Chủ nghĩa hiện thực là gì? Chủ nghĩa lãng mạn là gì? Nguyên tắc sáng tác

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ột Éc, 13 Tháng mười 2022.

  1. Ột Éc

    Bài viết:
    2,952

    1. Chủ Nghĩa Hiện Thực

    1.1. Khái Niệm


    Chủ nghĩa hiện thực là một trào lưu văn học có khi nó là đối tượng của bộ môn lịch sử văn học, có khi nó được hiểu như một kiểu sáng tác "tái hiện." Ngoài ra, nó còn được xem là một phương pháp sáng tác.

    Nếu hiểu chủ nghĩa hiện thực là một phương pháp sáng tác thì nó có nghĩa là những nguyên tắc phản ánh mang tính tư tưởng, nghệ thuật của một trào lưu văn học. Nó thể hiện ở nhiều dạng khác nhau như: Chủ nghĩa hiện thực thời Phục Hưng, chủ nghĩa hiện thực thời khai sáng.. Vào thế kỉ XIX, chủ nghĩa hiện thực đạt được đỉnh cao, nên được gọi là chủ nghĩa cổ điển. Theo M. Gorki, cảm hứng chủ đạo của nó là phê phán nên gọi là chủ nghĩa hiện thực phê phán.

    [​IMG]

    1.2. Nguyên tắc sáng tác

    Nguyên tắc lịch sử - cụ thể
    đã thay thế cho nguyên tắc lý tính. Nhờ vậy, nhà văn phản ánh cuộc sống một cách cụ thể, chân thực, rõ ràng nhất, giúp người đọc như nhìn thấy cảnh đời thực đang diễn ra trước mắt.

    Bức tranh hiện thực rộng lớn trong chủ nghĩa hiện thực phê phán được mô tả chân thực, cụ thể thể hiện được năng lực quan sát tinh tế của nhà văn. Sự quan sát không dừng ở đó khi nhà văn tiếp tục phân tích, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt sự vận động trong xã hội.

    Nguyên tắc điển hình hóa: Chủ nghĩa hiện thực cuộc sống phê phán phải miêu tả cuộc sống như nó vốn có, nhưng phải phản ánh cuộc sống một cách điển hình và chuyên chở thông điệp của nhà văn đến độc giả.

    Nguyên tắc điển hình được xem là nguyên tắc đặc trung cho chủ nghĩa hiện thực phải đảm bảo, thõa mãn tính chung và tính riêng. Nguyên tắc điển hình là nguyên tắc tạo nên những điển hình, vừa mang những đặc điểm độc đáo của riêng nó, vừa có diện mạo của vô số những gương mặt ngoài nó. Nhà văn có thể chọn lựa những chi tiết điển hình để nói chính xác, chân thực bản chất của sự vật, sự việc nên nhà văn phải biết sàng lọc kĩ lưỡng từ những chi tiết thu nhặt được để tạo nên những chi tiết điển hình cho tác phẩm.

    Những chi tiết điển hình sẽ có khả năng xây dựng lên những tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình trong tác phẩm. Chủ nghĩa hiện thực thể hiện cao độ tinh thần phân tích cả xã hội lẫn phân tích tâm linh, thế giới bên trong của con người. Nhà văn cần phải có vốn hiểu biết sâu rộng về cuộc sống xã hội, có năng lực tính khái quát cao, biết giữ những yếu tố chủ yếu, bỏ những yếu tố thứ yếu. Tính cách nhân vật phải được thể hiện sinh động, độc đáo từ ngoại hình đến hành động. Từ đó, nhà văn xây dựng nên những cá tính, tính cách riêng của mỗi nhân vật để không bị trùng lặp giữa nhân vật này với nhân vật kia. Tính cách điển hình cần phải được đặt trong hoàn cảnh điển hình. Tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình luôn có mối quan hệ tác động qua lại với nhau.

    Tóm lại, đây là thành tựu rực rỡ của chủ nghĩa hiện thực trong quá trình khái quát xã hội lẫn khai thác tâm lý của con người. Đến chủ nghĩa hiện thực phê phán mới có nguyên tắc điển hình hóa.

    Nguyên tắc khách quan: Các nhà văn hiện thực luôn nhìn nhận cuộc sống đúng với bản chất, sự thật và nhận thức rõ trách nhiệm phản ánh chân thực vào tác phẩm của mình. Tính khách quan thể hiện trong việc xây dựng tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình. Hoàn cảnh trong tác phẩm không phải do lý tưởng tạo ra mà nó mang tính thời đại, phản ánh mâu thuẫn giai cấp theo xu hướng vận động của xã hội.

    Nhân vật được nhà văn nhìn nhận trong tính đa chiều, đa dạng. Tác giả thể hiện tâm tư, tình cảm thông qua hình tượng nhân vật, nhưng không làm ảnh hưởng đến nhân vật. Đỉnh cao nguyên tắc khách quan là hiện tượng nhân vật nỗi loạn. Đây là hiện tượng hướng đi về sau của nhân vật mâu thuẫn với dự kiến chủ quan ban đầu của nhà văn, tuy nó vẫn phù hợp với sự thay đổi về sau trong nhận thức của nhà văn.

    Tóm lại, nguyên tắc khách quan đã giúp nhà văn tái hiện, nhìn nhận hiện thực đa chiều, không còn chủ quan, nhìn nhận một chiều, phiến diện về sự vật, sự việc, hiện tượng trong đời sống.

    2. Chủ nghĩa lãng mạn

    2.1. Khái niệm


    Trong "Lý luận văn học" do Phương Lựu chủ biên, có định nghĩa về "Chủ nghĩa lãng mạn" như sau: "Chủ nghĩa lãng mạn thì có nghĩa vừa là trào lưu văn học vừa là phương pháp sáng tác, mang một nội dung xã hội lịch sử cụ thể, hình thành một cách tiêu biểu ở Tây Âu sau đại cách mạng tư sản Pháp 1789. Và dù hiểu theo nghĩa trào lưu hay phương pháp thì chủ nghĩa lãng mạn vẫn có 2 khuynh hướng tích cực và tiêu cực, tuy có mối liên hệ rất phức tạp với nhau."

    [​IMG]

    2.2. Nguyên tắc sáng tác

    Đề cao mộng tưởng hơn thực tại:
    Chủ nghĩa lãng mạn mong muốn thoát ly, chống lại thực tại. Họ luôn ao ước về một Thế giới tốt đẹp hơn Thế giới họ đang sống. Đối với người lãng mank tiêu cực, họ sẽ có cái nhìn bi quan, muốn trốn chạy thực tại để tìm về quá khứ, tìm về mộng tưởng. Còn những người lãng mạn tích cực, họ luôn lạc quan, yêu đời, suy nghĩ tích cực, không chấp nhận hiện thực và muốn thành lập nên một xã hội mới công bằng, tự do, hạnh phúc hơn, mặc dù điều đó còn mơ hồ và không tưởng. Ở giai đoạn sau, những tác phẩm lãng mạn tích cực thường miêu tả hiện thực cuộc sống rõ rệt, phản ánh nỗi thống khổ và cải thiện những mâu thuẫn.

    Đề cao tình cảm: Đối với sáng tác, đời sống tình cảm cần phải phong phú, dồi dào. Tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, con người thường được thể hiện trong sáng tác của họ. Khi chủ nghĩa lãng mạn ra đời, cái tôi cá nhân cũng được tự do, phóng túng. Con người không còn quan niệm theo những khuôn khổ gò bó, chặt hẹp, lõi thời và cũng không còn tôn sùng lý trí nữa, mà luôn nhìn mọi vấn đề bằng tình cảm, bằng trái tim biết vui, buồn, đau khổ, ước mơ và hy vọng. Từ đó, những tác phẩm lãng mạn của thể loại thơ trữ tình và tiểu thuyết tình cảm lần lượt ra đời. Chính vì đề cao tình cảm nên nhà văn thường xây dựng những nhân vật trong tác phẩm lãng mạn có tấm lòng vị tha, nhân hậu, bao dung, biết yêu thương, cảm thông, thấu hiểu trước những nỗi đau, số phận bất hạnh, mất mát của con người. Hoàn cảnh trong tác phẩm lãng mạn thường mang tính ước lệ.

    Đề cao tự do: Chủ nghĩa lãng mạn không chỉ đề cao mộng tưởng, tình cảm mà còn đề cao sự tự do. Người sáng tác được quyền tự do cho trí tưởng tượng và sáng tạo. Trong thời kì văn học lãng mạn, nhà văn không còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi tính duy lý như trước, các nhà văn đã mạnh dạn thể hiện, bộc lộ, nói lên những suy nghĩa, quyền cá nhân của mình.

    Tóm lại: Chủ nghĩa lãng mạn là một phương pháp chống lại phương pháp cổ điển đã tồn tại nhiều thế kỉ. Chủ nghĩa lãng mạn đã tác động và làm thay đổi trật tự xã hội cũ kĩ, lõi thời, lạc hậu. Chủ nghĩa lãng mạn được phân hóa theo hai hướng khác nhau: Chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực là sự xuất hiện các dòng văn học suy đồi ở Tây Âu, còn chủ nghĩa lãng mạn tích cực thì đang dần tiến đến văn học hiện thực. Dù theo hướng nào đi nữa, thì chủ nghĩa lãng mạn vẫn đóng vai trò, vị trí quan trọng, không thể thiếu trong sáng tác.

    Xem thêm Hiện Thực Và Lãng Mạn Trong Tác Phẩm Tắt Lửa Lòng Của Nguyễn Công Hoan
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...