ta sẽ tấn công từ cánh trái hay phải, bởi vì ông chia quân thành hai mũi. Đây cũng là kỹ thuật cổ điển của thầy cãi tại pháp đình: Luật sư mời các nhân chứng quyết định giữa hai cách giải thích khả dĩ về một sự kiện, nhưng thật ra cách nào cũng tạo lỗ hổng trong lời khai của họ. Họ phải trả lời các câu hỏi của luật sự, nhưng câu trả lời nào cũng không có lợi cho họ.

    Khi sử dụng kỹ thuật này, bạn phải ra tay thật nhanh, không cho nạn nhân đủ thời gian tìm lối thoát. Lọt vào thế tiến thoái lưỡng nan, xem như họ tự đào mồ.

    Bạn nên hiểu như thế này: Khi chiến đấu với đối thủ, thường khi bạn phải làm họ tổn thương. Và nếu rõ ràng mình là tác nhân thì bạn nên chuẩn bị tinh thần chờ cú phản đòn, hoặc trả thù. Tuy nhiên, nếu họ tưởng chính họ là tác nhân gây ra tai họa cho họ thì học sẽ cúi đầu quy phục. Khi Ivan rời thủ đô, những người dân nài nỉ ông trở lại đều nhất trí với yêu cầu quyền lực tuyệt đối do ông đưa ra. Những năm sau đó, họ sẽ bớt căm thù vì bao sự khủng khiếp mà ông gieo rắc khắp đất nước, bởi vì nói cho cùng thì chính họ đã trao quyền lực ấy cho ông. Vì vậy bạn nên để cho nạn nhân tự sát theo cách mà họ muốn, trong khi bạn che đậy việc mình thúc đẩy họ.

    Hình ảnh:

    Cặp sừng của bò mộng. Bò mộng dồn nạn nhân vào chân tường bằng sừng nhọn – không phải một mà hai sừng một lúc, khiến nạn nhân hết đường thoát thân, vì chạy bên nào cũng chết.

    Ý kiến chuyên gia:

    Những vết thương và mọi điều xấu xa khác mà người ta tự gây cho mình, do mình lựa chọn, về lâu về dài sẽ ít đau đớn hơn là những vết thương do kẻ khác gây ra.

    (Niccolò Machiavelli, 1469-1527)

    NGHỊCH ĐẢO

    Mục đích chính của việc làm chủ các tùy chọn là không để người khác biết ta là tác nhân quyền lực và trừng phạt. Vì vậy chiến thuật này tối ưu đối với những ai mà quyền lực còn yếu ớt, chưa thể hành động quá công khai mà không bị nghi ngờ và ganh ghét. Như một quy luật chung, nếu khôn ngoan thì ta đừng sử dụng quyền lực một cách trực tiếp và mạnh bạo, cho dù ta an toàn hay mạnh mẽ cách mấy. Sẽ là phong nhã và hiệu quả hơn nếu ta cho người khác ảo tưởng của một sự lựa chọn.

    Mặt khác, đôi khi ta hạn chế các tùy chọn của người khác thì ta cũng tự hạn chế mình luôn. Có những tình huống mà nếu chừa cho đối phương một sân chơi rộng hơn thì ta sẽ có lợi: Trong khi quan sát họ hành động, ta tranh thủ do thám, thu thập thông tin để lên kế hoạch đánh lừa.
     
  4. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 32: Thao Túng Những Tư Tưởng Viễn Vông

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thường khi người ta tránh nhìn sự thật vì sự thật xấu xa và làm mất lòng. Đừng kêu gọi sự thật và thực tế, trừ khi bạn đã chuẩn bị tinh thần để đối phó với thái độ giận dữ khi người ta vỡ mộng. Cuộc sống khắc nghiệt và khổ sở đến nỗi hễ ai vẽ vời nên sự lãng mạn hoặc hô biến ra những ảo tưởng, người đó sẽ được xem là ốc đảo giữa sa mạc: ai ai cũng đổ xô đến. Khai thác được sự mơ tưởng của đám đông, bạn sẽ có quyền lực lớn.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Thị quốc Venice phát đạt lâu dài đến độ cư dân những tưởng ông trời đứng về phía họ. Từ thời Trung Cổ sang giai đoạn đầu Phục hưng, độc quyền mậu dịch với phương Đông đã giúp cho Venice trở thành đô thị giàu có nhất châu Âu. Nhưng sang thế kỷ XVI mọi thời cơ đều thay đổi. Thế giới Mới rộng mở đã dịch chuyển quyền lực – sang Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và sau này là Hà Lan và Anh Quốc. Venice không thể cạnh tranh về mặt kinh tế vì vậy đế chế của họ thu hẹp dần.

    Giờ đây nhiều gia đình quý tộc ở Venice lần lượt phá sản, các ngân hàng bắt đầu đóng cửa. Nhân danh chán nản xuống tinh thần. Dấu vết của vinh hoa vẫn chưa phai mờ khiến cho họ cảm thấy nhục nhã.

    Năm 1589 thiên hạ bắt đầu xầm xì về việc “Il Bragadino” sắp đến Venice. Người ta đồn rằng đó là bậc thầy thuật giả kim, một người giàu nứt đố đổ vách nhờ một chất bí mật giúp làm ra được nhiều vàng. Tin đồn lan nhanh là vì cách đấy ít lâu, một quý tộc Venice du hành qua Ba Lan đã nghe sấm giảng rằng Venice có thể trở lại thời oanh liệt nếu cố tìm cho ra người biết thuật giả kim. Vì vậy khi tin đồn lan tới Venice về những vàng ròng mà Bragadino sở hữu – ông ta liên tục rủng rỉnh những đồng tiền vàng trong tay, và cung điện ông ta đầy ắp vật dụng bằng vàng - nhiều người bắt đầu mơ tưởng.

    Các gia đình quý tộc cao cấp nhất cử đại diện đến Brescia để diện kiến Bragadino. Họ tham quan cung điện và sững sờ nhìn ông biểu diễn khả năng “chỉ đá hóa vàng”: Lấy một nhúm khoáng sản hầu như không giá trị, rồi hô biến thành vàng bụi. Nghị viện Venice đang chuẩn bị bàn bạc việc chính thức mời ông ta đến lưu trú miễn phí, bỗng có tin rằng Công tước vùng Mantua cũng có cùng lời mời tương tự. Sợ vuột mất nhân tài, Nghị viện gần như nhất trí mời Bragadino đến Venice, hứa hẹn sẽ chi ra hàng núi tiền để cấp dưỡng cho ông sống trong xa hoa nhung lụa – nhưng với điều kiện là ông phải tới ngay.

    Cuối năm đó gã Bragadino bí ẩn đến Venice. Dáng vẻ bề ngoài cùng với hai con chó cận vệ khổng lồ làm ông ta trông thật dữ dằn và ấn tượng. Bragadino chọn sống trong một cung điện sang trọng trên đảo vùng Giudecca, mọi chi phí ăn ở cùng với tiệc tùng, y phục và mọi đỏng đảnh khác đều được cộng hòa Venice bao trọn. Cơn sốt giả kim phủ khắp kinh thành. Góc phố nào cũng có người bán ống bễ, than đun, thiết bị chưng cất, tài liệu chuyên môn. Ai ai cũng bắt tay thực hành thuật giả kim - chỉ trừ Bragadino.

    Hình như ông ta không vội vã gì chế ra vàng để cứu Venice khỏi rơi vào điêu tàn. Lạ thay chính điều đó làm cho ông được hâm mộ thêm. Tháng ngày qua đi, Bragadino còng nhận được nhiều quà cáp từ mọi phía. Thế nhưng ông lại chả động ngón tay để tạo ra phép lạ mà mọi cư dân Venice đều mong mỏi. Cuối cùng họ bắt đầu mất kiên nhẫn. Thoạt tiên các nghị viên khuyên dân khoan nóng vội vì Bragadino như quái vật thất thường, cần được nuông chiều. Cuối cùng cả giới quý tộc cũng nóng ruột và buộc Nghị viện phải làm gì đó để bù đắp tất cả những khoản chi tiêu.

    Mặc dù trong lòng khinh rẻ bọn hoài nghi, nhưng Bragadino vẫn lên tiếng trả lời. Ông ta bảo mình đã đặt trong kho bạc của thành phố loại hóa chất bí ẩn có khả năng nhân lượng vàng lên gấp bội. Nếu muốn, ông có thể sử dụng ngay hóa chất ấy để nhân đôi lượng vàng, nhưng nếu quy trình càng dài ngày thì lượng vàng có được sẽ càng cao. Nếu chịu khó chờ khoảng bảy năm, chất này sẽ nhân số vàng lên gấp ba mươi lần. Hầu hết các nghị viên đều đồng ý chờ để thu hoạch số vàng Bragadino đã hứa. Tuy nhiên những người khác lại nổi giận: Nuôi cái tên táo tợn này bảy năm nữa bằng công quỹ! Và nhiều người dân thường của Venice cũng muốn phản đối. Cuối cùng những kẻ chống đối Bragadino đòi hỏi ông phải chứng tỏ một phần tài nghệ: Tạo ra một lượng vàng kha khá, và nhanh lên!

    Bragadino ngạo mạn trả lời rằng vì thành phố Venice quá nóng vội nên làm mất mặt ông, và không xứng đáng cho ông phục vụ. Ông ta rời Venice đến Padua, rồi Munich theo lời mời của Công tước vùng Bavaria. Giống như Venice, Bavaria cũng từng có thời kỳ vàng son nhưng giờ đây đã khánh tận, nên hy vọng dựa vào phép lạ của Bragadino để phục hưng. Nhờ vậy Bragadino tiếp tục lối sống xa hoa mà ông từng hưởng ở Venice, xem như bổn cũ soạn lại.

    Diễn giải

    Mamugnà là một thanh niên đảo Cyprus sống tại Venice suốt nhiều năm trước khi “tái sinh” thành nhà giả kim Bragadino. Ông ta chứng kiến bầu trời ảm đạm bao trùm cả thành phố, chứng kiến dân chúng cầu mong sự cứu rỗi không biết đến từ nơi nào. Trong khi những thày lừa khác thông thạo những trò lừa qua sự khéo léo tay chân, Mamugnà thông thạo bản chất con người. Ngay từ đầu ông ta đã chọn mục tiêu là Venice, sau đó xuất ngoại kiếm được ít tiền trước khi trở về định cư ở Brescia. Ông cố tình tạo tiếng vang mà ông biết trước sau gì cũng lan đến Venice. Cách một cự ly, hào quang quyền lực của ông còn thêm phần ấn tượng.

    Trước hết, Mamugnà không dùng những màn biểu diễn tầm thường để chứng minh những kỹ năng giả kim. Cung điện lộng lẫy, trang trí sang trọng, tay rủng rỉnh vàng, tất cả những thứ ấy là lý lẽ cấp cao, đánh gục những gì duy lý. Và chúng cũng thiết lập chu kỳ giúp cho chuyện lừa bịp của ông luôn trơn tru: Sự giàu sang sờ sờ ra đó càng tăng cường tiếng tăm một nhà giả kim, vì vậy những người bảo trợ như Công tước vùng Mantua sẵn sàng cho ông tiền, từ đó ông có điều kiện sống trong nhung lụa và cuộc sống xa hoa đó lại tăng cường tiếp danh tiếng nhà giả kim, vân vân và vân vân. Chỉ khi nào danh tiếng ấy đã vững chắc rồi và giới thượng lưu đối đầu nhau để giành lấy ông thì ông mới cần đến màn biểu diễn. Tuy nhiên đến lúc đó thiên hạ mới dễ bị lừa: Họ đang muốn tin. Nhìn Mamugnà hóa phép ra vàng, các nghị viên của Venice đã thiết tha muốn tin đến nỗi họ không để ý thấy dưới tay áo ông có ống thủy tinh, từ đó ông mới có thể rải bụi vàng lên nhúm khoáng sản. Thông minh và đỏng đảnh, Mamugnà chính là nhà giả kim hô biến những điều mơ tưởng của dân Venice - và một khi đã tạo được vầng hào quang như vậy thì sẽ không ai để ý những cú lừa đơn giản nhất.

    Đó chính là sức mạnh của những mơ tưởng viển vông đã bám rễ trong ta, đặc biệt vào những thời kỳ thiếu thốn và suy thoái. Hiếm khi mọi người tin rằng vấn đề xuất phát từ việc làm sai trái và ngu xuẩn của họ. Phải đổ lỗi cho ai đó hoặc điều gì đó - tức là gã kia, là thiên hạ, là thần linh – vì vậy sự cứu rỗi cũng đến từ bên ngoài. Nếu đến Venice với bản phân tích chi tiết các nguyên nhân suy thoái kinh tế, cùng với giải pháp cứng rắn để khắc phục, hẳn Bragadino sẽ bị cả thành phố cười vào mũi. Thực tế quá xấu xa và giải pháp quá đau đớn - hầu như đó là loại công phu khổ nhọc mà tổ tiên của họ đã bỏ ra để tạo nên một đế chế. Ngược lại việc mơ tưởng – trong trường hợp này là tính lãng mạn của thuật giả kim – thì rất dễ hiểu và dứt khoát dễ nuốt trôi.

    Muốn gom thu quyền lực, ta phải tạo ra vui thú cho những người chung quanh – và muốn có vui thú, ta phải chiều theo những mơ tưởng của họ. Đừng bao giờ bảo rằng chúng ta sẽ cải thiện từng bước bằng lao động nặng nhọc, ngược lại hãy vẽ vời những điều thật viển vông, hứa hẹn đổi thay lớn lao và nhanh chóng, bảo đảm tìm được kho vàng.

    Ai biết khéo léo để vẽ vời ra lý thuyết ngông cuồng nhất bằng

    những màu sắc thích hợp, người ấy sẽ có kẻ tin theo.

    (David Hume, 1711-1776)

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Chỉ có mơ tưởng không thôi thì không đủ mà cần có một cái nền cuộc sống buồn tẻ và tầm thường. Chính sự ngột ngạt của thực tế đã giúp mơ tưởng viển vông đâm chồi mọc rễ.

    Trên cái nền suy thoái chung, một Venice của thế kỷ XVI mơ tưởng phục hồi thời vàng son thông qua phép lạ của thuật giả kim. Bụi sẽ biến thành vàng và cả đế chế sẽ lại huy hoàng như xưa.

    Người nào biết biến hóa mơ mộng viển vông từ thực tế ngột ngạt ấy, người đó tiếp cận với rất nhiều quyền lực. Vì vậy khi suy tìm loại mơ tưởng nào có thể tác động đến đám đông, bạn nên tham khảo những sự thật tầm thường đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Cho dù bề ngoài và cuộc sống của thiên hạ có sang cả như thế nào cũng mặc, bạn cứ suy tìm và khai thác những gì thực sự kìm kẹp họ. Nếu thành công, xem như bạn có trong tay chiếc đũa thần quyền lực.

    Mặc dù thời thế và con người có đổi thay, song chúng ta cứ xem xét một vài thực tế ngột ngạt đang tồn tại, cùng với những cơ hội kèm theo chúng:

    Thực tế: Sự đổi thay quá chậm và từng bước, đòi hỏi lao động nặng nhọc, một tí may mắn, rất nhiều hy sinh, cả núi kiên nhẫn.

    Mơ tưởng: Một sự thay đổi đột ngột làm biến chuyển toàn bộ vận hội, không kinh qua giai đoạn lao động, không chờ may mắn, không phải hy sinh, không tốn thời gian, loại thay đổi chỉ diễn ra trong tíc tắc lạ thường.

    Tất nhiên đây chính là cốt lõi loại viển vông mà bọn bịp vẫn rao giảng hiện nay và từng đóng vai trò then chốt giúp Bragadino thành công. Bạn hãy hứa hẹn một cuộc đổi thay toàn diện lớn lao – nghèo thành giàu, bệnh thành khỏe, cơ hàn thành hỉ lạc – và sẽ có khối người theo bạn.

    Làm cách nào mà tay lang băm Leonhard Thurneisser trở thành ngự y cho quan Đại cử tri vùng Brandenburg hồi thế kỷ XVI mặc dù hắn chưa bao giờ nghiên cứu y học? Thay vì đề xướng việc cắt bỏ những thành phần bị thương tổn, cho đỉa hút máu, hoặc các loại thuốc xổ hôi thối (vốn là những phương thuốc phổ biến thời đó), Thurneisser đưa ra thảo dược ngọt ngào kèm với lời hứa nhanh chóng bình phục. Các triều thần thời thượng đặc biệt thích dung dịch “vàng lỏng uống được” trị giá cả gia tài. Nếu bạn lỡ bị bệnh kỳ quái gì đó, Thurneisser sẵn sàng bốc quẻ và họa bùa cho bạn đeo. Liệu ai có thể cưỡng lại những điều kỳ thú như vậy - được khỏe mạnh cường tráng mà không phải đau đớn khổ nhọc gì cả!

    Thực tế: Lĩnh vực xã hội có nhiều quy ước và giới hạn khắt khe. Chúng ta hiểu những hạn chế ấy và biết rằng ngày lại ngày, mình phải chuyển động trong những quỹ đạo quen thuộc ấy.

    Mơ tưởng: Chúng ta có thể bước vào một thế giới hoàn toàn mới với những quy ước khác hẳn và sự hứa hẹn những chuyến phiêu lưu kỳ thú.

    Đầu thập niên 1700, thủ đô London xôn xao về một ngoại nhân bí ẩn mang tên George Psalmanazar. Ông ta đến từ một nơi mà hầu hết người Anh xem là xứ sở thần tiên: đảo Formosa (nay là Đài Loan). Đại học Oxford mời Psalmanazar dạy ngôn ngữ của đảo; Vài năm sau ông ta lại phiên dịch Kinh thánh sang tiếng của đảo Formosa, rồi viết một quyển sách - lập tức trở thành best-seller - về địa dư và lịch sử hòn đảo. Hoàng gia Anh dự tiệc tối chung với Psalmanazar và khi đến bất cứ nơi nào, ông ta cũng làm cử tọa thích thú với những câu chuyện kỳ lạ, những phong tục lạ lùng của quê nhà Formosa.

    Tuy nhiên sau khi ông ta qua đời, người ta mới phát hiện rằng thật ra ông chỉ là một người Pháp với trí tưởng tượng phong phú. Tất cả những gì ông kể về Formosa - chữ viết, ngôn ngữ, văn chương, toàn bộ nền văn hóa - đều do ông bịa đặt. Psalmanazar dựa vào sự hiểu biết của người Anh để thêu dệt một câu chuyện trau chuốt tinh vi nhằm thỏa niềm ao ước của họ về những gì ngoại lai xa lạ. Nền văn hóa Anh thời ấy kiểm soát nghiêm khắc những mơ mộng của nhân dân. Vì vậy đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho Psalmanazar.

    Nhiều khi người ta mơ tưởng hương xa đơn giản chỉ vì quá buồn chán. Thầy bịp thường tranh thủ sự ngột ngạt của môi trường làm việc, đơn điệu và thiếu hương phiêu lưu. Chẳng hạn lúc ấy thầy sẽ hê lên về việc khám phá ra kho tàng Tây Ban Nha từng thất lạc bao thế kỷ nay với sự tham gia của một senorita Mexico quyến rũ, có liên quan đến vị tổng thống một đất nước Nam Mỹ - bất cứ những gì giải thoát bạn khỏi sự nhàm chán thường ngày.

    Thực tế: Xã hội vụn vỡ và đầy xung đột.

    Mơ tưởng: Mọi người đến với nhau trong sự đoàn kết tinh thần.

    Vào thập niên 1920, tay lừa đảo Oscar Hartzell làm giàu nhanh chóng từ một vụ xưa như trái đất, liên quan đến Sir Francis Drake – cơ bản là hứa hẹn với bất kỳ ai mang họ Drake một phần tải sản của “kho báu Drake” đã thất lạc từ lâu, mà chỉ mỗi mình ông ta tiếp cận được. Hàng ngàn người từ vùng Trung tây đã sụp bẫy, và Hartzell khôn ngoan biến tập thể này thành một cuộc thập tự chinh chống đối chính phủ và bất cứ ai khác toan ngăn cản không cho các hậu duệ Drake thừa hưởng kho tàng. Họ triển khai một hiệp hội thần bí của những hậu duệ Drake bị đàn áp, tổ chức nhiều cuộc tập hợp và mít tinh gây xúc cảm. Chỉ cần hứa hẹn với một hiệp hội như vậy là ta thâu tóm được nhiều quyền lực, nhưng đó là loại quyền lực nguy hiểm có thể chống ngược lại ta. Đây là hình thức mơ tưởng viển vông mà bọn mị dân thường hay thao túng.

    Thực tế: Cái chết. Chết rồi không thể sống lại, quá khứ không thể đổi thay.

    Mơ tưởng: Đột ngột đảo ngược lại cái sự thật không chịu đựng nổi ấy.

    Cú lừa này có nhiều biến thể, nhưng biến thể nào cũng đòi hỏi bạn phải hết sức khéo léo và tinh tế.

    Vẻ đẹp của tranh Vermeer đã từ lâu không còn là vấn đề bàn cãi, tuy nhiên ông sáng tác rất ít, và trên thị trường hết sức hiếm tranh ông. Nhưng vào thập niên 1930, tranh Vermeer lại bắt đầu xuất hiện trong các phòng trưng bày. Khi được mời đến giám định, các chuyên gia đều nhất trí rằng chúng là tranh thật. Thật lạ lùng, Vermeer đã hồi sinh, quá khứ đã bị thay đổi.

    Chỉ sau này mọi người mới biết chúng là sản phẩm của một người giả mạo tên là Han van Meegeren. Họa sĩ Hà Lan này đã chọn Vermeer để giả mạo vì ông biết rõ mơ tưởng của dân làng tranh: Tranh sẽ có vẻ thật bởi vì công chúng, và các chuyên gia, tất cả đều hết sức muốn tin chúng là thật.

    Bạn hãy nhớ: Điều then chốt đối với sự mơ tưởng viển vông chính là cự ly. Một đối tượng ở xa sẽ hấp dẫn và hứa hẹn hơn, trông đơn giản và không có vấn đề. Vì vậy bạn phải rao bán những gì không thể với tới. Đừng để điều đó trở nên quá quen thuộc; Đó là ảo ảnh từ xa sẽ lùi dần khi nạn nhân tiến đến gần. Bạn đừng bao giờ nói về điều mơ tưởng một cách quá trực tiếp, mà cố tình để cho mơ hồ. Là nhà giả mạo những điều mơ tưởng, bạn buộc phải để nạn nhân đến đủ gần để nhìn thấy và bị cám dỗ, nhưng dù sao cũng giữ họ xa vừa đủ để họ luôn mơ tưởng và ước ao.

    Hình ảnh:

    Mặt trăng. Không với tới được, luôn thay hình đổi dạng, lúc ẩn lúc hiện. Chúng ta ngắm trăng tưởng tượng, ngạc nhiên và khao khát – trăng luôn gợi lên bao mơ tưởng. Bạn đừng chào mời điều hiển nhiên. Hãy hứa hẹn hái trăng.

    Ý kiến chuyên gia:

    Lời nói dối là sự quyến rũ, điều bịa đặt, có thể tô son điểm phấn thành một tưởng tượng viển vông. Ta có thể cải trang nó thành một ý niệm thần bí. Trong khi đó sự thật lại là sự việc lạnh lùng nghiêm chỉnh, không thoải mái lắm khi hấp thu. Lời dối trá dễ nuốt hơn. Người bị ghét nhất trên thế giới này là người luôn nói sự thật, là người không bao giờ thêu dệt… Tôi cho rằng việc bịa đặt thú vị và lợi lộc hơn là nói thật.

    (Joseph Weil, còn được gọi là “The Yellow Kid”,

    1875-1976)

    NGHỊCH ĐẢO

    Thao túng những điều mơ tưởng viển vông của đám đông rất có lợi nhưng hàm chứa nhiều hiểm nguy. Điều mơ tưởng thường chứa một yếu tố hí lộng – công chúng ý thức lờ mờ rằng mình bị dụ khị, nhưng vẫn tiếp tục mộng mơ và thưởng thức sự giải trí cũng như khuây khỏa để tạm thời thoát khỏi sự buồn chán thường ngày. Vì vậy ta nên thao tác nhẹ nhàng thôi - đừng bao giờ tới quá gần cái chỗ mà ta dự trù kết quả sẽ xảy ra, vì nó hàm chứa nhiều rủi ro.

    Bragadino nhận ra rằng, so với tính khí đồng bóng của dân Venice, đầu óc duy lý của cư dân Munich ít tin vào thuật giả kim. Chỉ có công tước vùng Munich là tin thực sự, vì ông đang rất cần nhiều vàng để cứu vãn tình thế tuyệt vọng. Trong khi Bragadino giở trò quen thuộc là tiêu xài hoang phí và trông chờ và lòng kiên nhẫn thì nhân dân nổi giận. Tiền đã bỏ ra quá nhiều mà kết quả không có chi. Năm 1592 nhân dân đòi thực thi công lý và treo cổ Bragadino. Cũng như những lần trước, hắn hứa mà không giao, nhưng lần này hắn đã đánh giá sai sức chịu đựng của chủ nhà.

    Điều cuối cùng: Đừng hiểu lầm rằng hễ điều viển vông thì phải luôn kỳ dị. Đã đành viển vông thì tương phản với thực tế, nhưng đôi khi bản thân thực tế lại quá cải lương và cách điệu khiến người ta lại mơ tưởng những thứ giản đơn. Hình ảnh mà Abraham Lincoln tạo ra cho mình chẳng hạn là hình ảnh của một luật sư nông thôn cây nhà lá vườn với râu quai hàm, hình ảnh một tổng thống của thường dân.

    Nhưng trong lúc đóng vai thường dân, Lincoln vẫn giữ khoảng cách riêng. Muốn thao túng những mơ tưởng viển vông, bạn cũng cần giữ khoảng cách an toàn và đừng để nhân vật “thường dân” ấy trở thành quá quen thuộc, nếu không nó sẽ chẳng tạo ra nét viển vông nào cả.
     
  5. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 33: Khám Phá Tử Huyệt Của Đối Phương

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ai ai cũng có chỗ nhược, thành trì nào cũng có khe hở. Nhược điểm đó thường là sự thiếu tự tin, một cảm xúc hoặc nhu cầu không thể kiểm soát; cũng có thể đó là một thú vui bí mật nho nhỏ. Cho dù đó là gì, một khi phát hiện được thì bạn nên tranh thủ lợi dụng.

    TÌM RA TỬ HUYỆT: KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CHIẾN LƯỢC

    Chúng ta ai ai cũng có khuynh hướng kháng cự. Quanh ta luôn có lớp áo giáp để tự bảo vệ chống lại những thay đổi và tác động xâm nhập của bạn bè và đối thủ. Ngược lại, khi ta muốn xâm nhập người khác và cứ phải húc đầu vào lớp áo giáp ấy, ta sẽ mất nhiều công sức. Một trong những điều quan trọng mà ta nên biết về người khác chính là ai ai cũng có điểm yếu, rằng lớp áo giáp tâm lý có chỗ mỏng te không sức chống chịu. Nếu ta phát hiện và chọc vào đấy thì sẽ điều khiển được đối tượng. Một số người không che đậy điểm yếu, nhưng ngược lại người khác thì ráng ngụy trang. Thành phần thứ hai này thường là những người dễ dàng suy sụp khi bị đánh vào chỗ nhược.

    Trong khi trù bị kế hoạch tấn công, bạn ghi nhớ những điểm như sau:

    Chú ý những động thái và dấu hiệu bất giác. Sigmund Freud từng nhận xét rằng: “Không con người nào có thể che giấu bí mật. Nếu môi không động đậy, anh ta vẫn nói bằng đầu ngón tay; sự phản bội rỉ ra từ mọi lỗ chân lông.” Đây là một ý niệm cốt yếu khi ta suy tìm điểm yếu của đối phương - vốn lộ ra từ những động thái và lời nói thoáng qua.

    Điểm mấu chốt không chỉ là ta tìm điều gì, nhưng mà tìm khi nào và như thế nào. Chuyện phiếm hàng ngày chứa đựng rất nhiều sơ hở, vì vậy ta hãy tập lắng nghe. Thoạt tiên ta làm bộ quan tâm - một cái tai biết thông cảm luôn khuyến khích người khác mở cõi lòng. Chính khách Pháp Talleyrand thường tỏ vẻ quan tâm thông cảm với người đối diện, hoặc chia sẻ một bí mật với họ. Thái độ này là giả vờ hay thật tâm cũng không quan trọng, mà quan trọng là ta phải làm cho người kia tin rằng nó xuất phát tận đáy lòng. Thường khi ta sẽ nhận được sự hưởng ứng thẳng thắn và chân thật hơn thái độ của ta – sự hưởng ứng để lộ ra điểm yếu.

    Nếu nghi ngờ ai đó có nhược điểm đặc biệt, ta hãy gián tiếp thử nghiệm. Chẳng hạn nếu cảm giác rằng gã kia có nhu cầu được tán tụng, ta hãy công khai thỏa mãn nhu cầu ấy. Nếu hắn uống tất cả những lời nịnh hót thì xem như ta đi đúng đường. Hãy tập cặp mắt thật nhạy bén, xem người kia cho tiền “boa” người hầu bàn như thế nào, điều gì làm hắn thích chí, việc ăn mặc của hắn nói lên điều gì. Tìm hiểu xem họ ngưỡng mộ ai, tôn thờ điều gì, sẵn sàng sở hữu vật nào bằng mọi giá – có khả năng ta sẽ đứng ra cung ứng những thứ vừa kể. Hãy nhớ rằng ai ai cũng cố giấu kín điểm yếu nên những hành động có ý thức sẽ không cung cấp nhiều thông tin. Những gì ứa ra từ những điều nho nhỏ nằm ngoài tầm kiểm soát sẽ là nguồn thông tin quý báu.

    Phát hiện đứa trẻ bất lực. Hầu hết nhược điểm đều bắt nguồn từ thời trẻ thơ, trước khi cái tôi đã hoàn chỉnh hệ phòng vệ bù trừ. Có thể đứa trẻ được cưng yêu chiều chuộng nhất ở một lĩnh vực đặc biệt nào đó, hoặc biết đâu một nhu cầu tình cảm không được toại nguyện. Khi đứa trẻ lớn lên, sự cưng chiều hoặc thiếu hụt ấy có thể bị chôn vùi những không bao giờ biến mất. Khám phá ra những nhu cầu tuổi ấu thơ, ta sẽ có được chìa khóa quý báu để mở cánh cửa nhược điểm của một con người.

    Một dấu hiệu của nhược điểm ấy là khi ta chọc trúng, thường khi đối tượng phản ứng như trẻ con. Vì vậy ta hãy chú ý đến mọi phản ứng không thích hợp với lứa tuổi đó. Nếu nạn nhân hoặc đối thủ lớn lên mà thiếu mất một yếu tố quan trọng, chẳng hạn như tình thương cha mẹ, ta hãy cung cấp chỗ tựa ấy, hoặc giả điều gì tương tự. Nếu họ tiết lộ một sở thích bí mật, một thú vui kín đáo, ta cứ chiều. Như vậy họ sẽ không còn cưỡng lại ta.

    Để ý những tương phản. Một nét tính tình được người ta phô bày thường che giấu nét ngược lại. Người hay vỗ ngực xưng tên lại thường rất hèn nhát; bề ngoài đoan trang có thể che giấu tâm hồn phóng dật; kẻ nguyên tắc lại vờ đòi hỏi xé rào; người cả thẹn lại thèm được mọi người để ý đến chết đi được. Cứ thử xuyên qua vẻ bề ngoài đó rồi, ta sẽ thấy rằng nhược điểm của thiên hạ thường ngược lại với những gì họ phô ra.

    Tìm ra mắt xích yếu nhất. Đôi khi trong lúc suy tìm điểm yếu, điều quan trọng không phải là điểm nào, mà người nào. Nếu nhìn vào hình thức một “triều đình” của thời nay, ta có thể đoán biết có kẻ ẩn mặt phía sau sân khấu nhưng lại nắm nhiều quyền lực, có ảnh tưởng to tát đối với người đóng vai bù nhìn. Chính bọn ẩn mặt này là mắt xích yếu nhất của dây chuyền, nghĩa là cứ lấy lòng họ và ta sẽ gián tiếp tác động đến nhà vua. Với trường hợp một nhóm người hành động như một thể thống nhất – hoặc một nhóm siết chặt hàng ngũ khi bị tấn công – vẫn luôn có mắt xích yếu nhất trong dây chuyền. Ta cố tìm người nào dễ khuất phục khi bị áp lực.

    Lấp đầy chỗ trống. Tâm hồn có hai khoảng trống chủ yếu cần lấp đầy là sự thiếu tự tin và u buồn. Người thiếu tự tin luôn khao khát bất kỳ hình thức công nhận nào của xã hội. Với kẻ u buồn triền miên, ta suy tìm xem gốc rễ của tâm trạng ấy là gì. Người thiếu tự tin và kẻ u sầu là thành phần ít khả năng che dấu điểm yếu của mình nhất. Biết lấp đầy những khoảng trống ấy, ta sẽ nắm nguồn quyền lực, loại nguồn có thể khai thác lâu dài.

    Lợi dụng những cảm xúc không thể khống chế. Cảm xúc bất khả khống chế có thể là nỗi sợ hãi hoang tưởng – loại sợ hãi quá lố so với tình hình – hoặc bất kỳ động cơ căn bản nào chẳng hạn như dục lạc, tham lam, ngạo mạn hay đố kỵ. Đối tượng nào lọt vào vòng này rồi liền mất khả năng lâm chủ bản thân và ta nên ra tay làm chủ giúp.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Hồng y Richelieu

    Vào năm 1615 vị giám mục 30 tuổi của giáo phận Lucon mà sau này được gọi là Hồng y Richelieu đọc bài phát biểu trước ba giai cấp của nước Pháp – giáo sĩ, quý tộc và thứ dân. Richelieu được chọn làm người phát ngôn cho giáo hội – một trách nhiệm lớn lao đối với một người còn quá trẻ và chưa được biết tới. Với mọi vấn đề quan trọng trong ngày, bài phát biểu y theo đường lối của Giáo hội. Nhưng đến gần cuối, Richelieu làm một việc không liên quan gì với Giáo hội nhưng lại ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp ông ta. Ông quay về phía ngai vàng nơi đức vua 15 tuổi Louis XIII đang tọa ngự, nhìn Nhiếp chính Hoàng thái hậu Marie de Médici ngồi cạnh bên. Ai ai cũng nghĩ là Richelieu sẽ tung hô đức vua như thường lệ. Nhưng không, ông nhìn chằm chằm và chỉ nhìn hoàng thái hậu, và bài diễn văn kết thúc bằng một đoạn thật dài ca ngợi Hoàng thái hậu tận mây xanh, ca ngợi thái quá đến độ đụng chạm vài vị giáo sĩ cấp cao. Nhưng nụ cười mỉm trên gương mặt Hoàng thái hậu khi tiếp thu những lời tán tụng ấy thật không thể nào quên được.

    Một năm sau, bà chỉ định Richelieu làm quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại, một cú lên hương mà vị giám mục trẻ không thể tin nổi. Giờ đây ông đã bước vào vòng trong của quyền lực, và bắt đầu nghiên cứu guồng máy triều đình tỉ mỉ như cơ chế đồng hồ. Một người Italia mang tên Concino Concini được hoàng thái hậu sủng ái, nói đúng hơn hắn là người tình của bà nên có lẽ hắn là người quyền lực nhất nước Pháp. Concini là tay công tử bột rỗng tuếch, nhưng Richelieu chăm lo hắn thật tận tụy, cúc cung như thể hắn là nhà vua. Không lâu sau Richelieu trở thành sủng thần của Concini. Nhưng trong năm 1617 đó xảy ra những sự kiện làm đảo lộn mọi thứ: Nhà vua trẻ, cho đến nay vẫn được xem là gã khờ đột ngột ra lệnh hành quyết Concini và tống giam tất cả đồng bọn. Như thế nhà vua đã nắm quyền kiểm soát đất nước và đẩy Hoàng thái hậu sang một bên.

    Liệu Richelieu đã dự trù sai nước cờ? Trong khi mọi người bắt đầu lánh xa hoàng thái hậu, ông vẫn đứng về phe bà. Ông biết Louis XIII không dám triệt tiêu mẹ vì lúc ấy vua hãy còn quá trẻ và trước nay từng quá lệ thuộc mẹ. Ông tiếp tục ẩn nhẫn làm người liên lạc nhỏ bé giữa đức vua và hoàng thái hậu. Đến năm 1622, nhờ những liên minh hùng mạnh với La Mã, hoàng thái hậu phục hồi uy lực, và Richelieu được thụ phong hồng y.

    Giờ đây tuy đã lên ngôi vua và không cần mẹ làm nhiếp chính, song Louis XIII vẫn rất non nớt và luôn hỏi ý kiến mẹ đối với những vấn đề quan trọng. Khi quyền lực trong triều đã bị Richelieu gom thu, Louis cảm thấy bị cô lập và chỉ còn cách duy nhất là phục tùng đức hồng y. Nghe lời mẹ, vua phong Richelieu hai chức thủ tướng và cố vấn tối cao.

    Bây giờ thì Richelieu không còn cần đến hoàng thái hậu nữa. Ông không màng viếng thăm và tung hô nữa, không còn nghe ý kiến của bà, thậm chí cãi lý và làm trái lại ý bà. Ông tập trung vào nhà vua, làm cho vua cảm thấy không thể sống một ngày thiếu ông được. Richelieu lập ra nhiều kế hoạch to tát, chẳng hạn như tiến công bọn Huguenot và cuối cùng là tuyên chiến với Tây Ban Nha. Quy mô rộng lớn của các chiến dịch ấy lại càng khiến Louis lệ thuộc vào Richelieu, người duy nhất có khả năng giữ vững trật tự trong vương quốc. Vì vậy suốt 18 năm sau đó, Richelieu tiếp tục khai thác thế yếu của vua, trị vì và định hình nước Pháp theo ý mình.

    Diễn giải

    Dưới nhãn quan của Richelieu, mọi thứ giống như chiến dịch quân sự, và với ông, bước hành quân chiến lược quan trọng nhất là phát hiện ra điểm yếu của đối phương để chọc mạnh vào. Từ rất sớm, ông luôn tìm mắt xích yếu nhất và đó chính là hoàng thái hậu. Ở bề ngoài thì Marie không hề yếu ớt - bà cai quản cả cậu con và nước Pháp. Nhưng Richelieu biết rằng bà chỉ là một phụ nữ thiếu tự tin, luôn cần sự chăm sóc của phái nam. Ông liền phô diễn tất cả tình cảm kính mến, thậm chí nịnh hót tình nhân Concini của bà. Ông nhìn nhận sẽ có ngày Louis nắm lại hết quyền bính, nhưng đồng thời ông biết nhà vua rất kính ái mẫu thân, và sẽ luôn là đứa trẻ đối với bà. Vì vậy muốn điều khiển được Louis, ông không chọn cách tranh thủ sự chiếu cố, vốn có thể thay đổi đầu hôm sớm mai, mà phải tác động đến hoàng thái hậu.

    Một khi đã đạt được vị trí cần có - thủ tướng - Richelieu liền hất chân hoàng thái hậu để tập trung vào mắt xích yếu tiếp theo: tính cách của nhà vua. Trong vua luôn tồn tại một phần tâm lý của đứa trẻ bất lực cần được bảo hộ bởi một quyền lực cao hơn. Richeulieu đã thiết lập quyền lực và thanh danh trên nền tảng nhược điểm của nhà vua.

    Bạn luôn nhớ rằng khi vừa bước vào một triều đình nào đó, thì hãy phát hiện ngay mắt xích yếu nhất. Người có vẻ nắm quyền lại ít khi nào là vua, mà kẻ nào khác sau bức màn nhung - có thể đó là tên hề của buổi chầu, vị sủng thần hay viên thái giám. Có khả năng nhân vật này còn nhiều nhược điểm hơn cả nhà vua, vì quyền lực của hắn tùy thuộc đủ loại yếu tố thất thường mà hắn không thể kiểm soát.

    Cuối cùng, khi đối mặt với loại nhân vật trẻ con bất lực không biết phải quyết định ra sao, ta hãy thao túng điểm yếu đó để xui hắn có những quyết định táo bạo. Như vậy hắn sẽ lại còn lệ thuộc ta nhiều hơn, vì ta là một “người lớn” mà họ có thể nương tựa.

    Nhân bản giấy bạc

    Tháng 12 năm 1925, tân khách tại khách sạn sang trọng nhất khu Palm Beach bang Florida tò mò quan sát một gã đàn ông đi xe Rolls Royce do một tài xế người Nhật lái. Gã đẹp trai này rất lịch lãm phong lưu, liên tục nhận điện tín. Họ nghe đồn đó là Bá tước Victor Lustig, xuất thân từ một trong những gia tộc giàu có nhất châu Âu - nhưng đó là những thông tin duy nhất mà họ có được.

    Vì vậy mà ta tưởng tượng là họ ngạc nhiên xiết bao khi ngày kia Lustig đi thẳng đến gặp một trong những vị khách tầm thường nhất khách sạn, người tên là Herman Loller, giám đốc một công ty công trình. Loller mới phất lên gần đây cho nên rất cần phát triển những mối quan hệ xã hội. Ông ta cảm thấy được vinh dự và ít nhiều e dè khi được Lustig chủ động đến làm quen. Chỉ vài ngày sau là họ đã là bạn bè với nhau.

    Loller tất nhiên tâm sự rất nhiều và đêm kia ông thú nhận rằng việc làm ăn cũng không mấy sáng sủa, trước mắt chỉ toàn rắc rối. Lustig bảo là mình cũng gặp vấn đề về tài chính - bọn Cộng sản đã tịch thu hết địa ốc của gia đình cùng với tài sản riêng của ông. Hiện giờ ông đã quá tuổi để bắt đầu ngành kinh doanh mới hoặc để đi làm kiếm tiền. May thay Lustig tìm ra được giải pháp, đó là một “máy sản xuất tiền”.

    “Ông làm tiền giả sao?” Loller e sợ thì thầm.

    Không, Lustig giải thích rằng qua một tiến trình hóa học bí mật, cái máy đó có thể nhân bản bất kỳ loại tiền giấy nào với độ chính xác tuyệt đối. Chỉ cần cho vào một tờ đô la thì sáu giờ đồng hồ sau bạn được hai tờ giống nhau y chang. Ông kể lại cách đưa lậu cái máy đó ra khỏi châu Âu, cách bọn Đức Quốc Xã đã triển khai cái máy để làm xói mòn nền kinh tế Anh Quốc, và gần nhất là ông đã nhờ nó để sống khỏe vài năm gần đây, vân vân. Khi Loller đòi xem biểu diễn thử, hai người liền vào phòng của Lustig, và vị bá tước mang ra một cái hộp gụ tuyệt đẹp có nhiều rãnh, có gắn tay quay và mặt số đồng hồ. Loller quan sát Lustig cho vào khe một tờ đôla. Sáng hôm sau Lustig rút ra hai tờ hãy còn ẩm hóa chất.

    Lustig đưa hai tờ giấy bạc cho Loller mang ra ngân hàng địa phương, và ngân hàng thản nhiên chấp nhận chúng. Đến đây thì Loller hết lời năn nỉ mua lại chiếc máy này. Bá tước nhấn mạnh là trên đời chỉ có một chiếc duy nhất, nên nhà doanh nghiệp liền ra giá 25.000 USD (tương đương 400.000 hiện nay). Đến mức đó mà Lustig vẫn tỏ vẻ miễn cưỡng, thú nhận rằng ông mắc cỡ khi giữa bạn bè với nhau mà nói chuyện tiền bạc. Rốt cuộc thì Loller nài nỉ quá, ông ưng thuận: “Nói cho cùng thì anh cũng chẳng mất đi đâu. Chỉ trong vài ngày là anh thu hồi lại được số tiền đã trao cho tôi, bằng cách in thêm những tờ giấy bạc.” Buộc Loller thề độc là không bao giờ tiết lộ sự hiện diện của chiếc máy cho bất kỳ ai, Lustig mới nhận tiền. Chỉ nội trong ngày ông trả phòng khách sạn.

    Diễn giải

    Bá tước Lustig có mắt tinh đời phát hiện những điểm yếu của thiên hạ. Mọi động thái nhỏ nhất cũng không thoát khỏi mắt ông ta. Chẳng hạn như ông thấy Loller cho người hầu bàn tiền “boa” quá hậu hĩnh, hùng hồn chuyện vãn với viên quản lý, rồi oang oang về chuyện làm ăn của mình. Qua đó Lustig biết Loller cần sự nhìn nhận của xã hội, cần người khác tôn trọng mình vì mình giàu có. Ngoài ra tay này còn thường xuyên thiếu tự tin. Lustig chủ động đến khách sạn để săn mồi. Ông phát hiện Loller là gã thơ ngây lý tưởng, một người khao khát tìm được ai đó để thỏa nỗi trống vắng tâm lý.

    Lustig biết rằng khi kết bạn với Loller thì Loller lập tức được người khác kính trọng theo. Với tư cách là một bá tước, Lustig cũng đưa doanh nhân mới phất này vào thế giới lung linh của sự hưng vượng một thời vang bóng. Và phát súng ân huệ chính là cái máy có thể cứu vãn thế nguy nan của Loller, thậm chí đưa ông ta lên ngang hàng với Lustig, vì bản thân Lustig cũng phải nhờ đến cái máy ấy để duy trì địa vị.

    Khi tìm kiếm đối tượng cả tin, bạn hãy chú ý những người bất mãn, bất hạnh, bất an. Dạng người như vậy rất nhiều điểm yếu, nhiều nhu cầu để bạn thỏa.

    * Phi đội mỹ nhân

    Năm 1559, Vua François nước Pháp tử thương trong một trận đấu hữu nghị. Người con trai kế vị lấy vương hiệu François II, nhưng thật ra người đứng sau rèm nhiếp chính lại là Hoàng Thái hậu Catherine de Médici, từ lâu đã chứng tỏ tài năng chính sự. Năm sau khi François II băng hà, em trai là Charles IX mới lên mời nên Catherine tiếp tục nắm quyền.

    Mối đe dọa quyền lực của Catherine xuất phát từ Antoine de Bourbon, vua xứ Navarre, và người em Louis, vương tử xứ Condé, vì cả hai đều có khả năng đòi quyền nhiếp chính thay cho Catherine, bởi lẽ Hoàng Thái hậu là người Italia. Catherine nhanh chóng bổ nhiệm Antoine làm phó toàn quyền của cả vương triều, một tước vị có vẻ thỏa mãn tham vọng của ông ta. Cũng có nghĩa là ông ta thường xuyên có mặt trong triều, nhờ vậy Catherine dễ bề theo dõi.

    Hành động thứ hai của Catherine còn khôn ngoan hơn: Antoine nổi tiếng dại gái, vì vậy Catherine cáp ngay cô hầu đẹp nhất, Louise de Rouet, cho ông ta. Trở thành người đầu ấp, tay gối của Antoine, Louise báo cáo nhất cử nhất động của Antoine cho Catherine. Nước cờ này thành công đến nỗi Catherine tìm một mỹ nữ khác ghép cho Vương tử Condé, từ đó hình thành nhóm escadron volant (phi đội) khét tiếng, chuyên mê hoặc những con dê khả nghi để dễ bề kiểm soát.

    Năm 1572, Catherine gả con gái là Marguerite de Valois cho Henri, con của Antoine, đồng thời là tân vương xứ Navarre. Gia đình Bourbon này trước nay luôn đấu tranh với bà, do đó rất nguy hiểm khi đặt họ gần miếng mồi quyền lực như thế. Vì vậy ngay sau đó bà lập tức biệt phái thành viên cao tay ấn nhất của phi đội theo mê hoặc Henri: Charlotte de Beaune Semblançay, nữ nam tước xứ Sauves. Chỉ ít lâu sau, nhật ký của tân nhân Marguerite de Valois đã xuất hiện dòng: “Madame de Sauves đã làm chồng tôi chết mê chết mệt đến nỗi chúng tôi không còn ngủ chung, thậm chí cũng không nói chuyện với nhau.”

    Charlotte hết sức tài ba nên giữ được Henri dưới quyền kiểm soát của Catherine. Khi người con trai út của hoàng thái hậu là Công tước xứ Alençon trưởng thành và có khuynh hướng thân cận với Henri, và sợ cả hai âm mưu chống mình nên lệnh cho Charlotte kiêm luôn anh trai tơ mới lớn này. Charlotte bản lĩnh đến nỗi anh ta mê như điếu và muốn độc quyền với nàng, từ đó xung đột với Henri khiến cho tình bạn tan vỡ, và tan vỡ theo là mọi rủi ro mưu lược.

    Diễn giải

    Catherine đã chứng kiến tác động của một tình nhân đối với người đàn ông quyền lực: Chính chồng nàng, Henri II, đã thương yêu vương phi Diance de Poitiers mê mệt. Từ kinh nghiệm đó, Catherine biết rằng một người đàn ông như Henri muốn cảm thấy mình chinh phục được trái tim người phụ nữ là nhờ những tính chất đàn ông chứ không phải bằng quyền cao chức trọng. Và cái huyệt tử lại ẩn trong nhu cầu đó: Nếu người phụ nữ đóng trọn vai người bị chinh phục thì gã gà tồ kia sẽ mất cảnh giác, không ngờ rằng dần dà mình bị người tình điều khiển, như Diane đã điều khiển Henri.

    Nhờ thuộc lòng bài học đó, Catherine đã biết cách chuyển điểm yếu thành thế mạnh, dùng nó làm phương tiện chinh phục bọn đàn ông: Catherine sẽ tháo lồng cho “phi đội” lên đường mê hoặc những ông nào có cùng nhược điểm như chồng bà.

    Bạn để ý tìm những lực đam mê và ám ảnh mà con người khó kiểm soát. Đam mê càng lớn thì đối tượng càng dễ bị tổn thương. Điều này mới nghe qua rất lạ, vì những người đam mê thường có vẻ mạnh mẽ. Thật ra họ chỉ đóng kịch, đánh lạc hướng không cho thiên hạ thấy điểm yếu. Từ ngàn xưa, chính cái nhu cầu chinh phục phụ nữ đã hé lộ điểm yếu của đàn ông và khiến họ trở thành khờ khạo. Bạn hãy tìm nhược điểm nổi bật nhất của họ - lòng tham, dục lạc, sợ hãi. Đó là những loại tình cảm mà họ khó che đậy, và ít khả năng kiểm soát. Và điều gì mà thiên hạ không kiểm soát được thì bạn kiểm soát giùm.

    * Arabella Huntington muốn được nhìn nhận

    Arabella, vợ của nhà tài phiệt ngành đường sắt Collis Huntington, xuất thân từ tầng lớp bình dân và luôn chòi đạp vươn lên để được giới thượng lưu công nhận. Khi bà mở dạ tiệc tiếp tân tại tư gia nằm trong khu sang trọng của San Francisco, thành phần thượng lưu và ưu tú ấy ít khi nào đến dự. Đa số họ nghĩ rằng bà chỉ là thứ làm giàu nhờ đào vàng, chứ không cùng đẳng cấp với họ. Nhìn vào của cải kếch sù của chồng bà, các nhà buôn tranh cũng chịu khó đối xử lịch sự với bà, song họ cũng không giấu được sự trịch thượng đối với thứ nhà giàu mới phất. Trong số này chỉ có một người đối xử khác hẳn: Joseph Duveen.

    Trong vài năm đầu lui tới nhà bà, Duveen không gạ bán các tác phẩm đắt tiền. Ngược lại hắn sẵn sàng hướng dẫn bà đến những cửa hàng sang trọng, nói chuyện huyên thuyên về những ông hoàng bà chúa mà hắn quen biết, và vân vân. Arabella nghĩ rằng cuối cùng rồi cũng có người xem mình là bình đẳng, thậm chí là kẻ bề trên trong giới thượng lưu này.

    Nhưng trong khi không gạ bán tranh, Duveen lại tinh vi uốn nắn bà theo phong cách và khẩu vị nghệ thuật mà hắn muốn – chẳng hạn như tranh đẹp nhất tức là tranh cao giá nhất. Sau khi Arabella đã chịu ảnh hưởng sâu đậm, Duveen lại xử sự như thể trước nay cái gu nghệ thuật của bà luôn là số một.

    Khi Collis Huntington qua đời vào năm 1900, tất nhiên Arabella thừa hưởng tất cả gia tài. Bà bắt đầu mua thật nhiều tranh quý, và chỉ mua của Duveen. Nhiều năm sau đó, hắn bán cho bà bức Blue Boy của Gainborough với giá kỷ lục, và càng kỷ lục hơn với một gia đình trước nay chưa hề quan tâm đến việc sưu tập tranh.

    Diễn giải

    Với con mắt tinh đời, Joseph Duveen hiểu ngay con người của Arabella và biết búng vào sợi dây nào: Bà ta muốn được xem là kẻ quan trọng, cả trong nhà và ngoài phố. Luôn mặc cảm về xuất xứ, bà ta cần sự nhìn nhận của tầng lớp mà mình mới vươn tới. Duveen kiên nhẫn chờ đợi. Thay vì nôn nóng nhào vô thuyết phục bà mua tranh, hắn tác động tinh tế đến tử huyệt của bà. Hắn làm cho bà cảm thấy rằng mình được sự quan tâm của gã chơi tranh này không phải vì bà là vợ của tay tài phiệt, mà nhờ vào đặc điểm riêng – và chính điều này đã làm bà xiêu lòng. Duveen chưa bao giờ đối xử với Arabella theo kiểu hạ mình hay chiếu cố. Thay vì giảng giải như thầy với trò, hắn gián tiếp để cho mưa lâu thấm đất. Kết quả là bà trở thành một trong những khách hàng sộp nhất.

    Thiên hạ có nhu cầu được nhìn nhận, được khẳng định, được người chung quanh thấy mình quan trọng, đó là loại tử huyệt cho ta ấn vào. Lý do thứ nhất là vì nhu cầu này gần như là phổ biến khắp thế giới, thứ hai là vì quá dễ tác động. Tất cả những gì ta cần làm là khiến cho mọi đối tượng cảm thấy họ có lý về phong cách hay khẩu vị, họ thông minh hơn, hoặc vị trí xã hội ngon lành hơn người khác. Khi cá đã cắn câu rồi thì ta có thể rê nhấp nhiều lần, năm này qua tháng khác – ta đang đóng một vai trò tích cực, mang đến cho họ những gì họ không tự có được. Họ không ngờ là ta đang quay họ như dế, mà cho dù có biết đi nữa thì họ cũng không màng, bởi vì nhờ ta mà họ cảm thấy tự tin, an tâm, và họ sẽ bằng lòng về cái giá phải trả.

    * Tử huyệt của vua

    Năm 1862 Bismarck được Vua William nước Phổ phong chức thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao. Ông ta nổi tiếng táo bạo, tham vọng và quan tâm sâu sắc đến việc củng cố tăng cường sức mạnh quân đội. Hành động bổ nhiệm này khá nguy đối với nhà vua, bởi vì trong chính phủ và nội các có rất đông thành phần theo khuynh hướng tự do vốn là những chính khách trước nay luôn muốn hạn chế quyền lực của nhà vua. Trước nay Hoàng hậu Augusta luôn buộc vua phải phục tùng, và bà ngăn cản việc bổ nhiệm Bismarck, song lần này William kiên quyết bảo vệ ý kiến.

    Chỉ một tuần sau khi nhậm chức, Bismarck có bài phát biểu ngẫu hững với khoảng một tá bộ trưởng để thuyết phục họ tăng cường quân số. Ông kết thúc bằng lý luận: “Những vấn đề quan trọng của thời đại sẽ được quyết định, không phải bằng bài diễn văn và nghị quyết của đa số, mà bằng sắt và máu.”

    Bài phát biểu trên được lan truyền khắp nước Đức. Hoàng hậu hét toáng với nhà vua rằng Bismarck chỉ là tên quân phiệt man rợ định nắm quyền kiểm soát nước Phổ, và buộc nhà vua phải cách chức hắn. Nhóm tự do trong chính phủ cũng theo phe Hoàng hậu. Họ phản đối kịch liệt đến mức William sợ phải kết liễu cuộc đời trên đoạn đầu đài như Louis XVI, nếu cứ khư khư để cho Bismarck làm thủ tướng.

    Bismarck biết mình phải lập tức tác động nhà vua. Ông cũng hiểu là mình đã quá đà dùng lời đao to búa lớn. Tuy nhiên khi suy tính chiến lược, ông quyết định không nhận lỗi và phải làm điều ngược lại. Bismarck hiểu nhà vua rất rõ.

    Khi hai người gặp nhau, y như rằng William đã bị hoàng hậu làm cho rối lòng. Ông nhắc lại nỗi lo sợ bị hành quyết. Nghe xong, Bismarck bình tĩnh đáp: “Vâng, nếu như thế thì chúng ta sẽ chết! Trước sau gì chúng ta cũng phải chết, và liệu có cái chết nào hào hùng hơn không? Tôi sẽ chết trong khi đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của đức vua, của chủ nhân tôi. Bệ hạ sẽ chết khi dùng máu của chính mình để chứng thực những quyền lực hoàng gia mà Thượng đế đã ban tặng. Cho dù trên đoạn đầu đài hay ngoài chiến trận cũng không có gì khác, khi ta hiến dâng thân thể và sinh mệnh vì những quyền lực mà Thượng đế đã ban tặng!” Và Bismarck cứ tiếp tục như thế, nhấn mạnh đến ý thức về danh dự và uy phong khi William lãnh đạo quân đội. Làm sao mà nhà vua có thể để cho bọn họ xô đẩy hoài mình như vậy? Liệu danh dự của nước Đức không quan trọng hơn việc hơn thua bằng lời qua tiếng lại?

    Bismarck không chỉ khuyên vua kháng lại ý kiến của hoàng hậu và nghị viện, ông còn thuyết phục ngài tăng cường quân lực, vốn là mục tiêu tối hậu của ông ta.

    Diễn giải

    Bismarck biết rằng vua cảm thấy bị mọi người xung quanh thúc ép. Ông biết vua đã qua quá trình đào tạo về quân sự và có ý thức sâu sắc về danh dự, do đó cảm thấy xấu hổ khi yếu đuối trước áp lực của vợ và chính phủ. William luôn thầm mong trở thành một vị vua hùng mạnh và vĩ đại nhưng lại không dám biểu lộ vì sợ kết liễu cuộc đời theo kiểu Louis XVI. Trong khi một người bình thường vẫn làm hùm làm hổ để che giấu sự hèn nhát, ngược lại sự rụt rè của William lại che đậy những nhu cầu vỗ ngực xưng hùng.

    Bismarck biết rằng đằng sau cái vẻ bề ngoài yêu hòa bình ấy, William rất khao khát vinh quang, vì vậy ông ta đánh ngay vào tử huyệt: Tác động đến sự thiếu tự tin về tính đàn ông, để cuối cùng đẩy nhà vua vào ba cuộc chiến liên tiếp và việc tạo lập đế chế Đức.

    Tính nhút nhát là nhược điểm tiềm năng cho ta khai thác. Những tâm hồn yếu đuối thường khao khát trở thành điều hoàn toàn ngược lại – trở thành những Napoléon. Nhưng họ lại thiếu nghị lực nội tại. Ta có thể trở thành “cái Napoléon” của họ, giục họ thực thi những hành động táo bạo nào phục vụ mục tiêu của ta, trong khi làm cho họ lệ thuộc ta.

    Điều bạn cần ghi nhớ là: Đừng tin vào vẻ bề ngoài, mà hãy suy tìm điều ngược lại.

    Hình ảnh:

    Đinh ốc cánh bướm. Kẻ thù của bạn có những bí mật mà hắn tưởng giữ riêng mình. Nhưng những bí mật ấy sẽ lộ ra bằng cách nào hắn không rõ. Đâu đó có một cái khía như trên đầu đinh ốc, đó chính là điểm yếu trong tâm hồn hay trên cơ thể hắn. Khi tìm ra được khía đó rồi, bạn chỉ việc cho móng tay vào vặn là tùy ý điều khiển hắn.

    Ý kiến chuyên gia:

    Hãy suy tìm con ốc cánh bướm của mỗi người. Đó là nghệ thuật thúc đẩy lòng họ hành động. Nghệ thuật này cần nhiều tài ba hơn là tính cương quyết. Với từng người, ta phải biết tác động vào chỗ nào. Mỗi lựa chọn đều có một động cơ đặc biệt thay đổi tùy theo sở thích. Ai ai cũng đều là người sùng bài, kẻ thì sùng bái tư lợi, người lại đặc biệt háo danh, đa phần ham mê dục lạc. Tài ba ở chỗ phát hiện ra đối tượng sùng bái để thao túng chúng. Biết được động cơ chủ đạo của mỗi người, xem như ta nắm được chìa khóa xoay chuyển quyết tâm của người ấy.

    (Baltasar Gracián, 1601-1658)

    NGHỊCH ĐẢO

    Thao túng nhược điểm của người khác luôn tiềm tàng một mối nguy: Ta có thể gây ra một hành động không thể chống chế nổi.

    Trong trò chơi quyền lực, ta luôn trù tính trước nhiều bước và lên kế hoạch thích hợp. Thiên hạ dễ bị cảm xúc tác động và không có khả năng trù tính như ta, và đó là điều để cho ta khai thác. Nhưng khi thao túng nhược điểm của họ, nghĩa là lĩnh vực mà họ ít có khả năng làm chủ nhất, coi chừng ta sẽ làm bộc phát những loại cảm xúc khả dĩ làm đảo lộn mọi kế hoạch. Thuyết phục người khác hành động táo bạo, coi chừng họ đi quá xa; thỏa mãn nhu cầu được quan tâm và nhìn nhận, họ có thể đòi hỏi nhiều hơn mức ta muốn thỏa. Nhân tố trẻ con bất lực có thể quật ngược lại ta.

    Nhược điểm càng đậm đà cảm xúc thì nguy hiểm tiềm tàng càng to lớn. Vậy bạn hãy ý thức giới hạn của trò này và đừng bao giờ bị lôi cuốn bởi hành động giật dây kẻ khác. Bạn mưu cầu quyền lực, chứ không mưu cầu men say điều khiển thiên hạ.
     
  6. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 34: Hãy Cư Xử Như Vua, Nếu Muốn Được Đối Xử Như Vua

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Phong thái của bạn có thể quyết định cách mọi người cư xử với bạn: Luôn có vẻ tầm thường thô thiển, rốt cuộc bạn sẽ bị người khác xem thường. Bởi vì một vị vua tôn trọng chính mình và khiến cho người khác cũng tôn trọng ông ta. Khi cư xử vương giả và tin vào quyền lực của mình, bạn khiến mọi người nghĩ rằng số của bạn là phải đội vương miện.

    VI PHẠM NGUYÊN TẮC

    Tháng 7 năm 1830, cách mạng nổ ra ở Paris và vua Charles X phải thoái vị. Một ủy ban đặc biệt gồm các thẩm quyền cấp cao họp lại để chọn ra người kế vị, và người được lựa chọn là Louis-Philippe, công tước vùng Orléans.

    Ngay từ đầu, rõ ràng Louis-Philippe sẽ không như những ông vua trước kia, không chỉ vì ông xuất thân từ một nhánh khác của hoàng tộc, hoặc vì ông không kế vị ngai vàng: Ông được một ủy ban trao vương miện, và việc này khiến nhiều người đặt lại vấn đề chính thống.

    Louis-Philippe khác với các tiên vương ở chỗ ông không thích lễ nghi và cân đai áo mão. Ông có nhiều bạn trong chốn ngân hàng hơn là ở giới quý tộc, và ông cũng không tạo ra những phép tắc hoàng gia mới như Napolépon từng làm, mà lại giảm thiểu tầm quan trọng của vương vị để thoải mái hơn khi hòa nhập với các doanh nhân và giới trung lưu. Bởi vậy khi nghĩ về Louis-Philippe, mọi người không liên tưởng đến vương miện và vương trượng, mà nghĩ đến cái nón xám và cây dù, những vật dụng thường dùng khi ông dạo phố Paris, như thể một tay trưởng giả đang bách bộ.

    Khi mời James Rothschild đến cung điện, Louis-Philippe đối xử ngang hàng với tay đại tài phiệt này. Và không như bất kỳ những vị vua nào trước đó, Louis-Philippe không chỉ nói chuyện làm ăn với Rothschild, mà thật ra ông nói rặt mỗi chủ đề đó.

    Triều đại của “vua trưởng giả” càng lê lết, nhân dân càng coi thường ông. Giới quý tộc không thể chịu được hình ảnh một vị vua không vương giả, và chỉ vài năm sau họ chống lại ông. Trong khi đó giai cấp ngày càng đông những người nghèo, kể cả bọn cực đoan từng tống khứ Charles X lại không hài lòng với một lãnh đạo vua không ra vua, mà cũng không phải là người của đông đảo quần chúng. Còn giới chủ ngân hàng sớm nhận ra rằng chính họ mới là thành phần điều khiển đất nước, chứ không phải là vua, vì vậy họ ngày càng xem thường ông.

    Cuối cùng những nổi loạn của thợ thuyền xuất hiện trở lại, và Louis-Philippe mạnh tay đàn áp họ. Nhưng ông mạnh tay như thế để bảo vệ cái gì? Không phải bảo vệ chế độ quân chủ mà ông không thiết tha, cũng không bảo vệ nền công hòa dân chủ mà vương quyền của ông chống lại. Hình như điều mà ông thực sự bảo vệ lại là của cải tài sản của chính ông và của bọn chủ ngân hàng – vốn không thể động viên được lòng trung của quần chúng.

    Đầu năm 1848, mọi tầng lớp nhân dân Pháp bắt đầu biểu tình đòi cải tổ bầu cử để đất nước thật sự dân chủ. Dần dà những cuộc biểu tình đó bạo lực hơn. Để vỗ an dân chúng, Louis-Philippe cách chức thủ tướng và thay thế bằng một người theo khuynh hướng tự do. Nhưng động thái này tạo phản ứng ngược: Nhân dân cảm thấy họ có thể thúc ép vua.

    Biểu tình biến thành cách mạng. Đêm 23 tháng 2, đông đảo quần chúng Paris bao vây cung điện. Với quyết định đột ngột làm mọi người sững sờ, Louis-Philippe thoái vị ngay đêm đó và lưu vong sang Anh. Ông không có người kế vị, thậm chí không gợi ý người kế vị - nguyên bộ máy chính phủ cuốn gói ra đi như gánh xiếc rời làng.

    Diễn giải

    Louis-Philippe chủ động xóa nhòa vầng hào quang mà vua chúa nào cũng tự nhiên có được. Xem thường tính biểu trưng của sự lớn lao cao cả, ông tin là một thế giới mới đang ló dạng, và kẻ lãnh đạo phải giống như mọi dân thường. Ông có lý: Một thế giới mới không có vua chúa đang trên đà hình thành. Tuy nhiên ông sai lầm trầm trọng khi tiên đoán một sự đổi thay trong cách vận hành quyền lực.

    Thoạt đầu nhân dân Pháp cũng thấy vui vui khi có vị vua che dù đội nón, nhưng dần dà họ bất mãn ra mặt. Họ thừa biết tuy ra vẻ, nhưng thật ra không hoàn toàn giống họ - rằng nón và dù kia chỉ là cái mẹo để dụ họ tưởng là đất nước đột nhiên công bằng hơn. Dù thao thì nhân dân Pháp cũng muốn rằng kẻ trị vì họ cũng phải đường bệ, cũng phải ít nhiều “ăn sân khấu”. Thậm chí một kẻ cực đoan như Robespierre, hoặc như Napoléon cũng hiểu điều ấy, khi ông chuyển nền cộng hòa cách mạng thành chế độ quân chủ. Quả thật ngay sau khi Louis-Philippe rời sân khấu, người Pháp tỏ rõ mong muốn thật sự của họ: Họ bầu ngay cháu của Napoléon làm tổng thống. Mặc dù ông này không tiếng tăm gì, song nhân dân muốn tái tạo vầng hào quang của cựu hoàng, xóa tan hồi ức không đẹp về một vị “vua trưởng giả”.

    Người quyền lực có thể muốn ra vẻ mình cũng bình dân, họ cố gắng tạo ảo tưởng rằng mình với nhân dân tuy hai mà một. Nhưng nhân dân sẽ nhanh chóng phát hiện ra sự màu mè đó. Nhân dân hiểu rằng mình không được thêm chút quyền lợi nào, mà động tác giả ấy chỉ dụ mình lầm tưởng là cùng sẻ chia số phận với người quyền lực. Muốn ra vẻ bình dân coi cho được thì phải làm theo kiểu Franklin Roosevelt. Tổng thống thành thật để cho dân chúng hiểu rằng tận đáy lòng, ông vẫn là tầng lớp thượng lưu, nhưng thực sự chia sẻ mọi giá trị và mục đích với dân. Ông chưa bao giờ giả vờ xóa đi khoảng cách giữa mình và quần chúng.

    Những lãnh tụ nào định xóa nhòa khoảng cách ấy bằng cách giả vờ thân thiện với dân, thì sẽ mất dần khả năng làm cho dân sợ, dân thương, hoặc trung thành. Ngược lại dân chỉ khinh thường mà thôi.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Khi Christopher Columbus đang cố tìm nguồn tài trợ cho những chuyến du hành, nhiều người xung quanh tưởng ông xuất thân từ giới quý tộc Italia. Sau đó lịch sử cũng phần nào ghi nhầm như vậy, xuất phát từ tiểu sử của Columbus do con ông viết ra sau khi ông chết. Theo đó, Columbus là hậu duệ của bá tước Colombo của lâu đài Cuccaro tại Montferrat. Rồi Colombo được tương truyền là con cháu của tướng La Mã Colonius lừng danh, có anh em họ được cho là hậu duệ của hoàng đế Constantinople. Quả là một gia phả đáng kính.

    Nhưng trên thực thế Columbus là con trai của Domenico Colombo, một người thợ dệt tầm thường, từng mở quán rượu kiếm sống, và vào thời điểm đó đang bán phô-mai để độ nhật.

    Chính Columbus tự tạo ra truyền thuyết về dòng dõi quý tộc, vì từ rất sớm, ông cảm thấy định mệnh đã chọn mình làm đại sự, và rằng ít nhiều mình cũng có dòng máu hoàng gia trong huyết quản. Vì vậy ông cũng xử sự như thể mình thuộc dòng dõi quý nhân. Ông rời quê hương Genoa sang Lisbon định cư, sử dụng cái lý lịch ngụy tạo kia để cưới con gái một gia đình danh giá, rất thân thiết với hoàng tộc Bồ Đào Nha.

    Nhờ nhà vợ, ông được diện kiến vua João II. Columbus liền làm tấu chương xin tài trợ các chuyến hải hành nhằm tìm ra lộ trình ngắn hơn sang châu Á. Ông cam đoan tất cả những vùng mới khai phá sẽ mang tên nhà vua Bồ Đào Nha, nhưng đáp lại vua phải phong ông nhiều chức tước nghe rất rổn rảng.

    Columbus mạnh dạn thỉnh cầu mặc dù ông chỉ là một tên thương buôn tầm thường, hầu như chưa biết gì về hàng hải, không sử dụng được thước đo độ, thậm chí chưa bao giờ lãnh đạo một nhóm người.

    Khi Columbus nói xong, João II mỉm cười: Nhà vua nhã nhặn từ chối yêu cầu của gã thương buôn, nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa của tương lai. Ở đây có lẽ Columbus đã để ý thấy một điều ông không bao giờ quên: Cho dù chưa chấp thuận lời thỉnh cầu, song nhà vua xem chúng là chính đáng. Nhà vua không cười nhạo những yêu cầu đó, cũng không thắc mắc gì về khả năng cũng như lý lịch của gã lái buôn. Thật ra vua khá ấn tượng vì những thỉnh cầu táo bạo, và cảm thấy khoan khoái trước một người dám hành động tự tin như vậy.

    Cuộc diện kiến này giúp Columbus khẳng định rằng trực giác của mình đúng: Khi đòi hái mặt trăng, vị trí ông lập tức thăng tiến, vì nhà vua giả định rằng từ khi một người chỉ có điên mới đặt giá quá cao như vậy cho bản thân mình (mà Columbus đâu có vẻ gì điên), ắt hẳn hắn ít nhiều xứng đáng với cái giá ấy.

    Vài năm sau Columbus sang Tây Ban Nha, sử dụng các quan hệ Bồ Đào Nha để xâm nhập triều đình, nhận được sự trợ giúp từ những nhà tài phiệt nổi tiếng, được ngồi chung mâm với ông hoàng bà chúa. Với ai, Columbus cũng lặp lại những thỉnh cầu cũ. Nhiều người, chẳng hạn như Công tước vùng Medina, dù rất muốn nhưng không thể ban cho Columbus những chức tước cao quý. Nhưng Columbus không nản chí và quay sang tập trung vào Hoàng hậu Isabella.

    Đến năm 1492 khi dẹp xong loạn Moor và nhẹ gánh tài chính, hoàng hậu chấp nhận tài trợ các chuyến hải hành và ban tước cho Columbus. Khi thất bại với những chuyến đầu, ông còn xin tăng tài trợ cho những chuyến sau tham vọng hơn, và cũng được chấp thuật. Lúc ấy có lẽ hoàng hậu nghĩ rằng Columbus quả là người của những đại sự.

    Diễn giải

    Nếu nói về lĩnh vực thám hiểm thăm dò, Columbus cố gắng lắm cũng chỉ là tay xoàng xĩnh. Kiến thức của ông về hàng hải so ra còn kém một thủy thủ bình thường. Nhưng ông lại là thiên tài ở lĩnh vực khác: Biết làm tăng giá trị bản thân.

    Columbus có khả năng đặc biệt để mê hoặc giới quý tộc, và tất cả đều nhờ vào phong thái của ông. Người ông toát lên vẻ tự tin lớn mạnh hơn khả năng thực sự. Sự tự tin này không phải là thứ hăng máu, tự quảng cáo của người mới phất – đó là loại tự tin điềm nhiên trầm lặng. Quả thực đó đúng là thứ tự tin mà giới quý tộc thường biểu lộ. Người quyền lực ở giới quý tộc cựu trào cảm thấy không cần thiết tự chứng tỏ hay khẳng định. Họ biết, đã là dân quý phái, thì ta luôn xứng đáng được hơn thế nữa, và họ đòi hỏi được hơn thế nữa. Vì vậy với Columbus họ thấy ngay có nét giống nhau, bởi vì ông cư xử giống như họ cư xử - nổi bật giữa đám đông, có số làm đại sự.

    Ta có khả năng đề ra chính cái giá của mình. Cung cách của ta nói lên cách ta tự đánh giá bản thân. Nếu ta chỉ yêu cầu tí chút, đầu thì cúi chân thì lê, thiên hạ sẽ nhìn tướng mà đoán người. Nhưng cách cư xử đó không phải là con người thật của ta, mà chỉ là hình ảnh mà ta chọn để xuất hiện trước mắt mọi người. Muốn sáng chói như Columbus ta vẫn có thể: hăng hái, tự tin, và cảm thấy rằng trời sinh mình ra là để đội vương miện.

    Tất cả các bậc thầy đều có một lệ thường đáng chú ý,

    làm nên nguồn sức mạnh của họ. Khi thực hiện lừa đảo,

    niềm tin vào chính bản thân đã tràn ngập con người họ.

    Chính niềm tin này đã diễn đạt những phép lạ và

    quyến rũ những người xung quanh.

    (Friedrich Nietzsche, 1844-1900)

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Hồi thơ ấu, chúng ta bước vào cuộc sống thật hăm hở, kỳ vọng và khá đòi hỏi mọi thứ của thế giới bên ngoài. Dần dà, thái độ này trở thành thói quen, và nhìn chung, ta mang thói quen ấy theo những lần đầu tiên đột nhập vào xã hội, khi ta bắt đầu sự nghiệp. Nhưng khi lớn lên, chúng ta bắt đầu nếm mùi phản kháng và thất bại, rồi những kinh nghiệm ấy đã hình thành các giới hạn ngày càng vững chắc. Vì ta đã quen đòi hỏi ít hơn từ người khác, dần dà ta chấp nhận những hạn chế, mà thật ra do ta tự áp đặt. Ta bắt đầu cúi đầu, gãi tai và xin lỗi khi nói lên ngay cả lời thỉnh cầu đơn giản nhất. Muốn khắc phục tình trạng thu hẹp tầm vóc như thế, ta phải chú ý ép buộc mình về hướng ngược lại – giảm thiểu tầm quan trọng của thất bại và phớt lờ các giới hạn, giục mình phải đòi hỏi thật nhiều và dự trù nhận được thật nhiều như hồi còn thơ ấu. Để được như vậy, ta phải áp dụng một chiến lược đặc biệt lên chính bản thân. Ta hãy gọi đó là Chiến lược Vương miện.

    Chiến lược này dựa trên một chuỗi giản đơn của nhân và quả: Nếu ta tin rằng mình có số làm nên chuyện lớn, niềm tin này sẽ phát tiết, giống như cái vương miện tạo vầng hào quang quanh vị vua. Sự phát tiết ấy sẽ tác động lên những người xung quanh, và họ sẽ nghĩ là ta có lý do để tự tin như thế. Những người đội vương miện hình như không cảm thấy giới hạn nào cho những gì họ yêu cầu hay thực hiện. Chính điều này cũng tỏa ra ngoài. Giới hạn và ranh giới biến mất. Hãy áp dụng Chiến lược Vương miện và bạn sẽ ngạc nhiên về số lần hiệu nghiệm. Hãy nhìn vào ví dụ những đứa trẻ hạnh phúc hễ muốn gì là đòi nấy, và đòi gì thì được nấy. Chính những mong ước rất nhiều ấy làm cho chúng dễ thương. Người lớn thích thỏa mãn trẻ con – cũng như Isabella thỏa mãn các yêu cầu của Columbus.

    Xuyên suốt chiều dài lịch sử, những cá nhân có dòng dõi tầm thường – những Theodora của Byzantium, những Columbus, Beethoven, Disraeli – đều tìm cách áp dụng Chiến lược Vương miện, tin tưởng mãnh liệt vào sự vĩ đại của bản thân, và rốt cuộc điều đó trở thánh sự thật. Ngay cả khi đang thực hiện cú lừa đảo nào đó, bạn cũng hãy cư xử như vua. Sẽ có nhiều khả năng bạn được mọi người đối xử như với vị vua thật.

    Có thể vương miện sẽ tạo sự khác biệt giữa bạn và quần chúng, nhưng chính bạn sẽ làm cho sự khác biệt ấy trở thành hiện thực: Bạn phải cư xử khác hơn để chứng minh sự khác biệt ấy. Bạn có thể chọn phong thái cao cả, cho dù trong bất kỳ tình huống nào, Louis-Philippe để cho nhân dân thấy ông không có gì khác so với đám đông, vì vậy khi thần dân đe dọa là ông suy sụp ngay. Quần chúng cảm được điều này và nhào tới. Không có tác phong cao cả lẫn sự kiên trì tiến tới mục tiêu, ông trông giống như kẻ mạo danh chứ không phải vua thật, vì vậy vương miện dễ dàng rời khỏi đầu ông.

    Nhưng cũng đừng xin lầm phong cách vương giả với thái độ ngạo mạn. Có lẽ vua được quyền ngạo mạn, nhưng điều đó chỉ để lộ ra sự mất tự tin. Ngạo mạn là điều trái ngược với vương phong.

    Haile Selassie bắt đầu trị vì Ethiopia từ năm 1930 đến suốt khoảng 40 năm sau đó. Tên thật của ông từ hồi thanh niên là Lij Tafari. Tuy xuất thân từ gia đình quý tộc nhưng ông không có cơ hội thực sự nào để nắm quyền, bởi tính theo hệ kế vị ngai vàng của vua Menelik thì Tafari hãy còn xa lắc. Dù vậy, từ hồi còn nhỏ xíu Tafari đã biểu hiện nét tự tin và phong thái vương giả khiến mọi người đều ngạc nhiên.

    Tafari nhập triều vào năm 14 tuổi và lập tức tạo ấn tượng với vua Menelik, nhất là nhờ đức tính kiên nhẫn, điềm tĩnh, và khoan thai của cậu bé. Những vương tôn công tử khác ganh tỵ và tìm cớ lấn áp nhưng Tafari không nổi giận. Đã có người linh cảm rằng sẽ có ngày cậu ta thăng tiến đến đỉnh cao, bởi vì Tafari xử sự như thể mình đã đạt đến đỉnh đó rồi.

    Đến năm 1936 khi Phát-xít Italia xâm chiến Ethiopia, cậu nhỏ Tafari giờ đây mang tên Haile Selassie, lưu vong và phát biểu trước Hội quốc liên để vận động cho trường hợp của nước mình. Phe Italia cố tình bêu riếu và xúc phạm nhưng Selassie vẫn giữ thái độ cao cả, không hề nao núng. Thật ra thái độ đó là chiếc mặt nạ thích hợp khi gặp khó khăn, vẻ chừng như không có gì có thể lay chuyển được, và ta thừa thời gian để phản ứng.

    Để phụ trợ cho phong thái vương giả đó, ta có thể áp dụng một số chiến lược như sau. Thứ nhất là Chiến lược Columbus: Luôn yêu cầu táo bạo. Gọi giá thật cao và không dao động. Thứ hai, đường hoàng đến gặp người có chức trách cao nhất tại chỗ. Nước cờ này lập tức đưa ta lên ngang hàng với đối tượng mà ta đang tiến công. Đây là chiến lược David chống Goliath: Khi lựa chọn một đối thủ vĩ đại, ta cũng tự khoác lên vẻ vĩ đại.

    Thứ ba, tặng quà cho kẻ bề trên. Đây là chiến lược dành cho những ai có quan thầy: Tặng quà cho sếp chủ yếu là để nhắn rằng ta và sếp ngang nhau. Đây là mánh khóe cổ xưa, cho là để nhận. Khi muốn Công tước vùng Mantua trở thành người đỡ đầu, văn sĩ Pietro Arantino thời Phục hưng biết rằng nếu mình tỏ vẻ bợ đỡ luồn cúi thì ông ta sẽ đánh giá thấp. Vì vậy Arantino chọn cách tặng quà, và cụ thể là tặng các tác phẩm của người bạn họa sĩ Titian. Hành động nhận quà tạo ra một dạng bình quyền giữa công tước và văn sĩ: Công tước thoải mái vì có cảm giác rằng mình đang đối xử với người cùng giới quý phái. Chiến lược tặng quà này rất tinh tế và khôn ngoan bởi vì ta không phải cầu xin ai cả: Ta yêu cầu được giúp đỡ một cách đường hoàng, hàm chứa nét bình quyền giữa hai người, trong đó một người tình cờ có nhiều tiền hơn người kia mà thôi.

    Hãy nhớ bạn là người định giá cho chính mình. Đòi hỏi ít hơn thì bạn sẽ được ít hơn. Đòi hỏi cao hơn là dấu hiệu rằng bạn đáng đồng tiền bát gạo. Ngay cả khi từ chối, những người từ chối cũng nể bạn vì sự tự tin, và lòng kính nể đó sau này sẽ có những kết quả bất ngờ.

    Hình ảnh:

    Vương miện. Cứ đặt nó lên đầu là phong cách của bạn sẽ thay đổi – toát lên vẻ tự tin điềm đạm. Đừng bao giờ lộ vẻ bán nghi, đừng bao giờ mất vẻ cao cả, nếu không vương miện sẽ không nằm yên. Đừng chờ người khác đội vương miện cho mình; những đế vương vĩ đại thường giành lấy để tự đặt lên đầu.

    Ý kiến chuyên gia:

    Ai ai cũng nên có phong thái vương giả theo cách của riêng mình. Hãy làm sao những hành động của bạn, cho dù không phải là của vua, cũng trông rất vương giả trong lĩnh vực của chúng. Hành vi của bạn phải thật uy nghi, tư tưởng thật vĩ đại, và nhất cử nhất động đều xứng đáng làm vua, mặc dù thực tế bạn chưa phải vậy.

    (Baltasar Gracián, 1601-1658)

    NGHỊCH ĐẢO

    Mục đích khi khoác lên thái độ tự tin vương giả là để tạo sự khác biệt giữa ta với đám đông, nhưng nhớ đừng thái quá kẻo lợi bất cập hại. Đừng bao giờ nghĩ sai rằng muốn tôn ta lên thì phải đạp người khác xuống. Vả chăng cũng chẳng hay ho gì khi ta quá cao chót vót khỏi đám đông, vì như thế ta trở thành mục tiêu dễ bị bắn phá. Chưa kể có lúc điệu bộ quý tộc lại hết sức nguy hiểm.

    Charles I, vua nước Anh vào thập niên 1640, khi chế định nền quân chủ đã làm nhân dân vỡ mộng và phẫn nộ. Khắp nơi nổ ra những cuộc bạo loạn cho Oliver Cromwell cầm đầu. Lúc ấy phải chi nhà vua phản ứng tinh tế hơn, chẳng hạn như chấp nhận đổi mới và bớt đi chút ít quyền lực, có lẽ lịch sử đã khác đi. Ngược lại ông lại càng bị chỉ trích thì ông càng lên màu vương giả, chừng như bị xúc phạm xâu xa khi quyền lực của ông và thể chế quân chủ thiêng liêng bị tiến công. Chính thái độ cao ngạo cứng ngắc đó làm dân càng phẫn uất và càng nổi loạn. Cuối cùng Charles mất đầu. Hãy nhớ là chỉ nên tỏa ra nét tự tin, chứ không phải ngạo mạn hoặc khinh miệt.

    Cuối cùng, phải nhìn nhận rằng đôi lúc cũng có lợi khi giả vờ làm vua dân giã. Nhưng nhớ đừng làm thái quá, kẻo ta lại còn thô tục hơn cả người thô tục thì khốn. Thật ra lúc nào xã hội cũng sẵn có những kẻ thô tục hơn ta, vì vậy ta sẽ dễ dàng bị thay thế vào mùa sau bởi một kẻ trẻ hơn và thô bỉ hơn.
     
  7. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 35: Chọn Đúng Thời Cơ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đừng bao giờ ra vẻ vội vã vì như thế chứng tỏ ta không làm chủ bản thân, không làm chủ thời gian. Luôn tỏ ra kiên nhẫn, như thể biết trước mọi việc sẽ diễn ra theo ý ta. Hãy phát hiện thời điểm thích hợp, đánh hơi được thời thế, được xu hướng nào đưa ta đến quyền lực. Hãy biết thoái bộ nếu thời điểm chưa chín muồi, và biết giáng đòn sinh tử khi cơ hội tới.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Vào đời chỉ là một thầy giáo xoàng, Joseph Fouché lang thang từ thị trấn này sang thị trấn khác suốt gần hết thập niên 1780 để dạy toán cho trẻ nhỏ. Tiếng là thầy giáo trường dòng nhưng ông ta không là giáo sĩ và chưa bao giờ thệ nguyện đi tu – vì ông nuôi mộng lớn hơn. Kiên nhẫn chờ thời, ông để ngỏ cho mọi tùy chọn. Và khi cuộc cách mạng Pháp nổ ra vào năm 1789, Fouché biết thời cơ ấy đã đến: Rủ bỏ áo tu, để tóc thật dài, đầu hôm sớm mai ông ta trở thành dân cách mạng. Bởi vì đó là xu thế thời đại. Kết thân với lãnh tụ cách mạng Robespierre, ông ta nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ những người nổi loạn. Năm 1972, thành Nantes chọn Fouches làm đại biểu tại Nghị hội Ước pháp.

    Vừa đến Paris nhận ghế đại biểu, Fouché chứng kiến mối bất hòa giữa hai phe trung dung và Jacobin cấp tiến. Ông biết rằng về lâu về dài sẽ không có phe nào chiến thắng. Quyền lực ít khi nào về tay những ai khởi đầu một cuộc cách mạng, thậm chí cả những người triển khai cuộc cách mạng cũng không. Quyền lực sẽ thuộc về những thành phần nào biết kết thúc. Đó là phe mà Fouché chọn để theo.

    Kế hoạch thời gian của ông thật kỹ lưỡng: Khởi đầu là thành phần trung dung, bởi vì lúc ấy phe trung dung là đa số. Tuy nhiên khi đến lúc phải bàn bạc xem có nên xử trảm vua Louis XVI, Fouché thấy nhân dân đều muốn đầu rơi, vì vậy ông bỏ lá phiếu quyết định cho án tử hình. Lúc này ông lại thuộc về phe cực đoan. Nhưng khi tình thế càng lúc càng căng ở Paris, Fouché đánh hơi được mối nguy cho những ai quan hệ thân thiết với bất kỳ phe nào, vì vậy ông ta chọn bài chuồn về tỉnh lẻ để chơi màn ẩn dật.

    Một thời gian sau ông lại được bổ nhiệm làm chức sắc ở Lyon. Tại đây, một lần nữa đánh hơi được thời thế, sau khi chứng kiến hàng chục nhà quý tộc bị tử hình, Fouché kêu gọi tạm ngưng chém giết – và mặc dù tay hãy còn tươi máu, ông vẫn được cư dân Lyon hoan hô như một vị cứu tinh đối với phong trào khủng bố La Terreur thời bấy giờ.

    Nhưng đến năm 1794 thì “người bạn cũ” Robespierre triệu hồi Fouché lập tức về kinh để giải trình những điều đã làm ở Lyon. Chưa vội “tuân chỉ”, Fouché âm thầm vận động quần chúng, nhất là những ai đã quá chán ngán quyền lực độc tài của Robespierre. Fouché câu giờ một cách tinh vi, biết rằng càng kéo dài thời gian của mình thì sẽ thêm nhiều cơ may hô hào nhân dân đoàn kết chống lại nhà độc tài. Lợi dụng việc mọi người kinh hãi Robespierre, Fouché quy tụ được cả hai phe trung dung và Jacobin. Thời cơ chín muồi vào tháng 7 năm đó: Tranh thủ lúc Robespierre đang đọc diễn văn, quần chúng bất thần tiến lên bắt giữ và vài ngày sau xử trảm hắn.

    Suốt vài năm sau đó, Fouché chủ động thu nhỏ bề thế của mình lại, đợi đến thời điểm thích hợp ông mới tiếp cận ban chấp chính Directoire, thuyết phục họ để cho ông ứng dụng sở trường của mình: thu thập thông tin tình báo. Nhờ hoàn thành xuất sắc mọi công tác được giao, đến năm 1799 ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng công an. Giờ đây không chỉ được nắm quyền lực, mà Fouché còn tăng cường được khả năng đánh hơi khắp mọi miền nước Pháp để xem gió thổi chiều nao. Một trong những khuynh hướng chủ đạo mà ông khám phá xuất phát từ một vị tướng trẻ mang tên Napoléon. Chính vì vậy khi vị tướng này đảo chánh vào ngày 9.11.1799, viên bộ trưởng công an lấy cớ là ngủ quên nên không can thiệp vào. Và Fouché ngủ suốt nguyên ngày hôm ấy. Cảm kích sự giúp đỡ gián tiếp đó nên sau khi lên nắm quyền, Napoléon cho ông ta tiếp tục giữ chức bộ trưởng công an.

    Những năm tiếp theo, Napoléon càng tin cậy Fouché, thậm chí còn phong tước và ban bổng lộc. Khi Napoléon tấn công Tây Ban Nha, Fouché biết sư phụ đã tính sai nước cờ và chắc chắn tuột dốc, nên liền liên kết với Talleyrand để hạ bệ Napoléon. Mặc dù bất thành, song âm mưu đã gây được tiếng dội, công khai sự phản đối ngày càng tăng đối với hoàng đế. Đến năm 1814, quyền lực của Napoléon sụp đổ.

    Thời kỳ tiếp theo là phục hưng chế độ quân chủ, với người em của Louis XVI là Louis XVIII lên ngôi. Luôn đánh hơi mọi thay đổi trong xã hội, Fouché biết rằng tân vương sẽ không thể trị vì lâu vì không có sự nhạy bén của Napoléon. Một lần nữa Fouché lại chơi tình chờ, ẩn mình thật xa ánh đèn sân khấu.

    Tháng 2 năm 1815, Napoléon đào thoát khỏi đảo Elba. Louis XVIII hốt hoảng: Chính sách của ông đã chọc giận nhân dân, và nhân dân lại đang hoan nghênh cựu hoàng. Vì vậy Louis chỉ còn cách cầu viện người có khả năng cứu sống mình: Fouché, kẻ cực đoan từng đưa anh mình lên đoạn đầu đài, nhưng hiện lại là một trong những chính khách được lòng dân nhất nước Pháp. Nhưng Fouché đâu dại dột gì về phe kẻ thua cuộc: Ông ta từ chối lời mời của Louis với lý do rằng sự giúp đỡ của mình là không cần thiết – Fouché thề là Napoléon sẽ không bao giờ trở lại nắm quyền. Tất nhiên không lâu sau cực hoàng và đội dân quân đã áp sát Paris.

    Thấy rõ triều đại mình sụp đổ, biết là Fouché đã phản bội, và không muốn kẻ lợi hại đó về phe Napoléon, Louis đã ra lệnh bắt giam Fouché. Cảnh sát lập tức phong tỏa xe ngựa của Fouché trên đường phố Paris. Liệu tay ranh ma này đã đến đường cùng? Có thể, nhưng không nhanh như thế: Fouché cho cảnh sát biết rằng theo luật định, không thể bắt cớ một cựu thành viên chính phủ ngay ngoài đường, mà phải đọc lệnh bắt đàng hoàng tại nhà. Cảnh sát tưởng thật nên để ông ta về thu xếp hành trang. Tất nhiên sau đó khi đến nhà đọc lệnh bắt, cảnh sát mới khám phá là ông ta đã lẻn ngả sau, bắc thang từ cửa sổ trên lầu xuống khu vườn phía dưới và an toàn đào thoát.

    Một hai ngày sau đó cảnh sát rà soát cả Paris để truy bắt Fouché, nhưng lúc bấy giờ tiếng đại bác của Napoléon đã dội về thành phố, vì vậy bầu đoàn thê tử và tùy tùng của vua phải bỏ chạy. Ngay khi Napoléon vào thành, Fouché ra trình diện. Vị cựu bộ trưởng được hoan ngênh và phục hồi chức vụ cũ. Suốt 100 ngày Napoléon trở lại nắm quyền, cho đến trận Waterloo, chính Fouché mới là người cai trị nước Pháp. Sau khi Napoléon rớt đài lần nữa, Louis XVIII trở lại ngai vàng, và lạ thay, tay Fouché mưu mô lại tiếp tục phục vụ một chính phủ mới – lúc này quyền lực và ảnh hưởng của ông ta hùng mạnh đến nỗi tân vương không dám thách thức.

    Diễn giải

    Trong giai đoạn hỗn loạn chưa từng thấy trong lịch sử nước Pháp, Joseph Fouché vẫn tồn tại và thịnh vượng nhờ biết phát huy nghệ thuật chọn đúng thời khắc, mà các yếu tố chủ chốt là:

    Thứ nhất, phải biết thời biết thế. Fouché luôn tính trước một hai nước, đoán được ngọn sóng nào sẽ đưa ông đến quyền lực. Đôi khi thời thế không dễ đoán, không thể căn cứ vào những điều hiển nhiên lồ lộ, mà ta phải suy xét các yếu tố có tiềm tàng ở hậu trường.

    Thứ hai, nhận ra những luồng gió mới chủ đạo không có nghĩa là phải chạy theo chúng. Mỗi động thái xã hội hiệu quả luôn có phản ứng mạnh mẽ, và ta nên đoán trước phản ứng ấy, như Fouché đã đoán được sau khi Robespierre chết. Thay vì cưỡi ngọn triều cường ngay thời điểm đó, ông ta kiên nhẫn chờ đúng ngọn sóng thứ hai đưa mình đến quyền lực. Khi sự kiện vừa xảy ra, bạn nên suy đoán những phản ứng tiềm tàng, nhằm đón đầu tận dụng.

    Cuối cùng Fouché là một người cực kỳ kiên nhẫn. Bạn nên sử dụng đức tính kiên nhẫn vừa làm khiên vừa làm giáo, nếu không, kế hoạch thời gian của bạn sẽ sụp đổ. Khi thời cơ chưa chín muồi, Fouché không đứng ra tranh đấu, không buông theo xúc cảm hoặc hấp tấp xuất chiêu. Ông ta giữ cái đầu lạnh và thu mình lại thật nhỏ bé, nhẫn nại vận động sự ủng hộ của quần chúng, dùng nó làm bàn đạp, chờ màn hai tiến lên giành quyền lực: Mỗi khi lâm vào thế yếu, Fouché luôn sử dụng triệt để đồng minh quý báu là thời gian. Vì vậy bạn nên học cách phán đoán thời thế để biết khi nào xuất khi nào xử.

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Thời gian là một khái niệm do chúng ta tạo ra, để làm cho sự vô tận của vĩnh hằng và vũ trụ mang tính chất người hơn, dễ chấp nhận hơn. Vì đã tạo ra khái niệm thời gian nên chúng ta cũng có khả năng nhào nặn nó ở mức độ nào đó, hoặc chơi trò này trò kia với nó. Thời gian của đứa bé thì dài và chậm lắm, trong khi thời gian của kẻ trưởng thành lại vụt qua nhanh chóng đến mức khiếp đảm.

    Thời gian tùy vào sự nhận thức riêng biệt, có thể chỉnh sửa theo ý muốn. Đây là điều đầu tiên ta phải biết trong nghệ thuật định giờ. Nếu những xáo trộn bên trong cảm xúc gây ra làm cho thời gian có vẻ trôi nhanh hơn, thì một khi ta làm chủ được những cảm xúc ấy lúc tình huống phát sinh, thời gian sẽ chậm lại. Chính biến thể của cách xử lý thời gian này làm ta có cảm giác rằng thời khắc sắp tới sẽ dài hơn, giúp ta có thêm nhiều khả năng mà nỗi sợ và sân si đã khép lại, đồng thời giúp ta thêm kiên nhẫn, vốn là yếu tố chủ đạo trong nghệ thuật định giờ.

    Chúng ta phải làm quen với ba loại thời gian, loại nào cũng có những vấn đề riêng, đòi hỏi ta phải có kỹ năng và thực hành. Loại thứ nhất là thời gian dài: nó kéo dài dằng dặc cả tháng năm, cho nên ta phải kiên nhẫn và xử lý mềm dẻo. Cách xử lý này hầu như nặng tính phòng ngự - đó là nghệ thuật “phòng thủ phản công”.

    Tiếp theo là thời gian thúc ép: đây là loại thời gian ngắn hạn mà ta sử dụng như một vũ khí tiến công, làm cho kế hoạch thời gian của đối thủ phải phá sản. Cuối cùng là một khoảng thời gian kết thúc, khi kế hoạch phải được hoàn tất thật nhanh thật mạnh. Chúng ta đã chờ đợi, đã thấy thời cơ, và đến lúc phải phất cờ không do dự.

    Thời gian dài. Một danh họa đời Minh hồi thế kỷ XVII ở Trung Quốc kể lại một câu chuyện mà ông cho là đã thay đổi vĩnh viễn cung cách của mình. Buổi xế chiều mùa đông năm đó ông khởi hành đến một thị trấn nằm bên kia bờ sông. Một tiểu đồng theo ông để khiêng nhiều sách vở và giấy má. Khi chiếc phà sắp cập bờ kia, danh họa này hỏi trạo phu liệu hai thầy trò có đến kịp trước khi trấn đóng cổng, vì đêm sắp buông rồi. Người chèo thuyền liếc tiểu đồng, nhìn đống sách vở rồi gật đầu – “Có thể, nếu hai vị không đi quá nhanh.”

    Khi hai thầy trò vừa lên bờ thì mặt trời bắt đầu lặng. Sợ trấn đóng cổng, sợ đạo tặc quấy nhiễu, cả hai càng lúc càng rảo bước, và cuối cùng là chạy. Đột nhiên sợi dây cột bung ra, mớ giấy má xòa khắp mặt đất. Phải một lúc sau cả hai mới thu lượm được hết, vì vậy khi đến cổng trấn thì cổng đã hạ rồi.

    Nếu vì sợ hãi và nóng vội mà ta cố làm nhanh, xem như ta đã tạo ra một ổ những vấn đề cần giải quyết, và cuối cùng là ta còn tốn nhiều thì giờ hơn nữa. Đôi khi những người làm gấp cũng được nhanh hơn, nhưng sẽ bị rủi ro giấy má bay tơi, hiểm nguy xuất hiện, họ sẽ lâm vào tình thế khủng hoảng thường trực, mất bao thì giờ để giải quyết những vấn đề họ mới tạo ra. Nhiều khi đối diện với hiểm nguy mà ta không làm gì lại hay hơn – ta chờ, xem như ta làm cho thời gian chậm lại. Trong lúc đó, biết đâu sẽ có những thời cơ mới xuất hiện mà ta không ngờ?

    Thời gian chờ đợi không chỉ để kiểm soát xúc cảm riêng của mình, mà của cả các đồng nghiệp, vốn lầm tưởng hành động đồng nghĩa với sức mạnh, vì vậy họ có thể giục ta xuất chiêu bất cẩn. Mặt khác, với đối thủ, ta có thể đưa họ vào tình thế lầm lẫn như vừa kể: Họ có thể vì nóng lòng vội vội vàng vàng mà phạm lỗi, trong khi ta lui một bước đứng chờ cho đến thời điểm thích hợp để ra tay. Đó là sách lược của Nhật hoàng Tokugawa Ieyasu hồi đầu thế kỷ XVII. Trước đây khi ông còn là vị tướng, Nhật hoàng Hideyoshi nóng tính khởi quân hấp tấp xâm lược Triều Tiên. Ieyasu không tham gia vì biết rằng hoàng đế sẽ thảm bại và sụp đổ. Ông kiên nhẫn chờ thời trong nhiều năm, và khi thời cơ đến, ông liền xua quân tiến chiếm Triều Tiên thành công.

    Ta không chủ động làm chậm thời gian để có thể sống lâu hơn hay hưởng lạc nhiều hơn, mà là để thao túng trò chơi quyền lực. Thứ nhất khi đầu óc ta thảnh thơi không bị rối bời bởi việc khẩn, ta sẽ sáng suốt nhận định những gì sắp diễn ra. Thứ hai, ta có thể cưỡng lại miếng mồi ngon mà người khác đang nhử. Thứ ba, ta có nhiều thì giờ hơn để linh động. Chắc chắn sẽ vuột mất nếu ta nóng vội. Thứ tư, ta tránh được tình trạng chưa hoàn tất việc này mà đã phải đối diện với việc tiếp theo. Khâu xây dựng nền móng quyền lực có thể kéo dài nhiều năm, ta phải làm sao cho nền móng đó vững chắc. Đừng khoái lửa rơm, hãy chọn loại thành công đến chậm mà chắc và kéo dài.

    Cuối cùng, khi làm thời gian chậm lại, ta sẽ có dịp nhìn toàn cảnh của thời thế, tạo được một khoảng cách nhất định, nhờ vậy ta ít bị cảm xúc ảnh hưởng đến cách nhìn những gì đang đến. Người vội vã thường lầm hiện tượng bề mặt với xu hướng thật sự, vì họ chỉ thấy những gì họ muốn thấy.

    Thời gian thúc ép. Mánh khóe để thúc ép thời gian chính là làm cho kế hoạch thời gian của đối phương bị đảo lộn – làm cho họ phải vội, phải chờ, buộc họ phải chơi theo nhịp độ của ta, cách nhận thức thời gian của họ bị ta bóp méo. Như thể thời gian trở thành đồng minh của ta và xem như ta đã thắng được một nửa cuộc chơi.

    Năm 1473 vị sultan Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmed Kẻ Chinh phục mời Hungary thương lượng để chấm dứt cuộc chiến dai dẳng kéo dài từ nhiều năm. Khi sứ giả Hungary đến Thổ Nhĩ Kỳ để bắt đầu đàm phán, các viên chức chủ nhà hết lời xin lỗi vì Mehmed vừa rời thủ đô Istanbul để dẫn quân kịch chiến với kẻ thù là Uzun Hasan. Nhưng vì vị sultan thật tâm muốn giảng hòa với Hungary nên khẩn khoản mời sứ giả theo đoàn hướng dẫn đến ngay ngoài mặt trận để nhanh chóng thương lượng.

    Nhưng khi đến nơi thì Mehmed lại đã hành quân về hướng Đông để truy đuổi quân thù, với lời nhắn sứ giả thông cảm và đến gặp ông ở địa điểm kế tiếp. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần như thế. Ở mỗi địa điểm dừng chân, phía Thổ hết sức cung kính khoản đãi, mỹ tửu mỹ nữ, tiệc tùng bất tận. Cuối cùng khi đã hạ gục kẻ thù Uzun xong, Mehmed mới tiếp kiến sứ giả Hungary, nhưng những điều kiện hòa bình xem ra rất gai góc. Sau vài ngày cuộc thương lượng chấm dứt mà tình thế vẫn chẳng có gì mới. Mehmed rất hài lòng vì mọi việc diễn ra đúng như ông trù tính lâu nay: Biết rằng khi xuất quân truy kích Uzun về hướng Đông, ông ta sẽ để Thổ Nhĩ Kỳ hở sườn phía Tây. Để cho Hungary không nhân cơ hội này mà tiến công, Mehmed nhử miếng mồi hòa bình rồi làm cho Hungary phải chờ - theo kế hoạch thời gian mà ông sắp đặt sẵn.

    Làm người khác phải chờ đợi, đó là cách rất hay để thúc ép thời gian, miễn là họ không lật tẩy được mình. Ta kiểm soát đồng hồ, họ chờ trong khắc khoải, dần dà tinh thần mất tính nhất quán, tạo ra thời cơ cho ta hạ thủ. Hành động nghịch đảo cũng rất lợi hại: Làm cho đối thủ cuống lên. Khi bắt đầu kế hoạch, ta tiến hành rất chậm, rồi đến lúc thuận tiện ta liền tăng tốc, khiến họ cảm thấy mọi việc ồ ạt diễn ra cùng lúc. Ai thiếu thời gian suy nghĩ, người ấy sẽ phạm sai lầm. Đây là kỹ thuật mà Machiavelli khâm phục nơi Cesare Borgia, vì đang trong tiến trình thương lượng, Cesare đột ngột thúc giục đối phương phải đưa ra quyết định, khiến họ hụt hẫng và hỏng kế hoạch thời gian. Vì có ai dám để Cesare phải chờ?

    Nhà buôn tranh nổi tiếng Joseph Duveen biết rằng nếu ra thời hạn chót cho một khách hàng lừng khừng kiểu như John D. Rockefeller – vờ lấy lý do là một nhà tài phiệt khác đang ngả giá, hoặc sắp phải bán bức này ra nước ngoài – thì khác sẽ mu suýt soát thời hạn mà Duveen đưa ra. Freud nhận thấy nhiều bệnh nhân qua điều trị phân tâm học mà vẫn không thấy tiến bộ, nhưng nếu ông đưa ra thời hạn chót để chấm dứt trị liệu thì họ sẽ phục hồi cũng suýt soát thời hạn chót. Còn nhà phân tâm Jacques Lacan người Pháp lại sử dụng một biến thể của chiến thuật ấy – khi mới nói chuyện với bệnh nhân chừng mươi phút, thỉnh thoảng ông đột ngột chấm dứt suất điều trị. Nếu việc này lặp đi lặp lại nhiều lần, bệnh nhân ý thức rằng mình nên tận dụng thời gian, thay vì phí phạm để nói chuyện bâng quơ. Vì vậy thời hạn chót là một vũ khí hiệu quả. Bạn hãy đóng sập cánh cửa lừng khừng và ép người khác quyết định phứt rồi – đừng để họ buộc bạn phải chơi theo luật chơi của họ. Đừng bao giờ để cho họ có thì giờ.

    Giới ảo thuật và bầu sô đều là chuyên gia thúc ép thời gian. Tuy có thể thoát khỏi xích xiềng trong vài phút, nhưng Houdini làm bộ vật lộn với gông cùm cả giờ đồng hồ, làm cho khán giả đổ mồ hôi hột, nhất là khi ông có vẻ sắp thua đến nơi. Giới ảo thuật luôn biết chủ động làm chậm nhịp độ diễn biến để thay đổi cách chúng ta nhận thức về thời gian. Tạo ra những phút giây hồi hộp, hay còn gọi là lũng tim, quả là những khoảng lặng chết người: Càng chậm rãi bao nhiêu, bàn tay nhà ảo thuật lại càng tạo ra bấy nhiêu ảo giác về tốc độ, khiến khán giả cứ nghĩ là con thỏ đã xuất hiện trong khoảnh khắc. Houdini từng nó: “Câu chuyện càng được kể chậm thì nó càng có vẻ ngắn.”

    Tiến hành trong chậm rãi làm cho những gì bạn thực hiện trông có vẻ quan trọng hơn – cử tọa hòa theo nhịp độ của bạn, như bị thôi miên. Khi họ lọt vào trạng thái đó, bạn tùy nghi bóp méo thời gian.

    Thời gian kết thúc. Bạn có thể chơi trò này với nghệ thuật – kiên nhẫn chờ đợi đúng thời điểm để ra tay, đưa đối thủ vào thế bị động bằng cách phá hỏng kế hoạch thời gian của họ - nhưng sẽ không ý nghĩa gì nếu bạn không biết cách ra đòn kết thúc. Bạn không nên giống hàng tá người trong xã hội, thoạt trông thì tưởng là mẫu mực của gương kiên nhẫn, nhưng đến khi dứt điểm thì lại sợ hãi: Kiên nhẫn sẽ không chút giá trị nào trừ khi bạn quyết chỉ vồ lấy địch thủ ngay thời điểm thích hợp. Bạn sử dụng tốc độ để vô hiệu hóa đối phương, khỏa lấp bất kỳ lỗi lầm khả dĩ nào, và làm mọi người kinh ngạc bởi sức mạnh và sự dứt khoát.

    Với sự kiên nhẫn của một thầy rắn, ta dụ rắn ra khỏi hang bằng những động tác bình tĩnh và đều đặn. Nhưng một khi rắn ra rồi, chẳng lẽ ta lại dứ dứ ngón chân trước mỏ nó? Không lý do nào có thể biện minh cho chút do dự nhỏ nhất ở giai đoạn cuối của cuộc chơi. Muốn biết ai là bậc thầy ở nghệ thuật định giờ, hãy quan sát xử lý giai đoạn này – xem họ có nhanh chóng thay đổi nhịp điệu và đẩy nhanh mọi việc đến kết luận nhanh chóng và dứt khoát.

    Hình ảnh:

    Chim ưng. Chim ưng kiên nhẫn lặng lẽ quần đảo bầu trời, thật cao, thật xa phía trên cao, không gì thoát khỏi cặp mắt sắc bén. Đột nhiên đúng vào thời điểm, chim lao xuống với tốc độ mà con mồi không thể nào chống đỡ nổi. Trước khi nạn nhân biết được điều gì xảy ra, cặp chân như gọng kềm của chim đã cắp lấy mang đi.

    Ý kiến chuyên gia:

    Có ngọn triều trong chuyện của con người,

    Biết tận dụng sẽ cho ta vận hội;

    Nếu để hụt, cả hành trình cuộc sống

    Sẽ sa lầy ở vũng cạn khổ đau.

    (Julius Caesar, William Shakespeare, 1564-1616)

    NGHỊCH ĐẢO

    Sẽ không chút lợi ích nào nếu ta thả lỏng dây cương rồi sau đó buộc phải tự thích nghi với tình huống. Ở chừng mực nào đó, ta phải điều khiển được thời gian, nếu không muốn trở thành nạn nhân của nó. Vì vậy nguyên tắc này không có phép nghịch đảo.
     
  8. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 36: Phớt Lờ Những Gì Ngoài Tầm Tay

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thừa nhận một vụ việc cỏn con tức là làm cho nó hiện diện cụ thể hơn. Càng chú ý đến kẻ thù, ta càng làm cho nó mạnh thêm. Một lỗi đáng ra chỉ nhỏ xíu và khó thấy, nhưng khi ta cố gắng sửa chữa thì nó lại thêm phần tồi tệ và thu hút sự chú ý của mọi người. Trong cuộc sống, nhiều khi ta nên để yên mọi việc. Một khi không thể có được điều gì đó, tốt hơn ta không nên quan tâm đến nó nữa. Càng ít biểu lộ sự quan tâm, ta càng tỏ ra ở thế thượng phong.

    VI PHẠM NGUYÊN TẮC

    Pancho Villa, lãnh đạo quân phiến loạn Mexico, thoạt tiên chỉ là trùm băng cướp, nhưng sau khi cách mạng nổ ra vào năm 1910, ông ta trở thành một dạng anh hùng dân gian – lấy của người giàu để cho người nghèo, đứng đầu nhiều cuộc cướp táo bạo, thực hiện nhiều cuộc phiêu lưu lãng mạn làm mềm lòng phụ nữ. Những kỳ tích của Villa rất hấp dẫn người Mỹ, bởi ông ta có vẻ như đến từ một thời kỳ khác, nửa Robin Hood, nửa Don Juan. Tuy nhiên sau nhiều năm chiến đấu, tướng Carranza là người chiến thắng, vì vậy Villa dẫn bại quân lui về cố quận ở bang Chihuahua. Quân đội Villa rơi rụng dần và cuối cùng trở thành băng cướp, gây phương hại đến tình cảm của quần chúng từng dành cho ông. Sau đó có lẽ vì quá thất vọng hóa cuồng, Villa bắt đầu tấn công vào nước Mỹ.

    Tháng 3 năm 1916 Pancho Villa cướp phá thị trấn Columbus ở bang New Mexico, giết chết 17 người Mỹ, kể cả thường dân lẫn quân sự. Như nhiều người Mỹ khác, tổng thống Mỹ Woodrow Wilson cũng từng khâm phục Villa, nhưng giờ đây ông buộc phải ra tay trừng trị. Nhóm cố vấn giục Wilson gửi quân vượt qua biên giới để bắt sống Villa.

    Áp lực ngày càng tăng nên cuối cùng với sự ưng thuận của chính quyền Carranza, tướng Mỹ Pershing dẫn 10.000 quân sang Mexico.

    Quân Mỹ phân tán nhỏ để lùng sục vùng hoang dã phía Bắc Mexico. Trước đây khi Villa trở lại cướp bóc thì dân chúng chán ghét, nhưng giờ họ lại tôn sùng vì ông dám chống lại quân đội Mỹ hùng mạnh. Một mặt họ che giấu Villa, mặt khác họ cung cấp cho tướng Pershing nhiều thông tin sai lạc.

    Đến mùa Hè năm đó quân Mỹ đã tăng lên 123.000 người nhưng vẫn không bắt được Villa. Tướng cướp này thoắt ẩn thoắt hiện giữa vùng đồi núi hoang vu mà quân Mỹ chưa quen phong thổ. Dịch bệnh bắt đầu hành hạ họ, chưa kể sự chán ghét của người dân địa phương.

    Đến mùa đông năm đó, Villa vẫn tiếp tục trò chơi ú tim, còn phía Mỹ vừa cảm thấy cuộc hành quân này giống như trò hề, vừa ít nhiều khâm phục Villa. Sang đầu năm 1917, cuối cùng Wilson lệnh cho Pershing dẫn quân về nước.

    Diễn giải

    Phía Mỹ tung lực lượng hùng hậu toan dạy cho Pancho Villa một bài học, nghĩ rằng chiến dịch chỉ kéo dài vài tuần và sau đó sẽ không còn ai nhớ đến ông ta nữa.

    Nhưng càng kéo dài, chiến dịch càng chứng tỏ phía Mỹ bất tài, còn Villa thì quá tinh khôn. Chút phiền toái địa phương trở thành sự lúng túng trên chính trường quốc tế. Mỹ càng triển khai thêm quân thì cán quân lực lượng càng làm cho vụ việc giống như trò đùa. Cuối cùng thì con voi lại thua con chuột, phải nhục nhã rút quân về.

    Liệu Wilson còn cách làm nào khác? Còn, vì ông ta có thể yêu cầu chính quyền Carranza truy lùng Villa. Hoặc giả Mỹ có thể thương lượng với một số đào binh của Villa để bắt sống ông ta. Hoặc giăng bẫy tại biên giới chờ Villa tiến quân lần nữa. Hoặc Wilson có thể chọn thái độ là phớt lờ phứt rồi, để rồi theo thời gian, chính quân đội Carranza sẽ làm thịt Villa.

    Bạn ghi nhớ điều sau đây: Bạn bị bất ổn bởi tình huống vì chính bạn chấp nhận bị. Ngược lại bạn có thể chọn thái độ phớt lờ kẻ gây hấn, xem như chuyện vặt không đáng quan tâm. Đây là một nước cờ mạnh. Bạn không phản ứng lại đối tượng, thì đối tượng sẽ không thể lôi kéo bạn vào mớ rắc rối vô ích. Ở đây không dính dáng gì đến lòng tự hào của bạn cả. Hãy dạy cho con bọ chét cắn ngứa một bài học, bằng cách phớt lờ và cho nó vào quên lãng. Trong trường hợp không thể phớt lờ (thực tế Pancho Villa đã giết nhiều người Mỹ), ta có thể âm thầm lập kế triệt tiêu đối tượng, chứ đừng làm mọi người chú ý đến một con côn trùng nhỏ nhoi trước sau gì cũng sẽ đi chỗ khác chơi hoặc cũng chết mất. Nếu phí thời gian và sức lực vào mớ rắc rối ấy thì đó là lỗi của ta. Hãy học cách đánh lá bài làm cao, quay lưng lại với những gì về lâu về dài không thể gây phương hại cho ta.

    Thử nghĩ mà xem – chính phủ các vị phải tốn 130 triệu đôla để bắt tôi. Tôi lôi kéo họ lên miền đồi núi gian nan. Đôi khi đi một lèo năm mươi dặm không lấy đâu ra giọt nước. Họ không tìm được gì ngoài nắng nôi và muỗi mòng… Để rồi chẳng được gì cả.

    (Pancho Villa, 1878-1923)

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Năm 1527, vua Henry VIII nước Anh quyết tìm cách dứt bỏ cục nợ Catherine xứ Aragon, bà vợ của ông ta. Catherine không sinh cho Henry một đứa con nào để nối dõi, và Henry nghĩ là mình biết lý do: Ông biết trong Kinh thánh có đoạn “nếu một người lấy vợ của anh hoặc em mình thì đó là việc ô uế: Vì hắn đã vạch trần sự lõa lồ của người anh em đó, vì vậy họ sẽ không có con”. Trước khi Henry cưới nàng, Catherine đã thành hôn với anh của Henry là Arthur, nhưng Arthur đã qua đời 5 tháng sau lễ cưới. Chờ hết thời gian tang chế, Henry tiến hành lễ cưới với chị dâu.

    Catherine là con gái của Vua Ferdinand và Hoàng hậu Isabella Tây Ban Nha, và hôn lễ đã duy trì được một liên minh quý báu. Nhưng giờ đây Catherine phải chứng minh với Henry rằng cuộc hôn nhân chóng vánh với Arthur thật ra chưa bao giờ tới nơi tới chốn, nếu không quan hệ của họ sẽ bị xem là loạn luân và cuộc hôn nhân thứ nhì bị tuyên bố là vô hiệu lực. Catherine đã thuyết phục được Giáo hoàng Clement VII rằng qua cuộc hôn nhân thứ nhất bà hãy còn trinh, sau đó giáo hoàng đã ủng hộ bằng cách ban phúc lành cho lễ cưới, điều mà ông sẽ không làm nếu cho rằng cuộc hôn nhân ấy loạn luân. Tuy nhiên qua nhiều năm chung sống với Henry, Catherine vẫn không sinh nở và vào thập niên 1520 bà bước vào giai đoạn mãn kinh. Với đức vua, điều đó có nghĩa là hoàng hậu đã nói dối về trinh tiết của mình, rằng cuộc hôn nhân của họ là loạn luân, do đó Thượng đế đã trừng phạt họ.

    Còn một lý do khác khiến Henry muốn dứt bỏ Catherine: Ông đã yêu một thiếu phụ khác tên Anne Boleyn, và hy vọng cưới nàng để có mụn con nối dõi. Muốn vậy phải hủy cuộc hôn nhân với Catherine, nhưng giáo hoàng Clement đã từ chối đề nghị của Henry.

    Đến mùa Hè năm 1527 Henry bắt đầu sang phòng khác chứ không ngủ chung với Catherine nữa, vì ông tuyên bố rằng bà là chị dâu chứ không phải vợ ông. Ông khăng khăng gọi bà là Sương Công chúa xứ Wales, vốn là tước danh của bà với tư cách là quả phụ của Arthur. Năm 1531 ông cấm không cho bà vào triều, sai người đưa bà đến một lâu đài cách xa. Giáo hoàng dọa sẽ rút phép thông công nếu Henry không triệu hồi Catherine về cung. Henry không chỉ phớt lờ lời đe dọa đó mà còn khẳng định rằng cuộc hôn phối đã tan vỡ, và sang năm 1533 tiến hành cưới Anne Boleyn.

    Clement không công nhận nhưng Henry chẳng bận tâm. Ông không còn nhìn nhận thẩm quyền của giáo hoàng và cắt đứt quan hệ với Giáo hội La Mã, thiết lập Giáo hội Anh Quốc, mà người đứng đầu là đức vua. Do đó cũng không lạ gì khi Giáo hội tân lập này tuyên bố Anne Boleyn là hoàng hậu chính thức của Anh Quốc.

    Cho dù giáo hoàng có thử đe dọa cách mấy cũng chẳng hiệu quả gì, bởi Henry đơn giản phớt lờ ông ta. Ông ta tức điên người, vì trước giờ chưa kẻ nào dám khinh thường giáo hoàng đến như vậy. Henry hạ nhục ông ta, và ông không thể làm gì được. Ngay cả việc rút phép thông công (mà ông luôn mang ra dọa nhưng chưa bao giờ thực hiện) cũng không ăn nhằm gì.

    Bản thân Catherine cũng choáng váng vì đòn khinh bạc của Henry. Bà cố gắng đủ cách, đủ lời lẽ nhưng chỉ gặp phải tai điếc. Bị cô lập khỏi triều đình, bị nhà vua không đếm xỉa, điên cuồng vì giận dữ và vô vọng, Catherine dần dần tàn lụi, và cuối cùng qua đời hồi tháng Giêng năm 1536 bởi một khối ung thư trong tim.

    Diễn giải

    Khi ta chú ý đến ai thì xem như hai người trở thành đồng hội đồng thuyền, người này chuyển dịch hợp theo hành động hoặc phản ứng của người kia. Và trong tiến trình đó ta mất thế chủ động. Đồng hội với người khác, ta phải chung vai sát cánh với họ và mở cửa đón nhận ảnh hưởng của họ. Nếu mắc mứu với Catherine, Henry sẽ sa lầy vào những cuộc tranh cãi khôn cùng, có khả năng làm suy yếu quyết tâm và hao mòn sinh lực ông. Nếu chọn cách thuyết phục Clement, hoặc thương lượng hay thỏa hiệp, Henry sẽ lọt vào thế trận mà Clement ưa chuộng: Tận dụng thời gian, hứa hẹn lỏng lẻo, nhưng cuối cùng sẽ đến điểm mấu chốt mà các giáo hoàng luôn đạt đến – làm những gì họ muốn.

    Nhưng Henry không sa lầy hay lọt bẫy, mà tiến hành một nước cờ có sức càn quét lớn – khinh thị hoàn toàn. Phớt lờ thiên hạ tức là khử bỏ họ. Họ sẽ bị bất ngờ và phẫn nộ, nhưng vì không có quan hệ gì với ta nên họ cũng chẳng làm được gì.

    Đây chính là khía cạnh tiến công của Nguyên tắc này: Nước cờ khinh thị là nước cờ mạnh, vì nó cho phép ta khẳng định các điều kiện của cuộc đối đầu. Chiến tranh được tiến hành theo điều kiện mà ta đặt ra. Ta là vua và ta không đếm xỉa đến kẻ xúc phạm. Hãy thử nhìn xem chiến thuật này làm đối phương tức tối đến mức nào – hết một nửa việc họ làm chính là khiến ta phải quan tâm, và khi ta thu hồi mối quan tâm đó thì họ sẽ sụp đổ vì vỡ mộng.

    CON NGƯỜI:

    Bạn đá hắn – hắn sẽ tha thứ cho bạn.

    Xu nịnh hắn – có thể hắn bị bạn lừa, có thể không.

    Nhưng bạn không thèm biết hắn là ai thì hắn sẽ ghét bạn.

    (Idrie Shah, Caravan of Dreams, 1968)

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Sự khát khao thường tạo ra hiệu ứng trái ngược: Càng ao ước điều gì, càng đuổi theo nó thì nó càng lẩn tránh bạn. Càng quan tâm đến đối tượng chừng nào thì đối tượng càng khước từ bạn. Như thế bởi vì mối quan tâm của bạn quá lớn, làm cho người ta ngượng ngùng, thậm chí sợ hãi. Dục vọng không thể kiềm chế được sẽ làm cho bạn có vẻ yếu đuối, không xứng đáng, và trông thật thảm hại.

    Nếu muốn mà không được, thà bạn quay lưng, chứng tỏ mình chẳng thèm, mình rẻ rúng. Thái độ này sẽ làm cho đối tượng tức điên lên. Đến lượt họ sẽ muốn điều gì đó, chẳng qua là để gây ấn tượng đối với bạn – có thể là để chiếm hữu hoặc gây tổn thương cho bạn. Nếu họ muốn chiếm hữu, xem như bạn đã thành công bước đầu dụ dỗ. Còn nếu họ muốn gây tổn thương, nghĩa là bạn đã làm họ bất ổn và khiến họ chơi theo quy luật do bạn đề ra (xem các Nguyên tắc 8 và 39 về việc dụ người khác động thủ).

    Khinh miệt là độc quyền của nhà vua. Tia nhìn của ngài rọi vào vật nào thì vật ấy mới hiện hữu, điều gì bị ngài phớt lờ và quay lưng thì xem như quá cố. Đây là vũ khí của vua Louis XIV – nếu không thích bạn, ông ta sẽ xử sự như thể bạn không có mặt, ông giữ thế thượng phong bằng cách cắt đứt động lực của sự tương tác. Đó chính là loại sức mạnh ta sẽ có khi đi nước cờ khinh thị, để thỉnh thoảng chứng tỏ với đối phương rằng không có mợ thì chợ vẫn đông.

    Nếu nước cờ phớt tỉnh làm tăng sức mạnh, thì tất nhiên điều ngược lại sẽ làm ta suy yếu. Nếu để ý thái quá đến một đối thủ yếu ớt, chính ta sẽ có vẻ yếu ớt, và nếu ta càng tốn nhiều thì giờ để đối phó với một đối thủ như thế thì hắn sẽ càng có vẻ vĩ đại hơn. Đây là lỗi lầm mà thành phố Athens cổ phạm phải khi dẫn quân tiến công thị trấn nhỏ Syracuse, cũng là lỗi lầm của Tổng thống Kennedy khi thất bại tại Vịnh con Heo ở Cuba, làm cho Castro trở thành người hùng quốc tế.

    Mối nguy thứ hai: Nếu nghiền nát đối tượng, hay thậm chí chỉ cần làm cho nó trầy xước, thì ta sẽ làm thiên hạ cảm thương cho kẻ yếu. Phe đối lập thường chỉ trích tổng thống Franklin D. Roosevelt về những khoản chi đó là đúng vì góp phần chấm dứt cuộc Đại Suy thoái. Sau đó phe đối lập lại nắm lấy một cơ hội mà họ nghĩ là sẽ chứng minh được sự xa hoa của tổng thống: Ông tiêu tốn khá nhiều cho con chó Fala. Nhưng Roosevelt có câu trả lời: Tại sao bọn họ dám chỉ trích một con chó nhỏ tội nghiệp không có khả năng để tự vệ? Diễn văn bênh vực chó Fala là một trong những bài nói được ngưỡng mộ nhất của Roosevelt. Trong trường hợp này, kẻ yếu đuối đáng thương là con chó của tổng thống, và phe đối lập bị tác dụng ngược – về sau, nhân dân càng cảm thông với tổng thống vì khuynh hướng tự nhiên là về phe “kẻ yếu”, cũng như công luận Mỹ thương cảm cho Pancho Villa.

    Theo khuynh hướng tự nhiên, ta cố gắng khắc phục lỗi lầm, nhưng càng cố thì lỗi càng tệ. Đôi khi để y như vậy còn hay hơn. Năm 1971 khi tờ New York Times công bố Hồ sơ Ngũ giác đài (liên quan đến việc chính phủ Mỹ sai lầm tại Đông Dương), Henry Kissinger nổi trận lôi đình. Sôi máu khi thấy chính phủ Nixon bị suy yếu bởi chỗ rò rỉ đó, ông đưa ra những chỉ đạo đối phó, dẫn đến việc thành lập nhóm bưng bít được gọi là “Thợ hàn”. Chính nhóm này sau đó đã đột nhập vào văn phòng phe Dân chủ ở khách sạn Watergate đặt thiết bị nghe lén, rồi bị đổ bể, tạo ra chuỗi sự kiện khiến chính quyền Nixon sụp đổ. Thật ra việc công bố Hồ sơ Ngũ giác đài chưa phải là mối nguy trầm trọng cho chính phủ, nhưng chính phản ứng của Kissinger đã làm cho nó trở nên trầm trọng. Khi định sửa chữa sai lầm này ông lại tạo ra sai lầm khác: Nỗi ám ảnh về an ninh rốt cuộc còn tàn phá dữ dội hơn. Nếu cứ phớt lờ Hồ sơ Ngũ giác đài, có lẽ dần dà rồi quả bóng cũng xì hơi thôi.

    Vì vậy khi đánh giá đúng tình huống, nhiều lúc ta nên phớt lờ, giống như nhà quý tộc không thèm để ý đến vụ việc. Có nhiều cách để áp dụng quy tắc này.

    Thứ nhất là lý luận theo kiểu chùm nho xanh. Nếu khao khát điều gì mà không đạt được, thì cách tệ nhất để thiên hạ để ý mình chính là than thở rên xiết về điều đó. Chiến thuật hùng mạnh hơn chính là hành xử như thể ta không thèm quan tâm đến nó. Khi được các đồng nghiệp ủng hộ tranh cử chiếc ghế thành viên nữ của Académie Française vào năm 1861, George Sand nhanh chóng nhận ra rằng viện hàn lâm sẽ không bao giờ chuẩn thuận. Thay vì kêu ca, Sand cho biết mình không hứng thú để gia nhập cái nhóm ba hoa già nua, tự đánh giá quá cao và xa rời thực tế đó. Thái độ này rất hay, bởi vì nếu nổi giận vì không được gia nhập, Sand sẽ chứng tỏ mình ao ước chiếc ghế ấy biết bao. Tuyên bố “chùm nho còn chua” đôi khi bị xem là phản ứng của kẻ yếu, nhưng thật ra đó là chiến thuật của kẻ tài ba.

    Thứ hai, khi bị cấp dưới chỉ trích, ta hãy đánh lạc hướng mọi người bằng cách giả vờ không cảm nhận đòn chỉ trích ấy. Ta có thể ngó lơ, hoặc giả ứng xử nhẹ nhàng như thể đòn đó không ăn nhằm gì mình. Tương tự, khi lỡ phạm sai lầm, ta nên khỏa lấp bằng cách xem đó là chuyện nhỏ.

    Là môn đồ thuần thành của trà đạo, Nhật hoàng Go-Saiin sở hữu một chén uống trà cổ vô giá mà tất cả triều đình đều thèm khát. Ngày kia người khách viếng tên là Dainagon Tsunehiro xin phép được mang chén ra chỗ sáng để có thể xem xét tỉ mỉ hơn. Ít khi nào cái chén rời khỏi vị trí cố định trên bàn, tuy nhiên hôm đó Nhật hoàng đang vui nên ông chấp thuận. Nhưng khi đang xăm xoi ở hành lang thì Tsunehiro lỡ tay làm rớt khiến cái chén tan thành trăm mảnh.

    Tất nhiên Nhật hoàng giận điên người. “Thần quả thật đáng tội khi lỡ tay đánh rớt,” Tsunehiro cúi rạp mình, “nhưng thật ra cũng không có việc gì quá trầm trọng. Cái chén này đã quá xưa rồi, có thể tự nứt bất kể lúc nào, nhưng bề nào thì nó cũng không có lợi ích gì về mặt công cộng, vì vậy thần nghĩ rằng thật may mắn khi nó kết thúc như thế.” Lối ứng xử bất ngờ này lập tức có hiệu quả: Nhật hoàng nguôi giận. Tsunehiro không vật vã sụt sùi, cũng không quá lời tạ lỗi, nhưng cho thấy giá trị và sức mạnh của mình khi xử lý lỗi lầm với một giọng khinh bạc. Nhật hoàng cảm thấy mình cũng phải đáp trả bằng thái độ quân tử, chứ nếu nổi giận thì quá thấp hèn nhỏ mọn – một hình ảnh mà sau này Tsunehiro có thể lợi dụng.

    Giữa những người đồng đẳng với nhau, chiến thuật này có khả năng dội ngược: Họ có thể lên án ta là vô tâm hoặc tàn nhẫn. Nhưng với kẻ bề trên, nếu ta nhanh chóng phản ứng gọn gàng thì sẽ rất hiệu quả: Ta né được phản ứng giận dữ, giúp sư phụ khỏi phung phí thời gian và sức lực càu nhàu, tạo điều kiện cho sư phụ chứng minh mình cao cả và rộng lượng.

    Trong trường hợp bị bắt quả tang phạm sai lầm, nếu ta cứ quanh co chối cãi hoặc suýt soa xin lỗi, có khả năng mọi việc sẽ tồi tệ thêm. Đôi khi tốt hơn ta nên ứng xử ngược lại. Nhà văn thời Phục hưng Pietro Aretino thường khoe khoang về gia phả quý tộc của mình, và tất nhiên điều đó chỉ là xạo sự vì thật ra anh ta chỉ là con ông thợ đóng giày. Cuối cùng khi có kẻ thù tiết lộ sự thật, thiên hạ đồn rùm khắp Venice và mọi người hết sức ngạc nhiên. Nếu lúc đó Aretino cố biện minh hay xin lỗi, có thể mọi thứ sẽ sụp đổ. Đàng này anh mạnh mẽ nhìn nhận sự thật, và sự thật này ngày càng chứng minh cho ý chí vượt khó của anh, vì từ vị trí thấp kém trong xã hội, anh đã kiên trì leo lên đỉnh cao. Từ đó về sau Aretino không bao giờ nhắc đến lời nói dối trước đó, mà chỉ nhấn mạnh đến xuất xứ bình dân của mình.

    Hãy nhớ: Với những chuyện không đáng, tầm phào và bực bội nhỏ nhoi, bạn nên phớt lờ và khinh bạc. Đừng bao giờ cho thấy mình bị ảnh hưởng hoặc xúc phạm, vì như vậy vấn đề chỉ càng hiển nhiên hơn mà thôi.

    Hình ảnh:

    Vết thương nhỏ. Tuy nhỏ nhưng nó làm ta đau và bực mình. Ta kêu ca, gãi ngứa, gỡ mày và thử đủ loại thuốc chữa. Đến bác sĩ còn làm nó tệ hơn, vết thương nhỏ trở thành vấn đề lớn. Phải chi ta cứ để yên đó, cho thời gian hàn gắn và giải thoát ta khỏi những lo lắng muộn phiền.

    Ý kiến chuyên gia:

    Hãy học nước cờ khinh bạc. Đó là cách trả thù khôn ngoan nhất. Bởi vì có nhiều người lẽ ra thiên hạ không thể biết gì về họ, nếu đối thủ của họ không quan tâm đến họ. Không có sự trả thù nào bằng việc lãng quên, vì như vậy chính là chôn vùi kẻ hèn mọn dưới lớp cát bụi của chính sự nhỏ mọn của họ.

    NGHỊCH ĐẢO

    Nước cờ khinh bạc, bạn phải chơi thật kỹ lưỡng và tinh tường. Hầu hết các chuyện vặt sẽ tự mờ phai nếu bạn phớt lờ chúng, nhưng vẫn có những vấn đề sẽ ung thối lên nếu bạn không can thiệp. Phớt lờ một đối thủ nhỏ yếu, sau đó hắn trở thành kẻ thù đáng ngại, cay đắng hận thù vì trước đó bạn khinh thường hắn. Những ông hoàng Italia thời Phục hưng không đếm xỉa gì khi Cesare Borgia khởi đầu sự nghiệp, nhưng khi họ biết quan tâm thì đã quá trễ - thú con giờ đã hóa sư tử, từng bước thôn tính toàn cõi Italia. Vì vậy trước khi công khai bày tỏ thái độ xem thường, bạn cần phải âm thầm theo dõi riêng đối tượng đó. Đừng để nó biến thành tế bào ung thư.

    Hãy phát triển kỹ năng đánh giá vấn đề chưa hệ trọng, và can thiệp trước khi chúng quá tầm tay. Hãy học cách phân biệt điều gì có tiềm năng tai họa với việc chỉ gây bực dọc chút đỉnh. Tuy nhiên cho dù trường hợp nào thì bạn cũng không nên hoàn toàn bỏ mặc.
     
  9. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 37: Tạo Ra Sự Hoành Tráng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hình ảnh hoành tráng và động tác cao đạo sẽ tạo ra vầng hào quang quyền lực, vì ai ai cũng đáp ứng. Hãy tổ chức những màn hoành tráng cho người xung quanh thấy, với hình ảnh sống động, biểu tượng rực rỡ làm tôn vinh sự hiện diện của bạn. Lóa mắt vì những cảnh tượng ấy, sẽ không ai để ý xem bạn đang thực sự làm gì.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Vào đầu thập niên 1780, cư dân Berlin đồn về cách chữa trị thần sầu của một bác sĩ mang tên Weisleder. Ông biểu diễn trong một căng-tin bán bia được cải tạo lại, còn bên ngoài là từng hàng dài đủ loại người, từ mù lòa đến què quặt, hoặc bất kỳ bệnh nhân nào mà y học cổ điển đã chê. Khi các bệnh nhân xác nhận rằng ông chữa trị bằng ánh trăng, thì mọi người gọi ông là Bác sĩ Ánh trăng của Berlin.

    Đến năm 1783 lại có tin đồn rằng ông đã chữa cho một bà giàu có khỏi bệnh nan y, từ đó ông trở thành siêu sao. Trước đây chỉ thấy dân nghèo Berlin rách rưới xếp hàng, giờ đây còn có bệnh nhân quần áo bảnh bao với cả dãy xa mã lộng lẫy chờ tận hoàng hôn. Dân nghèo sẽ giải thích rằng bác sĩ chỉ trị bệnh vào giai đoạn bạch nguyệt. Nhiều người khẳng định họ được chữa khỏi khi bác sĩ Weisleder kêu gọi thần lực của ánh trăng.

    Bên trong căn phòng rộng là hổ lốn đủ loại người, đủ mọi giai cấp và màu da, trông như cái tháp Babel thứ thiệt. Từ trên cao, ánh trăng chiếu xuyên kính cửa sổ rộng lớn. Người ta cho biết bệnh nhân được mời lên lầu, chia thành hai ngã. Nam giới sang bên trái gặp bác sĩ, nữ giới rẽ phải đến phòng của vợ bác sĩ. Mới tới chân cầu thang, bệnh nhân đã nghe tiếng rên la từ trên vọng xuống, nơi tương truyền rằng đã có người mù được chữa sáng mắt.

    Chẳng hạn như có bé trai bị đau ngực, bác sĩ sẽ ẵm bé lên soi trước ánh trăng, sau đó xoa vào chỗ đau và thì thầm nhiều câu khó hiểu, cặp mắt vẫn không rời mặt trăng. Sau đó bác sĩ thu tiền và tiễn bệnh nhân ra cửa. Ở đầu bên kia, các bệnh nhân nữ khẳng định bà bác sĩ chữa trị linh nhiệm không kém ông chồng, vì họ cảm thấy những cơn đau nhức đã đỡ hẳn.

    Diễn giải

    Giả định bác sĩ Weisleder không biết tí ti gì về y học, thì ít ra ông cũng am hiểu tâm lý con người. Ông hiểu rằng không phải lúc nào thiên hạ cũng thích lời lẽ hoặc diễn giải duy lý; họ muốn tác động tức thời đến cảm xúc. Cứ cho họ điều họ muốn, phần còn lại họ sẽ bổ sung đầy đủ, chẳng hạn như việc tưởng tượng rằng mình được chữa trị bằng ánh sáng phản chiếu từ một tảng đá cách xa hàng trăm ngàn dặm.

    Bác sĩ Weisleder không cần thuốc men hoặc diễn thuyết dài dòng về năng lực của mặt trăng. Bản thân ánh trăng đã đóng vai trò nam châm thu hút đủ mọi loại mơ tưởng, như lịch sử từng chứng minh biết bao lần. Chỉ cần gắn liền bản thân mình với hình ảnh mặt trăng, bác sĩ đã có thể gom thu quyền lực.

    Hãy nhớ rằng ta phải dựa vào đường ngang ngõ tắt để mưu cầu quyền lực. Ta phải luôn vòng né tránh những mối nghi, hoặc tâm lí cưỡng lại ý chí của ta. Hình ảnh là cách đi tắt rất hiệu quả: Chúng né được cái đầu, vốn hay nghi ngờ và kháng cự, và đánh thẳng vào con tim. Hình ảnh áp đảo thị giác, tạo ra nhiều liên kết hùng mạnh, quy tụ mọi người lại với nhau và dấy lên nhiều cảm xúc. Với cặp mắt bị ánh trăng áp đảo, nạn nhân sẽ không còn nhiều cảm xúc. Với cặp mắt bị ánh trăng áp đảo, nạn nhân sẽ không còn khả năng nhận thức mọi trò bịp bợm.

    DIANE DE POITIERS

    Năm 1536, vị vua tương lai nước Pháp là Henri II tuyển vương phi đầu tiên, Diane de Poitiers. Lúc đó Diane đã 37 tuổi, và là góa phụ của quan đại phu vùng Normandy. Còn Henri chỉ là chàng thanh niên 17 tuổi mới bắt đầu học đòi trác táng. Thoạt đầu quan hệ giữa hai người chỉ có vẻ về mặt tinh thần, nhưng dần dà Henri yêu Diane thật sự, thích ngủ lại phòng nàng hơn là về với người vợ trẻ Catherine de Médicis.

    Năm 1547 Vua François băng hà và Henri lên ngôi, Diane cảm thấy vị trí của mình hết sức nguy hiểm. Đã luống tuổi 48, và mặc dù sử dụng đủ loại thuốc trường xuân và sữa tắm dưỡng da, Diane không thể che giấu những vết hằn của thời gian. Giờ đây Henri đã là vua, có khả năng ông sẽ quay lại với hoàng hậu, rồi cũng như những vị vua khác, ông sẽ chọn một vương phi khác trong vô số những mỹ nữ từng làm bao nhiêu triều đình Âu châu phải ganh tỵ với Pháp. Dù sao thì nhà vua cũng chỉ mới 28 tuổi, trông thật hào hoa phong nhã. Nhưng Diane đâu có đầu hàng dễ như vậy, nàng sẽ tiếp tục mê hoặc người tình, như nàng đã mê hoặc suốt 11 năm qua.

    Bí mật của nàng nằm trong các hình tượng biểu trưng. Ngay từ lúc đầu mới giao tiếp với Henri, nàng đã chế ra hình ảnh bằng tên họ của hai người đan xen với nhau như một lời thề. Lúc ấy Henri cho thể hiện hình ảnh ấy khắp mọi nơi: thêu lên áo, khắc lên tượng đài, nhà thờ, mặt tiền điện Louvre ở Paris. Hai màu mà Diane ưa thích nhất là đen và trắng nên nàng chỉ mặc y phục toàn màu này, và nàng tận dụng mọi cơ hội để thể hiện hình ảnh tên tuổi quấn quít kia cũng bằng hai màu đen trắng. Ai ai cũng nhận ra biểu tượng ấy và ý nghĩa của nó.

    Sau khi Henri lên ngôi, Diane còn tiến xa thêm một bước: tự đồng hóa với nữ thần La Mã cùng tên là Diana. Đây là vị nữ tổ nghề săn bắn, vốn là thú tiêu khiển truyền thống của hoàng gia, đồng thời là môn thể thao mà Henri say mê nhất. Cũng quan trọng không kém là trong nghệ thuật thời Phục hưng, Diana tượng trưng cho sự trong trắng và tiết hạnh. Khi mối liên hệ được tạo ra giữa Diane và nữ thần Diana, mọi người trong triều đều hiểu và thêm phần kính trọng bà. Nêu cao mối quan hệ “trong trắng” giữa bà với nhà vua, hình ảnh ấy đã đặt Diane đứng cao hơn những vụ ngoại tình lăng nhăng của mấy bà vương phi khác.

    Để tăng cường hình ảnh đó, Diane cho làm lại toàn bộ lâu đài của bà ở Anet. Bà cho dựng lên một sảnh đường nhiều cột trông giống như ngôi đền kiểu Roman, làm từ đá trắng Normandy xen với đá lửa màu đen tuyền, thể hiện hai màu đặc thù của Diane. Huy hiệu mang tên họ của và bà được khắc khắp mọi nơi, xen lẫn với những biểu tượng của thần nữ Diana. Bên trong là nhiều tấm thảm không lồ kể lại từng giai đoạn trong truyền thuyết của nữ thần. Trong vườn, nhà điêu khắc lừng danh Gouion thực hiện tác phẩm Diane Chasseresse (thần nữ Diane ở tư thế đi săn, hiện vẫn được trưng bày ở bảo tàng Louver) với gương mặt giống Diane de Poitiers như đúc.

    Tất cả những thứ này đều gây ấn tượng cực kì mạnh với Henri, và sau đó đi đâu nhà vua cũng ca ngợi vẻ đẹp của tượng nữ thần. Khi cả hai xuất hiện tại Lyon, thần dân trong vùng đã dựng lên hoạt cảnh thần nữ Diana. Thi sĩ trứ danh nhất thời đó là Pierre de Ronsard sản xuất các tác phẩm ngợi ca Diana, và trong dân gian nổi lên một phong trào sùng kính bà. Henri cảm thấy hình như Diane tự tạo cho mình một loại hào quang thần thánh, và hình như ông phải tôn sùng bà suốt đời. Mãi cho đến khi ông băng hà vào năm 1559, nhà vua vẫn trung thành với bà- phong tước công cho bà, ban cho vô vàn bổng lộc, bày tỏ lòng tôn sùng vô bờ đối với vương phi đầu tiên và duy nhất.

    Diễn giải

    Diane de Poitiers, một phụ nữ xuất thân từ giới trưởng giả đã khéo léo mê hoặc được Henri suốt hơn 20 năm. Lúc vua băng hà thì bà đã vào tuổi lục tuần những vua vẫn một mực yêu thương. Như vậy là nhờ bà hiểu Henri rất rõ. Ông không mấy trí thức nhưng lại say mê dã ngoại, xem kỵ sĩ thi đấu, ngắm các thiếu nữ mặc đẹp. Sự say mê vẻ đẹp thị giác của Henri, Diane thấy rất ấu trĩ và bà đã lợi dụng sự ấu trĩ này mỗi khi có cơ hội thích hợp.

    Màn lợi dụng khôn ngoan nhất là vụ tự đồng hóa với nữ thần Diana. Với mánh khóe này, Diane đã đưa cuộc chơi vượt qua hình ảnh vật chất để vươn tới lĩnh vực biểu tượng tâm linh. Biến hình ảnh một tình nhân của vua thành biểu tượng tiết hạnh, quả là một kỳ công, nhưng Diane thực hiện được kỳ công đó. Nếu không dệt được mối dây liên hệ với nữ thần, Diane chỉ là một cung phi đang già đi. Nhưng một khi biểu tượng đó đã xuất hiện, Diane trở thành một sức mạnh huyền thoại để cho mọi người sùng bái.

    Bạn có thể sử dụng những hình ảnh tương tự, thêu dệt các tín hiệu thị giác thành một tập hợp mang tính bao quát, như Diane đã làm với màu sắc và huy hiệu. Thiết lập được một hình ảnh riêng biệt như thế, bạn cũng sẽ có vị trí khác với phàm phu. Bạn có thể đẩy cuộc chơi xa hơn một chút: Tìm trong kho tàng quá khứ xem có hình ảnh hay biểu tượng nào thích hợp với vị trí của mình hiện nay, rồi khoác nó lên vai như một long bào. Chiếc áo đó sẽ giúp bạn trông vĩ đại hơn thực tế.

    Vì ánh sáng mà mặt trời lan tỏa sang những vì sao khác làm cho tất cả trông giống như các triều thần quanh vua vì sự phân phối ánh sáng không đồng đều và bình đẳng như nhau cho tất cả mọi thứ, vì lợi ích mà nó mang đến cho mọi nơi, sinh ra đời sống, nguồn vui và hoạt động vì sự thường hằng của nó không bao giờ thay đổi. Ta chọn mặt trời như là hình ảnh huy hoàng nhất để đại diện cho một lãnh tụ vĩ đại.

    (Vua mặt trời Louis XIV, 1638-1715)

    CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

    Dùng lời lẽ để củng cố vị trí của mình là trò may rủi: Chữ nghĩa là dụng cụ nguy hiểm và có thể chệch hướng. Chữ nghĩa mà thiên hạ dùng để thuyết phục chúng ta cuối cùng sẽ khiến ta phản ánh hình ảnh họ bằng chữ nghĩa của ta. Ta nghiền ngẫm chữ nghĩa của họ thật lâu và thường khi lại tin điều ngược lại. Ngoài ra chữ nghĩa thường xúc phạm ta, dấy lên nhiều liên tưởng mà người ta nói không được chủ ý.

    Trái lại hình ảnh sẽ làm mê cung của chữ nghĩa bị ngắn mạch. Hình ảnh đánh nhau vào cảm xúc, không chừa thời gian cho suy nghĩ hoặc nghi ngờ. Ta hãy tưởng tượng Bác sĩ Ánh trăng cố gắng thuyết phục người chưa tin về năng lực chữa lành của ánh trăng, về mối liên hệ giữa mình với quả cầu xa lắc đó: Có lẽ ông ta sẽ không thành công. Nhưng may thay, ngay khi bước vào đại sảnh, bệnh nhân đã bị chìm trong cảnh tượng huyền bí và ấn tượng, không cần phải tốn nhiều lời vì ánh trăng đã đủ sức thuyết phục.

    Bạn nên nhớ rằng chữ nghĩa đưa ta vào thế bị động. Nếu phải mất công giải thích, thì xem như quyền lực của ta đã bị đặt vấn đề. Trái lại, đối với người xem, hình ảnh sẽ áp đặt như điều đương nhiên được quy định sẵn. Hình ảnh khiến người ta không còn muốn hỏi, hình ảnh tạo ra nhiều liên tưởng mạnh mẽ, kháng lại những diễn giải ngoài ý muốn, hình ảnh liên thông tức thì và tạo ra các liên kết vượt xa khỏi những dị biệt xã hội. Chữ nghĩa dấy lên lý luận và chia rẽ; hình ảnh quy tụ mọi người lại với nhau. Đó là dụng cụ quyền lực hùng mạnh.

    Đó cũng là quyền lực của biểu tượng. Biểu tượng đại diện cho một điều gì đó trừu tượng hơn. Các ý niệm trừu tượng - sự trinh bạch, lòng ái quốc, tình yêu, dũng khí - đầy những liên tưởng mạnh mẽ về cảm xúc. So với những chữ nghĩa dài dòng văn tự, biểu tượng là đường đi tắt, chứa đựng hàng tá ý nghĩa chỉ trong một câu hoặc một vật đơn giản. Biểu tượng của Vua Mặt trời, nói như Louis XIV, có rất nhiều tầng ý nghĩa, nhưng cái đẹp của nó ở chỗ những liên tưởng không cần giải thích mà thần dân sẽ hiểu được ngay, làm cho Louis nổi bật hơn những vị vua khác, tạo nên một vẻ đường bệ đặc biệt vượt xa trên tất cả chữ nghĩa. Biểu tượng chứa đựng vô vàn quyền lực.

    Bước đầu tiên để sử dụng biểu tượng và hình ảnh chính là hiểu được tầm quan trọng của thị giác so với những giác quan khác. Trước thời Phục hưng, người ta nghĩ các giác quan quan trọng như nhau. Nhưng từ đó về sau thị giác vượt trội và trở thành giác quan mà ta tin dùng. Bị người Moor bắt làm nô lệ, họa sĩ Filippo Lippi họa hình chủ nhân mình sống động trên tường. Khi chủ nhân thấy được, ông hiểu ngay sức mạnh của người có khả năng tạo ra bức vẽ ấy nên liền ra lệnh trả lại tự do.

    Khi sắp xếp mọi thứ theo thị giác, bạn phải chăm chút thật kỹ lưỡng. Những yếu tố như màu sắc, đều cộng hưởng rất mạnh về mặt biểu trưng. Thiên hạ sẽ hưởng ứng với màu sắc nhanh hơn là với chữ nghĩa.

    Khi đại gia lừa Yellow Kid Weil chế ra bản tin tức dạng bức thư ngỏ để quảng cáo các chứng khoán rởm mà ông đang rao bán, ông trang trọng đặt tên là “Bản tin thư Đỏ”, mướn in ấn cẩn thận, với màu đỏ rực rỡ bắt mắt. Màu này tạo ra tâm lý giục giã người xem, khiến họ nghĩ đến sức mạnh và vận may. Trong nhật ký sau này, Weil nhìn nhận những chi tiết đó đóng vai trò quan trọng trong màn lừa đảo. Vì vậy nếu có từ “vàng” trong tít tựa bất kỳ món gì mà bạn định rao bán, hãy in nó màu vàng kim. Vì tai nghe không bằng mắt thấy, nên thiên hạ sẽ đáp ứng với màu sắc nhanh hơn là lời nói. Thị giác có khả năng tác động mạnh đến cảm xúc. Hiệu quả hơn hết là việc phối hợp thành một cái mới – hòa nhập hình ảnh và biểu tượng lại thành điều gì đó chưa từng thấy, nhưng qua sự phối hợp mới ấy, mọi người sẽ cảm nhận tốt hơn một ý tưởng, thông điệp, hay tín ngưỡng mới. Cả đời mình, Hoàng đế La Mã Constantine rất sùng bái thần mặt trời. Nhưng ngày kia khi đang ngắm vầng dương, ông hoàng thấy cây chữ thập hiện trên nền mặt trời. Điều này khiến ông suy ngẫm về uy lực vượt trội của một tôn giáo mới. Sau đó ông không chỉ chuyển sang Công giáo, mà còn khuyến khích cả đế chế La Mã theo đạo mới ấy. Cho dù tất cả các thầy rao giảng hay thuyết dụ hết mình cũng không thể mang lại kết quả tương tự. Hãy phát hiện và liên kết mình với những hình ảnh và biết tượng nào có sức liên thông thần tốc, bạn sẽ nắm được quyền lực vô song.

    Hình ảnh thường xuất hiện theo dạng chuỗi nào đó, và trình tự xuất hiện sẽ tạo ra biểu tượng. Ví dụ đối tượng nào xuất hiện trước sẽ tượng trưng cho quyền lực hoặc hình ảnh trung tâm sẽ có tầm quan trọng lớn hơn.

    Lúc thế chiến thứ hai kết thúc, tướng Eisenhower lệnh cho các đoàn quân Mỹ dẫn đầu quân đội đồng minh tiến vào Paris đã giải phóng. Tuy nhiên tướng Pháp Charles de Gaulle nhận ra rằng trình tự này hàm ý người Mỹ điều khiển vận mệnh nước Pháp. Sau nhiều nỗ lực sắp xếp và điều đình, tướng De Gaulle và Sư đoàn II Thiết giáp của Pháp được phép dẫn đầu quân đồng minh. Kết quả là sau đó phe đồng minh bắt đầu đối xử với ông như lãnh tụ mới của nước Pháp độc lập. De Gaulle hiểu rằng một lãnh đạo phải đứng đầu đoàn quân đúng theo nghĩa đen. Hình ảnh này sẽ tạo ra mối liên tưởng không thể thiếu, dấy lên những xúc cảm trong quần chúng mà De Gaulle cần có.

    Ngày nay trò chơi biểu tượng cũng có thay đổi: có lẽ không còn hợp thời cho bạn đóng vai Vua Mặt trời, hoặc giả để quấn áo bào nữ thần Diana. Tuy nhiên ta vẫn có thể gián tiếp liên kết mình với những biểu tượng ấy. Và tất nhiên ta có thể tạo ra truyền thuyết của riêng mình từ những gương mặt lịch sử đương đại, những người tuy đã vắng bóng nhưng ảnh hưởng của họ vẫn còn rất mạnh trong quần chúng. Điều quan trọng là tạo được một hào quang, một bề thế mà cái vẻ bề ngoài tầm thường của ta không thể tạo ra. Bản thân Diane de Poitiers cũng đâu có sức mạnh lan tỏa như vậy vì bà chỉ là một người bình thường như bao chúng ta. Nhưng chính biểu tượng đã nâng bà cao hơn cõi phàm phu, tạo cho bà vẻ thần thánh.

    Biểu tượng vũng còn có hiệu quả lịch lãm vì thường khi biểu tượng phát ý tưởng một cách tinh tế hơn là chữ nghĩa thô thiển. Bác sĩ tâm lý Milton Erickson luôn thử tìm hình ảnh và biểu tượng có khả năng truyền thông với người bệnh, trong khi lời nói lại không thể. Khi tiếp xúc bệnh nhân tâm thần, ông không đặt câu hỏi trực tiếp nhưng chỉ nói bâng quơ, chẳng hạn như kể về ông lái xe băng qua sa mạc Arizona. Khi mô tả hoạt động này, ông tìm cách tiếp cận với biểu tượng mà ông cho là nói lên được vấn đề của người bệnh. Ví dụ nếu nghĩ rằng bệnh nhân cảm thấy bị cô lập. Erickson sẽ nói về một cây cứng cỏi đứng chơ vơ giữa đồng bị gió táp mưa sa. Một khi tạo được liên hệ xúc cảm với biểu tượng đó, bệnh nhân sẽ dễ dàng mở rộng cõi lòng.

    Hãy dùng sức mạnh của biểu tượng để quy tụ, hoạt náo và đoàn kết đội quân hay toán làm việc của bạn. Trong thời kỳ loạn lạc tại Pháp năm 1648, phe bảo hoàng định làm bẽ mặt nhóm nổi loạn bằng cách so sánh họ với cái ná dây (tiếng Pháp là fronde), thường được trẻ nhỏ dùng để hù dọa đàn anh lớn hơn. Hồng y De Retz quyết định dùng luôn hình ảnh này để tượng trưng cho phe chống đối: Từ đó, nhân dân gọi phong trào này là La Fronde. Các phần tử chống đối may những miếng vải nhỏ vào mũ của họ trông giống cái ná dây, và từ La Fronde trở thành khẩu hiệu tập hợp. Không có biểu tượng này chưa chắc phong trào tồn tại nổi. Bạn nhớ luôn tìm cho đại nghĩa của mình một biếu tượng có nhiều liên tưởng càng đậm đà cảm xúc càng hay.

    Cách tốt nhất để sử dụng hình ảnh và biểu tượng là tổ chức kết hợp chúng vào những buổi trình diễn ấn tượng, một mặt làm cho công chúng ngạc nhiên, mặt khác khiến họ quên đi thực tại đáng buồn. Điều này dễ làm thôi: thiên hạ luôn thích những gì lớn lao, hoành tráng và to tát hơn đời thường. Cứ đánh vào cảm xúc của họ. Rồi họ sẽ đổ xô từng đàn đến với những cuộc trình diễn của bạn. Thị giác là con đường ngắn nhất đi tới con tim.

    Hình ảnh

    Thập tự và mặt trời. Đóng đinh trên thập giá và bào quang rực rỡ. Chồng hai hình ảnh lên nhau, bạn tạo ra một thực tế mới, một quyền lực mới đang lên ngôi. Biểu tượng – không cần phải giải thích.

    Ý kiến chuyên gia:

    Thiên hạ luôn bị ấn tượng bởi về bề ngoài hời hợt của vật thể... Vào những thời điểm thích hợp trong năm, một vì vương phải làm cho dân chúng bận bịu và xao lãng bằng những hội hè đình đám.

    (Niccolò Machiavelli, 1469-1527)

    NGHỊCH ĐẢO

    Không quyền lực nào mà không đi đôi với hình ảnh và biểu tượng. Nguyên tắc này không cho phép nghịch đảo.
     
  10. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Nguyên tắc 38: Nghĩ Theo Ý Mình, Làm Như Số Đông

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nếu muốn chơi nổi bằng cách đi ngược lại thời thế, phô trương những ý tưởng trái quy ước và phong cách khác thường, thiên hạ sẽ cho rằng bạn muốn gây chú ý và bạn trịch thượng. Họ sẽ tìm cách trừng trị vì bạn làm họ tự ti. Tốt hơn bạn nên theo xu thế chung. Chỉ chia sẻ nét độc đáo với những bạn bè bao dung và những ai chắc chắn thưởng thức được nét độc đáo ấy.

    VI PHẠM NGUYÊN TẮC

    Khoảng năm 478 TCN, thành phố Sparta phái nhà quý tộc trẻ Pausanias dẫn đầu đoàn viễn chinh nhắm nước Persia trực chỉ. Các thị quốc ở Hy Lạp vừa đẩy lùi đợt xâm lược hùng mạnh của Persia, và giờ đây cùng với những chiến thuyền đồng minh Athens, họ được lệnh trừng phạt quân xâm lược và đoạt lại những hòn đảo cùng cùng duyên hải nào bị Persia chiếm đóng. Cư dân cả hai thành phố Athens và Sparta đều kính nể Pausanias, vì anh ta từng chứng minh mình là chiến binh can trường.

    Với sức mạnh thần tốc, Pausanias dẫn quân tiến chiếm đảo Cyprus, rồi dùng bàn đạp đó xâm lược vùng Hellespont ở Tiểu Á, hạ thành Byzantium (ngày nay là Istanbul). Lúc này khi làm chủ được một phần đế chế Persia, Pausanias bắt đầu tỏ lộ những dấu hiệu cư xử vượt quá tính nết lòe loẹt thường ngày. Khi xuất hiện trước đám đông, anh ta ăn mặc theo kiểu Persia, tóc bôi sáp thơm, luôn có cận vệ Ai Cập kè kè. Bảy ngày tiệc lớn ba ngày tiệc nhỏ, Pausanias còn bắt chước ngồi theo kiểu Persia và đòi hỏi phải có đàn ca xướng hát. Anh ta không màng đến bạn cũ, giao du với vua Xerxes của Persia, và mỗi mỗi đều cư xử như một nhà độc tài Persia.

    Rõ ràng quyền lực và thành công đã làm Pausanias mê muội đầu óc. Quân đội liên minh dưới quyền anh ta thoạt đầu cứ tưởng đó là thú ngông cuồng chóng qua, vì trước nay Pausanias vẫn còn tiếng chơi nổi. Nhưng khi anh ta tỏ rõ sự khinh miệt đối với lối sống đơn giản của người Hy Lạp và xúc phạm người lính Hy Lạp bình thường, liên quân cảm thấy Pausanias đã đi quá xa. Mặc dù chưa có gì xác đáng, nhưng tin râm ran rằng anh ta đã theo phe địch và muốn trở thành một Xerxes thứ hai. Để tránh khả năng tạo phản, binh đội Sparta tước quyền cầm quân của Pausanias và triệu hồi anh ta về.

    Tuy nhiên về đến quê nhà rồi anh ta vẫn ăn mặc theo kiểu Persia. Vài tháng sau Pausanias tự ý mướn thuyền trở lại Hellespont, lấy cớ là tiếp tục chiến đấu chống quân thù. Thật ra Pausanias toa rập với Xerxes để trở thành kẻ thống trị toàn cõi Hy Lạp. Nhưng sau đó mưu cơ bại lộ, anh ta bị truy đuổi phải chạy chốn vào một ngôi đền nhưng vẫn không chịu đầu hàng. Không muốn dùng bạo lực cưỡng chế Pausanias ra khỏi đền thờ, nhà cầm quyền bao vây cho đến khi anh ta chết đói.

    Diễn giải

    Thoạt nhìn ta cứ tưởng Pausanias quá yêu mến một nền văn hóa khác, vốn là hiện tượng vẫn thường xuyên xảy ra ở mọi thời kỳ. Sparta luôn nổi tiếng về sự khắc kỷ nên Pausanias không được thoải mái ở quê nhà, vì vậy anh ta đắm say lối sống xa hoa và dục lạc của Persia. Cách ăn mặc cầu kỳ thơm phức của anh ta là một hình thức giải thoát khỏi kỷ luật và sự đơn giản của nền văn hóa Hy Lạp.

    Đó là những dấu hiệu nơi những ai theo chân một nền văn hóa khác với nền văn hóa nơi họ được sinh ra và trưởng dưỡng. Tuy nhiên thường khi hãy còn một yếu tố khác trong cuộc: Có người công khai tôn sùng nền văn hóa ngoại lai song song với việc khinh thị nền văn hóa mẹ đẻ. Họ sử dụng vẻ bề ngoài ngoại lai để phân biệt mình với những đồng bào đang điềm nhiên tuân thủ các phong tục tập quán tại chỗ, họ muốn chứng tỏ mình hơn người. Chứ nếu không, họ đã ứng xử có giáo dục hơn và tỏ vẻ nể nang những người không chia sẻ những khát khao của họ. Quả tình vì không làm chủ được nhu cầu chơi trội nên thường khi họ bị căm ghét, bởi vì họ đã thách thức phong tục tập quán, cho dù thách thức một cách gián tiếp và tinh vi, nhưng dù sao sự thách thức ấy vẫn xúc phạm.

    Như Thucydides viết về Pausanias: “Tỏ vẻ khinh thị luật lệ, bắt chước phong cách ngoại lai, anh ta làm đông đảo mọi người nghi là anh không muốn tuân thủ những chuẩn mực thông thường”. Nếu văn hóa có những chuẩn mực phản ánh những niềm tin và lý tưởng được sẻ chia qua hàng bao thế kỷ. Đừng nghĩ rằng có thể đùa với những điều đó mà không phải trả giá. Những vi phạm sẽ bị trừng trị bằng cách này hay cách khác, thậm chí chỉ bằng hình thức bị cô lập - một tình trạng bất lực hoàn toàn.

    Nhiều người trong chúng ta vẫn bị hấp dẫn bởi tiếng gọi của hương xa. Hãy liệu chừng và tiết chế ước mong ấy. Phô trương sở thích của mình bằng những cách suy nghĩ và hành động lạ lùng sẽ để lộ một động cơ khác hẳn - chứng tỏ mình trội hơn người khác.

    TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

    Cuộc cải chính Tin lành tại Italia gặp phải những phản ứng mạnh bạo cuối thế kỷ XVI. Phong trào Phản-Cải chính có một phiên bản riêng giống như ban thanh tra dị giáo, nhằm đánh bật gốc mọi dị bản của Giáo hội Công giáo. Trong số những nạn nhân có nhà khoa học Galileo, nhưng còn một nhà tư tưởng khác còn chịu nhiều đớn đau hơn nữa, đó là giáo sĩ dòng Đa Minh, đồng thời là triết gia Tommaso Campanella.

    Là môn đồ chủ thuyết vật chất của triết gia La Mã Epicurius, Campanella không tin vào phép lạ, cả thiên đàng và địa ngục cũng không tin. Ông ta viết rằng Giáo hộ cổ xúy những thứ mê tín đó để kiểm soát người dân thường, bằng cách làm cho họ sợ. Những ý tưởng như thế gần như là thuyết vô thần, nhưng Campanella vẫn phát biểu liều lĩnh. Năm 1593 Ban thanh tra dị giáo quăng ông ta vào tù, sáu năm sau, bản án được giảm một phần, ông ta được quản thúc trong một tu viện ở Naples.

    Vào thời kì này Italia chịu sự kiểm soát của Tây Ban Nha và Campanella lại dính dáng vào một âm mưu đánh đuổi quân xâm lược. Ông ta hy vọng thành lập một nền cộng hòa độc lập căn cứ trên những ý không tưởng của mình. Các lãnh đạo ban thanh tra dị giáo Italia bắt tay với đồng nghiệp Tây Ban Nha tống giam Campanella, lần này đi kèm với tra tấn. Ông ta được nếm mùi la veglia: hai cách tay bị trói thúc treo ngược lên, phía dưới là hầm chông. Chống trọi lại nỗi đớn đau khi bị treo lên đã quá sức người, nói gì đến việc rơi xuống chông nhọn, vì vậy tinh thần của tội đồ hết sức khủng hoảng.

    Suốt những năm đau khổ đó Campanella đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm về quyền lực. Đối mặt với khả năng tử hình vì dị giáo, ông ta thay đổi chiến lược: Không chối bỏ niềm tin của riêng mình, nhưng ngụy trang chúng dưới một bề ngoài khác hẳn.

    Thoạt tiên ông giả điên, để cho các thanh tra nghĩ rằng những gì ông tin đều xuất phát từ một cái đầu không bình thường. Mặc dù ông vẫn tiếp tục bị tra tấn thêm một thời gian xem điên thật hay điên giả nhưng đến năm 1603 án tử hình giảm xuống còn chung thân. Trong bốn năm đầu ông bị xiềng cứng vào bức tường lạnh giá của xà lim ngầm. Dù vậy, Campanella vẫn tiếp tục viết.

    Một trong những tác phẩm của ông là quyển The Hispanic Monarchy, cho rằng Tây Ban Nha mang mệnh trời để triển khai quyền lực khắp thế giới. Sách hiến một số kế kiểu Machiavelli cho vua Tây Ban Nha để ngài nhanh chóng đạt thành ý nguyện. Thật ra tác phẩm này chỉ là cái cớ để Campanella cho mọi người thấy rằng ông đã cải tà quy chính. Sáu năm sau, giáo hoàng trả tự do cho ông.

    Không bao lâu sau, Campanella xuất bản quyển Atheism Conquered chỉ trích bọn độc lập tư tưởng, môn đồ chủ nghĩa Machiavelli, tín đồ Tin lành phái Calvin và nói chung là bọn vô thần dị giáo đủ loại. Theo cách trình bày trong sách, trước hết người dị giáo phát biểu quan điểm của họ, sau đó bị lý luận Công giáo cao siêu đả phá. Rõ ràng là Campanella đã cải tà quy chánh - quyển sách đã làm sáng tỏ việc này. Có thật sự vậy không?

    Lập luận do những người dị giáo nói ra trong sách của Campanella chưa bao giờ hùng hồn khỏe khoắn đến như thế. Lấy cớ là trình bày ý kiến của bọn họ để dễ bề đả phá, thật ra Campanella tóm lược lập trường chống lại Công giáo với tất cả nhiệt huyết. Còn khi lý luận cho phe kia, được xem là phe mình, Campanella lại sử dụng những câu sáo ngữ ôi thiu và lý luận vòng vo rắc rối. Được trình bày ngắn gọn và hùng biện, lập trường phe dị giáo thật dũng cảm và chân thành. Còn lý luận dài dòng của Công giáo thật phát mệt và không thuyết phục.

    Người Công giáo thấy quyển sách này lập lờ và không ổn, nhưng vẫn không thể kết tội nó là vô thần hay dị giáo. Nói cho cùng thì Campanella vẫn dùng y hệt những lý luận mà họ dùng hàng ngày. Tuy nhiên những năm sau đó quyển Atheism Conquered trở thành sách gối đầu giường cho giới vô thần, các môn đệ Machiavelli và những người tự do tư tưởng. Họ dùng những lập luận do Campanella viết sẵn để bênh vực những ý tưởng của mình. Phối hợp vẻ bề ngoài tuân thủ đúng phép tắc, với cách phát biểu niềm tin thật sự của mình để những người đồng tình có thể hiểu được, Campanella chứng tỏ mình đã thuộc bài.

    Diễn giải

    Đối diện với án tử hình, Campanella vạch ra ba bước chiến lược giúp ông giữ được sinh mệnh, thoát khỏi ngục tù và tạo điều kiện tiếp tục phát biểu niềm tin. Thoạt tiên ông giả điên, sau đó viết sách với nội dung hoàn toàn ngược lại những điều ông tin trước đó. Cuối cùng việc thông minh nhất là nghi trang tư tưởng mình dưới hình thức chống đối chúng. Đây là mánh khóe xưa cũ nhưng rất mạnh: Giả vờ phản bác các ý kiến nguy hiểm, nhưng trong quá trình chống đối , ta phát biểu và tuyên truyền chúng. Giả vờ tuân thủ tính chất chính thống đang được thời, nhưng những ai tinh ý sẽ hiểu ra lối biếm nhã bên trong. Ta bình an vô sự.

    Trong xã hội có những tình trạng những giá trị hay tục lệ nào đó mất dần liên lạc với những động cơ nguyên thủy của chúng, từ đó trở nên ngột ngạt và áp đặt. Và sẽ luôn có người chống lại sự áp đặt ấy, nói lên những ý tưởng đi trước thời đại khá xa. Tuy nhiên như Campanella, ta sẽ không được lợi ích gì khi phát biểu lập trường của mình, nếu sau đó ta phải chịu cực hình khổ ải. Ở đây làm thánh tử đạo cũng vô ích, chẳng thà tiếp tục sống trong một thế giới đàn áp, thậm chí tìm cơ phát triển nó. Sau đó ta sẽ tìm cách tinh tế nói lên ý kiến của mình cho những người thông hiểu. Đàn gảy tai trâu chỉ thêm phần rắc rối.

    Suốt một thời gian rất dài tôi không nói ra những gì mình tin, và cũng không tin những gì mình nói, và nếu đôi khi thật sự tình cờ phải nói sự thật tôi giấu sự thật ấy trong nhiều tầng dối trá rất khó phát hiện.

    (Niccolò Machiavelli)

    CỐT TỦY NGUYÊN TẮC

    Tất cả chúng ta ai cũng nói dối và che đậy cảm tưởng thật của mình, vì tự do phát biểu tuyệt đối là điều bất khả về mặt xã hội. Từ khi còn bé ta đã tập tành che đậy những gì mình nghĩ, chỉ nói ra cho bọn nhạy cảm và đa nghi nghe những gì mà ta biết họ muốn nghe, cẩn thận để không làm mất lòng họ. Đối với hầu hết chúng ta, điều vừa kể trên là tự nhiên thôi – có những ý tưởng và giá trị mà đa số thiên hạ công nhận, do đó có cãi lại cũng không ích lợi gì. Chúng ta tin tưởng những gì mình muốn tin, nhưng bề ngoài thì lại phải mang mặt nạ.

    Tuy nhiên có nhiều người xem sự kiềm chế đó là việc xâm phạm không thể chấp nhận đối với quyền tự do của họ. Họ có nhu cầu chứng tỏ rằng lập trường của họ chỉ thuyết phục được một số ít và làm mất lòng số đông. Lý do là vì hầu hết mọi người bảo lưu ý kiến và niềm tin của họ do xúc cảm hơn là tư duy. Thật ra họ không muốn làm lại mới từ đầu những thói quen suy nghĩ, và khi ta có nói điều gì trái ý họ, cho dù trực tiếp bằng lý luận hay gián tiếp bằng hành động, họ sẽ tỏ thái độ không thân thiện.

    Những người thông minh và khôn ngoan sớm hiểu ra rằng mình có thể nói và làm theo quy ước nhưng thật ra trong bụng chẳng tin chút nào. Sức mạnh mà họ thu lượm được từ sự uyển chuyển đó là họ được yên thân để tùy ý muốn nghĩ gì thì nghĩ, và chỉ nói ra cho những người mà họ muốn nói ra, như thế tránh bị cô lập hoặc bị tẩy chay. Một khi đã thiết lập được vị trí quyền lực, họ sẽ chứng minh sự đúng đắn của tư tưởng mình cho cử tọa đông đảo hơn. Nếu cần, họ có thể sử dụng chiến lược của Campanella để nói bóng gió và biếm nhã.

    Vào cuối thế kỷ XIV, dân Tây Ban Nha bắt đầu khủng bố ồ ạt những người Do Thái, ám sát hàng ngàn người và lưu đầy những người còn lại. Ai muốn ở lại Tây Ban Nha thì phải cải đạo. Nhưng suốt 300 năm sau đó, người Tây Ban Nha rất lo âu bởi một hiện tượng lạ: Nhiều người đã cải đạo tuy bề ngoài theo Công giáo những vẫn xoay xở để duy trì tín ngưỡng Do Thái giáo, vẫn hành trì ở chốn riêng tư. Họ bị gọi là hạng Marrano (nguyên chữ Tây Ban Nha là “heo”), nhưng vẫn leo lên đến nhiều địa vị quan trọng trong chính quyền, thiết lập quan hệ hôn nhân với giới quý tộc, vẫn chứng tỏ là tín đồ Công giáo thuần thành, nhưng chỉ đến cuối đời mới bị phát hiện là thực sự theo đạo Do Thái. Theo năm tháng, người Marrano đã thành thạo nghệ thuật giả vờ, công khai theo thập giá, tài trợ nhà thờ thật rộng rãi, thậm chí đối khi còn nói những câu bài – Do Thái – nhưng trong lòng vẫn duy trì tự do tâm linh.

    Người Marrano biết rằng trong xã hội thì vẻ bề ngoài mới là quan trọng. Và điều này luôn đúng cho đến ngày nay. Như Campanella đã viết trong quyển Atheism Conquered, hãy ra vẻ phục tùng, thậm chí bạn có thể chứng tỏ mình cúc cung cho lý thuyết chính thống đang được thời. Như vậy ít ai ngờ rằng bạn có quan niệm trong chốn riêng tư.

    Đừng suy nghĩ sai lầm rằng thời đại tân tiến này không đặt ra những vấn đề chính thống cổ xưa. Ví dụ như Jonas Salk từng tưởng rằng khoa học đã vượt qua chính trị và nghi thức. Vì vậy khi nghiên cứu thuốc chủng ngừa bại liệt, ông đã phá vỡ mọi quy ước - công bố khám phá trước khi trình bày với cộng đồng khoa học gia, xác nhận công lao mình đối với thuốc chủng ngừa mà không để cập đến những đồng nghiệp khác đã “lót đường” trước đó. Công chúng có thể yêu mến ông nhưng cộng đồng khoa học lại tẩy chay. Vì không tôn trọng những quy ước chính thống nên ông bị cô lập, nên sau đó ông phải mất nhiều năm để sửa chữa sai lầm và rất vả để tìm tài trợ.

    Bertolt Brecht từng là nạn nhân của một dạng Ban Thanh tra dị giáo thời hiện đại - Ban điều tra và những hành động chống Mỹ của hạ viện. Nhà làm phim này có nhiều hành động táo bạo trong thời kỳ Thế chiến II, nên Ban điều tra buộc ông phải trình diện để trả lời về thái độ thân Cộng. Những văn nghệ sĩ khác bị trát đòi đều kiên quyết có những hành vi chống đối. Mặc dù thật sự có cảm tình với Cộng sản, song Brecht lại chọn thái độ mềm mỏng. Với những câu hỏi được đặt ra, ông đều có cách trả lời mơ hồ và nước đôi, sau đó nại cớ là thông dịch viên dịch không đúng để phản cung.

    Sau khi thoát nạn ở Mỹ để trở về Đông Đức, ông lại phải đối đầu với Ban thanh tra bên đó vì họ cho rằng các vở kịch của ông có nội dung suy đồi và bi quan. Brecht cũng không cãi lại lời nào mà im lặng chấp hành những chỉ đạo sửa chữa. Nhưng mặt khác ông vẫn xoay xở để in ấn kịch bản nguyên xi, không thay đổi chữ nào. Nhờ trò hai mang này mà ông có thể tiếp tục sống và làm việc yên thân, trong khi vẫn trung thành với những ý tưởng của riêng mình.

    Người tài năng không chỉ tránh làm mất lòng theo kiểu Pausanias hoặc Salk, mà còn đóng vai con chồn tinh khôn, giả vờ thuận theo xu thế chung. Bọn thầy lừa và chính khách của mọi thời đại luôn sử dụng mánh khóe này. Các lãnh tụ như Julius Caesar hay Franklin D. Roosevelt đã tạm gác tư thế quý tộc để duy trì lối ứng xử bình dân. Cử chỉ và lời nói của họ thường mang tính tượng trưng, chứng tỏ với dân thường rằng cho dù khác nhau về tầng lớp nhưng họ vẫn chia sẻ những chuẩn mực của quần chúng.

    Khi đến với đám đông, bạn hãy cất những lập trường quan điểm riêng tư lại nhà và đeo vào cái mặt nạ thích hợp với tập thể mà bạn sinh hoạt. Bismarck từng chơi trò này suốt nhiều năm. Thiên hạ tưởng ông chia sẻ những quan niệm của họ. Nếu thực hiện kỹ lưỡng, bạn sẽ không bao giờ bị lộ tẩy.

    Hình ảnh

    Con chiên ghẻ. Đàn cừu lánh xa con chiên ghẻ vì không biết nó có thuộc đàn hay không. Vì vậy chiên ghẻ thường vẫn vẩn vơ ở phía sau hoặc đi lạc khỏi đàn, và cuối cùng bị sói xơi thịt. Bạn hãy luôn ngụ chung với đang, số đông sẽ giúp bạn an toàn. Hãy cất riêng những điểm dị biết chứ đừng để lộ ra ngoài.

    Ý kiến chuyên gia

    Đừng bỏ vật thánh cho chó cũng đừng quăng ngọc châu của mình cho heo kẻo nó giãy đạp, rồi quay lại cắn xé các ngươi.

    (Jesus Christ, Mattbew 7:6)

    NGHỊCH ĐẢO

    Khi bạn đã có vị trí vượt trội rồi, thì mới nên chơi trội – khi bạn đã có vị trí quyền lực vững chắc bất khả lay chuyển và có thể phô trương sự cách biệt như là dấu hiệu khoảng cách giữa bạn với người khác. Với tư cách là tổng thống Mỹ, Lyndon Johnson thỉnh thoảng lại cho họp trong khi ông đang ngồi toa-let. Vì không ai khác có thể có “ưu tiên” đó nên Johnson có thể chứng tỏ ông có quyền bỏ qua mọi nghi thức và tế nhị dành cho người khác. Hoàng đế La Mã Caligula cũng từng làm như thế: Khoác một chiếc áo choàng tắm hoặc một áo xoàng của phụ nữ để tiếp khách quan trọng. Ông còn ngông đến độ cho mọi người bầu con ngựa của mình làm quan chấp chính. Nhưng cái giá phải trả là ông bị dân chúng ghét. Vì vậy ngay cả những người ở vị trí quyền lực tối cao cũng nên giả vờ theo khuynh hướng chung, bởi vì trước sau gì họ cũng cần đến sự ủng hộ của quần chúng.

    Nhưng nói cho cùng thì đôi khi trời cũng dành một chỗ cho kẻ chơi ngông, kẻ đi ngược lại lệ thường và châm biếm những gì không còn sức sống trong nền văn hóa. Chẳng hạn như Oscar Wilde đã thành tựu được một loại quyền uy về mặt xã hội trên nền tảng sau đây: Ông tuyên bố rõ là mình khinh thị mọi lề thói thông thường. Cử tọa biết rằng khi diễn thuyết, ông sẽ thóa mạ họ và họ lại hoan nghênh hành động ấy. Đừng quên là ông có một thiên tài phi thường: Nếu không có tài năng làm mọi người vui thích và thú vị đó, sức chua cay của ông chỉ làm mất lòng mà thôi. Tuy nhiên chúng ta cũng nhắc nhớ rằng thói ngông cuồng ấy cuối cùng cũng làm hại ông.
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...